Lớn lên trên đảo vắng - Phần III - Chương 1

III - Chương 1

MƯỜI NĂM QUA – NHỮNG SỰ BIẾN ĐỔI CỦA MẤY ĐỨA TRẺ - CHUYẾN ĐI XA CỦA PHRÊ-ĐÊ-RÍCH – VỊNH NGỌC TRAI – CON CHIM BÁO BÃO.

Mười năm đã qua, kể từ ngày chúng tôi đặt chân lên bờ biển này, những năm về sau cũng không có gì khác mấy những hoạt động đã kể trên đây. Bao giờ cũng vẫn là một chuỗi những công việc như thế: gieo hạt, gặt hái, phơi phóng, cất giấu nông sản, sửa sang sắp xếp trong nhà, dăm ba chuyến đi thăm dò đây đó... Đó là hầu hết tất cả những phần chính nối tiếp nhau trong cuộc sống bình thản của chúng tôi.

Thời gian mười năm qua, sống yên ổn và hạnh phúc, có thể coi như là những năm đi sâu tìm hiểu và xây dựng miền này. Chúng tôi đã dựng hai ngôi nhà ở, ngăn khu vực của mình bằng những đường biên giới bất khả xâm phạm. Một bức chiến lũy vô cùng kiên cố đã đóng kín con đường độc đạo qua núi, không cho lũ ác thú từ đồng cỏ lọt vào. Một phía là núi đá cao ngất, ba mặt là biển, bảo vệ cho khu vực mà chúng tôi đã chọn được chắc chắn và yên ổn. Chúng tôi cũng đã hiểu được khá rõ miền đất đai của mình; chúng tôi đã xông xáo nhiều lần khắp nơi khắp chốn mà có thể yên trí không có dấu hiệu gì của một tai họa thực sự. Từ nay chúng tôi chỉ cần tiến hành dần dần và lâu dài những công trình trang hoàng và sửa sang thay đổi cho tốt lên mãi nữa thôi.

Những dinh cơ chính của chúng tôi đều đẹp, thuận tiện và nhất là rất hợp vệ sinh. Nhà trong động là chốn trú ngụ chắc chắn cho người và vật cùng tất cả lương thực, đồ dùng trong mùa mưa gió, còn Tổ chim ưng thì bao giờ cũng vẫn là biệt thự mùa hè, dinh cơ ở nông thôn. Rồi Chốn ẩn dật, Miền trù phú, và ngay cả túp lều bằng cây dựng ở chiến lũy chắn đường độc đạo đều giống như những trang trại yên tĩnh tại miền núi Thụy Sĩ: mỗi khi người du khách lỡ đường ghé qua đều được đón tiếp một cách chân thành nhất và nồng nhiệt nhất.

Bà Ê-li-da-bét rất sung sướng khi nghe lời so sánh ấy. Bà quay nhìn rặng núi chót vót ở tít nơi chân trời phía đồng cỏ.

- Bố nó thấy không kìa? – Vợ tôi nói với tôi – Dãy An-pơ (Một dãy núi cao giữa Pháp và Thụy Sĩ, chạy dài xuống cả biên giới Ý) đỉnh tuyết phủ trắng xóa! Những cây cao lớn kia, ngọn chấm mây, chẳng là những cây thông ở Rừng Đền (Rừng trên núi ở biên giới Thụy Sĩ – Đức – Pháp) đó sao? Và, ngay sau Trại chăn nuôi, hồ Công-xtăng (Hồ lớn nổi tiếng ở Thụy Sĩ) nằm im lìm, nước trong và phẳng lặng!

Tôi cũng chia sẻ với vợ tôi những ảo ảnh rất xúc động ấy, đúng là lòng luyến nhớ quê hương bao giờ cũng ít phai nhạt hơn hết!

Vùng bao quanh nhà ở, cảnh trí vừa phong phú vừa đẹp mắt. Cây cỏ trồng ở đây mọc tốt trông thấy. Từ động đến bờ biển, một đám cây lớn nhỏ, trồng một cách lộn xộn mà đáng yêu, đem lại cho vạt đất ấy một nét thanh nhã của một vườn cảnh kiểu Anh. Đảo cá mập, nằm ngoài biển, cũng không còn là một dải đất cát cằn cỗi nữa,: bên trên là những chùm lá dừa, lá thông và nhiều cây khác cao vút; bên dưới, những bụi thanh trà chen trong đám lau sậy bên bờ, giữ gìn đất khỏi bị sóng cuốn đi.

Khắp nơi vang lừng tiếng chim biển và chim đồng nước. Thiên nga đen bơi bên cạnh ngỗng nhà; hàng đàn vịt màu sắc tươi sáng nhào lộn bì bõm. Thỉnh thoảng từ bụi lau lại vụt ra một con sếu trắng hoặc một con hồng hạc.

Xa hơn về phía trong, trên những đồng cỏ xanh dưới bóng cây to im mát, lũ đà điểu thong

dong đi dạo. Nào hạc, nào gà tây, nào gà sếu, qua lại như ở đất nhà; nhiều loại chim khác làm tổ trong cỏ cao gần Cầu gia đình. Lũ bồ câu biếc xứ Mô-luých-cơ, tổ chính thì ở bên Tổ chim ưng, vẫn sang gù bên nhau trên mái hành lang Nhà trong động. Và chung quanh chúng tôi còn biết bao nhiêu thứ luôn luôn tô điểm cho cảnh vật thêm đẹp thêm vui, khác nào một chốn Thiên đường trên mặt đất!

Nơi đây, trước kia cằn cỗi mà trơ trọi đến thế, ngày nay đã thay đổi nhiều, không còn dấu vết hồi xưa nữa. Nhờ công sức và sự chăm nom của chúng tôi, nó đã trở nên nơi trú ngụ thích thú nhất và yên ổn nhất. Biên giới bên phải là Suối chó núi, trên bờ san sát những cây dừa, cây lô hội và cây bồ đề chen với những đám cam và chanh dại, ken thành một bức rào rất kín. Bên trái là dãy núi đá chênh vênh, trong đó có cái động pha lê chưa cần dùng đến và chỉ mới là nơi nghỉ mát trong những ngày nóng nực nhất. Giữa ngôi động và Suối chó núi là tất cả vườn tượt của chúng tôi, chung quanh có hàng rào tre và cây có gai bao kín, chạy dài từ Nhà trong động ra tới bờ Suối chó núi. Trong khu này có một nương nhỏ trồng lúa mì, một vại bông, một bãi mía, rồi đến vườn rau của vợ tôi và một vườn cây ăn quả Châu Âu. Mương rãnh chạy ngang dọc dẫn nước từ Suối chó núi vào tưới cho khu vực này.

Những thứ cây Châu Âu trồng ở đây lớn lên rất nhanh và rất khỏe, nhưng quả thì càng ngày càng muốn biến vị. Trái lại, những loại cây đánh ngay trên đảo này về trồng thì tươi tốt và sai quả vô cùng. Dứa, vả, ổi, cam và chanh đã làm cho chốn này giống như một khu vườn Hạnh phúc tập trung tất thảy những sản vật quý báu nhất của thiên nhiên.

Đảo cá voi cũng được chú ý đến và chúng tôi cũng đã khai phá ở đó như ở Đảo Cá mập. Tuy nhiên, khu vực này lại còn có chỗ dành riêng cho những công việc kém sạch sẽ và thường có mùi khó chịu như là làm cá, nấu mỡ, thuộc da, đổ nến. Xưởng chế biến các thứ đó thì dựng dưới một mỏm đá nhô ra khá rộng, che được mưa nắng.

Chúng tôi cũng lo tới tất cả những dinh cơ ở xa thường gọi là miền khai hoang. Trong mười năm, những cánh đồng trồng bông và trồng mía được mở rộng không ngừng và trở thành nguồn lợi lớn của Miền trù phú và Chốn ẩn dật. Cánh đồng lầy bên Chốn ẩn dật đã dần dần biến thành ruộng lúa hai mùa.

Thỉnh thoảng, chúng tôi tổ chức một cuộc thăm dò tới tận con đường hẻm qua đồng cỏ để xem có con voi hoặc loài dã thú nào lọt vào khu vực của chúng tôi, hoặc sa vào bẫy đặt chung quanh đó không. Những hôm ấy thì Phrê-đê-rích dạo chiếc cai-ắc ngược dòng sông lớn và đưa về nào là ca-cao, chuối, củ sâm. Còn chúng tôi thì chở về đầy xe bò những loại cầm thú săn bắt được hoặc hoa màu, thóc lúa, đất sét trắng.

Nhiều sự thay đổi cũng xảy đến trong các gia súc: gia đình Tuyêc – Bi-ly hằng năm đều tăng thêm số con. Con trâu cái và con bò cái mỗi năm lại đẻ thêm nghé và bê, nhưng chúng tôi chỉ giữ lại nuôi thêm một con đực và một con cái. Chúng cũng được nuôi dạy để cưỡi, kéo xe, kéo cây, thồ như bố mẹ chúng: con cái mang tên Lông hung vì nó có sắc lông như vậy, con đực mang tên là Tiếng sấm vì tiếng kêu của nó vang âm như sấm. Hai con lừa nhỏ cũng ra đời trong thời gian này: Mũi tên là con đực, Lẹ làng là con cái, đều là những tay phi nhanh, đúng với truyền thống giống lừa rừng.

Đàn lợn thì vẫn ương bướng và lang thang. Con lợn cái đưa từ tàu vào đã chết từ lâu, nhưng dòng giống nó vẫn thừa hưởng cái của bà cụ kỵ ấy tính cứng đầu và hoang dã rất khó sửa chữa, cho nên chúng tôi cũng mặc cho chúng chạy rông. Tất cả các gia súc, gia cầm khác cũng đều sinh sôi nảy nở với một nhịp nhanh như thế. Thường xuyên chúng tôi vẫn giết thịt ăn và thỉnh thoảng lại bắt buộc phải thả bớt một số thừa cho chúng sống một cách hoang dã.

Trên đây là vài nét chính về tình hình xứ sở của chúng tôi mười năm sau khi chúng tôi đặt chân lên đảo. Của cải tăng lên gấp bội, sức lực và tài năng cũng có tiến hơn nhiều; mọi tài sản đều dồi dào, hầu hết những gian nan nguy khó có thể xảy ra đều được lo tính đúng, kịp thời để ứng phó trước. Chúng tôi hiểu rõ miền đất mình đang ở cũng như một người chủ nhà quen với khu vườn của họ. Quả là một bức tranh của hạnh phúc toàn thiện toàn mỹ. Tuy nhiên trong cảnh đầy đủ này, chúng tôi vẫn cảm thấy một thiếu thốn sâu sắc: chúng tôi thiếu xã hội loài người mà chúng tôi đã vĩnh biệt. Đó là những con người, những người anh em mà chúng tôi cảm thấy mình sinh ra ở đời là vì họ.

Suốt mười năm trời, chúng tôi không hề gặp ở trên đất liền cũng như ngoài mặt biển một chút gì gọi là dấu vết con người. Đôi phen vòi või ngóng trông ra phương trời xa tít ở phía đại dương bát ngát mà đâu thấy tăm hơi! Tất cả mỗi chúng tôi đều cảm thấy nỗi buồn sâu sắc ấy mà không ai nói với ai. Tuy thế, niềm ước muốn được gặp một con người càng ngày càng nung nấu trong lòng chúng tôi, đến nỗi không bao giờ có thể khuây đi được. Thế là tự nhiên chúng tôi cứ chuẩn bị đủ thứ, sẵn sàng chờ đón một cuộc gặp gỡ mà chúng tôi đinh ninh nhất định sẽ đến. Bởi thế, chúng tôi kiên nhẫn thu góp tất cả những sản vật quý giá trên đảo để đến lúc ấy có thể đem tặng làm quà hoặc trao đổi. Chúng tôi cất kỹ trong kho bột ca-cao, các thứ gia vị như hồ tiêu, đinh hương, hồi, quế, rồi bông, lông đà điểu, hạt xạ hương. Nói chung là tất cả những gì rồi đây có thể dùng để tiếp tục nối dây liên lạc với một chiếc tàu Châu Âu. Chúng tôi thấy cần thiết phải có và nuôi dưỡng mơ ước đó, nó là sức mạnh và tương lai của chúng tôi, nó tăng thêm lòng can đảm và đuổi xa sự buồn nản thường dễ đưa đến thất vọng. Chúng tôi đều khỏe mạnh và trong suốt mười năm trời, không hề một ai bị bệnh hoạn nào ngoài vài cơn sốt bình thường hoặc thỉnh thoảng có đôi lần cảm vặt. Cây canh-ki-na và rất nhiều cây thuộc trên đảo đã giúp chúng tôi thắng dễ dàng những trái gió trở trời ấy.

Mấy đứa con tôi cũng không còn là trẻ con nữa. Phrê-đê-rích đã trở nên một chàng thanh niên khỏe mạnh và tráng kiện; nó không cao lớn lắm, nhưng chân tay rắn chắc vì vận động nhiều. Năm nay nó hai mươi lăm tuổi, hăng hái, can trường, ưa mạo hiểm.

Éc-nét đã hai mươi ba tuổi. Khổ người cân xứng tuy không được khỏe như anh nó. Thế nhưng trí óc quen suy nghĩ đã chín chắn, lý trí đã vững vàng và giúp cho những năng khiếu cần cù của nó nẩy nở một cách chắn chắn. Nó lại đã cố gắng chiến thắng cái tính ngại khó và đạt được kết quả tốt. Nói tóm lại, Éc-nét là một chàng thanh niên thông minh, biết phán đoán đúng và vững vàng, được cả nhà coi như là ngọn đuốc của gia đình, cũng là của cả xứ sở.

Ruýt-ly thì ít thay đổi, Với tuổi hai mươi, nó vẫn bộp chộp, xốc nổi, có khi ngốc nghếch, không khác hồi lên mười. Đầu óc dại dột và cũng nhiều lúc quá hung hăng. Đặc biệt nó tỏ ra rất cừ trong những môn vận động thân thể và săn bắt cầm thú.

Phrít đã mười tám tuổi, nó to lớn vạm vỡ. Tính nết nó không có gì nổi bật thành nét riêng và hình như nó chịu ảnh hưởng của tất cả ba anh nó. Nó chín chắn nhưng chưa thể sâu sắc như Éc-nét, nó cũng khá về vận động thể lực nhưng chưa luyện tập được thành thói quen như Phrê-đê-rích và Ruýt-ly.

Nói chung, mấy đứa con trai của chúng tôi đều là những chàng trai trẻ, bản chất tốt và lương thiện, giàu lòng nhân đạo, tràn đầy sức khỏe, dồi dào kiến thức và dạt dào tình cảm lành mạnh trong sạch.

Vợ tôi, bà Ê-li-da-bét thân yêu, cũng chưa có vẻ già đi mấy.

Về phần tôi thì tóc đã bạc, hoặc nói cho đúng, tôi chẳng còn được mấy sợi tóc nữa. Khí hậu nóng nực và có lẽ đúng hơn là nỗi mệt nhọc quá sức và liên tục về thể chất và tinh thần trong những năm đầu tiên ở trên đảo, đã làm cho đầu tôi hói quá sớm. Tuy vậy, tôi vẫn thấy mình khỏe mạnh và cường tráng, mặc dầu chẳng còn có thể là con người trẻ trung và tháo vát, xốc vác mười năm trước đây khi bắt tay vào khai phá miếng đất nhỏ này làm cho nó trở thành rất mực trù phú. Tôi đã phải lo lắng nhiều, đặc biệt luôn luôn canh cánh trong lòng một ý nghĩ thầm kín, buồn rầu và chua xót, có thể là căn nguyên chính của mọi sự kém sút về thể lực: tôi cảm thấy trước một tương lai mờ mịt và cô đơn sẽ đến với các con tôi...

Mấy đứa con tôi đã lớn lên như thế, cũng không dễ gì điều khiển được chúng nó như những năm đầu tiên, khi mới tới đây. Chúng nó cảm thấy muốn được sống tự do và thường thường cũng bỗng nhiên vắng mặt hàng mấy ngày trời, lặn lội trong rừng sâu, xông xáo ngoài đồng cỏ, leo trèo lên đỉnh núi cao ngất. Thường mỗi buổi chiều, chúng quay về nhà, mệt nhoài, tôi cũng không còn muốn trách mắng chúng, dù là nhẹ nhàng về cuộc sống lang thang như thế đã làm cho gia đình suốt ngày vắng bóng chúng nó. Vả lại, bao giờ chúng cũng có rất nhiều chuyện hay ho để kể lại cho tôi nghe về những điều phát hiện cũng như những cuộc gặp gỡ của chúng, tôi còn nỡ lòng nào năng lời quở mắng chúng nữa!

Thế rồi một ngày kia, Phrê-đê-rích cũng bỏ đi như thế và lần này thì nó làm cho chúng tôi hết sức lo lắng. Hình như những chuyến đi loanh quanh trong đảo không thể nào tạo được những cuộc gặp gỡ bất ngờ và lý thú thỏa được sức sống đầy tràn hoạt động của nó. Nó đã đem theo lương thực và chuẩn bị đầy đủ cho chiếc cai-ắc, rồi lặng lẽ tiến thẳng ra khơi.

Hôm ấy nó đi từ sáng tinh mơ mà đến chiều tối cũng chưa có dấu hiệu gì tỏ ra nó sắp về. Vợ tôi thì lo lắng quá mức. Tôi mở neo chiếc thuyền độc mộc, rồi chúng tôi cùng ra Đảo Cá mập. Đứng ở pháo đài trên cao, chúng tôi kéo cờ hiệu lên và bắn đại bác báo động. Một lúc sau, ở chân trời xa tít có một chấm đen nổi bật trên những lượn sóng nhỏ sáng ánh dưới nắng nhạt chiều tà. Tôi nhìn kính viễn vọng và nhận ra ngay anh chàng phiêu lưu trẻ tuổi. Nó tiến lại phía chúng tôi dần dần và đưa mái chèo gạt nước làm như chiếc thuyền Grô-en-lăng mĩ miều của nó chở nặng gấp đôi ngày thường.

- Bắn! – Éc-nét hô to, giọng chỉ huy và nhân danh sĩ quan trấn thủ bờ biển.

Ruýt-ly kéo cò đại bác. Chúng tôi cùng reo vang lên tiếng “hoan hô” và chạy ùa xuống chân đồi, nhảy lên thuyền độc mộc ra đón trước Phrê-đê-rích ở bờ vịnh mà nó đương hướng tới.

Cả nhà hoan hỉ đón chào chàng du khách trở về.

Mấy đứa em nắm lấy chiếc thuyền và kéo luôn cả anh chúng đương ngồi bên trong, lôi về nhà, vừa đi vừa reo hò vui vẻ; hai ông bà già chúng tôi đi sau. Thế rồi cả nhà quây quần trong hành lang dưới vòm động, sẵn sàng nghe Phrê-đê-rích kể lại chuyến đi mạo hiểm. Anh chàng bắt đầu câu chuyện bằng mấy lời chân thành xin lỗi về việc nó trốn đi. Số là chúng tôi chưa hề biết chút gì về miền đông hòn đảo, nên nó có ý muốn đi thăm dò. Nó thích ra đi để tìm một cái gì mới mẻ, bất ngờ, những gian truân có thể khuấy lên đôi chút cuộc sống quá đơn điệu và quá bình thản đối với cái tính hiếu động tuổi hai mươi lăm của nó.

- Con đã sắp đặt đầy đủ từ lâu cho chuyến đi này - Phrê-đê-rích tiếp tục câu chuyện, sau khi mẹ nó ôm hôn nó và tôi thì gật đầu tỏ ý thứ lỗi - Con cất trong chiếc cai-ắc một ít thức ăn, hai thùng bằng da đựng đầy nước ngọt và rượu mật ong. Con cũng đã buộc chặt chiếc la bàn vào phía dưới thuyền, bên phải sẵn sàng một tay lưới đánh cá, một mũi lao và một chiếc móc sắt, bên trái là một khẩu súng săn và một bộ neo đầy đủ dây dợ. Con lại giắt thêm một cặp súng tay vào thắt lưng, đeo một túi thuốc đạn cạnh sườn.

Con chim cắt anh dũng và trung thành cũng được chuẩn bị đầy đủ để đem theo. Thế rồi con nóng lòng chờ dịp nào đó có thể lặng lẽ ra đi mà bố mẹ không biết vì, thưa bố mẹ, con cũng có chút e ngại những lời can ngăn trìu mến của mẹ. Lúc sáng, trong khi bố mẹ đương an giấc, con khẽ trở dậy và theo thường lệ, con chạy thẳng ra bờ biển, Trời rất đẹp, biển rất lặng, con không thể nào kìm nổi ý muốn nhân dịp tốt này mà đi chơi. Con bèn lấy thêm một chiếc búa loại tốt, nhảy vào chiếc cai-ắc đã sửa soạn chu đáo từ trước, rồi xuôi dòng Suối chó núi, lao thẳng vùn vụt ra chỗ những mỏm đá ngầm, nơi tàu chúng ta mắc nạn. Đi qua đó, con nhìn xuống đáy biển và thấy cũng không sâu lắm, cơ man là những thanh sắt, súng địa bác, những hòm đạn lớn sau này chúng ta có thể vớt lên nếu tìm được cách lặn xuống tới đó. Con chuyển hướng chênh chếch về bờ biển phía tây, qua vùng đá ngầm có hàng ngàn tảng đá vỡ ra đủ muôn hình vạn kiểu. Những tảng đá này có lẽ là tàn tích của một mỏm núi đá đã đổ nhào xuống nước, hoặc nhô lên mấp mé mặt nước, hoặc mọc ngầm dưới sâu. Hằng hà sa số các loài chim biển làm tổ ở đó; chúng bay tới tấp chung quanh những tảng đá ấy và kêu lên những tiếng chói tai.

Như thế, cũng phải mất đến một giờ rưỡi đồng hồ con mới ra khỏi cái vùng nguy hiểm ấy. Con dừng lại trước một vòm núi đá mà hình như thiên nhiên đã cao hứng dựng lên với những đường nét có một vẻ oai nghiêm hùng vĩ. Vòm đá trông giống như một nhịp cầu hình vòng cung rộng lớn, nước biển chảy bên dưới như vào một con kênh. Vòm đá ăn sâu xuyên qua một trái núi hai bên thẳng đứng và chạy dài ra biển như một mũi đá lớn. Con chui luôn vào dưới cái vòm tối om om ấy không chút ngần ngại vì phía xa kia có hé chút ánh sáng giúp con đoán là có đường đi ra bên ngoài.

Con mạnh dạn tiến về phía trước, theo dòng nước yên lặng chảy trong con đường hầm tối tăm.Vừa ra khỏi, con thấy mình bỗng lọt vào một cái vịnh tuyệt đẹp, ven bờ thấp và màu mỡ, một đồng cỏ xanh tốt bát ngát chạy tít tắp. Những lùm cây thanh tú đủ các loại tô cho cảnh bớt vẻ đơn điệu. Bên phải là những đỉnh núi đá vươn cao sừng sững và hòn núi con vừa chui qua chỉ mới là phần cuối của dãy núi kéo dài ra xa. Bên trái là một con sông lớn, phẳng lặng và trong suốt, bên kia sông trải dài một đầm lầy rộng, rồi tiếp đến một rừng cây bách um tùm.

Con lượn chiếc cai-ắc len lỏi theo bờ sông lồi lõm và nhìn thấy dưới đáy sông trong suốt, trên lòng đá, rất nhiều những con trai cỡ lớn tụ thành những đám to nhỏ không đều. Con nghĩ thầm: đây hẳn là một món ăn ngon lành hơn mấy con sò ở Vịnh cứu sống, mình phải nếm thử, nếu thấy ngon thì thế nào cũng lấy một ít đưa về Nhà trong động. Thế là con vơ cái móc, khều lấy mươi con, đưa lưới vợt vớt lên và ngồi yên trong thuyền mà ném lên bờ cát để lát nữa ghé lên mà nếm. Sau đó con lại vớt một mớ nữa bỏ vào cai-ắc rồi ghé lên bờ. Những con trai vứt lên trước đã bị nắng đốt gay gắt phải há miệng và bắt đầu nặng mùi. Tuy vậy, con cũng mở ra định thử ăn một con cho biết. Nhưng đáng lẽ là thịt trắng và béo mà con hy vọng được ăn thì chỉ là một thứ thịt cứng, dai và nhạt. Con cố gắng tách vỏ một con ra, mé trong nhìn như một lớp xà cừ bóng lộn, bỗng con cảm thấy như mũi dao chạm phải một hạt gì nhỏ, cứng và tròn tựa hạt đậu. Con cời cái hạt ra khỏi đám thịt trai và thấy nó đẹp đến nỗi con mải mê lo cạy ngay tất cả những con trai còn lại, lấy ra được nhiều hạt như thế, đựng đầy chiếc hộp nhỏ mang theo. Bố xem thử - Phrê-đê-rích đưa hộp cho tôi – có đúng là ngọc trai không?

- Đâu nào? Đâu nào? Anh Phrê-đê-rích – Mấy đứa em nó đồng thanh hỏi rối rít và chạy ùa lại, muốn vồ lấy cái hộp, tí nữa thì đánh đổ tất cả những hạt ngọc quý giá - Ồ, quý quá! Sáng chói và đều cả một loạt.

Tôi cầm xem cái hộp và trả lời Phrê-đê-rích:

- Đúng là ngọc trai! Và đây là ngọc trai phương đông vào loại đẹp nhất! Con đã tìm được một kho báu lớn, Phrê-đê-rích ạ!

- Sau khi nghỉ ngơi và ăn chút ít để lấy lại sức - Phrê-đê-rích tiếp – Con lại tiếp tục men theo bờ biển. Ở đây, biển thỉnh thoảng lấn sâu vào đất liền giữa những mũi đất nhỏ, cây cối xanh tươi, lá hoa đẹp mắt. Con hướng thẳng về phía mũi đá bên kia vịnh, ngay trước mặt mũi đá bên này mà con vừa men vòng theo sau khi ra khỏi vòm đá xuyên qua núi. Cái vịnh này, con không do dự gì mà không đặt tên cho nó là Vịnh ngọc trai, nó rộng chừng hai dặm kể từ mũi đất này đến mũi đất kia. Một dãy dài đá ngầm lởm chởm kéo từ bên này sang bên kia, ngăn cách nó với biển cả. Chỉ có một chỗ hơi chếch về phía tây là hơi rộng, có thể ra vào khá dễ dàng. Tất cả những chỗ khác đều bị đá ngầm và cát chắn lại, biến Vịnh ngọc trai thành một hải cảng tự nhiên rất tốt và chỉ thiếu một thành phố ở bên cạnh nữa là toàn mỹ.

Con tìm cách đưa chiếc cai-ắc vượt qua chỗ trống ở phía tây để ra khơi thì vừa nước thủy triều dâng lên, chảy dồn vào vịnh nên con đành phải tạm thời nán lại. Con bèn men theo dãy đá ngầm, đi ngược lên cho tới mũi đá nhưng vẫn không tìm được một lối nào để ra biển nữa. Con đành ghé vào bờ.

Bỗng nhiên có hằng hà sa số giống chim biển ở đâu kéo đến vây quanh lấy con: ó biển, hải âu, hải yến và rất nhiều thứ chim khác nữa. Chúng xán lại gần con táo tợn đến nỗi con phát bẳn lên, vớ bơi chèo quật ngang quật ngửa, vụt ngược vụt xuôi vào cái đám dày đặc những chim ấy. Bất ngờ con vụt trúng một con chim lớn và khỏe lạ lùng, có lẽ là một con chim báo bão. Rồi con cũng đuổi được tất cả đám khách quấy rối ấy và sửa soạn quay về. Nước triều bắt đầu rút. Con tìm đến chỗ lối rộng giữa dãy đá ngầm và may sao đã ra khỏi được nơi giam cầm trong vịnh! Chẳng mấy chốc, con đã lướt sóng trên mặt biển quen thuộc và nhận được bóng lá cờ phấp phới xa xa, rồi nghe tiếng đại bác trên pháo đài nổ vang báo tin con đã trở về.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3