Máu Lạnh - Phần II - Chương 3
Một nghìn người! Perry ngạc nhiên. Hắn tự hỏi không biết đám tang tốn mất bao nhiêu tiền. Tiền choán chỗ lớn trong đầu óc hắn, tuy không còn riết ròng như một ngày trước - cái ngày hắn đã bắt đầu “không phải trả giá cho tiếng meo meo của một con mèo”. Tình hình đã được cải thiện từ đây; nhờ Dick, hắn và Dick bây giờ đã có “một khoản vốn kha khá” - đủ để đưa chúng tới Mexico.
Dick! Êm ru. Lắm mánh. Đúng, vụ này phải giao cho hắn đi. Lạy Chúa, không thể tin được làm sao hắn lại “úm được một gã đực rựa” như thế chứ. Như gã bán hàng ở cửa hàng may mặc tại Kansas City, Missouri, chỗ đầu tiên Dick quyết định “ra đòn”. Còn như Perry, hắn không bao giờ thử “để qua kiểm tra” cả. Hắn hay bồn chồn, nhưng Dick đã bảo hắn, “Tớ chỉ cần cậu đứng đó. Cấm cười, cấm ngạc nhiên với bất cứ điều gì tớ nói ra. Cậu phải chơi các cái trò này bằng tai.” Hình như với cái nhiệm vụ đề ra này, Dick ở hàng tổ sư. Hắn vào nhẹ như gió, giới thiệu Perry đến là nhẹ tênh với người bán hàng, “bạn tôi đây sắp cưới vợ,” rồi tiếp tục, “Tôi là người thân nhất của anh ấy. Giúp anh ấy đại khái mua sắm loanh quanh các thứ áo quần. Ha ha, cái thứ ha ha - ông có thể nói là bộ mồi của chú rể ấy mà.” Người bán hàng “cắn câu ngay”, và Perry lập tức tụt chiếc quần jeans ra, thử một bộ sáng bóng mà người bán hàng coi là thứ “lý tưởng cho một lễ hội không nghi thức”. Sau khi bình luận cái thân hình có tỷ lệ kỳ dị của ông khách - phần trên quá cỡ, phần dưới hụt cỡ - ông ta nói thêm, “Tôi sợ rằng chúng tôi không có thứ gì thích hợp mà không cần phải sửa.” “Ồ,” Dick nói, “Cứ OK đi, chúng tôi nhiều thì giờ - đám cưới mãi ‘tuần sau cơ mà’.” Thỏa thuận xong, chúng liền chọn một bộ lòe loẹt được xem là thích hợp với cái Dick gọi là một tuần trăng mật ở Florida. “Ông biết Hòn Địa đàng không?” Dick nói với người bán hàng. “Ở bãi biển Miami ấy? Anh chị ấy đặt trước phòng ở đó rồi. Quà bố mẹ vợ tặng - hai tuần, mỗi ngày bốn chục đô. Anh bảo sao đây hả? Một gã cà nhắc xấu xí như anh ta, chả hiểu tán ngon tán ngọt thế nào chị chàng không chỉ chịu đổ mà còn sẵn lòng cống đủ thứ đồ cho nữa. Trong khi như ông và tôi, ngon lành tốt mã thế này...” Người bán hàng đưa hóa đơn. Dick cho tay vào túi sau, cau mày, búng ngón tay đánh tách một cái nói, “Chui cha! Quên ví mất rồi.” Điều này với Perry xem ra là một mánh quá yếu không “lừa nổi một thằng mọi mới một ngày tuổi”. Nhưng rõ ràng người bán hàng không tán thành ý kiến này vì anh ta chìa ra một ngân phiếu khống, rồi khi Dick ghi vào đó dôi ra đến tám chục đô so với tiền hóa đơn cộng lại thì anh ta bèn lập tức trả chỗ chênh bằng tiền mặt.
Ra ngoài Dick nói, “Vậy là tuần sau cậu lấy vợ hả? Được, cậu cần một cái nhẫn.” Ít lâu sau, ngồi trong chiếc Chevrolet cũ kỹ của Dick, chúng đến một cửa hàng tên gọi Kim hoàn Thượng hạng. Sau khi mua ở đây chiếc nhẫn đính hôn và dây kim cương cổ tay dùng cho đám cưới, chúng đến một nhà cầm đồ dể cho đi mấy khoản này. Perry buồn vì phải thấy chúng ra đi. Hắn đã bắt đầu tin một nửa vào cô dâu vờ, tuy hình dung của hắn về cô ta có trái với quan niệm của Dick, cô ta không giàu không đẹp, nhưng mà cô ta biết trang điểm xinh xắn, nói năng dịu dàng, được coi là “tốt nghiệp cao đẳng”, muốn gì thì cũng là “một nàng rất trí thức” - loại gái hắn luôn mong gặp gỡ nhưng trên thực tế thì chưa bao giờ.
Trừ phi nếu tính đến Cookie, cô y tá hắn quen khi bị tai nạn xe máy phải nằm bệnh viện. Một cô bé dịu dàng, Cookie ấy, và cô đã thích hắn, thương hắn, cưng hắn, gợi hứng cho hắn đọc “văn chương nghiêm chỉnh” - Cuốn theo chiều gió, Đây là người yêu dấu của em. Những chương hồi ăn nằm mang tính kỳ lạ và vụng trộm đã xảy ra, tình yêu đã được nhắc đến, cả hôn nhân nữa, nhưng cuối cùng, khi các vết thương lành, hắn chào từ biệt và tặng cô, thay cho lời giải thích, một bài thơ hắn nói là tự sáng tác:
Có một giống người không hợp với đời,
Một giống người không thể ngồi yên;
Cho nên họ làm cho bè bạn
Và họ hàng tan nát con tim;
Họ phỉ chí dọc ngang trần thế
Đi khắp các cánh đồng, lang thang
Khắp các triền sông
Và leo lên đỉnh núi cao;
Lời nguyền của họ là lời nguyền của dòng máu Gipxi[5]
Và họ không biết thế nào là nghỉ.
Nếu cứ thẳng tắp đi thì có thể họ sẽ đi xa;
Họ khỏe, họ can trường và họ thật;
Nhưng họ luôn mệt với những cái đang là thực tại,
Và họ mong cái mới cùng cái lạ.
[5] Người Digan.
Hắn không gặp lại cô nữa, không nghe cô hay người khác nói đến cô, nhưng nhiều năm sau hắn xăm tên cô lên cánh tay mình, và một lần, khi Dick hỏi là “Cookie” ai, hắn nói, “Không ai cả. Một cô gái tớ gần như đã lấy.” (Việc Dick đã hai lần lấy vợ và làm bố của ba đứa con là một điều hắn thèm muốn. Một người vợ, những đứa con - đó là kinh lịch mà “một người đàn ông phải trải”, dẫu là, với Dick, nó không hề “làm cho hắn được hạnh phúc hay lợi lộc gì”.)
Mấy cái nhẫn cầm được một trăm năm chục đô la. Chúng lại vào một tiệm kim hoàn khác, tiệm Goldman, và lừng khừng ra khỏi đó với một chiếc đồng hồ vàng của đàn ông. Lần đỗ lại sau, ở một cửa hàng Camera Elko, nơi chúng “mua” một camera quay phim hiện đại. “Camera là khoản đầu tư tốt nhất của cậu đấy,” Dick bảo với Perry. “Món dễ cầm dễ bán nhất. Camera hay ti vi.” Chúng quyết định lấy nhiều ti vi, và khi đã hoàn thành sứ mạng, chúng liền đi tiếp, đánh tiếp vào một số thương xá bán quần áo nữa - Sheperd & Fosters, Rothschild’s, Thiên đường của Người mua sắm. Vào khoảng mặt trời lặn, khi các cửa hàng đã đóng cửa, túi chúng đầy ắp tiền mặt và xe thì chất đầy các mặt hàng cầm được bán được. Đưa mắt duyệt qua vụ thu hoạch những áo sơ mi và bật lửa, những máy móc đắt tiền và những khuy măng sét rẻ tiền, Perry cảm thấy mình cao lớn một cách vung vinh - giờ thì, nào, Mexico, một cơ may mới, một cuộc sống “thật sự là sống”. Nhưng Dick hình như lại suy sụp. Hắn rũ phắt những lời ca tụng của Perry (“Ý tớ là thế này, Dick. Cậu thật đáng kinh ngạc. Một nửa thời gian là tớ tin cậu.”) - Perry bối rối; hắn không thể hiểu tại làm sao Dick, bình thường tự mãn là thế, song khi có có hay ho để phét lác thì tự dưng hắn lại đâm ra nhu mì, nom ỉu xìu và buồn xo vậy. Perry nói, “Tớ sẽ bao cậu một chầu uống.”
Chúng dừng ở một quán bar. Dick uống ba Mùa Cam Rộ. Sau cốc thứ ba, hắn hỏi độp, “Về ông bố tớ cậu nghĩ sao? Ôi Giê-su, tớ cảm thấy ông ấy là một ông già tốt ơi là tốt. Và mẹ tớ - chà, cậu gặp bà ấy rồi đấy. Cậu nghĩ gì về hai người? Tớ ấy à, tớ sẽ phới đi Mexico. Hay bất cứ đâu. Nhưng hai cụ thì vẫn cứ ở đây khi những tấm séc kia bắt đầu bị trả về. Tớ hiểu bố tớ. Ông muốn mọi thứ đều tốt cả. Như ông từng cố trước nay. Cố mà không được - ông già, ông ốm, ông chẳng được một cái gì.”
“Tớ thông cảm chuyện đó,” Perry nói thật lòng. Dù không tử tế nhưng hắn đa sầu đa cảm, và tình yêu của Dick với bố mẹ, mối lo lắng cho bố mẹ mà Dick thổ lộ quả đã làm cho Perry xúc động. “Nhưng mà, mẹ kiếp, Dick. Rất đơn giản,” Perry nói. “Chúng ta có thể làm cho mấy tấm séc kia phải hóa ra tiền. Một khi chúng ta tới Mexico, một khi chúng ta bắt tay ở đó thì sẽ hái ra tiền. Nhiều nhiều tiền.”
“Bằng cách nào?”
“Bằng cách nào ấy à?” - Dick muốn nói gì thế nhỉ? Câu hỏi làm cho Perry sửng sốt. Muốn gì thì cũng đã thảo luận với nhau về các khoản làm ăn phong phú đến thế rồi mà! Tìm vàng, lặn tìm kho vàng đắm - đó mới là hai dự án Perry hăng hái đề nghị. Còn những cái khác nữa. Chẳng hạn con tàu. Chúng thường nói đến một con tàu đánh cá ngoài khơi, cái tàu chúng sẽ mua, tự mình làm thủy thủ cho mình và cho bọn người nghỉ hè thuê - khoản này vẫn có, mặc dù cả hai chưa từng chèo xuồng hay câu nổi một con cá ranh. Rồi còn vụ kiếm tiền nhanh bằng cách lái xe ăn cắp qua các biên giới Nam Mỹ nữa. (“Cậu được trả mỗi chuyến một trăm đô” hay đại khái thế, Perry đã đọc ở đâu đó.) Nhưng trong nhiều câu trả lời mà có thể hắn đã đưa ra, hắn chọn nhắc Dick nhớ đến cái kho báu đang chờ chúng ở đảo Cocos, một doi đất ngoài bờ biển Costa Rica. “Không đùa đâu, Dick,” Perry nói. “Đích thực thế đấy. Tớ đã xoay được một tấm bản đồ. Tớ đã biết hết tất cả câu chuyện. Nó được chôn ở đó từ năm 1821 - vàng thoi, tư trang Pêru. Sáu chục triệu đô la - họ nói giá trị của nó là như vậy đó. Dù ta không tìm ra được tất cả, dù ta tìm ra chỉ một phần thì, nào Dick, cậu có đi với tớ không đây?” Cho tới hôm nay, Dick vẫn luôn cổ vũ khuyến khích hắn, chăm chú nghe hắn nói đến các bản đồ, các chuyện kho vàng, nhưng bây giờ - và điều này trước đây chưa hề xảy ra - hắn đang nghĩ có phải thời gian qua Dick chỉ toàn giả bộ không, đùa hắn hay không.
Ý nghĩ này đau nhói nhưng chỉ lướt qua, bởi vì, nháy mắt và tát yêu một cái xong, Dick nói, “Chắc chắn chứ bồ. Tớ sẽ đi với cậu. Đi cho đến hết đường.”
Ba giờ sáng, chuông điện thoại lại réo. Nào có quan trọng gì cái giờ gọi. Muốn gì thì Al Dewey cũng đã tỉnh hẳn, cả Marie lẫn hai đứa con trai của họ, Paul chín tuổi và Alvin Adams Dewey, Jr., mười hai tuổi. Ai mà ngủ nổi trong một ngôi nhà mà đêm nào cũng cứ vài phút lại có chuông điện thoại réo kia chứ? Khi xuống giường Dewey hứa với vợ, “Lần này anh để ống nghe ra ngoài giá.” Nhưng đây không phải là lời hứa ông dám giữ. Thật thế, nhiều cuộc gọi là của các nhà báo săn tin, của những người sẵn bụng đùa hay của những nhà giả thuyết học. (“Al hả? Nghe này, anh bạn. Tôi đã hình dung ra vụ này. Đây là tự sát và án mạng. Tình cờ tôi biết Herb đang trong cảnh gay go về tài chính. Tiền dàn ra khá nhiều. Vậy ông ta làm gì? Ông ta lấy ra món bảo hiểm lớn này, bắn vợ và bọn trẻ rồi tự sát bằng bom. Một quả lựu đạn nhồi đạn ghém.”) hay những người vô danh có đầu óc tống tiền (“Có biết bọn họ không? Người nước ngoài à? Không ăn thua ư? Làm liên hoan? Tiệc cốc tai? Tiền ở đâu ra? Nếu tiền là gốc của vụ rắc rối Clutter thì tớ chẳng có ngạc nhiên tí nào đâu nhá.”), hoặc các bà hay căng thẳng bị những lời đồn đại lan truyền làm cho hốt hoảng, những đồn đại không biết đâu là gốc ngọn nữa (“Alvin này, tôi biết anh từ lúc anh còn bé. Tôi muốn anh bảo thẳng tôi liệu có phải là thế không. Tôi yêu và kính trọng, ông Clutter và tôi không tin rằng con người ấy, người Cơ đốc ấy - tôi không tin ông ta lại lùng đàn bà...”)
Nhưng phần lớn người gọi đến là những công dân có tinh thần trách nhiệm muốn được giúp gì đó (“Không biết ông đã hỏi Susan Kidwell, bạn của Nancy chưa? Tôi đã nói chuyện với cô bé, cô ấy nói một điều làm tôi giật mình. Cô ấy nói lần cuối cùng trò chuyện với Nancy, Nancy bảo ông Clutter đang thật sự không vui. Đã thế suốt ba tuần qua rồi. Rằng cô ấy nghĩ ông Clutter đang rất lo phiền chuyện gì đó, lo phiền đến nỗi đâm ra hút thuốc lá đấy...”) Hoặc người gọi là những người chính thức có liên quan - viên chức pháp luật và cảnh sát trưởng ở các nơi khác trong bang. (“Đây có thể là một cái gì mà cũng có thể không, nhưng một chủ quán bar ở đây nói ông ta đã nghe lỏm được hai người bàn đến vụ kia mà nghe như là bọn họ rất có liên quan...”) Và tuy không một câu chuyện nào trên điện thoại làm được gì hơn ngoài chuyện tăng thêm việc làm ngoài giờ của các điều tra viên, song vẫn luôn có khả năng là câu chuyện kế tiếp sẽ làm được một cái gì, như Dewey nói, “Giờ giải lao, màn hạ.”
Lần gọi này Dewey lập tức nghe đầu kia nói, “Tôi muốn thú tội.”
Ông nói, “Tôi đang nói với ai đấy, xin cho hay?”
Người gọi, một người đàn ông, nhắc lại lời thú nhận độc đáo của mình và thêm, “Tôi đã làm. Tôi đã giết tất cả họ.”
“Vâng,” Dewey nói. “Bây giờ nếu tôi được biết tên và địa chỉ của ông...”
“À không, ông đừng,” người đàn ông nói, giọng lè nhè đầy những bực dọc có hơi rượu. “Tôi sẽ không nói với ông cái gì hết. Không, tới khi nào tôi nhận được tiền thưởng ông gửi đến thì tôi mới bảo ông tôi là ai. Xong.”
Dewey quay về giường. “Cưng à, không,” ông nói. “Không có gì quan trọng. Lại một thằng say.”
“Hắn muốn gì vậy anh.”
“Muốn thú tội. Đòi ta đưa tiền thưởng trước đã.” (Một tờ báo ở Kansas, tờ Tin tức Hutchinson, đã hứa biếu một nghìn đô la cho thông tin nào dẫn đến lời giải cho vụ án).
“Alvin, anh lại đang châm điếu khác đấy phải không? Nói thật, Alvin, anh không thể cố mà ngủ đi được ư?”
Ông căng đầu quá không ngủ được, cho dù có thể để cho điện thoại im đi - quá bực bội và quá thất vọng. Chả có “manh mối” nào dẫn đến đâu, trừ có lẽ xuống một lối mù tới những bức tường đen ngòm nhất. Bobby Rupp ư? Thì máy dò nói dối đã loại cậu ta ra rồi. Và ông Smith, người chủ trại buộc nút dây thừng giống với những cái nút tên giết người đã buộc - ông ta cũng là một người tình nghi được loại ra, có bằng chứng rằng đêm án mạng ông ta ở “tít tận Oklahoma”. Như vậy còn lại hai bố con nhà John, nhưng họ cũng đã đưa ra bằng chứng vắng mặt hôm đó, có thể xác minh được. “Vậy là, tất cả cộng lại thành một con số không tuyệt đẹp. Zero,” trích lời Harold Nye. Cả việc săn tìm cái mộ con mèo của Nancy cũng không đưa đến đâu.
Nhưng đã có một hai phát hiện có ý nghĩa. Thứ nhất, trong khi xếp lại quần áo Nancy, bà Elaine Selsor, dì cô, đã tìm thấy trong mũi một chiếc giày có nhét một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng. Thứ hai, có một nhân viên KBI đi cùng, bà Helm đã lục soát tất cả các gian phòng trong Trại Lũng Sông, đảo khắp ngôi nhà, hy vọng có thể nhận thấy cái gì trái khoáy hay vắng thiếu; và bà đã tìm ra. Cái đó xảy ra ở phòng Kenyon. Bà Helm xem đi xem lại, đi ngang đi dọc gian phòng, môi mím lại, sờ cái này, mó cái kia - chiếc găng chơi bóng chày của Kenyon, đôi ủng lao động lấm bùn của Kenyon, đôi kính gợi buồn của cậu bị bỏ lại. Suốt thời gian đó bà cứ thì thầm, “Chỗ này có cái gì không phải, tôi cảm thấy nó, tôi biết nó, nhưng tôi không biết nó là cái gì.” Và rồi bà biết. “Đó là chiếc rađiô! Chiếc rađiô tí tẹo của Kenyon đâu?”
Gộp lại với nhau, các phát hiện này buộc Dewey phải xét lại khả năng “ăn trộm đơn thuần” là một động cơ. Chắc chắn chiếc đồng hồ kia không phải tình cờ mà lại rúc vào trong giày của Nancy? Cô phải nghe thấy những tiếng động - những bước chân, có lẽ cả những giọng nói - khiến cô cho rằng kẻ trộm đang ở trong nhà, và tin như vậy cô mới phải vội vàng giấu chiếc đồng hồ, một tặng vật của bố mà cô nâng niu. Còn chiếc rađiô, chiếc xách tay màu xám của hãng Zenith - thì đúng hẳn hoi rồi, nó đã bị lấy đi. Nhưng, Dewey vẫn không thể chấp nhận cái lý thuyết cho rằng gia đình này bị thảm sát là vì một món lợi bèo - “một ít đô la với cái rađiô”. Chấp nhận nó thì sẽ xóa sạch hình ảnh của ông về tên giết người - hay đúng hơn, những tên giết người. Ông và những người cộng sự đã quyết định dứt khoát dùng cái từ này ở số nhiều. Trình độ gây án thành thạo đủ là bằng chứng rằng ít nhất một trong hai kẻ giết người đã hành động với mức độ lì lợm quá đỗi - và chắc nó phải là một đại cao thủ mới có thể làm một việc như thế mà chẳng có động có suy tính trước. Dewey cũng bắt đầu nhận ra nhiều điểm đặc biệt củng cố niềm tin của ông là ít nhất một tên trong đám giết người đã có vướng gợn về cảm xúc với các nạn nhân, đã cảm thấy đôi chút trìu mến leo lét nào đó đối với họ, thậm chí dù hắn sẽ hủy diệt họ. Cái thùng đựng đệm kia thì giải thích khác đi thế nào được đây?
Cái thùng đựng đệm là điểm làm cho Dewey bối rối nhất. Tại sao bọn giết người lại bỏ công dịch cái thùng từ đằng cuối tầng hầm vào trước cái lò trên sàn nhà, nếu không phải là định làm cho ông Clutter được dễ chịu hơn - tạo ra cho ông một chỗ nằm đỡ cứng hơn nền xi măng trong khi ông nhìn lưỡi dao đến gần? Và nghiên cứu các tấm ảnh chụp các cảnh chết chóc, Dewey đã phân biệt ra những chi tiết khác xem chừng ủng hộ cho quan điểm của ông về một tên giết người thỉnh thoảng lại bị thúc đẩy bởi những xung động bảo hắn hãy ý tứ với nạn nhân. “Hay” - ông không bao giờ tìm ra cái chữ ông mong có - “một cái gì cầu kỳ. Và mềm dịu. Những tấm vải phủ giường kia. Chậc, loại người nào lại đi làm như vậy - trói gô hai người đàn bà lại, kiểu Bonnie và cô gái đã bị trói, rồi kéo chăn lên, bọc họ vào trong, giống như chúc cho mộng đẹp và ngủ ngon? Hay cái gối kê dưới đầu Kenyon. Thoạt tiên tôi tưởng cái gối được đặt ở đó làm cho đầu của cậu ta thành một cái đích nổi rõ hơn. Bây giờ tôi nghĩ là không, lý do tên sát nhân làm việc đó cũng giống như lý do nó trải cái thùng đựng đệm lên sàn - để nạn nhân dễ chịu hơn.”
Nhưng đây chỉ là những suy đoán; tuy cuốn hút tâm trí Dewey, chúng vẫn không làm cho ông hài lòng hay cho ông cảm tưởng đã “đạt được một cái gì”. Một vụ án ít khi được giải quyết bằng những “giả thuyết tưởng tượng”; ông đặt niềm tin vào sự việc cụ thể - “đổ mồ hôi vì chúng và quyết lấy được chúng”, số lượng sự việc cần tìm và sàng lọc, lịch đặt ra để có được chúng đã hứa hẹn phải đổ rất nhiều mồ hôi, đã đòi hỏi phải dõi lùng, “tìm hiểu” hàng trăm con người, gồm tất cả những người làm mướn trước đây cho Trại Lũng Sông, bạn bè và gia đình, bất cứ ai mà ông Clutter đã hoặc ít hoặc nhiều làm ăn cùng - một con rùa bò ngược vào quá khứ. Vì như Dewey đã báo với kíp của ông, “Chúng ta cứ đi cho tới khi nào chúng ta hiểu nhà Clutter rõ hơn cả chính bản thân họ. Cho tới khi chúng ta nhìn ra chỗ giằng níu nhau giữa cái mà chúng, ta tìm thấy sáng Chủ nhật trước và một cái gì có thể đã xảy ra từ năm năm rồi. Sợi dây liên hệ. Phải có một sợi dây liên hệ. Phải có.”
Bà vợ Dewey chập chờn, nhưng liền thức hẳn khi cảm thấy ông đã rời khỏi giường, nghe ông trả lời điện thoại một lần nữa, và nghe thấy trong buồng bên cạnh, nơi ba con bà ngủ, tiếng nức nở. Một đứa bé trai khóc. “Paul?” Thông thường Paul không hay bị quấy - cũng chẳng hay quấy. Nó mải đào hầm ở sân sau nhà hay tập để trở thành “người chạy nhanh nhất hạt Finncy”. Nhưng sáng nay lúc ăn điểm tâm, nó đã òa khóc. Người mẹ không cần hỏi tại sao, bà cũng hiểu rằng dù sao nó cũng đã biết tuy chỉ lờ mờ những lý do gây nên xáo động quanh nó, nó cũng cảm thấy bị đe dọa - bởi những cú điện thoại mệt người, những người lạ mặt ở cửa, đôi mắt ngơ ngác và lý do ưu phiền của bố. Bà sang an ủi con. Anh nó, lớn hơn nó ba tuổi, giúp bà. “Paul,” thằng anh nói, “em nín đi, rồi ngày mai anh dạy em đánh poker.”
Dewey ở trong bếp; Marie đi tìm và thấy ông ở đó, chờ cà phê đang pha, những tấm ảnh hiện trường vụ án la liệt trước mặt ông - trên bàn bếp - những vệt mờ nhạt làm ố mất mặt vải dầu vẽ hình hoa quả đẹp đẽ của cái bàn. (Có lần ông bảo bà xem một tấm ảnh. Bà từ chối. Bà nói, “Em muốn nhớ về Bonnie như Bonnie vốn dĩ là thế - cả họ cũng vậy.”) Ông nói, “Có lẽ bọn nhỏ phải đến ở với mẹ.” Mẹ ông, một cụ góa, song không xa lắm, trong một ngôi nhà cụ cho là quá rộng và quá im lìm; các cháu nội cụ luôn luôn được hoan nghênh.
“Chỉ ít ngày thôi. Cho tới khi - được, cho tới...”
“Alvin này, anh có nghĩ là rồi chúng ta sẽ trở lại với cuộc sống bình thường được không?” bà Dewey hỏi.
Cuộc sống bình thường của họ là như thế này: cả hai đi làm, bà Dewey là thư ký văn phòng và họ chia nhau công chuyện nội trợ, luân phiên làm bếp và rửa bát. (“Khi Alvin là cảnh sát trưởng, tôi biết có vài đứa trẻ trêu đùa anh ấy. Hay nói, ‘Xem kìa chuyện hay! Cảnh sát trưởng Dewey đang đến! Người đàn ông dữ dằn! Đeo một khẩu sáu viên! Nhưng một khi ông ấy về nhà, khẩu súng liền rời và thượng tạp dề lên!’”) Lúc đó, họ đang dành dụm để xây nhà ở cái trại Dewey mua năm 1951 - hai trăm bốn chục mẫu Anh cách Garden City vài dặm về phía Bắc. Nếu thời tiết tốt, đặc biệt những ngày nóng và lúa mì mọc cao đã chín, ông thích lái xe ra đây tập rút súng nhanh - bắn quạ, hộp thiếc - hay tưởng tượng ra mình đang loăng quăng trong ngôi nhà ông hy vọng sẽ có, qua khu vườn ông có ý trồng trọt, và dưới các cây vẫn chưa tra hạt. Ông rất tin là một ngày nào đó, ốc đảo sồi và du của ông sẽ sừng sững ở trên những bình nguyên không bóng cây này: “Một ngày nào đó. Chúa đang muốn.”
Đức tin ở Chúa và những nghi thức bao quanh đức tin đó - lễ nhà thờ mọi Chủ nhật, tạ ơn trước bữa ăn, đọc kinh trước khi ngủ - là một phần quan trọng trong đời sống nhà Dewey. “Tôi không hiểu làm sao lại có người ngồi xuống ăn mà không tạ ơn Chúa,” bà Dewey có lần đã nói. “Đôi khi, lúc đi làm về, khá là mệt mỏi. Nhưng bao giờ cũng có cà phê trên lò và đôi khi một miếng bít tết trong ngăn đá. Bọn trẻ châm bếp rán bít tết và chúng tôi trò chuyện, kể cho nhau ngày làm việc của mình, và lúc bữa tối đã làm xong, tôi biết chúng tôi có lý do chính đáng để vui mừng và biết ơn. Cho nên tôi nói, “Tạ ơn Chúa. Không chỉ vì con nên tạ ơn mà là con muốn tạ ơn.”
Bây giờ bà Dewey nói, “Alvin, trả lời em nào. Anh có nghĩ là chúng ta sẽ lại có một cuộc sống bình thường như trước hay không đấy?”
Ông định trả lời, nhưng chuông điện thoại đã làm cho ông ngừng lại.
Chiếc Chevrolet cũ rời Kansas City đêm thứ Bảy, 21 tháng Mười một. Hành lý được buộc ở cái chắn bùn và cột trên mui xe; cái rương bị nhét đầy phè không đậy lại được; bên trong xe, ở hàng ghế sau, hai chiếc ti vi đặt chồng lên nhau. Người trên xe chịu ngồi chật: Dick lái, còn Perry ôm cây ghi ta Gibson cũ của hắn, vật sở hữu hắn yêu nhất. Còn các đồ dùng khác của Perry - một va li các tông, một rađiô xách tay Zenith màu xám, một can bia không cồn làm bằng rễ cây (hắn sợ thứ nước uống hắn thích này không có ở Mexico) và hai thùng lớn đựng sách, bản thảo, quyển sổ ghi các sự kiện yêu dấu đáng ghi nhớ (và Dick chả đã nổi cơn điên sao! Chửi rủa, đá hộp đá thùng, gọi chúng là “đồ lợn hai tạ rưỡi cứt!”) - mấy cái này cũng là một phần trong mớ nội thất bề bộn của chiếc xe.
Khoảng nửa đêm, chúng vượt biên giới vào bang Oklahoma. Vui vì ra khỏi bang Kansas, Perry cuối cùng cũng nhẹ người. Bây giờ thì đúng thật rồi - chúng đang bon bon trên con đường của chúng. Con đường của chúng, và không bao giờ còn quay lại - không hề luyến tiếc, về phần hắn vì chẳng để cái gì lại ở đằng sau, và chẳng ai có thể nghĩ sâu xa đến việc hắn bị cuốn quay cuồng vào trong bầu không khí mỏng manh nào. Với Dick thì không thể nói thế. Có những cái Dick tuyên bố là yêu: ba đứa con trai, bà mẹ, ông bố, người anh - những người hắn không dám thổ lộ các dự án của hắn hay chào từ biệt, tuy hắn không bao giờ chờ mong gặp lại họ - trong cuộc đời này của hắn thì không.