Máu Lạnh - Phần III - Chương 2
“Một buổi tối Dick mang hắn (Perry) về nhà và bảo chúng tôi hắn là một người bạn vừa mới xuống chuyến xe buýt từ Las Vegas đến, nó muốn biết hắn có thể ngủ ở nhà, nán lại ít lâu được không,” bà Hickock nói. “Không, thưa ông, tôi không muốn cho hắn vào nhà. Nhìn qua tôi thấy ngay hắn là cái thứ gì. Với cái mùi nước hoa của hắn. Rồi cái loại dầu bôi tóc. Rõ như ban ngày là Dick đã gặp hắn ở đâu. Theo điều kiện tha do lời hứa không tái phạm, nó đã được bảo ban là không được kết bè với bất cứ ai nó gặp ở trên đó (ở Lansing). Tôi có nhắc nhở Dick, nhưng nó không nghe. Nó tìm một cái buồng cho bạn nó ở khách sạn Olathe, ở Olathe, rồi sau cứ rảnh lại đến với hắn. Có lần hai đứa đi du lịch cuối tuần. Ông Nye à, chắc chắn như ông hiện đang ngồi đây đây, Perry Smith chính là kẻ đã xúi giục nó viết séc giả đấy.”
Nye gập quyển sổ tay và cất bút vào túi, kể cả hai bàn tay bởi chúng đang run lên vì kích động. “Về Du lịch cuối tuần à. Họ đã đi đâu?”
“Fort Scott,” ông Hickock nói, nêu tên một thị trấn ở Kansas. “Theo như tôi hiểu thì Perry Smith có một người chị sống ở Fort Scott. Nghe đâu bà ấy giữ một món tiền của hắn ta. Đâu như một nghìn rưởi đô la. Đó là lý do chính mà hắn tới Kansas, tới để lấy lại tiền gửi người chị. Thế nên Dick đánh xe chở hắn xuống dưới đó. Chỉ đi một đêm thôi, về nhà trước trưa Chủ nhật. Kịp bữa tối Chủ nhật.”
“Tôi rõ rồi,” Nye nói. “Một chuyến đi suốt đêm. Có nghĩa là họ rời đây đi vào lúc nào đó ngày thứ Bảy. Có phải thứ Bảy, ngày 14 tháng Mười một không?”
Ông già nói phải.
“Và quay về ngày Chủ nhật, 15 tháng Mười một?”
“Trưa Chủ nhật.”
Nye làm tính nhẩm và phấn khởi vì cái kết luận vừa có được trong quãng thời gian hai mươi, hoăc hai mươi tư giờ, hai kẻ tình nghi đã làm một chuyến suốt ngày đêm hơn tám trăm dặm đường và, trong quá trình đó, giết bốn người.
“Bây giờ thì, ông Hickock này,” Nye nói. “Hôm Chủ nhật, khi con trai ông về, anh ta có đi một mình không? Hay Perry Smith cùng về?”
“Không, có một mình. Nó nói đã để Perry ở khách sạn Olathe.”
Bình thường vốn có giọng mũi sắc khiến kẻ khác phải e dè, Nye cố nói cho ra một âm sắc dịu chùng, một giọng hờ hững dễ làm người ta tin cậy. “Ông bà có nhớ - anh ta có cái gì khác thường để ông bà ngạc nhiên không?”
“Gì cơ?”
“Con ông ba ấy.”
“Khi nào chứ?”
“Khi ở Fort Scort quay về.”
Ông Hickock nghĩ ngợi. Rồi nói, “Xem vẻ như vẫn vậy. Ngay sau khi nó vào nhà thì chúng tôi ngồi xuống ăn cơm. Nó đói dữ. Tôi chưa đọc kinh tạ Chúa xong nó đã bắt đầu lấy thức ăn vào đầy đĩa rồi. Tôi để ý chuyện đó, bèn nói, ‘Dick, mày nuốt nhanh thế này thì cùi chỏ mày hoạt động không kịp với mày đâu. Định ăn hết phần của cả nhà đấy hả?’ Dĩ nhiên lúc nào nó cũng là đứa ăn khỏe. Rau dầm giấm. Nó có thể ăn cả một thẫu rau dầm giấm.”
“Sau bữa tối anh ấy làm gì?”
“Ngủ vùi,” ông Hickock nói, và có vẻ như hơi sửng sốt về câu trả lời của chính mình. “Gục ngủ ngay. Và tôi nghĩ ông có thể coi điều đó là khác thường được đấy. Chúng tôi cùng quây quần ngồi xem bóng rổ. Trên ti vi. Tôi, Dick và thằng con trai kia của chúng tôi, David. Chả mấy chốc Dick đã ngáy như cái cưa điện, tôi liền bảo thằng em nó, ‘Lạy Chúa, tao không bao giờ nghĩ tao còn sống đến ngày thấy Dick nó thà ngủ chứ không xem bóng rổ.’ Thế mà ngủ đấy. Ngủ một lèo đến hết trận đấu. Chỉ thức dậy vừa đủ để ăn ít món nguội bữa đêm rồi ngay sau đó lại lên giường luôn.”
Bà Hickock xâu chỉ vào kim mạng; chồng bà dập dinh cái ghế bập bênh và mút mút một cái tẩu không châm. Con mắt được huấn luyện của người thám tử đi lướt quanh gian phòng xoàng xĩnh nhưng được quét dọn lau chùi. Trong góc nhà, một khẩu súng dựng vào tường; ông đã để ý thấy nó từ trước. Đứng dậy, với tay lấy khẩu súng, ông nói, “Ông có hay bắn không, ông Hickock?”
“Súng của nó đấy. Của Dick. Nó và David một dạo hay đi bắn. Chủ yếu là săn thỏ.”
Đó là khẩu súng nòng 12 ly nhãn Savage (Man dại), Model 300; cảnh đàn trĩ bay được chạm trổ tinh vi trang hoàng trên cái báng.
“Dick có cái này bao lâu rồi?”
Câu hỏi làm bà Hickock nổi đóa. “Khẩu súng này giá trên một trăm đô la. Dick mua trả góp đấy, giờ cửa hàng không chịu lấy lại, tuy mua chưa tới một tháng và mới chỉ dùng có một lần - đầu tháng Mười một, lúc nó với David đi Grinnell bắn trĩ. Nó lấy tên chúng tôi đứng ra mua - bố nó để chúng nó làm như vậy - cho nên chúng tôi phải chịu trách nhiệm trả, mà ông nghĩ xem, Walter ốm đau thế này, mọi cái chúng tôi đều thiếu thốn thế này, mọi cái chúng tôi phải làm mà chẳng...” Bà nín thở, tựa như gắng ghìm một cơn nấc. “Ông không dùng cà phê nữa ư, ông Nye? Không phiền gì đâu mà.”
Nye dựng lại khẩu súng vào tường, rời tay ra khỏi nó, mặc dù cảm thấy chắc chắn nó là thứ vũ khí đã giết cả nhà Clutter. “Cảm ơn bà, đã muộn rồi, tôi còn phải đi Topeka,” ông nói, đoạn xem quyển sổ tay, “Giờ tôi sẽ phải đi suốt tới đó, xem liệu có đi thẳng một lèo được không đây. Perry Smith đến Kansas thứ Năm ngày 12 tháng Mười một. Con ông bà nói người ấy đến để lấy một khoản tiền gửi người chị cư ngụ tại Fort Scott. Thứ Bảy ấy, hai người lái xe đi Fort Scort, họ ở lại cả đêm ở đó - tôi đồ là họ ở nhà người chị?”
Ông Hickock nói, “Không. Chúng không tìm ra bà ta. Hình như đã chuyển đi rồi.”
Nye mỉm cười. “Nhưng họ cũng ở xa đây suốt đêm hôm ấy. Và trong cả tuần sau đó - tức là từ ngày 15 tới ngày 21! Dick tiếp tục gặp người bạn Perry Smith của mình, hay nếu không thì, như ông biết đấy, vẫn giữ lề thói cũ, sống ở nhà và đi làm ngày ngày. Ngày 21 thì anh ấy biến mất, cả Perry Smith. Và từ đó ông bà không nghe thấy gì về anh ấy nữa? Anh ấy không viết gì cho ông bà ư?”
“Nó sợ viết,” bà Hickock nói. “Xấu hổ và sợ.”
“Xấu hổ?”
“Về cái việc nó làm ấy. Về việc nó lại làm khổ chúng tôi. Còn sợ thì là vì nghĩ chúng tôi sẽ không tha thứ. Như chúng tôi vẫn luôn luôn tha thứ. Và sẽ còn tha thứ. Ông có con không, ông Nye?”
Nye gật.
“Vậy ông biết chuyện đó nó như thế nào rồi đấy.”
“Thêm một câu nữa thôi. Ông bà liệu may ra có biết con trai ông bà đi đâu không?”
“Ông mở một tấm bản đồ ra,” ông Hickock nói, “trỏ ngón tay vào, có thể ở chỗ đó đấy.”
Chiều một lúc lâu rồi, người lái xe, một người bán hàng rong cỡ trung tuần, tên là Bell, đã mệt. Ông muốn dừng lại ngủ một chặp. Nhưng chỉ còn cách nơi định đến - Omaha, Nebraska, trụ sở của công ty đóng gói thịt lớn mà ông làm việc - có trăm dặm nữa thôi. Công ty này cấm người bán hàng của công ty cho người lạ đi nhờ xe, nhưng ông Bell thường không tuân theo, đặc biệt là khi ông chán hoặc buồn ngủ, cho nên khi trông thấy hai người trẻ tuổi đứng bên đường, ông liền hãm ngay xe lại.
Họ có vẻ như “những chàng trai OK”. Người cao hơn, kiểu lỏng khỏng với bộ tóc húi cua màu vàng bẩn và cử chỉ lễ độ, nhoẻn một nụ cười kết thân; người cùng đi, loại “còi”, cầm một cái kèn harmonica trong tay phải, tay trái xách một va li rơm căng phồng, nom cũng “khá tử tế”, nhan nhát nhưng dễ mến. Muốn gì thì ông Bell cũng hoàn toàn không biết ý đồ của hai vị khách nhờ xe, là siết họng ông bằng thắt lưng rồi lấy xe lấy tiền, lấy mạng ông xong sẽ giấu kín ông trong một nấm mồ giữa đồng cỏ, ông đang mừng là có bạn đường, có người để trò chuyện, giữ ông tỉnh ngủ cho tới Omaha.
Ông tự giới thiệu rồi hỏi tên hai người. Anh thanh niên vồn vã cùng ngồi hàng ghế đầu với ông nói mình là Dick. “Và đây là Perry,” hắn nói, liếc về phía Perry ngồi ở ngay sau.
“Tôi có thể đưa hai cậu đến tận Omaha.”
Dick nói, “Thưa ông. Xin cảm ơn. Omaha chính là nơi bọn tôi đang định đến. Hy vọng tìm ra được công việc gì.”
Họ đang tìm công việc gì nhỉ? Ông Bell nghĩ mình có thể giúp đỡ được.
Dick nói, “Tôi là thợ sơn xe hạng nhất. Cả thợ cơ khí. Tôi quen làm ra tiền thật sự. Bồ tôi đây và tôi, chúng tôi định đi xuống vùng Mexico Cổ. Ý chúng tôi là đến sống ở đó. Nhưng khốn kiếp, họ chẳng trả lương gì hết. Người da trắng không có gì để mà sống nổi.”
A, Mexico! Ông Bell giải thích rằng mình đã qua tuần trăng mật ở Cuernavaca. “Chúng tôi luôn muốn quay lại đó. Nhưng khó lòng đi đâu được khi mà mình có những năm đứa trẻ.”
Song như sau này kể lại, Perry đã nghĩ, năm đứa con - à, hỏng quá. Rồi nghe Dick ba hoa chích chòe khoe khoang, bắt đầu tả ra “những cuộc chinh phục trái tim” của hắn ở Mexico, Perry nghĩ sao nó “quái đản” thế, “mắc chứng duy ngã độc tôn” vậy. Tưởng tượng mà xem, nó cứ ra sức trộ cái kẻ mình sắp giết, một con người không được sống thêm mười phút nữa kể từ giờ - nếu như cái kế hoạch hắn và Dick dựng lên diễn ra êm thắm. Mà sao lại không êm thắm được? Sự bố trí thật là lý tưởng - đúng như điều chúng tìm kiếm suốt ba ngày phải bỏ ra để đi từ California tới Nevada và qua Nevada rồi Wyoming mà vào Nebraska bằng cách ké nhờ xe dọc đường. Nhưng cho tới lúc này, một nạn nhân thích hợp đã lọt khỏi tay chúng. Ông Bell là người đầu tiên coi bộ giàu có, lái xe một mình, nhận cho chúng đi nhờ xe. Các chủ xe khác đều hoặc tài xế xe tải hoặc lính tráng - và có lần, hai thằng da đen đấu quyền Anh lấy giải lái một chiếc Cadillac màu tím nhạt. Nhưng ông Bell thì hoàn hảo đây. Perry sờ vào trong túi của chiếc áo gió bằng da hắn đang mặc. Cái túi ụ lên bởi bình thuốc aspirin Bayer và một hòn đá nhọn hoắt, to bằng quả đấm bọc trong chiếc khăn tay sợi bông màu vàng của cao bồi. Hắn cởi thắt lưng, một chiếc thắt lưng Navajo, khóa bạc và có khảm các hạt ngọc lam; hắn lấy thắt lưng ra, uốn uốn thử, đặt lên ngang đầu gối. Hắn chờ. Hắn nhìn đồng cỏ Nebraska lướt qua, đùa với chiếc kèn harmonica - dạo lên một điệu rồi chơi, chờ Dick nói ra câu báo hiệu hành động đã hẹn trước với nhau: “Kìa, Perry, đưa cho mình que diêm.” Lúc đó, Dick được giả định sẽ nắm lấy tay lái, còn Perry vung chiếc mùi soa bọc hòn đá lên nện kịch vào đầu người bán hàng - “cho nó vỡ toác ra”. Sau đó, dọc một lề đường vắng lặng nào đó, chiếc thắt lưng có khảm hạt ngọc lam kia sẽ được dùng đến.
Nhưng hiện giờ Dick và con người đã bị khép án vẫn đang trao đổi những câu chuyện tục tĩu với nhau. Tiếng họ cười làm Perry cáu; hắn đặc biệt không ưa tiếng cười ha há của ông Bell - những tiếng sủa nồng nhiệt nghe rất giống với tiếng cười của Tex John Smith, bố Perry. Nhớ đến tiếng cười của bố, hắn càng căng cái đầu; đầu hắn nhức, gối hắn đau. Hắn nhai ba viên aspirin rồi nuốt chửng. Giê-su ơi! Có khi hắn nôn ra hay ngất xỉu tới nơi; hắn cảm thấy nếu như Dick cứ hoãn hoài buổi “liên hoan” thì hắn sẽ nôn là cái chắc. Ánh trăng mờ đục, đường thẳng băng, chẳng có một nóc nhà lẫn bóng người nào trước mắt - chẳng gì hết ngoài mặt đất bị mùa đông lột trơ lột trụi và sẫm màu như sắt miếng. Đến lúc rồi đây, ngay bây giờ. Hắn nhìn chằm chằm vào Dick, tựa hồ truyền đi cái ý nghĩ này, và một vài dấu hiệu nho nhỏ - một mí mắt động đậy, mấy giọt mồ hôi ở ria mép - đang bảo hắn là Dick cũng đã đi tới kết luận tương tự rồi.
Nhưng khi Dick lên tiếng nữa thì gã chỉ lại tương ra một câu đùa mà thôi. “Có câu đố thế này. Giữa một chuyến vào buồng tắm với một chuyến ra nghĩa địa thì sự giống nhau là ở đâu?” Hắn cười. “Chịu thua chưa?”
“Chịu.”
“Khi ông đã phải đi là cứ phải đi thôi!”
Ông Bell sủa.
“Này, Perry, đưa cho mình que diêm.”
Nhưng đúng lúc Perry giơ tay lên, và hòn đá đang trên đà sắp giáng xuống thì một cái dị thường xảy ra - cái sau này Perry gọi là “một kỳ tích con mẹ nó”. Kỳ tích đó là sự xuất hiện thình lình của người đi nhờ xe thứ ba, một người lính da đen mà ông bán hàng từ thiện đã đỗ lại cho lên. “Kìa, thật là duyên làm sao,” ông nói trong khi người cứu mạng ông chạy tới chiếc xe. “Đã đi là cứ phải đi thôi!”
Ngày 16 tháng Mười hai năm 1959, Las Vegas, Nevada. Năm tháng và thời tiết đã bỏ đi mất chữ đầu tiên và chữ cuối cùng - chữ R và chữ S - do đó tạo ra một từ mới có phần nào mang điềm gở: OOM. Chữ này, lờ mờ hiện lên trên cái bảng hiệu bị cong vênh vì nắng, xem chừng phù hợp với cái nơi mà nó quảng cáo, như Harold Nye viết trong báo cáo chính thức của KBI, một nơi “điêu tàn xập xệ, thứ khách sạn hay nhà trọ tồi nhất trong các thứ tồi”. Biên bản viết tiếp: “Cho tới vài năm trước đây (theo như thông tin cảnh sát Las Vegas cung cấp), nó là một trong mấy ổ điếm lớn nhất ở miền Tây. Rồi hỏa hoạn đã thiêu hủy ngôi nhà chính, phần còn lại được đem làm thành một cái nhà trọ rẻ tiền”. “Tiền sảnh” không bày biện thứ gì trừ một cây xương rồng cao mét tám và một quầy tiếp tân tạm bợ; nó cũng không có người ở. Nhà thám tử vỗ tay.
Cuối cùng, một tiếng người, đàn bà, song không nhiều nữ tính lắm, hét to, “Tôi đến đây,” nhưng phải đến năm phút sau mới hiện ra. Bà ta mặc một cái áo lao động trong nhà ố bẩn, đôi xăng đan da cao gót băng hàng kim nhũ. Những cái lô túm chặt lấy mái tóc thưa màu vàng nhạt. Mặt bà ta rộng, nạc thịt, đánh phấn, bôi đỏ. Tay cầm một lon bia Miller Hight Life; người sặc mùi bia và thuốc lá cùng sơn móng tay vừa mới bôi xong. Bà ta bảy mươi tư tuổi, nhưng theo ý Nye thì “nom trẻ hơn - có lẽ trẻ hơn mười phút”. Bà nhìn chằm chằm Nye, bộ áo quần màu nâu lịch sự, chiếc mũ nâu bẻ gập vành của ông. Khi ông đưa chiếc huy hiệu ra, bà thích thú; đôi môi bà hé, và Nye thấy lấp lóa hai hàng răng giả. “Ái chà, không ngờ đấy,” bà nói, “OK nào ta hãy nghe xem nào.” Ông đưa cho bà một tấm ảnh của Richard Hickock. “Biết hắn không?”
Một tiếng làu bàu phủ định. “Hay hắn?”
Bà nói, “Ái chà. Anh ta có ở đây ít ngày. Nhưng bây giờ thì thôi rồi. Trả phòng từ tháng trước rồi. Ông có muốn coi sổ đăng ký không?”
Nye tì lên bàn làm việc nhìn những móng tay dài có sơn của bà ta dò tìm một trang viết tháu bằng bút chì. Las Vegas là nơi đầu tiên trong ba nơi mà cấp trên của ông muốn ông đến. Cả ba đều được chọn ra vì chúng liên quan tới chuyện Perry Smith. Hai nơi kia là Reno, nơi được cho là bố Perry sống, và San Francisco, nhà của chị Perry, ở đây được biết đến với cái tên bà Frederic Johnson. Tuy Nye có kế hoạch phỏng vấn những người họ hàng này, và một ai đó khác có thể biết được tung tích của kẻ tình nghi, song mục tiêu chính của ông vẫn là tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan pháp luật sở tại. Chẳng hạn, khi đến Las Vegas, ông đã thảo luận vụ Clutter với Trung úy B. J. Handlon, Trưởng ban Thám tử của sở Cảnh sát Las Vegas. Lúc đó, viên trung úy đã viết một công văn ra lệnh cho toàn bộ nhân viên cảnh sát phải duy trì tình trạng báo động đối với Hickock và Smith: “Kansas truy nã về tội vi phạm lời hứa trước tòa; nghe nói đương sự đang lái một chiếc xe Chevrolet 1949 với giấy phép của Kansas số JO - 58269. Những người này chắc chắc có vũ khí nên bị coi là nguy hiểm.” Handlon cũng cử một thám tử giúp Nye “vụ nhà cầm đồ”, như ông nói, “luôn luôn có đám người này ở bất cứ thị trấn cờ bạc nào”. Nye và người thám tử Las Vegas đã cùng nhau kiểm tra từng biên lai cầm đồ được xuất trong tháng trước. Đặc biệt, Nye hy vọng tìm ra một rađiô xách tay nhãn Zenith mà người ta tin rằng đã bị lấy cắp ở nhà Clutter đêm án mạng, nhưng ông không may mắn trong việc này. Tuy nhiên một người cầm đồ đã nhớ ra Smith (“Hắn đi đi lại lại ở đây có đến mười năm rồi”) và đưa ra tấm biên lai về một cái chăn da gấu được cầm trong vòng tuần đầu tháng Mười một. Chính nhờ biên lai này mà Nye đã nắm được địa chỉ cái nhà trọ.
“Đăng ký ngày 13 tháng Mười,” bà chủ trọ nói, ‘trả ngày 11 tháng Mười một.” Nye liếc nhìn chữ ký của Smith. Sự bay bướm của nó, những uốn những móc kiểu cách làm ông ngạc nhiên - một phản ứng mà bà chủ trọ rõ ràng đoán ra, và bà nói. “Ái chà. Mà ông còn phải nghe hắn ta nói nữa cơ. Toàn những từ to tát dài dòng lọt vào tai mình bằng cái giọng thì thầm, lào thào. Tính cách có một không hai đây. Ông lùng hắn ta là vì cái gì - một thằng ma cô nhãi xinh xẻo như thế?”
“Vi phạm lời hứa phóng thích.”
“Ái chà. Đi ngần ấy đường từ Kansas đến vì một vụ vi phạm lời hứa. Được, tôi chỉ là một mẹ tóc vàng ú ớ thôi mà. Tôi tin ông. Nhưng tôi sẽ không kể lại chuyện này cho bất cứ con bé tóc đen nào nghe đâu.” Bà giơ lon bia lên, uống cạn, rồi từ từ lăn cái lon rỗng giữa hai bàn tay nổi gân và lấm chấm đồi mồi. “Muốn làm gì thì làm, những không thể là tay cầm đầu được. Không thể được. Tôi chưa từng gặp người nào mà tôi không ước nổi cỡ giày đâu. Thằng cha này chỉ là một gã ma cô. Đồ ma cô nhãi ranh cố dụ tôi không đòi tiền trọ tuần cuối cùng nó ở đây.” Bà chặc lưỡi, chắc là do nghĩ tới sự hoang đường của một mưu mô như thế.
Nye hỏi tiền phòng của Smith là bao nhiêu.
“Giá quy định. Chín đô một tuần. Thêm năm hào tiền gửi chìa. Dứt khoát trả ngay. Dứt khoát trả trước tháng.”
“Trong khi ở đây, anh ta làm gì? Có bạn bè gì không?”
“Ông nghĩ tôi phải để mắt tới từng đứa mạt hạng đến ở đây hay sao?” bà chủ nhà trọ vặn lại. “Bọn cầu bơ cầu bất. Bọn ma cô. Tôi không quan tâm. Tôi có một đứa con gái lấy được tay cỡ bự.” Rồi bà nói, “Không, hắn chẳng có bạn nào. Ít nhất cũng không thấy hắn ta la cà với ai đặc biệt cả. Lần cuối cùng hắn ở đây, ngày nào hắn cũng mất gần hết thì giờ lỉnh kỉnh với cái xe. Hắn đỗ xe ngoài kia. Một chiếc Ford cũ. Nom như có từ thời hắn ra đời. Hắn sơn lại. Phần mui sơn đen, phần còn lại thì sơn bạc. Rồi hắn viết “Xe bán” lên trên kính chắn gió. Một hôm tôi nghe một dân hấp dừng lại trả bốn chục đô - nghĩa là cao hơn giá trị của nó những bốn chục lần. Nhưng hắn nói hắn không thể để được dưới chín chục. Nói hắn cần tiền để mua vé xe buýt. Trước khi hắn rời đi, tôi nghe nói một người da màu nào đó đã mua phải cái xe.”
“Nói cần tiền mua vé xe buýt, bà có biết anh ta định đi đâu không?”
Bà ta chúm môi lại, cho một điếu thuốc lá vào mồm nhưng mắt vẫn dừng lại ở Nye. “Chơi đẹp đấy nhá. Có tiền lên bàn không? Thưởng chứ?” Bà ta chờ một câu trả lời; khi không có gì xảy ra, bà ta hình như cân nhắc thiệt hơn rồi quyết định tốt nhất là nói. “Vì tôi có cảm tưởng bất kỳ đến đâu hắn ta cũng không có ý ở lại lâu. Cảm tưởng là hắn có ý bỏ bớt lại đồ đạc ở đây. Kiểu như chờ có ngày hắn còn quay lại.” Bà hất đầu về phía trong nhà. “Vào đây, tôi sẽ cho ông thấy là tại sao.”
Những bậc cầu thang. Những gian sảnh xám xịt. Nye ngửi các mùi, phân biệt chúng với nhau: cồn tẩy uế phòng vệ sinh, rượu, mẩu thuốc lá đã dụi tắt. Bên kia một cánh cửa, một tay nghiện đang rên rỉ hát, không biết vui hay sầu. “Nguội đi, Dutch! Tắt máy đi không là ông cuốn gói đấy!” người đàn bà thét. “Đây,” bà bảo Nye, đưa ông vào một nhà kho tối tăm. Bà bật đèn lên. “Đằng kia. Cái thùng đó. Hắn ta hỏi tôi có thể giữ cho đến khi hắn quay lại không.”
Đó là một cái thùng các tông, không bọc nhưng buộc lại bằng dây thừng. Một lời tuyên bố, một cảnh báo phần nào có ý nghĩa một lời nguyền độc, được viết bằng bút chì ngang qua nắp thùng: “Cẩn thận! Tài sản của Perry E.Smith! Cẩn thận!” Nye cởi dây; cái nút thắt, ông không vui khi thấy nó không cùng kiểu với cái nút đơn bọn giết người đã dùng để trói nhà Clutter. Ông bật hai mép thùng. Một con gián vọt ra, bà chủ giẫm ngay lên, nghiền nát nó dưới gót chiếc dép bằng kim nhũ của bà. “Hầy!” bà nói trong khi Nye thận trọng lấy đồ đạc của Smith ra thong thả xem. “Thằng mất dạy. Đây là khăn tắm của tôi.” Cùng với cái khăn tắm, ông Nye tỉ mỉ ghi thành khoản mục vào sổ tay mình: “Một cái gối bẩn ‘kỷ niệm Honolulu’; một chăn trẻ con màu hồng; một quần kaki; một chảo nhôm với cái đánh trứng. Nhiều thứ bà giằn khác bao gồm một cuốn dán dày đặc những tấm ảnh cắt ra từ tạp chí thể dục thể thao (hình các lực sĩ cử tạ bóng nhoáng mồ hôi) và, bên trong một hộp giày, một loạt các thứ thuốc: bàn chải và bột dùng để đỡ hôi mồm, và cả một lượng aspirin đáng kinh ngạc - ít ra tới một tá hộp, nhiều hộp đã dùng hết.”
“Toàn vứt đi,” bà chủ trọ nói. “Chẳng gì ngoài giẻ rách.” Đúng thế, đây là thứ vô giá trị ngay cả với nhà thám tử đang khát đòi tung tích. Nhưng Nye vẫn thích; mỗi thứ - thuốc đau lợi, cái gối Honolulu nhẫy bóng - đều đem lại cho ông một ấn tượng rõ rệt hơn về người chủ của nó cùng cuộc sống đơn độc, khốn cùng của hắn.
Ngày hôm sau ở Reno, chuẩn bị cho bản báo cáo chính thức, Nye viết: “Hồi 9 giờ sáng, người viết báo cáo đã tiếp xúc với ông Bill Driscoll trưởng phòng Điều tra Án mạng, văn phòng cảnh sát trưởng Washoe County, Reno, Nevada. Sau khi thông báo vắn tắt tình huống vụ án, đã cung cấp cho ông Drishcoll ảnh, dấu tay và lệnh bắt Hickock và Smith. Những việc của cả hai người này và chiếc xe hơi đã được điền vào hồ sơ. Hồi 10 rưỡi sáng, người viết báo cáo còn tiếp xúc với Hạ sĩ cảnh sát Abe Feroah, Phòng Thám tử, sở Cảnh sát, Reno, Nevuda. Hạ sĩ cảnh sát Feroah và người viết báo cáo đã rà soát các hồ sơ cảnh sát. Cả tên Smith lẫn tên Hickock đều không thấy trong hồ sơ ghi nhận tội phạm. Kiểm tra hồ sơ biên lai cầm đồ cũng không cho được tin tức nào về cái rađiô bị mất. Đã điền việc cái rađiô vào hồ sơ phòng trường hợp nó bị cầm ở Reno. Thám tử phụ trách các tiệm cầm đồ còn đưa ảnh của Smith và Hickock cho từng tiệm trong thị trấn và cũng đã đích thân kiểm tra từng tiệm cầm đồ về cái rađiô. Các tiệm này nhận dạng Smith là người quen thuộc nhưng không thể cung cấp thêm thông tin gì hơn.”
Buổi sáng thì vậy. Chiều hôm ấy Nye lên đường đi tìm Tex John Smith. Nhưng ở chặng dừng đầu tiên, tại bưu điện, một nhân viên ở quầy Gửi phát chung bảo ông chả cần phải tìm đâu xa cả - chả cần ở Nevada - vì “cá thể kia” đã rời đó đi từ hồi tháng Tám trước và hiện đang sống ở lân cận Circle City, Alaska. Dẫu gì thì thư tín của hắn cũng đang được gửi đến đó.
“Chu cha! Cha này thì mới kinh đây,” viên thư ký nói, đáp lại yêu cầu của Nye là hãy tả cho nghe về Smith bố. “Lão này y như ở trong sách ra ấy. Tự nhận là Sói Cô độc. Nhiều thư từ của lão được gửi đến với cái tên Sói Cô độc ấy. Lão không nhận nhiều thư, không, nhưng mà hàng đống ca ta lô và tờ rơi quảng cáo thì có. Ông phải lấy làm lạ về cái số lượng những kẻ cứ gửi hoài mấy thứ này đi, chỉ là để mong nhận lại dăm ba hồi âm. Lão ấy già đến đâu hả? Chắc là sáu chục. Mặc kiểu miền Tây, ủng cao bồi, một cái mũ tổ bố. Lão bảo tôi hồi xưa lão chơi trò rodeo, cưỡi bò cưỡi ngựa bất kham. Tôi nói chuyện với lão ít thôi. Ít năm gần đây hầu như ngày nào lão cũng ở đây. Thi thoảng, lão mất tăm ít lâu, đi xa đâu như một tháng hay gì đó - lúc nào cũng bảo là đi khảo sát. Tháng Tám vừa rồi một hôm có một thanh niên đến quầy đây. Nói là hắn đi tìm bố, Tex John Smith, và hỏi tôi có biết tìm ở đâu không. Hắn trông khác bố nhiều; bố thì mỏng môi và người Ái Nhĩ Lan, anh con thì xem ra gần như da đỏ hẳn, tóc đen như xi đánh ủng, mắt cũng đọ được với tóc. Nhưng sáng hôm sau Sói đi vào khẳng định, bảo đây là con tôi, nó vừa mới phục viên và hai bố con sẽ đi Alaska. Lão là một tay làm ăn ở Alaska. Đâu như có thời lão có một cái khách sạn ở đó, hay một kiểu nhà trọ cho dân đi săn. Lão nói lão tính đi chừng hai năm. Không, từ đấy không bao giờ thấy lão nữa, cả lão lẫn thằng con.”