Oan nghiệt - Chương 16 phần 1

Chương 16

Banks ở nhà suốt buổi tối, cố suy nghĩ ra biện pháp để giải quyết những việc đã xảy ra trong ngày. Ông vẫn còn cảm thấy người yếu và buồn nôn, nhưng ngoài hai hiện tượng ấy ra, không còn gì nguy hại cho sức khỏe. Nhân viên xe cấp cứu cứ đòi ông phải thở khí oxy và chở ông đến bệnh viện đa khoa Eastvale để kiểm tra sức khỏe, nhưng ông bác sĩ tuyên bố ông có thể về nhà được và dặn ông phải kiêng thuốc lá một thời gian.

Cứ dựa vào những việc đã xảy ra trong thời gian qua, người ra có thể kết luận rằng ông Riddle đã tự tử. Trước khi ông bác sĩ Glendenning giải phẫu tử thi, có lẽ vào ngày mai, người ta không biết chắc có phải thế không, nhưng không có dấu hiệu gì trên cơ thể Riddle chứng tỏ ông ta bị bạo hành, và những miếng giẻ và khăn lau dùng để giữ khói xăng trong ga ra đã được để ở trong nhà xe rồi, sau khi cửa đã đóng lại. Không có cửa sổ hay lối thoát nào khác nữa.

Banks không bao giờ nghĩ Riddle là loại người có thể tự tử, nhưng chắc ông là người đầu tiên xác nhận ông ta đã tự tử. Từ chuyện con gái chết một cách đau đớn đến chuyện sự nghiệp chính trị tiêu vong và ngay cả nghề nghiệp hiện tại cũng hết hi vọng, rồi đến việc báo chí dùng chiến dịch bôi nhọ ông, những chuyện như thế này đủ làm cho bất kỳ ai cũng phải chán nản, tìm đường quyên sinh.

Chắc đây là chuyện tự tử rồi, Banks nghĩ, nhưng Barry Clough vẫn còn nhiều chuyện phải trả lời. Đêm nay, Clough sẽ được hưởng lòng mến khách của ông trong nhà giam của trạm cảnh sát Eastvale, trong khi đó, các thám tử và các chuyên viên tòa án ở phía Nam đang được Burgess huy động làm việc thêm giờ để theo dõi các dấu tích họ đã tìm thấy trong vụ Charlie Courage và Andy Pandy bị bắn chết. Nếu gặp được may mắn, ngày mai Banks sẽ có thêm chứng cứ cụ thể để đương đầu với Clough trong phòng thẩm vấn.

Lúc 9 giờ tối, có chiếc xe hơi đến tận ngoài nhà, rồi có người gõ cửa. Lấy làm lạ, Banks ra mở cửa để xem thử ai.

Rosalind Riddle đứng trong trời đêm lạnh lẽo, trên người chỉ mặc chiếc váy dài và cái áo len. Bà ta hỏi:

- Tôi vào được không? Ngày hôm nay thật khủng khiếp.

Banks nghĩ chẳng cần trả lời. Ông đứng tránh sang một bên cho bà đi vào rồi đóng cửa lại. Bà ta vuốt chiếc váy cho thẳng, ngồi xuống chiếc ghế bành bên lò sưởi, thoa cho hai tay vào nhau.

- Ngoài trời lạnh quá, - Bà ta nói, - Đêm này thế nào cũng băng giá.

- Bà đến đây làm gì? – Banks hỏi.

- Ngồi trong nhà tôi sẽ phát bệnh mất. Chị Charlotte có đến chơi với tôi một lát, nhưng tôi đã để chị ấy về rồi. Chị ấy dễ thương, nhưng anh biết đấy, chúng tôi không thân nhau. Tôi thấy trống trải quá, ở nhà không có gì để làm. Trí óc tôi quay cuồng. Tôi muốn nói chuyện với anh. Hình như… Tôi không biết nữa… Tôi xin lỗi… Có lẽ tôi không nên đến đây mới phải. – Bà ta nhổm người để đứng lên.

- Đừng. Cứ ngồi đấy. Chuyện đã rồi, bà đến đây rồi. Uống cái gì chứ?

Rosalind ngập ngừng một lát rồi hỏi:

- Có thật không?

- Thật.

- Tốt. – Bà ngồi xuống lại. – Cám ơn anh. Nếu anh có vang trắng thì cho tôi một ly.

- Chắc tôi chỉ có vang đỏ thôi.

- Cũng được.

- Không có gì hấp dẫn lắm.

Bà ta cười.

- Đừng lo. Có thể tôi cầu kỳ trong các thứ, nhưng rượu thì không.

- Tốt. – Banks đi vào nhà bếp, lấy chai Merlot của Bungari do hãng Marks và Sparks sản xuất. Ông cũng rót cho mình một ly. Ông cảm thấy cần uống một tí. Sau khi đưa ly rượu cho Rosalind, ông ngồi xuống trước mặt bà. Rõ ràng bà ta đã cố phục sức để trông cho được hơn, mặc cái váy màu xám đắt tiền và chiếc áo len tròng đầu của tiệm Fair Isle, có trang điểm chút ít cho sắc mặt bớt xanh xao, nhưng vẫn không che được vòng thâm quầng dưới hai mắt, hay hai đường viền đỏ ở mắt vì khóc nhiều. Đây là người đàn bà đang đứng cheo leo trên bờ vực thẳm.

- Bà có khỏe không? – Ông hỏi. Câu hỏi nghe thật ngô nghê sau những gì đã xảy ra cho bà ta, nhưng ông nghĩ không biết phải nói gì.

- Tôi không biết nữa. Tôi tưởng tôi đương đầu được, nhưng trong này… - Bà ta vỗ vỗ lên ngực – Trong này đau như cắt và nóng như lửa. Tôi cứ nghĩ tôi sắp nổ tung. – Hai mắt bà ta đầy lệ. – Anh biết đấy, thật là quá khủng khiếp, mất con và chồng chỉ trong vòng một tuần. – Bà ta bật thành tiếng cười khan, rồi đấm thành tay xuống thành ghế. – Tại sao anh ấy dám làm thế đã chứ? Tại sao anh dám làm thế?

- Bà nói thế nghĩa là sao?

- Anh ấy đã bỏ chạy, phải không? Để tôi sống ở đâu đây? Để tôi làm con đĩ vô lương tâm lạnh lùng vì tôi vẫn còn sống à? Vì tôi không chăm lo đầy đủ cho cái chết của con gái tôi nên tôi phải tự vẫn chết à?

- Đừng làm thế, bà Rosalind, - Banks nói, ông đứng dậy, để hai tay lên vai bà. Ông cảm thấy người bà đã cố giật nhẹ vì buồn phiền và tức giận.

Sau một lát, bà ta đưa tay gỡ hai tay ông ra.

- Tôi ổn rồi, - bà ta nói, lấy tay lau nước mắt. – Tôi xin lỗi đã gây phiền phức cho anh, nhưng tôi đau khổ suốt ngày. Cứ đau đớn, buồn phiền mãi. Tôi không hiểu nổi cảm xúc của tôi. Đáng ra tôi chỉ thấy buồn phiền, mất mát là đủ… nhưng tôi còn cảm thấy tức giận. Tôi ghét anh ấy. Tôi ghét anh vì đã làm thế! Và tôi ghét tôi vì đã cảm thấy như thế.

Banks không thể làm gì được ngoài việc ngồi yên bất lực, cứ mặc cho bà ta khóc. Ông nhớ lại phản ứng của ông khi thấy Riddle chết: ông cũng đã hết sức tức giận, trước khi nghĩ đến chuyện tội lỗi. “Đồ con hoang ích kỉ”.

Khi bà Rosalind ngừng khóc, ông nói:

- Bà biết không, tôi không biết cảm xúc của bà ra sao, nhưng tôi, tôi cảm thấy khủng khiếp. Nếu tôi đến sớm hơn một chút nữa, thì chắc tôi đã cứu được ông ấy rồi. – Lời nói nghe có vẻ đầy thương cảm chứ không phải để lấy lòng, khuyên giải, nhưng ông cảm thấy ông phải nói như để nhẹ bớt cõi lòng.

Rosalind nhìn ông với ánh mắt gay gắt.

- Anh mà cứu được à? Đừng ngốc, Jerry là người rất cương quyết. Nếu anh ấy muốn tự tử, chắc ảnh phải tự tử cho được, bằng cách này hay bằng cách khác. Anh không có cách gì ngăn cấm được ngoại trừ hoãn lại một thời gian thôi.

- Nhưng dù sao… tôi vẫn nghĩ giá mà tôi đừng cần cà đến trễ. Giá mà tôi đừng… Tôi không biết nữa.

- Ghét anh ấy nhiều đến thế à?

Banks nhìn đi chỗ khác.

- Tôi nghĩ có một phần như thế.

- Anh đừng lo. Jerry là người không được ai ưa. Ngay cả khi chết rồi cũng chẳng thay đổi được gì. Anh cảm thấy mình có tội là điều vô nghĩa.

- Tôi nghĩ đến những nguyên nhân đã khiến ông ấy phải làm thế, - Banks nói sau một hồi im lặng. – Tôi biết bà cho rằng ông ấy quá thất vọng trước cái chết của Emily và thái độ thiếu thân thiện của mọi người, nhưng theo tôi thì chừng ấy thôi cũng chưa đủ làm cho ông ấy phải tự vẫn mà chết.

- Anh ấy quá buồn về những lời láo khoét của báo chí…

Banks im lặng một lát. Ông nghĩ ông không nên nói cho Rosalind biết về việc chồng bà gặp chuyện khó khăn với Barry Clough, nhưng ông cảm thấy bà ta đáng được biết chuyện ấy; ông lại còn nghĩ rằng, nếu bà ta biết được chuyện này, có lẽ cái chết của Riddle trước mắt của bà sẽ rõ ràng hơn một chút nữa. Cứ gọi đây là cuộc nói chuyện tội lỗi cũng được. Ông hít vào một hơi rồi nói:

- Chiều hôm qua tôi có ra nhà hàng Scarlea. Bà có nghe nói đến nhà hàng ấy chưa?

- Có, tôi có nghe. Đây là nơi săn bắn của người giàu có, đúng không?

- Phải. Theo lời của người bán rượu thì chồng bà có ăn tối ở đấy với Barry Clough vào Chủ nhật trước nữa.

Rosalind tái mặt.

- Barry Clough à?

- Phải. Người đàn ông mà Emily đã sống với hắn một thời gian ở Luân Đôn.

- Tôi nhớ tên rồi. Anh nói Jerry có ăn tối với hắn à?

- Phải. Có thật bà không biết không?

- Thật. Jerry không hề nói cho tôi biết chuyện này. Tôi biết đêm ấy ảnh có đi ăn tối, nhưng tôi cứ tưởng anh đi ăn với người bạn làm chính trị nào đấy thôi. Từ lâu tôi không hỏi anh ấy đi đâu. Cho dù chuyện này có thật thì làm sao báo chí tìm ra được chuyện này.

- Báo chí không tìm ra được buổi gặp đặc biệt này, - Banks nói. – Bà nhớ là bài báo không dám khẳng định trực tiếp, mà chỉ nói bóng gió thôi. Chắc có ai trong đám nhân viên nhà hàng Scarlea đã nói với người phóng viên, nhưng từ chối không chịu nói tên tuổi – có lẽ là một người bồi bàn. Tôi không biết. Các nhà báo này có ngón lừa bịp để bán báo cho chạy. Điều quan trọng là chuyện này đã xảy ra. Bà có nghĩ là chồng bà gặp và nói chuyện với Clough không?

- Không, hoàn toàn không.

Banks tin bà ta. Vì Riddle không ngu ngốc kể cho bà ta nghe chuyện ông ta đi ăn tối với gã đã bị nghi ngờ giết con gái của họ.

- Chồng bà nói cho tôi nghe rằng Clough đã cố tống tiền ông ấy. Dùng Emily để tống tiền.

- Nhưng chắc Jerry không bao giờ bằng lòng một chuyện như thế.

- Tôi nghĩ ông ấy ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chính vì thế mà ông ta đau khổ. Có lẽ cái chết của Emily đã làm cho ông ấy quá đau đớn, nhưng cuối cùng chính cái chết của cô ấy đã làm cho ổng thoát nạn bị tống tiền. Đấy, một người danh giá như ông ta, mà phải quyết định hoặc là phải nghe theo lời của một tên trùm tội phạm hoặc là để cho con gái mình, và nhân rộng ra, cả gia đình mình, phải chịu cảnh bị bêu xấu trước quần chúng.

- Có phải anh nói rằng anh ấy không biết có nên làm theo yêu cầu của Clough hay không, và ảnh không biết phải quyết định ra sao à?

- Có thể như thế chứ. Nhưng cứ dựa vào bài báo, xem ra tình thế như thể ổng ấy đã chế ngự được Clough, hay là Clough đã mất hết kiên nhẫn đợi chờ.

- Phải chăng Clough đứng đằng sau vụ này.

- Vậy còn ai nữa.

- Tôi không biết, - Rosalind nghiêng người tới trước. – Nhưng, nếu những điều anh nói là đúng sự thật, thì thật phi lý.

- Phi lý vì Clough đã giết Emily phải không?

- Phải. Phi lý thật.

- Đúng như thế. Chính chồng bà cũng nói như thế, khi tôi hỏi ông ấy về việc này. Clough không được cái gì hết. Tôi vẫn cho hắn là nghi can số một, nhưng tôi phải xác nhận rằng toàn thể chuyện này đang làm tôi nhức đầu.

- Vậy thì ai?

- Tôi không biết. Tôi cảm thấy có vấn đề khó giải quyết, không có một dấu hiệu nào sáng sủa hết.

- Anh sẽ giải quyết như thế nào với Clough?

- Canh chừng. Có nhiều chuyện chúng tôi muốn nói với hắn nữa. Nhưng, tôi phải báo cho bà biết rằng tôi không có mấy hi vọng để buộc tội hắn, mặc dù tôi đã biết công việc hắn làm.

- Tại sao không?

- Buộc tội một người như hắn à? Nếu hắn tống tiền được một cảnh sát trưởng, bà hãy tưởng tượng hắn sẽ được cái gì, ai là người hắn có thể điều khiển được. Ngoài ra, hắn không đích thân nhúng tay vào đâu. Hắn ủy quyền cho những kẻ khác, giữ cho tay hắn được sạch sẽ. Cho dù, vì một vài lý do mà chúng ta chưa nghĩ đến, hắn chịu trách nhiệm về cái chết của Emily đi nữa, thì chắc chắn đã ra lệnh cho một kẻ tôi tớ của hắn làm, như Andrew Handley hay Jamie Gilbert chẳng hạn. Và hắn lại giàu có. Có nghĩ là hắn dư sức có khả năng để biện hộ cho mình hữu hiệu.

- Nhiều lúc tôi ước chi tôi được phụ trách về hình sự - Rosalind nói, cặp mắt rực lửa. – Tôi muốn kết tội hắn án tử hình.

Banks cười.

- Muốn thế trước tiên chúng ta phải thuyết phục Viện Công tố Hoàng gia chấp nhận có án tử hình đã, mà việc này là vá trời lấp biển đấy. Trong lúc đó, chúng ta còn bận bịu công việc bắt cho được thủ phạm đã.

Rosalind hớp một ngụm rượu vang. Ít ra thì bà vẫn không nhăn mặt và nhổ đi.

- Chắc có lẽ anh đã suy diễn việc này, - bà ta nói, - nhưng cuộc hôn nhân của chúng tôi đã tiến triển rất tốt đẹp, rất thuận lợi. Anh ấy cho tôi những thứ tôi muốn, và tôi đã không làm cho anh ấy vướng chân ngoài xã hội. Tôi còn muốn giúp anh ấy tiến thân. Hơn nữa, chúng tôi đã đi theo con đường riêng rẽ của mình.

- Để làm ăn à?

- Jerry mà làm ăn à? Theo tôi thì chắc là không. Vì lý do là anh ấy không có thời giờ. Anh ấy miệt mài với công việc và với tham vọng về chính trị của mình. – Bà nhìn thẳng vào mặt Banks. – Còn tôi ư? Có làm ăn một ít. Không có gì quan trọng. Tất cả đều kín đáo. Gần đây thì thôi.

Hai người ngồi yên lặng một lát. Một cơn gió thổi mạnh làm cánh cửa sổ trên lầu không đóng kêu lạch cạch.

- Bà nói và muốn nói chuyện với tôi à? – Banks hỏi.

- Ồ, không phải nói về vụ giết người đâu. Tôi xin lỗi. Tôi không muốn nói để làm anh mất phương hướng trong việc điều tra. Mà tôi muốn nói đến chuyện đã làm cho anh có cảm nghĩ tôi còn giấu giếm điều gì, không nói hết cho anh nghe.

Banks gật đầu.

- Phải. Tôi cũng nghĩ như thế đấy. Tôi đã nghi ngay từ đầu.

- Anh nghi đúng.

- Và bây giờ bà sẽ nói cho tôi nghe phải không?

- Bây giờ thì không có lý do gì mà không nói nữa. Nhưng trước hết, anh có nghĩ là tôi cần thêm ly vang nữa không?

*

* *

Tối đó ở nhà, Annie hâm một tô cà ri rau rồi ngồi trước máy truyền hình, hi vọng những hình ảnh hiện ra trên màn hình sẽ xua đuổi được những chuyện bực bội trong tâm trí của cô đi. Chương trình chỉ toàn truyện về thiên nhiên, các biến cố vừa xảy ra hay là thể thao, toàn là các chương trình không có khả năng thu hút được sự chú ý của cô, để giúp cô quên đi những chuyện bực bội trong lòng. Cô tắt các chương trình nghèo nàn ấy đi, định mở viđêô xem phim, phim gì hay hay như là Bác sĩ Zhivago hay là The Wizard of OZ (Thầy Phù Thủy ở OZ), nhưng cô cảm thấy quá dao động không thể nào tập trung tâm trí được vào chuyện phim được.

Anh chàng Banks mắc dịch này, cô vừa nghĩ vừa rửa bát đĩa. Tại sao anh ta đối xử với cô như thế? Có lẽ vì cô để cho chuyện tình giữa họ nguội lạnh, nhưng không phải vì thế mà ông có quyền xem cô như là một thám tử mới tập sự, không đáng tin để cho cô biết hết toàn bộ sự việc. Cô biết hành động của ông trên nguyên tắc không có gì sai sót, nhưng làm thế là không thành thực và hèn nhát. Là người chỉ huy ban điều tra, Banks hoàn toàn có quyền theo dõi đầu mối và có quyền quyết định đầu mối nào nên theo dõi và đầu mối nào không. Rõ ràng cái đêm ông ở chung một phòng với Emily Riddle, ông đã nắm vững cái gì xảy ra rồi, cho nên ông nghĩ việc này không cần thiết nữa.

Nhưng chắc ông muốn giấu Annie chuyện này, nếu không, ông đã kể cho cô nghe khi ông kể hết việc ông đi Luân Đôn để tìm Emily và kể về việc ông ăn trưa với cô ta hôm cô ta chết. Annie nhớ đã hỏi ông cặn kẽ ông đã kể hết chưa, ông trả lời hết. Bây giờ cô còn biết chuyện ông ở lại đêm với Emily ông không kể. Đúng ông là kẻ nói láo rồi.

Vậy chuyện này có gì lạ không? Đây là vấn đề làm cho cô tức giận. Cô thấy trước mắt mình có hai con đường phải lựa chọn. Con đường duy nhất nên làm là gởi đơn xin thuyên chuyển, để mặc các chuyện rối ren này lại đấy. Con đường này đúng là nên làm, nhưng thế nào cũng gặp nhiều chuyện bàn tán xôn xao. Cô đã chạy trốn chuyện bất hạnh của mình, cố quên hết chuyện cũ. Bây giờ sự nghiệp của cô đã bắt đầu có ý nghĩa trở lại sau nhiều năm sống ẩn dật ở Harkside, nơi cô đã tập cho mình được tính vị tha, biết tha thứ cho người đời, cô đã muốn dấn thân vào con đường chính nghĩa. Và rồi mọi người nghĩ sao về thái độ xin thuyên chuyển một cách đội ngột như thế này, thuyên chuyển trong lúc cô được đứng trong ủy ban điều tra, được thăng chức một cách nhanh chóng như thế?

Cho nên cô phải chọn con đường khác, con đường chạm trán với Banks, con đường phải hỏi ông ta cho ra lẽ. Tạm thời cô nên thiên về giả thiết ông ta vô tội hơn là có tội, tạm thời xem ông vô tội cho đến khi có chứng cứ ông có tội. Và sau đó, không có lý do gì để cô không nghĩ ông ta là đồ con hoang khốn nạn.

Nhưng cô nghĩ ông không phải vô tội, chỉ có điều cô không biết ông có tội mà thôi. Mà chuyện chạm trán với Banks có khả năng làm cho cô mất chức thanh tra lắm chứ? Cô không cho ông có tính hay thù oán, không tin ông cố tình ngăn cản bước tiến thân của cô, nhưng mọi việc đã hết thân thiện, nhất là chuyện tình giữa họ đã chấm dứt rồi.

Không xem tivi nữa, Annie làm công việc mà cô thường làm mỗi khi cô cảm thấy dao động, không thể tìm được niềm an tĩnh nội tâm; cô mặc chiếc áo khoác có lót lông cừu rồi lái xe đi một vòng. Bất kể đi đâu.

Trời đêm thật lạnh, cô phải cho máy sưởi chạy hết công suất. Nhưng chiếc xe phải mất một lát mới ấm được. Nước đóng băng trên các cành cây trụi lá, sáng lấp lánh mỗi khi ánh đèn trước xe chiếu lên, tên suốt còn đường cô ra khỏi khu Harkside. Những vũng nước đóng băng trên đường kêu răng rắc dưới bánh xe.

Cô qua chiếc cầu hẹp trên sông Rowan nằm giữa hai hồ nước Harksmere và Linwood. Hồ Harksmere trải dài về phía tây, âm u lạnh lẽo, và bên kia là hồ chứa nước Thornfield, nơi thi thể Hobb’s End khi ấy đang nằm dưới nước. Cô nhớ chính nơi cầu này cô đã gặp Banks lần đầu tiên, vào cuối mùa hè khô nóng, cách đây mấy năm. Ông đang lần xuống theo bờ dốc trông như một khách tham quan, và cô đã chặn ông lại trên cầu. Cô mang đôi ủng không thấm nước màu đỏ, và hẳn khi ấy ông thấy cô đẹp lắm.

Ông vẫn không biết cô là ai, nhưng Annie thì biết ông là ai ngay khi mới thấy ông - cô đang đợi ông đến - nhưng cô muốn đùa chơi một chút, cho nên cô xét hỏi ông trên chiếc cầu chật hẹp. Cô thích thái độ của ông. Ông không tỏ ra là kẻ có quyền uy cấp trên; ông chỉ nói những việc có liên quan đến vụ án mạng mà thôi. Sau đó, Annie phải xác nhận là cô rất có cảm tình với ông.

Rồi bây giờ ông là chỉ huy trực tiếp của cô, mà ông lại giấu giếm nhiều việc.

Qua khỏi căn cứ không quân ngũ, Annie rẽ sang con đường bên trái, đi đến vùng đầm lầy thoáng đãng chạy dài hàng dặm đường trên con đường đắp cao giữa vùng đầm lầy và vùng thung lũng Swainsdale. Khi chạy trên con đường không có rào giậu hai bên, mặt trăng tròn hiện ra từ sau làn mây mỏng, cô thấy rõ mặt đất quanh cô phủ băng trắng xóa. Quang cảnh đẹp lạ lùng, rất phù hợp với tâm trạng của cô. Cô có thể lái xe hàng giờ qua những vùng trăng sáng đẹp đẽ như thế này để cho tâm trí nhẹ những ưu tư buồn chán. Cô muốn không là gì hết ngoài những kẻ lái xe đang bồng bềnh trôi trong không trung - bánh xe, thân xe chỉ là phần cơ thể cô nới rộng, như thể cô đang đi du hành trên không trung.

Nhưng khi Annie biết mình đang đi đâu, cô biết con đường cô đang đi là con đường chạy qua đầm lầy, rồi băng qua thị trấn Gratly, nơi Banks ở.

Và cô biết khi cô bước vào xe lái đi, cô sẽ cho xe quay về hướng nào.

***

Banks rót đầy ly rượu vang rồi ngồi xuống lại.

- Nói đi. - ông nói.

Rosalind cười.

- Chắc anh sẽ cho chuyện này khó tin, - bà ta nói, - nhưng tôi không phải là người vợ gương mẫu, buồn bã của ông cảnh sát trưởng buồn bã.

Banks kinh ngạc khi thấy nụ cười của bà. Nụ cười giống nụ cười của Emily như đúc, nụ cười tinh nghịch, như muốn nói: để rồi xem. Ông nói:

- Xem như câu chuyện bắt đầu nơi đây.

- Phải, bắt đầu.

- Tôi đang lắng nghe đây.

- Trước hết, chúng ta lùi lại quá khứ một chút. Anh có tin hay không thì tùy anh, nhưng bố tôi là mục sư. Dĩ nhiên bây giờ về hưu rồi. Tôi lớn lên trong nhà mục sư ở một ngôi làng nhỏ ở Kent, khi ấy tôi còn bé, và tuổi ấu thơ của tôi tương đối không bằng phẳng. Tôi không muốn nói tôi thuộc loại cá biệt. Tôi học hành, cư xử đều giống bao đứa trẻ khác. Tôi được hạnh phúc. Cuộc sống chỉ bình thường thôi. Thậm chí còn đáng chán nữa. Như cái kiểu Philip Larkin miêu tả cuộc sống của mình trong thơ. Rồi vào giữa thập niên 70, khi ấy tôi được mười sáu tuổi, chúng tôi chuyển đến một giáo phận ở Ealing. Ôi đây là một khu vực đẹp tuyệt vời - không phải khu vực trong nội thành - và giáo viên ở đây toàn là công dân tuân hành pháp luật, giàu có.

- Nhưng?

- Nhưng ở gần tàu điện ngầm. Anh không tưởng tượng ra được cảnh một thế giới mới kỳ diệu đang mở ra trước mắt một cô gái mười sáu tuổi nhẹ dạ non nớt như thế đâu.

Banks nghĩ là ông có thể tưởng tượng ra được. Khi chuyển từ PeterBorough đến Notting Hill lúc mười tám tuổi, cuộc đời của ông thay đổi hoàn toàn. Thoạt tiên ông gặp Jem nơi hành lang của văn phòng vừa làm phòng ngủ vừa làm phòng khách của mình, rồi ngấp nghé các sân khấu ca nhạc của thập niên 60 - trào lưu này kéo dài cho đến đầu thập niên 70 - để thưởng thức âm nhạc hơn là thưởng thức ma túy. Cảnh tượng ở đây ồn ào náo nhiệt như ở thủ phủ mà không có ở PeterBorough, và chắc có lẽ cũng không tìm thấy ở nhà mục sư ở Kent.

- Để tôi đoán nhé. Cô con gái của mục sư dấn thân vào cuộc sống có phần phóng túng một chút.

- Tôi sinh năm 1959. Khi tôi đến Eolinh là vào tháng 11 năm 1975. Trong lúc mọi người nghe nhạc của Queen, Abba và Hotchicolate, thì tôi và các bạn đáp tàu điện ngầm vào thành phố để nghe ban The Sex Pistols. Mới đầu, mọi người đều bàng hoàng, họ tìm hiểu nhau. Họ chỉ chơi nhạc Gig đầu tiên vào ngày hôm sau. Đêm lửa trại ở trường đại học hội họa Saint Martin, và tại đó có một cô gái ở trường đại học mới của tôi. Cô ta không nói gì suốt mấy tuần. Lần họ chơi tiếp theo, cô ta dẫn tôi đi. Thật tuyệt.

Nhạc Punk. Banks nhớ những ngày ấy. Nhưng ông lớn tuổi hơn Rosalind và xem như gần với âm nhạc của thập niên 60 hơn là của thập niên 70. Khi ông sống ở Luân Đôn, những nhạc sĩ ông thích nhất là Pink Floud, Led Zeppelin và những ban nhạc chơi nhạc ở địa phương mà hình như thành lập đó rồi tan vỡ đó rất đều đặn khiến người ta phải kinh ngạc. Tuy nhiên, ông đã hưởng ứng tính chất nổi loạn trong loại nhạc Punk - nhất là The Clash, đây là ban nhạc ông cho là hay nhất - nhưng không đủ say mê để mua băng ghi âm. Ngoài ra, khi ông làm sĩ quan cảnh sát tập sự, ông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều tính dữ dội của nhạc Punk, và với nhiệm vụ của ông, ông phải có bổn phận xa lánh.

- Chẳng bao lâu sau, - Rosalind nói tiếp, bà trở nên sinh động hơn khi sống lại với kỉ niệm, - cuộc sống hoàn toàn theo nhịp điệu mới. Áo quần. Âm nhạc. Thái độ. Mọi thứ. Bố mẹ tôi không biết tôi nữa. Chúng tôi xem ban The Clash, The Damned, The Stranglers, The Jam. Anh vừa nhắc đấy. Hầu hết đều diễn trong các hộp đêm nhỏ. Chúng tôi cùng nhảy nhót, quay cuồng, làm cho giống nhau. Chúng tôi nhuộm tóc những màu kỳ quặc. Chúng tôi xé áo quần cho rách, đeo đinh vào tai và… - Bà ta dừng nói, kéo tay áo len lên. Banks thấy một số vết trắng, tròn, giống như vết sẹo đã lâu. - Chúng tôi gí đầu thuốc vào nhau.

Banks nhướng mày.

- Bà nói sao với chồng bà về những chuyện như thế này?

- Anh ấy không thắc mắc gì? Tôi chỉ nói với ảnh chỉ là vết phỏng lửa cũ.

- Bà nói tiếp đi.

- Anh không thể tưởng tượng nổi sự hồ hởi của tôi dường nào sau khi từ giã tuổi ấu thơ cổ lỗ buồn chán trong làng ở Kent. Chúng tôi sống phóng đãng. Nhưng nói tóm tắt cho mau, năm mười bảy tuổi, tôi có thai. Không cần biết cha cái thai là ai, tên của hắn là Mal, hắn bỏ đi đã lâu tôi mới biết mình có thai. Chuyện có thai xảy ra trong phòng nhỏ bé vừa làm phòng ngủ vừa làm phòng khách của ai đấy sau khi ban nhạc The Pistols diễn xong một chương trình nhạc Gig của họ tại hộp đêm 100, vào mùa hè năm 1976. Vì thế mà tôi không thể nói cho Jerry biết được. Anh ấy làm ra vẻ đoan trang kinh khủng lắm, chắc là anh không biết. Tôi không biết anh ấy có tin tôi còn trinh khi đám cưới không, nhưng tôi nghĩ chắc anh tin. Không biết anh ấy có biết được không, ờ… mà ai nói đã chứ? Tôi giấu anh ấy chuyện này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3