Oan nghiệt - Chương 17 phần 2
Annie đứng bên lề đường nhìn những ngôi nhà: cô nghĩ, sống ở ngoại ô thế này thú vị đấy chứ. Đây không phải là nơi cho người ta đến tham quan ở Salford, nhưng nếu nói thật lòng thì cô phải xác nhận trước đây cô chưa hề đến Salford, và không biết phải đi xem ở chỗ nào. Những ngôi nhà hai căn đứng tách nhau nằm dọc theo hai bên đường yên tĩnh, trước mỗi nhà có bãi cỏ vừa phải nằm tách ra khỏi dãy hàng rào bằng cây thủy lạp. Những chiếc xe hơi đậu ngoài đường không xa hoa lộng lẫy, nhưng không sét gỉ và không như những chiếc Fiesta đã cũ mười năm tả tơi. Hầu hết những chiếc xe ở đây đều nhập từ Nhật hay Nam Triều Tiên, và chiếc Astra của Annie không phải là chiếc sáng giá ở đây. Cô nghĩ: vấn đề khó khăn lớn nhất là kẻ gian rất khôn, chúng có thể đột nhập bất cứ khi nào, thế là xe không cánh mà bay.
Con số 39 giống như các số nhà khác. Y như ông Whitmore đã nói, ở đây hoàn toàn không có dấu hiệu gì cho thấy đã xảy ra thảm cảnh, khói bốc nghi ngút, tiếng la hét và hàng xóm mặc đồ ngủ đi dép đứng ngoài đường để nhìn, bất lực, lúc Ruth nhảy qua cửa sổ trong khi bố mẹ cô ta bị ngạt. Không thể nào ra khỏi giường được.
- Cần giúp gì không, cô em?
Annie quay lại, cô thấy một bà già đang cầm cái túi xách đựng hàng mua về, mấy ngón tay bị khớp cong queo.
- Trông cô như bị lạc đường hay sao ấy?
- Dạ không, - Annie đáp, cười cho bà yên tâm, không nghĩ là cô điên hay gì đấy. – Có lẽ đang suy nghĩ miên man thì có.
- Cô quen biết gia đình Walkers à?
- Không.
- Chỉ vì thấy cô nhìn vào nhà họ.
- Phải. Tôi là cảnh sát, - Annie giới thiệu với bà.
- Tôi là Tattersall. Gladys Tattersall, - bà già đáp. – Rất hân hạnh được gặp cô. Chả lẽ vụ hỏa hoạn đã lâu rồi mà bây giờ cô mới đến điều tra?
- Dạ phải. Bà nghĩ chúng ta có thể nói chuyện một chút được không?
- Vậy thì mời vào nhà đi. Tôi nấu nước pha trà uống. Nhà tôi số 37 đây.
Ngôi nhà hai gian của bà nằm bên cạnh nhà Walkers. Annie đi theo bà Tattersall vào ngõ rồi vào tiền sảnh, cô nói:
- Chắc là bà khiếp lắm.
- Tôi đã từng sợ hơn thế này nhiều trong những trận dội bom thời chiến tranh. Cô biết không, lúc ấy tôi còn bé. Mời vào. Mời vào.
Annie vào phòng khách, cô ngồi xuống chiếc ghế bành bọc nhung màu mận. Một tấm gương có khung mạ vàng treo trên lò sưởi và một chiếc tivi để cái giá ở trong góc phòng. Một chiếc bàn ăn bốn ghế đặt ở cuối phòng. Bà Tattersall vào bếp rồi trở lại. Bà ngồi xuống ghế nệm dài và nói:
- Nước sôi liền bây giờ. Cô nói đúng đấy. Đêm ấy thật đáng sợ.
- Chính bà gọi cho đội chữa lửa à?
- Không, cậu Hennessy bên kia đường. Câu ta đi hộp đêm về khuya, thấy ngọn lửa và khói. Chính cậu ta đến gõ cửa nhà tôi, gọi chúng tôi ra khỏi nhà nhanh. Tôi và chồng tôi, Bernard. Ông ấy mất vào năm ngoái. Vì ung thư.
- Xin chia buồn với bà.
- Ồ, mà thế cũng hay, cô à. Ông ấy bị ung thứ phổi, mặc dù ông không hút thuốc, uống thuốc chống đau chẳng có hiệu lực gì cho ổng hết.
Annie im lặng một lát. Đã đến lúc thuận tiện cho cô sau khi nghe chuyện ông Tattersall quá cố rồi. Cô hỏi:
- Nhà bà có thiệt hại gì không?
Bà Tattersall lắc đầu.
- Chúng tôi may mắn. Tường nhà rất nóng, nhưng đội cứu hỏa đã xịt nước từ bên ngoài vào nhà, nhà ngập nước như cái hồ. Lúc ấy là vào tháng Tám, trời nóng, chúng tôi phải mở cửu sổ, cho nên nước vào nhà làm hư hỏng các bức tường – giấy dán tường tróc ra, vấy bẩn, đại loại như thế. Nhưng không có gì trầm trọng. Bảo hiểm trả hết. Có lẽ việc tệ hại nhất cho chúng tôi trong vụ này là chúng tôi phải ở đây sau vụ hỏa hoạn, vì người mua lại căn nhà ấy đã đập gõ cả ngày lẫn đêm ồn không chịu nổi.
- Những người cải tạo lại ngôi nhà chứ gì?
- Phải. - Ấm nước sôi. Bà Tattersall biến mất một lát rồi quay lại với khay đồ trà, bà để khay xuống cái bàn thấp trước mặt lò sưởi điện. Bà nói:
- Tôi vẫn chưa hiểu tại sao cô hỏi chuyện này.
- Chỉ để kiểm tra lí lịch cho đúng thủ tục điều tra. Không liên quan gì đến vụ hỏa hoạn đâu. Có thế mới dễ dàng điều tra được.
- Thủ tục điều tra à? Trên truyền hình người ta thường nói như thế.
Annie cười.
- Chuyện những người cảnh sát trên truyền hình chắc tài giỏi hơn, lý tưởng hơn nhiều. Chúng tôi đang điều tra về Ruth. Cô con gái của gia đình Walker.
- Cô ta làm chuyện gì quấy à?
- Không có chuyện ấy đâu. Tại sao bà hỏi thế?
Bà Tattersall cúi người rót trà.
- Cô dùng sữa hay đường?
- Bà cho tí sữa.
- Cô không hỏi về cô ta vì chuyện có dính dáng đến cô ta chứ, phải không?
- Chuyện có dính dáng đến người bạn của cô ấy, - Annie đáp. Như hầu hết cảnh sát, cô không thích tiết lộ chút tin tức nào ra ngoài cả.
- Tôi đoán chắc có dính dáng đến cô ấy, - Bà Tattersall nói, đưa cho Annie tách trà trên đĩa.
- Cảm ơn bà. Bà có biết rõ về gia đình Walker không?
- Rất rõ. Nhưng không hơn gì cô mấy đâu.
- Bà nói thế nghĩ là sao?
- Họ không giao du nhiều, cả nhà Walker đều thế.
- Họ sống xa cách à? Hợm hĩnh à?
- Không, không hẳn như thế. Họ rất lịch sự. Cực kì lịch sự. Và hay giúp đỡ nếu có ai cần giúp đỡ. Có Chúa chứng giám, họ không có gì nhiều nhưng họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Chỉ có điều họ không sống hòa đồng mà thôi. – Bà ta dừng nói một lát, rồi hạ thấp giọng: -Vì tôn giáo, - kiểu như hồi nãy và nói nhỏ vì ung thư.
- Chỉ thế thôi à?
- Thế thôi. Ồ, mà chẳng có gì lạ. Lối thờ phượng cúng bái hay giáo đường của tôn giáo này không ai thông cảm được, nên họ không lui tới. Họ theo Giáo hội Giáo lí rất nghiêm túc, nhưng quá khắt khe. Không đi mua hàng vào Chủ nhật, không uống rượu, không nghe nhạc Pốp, đại loại như thế.
- Ông Walker làm nghề gì?
- Nhân viên sở lương bổng.
- Vợ ổng có làm việc không?
- Bà Pauline à? Lạy Chúa lòng lành, không. Họ theo truyền thống dân tộc. Bà ta chỉ làm nội trợ.
- Thời đại bây giờ không có nhiều người như thế.
Bà Tettersall cười.
- Cô nói đúng. Tôi cứ trông sao đến giờ đi làm. Công việc của tôi cũng chẳng ngon lành gì đâu, tôi chỉ làm nhân viên tiếp tân tại trung tâm y tế ở cuối đường này thôi. Nhưng tôi có dịp để gặp gỡ người ta, để chuyện trò, để biết điều này điều nọ xảy ra trên thế giới. Nếu tôi cứ sống quanh quẩn trong bốn bức tường thì chắc tôi điên mất. Cô chắc cũng thế chứ gì?
- Dạ phải, - Annie đáp. – Nhưng chắc bà Walker không nghĩ như thế phải không?
- Bà không bao giờ phàn nàn. Nhưng phàn nàn là ngược lại với tôn giáo của bả, phải không?
- Tôi không biết. – Chắc Annie là người đầu tiên phải xác nhận cô không biết gì nhiều về tôn giáo ngoại trừ những điều cô đã đọc trên sách, mà những sách cô đọc lại là sách nói về đạo Phật và đạo Lão. Bố cô là người vô thần, nên ổng không bắt cô phải đi học giáo lí vào Chủ nhật hay đọc một học thuyết gì về tôn giáo vào lúc còn nhỏ, và những người thường lui tới tiếp xúc ở nhà cô thường bàn đến nhiều tư tưởng về tôn giáo khác nhau và về triết lí. Tất cả các tư tưởng đều được bàn luận tranh cãi, rồi bỏ qua.
- Tôi muốn nói chuyện gì xảy đến cho ta cũng đều do ý Chúa, tốt hay xấu, cho nên đừng phàn nàn với Chúa những gì Chúa đã làm, không biết cô thấy tôi nói thế có đúng không?
- Tôi thấy rồi.
- Họ chỉ sống thủ cựu quá, thế thôi. Nhiều người cười sau lưng họ. Ồ, họ không có ác tâm hay là gì đâu. Mà chỉ khôi hài cho vui thôi. Nhưng họ biết mọi người cười cợt họ. Đây là một điều kiêng kỵ nữa trong tôn giáo của họ. Hài hước. Thỉnh thoảng tôi thấy cám cảnh cho Ruth.
- Tại sao?
- Thì đấy, cuộc đời cô ấy chẳng mấy vui. Thanh niên cần phải vui. Ngay người già như chúng tôi thỉnh thoảng cũng cần vui, vậy mà còn trẻ như thế… - Bà thở dài. – Nhưng, giá trị của cuộc đời theo nhà Walker khác xa với những người khác. Vả lại họ không có nhiều tiền, chỉ một mình ông ấy làm việc thôi.
- Họ phải sống như thế nào?
- Tằn tiện. Bà Pauline là người nội trợ giỏi, tôi phải khen bà ấy về việc này. Một người điều khiển ngân sách giỏi. Nhưng thế có nghĩa là Ruth khó mà theo kịp thời trang và chỉ sống với những thứ tầm thường. Quanh năm suốt tháng với chỉ một bộ áo quần. Khâu chỗ này vá chỗ kia. Còn giày nữa. Lạy Chúa lòng lành, đi đâu cũng chỉ với đôi giày xấu xí. Pauline mua giày xấu xí vì nó bền, thế đấy. Giày cũng phải da thô, đế dày để đi cho lâu. Không có những thứ đẹp như các trẻ con khác. Cô à, dù muốn dù không thì thời trang vẫn là vấn đề quan trọng đối với trẻ, nhất là khi chúng sắp trưởng thành. – Bà ta cười. – Tôi quá biết. Tôi đã nuôi hai đứa con.
- Có chuyện gì xảy ra không?
- Thường xảy ra luôn. Những đứa con gái khác cười cô ta, chọc ghẹo cô ta. Trẻ con thường ác như thế. Và họ lại không có thì giờ để nghe nhạc hay xem truyền hình – quá nghèo đến nỗi Ruth không tham gia sinh hoạt được với bạn bè. Cô ta không biết các ban nhạc mới thành lập và cũng không xem được các chương trình truyền hình hay nổi tiếng. Cô ta lúc nào cũng thui thủi một mình. Cô ta cũng không có nhan sắc. Cái mặt thì xanh xao, người thấp lùn mập, cho nên càng dễ bị bạn bè bới móc chê bai.
Annie nghĩ: cảnh nhà như thế này thì quả thật khốn nạn. Cô đã lớn lên trong địa hạt của giới nghệ sĩ, không có truyền hình, nhưng lúc nào cũng có âm nhạc – thường có nhạc sống – và chung quanh cô lúc nào cũng có những người vui vẻ. Vài đêm họ lại tổ chức ca nhạc, ngâm thơ một buổi. Cho nên nằm trong giường, cô cũng có thể nghe được. Dĩ nhiên là lúc nhỏ, những thứ này đều khó hiểu với cô, không vần điệu, không nhịp nhàng, nhưng rất vui. Thỉnh thoảng họ để cho cô hát, và cô phải tự hào là giọng cô không đến nỗi tệ khi hát những bài dân ca cổ truyền.
Tuy nhiên, cô nghĩ cô có thể thông cảm cho Ruth, con người có mặc cảm đứng ngoài cuộc. Nếu mình có những điều khác biệt với thiên hạ - bất kể gia đình mình có quá nghiêm khắc hay quá tự do – thế nào mình cũng bị người ta gièm pha, bới móc, nhất là khi mình không theo kịp trào lưu mới mẻ của thiên hạ. Trẻ con ác độc; bà Tattersall quả nói đúng. Annie nhớ lúc còn nhỏ, cô cũng đã bị bọn trẻ đối xử độc ác với cô.
Năm cô mười ba tuổi, có một lần, bọn học trò trong lớp đã đè cổ cô xuống trên đường đi học về, chúng lôi cô vào trong rừng cây, rồi tuột hết áo quần cô ra, chúng vẽ hoa lên khắp người cô, vừa vẽ chúng vừa giảng giải cho cô nghe về giới híp pi nghiện ma túy thối tha và về năng lực của hoa, rồi chúng chạy đi, mang theo áo quần của cô, để cho cô ở truồng như thế mà về nhà. Độc ác. Phải công nhận như thế. Hôm sau khi đi học, cô thấy chúng treo áo quần của cô trên cành cây bên đường. Chuyện ấy xảy ra vào năm 1980, năm mà phong trào híp pi đi vào lịch sử, bọn bạn trong lớp của cô đã đọc phong trào này trên sách báo hay xem tài liệu truyền hình nói về trào lưu này thịnh hành trong thập niên 60. Những người sống ở khu của cô là họa sĩ, văn sĩ, tư tưởng gia tự do, đúng thế đấy, nhưng nhóm híp pi là gì? Không, cái tội lỗi duy nhất của cô là khác chúng, là cô mặc áo quần gì cô thích mặc (và áo quần nào bố cô có thể mua nổi). Đúng rồi, một sự trùng hợp lạ lùng thay, cho nên cô có thể cảm thông với Ruth Walker rất dễ: hai mặt của một đồng xu.
- Ruth có đi học đại học chứ?
- Có. Nhờ thế mới có chuyện đổi thay.
- Bà nói thế là sao?
- Đấy, họ muốn cô ta đi học ở Manchester, họ thích thế để cô ấy tiếp tục sống ở nhà, để họ có thể canh chừng được cổ, nhưng cổ lại đi Luân Đôn. Họ nghĩ rằng trường đại học là cái ổ tội lỗi, nơi chưa chấp tình dục và ma túy, nhưng họ biết thời đại bây giờ mà không đi ra thì không học được gì hay ho hết. Họ đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng, cô ta có tiền trợ cấp hay vay mượn, hay làm sao đấy mà cô ta có tiền trong thời gian đầu đi học, rồi trong những đợt nghỉ, cô ta thường kiếm việc làm. Như thế mà cổ nếm được mùi độc lập.
- Cô ta sử dụng tiền của mình như thế nào?
- Phần lớn là mua áo quần. Người ta thấy cô thay đổi khi cô về nhà sau năm học đầu. Ăn mặc theo kiểu mới nhất. Mặc theo thời trang mọi người đang mặc. Thay đổi quá nhanh tôi không theo kịp nổi. Ngoài ra, trông cô ta còn ngổ ngáo như bất kì thanh niên đồng trang lứa nào của cô. Tóc thì nhuộm màu hình cầu vồng, đeo khoen ở tai và đeo lông mi. Trông rất đau mắt. Cô ta đã tìm ra thế giới mới, coi thường tất cả.
- Bố mẹ cô ta phản ứng ra sao?
- Tôi không biết. Họ không bao giờ nói trước mặt mọi người. Nhưng tôi nghĩ chắc họ không hài lòng. Tôi có cảm giác họ lấy làm xấu hổ về cô ấy.
- Bà có nghe họ cãi cọ gì nhau qua tường nhà không?
- Họ không bao giờ tức giận. Như thế là trái với tôn giáo của họ. Tôi nghĩ họ van lơn cầu xin cổ, thuyết phục cổ chuyển về học ở Manchester cho gần nhà để về nhà lại, nhưng cổ đã thay đổi quá nhiều rồi. Quá trễ rồi. Cô ta đã nếm mùi tự do rồi, cổ sẽ không đời nào từ bỏ được. Tôi không trách cô ta.
- Như vậy vấn đề không giải quyết được?
- Tôi nghe như thế. Mùa hè ấy cô ta làm việc ở siêu thị địa phương, lau chùi toàn bộ siêu thị và chất hàng lên kệ, công việc đại loại như thế. Cô ta thông minh và làm việc cần cù, có trách nhiệm, ngay khi trông cô ta có vẻ ngang ngược đi nữa, cổ cũng không gây phiền nhiễu cho ai. Cô ta luôn luôn lễ phép.
- Vậy cô ta chỉ có vẻ kì lạ thôi?
- Chỉ có thế thôi. Tôi nghĩ cô ta có phản ứng chống đối lại với tôn giáo nữa. Ít ra thì cô cũng không đi nhà thờ với bố mẹ nữa. Những thanh niên thường thế, phải không?
- Đúng thế, - Annie đáp. – Vừa rồi tôi có nói chuyện với ông Whitmore ở đội cứu hỏa.
- Tôi biết ông George Whitemore. Ổng là một trong số những người bạn của Bernard. Hai người thường chơi trò phung phí tiền ở quán King Billy vào tối thứ Sáu.
- Ông ta nói họ thấy không cần thiết phải điều tra vụ hỏa hoạn.
- Đúng rồi. Tôi thấy chẳng có lý do gì để điều tra hết. Bởi thế mà tôi phân vân không biết cô đến đây làm gì. Không ai muốn làm cho gia đình Walker đau đớn hết.
- Ông Whitemore cho biết nhà cháy là do điếu thuốc đang cháy mà vứt vào trên ghế nệm dài.
- Đấy, đấy là chuyện kì lạ nhất, - bà Tattersall chậm rãi nói. - Sùng đạo như thế, chắc cô thấy rồi, họ không hút thuốc không uống rượu.
- Nhưng tôi cam đoan là Ruth hút, - Annie nói.
***
Sau một đêm trong phòng giam, áo quần Clough có vẻ hơi xốc xếch một chút, nhưng loại áo quần hắn mặc khó mà có vết nhăn được. Hắn không cạo râu, lớp râu mới mọc cùng với làn da nâu sậm, vàng đeo trên người và áo quần đẹp đẽ, làm cho hắn có vẻ nghệ sĩ, như một ngôi sao nhạc pop đứng tuổi. Ngược lại, anh chàng luật sư Simon Gallagher, rõ ràng gã ngủ đêm ở nhà hàng Burgundy, khách sạn sang nhất, đắt giá nhất ở Eastvale, có thì giờ để tắm rửa, nên bây giờ trông anh ta như một luật sư cao giá. Nhưng anh ta vẫn có cái vẻ bị kích thích, vui vẻ của người quen dùng ma túy, Banks phân vân không biết gã đã hít vài hơi trước khi vào dự cuộc thẩm vấn không. Anh ta không nói nhiều nhưng vẫn ngồi không yên.
Vì Annie đã đi Salford, còn Winsome bận đưa dữ liệu vào HOLMES, nên Banks nhờ Kenvin Templeton đến tham gia cuộc thẩm vấn. Sau những lời mở đầu thông thường, Banks nói:
- Hi vọng đêm nay anh ngủ yên giấc, Barry.
- Ông đừng bày đặt trò khỉ hỏi han chuyện ngủ ngáy của tôi nữa, sao không dẹp chuyện vớ vẩn ấy đi và vào vấn đề ngay cho tôi. – Clough nhìn đồng hồ tay. – Theo đồng hồ, hạn hai mươi tư giờ của tôi chỉ còn một giờ bốn mươi lăm phút thôi. Có phải không, Simon?
Simon Gallagher gật đầu.
- Chúng ta bắt đầu đây, - Banks nói. – Nhưng tôi không biết từ khi chúng ta chấm dứt câu chuyện hôm qua đến giờ anh có nghe tin ông cảnh sát trưởng Riddle đã tự tử chết rồi không.
- Tốt, ít ra thì đây cũng là một trường hợp ông không thể gán cho tôi được rồi, phải không?
- Anh chỉ nói được về chuyện này chừng ấy thôi à?
- Ông đợi tôi nói cái gì nữa? Tôi không biết ông này.
Banks nghĩ: ngay cả những người quen biết ông Riddle chắc cũng tỏ ra ít quan tâm như Clough. Chính Banks cũng không thích ông ta, và ông không muốn làm ra vẻ đạo đức giả thương tiếc ổng, nhưng vì cái chết quá bi thảm và hành động của ông quá tuyệt vọng nên Banks cảm thấy cần dẹp sự bất bình của mình sang một bên để hỏi thêm vài điều cho rõ:
- Barry này, có phải anh đã từng dùng áp lực với ông ta không?
- Ông muốn nói cái gì đấy?
- Tôi nghĩ anh biết tôi muốn nói cái gì rồi. Làm áp lực ông ấy để ổng trở thành người của anh, để ban phát cho anh vài ân huệ, để đánh lạc hướng của chúng tôi khi anh thiết lập tổ chức làm ăn phi pháp ở Bắc Yorkshire.
- Tại sao tôi muốn làm việc ấy?
- Anh trả lời tôi đi.
- Tôi không muốn trả lời câu hỏi này.
- Nhưng cuộc hội kiến của anh là nhằm vào mục đích này, phải không? Bởi thế mà ổng đã bỏ đi khi nghe anh đề nghị như thế, phải không? Anh dùng cái gì để làm áp lực ông ta, Barry? Có phải dùng Emily không? Anh có ảnh của cô ấy phải không? Có phải anh đã hăm dọa ông ta sẽ chiếm lại cô ấy bất cứ khi nào anh muốn phải không?
Clough thở dài, mở mắt nhìn Gallagher nói:
- Như ông biết rõ quá rồi, thân chủ của tôi không dính dáng gì đến cái chết của ông Riddle cả, cho dù ông ta chết và không phải tự tử đi nữa. Anh ấy có đầy đủ chứng cứ ngoại phạm: ảnh ở trong phòng giam của ông.
- Thân chủ của ông có thể là một trong những yếu tố chính dẫn ông cảnh sát trưởng đến chỗ phải tự tử.
- Ông không chứng minh được điều đó, - Gallagher nói. – Và cho dù ông chứng minh được đi nữa thì điều ông chứng minh cũng không tạo được lý do để kết tội được. Phải có chứng cứ cụ thể mới được, ông Chánh thanh tra à. Xin ông tiếp tục đi.
Banks không thích chấm dứt, ông muốn nói tiếp, nhưng Gallagher nói đúng. Phải có thêm nhiều chứng cứ hơn nữa mới thuyết phục Viện công tố Hoàng gia xét đến khả năng buộc tội đồng lõa để người khác tự tử. Nếu Banks nhớ không lầm về luật hình thì tội đồng lõa có nghĩa là giúp đỡ, tạo phương tiện, khuyên bảo hay là cung cấp vật liệu cho người khác tự tử, mà đối với Clough thì ông không có những bằng chứng ấy, cho dù hắn có thể có tội tống tiền ông Riddle đi nữa, nhưng hắn không làm những việc kia. Hắn chỉ là cái cọng rơm trong việc làm gãy lưng con lạc đà.
Banks nói tiếp:
- Anh còn nhớ hôm qua chúng tôi đã nói đến Charlie Courage và Andrew Handley rồi chứ?
- Nghe lơ mơ thôi.
- Cả hai đều bị bắn bằng súng ngắn, và cả hai đều tìm thấy nằm chết ở vùng quê cách xa nhà của họ.
- Tôi tin tôi đã hỏi chuyện ấy có liên quan gì với tôi, và bây giờ xin hỏi lại.
- Có dấu hiệu liên quan đây, - Banks đáp, ông ngừng nói và mở tập hồ sơ ông đã mang đến. – Trong khi anh đang thưởng thức lòng hiếu khách của chúng tôi ở tầng dưới, chúng tôi rất bận rộn công việc, và các nhân viên tư pháp của chúng tôi đã so các vết bánh xe ở hai hiện trường.
- Thật đáng phục, Clough nói, hắn nhướng cao lông mày. Thật là kỳ công của khoa học hiện đại.
- Còn chuyện này mới hay nữa. Chúng tôi điều tra thêm thì thấy dấu bánh xe ở hai chỗ xảy ra cảnh giết người đó đều thuộc về một chiếc xe Citroen màu kem, chiếc này của một ông tên là Jamie Gilbert. Có phải người này là nhân viên của anh?
- Jamie à? Ông đã biết rồi.
- Và thì ra có một người hàng xóm của Charlie Courge nhận ra bức ảnh của Jamie Gilbert khi nhân viên của chúng tôi đưa cho bà ấy xem. Bà ấy đã thấy Jamie bước vào chiếc xe hơi ấy với Charlie Courge gần vào giờ hắn biến mất. Điều này có nói gì không?
- Chắc họ lầm rồi.
- Ai lầm?
- Các nhà khoa học của ông. Người chứng của ông.
Banks lắc đầu.
- Chắc không lầm. Không những vết bánh xe giống rồi, mà chúng tôi còn tìm ra những sợi tóc và một vài vết máu khô mà chúng tôi tin là của Charlie Courage hay là của Andrew Handley còn dính lại trong xe. Quả Jamie thật bất cẩn. Hắn không lau chùi thật kĩ. Những mẫu tóc này bây giờ đang được kiểm tra thành phần nhiễm sắc thể ADN.
- Tôi không biết nói sao, - Clough nói. – Tôi bị kích động. Sửng sốt nữa. Tôi nghĩ là tôi biết Jamie.
- Rõ ràng là không. Nhưng hiện giờ Gilbert đang bị giam giữ ở Luân Đôn. Thế nào anh ta cũng khai cho các nhân viên thẩm vấn ở đấy biết những chuyện đã xảy ra.
- Jamie sẽ không…
- Jamie sẽ không cái gì, Barry?