Hai mươi năm sau - Chương 49
Chương 49
Cuộc nổi dậy
Gần mười một giờ đêm: Gondy đi trên các đường phố Paris chưa được một trăm bước đã nhìn thấy diễn ra một đổi thay kỳ lạ.
Toàn thành phố dường như do những sinh vật quái dị cư trú. Người ta trông thấy những cái bóng lặng lẽ nậy đá lát đường, hoặc kéo đi và lật đổ những cỗ xe, hoặc đào những, cai hố lớn để nuốt, chửng cả hàng đại đội kỵ binh. Tất cả những nhân vật hoạt động sôi nổi ấy đi đi lại lại, chạy vùn vụt, giống như những ma quỷ đang thực hiện một công việc lạ lùng nào. Đó là, những người ăn mày của triều đình những "Chuyện Thần Kỳ": đó là những bộ hạ của gã dâng nước thánh ở sân trước nhà thờ Saint Eustache đang chuẩn bị những lũy chướng ngại cho ngày mai.
Gondy nhìn những con người của bóng tối ấy, những kẻ lao động đêm hôm ấy với một niềm kinh hãi. Ông tự hỏi sau khi lùa tất cả những tạo vật bẩn thỉu ấy ra khỏi hang ổ của chúng, liệu ông có quyền lực đề đẩy chúng trở lại được không. Khi một kẻ nào đó trong đám người ấy tiến đến gần ông, ông sẵn sàng làm dấu thánh.
- Ông đi vào phố Saint-Honoré và bước đến phố Ferronnerie: ở đây, quang cảnh thay đổi: đó là những người buôn bán đang chạy từ nhà hàng này đến nhà hàng nọ; các cửa ra vào đóng kín như những cánh cửa chắn gió; nhưng chỉ là khép lại thôi, chốc chốc mở ra, rồi đóng lại ngay để cho người vào, họ có vẻ sợ bị trông thấy họ mang cái gì?
Đó là những chủ hiệu có thừa khí giới đem cho những người không có mượn.
Một người lưng gập xuống dưới sức nặng của gươm kiếm, súng hỏa mai, súng trường, khí giới đủ loại, đi từ cửa nhà này đến cửa nhà khác và rải rác đặt vũ khí xuống. Nhờ ánh sáng một ngọn đèn, ông chủ giáo nhận ra Planchet. Chủ giáo qua phố Tiền Tế đi ra kè. Trên kè những tốp nhà tư sản mặc áo choàng màu đen hoặc xám tuỳ theo họ thuộc tầng lớp tư sản cao hay thấp, đứng im lặng, trong khi những người riêng lẻ chuyển từ tốp này sang tốp khác. Tất cả những tấm áo choàng xám hay đen đều bị vén lên ở phía sau bởi mũi một thanh kiếm và ở phía trước bởi nòng một khẩu súng hỏa mai hoặc súng trường. Đi đến Pont-Neuf, chủ giáo thấy cầu bị canh gác.
Một người tiến lại hỏi:
- Ống là ai? Tôi không công nhận ông là người của chúng tôi.
- Đó là vì ông không nhận ra bạn bè của mình, ông Louvières thân mến ạ? - Chủ giáo nói và bỏ mũ ra.
Louvières nhận ra ông và cúi chào.
Gondy lại rong ruổi trên đường và xuống tận cây tháp Nesle.
- Ở đây ông trông thấy một đoàn dài những người đang lướt men theo các bờ tường. Có thể nói đó là một đám rước của những bóng ma vì rằng tất cả đều khoác áo choàng trắng. Đi tới một chỗ nọ, tất cả lũ người đó theo nhau lần lượt tiêu tan cứ như là mặt đất hẫng dưới chân họ. Gondy đứng tì khuỵu tay vào một góc tường và xem họ biến đi từ người thứ nhất đến người sát cuối.
Người cuối cùng ngước mắt nhìn chắc hẳn để yên tâm rằng mình và đồng đội không bị rình mò, và mặc dầu bóng tối, vẫn nhận ra Gondy. Hắn bước thẳng đến chỗ ông và gí khầu súng ngắn vào ngực ông.
- Ơ này? Ông de Rochefort, - Gondy cười nói, - đừng có đùa với súng đạn.
Rochefort nhận ra tiếng nói và kêu lên:
- A! Đức ông đấy à?
- Chính tôi đây. Ông dẫn những người nào vào tận trong lòng đất như vậy?
- Năm mươi lính mới mộ của hiệp sĩ D’Humières, họ được nhằm đưa vào khinh kỵ binh, và được trang bị toàn áo choàng trắng.
- Thế ông đi đâu vậy?
- Đến một nhà điêu khắc là bạn tôi, nhưng chúng tôi đi xuống bằng cái cửa sập nơi người cất những tượng đá.
- Tốt lắm, - Gondy nói.
Và ông bắt tay Rochefort; ông này đến lượt mình bước xuống và đóng cửa sập lại.
Chủ giáo trở về nhà. Lúc ấy đã một giờ sáng. Ông mở cửa sổ và cúi xuống để nghe ngóng.
Khắp thành phố vang lên một tiếng ồn ào kỳ lạ, chưa từng nghe, chưa từng biết. Người ta cảm thấy như ở trong tất cả các phố xá tối tăm tựa những hang sâu kia đang diễn ra một điều gì lạ lùng và ghê gớm. Chốc chốc nổi lên một tiếng gầm gào tựa như tiếng giông bão đang ào đến hoặc tiếng sóng biển đang trào lên nhưng không có gì rõ ràng, không có gì khác biệt, không có gì cắt nghĩa nổi hiện ra trong trí óc dường như những tiếng bí ẩn và ngầm sâu nó thường đi trước những trận động đất.
Công cuộc chuẩn bị khởi loạn kéo dài suốt đêm như vậy. Ngày hôm sau Paris tỉnh giấc như cũng giật mình về diện mạo của chính mình. Có thể ví như một thành phố bị bao vây. Những người vũ trang đứng trên các lũy chướng ngại, mặt hầm hè, vai đeo súng; những mật khẩu, những toán tuần tra, những cuộc bắt bớ, cả những cuộc hành quyết nữa, đó là cảnh tượng mà khách bộ hành trông thấy trên mỗi bước đi. Người ta giữ những người đội mũ có lông chim và những thanh kiếm mạ vàng để bắt họ hô Broussel muôn năm! Đã đảo lão Mazarin! Và nếu kẻ nào từ chối cái nghi thúc đó liền bị hò la, làm nhục và đánh đập nữa. Người ta chưa giết chết, nhưng không phải là không muốn.
Những lũy chướng ngại mọc lên đến tận Hoàng cung. Bons-Enfants đến phố Ferronnerie, từ phố Saint Thomas du Louvre đến Pont-Neuf, từ phố Richelieu đến cửa ô Saint-Honoré, có đến hơn mười nghìn người vũ trang và những người hăng hái nhất: kêu những lời thách thức với những lính gác trơ trơ của trung đoàn thị vệ được bố trí canh gác xung quanh Hoàng cung mà các cổng rào sắt được đóng chặt sau lưng họ, sự đề phòng ấy khiến tình thế trở nên bấp bênh. Diễu hành giữa quang cảnh đó là những toán hàng trăm rưởi, hai trăm con người hốc hác, bủng beo, rách rưới mang theo những thứ cờ hiệu viết những chữ: "Nhìn xem sự khốn cùng của dân chúng".
Khắp nơi những con người ấy đi qua, những tiếng hô cuồng nhiệt vang lên, và có biết bao nhiêu những toán người như thế nên người ta hô gào ở khắp mọi nơi.
Sự kinh ngạc của Anne D’Autriche và Mazarin lúc thức dậy càng lớn khi người ta đến báo tin rằng khu Cité mà chiều tối hôm qua họ để cho yên ổn thì sớm nay tỉnh dậy xôn xao, náo động hết sức. Cho nên cả hai người đều không muốn tin ở những báo cáo của người ta và nói rằng họ sẽ chi tin điều đó bằng mắt thấy tai nghe mà thôi.
Người ta bèn mở cửa sổ ra: họ trông thấy, họ nghe thấy và họ tin vậy.
Mazarin nhún vai và làm ra bộ rất khinh thường cái đám tiện dân kia, nhưng ông ta tái mặt đi rõ rệt, và run bắn lên ông ta chạy về văn phòng mình, cất ngay vàng và tư trang của mình vào những hộp bí mật và lấy những cái nhẫn kim cương đẹp nhất ra đeo vào các ngón tay. Còn hoàng hậu giận dữ và mặc theo ý chí của riêng mình, bà cho gọi thống chế de La Meilleraie đến, ra lệnh cho ông cần bao nhiêu người thì cứ lấy và đi xem xét xem trò đùa ấy là cái gì vậy.
Ông thống chế vốn tính rất liều lĩnh và quả quyết. Đối với đám tiện dân ông có một nỗi khinh bỉ sâu sắc mà cánh binh gia thường biểu thị với họ. Ông lấy năm mươi người và toan đi ra bằng lối cầu Louvre; nhưng tại đó ông gặp Rochefort với năm mươi khinh kỵ binh của mình kèm theo một nghìn năm trăm người. Chẳng có cách nào phá vỡ một hàng rào như vậy. Thống chế cũng chẳng muốn thử và đi ngược đường sau.
Nhưng đến Pont-Neuf, ông gặp Louvières cùng đám tư sản. Lần này thống chế thử công kích nhưng ông được đón tiếp bằng những phát súng trường trong khi gạch đá từ các cửa sổ ném xuống như mưa. Ông phải bỏ lại ba người.
Ông đành tháo lui về khu chợ, nhưng vấp phải Planchet cùng đám kích thủ. Những cây kích, cây thương nằm ngang trong tay lăm lăm chĩa về phía ông.
Ông muốn đè bẹp, tất cả đám áo choàng xám ấy, nhưng những áo choàng xám chống cự rất hăng và thống chế phải lùi về phía phố Saint-Honoré, để lại trên chiến trường bốn lính vệ bị giết rất êm ái bằng giáo mác.
Ông bèn đi vào phố Saint-Honoré; nhưng tại đây ông gặp những lũy chướng ngại của gã ăn mày ở nhà thờ Saint-Eustache. Những bức lũy ấy được canh giữ không chỉ bởi đàn ông đuợc vũ trang, mà còn bởi đàn bà và trẻ con nữa. Trùm Friquet, sở hữu một khẩu súng ngắn và một thanh gươm do Louvières cho, đã tổ chức một toán bấu sấu như hắn, và la hét om sòm đến vỡ ập cả phố.
Ông thống chế tưởng nơi ấy canh giữ kém những nơi khác và muốn bẻ gãy. Ông cho hai chục lính xuống ngựa để tấn công và mở cửa bức lũy, còn ông và số quân cưỡi ngựa còn lại bảo vệ toán công kích. Hai mươi lính tiến thẳng đến chiến lũy, nhưng sau những cây rầm; giữa những bánh xe, từ trên các phiến đá, một loạt súng khủng khiếp bắn ra, và nghe tiếng súng, những kích thủ và Planchet xuất hiện ở góc nghĩa trang. Những kẻ vô tội, và những người tư sản của Louvières cũng ló ra ở góc phố Tiền Tệ. Thống chế La Meilleraie bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.
Thống chế La Meilleraie là người dũng cảm, cho nên ông quyết chết tại trận. Ông bắn trả từng phát một, và những tiếng rú đau đớn bắt đầu vang lên trong đám dân chúng. Lính thị vệ thành thạo hơn, bắn trúng hơn, nhưng dân tư sản đông đảo hơn, nghiền nát họ trong một trận bão sắt thép thật sự. Nhiều lính ngã gục xung quanh ông thống chế tưởng như trong trận Rocroy hoặc trận Lérida. Fontrailles, viên phụ tá của ông gãy tay, ngựa thì bị đạn vào cổ và đau đến phát điên, nên khó khăn lắm mới kiềm chế được nó. Cuối cùng đến cái giờ phút tưởng như sắp lìa đời mà kẻ dũng cảm nhất cũng thấy ớn lạnh trong mạch máu và mô hôi vã trên trán, thì bỗng nhiên đám dân chúng mở ra ở phía phố l'Arbre-Sec và hô vang: Chủ giáo muôn năm!
Và Gondy vận lễ phục thày tu xuất hiện, điềm tĩnh đi qua giữa loạt súng nổ, ban phước cho những ngươi ở hai bên, bình thản như khi ông dẫn một đám rước Thánh thể.
Mọi người quỳ gối.
Thống chế nhận ra chủ giáo, chạy tới và nói:
- Nhân danh Chúa trời, hãy kéo tôi ra khỏi nơi đây, nếu không thì tôi và tất cả những người của tôi đến để xác lại đây mất.
Tiếng ồn ào nổi lên giữa đám dân đông to đến nỗi nếu có tlểng sấm sét cũng chẳng ai nghe thấy. Gondy giơ tay lên và kêu gọi yên tĩnh.
Mọi người lặng im.
- Này các con, - chủ giáo nói, - Đây là Thống chế de La Meilleraie mà các con đã hiểu lầm ý định của ngài. Ngài cam kết rằng khi trở về cung Louvre sẽ nhân danh các con mà yêu cầu hoàng hậu trả lại tự do cho Broussel của chúng ta. Ngài thống chế cam kết như vậy chứ?
Gondy quay về phía La Meilleraie và nói thêm.
- Mẹ kiếp, - Thống chế kêu lên, - Chắc chắn rằng tôi cam kết như vậy? Mình đã không hi vọng được thoát nợ một cách rẻ đến thế.
- Ông ấy đã nói lời hứa của nhà quý tộc, - Gondy nói.
Thống chế giơ bàn tay lên ra hiệu đồng ý.
"Chủ giáo muôn năm!" - Đám đông hô to. Có vài tiếng còn thêm: "Thống chế muôn năm", nhưng rồi tất cả đồng thanh hô: "Đả đảo lão Mazarin!".
Đám đông dãn ra; đường qua phố Saint-Honoré là gần nhất.
Người ta mở các lũy chướng ngại và ông thống chế cùng đám tàn quân rút lui, có Friquet cùng bọn trộm cắp dẫn đầu, những đứa này giả bộ đánh trổng, những đứa khác bắt chước tiếng kêu.
Trông cứ như là cuộc hành quân khải hoàn; song le đằng sau những lính vệ, các chiến lũy đóng lại; ngài thống chế thì tấm tức trong lòng.
Trong thời gian ấy, như chúng tôi đã nói, Mazarin vẫn ở tại văn phòng riêng, thu xếp những việc nhỏ của mình. Ông cho gọi D’Artagnan, nhưng giữa sự ồn ào ấy, ông chẳng hi vọng gặp anh D’Artagnan không phải phiên trực. Mười phút sau viên trung úy xuất hiện ở ngưỡng cửa, cùng đi có Porthos, người bạn nối khố.
- A! Lại đây, lại đây, ông D’Artagnan, - Giáo chủ reo lên, - Xin hoan nghênh ông cùng bạn ông. Nhưng này, có chuyện gì xảy ra trong cái thành phố Paris độc địa này thế?
- Chuyện gì xẩy ra ư? Thưa Đức ông! Chẳng có gì hay ho cả? - D’Artagnan gật gù nói - Thành phố khởi loạn rầm rộ. Lúc nãy tôi đi qua phố Montorgueil cùng ông Du Vallon đây, ông thực sự là môn hạ của ngài; mặc đầu bộ quân phục của tôi và có lẽ chính tại bộ quân phục ấy, mà người ta bắt chúng tôi phải hô: "Broussel muôn năm!" và thưa Đức ông, có nên nói thêm họ bắt chúng tôi hô gì nữa không ạ?
- Cứ nói, cứ nói.
- Và "Đả đảo Mazarin!" Thực tình đó là câu đại ngôn tung ra.
Mazarin mỉm cười, nhưng mặt tái mét.
- Thế ông có hô không? - Ông ta hỏi.
- Thực tình là không, - D’Artagnan đáp, - Tôi không tốt giọng, ông Porthos bị cảm nên cũng không hô. Thế là, thưa Đức ông…
- Thế là sao? - Mazarin hỏi.
- Xin hãy xem mũ áo của tôi.
Và D’Artagnan đưa ra bốn lỗ đạn ở tấm áo choàng và hai lỗ đạn ở mũ của mình. Còn quần áo của Porthos thì một nhát kích xé toạc một bên sườn và một phát súng ngắn cắt đứt lông mũ.
- Ghê gớm thật! - Giáo chủ trầm ngâm nói và nhìn hai người bạn với một vẻ khâm phục chất phác, - Nếu là tôi thì có khi tôi la to lên rồi đấy.
Lúc ấy, tiếng ồn ào vang đến gần hơn.
Mazarin lau mồ hôi trán và nhớn nhác nhìn quanh mình. Ông ta muôn ra cửa sổ xem lắm, nhưng không dám. Ông bảo:
- Ông D’Artagnan, nhìn xem có chuyện gì thế?
D’Artagnan đi ra cửa sổ với vẻ vô tư lự thông thường của mình.
- Ô! Ô! Cái gì thế kia? Thống chế La Meilleraie trở về không mũ. Fontrailles tay buộc treo, lính thị vệ bị thương, ngựa máu me đầy mình… Ơ! Nhưng mà bọn lính canh làm gì thế này? Họ giương súng ngắm và sắp sửa bắn.
- Đã ra lệnh cho họ bắn vào dân chúng, - Mazarin nói, - nếu dân chúng tiến sát Hoàng cung.
- Nếu họ nổ súng thì mọi việc hỏng hết! - D’Artagnan kêu lên.
- Chúng ta có cổng sắt.
- Cổng sắt à! Chỉ được năm phút! Cổng sắt sẽ bị nhổ lên vặn quẹo và bẻ gãy! Đừng bắn, mẹ kiếp! - D’Artagnan mở hẳn cửa sổ và kêu lên.
Giữa tiếng ồn ào lời dặn dò ấy chẳng thể nghe được và ba bốn tiếng súng trường vang lên, rồi một loạt đạn ghê gớm tiếp theo.
Người ta nghe thấy tiếng những viên đạn đập chan chát vào mặt ngoài của Hoàng cung; một viên lọt qua dưới cánh tay D’Artagnan và đập vỡ một tấm gương mà Porthos đang soi với vẻ thỏa mãn.
- Ôhimé! Một tấm gương Venise, - Giáo chủ kêu lên.
- Ồ! Thưa Đức ông, - D’Artagnan vừa nói vừa bình tĩnh đóng cửa sổ lại, - Xin ngài đừng tiếc vội, chẳng bõ công, vì rất có thể chỉ một tiếng đồng hồ nữa thôi, tất cả gương của ngài sẽ không còn một mảnh, dù là gương Venise hay gương Paris.
- Nhưng ý kiến ông thế nào? - Giáo chủ run như cầy sấy hỏi.
- Chà mẹ kiếp! Trả Broussel cho họ vì họ đòi! Một viên tham nghị ở nghị viện, ngài dùng làm cái gì kia chứ? Chẳng được tích sự gì?
- Thế còn ông Duy Vallon ý kiến ông ra sao? Ông sẽ làm gì?
- Tôi sẽ trả Broussel, - Porthos đáp.
- Lại đây, lại đây các ông, - Mazarin gọi, - tôi đến nói với hoàng hậu về chuyện này.
Đến cuối hành lang, ông dừng lại và nói:
- Các ông ơi, tôi có thể trông cậy vào các ông chứ?
- Chúng tôi không hiến mình hai lần - D’Artagnan nói, - chúng tôi hiến mình cho ngài, ngài cứ ra lệnh, chúng tôi tuân theo.
- Vậy thì các ông hãy vào căn phòng này và chờ đợi, - Mazarin nói.
Và rẽ sang một lối, ông đi vào phòng khách bằng một cửa khác.