Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 02
Thiên hướng tự sự ... Chương 1 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Bạn tìm cách để hiểu cuộc sống thông qua tư duy lý trí.
SỰ THẬT LÀ:
Bạn nhìn cuộc sống qua những chuỗi tự sự dễ đoán.
Tại bệnh viện Ypsillanti ở Michigan, vào khoảng thời gian mà vòng Hula-Hoop3 được phát minh, ba người đàn ông đã bắt đầu một cuộc đối thoại để rồi sau này cùng kéo nhau xuống vực thẳm của sự điên rồ. Tôi đang nói tới sự điên loạn thực sự, loại cần phải có bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc ấy.
Cuộc đối thoại tay ba này kéo dài trong hai năm. Có những lúc ba người cao hứng tới mức thậm chí có thể hát đồng ca với nhau. Lúc khác thì mọi thứ lại tăm tối hơn, thậm chí dẫn tới những cuộc ẩu đả chân tay. Nhưng dù thế nào thì mỗi sáng, họ đều gặp nhau và cố gắng hết sức để những người còn lại hiểu được quan điểm của mình.
Clyde Benson, Joseph Cassel và Leon Gabor có cuộc sống rất khác biệt trước khi gặp nhau. Benson là một nông dân góa vợ, nghiện rượu nặng ở độ tuổi thất thập. Cassel là nhân viên bán hàng tuổi ngũ tuần với khao khát trở thành nhà văn, tuy nhiên, vì bị ám ảnh bởi tuổi thơ tệ hại, ông ăn nói quá ấp úng và tính tình thì quá thụ động để có thể hiện thực hóa giấc mơ ấy. Gabor trạc tuổi tứ tuần, nhảy hết việc này sang việc khác sau khi trải qua chiến tranh và những hậu quả của nó. Thứ khiến họ ràng buộc với nhau là lời khẳng định của cả ba rằng mình là hiện thân của Đấng Cứu Thế. Có nghĩa là, cả ba người họ đều tự nhận mình là Jesus Christ.
Nhà tâm lý học Milton Rokeach đã đưa ba bệnh nhân tâm thần này tới một khu chăm sóc riêng để quan sát. Trong cuốn sách của mình với tựa đề Three Gods In Ypsilanti (Ba Vị Chúa ở Ypsilanti), Rokeach đã viết rằng, ông sắp xếp cho ba người nằm giường cạnh nhau, cho họ ăn cùng chỗ, đưa ra các nhiệm vụ sao cho ba người phải tương tác thường xuyên với nhau. Ngoài ra, ông còn cho họ gặp nhau mỗi ngày tại phòng thăm hỏi, nơi có một chiếc bàn gỗ chính giữa, đối diện khung cửa sổ ngập tràn ánh sáng từ thế giới bên ngoài. Nhà tâm lý học mong rằng bằng cách khiến họ phải tiếp xúc thường xuyên, ảo tưởng của những người này sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Theo ông, đây là một trường hợp hiếm gặp và vô cùng thú vị vì cả ba đối tượng cùng nhận chung một danh tính, hơn nữa, đó lại là danh tính nổi bật đến mức có rất ít chỗ trống để mà phóng túng sáng tác. Theo như Kinh Thánh, chỉ tồn tại duy nhất một Người Con của Chúa, và giờ thì có tới ba người cùng nhận danh xưng đó về mình đang ngồi quanh một chiếc bàn đế khoa học nghiên cứu. Rokeach tin chắc điều gì đó về bản chất của sự ảo tưởng, niềm tin và bản ngã sẽ được hé lộ qua thí nghiệm này. Và mọi chuyện đã diễn ra đúng như ông dự đoán.
Lần đầu tự giới thiệu bản thân, Cassel đã không làm ai thất vọng. Ông ta nói: “Tên tôi là Joseph Cassel”, và khi được hỏi ông có muốn bổ sung gì không, thì ông thêm vào: “Vâng. Tôi là Chúa”. Benson thì tỏ vẻ mập mờ bí hiểm hơn một chút, nói rằng: “Ta cho Chúa năm tên và Jesus là sáu”. Tiếp theo, Gabor nói rằng giấy khai sinh của ông có viết rõ ông ta là Jesus Christ thành Nazareth đầu thai. Không lâu sau đó, một cuộc tranh cãi đã nổ ra, mỗi người đều tỏ vẻ bị xúc phạm bởi tuyên bố của hai người còn lại.
Giờ nhìn lại thì việc cho ba người bất ổn về tâm thần ở chung một phòng với mục đích quan sát xem điều gì sẽ xảy ra có vẻ là phi đạo đức và tàn nhẫn, nhưng thực ra, Rokeach nhắm đến việc tìm kiếm phương pháp chữa bệnh cho họ. Ông hy vọng rằng những người này sẽ được giác ngộ về danh tính thật của bản thân, vì như ông đã viết trong cuốn sách của mình: “Việc một người không tự nhận thức được mình thực sự là ai quả thực rất tồi tệ”. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên đó, Rokeach đã phải đối mặt với nỗi thất vọng nặng nề. Theo như ông miêu tả thì “cuộc đụng độ dã diễn ra êm thấm hơn tôi dự đoán”. Khi cuộc gặp kết thúc, ba người đàn ông bước ra khỏi phòng mà vẫn tự tin về quan điểm của bản thân. Rokeach viết: “Có lẽ họ đã không hiểu hết sự phi thường của cuộc gặp gỡ này - ít nhất là không theo cách chúng ta hình dung”.
Ba người đàn ông cứ thế đều đặn gặp mặt hết lần này tới lần khác, và sự ảo tưởng của mỗi cá nhân được phơi bày, thể hiện rõ cấu trúc phức tạp và rắc rối của chúng. Lời giải thích của mỗi người cho việc tại sao Jesus Christ lại bị nhốt trong một trại tâm thần ở bang Michigan trở thành ma trận kỳ dị của những câu chuyện và logic, thứ chỉ có nghĩa trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi bị Rokeach chọc ngoáy. Khi những cấu trúc này đổ vỡ, ba người họ lại nhanh chóng tái tạo chúng, và cuộc trò chuyện nhanh chóng trở thành mớ hỗn độn của những câu thoại từ các vở kịch khác nhau. Thế nhưng, mỗi người lại thường nhớ rất kỹ những chi tiết vụn vặt trong lời giải thích của hai người còn lại, chỉ trích chúng một cách khắt khe như thể họ là những ứng cử viên chính trị đang tranh luận về các chi tiết nhỏ xíu trong kế hoạch thuế của đối phương.
Rokeach viết trong cuốn sách của mình rằng trong mỗi buổi nói chuyện, ông luôn cố gắng lái chủ đề về sự vô lý của việc ba vị Chúa cùng tồn tại một lúc và hỏi ba người đàn ông ý kiến của họ về vấn đề này. Khi bị ép phải giải thích, họ không bàng hoàng nhận ra rằng mình là những kẻ ảo tưởng, họ cũng không hề giật mình kinh sợ khi đứng trước khả năng danh tính của họ sắp vỡ tan. Không, họ chỉ đơn giản phủ nhận lời khẳng định của hai người còn lại. Benson cho rằng hai người kia là một dạng người máy nào đó chứ không phải là sinh vật sống. Theo lời của ông, thì bên trong hai người đó là máy móc điều khiển hoạt động và phát ra tiếng nói. Gabor thì lại cho rằng hai người còn lại là những vị Chúa thứ cấp xuất hiện sau ông ta và được tái sinh. Cách giải thích của Cassel thì lại chính xác và thực tế nhất: Ông ta nói hai người còn lại là những bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần.
Khi phải giải thích về bản thân, ba người đàn ông thường chối bỏ sự thật rằng chính họ là những bệnh nhân tâm thần. Họ không phải bệnh nhân. Họ là những ông Jesus tình cờ có mặt trong căn phòng tại thời điểm đó. Những kẻ mạo danh mới cần phải sớm tỉnh táo và cung phụng vị Chúa thật sự, danh xưng mà mỗi đối tượng đều tự nhận về chính mình.
Trong ba tuần lễ, những vụ tranh cãi đã dẫn đến xô xát, nhưng bạo lực không kéo dài lâu. Suốt hai mươi lăm tháng diễn ra thí nghiệm, phần lớn những cuộc đối thoại đều khá lịch sự dù chứa toàn những thứ nhảm nhí. Chỉ có một điều duy nhất không thay đổi, đó là niềm tin của mỗi người. Thay vì nhận ra sự thật, họ bảo vệ ảo tưởng của mình bằng mọi giá, tuy là với các phương pháp khác nhau. Benson tỏ ra cứng rắn nhưng lại không có khả năng diễn đạt rành mạch, bởi vậy ông ta thường trở nên giận dữ và tuôn ra những lời đe dọa. Cassel thì phản ứng theo cách lập dị hơn như vứt bánh mì vào trong toilet và vứt sách ra ngoài cửa sổ. Ông ta thường quay lưng lại với cuộc tranh luận và cố gắng lái câu chuyện theo hướng khác khi danh tính của ông có vẻ bị đe dọa. Gabor là thành viên có học thức nhất trong bộ ba, và ảo tưởng của ông ta ấn tượng tới nỗi đôi lúc nghe cũng rất thuyết phục. Gabor thường nói rất dài, rất say sưa và rất trau chuốt. Ông ta cũng thường dẫn dắt cuộc tranh luận và đặt ra câu hỏi cho những người còn lại. Những cuộc hội thoại của họ có đủ các chủ đề trên trời dưới biển, từ săn bắn với xương cá voi tới bánh quy và nước Anh. Dẫu sao thì những bài nói của Gabor vẫn đâm thẳng vào điểm tận cùng của sự nhảm nhí tột độ. Những lúc căn phòng chìm vào yên lặng, ông ta lại thì thầm với Rokeach rằng mình thực ra đang nghiền vụn những ký ức tiêu cực của căn phòng lầy lội bên trong hộp sọ. Thời gian dần trôi đi, những cuộc nói chuyện về Jesus và Đức Chúa dần nhạt phai.
Rokeach viết rằng: “Ba vị Chúa này, mặc dù không phải là những con người minh mẫn và có lý, nhưng cũng đều thuộc một dạng người mà chúng ta ai cũng đã từng gặp: Họ là những người đang hợp lý hóa”.
Người hợp lý hóa là loại người luôn tìm cách biến mọi thứ xung quanh trở thành câu chuyện có nghĩa phù hợp với niềm tin của bản thân. Ba vị Chúa trong câu chuyện trên không hề thay đổi quan điểm của mình. Qua hai năm điều trị tâm thần và giám sát tâm lý, bị xét hỏi và thử thách, ngồi đối diện những người khẳng định rằng danh tính của anh là giả mạo và tự nhận chính danh tính đó về mình, họ vẫn nhất quyết không đầu hàng. Hai kẻ còn lại mới có vấn đề; tôi là người duy nhất có lý. Điều duy nhất nổi bật trong câu chuyện của bộ ba bệnh nhân ở Ypsilanti là họ cùng tự nhận mình là Jesus. Tất cả những điều khác đều nằm trong những gì mà bộ môn tâm lý học đã dự đoán trước về hành vi của con người.
Rokeach nhận định rằng bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những lời nói dối và những luận điểm hợp lý hóa hiện thực của người khác. Bạn đã gặp quá đủ những người như vậy tới mức bạn trực tiếp bỏ qua chúng, rồi sau đó tán phét về chúng trên bàn tiệc trà. Đó là một phần của cuộc sống - ngày qua ngày, ta quan sát người khác tự lừa dối bản thân. Ấy vậy mà khi chính bạn thực hiện điều đó, bạn lại giấu nhẹm nó dưới một tấm thảm vô hình trong tâm trí. Có lẽ bạn không thức dậy mỗi sáng và đánh răng rửa mặt dưới cái tên của Chúa Jesus, nhưng cũng như trong trường hợp của ba bệnh nhân ở Ypsilanti, chắc bạn cũng chỉ nhìn ra được sai lầm của bản thân khi chúng được sao chép và thể hiện ở người khác.
Giống như ba người đàn ông trong bệnh viện tâm thần, mọi giả định của bạn về thực tế đều được tổng hợp trong một cỗ máy hoạt động mỗi khi bạn thức, và chúng khẳng định với bạn rằng mọi chuyện đều đang diễn ra như mong đợi, không có gì đáng lo ngại cả. Bạn cứ thế lấy sản phẩm từ cỗ máy này và dùng nó để đọc hiểu thực tế. Phương pháp ưa thích của bạn (chính xác hơn là của tất cả mọi người) là dồn hết mọi thứ lại dưới dạng một câu chuyện với bạn là nhân vật chính. Điều này nghe có vẻ khá kỳ dị, nhưng nó giúp chúng ta tồn tại.
Những sinh vật đơn giản hơn của Trái Đất như lũ giun đất, trùng amip và những sinh vật nguyên sinh sống trong một giọt nước tồn tại nhờ những quy tắc cực kỳ đơn giản. Chúng chỉ cần tiến về nơi có chất dinh dưỡng và tránh khỏi những thứ có khả năng gây hại. Phạm vi thực tế của chúng rất nhỏ hẹp và không hề phức tạp. Chúng không lo sợ tương lai và cũng không tô hồng quá khứ, chúng thậm chí có thể còn không có cả ý niệm về thời gian. Hệ thống này hoạt động tốt và đã giữ cho chúng sống sót qua hàng tỷ năm mà không có sách vở, thần thoại hay lịch sử gia. Hệ thần kinh quá đơn giản khiến tâm trí của chúng, nếu có thể gọi đó là tâm trí, không cần gì hơn khả năng cảm nhận những thứ tốt hoặc xấu, và khả năng di chuyển theo hướng cần thiết khi tránh các chướng ngại vật. Hệ thần kinh của bạn thì phức tạp hơn một chút. Bộ công cụ mà bạn sở hữu không chỉ có kích thích và phản ứng. Một con giun tròn có khoảng 300 neuron thần kinh. Một con mèo có khoảng một tỷ, còn bạn thì có khoảng tám mươi lăm tỷ. Kết nối những neuron này và cho chúng xử lý thông tin ở nhiều tầng khác nhau, thế là bạn đã có thể soi lối mê trận đầy rắc rối của vũ trụ tốt hơn nhiều so với một chú mèo thông thường. Tất nhiên, bạn vẫn còn những cơ chế kích thích - phản ứng được thừa hưởng từ thời xa xưa - ví dụ, bánh sinh nhật và gấu xám Bắc Mỹ mang tới hai thái cực phản ứng rất khác nhau trong bộ não của con người. Nhưng bạn còn có trong tay rất nhiều công cụ khác, ngoài những thứ giúp tìm ra cái có ích và tránh xa những cái có hại. Để cân bằng sự phức tạp của trải nghiệm có ý thức với công việc xử lý thông tin vô thức, để đối phó trước những thứ hỗn độn vô tận luôn tấn công các giác quan từ bên ngoài và những cuộc trò chuyện ồn ào của các cơ quan từ bên trong tâm trí, bạn đã phát triển khả năng kết nối nhiều thứ thành thứ đơn giản và kém chính xác hơn, mang ít thông tin hơn nhưng có tính giải trí cao hơn, và trong phần lớn các trường hợp, thì có ích hơn. Một số lượng cực lớn những tế bào thần kinh phức tạp và mạnh mẽ tới mức khó tin đang nằm đâu đó phía trên cổ bạn, và bạn sử dụng chúng để tìm kiếm thứ mà những động vật khác không thèm màng tới: Ý NGHĨA. Thực tế cuộc sống ngày qua ngày trở nên có ý nghĩa trong tâm thức bạn là bởi bạn đã biến những chuỗi sự kiện thành những câu chuyện, những câu chuyện lại biến thành ký ức, và ký ức thành các chương trong cuốn tiểu thuyết cuộc đời. Khi bạn ngồi lại với những người khác, họ kể cho bạn nghe về thực tại của họ cũng theo cách đó, và câu chuyện càng thuyết phục thì khả năng để bạn chấp nhận lời kể của họ càng cao.
Những mẩu truyện cười và phim ảnh, truyện tranh và các trận đấu vật chuyên nghiệp, các chương trình truyền hình và thời sự - tất cả đều là hiện thân đầy kịch tính của hiện thực và giả tưởng dưới dạng những câu chuyện kể, tương tự như việc tại sao chúng ta lại đặt ghế vào trong xe hơi: Vì hình dạng của cơ thể người đặt vừa vặn vào chiếc ghế. Chính hình thể người đã dẫn tới thiết kế của chiếc ghế. Và thiết kế đó giờ được áp dụng lên bất kỳ chỗ nào mà con người đặt mông xuống. Một ví dụ khác: Trẻ em thích nghe nhạc cổ điển được chơi theo chiều thuận hơn là chơi theo chiều ngược lại. Vì cảm nhận được điều đó mà Vivaldi4 viết nhạc theo một trật tự nhất định, kết quả là những đứa trẻ khi nghe bản nhạc được chơi theo đúng cách đã tỏ vẻ thích thú, còn khi băng bị tua ngược thì tỏ vẻ khó chịu. Nghệ thuật chính là một cuộc đuổi bắt - ta cố tìm cách thể hiện những biểu tượng mà không để chúng xuất hiện. Quan điểm đẹp hay xấu đi vào tâm trí bạn theo những con đường cổ xưa đã được định sẵn về phía nụ cười hoặc cái nhíu mày. Mặc dù cảm xúc luôn phải đi qua bộ lọc của quan điểm văn hóa, phong tục xã hội và chịu sự biến động từ thời kỳ này qua thời kỳ khác, nhưng nền tảng của những thứ bạn kiếm tìm hay trốn tránh đều bắt đầu từ những khởi nguồn sơ khai, những phản ứng tức thời trước thứ tích cực hoặc tiêu cực. Tâm trí lý giải thông tin đầu vào và ký ức của bạn dưới dạng những câu chuyện theo cả hai chiều đi và đến, bởi vậy định dạng này xuất hiện ở bất kỳ đâu mà thông tin có mặt. Cấu tạo tâm trí bạn quy định dạng thức biểu hiện của thông tin, và từ đó, dạng thức được quy định xuất hiện ở tất cả những nơi có sự trao đổi thông tin giữa các bộ não.
Đây chính là thiên hướng tự sự (narrative bias): Mỗi khi có cơ hội, bạn sẽ đưa và nhận lại thông tin dưới dạng những câu chuyện kể. Bạn thích những câu chuyện với cấu trúc quen thuộc mà bạn cho là xương sống của nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc sở hữu từ ba tới năm hồi, với phần mở đầu là nhân vật chính phải đối diện với nghịch cảnh, tiếp theo là bước ngoặt khi nhân vật đó quyết tâm dấn bước vào một cuộc phiêu lưu trong thế giới không quen thuộc, rồi sau đó là hành trình dẫn tới sự trưởng thành của nhân vật, và từ đó, dẫn tới chiến thắng vinh quang. Theo lời của nhà thần thoại học Joseph Campbell thì đó là cấu trúc của hầu hết những câu chuyện từng được viết ra, chỉ trừ những vở bi kịch. Bi kịch thì ngược lại, chúng là những câu chuyện mang tính răn đe, trong đó nhân vật chính không có sự thay đổi, đưa ra những lựa chọn tồi tệ, đầu hàng trước khuyết điểm, và cuối cùng phải chịu thất bại. Bạn thích cả hai phong cách này bởi vì đó chính là cách bạn nhìn cuộc sống của mình. Bạn đơn giản hóa hình ảnh về bản thân, về lý do bạn đang ở vị trí hiện tại, về những điều mà bạn đã đạt được, và về định hướng của bạn trong tương lai. Sách truyện, phim ảnh, trò chơi, bài giảng - tất cả những định dạng của việc trao đổi thông tin dường như đều rõ ràng hơn khi được gói gọn trong ngôn ngữ của nghệ thuật kể chuyện.
Dưới dạng một câu chuyện, những sự kiện khó tin trở nên thuyết phục hơn. Ta cùng xem thử một ví dụ nhé, trong hai câu sau thì câu nào có vẻ thật hơn? “Một nhà sự thoát y và chửi mắng lũ trẻ vì ông mất bình tĩnh trong cơn giận”, hay “Một nhà sư thoát y và chửi mắng lũ trẻ vì ông mất bình tĩnh sau khi hay tin ngôi làng của mình đã bị đốt trụi trong cuộc đảo chính”. Câu thứ hai có vẻ hợp lý hơn, phải không? Khó mà tưởng tượng được một người, theo logic thông thường, là ôn hòa thánh thiện lại có thể làm những chuyện bốc đồng như vậy, nhưng khi nghe câu chuyện, mọi thứ lại trở nên có thể, không nhất thiết bởi bạn đã có nhiều thông tin hơn, mà bởi bạn thấy những thông tin đó kết nối với nhau thành câu chuyện hoàn chỉnh. Bạn thường chấp nhận sự việc mà không mảy may nghi ngờ liệu câu hỏi “tại sao” có được trả lời một cách thỏa đáng? Cùng xem ví dụ tiếp theo nhé: “Cả người Elizabeth bỗng bùng cháy khi đang mặc thử chiếc áo lót mới”; hoặc “Cả người Elizabeth bỗng bùng cháy khi mặc thử chiếc áo lót mới sau khi cô bị một mụ di-gan cáu bẳn nguyền rủa vì đã vô tình đẩy chiếc xe đựng đồ chèn lên chân mụ trên đường đi tới phòng thay đồ”. Lời tường thuật thứ hai nghe có vẻ hợp lý hơn. Tuy rằng, có thể với bạn, mấy thứ như lời nguyền của dân di-gan không có sức thuyết phục, nhưng với một số người thì đó có thể là lời giải thích hoàn toàn hợp lý. Điều này được giải thích một phần bởi ngụy biện liên kết (conjunction fallacy). Thiên hướng tự sự của bạn được củng cố khi bạn được tiếp xúc với lượng thông tin dồi dào. Bạn càng nhận được nhiều thông tin về một lời khẳng định thì bạn càng dễ tin vào nó.
Ví dụ kinh điển về ngụy biện liên kết đã được đưa ra trong công trình nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman, những người tiên phong vĩ đại của ngành nghiên cứu về những thiên kiến nhận thức. Năm 1982 họ đã đưa ra một câu đố, và tôi sẽ nói cho bạn dưới dạng một câu chuyện:
“Linda sinh ra và lớn lên tại San Francisco; trong khi những đứa con gái khác chơi đùa với búp bê, thì cô đọc sách triết học. Khi còn bé, cô là một đứa trẻ ngỗ nghịch, sẵn sàng mè nheo và nổi cơn thịnh nộ khi không vừa ý; bố mẹ cô đã rất vất vả trong việc dạy bảo con gái. Cô tốt nghiệp trung học sớm một năm và được nhận vào Đại học Harvard, nơi cô nhận bằng cử nhân ngành triết học. Trước khi gia nhập lực lượng lao động làm công ăn lương, Linda đã có thời gian hoạt động trong Đoàn Hòa Bình5, và giúp đỡ phụ nữ tại khu vực Congo ở châu Phi tiếp cận với các dịch vụ y tế. Hiện chưa lập gia đình và chưa có con, cô trở lại Mỹ để học lấy bằng Tiến sĩ ngành khoa học chính trị. Khả năng sau đây là cao hơn? Linda làm việc tại một ngân hàng, hay Linda làm việc tại một ngân hàng, đồng thời là tác giả của một trang blog bảo vệ nữ quyền?”
Câu trả lời có thể sẽ làm bạn phải sửng sốt, nhưng đáp án chính xác là khả năng Linda chỉ làm việc tại một ngân hàng cao hơn nhiều so với khả năng còn lại. Tất cả những thông tin bên lề đã khiến nhiều người nghĩ rằng nhân vật Linda là một nhà hoạt động nữ quyền. Tuy vậy, điều đó không thể thay đổi được sự thật là, dựa trên xác suất thống kê thuần túy, thì việc đoán đúng một đặc điểm của một người cao hơn rất nhiều so với việc đoán chính xác hai đặc điểm trong hàng triệu triệu những trường hợp có thể xảy ra. Nếu câu hỏi tôi đặt ra là “Giữa hai trường hợp: Linda là một nhà hoạt động nữ quyền và Linda là một vận động viên đua xe NASCAR, thì khả năng nào cao hơn?” Bạn sẽ trả lời chính xác khi chọn phương án nhà hoạt động nữ quyền”, bởi những gì đã biết cho thấy cô ấy thích tìm hiểu về sự bình đẳng hơn là đọc thông số máy móc. Nhưng đó không phải là câu hỏi của tôi. Số lượng người làm việc tại ngân hàng cao hơn rất nhiều so với số người vừa làm tại ngân hàng vừa viết blog về nữ quyền. Trên thực tế thì, càng đưa ra nhiều chi tiết, khả năng tổ hợp của những chi tiết này chính xác sẽ càng nhỏ. Rất ít khả năng tồn tại một Linda làm việc ở ngân hàng, điều hành một trang blog nữ quyền, bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ, sống ở California, quyên góp cho Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, và thần tượng ca sĩ Tori Amos. Khi nhìn lại về câu chuyện cuộc đời của Linda, bạn sẽ nhận ra rằng khả năng một trong số các đặc điểm trên đúng khá cao, nhưng khả năng tổ hợp của hai trong số đó là đúng thì lại thấp hơn nhiều, khả năng tổ hợp ba đặc điểm thì còn thấp hơn nữa, v.v. Nhưng rõ ràng, bạn đã nghĩ khác, đúng không nào? Đó là vì thiên hướng tự sự của bạn đang hoạt động với sự hỗ trợ của ngụy biện liên kết, và được gắn kết bởi sự tự nghiệm về tính đại diện (representative heuristic)6, hay còn gọi là xu hướng bỏ qua xác suất thống kê, và chỉ dựa vào độ tương tự của đối tượng đánh giá với một hình mẫu tưởng tượng.
Một trong số rất nhiều chức năng của bộ não giúp bạn tồn tại và phát triển là khả năng tạo ra cảm giác những điều mà bạn chứng kiến và cảm nhận đều có căn nguyên. Bạn nghĩ ảnh hưởng từ những lý do đó có thể được theo dõi và gạch chân rõ ràng. Bạn tin rằng mớ hỗn độn, nhiễu động kỳ quặc của cuộc sống mà bạn phải lội qua hàng ngày luôn có những tín hiệu, những khuôn mẫu ẩn giấu và những quy luật dễ đoán, hẳn bạn sẽ phải rất ngạc nhiên khi biết rằng những giả định đó sai lầm thường xuyên tới mức nào.
Từ nhiều năm nay, không quân Hoa Kỳ vẫn huấn luyện phi công bằng một cỗ máy khổng lồ mang tên máy ly tâm Holloman. Cỗ máy này, về cơ bản, là buồng lái giả gắn trên một cánh tay kim loại khổng lồ có động cơ trung tâm cực khỏe. Động cơ này xoay cánh tay kim loại và đẩy buồng lái, cùng với phi công, đi vòng vòng. Giống như hòn đá được buộc vào đầu sợi dây, một người cầm dây, quay thật nhanh trên đầu, còn bạn thì đang ngồi ngay bên trong hòn đá đó. Các phi công phải trải qua bài huấn luyện này để có thể cảm nhận tác động của lực g7. Khi điều khiển một chiếc máy bay phản lực công suất lớn, việc cất cánh nhanh hoặc bẻ lái ở tốc độ cao sẽ tạo ra lực g rất lớn lên cơ thể phi công. Khi bạn tăng tốc về một hướng, bạn sẽ cảm nhận được lực kéo của định luật III Newton theo hướng ngược lại. Ví dụ như khi bạn đạp chân ga của chiếc xe hơi, đầu bạn sẽ bị kéo về phía sau. Trong một chiếc máy bay phản lực thì lực này lớn hơn rất nhiều lần, tới mức máu trong huyết quản của bạn có thể sẽ không được vận chuyển tới não. Hiệu ứng này giống như khi bị bóp nghẹt, và phi công thường ngất đi hoặc trở thành một thây ma ngơ ngẩn trong chốc lát. Theo như người ta nói, thì chịu lực g quá lớn sẽ dẫn tới thảm họa khôn lường.
Không quân Hoa Kỳ và các cơ quan khác như NASA sử dụng lực ly tâm để tạo nên lực g lớn trong môi trường có kiểm soát. Bằng cách này, họ có thể huấn luyện phi công những kỹ thuật giữ máu lên não. Những kỹ thuật này liên quan nhiều tới việc căng người và gầm gừ, vốn là những hành động trông khá buồn cười nếu họ không phải là phi công chiến đấu. Tới điểm giới hạn, những viên phi công tập sự sẽ rơi vào trạng thái bất tỉnh nhân sự. Sau khi thoát khỏi trạng thái này, họ thường báo cáo về những hình ảnh kỳ lạ, những ảo giác giống như những giấc mơ về thế giới giả tưởng hoặc thế giới hàng ngày. James Whinnery, một bác sĩ Không quân, đã nghiên cứu hàng trăm những vụ bất tỉnh như vậy trong ba thập kỷ, quay video và so sánh từng chi tiết khác biệt, phỏng vấn các phi công và thu hình báo cáo của họ. Qua nghiên cứu của mình, ông đã thấy được sự giống nhau tới khó tin với lời kể thu thập từ bệnh nhân được gây mê trên bàn mổ, nạn nhân trong những vụ tai nạn xe hơi và những tình huống dẫn tới tình trạng tắt thở. Đường hầm, ánh sáng trắng, bạn bè và người thân tới chào đón, các ký ức tua lại trước mắt - các phi công tập sự đã trải qua tất cả. Hơn thế nữa, cỗ máy ly tâm còn rất thường xuyên tạo ra “trải nghiệm thoát xác” cho người ngồi bên trong. Các viên phi công báo cáo rằng họ cảm thấy trôi nổi bên trên hoặc gần cơ thể, tự nhìn vào cái đầu đang lúc lắc của mình. Theo như Whinnery và các nhà nghiên cứu khác nhận định, khi toàn bộ cơ thể bị đảo lộn vì thiếu ôxy, những trải nghiệm gần chết và thoát xác này thực ra đều là những trải nghiệm chủ quan của bộ não trong lúc cố gắng hiểu được điều gì đang diễn ra và tìm cách tự định hướng. Mất đi khả năng xác định ranh giới của mình, bộ não thường đặt sự tỉnh táo ra bên ngoài cơ thể: trên một cánh đồng, trong một hồ nước, hoặc trong bối cảnh chiến đấu với một con rồng - bất kỳ thứ gì nó có thể bấu víu được khi những bức tường trong tâm trí sụp đổ. Những viên phi công bị ngạt thở không thấy một đám hỗn độn những hình ảnh và suy nghĩ ngẫu nhiên. Ngay cả trong khi đang chết ngạt, bộ não vẫn nhất quyết không ngừng tạo ra một câu chuyện, một khung đỡ để nó kết nối nguyên nhân và hệ quả, ký ức và trải nghiệm, cảm giác và nhận thức. Tự sự là thứ tối quan trọng với sự sống còn, quan trọng tới nỗi nó thực sự là thứ cuối cùng bạn cam lòng từ bỏ trước khi trở thành một bị thịt vô hồn. Đó chính là khung sườn cho mọi trải nghiệm ý thức của bạn. Thiếu nó, bạn sẽ không thể cảm nhận bất kỳ điều gì khác ngoài sự nhiễu động hỗn độn. Và chưa hết, sau khi tỉnh táo trở lại, những viên phi công, hệt như những bệnh nhân vừa chết đi sống lại trong phòng cấp cứu, luôn thực hiện một quy trình giải thích cho những điều mình thấy. Sau khi trải qua sự phiêu ảo của tình trạng thiếu ôxy kéo dài, nhiều người cho rằng ánh sáng và đường hầm mà họ thấy là lối đi dẫn tới thế giới bên kia. Các câu chuyện có thể khác nhau, tùy thuộc vào hệ thống niềm tin của mỗi người, nhưng một câu chuyện sẽ luôn luôn tồn tại.
Một trong những điểm đáng kinh ngạc nhất về những viên phi công đã chết đi sống lại này là họ trở về một cách nguyên vẹn. Khi bộ não trở lại trạng thái bình thường, họ tự phục hồi thành con người trước đó. Khoa học thần kinh hiện vẫn chưa rõ tại sao bạn có thể lắp ráp lại các mảnh ghép nhận thức về bản thân mỗi sáng, nhưng chắc chắn, tự sự cá nhân của bạn có vai trò rất lớn trong việc này. Trong cuốn sách nổi tiếng The Man Who Mistook His Wife For A Hat (Người đàn ông tưởng vợ mình là chiếc mũ của mình), nhà thần kinh học Oliver Sacks đã thuật lại các câu chuyện ảo tưởng điên cuồng của những bệnh nhân bị tổn thương não, và nhận định rằng họ dường như bị thôi thúc phải “thay thế những thứ ký ức liên tục bị lãng quên và mất đi” bởi vì tự sự đối với mỗi người trong chúng ta, đều là “một tiểu sử, một câu chuyện”. Theo lời Sacks, để có thể là chính mình, bạn phải có cảm giác sở hữu bản thân. Khi cảm thấy câu chuyện của mình dần tuột khỏi tầm với, bạn sẽ “thu thập những vở kịch nội tại”, bởi danh tính của bạn phụ thuộc vào cảm giác nắm bắt được câu chuyện của chính mình. Đó là lý do tại sao việc nghiên cứu những người sở hữu sự tự sự lệch xa với những thứ mà những người xung quanh đang thấy là rất quan trọng. Cùng dạo nhanh qua lĩnh vực này bằng cách quay trở lại những ngày đầu của khoa học về bộ não nhé.
Sau khoảng thời gian làm bác sĩ phẫu thuật trong quân ngũ năm 1870, Jules Cotard đã về làm việc tại một phòng khám và cống hiến hết mình với tất cả những kiến thức có sẵn vào thời đó. Cotard và những người khác ở phòng khám đã chăm sóc cho những bệnh nhân trong tình trạng, như một giảng viên đại học đã miêu tả, là “sự điên rồ ở tất cả các hình thái”. Ông là một trong những người tiên phong trong ngành thần kinh học, và đã khám phá ra sự kết nối giữa hành vi với các vị trí của não bộ. Càng nghiên cứu sâu, ông càng bị thu hút bởi những bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng mất ngôn ngữ. Ông theo dõi những trường hợp này tới tận sau khi họ chết, đến cả bàn mổ khám nghiệm tử thi để tìm ra nguồn gốc cho chứng bệnh của họ, và khuyến khích đồng nghiệp cũng làm như vậy. Vào năm 1880, Cotard đã đưa ra một khái niệm mới về hội chứng bệnh lý mà ông gọi là “délire des négations”, nghĩa là “chứng ảo tưởng về sự không tồn tại”.
Ông đã miêu tả trong một hội nghị tại Paris rằng khi bộ não của một người bị tổn thương theo cách nhất định, người đó sẽ thực sự tin rằng mình đã chết. Bạn có nói lý hay tán phỉnh với họ theo cách nào đi chăng nữa cũng không thể thuyết phục họ thoát khỏi ảo tưởng đó. Hơn nữa, hội chứng này không phải là một chứng bệnh tâm lý thuần túy. Nó có nguồn gốc từ một vấn đề sinh lý trong não của người bệnh. Điều đó nghĩa là bạn hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái tương tự nếu trải qua một cú đập đầu đủ mạnh.
Có tổng cộng khoảng 100 bệnh nhân được ghi nhận trong lịch sử y khoa mang triệu chứng của thứ nay được gọi là hội chứng ảo tưởng Cotard. Nó còn được biết tới dưới một cái tên khác ghê rợn hơn là hội chứng xác chết biết đi. Nếu bị mắc hội chứng này, bạn có thể nghĩ hình ảnh phản chiếu của mình trong gương có điều gì đó khả nghi, hoặc bạn có thể không còn cảm thấy nhịp tim đập trong lồng ngực là của chính mình nữa. Thậm chí bạn còn có thể nghĩ một phần cơ thể mình đang thối rữa. Trong trường hợp nặng nhất, bạn có thể tưởng mình đã trở thành một hồn ma và đi đến quyết định rằng việc ăn uống là không còn cần thiết. Một trong các bệnh nhân của Cotard đã chết đói do ảo giác này.
Hội chứng Cotard và những ảo tưởng kèm theo nằm trong nhóm các triệu chứng được tìm thấy ở những chứng rối loạn khác cùng xoay quanh sự mất đi khả năng kết nối cảm xúc với người khác. Có thể là do não bộ của bạn gặp vấn đề tệ đến mức khiến bạn không còn có khả năng cảm nhận sự khác biệt giữa người lạ và người thân. Những rung động cảm xúc không còn nữa, dù là với chú cún cưng, với mẹ, hay thậm chí là với giọng nói của chính bạn. Thiếu đi cảm xúc, những người thân quen trở thành những kẻ mạo danh, những con robot đội lốt, hoặc một bản sao. Nếu kết nối cảm xúc với hình ảnh của chính mình bị phá vỡ, có thể bạn sẽ cho rằng bản thân mình là một ảo giác. Đối diện trước một nhận thức đáng sợ như vậy, bạn sẽ vật lộn để tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra: Bạn sẽ sáng tạo ra nhiều cách đối phó.
Bệnh nhân của những hội chứng như chứng ảo tưởng Cotard luôn bịa ra những lời giải thích rất kỳ quặc và vô nghĩa cho thực tại mà họ cảm nhận, bởi họ phải trải nghiệm luồng thông tin đầu vào cũng hết sức kỳ quặc và vô nghĩa. Điều khác biệt duy nhất giữa lời giải thích của các bệnh nhân này với lời biện hộ của bạn nằm ở sự sai lệch rõ ràng và dễ kiểm chứng. Bất kỳ lời biện hộ nào trong bất kỳ thời điểm nào được chế biến để giải thích cho tình trạng tâm trí và cơ thể bạn cũng đều có thể không rõ ràng, nhưng bạn không có cỗ máy kiểm tra độ xác thực theo dõi thường xuyên sức khỏe tinh thần của mình. Não của bạn có bị tổn thương hay không, thì tâm trí lúc nào cũng cố gắng tự giải thích bản thân cho chính nó, và độ chính xác của những lời giải thích này thay đổi liên tục. Các nhà tâm lý học gọi những lời tự lừa dối mình là sự bịa chuyện (confabulation) - những lời nói dối vô tình. Chúng là những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, nhưng bản thân người bịa chuyện lại không nhận ra điều ấy. Khoa học thần kinh giờ đã biết rằng việc bịa chuyện rất phổ biến và diễn ra liên tục, với cả người bình thường lẫn những người có vấn đề về tâm thần. Nhưng trong trường hợp của những bệnh nhân mắc chứng ảo tưởng Cotard, chứng bịa chuyện này bị phóng đại lên tới mức đáng sợ. Thiên hướng tự sự - động lực thúc đẩy việc tạo ra những lời giải thích - chính là nguyên do gây nên chứng bịa chuyện ở những người bị tổn thương não nghiêm trọng.
Nhà thần kinh học nổi tiếng V. S. Ramachandran thường xuyên nhắc đến sự bịa chuyện khi nói về chứng anosognosia - từ chuyên khoa để chỉ việc phủ nhận bệnh tật. Trong sự nghiệp của mình, ông đã gặp nhiều trường hợp có thương tật cơ thể, nhưng lại không nhận thức được và giải thích được thương tật của mình phù hợp với thực tế. Một trong những bệnh nhân của ông bị liệt một tay, nhưng nhất quyết phủ nhận việc này. Khi được hỏi tại sao cô lại không thể di chuyển cánh tay đó, cô nói rằng đó không phải tay của mình. Cô khẳng định rằng đó là cánh tay của mẹ cô, và bà ấy đang trốn dưới bàn để đùa giỡn. Ramachandran cũng từng điều trị cho những bệnh nhân mắc chứng quên thuận chiều (anterograde amnesia). Đó là những người không thể tạo ra ký ức mới. Cứ khoảng mười phút là bộ nhớ của những người mắc hội chứng này sẽ khởi động lại. Như thể họ bỗng dưng thấy mình đang ở bệnh viện mà không nhớ ra đã tới đó bằng cách nào. Thay vì phát hoảng, người bệnh thường nói với các nhân viên y tế rằng họ tới để thăm ai đó. Người mắc hội chứng Anton-Babinski thì phủ nhận mình bị mù, dù một phần hoặc toàn bộ thị giác của họ đã bị mất sau một tai biến hoặc tai nạn nào đó. Đôi khi các bác sĩ cũng bị sốc khi phát hiện ra bệnh nhân của mình không thể nhìn, bởi vì người đó không hề nhắc tới điều đó trong lúc thăm khám. Thường thì các y tá mới là những người đầu tiên phát hiện ra sự thực này khi thấy các bệnh nhân đâm thẳng vào tường, miêu tả mọi thứ xung quanh hoàn toàn khác với thực tế hay nói về những người hoặc đồ vật không hề tồn tại.
Đó là cách để tâm trí nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bối rối. Khi mọi thứ có vẻ kỳ quặc hay vô nghĩa, bộ não sẽ ép mọi thứ phải trở nên có nghĩa ngay lập tức. Việc mất phương hướng sẽ được định hướng lại, kể cả khi bạn phải tạm thời tin vào thứ cách xa sự thật tận vài múi giờ. Một tình huống rối rắm và bất tiện sẽ được kéo thẳng thành một tự sự sao cho sinh vật (là bạn) có thể trở lại hoạt động như bình thường, tiếp tục pha trò, và tự hỏi xem tối nay nên ăn gì. Bộ não biến sự hỗn độn thành trật tự để bạn không đâm đầu vào tường hoặc dẫm lên con bọ cạp thú cưng, và khi tín hiệu cảnh báo rắc rối đầu tiên cất lên, khi một nghi hoặc nho nhỏ về sự lẫn lộn được nhen nhóm, các neuron của bạn sẽ bắt đầu sản xuất ra sự sáng suốt giả tạo. Ba vị Chúa ở Ypsilanti, những trường hợp tự phủ nhận cánh tay của mình, những bệnh nhân khẳng định rằng họ không bị mù - tất cả đều sử dụng sự tự sự để giúp bản thân tỉnh táo. Thiếu đi xu hướng đó, việc giữ được sự tồn tại của phần người là rất khó, bởi vậy, nó là thứ có ích trong hầu hết các trường hợp. Nó hoạt động hiệu quả tới nỗi bạn ít khi nhận ra nó tồn tại. Chỉ khi mọi thứ trật đường ray thì chứng bịa chuyện mới hiển hiện rõ ràng và trở thành rắc rối, thậm chí có thể tạo ra những mối đe dọa tới tính mạng. Dù sao thì nó vẫn luôn có mặt ở hậu cảnh. Mọi bộ não đều là những thi sĩ hát rong, và bản thân mỗi người đều là những khán giả chăm chú nghe câu chuyện về chính họ.
Ramachandran từng nói với tôi: “Tôi thường giải thích hiện tượng này bằng câu chuyện sau: Trong khi chuẩn bị cho một trận đánh, vị tướng chỉ huy nhận được rất nhiều nguồn tin khác nhau. Ông ta có kế hoạch bắt đầu tấn công vào lúc 6 giờ sáng. Vậy là vào lúc 5 giờ 55 phút, ông tập họp toàn bộ chỉ huy và trinh thám viên lại, thông báo rằng trận đánh sẽ nổ ra đúng 6 giờ sáng. Bỗng nhiên, một người lính lên tiếng: Không được rồi. Tôi đếm được quân số kẻ thù lên tới 600 chứ không phải 500. Thông tin chúng ta nhận được không chính xác. Điều mà viên tướng, cũng như bạn, sẽ làm là thét lên, ‘Câm mồm’. Bạn sẽ không lật lại tất cả những chiến thuật đã được vạch ra, điều đó khiến bạn phải đánh đổi quá nhiều thứ. Khả năng để tay lính đó nói đúng và tất cả những người còn lại đã sai là bao nhiêu? Thôi, bạn thà phớt lờ thông tin mới còn hơn. Đó gọi là sự phủ nhận, xu hướng không chấp nhận những thông tin đối nghịch với luồng tự sự sẵn có. Nhưng nếu tay lính ấy nói: ‘Đối phương có vũ khí hạt nhân. Tôi đã nhìn qua kính viễn vọng và thấy chúng có vũ khí hạt nhân!’ Vậy thì họa có điên bạn mới tấn công. Bạn sẽ phải nói: ‘Không ổn rồi, tôi sẽ phải thay đổi chiến thuật, phải chuyển sang hướng khác thôi’.”
Theo lời của Ramachandran thì vì là một sinh vật, bạn luôn hướng tới “sự ổn định hành vi”. Bạn không muốn các bộ phận trong hệ thống trở nên hỗn loạn và đi theo các hướng khác nhau. Khi bộ não cảm nhận được rắc rối và sự bất thường, bản năng đầu tiên của bạn sẽ là sử dụng tự sự làm cơ chế phòng thủ trước những hành vi hỗn loạn nhiều rủi ro.
“Bạn không thể đi quá giới hạn”, Ramachandran nói. “Theo như chúng tôi nghĩ, thì tất cả những cơ chế phủ nhận Freud này - sự hợp lý hóa, chứng bịa chuyện, sự phủ nhận, ức chế - hầu hết đều xảy ra ở bán cầu trái của bộ não. Bán cầu não phải sẽ nhận vai trò luật sư của quỷ8 bên trong bạn. Nếu sự phủ nhận trở nên quá đà, nó sẽ đá đít bạn và nói: “Nhìn này, mày đi quá trớn rồi; tốt hơn hết là đối diện với sự thật đi”.
Theo như lời giải thích của Ramachandran, với một số người, bán cầu não phải không có khả năng chống đỡ trước những tự sự dường như kỳ quái được tạo ra bởi bán cầu trái. Tổn thương nghiêm trọng ở bán cầu não phải có thể khiến nó bị vô hiệu hóa và không thực hiện được nhiệm vụ này. Trong những trường hợp đó, bán cầu não trái được thả phanh bịa ra bất kỳ thứ gì nó muốn, và bán cầu não phải sẽ chỉ đơn giản là đồng tình theo mà thôi.
“Bạn cảm thấy rằng tay của mình bị liệt. Bán cầu não trái bèn nhảy vào và nói: ‘Đừng lo, không phải đâu’. Bình thường thì bán cầu não phải sẽ sửa sai và nói: ‘Thôi, chấp nhận đi, ta bị liệt rồi’. Tuy nhiên, trong những trường hợp mà cơ chế này bị rối loạn, bệnh nhân sẽ phủ nhận chứng liệt của mình và phủ nhận luôn việc sở hữu cánh tay đó. Những dạng phủ nhận chúng ta thấy hàng ngày không phải là thứ chỉ có ở các bệnh nhân, mà là với họ, vì não phải đã tổn thương, chúng bị phóng đại tới mức đáng sợ.
Nếu bạn không bị tổn thương não, bạn sẽ được trải nghiệm thứ mà Ramachandran gọi là “sự phản kháng kéo - đẩy” giữa hai bán cầu. Khi bạn đối mặt với những tình huống càng mới mẻ, thì bán cầu não trái càng cố gắng giải thích nó và tạo ra “cảm xúc nội tại về tự sự”, đồng thời bán cầu não phải cũng sẽ càng cẩn trọng trong việc chỉ ra những điểm vô lý của lời giải thích.
Ví dụ, đây là một tình huống thực sự đã xảy ra trong đời tôi: Anh bạn Devon Laird của tôi đang đánh răng vào một buổi sáng sớm, và từ góc mắt, anh ta thấy trần phòng khách nhà mình bỗng đẻ ra một người đàn ông trưởng thành trần như nhộng. Người đàn ông này ngã sấp mặt trong cơn mưa xốp cách nhiệt và đè lên một chiếc ghế tròn bằng liễu gai. Trần nhà bị thủng và vỡ ra như một bông hoa đang nở. Giữa đám hỗn loạn, Laird sững sờ đứng im trong khi bạn gái anh thì cứ nhằm phía người đàn ông kia mà là hét, yêu cầu hắn phải rời khỏi căn hộ ngay lập tức. Người đàn ông lồm cồm bò dậy, lịch sự dựng thẳng lại chiếc ghế, mở cửa chính và bước ra ngoài. Hắn quay lại hỏi Laird và bạn gái anh rằng liệu họ có thể cho hắn mượn một chiếc quần đùi được không. Điều tiếp theo xảy ra là sự im lặng lúng túng nhất từng xuất hiện trong lịch sử loài người, được phá vỡ bởi một tràng chỉ trỏ và la hét nữa. Nhận ra rằng sẽ không ai cho mượn quần, kẻ phá trần nhà, trong khi vẫn trần như nhộng và được vẽ bóng bởi ánh mặt trời ban mai sau lưng, đã nhanh tay giật một chiếc áo khoác trên giá treo đồ ngay cạnh cửa và chạy mất.
Anh bạn của tôi và người bạn gái nhìn nhau, sửng sốt trước điều vừa xảy ra, xốp cách nhiệt vẫn vương vãi trên sàn, và chờ đợi lời giải thích. Trong khi họ đang chờ thì bộ não của họ bắt đầu làm điều mà chúng thông thạo nhất: dựng chuyện. Khoảng một giờ sau đó, tôi đứng chung với một nhóm bạn để nghe Laird tường thuật lại câu chuyện này. Thế rồi, tôi đem chuyện của anh ta đi kể cho người khác, và họ lại tiếp tục đi buôn chuyện. Sau mỗi lần, các phỏng đoán cứ thế nhiều lên. Dần dà thì câu chuyện tới tai của đài truyền thông địa phương, sau đó bật nảy lung tung như trong buồng phản âm, càng ngày càng được nhiều người biết tới hơn nữa, cuối cùng thì lên được truyền hình cáp trong chuyên mục Thời sự của những Điều kỳ quặc. Cho tới tận khi câu chuyện này hạ nhiệt, vẫn chưa lời giải thích chính thức nào được đưa ra.
Bây giờ thì chúng tôi đã biết câu chuyện thực sự rồi, và tôi sẽ nói với bạn ngay thôi, nhưng trước hết, hãy cùng đưa ra giả định như chúng tôi đã làm lúc đó.
Ngay sau sự kiện này, tôi nhớ là đã ngồi lại nói chuyện với Laird. Anh ta kể rằng khi đang đứng đó với kem đánh răng đầy trong miệng, đối diện với người đàn ông trần truồng vừa rơi qua trần nhà, suy nghĩ đầu tiên của anh là tên này đang định ăn trộm đồ trong nhà mình. Sau đó, khi họ thấy xe cảnh sát ở bên ngoài tòa nhà và được thông báo rằng hắn đang bị truy nã do vi phạm cam kết tại ngoại, giả thuyết ban đầu nghe lại càng hợp lý. Tôi và Laird đã cùng đưa ra hàng tá kịch bản cho sự kiện đã xảy ra. Có thể là tay này rất giỏi thực hiện những vụ trộm theo phong cách Nhiệm vụ bất khả thi và không muốn quần áo bị vướng vào đinh. Cũng có thể hắn đã sống chui lủi giữa những bức tường nhiều tuần rồi, sống bằng nước mưa và bất kể thứ gì hắn có thể vớ được từ chạn đồ ăn, và hắn cởi quần áo ra vì ở đó quá nóng. Hoặc có thể, hắn đang chạy trốn cảnh sát, nên phải vứt bỏ đi bộ quần áo tù nhân và chui vào ống thông khí, cuối cùng thì bị ngã khi thực hiện những hành động như đã xem trong phim. Dạo qua chuỗi bình luận và các diễn đàn ngay sau khi vụ việc nổi lên trên mạng Internet, bạn có thể thấy tất cả mọi người đều cùng làm một việc: tạo ra những câu chuyện, cố gắng tìm kiếm lời giải thích. Tất cả những gì chúng tôi có lúc đó là đống hậu quả để lại, và điều đó đã khiến chúng tôi phát điên, bởi chúng tôi có thể sẽ không bao giờ biết được làm thế nào mà người đàn ông đó lại có mặt trên sàn nhà của một căn hộ trên tầng hai, dựng thẳng đồ đạc trong khi không mặc quần áo và người thì dính đầy xốp cách nhiệt. “Chắc chắn là phải có gì đó nữa”, tất cả đều đồng thuận, nhưng thực sự những gì chúng tôi nghĩ là chắc chắn phải có một câu chuyện, một lời giải thích có thể khớp mọi thứ với nhau. Nếu không thì thế giới sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Giờ hãy nhìn lại câu chuyện mà bạn vừa tạo ra về người đàn ông xuất hiện một cách đột ngột trong tình trạng không mảnh vải che thân từ một lỗ hổng trên trần nhà xem. Chắc chắn đây là một tình huống mới lạ, và, giống như những gì đã xảy ra với chúng tôi, bán cầu não trái của bạn cũng đã ngay lập tức bắt tay vào việc giải thích. Chúng ta gạt bỏ giả định người đàn ông này là một điệp viên đang theo dõi bạn tôi, bởi vì bán cầu não phải cho chúng ta biết rằng câu chuyện đó không hợp lý. Vậy lời giải thích thực sự cho người đàn ông “từ trên giời rơi xuống” này là gì? Hắn ta tên là Patrick Williams, bị kết tội sở hữu ma túy và đã bị phạt tù hai năm, sau đó được phép tại ngoại trong ba năm. Sau đó, bởi vì không tới trình diện nhân viên quản chế đúng thời hạn, hắn đã bị cảnh sát truy nã. Vào cái ngày định mệnh ấy, trong lúc hắn đang mây mưa với bạn gái (hàng xóm kế bên nhà Laird) thì cảnh sát tới gõ cửa. Trong lúc tìm đường tẩu thoát, hắn nhìn thấy cửa sập ở trần tủ quần áo của bạn gái. Hắn mở cửa và trèo lên ngăn gác xép bé tí tẹo ở trên. Tại đây, hắn đục thủng bức vách mỏng ngăn giữa hai căn hộ. Trong khi luồn lách trên những thanh dầm gỗ để chui sang gác xép của căn hộ bên cạnh, hắn bị trượt chân và ngã lên tấm xốp cách nhiệt đặt giữa hai thanh dầm và phải chịu sức kéo nghiệt ngã của lực hấp dẫn.
Khi lời giải thích này được đưa ra, tất cả những người đang tìm hiểu câu chuyện này đều đã làm điều mà Ramachandran nói rằng chúng ta sẽ làm. Chúng ta nháy hỏi bán cầu não phải: Điều này có nằm trong khoảng giới hạn tự sự mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận không? Có, nó trả lời. Vậy là có, chúng ta chấp nhận câu chuyện đó. Và rồi chúng ta tiếp tục cuộc sống như chưa từng có gì xảy ra.
Như tất cả những người khác, bạn cuối cùng vẫn sẽ tiết giản mọi yếu tố phức tạp của cuộc sống thành hai câu hỏi cơ bản: Chúng ta tới từ đâu, và tại sao chúng ta lại ở đây? Cách trả lời hai câu hỏi này đã tạo ra hạt nhân của các nền văn minh. Các nền văn hóa đặt ra câu hỏi này cho toàn bộ vũ trụ, cho các quốc gia, cho các doanh nghiệp và kể cả đội Nữ Hướng đạo sinh. Một số người vẽ ra câu trả lời về ý nghĩa của sự tồn tại và tin vào nó, trong khi những người khác lại chấp nhận rằng chẳng có câu trả lời thỏa đáng nào hết.
Sự nổi lên của ngành tâm lý học tự sự đã thêm vào câu hỏi cơ bản thứ ba: Tại sao bạn lại muốn biết câu trả lời cho những câu hỏi trên? Tại sao bạn lại tìm kiếm ý nghĩa? Theo lời của nhà tâm lý học Dan McAdams, khi nỗ lực tự sự của bạn không thành, bạn sẽ rơi tự do vào tình trạng bất ổn và chán nản, vô tổ chức và đình trệ. Theo cách giải thích của ông, thì đây chính là lý do tại sao người ta thường đánh mất bản thân sau khi nghỉ hưu. Thiếu đi một tự sự để gắn kết, những nhu cầu, khát vọng và mục tiêu của họ bị đổ sập. McAdams là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tâm lý học tự sự, và qua một số cuốn sách của mình, ông đã miêu tả tiến trình vô cùng dễ đoán cho sự hình thành của những câu chuyện tưởng tượng cá nhân và bản chất chung của thần thoại. Theo như ông viết, thuật kể chuyện xuất hiện ở tất cả các nền văn hóa. McAdams cho rằng ý nghĩa quan trọng hơn hạnh phúc, và “để tìm ra ý nghĩa thì phải tạo ra được lối tự sự linh hoạt mang lại tính mạch lạc và hợp lý cho sự tồn tại đầy hỗn loạn của con người”.
Ngành tâm lý học tự sự xoay quanh quan điểm: Bạn không sử dụng logic hay quy trình phân tích kỹ càng để khám phá những bí ẩn của việc bạn là ai và bạn muốn gì. Bạn không đưa ra giả thuyết và kiểm tra giả thuyết đó. Bạn không nghiên cứu, ghi chép, không suy tính về những biến số của cuộc sống và của những con người mà bạn gặp trong đời. Sự khách quan và tính hợp lý có vẻ rất khó tồn tại và phát triển trong hệ sinh thái trí não của bạn. Với bạn, thời gian như một con đường từ quá khứ tới hiện tại, gắn trên đó là tất cả những sự kiện xảy ra trong đời bạn. Bạn tưởng tượng rằng cuộc sống bắt đầu từ một điểm và kết thúc tại một điểm khác, giữa chúng là những chướng ngại vật và đỉnh cao. Bạn cần một người kể chuyện ở trong đầu mình để hiểu được những rung động tạo ra bởi hệ thống các neuron khổng lồ trong não bộ. Bạn tìm kiếm nguyên nhân và hệ quả để có thể giải thích thế giới theo cách có lợi cho mình. Qua lịch sử lâu dài của giống nòi, tự sự đã tiến hóa và trở thành phương pháp tốt nhất để truyền đạt ý nghĩa từ người này sang người khác, và điều đó vẫn đúng ngay cả trong chính câu mà tôi vừa viết.
Tự sự là phương tiện vận chuyển ý nghĩa. Chúng là những thiết bị lưu trữ lịch sử. Chúng sáng tạo nên và duy trì các nền văn hóa, chúng kéo bản ngã ra khỏi mớ ký ức lộn xộn, bất toàn và dễ bị biến đổi. Điều đó giải thích tại sao mọi mặt trong đời sống của loài người đều liên quan tới ý nghĩa, tới nguyên nhân và hệ quả, và đều phụ thuộc chặt chẽ vào tự sự. Ví dụ như việc các phim tài liệu, sách báo và phim ảnh về Thế chiến thứ Hai đều kể một câu chuyện với khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Thực tế thì, không thứ gì có khởi đầu và kết thúc cả. Thế chiến thứ Hai là một mê trận rộng lớn và rắc rối của nguyên nhân và hệ quả, một vũng lầy của các dòng hợp lưu dày đặc với vô số những điều kiện ban đầu và kết quả thu được, mà cho tới nay, vẫn âm vang trong tất thảy mọi thứ chúng ta làm trên hành tinh này. Tự sự tốt sẽ tạo được con đường xuyên qua đám rối rắm đó, và trên con đường này, mọi thứ trở nên có nghĩa. Đây chính là nền tảng cho thiên hướng tự sự của bạn. Khi có cơ hội tìm hiểu cuộc đời của chính mình, bạn sẽ chọn cách vừa kể vừa nghe mọi chi tiết dưới dạng tự sự. Bạn tự đặt mình làm nhân vật chính. Bạn nhìn cuộc đời theo từng giai đoạn như là những chương hồi, và quá khứ là một chuỗi những chiến thắng và thất bại trước các yếu tố phản diện lớn nhỏ. Cuộc sống có nghĩa khi bạn nhìn về quá khứ, bởi bạn có thể chỉnh sửa nó thành một câu chuyện. Quá khứ dường như rất đơn giản, và nhờ vào tự sự, bạn nghĩ rằng nó cũng dễ đoán. Đây chính là thứ mà các nhà tâm lý học gọi là thiên kiến nhận thức muộn (hindsight bias). Trong các nghiên cứu, những người được yêu cầu viết lại dự đoán của mình về những sự kiện thời sự lớn thường cho rằng mình đã dự đoán chính xác hơn so với thực tế. Bởi vì bạn hiếm khi tự ghi chép những dự đoán của mình, nên bạn cũng chẳng mấy khi nhận ra chúng sai lầm tới mức nào. Hệ quả là bạn có xu hướng quá tin tưởng vào những dự đoán trong hiện tại của bản thân.
Thiên hướng tự sự khiến bạn gần như không thể thu thập thông tin về thế giới bên ngoài mà không sắp xếp nó về dạng nguyên nhân và hệ quả. Hầu hết các loài động vật chỉ đơn thuần làm những việc chúng vẫn làm. Hải sâm và chuột chũi không nghĩ về hành động của mình, chúng không cảm nhận được sự xấu hổ, lòng tự hào hay nỗi tiếc nuối. Bạn thì có, kể cả khi không vì lý do gì. Nếu nhìn lại các hành vi, suy nghĩ hay cảm xúc của chính mình mà bạn cảm thấy khó hiểu, bạn sẽ có ước muốn mãnh liệt là phải tìm ra nguyên nhân tại sao, và lời giải thích đó có thể ảnh hưởng tới các hành vi, suy nghĩ và cảm xúc của bạn trong tương lai. Để làm được điều này, cách phổ biến nhất là thông qua sự hợp lý hóa sau sự việc (post hoc rationalization): hiện tượng đi tìm lời giải thích sau khi mọi chuyện đã xong xuôi. Lời giải thích này đủ hợp lý để bạn tiếp tục cuộc sống mà không phải ngập ngừng suy nghĩ về động cơ của bản thân. Giả như giữa ngày hè nóng nực, bạn hùng hục cả ngày để giúp ông bạn thân chuyển tới căn hộ mới thậm chí còn chưa được mắc điện, chuyện bạn muốn một lon bia lạnh là rất dễ lý giải. Bạn nóng chết đi được. Và thật tuyệt khi được uống bia giữa thời tiết nóng nực với bạn bè xung quanh. Nhưng nếu chúng ta có thể bấm nút “Tua lại” và theo dấu hàng triệu yếu tố đã ảnh hưởng lên tâm trí và dẫn tới quyết định đề nghị mua bia, bạn có thể thấy mình đã ngồi xem đoạn quảng cáo bia rất buồn cười tối hôm trước, hoặc đã đi ngang qua tấm biển hiệu to đùng sủi bọt kỳ dị, cũng có thể là lần cuối đi siêu thị, bạn đã nhìn thấy một kim tự tháp xếp từ những chai bia; hay cũng có thể là lúc tới thăm mẹ, bà đã bắt bạn phải ngồi xem trọn bộ sưu tập DVD Meercat Manor, và không hiểu vì sao, chữ Meercat khiến bạn nghĩ ra từ Beerbath (bồn tắm bia), vốn chưa có trong từ điển, thứ mà bạn rất muốn được thả mình vào sau một ngày bê vác bàn ghế mệt mỏi. Dịch từ tiếng Latin thì “post hoc ergo propter hoc” có nghĩa là sau khi điều này xảy ra, bởi vậy, nguyên nhân là do điều này”. Các thiên hướng tự sự khiến bạn không thể ngăn trí não kết nối các điểm và sáng tạo ra những câu chuyện giải thích cho không chỉ những thứ tầm thường (mong muốn uống bia lạnh) mà còn cả những thứ cao siêu (hiến tế trinh nữ để mùa màng bội thu). Ở dạng thuần túy nhất, bạn sử dụng sự hợp lý hóa sau sự việc để giải thích tại sao sự kiện này lại tiếp nối sự kiện trước đó. Nếu bạn ăn bánh taco nhân mực và bị đau bụng dữ dội, câu chuyện sẽ tự viết nên chính nó: Tôi bị đau bụng vì ăn taco nhân mực. Nhưng trên thực tế, đó lại là một giả định thiếu chính xác. Bạn không thể biết chắc cái gì đã khiến bạn bị đau bụng, nhưng vì sự hợp lý hóa sau sự việc và thiên hướng tự sự, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ dám đụng vào mấy con mực ống trên xe bán taco nữa. Các câu chuyện có tính chất tuyến tính, và điều đó giúp bạn hiểu được những điều đang xảy ra xung quanh. Bạn thích nguyên nhân và hệ quả rõ ràng, nhưng không phải cứ bởi vì vụ mùa ngô bội thu sau giải đấu bóng da dê thường niên hay sau nghi lễ hiến tế chặt đầu, thì có nghĩa là chúng liên quan tới nhau.
Cũng tại thiên hướng tự sự, thế giới khó có thể có ý nghĩa trừ khi những yếu tố tham gia được coi là các nhân vật. Theo lẽ tự nhiên, các nhân vật tuyệt vời phải có những phẩm chất của con người, nếu không thì chúng sẽ mất đi ý nghĩa. Vậy nên, khi bạn tự xây dựng những câu chuyện, bạn cũng thường nhân cách hóa động vật, các dụng cụ làm bếp hay cảnh vật sao cho phù hợp.
Thiên hướng tự sự tỏa sáng nhất là trong những khoảnh khắc tự nghiệm về bản thân, khi bạn tự ngẫm về nhân vật trung tâm trong câu chuyện: chính bạn. Bạn ý thức vô cùng rõ ràng rằng bạn là bạn chứ không phải là tay vô gia cư dùng túi nilon làm quần lót sống ở ga tàu điện ngầm. Ý niệm về ranh giới cá nhân - rằng có tồn tại nơi mà bạn kết thúc và thế giới bên ngoài bắt đầu, và rằng bạn đang kiểm soát hành vi của chính mình chứ không phải đang bị điều khiển bởi một sinh vật ký sinh ngoài hành tinh, rằng câu chuyện của bạn là của bạn mà thôi - tất cả những điều này kết hợp với nhau trong một khối giả định mà bạn thường gọi là "bản ngã".
Vậy thì có thể bạn sẽ thấy sửng sốt khi biết rằng ngành thần kinh học và tâm lý học đã hợp tác với nhau trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, sử dụng sức mạnh chung để tiến tới một kết luận hết sức kỳ lạ và đáng sợ. Bản ngã không có thật. Nó cũng chỉ là một câu chuyện như tất cả những thứ khác, được tạo ra bởi thiên hướng tự sự của chính bạn. Nói cho cùng thì bạn cũng chỉ là một tập hợp của những nguyên tử. Khi bạn ăn một chiếc bánh pudding va-ni, thứ vốn cũng chỉ là một đống các nguyên tử, về cơ bản, bạn cũng chỉ đặt những nguyên tử mới đó vào cạnh những nguyên tử trong cơ thể và đại chúng đổi chỗ cho nhau. Nếu mọi thứ diễn theo một chiều hướng khác, vào cái “ngày hôm đó”, khi mẹ bạn uống đến ly rượu vang thứ hai, những nguyên tử đã tạo nên xương và da bạn ngày hôm nay có thể đã bị sắp xếp khác đi để tạo ra một thứ hoàn toàn khác. Carbon, ôxy, hyđrô, cho tới tận vanadi, molypđen và asen - tập hợp những nguyên tố tạo nên cơ thể bạn - có thể bị lấy ra, thu thập lại, và tái chế để tạo nên những thứ khác, nếu thứ công nghệ không tưởng đó thực sự tồn tại.
Giống như những viên gạch trong hộp đồ chơi Lego của vũ trụ, những thành phần cơ bản của vật chất có thể sắp xếp để tạo nên mọi thể loại hình thù, từ núi non cho đến con khỉ. Khi nghĩ về điều này đủ lâu, bạn có thể sẽ vấp phải những câu hỏi được đưa ra bởi nhà triết học Derek Parfit. Nếu chúng ta tạo ra được một chiếc máy có thể thay thế từng nguyên tử một trong cơ thể bạn với nguyên tử từ cơ thể của Edward James Olmos9, thì tới mức độ nào bạn sẽ không còn là bạn và Olmos sẽ không còn là Edward James nữa? Trong quá trình đó, liệu bạn có mất đi tâm trí của mình và nhận được tâm trí của ông ấy? Ở khoảng giữa của quá trình, liệu có một Edward James Almost10 xuất hiện? Vào lúc nào thì những suy nghĩ, ước mơ và ký ức của mỗi người sẽ bị đổi cho người còn lại? Cảm giác kỳ lạ có được từ thí nghiệm giả tưởng này hé lộ một điều về cách mà bạn nhìn bản thân và người khác: Bạn sở hữu một cảm giác nội tại cho rằng mỗi người phải mang trong mình thứ gì đó đặc biệt, và thứ đặc biệt nhất nằm trong chính bản thân bạn. Ngay cả khi bạn là người theo thuyết duy vật cuồng nhiệt nhất, thì bạn cũng không thể tự ngăn mình có chút cảm giác về thứ gì đó tồn tại bên dưới lớp da thịt, thứ gì đó không được tạo nên từ các nguyên tử. Đối với bạn, con người là sinh vật sở hữu thứ tinh túy gì đó ấy, chứ không chỉ thuần túy là cái hộp tổng hợp các bộ phận cơ thể. Thế nhưng, cảm giác đó lại không hề tồn tại lúc bạn mới chào đời.
Như nhà tâm lý học Bruce Hood đã viết trong cuốn sách của mình - The Self Illusion (Ảo giác về bản ngã), bạn có một câu chuyện gốc và một cảm giác cho rằng hành trình từ thời thơ ấu cho tới bây giờ đi theo một đường thẳng, với những đoạn dốc lên xuống gập ghềnh đã tạo nên con người bạn ngày hôm nay. Trẻ em không có những thứ này. Cảm giác này được tạo nên từ những sự kiện mà bạn có thể nhớ lại và đặt vào dòng thời gian của mình. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại có thứ mà Hood gọi là “tri thức Vô thức”, nghĩa là chúng chỉ đơn giản là có khả năng nhận biết các hình mẫu và tạo nên những kết nối với các kích thích. Không có trí nhớ phân đoạn thì sẽ không có tự sự; và không có tự sự thì sẽ không có bản ngã. Theo lời của Hood thì trong khoảng thời gian hai đến ba tuổi, cảm giác về bản ngã bắt đầu được nhen nhóm, và sự trỗi dậy này khớp với khả năng kể chuyện về bản thân dựa trên ký ức. Ông có đề cập tới một nghiên cứu được thực hiện bởi Alison Gopnik và Janet Astington vào năm 1988. Trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã đưa cho những đứa trẻ ba tuổi một hộp kẹo, nhưng lũ trẻ đã rất ngạc nhiên khi mở hộp và thấy trong đó là bút chì thay vì kẹo ngọt. Khi họ hỏi từng đứa trẻ về việc “theo chúng, đứa trẻ tiếp theo sẽ nghĩ là trong hộp có gì”, câu trả lời thường là bút chì. Những đứa trẻ này chưa biết người khác cũng có ý thức riêng, vậy nên chúng cho rằng mọi người đều biết điều mà chúng biết. Một khi bạn nhận biết được điều này, thì khái niệm về những tâm trí khác trở nên rất mạnh mẽ, tới nỗi bạn thấy nó hiện diện ở khắp nơi: cây cỏ, máy tính hỏng, con thuyền có tên gọi. Mọi thứ đều trở nên dễ hiểu hơn khi bạn cho rằng chúng có một dạng bản ngã nào đó, kể cả trong trường hợp bạn coi việc đó chỉ là một trò đùa. Cảm giác này mạnh mẽ tới nỗi trong suốt chiều dài lịch sử, con người đã cho rằng những hiện vật tự nhiên như Mặt Trời, Mặt Trăng, gió và biển cũng tồn tại ý thức. Từ cảm giác về bản ngã của bản thân và của những thực thể khác, chúng ta có được những tự sự đã gắn kết xã hội. Những câu chuyện thần thoại vĩ đại của con người cổ xưa và những câu chuyện hiện đại được tạo ra để khiến mọi thứ ở tầm vĩ mô trở nên có ý nghĩa. Thiên hướng tự sự mạnh tới nỗi con người sống chết vì những câu chuyện đó, thậm chí cống hiến cả cuộc đời mình (và tất nhiên, cũng đoạt đi các sinh mạng khác) vì chúng.
Bài học mà bạn nên rút ra từ những người bị ảo tưởng ở Ypsilanti, những kẻ bịa chuyện, những người phủ nhận cánh tay của chính mình, những đứa trẻ tin rằng mọi người đều biết điều mà chúng biết, là nếu thiếu thiên hướng tự sự, bạn sẽ mất phương hướng. Hãy nhớ điều này: Tâm trí của bạn là kết quả của những quá trình sinh học - những cơn bão hóa học và điện từ chạy qua một mạng lưới các tế bào rối rắm chằng chịt với các mạch máu và những thứ mà bạn sẽ không muốn động vào. Đó chính là bạn, và đó là thứ đang tạo nên các dòng suy nghĩ, nhưng lại không phải thứ nội quan mà bạn thấy. Bên trong chính mình, bạn thấy một vở kịch. Bạn thấy sự lãng mạn và những bi kịch, những cuộc phiêu lưu và những vòng xoáy định mệnh, và bạn ở chính giữa trung tâm. Tại buổi hội thảo Being Human (Làm người) tại San Francisco, nhà thần kinh học David Eagleman đã nói với khán giả rằng sau cả một đời thiền định, các nhà sư Phật giáo cũng mới chỉ đặt được một ngón chân vào “đại dương của sự vô thức”. Đi sâu hơn nữa, theo ông miêu tả, sẽ giống như việc đi đo điện trở của máy tính để hiểu một trò đùa trên Youtube vậy. Tất cả những thứ rắc rối, cầu kỳ được tạo ra từ bộ não ngày càng trở nên phức tạp hơn qua quá trình tiến hóa. Chúng cần phải được tóm gọn lại, và tự sự là giải pháp hoàn hảo. Trong cuốn sách Incognito (Kẻ ẩn danh) của mình, Eagleman đã nói ý thức chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong toàn bộ bộ não, và khi một ý tưởng bật ra trong tâm trí, phần ý thức này thường nhận hết công lao cho một thứ vốn phát triển thầm lặng từ đại dương vô thức, thậm chí có thể là qua quá trình kéo dài hàng năm trời. Bạn không thể tiếp cận sự thực này, nhưng điều đó không ngăn bạn tự tạo ra một câu chuyện để giải thích nó. Trong câu chuyện đó, bạn nhầm lẫn giữa sự sáng tạo và nhận thức. Trên thực tế, phần có khả năng nhận thức trong bạn không phải là chủ nhân duy nhất của bộ não. Theo lời của nhà tâm lý học George Miller thì bạn không trải nghiệm việc suy nghĩ, thứ mà bạn trải nghiệm là kết quả của việc suy nghĩ.
Ta cũng nên nhớ rằng phương thức tự sự này giữ cho tâm trí được ổn định, và nó gần như bất khả xâm phạm, kể cả trước những cú tấn công trực diện. Nếu ba người đàn ông ngồi đối diện nhau còn không thể thẳng thắn đồng tình về việc ai trong số họ mới thực là Jesus, thì cơ hội để bạn thuyết phục người khác qua mạng Internet về một vấn đề liên quan đến hệ thống niềm tin của họ như tôn giáo, nghệ thuật, chính trị hay bất kể điều gì khác cũng là rất rất nhỏ. Những tự sự cá nhân và thần thoại riêng của mỗi người không thể thay đổi hoàn toàn ngay lập tức; bởi vậy, họ không thể chấp nhận quan điểm khác chỉ sau một cuộc tranh luận. Nếu tâm trí có khả năng thay đổi thì nó cũng sẽ chỉ có thể thay đổi từ từ. Như tác giả của cuốn Off Main Street (Ngoài đường chính) Michael Perry đã viết: “Chúng ta bồi đắp sự thật như bồi đắp phù sa. Nó rèn giũa chúng ta như gió mài sa thạch”.
Về khía cạnh tồn tại, bạn bấu víu vào một tự sự nội tại nhất định, một câu chuyện được xây dựng từng phút một để bạn tự đảm bảo rằng mình hiểu những đang diễn ra. Hàng ngàn thông tin được đóng khung trong những câu chuyện như vậy, và lẽ dĩ nhiên, bạn thích điều đó. Bạn có xu hướng lý giải thế giới bằng cách vô thức tạo ra một câu chuyện, và rồi, bạn tiếp tục lôi nó ra khi phải giải thích những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi, cũng như tất cả những điều khác trong hành trình đi tìm lý do mình có mặt trên đời. Ngay cả lúc này, khi đang ngồi đây và đọc sách, nếu bị ép buộc, bạn vẫn hoàn toàn có thể thêu dệt một câu chuyện với khởi đầu, phần thân và kết thúc. Sẽ có nguyên nhân và hệ quả, một người dẫn chuyện, một nhân vật chính, v.v. Hơn thế nữa, bạn còn có khuynh hướng tin và chấp nhận mọi thứ dễ dàng hơn khi nó được truyền đạt dưới hình thức chuyện kể. Dữ liệu thô có thể chính xác hơn, nhưng bạn thích đơn giản hóa mọi thứ và tiếp tục cuộc sống của mình hơn là ngồi cả ngày ngâm cứu bảng biểu và những dữ liệu trực quan. Thứ có thể khơi dậy xúc cảm dễ lọt vào đầu bạn hơn những phân tích thống kê. Một bài giảng được cài cắm những câu chuyện đùa và những biến cố bất ngờ sẽ dễ làm bạn rung động hơn bài giảng được truyền tải qua những trang PowerPoint khô cứng. Sự thật và tính chuẩn xác thường thua cuộc trước những tường thuật hấp dẫn - kể cả khi nó bắt nguồn từ chính cái đầu của bạn. Qua phần còn lại của cuốn sách này, bạn sẽ nhận thấy thiên hướng tự sự sẵn sàng tái xuất ngay khi bạn cố gắng để bớt khờ khạo hơn. Bất cứ lúc nào mọi thứ trở nên khó hiểu một chút, bạn lại thay thế nỗi lo âu của mình bằng sự hiểu biết giả tạo dưới dạng một câu chuyện kể.
Bạn không chỉ tìm kiếm thức ăn và trốn tránh hiểm nguy, bạn không chỉ phản ứng trước những kích thích. Bạn nhớ lại và tường thuật quá khứ dưới dạng một phiên bản tốt hơn, bạn cắt nghĩa và sắp xếp lại, vót tỉa hoặc chặt cụt, tái tạo và hợp lý hóa. Khi nhìn một cách thấu đáo, thì bản thân bạn không hơn gì một câu chuyện câu chuyện giải thích về ký ức của bạn cho bất kỳ ai muốn nghe. Ba vị Chúa ở Ypsilanti sẽ là ai nếu họ không có những câu chuyện? Làm sao họ có thể chịu đựng được sự điên rồ của chính mình? Bạn có thể không tin rằng Jesus đã tái thế, những câu chuyện của bạn cũng cùng chung mục đích với câu chuyện của họ mà thôi: Nó giữ cho các chương hỏi trong cuốn sách về cuộc đời bạn được gắn chặt với nhau.
Bạn và ba vị Chúa ở Ypsilanti chỉ khác nhau ở chỗ sự ảo tưởng của họ dễ bị lật tẩy hơn. Bộ máy trí óc của họ có thể đã không còn hoạt động trơn tru nữa, nhưng chiến thuật tìm hiểu những gì đang xảy ra xung quanh của họ thì không khác gì bạn cả. Họ không chùn bước và hoảng hốt. Họ tự bảo vệ danh tính và quan điểm của mình. Nhìn thực tại qua một thấu kính vỡ nát, họ vẫn tạo ra những lối tự sự, những câu chuyện để nói với bản thân và người khác về việc họ là ai. Đúng là những câu chuyện này đặt họ vào vai Người Con của Chúa Trời, nhưng nó cũng không khác biệt lắm với vai diễn mà bạn tự tạo ra cho bản thân, chỉ là nó quá vô lý thôi. Và cũng giống như bạn, ba con người tội nghiệp này không hề biết rằng họ đang ảo tưởng, rằng họ đang bị đánh lừa bởi chính bộ não đã phục vụ họ rất tốt trong những năm trước đó. Cũng như bạn, kể cả khi đã thấy được sự ngụy biện điên rồ của bản thân, họ vẫn không nhận ra sai lầm trong quan điểm và hệ thống niềm tin của mình. Bạn và họ cũng có thói quen phớt lờ những nhận thức không rõ ràng. Và cũng như họ, bạn không ý thức được mức độ thiếu nhận thức của bản thân.