Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 03
Ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến ... Chương 2 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Một vấn đề nhận được sự đồng thuận càng cao thì càng có nhiều khả năng nó là chính xác.
SỰ THẬT LÀ:
Một quan niệm không thể trở nên chính xác hơn chỉ vì nhiều người cùng tin vào nó.
Shakespeare từng viết rằng bạn là đỉnh cao của các loài động vật, với lý trí và năng lực vô biên. Nhưng ông đã viết như vậy trong thời kỳ mà giới y sĩ cho rằng cơ thể người chứa đầy mật đen, mật vàng, đờm dãi cùng với máu mủ, và tất cả mọi vấn đề về sức khỏe và bệnh tật phụ thuộc vào sự tương tác giữa các chất này với nhau. Cảm thấy lờ đờ chậm chạp ư? Chà, đó là bởi vì bạn đang có quá nhiều đờm. Bị cảm sốt à? Chắc là bạn đang bị thừa máu đó, bạn cần tới gặp thợ cạo để rút bớt ra đi. Đại thi hào với những tác phẩm vĩ đại nhất trong văn học Anh tin rằng bạn có thể chữa dứt con sốt bằng một con dao.
Ở thời đại của chúng ta, có thể bạn cảm thấy thỏa mãn khi ngồi trên máy bay và hiểu rằng giống loài của mình đã làm chủ bầu trời. Nhưng để tôi nhắc bạn nhớ, chiếc máy bay có động cơ đầu tiên được cất cánh từ một đất nước từng không cho phép phụ nữ bầu cử, và rất nhiều người từng tin rằng phụ nữ không nên có quyền cơ bản đó. Bạn có thể ngắm nhìn những dải ngân hà xa xôi và tự tán thưởng việc chỉ trong vòng chưa đầy sáu mươi năm, con người đã phát triển từ máy bay lên tàu vũ trụ. Nhưng đừng quên là giữa khoảng thời gian đó, hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc đã xảy ra và vô số cuộc thi sắc đẹp trẻ em đã được tổ chức. Rất nhiều quan niệm từng được con người trong quá khứ tin vào mà ngày nay đã bị chúng ta gạt bỏ. Niềm tin là thứ rất mong manh, và đó là lý do tại sao hầu hết mọi người đều bảo vệ nó hết sức cẩn thận.
Dù sao thì, nếu so sánh với những người anh em nối khố từ thời cổ đại, thời kỳ bạn đang sống quả thực rất tuyệt vời. Có lẽ bạn đang để trong túi quần một chiếc siêu máy tính, và khác với hầu hết những thế hệ tổ tiên, bạn chắc hẳn không bao giờ phải lo về thức ăn hay nơi trú ẩn. Bạn không đi ngủ mỗi đêm với câu hỏi canh cánh là liệu sáng mai mình có tỉnh dậy trong miệng một con sư tử hay không. Nhìn mọi việc theo hướng này, so với tổ tiên của loài người, bạn có thể tự cho mình là một thiên tài trong xã hội hiện đại. Gượm chút đã. Nếu ngay lúc này bạn bị ném ngược dòng thời gian về thời Trung cổ và thấy mình đang đứng giữa vũng lầy ở một ngôi làng đông đúc, thì bạn có thể sử dụng những thành tựu gì từ tương lai để hỗ trợ những người ở đó? Sự tiến bộ của khoa học và y dược, những bước tiến nhảy vọt về công nghệ - bạn có thể truyền đạt bao nhiêu cho một nhà giả kim hoặc một thầy bói lửa ham học? Kể cả đó là một kỹ sư hay một nhà hóa học đi chăng nữa, bạn cũng không thể tạo nên một chiếc Roomba11 từ đôi bàn tay trắng. Bạn có lẽ sẽ bắt đầu bằng việc đào mộ để chôn xác chết và lập trang trại để chăn nuôi gia súc trong tuần đầu tiên. Nhưng chắc là bạn sẽ chẳng thể sáng chế ra được máy tỉa hột bông hay đầu máy hơi nước đâu. Và bạn cũng chẳng thể chữa trị hết bệnh tật cho người dân ở đó. Điều khả dĩ nhất mà bạn có thể làm là chia sẻ cho họ về lợi ích của việc giữ vệ sinh sạch sẽ. Bạn thấy đó, rất nhiều trong số những thứ mà bạn tưởng là bằng chứng cho sự thông minh sáng dạ của mình thực chất chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng văn hóa của nhân loại. Nếu có thể ấn nút “chơi lại” từ thời Đồ Đá, bạn cũng sẽ thấy mình không khác gì nhiều so với con người của 10,000 năm trước. Nếu hành tinh này trở thành hành tinh chết sau chiến tranh hạt nhân, liệu bạn có thể dùng kỹ năng hay kiến thức gì để cứu giúp những người sống sót? Bạn thực sự hiểu được bao nhiêu phần của cuộc sống hiện đại?
Cô bạn Susannah Gregg của tôi từng làm giáo viên tiếng Anh tại Hàn Quốc. Tại đó, cô ấy lần đầu được nghe tới khái niệm “chết vì gió quạt”, một quan niệm rất phổ biến của dân Hàn. Họ cho rằng quạt điện là một trong những sáng chế chết chóc nhất lịch sử nhân loại. Hôm đó, cô ấy đang chuẩn bị ra ngoài uống bia với một người bạn, thì anh ta chợt tỏ vẻ sửng sốt khi thấy cô bạn của tôi vẫn để quạt điện chạy dù trong phòng có con thỏ cưng. Anh này, một cử nhân đại học hai mươi tám tuổi, nhất quyết không chịu rời khỏi căn phòng cho tới khi bạn tôi tắt quạt. Theo như lời giải thích của anh, thì mọi người ở đây đều biết rằng không được phép để quạt điện chạy trong phòng đóng kín. Đó là mối nguy hiểm chết người. Anh ta đã thực sự kinh ngạc khi thấy cô bạn của tôi không hề biết điều đơn giản và vô cùng nguy hiểm này. Susannah, lúc đầu, tưởng anh ta đang đùa. Phải mất tới vài lần trò chuyện, cô mới thuyết phục được anh bạn là điều đó không đúng, và ở đất nước của cô, hay nói đúng hơn là hầu hết các nước trên thế giới, không ai tin chuyện này cả. Susannah đã tránh được lỗi ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến, không phải bởi vì cô thông minh hơn anh chàng kia, mà bởi vì cô đã từng trải qua “thí nghiệm” để chứng minh rằng đó chỉ là chuyện hoang đường. Cô đã nhiều lần ngủ trong một căn phòng với quạt điện chạy cả đêm mà vẫn còn sống để tranh luận với người bạn của mình. Từ sau sự kiện này, cô đã hỏi thêm bạn bè và đồng nghiệp xung quanh về những chiếc quạt điện và đã thu được những phản ứng trái nghịch. Một số người cho rằng đó là chuyện vớ vẩn, số khác lại tin tưởng tuyệt đối về cái chết do quạt điện. Mặc cho sức mạnh phá vỡ những tin đồn nhảm của vài lượt tìm kiếm Google, niềm tin cho rằng bạn không được ngủ quên hoặc ở quá lâu trong phòng có quạt điện đang chạy đã bén rễ quá sâu trong tâm thức người Hàn Quốc, tới mức mà Susannah kể với tôi rằng tất cả những sản phẩm quạt điện được bán ở đất nước này đều có kèm chức năng hẹn giờ tắt. Niềm tin chung này mạnh mẽ và sâu rộng tới nỗi cho các nhà sản xuất buộc phải chế tạo thêm công tắc an toàn để thỏa mãn nỗi sợ vô căn cứ của hầu hết các thượng đế.
Những người cho là Trái Đất nằm trên lưng một con rùa khổng lồ, hoặc nghĩ rằng việc nhảy múa có thể giúp trời mưa có bộ não gần giống như của bạn, hay nói cách khác, bản vẽ thiết kế cho bộ não trong bộ gen của họ cũng giống bản vẽ mà bạn có. Vậy nên một đứa bé được sinh ra vào thời của họ cũng giống một đứa được sinh ra ở thời của bạn. Sự tiến hóa diễn ra chậm tới nỗi chưa có nhiều sự thay đổi trong cấu trúc não bộ để phân biệt giữa bạn và một người sống từ 10.000 năm trước. Tuy vậy, khi nhìn lại những con người thời đó, bạn sẽ dễ dàng bật cười trước những niềm tin ngớ ngẩn của họ. Từ những vị thần ngồi trên cỗ xe ngựa kéo rực lửa cho tới những con yêu tinh tí hon nướng bánh quy trong gốc cây, tổ tiên của bạn tin vào đủ thứ vô nghĩa, tất cả là do hệ thống lý luận đầy lỗ hổng mà bạn vẫn đang sử dụng ngày nay. Thêm nữa, họ cũng bị thôi thúc bởi khao khát giải nghĩa thế giới xung quanh và trả lời câu hỏi cổ lỗ sĩ: “Chính xác thì điều gì đang xảy ra?” Thay vì để câu hỏi đó lởn vởn trong không trung, tổ tiên của bạn thường cứ thế mà trả lời luôn, và họ tiếp tục trả lời đi trả lời lại câu hỏi đó với những ý tưởng mới, nhưng cũng không kém phần ngớ ngẩn.
Một trong những chướng ngại khó vượt qua nhất mà con người phải đối mặt kể từ khi biết cách đẽo đá làm mũi giáo là trục trặc nhỏ trong tâm trí mang tên sự ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến. Trong tiếng Latin, nó được gọi là argumentum ad populum, có nghĩa là “lập luận dựa vào mọi người”, chỉ cái tên thôi đã cho thấy đó là điều mà giống loài chúng ta đã để tâm tới từ nhiều đời nay. Lối ngụy biện này hoạt động như sau: Nếu hầu hết mọi người tin rằng điều gì đó là đúng, thì nhiều khả năng, bạn cũng tin điều đó là thật ngay khi nghe đến nó lần đầu tiên. Sau đó, bạn sẽ tiếp tục truyền bá niềm tin sai lầm này, và cứ thế, nó lan rộng ra. Vốn là sinh vật có tính xã hội cao, điều đầu tiên bạn làm khi nhận công việc mới, nhập học tại trường mới, tới một đất nước mới, hay trong bất kỳ tình huống mới lạ nào, là tìm tới sự trợ giúp của những người đã thân thuộc với môi trường này để nhanh chóng làm quen, để hiểu được cách làm việc sao cho hiệu quả, tìm được chỗ có đồ ăn ngon, hoặc để tránh những cử chỉ có thể khiến bạn bị chặt đầu. Vấn đề nằm ở chỗ, thông tin bạn nhận được phụ thuộc vào những ý kiến vốn dựa trên những thứ như sự phục tùng, cảm xúc, phong tục tập quán hay tính đại chúng. Nếu bạn từng học trung học, đến các câu lạc bộ đêm, hay tham dự một đại nhạc hội, hẳn bạn cũng biết những thứ phổ biến chưa chắc đã tốt hoặc đúng. Đó là chướng ngại chúng ta không thể vượt qua, nhưng ít nhất là giờ thì chúng ta đã có những chiến thuật để đối phó với chúng.
Trước khi có những phương thức để kiểm tra thực tại, thì sự thật luôn là một con cá trơn tuột, và đó là lý do tại sao tổ tiên của bạn lại ngớ ngẩn như vậy. Tôi không chỉ nói tới mấy tên đập đá bôm bốp cả ngày đâu, mà là tất cả bọn họ, kể cả những thầy y và các triết gia. Trên thực tế, họ ngớ ngẩn tới nỗi trong cả một thời kỳ rất dài, quá trình phát triển trí thông minh của loài người đã diễn ra vô cùng chậm chạp, vòng vo và hết sức đáng ngờ. Chuyện cứ tiếp diễn như vậy mãi cho tới khi họ sáng tạo ra và sử dụng một thứ công cụ hữu ích giúp đào đường chui ra khỏi cái hố tăm tối của sự xuẩn ngốc.
“Cái hố” ở đây là phép ẩn dụ cho “sự ảo tưởng”. Ông cố-cố-cố-nội của bạn không phải đã suốt ngày ngã xuống hố, ít nhất là cũng không ngã nhiều tới nỗi khiến ta phải viết hẳn một chương sách về điều đó. “Công cụ” ở đây cũng là một phép ẩn dụ. Ý tôi đang nói tới phương pháp khoa học.
Tổ tiên của bạn đã sáng chế ra phương pháp khoa học, bởi sự ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến đã khiến chiến thuật tìm hiểu thế giới vốn được cài sẵn trong não bạn trở nên vô cùng tồi tệ và dễ mắc lỗi. Tại sao ong lại thích hoa? Điều gì tạo nên tuyết? Trẻ con tới từ đâu? Mỗi một bộ lạc, thành phố hay quốc gia lại có những lời giải thích riêng cho các hiện tượng này, và chúng đều có sức thuyết phục như nhau, kể cả có là hoàn toàn bịa đặt. Tệ hơn nữa, một khi những cách giải thích này được đan dệt vào tấm vải văn hóa thì nó sẽ trở thành lời giải thích chính thức cho nhiều thế hệ. “Tiếng sấm là gì?”, một đứa trẻ có thể hỏi. “À, đó là tiếng một con cua tuyết khổng lồ trên trời vừa ngã khỏi giường thôi”, một thầy phép có thể sẽ giải thích như vậy, và có lẽ lời giải thích đó đủ cho tới khi mọi người sinh con đẻ cái rồi chết vì bệnh lị. Cái vòng luẩn quẩn của sự hạn chế về kiến thức cứ mãi xoay vòng cho tới khi phương pháp khoa học vào cuộc. Mà kể cả thế, thì vẫn còn tồn tại nhiều góc tăm tối mạng nhện giăng đầy cần bị quét sạch khỏi tâm thức chung của xã hội.
Trước khi có khoa học tiêu chuẩn, một số người vô cùng thông minh cũng từng tin vào những điều cực kỳ ngớ ngẩn. Vào cùng khoảng thời gian mà Johann Sebastian Bach đang mải mê sáng tác các bản giao hưởng vĩ đại, nhiều nhà khoa học cho rằng mọi thứ mà bạn có thể đốt được đều chứa “chất cháy”, và khi bạn đốt những thứ đó, chất cháy này sẽ thoát ra ngoài không khí. Nếu bạn đặt một thanh củi đang cháy vào trong một chiếc nồi và lấy vung đậy lại, ngọn lửa sẽ bị dập tắt bởi vì không khí chỉ có thể chứa được một lượng chất cháy nhất định trước khi bão hòa. Ở trong không gian thoáng đãng, thanh củi sẽ cháy hết thành tro và đó là, theo như cách giải thích của họ, khi nó mất hết chất cháy. Quan niệm này tồn tại trong khoảng một thế kỷ trước khi bị dập tắt bởi những cú tấn công không ngừng nghỉ của phương pháp khoa học. Cuối cùng thì các nhà khoa học cũng nhận ra rằng chẳng tồn tại thứ gì gọi là chất cháy, và thứ chất nhiệm màu thực sự có tên ôxy. Ngọn lửa đốt cháy khí ôxy, và chiếc vung biến không gian trong nồi thành môi trường yếm khí.
Các học giả cũng từng cho rằng sự sống đôi khi có thể được tạo ra từ hư không. Những người có học thức từ thời Aristotle từng thực sự tin rằng nếu bạn để thịt ở ngoài đủ lâu, nó sẽ tự tạo ra những thực thể sống mới dưới dạng dòi bọ và ruồi muỗi. Những người này cũng cho rằng nếu bạn vứt xó một đống giẻ lau bẩn, thì một thời gian sau, chúng sẽ biến thành chuột. Nghiêm túc đấy. Những quan niệm này đã dần phai nhạt khi một bác sĩ tên là Francesco Redi thực hiện thí nghiệm kiểm chứng bằng cách đặt thịt và trứng trong cả môi trường đóng kín và không đóng kín trong một thời gian, sau đó, kiểm tra xem cái nào chứa sinh vật sống. Thịt trong hộp kín không tự biến hóa ra sự sống, và từ đó, ý niệm này bắt đầu bị loại bỏ. Những học giả khác lúc đầu không chấp nhận ngay khám phá này, và phải nhờ đến danh tiếng của Louis Pasteur và thí nghiệm của chính ông vào khoảng hai thế kỷ sau, niềm tin sai lầm này mới vĩnh viễn bị gạt bỏ. Nhiều người coi thí nghiệm của Redi và các nhà khoa học cùng thời là bước ngoặt trong lịch sử loài người. Phương pháp ngược đời để phân tích thế giới đã làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Một số người thậm chí còn cho rằng thí nghiệm thịt-trong-lọ này là khởi đầu thực sự của phương pháp khoa học. Qua đây, ta có thể thấy việc đi tìm những bằng chứng đối nghịch tốt hơn rất nhiều so với việc đi chứng minh những niềm tin phổ biến.
Bạn có bản năng xuất hành từ kết quả và lội ngược dòng, tìm kiếm nguyên nhân để xác nhận các giả thuyết đã được đưa ra nhưng phương pháp khoa học thì lại đi theo chiều ngược lại: tin cách chứng minh giả thuyết có sẵn là sai. Nếu bạn loại bỏ được những điều đáng ngờ, thì sự thật sẽ dần hiện nguyên hình. Khi những người đi trước nhận ra rằng cách tiếp cận vấn đề mới này đem lại kết quả tốt, thì chỉ sau một vài thế hệ, loài người đã chuyển từ thiêu sống phù thủy và uống thủy ngân qua việc vẽ bản đồ gen người và chơi golf trên Mặt Trăng.
Nhưng ngay cả khi phương pháp khoa học xuất hiện và được công nhận, con người vẫn theo đuổi và tin vào những điều vô cùng kỳ quặc. Nhiều ý tưởng lỗi thời rất khó giũ bỏ. Nghe thì khó tin, nhưng ngay cả điều đơn giản như việc bác sĩ phải rửa tay để tránh gây nhiễm trùng cho bệnh nhân cũng không thực sự được giới y sĩ chấp nhận, mãi cho tới rất gần đây. Thậm chí là cả sau khi người ta đã phát hiện ra và có tư liệu cho thấy việc rửa tay giúp giảm thiểu những cơn sốt chết người ở bệnh nhân, vẫn phải mất một thời gian khá dài quan niệm này mới được chấp nhận rộng rãi. Bởi đó là điều quả với mẻ, quá lạ lẫm. Khái niệm về vi khuẩn và các sinh vật siêu nhỏ thách thức hàng loạt những ý tưởng khác, bao gồm cả việc cho rằng nguyên nhân của bệnh tật có liên quan tới những thứ bốc mùi hôi thối, mà nếu nghĩ kỹ thì cũng rất hợp lý. Dù lúc này, điện thoại và bóng đèn đã được phát minh, nhưng khái niệm về việc rửa tay để phòng tránh bệnh tật vẫn gặp sức cản lớn đến nỗi các y bác sĩ đã tranh cãi về nó suốt hàng thập kỷ.
Con đường quanh co để trở nên bớt ngớ ngẩn hơn có rất nhiều chướng ngại vật, tuy nhiên, loài người vẫn hết sức kiên trì bền bỉ. Có thể bạn đã nhận ra một điểm chung tuyệt vời từ những ví dụ trên: Khoa học không còn tin vào chúng nữa, và bạn cũng vậy. Trong cuộc chiến chống lại sự ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến, những niềm tin phổ biến khác sẽ được sinh ra. Đó là bởi bạn không làm được điều mà khoa học thực sự thành thạo: Khoa học luôn phá vỡ những khuôn mẫu của thực tế để tìm ra điểm yếu nằm sâu bên trong. Tất nhiên, các nhà khoa học thì vẫn chỉ là những con người, họ cũng dễ mắc sai lầm như bao người khác, nhưng sự nghiệp khoa học và tiến trình của nó sẽ nghiền nát những điểm yếu của con người một cách chậm rãi mà chắc chắn. Đó là hệ thống có khả năng tự sửa lỗi và mỗi ngày, lại tiến tới gần hơn tới chân lý.
Đối với những ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến xảy ra trong cuộc sống của chính mình, hãy nhớ rằng các nhà khoa học luôn cố gắng tiến gần đến sự thật hơn, nhưng cá nhân bạn, ít nhất là về bản chất, lại không thể làm được điều đó. Bởi vậy, chẳng có gì khó hiểu khi bạn không thực sự giỏi việc này. Bạn không tìm kiếm thứ mà khoa học gọi là giả thuyết không (null hypothesis), nghĩa là khi tin vào điều gì đó, bạn hiếm khi chủ động tìm kiếm những bằng chứng đối nghịch để tự phản biện cho giả thuyết của bản thân. Đó chính là nguồn gốc của những truyền thuyết, những câu chuyện dân gian, những phong tục mê tín và nhiều thứ khác nữa. Khả năng hoài nghi không phải là điểm mạnh của bạn. Các tập đoàn lớn và những cơ quan đoàn thể hiếm khi lập ra một bộ phận có nhiệm vụ soi xét lỗi của nhân viên. Khác với giới khoa học, trong hầu hết các lĩnh vực khác, chúng ta thường không có bộ phận chuyên tìm ra những điểm yếu trong hoạt động nội bộ - không chỉ đơn giản là bộ phận tiếp nhận những lời phàn nàn từ bên ngoài, mà là một cơ quan chủ động đặt câu hỏi xem tổ chức chủ thể có đi đúng hướng hay không. Tất cả mọi hoạt động cần phải dừng lại một cách có hệ thống để kiểm tra xem liệu mọi thứ có đang hoạt động đúng.
Để bớt ngây ngô hơn, bạn cần một cơ quan như vậy thường trực bên trong hộp sọ. Bạn sẽ tiến bộ rất nhanh nếu có thể học tập từ phương pháp nghiên cứu khoa học và áp dụng nó lên cuộc sống cá nhân. Trong khi bạn mải mê thêu thùa, chơi golf và lướt qua mấy đoạn video về những chú mèo đáng yêu trên mạng, thì khoa học vẫn đang thầm lặng nỗ lực chiến đấu chống lại sự ngốc nghếch của loài người. Không một ngành nào trong xã hội con người chiến đấu mạnh mẽ tới vậy, hay chí ít là luôn sẵn sàng đương đầu và có phần lấn lướt đối thủ.
Những nhà tiên phong đã tạo ra khoa học để thay thế cho phương pháp tự nhiên vốn vô cùng tồi tệ mà bạn vẫn dùng để tìm hiểu và giải thích các trải nghiệm của bản thân. Không có bằng chứng, mọi giả thuyết, về cơ bản, đều như nhau. Bạn thích nhìn thấy nguyên nhân hơn hệ quả, thích tìm ra những tín hiệu trong đám nhiễu loạn, những khuôn mẫu trong sự ngẫu nhiên. Bạn thích được nghe những câu chuyện dễ hiểu, và bởi vậy, có xu hướng biến mọi thứ trong cuộc sống thành những mẩu tự sự nhằm đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Các nhà khoa học thì lại gắng hết sức để gạt bỏ những mẩu tự sự này, tiêu hủy chúng và chỉ để lại sự thật thô ráp. Những dữ liệu sẽ trần trụi nằm đó để người ta có thể quan sát và sắp xếp lại. Từ đây, các nhà khoa học, cũng như tất cả những người khác, sẽ cùng nhau tạo nên những tự sự mới, và họ sẽ dùng nó để tranh luận với nhau, nhưng dữ liệu thì sẽ không thay đổi. Có thể hàng trăm năm nữa hoặc hơn thế, người ta sẽ vẫn không hiểu hết những dữ liệu đó, nhưng nhờ vào phương pháp khoa học, chúng sẽ buộc những tự sự chứa đầy thành kiến và ngụy biện phải đối đầu với sự thật và cuối cùng, bị đẩy lùi vào lịch sử.