Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 05

Ngụy biện về nhân quả ... Chương 4 ...

BẠN VẪN TƯỞNG:

Bạn dễ dàng nhận ra khi hệ quả không khớp với nguyên nhân.

SỰ THẬT LÀ:

Bạn khó lòng tin được việc một chuỗi những sự kiện liên tiếp lại không có liên hệ gì với nhau.

Vài năm trước, có một khoảng thời gian mà những vận động viên nổi tiếng ở hầu hết tất cả các môn thể thao đều đeo cùng một loại vòng tay. Từ David Beckham cho đến Shaquill O'Neal, từ Super Bowl cho tới Giải Thế giới, những chiếc vòng silicon màu đen có dán hình ảnh ba chiều xuất hiện ở khắp mọi nơi. Và mặc dù sở hữu dòng sản phẩm nổi tiếng tới khó tin là vậy, công ty chịu trách nhiệm sản xuất loại vòng tăng cường thể lực Power Balance này vẫn phải nộp đơn xin phá sản vào tháng 11 năm 2011.

Công ty Power Balance đã có nhiều tuyên bố rất táo bạo. Trang web của họ nói rằng những chiếc vòng silicon này giúp cho người đeo có khả năng suy nghĩ nhanh nhạy hơn, cơ bắp mạnh mẽ hơn, mang tới cặp phổi khỏe hơn, tăng độ dẻo dai cho cơ thể, và, giống như cái tên đã nói, tăng cường khả năng cân bằng. Công ty này đã thu lợi rất lớn từ sản phẩm đó. Thứ vòng nhiệm màu này đã được rao bán ở hơn ba mươi quốc gia, và vào năm 2011, phát ngôn viên của công ty đã nói với hãng tin Associated Press rằng họ dự kiến doanh thu sẽ đạt khoảng ba mươi tư triệu đô la trong năm đó. Tới tháng Ba, họ đã dùng tiền của mình để đổi tên sân vận động ARCO Arena tại California thành Power Balance Pavilion. Sau đó, họ giành được thỏa thuận với Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia (NBA) để sử dụng logo đại diện đội bóng trên phiên bản riêng cho mỗi đội. Ta có thể thấy rằng công ty này không hề gặp bất kỳ khó khăn tài chính nào khi họ nộp đơn phá sản. Thực tế mà nói, đó là thời điểm mà độ phủ sóng của những chiếc vòng này đạt mức cực đại. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng từng có bức ảnh chụp với chiếc vòng này trên tay, cũng như Robert De Niro hay Gerard Butler, và có lẽ là cả những ông chú ông bác trong gia đình bạn, những người bỏ nhiều thời gian để tán phét về golf hơn là thực sự vác gậy ra sân chơi. Năm 2011, Associated Press đưa tin những vận động viên triển vọng đang được huấn luyện để gia nhập đội bóng rổ Phoenix Suns đã tuyên thệ trước những chiếc vòng này, và phát ngôn viên cho cơ sở huấn luyện thể thao St. Vincent Sports Performance ở Indianapolis, nơi hàng trăm vận động viên chuyên nghiệp tới để luyện tập, đã ước tính khoảng 1/3 trong tổng số khách hàng của họ có đeo vòng khi thực hiện các bài tập. Từ khoảng năm 2007 cho tới năm 2012, trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ các cơ sở đào tạo của Ivy League cho tới các trường trung học, từ diễn viên tới cầu thủ bóng đá tới chính trị gia, hàng triệu người đã bỏ ra ba mươi đô la để mua một chiếc vòng nhiệm màu và hãnh diện đeo nó trước công chúng. Như công ty sản xuất đã khẳng định thì mục đích của những chiếc vòng này là củng cố trường năng lượng tự nhiên cho người đeo, cộng hưởng với hình ảnh ba chiều và gia tăng khả năng thể lực - bất kể những điều này có nghĩa là gì.

Nói thực, khả năng cao là công ty này sẽ vẫn làm ăn phát đạt cho tới ngày nay, nếu không phải do họ bị đập cho te tua bởi khoản tiền phạt lên tới sáu mươi bảy triệu đô la vì thực hiện hành vị lừa dối công chúng và khách hàng, theo phán quyết của một tòa án tại Australia. Vấn đề chung của tất cả những lời khẳng định về sản phẩm của Power Balance, theo lời của các nhà khoa học thích chọc ngoáy, là chúng hoàn toàn vô nghĩa - những chiếc vòng tay này không có tác dụng gì nhiều hơn những chiếc vòng tặng kèm khi mua kẹo từ máy bán tự động tại tiệm bách hóa. Một thời gian ngắn sau phán quyết của tòa, Power Balance LCC đã đưa ra một thông cáo trong đó có đoạn: “Chúng tôi thừa nhận rằng không có bằng chứng khoa học đáng tin nào ủng hộ cho những tuyên bố này, và điều đó nghĩa là chúng tôi đã thực hiện những hành vi lừa dối khách hàng”. Sau đó, họ nộp đơn xin phá sản theo khoản 1114 của luật Doanh nghiệp Mỹ. Thi thoảng bạn vẫn thấy chiếc vòng tay này xuất hiện, đặc biệt là ở những quầy bán đồ tại các trạm xăng và thường chúng chỉ là hàng nhái. Sản phẩm thật đã dần lụi tàn khỏi những thị trường nơi chúng từng thành công vang dội và nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ những người nổi tiếng. Tất nhiên, đây không phải là cái kết. Trang web của họ vẫn hoạt động và bạn có thể tìm thấy hàng loạt sản phẩm mới tại đây, từ những chiếc vòng chống mồ hôi cho tới miếng bảo vệ răng. Bạn vẫn có thể mua những chiếc vòng Power Balance phiên bản chính thức của NBA tại cửa hàng trực tuyến của Liên đoàn. Và nếu bạn tin những gì trang web này nói, thì vẫn còn một vài người nổi tiếng ủng hộ sản phẩm của họ. Một nhà phân phối Trung Quốc đã mua lại công ty này vào năm 2012, và theo như báo cáo của tờ The Wall Street Journal, các chuyên gia về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng tin rằng họ sẽ có màn trở lại ngoạn mục. Một trong số những chuyên gia này, Filippo Marchino, cho hay công ty này, khả năng cao, sẽ mở rộng vào thị trường của “những người cả tin theo triết lý sử dụng các sản phẩm tăng cường sức khỏe thay thế”, đặc biệt là ở những nơi thiếu sự bảo trợ từ các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

Thực ra thì điều này không có gì lạ. Thậm chí là nếu công ty này có phá sản hoàn toàn, một kẻ khác cũng sẽ xuất hiện và bắt đầu rao bán những thứ trang sức nhiệm màu và đủ loại sản phẩm vớ vẩn khác. Những thứ này vẫn luôn có mặt trên thị trường - vòng từ trường, chiết xuất đồng căn, những di vật tôn giáo, búp bê ma thuật, khuyên tai giảm cân, những đôi giày tích hợp máy bắn đá mini, vân vân và mây mây. Lợi nhuận tiềm tàng cho những sản phẩm như vậy luôn có sẵn, chỉ chực chờ một con buôn sắc sảo, len lỏi qua tâm trí của con người hiện đại để chạm được tới tính cả tin thô sơ ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta. Vậy tại sao những thứ này lại có tác dụng đối với bạn? Tại sao chân thỏ và cỏ bốn lá lại dễ dàng tìm được đường chui vào túi quần bạn, và những đồng tiền bạn kiếm được bằng mồ hôi nước mắt lại dễ dàng tháo chạy sang túi của những kẻ lọc lõi? Gốc rễ của điều này là một dạng tư duy “nhiệm màu” với tên gọi ngụy biện về nhân quả. Và cách nó khiến bạn lạc lối trong khi đắm mình vào tác dụng của “hiệu ứng giả dược” đã giúp những tên lừa đảo kiếm bộn tiền từ hàng thế kỷ nay.

Các vận động viên là những người thường xuyên mắc phải lối tư duy mê tín như vậy. Pelle Lindbergh, cầu thủ hockey người Thụy Điển, luôn mặc một chiếc áo màu cam dưới lớp bảo hộ trong mọi trận đấu. Anh ta không bao giờ giặt áo, và nó đã phải trải qua nhiều lần may vá bởi vải bị mủn đi sau nhiều năm sử dụng. Sau một trận thắng, ngôi sao quần vợt Goran Ivanisevic đã cố gắng lặp lại y hệt những hành động của ngày hôm đó trong những ngày thi đấu tiếp theo, từ cách bố trí đồ đạc trên bàn cho tới những món mà anh ta đã ăn. Trên trang blog cá nhân, anh ta viết rằng rất mong chờ tới ngày kết thúc giải đấu, bởi đó là lúc mà anh ta cuối cùng cũng có thể ăn thứ gì khác”. Người Gà Wade Boggs, người được cho là một trong những cầu thủ lỗi lạc nhất từng bước ra sân bóng chày, có biệt danh như vậy bởi anh ta chỉ ăn thịt gà trước mỗi trận đấu. Anh ta cũng bị ám ảnh bởi con số 17, luôn bắt đầu tập dượt đánh bóng vào lúc 5 giờ 17 phút, và chuyển qua tập chạy vào đúng 7 giờ 17. Có một lần, trong khoảng thời gian xuống phong độ, một bình luận viên đã quên đọc số áo của Boggs khi nhắc đến tên anh ta trước khán giả. Trận đấu đó đã kết thúc chuỗi ngày phong độ kém của Boggs, và từ đó về sau, anh ta luôn yêu cầu bình luận viên không được đọc số áo của mình trước trận đấu. Một tiểu sử gia đã viết rằng cuộc đời của Boggs chứa toàn những thủ tục như vậy. Anh ta cứng nhắc như một cỗ máy, và luôn nghi thức hóa mọi thứ để kiểm soát kết quả. Bằng cách giữ được sự nhất quán và máy móc này, Boggs có thể nhìn vào phong độ của mình như một thứ cân đo đong đếm được. Thể thao có tác dụng lên con người như thế đấy, khiến cho vận động viên và người hâm mộ trở thành những cỗ máy tính toán xác suất thống kê nhanh nhạy hơn bất kỳ một game thủ DnD15 lão luyện nào. Chính lối sống được định lượng khắt khe này đã khiến cho nhiều vận động viên phát triển sự mê tín. Nếu họ nhìn vào các con số và thấy thành tích được cải thiện, mọi thứ xảy ra trước mốc cải thiện đó đều trở thành một nguyên nhân tiềm tàng. Mọi sự kiện diễn ra trước một kết quả tích cực sẽ được tổng hợp lại thành các nghi thức và các hành vi đáng được lặp lại. Đây là lối ngụy biện về nhân quả. Nó là lỗi tư duy không thể được kiểm soát nằm trong đầu mỗi chúng ta, xuất hiện từ thời xa xưa hơn cả thứ bùa may mắn cổ đại nhất được chôn cùng những người tối cổ và các vị pharaoh.

Chữ post hoc trong tên của ngụy biện này trong tiếng Anh, post hoc fallacy, vẫn được lấy từ cụm từ trong tiếng Latin “post hoc ergo propter hoc”16, nghĩa là sau khi điều này xảy ra, bởi vậy, nguyên nhân là do điều này”. Đó là một giả định tự nhiên xuất hiện trong đầu bạn khi một diễn biến theo sau một sự kiện nào đó. Bạn có thể không nhận thấy được, nhưng đây là kiểu tư duy vô cùng cơ bản trong hoạt động hàng ngày của tâm trí con người. Nhờ vào lối suy nghĩ này, bạn dễ dàng nắm bắt được những thiết bị có nút bấm. Bạn bấm chuông và nghe thấy tiếng kêu. Bạn bấm nút gọi thang máy và nó sáng đèn. Bạn chạm vào màn hình và ứng dụng trên chiếc smartphone của bạn được khởi động. Bạn bấm nút trên máy bán hàng tự động, và một lon nước rơi xuống khay. Trong suốt cuộc đời, bạn liên tục bấm nút và nhận được kết quả. Đó là phản xạ có điều kiện ở mức độ đơn giản nhất - hệt như con chuột thí nghiệm đu vào cần gạt để được nhận một miếng đồ ăn. Có thể một phép màu vô hình nào đó đã xảy ra sau hành động bấm nút của bạn, và sau đó, bạn nhận được kết quả như mong đợi. Bạn không thể chắc chắn điều gì đã làm cho lon nước ngọt xuất hiện mà không tháo tung chiếc máy bán nước tự động để xem cách nó vận hành. Biết đâu, có một người công nhân đang ngồi trong đó, lấy nước đặt vào khay cho bạn. Hay có thể, ở một góc khuất nào đó, có một chiếc máy quay đang hướng ống kính về chiếc máy bán nước, và ai đó ở phòng điều khiển bí mật ra lệnh cho chiếc máy nhả lon nước ra. Bạn không thể biết chắc. Bạn chỉ quan tâm tới việc nhận được kết quả đúng như mong đợi, mọi thứ khác đều không quan trọng. Khả năng để bạn tiếp tục bấm nút hoặc không bấm nữa trong tương lai phụ thuộc vào điều xảy ra tiếp theo. Trẻ con tự động biết tránh ổ điện sau một trải nghiệm tồi tệ với đồng xu kim loại. Chúng không cần phải nghe qua những bài học phức tạp về việc làm thế nào mà con người tìm ra điện và hành trình gian nan vất vả để chúng ta có thể sử dụng được loại năng lượng này. Chỉ cần một lần bị giật nhẹ, đứa trẻ sẽ tự động biết tránh mà không cần phải hiểu được lý thuyết loằng ngoằng về những thế lực kinh tế và công nghệ cần thiết để xây dựng nên một lưới điện hoàn chỉnh. Không quan trọng là bạn có hiểu về điện từ học hay thậm chí là tin vào khái niệm vật lý này hay không, bạn vẫn sẽ tự nhận ra điều gì đó từ trải nghiệm của bản thân. Sự thật về những thứ xảy ra giữa hành động và kết quả là điều mà hầu hết các loài động vật đều không hề để ý tới và cũng chẳng bao giờ phải bận tâm. Nếu con của bạn từng bị giật ngửa bởi ổ điện trên tường và từ đó về sau, vĩnh viễn phải giải thích tại sao lại có vết sẹo trên đầu ngón cái, bạn có thể yên tâm là “thí nghiệm” đó sẽ không bao giờ lặp lại, bởi vì sự tiến hóa ưa thích những bộ não biết nói “điều này xảy ra bởi nguyên nhân là do điều này", và "tôi sẽ không bao giờ làm thế nữa”. Bạn đã quá quen với lối ngụy biện về nhân quả, lối tư duy rằng khi một sự kiện tiếp nối một sự kiện khác, chúng chắc hẳn phải liên quan tới nhau, và sự kiện thứ hai phải có căn nguyên, hay chí ít là bị ảnh hưởng bởi sự kiện đầu tiên. Đây chính là lý do khiến lối ngụy biện về nhân quả này trở thành trụ cột của các suy nghĩ phi lý trí. Nó là bà tiên đỡ đầu cho tất cả những thứ sai lệch, phản khoa học, mang màu sắc huyền bí và mê tín. Cũng không lấy gì làm khó hiểu khi kiểu tư duy này thường xuyên dẫn bạn tới những giả định bí ẩn và mơ hồ, bởi việc tìm ra những khuôn mẫu là nhu cầu vô cùng quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là với những trường hợp dạng: “nếu điều A xảy ra, thì sẽ có điều B”. Bạn không thực sự giỏi nhận ra khi nào thì kiểu tự duy này là ngu ngốc. Ví dụ, hầu hết những cơn cảm cúm kéo dài khoảng một tuần, bởi vậy, dù bạn có chữa theo mẹo nào thì cũng sẽ chỉ có tác dụng làm thuyên giảm các triệu chứng mà thôi. Vậy mà một loạt những bài thuốc dân gian và những loại thuốc bán không kê đơn để chữa cảm cúm lại được bạn nằm lòng, vì bạn tin rằng việc khỏi ốm thực sự phụ thuộc vào chúng, cho dù bạn vẫn sẽ khỏe lại nhanh y như vậy kể cả có không dùng thuốc. Có thể nền văn minh của bạn bắt mọi người phải nhảy múa hàng năm vào cùng một dịp để mang mưa đến cho mùa màng, nhưng điều đó không có nghĩa là việc nhảy múa có tác động gì tới tốc độ phát triển của cây trồng. Đội tuyển của bạn có thể sẽ cùng tập trung cầu nguyện một cách vô cùng thành kính trước mỗi trận đấu, nhưng điều đó không có nghĩa là đội bạn thắng được cúp quốc gia bởi vì đã thuyết phục được đấng toàn năng nào đó phù hộ. Mặc dù đúng là bạn sẽ có được nhiều lợi ích khi tự động nhảy tới kết luận một cách nhanh chóng như vậy, nhưng lối suy nghĩ này vẫn là một sự ngụy biện. Dù sao thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nên nó đã trở thành thiết lập mặc định cho toàn bộ giống loài chúng ta. Lối suy nghĩ theo nhân quả, khác với các loại ngụy biện khác, được hỗ trợ bằng một hiện tượng sinh lý học kỳ lạ với tên gọi hiệu ứng giả dược. Hẳn bạn đã từng nghe nói tới giả dược (placebo) rồi. Đây là thuật ngữ từng được dùng để chỉ hầu hết toàn bộ những bài thuốc dân gian, ví dụ như là ăn tơ nhện để trị đau đầu, hay uống rượu whiskey hâm nóng pha đường để chống lại cơn đau nhức toàn thân khi bị cúm. Sau này, thuật ngữ giả dược được dùng để chỉ bất kỳ phương pháp điều trị nào có tác dụng làm cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn chứ không có tác dụng chữa bệnh thực sự. Vào năm 1955, bác sĩ và nhà hoạt động Henry K. Beecher đã cho chúng ta định nghĩa mới này thông qua bài nghiên cứu với tựa đề The Powerful Placebo (Hiệu ứng giả dược mạnh mẽ). Beecher cho rằng việc thử nghiệm thuốc cần phải thực hiện với phương pháp thí nghiệm “đôi bên đều mù” để có được một so sánh khách quan. Trong một thí nghiệm “đôi bên đều mù”, cả nhà nghiên cứu lẫn đối tượng thí nghiệm đều không biết đâu là giả dược và đâu là thuốc thật, điều này loại trừ những sai sót và định kiến từ cả hai bên. Kiểu thí nghiệm này thực sự có hiệu quả. Khoa học và dược học nhanh chóng nắm bắt được điều này, và từ khi đề xuất của Beecher được đưa ra, giả dược đã được xem xét một cách nghiêm túc và trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp nghiên cứu chế tạo thuốc. Rất nhiều phương pháp điều trị đã bị phát hiện ra là không khác gì giả dược, và chúng ta cũng học được rằng giả dược là một trong những điều kỳ bí nhất của trí não con người.

Hiệu ứng giả dược có thể được tạo ra một cách dễ dàng tới mức khó tin, và khả năng cao là bạn vẫn trải nghiệm nó hàng ngày. Khi bạn muốn điều gì đó hoạt động theo cách mà bạn tin, đôi khi, chỉ cần niềm tin đó là đã đủ để thay đổi nhận thức của bạn. Vào năm 2009, một nhóm các nhà khoa học người Đức đã nói với các đối tượng tham gia thí nghiệm của mình rằng họ đã được bôi kem gây tê lên một vùng trên cánh tay, nhưng thực ra thứ kem đó là giả mạo. Sau đó, các nhà nghiên cứu đặt một nguồn nhiệt nóng bỏng lên tay đối tượng. Nhờ vào hiệu ứng giả dược, các đối tượng đã nhận định rằng họ cảm thấy ít đau đớn ở phần được bôi kem hơn, mặc dù loại kem đó không hề có tác dụng giảm đau. Bất ngờ hơn nữa, từ kết quả chụp não, các nhà khoa học có thể thấy rõ những người tham gia vào thí nghiệm đã thực sự phản ứng như thể họ vừa được bôi kem gây tê thật. Bằng một cách nào đó, chỉ cần tin rằng tín hiệu đau đớn sẽ bị chặn lại là đã đủ để cơ thể của các đối tượng tự động chặn tín hiệu đau đớn ở vùng đó. Vào năm 2010, các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard đã cho bệnh nhân sử dụng giả dược để làm giảm những cơn đau khó chịu ở bụng. Tuy nhiên, thí nghiệm này có một điểm đặc biệt: Các nhà khoa học đã nói trước cho bệnh nhân biết là họ sẽ được nhận thuốc giả. Kỳ lạ thay, những người nhận thuốc giả và biết chắc chắn rằng chúng không có tác dụng vẫn báo cáo các triệu chứng đã thuyên giảm với tỷ lệ cao gấp đôi so với nhóm không được nhận thuốc. Các nhà nghiên cứu đã kết luận: Hóa ra, chỉ riêng bản thân việc đi thăm khám bác sĩ và giao phó sức khỏe của mình vào bàn tay được huấn luyện là đã có khả năng gây nên hiệu ứng giả dược.

Ngụy biện về nhân quả và hiệu ứng giả dược thường xuyên xuất hiện cùng nhau. Song kiếm hợp bích, chúng tạo nên đủ những hiện tượng thú vị. Thứ mà tôi ấn tượng nhất là cơ chế không có tác dụng thực sự mà người ta vẫn sử dụng, chúng được gọi là nút bấm giả dược, và có mặt ở khắp mọi nơi. Chúng hoạt động dựa trên nguyên tắc “sau khi tôi bấm nút này thì điều đó xảy ra, bởi vậy nguyên nhân là do tôi đã bấm nút”. Nút “Đóng cửa” không thực sự có tác dụng ở rất nhiều thang máy được sản xuất tại Mỹ kể từ khi quốc hội ban hành đạo luật Người Mỹ và khuyết tật. Nút bấm đó chỉ có tác dụng khi được sử dụng kèm với một chiếc chìa khóa, và chỉ được trao cho công nhân bảo trì hoặc các nhân viên cứu hộ. Dù bạn có bấm nút đó hay không, thì cửa thang máy cũng sẽ đóng lại. Nhưng nếu bạn bấm nút và một vài giây sau cửa đóng, một niềm hạnh phúc nho nhỏ sẽ chạy qua não bạn. Hành vi này của bạn vừa được củng cố, và bạn sẽ tiếp tục bấm nút “Đóng cửa” trong tương lai. Theo một khảo sát của tờ báo The New York Times, chính quyền thành phố New York đã vô hiệu hóa những nút bấm dành cho người đi bộ để điều khiển đèn giao thông từ rất lâu rồi, tuy nhiên vẫn còn tới khoảng hơn 2500 trên tổng số 3250 nút bấm này vẫn tồn tại và hoạt động với vai trò tạo nên hiệu ứng giả dược”. Đèn tín hiệu hiện giờ được điều khiển bởi máy tính và bộ đếm giờ ở hầu hết các nút giao thông, nhưng đã từng có thời, người ta lắp những nút nhỏ ở lối qua đường để người đi bộ có thể kích hoạt việc đổi đèn. Việc thay thế hoặc gỡ bỏ tất cả những nút này thường sẽ gây tốn kém kha khá, nên hầu hết các thành phố cứ để nguyên chúng ở đó và chỉ đơn giản là tắt chức năng của chúng đi. Mặc dù vậy, bạn vẫn cứ tích cực bấm, rồi đến một lúc nào đó, đèn tín hiệu sẽ thay đổi. Bạn không có đủ thời gian để thực hiện một thí nghiệm “đôi bên đều mù” để kiểm nghiệm hoạt động của đèn giao thông, bởi vậy, một phiên bản của hiệu ứng giả dược đã tác động lên tư duy của bạn sau một phân tích nhân quả sai lầm. Trong một cuộc điều tra của kênh truyền hình ABC News vào năm 2010, các nút bấm đổi đèn tín hiệu cho người đi bộ tại Mỹ chỉ thực sự hoạt động ở một số thành phố sau: Austin, bang Texas; Gainesville, bang Florida; và Syracuse, bang New York.

Hiệu ứng này có mặt ở khắp mọi nơi. Ở rất nhiều văn phòng làm việc, bộ điều nhiệt gắn trên tường thực chất chẳng kết nối đi đâu cả. Từ hàng thập kỷ nay, chủ nhà trọ, kỹ sư và các chuyên gia về HVAC17 đã gắn những bộ điều nhiệt giả để những người sử dụng không tiêu tốn tiền điện qua việc điều chỉnh nhiệt độ liên tục. Theo một bài báo vào năm 2003 trên tạp chí The Wall Street Journal, một chuyên gia HVAC đã ước tính khoảng 90% trong tổng số những bộ điều nhiệt gắn trong các văn phòng công sở đều là giả. Một số công ty thậm chí còn gắn thêm những thiết bị tạo tiếng ồn để tạo ảo giác hoàn hảo hơn khi bạn vặn núm điều chỉnh nhiệt độ. Trong cuộc điều tra thực hiện vào năm 2003 của chương trình thời sự về Điều hòa, Sưởi và Tủ lạnh, 72% trong số những người trả lời đã thú nhận việc cài đặt những bộ điều nhiệt giả.

Nói cho cùng thì hiệu ứng giả dược cũng chỉ có giới hạn nhất định. Không bác sĩ nào lại khuyên bệnh nhân chỉ cần suy nghĩ một cách tích cực thay vì sử dụng những phương pháp điều trị thực sự cả. Tuy nhiên, hiệu quả của việc suy nghĩ tích cực là có thật và có thể kiểm chứng được. Những trông đợi và niềm tin có thể và đã thực sự thay đổi nhận thức của bạn về thực tế. Nó đủ mạnh để khiến cơ thể bạn thay đổi một cách vô thức, sao cho khớp với những điều bạn đang tin vào. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi hiệu ứng giả dược xuất hiện vào thời điểm bạn đang trông đợi tác dụng từ một thứ mà bạn tin. Từ lá bạch quả tới cỏ lúa mì, từ việc nắn khớp tới châm cứu, có rất ít bằng chứng khoa học ủng hộ tính hiệu quả của hầu hết các loại thực phẩm chức năng và các phương pháp điều trị thay thế. Mặc dù vậy, việc lật tẩy chúng hiếm khi nào ảnh hưởng tới việc kinh doanh hay hoạt động của những mặt hàng hay dịch vụ này. Trữ lượng dồi dào những phương thuốc thay thế và vật dụng thần kỳ vẫn luôn có sẵn trên các trang bán hàng online hoặc tại các cửa tiệm bách hóa. Một phần lý do cho việc rất khó để loại trừ hoàn toàn những phương pháp chữa trị vô lý này là chúng thường có khả năng thực sự làm cho người ta cảm thấy khỏe khoắn hơn theo cách nào đó. Đối với một nhà khoa học thì không thể có chuyện một chiếc vòng từ trường có khả năng xoa dịu cơn đau do thấp khớp hay tăng cường lưu thông máu, nhưng trong những thực nghiệm lâm sàng, thì người bệnh thường cảm thấy khỏe hơn khi họ tin rằng những chiếc vòng này thực sự có tác dụng. Từ khóa ở đây là “cảm thấy”. Khi bạn đeo lên mình những thứ trang sức nhiệm màu, tới thăm các nhà giả khoa học, hay thực hành những bài thuốc trị liệu thay thế, hãy nhớ rằng niềm tin của bạn mới là nhân tố chính tạo nên hiệu quả. Vật dụng hay phương pháp điều trị đều chỉ là những thứ có nhiệm vụ thế thân, được thiết kế để tạo nên sự hợp lý hóa theo nhân quả - tôi khỏe hơn sau khi đeo chiếc vòng này, thế nên nó thực sự có tác dụng.

Dưới nhiều góc độ, bạn có thể nhận thấy phương pháp nghiên cứu khoa học là một phát minh cần thiết để đối chọi với ngụy biện về nhân quả. Thiếu nó, sẽ rất khó để xác định được chính xác nguyên nhân nào mới thực sự có liên kết tới hệ quả mà bạn muốn xảy ra, hoặc hệ quả mà bạn muốn tránh. Thật tiếc là những sự kiện lớn trong lịch sử không thể được phân tích theo cách này. Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được liệu quyết định nào mới là đúng đắn, là phương án của bạn hay là điều mà Alexander Đại Đế hay Harry Truman đã làm. Tất cả những gì chúng ta có là kết quả, và chúng ta biết rằng những điều xảy ra sau một điều gì đó không nhất thiết phải là hệ quả của nó. May sao, một số sự kiện và hệ quả có thể được nghiên cứu. Khoa học đã thành công trong vụ lật mặt những loại trang sức mang tính giả dược nhờ vào độ phổ biến tới mức khó tin của vòng Power Balance. Vào năm 2010, nhóm nghiên cứu ở Đại học Wales đã cho các đối tượng thí nghiệm trải qua một loạt những thử thách thể chất trong khi bị bịt mắt và đeo một vòng tay có thể là Power Balance hoặc là vòng giả. Kết quả thí nghiệm cho thấy không có sự khác biệt nào giữa vòng thật và giả. Thêm nữa, vào năm 2011, một nhóm nghiên cứu khác ở Đại học RMIT của Australia đã cho các đối tượng thí nghiệm đeo hai phiên bản vòng Power Balance: một có mặt hình ba chiều nguyên bản, loại còn lại có mặt là một miếng kim loại tí hon, và rồi cho họ trải qua một loạt những bài kiểm tra khả năng thể chất bao gồm cả kỹ thuật thăng bằng. Thí nghiệm này cũng không đem lại kết quả gì khác biệt so với thí nghiệm trước.

Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ loại bỏ được hoàn toàn những thứ này. Khi nhà tâm lý học Lysann Damischin thực hiện một thí nghiệm vào năm 2010, cô đưa cho một nửa trong số các đối tượng của mình một quả bóng golf và giải thích rằng đây là quả bóng may mắn, và nửa còn lại được nhận một quả bóng bình thường, những người ở nhóm nhận bóng may mắn đã có số lần đánh trúng lỗ nhiều hơn tới 35%. Tất nhiên là quả bóng may mắn thực chất chẳng có gì đặc biệt cả. Lysann đã phân chia nhóm đối tượng một cách hoàn toàn ngẫu nhiên dựa vào việc tung đồng xu. Tuy vậy, niềm tin đã có tác dụng rõ rệt. Cô nhận định rằng việc có được quả bóng “may mắn” đã khiến cho người chơi cảm thấy họ có khả năng kiểm soát tốt hơn, giảm đi nỗi lo lắng và tăng cường sự tự tin, từ đó dẫn tới kết quả tốt hơn. Điều này cũng xảy ra đi với những chiếc vòng tay Power Balance. Khi các vận động viên đua xe, các lực sĩ cử tạ và những người phát biểu trước công chúng nhận ra sự tiến bộ của mình khi đang đeo chúng, nguyên nhân thực chất có lẽ là hiệu ứng giả dược. Người sử dụng có thể thay chiếc vòng bằng một sợi dây bện thông thường và vẫn sẽ nhận được kết quả tương đương nếu họ giữ cùng một mức độ tin tưởng. Do lối ngụy biện về nhân quả, khi nhìn thấy thay đổi, con người ta không cho rằng nguyên nhân thực sự nằm ở trong chính trí não. Thay vào đó, họ đi tìm một nguyên nhân khác và đổ ngay cho chiếc vòng silicon có in hình ba chiều.

Hãy tự hỏi bản thân mình xem các bài thuốc, phương pháp điều trị hay những kỳ vọng mới là nguyên nhân làm bạn cảm thấy tốt hơn, nhất là khi chúng không đến từ bản kê thuốc của một bác sĩ y khoa. Cho dù gia đình bạn đã dùng bắp cải đông đá để chữa những cơn đau đầu ngực từ hàng thế kỷ nay, thì nó vẫn không có nghĩa bắp cải là một thành phần không thể thiếu cho bài thuốc. Dù cô nhân viên ở quán massage đúng là có gia đình sống ở Trung Quốc, thì cũng không có nghĩa là những chiếc cốc chân không của cô ta có thể chữa được chấn thương vẹo cổ. Như diễn viên hài Tim Minchin đã viết trong bài hát Storm: “Bạn có biết những thứ là-thuốc-mà-không-phải-là-thuốc nhưng hóa ra lại thực sự có hiệu quả được gọi là gì không? Là thuốc đó”. Hãy tự hỏi bản thân xem bạn có đang hy vọng những đồ vật hay lễ nghi nào đó sẽ thay đổi vận mệnh của mình như cách ai đó tin vào một viên đá không. Hãy sẵn sàng chấp nhận sự thật rằng bạn nhận được cú điện thoại từ người mà bạn đang nghĩ đến không phải là phép màu hay thần giao cách cảm gì, mà chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Để đỡ ngu ngơ hơn, hãy nhớ bạn có xu hướng đi tìm mối quan hệ nhân quả, và rằng để có được hiệu quả tích cực, hiệu ứng giả dược phải lừa được sự minh mẫn của bạn. Việc điều xảy ra sau một điều khác không chứng minh được gì cả. Những thứ bùa nhiệm màu không có thật, và kể cả chúng có tồn tại đi chăng nữa, thử nghĩ mà xem, sẽ tốn kém tới mức nào để có thể thuê cả một xưởng sản xuất đầy những pháp sư và phù thủy ngồi yểm chú một số lượng bùa đủ lớn để phân phối trên toàn thế giới chứ?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3