Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 06
Hiệu ứng hào quang ... Chương 5 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Bạn có khả năng đánh giá những đặc điểm riêng rẽ của một người một cách khách quan.
SỰ THẬT LÀ:
Bạn đưa ra nhận định về từng đặc điểm riêng rẽ của một người dựa vào cái nhìn tổng quan về tính cách và diện mạo của họ.
Có thể bạn cho rằng chiều cao là một yếu tố quan trọng trong việc tuyển diễn viên, nhất là khi các studio ở Hollywood sẵn sàng bỏ ra khoảng 200 triệu đô để sản xuất một bộ phim. Nhưng thực tế là những người trong ngành công nghiệp sản xuất phim ảnh chẳng mấy bận tâm kể cả khi biết rằng diễn viên nam chính có thể hơi lùn một chút, hoặc thậm chí là thấp hơn cả nữ diễn viên đóng vai người tình của anh ta. Sau hàng thập kỷ xử lý những trường hợp như vậy, các đạo diễn đã có một loạt những phương án giải quyết trứ danh.
Cách đơn giản nhất là dùng một “hộp táo”, chiếc thùng gỗ nhỏ mà mục đích sử dụng ban đầu là để chứa đồ nghề. Qua thời gian, những chiếc hộp táo đã trở thành một nhân viên không thể thiếu trong đoàn làm phim nhờ vào tác dụng “chống trọng lực” tuyệt vời của chúng. Một số hộp thậm chí còn có những thanh gia cố bên trong để chắc chắn hơn. Đội sản xuất thường xuyên sử dụng những hộp này để kê tất cả những thứ cần đặt lên cao hơn khi máy quay chạy. Những chiếc hộp này phổ biến tới nỗi các đoàn làm phim thậm chí đã có cả thuật ngữ gọi tắt dùng trên trường quay để chỉ ba tư thế đặt hộp: “L.A.”, hay “cả quả” là khi đặt một cách bình thường, đáy là mặt rộng nhất, chiều cao hộp lúc này là thấp nhất; “New York” là khi đặt hộp theo chiều thẳng đứng để đạt chiều cao lớn nhất; và “Texas” hoặc “Chicago” để chỉ cách đặt còn lại, hộp sẽ có chiều cao trung bình. Khi nam diễn viên chính quá lùn cho cảnh quay mà bạn cần, bạn có thể cho anh ta đứng trên một chồng vài chiếc hộp và chỉ cần tránh không quay lộ chân anh ta mà thôi. Đó là lý do tại sao những người làm trong ngành điện ảnh đôi khi còn gọi những chiếc hộp táo này là “kẻ tạo nên những quý ông”.
Để làm cho những diễn viên không có chiều cao lý tưởng như Tom Cruise, Al Pacino, Humphrey Bogart và James Cagney trông có vẻ lực lưỡng hơn, các đoàn làm phim còn phải sử dụng những đôi giày đặc biệt, các góc quay thấp, chế tạo những khung của với tỷ lệ khác thường. Họ thậm chí còn đào các con hào nhỏ cho những người còn lại trong cảnh phim bước đi bên cạnh nam diễn viên chính. Nhưng tại sao chúng ta lại muốn một nhân vật nam chính to cao? Câu trả lời cho điều này là sức mạnh của một hiện tượng tâm lý đặc biệt, thứ vẫn nhuộm màu lên gần như tất cả những mẩu thông tin đi vào đầu bạn.
Nhà tâm lý học Edward L. Thorndike là một trong số những người sáng lập nên bộ môn tâm lý học giáo dục và nghề nghiệp. Vào đầu thế kỷ XX, ông đã hỗ trợ xây dựng những bài kiểm tra sử dụng trong quân đội Mỹ để đánh giá trí tuệ và năng lực của binh lính, hỗ trợ phát triển những công cụ dạy học dành cho giáo viên. Ông rất quan tâm đến việc điều gì sẽ xảy ra khi con người định lượng hóa những thứ định tính, điều mà doanh nghiệp và nhà trường vẫn luôn làm. Để nâng cao năng suất và chất lượng sau mỗi kỳ học hay mỗi quý hoạt động, các cơ sở này thường sử dụng các công cụ như bản báo cáo, những kỳ thi, bài kiểm tra hay những buổi kiểm điểm. Biến con người thành những con số giúp việc vẽ biểu đồ để đưa lên giám đốc điều hành hay ban giám hiệu trở nên dễ dàng hơn. Bởi vậy, một cách hoàn toàn tự nhiên, những môi trường này trở thành nơi lý tưởng để quan sát tác dụng của việc định lượng hóa hành vi và nhận thức.
Qua thời gian nghiên cứu, sau khi được tiếp cận rất nhiều bản báo cáo, Thorndike đã dần nhận ra một hiện tượng kỳ lạ. Khi một doanh nghiệp hay nhà trường đặt ai đó lên giấy tờ, mọi đặc điểm miêu tả người đó dường như đều có liên hệ với nhau. Nghĩa là con người ta trở nên một chiều và ít sắc thái hơn nhiều. Nếu một người được đánh giá cao ở một mặt nào đó (chẳng hạn như độ đáng tin cậy), anh ta cũng sẽ được đánh giá cao trên tất cả những đặc điểm không liên quan khác (như là về tri thức và các năng lực kỹ thuật).
Hiện tượng này xuất hiện rất rộng rãi, và vào năm 1915, Thorndike đã công bố một nghiên cứu mà trong đó, ông đã tập hợp một nhóm chỉ huy trong quân đội Mỹ để kiểm tra. Ông đã chứng minh được rằng các sĩ quan cao cấp không thể đánh giá thuộc cấp của mình khi được yêu cầu phải chấm điểm các khía cạnh một cách riêng rẽ và độc lập. Nếu họ đánh giá cao người lính của mình về độ gọn gàng, sức chịu đựng hay lòng trung thành, thì họ cũng sẽ đánh giá cao khả năng đưa ra quyết định trong cơn nguy biến của anh ta, hoặc nhận định rằng những người lính đó có khả năng quản lý trên mức trung bình. Nếu các sĩ quan chỉ huy nhận định rằng thuộc cấp của mình có khiếm khuyết về mặt ứng biến hay tính sáng tạo, họ cũng sẽ có xu hướng đánh giá thấp khả năng truyền cảm hứng hoặc đưa ra và thực hiện các mệnh lệnh. Nhìn chung thì mỗi một đặc điểm đều có xu hướng khớp với những đặc điểm còn lại.
Thorndike tỏ vẻ đặc biệt quan ngại trước việc các phi công được điểm cao trong việc lái máy bay cũng thường được cấp trên đánh giá cao về khả năng lãnh đạo. Ông đã viết rằng bởi vì hầu hết các phi công đều rất trẻ, việc bạn là một anh hùng không đồng nghĩa với việc bạn có được khả năng lãnh đạo vốn cần tôi luyện qua thời gian. Vậy mà trong các bản báo cáo kiểm điểm, các sĩ quan cấp trên vẫn thường cho rằng phi công với nhiều chiến công là đối tượng tốt để huấn luyện làm lãnh đạo, và đánh giá họ rất cao ở những kỹ năng và phẩm chất không liên quan tới việc lái máy bay. Thorndike gọi hiện tượng này là “vầng hào quang của phẩm chất chung chung”. Ông đã đưa ra nhận xét: Khi một người được cho là giỏi một kỹ năng đáng khao khát, đặc điểm đó sẽ ảnh hưởng lên đánh giá về các mặt khác của người này. Theo như Thorndike viết, vấn đề nằm ở chỗ đây là một sai lầm. Những đặc điểm khác đã bị làm sai lệch bởi thứ mà về sau, trong ngành tâm lý học, người ta gọi là hiệu ứng hào quang.
Vậy nếu hiệu ứng hào quang này biến bạn trở thành kẻ nói dối với chính bản thân và với người khác, tại sao nó lại có thể tồn tại trong tâm trí bạn?
Để tăng tốc độ xử lý thông tin, bộ não của bạn có xu hướng gắn những cái mác hết sức đơn giản lên những thứ mà bạn gặp. Bạn nên cảm ơn tổ tiên của mình vì đã chú tâm tới những nhãn mác này trong cả triệu năm, bởi có nhiều thứ mà bạn gặp trong cuộc đời đã được cài đặt sẵn trong tâm trí bạn là tốt hoặc xấu, là đáng khao khát hoặc nên tránh xa. “Thứ này là tốt”, bạn nghĩ khi ăn một quả dâu chấm sô-cô-la. “Điều này thật tệ”, bạn nghĩ khi nhìn thấy gã bạn trai cũ tiến về phía bạn trong một quầy bar, vẫn đang tay trong tay với một người lạ mặt. Những thứ có răng nanh, mảnh khảnh, bò lúc nhúc là đáng sợ và nên tránh, và khi bạn nhìn thấy bất kể thứ gì trông hơi giống một con nhện chạy ngang qua phòng, bạn sẽ có phản ứng giật nảy phòng vệ. Những thứ chất lỏng đậm đặc màu đỏ, vàng hay xanh lục sẽ kích hoạt cảm giác ghê tởm, trong khi chất lỏng màu xanh dương thì không. Hình ảnh miếng thịt bít tết ngon lành có thể làm bạn chảy dãi, nhưng nếu trên miếng thịt lúc nhúc những con dòi thì ruột bạn sẽ quặn lại. Một cánh đồng trải rộng với con suối róc rách làm mọi người đều cảm thấy thoải mái, trong khi khung cảnh của một vũng lầy nhầy nhụa tăm tối khiến ai cũng phải cảnh giác.
Khi bạn ra quyết định hay nhóm lên những niềm tin dựa vào cảm giác nội tại, các nhà tâm lý học cho rằng bạn đang sử dụng sự tự nghiệm cảm xúc. Theo như định nghĩa của tâm lý học thì cảm xúc là những cảm giác mà không cần phải giải thích hay phân tích gì thêm. Chúng không phải là những suy nghĩ mạch lạc có thể diễn giải bằng lời hoặc qua các ký hiệu, thay vào đó, chúng là những trạng thái thô của xúc cảm, một cơn đau nhói hoặc giật nảy hoặc chỉ đơn giản là những cảm giác chung chung tạo nên một tâm trạng hoặc tinh thần chung. Bạn có thể lướt qua những cảm xúc, hoặc dần dần chìm vào chúng, và đôi khi, cảm xúc có thể ập đến với bạn như một cái tát. Để bạn sống sót trong một thời gian dài, sự tự nghiệm cảm xúc là một công cụ vô cùng hữu ích. Nó là tín hiệu giúp bạn tránh khỏi những tình huống không quen thuộc và có vẻ nguy hiểm. Nó là thứ khiến bạn đề phòng bọn lập dị đáng sợ. Mặc dù vậy, nó cũng là một dụng cụ rất thô thiển và kém chính xác khi sử dụng trong tất cả các trường hợp khác. Nhìn lại lịch sử thì, nhiều tổn thất thương đau đã tới sau những ánh mắt lấp lánh và nụ cười rạng ngời, còn những người bạn không coi trọng nhất lại có trái tim vô cùng lớn. Chính xu hướng phán xét dựa vào cảm tính này đã làm vẩn đục khả năng đánh giá rủi ro của bạn. Nếu dựa vào xác suất thống kê, khả năng để bạn chết trong một vụ tai nạn xe hơi trên đường đến sân bay còn cao hơn nhiều so với khi bạn đã an vị trong máy bay. Khả năng để bạn đoạt được giải Oscar còn cao so với việc bị cá mập cắn. Cảm giác trực quan và tự động của bạn về yêu và sợ chịu sự can thiệp nặng nề và hoàn toàn không đúng lúc của sự tự nghiệm cảm xúc.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, tại sao chiều cao lại quan trọng với một nam diễn viên? Tại sao các nhà làm phim lại bỏ nhiều công sức tới vậy để làm cho nhân vật nam chính trông có vẻ cao hơn? Đó là bởi diện mạo bên ngoài của một người là đặc điểm kích hoạt phản ứng từ sự tự nghiệm cảm xúc của bạn. Đầu tiên là sự cân đối. Những đứa bé sơ sinh chỉ mới hai ngày tuổi đã được ghi nhận là sẽ nhìn vào những khuôn mặt cân đối lâu hơn nhiều so với những khuôn mặt bất cân đối. Độ cơ bắp, cao độ giọng nói, dáng đi - bạn có những phản ứng tự nghiệm cho tất cả những điều này, tuy nhiên, chiều cao lại nhận được sự đối xử đặc biệt từ sự tự nghiệm cảm xúc. Khi đạo diễn muốn tạo nên cảm xúc tích cực với một nhân vật nam, việc làm cho người đó trông có vẻ cao ráo đóng vai trò rất lớn.
Dựa vào một nghiên cứu xuất bản năm 2004 trên Tạp chí về Tâm lý học ứng dụng thì mỗi inch chiều cao sau mức 6 foot18 mang về cho một người trung bình thêm khoảng 789 đô la mỗi năm. Các nhà khoa học Timothy Judge và Daniel Cable đã theo dõi 8500 công dân Anh và Mỹ từ thời thanh niên cho tới khi trưởng thành và nhận ra rằng chiều cao ảnh hưởng rất lớn tới độ thành đạt. Judge đã nhận định rằng bản thân việc đứng cao hơn và nhìn xuống người khác đã làm cho những người này cảm thấy tự tin hơn. Tương tự vậy, việc nhìn lên một người cao hơn, theo đúng nghĩa đen, đã tạo nên cảm giác ngưỡng mộ và làm cho họ có vẻ như là những người giỏi giang dáng noi gương. Theo như nghiên cứu của Judge và Cable, thì mối liên hệ này mạnh mẽ nhất ở những nghề cần giao tiếp xã hội thường xuyên - bán hàng và quản lý - tiếp theo là những nghề khác mà sự tự tin là điểm mạnh. Điều này khiến cho sự thật sau không có gì đáng ngạc nhiên nữa: Các ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Mỹ có chiều cao kém hơn đối thủ đã thua trong khoảng 80% số cuộc bầu cử kể từ năm 1904, năm đầu tiên mà các nhà sử học bắt đầu ghi chép chiều cao của các ứng cử viên. Nghiên cứu năm 2009 của nhà tâm lý học Gayle Brewer cho thấy một người đàn ông càng cao, thì anh ta sẽ càng ít cảm thấy ghen tuông trong mối quan hệ tình cảm. Tương tự vậy, họ sẽ hiếm khi tham gia vào những hành động mang tính sở hữu bạn đời, ví dụ như luôn luôn kiểm soát xem người yêu mình đang ở đâu hoặc gây chiến với những gã trai thích ve vãn. Và nghiên cứu này cũng cho thấy những người đàn ông có chiều cao tốt cũng không mấy khi bỏ thời gian lo lắng về ngoại hình của bản thân hay thực hiện những hành động lãng mạn.
Tại sao chiều cao lại có vai trò quan trọng đối với những người không nằm trong ngành công nghiệp điện ảnh? Nói cho cùng thì cũng chỉ là khác biệt một vài inch thôi, và việc cao lớn hơn không thực sự khiến bạn trở thành một lãnh đạo giỏi hơn hay có khả năng thuyết phục khách hàng tốt hơn. Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu về lương bổng đã nhận định rằng đó chỉ là tác dụng của sự tự nghiệm. Định kiến về chiều cao luôn thường trực trong bạn, nhắc bạn rằng cao hơn là tốt hơn, bởi đó là lối suy nghĩ mang tính thích nghi, không rõ vì lý do gì, đã xuất hiện trong vài triệu năm trở lại đây. Chúng ta không thể biết chắc vì sao: Có thể là nó liên quan tới việc những người cao lớn sở hữu nền thể lực tốt hơn, và điều đó có ích trong nhiều việc; có thể những người cao hơn dường như là những người được nuôi dưỡng tốt và khỏe mạnh hơn so với những kẻ thấp bé. Cho dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa, những nghiên cứu ngày nay cũng đã cho thấy rằng những người cao hơn thường đáng sợ hơn, hay tỏ vẻ quyền uy hơn, và rằng hiệu ứng hào quang khiến bạn tin rằng những người cao lớn phù hợp hơn cho những sự vụ mà lẽ ra chiều cao không quan trọng.
Hiệu ứng hào quang khiến một đặc điểm nổi trội của người nào đó ám màu lên thái độ và nhận thức của bạn về tất cả các đặc điểm khác của họ. Kỳ lạ hơn nữa, đặc điểm đó càng nổi bật vào lúc mà bạn hình thành ấn tượng đầu tiên về người đó, thì bạn càng khó thay đổi thái độ. Ví dụ thế này, nếu bạn bị ấn tượng bởi sự nồng nhiệt và dễ mến của một người đồng nghiệp trong vài tuần đầu ở nơi làm mới, bạn sẽ có xu hướng tha thứ cho một loạt những hành vi đáng ghét về sau này của anh ta, thậm chí kể cả khi những hành vi đó kéo dài hàng năm trời. Nếu năm đầu tiên của một mối quan hệ diễn ra tuyệt vời, thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để nhận ra những vấn đề khiến cho mọi thứ trở nên đắng cay sau này. Khi bạn thích một đặc điểm nhất định của ai đó, hiệu ứng hào quang sẽ khiến cho nhận định tích cực này lan sang tất cả những khía cạnh khác và chống cự lại mọi cuộc tấn công. Những người có ngoại hình ưa nhìn thường có vẻ thông minh hơn, những người khỏe mạnh trông có vẻ cao quý hơn, những người có tính cách thân thiện thì có vẻ đáng tin tưởng hơn v.v. Khi họ không thực sự đúng như những gì bạn nghĩ, bạn có xu hướng tha thứ và bảo vệ họ, đôi khi hoàn toàn vô thức.
Trong khoảng một thế kỷ nghiên cứu trở lại đây, vẻ đẹp dường như là thứ có khả năng tạo nên hiệu ứng hào quang một cách dễ dàng nhất. Vẻ đẹp là một lối nói tắt, một khái niệm thay thế tạm cho quá trình xử lý vô hình trong tâm trí mà bạn chỉ được biết kết quả cuối cùng. Cũng giống như các từ “ngon miệng” hay “ghê tởm”, nó miêu tả một hình thái nhất định của sự tự nghiệm cảm xúc. Để nhìn và đánh giá một khuôn mặt là xinh đẹp, não bộ của bạn đã trải qua một loạt những hoạt động, chịu ảnh hưởng từ văn hóa, những kinh nghiệm, và cả những thứ nằm sâu trong tâm trí được kế thừa từ quá trình tiến hóa. Tất cả cộng hưởng lại, mang tới nhận thức rằng người đối diện bạn có xinh đẹp hay không, quá trình này, đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa thật sự hiểu rõ. Nhưng dù lý do là gì đi chăng nữa, những người sống trong cùng một thời kỳ và trong cùng một nền văn hóa thường có xu hướng đồng tình với nhau về tiêu chuẩn sắc đẹp, và những tiêu chuẩn này ảnh hưởng lên nhận định của họ một cách vô thức. Các nhà tâm lý học thường trích lời nhà thơ Cổ đại người Hy Lạp Sappho khi tranh luận về vấn đề này: “Thứ gì đẹp thì cũng sẽ tốt, và ai là người tốt sẽ sớm trở nên đẹp”. Các nghiên cứu cho thấy bạn thường đồng tình với nhận định này của Sappho dù bạn có nhận thức được điều đó hay không. Không hề nhận thức được về những quá trình sinh học và tâm lý học, những phản ứng hóa học chịu ảnh hưởng xã hội xảy ra trong não bộ, bạn có xu hướng tin rằng thứ gì đẹp thì sẽ tốt hơn, dù bạn đang đánh giá nó về những khía cạnh chẳng liên quan gì tới vẻ ngoài. Sự tự nghiệm cảm xúc khiến bạn vô thức tìm kiếm những thứ được coi là đẹp trong nền văn hóa và thời kỳ của mình, nhưng sau đó, bạn lại cố gắng hợp lý hóa lý do mình làm vậy, bất kể bạn có thực sự biết chúng đến từ đâu hay không.
Vào năm 1972, Karen Dion, Ellen Berscheid và Elaine Walster đã thực hiện một nghiên cứu để khám phá xem tại sao vẻ đẹp ngoại hình có thể đơn thương độc mã tạo nên hiệu ứng hào quang. Họ nói với đối tượng nghiên cứu rằng các nhà khoa học đang tìm hiểu về độ chính xác của ấn tượng ban đầu. Mỗi người được nhận ba phong bì, trong mỗi phong bì có chứa một bức ảnh mà các nhà nghiên cứu đã chấm điểm trước trên thang đo về độ hấp dẫn của người mẫu. Những ảnh này - một ảnh chụp người mẫu rất đẹp, ảnh khác chụp một người trung bình, và ảnh cuối chụp một người không được hấp dẫn lắm - đều kèm theo một thẻ điểm. Các đối tượng nghiên cứu sẽ nhìn ảnh, rồi đánh giá hai mươi bảy đặc điểm tính cách trên thang điểm sáu. Tiếp theo, các đối tượng phải đặt những bức ảnh cạnh nhau và đánh giá xem ai trong số ba người này có khả năng thể hiện mạnh nhất trên từng đặc điểm. Các đặc điểm này vô cùng đa dạng, bao gồm những thứ như tính vị tha, độ kiên định, sự phức tạp, hay mức độ phóng khoáng trong tình dục. Các nhà khoa học còn cho những người tham gia thí nghiệm định mức độ hạnh phúc của những người trong ảnh trong các khía cạnh của cuộc sống như là hôn nhân hay nuôi dưỡng con cái. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu lần lượt đưa ra các nghề nghiệp và yêu cầu đối tượng chọn người phù hợp nhất với nghề đó. Kết quả cho thấy trong mọi giai đoạn của cuộc thí nghiệm, khi không có thông tin để dựa vào, người ta thường cho rằng những người có bề ngoài hấp dẫn sở hữu những đặc điểm tốt nhất, vượt trội hơn những người kém hấp dẫn hơn. Một lần nữa, tất cả những gì mà các đối tượng thí nghiệm nhìn thấy chỉ là những khuôn mặt trên ảnh. Một người càng có vẻ ngoài hấp dẫn, thì càng dễ được đánh giá là đang hạnh phúc, vui vẻ trong cuộc sống hôn nhân, công việc, và càng có kinh nghiệm trong việc nuôi con. Người trong ảnh càng xinh đẹp, thì các đối tượng thí nghiệm lại càng dễ cho rằng họ là người có một công việc đáng kỳ vọng.
Theo như nhận định của Dion, Berscheid và Walster, hiệu ứng hào quang gây ra xu hướng áp đặt điểm hấp dẫn ngoại hình lên mọi khía cạnh khác của một người, và nó có thể dẫn đến hai vấn đề. Thứ nhất, một người có ngoại hình đẹp không chỉ có lợi thế từ vẻ ngoài, mà còn được đối xử như thể họ sở hữu hàng loạt những đặc điểm tốt đẹp khác, và điều này mang đến cho họ càng nhiều lợi ích. Thứ hai, sau hàng năm trời với quá nhiều đặc quyền như vậy, những người có ngoại hình tốt này sẽ có xu hướng tin và hành xử như thể họ thực sự sở hữu những tính cách tốt đẹp mà những người xung quanh gán cho họ. Họ sẽ dần tin rằng mình cũng tốt bụng, thông minh và tất tần tật mọi tính cách khác mà hiệu ứng hào quang tạo nên trong mắt những người xung quanh - bất kể điều này có phải là thật hay không.
Lợi ích mà hiệu ứng hào quang mang lại cho những người xinh đẹp hiển hiện ở khắp mọi nơi. Vào năm 1974, hai nhà tâm lý học David Landy và Harold Sigall đã công bố nghiên cứu của mình. Trong nghiên cứu này, họ phát những bài luận cho các đối tượng đánh giá. Một số đối tượng nhận được bài luận kèm với ảnh của một người phụ nữ mà các nhà khoa học cho là hấp dẫn, nhóm còn lại thì nhận được bài luận với ảnh của một người phụ nữ kém sắc hơn. Các nhà khoa học, sau đó, yêu cầu các đối tượng đánh giá chất lượng của bài viết mà không hề nhắc gì tới những bức ảnh này. Kết quả cho thấy, người phụ nữ trong ảnh càng hấp dẫn thì bài luận kèm theo càng được đánh giá cao. Khi được hỏi về độ sáng tạo nói chung và mức độ sâu rộng của ý tưởng được thể hiện, những bài luận kèm theo ảnh của người phụ nữ đẹp được đánh giá cao hơn ở cả hai khía cạnh này. Thực tế là tất cả các đối tượng đều được đọc chung một bài luận. Điểm khác biệt duy nhất là bức ảnh kèm theo. Khi các nhà nghiên cứu thực hiện lại thí nghiệm này với bài luận được cố tình viết một cách dở tệ, đánh giá của hai nhóm đã có sự chênh lệch rất lớn. Theo như nhận xét của Landy và Sigall, bạn trông đợi người có bề ngoài hấp dẫn mang lại kết quả tốt, tuy nhiên, khi họ thất bại, khả năng để bạn bỏ qua cho họ cũng cao hơn.
Một nghiên cứu tương tự cũng được thực hiện bởi Margaret Clifford và Elaine Walster vào năm 1973. Họ phát cho hơn 500 giáo viên dạy lớp năm các tệp tài liệu về học sinh mới, trong đó bao gồm thông tin về khả năng học tập, một bảng báo cáo kết quả và một bức ảnh. Những giáo viên này được cho biết rằng việc này sẽ giúp nhà trường kiểm tra tính hiệu quả và tác dụng của hệ thống lưu trữ tài liệu. Tất cả các tệp tài liệu này thực ra đều giống nhau, và điểm số trên bảng báo cáo kết quả đều cao hơn mức trung bình nhiều. Điểm khác biệt duy nhất là bức ảnh mà mỗi giáo viên nhận được.
Cần nói thêm là, trước đó, các nhà nghiên cứu cũng đã chọn ra một nhóm hai mươi giáo viên để đánh giá ngoại hình của những học sinh lớp năm qua ảnh. Từ kết quả này, họ lấy mười hai ảnh, trong đó có ba nam và ba nữ ngoại hình tốt nhất cùng với bộ ba nam và ba nữ khác được cho là kém sắc nhất.
Quay trở lại thí nghiệm với 500 giáo viên, các nhà tâm lý học đã yêu cầu họ sử dụng tệp thông tin được phát để ước lượng chỉ số IQ của từng đứa trẻ, mức độ hòa nhập với bạn bè, thái độ của phụ huynh với nhà trường và khả năng đứa trẻ đó bỏ học. Thông tin được phát ra cho mỗi giáo viên là y hệt nhau, chỉ có bức ảnh là khác. Bạn thử đoán xem họ đã nói gì? Kết quả thu được trùng khớp với những gì các nhà tâm lý học dự đoán về ảnh hưởng của hiệu ứng hào quang. Học sinh càng có ngoại hình tốt, thì càng dễ được giáo viên đánh giá là có IQ cao, có phụ huynh tích cực tham gia vào việc giáo dục, dễ được bạn bè yêu mến và có khả năng bỏ học thấp. Khi được hỏi lý do dẫn đến đánh giá này, những giáo viên tham gia thí nghiệm hiếm khi nhắc tới ngoại hình của đứa trẻ.
Vào năm 1975, nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Harold Signal và Nancy Ostrove đã cho thấy những tên tội phạm sẽ được xử nhẹ hơn nếu có vẻ ngoài hấp dẫn. Trong một phiên tòa giả, các nhà nghiên cứu đã cho các đối tượng tham gia đọc cáo trạng về một vụ trộm. Trước đó, họ đã được đọc qua tiểu sử của bị cáo kèm theo bức ảnh của một người phụ nữ quyến rũ hoặc xấu xí. Họ thông báo với các đối tượng rằng người phụ nữ này có tội và cho phép họ lựa chọn bản án thích hợp giữa một và mười lăm năm tù giam. Người phụ nữ xinh đẹp nhận bản án trung bình là ba năm. Người phụ nữ xấu thì phải chịu mức án trung bình là năm năm - mức án tương tự như trong thí nghiệm đối chứng, khi các nhà nghiên cứu không đưa ra hình ảnh của bị cáo.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vẻ đẹp bề ngoài khiến bạn sử dụng hiệu ứng hào quang để bẻ cong thực tại, chỉ riêng việc viết về chúng cũng đủ chiếm trọn cuốn sách này. Vẻ đẹp có khả năng biến người ta thành ngôi sao trong mắt những người xung quanh trước cả khi họ thực sự nổi tiếng, bất kể giới tính hay khuynh hướng tính dục của họ thế nào. Bạn có xu hướng cho rằng những người có vẻ ngoài đẹp đẽ thông minh hơn, tháo vát hon, có khả năng làm tốt bất kể nghề gì họ chọn, và về cơ bản là hạnh phúc hơn so với phần còn lại của thế giới. Nói một cách ngắn gọn, như Landy và Sigall đã chỉ ra, bạn trông đợi nhiều hơn ở những người này, thậm chí từ trước cả khi bạn thực sự biết thêm gì về họ. Và khi họ không thỏa mãn những gì bạn trông đợi, bạn sẽ tỏ vẻ bao dung, cho họ có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân hơn so với những người kém cân đối, kém thon gọn, không có cơ bắp hay kém nở nang hơn, bất kể bạn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa hay thời kỳ nào.
Tâm lý học gọi cái nhìn toàn diện của bạn về người khác là đánh giá toàn cục. Như bạn có thể thấy, đánh giá của bạn về chiều cao hay vẻ đẹp của một người có sức ảnh hưởng rất lớn lên những khía cạnh khác, và dĩ nhiên, cũng tồn tại nhiều loại đánh giá toàn cục khác có khả năng tạo nên hiệu ứng hào quang. Khi nói tới ban nhạc yêu thích, vị đạo diễn mà bạn hâm mộ, những nhãn hàng hay công ty mà bạn ưa chuộng, bạn thường tự dối mình về những điểm yếu của họ. Ví dụ, khi thực sự hâm mộ một ca sĩ hay ban nhạc, bạn có xu hướng bỏ qua cho những tác phẩm tệ nhất của họ, dễ dàng hơn nhiều so với những người hâm mộ ít cuồng nhiệt hơn. Có thể bạn sẽ bảo vệ album mới ra mắt của họ, giải thích từng điều nhỏ nhặt cho những người không quan tâm, và tự hỏi không hiểu tại sao họ lại thờ ơ như vậy. Hoặc giả như bạn thực sự yêu thích một vị đạo diễn hoặc tác giả nào đó, và tin rằng người này là một thiên tài, một người không bao giờ làm sai điều gì. Khi các nhà phê bình chê bai bộ phim hay cuốn sách mới nhất của thần tượng, bạn sẽ phản ứng ra sao? Như hầu hết các fan cuồng khác, có lẽ bạn sẽ coi những người phê bình như kẻ thù, những kẻ vạch lá tìm sâu đang say sưa trong cơn ghét bỏ vô lý. Hiệu ứng hào quang sẽ vô hiệu hóa tính khách quan của bạn. Bạn chấm điểm những thứ mình yêu thích và những người tạo ra chúng trên biểu đồ do chính cảm xúc của bạn vẽ nên. Những sản phẩm mới của họ hưởng lợi từ những sản phẩm cũ vốn đã gây dựng cảm xúc trong bạn từ trước. Một khi bạn nghĩ ai đó là thiên tài, bạn sẽ thấy mọi thứ người đó làm ra là tuyệt phẩm.
Vào năm 1977, hai nhà tâm lý học Richard Nisbett và Timothy Wilson đã cho thấy nhận xét toàn cục có thể bóp méo thực tại của một người như thế nào bằng cách cho những sinh viên đại học Mỹ được tiếp xúc với chất giọng Bỉ.
Các sinh viên được phổ biến rằng các nhà khoa học muốn biết đánh giá về giáo viên ngay khi mới tiếp xúc có giống với đánh giá sau khi kỳ học kết thúc không. Các sinh viên tham gia thí nghiệm không biết rằng họ đã được chia thành hai nhóm, và mỗi nhóm đều gặp cùng một giáo sư. Ông này trả lời cùng những câu hỏi bằng chất giọng Bỉ của mình, nhưng lại sử dụng thái độ khác nhau với mỗi nhóm.
Các sinh viên được xem video vị giáo sư trả lời các câu hỏi về phong cách dạy học của mình. Ví dụ, trong một video, khi được hỏi cách ông tổ chức những buổi thảo luận nhóm, ông nói mình thường xuyên khuyến khích việc này vì nó mang lại hiệu ứng “cho và nhận” thông tin, ngoài ra, thảo luận nhóm còn khiến chủ đề trở nên thú vị hơn. Ở video còn lại, khi được hỏi câu tương tự, vị giáo sư lại nói cần phải phân định rạch ròi vai trò giữa học sinh và giáo viên, và học sinh nên im lặng và lắng nghe thì hơn. Ông khẳng định mình “nếu không hiểu biết hơn lũ sinh viên, thì ông đã chẳng là giáo sư”. Như vậy là với một nhóm, vị giáo sư nói giọng Bỉ đã tỏ ra nồng hậu và thân thiện, còn với nhóm còn lại thì ông là một người lạnh lùng và nghiêm khắc. Các nhà nghiên cứu còn tiến xa hơn bằng cách cho phiên bản tốt bụng của vị giáo sư thông báo rằng ông đưa ra các bài kiểm tra dễ để chúng trở thành công cụ thúc đẩy những suy nghĩ tự do. Phiên bản khó tính của vị giáo sư thì lại cho rằng phải cho sinh viên làm bài kiểm tra nhỏ hàng tuần bởi ông không tin vào tính tự giác đọc bài của họ.
Sau khi xem những đoạn băng này, hai nhóm sinh viên được yêu cầu điền vào bảng đánh giá giáo viên, mà họ được thông báo là một phần của một thí nghiệm khác. Trong bảng đánh giá này, các sinh viên phải trả lời xem họ có thích học lớp của vị giáo sư nói trên không, và phải đánh giá các đặc điểm của ông như là tác phong và diện mạo. Câu hỏi quan trọng nhất trong bảng này, thứ được dùng để xác định hiệu ứng hào quang trong bộ não của các đối tượng, là câu hỏi: Họ cảm thấy giọng nói của vị giáo sư hấp dẫn hay khó chịu?
Kết quả cho thấy những sinh viên được tiếp xúc với phiên bản ấm áp và thân thiện của vị giáo sư cho rằng ông ta có bề ngoài hấp dẫn, có phong thái lịch sự, và giọng nói của ông không phải là vấn đề gì to tát. Một nửa thậm chí còn thấy giọng nói đó nghe rất dễ chịu. Đa phần trong nhóm còn lại, những người phải thấy một vị giáo sư lạnh lùng và nghiêm khắc, đã nghĩ ông ấy có ngoại hình khó ưa và phong thái lập dị. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở câu trả lời về giọng nói của ông. 80% trong số những người tiếp xúc với phiên bản lạnh lùng đã nhận định giọng nói của vị giáo sư rất khó chịu. Cả hai nhóm đều được nghe một vị giáo sư nói chuyện trong lúc ông mặc cùng một bộ quần áo, nói bằng cùng thứ giọng lơ lớ tiếng Bỉ, nhưng một nhóm thì thấy ông nói chuyện vui vẻ, còn nhóm kia lại thấy rát tai. Điều duy nhất khác biệt giữa hai phiên bản chỉ là những từ ngữ mà vị giáo sư đã sử dụng với chất giọng Bỉ của mình. Với một nhóm, giọng nói này đơn giản chỉ là một lý do nữa để thêm yêu thích người giáo viên dễ tính, thường nói lòng vòng và mơ mộng. Đối với nhóm còn lại, giọng nói đó lại là một lý do nữa khiến họ đến tưởng tượng cũng không thể tìm ra cách để chịu đựng ông suốt cả kỳ học. Giọng nói không hề khác đi; chỉ có vầng hào quang đã bị thay đổi. Khi được hỏi ở cuối buổi nghiên cứu rằng liệu thái độ của vị giáo sư có phải là nhân tố ảnh hưởng đến cách mà họ cảm nhận giọng nói của ông không, hầu hết các đối tượng đều cho là không phải. Họ không hề biết rằng hiệu ứng hào quang đã thay đổi cái nhìn của họ về thực tại.
Đôi khi, bạn có thể nhận ra những người xung quanh đang chịu tác động của hiệu ứng hào quang, nhất là trong những trường hợp cực đoan - ví dụ như những bậc phụ huynh cưng chiều con quá mức hoặc những tay hâm mộ quá khích. Nói cho cùng thì cảm xúc của bạn lúc bấy giờ cũng khác của họ, và chỉ vậy là đủ để phá vỡ bong bóng ảo tưởng. Nghĩa là đôi khi, những người khác cũng có thể nhìn thấu bạn. Nhưng không ai có thể chắc chắn khi nào thì những đánh giá toàn cục của mình đang chặn đứng quá trình phân tích hợp lý và công bằng về một đặc điểm nhất định, đơn giản như là giọng nói hay nụ cười.
Việc không ưa thích giọng nói của một người chỉ là một ví dụ rất nhỏ về sức ảnh hưởng của hiệu ứng hào quang lên hành vi của chúng ta. Sức công phá của hiệu ứng này thậm chí còn rộng khắp và khôn lường hơn nhiều. Vào năm 1976, các nhà tâm lý học Glen Foster và James Ysseldyke đã thực hiện một nghiên cứu mà trong đó, họ tập hợp một số giáo viên tiểu học với kinh nghiệm giảng dạy khoảng mười năm, chia họ ra thành bốn nhóm một cách ngẫu nhiên. Các giáo viên được phổ biến rằng thí nghiệm này là về cách đánh giá học sinh mới, và mỗi nhóm được nhận một mô tả riêng về học sinh này. Nhóm thứ nhất nghĩ mình sẽ đánh giá trẻ mắc chứng rối loạn cảm xúc. Nhóm thứ hai được biết đứa trẻ đó mắc chứng khó tiếp thu. Nhóm thứ ba thì được phổ biến là đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ. Nhóm cuối cùng đóng vai trò làm nhóm đối chứng và không được biết trước về học sinh của mình.
Sau khi tiếp nhận thông tin, mỗi giáo viên trong các nhóm được xem cùng một đoạn video về một đứa trẻ học lớp bốn thực hiện hàng loạt các hoạt động. Cậu bé này được lựa chọn dựa trên một loạt những bài kiểm tra từ khả năng trí tuệ, thể chất cho tới diện mạo (tất nhiên, điều này không được tiết lộ cho các giáo viên) sao cho mọi chỉ số đều ở mức trung bình đối với một đứa trẻ lớp bốn. Trên đoạn băng, cậu bé phải thực hiện một số bài kiểm tra trí tuệ và thể chất trước khi được cho phép chơi tự do. Sau khi đoạn băng kết thúc, giáo viên phải đánh giá đứa trẻ mà họ vừa theo dõi. Các nhà khoa học cũng yêu cầu những giáo viên này điền vào một bảng câu hỏi tính cách trong khi đặt mình vào vị trí của đứa trẻ, trả lời theo cách mà họ tin rằng cậu bé trong đoạn video sẽ làm. Sau khi tập hợp lại, các nhà nghiên cứu thu được kết quả đúng như bạn có lẽ đã đoán được. Những giáo viên tin rằng đứa trẻ bị rối loạn, chậm hiểu hay chậm phát triển đều đưa ra những đánh giá ngặt nghèo hơn so với nhóm đối chứng. Nhóm này không nhận được thông tin gì trước đó, bởi thế, họ không đặt ra kỳ vọng nào cả. Những người trông đợi rằng đứa trẻ sẽ làm mọi việc một cách kém cỏi đã thấy kết quả đúng y như vậy, mặc dù tất cả họ đều xem một đoạn băng y hệt nhau, cùng một đứa trẻ thực hiện cùng những hành động. Đối với những người không mang định kiến, đứa trẻ bình thường này đã thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao một cách hoàn toàn chấp nhận được, và trông không có vẻ gì khác một cậu học sinh lớp bốn thông thường. Ngược lại, ba nhóm giáo viên còn lại đã thấy một đứa trẻ phải vật lộn để nghe hiểu, phải chiến đấu với những con quái vật vô hình nho nhỏ, và là một đứa trẻ tật nguyền. Những người tin rằng cậu bé này kém phát triển đã chấm điểm thấp nhất so với các nhóm còn lại.
Các nhà tâm lý học đã đồng tình rằng đây là hệ quả của hiệu ứng hào quang. Những giáo viên không được nhận thông tin gì trước khi xem đoạn video đã đi đến kết luận dựa vào những gì họ thấy. Những người khác thì đã biết một "sự thật" về đứa trẻ từ trước, và điều đó nhuốm màu lên mọi đánh giá của họ sau này. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, hiệu ứng hào quang đã khiến các giáo viên cố gắng giữ vững niềm tin ban đầu và chống lại những dấu hiệu đối nghịch một cách vô thức. Thay vì cập nhật thông tin chính xác dựa trên những gì đang thấy, thay vì ghi nhận rằng cậu bé đã phá vỡ những gì họ trông đợi, những giáo viên này lại ép cậu vào khuôn khổ được tạo ra bởi hiệu ứng hào quang. Mối nguy hại của hiệu ứng này vậy là quá rõ ràng. Nó có thể dễ dàng tạo nên một lời tiên tri tự hoàn thành19, thái độ sẽ thay đổi hành vi, và cứ thế quay vòng quanh người vừa cho đi và vừa nhận lại những cái mác được tạo ra bởi hiệu ứng hào quang.
Các chính trị gia và các tập đoàn kinh doanh phải dựa vào hiệu ứng hào quang để tồn tại. Ngày nay, cho dù là trong chiến dịch tranh cử hay chiến dịch quảng bá mặt hàng mới, bất kỳ tổ chức nào cũng sống chết cùng danh tiếng của mình, và bởi vậy, họ phải đầu tư tiền bạc và thời gian để nâng cao cảm giác mà người khác có được về chất lượng sản phẩm, đường lối chính sách hay hành động của mình. Nếu một chính trị gia thể hiện được sự gần gũi, thân thiện và chân thành, người đó đã có thể giành được gần hết số phiếu bầu rồi. Các đánh giá ban đầu sẽ lan rộng và nâng tầm những khía cạnh khác. Và lỗi lầm sẽ nhanh chóng được bỏ qua.
Đây chính là lý do tại sao đối với các doanh nghiệp, việc quản lý hình ảnh, và nắm bắt được những gì công chúng đang nói về họ, cả ở trong những cuộc đối thoại riêng tư lẫn trong “căn phòng vọng âm” là mạng Internet, lại quan trọng đến thế. Công ty có hình ảnh tốt hơn nắm giữ khả năng chiến thắng cao hơn đối thủ cạnh tranh, cho dù trong những mặt khác, đối thủ của họ có tốt đến đâu đi chăng nữa. Đây cũng là lý do tại sao những câu chuyện hàng ngày trong giới doanh nghiệp luôn xoay quanh việc ai đang thắng, ai đang dẫn đầu, ai đang được yêu thích và ai đang bị ghét bỏ. Câu chuyện về doanh nghiệp được ưa thích cũng giống như câu chuyện về những cá nhân xinh đẹp hay cao lớn được nói ở trên. Bạn sẽ trông đợi những điều tốt đẹp từ họ, và cũng sẵn sàng tha thứ khi họ mắc lỗi lầm. Ngược lại, một doanh nghiệp có “vầng hào quang tiêu cực” nếu mắc lỗi tương tự sẽ bị chì chiết và trù dập.
Sự tự nghiệm cảm xúc tinh giảm những phản ứng phức tạp và vô thức của bạn về một người, một công ty, một sản phẩm hay nhãn hàng xuống chỉ còn một ngón cái giơ lên hoặc chỉ xuống, những khía cạnh còn lại của thứ đó sẽ được đánh giá một cách nhẹ nhàng hoặc khắt khe hơn, tùy thuộc vào việc vầng hào quang ấy tích cực hay tiêu cực. Hiệu ứng hào quang rất dễ đoán và là một công cụ marketing đáng tin cậy, tới nỗi bây giờ có rất nhiều vầng hào quang trở thành những tổ chức được công nhận rộng rãi. Những giải thưởng danh giá như Putlizer hay Nobel, Câu lạc bộ Sách của Oprah, hay danh hiệu sách bán chạy do New York Times công nhận đều là những vầng hào quang mạnh mẽ có khả năng thực sự thay đổi nhận thức của bạn về nội dung của thứ mà nó phủ lên. Trong tự như vậy, một bài nhận xét chấm điểm hai sao cho một sản phẩm được viết khéo léo có thể khiến bạn lập tức cất ví vào túi.
Hiệu ứng hào quang khiến những khía cạnh của một người đáng ra có thể được đánh giá một cách khách quan và độc lập lại trở thành những ví dụ nhấn mạnh bản chất của anh ta. Những đặc điểm vốn rõ ràng khi được nhìn nhận một cách riêng rẽ lại bị biến đổi theo cách mà bạn nhận định khái quát về người đó. Khi bạn đang yêu, phiên bản khủng khiếp của bài hát Total Eclipse of the Heart qua giọng hát của người yêu trong một đêm karaoke vẫn có thể trở nên đáng yêu và ngọt ngào. Khi mối quan hệ của bạn trở nên gập ghềnh, giọng ca đó có thể khiến bạn sởn gai ốc. Nếu giáo sư của bạn là người vui vẻ và dễ tính, bạn có thể thấy sự cẩu thả và bừa bộn trong văn phòng ông cũng là một nét hấp dẫn. Còn nếu các bài kiểm tra của ông kéo điểm trung bình của bạn xuống, thì tính đãng trí lại trở thành điểm đáng ghét không thể chấp nhận nổi. Nếu đứa em gái của bạn vui tính và luôn khiến bạn cười, khi nó tới ăn tối muộn, bạn sẽ cho rằng đó chỉ là một nét tính cách ngớ ngẩn đáng yêu mà thôi. Nếu em bạn lại là đứa hay rầu rĩ và gắt gỏng, thì sự trễ hẹn của nó sẽ như cái gai trong mắt bạn. Như vậy, sự khách quan thực sự gần như không thể tồn tại trước những sắc thái muôn màu của mọi người xung quanh bạn. Cảm xúc của bạn khi nghĩ về mọi người đã thay đổi nhận thức của bạn về diện mạo, giọng nói, hành vi và mọi thứ khác ở họ. Nó tạo nên những lăng kính thay đổi tính chất của thông tin thô thu được từ các giác quan.
Đừng đặt ai đó, hay bất kỳ thứ gì, lên một bệ thờ, kể cả đứa con của bạn. Hãy tránh xa những nhãn mác chung chung như là thiên tài hay lập dị. Hãy nhớ rằng những người thân với bạn nhất luôn được hưởng lợi từ vầng hào quang mà bạn gán cho họ, cả những người xinh đẹp rạng rỡ nhất cũng vậy. Hãy ý thức được rằng chính hiệu ứng hào quang là thủ phạm khiến bạn nghĩ một người vốn hiền lành chỉ nhất thời nổi nóng, hay một người nóng tính chỉ thân thiện nhất thời. Hãy hiểu rằng chỉ cần một phẩm chất tốt hoặc một ký ức tốt là đủ để giữ lại trong đời bạn những người có thể gây hại nhiều hơn lợi. Đừng quên rằng khi một người tỏ vẻ thân thiện và sôi nổi, ngôn từ mà họ dùng sẽ được thay đổi ý nghĩa, ngược lại, khi vẻ ủ dột, kiêu kỳ hay xấu tính, nhận thức của bạn về cùng những ngôn từ đó cũng sẽ thay đổi, cùng với cả những đặc điểm khác của họ trong mắt bạn.
Khi đánh giá khả năng của một ai đó, hãy cố gắng giữ cho các đặc điểm mà bạn quan tâm tách biệt khỏi diện mạo, phong thái hay danh tiếng của họ. Hãy làm sao để người đó vô danh trong vòng đánh giá cuối cùng, rồi chấm điểm cho từng khía cạnh một cách độc lập. Nếu phải so sánh hai người, đừng so sánh toàn bộ con người họ. Thay vào đó, hãy so sánh trên từng mặt một. Hãy tạm che đi họ tên và ảnh chân dung, rồi tiến hành định lượng hóa và so sánh. Bạn càng phân tách được những thành tích, kỹ năng hay phẩm chất chi tiết đến chừng nào, thì những thứ này càng có ít khả năng ảnh hưởng lên cái nhìn toàn cảnh. Bạn không thể chống lại hiệu ứng hào quang một cách hoàn toàn, nhưng có kiến thức về nó có thể giúp bạn bớt ngu ngơ hơn.
Ở trạng thái bình thường, hiệu ứng hào quang là một hiện tượng lành tính, thậm chí còn tốt hơn sự soi mói lạnh lùng hay khách quan quá đáng. Tuy nhiên, nó có thể phản bội bạn trong những tình huống quá mới mẻ so với bình thường. Nếu bạn nắm giữ một vị trí quyền lực, hoặc ở một vị trí bị ảnh hưởng bởi quyền lực, hãy biết rằng những nhận xét và giả định của mọi người, từ giáo viên cho tới tướng tá, đều luôn có những sai lầm, bị lu mờ và nhuộm màu bởi những nhận định mang tính tổng thể và cảm xúc. Khi đưa ra những đánh giá về các nhân vật, ví dụ như khi chọn ứng cử viên để bỏ phiếu, hãy biết rằng những thứ như kinh nghiệm về kinh doanh, khả năng hùng biện, chiều cao hay độ cân đối hay việc người đó có thể uống bia cùng với bạn đều không hề vớ vẩn. Những điều này có khả năng tác động mạnh lên cách bạn đánh giá phẩm chất của họ. Việc những người xung quanh bạn có hoặc không có những phẩm chất nào đó là do họ được tô màu bởi vầng hào quang chói sáng hoặc đen tối mà bạn đã tạo nên và gắn cho họ ngay từ đầu.