Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 08
Sự lẫn lộn tác nhân gây hưng phấn ... Chương 7 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Bạn luôn biết chắc về nguyên nhân gây ra cảm xúc của mình.
SỰ THẬT LÀ:
Bạn có thể trải nghiệm cảm xúc mà không biết lý do tại sao, kể cả khi bạn tin rằng mình có thể xác định rõ được nguồn gốc của chúng.
Tỉnh British Columbia, Canada có một cây cầu treo rất dài và đáng sợ. Nó vắt vẻo ngang qua vực Capilano như thể thách thức những con người mạo hiểm nhất. Nếu đặt Nữ Thần Tự Do ở dưới đáy vực, tính cả bệ đỡ luôn ấy, thì cây cầu này sẽ vắt nhẹ qua đôi vai đồng của bức tượng. Nó có chiều rộng bằng khoảng một băng ghế công viên, đối lập hoàn toàn với chiều dài 140 mét. Và khi thử lấy hết can đảm băng qua cây cầu này, bạn sẽ thấy nó lắc lư theo những cơn gió thổi lên từ con vực kèm theo tiếng dây kêu kẽo kẹt đến là ghê răng. Rất khó để rời mắt khỏi những tảng đá và dòng nước chảy xiết bên dưới, cách chân bạn tới hơn 70 mét - khoảng cách đủ xa để bạn vẽ ra trong đầu một cái chết be bét và thảm khốc. Không phải ai cũng có thể đi hết cây cầu này.
Vào năm 1974, hai nhà khoa học Art Aron và Donald Dutton đã thuê một người phụ nữ đứng ở ngay giữa cây cầu treo này. Khi những người đàn ông đi ngang, cô ta có nhiệm vụ hỏi xem liệu họ có sẵn sàng làm một bản khảo sát không. Sau khi làm xong hết các câu hỏi, cô cho họ xem bức hình vẽ một người phụ nữ đang che mặt và yêu cầu họ bịa ra một câu chuyện để giải thích bức tranh. Cuối cùng, cô nói với mỗi người rằng cô sẵn sàng bàn luận sâu hơn về nghiên cứu này nếu anh ta muốn gọi cô vào tối hôm đó, và xé một mẩu giấy để viết số điện thoại của mình rồi đưa cho họ.
Các nhà khoa học chắc chắn những người đàn ông không thể phớt lờ nỗi sợ hãi khi đi qua cây cầu vắt vẻo này, và họ muốn biết một bộ não đang bị ám ảnh bởi sự lo lắng sẽ hiểu những điều đang diễn ra như thế nào. Để so sánh, họ làm thí nghiệm đối chứng trên một cây cầu khác không có khả năng gây ra sự sợ hãi. Họ tiếp tục nhờ nữ trợ lý nói trên thực hiện những việc tương tự tại một cây cầu gỗ lớn và chắc chắn, với độ cao chỉ vài mét so với mặt nước.
Sau khi thực hiện thí nghiệm này ở cả hai địa điểm, các nhà khoa học so sánh kết quả thu thập được và thấy rằng 50% những người đàn ông nhận được số điện thoại trên chiếc cầu treo nguy hiểm đã nhấc máy gọi cho cô gái. Trong khi đó, tỷ lệ những người gọi lại trong cuộc khảo sát trên chiếc cầu gỗ chắc chắn thì chỉ có 12,5%. Đó không phải là điểm khác biệt lớn duy nhất. Khi so sánh những câu chuyện được bịa ra dựa trên hình vẽ, họ thấy các đối tượng đứng trên cây cầu đáng sợ có xu hướng nghĩ ra những câu chuyện liên quan tới tình dục cao hơn gần gấp đôi so với các đối tượng còn lại.
Chuyện gì đã xảy ra ở đây vậy? Một cây cầu thì khiến cho những người đàn ông trở nên thích ve vãn và nôn nóng được tiếp chuyện với người phỏng vấn nữ hơn, cây cầu còn lại thì không. Để hiểu được điều này, bạn cần nắm rõ một khái niệm mà các nhà tâm lý học gọi là sự hưng phấn, đã được nhắc tới ở phần trước trong chương nói về sự bất hòa nhận thức, và việc người ta dễ dàng xác định sai nguồn gốc của nó ra sao. Nhầm lẫn về căn nguyên của cảm xúc có thể cứu vãn mối quan hệ, tạo nên những đam mê không thực, và khiến bạn có những hành vi và thái độ vừa cao cả lại vừa giả tạo.
Sự hưng phấn, dưới định nghĩa của tâm lý học, không chỉ giới hạn trong những trường hợp liên quan tới tình dục. Nó có thể gây ảnh hưởng lên tâm trí bạn theo nhiều cách khác nhau. Chắc chắn là bạn đã từng cảm thấy tim đập nhanh, tập trung cao độ, bàn tay ướt mồ hôi, miệng khô, hít vào thật sâu và thở ra cũng thật dài. Trạng thái thức tỉnh, cảnh giác và nhận thức cao hơn bình thường này chính là lúc tâm trí bạn đang tập trung hết mức. Nó không giống hành động chớp nhoáng lăn-ra-khỏi-giường-và-bật-dậy khi chuông báo thức kéo giật bạn ra khỏi giấc ngủ sâu. Không, sự hưng phấn kéo dài và hoàn chỉnh; nó được xây đắp dần lên tới điểm bão hòa. Sự hưng phấn đến từ sâu thẳm trong bộ não, từ những vùng sơ khai thuộc hệ thần kinh tự trị, nơi những tín hiệu vào và ra được theo dõi sát sao, cũng là nơi chiếc hộp kính bảo vệ cái nút đỏ Chiến-Đấu-hay-Bỏ-Chạy đang sẵn sàng để bị đập vỡ. Bạn, trong lúc này, có cùng tâm trạng với một người lính đang chờ đợi xem liệu mình có mất mạng vì quả đạn pháo tiếp theo hay không, với một nhạc công bước lên sân khấu mà khán đài đã chật kín người, hoặc một thành viên trong đám đông được kích thích bởi một bài phát biểu hùng hồn. Bạn có cảm giác như thể đang ở trong một nhóm người hát hò và gõ trống quanh đống lửa trại, như một thành viên của một giáo đoàn truyền đạo đang lắc lư theo nhịp hát Thánh ca, hay như một người trong cặp đôi quay cuồng giữa sàn nhảy chật ních. Mắt bạn nhòe lệ. Bạn muốn được khóc và cười cùng một lúc. Bạn cảm thấy như muốn bùng cháy.
Những người đàn ông trên cầu đã trải nghiệm trạng thái cao độ này trong nhận thức, cảm thấy sự sợ hãi và nỗi lo âu được nhân lên gấp bội, và khi họ được gặp một người phụ nữ quyến rũ, những cảm xúc này vẫn tiếp tục chảy vào tim và đầu họ, nhưng nguồn gốc của chúng lại bị xáo trộn. Đó là bởi cây cầu đáng sợ hay là vì người phụ nữ? Liệu cô ấy đang tỏ vẻ lịch thiệp thôi, hay là cô ấy thực sự có ấn tượng với mình? Tại sao cô ấy lại chọn mình? Tim mình đang đập thình thịch; có phải cô ấy đã làm mình cảm thấy như vậy? Khi Aron và Dutton thực hiện lại thí nghiệm này với một người phỏng vấn nam (và vẫn với những đối tượng là nam), sự khác biệt trong nội dung của các câu chuyện kể đã biến mất. Những người đàn ông lúc này không còn coi người phỏng vấn là nguyên nhân tiềm tàng cho sự hưng phấn của họ nữa hoặc nếu có thì họ cũng đã kìm nén những suy nghĩ đó. Sự lẫn lộn về tác nhân gây hưng phấn cũng biến mất khi thí nghiệm được thực hiện trên một chiếc cầu chắc chắn như đã nói đến ở trên. Không ở trong trạng thái kích thích cao độ, họ không có gì cần phải giải thích cả. Nghe lời trực giác, Aron và Dutton đã quyết định dời thí nghiệm này ra khỏi thế giới thực với những biến số không thể kiểm soát, và cố gắng tìm lời giải từ một hướng khác - trong phòng thí nghiệm.
Ở phiên bản khác của nghiên cứu này được thực hiện trong phòng thí nghiệm, từng sinh viên nam đã đi vào một căn phòng đầy những dụng cụ khoa học điện tử tinh vi. Một nhà nghiên cứu đã tiếp đón bằng việc hỏi liệu anh có nhìn thấy một sinh viên khác đang lang thang quanh đó không. Khi sinh viên nam này trả lời không, nhà khoa học giả vờ như chạy đi tìm kiếm đối tượng còn lại, để cho anh này ở lại một mình đọc những tài liệu liên quan tới khả năng ghi nhớ và những cú giật điện đau đớn. Khi các nhà nghiên cứu cho là đã đủ lâu, họ dẫn một diễn viên đóng giả làm nữ sinh tình nguyện tham gia thí nghiệm vào phòng. Nam sinh sẽ ngồi cạnh đối tượng mới tới và nghe nhà khoa học giải thích rằng một trong hai người sắp phải chịu giật bởi một luồng điện hoặc là rất kinh khủng, hoặc là chỉ rất nhẹ “như muỗi đốt”. Sau khi phổ biến xong, nhà khoa học tung đồng xu để xác định xem ai phải chịu mức giật nào. Thực ra họ chẳng định giật điện ai cả, họ chỉ muốn dọa cho nam sinh viên sợ chết khiếp mà thôi. Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phát bảng câu hỏi trong tự như bảng đã sử dụng trong thí nghiệm trên cầu, có cả câu hỏi dựng chuyện để giải nghĩa cho hình vẽ, và yêu cầu đối tượng trả lời trong khi họ đi chuẩn bị máy giật điện.
Bản khảo sát này yêu cầu các nam sinh viên phải đánh giá mức độ lo sợ và mức độ bị cuốn hút bởi đối tượng nữ. Đúng như các nhà khoa học đã dự đoán, kết quả ở đây khớp với những gì thu được từ cây cầu treo. Những người nghĩ mình sắp phải nhận một cú giật điện đau đớn đánh giá độ lo lắng của họ và sức hấp dẫn của người phụ nữ cao hơn nhiều so với những người chỉ đang trông đợi một cú giật nhẹ, về những câu chuyện được dựng lên theo hình vẽ, một lần nữa, các sinh viên nam càng lo sợ thì hình ảnh mà họ tưởng tượng ra càng mang tính tình dục cao hơn. Sau khi mọi việc xong xuôi, các đối tượng đã được nghe giải thích ngắn gọn và được cho biết là họ sẽ không phải chịu sự tra tấn điện giật nào cả.
Thí nghiệm của Aron và Dutton đã cho thấy khi cảm thấy hưng phấn, theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ tìm một bối cảnh, một lời giải thích cho cảm giác sống động của mình. Cuộc tìm kiếm ý nghĩa này diễn ra một cách hoàn toàn tự động và vô thức. Nhưng bất kể câu trả lời có là gì, thì bạn cũng sẽ không thắc mắc về nó, bởi bạn không nhận ra chính mình đang là người đặt câu hỏi. Giống như những người đàn ông đứng trên cầu treo, đôi khi bạn tự bịa ra những lời giải thích cho cảm xúc của bản thân, tin vào câu chuyện đó và cứ thế đi tiếp. Để giải thích cho khuôn mặt méo mó và nụ cười nhăn nhở của bạn sau khi dùng mescalin24 ở lễ hội Burning Man25, với gậy phát sáng đang khua khoắng loạn xạ theo nhịp kèn bassoon, thì rất dễ. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến dòng máu cuộn trào trong bạn sẽ khó đoán hơn, nếu tình huống là bạn vừa mới uống một lon Red Bull trước khi vào phòng chiếu tối om để xem phim hành động. Bạn không thể biết chắc nguyên nhân là từ những vụ nổ trên màn ảnh hay là từ thứ nước trộn caffeine và taurine, nhưng ôi chao, bộ phim này thật tuyệt vời. Trong rất nhiều trường hợp, bạn có thể không biết hoặc không nhận ra điều gì đã khiến bộ máy sinh lý của mình rơi vào trạng thái bị kích thích, và bạn sẽ đổ lỗi một cách sai lầm cho yếu tố nào đó trong môi trường xung quanh. Theo các nghiên cứu, bạn có xu hướng nghĩ nguyên nhân khiến bạn hưng phấn là do những người ở gần. Những năm sinh đang chờ bị giật điện đã nhầm lẫn cho rằng nhịp tim của họ tăng là bởi người phụ nữ ngồi cạnh. Aron và Dutton đã tập trung vào các cảm xúc sợ hãi và lo lắng, nhưng các nghiên cứu từ các năm sau đó đã cho thấy việc xác định nguyên nhân của hầu hết các trạng thái cảm xúc đều có thể bị lẫn lộn, và điều này dẫn tới những phát hiện quan trọng trong việc làm thế nào để giữ những cuộc hôn nhân bền vững.
Vào năm 2008, nhà tâm lý học James Graham đã thực hiện nghiên cứu để tìm ra những hoạt động nào giúp gắn kết hai người bạn đời. Ông đã trang bị cho hai mươi cặp đôi đang chung sống những thiết bị điện tử nhỏ để luôn mang bên mình trong thời gian diễn ra nghiên cứu. Bất cứ khi nào những thiết bị này phát chuông, các cặp đôi sẽ phải dùng nó để nhắn tin cho các nhà khoa học biết lúc ấy họ đang làm gì. Sau đó, họ phải trả lời một vài câu hỏi về tâm trạng hiện tại và cảm xúc của mình với người bạn đời. Sau hơn 1000 khoảnh khắc đổ-chuông-và-báo-cáo này, Graham đã xem lại những dữ liệu thu thập được và phát hiện ra rằng những cặp đôi thường xuyên thực hiện những công việc khó khăn cùng nhau có xu hướng thích nhau nhiều hơn. Sau thí nghiệm, ông nhận thấy các cặp đôi có xu hướng xích lại gần nhau hơn, gắn kết với nhau tốt hơn và yêu thương nhau nhiều hơn khi những kỹ năng của họ thường xuyên bị thách thức. Chỉ dành thời gian bên nhau là không đủ. Những loại hoạt động mà họ cùng tham gia với nhau mới mang tính sống còn, Graham kết luận rằng bởi con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi bạn được thỏa mãn nhu cầu này bằng cách kết hợp, học hỏi từ người yêu hay người bạn nào đó, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.
Thí nghiệm này mở ra cánh cửa cho điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra bởi hiệu ứng lẫn lộn tác nhân gây cảm xúc. Nếu giống như những người tham gia vào nghiên cứu nói trên, bạn sẽ ngày càng kiên cường sau những thử thách (dù chỉ là phải tự sửa lại căn bếp hay học điệu nhảy Dougie). Việc trở nên thông thái hơn, tự khai mở tiềm năng của bản thân sẽ mang lại cho bạn cảm giác lâng lâng tuyệt vời - chính cảm xúc này là thứ sẽ phần nào đó bị lẫn lộn, và được cho là xuất hiện cùng với sự có mặt của người còn lại. Bạn sẽ tự tạo nên một phản ứng có điều kiện, cho rằng mối quan hệ của mình là nguồn gốc cho những cảm xúc tích cực, và từ đó, sợi dây kết nối giữa bạn với đối phương sẽ càng khó bị cắt đứt. Ngay từ những ngày đầu của một mối quan hệ, chỉ bằng việc học cách liên hệ bản thân với người còn lại, đọc vị những dấu hiệu không lời của anh ấy/cô ấy, nắm bắt những cơn bùng phát cảm xúc thất thường và ghi nhớ thói quen ăn uống của họ cũng đã là một bài tập phát triển bản thân dành cho bạn rồi. Tần suất của những bài tập mới mẻ này có thể bị giảm xuống khi mối quan hệ kéo dài hơn, và cuộc sống của hai người dần ổn định thành những thói quen. Đó là một trong số những nguyên nhân khiến sợi dây liên hệ của hai người dường như bị yếu đi. Để củng cố nó, bạn sẽ cần có kích thích từ nghịch cảnh, có khi chỉ cần một tình huống nhân tạo là đủ. Đăng ký học lớp khiêu vũ hay bắt cặp với nhau trong một trận golf mini sẽ có khả năng giữ cho ngọn lửa tình yêu của bạn bùng cháy mạnh mẽ hơn nhiều so với những ly rượu vang hay những bản tình ca của Marvin Gaye.
Sự hưng phấn mà bạn có xu hướng xác định sai nguyên nhân cũng có thể tới từ bên trong, đặc biệt là khi bạn thấy mình đang ở vị thế không được chính danh lắm về mặt đạo đức. Vào năm 1978, Mark Zanna và Joel Cooper đã đưa những viên thuốc giả cho một nhóm những người tham gia thí nghiệm. Họ nói với một nửa số người trong nhóm này rằng việc uống thuốc sẽ giúp họ cảm thấy thư thái hơn, và nửa còn lại được phổ biến rằng những viên thuốc sẽ kích thích cho họ căng thẳng hơn. Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu đối tượng phải viết một bài luận giải thích tại sao tự do ngôn luận nên bị cấm. Hầu hết mọi người đều do dự và cảm thấy không thoải mái khi phải nói lên quan điểm ngược lại với những gì họ thực sự tin vào. Khi các nhà nghiên cứu cho những người tham gia cơ hội đổi chủ đề cho bài viết của mình, tỷ lệ những người tưởng mình được uống thuốc an thần nhận lời đề nghị này cao hơn nhiều so với nhóm còn lại. Những đối tượng tưởng rằng mình đã uống thuốc kích thích thì lại cho rằng cảm giác nóng nực mà họ thấy dưới lớp cổ áo là hệ quả của viên thuốc chứ không phải do sự bất hòa nhận thức của bản thân. Bởi vậy, họ cảm thấy không cần thay đổi chủ đề. Nhóm còn lại, vì không tìm ra đối tượng nào khác để đổ lỗi cho trạng thái cảm xúc của mình, nên đã chọn viết lại bài luận, với niềm tin rằng điều này sẽ xoa dịu tâm trí và đưa trạng thái bị kích thích của họ về mức cân bằng. Một lần nữa, bạn có thể thấy sự bất hòa nhận thức và những hành vi hoặc suy nghĩ đi ngược lại niềm tin của bản thân có khả năng tạo nên sự hưng phấn, nhưng theo chiều hướng khiến bạn cảm thấy tệ hại. Những đối tượng trong thí nghiệm của Zanna và Cooper muốn tìm cách giải thoát bản thân khỏi cảm giác này, nhưng chỉ những người tin rằng mình đã được uống thuốc an thần mới có thể xác định đúng nguồn gốc gây ra sự khó chịu trong tâm trí họ. Đối với nhóm còn lại, thứ thuốc giả đã trở thành lời giải thích thay cho bản thân những cảm xúc tiêu cực mà họ đang trải nghiệm.
Giống như hiệu ứng Benjamin Franklin, sự lẫn lộn tác nhân gây hưng phấn là một hiện tượng khác trong thuyết về sự tự nhận thức. Nếu bạn còn nhớ, thuyết này cho rằng thái độ của bạn được hình thành qua việc tự quan sát và tìm cách giải thích những hành vi của bản thân. Một trong những người tiên phong trong ngành tâm lý học, William James, cho rằng bạn thường xuyên nhìn lại tình huống đã xảy ra ở vị trí khán giả, tìm cách để hiểu những động cơ thúc đẩy bản thân. James giải thích, nếu bạn nhìn thấy một con dế đậu trên tay mình, hoảng hốt hất nó ra và giật nảy toàn thân, đồng thời buột ra những câu hét khó hiểu, sau này, bạn sẽ nghĩ đó là một trải nghiệm khiếp đảm, và rằng bạn vô cùng sợ dế. Đôi khi, bạn nhảy thẳng tới kết luận mà không cần biết hết các thông tin. Bạn thường xuyên đóng vai người quan sát hành vi của chính mình, vai nhân chứng cho những suy nghĩ của bản thân, và bạn tạo nên niềm tin dựa trên quan sát đó.
Để kiểm nghiệm điều này, nhà tâm lý học Fritz Strack đã thực hiện một thí nghiệm đơn giản vào năm 1988, trong đó, ông yêu cầu các đối tượng phải cắn bút bằng răng cửa và nhe răng ra trong khi đọc những mẩu truyện tranh. Các đối tượng cắn bút và nhe răng như vậy có xu hướng cảm thấy những mẩu chuyện này hài hước hơn so với lúc ngậm bút bằng môi. Khi cây bút nằm giữa hai hàm răng, họ đã sử dụng một số nhóm cơ vốn được dùng để mỉm cười; ngược lại, khi cây bút được giữ bằng môi, những cơ sử dụng trong việc nhăn nhó lại được kích hoạt. Strack kết luận rằng trong sâu thẳm, các đối tượng đã tự thấy mình đang mỉm cười, dẫn đến suy nghĩ là họ đang đọc những mẩu truyện hài hước. Khi cảm thấy mình nhăn nhó, họ có xu hướng thấy những mẩu truyện này nhạt nhẽo. Trong một thí nghiệm trong tự thực hiện vào năm 1980 bởi Gary Wells và Richard Petty, những người tham gia đã được thử nghiệm những chiếc tai nghe mới bằng cách gật và lắc đầu trong khi nghe một nhà phê bình chính trị phát biểu. Và đúng như dự đoán, trong khảo sát sau buổi trải nghiệm, những người gật đầu đã có xu hướng đồng tình với ý kiến của nhà phê bình nhiều hơn so với những người lắc đầu. Vào năm 2003, Jens Forster cũng đã yêu cầu các tình nguyện viên đánh giá một số thực phẩm trong khi tên của chúng chạy qua màn hình. Lúc thì những cái tên này chạy theo chiều lên-xuống, lúc khác thì chúng chạy theo chiều trái-phải, cách này tạo nên những hành động gật hoặc lắc đầu một cách vô thức. Và cũng như trong nghiên cứu với nhà phê bình chính trị, người ta có xu hướng thích những loại thức ăn khiến họ gật đầu hơn, trừ khi chúng thực sự ghê tởm. Trong thí nghiệm của Forster và nhiều nghiên cứu cùng loại khác, các ý kiến đồng tình hay phản đối bị đẩy lên mạnh mẽ hơn, nhưng dù sao, đối với một người vốn ghét cay đắng món súp lơ thì không có mức độ gật-đầu-do-bị-điều-khiển nào có thể thay đổi ý kiến của anh ta.
Sự hưng phấn có thể tràn vào những khoảng trống trong não khi bạn không để ý nhất. Đó có thể là một đoạn quảng cáo phim đầy kịch tính, hoặc một lời khẩn cầu cứu giúp từ một người xa lạ trên Youtube. Tổ tiên của bạn được lập trình để luôn chú ý khi cần thiết, nhưng đi kèm với khả năng nhận thức nhanh chóng là một khuôn mẫu và tất cả những cách ngớ ngẩn mà bạn dùng để hiểu sai những thông tin thu thập được. Nguồn gốc cho tâm trạng của bạn thường là rất khó hoặc thậm chí là không thể xác định chính xác. Thời gian bạn tập trung chú ý có thể đã trôi qua, hoặc những chi tiết quan trọng đã bị chôn vùi xuống một nơi rất sâu bên dưới ý thức. Bây giờ, bạn chỉ còn trải nghiệm được cảm giác, nhưng không biết được nguyên nhân là do đâu. Khi thấy mình đang ở trong tình huống như vậy, bạn có xu hướng khóa sự chú ý của mình vào một đối tượng, đặc biệt nếu người đó phù hợp với câu chuyện tự sự mà bạn đang chuẩn bị bịa ra. Khi cho rằng mình đã khám phá được nguyên nhân gây ra cảm giác hạnh phúc, sự ruồng bỏ, cơn giận dữ hay nỗi nhớ nhung, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Nó giúp bạn có thể thoải mái tiếp bước, vậy tại sao lại phải nghi ngờ cơ chứ?
Những nghiên cứu về sự hưng phấn cho thấy bạn rất tệ trong việc giải thích bản thân cho chính mình. Tuy nhiên, chúng lại hé lộ nguyên nhân tại sao rất nhiều những buổi hẹn hò thành công lại bao gồm những chuyến tàu lượn, những bộ phim kinh dị và những mẩu chuyện phiếm bên bàn cafe. Đó là lý do tại sao cuộc vật lộn chơi đùa lại có thể dẫn tới những nụ hôn nồng thắm, và một người bạn tuyệt vời có thể biến tiếng khóc ai oán trở thành một trận cười vỡ bụng. Đó cũng là lý do mà Rice Krispies26 đưa ra những đoạn quảng cáo hướng dẫn mẹ dạy con cách làm những món ngọt bằng sô-cô-la trắng và đen, trong khi ca sĩ Israel Kamakawiwo’ ole hát bài “Phía Trên Cầu Vồng”. Khi muốn biết lý do dẫn đến cảm xúc của bản thân mà không tìm được câu trả lời chính xác, bạn cũng không thể dừng việc tìm kiếm lại. Bạn sẽ gán lý do vào một thứ gì đó khác - người đang ở bên cạnh bạn, món đồ trước mặt, thứ thuốc bạn vừa uống. Không phải lúc nào bạn cũng biết câu trả lời chính xác, nhưng khi đang bận tán tỉnh bên tách latte thì thôi, cũng không cần quan tâm làm gì.