Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 09
Ảo giác về tác nhân bên ngoài ... Chương 8 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Bạn luôn biết khi nào mình đang tận hưởng mọi thứ theo cách tích cực nhất.
SỰ THẬT LÀ:
Bạn thường xuyên lầm tưởng rằng những tác động bên ngoài mang đến sự lạc quan cho mình.
Khi đang vui vẻ hạnh phúc, bạn sẽ chẳng quan tâm đến việc bước lùi lại trong thế giới siêu nhận thức để nhìn ra sự thật: Chính bộ não mới là kẻ chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bạn.
Bạn nghĩ “Tôi đang hạnh phúc vì tôi vừa được ăn một chiếc bánh cupcake vị chanh ngon tuyệt”, nhưng lại hiếm khi nghĩ “Tôi đang hạnh phúc vì bộ não bảo tôi phải cảm thấy hạnh phúc sau khi được ăn bánh cupcake vị chanh”. Chỉ viết ra câu đó thôi đã thấy phức tạp rồi. Khi nghĩ về cá thể con người là chính bản thân bạn, thì bạn nghĩ tới toàn bộ, cả bộ não lẫn cơ thể, hay chỉ một trong hai? Có lẽ là cả hai. Mặc dù ngành thần kinh học mỗi năm lại đưa ra thêm nhiều bằng chứng cho thấy bản ngã có ý thức thực chất chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ tâm trí được tạo bởi bộ não, nhưng đó thực sự không phải điều bạn có thể dễ dàng chấp nhận.
Bạn đang ngồi đó, đọc cuốn sách này, cảm thấy mình là chính xác con người như vẫn tưởng trọng, là bản ngã kiểm soát cơ thể bạn, là người trải nghiệm những thông tin từ cả thế giới vật chất lẫn những thứ vô định và mang tính xúc cảm. Bạn là kẻ đang suy nghĩ, bạn là người đang cảm nhận. Ấy vậy mà có những trường hợp cảm giác sở hữu và ý chí này của bạn có thể bị thao túng và thay đổi mạnh mẽ. Thực tế mà nói, tại nhiều thời điểm trong suốt cuộc đời, nguồn gốc cảm xúc mà bạn tìm ra chỉ hoàn toàn là tưởng tượng. Thử dừng lại một chút và suy ngẫm xem. Tôi biết ý niệm này sẽ khiến bạn phải cau mày, nhưng trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng đôi lúc, bạn không thể nhận ra chính bạn mới là người phải chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ và cảm xúc mà bạn đang trải qua. Không chỉ vậy, bạn còn có thể chuyển giao trách nhiệm này cho một người hoặc một vật khác.
Trong tâm lý học, cảm giác về một sinh vật biết suy nghĩ đứng sau một sự kiện được gọi là tác nhân (agency), và trong mỗi bộ não người đều cài sẵn một hệ thống phát hiện tác nhân. Ví dụ phổ biến nhất về điều này là, hãy tưởng tượng bạn đang ở trong rừng rậm và nghe thấy tiếng lá sột soạt. Liệu đó chỉ là cơn gió thoảng qua hay là một con hổ đang rình sau bụi cây? Tốt nhất là nên cảnh giác, cứ cho rằng đó là một con hổ đi, giờ hãy chọn một trong hai phương án: chủ động chiến-đấu-hoặc-bỏ-chạy hay bị động nín-thở-cho-nó-bỏ-đi. Cảm giác mặc định cho rằng thứ chưa biết rõ nào đó có thể có nguồn gốc từ một con thú đói khát và hung dữ là cảm giác về tác nhân (sense of agency) của bạn. Đó là lý do tại sao bạn khó mà phớt lờ những tiếng động đáng ngờ vào buổi đêm. Một phần nào đó trong bạn đang yêu cầu những phần còn lại phải tìm hiểu xem điều đó là gì, phòng trường hợp có nguy hiểm kéo theo. Động lực thúc đẩy bạn khám phá những điều kỳ lạ và bí ẩn chưa có lời giải xuất phát từ bản năng tự nhiên của con người - cho rằng luôn phải có tác nhân đứng sau tất cả những thứ đáng sợ, dù bạn có bằng chứng về chúng hay không.
Bạn không chỉ phỏng đoán các tác nhân cho những sự kiện bên ngoài, mà bạn còn luôn cho rằng phải có tác nhân gây ra những hành động của bản thân: Chính bạn. Một cách tự nhiên, bạn biết mình là tác nhân đằng sau quyết định giơ tay lên, hay chịu trách nhiệm cho những lời bạn nói ra. Điều này tưởng như là đương nhiên, nhưng bản thân bạn không phải là một hệ thống hoàn hảo. Thực tế, việc nghĩ bản thân là thành phần duy nhất trong hệ thống suy nghĩ-hành động lại là nguồn gốc cho một trong những lỗi nhận thức phổ biến nhất và ít bị bắt bài nhất. Không phải lúc nào bạn cũng nắm bắt được tác nhân đằng sau các hành động, các cảm xúc của chính mình, và toàn bộ hệ thống có thể bị đánh lừa chỉ bằng chút thủ thuật nhỏ. Để hiểu được điều này, hãy cùng tìm hiểu qua về một vài thành phần cơ bản tạo nên những ảo tưởng của bạn sau đây.
Cảm xúc (Affect), chắc bạn vẫn nhớ từ những chương trước, là thuật ngữ chỉ việc bạn trải nghiệm các trạng thái xúc cảm một cách chủ quan. Trong tâm lý học, việc dự đoán tâm trạng của bản thân trong tương lai được gọi là tiên đoán cảm xúc (affective forecasting). Nếu ngay lúc này, có ai đó tiến tới chỗ bạn, chìa ra một đĩa bánh nhân anh đào, khen ngợi những nét đẹp trên khuôn mặt bạn, đọc một bài thơ liên quan tới tuần vừa qua của bạn, và rồi ôm bạn một cái trước khi chạy đi giặt đồng quần áo bẩn mà bạn chưa kịp động vào, bạn sẽ thấy sao? Hành động dự đoán mà bạn vừa thực hiện được gọi là tiên đoán cảm xúc. Qua hàng trăm những nghiên cứu, bắt đầu từ thời mà người ta vẫn mặc những bộ đầm đính hạt lấp lánh tới vũ trường, một sự thật đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: Bạn rất kém trong việc tiên đoán cảm xúc. Bạn có xu hướng đánh giá quá cao tác động của các kết quả, cả tốt lẫn xấu, lên cảm xúc của mình. Khi bạn nghĩ về một sự kiện tốt, ví dụ như trúng số độc đắc, hoặc một sự kiện tồi tệ như đâm xe, tiên đoán này thường rất không chính xác. Theo như các nhà tâm lý học định nghĩa thì đây được gọi là thiên kiến về ảnh hưởng (impact bias).
Ảnh hưởng cảm xúc của những sự kiện trong tương lai thường bị bạn thổi phồng quá mức so với khi chúng thực sự xảy ra. Như một anh chàng dự báo thời tiết khuyên khán giả chuẩn bị cho cơn đại hồng thủy thay vì một cơn mưa nhỏ, phát thanh viên dự báo tâm trạng bên trong bạn cũng thường xuyên cường điệu hóa những lời tiên đoán cho trái tim. Thiên kiến về ảnh hưởng luôn tác động lên khả năng tiên đoán cảm xúc của bạn, khiến cho độ chính xác của những tiên đoán này nằm ở mức khá thấp.
Năm 1978, nhà tâm lý học Phillip Brickman và đồng nghiệp đã phỏng vấn những người trúng số độc đắc và những nạn nhân bị liệt sau các vụ tai nạn về mức hạnh phúc tổng thể của họ, và thấy rằng không có khác biệt nào đáng kể, không chỉ giữa hai nhóm người này với nhau, mà còn là giữa hai nhóm này với toàn xã hội. Một dạng cân bằng hạnh phúc đã giữ cho những nạn nhân bị liệt không trở nên sầu não và cũng níu chân không cho nhóm trúng xổ số bay lên trong sung sướng. Qua thời gian, điều gì đó đã diễn ra trong tâm trí họ - một sự hồi phục về trạng thái trung bình. Giống như một cái phao câu cá, không cần biết tâm trạng của họ đã chìm sâu tới đâu hay bay cao tới mức nào, nó sẽ dần dần trở lại trạng thái ban đầu, tức chỉ hơi cao hơn trung bình một chút. Khoảng thời gian cần có để những cảm xúc cực độ phai mờ là khác nhau, nhưng hai hoặc ba tháng là đủ cho hầu hết mọi người. Bricknan là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ để miêu tả hiện tượng này: vòng xoay khoái lạc (hedonic treadmill).
Được rồi, vậy là chúng ta đã tới được điểm cần thiết. Tiên đoán cảm xúc và vòng xoay khoái lạc là hai phần trong một hiện tượng lớn hơn, được gọi một cách không mấy thi vị là hệ miễn dịch tâm lý. Khi bạn cảm thấy bị tổn thương vì bị từ chối, những mất mát, nỗi xấu hổ tủi nhục, sự bất lực hay tất cả những trạng thái tăm tối khác - những cảm xúc tiêu cực theo tâm lý học, tâm trí bạn có khả năng tự phục hồi cực mạnh. Dù câu chuyện có là bạn vừa chuyển nhà tới một vùng đất mới để theo đuổi sự nghiệp, và rồi lại bị sa thải ngay sau ngày đầu tới trường của lũ trẻ, bạn cũng sẽ sớm vượt qua thôi. Thậm chí cả khi nhà bạn cháy rụi cùng với bộ sưu tập những chiếc túi nôn trên máy bay mà người ta đã dừng sản xuất, bạn cũng sẽ nhanh chóng cảm thấy ổn thỏa. Hay dù bạn có bĩnh ra quần trên sóng truyền hình quốc gia trong khi đang cố gắng tung hứng những bản sao đồ gốm Nazca, thì nỗi xấu hổ đó cũng sẽ trôi đi trong một sớm một chiều. Tất nhiên, bạn chẳng tin vào điều này đâu, nhất là ngay khi những sự kiện tồi tệ như vậy đang diễn ra, bởi vì bạn rất kém trong khả năng tiên đoán cảm xúc.
Một trong những thành phần của hệ miễn dịch tâm lý có khả năng tạo nên ảo giác mạnh mẽ nhất được gọi là sự lạc quan chủ quan. Để thực sự đỡ ngu ngơ hơn, bạn cần phải hiểu được cách mà nó khiến bạn không chịu công nhận sự thật.
Bạn biết một cô bạn đã lỡ có bầu, và phải chuyển đi xa để cưới cái gã chịu trách nhiệm cho việc đó, thay vì tới trường điều dưỡng học làm y tá. Và rồi cô ta lại có thêm một đứa con nữa trước khi ly hôn với gã này, để rồi sau đó gặp gỡ anh chàng chủ cơ sở sản xuất đồ ăn cho chó - nguyên nhân khiến căn nhà của họ có mùi như gan lợn cháy. Cô ta sẽ không bao giờ thực sự biết đi cưới chồng thay vì tới trường điều dưỡng có phải quyết định đúng đắn không, nhưng cô ta tin là có. Khi nói chuyện với bạn, cô ta cho rằng cuộc sống không thể tốt hơn được nữa, nhưng làm sao có thể khẳng định như vậy được? Đó chính là điều mà các nhà tâm lý học gọi là sự lạc quan chủ quan - nhìn cuộc sống như thể nó đang diễn ra theo cách tốt nhất có thể. Một khi bạn học được về khái niệm lạc quan chủ quan này, bạn sẽ thấy nó ở khắp mọi nơi. À, tất nhiên là trừ chính bản thân bạn ra. Khi bạn thấy mình ở trong tình huống tồi tệ dường như không có lối thoát, bạn sẽ có năng lực thần kỳ biến những điều bất hạnh thành may mắn. Như mọi thứ khác diễn ra bên trong hệ miễn dịch tâm lý của bạn, điều này hoàn toàn vô hình trước phần tâm trí có ý thức.
Sự lạc quan chủ quan là thứ bổ trợ cho chùm nho xanh chua loét, là xu hướng khiến bạn nhìn những thứ bạn không thể đạt được như thể ngay từ đầu, bạn vốn không hề muốn chúng. Sự lạc quan chủ quan khiến những thứ bạn đang sở hữu có vẻ tốt hơn so với những thứ bạn không thể với tới. Y như câu ngạn ngữ: Nếu đời cho ta một quả chanh, hãy biến nó thành ly nước chanh. Một cách vô thức, hệ điều hành tự động của não bộ đã khiến bạn tập trung vào mặt sáng của một tình huống tệ hại. Bạn nhận được cốc nước chanh trong tâm trí và tận hưởng nó, nhưng bạn chưa bao giờ thấy những quả chanh đã sản xuất ra cốc nước này.
Sự lạc quan chủ quan chính là nhân tố đã cứu rỗi những người phải chịu mất mát to lớn. Năm 1999, hai nhà tâm lý học Daniel Gilbert và Jane Jenkins đã mở một khóa học về nhiếp ảnh tại Harvard để phục vụ nghiên cứu, và đối với các sinh viên lúc bấy giờ, thì đó dường như là một lớp học bình thường dạy cách sử dụng máy ảnh và tráng rửa phim. Mỗi người sẽ phải ra ngoài, chụp những bức ảnh kỷ niệm cho thời gian ở đại học của mình. Sau khi mỗi người đã chụp được mười hai bức ảnh, các nhà nghiên cứu yêu cầu họ chọn ra hai bức từ cuộn phim âm bản để rửa ra ảnh khổ 20 x 25 cm. Sau khi đã có hai bức ảnh trước mặt, đẹp đẽ và ý nghĩa, mỗi sinh viên phải chọn một bức để giữ lại. Bức bị loại bỏ sẽ được các nghiên cứu viên giữ làm bằng chứng cho việc họ đã làm xong nhiệm vụ. Một nhóm sinh viên bị yêu cầu phải quyết định ngay tức khắc, còn nhóm khác thì được cho một khoảng thời gian để suy nghĩ và có thể thay đổi quyết định bao nhiêu lần cũng được trước khi có quyết định cuối cùng. Sau một khoảng thời gian dài, các nhà tâm lý học đã phỏng vấn những sinh viên này. Nhóm buộc phải chọn ngay đã nói rằng họ rất thích bức ảnh mình có. Bức ảnh bỏ lại đã chìm vào quên lãng. Ngược lại, nhóm được phép suy nghĩ trong thời gian dài thì trả lời rằng có lẽ họ đã phạm sai lầm. Họ luôn đắn đo, có lẽ là vĩnh viễn về sau, không biết bức ảnh họ chọn có ít ý nghĩa hơn bức ảnh mà họ bỏ lại không. Họ ao ước được quay về quá khứ để thay đổi quyết định của mình. Từ nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng, xu hướng lạc quan chủ động của bạn mạnh mẽ hơn khi bạn rơi vào những tình huống không thể thay đổi được. Những người không được lựa chọn về sau này đã cảm thấy hạnh phúc, trong khi những người được lựa chọn thì lại u sầu. Việc bị vướng vào một tình huống không còn lối thoát đã kích hoạt sự lạc quan chủ quan.
Một số người cho rằng trong cuộc sống công nghiệp hiện đại, không còn thứ gì bị giới hạn trong một hoặc hai lựa chọn nữa, nên khả năng để bạn tự làm mình hạnh phúc (nhờ sự lạc quan chủ quan) đã bị giảm thiểu rõ rệt. Lên Amazon và tìm mua kẹp giấy, bạn sẽ có hơn 2000 phương án để lựa chọn. Bơ đậu phộng thì sao? Một phép tìm kiếm nhanh đã lôi được ra gần 5000 sản phẩm từ những loại được xay siêu mịn cho tới loại vẫn còn hạt vụn và cả những loại siêu cao cấp với mỗi giọt bơ được đóng gói riêng. Số lượng khổng lồ những lựa chọn tiêu dùng của bạn được phản chiếu trong tất cả những cách mà bạn có thể sống. Như nhà tâm lý học Barry Schwartz đã chỉ ra trong cuốn sách của ông, The Paradox of Choice (Nghịch lý của sự lựa chọn), chỉ một thế kỷ trước đây, những phương án mà bạn có về nghề nghiệp, bạn đời và nơi sinh sống là vô cùng hạn chế, tới mức có thể coi là gần như không tồn tại so với những gì bạn có ngày nay. Sự thiếu thốn lựa chọn này là điều mà con người chúng ta đã quá quen thuộc, từ tận đời tổ tiên dạng cá. Hầu hết lịch sử của các loài sinh vật khôn khéo đều bị khóa trong cuộc đời có rất ít cơ hội, đầy những tình huống mà chúng không có lựa chọn nào khác ngoài việc hoặc là chấp nhận, hoặc bị đá khỏi nguồn gen di truyền cho thế hệ sau. Bởi vậy, hoàn toàn hợp lý khi bạn thừa hưởng một cơ chế được tiến hóa nhằm mục đích đối phó với những thứ kinh khủng mà bộ não tiên đoán là sẽ sớm rơi xuống đầu bạn.
Hệ thống này hoạt động rất tốt, một phần vì nó xảy ra một cách vô thức. Nhược điểm là bạn hầu như không thể dự đoán được chính hệ thống vô thức của mình, Gilbert và Jenkins đã hỏi các sinh viên tham gia khóa học ngay từ đầu là họ muốn ở nhóm nào hơn, và hầu hết mọi người đều nói mình muốn ở nhóm có nhiều lựa chọn - các nhà tâm lý học gọi đây là tình huống kết quả thay đổi được. Đó là điều mà bạn luôn tưởng là mình muốn: nhiều lựa chọn hơn, nhiều kết quả hơn, nhiều phương án hơn. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm cho thấy những tình huống như vậy làm suy yếu hệ miễn dịch tâm lý của bạn. Bởi nó hoạt động trong bóng tối, bên dưới bề mặt của nhận thức, nên bạn khó có thể tiên lượng phản ứng của nó. Các nhà nghiên cứu gọi xu hướng bị mù trước hệ miễn dịch tâm lý này là sự xao lãng miễn dịch (immune neglect). Nó khiến những tiên đoán của bạn dựa trên các sự kiện, thay vì dựa vào cách mà tâm trí bạn cắt nghĩa các sự kiện đó.
Nhờ có sự lạc quan chủ quan, nếu bạn bị bắt cóc và bị nhốt trong căn hầm tối với một cái xô, một cuốn sách về cách buộc nơ bướm, hàng ngày phải ăn cùng một thực đơn gồm cháo bột yến mạch trộn cát, bạn vẫn sẽ tìm ra cách để nhìn vào mặt sáng của vấn đề (ít nhất chúng còn cho bạn đọc sách!). Cho dù cuộc hôn nhân của bạn có đổ vỡ, hay công ty của bạn có bị lật ngửa chỏng chơ, bằng cách nào đó, thông qua một hoạt động bí mật ẩn sâu dưới tiềm thức, bạn vẫn luôn tìm được cách để nói rằng đó là những điều tuyệt vời nhất từng xảy đến với mình. Có thể bạn không tin điều này ngay đâu, nhưng đó là bởi sự xao lãng miễn dịch đang giấu đi bất kỳ mẩu bằng chứng nào cho thấy bạn chủ động thay đổi thực tại để lừa bản thân cảm thấy hạnh phúc và sáng suốt.
Điều này mang chúng ta trở lại với một trong những ảo giác mạnh mẽ nhất mà tâm trí của bạn có khả năng tạo ra, và cũng là điểm khởi đầu của chương này. Bây giờ, sau khi đã hiểu được nền tảng thì bạn sẽ nhận ra nó ngay thôi.
Qua một loạt những nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000, các nhà tâm lý học Daniel Gilbert, Ryan Brown, Elizabeth Pinel và Timothy Wilson đã chứng minh rằng sự lạc quan chủ quan có thể khiến bạn tin vào những nguồn lực vô hình, những thứ điều khiển niềm hạnh phúc và số phận của bạn. Nhưng trước hết, họ cần phải đưa các đối tượng thí nghiệm vào một môi trường được kiểm soát để tạo nên sự lạc quan chủ quan đã.
Hóa ra việc tạo ra sự lạc quan chủ quan một cách nhân tạo là rất dễ dàng. Tất cả những gì bạn cần là cho họ một loạt những lựa chọn cho những kết quả trong tương lai - những thứ mà họ có thể sẽ nhận được hoặc không trong khoảng thời gian nghiên cứu. Tiếp theo, bạn chỉ việc đảm bảo sao cho một trong những kết quả đó thật tệ hại, và rồi thao túng hệ thống sao cho đối tượng luôn nhận được kết quả tệ nhất đó. Giờ thì bạn có thể ngả lưng ra ghế và theo dõi phép màu diễn ra - thứ khiến cho đối tượng thí nghiệm tự thay đổi quan điểm của bản thân với thứ mà họ nhận được. Nếu mọi việc suôn sẻ, đối tượng thí nghiệm sẽ tự tạo nên một cái nhìn tích cực về thứ mà họ đã đánh giá là không có giá trị. Nếu bạn là một nhà khoa học có đạo đức, bạn sẽ giải thích cho đối tượng của mình về những điều đã xảy ra sau khi nghiên cứu kết thúc và cho họ thấy cách mà bạn đã thao túng hệ thống; nếu không, người tham gia nghiên cứu này sẽ không bao giờ nhận thức được việc họ đã thay đổi quan điểm, tất cả là nhờ tác dụng của sự xao lãng miễn dịch.
Gilbert, Brown, Pinel và Wilson đã coi phần nghiên cứu này là phần quan trọng nhất trong toàn bộ dự án của mình. Họ đưa ra giả thuyết rằng, bạn luôn luôn tự tạo ra niềm lạc quan cho mình, nhưng lại không bao giờ nhận thức được quá trình này, nên khi nhìn lại cuộc đời và tự hỏi thứ gì mang đến cho bạn sức mạnh tích cực như vậy, bạn sẽ hiếm khi tự chỉ vào đầu mình. Thay vào đó, bạn sẽ biết ơn bất cứ một thế lực vô hình nào phù hợp với niềm tin của bạn. Bạn sẽ coi một đấng từ bi vô định nào đó hòa hợp với thế giới quan của bạn là nguồn gốc cho mọi vận may.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa những người phụ nữ vào các buồng kín. Để sự hấp dẫn về ngoại hình không trở thành yếu tố gây ảnh hưởng mạnh, tất cả những người tham gia thí nghiệm đều là nữ. Các nhà khoa học giải thích với mỗi người tham gia là có bốn người phụ nữ khác cũng đang thực hiện thí nghiệm cùng họ, được xếp chỗ trong các buồng gần đó. Thực ra đó là một lời nói dối: Những đối tượng này đang thực hiện thí nghiệm một cách độc lập. Các nhà khoa học, sau đó, phổ biến rằng mỗi người sẽ phải chọn một trong số những phụ nữ còn lại để ghép cặp, dựa vào một bản sơ yếu lý lịch ngắn gọn và một bản khảo sát. Tới đây, mỗi đối tượng sẽ phải điền vào bản lý lịch và bản khảo sát, tin rằng những người khác trong nghiên cứu này sẽ sử dụng những điều họ viết để ra quyết định. Lúc này, các nhà khoa học bí mật chia các đối tượng tham gia thành hai nhóm. Nhóm A sẽ nhận được những bản lý lịch giả mạo của bốn đối tác tiềm năng không tồn tại và phải đánh giá độ ưa thích của mình dành cho mỗi người. Nhóm B thì tiến thẳng tới phần tiếp theo của thí nghiệm.
Sau đó, mỗi người tham gia được cho xem một đoạn video câu đố với các chữ cái nhảy ngang màn hình. Các nhà nghiên cứu phổ biến rằng đoạn video này sẽ giúp họ đánh giá khả năng của từng người, yêu cầu họ phải đánh dấu lại mỗi khi có nguyên âm xuất hiện. Giữa chừng video có những tia sáng mạnh xuất hiện, làm gián đoạn việc quan sát của các đối tượng. Các nhà nghiên cứu dặn họ cứ bỏ qua những tia chớp nháy này bởi chúng chỉ là trục trặc kỹ thuật.
Sau bài đánh giá khả năng này, các nhà khoa học đưa cho mỗi người trong cả hai nhóm bốn phong bì với những ký hiệu khác nhau ở bên ngoài. Họ giải thích rằng để giữ công bằng, họ đã quyết định chia nhóm theo cách ngẫu nhiên thay vì để người tham gia tự chọn, và trong mỗi phong bì là một bản lý lịch của bốn phụ nữ cùng tham gia thí nghiệm với họ. Điều mà các đối tượng tham gia không biết là cả bốn phong bì này, thực chất, chứa cùng một bản lý lịch mà hầu hết mọi người đều đánh giá thấp nhất trong bước trước đó, và tất cả đều tỏ ra không muốn kết nhóm với cô này. Những người tham gia được chọn phong bì ngẫu nhiên, và mỗi người đều tin rằng mình đã bốc phải kết quả tồi tệ nhất.
Tiếp đó, những người trong nhóm A lại một lần nữa được đọc và đánh giá lại bốn bản lý lịch mà họ đã xem qua lúc đầu - khi mà họ tưởng rằng mình có quyền lựa chọn. Nhóm B cũng được đánh giá bốn bản này, nhưng đây là lần đầu họ nhìn thấy chúng. Sau khi hoàn thành, các nhà khoa học thông báo nghiên cứu đã kết thúc, nhưng thực chất không phải vậy. Sau đó, họ thực hiện một trong những trò tiểu xảo tuyệt vời nhất trong các nghiên cứu tâm lý học: Buổi giải thích giả.
Trong buổi giải thích thí nghiệm giả này, các nhà nghiên cứu nói với từng đối tượng rằng, những tia chớp nháy trong video mà họ xem thực chất là những thông điệp ẩn dưới ngưỡng cảm giác, được thiết kế để gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn bằng cách in vào tiềm thức của họ một ký hiệu. Các nhà khoa học giải thích rằng họ đã sử dụng bản khảo sát để đánh giá ai sẽ là lựa chọn tốt nhất cho từng người tham gia thí nghiệm từ bốn đối tượng tiềm năng, và sau đó sử dụng thông điệp ẩn này để khiến cô ta bốc trúng phong bì chứa kết quả tốt nhất đó. Các đối tượng tham gia thí nghiệm không biết rằng đây mới là lúc mà phần quan trọng nhất của nghiên cứu diễn ra: Các nhà khoa học cho từng người đánh giá lại bốn người phụ nữ giả lúc đầu, chọn xem ai mới là người phù hợp nhất, và đánh giá về mức độ hiệu quả của những tia chớp nháy. Bạn hãy nhớ này: Những tia chớp nháy là giả, nó không hề chứa thông điệp ẩn giấu nào; các phong bì đều chứa cùng một bản lý lịch, và đó là bản mà họ không muốn nhất ngay từ đầu.
Phần lớn những người phụ nữ trong cả nhóm A và B đã công nhận rằng giờ thì họ, “sau khi biết ‘bản chất thật sự’ của nghiên cứu này”, cảm thấy người mà họ bốc được ngẫu nhiên từ bốn phong bì là kết quả tốt nhất có thể. Tất cả những người này đều đang trải nghiệm sự lạc quan chủ quan, đúng như các nhà khoa học trông đợi. Nhưng khi nói tới hiệu quả của những thông điệp ẩn giấu, hai nhóm này đã cho kết quả khác nhau. Những người trong nhóm B - nhóm đã không được đánh giá bốn bản lý lịch từ đầu - cho thấy họ có niềm tin lớn hơn vào sức mạnh của thông điệp ẩn giấu trong những tia chớp nháy. Như đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra trong báo cáo về thí nghiệm này, có một sự thật mà ai trong ngành tâm lý học cũng biết, là bạn cảm thấy rất khó thay đổi quan điểm của mình về một người sau ấn tượng đầu tiên. Họ nhận định rằng, điều này khiến cho những người trong nhóm A khó bị lạc quan hóa theo cách chủ quan hơn so với nhóm B, bởi họ đã được phép đọc bốn bộ lý lịch rồi. Mặc dù, cuối cùng họ vẫn nhận định mình thích người được chọn ngẫu nhiên nhất, nhưng mức độ ưa thích này thấp hơn so với những người ở nhóm B. Các nhà khoa học đã viết trong bài nghiên cứu rằng: “Việc tạo ra sự lạc quan chủ quan từ các kỳ vọng tương lai dễ hơn so với việc tạo ra nó từ sự hồi tưởng quá khứ”. Tất cả các đối tượng đã tự biến đổi thực tại cá nhân của mình sao cho khớp với kết quả mà họ phải nhận, và giờ đã tin rằng kết quả tồi tệ nhất là điều tốt nhất cho họ. Khi nhìn lại, tất cả những người này đều đã tự khiến bản thân cảm thấy mình đã gặp may, nhưng nhóm B làm điều này nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn nhóm A. Khi các đối tượng nghiên cứu được đưa cho một lối tự sự có sẵn - “chúng tôi, các nhà khoa học tốt bụng với cái nhìn xuyên thấu tâm can bạn, đã gây ảnh hưởng sao cho kết quả cuối cùng là tốt nhất cho bạn” những người trong nhóm B đã sẵn sàng chấp nhận cách giải thích này và cảm thấy thỏa mãn. Điều này, theo lời các nhà khoa học, cho thấy thói quen kỳ lạ của con người: tin rằng nguồn gốc của những cảm xúc tốt đẹp là từ ai đó hoặc cái gì đó ở bên ngoài, chứ không phải từ chính bạn. Mặc dù tất cả những người tham gia thí nghiệm này đều phải tự chịu trách nhiệm cho cách mà họ nhìn nhận thực tế và về mức độ thỏa mãn của họ với số phận, nhưng khi có cơ hội đặt trách nhiệm này cho một thế lực nào đó bên ngoài, họ đã nhanh chóng tóm lấy. Các nhà tâm lý học đã đưa ra thuật ngữ để miêu tả hiện tượng này là ảo giác về tác nhân bên ngoài (the illusion of external agency).
Trong một phiên bản khác của thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã nói với những người tham gia rằng họ đang thử nghiệm hai ứng dụng radio mới tương tự như Pandora, Last.fm, Spotify, v.v. - về cơ bản là những dịch vụ sử dụng gu âm nhạc của người sử dụng để đề xuất những ca khúc mới cho họ. Các nhà khoa học giải thích rằng dựa vào câu trả lời được cung cấp trong một bản khảo sát từ trước, các đối tượng tham gia sẽ được nghe một bản ghi âm bao gồm những bài hát phù hợp với gu của mình. Nhóm A sẽ được nghe trước bản ghi âm có chứa cả những bài hát phù hợp lẫn những bài mà các nhà khoa học tiên lượng rằng họ sẽ ghét, và được phổ biến rằng ứng dụng máy tính đó dự đoán họ thích những bài hát tệ hại này. Sau đó, họ được yêu cầu phải nghe những bài hát mà họ không thích ba lần liền. Với nhóm B, các nhà khoa học đổi ngược tiến trình thực hiện. Họ bắt những người ở nhóm này phải nghe những bài hát tệ hại ba lần liền trước, và sau đó nói rằng ứng dụng đã chọn ra những bài này dựa theo gu âm nhạc của họ. Tiếp theo, những người ở nhóm B được nghe đoạn băng chứa cả bài hát họ thích và ghét. Như vậy là những người tham gia thí nghiệm ở cả hai nhóm đã được cung cấp những thông tin tương tự, chỉ khác về thứ tự tiếp nhận. Sau phần nghe nhạc, cả hai nhóm được đánh giá về loại nhạc mà họ vừa nghe. Các nhà khoa học đã hỏi liệu họ có muốn nghe tiếp những bản nhạc được chọn bởi ứng dụng này không, hay họ muốn đổi sang một ứng dụng khác. 81% nhóm A quyết định đối ứng dụng, nhưng chỉ 57% trong nhóm B có cùng quyết định đó. Nhưng cho dù họ có chọn việc tiếp tục sử dụng ứng dụng cũ hay chuyển sang cái thứ hai, thì họ sẽ vẫn được nghe lại những bài hát tương tự như ở phần đầu thí nghiệm. Cuối cùng, các nhà khoa học hỏi các đối tượng tham gia là liệu họ có sẵn sàng bỏ tiền mua một trong hai ứng dụng này nếu chúng được phát hành trên thị trường không.
Kết quả cho thấy những người lúc đầu được nghe cả những bài hát hay và dở đã đánh giá đúng những bài hát này. Sau đó, khi phải chịu đựng những bài hát dở ba lần liên tiếp, họ chuyển sự tập trung chú ý vào những điểm mà họ không thích. Bởi vậy, những người trong nhóm A đã không nghĩ ứng dụng của các nhà khoa học có khả năng đọc chính xác gu âm nhạc của họ. Mặt khác, những người ở nhóm B đã phải nghe những bài hát dở tệ trước, được phổ biến rằng chúng được chọn ra dựa vào gu của họ, sau đó mới được nghe tổng hợp cả những bản nhạc hay và dở. Những người này đã đánh giá cả hai phần tương đương nhau. Và đúng như bạn có thể đoán, những người trong nhóm A nói rằng họ sẽ không bỏ tiền ra mua ứng dụng này, nhưng nhóm B lại đồng ý mua.
Điều này như thể là, ban đầu, khi được nghe đoạn bài hát tổng hợp, tiềm thức của những người trong nhóm A đã nói: “Eo, một trong số những bài hát này thật tệ”. Sau đó, khi phải nghe lại bài hát tệ đó tới ba lần liền, dưới tác dụng của mồi tiềm thức, họ đã tập trung chú ý tới những thứ nhấn mạnh ấn tượng ban đầu này. Khi biết ứng dụng không chọn được đúng gu của mình, họ nghĩ: “Dựa cảm xúc hiện tại, mình cho rằng ứng dụng này là thứ vớ vẩn. Mình sẽ không bỏ tiền ra mua nó”. Trong khi đó, điều diễn ra trong bộ não của nhóm B dường như là: “Mình chuẩn bị được nghe một bài hát mà ứng dụng này cho rằng mình sẽ thích”. Khi phải nghe bài hát dở tới ba lần, họ đã cho nó được hưởng lợi ích của sự nghi ngờ và chú ý tới những điểm mà họ có thể thích ở nó hơn những điểm mà họ ghét. Khi được nghe lại mấy bài hát này cùng những bài mà rõ ràng là hay hơn, họ nghĩ: “Mình thích bài hát đầu tiên, như vậy chắc hẳn mình cũng phải thích cả hai bài như nhau. Dựa vào tâm trạng hiện tại, mình nghĩ ứng dụng này không vớ vẩn. Mình có thể sẽ mua nó”. Không hề biết những suy nghĩ này đang chạy trong tiềm thức của mình, những người trong nhóm B đã sử dụng sự lạc quan chủ quan để tự thuyết phục bản thân thích một bài hát mà bình thường, đáng ra họ sẽ ghét, và rồi đưa ra lựa chọn dựa vào ảo giác vô hình: Niềm tin dành cho một tác nhân bên ngoài không tồn tại. Thực chất không hề có ứng dụng máy tính nào được tạo ra cho nghiên cứu này - các nhà khoa học đã sắp xếp mọi thứ để lừa những người tham gia, khiến họ đặt trách nhiệm gây ra những trạng thái cảm xúc vốn tự sinh của mình cho một cỗ máy không tồn tại.
Ở cả hai nhóm, nếu một người càng cho rằng bản thân mình thích bài hát dở tệ thì càng có khả năng người đó đồng ý bỏ tiền ra mua ứng dụng. Nhờ vào tác dụng của sự xao lãng miễn dịch, khi một người thuộc một trong hai nhóm này cảm thấy thích bài hát dở, anh ta không hề nhận ra rằng chính anh ta đã tự lừa bản thân tận hưởng thứ nhạc mà anh ta sẽ tránh xa trong những trường hợp khác. Khi không có nguyên nhân nào để bấu víu, anh ta bèn cho rằng mình thích bài hát này bởi một thế lực bên ngoài đã nhìn thấu tâm can và nắm được gu nhạc của mình. Cũng như thí nghiệm trước, các nhà khoa học đã đưa ra một nguồn gốc đáng tin cậy cho góc nhìn này, và những đối tượng đã bị lạc quan hóa một cách chủ quan liền ngay lập tức chấp nhận nó.
Khi bạn trải nghiệm sự lạc quan chủ quan trong một tình huống xấu không có lối thoát, bạn sẽ chỉ tập trung vào những phần có nét tích cực và cường điệu hóa chúng lên, cảm thấy chúng hấp dẫn và tuyệt vời hơn nhiều so với trường hợp bạn đứng ngoài tình huống đó. Bạn sẽ thay đổi cái nhìn về các kết quả khác, sao cho kết quả mà bạn đang nhận được trở thành kết quả tốt nhất có thể. Bởi bạn làm điều này mọi lúc, sẽ có những thời điểm mà bạn cảm thấy mọi thứ trong cuộc sống dường như đang diễn ra theo chiều hướng thật tuyệt vời, mặc dù thực tế không phải như vậy. Qua thời gian, bạn có thể sẽ tò mò một chút về việc tại sao bạn lại may mắn tới vậy. Bạn không thể thấy được điều này thực chất có nguồn gốc từ chính bản thân mình, bởi vậy, bạn sẽ cho rằng nó xuất phát từ các nguồn bên ngoài và bắt đầu đi tìm một tác nhân. Nếu tìm được một thứ có vẻ hợp lý, bạn sẽ tự chối bỏ khả năng tận dụng và biến những tình huống tồi tệ trở nên dễ sống hơn của chính mình, mà đặt năng lực đó vào tác nhân ấy.
Đây là một sai lầm, một ảo giác luôn tạo nên những suy nghĩ không thực tế. Tuy vậy, bạn lại luôn tin vào nó, thường là cho tới cuối đời. Nói cho cùng thì chuyện này chỉ đơn giản là do khả năng nhận biết các khuôn mẫu của bạn đã bị rối loạn. Trong nỗ lực biến sự hỗn loạn thành trật tự, nhận biết tín hiệu từ những nhiễu động và lần ra những nguyên nhân - hệ quả trong cuộc đời, bạn thường xuyên tìm kiếm những tác nhân bên ngoài một cách sai lầm, trong khi nguồn gốc của vấn đề lại nằm bên trong tâm trí. Bạn đang tự lừa mình để làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn so với thực tế phũ phàng, nhưng bạn lại không thể tin rằng bản thân làm được điều đó. Bởi vậy, bạn đổ trách nhiệm cho một thứ khác. Việc này không hẳn là tiêu cực. Thiếu nó, quanh ta sẽ chỉ còn những sự thật lạnh lẽo và tăm tối của một thế giới không có thực tại chủ quan - thứ đã được tối ưu hóa hay biến đổi - sao cho với nhiệm vụ của một lăng kính màu hồng, nó sẽ khiến mọi thứ trông có vẻ đẹp đẽ hơn, ngon lành hơn, đáng thèm khát, đáng nuôi dưỡng và mang nhiều ý nghĩa hơn. Để thực sự trở nên bớt ngờ nghệch, bạn cần phải nhìn ra những nguy hiểm tiềm ẩn khi tin tưởng vào các thế lực không tồn tại và giao phó số phận vào tay chúng. Bạn sẽ xịn hơn nhiều nếu tin tưởng vào bản thân. Nhớ những người đã tin rằng họ thích mấy bài hát dở tệ chứ? Bạn chỉ cần cung cấp thông tin theo một trình tự khác, và họ sẽ tự mắc sai lầm về sở thích thực sự của bản thân. Nếu đây là trường hợp thực xảy ra ngoài đời, có thể họ đã mua phải một ứng dụng không có khả năng chọn nhạc theo gu. Hãy giả như những câu này không phải là để miêu tả một nghiên cứu, mà là phép ẩn dụ cho mọi khoảnh khắc trong cuộc sống bạn từ đây về sau: Trước khi bạn tin tưởng vào bất kỳ hệ thống nào, trước khi đặt niềm tin vào bất kỳ tác nhân bên ngoài nào, hữu hình hay vô hình, hãy tự hỏi bản thân xem những cảm xúc tích cực mà bạn đang cảm thấy có nguồn gốc từ bên trong hay bên ngoài.
Rất nhiều điều trong cuộc sống này là không thể làm lại, nhiều tình huống không thể thay đổi mà không làm hại tới những người quan trọng đối với bạn. Do vậy, bạn dần học cách thay đổi góc nhìn của bản thân về thế giới một cách vô thức. Nói cho cùng thì như vậy dễ hơn nhiều so với thay đổi cả thế giới. Và theo như các nhà khoa học đã kết luận, bạn có “khả năng tạo ra sự thỏa mãn dồi dào” bên trong gông cùm bó buộc của một cuộc sống trong thực tế là không hoàn hảo. Khi tranh luận về lịch sử thế giới, bạn có thể có quan điểm riêng về việc đâu mới là quyết định chính xác, nhưng bạn sẽ không bao giờ thực sự biết liệu mình có đúng hay không, bởi vì lịch sử là cuộn băng chỉ chạy theo một chiều. Số lượng vô hạn những dòng thời gian song song mà lịch sử có thể đã trôi theo vĩnh viễn nằm ngoài tầm với của chúng ta. Tương tự như vậy, khi bạn tranh cãi với một người bạn, với gia đình hay với một người quen rằng họ đáng lẽ đã phải hành xử theo cách khác, bạn có thể cảm thấy tức giận và thất vọng, nhưng họ thì không. Họ luôn có vẻ thỏa mãn, thậm chí là cho rằng mình đã được ban phước khi mọi thứ xảy ra như vậy. Đó là bởi khả năng tự thay đổi quan điểm bản thân về thực tại của họ cũng vô cùng mạnh mẽ, y hệt như bạn vậy. Và cũng như họ, nhà sử học cá nhân trong bạn đang khá là thỏa mãn với những gì bạn có trong cuộc sống cho tới nay. Tất nhiên, mọi chuyện có thể đã đi theo hướng này hay hướng khác, nhưng nếu vậy thì bạn đã chẳng thể có được những thứ mà bạn đang cảm thấy biết ơn, không cần biết là bạn thấy biết ơn ai.