Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 10

Hiệu ứng phản tác dụng ... Chương 9 ...

BẠN VẪN TƯỞNG:

Bạn sẽ thay đổi ý kiến của mình và tiếp nhận những thông tin mới sau khi niềm tin của bạn bị thực tế phủ nhận.

SỰ THẬT LÀ:

Khi những niềm tin sâu sắc nhất của bạn bị thử thách bởi những bằng chứng đối nghịch, chúng lại càng trở nên mạnh mẽ.

Wired, The New York Times, Backyard Poultry Magazine - tất cả những tờ báo này đều đã từng mắc sai lầm và xuất bản những thông tin không chính xác. Cho dù là qua mực in trên giấy hay qua đường cáp quang, nguồn báo chí đáng tin cậy cần biết lúc nào phải nói lời xin lỗi.

Nếu bạn làm trong ngành tin tức và muốn giữ vững thanh danh là một nguồn tin chính xác và đáng tin cậy, bạn sẽ phải xuất bản những bài cải chính. Với hầu hết các lĩnh vực thì điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điều mà hầu hết các hãng thông tấn đều không nhận thấy là những bài cải chính có thể đẩy độc giả đi xa sự thật hơn nữa, nếu nó đề cập tới một vấn đề quan trọng với họ. Trên thực tế, những đoạn thông tin ngắn được giấu sâu trong mỗi tờ báo đều là chỉ dấu của một trong những thế lực mạnh mẽ nhất định hình cho cách mà bạn suy nghĩ, cảm nhận và ra quyết định - một hành vi khiến cho bạn không thể chấp nhận sự thật.

Năm 2006, hai nhà nghiên cứu Brendan Nyhan và Jason Reiler đã in những bài báo giả về những vấn đề chính trị gây tranh cãi mạnh mẽ. Những bài báo này đã được viết theo hướng xác nhận những nhận thức sai lầm khi đó đang lan rộng về một số vấn đề trong nền chính trị Hoa Kỳ. Ngay sau khi người tham gia thí nghiệm đọc xong bài báo giả mạo, những người thực hiện thí nghiệm đã cung cấp cho họ một bài báo với thông tin chính xác, đính chính lại những điều được viết trong bài báo đầu tiên. Ví dụ, bài báo đầu tiên của các nhà nghiên cứu viết rằng nước Mỹ đã tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq. Bài báo tiếp theo sẽ đính chính thông tin ở bài trước, nói rằng nước Mỹ chưa bao giờ tìm thấy những vũ khí này, vốn là một sự thật đã được công nhận27. Những người phản đối cuộc chiến hoặc những người theo chủ nghĩa tự do có xu hướng bất đồng với bài báo đầu tiên và chấp nhận bài báo thứ hai. Những người ủng hộ chiến tranh và ngả theo phe bảo thủ thì lại có xu hướng đồng ý với bài báo đầu tiên và cực lực phản đối bài thứ hai. Những phản ứng này có lẽ không làm bạn ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều sẽ khiến bạn phải suy ngẫm là cách mà phe bảo thủ cảm nhận về bài cải chính. Sau khi đọc được rằng không có vũ khí hủy diệt hàng loạt tồn tại ở Iraq, họ cho biết rằng giờ thì họ còn chắc chắn hơn nữa về sự tồn tại của chúng, và rằng niềm tin ban đầu của họ là chính xác.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục thực hiện thí nghiệm này với những vấn đề nổi cộm khác, như là các nghiên cứu về tế bào gốc hay cải cách thuế, và một lần nữa, họ lại thấy rằng những bài cải chính thường có khả năng củng cố thêm niềm tin sai lầm của người tham gia thí nghiệm nếu chúng đi ngược với lý tưởng của họ. Những người ở hai trường phái chính trị đối lập đã cùng đọc những bài báo và những bài đính chính như nhau, nhưng khi những bằng chứng mới đưa ra được cắt nghĩa theo hướng đe dọa những ý niệm có sẵn, họ sẽ gia tăng niềm tin lên gấp đôi. Những bài đính chính đã phản tác dụng.

Hai nhà nghiên cứu Kelly Garrett và Brian Weeks đã mở rộng công trình này vào năm 2013. Trong nghiên cứu của họ, những người vốn đã hoài nghi về hồ sơ khám bệnh điện tử được đọc bài báo về công nghệ này với thông tin sai lệch ủng hộ cho quan điểm của họ. Trong những bài viết, các nhà khoa học đã xác định ra những thông tin sai và đặt chúng vào ngoặc đơn, tô bút đỏ và in nghiêng chúng. Sau khi đọc xong bài báo, những người trước đó công nhận việc họ phản đối việc sử dụng hệ thống lưu trữ hồ sơ khám bệnh điện tử nói rằng họ không thay đổi ý kiến, thậm chí còn có cảm xúc mãnh liệt hơn về vấn đề này. Những sửa chữa trong bài đã củng cố thêm định kiến của họ thay vì làm chúng yếu đi.

Khi điều gì đó được cho thêm vào bộ sưu tập những niềm tin của bạn, bạn sẽ bảo vệ nó khỏi mọi hiểm nguy. Bạn làm điều này một cách vô thức theo bản năng khi đối mặt với những thông tin có thái độ không rõ ràng. Cũng giống như việc thiên kiến xác nhận tạo ra lớp che chắn khiến bạn không thể tìm thấy thông tin phủ nhận niềm tin của mình, hiệu ứng phản tác dụng đóng vai trò tấm khiên bảo vệ khi thông tin tìm đến bạn và tấn công một cách bất ngờ. Bạn có xu hướng giữ lại những niềm tin của mình thay vì chất vấn chúng. Khi ai đó sửa lưng bạn, cố gắng xua đi những quan điểm sai lầm, điều đó thường sẽ phản tác dụng và củng cố thêm những niềm tin này. Qua thời gian, hiệu ứng phản tác dụng khiến bạn trở nên bớt hoài nghi về những điều mình vốn tin tưởng, cho phép bạn tiếp tục nghĩ rằng chúng vẫn luôn chính xác và hợp lý.

Vào năm 1976, khi Ronald Reagan còn đang vận động tranh cử cho chức Tổng thống Hoa Kỳ, ông thường xuyên kể câu chuyện về một người phụ nữ ở Chicago đã lừa đảo và sử dụng hệ thống phúc lợi xã hội để kiếm lợi bất chính. Reagan kể rằng người phụ nữ này có tám mươi cái tên, ba mươi địa chỉ và mười hai chiếc thẻ An sinh xã hội mà bà ta lợi dụng để nhận tem phiếu thực phẩm cùng những khoản tiền trợ cấp từ quỹ Medicaid28 và các chính sách phúc lợi khác. Reagan nói, bà này lái một chiếc xe Cadillac, không có việc làm và cũng không đóng thuế. Ở gần như tất cả những nơi mà ông đi qua trên con đường vận động tranh cử, Reagan đều nhắc tới người phụ nữ này mặc dù ông không bao giờ nói tên bà ta. Câu chuyện này thường gây rúng động mạnh cho các cử tri nghe ông phát biểu. Đây là khởi nguồn của thuật ngữ bà hoàng phúc lợi trong những bài diễn văn chính trị ở Mỹ, và nó không chỉ gây ảnh hưởng lên những cuộc tranh luận trong vòng ba mươi năm tiếp theo mà còn thay đổi cả những chính sách cộng đồng nữa. Tất nhiên, nó không phải là một câu chuyện có thật.

Không có gì phải nghi ngờ, luôn luôn tồn tại những kẻ trục lợi từ những chính sách của chính phủ, nhưng các nhà sử học khẳng định rằng không tồn tại bất kỳ ai khớp với những gì Reagan đã miêu tả. Người phụ nữ mà hầu hết các học giả đồng tình là nguyên mẫu cho câu chuyện của cựu tổng thống Mỹ - là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp với bốn cái tên giả và luôn di chuyển từ nơi này tới nơi khác dưới những lớp hóa trang khác nhau, chứ không phải là một bà mẹ bỉm sữa với đàn con nheo nhóc.

Mặc dù đã bị lật tẩy và một thời gian dài đã trôi qua, câu chuyện này vẫn sống khỏe. Hình ảnh tưởng tượng về một người phụ nữ nhảy như bác vịt Scrooge McDuck29 bơi trong cái bể to đùng toàn tem phiếu để thư giãn giữa những giấc ngủ trưa lười biếng, trong khi những người lao động cần cù khác phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày - vẫn xuất hiện tràn lan trên Internet. Khả năng nhân bản dai dẳng của câu chuyện này là rất đáng nể, và chúng thường tạo nên một trong những nền móng quan trọng nhất cho hiệu ứng phản tác dụng. Các nhà tâm lý học gọi chúng là những kịch bản tự sự, những câu chuyện kể lại những điều mà bạn muốn nghe, xác nhận niềm tin có sẵn và cho bạn được phép tiếp tục cảm thấy thoải mái. Nếu niềm tin vào sự tồn tại của những “bà hoàng phúc lợi” bảo vệ lý tưởng của bạn, bạn sẽ chấp nhận nó và tiếp tục sống thoải mái. Bạn có thể cảm thấy câu chuyện mà Reagan kể là tức cười và đáng khinh, nhưng bạn cũng chấp nhận mà không chất vấn những câu chuyện tương tự về các công ty hóa dược ngăn cản các công trình nghiên cứu, về những cuộc lục soát trái phép của cảnh sát, hoặc về những tác dụng tốt cho sức khỏe của sô-cô-la. Bạn đã xem một phim tài liệu về tội ác của một ai đó hoặc về cái gì đó mà bạn ghét, và có lẽ bạn đã rất thích bộ phim đó. Với mỗi phim tài liệu do Michael Moore30 sản xuất và được truyền tai nhau như là chân lý thì sẽ lại có một bộ phim tài liệu phản-Michael Moore xuất hiện. Người diễn thuyết trong đó sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng phiên bản sự thật của họ mới là lựa chọn tốt hơn.

Một ví dụ tuyệt vời cho sự hoài nghi có chọn lọc này là trang web literallyunbelievable.org. Trang web này thu thập và đăng ảnh chụp bình luận trên Facebook của những người thực sự tin rằng những bài viết được xuất bản trên tạp chí trào phúng The Onion là thật. Những bài viết về việc Oprah31 cho phép một vài người sau này được chôn cùng bà trong một lăng tẩm lộng lẫy, hay báo cáo về việc xây dựng một siêu trung tâm nạo phá thai với mức đầu tư hàng tỷ đô la, hay việc NASCAR32 trao thưởng cho các tay đua đưa ra phát biểu mang tính kỳ thị người đồng tính - tất cả những bài viết này đều nhận được rất nhiều bình luận với giọng điệu chung kiểu “đó, biết ngay mà”. Như nhà tâm lý học Thomas Gilovich đã nhận định: “Khi xem xét chứng cứ liên quan tới một niềm tin có sẵn, người ta có xu hướng thấy những điều mà họ trông đợi, và từ đó đưa ra kết luận mà họ đã mong muốn từ trước... Đối với những kết luận hợp ý, chúng ta sẽ tự hỏi ‘Liệu tôi có thể tin điều này không?’ nhưng đối với những kết luận trái ý, chúng ta lại tự hỏi liệu tôi có buộc phải tin điều này không?”

Đây là lý do tại sao mà những kẻ hoài nghi cứng đầu, những người tin rằng Barack Obama không được sinh ra trên đất Mỹ, sẽ không bao giờ thỏa mãn với bất kỳ bằng chứng nào trái ý họ. Khi chính quyền Tổng thống Obama công bố bản khai sinh đầy đủ của ông vào tháng Tư năm 2011, phản ứng của những người này đã được tiên đoán trước bởi hiệu ứng phản tác dụng: Họ soi mói về thời gian, về hình thức của tờ giấy, rồi tụ tập lại trên mạng để lên vào năm 2006, xuống còn 67% vào năm 2012. Cũng không có bàn tán và xỉa xói nó. Niềm tin trước đó của họ càng được khẳng định chắc chắn hơn. Điều này vẫn đúng, và sẽ luôn đúng với bất kỳ thuyết âm mưu hoặc niềm tin trái lề nào. Theo lời của nhà thần kinh học và chuyên gia lật tẩy thuyết âm mưu Steven Novella thì những bằng chứng trái nghịch sẽ có tác dụng củng cố lập trường cho các tín đồ. Đối với họ, những bằng chứng đó là một phần của âm mưu, trong khi sự thiếu bằng chứng chứng minh cho luận điểm của phe họ lại được giải thích là do sự che đậy của chính quyền.

Điều này cũng giải thích tại sao những quan niệm kỳ lạ, cũ kỹ và lập dị lại vẫn có thể tồn tại khỏe re trước mọi tiến bộ khoa học, lý lẽ và báo chí truyền thông. Khi Internet ngày càng trở nên dễ tiếp cận và sử dụng hơn thì việc tìm được một chốn an toàn chứa đầy những bằng chứng không xác thực cũng trở nên dễ dàng hơn. Có lẽ đó là lý do mà ở Mỹ, các khảo sát cho thấy niềm tin vào thuyết tiến hóa vẫn chỉ giữ nguyên ở mức 39% kể từ những năm 1980, mặc dù núi bằng chứng cho thuyết này ngày một trở nên to hơn và luôn có sẵn trên mạng. Đây cũng có thể là thủ phạm đúng sau sự sụt giảm mạnh mẽ niềm tin về hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ mức 77% người được hỏi tại Mỹ chấp nhận là Trái Đất đang nóng lên vào năm 2006, xuống 67% vào năm 2012. Cũng không có gì phải nghi ngờ rằng, chính hiệu ứng phản tác dụng đang khiến cho việc ngăn chặn phong trào chống tiêm vắc-xin ngày càng trở nên khó khăn, dù hàng triệu đô la đã được bỏ ra để nghiên cứu và chứng minh các loại vắc-xin an toàn tuyệt đối. Theo báo cáo của tạp chí Forbes, vào năm 2012, nỗ lực dai dẳng của những nhà hoạt động chống vắc-xin, ngay cả khi phải đối mặt với những bằng chứng xác đáng về tính an toàn của phương pháp phòng bệnh này, đã gây ra đại dịch ho gà tồi tệ nhất trong vòng bảy mươi năm.

Đối với những vấn đề kể trên, có lẽ bạn tự coi mình thuộc nhóm có lý trí. Bạn không tự nhìn nhận bản thân như một kẻ lập dị. Bạn không tin rằng tiếng sấm là do một ông thần nào đó đang cố gắng ném đổ pin số bảy và pin số mười trên sàn bowling. Niềm tin của bạn là hợp tình hợp lý, mang tính logic và dựa trên những bằng chứng xác đáng, phải không nào? Chà, hãy nghĩ về những chủ đề như là việc đánh con xem. Theo bạn thì nó là đúng hay sai? Đánh con là có hại hay vô hại? Liệu đó có phải là cách dạy trẻ lười biếng, hay là yêu cho roi cho vọt? Khoa học có câu trả lời, nhưng hãy để dành cho đoạn sau nhé. Bây giờ thì hãy tự nhìn nhận vào phản ứng cảm xúc của bạn trước vấn đề này, và nhận ra rằng bạn sẵn sàng để bị thuyết phục, để thay đổi ý kiến ở rất nhiều thứ, nhưng bạn cũng sẽ để dành ngoại lệ cho một số chủ đề đặc biệt. Lần cuối cùng mà bạn tham gia vào, hoặc là ngồi cạnh hóng hớt, một cuộc tranh luận trực tuyến với ai đó tự cho rằng mình biết hết tất cả về cải cách dịch vụ y tế, kiểm soát vũ khí, hôn nhân đồng tính, biến đổi khí hậu, giáo dục giới tính, cuộc chiến chống ma túy, Joss Whedon33, hay liệu 0,9999 kéo dài tới vô tận có bằng 1 hay không - cuộc tranh luận đó đã diễn ra thế nào?

Bạn đã dạy cho đối phương một bài học quý giá chứ? Họ có cảm ơn bạn vì đã bắt lỗi họ trong những vấn đề phức tạp, sau khi tự mắng nhiếc sự dốt nát của bản thân không? Liệu họ có đứng lên rời khỏi bàn phím và sẵn sàng trở thành một con người tốt hơn?

Không, chắc chắn là điều đó đã không xảy ra. Hầu hết những trận chiến trên bàn phím đều đi theo một khuôn mẫu giống nhau - mỗi bên đều ra những đòn tấn công mạnh mẽ, lôi ra những bằng chứng từ những nguồn sâu thẳm trên Internet để bảo vệ chính kiến, cho tới khi một bên phát nản và bắt đầu sử dụng các đòn tấn công hạng nặng mang nhãn hiệu công kích cá nhân. Nếu may mắn, chuỗi bình luận sẽ bị trật bánh đủ sớm để bạn giữ được phẩm giá cho bản thân, hoặc một người khác sẽ nhảy vào hỗ trợ bằng cách gửi một bãi phân chó vẽ bằng các ký hiệu ngôn ngữ cho đối thủ của bạn.

Điều rút ra được từ những nghiên cứu về hiệu ứng phản tác dụng này là, bạn sẽ chẳng bao giờ thắng trong một cuộc tranh luận trên mạng đâu. Khi bạn bắt đầu lôi ra chứng cứ và số liệu, những đường link và câu trích dẫn, bạn thực ra đang làm cho đối thủ càng trở nên chắc chắn về quan điểm của họ hơn so với lúc bắt đầu cuộc đấu phím. Đến khi sự nhiệt tình của đối phương đạt ngang cơ với bạn thì điều tương tự cũng sẽ xảy ra trong não bạn. Hiệu ứng phản tác dụng sẽ đẩy cả hai người ngã sâu hơn vào niềm tin ban đầu của chính mình.

Nhà khoa học về khí hậu John Cook và nhà tâm lý học Stephan Lewandowsky đã viết trong cuốn sách nhỏ của họ, The Debunking Handbook (Sổ tay lật tẩy), như sau: “Đối với nhận thức của chúng ta, một điều hoang đường đơn giản sẽ luôn hấp dẫn hơn so với một sự đính chính quá phức tạp”. Rất nhiều nghiên cứu đã ủng hộ quan điểm này. Khi những khẳng định được đưa ra càng khó hiểu thì bạn sẽ càng trở nên hoài nghi chúng hơn. Trong siêu nhận thức, hay nói cách khác là quá trình suy nghĩ về chính những suy nghĩ của mình, nếu bạn lùi lại một bước và nhận ra mình có thể hiểu một quan điểm dễ dàng hơn so với quan điểm còn lại, bạn sẽ có xu hướng nghiêng theo hướng dễ hơn để tiếp nhận và xử lý thông tin, từ đó nhảy tới một kết luận thường có khả năng chính xác cao hơn. Trong các thí nghiệm, khi hai sự thật được đặt cạnh nhau, các đối tượng tham gia có xu hướng đánh giá cao những khẳng định được viết một cách dễ đọc và rõ ràng hơn là những thứ được in ra bằng một phông chữ kỳ quặc với những hoa văn màu mè khó đọc. Tương tự như vậy, một đợt pháo kích của những phản biện kéo dài hết cả trang giấy sẽ trở nên kém thuyết phục đối thủ hơn so với một câu khẳng định đơn giản và mạnh mẽ.

Đã bao giờ bạn nhận thấy xu hướng kỳ lạ của chính mình là thường xuyên bỏ qua những lời ngợi khen, nhưng lại cảm thấy tuyệt vọng trước những lời phê bình? Một ngàn nhận xét tích cực có thể trôi qua mà bạn không để ý, nhưng chỉ một câu “mày tệ hại quá” có thể đeo bám bạn cả mấy ngày liền. Một trong những giả thiết được đưa ra để giải thích cho điều này, cũng như hiệu ứng phản tác dụng, là bạn bỏ thời gian để suy ngẫm những thông tin mà bạn bất đồng nhiều hơn so với những điều mà bạn vốn đã chấp nhận.

Những thông tin phù hợp với niềm tin có sẵn sẽ trôi qua tâm trí như làn hơi nước, nhưng khi bạn gặp phải một điều có khả năng đe dọa tới niềm tin của mình, trái ngược với định kiến của bạn về cách mà thế giới vận hành, bạn sẽ khựng lại và tập trung chú ý vào nó. Một số nhà tâm lý học nhận định hiện tượng này có thể giải thích liên quan tới quá trình tiến hóa. Tổ tiên của bạn đã chú ý và bỏ thời gian để suy nghĩ về những kích thích tiêu cực nhiều hơn so với những điều tích cực, vì những thứ tệ hại sẽ cần phải có phản ứng xử lý thích đáng. Những kẻ không bận tâm tới những kích thích tiêu cực sẽ nhanh chóng mất mạng.

Vào năm 1992, Peter Ditto và David Lopez đã thực hiện một nghiên cứu mà trong đó, các đối tượng tham gia được phát cho những mẩu giấy để nhúng vào cốc nước bọt của bản thân. Những mẩu giấy này thực ra chẳng có gì đặc biệt, nhưng các nhà tâm lý học đã nói với một nửa các đối tượng rằng chúng sẽ chuyển sang màu xanh nếu phát hiện ra trong nước bọt của bạn thiếu hụt enzym đặc trưng cho việc gây nên các chứng rối loạn tuyến tụy sau này. Nửa còn lại của nhóm thí nghiệm được phổ biến rằng tờ giấy sẽ chuyển màu xanh nếu họ không có vấn đề gì. Cả hai nhóm được dặn rằng phản ứng chuyển màu này sẽ mất khoảng hai mươi giây, nhưng thực tế là những tờ giấy sẽ chẳng bao giờ chuyển sang màu xanh cả. Như vậy, những người được cho biết mảnh giấy của họ sẽ chuyển xanh nếu họ không gặp vấn đề sẽ thấy nó không thay đổi gì, và họ có xu hướng chờ đợi phản ứng lâu hơn nhiều, hy vọng sẽ có một chuyển biến muộn màng nào đó. Khi đã biết rõ rằng giấy sẽ không đổi màu, 52% đã xin được xét nghiệm lại để chắc hơn về kết quả. Nhóm còn lại, những người mà đối với họ giấy xanh sẽ là tin xấu, có xu hướng chỉ đợi đúng hai mươi giây là kết thúc việc quan sát. Chỉ có 18% số người trong nhóm này quyết định làm xét nghiệm lại.

Khi bạn đọc một lời bình phẩm tiêu cực, khi một ai đó chà đạp lên những điều mà bạn thích, khi niềm tin của bạn đứng trước thách thức, bạn sẽ nghiền ngẫm những điều này, phân tích chúng tới từng chân tơ kẽ tóc để tìm ra những sơ hở và điểm yếu. Sự bất hòa nhận thức sẽ khóa cùng những bánh xe trong tâm trí lại, cho tới khi bạn xử lý xong việc này. Trong quá trình này, bạn tạo nên một mối liên hệ trung tính hơn, xây dựng nên những ký ức mới và bỏ ra nhiều nỗ lực hơn - và khi cuối cùng bạn cũng xong xuôi, niềm tin ban đầu của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hiệu ứng phản tác dụng liên tục nhào nặn những niềm tin và ký ức của bạn, giữ cho bạn luôn luôn nhìn về một hướng, thông qua một quá trình mà các nhà tâm lý học gọi là thiên kiến đồng hóa (bias assimilation). Hàng thập kỷ nghiên cứu về một loạt các dạng thiên kiến nhận thức đã cho thấy rằng, bạn thường xuyên nhìn thế giới qua một lớp kính dày cộp như đít chai được tạo nên từ những định kiến, lem màu của thái độ và lý tưởng. Khi các nhà khoa học quan sát những người xem cuộc tranh luận bầu cử giữa Bob Dole và Bill Clinton vào năm 1996, họ nhận thấy những người này có xu hướng tin rằng ứng cử viên mà mình ủng hộ sẽ chiến thắng. Vào năm 2000, khi các nhà tâm lý học nghiên cứu phản ứng của những người ủng hộ và phản đối Clinton trong suốt vụ scandal với Monica Lewinsky34, họ nhận thấy những người ủng hộ thường nhìn nhận Lewinsky như một kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình người khác và không đáng tin cậy, đồng thời cũng khó chấp nhận sự thật là Clinton đã nói dối trái với lời tuyên thệ. Ngược lại, những người ghét Clinton thì đương nhiên là có phản ứng khác hẳn. Tua nhanh tới năm 2011 và bạn có cuộc chiến giữa Fox News và MSNBC để tranh giành thị phần truyền hình thông tấn qua đường cáp quang. Cả hai nhà đài này đều chỉ phát đi những quan điểm chắc chắn sẽ không bao giờ đối nghịch với hệ thống niềm tin của một phần nhất định trong số các khán giả xem truyền hình, và như vậy sự thiên kiến đồng hóa đã được đảm bảo.

Geoffrey Munro và Peter Ditto đã tạo nên một loạt những nghiên cứu giả mạo vào năm 1997. Một vài trong số này kết luận rằng đồng tính luyến ái có thể là một chứng bệnh tâm thần. Số còn lại thì lại cho thấy đồng tính luyến ái là bình thường và tự nhiên. Sau đó họ chia các đối tượng tham gia thí nghiệm thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm những người tin đồng tính là một vấn đề tâm thần, nhóm còn lại thì có quan điểm trái ngược. Mỗi nhóm này sau đó được cho đọc những bài nghiên cứu đầy những kết luận và số liệu giả để chứng minh rằng quan điểm họ đang có là sai lầm. Ở cả hai phe, sau khi đã đọc những bài nghiên cứu đi ngược lại định kiến của bản thân, hầu hết những người tham gia thí nghiệm đều không thể hiện sự giác ngộ, hay bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ nhận ra rằng mình đã sai trong suốt những năm qua. Thay vào đó, họ cho rằng đây là vấn đề mà khoa học không thể hiểu được. Khi được hỏi về những chủ đề khác, ví dụ như đòn roi khi dạy trẻ hay về chiêm tinh học, những người này cho biết họ không còn tin tưởng vào những nghiên cứu khoa học để xác định sự thật nữa. Thay vì bỏ đi những niềm tin sẵn có của mình để đối mặt với sự thật, họ đã nghi ngờ khoa học.

Khoa học và viễn tưởng đã từng vẽ lên viễn cảnh tương lai mà giờ đây bạn đang sống. Những sách vở, phim ảnh và truyện tranh từ thời kỳ trước đã tạo ra hình tượng những kẻ rành rõi công nghệ lướt trên những dòng dữ liệu và những thiết bị trao đổi cá nhân tất cả tạo nên bản đồng ca của những tiếng bíp bíp và chuông báo khắp nơi xung quanh bạn. Những mẩu truyện ngắn và những cuộc thảo luận cách đây nhiều năm đã tiên đoán về thời điểm mà tất cả vốn kiến thức và văn hóa tích lũy được của loài người sẽ trở nên dễ dàng tiếp cận và sẵn sàng cho bạn sử dụng bất kỳ lúc nào, và hàng tỷ người sẽ được kết nối với nhau, trở nên hữu hình trước bất kỳ ai muốn được thấy.

Vậy bạn thấy đó, từ thời xưa, con người đã tưởng tượng tương lai mình sẽ được vây quanh bởi những máy móc có thể mang tới cho họ gần như tất cả những sự thật mà loài người biết, hướng dẫn bất kỳ công việc nào, những bước cần trải qua để học một kỹ năng bất kỳ, lời giải thích cho tất cả những điều mà loài người biết được. Nơi từng là viễn cảnh xa xôi đó giờ là cuộc sống hàng ngày của bạn.

Nếu tương lai mà chúng ta từng mong đợi giờ đã là hiện tại, vậy tại sao khoa học và lý trí vẫn chưa đạt được chiến thắng cuối cùng? Tại sao bạn không được sống trong một miền đất với nền xã hội và công nghệ hoàn hảo, một thiên đường của thực nghiệm, một Asgard35 của những bộ óc phân tích tuyệt diệu, khi mà sự thật đã có sẵn ở khắp nơi?

Chắn giữa bạn và miền đất tuyệt diệu ấy là rất nhiều thiên kiến và ảo giác, trong đó có con quái vật khổng lồ của tâm trí: hiệu ứng phản tác dụng. Nó vẫn luôn ở đó chọc ngoáy vào cách bạn và tổ tiên của bạn nhìn vào thế giới, mạng Internet đã phá đi sợi xích kiềm chế tiềm năng thực sự của nó, nâng cấp và biến nó thành một con quái thú mạnh mẽ hơn, và bạn chẳng khôn ra là mấy so với trước kia.

Đi kèm với sự phát triển của mạng xã hội và ngành quảng cáo, thiên kiến xác nhận và hiệu ứng phản tác dụng sẽ trở nên ngày càng khó vượt qua hơn. Bạn có nhiều phương án lựa chọn những thứ thông tin, cũng như nguồn thông tin mà bạn tin tưởng, muốn cho vào đầu hơn. Các dịch vụ mạng xã hội như Facebook đã áp dụng những thuật toán để biến đổi các bài viết trong danh sách liên lạc của bạn, để những điều bạn thấy được từ những khu vườn đóng kín ấy có khả năng cao là những điều mà bạn đồng tình. Thêm vào đó, các nhà quảng cáo sẽ luôn luôn thích nghi, không chỉ đưa ra những nội dung quảng cáo dựa vào thông tin họ nắm được về bạn, mà còn tạo nên những chiến thuật tức thì dựa trên những thứ đã có hoặc không có động gì đến bạn trên thời gian thực. Nội dung truyền thông được mang tới bạn trong tương lai có thể sẽ không chỉ dựa vào sở thích, mà còn dựa vào lá phiếu bầu cử bạn đã bỏ vào hòm, nơi bạn đã lớn lên, tâm trạng hiện tại của bạn, thời gian trong ngày hoặc trong năm - mọi yếu tố trong bạn và xung quanh bạn đều có thể được định lượng. Trong một thế giới mà mọi thứ sẽ được chuyển tới tận tay bạn chỉ sau một vài lệnh gõ, những niềm tin sẵn có của bạn có thể chẳng bao giờ bị thách thức, và cả khi phải đối mặt với sự thật, bạn luôn có thể lui về ẩn náu trong bong bóng của sự xác nhận và phủ nhận một cách dễ dàng hơn bao giờ hết.

3000 đoạn tweet không chính thức đã nhảy nhót mỗi giây trên Twitter trong những giờ trước khi tổng thống Barack Obama bước lên bục phát biểu chính thức thông báo cho toàn thế giới biết về cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden. Những trang Facebook mới toanh, những trang web hướng dẫn làm giàu nhanh, hàng triệu thư điện tử và tin nhắn cá nhân liên quan tới sự kiện này đã nắm bắt thông tin ngay trước cả khi có thông cáo chính thức. Những ý kiến của sinh viên về độ hiệu quả của thuốc chống trầm cảm, rồi bài viết được đăng tải, các bình luận đổ vào, các công cụ tìm kiếm bùng nổ. Giữa 7:30 và 8:30 chiều ngày hôm đó, lượt tìm kiếm về Osama bin Laden đã tăng vọt tới một triệu phần trăm so với con số những ngày trước.

Đó là một minh chứng choáng ngợp về thay đổi đáng kinh ngạc của sự trao đổi thông tin trên thế giới kể từ tháng Chín năm 2001. Chỉ trừ một điều có thể được dự đoán trước là sẽ diễn ra, và có lẽ theo một cách bất biến từ trước tới nay: Chỉ trong vài phút sau sự bùng nổ tin tức về Đội Đặc Nhiệm SEAL số sáu, viên đạn bắn trúng đầu và việc chôn cất bin Laden nhanh gọn ngoài biển; các giả thuyết âm mưu đã bắt đầu nhen nhóm và lục bục trồi lên từ đáy biển sâu Internet. Vài ngày sau, khi cả thế giới biết rằng bằng chứng hình ảnh sẽ không được công bố, những giả thuyết này đã mọc chân, bước ra khỏi đại dương, và tiến hóa thành những dạng sống tự dưỡng không thể loại bỏ được.

Sẽ cần phải có những thay đổi thực sự về mặt sinh lý trong bộ não để bạn có thể chấp nhận những thông tin mới, khi chúng yêu cầu bạn phải nhìn thế giới theo một cách khác. Nhà thần kinh học Kevin Dunbar đã chứng minh điều này khi ông đeo máy quét não cho những các sinh viên và cho họ đọc những bài nghiên cứu phủ nhận niềm tin của chính họ. Trong thí nghiệm này, Dunbar thu thập ý kiến của sinh viên về độ hiệu quả của thuốc trầm cảm, rồi cho họ nằm vào những chiếc máy quét não. Lúc này ông cho họ xem những dữ liệu hoặc là ủng hộ, hoặc là đi ngược với niềm tin sẵn có. Khi được cho xem những dữ liệu củng cố cho ý kiến của mình, Dunbar nhận thấy những vùng não liên quan tới việc học hỏi của người sinh viên sáng lên và thu nhiều máu về hơn. Khi họ được cho xem những dữ liệu đi ngược với niềm tin có sẵn, những vùng liên quan tới việc học hỏi đã không sáng lên, thay vào đó, những vùng phụ trách việc suy nghĩ nỗ lực và kiềm chế suy nghĩ đã cho thấy sự gia tăng hoạt động. Theo nhận xét của Dunbar, bạn không nên trông chờ vào việc người khác sẽ thay đổi ý kiến chỉ vì bạn đưa cho họ thấy những sự thật đi ngược lại niềm tin sai lầm của họ. Khi bạn làm vậy, bộ não những người này sẽ chủ động tự ngăn không cho việc học hỏi có thể xảy ra. Tin mừng là nghiên cứu của Dunbar cũng cho thấy hiện tượng này cũng hoạt động theo hướng ngược lại. Trong nghiên cứu liên quan tới những sinh viên sắp được nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành vật lý, ông nhận thấy dạng suy nghĩ nỗ lực và kiềm chế suy nghĩ tương tự đã xảy ra khi họ xem những đoạn video miêu tả những hiểu biết sai thường gặp về trọng lực và chuyển động. Như vậy là các sinh viên này đã kìm hãm những hiểu biết ngây ngô cũ của mình, theo cách giống như những sinh viên thí nghiệm trước đã kìm hãm việc tiếp nhận những ý tưởng mới. Những sinh viên không thuộc chuyên ngành vật lý đã không có phản ứng tương tự. Điều này cho thấy, con người ta hoàn toàn có thể học được sự thật, nhưng đó là một quá trình cần sự nỗ lực lâu dài, và bạn không thể trông chờ một cuộc tranh luận hay thảo luận có thể tạo nên được một tác động lớn như vậy.

Ngay cả khi công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhanh, những hành vi bạn thường làm khi chạm tới những vấn đề về niềm tin, giáo lý, chính trị và lý tưởng có vẻ là sẽ không thay đổi. Trong một thế giới bùng nổ những kiến thức mới, bạt ngàn những cái nhìn khoa học về tất cả mọi mặt trong trải nghiệm của con người, như hầu hết những người khác, bạn vẫn sẽ chọn lọc những điều đó chấp nhận, bất kể nó có được mang ra từ một phòng thí nghiệm hoặc dựa vào kết quả của hàng trăm năm nghiên cứu hay không.

Vậy còn về vấn đề roi vọt khi dạy trẻ thì sao? Sau khi đọc hết những điều trên, bạn có dám chắc là mình sẵn sàng để tiếp nhận quan điểm của khoa học hay không? Tóm gọn lại thì như sau: Các nhà tâm lý học hiện vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này, nhưng quan điểm hiện tại là việc đánh đòn có thể tạo nên sự vâng lời ở trẻ nhỏ dưới bảy tuổi nếu thực hiện không thường xuyên, một cách riêng tư, và chỉ sử dụng tay. Và sau đây sẽ là một đính chính nho nhỏ: Những phương pháp khác trong thay đổi hành vi trẻ em như gia cường tích cực, tặng thưởng giá trị vị kinh tế, thời gian im lặng, v.v. đều khá hiệu quả và không cần phải sử dụng vũ lực.

Đọc xong những điều này rồi, hẳn là bạn đang có một phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Giờ thì bạn đã biết được sự thật, chính kiến của bạn đã thay đổi chưa?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3