Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 11

Sự vô tri đa nguyên ... Chương 10 ...

BẠN VẪN TƯỞNG:

Rất nhiều niềm tin cá nhân của bạn không giống với số đông.

SỰ THẬT LÀ:

Trong một số vấn đề, hầu hết mọi người đều không đồng tình với một quan điểm nào đó, nhưng lại lầm tưởng rằng đa số chấp nhận nó.

Đã bao giờ bạn bị lúng túng trong một lớp học, một buổi họp hay một buổi tụ tập, và khi người chủ trì sự kiện đó hỏi “Được rồi, hãy giơ tay lên nếu bạn có gì chưa hiểu”, bạn lại bỏ qua cơ hội để được giải đáp thắc mắc? Tại sao bạn lại làm thế?

Khi một người đặt những câu hỏi dạng như vậy - ví dụ như vị giáo sư trong lớp đại số - người đó đã vô tình kích hoạt một hiện tượng tâm lý vốn đã bẻ lái cuộc đời của hàng triệu sinh linh kể từ khi con người đầu tiên xuất hiện trên Trái Đất. Có lẽ bạn cũng từng trải qua cảm giác này rồi - cảm giác ngay sau khi được hỏi “Giơ tay nếu có vấn đề gì không hiểu”. Bạn thường dừng lại khoảng 3 giây, mắt đảo quanh phòng một cách lo lắng, và cuối cùng cho rằng mình là người duy nhất không hiểu điều gì đang diễn ra, quyết định giữ cánh tay phải ở nguyên vị trí. Sau đó vài giây, vị giáo sư sẽ nói “Vậy là tốt rồi. Chuyển sang vấn đề tiếp theo...”.

Nếu có thể đọc được suy nghĩ của những người bạn cùng lớp, bạn sẽ nhận thấy rằng thực ra hầu hết bọn họ cũng chẳng hiểu gì, cũng đang chờ xem mình có phải người duy nhất không, và cuối cùng đều chọn không hành động. Trong những trường hợp như vậy, một làn sóng bất an tràn qua nhóm người, với mỗi thành viên trong nhóm đều tự hỏi liệu mình có phải là người duy nhất đang không nắm được vấn đề. Sau đó, mỗi người sẽ quyết định không đưa ra phản ứng gì, bởi họ sợ viễn cảnh hàng trăm con mắt có thể đổ dồn nhìn mình một cách khinh miệt. Kết quả là một quan điểm hoàn toàn sai lệch về thực tế, mà trong đó mọi người đều cho rằng mình biết được số đông đang nghĩ gì, và mỗi người đều tự cho mình thuộc về thiểu số. Cuối cùng thì sự nhầm tưởng này được truyền cho vị giảng viên, và người đó chuyển sang chủ đề khác, cho rằng đây là một lớp thông minh nhanh nhẹn, biết nắm bắt vấn đề và rằng phương pháp giảng dạy của mình thật xuất chúng. Chủ đề vừa rồi đáng lẽ đã được giải thích rõ ràng cho bạn và bạn bè cùng lớp, và có lẽ điểm số của mọi người sẽ được nâng cao hơn một chút, nếu không bị can thiệp bởi một tên phá đám đáng ghét với tên gọi sự vô tri đa nguyên (pluralistic ignorance). Để hiểu được cách mà nó chi phối các mặt trong cuộc sống của bạn, chúng ta sẽ phải tìm hiểu một chút về căn bản của môn xã hội học đã.

Như cách mà nhà triết học Terence McKenna thường so sánh, các nền văn hóa là những hệ điều hành dành cho não chúng ta. Để mở rộng lối so sánh này thì những tín ngưỡng, chuẩn mực và phong tục sẽ là những phần mềm chạy trên phần cứng - bộ não trong đầu bạn. Tất nhiên là “phần cứng” đó không thực sự cứng mà là một đám bầy nhầy như bánh flan chưa nấu chín của những neuron thần kinh cùng những tế bào phụ trợ, bạn hiểu ý tôi đang nói về cái gì rồi đó. Bạn được sinh ra với những chương trình được cài đặt sẵn để sử dụng trong đủ mọi loại tình huống, nhưng phần cứng này của bạn trải qua những thay đổi, nâng cấp, kìm nén và kết nối lại dựa trên môi trường văn hóa mà bạn sống. Tín ngưỡng là thứ mà hầu hết mọi người đều tin vào. Chuẩn mực là cách chúng ta phân định giữa đúng và sai, giữa sự nghiêm túc và những thứ vớ vẩn, giữa đạo đức và phi đạo đức. Cuối cùng là phong tục - thứ có ảnh hưởng lớn nhất lên hành vi và suy nghĩ của bạn. Phong tục là những luật lệ hành xử trong một nền văn hóa, quyết định xem thứ gì là chấp nhận được hoặc không, trong từng trường hợp cụ thể. Đôi khi chúng được viết thành văn bản, thậm chí hệ thống hóa để đưa vào luật pháp; và đôi khi chúng thẩm thấu vào tri giác của bạn sau quá trình trưởng thành và tiếp xúc với xã hội. Điểm đáng chú ý về tín ngưỡng, chuẩn mực và phong tục là chúng thay đổi theo thời gian. Như nhà sinh vật học Richard Dawkins đã viết trong cuốn sách tuyệt vời về chọn lọc tự nhiên của ông - The Selfish Gen (Gen vị kỷ), đơn vị truyền tải văn hóa, thứ mà ông gọi là meme, luôn đột biến và cạnh tranh với nhau giống như các loại gen vậy, và qua thời gian, những meme này sẽ tiến hóa để phù hợp hơn với môi trường và giúp cho sinh vật chúng phục vụ có thể sống sót và phát triển. Cũng giống như việc hình dạng và kích thước của các loài ngựa đã thay đổi một cách rõ rệt, từ những sinh vật chỉ to bằng con sói sống trong rừng khoảng năm mươi triệu năm trước thành những con thú to lớn quần thảo trên đồng cỏ ngày nay, những phong tục tập quán cũng dần thay đổi, quanh các vấn đề như mại dâm, đồng tính, quyền sở hữu, nghi thức ăn uống,... nói chung là tất cả mọi vấn đề phi vật thể trong phiên bản xã hội linh trưởng phức tạp của loài người. Nền văn hóa của bạn là một hệ thống đã được tiến hóa cao cấp, phù hợp cho sự sinh tồn của bản thân bạn, hệt như bộ não vậy.

Một trong những điểm hay ho nhất của việc sở hữu một bộ não là bạn thường xuyên tách ra khỏi thực tại và trong thoáng chốc có thể nhìn vào văn hóa của bản thân bằng một khung đánh giá khách quan tới kỳ lạ. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ có thời điểm nhận ra tiền bạc thực chất chỉ là những mẩu giấy không giá trị, và chúng thường ngay lập tức thắc mắc về điều này. Tương tự như vậy, chúng thường xuyên hỏi người lớn về ý nghĩa của việc bắt tay, hay việc đặt dao nĩa bên cạnh đĩa sau khi ăn, hay việc nói “Bless you” khi người khác hắt hơi. Các bậc phụ huynh sẽ là người góp phần bôi keo dính kết những giá trị văn hóa lại với nhau khi giải thích cho con mình rằng hai chiếc tất của nó phải khớp màu với nhau, hay tầm quan trọng của việc sử dụng dấu câu, hay ngoáy mũi ở nơi công cộng là một thói quen xấu. Khi bố mẹ nói với con trai rằng cậu bé không nên chơi với búp bê, hoặc nói với đứa con gái rằng cô bé sẽ phải chờ một cậu bạn tới rủ đi dự dạ hội, đó là lúc họ đang áp đặt phong tục lên những đứa trẻ. Khi đứa trẻ đó hỏi ngược lại “Nhưng tại sao lại phải vậy?”, nó đang thắc mắc một cách chính đáng về thế giới của người trưởng thành, nơi tất cả những thứ này đều là hư cấu và vô nghĩa, thường được mọi người bấu víu vào vì một lý do đã bị lãng quên từ lâu. Cảm giác có được khi trong một khoảnh khắc, bạn thoát ra khỏi hệ quy chiếu văn hóa của bản thân, khi hệ điều hành bị sập nguồn và từ từ khởi động lại, chính cảm giác này đã là chủ đề cho thi ca từ hàng ngàn năm nay. Điều này đã được cô đọng và thể hiện một cách hoàn hảo trong tác phẩm truyện ngắn The Lottery (Tấm vé số) được viết năm 1948 của Shirley Jackson, tới nỗi rất nhiều người đã hủy đặt hàng dài hạn tờ The New Yorker bởi tờ báo này đã dám xuất bản một thứ phá cách quá mạnh mẽ như vậy. Trong câu chuyện này, người dân ở một thị trấn nhỏ mỗi năm sẽ tụ họp lại để rút thăm xem ai sẽ bị ném đá cho tới chết. Không ai biết được tại sao họ lại làm vậy, và cũng không ai nhớ được truyền thống này bắt nguồn từ đâu. Tuy vậy mọi người đều có vẻ hào hứng với sự kiện, và những bậc lão thành thì say đắm trong sự hân hoan của thị trấn bởi họ đã giữ vững được truyền thống.

Trong bất kỳ một môi trường mới mẻ nào bạn cũng sẽ tự động tìm kiếm và đi theo những phong tục tập quán như nước chảy theo dòng, bởi đây là một phản ứng thích nghi đã được lập trình sẵn trong bộ não linh trưởng của bạn. Một người sẽ khó có thể chịu đựng được lâu nếu phải đơn độc chống lại cả thế giới. Nỗi sợ hãi bị mất mặt hay bị tẩy chay và trái ngược với nó là niềm khoái lạc của việc được chấp nhận luôn thúc đẩy hành vi của bạn. Hiểu được điều này nhờ bản năng, bạn tự động tìm cách gắn kết bản thân vào nhóm, và các nhóm thì hoạt động dựa trên những quy tắc định sẵn. Tuân thủ những phong tục và thực hiện những quy tắc của nhóm sẽ giúp một sinh vật xã hội như bạn có thể sinh tồn. Điểm yếu duy nhất của chiến thuật này là bạn sẽ trở nên rất kém cỏi trong việc thấu hiểu người khác, chứ chưa nói đến những tương tác phức tạp trong cấu trúc từng nhóm.

Có lẽ bạn đã nhận ra, người ta thường tuân theo những tục lệ mà bản thân họ không thực sự đồng tình. Dù không phải là một người sùng đạo, bạn vẫn sẽ cầu nguyện trước khi bà ngoại bạn cắt thịt gà tây. Và ngay cả khi bạn là một người cực kỳ sùng đạo thì bạn vẫn có thể vào sòng bạc cho đôi lần. Nếu là một lính mới tại văn phòng, bạn có thể dành ra cả một buổi chiều để kể cho sếp về những điều mà bạn và đồng nghiệp muốn thay đổi trong môi trường làm việc, những điều sẽ chẳng ai dám hé răng nói tới khi sếp ở trong phòng. Tập tục là thứ kết nối các thành phần văn hóa, được nâng tầm nhờ bệ đỡ tạo bởi những vòng tròn đồng tâm mang tên truyền thống. Gia đình bạn có quy cách ứng xử riêng, rồi nhóm bạn, tại nơi làm hay trường học, ở khu phố, trong nhóm tiểu văn hóa của bạn, trong tầng lớp kinh tế xã hội mà bạn thuộc về, tại thành phố hay đất nước quê hương bạn, và cứ thế. Phong tục sẽ thay đổi hành vi của bạn tùy theo từng hoàn cảnh, bởi thế, chúng có thể được xây chồng lên nhau, cho tới khi thực sự gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử hay việc đưa ra những chính sách, hoặc tạo nên những phong trào xã hội khổng lồ. Tuy vậy, trong nhiều hoàn cảnh, người ta chỉ bám vào các phong tục khi bị đặt dưới sự quan sát của người khác. Ở Mississippi, nền văn hóa mang nặng tính tôn giáo của khu vực đã khiến cho các nhà lập pháp không cho phép sòng bạc hoạt động trên lãnh thổ tiểu bang này. Nhưng những sòng bạc lại được phép mở ở ngay ngoài bờ biển, xây lấn ra đại dương, miễn sao được phân tách rạch ròi với phần đất liền. Tuy nhiên liệu phần biển ở dọc bờ đó có thực sự là không thuộc địa phận của tiểu bang? Như thể là trong quá trình dựng lên sự sắp đặt này, tâm trí chung của cộng đồng đã nghĩ rằng “Chà, nói cho cùng thì lãnh thổ là gì cơ chứ? Nếu tôi lội ra biển thì có ai dám khẳng định là tôi đang ở Mississippi hay không?” Và suy nghĩ này thì phù hợp với cả quan điểm chính trị lẫn tôn giáo của họ. Một tác dụng phụ của việc cho phép các sòng bạc hoạt động theo cách này là bạn có thể gặp những tín đồ Báp-tít sùng đạo vẫy tay chào nhau qua những chiếc máy giật xèng vào ngày thứ Bảy, trong khi ngày Chủ Nhật sau đó họ lại ngồi cùng nhau trên những băng ghế nhà thờ để lên án cờ bạc như một tệ nạn xấu xa.

Khi biểu hiện của bạn khớp với thái độ chung của số đông, dù có thể đang không đồng tình với điều này, bạn vẫn sẽ ở trong một trạng thái mà các nhà tâm lý học gọi là sự vô tri đa nguyên - theo định nghĩa thì sẽ xuất hiện ở nhiều người khác nữa trong nhóm. Sự vô tri đa nguyên là niềm tin sai lầm cho rằng số đông đang hành xử theo cách phù hợp với đạo lý chung được thừa nhận trong nhóm, và rằng bạn là một trong số ít những người có cảm giác khác biệt, trong khi thực tế là đa số mọi người đều cảm thấy y như bạn trong nội tâm, nhưng lại không dám thể hiện ra ngoài thông qua thái độ hoặc hành động. Niềm tin và hành vi của bạn đang bị mắc kẹt giống một con mèo tự buộc mình bằng cuộn len vậy. Vấn đề nằm ở chỗ bạn chọn đi theo phương án an toàn và tuân theo các tập tục, nhưng bản thân các tập tục lại chỉ là niềm tin mà thôi. Bạn vướng vào một vòng xoáy logic, trong đó thứ mà mọi người gọi là tập tục thực chất chỉ là thứ mà đa số tin rằng nó là tập tục. Rắc rối không? Hãy cùng điểm qua một vài ví dụ để bạn có thể bớt ngu ngơ hơn nhé.

Vào khoảng đầu những năm 1990, Deborah Prentice và Dale Miller đã cố gắng tìm lời giải cho một số câu hỏi hóc búa liên quan tới tập tục trong lĩnh vực xã hội học và tâm lý học. Nếu bạn thường công khai tuân theo những tục lệ trong nền văn hóa mà bạn đã được nuôi lớn và sẽ chết đi ở đấy, vậy lúc đầu, làm thế nào để bạn nhìn ra đâu là những tục lệ phải tuân theo? Điều gì đã giúp bạn xác định chính xác các tập tục để đạt được sự chấp thuận trong xã hội?

Trong một nghiên cứu công bố vào năm 1993, Prentice và Miller đã tập hợp một số sinh viên tại Đại học Princeton lại và giao cho họ nhiệm vụ điền vào một bảng khảo sát về việc sử dụng đồ uống có cồn. Vào thời điểm đó, việc uống rượu thâu đêm suốt sáng và văn hóa say xỉn nói chung trong khuôn viên các đại học đang là chủ đề nóng hổi được thảo luận trên toàn quốc, và Princeton là một trong những trường đại học lún sâu nhất trong vấn đề này. Trong nghiên cứu, Prentice và Miller đã viết, các buổi tụ họp tại Princeton giữ vị trí thứ hai về lượng tiêu thụ đồ uống có cồn trong số tất cả các sự kiện trên toàn nước Mỹ vào thời điểm đó, đứng sau mỗi giải đua xe Indianapolis 500. Các nhà khoa học tin rằng đây sẽ là một nơi tuyệt vời để nghiên cứu về các tập tục, bởi văn hóa uống quá chén này sẽ là điều mà những sinh viên năm nhất đều phải đối mặt vào mỗi năm.

Trong lượt khảo sát đầu tiên, họ đã hỏi các sinh viên về mức độ thoải mái của bản thân với văn hóa rượu bia tại Princeton. Câu hỏi tiếp theo là về mức độ thoải mái mà các đối tượng tin là một sinh viên bình thường sẽ cảm thấy về văn hóa này tại trường. Quả thực, trong nghiên cứu này, kết quả đã cho thấy một tấm màn của sự vô tri đa nguyên đang phủ lên đầu mỗi sinh viên trong trường về văn hóa uống rượu tại đây. Phần lớn sinh viên trả lời rằng trong thâm tâm thì họ cảm thấy kém thoải mái trong việc uống rượu hơn so với đa số bạn bè cùng trường. Không chỉ tự bản thân mỗi sinh viên thấy khó chịu và cho rằng chỉ mình mình cảm thấy thế, mà ranh giới giữa mức độ chịu đựng khác nhau của từng người còn bị xóa nhòa. Nói cách khác, khi họ tự xem xét thái độ của bản thân về vấn đề thì mức độ thoải mái và khó chịu của mỗi người là khác nhau, nhưng khi tưởng tượng về điều mà những người khác cảm nhận, tất cả đều cho rằng mọi sinh viên trong trường đều rất thoải mái với việc uống thả phanh. Prentice và Miller đã quan sát thấy rằng các sinh viên có xu hướng nghĩ bạn mình đang uống quá nhiều tại các buổi tụ tập, và họ cho rằng đó là do những người đó đang cảm thấy thoải mái, hưởng ứng theo thái độ chung của đa số. Tuy nhiên, sự thật là các sinh viên này chỉ đang thấy được bạn bè của mình thể hiện một cách công khai sự thoải mái, nhưng trong thâm tâm lại phản đối điều này. Vậy là ở cả những nhóm nhỏ nói riêng và trên toàn bộ sinh viên trong trường nói chung, thì tập tục này đã được củng cố mặc dù hầu hết mọi người đều không đồng tình với nó.

Vào năm 1991, nhà trường đã mở ra cả một mỏ vàng dữ liệu cho Prentice và Miller trong khi hai người vẫn đang cố gắng để phân tích hiện tượng này - ban giám hiệu đã ra lệnh cấm bia thùng trong khuôn viên trường. Hiệu trưởng của trường đã ra thông cáo về lệnh cấm này một cách công khai, và nó đã được lặp lại liên tục trên các phương tiện truyền thông địa phương trong những bản tin về nạn sử dụng bia rượu quá đà. Giống như mọi cử chỉ mang tính biểu trưng khác, lệnh cấm này đã gây xáo động trong công chúng. Trong những buổi phỏng vấn và những bài báo, sinh viên và cựu sinh viên đều thể hiện sự phản đối lệnh cấm này, thậm chí một số nhóm biểu tình đã hình thành. Kể cả những người đã tốt nghiệp từ lâu cũng tổ chức những buổi biểu tình phản đối bởi họ cho rằng lệnh cấm sẽ làm hỏng những buổi tụ tập thăm trường cũ của họ.

Đối với Prentice và Miller, lệnh cấm bia thùng là một cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu hiệu ứng vô tri đa nguyên, và họ đã không bỏ lỡ cơ hội. Các nhà tâm lý học đã nắm được rằng đa số sinh viên không thực sự hăng hái với việc uống bia rượu như là họ thể hiện ra một cách công khai. Thêm vào đó, bởi hầu hết mọi người đều tỏ vẻ nhiệt tình trước những shot Jelly-0 và những vại bia, các sinh viên đều tưởng rằng cảm nhận không thoải mái là của riêng họ mà thôi, và họ đang đi ngược lại so với tập tục tại đây. Các nhà khoa học đã đưa ra giả thiết rằng sẽ chỉ có ít người thực sự tới tham dự những buổi biểu tình để la hét và mang theo những tấm bảng phản đối quyết định của ban giám hiệu. Tuy nhiên, khi được tiếp xúc với những kẻ ngoài lề đang la ó biểu tình này và được đọc những bài báo đổ dầu vào lửa, những sinh viên không-tham-gia-biểu-tình sẽ càng cảm thấy bị cô lập hơn nữa, rằng chỉ mình họ có thái độ phản đối. Prentice và Miller đã mở ra thêm một nghiên cứu mới, lần này yêu cầu các sinh viên so sánh cảm xúc của bản thân họ về lệnh cấm bia thùng với điều mà họ nghĩ rằng đa số các sinh viên khác đang cảm thấy. Một lần nữa, sự vô tri đa nguyên lại xuất hiện trong câu trả lời khi hầu hết sinh viên đều không nhìn nhận lệnh cấm là quá tiêu cực trong thâm tâm, nhưng lại cho rằng đa số đều phản đối. Câu hỏi tiếp theo đã hé lộ ra một điều tuyệt vời. Khi được hỏi về khả năng để họ tham gia vào các buổi tụ họp sau này, một sinh viên càng cảm thấy mình bị tách xa khỏi xu hướng chung thì những buổi tụ họp sẽ càng trở nên kém hấp dẫn đối với anh ta. Nghiên cứu này đã ghi lại được một trong những tác dụng phụ điên rồ nhất của sự vô tri đa nguyên và mang tới cho khoa học một thứ gì đó để tha hồ gãi đầu gãi tai suy nghĩ - đó là khả năng xoay chuyển nhận thức độc đáo. Những người cảm thấy bị cô lập thực ra thuộc về đa số nhưng họ không biết được điều đó, bởi sự vô tri da nguyên đã gây rối trong đầu óc, khiến họ tin vào một số đông không tồn tại. Lòng cuồng tín mà họ phản đối thực ra chỉ là một ảo giác, nhưng nó khiến những sinh viên này tự thấy mình bị tách ly khỏi văn hóa chung của trường đại học - mặc dù những cảm xúc của họ lại trùng khớp với những gì mà hầu hết những người xung quanh đều cảm nhận.

Prentice và Miller kết luận rằng, nghiên cứu của họ đã cung cấp được rất nhiều bằng chứng cho thấy bạn không thực sự biết được liệu những tập tục trong văn hóa, nhóm tiểu văn hóa, thời đại hay nhóm bạn của mình là thật hay tưởng tượng. Bối cảnh của bất kỳ tình huống xã hội nào cũng là vô cùng phức tạp, và như họ đã viết: “những phỏng đoán về tập tục thường sai lầm một cách nghiêm trọng. Trong nghiên cứu thực hiện tại trường Princeton, các sinh viên không chỉ thể hiện ra ngoài sự ủng hộ cho một tập tục mà trong thâm tâm họ phản đối, họ còn không nhìn ra được là tất cả những người xung quanh đều đang làm y như vậy. Theo nhận định của Prentice và Miller, kết quả cuối cùng là sự duy trì của một tập tục mà không ai thực sự ủng hộ.

Tác dụng phụ của xu hướng khiến cho một nhóm người có thể hiểu về thực tại một cách ngược hoàn toàn này có thể gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến tiến trình lịch sử. Văn hóa trong khuôn viên đại học và tăng doanh số bán hàng cho những chiếc cốc nhựa uống bia là chuyện nhỏ, sự vô tri đa nguyên còn có thể đè nén cả một quốc gia và kiềm chế sự thay đổi xã hội trong hàng thế hệ.

Một nghiên cứu thực hiện bởi nhà xã hội học Hubert J. O’Gorman vào năm 1975, sau này được tái hiện lại bởi ông và một nhà xã hội học khác là Stephen L. Garry, đã phân tích những khảo sát thực hiện với người da trắng ở Mỹ trong những năm cuối của chế độ phân biệt chủng tộc tại đất nước này. Xuyên suốt nửa đầu thế kỷ XX, luật pháp Mỹ cho phép thực hiện phân tách các khu vực dành cho người da trắng và da màu trên các phương tiện giao thông công cộng, trường học, cơ sở quân đội, quán ăn, phòng vệ sinh, rạp chiếu phim và thậm chí là ở nghĩa trang. Đây là một phần trong niềm tin, tiêu chuẩn và tập quán xã hội, đặc biệt là ở khu vực Thâm Nam Hoa Kỳ, được ghi vào luật pháp và những quy tắc ứng xử khác. Vào đầu thập niên 1960, hầu hết người dân Mỹ đều coi người da trắng và da đen là hai giống loài khác nhau, và đa số đều cho rằng hai nhóm này là không thể trộn lẫn - hoặc đó là điều mà hầu hết mọi người đều tưởng là ai cũng nghĩ vậy.

Khi O’Gorman và Garry thực hiện khảo sát trên những người da trắng trong thời kỳ đó và đưa câu trả lời của họ vào một biểu đồ lớn để phân tích, điều mà họ đã tìm ra là rất đáng ngạc nhiên. Dữ liệu cho thấy thực ra chỉ có một số lượng nhỏ những người da trắng trong thời kỳ này thực sự ủng hộ việc phân biệt chủng tộc. Hầu hết mọi người đều muốn được hòa nhập, nhưng chính họ cũng tin rằng đa số công luận tin vào điều ngược lại với ý kiến của mình - một trường hợp vô tri đa nguyên kinh điển. O’Gorman và Garry phát hiện ra mức độ của sự vô tri đa nguyên này có sự khác biệt giữa các vùng. Ở một thái cực, kết quả của khu vực Đông Bắc cho thấy 7% số người tại đây thực sự ủng hộ việc phân biệt chủng tộc, nhưng 19% tin rằng đa số mọi người đều không đồng tình với việc hòa nhập. Ở thái cực còn lại, tại khu vực Thâm Nam, 32% số người được hỏi đã thể hiện quan điểm đồng tình với việc phân biệt chủng tộc, và 61% cho rằng phần lớn dân cư trên toàn quốc muốn duy trì chính sách hiện tại. Nhìn chung, khảo sát này cho thấy gần một nửa dân số Mỹ vào thời điểm đó tin rằng đa số mọi người đều muốn tiếp tục các chính sách phân biệt chủng tộc, trong khi thực tế thì trong năm người, chỉ có một thực sự ủng hộ chế độ này. Theo nhận định của các nhà khoa học, mức độ vô tri đa nguyên này đã dẫn đến những tình huống mà người ta có thể nói những câu như: “Bạn xem này, tôi không phản đối gì việc bạn ngồi ăn ở đây đâu, nhưng bạn biết người ta nghĩ gì rồi đấy”.

Niềm tin sai lầm về đa số này đã làm chậm lại tiến trình gỡ bỏ chế độ phân biệt chủng tộc và khiến cho các nhà lập pháp, những người chủ sử dụng lao động, các nhà quảng cáo và phần còn lại của xã hội hành xử như thể họ đang sống trong một thế giới không thực sự tồn tại. Trong nghiên cứu này, O’Gorman và Garry đã cho thấy rằng nhiều người da trắng không có chính kiến rạch ròi về vấn đề này nhưng lại lầm tưởng rằng đa số đang ủng hộ sự phân biệt chủng tộc, bởi thế họ sẽ có xu hướng đi cùng với đám đông tưởng tượng. Khi được hỏi liệu những khu dân cư da trắng có quyền giữ cho người da màu không được phép thuê những căn nhà trống không, những người có chính kiến rõ ràng từ trước sẽ bảo vệ quan điểm của mình. Những người theo trường phái phân biệt chủng tộc ủng hộ mạnh mẽ quyền quyết định xem ai có thể hay không thể sống ở nhà cạnh mình dựa trên màu da. Những người theo phe hòa hợp thì lại phản đối quyết liệt ý tưởng đó. Còn những người đứng giữa ranh giới của hai phe thì sẽ ngã về phe mà họ tin rằng đang chiếm ưu thế. Họ không biết rằng hầu hết mọi người đều không nghĩ như vậy, và số đông đó chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của họ mà thôi. Theo ý kiến của các nhà xã hội học, những tình huống thế này sẽ tiếp tục củng cố thêm cho những tập tục mà hầu hết mọi người trong nhóm đều muốn từ bỏ - và điều đó diễn ra ngay cả trong xã hội hiện đại. Sự vô tri đa nguyên giữ cho những người ở ngoài rìa, những người sẽ bị bỏ lại bởi sự tiến bộ của xã hội, có thể bám lấy những niềm tin lỗi thời của mình trong một khoảng thời gian lâu hơn. Hiện tượng này khiến cho đối thủ của những người đó cảm thấy mình ít được ủng hộ hơn so với thực tế, và khiến những người đứng ở giữa có xu hướng ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng. Nói cách khác thì một hiện trạng tưởng tượng có khả năng thay đổi cách mà mọi người suy nghĩ và hành xử. Theo như các nhà xã hội học kết luận thì “người ta thường vô tình tự biến mình thành những đầu mối trung chuyển văn hóa cho lỗi nhận thức”.

Như nhà tâm lý học Leaf Van Boven đã chỉ ra trong một nghiên cứu công bố vào năm 2000, sự vô tri đa nguyên không phải lúc nào cũng trì hoãn sự thay đổi; nó còn có thể khiến cho con người ta trở nên tinh tế chính trị hơn36. Theo như những gì ông quan sát được, trong môi trường đại học, người ta thường tỏ vẻ độ lượng với những người cùng trang lứa hơn so với những gì họ thực sự nghĩ. Giống với nghiên cứu về tình trạng rượu bia, Boven đã hỏi sinh viên của trường Đại học Cornell cảm nhận của họ về các chương trình ưu đãi37 và thu được kết quả khoảng 1/4 số sinh viên ủng hộ và khoảng một nửa không đồng tình. Sau đó ông đã hỏi các sinh viên phỏng đoán của họ về kết quả của cuộc điều tra này. Kết quả cho thấy họ ước tính khoảng 40% số sinh viên sẽ ủng hộ và 40% sẽ phản đối, như vậy là đã đánh giá quá cao về mức độ ủng hộ các chương trình ưu đãi tại Cornell. Boven đã chứng minh được rằng sự vô tri đa nguyên ảnh hưởng lên ý kiến của công chúng mặc cho những đối tượng này là ai. Trong một môi trường đại học với phần đông theo phe tự do, hầu hết mọi người không muốn bị nhìn nhận như những kẻ phân biệt chủng tộc hay thiếu tư tưởng tiến bộ, vậy nên kể cả khi trong thâm tâm họ có nghi ngờ những vấn đề như các chương trình ưu đãi, họ sẽ che giấu những tâm tư này khi phát biểu một cách công khai. Bất kể chính sách được nói tới có là gì, nếu tồn tại một áp lực đủ lớn để khiến người ta phải phục tùng thì họ sẽ thể hiện mức độ ủng hộ của mình dựa trên mức độ ủng hộ của những người xung quanh, và từ đó những chính sách này sẽ càng được khắc sâu trong văn hóa chung của cộng đồng.

Nhà tâm lý học James Kitts đã thâm nhập vào các câu lạc bộ của những sinh viên ăn chay, trong đó họ sinh hoạt và ăn uống cùng nhau với nguyên tắc cuộc sống không sử dụng thịt. Trong nghiên cứu vào năm 1995 của ông, Kitts đã phát hiện ra hầu hết mọi người đều tiết lộ rằng đôi khi họ sẽ ăn vụng một miếng thịt bò hoặc thịt gà khi không có mặt các thành viên khác, nhưng sẽ không bao giờ làm điều đó trong khu vực sinh hoạt chung, bởi họ sợ xúc phạm hoặc gây cho người khác cảm giác ghê tởm. Kitts đã làm khảo sát trong một vài câu lạc bộ như vậy và tổng hợp kết quả điều tra lại. Trong kết quả tổng hợp, các thành viên của nhóm này ước tính rằng 75% số người ăn chay sẽ thực hiện đúng theo nguyên tắc ăn uống họ đề ra và tránh xa món thịt bò. Con số thực tế là vào khoảng 62%. Khi được hỏi về các món cá, những người này đã ước tính khoảng 40% trong số các đồng chí của mình sẽ ăn vụng một vài lần, nhưng con số thực tế về số người trốn ra ngoài để ăn cá là gần 60%. Nghiên cứu này của Kitt đã càng chứng tỏ hơn nữa về việc sự vô tri đa nguyên có thể khiến cho một nhóm có thể giữ nguyên một định hướng nhất định trong khi đa số thành viên lại muốn thay đổi theo hướng khác. Hầu hết những người này đều muốn thỉnh thoảng được ăn thịt, đặc biệt là các món từ cá, nhưng không ai dám nói điều đó ra miệng, và bởi vậy hầu hết mọi người tưởng rằng họ là một trong thiểu số những người vụng trộm đáng xấu hổ trong nhóm.

Tại sao bạn lại làm như vậy? Điều gì đã khiến bạn kìm nén nói thành lời những cảm xúc thật của bản thân? Trước hết, bạn sợ một dạng trừng phạt xã hội nào đó sẽ nhắm tới mình. Rất nhiều nhà khoa học đã liên hệ điều này tới truyện ngụ ngôn Bộ quần áo mới của hoàng đế. Trong câu chuyện được kể bởi Hans Christian Andersen này, một vị vua kiêu ngạo đã thuê hai người thợ may để làm cho mình một bộ quần áo. Hai người thợ này đã nói với nhà vua rằng họ đã hoàn thiện một bộ cánh tuyệt vời tới mức mà nó sẽ trở thành vô hình đối với những kẻ ngu ngốc. Thực chất, những người thợ này chẳng làm ra bộ đồ nào cả. Vậy mà tất cả quần thần và dân chúng đều hành xử như thể nhà vua đang mặc một bộ cánh lộng lẫy tuyệt diệu, bởi họ sợ nói lên sự thật đồng nghĩa với việc thể hiện mình là một kẻ ngu ngốc. Cuối cùng thì một đứa trẻ đã cười ồ lên và chỉ ra rằng nhà vua đang tồng ngồng đi lại trên phố. Tới lúc này thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy an toàn để nói ra những gì họ đã nghĩ từ trước. Những câu chuyện với nội dung tương tự như thế đã tồn tại từ thời cổ đại, có nghĩa là ý niệm về điều này đã có từ rất lâu. Bản thân bạn hẳn cũng đã trải nghiệm qua nó, nhất là khi đứng xếp hàng đợi hoặc mắc kẹt trong một hành lang chật ních người bên ngoài một phòng học hay văn phòng. Bạn thắc mắc không biết là cửa vẫn khóa, hay một lớp khác vẫn đang học trong đó. Tuy vậy bạn vẫn xếp hàng một cách lịch sự như những người khác, chờ đợi một cách kiên nhẫn và không hé răng nói gì. Điều mà bạn không biết là có lẽ lúc đầu chỉ có một người đừng đó chờ, và rồi người thứ hai nhìn thấy, cho rằng anh chàng đầu tiên này hắn là phải có lý do gì đó chính đáng để đứng đây mà không bước vào trong, và bởi vì sợ sẽ bị xấu mặt, người thứ hai đã đứng chờ cùng. Rồi người thứ ba tới, suy nghĩ y như vậy và đứng vào hàng. Tiếp đến là người thứ tư, và cứ thế, một đám đông của những người mang sự vô tri đa nguyên cứ đứng chờ ngoài bởi họ sợ bị nhìn vào như một kẻ ngốc. Tất cả những gì cần thiết để giải quyết tình huống này là một người mở cửa ra và bước vào trong. Tương tự như vậy, các nghiên cứu cho thấy những người cần sự trợ giúp đôi khi sẽ bị bỏ mặc bởi vì tất cả người trong đám đông quan sát đều cho rằng mọi người xung quanh đang nắm được một điều gì đó mà họ không biết. Chỉ cần một người tốt bụng ra tay hành động là có thể khiến cho tất cả cùng ùa vào giúp đỡ. Bạn không thể đánh giá thấp sức mạnh của nỗi sợ bị xấu hổ. Tim O’Brien đã viết trong cuốn The Things They Carried (Những điều họ mang theo) về những người lính chiến đấu tại Việt Nam rằng: “Họ sợ cái chết, nhưng điều khiến họ sợ hơn cả là việc thể hiện ra nỗi sợ đó. {...} Họ mang trên mình nỗi sợ hãi lớn nhất của một người lính: Sợ việc đỏ mặt. Con người giết chóc và bị giết chóc, bởi vì họ cảm thấy xấu hổ nếu không tham gia vào cuộc chiến”.

Các nhà xã hội học Damon Centola, Robb Willer và Michael Macy đã vận dụng lý thuyết trò chơi vào khái niệm này, nhập dữ liệu khảo sát vào trong các mô hình máy tính, và kết quả cho thấy rằng những tập tục không được ưa thích sẽ có khả năng xuất hiện ở bất kỳ bối cảnh xã hội nào mà trong đó có một nỗi sợ hãi rõ ràng về sự trừng phạt. Như các nhà khoa học đã chỉ ra trong nghiên cứu của mình, phong trào xã hội sẽ chìm trong “sự bùng nổ sức ép” khi lợi ích đến từ việc các thành viên trong nhóm hành động hoặc ngừng hành động do sợ hãi. Họ chỉ ra rằng những cuộc săn phù thủy theo nghĩa đen vào đầu thời kỳ thuộc địa Mỹ và những cuộc săn phù thủy theo nghĩa bóng sau này vào thời McCarthy38 có nhiều điểm chung với tình cảnh trớ trêu khi những người đàn ông đồng tính kín phải thực hiện hành vi mang tính chất kỳ thị đồng tính. Những chính trị gia lớn tiếng ủng hộ pháp chế chống người đồng tính đã nhiều lần gây sốc trước cử tri khi chính họ lại dính líu đến những vụ bê bối tình dục đồng tính. Bạn có thể đang thắc mắc không hiểu tại sao một người đồng tính lại có thể khiến cho chính những người đồng tính trở nên khốn khổ như vậy, nhưng Centola, Willer và Macy cho rằng thực ra đó là một điều dễ hiểu. Một trong những chiến thuật hay được dùng nhất để tránh bị bẽ mặt và bị trừng phạt khi bản thân có sự bất đồng với tập tục chung là tích cực thi hành tập tục ấy. Người ta thường trở thành những chiến sĩ chiến đấu cho các tập tục để chứng minh lòng trung thành của mình và loại bỏ sự nghi ngờ của những người xung quanh. Khi ai đó nghĩ rằng việc vi phạm vào một tục lệ sẽ có kết cục nghiêm trọng, ví dụ như là vĩnh viễn bị thiêu đốt trên ngọn lửa tra tấn dưới địa ngục, hay bị ruồng bỏ bởi bạn bè, người thân và giáo hữu, người đó sẽ có xu hướng trở thành một kẻ thực thi tục lệ này chứ không chỉ đơn giản là tuân thủ theo nó. Theo như lời của các nhà nghiên cứu thì “hành vi thực thi các tục lệ là phương án dễ dàng để giả mạo sự chân thành, để đánh tín hiệu rằng người nọ đang tuân thủ, không phải như một kẻ cơ hội đang cố gắng để được cộng đồng chấp nhận, mà là một tín đồ chính cống của tục lệ này”.

Bạn có thể thấy những kẻ thực thi này ở bất cứ đâu có tập tục. Nếu việc nhậu nhẹt trong trường Đại học bị mỗi cá nhân lảng tránh, nhưng lại được công khai đề cao, thì những người mới tới và đang tìm kiếm chỗ đứng cho bản thân sẽ là những người có xu hướng thực thi cao nhất; kết quả là thế hệ sinh viên năm nhất thường ăn nhậu say sưa hơn so với các tiền bối. Nếu việc là một người đồng tính công khai là nguy hiểm, thì những người có xu hướng đồng tính kín có thể sẽ đánh đập những người dám công khai, hoặc cố gắng vận động để dựng nên những luật lệ đàn áp người đồng tính. Nếu bạn là một người vô thần tham dự vào một buổi tiệc Giáng sinh tại nhà thờ với gia đình gồm toàn những người theo chính thống giáo, có lẽ bạn sẽ là người khởi xướng việc cầu nguyện trước bữa ăn để giữ bí mật cho sự thiếu đức tin của mình. Theo lời của Centola, Willer và Macy thì sự vô tri đa nguyên khiến cho những người tự cảm thấy bản thân mình bị lệch tâm một cách nguy hiểm tin rằng mong muốn thực thi tục lệ của đa số khớp với mức độ phục tùng theo tục lệ này mà họ quan sát được. Vậy nên để giữ an toàn, họ sẽ trở thành người thực thi, đứng vào hàng ngũ cùng với những người khác có thể là cũng đang bị ảo tưởng giống họ. Những kẻ đang sợ hãi này không biết rằng, bởi họ đang đánh giá quá cao mức độ phục tùng của toàn thể nên thực ra khả năng để họ phải chịu sự trừng phạt nếu bí mật bị bại lộ có lẽ là rất nhỏ. Vòng quay cứ lặp lại, giống như đối với đám đông đứng chờ trước một cánh cửa đóng nhưng không khóa, với mỗi người phục tùng hoặc thực thi tập tục có sẵn, một nhóm thì dựa trên sự vô tri, nhóm còn lại dựa trên nỗi sợ hãi, và kết quả chung thu được là tập tục này được củng cố thêm.

Tại sao việc nhìn ra được mọi người đều đang tự bịt miệng mình bởi cùng một lý do như bạn lại khó đến vậy? Tại sao bạn không thử thăm dò, hỏi han xung quanh mỗi khi rơi vào những tình huống này? Vào năm 1987, hai nhà tâm lý học Dale Miller và Cathy McFarland đã quyết định tìm câu trả lời cho điều này. Họ đã sắp đặt một thí nghiệm, trong đó họ có thể tạo nên hoặc xóa bỏ đi sự vô tri đa nguyên bằng cách thay đổi các biến số. Miller và McFarland đã tập hợp một nhóm sinh viên và phổ biến rằng họ đang tham gia vào một nghiên cứu về khái niệm bản ngã. Mỗi sinh viên này sẽ được gặp một nhà nghiên cứu để nói chuyện tay đôi khi người đó tới nơi làm thí nghiệm, và nhà nghiên cứu sẽ giải thích với họ là thí nghiệm đã diễn ra mất rồi, và rằng họ sẽ phải chờ cho tới lượt sau. Trong khi những sinh viên này đợi để được bắt đầu thí nghiệm giả, các nhà khoa học phát cho họ một tài liệu đọc trước, và nói thêm là tất cả mọi người đều phải đọc nó trước khi bắt đầu. Đó là một bài viết về giả thuyết các khuôn mẫu tạo nên khái niệm bản ngã của con người, một bài viết được các nhà khoa học thiết kế sao cho “không ai đọc hiểu nổi”. Sau khi phát tài liệu xong, nhà nghiên cứu sẽ nói với người sinh viên rằng mình phải đi ra ngoài một lúc, và nếu có vấn đề gì về đọc hiểu tài liệu thì người đó cứ ghé qua văn phòng để hỏi. Khi nhà nghiên cứu trở lại, các sinh viên được yêu cầu trả lời thành thực vào một bảng khảo sát và danh tính của họ sẽ được giữ kín hoàn toàn. Trong số các câu hỏi thì có hai câu được nhóm nghiên cứu thực sự quan tâm: “Theo bạn thì có bao nhiêu người tham gia thí nghiệm này sẽ yêu cầu sự trợ giúp trong việc đọc hiểu tài liệu” và “Bạn hiểu tài liệu này tới mức nào?” Trên thang đo từ 1 tới 11, hầu hết những người tham gia đều trả lời rằng họ hiểu bài viết ở mức 5, nhưng khi ước tính số người trong toàn bộ cuộc nghiên cứu sẽ phải xin trợ giúp để đọc hiểu, con số trung bình được đưa ra là 37%. Con số thực? Zero! Không ai bước tới văn phòng của nhà nghiên cứu để xin chỉ dẫn cả. Và chính nó đây: Sự vô tri đa nguyên tương tự như khi một giảng viên hỏi xem liệu trong lớp có ai chưa hiểu bài, hay khi một người có khả năng trợ giúp trở thành một người quan sát bị động. Trong thí nghiệm được kiểm soát, mỗi người đều tự thú nhận rằng anh ta hoặc cô ta không thực sự hiểu bài viết, nhưng khi là thành viên của một nhóm thì các đối tượng lại đánh giá quá cao số lượng người đã tích cực để đứng dậy đi tìm sự trợ giúp. Sự thực là, bạn rất kém trong việc đánh giá khả năng của những người xung quanh trong các trường hợp khác nhau.

Sự đánh giá sai lầm về khả năng của người khác đã xảy ra đúng như những gì Miller và McFarland dự đoán trước, và điều này dẫn tới giai đoạn tiếp theo trong nghiên cứu của họ. Ở phiên bản thứ hai của thí nghiệm này, họ đã chia các đối tượng vào những nhóm khoảng 8 người với 2 điều kiện khác nhau. Trong điều kiện A, những nhóm đối tượng sẽ được đối xử như trong thí nghiệm ban đầu - nếu bất kỳ cá nhân nào không hiểu bài viết thì anh ta hoặc cô ta có thể đi ra ngoài để nhận được sự trợ giúp riêng. Trong điều kiện B, lựa chọn đó đã bị loại bỏ - đối tượng trong các nhóm này được phổ biến rằng không ai được phép hỏi thêm gì, kể cả khi họ có thấy tài liệu được phát là quá khó hiểu. Và cũng như ở thí nghiệm trước, không ai bỏ ra ngoài xin sự trợ giúp trong điều kiện A, còn điều kiện B thì do không được phép nên cũng chẳng có ai đứng lên cả. Sau khi được cho đọc bài viết siêu khó hiểu này trong một khoảng thời gian, những người tham gia ở cả 2 nhóm điều kiện được phát một bảng khảo sát. Mỗi người phải ước tính lượng kiến thức về chủ đề này mà họ có được và mức độ thấu hiểu bài viết này so với những người khác trong nhóm. Ngoài ra họ được nêu nhận định về việc liệu họ sẽ thể hiện như thế nào khi đối chọi với những người tham gia khác nếu tất cả cùng phải viết một tiểu luận về đề tài đã đọc trong bài viết. Ở cả hai trường hợp, các sinh viên đều cho rằng mức độ đọc hiểu của mình tương đương với những người còn lại. Nhưng các sinh viên ở nhóm A, những người được phép xin trợ giúp nếu thấy cần thiết, đã tự đánh giá lượng kiến thức mà mình có về vấn đề này ít hơn nhiều so với những người cùng nhóm, và họ dự đoán rằng nếu phải viết tiểu luận, thì bài của họ sẽ kém chi tiết hơn so với bài của những người cùng tham gia. Biến số duy nhất giữa hai điều kiện này, theo giải thích của các nhà khoa học, là nỗi sợ bị bẽ mặt. Những người ở điều kiện B cũng đã bị lúng túng y như vậy trước bài viết, nhưng lý do cá nhân của họ thì lại có sự khác biệt so với những người ở điều kiện A. Khi nhận định về lượng kiến thức mình có và khả năng của bản thân so với những người khác, họ chỉ có thể dựa vào tập tài liệu đã được phát. Và bởi vì không có gì khác để bấu víu vào, như thường lệ, họ sẽ tự đánh giá mình cao hơn một chút so với mức trung bình. Những người ở điều kiện A đã mang thêm yếu tố về sự lo lắng của bản thân khi tự đánh giá mức độ hiểu biết của mình. Khi không thấy ai khác đứng dậy xin trợ giúp, họ đã cho rằng mình kém cỏi hơn; họ lầm tưởng rằng những người khác trong nhóm không căng thẳng như mình, không thì họ đã đi hỏi han khi không hiểu bài viết trên. Những người trong điều kiện B ngay từ đầu đã không có lựa chọn này, bởi vậy không thể có được giả định như những người trong điều kiện A. Lớp màng của sự tiêu cực đó đã không có cơ hội để phủ lên tâm trí họ.

Vậy tổng hợp lại thì sự vô tri đa nguyên có nguồn gốc từ khả năng đánh giá tệ hại của bạn về mức độ bị động của những người xung quanh, kết hợp với bản năng luôn tìm kiếm những phần thưởng từ sự phục tùng và giảm thiểu những cơn hăng máu phá vỡ quy tắc chung của xã hội để tránh bị trừng phạt. Thêm vào đó là, những người với mức độ lo âu cao nhất về những dị biệt của bản thân lại thường trở thành kẻ thực thi cho chính những tập tục mà họ thầm phản đối. Điều này dẫn tới hiện tượng mà các nhà nhân chủng học Warren Breed và Thomas Ktsanes gọi là thiên kiến bảo thủ. Ở đây sử dụng theo nghĩa truyền thống của cụm từ này chứ không phải theo nghĩa hiện đại mang tính chính trị mà chúng ta hay được nghe tới ngày nay39. Suy nghĩ thông qua lăng kính của thiên kiến này, hầu hết mọi người nhận định một cách sai lầm rằng nền văn hóa họ đang sống chậm tiến hơn so với thực tế, và từ đó khiến các thể chế và phương tiện truyền thông của nền văn hóa này thể hiện sự bảo thủ nhiều hơn mức cần thiết. Thêm vào đó, các chương trình truyền thông sẽ được thiết kế để thu hút những khán giả có tính cách khép kín hơn nhiều so với số đông những người thực sự tiếp cận đến chúng.

Sau khi đã nhìn nhận về mọi mặt của con quái vật trong tâm trí này rồi thì làm sao để bạn có thể đánh bại được nó? May sao, khoa học có một vài gợi ý để giúp bạn bớt ngớ ngẩn.

Một trong những cảm giác nặng nề nhất là sự cô đơn khi nghĩ rằng mình là người duy nhất trên đời đang trải qua những xúc cảm này. Đối với thế giới xung quanh, có thể bạn đang sở hữu một công việc tuyệt vời. Bạn cũng hoàn toàn nhận thức được rằng phần lớn dân cư trên hành tinh này vẫn đang vật lộn để mưu sinh hàng ngày trong khi bạn lướt Facebook. Vậy mà bạn vẫn cảm thấy như bao tử của mình đang bị đổ chì khi lên xe đi làm mỗi sáng. Cảm giác đó càng trở nên tệ hơn khi bạn quá xấu hổ không muốn thổ lộ với bạn bè. Nó càng trở nên kinh khủng khi bạn sợ phải lên tiếng. Một trong những bài học lớn nhất bạn có thể học được từ những nghiên cứu về sự vô tri đa nguyên là gần như chắc chắn tất cả những cảm xúc đang có trong bạn ngay khoảnh khắc này cũng đang được cảm nhận bởi hàng triệu những người khác nữa. Sự lo âu hay xấu hổ, nỗi nghi ngờ hay sợ hãi đang đè nặng lên bạn ngay lúc này đều được rất nhiều người trải nghiệm, số người này đủ để lấp đầy mọi sân vận động và sảnh hòa nhạc trên đất nước bạn. Khi danh hài Louis C.K. tiết lộ cho khán giả biết rằng đôi khi ông cho những đứa trẻ của mình là lũ khốn, và rằng chúng không được miễn trừ khỏi sự bực bội mà ông cảm thấy với người lớn, Louis đã làm cho cả thế giới thở phào. Khán giả của ông, trước đó đã chịu tác động của sự vô tri đa nguyên, giờ thì nhận ra rằng những suy nghĩ thầm kín của họ về lũ con cái của mình thực ra là ý kiến chung của đa số. Trước đó, việc nói ra điều này là cấm kỵ. Louis C.K. đã một tay dập tắt niềm tin sai lầm rằng đa số các bậc phụ huynh Mỹ những năm đầu của thế kỷ XXI thực sự thể hiện đúng những cảm xúc của mình, trong khi thực chất, họ chỉ giả bộ để hòa mình vào số đông mà thôi. Các danh hài vĩ đại có thể làm được điều này. Họ bay từ thành phố này qua thành phố khác và đánh sập sự vô tri đa nguyên, chuyển từ chủ đề cấm kỵ này sang chủ đề cấm kỵ khác, vượt qua rào cản của tập tục, rọi sáng cho khán giả của mình thấy được sự thật rằng điều mà mỗi người đang tin vào một cách thầm kín thực ra lại là quan điểm chung.

Bạn có thể theo phương châm nhập gia tùy tục, tới thành Rome thì học theo người La Mã. Nhưng hãy nhớ, đến người La Mã cũng chỉ đang làm theo những gì mà họ nghĩ là người La Mã sẽ làm, bản thân họ cũng không nắm được niềm tin thật sự của những người đồng hương xung quanh. Những buổi đàm thoại cộng đồng là con đường giúp ta trở nên bớt ngờ nghệch hơn trong tình huống này. Cách duy nhất để nhảy ra khỏi vòng xoáy hiểu lầm là đứng lên, đặt câu hỏi, và bắt đầu một cuộc thảo luận về những gì mà người ta thực sự nghĩ. Prentice và Miller, những nhà khoa học đã nghiên cứu về thói nhậu nhẹt ở Princeton, đã đưa ra kết luận rằng những chiến dịch phổ biến nhận thức rộng rãi là hướng tiếp cận sai lầm trong việc thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội. Họ cho rằng những thông cáo công khai và những sáng kiến hướng tới nâng cao nhận thức là những công cụ tuyệt vời để thay đổi thái độ của từng cá nhân, nhưng bởi tác động của sự vô tri đa nguyên, những dạng truyền tải thông tin bão hòa, những dự án truyền thông đa phương tiện mạnh mẽ lại trở nên vô dụng trước cảm quan cho rằng đa số vẫn ủng hộ tập tục cũ. Giải pháp nào cho điều này? Theo như hai nhà nghiên cứu thì cần phải động viên từng cá nhân để họ lên tiếng và thể hiện suy nghĩ riêng về vấn đề. Các nhà nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng những nhóm hỗ trợ và các hình thức tụ họp thân mật khác, mà trong đó những người tham gia được phép mở lòng chia sẻ, và rồi từ đó phần còn lại của nhóm sẽ hưởng ứng, cho thấy thứ mà mọi người tưởng là suy nghĩ hay hành vi trái chiều của bản thân thực chất lại là quan điểm chung của đa số. Trong nghiên cứu của Kitts về những người ăn chay, ông đã nhận ra rằng, nếu bạn bè và gia đình của bạn càng dị biệt, nếu những người trong vòng tròn xã hội thân thiết của bạn càng có nhiều cá tính, thì sức tác động của sự vô tri đa nguyên lên cảm quan của bạn sẽ càng bị giảm đi. Điều này nghĩa là, có thể những nhóm hỗ trợ đã là phương pháp lỗi thời, và một giải pháp mới giờ còn dễ tiếp cận hơn: Một cung điện nhiệm màu với sự trộn lẫn đủ mọi thứ từ chính kiến cá nhân, xu hướng tư duy, hệ thống tín ngưỡng, cho tới cả những nỗi ám ảnh và sự tôn sùng lập dị - nơi được gọi chung là Internet. Bạn là một người đàn ông trưởng thành nhưng lại thích bộ phim hoạt hình Pony Bé Nhỏ? Bạn của tôi ơi, chỉ cần một giây tìm kiếm trên Google là bạn có thể tìm ra được hàng triệu những Bronie chung chí hướng. Dù có lập dị tới mức nào đi chăng nữa, chắc chắn bạn vẫn có thể tìm thấy những người anh em của mình ở đâu đó trên mạng. Và biết đâu đấy, họ có thể vẫn tụ tập để cùng ăn sáng mỗi tháng một lần.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3