Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 12
Ngụy biện “Không phải người Scotland thực thụ” ... Chương 11 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Bạn định nghĩa những giá trị mà bạn trân trọng một cách thành tâm.
SỰ THẬT LÀ:
Bạn sẽ thay đổi các định nghĩa của mình để bảo vệ luận điểm.
Giả dụ như bạn tham gia vào các nhóm như Ban Kèn Hơi Long Island và Hiệp Hội Bánh Xốp, và rồi một thành viên trong nhóm này thực hiện một hành vi đáng ghê tởm, ví dụ như là dùng súng đi cướp trường mẫu giáo trong khi thổi kèn thật to và ném bánh xốp vào mặt lũ trẻ. Bạn sẽ xử trí ra sao khi cảnh nhà báo sà vào vụ rùm beng này như lũ kền kền háu đói?
Câu trả lời cơ bản nhất từ một phát ngôn viên bình thường trong chương trình thời sự tối sẽ là khước từ mối liên hệ đối với kẻ tình nghi. Phát ngôn viên của nhóm sẽ phải chạy khắp nơi để lặp đi lặp lại những thông điệp dạng như “Đây chắc chắn không phải là điều mà một người trong Ban Kèn Hơi hay Hội Bánh Xốp sẽ làm. Danforth Minglesnout có thể tự nhận là thành viên trong hội chúng tôi, nhưng không một hội viên thực thụ nào lại có thể thực hiện một tội ác đáng khinh bỉ như vậy”. Bằng cách suy nghĩ theo hướng này, bạn có thể nhanh chóng sắp xếp lại đồ đạc trong tâm trí để tin tưởng một cách an toàn rằng kẻ phạm tội không đứng cùng hàng ngũ với mình. Bạn nhất quyết cự tuyệt điều này, thậm chí cho dù ở tòa án người ta khui ra được rằng Minglesnout là một trong những thành viên sáng lập nên Hội ở hạt Suffolk, hay hình ảnh từ camera giám sát cho thấy trong lúc thực hiện tội ác, hắn đội mũ phớt, mặc áo choàng đồng phục và chơi bản nhạc hành quân chính thức của Hội, hay thậm chí là khi hắn xuất hiện trong phiên tòa được chiếu trên truyền hình quốc gia với hình xăm một chiếc kèn hơi khổng lồ thổi ra một con mưa bánh xốp trên cổ. Tất cả những điều trên đều không quan trọng. Không một hội viên thực thụ nào lại đi dùng súng cướp nhà trẻ cả. Điều đó không nằm trong tôn chỉ của hội.
Thế nhưng, thực chất thì luật lệ của Ban Kèn Hơi Long Island và Hiệp Hội Bánh Xốp là gì? Nếu Minglesnout đã được chấp nhận như một thành viên cho tới ngay trước thời điểm hắn thực hiện tội ác, làm thế nào mà giờ không ai dám nhận rằng hắn là một thành viên trong hội nữa? Rõ ràng là hắn đã không đổi từ kèn hơi sang tù và đựng đầy bánh bông lan. Rõ ràng hành động đó sẽ là vi phạm nội quy nhóm, và là cơ sở để khai trừ hắn. Nhưng chẳng chỗ nào trong bản nội quy có nhắc tới việc một thành viên sẽ bị đá ra sau khi họ thực hiện một hành vi phạm pháp.
Nếu bạn thuộc về một tổ chức, hội nhóm, tiểu văn hóa, nhóm nhân khẩu, hay bất kỳ một tập hợp nhiều người nào khác, sẽ có lúc mà một vài thành viên cùng nhóm làm điều gì đó khiến toàn bộ nhóm bị bẽ mặt. Khi một thành viên trong nhóm mà bạn tham gia, hoặc một chiến sĩ đứng đầu mũi giáo cho một lý tưởng mà bạn tin vào thực hiện một hành vi mà bạn coi là không thể chấp nhận được, bạn sẽ lập tức khai trừ người đó ra khỏi nhóm. Tất nhiên là không chính thức, mà thay vào đó là trong tâm trí và trên nguyên tắc của bản thân. Bằng cách này bạn sẽ tránh được cảm giác tội lỗi liên đới. Một ai đó cùng tôn giáo với bạn vừa thực hiện một hành vi đặc biệt ghê tởm? Chà, chắc chắn hắn chưa bao giờ là một tín đồ thực thụ. Hắn không thể nào là một con chiên của tôn giáo này. Hệ thống phòng thủ này được gọi là ngụy biện “không phải người Scotland thực thụ” (no true Scotsman fallacy), hay nói một cách dân dã là ngụy biện theo lối lý sự cùn.
Tên của lối ngụy biện này tới từ triết học gia Antony Flew. Vào năm 1975, ông đã viết một cuốn sách với tựa đề Thinking About Thinking (Suy nghĩ về việc suy nghĩ), trong đó ông đã kể về một người đàn ông quê Scotland đang đọc bài báo về một vụ án tình dục khủng khiếp diễn ra ở Anh. Người đàn ông đó thốt lên: “Không một người Scotland nào lại làm thế cả”. Vào ngày ngày hôm sau, ông ta lại đọc được một bài báo khác viết về một vụ án còn tồi tệ hơn nữa diễn ra ở Scotland. Giờ thì ông ta bình phẩm: “Không một người Scotland thực thụ nào lại làm thế cả”. Ông bạn người Scotland của chúng ta nhất quyết không chịu tin rằng những người đồng hương của mình có thể xấu xa và tàn nhẫn tới vậy, thế là ông ta bèn tạo nên một định nghĩa giả tưởng để gạt bỏ những người xấu ra khỏi mối liên hệ tới bản thân. Giờ thì ông ta có thể tiếp tục trong một nhóm mà các thành viên không bao giờ làm điều sai trái. Bạn đã nhìn ra vấn đề chưa?
Các bình luận viên chính trị sử dụng lối ngụy biện này mỗi ngày. Vào năm 2011, Anders Behring Breivik đã đánh bom một loạt các tòa nhà ở Oslo, Na Uy, trước khi di chuyển tới đảo Otoya dưới lớp cải trang cảnh sát để xả súng vào một trại hè thanh thiếu niên. Hắn đã giết chết bảy mươi bảy người trước khi cảnh sát tiếp cận được khu vực bị cô lập này bằng thuyền. Breivik tự nhận mình là một tín đồ Cơ Đốc bảo thủ đang thực hiện các biện pháp để ngăn “sự xâm lăng của Hồi giáo” tại châu Âu. Mặc dù tự gọi mình là một thành viên của hội Hiệp sĩ Đền Thánh, Breivik đã được xét xử như một người hoàn toàn minh mẫn, và tòa án Na Uy kết án hắn hai mươi mốt năm tù giam. Rõ ràng đây không phải là một kẻ mà bạn muốn có mối liên hệ với đức tin của bản thân. Trong khoảng thời gian đưa tin về sự kiện, tờ The New York Times đã gọi Breivik là một tín đồ Cơ Đốc cực đoan. Hắn đã đưa ra một bản tuyên ngôn và lập nên những trang trên mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, trong đó nói rõ rằng những điều hắn làm là nhân danh Cơ Đốc giáo và nhằm mang tới lợi ích cho các tín đồ Cơ Đốc, giống như những Chiến binh Thập tự ngày xưa.
Tất nhiên, nếu bạn là một tín đồ Cơ Đốc, chắc chắn bạn sẽ phải rùng mình khi nghe Brevik tuyên bố với thế giới rằng hắn giết người dưới danh nghĩa tôn giáo của bạn. Đó là lý do tại sao mà nhà bình luận chính trị cánh hữu của Mỹ, Bill O’Reilly đã xuất hiện trên truyền hình và nói với hàng triệu người rằng: “Breivik không phải là một người Cơ Đốc. Điều đó là vô lý. Không ai tin vào Đức Jesus lại thực hiện thảm sát hàng loạt cả. Tên này có thể tự gọi mình là tín đồ Cơ Đốc giáo trên mạng, nhưng hắn chắc chắn không phải là một con chiên của tôn giáo này”. O’Reilly cho rằng đây là một thuyết âm mưu do cánh tả dựng nên để làm cho Cơ Đốc giáo bị mất uy tín. Sự thật có lẽ là O’Reilly đã cảm thấy bị đe dọa một cách cá nhân khi một người mang đức tin của đạo Cơ Đốc, tôn giáo không chỉ của ông ta mà còn của hầu hết lượng khán giả mà ông ta nhắm tới, lại có thể thực hiện một điều kinh khủng tới vậy, và rồi lại trực tiếp thú nhận rằng hắn được Cổ vũ bởi những tư tưởng tôn giáo này. Việc Breivik lặp đi lặp lại rằng hắn là một người theo đạo Cơ Đốc đã có ảnh hưởng lớn tới O’Reilly, người không thể chấp nhận điều này, và bởi vậy ông ta đã dựng nên ngụy biện “không phải người Scotland thực thụ”. Bill O’Reilly đã tự tạo nên một định nghĩa riêng cho từ “Cơ Đốc giáo”, và định nghĩa mới này đã giúp cho ông ta dễ ngủ hơn trong một thế giới quan bị biến tướng sao cho bớt phức tạp và dễ đối phó hơn. Trong thực tế, không ai có thể luôn luôn tuân theo mọi luật lệ và thực hiện mọi yêu cầu của tôn giáo mà người đó theo cả. Con người thường xuyên thách thức cái mác được gán lên mình, dù hiếm khi nào đạt tới mức độ kinh khủng như Breivik. Liệu việc phạm vào một quy tắc ứng xử được quy định bởi tôn giáo mà bạn theo có lập tức vô hiệu hóa tư cách con chiên của bạn và biến mọi khẳng định trước đây của bạn thành những lời nói dối? Hay những lời khẳng định đó chỉ có vẻ như là lời nói dối sau khi sự việc xảy ra? Trong thế giới quan của O’Reilly, ai làm những điều mà ông ta không vừa ý sẽ lập tức bị đá văng khỏi vòng tôn giáo của ông ta40.
Động Cơ để cho O’Reilly sử dụng lối ngụy biện này là rất dễ hiểu. Bạn hẳn cũng đã từng cảm thấy một sự thôi thúc như vậy mỗi khi có nhóm phóng viên giơ mic ra trước ai đó sống ở thị trấn quê nhà bạn. Dường như họ có siêu năng lực chọn ra được những cá nhân đáng xấu hổ nhất trong cả vùng phải không? Bạn sẽ làm gì? Tôi biết rõ rằng bất kỳ lúc nào tôi thấy ai đó từ vùng Thâm Nam hành xử như Gomer Pyle đang phê thuốc trên truyền hình, tôi sẽ nói với những người xung quanh: “Tại sao họ không thể chọn một bác sĩ, một luật sư hay một giáo sư đại học cơ chứ? Tay kia không phải dân miền Nam đâu”. Và đó là lối ngụy biện “không phải người Scotland thực thụ” đang thay lời tôi nói. Tồn tại rất nhiều người nói cùng một khẩu âm, có cùng màu da, nghiêng về cùng phía trên cán cân chính trị với chúng ta, nhưng chúng ta lại không muốn họ đại diện cho mình khi họ đạt tới một mức độ nổi tiếng nhất định. Cứ mỗi một người trên đời cảm thấy tự hào về Sarah Palin41 hay Thợ sửa ống nước Joe42 thì sẽ có hàng triệu người khác cúi đầu xấu hổ mỗi khi hai người này cho ra lò một cuốn sách mới. Cứ thêm một khán giả trở thành fan hâm mộ The Big Bang Theory43 thì sẽ xuất hiện thêm hàng triệu những con mọt sách thực thụ chỉ chờ tới ngày series phim đó bị dừng chiếu.
Nếu một chính trị gia phe Cộng hòa lại ủng hộ một chính sách đưa ra bởi phe Dân chủ, hay một con chó cưới một con mèo, cơ chế tự vệ phổ biến sẽ là: loại bỏ người thực hiện hành động đó ra khỏi nhóm mà ban đầu họ thuộc về. Nếu một nhà hoạt động nữ quyền muốn trở thành một bà mẹ bỉm sữa ở nhà chăm con thì liệu cô ta có còn thuộc nhóm đấu tranh cho nữ quyền không? Một số người cho là có; số khác lại cho là không. Và những thành viên với tư tưởng phản kháng sẽ tập hợp lại với nhau để lập nên một phe cánh mới. Liệu một người ăn chay có thể sở hữu một đôi ủng làm từ da đà điểu? Chia phe thôi. Kinh thánh có cấm việc nhảy múa không? Tới lúc lập một giáo phái mới rồi. Liệu các ca khúc được tạo ra bằng máy tính có được coi là âm nhạc thực thụ? Khởi đầu một dòng nhạc mới nào. Vấn đề với các nhóm và các loại nhãn mác là chúng thúc đẩy bạn tin vào một sự nhất quán, một thứ ví dụ hoàn hảo có thể biểu hiện tất cả những niềm tin và nguyên tắc mà nhóm hay nhãn mác đó mang theo. Nhưng khi bạn nhặt một thành viên hoặc một ví dụ bất kỳ ra khỏi tập hợp để soi xét thì sẽ luôn tìm ra được một loạt những điểm bất quy tắc. Vậy là ngụy biện “không phải người Scotalnd thực thụ” luôn luôn chia nhỏ các nhóm, bởi vì con người ta không thể tiêu hóa được những định nghĩa mở.
Nếu không thích đoạn kết của một bộ phim hoặc những phần phim sau, bạn có thể dễ dàng loại bỏ chúng bằng cách nói bạn thà rằng chúng không tồn tại, hoặc cho rằng chúng không phải là một phần của loạt phim gốc. Những người hâm mộ loạt phim Stars War (Chiến tranh giữa các vì sao) đã làm như vậy với phần phim tiền truyện, còn tín đồ phim The Matrix (Ma trận) thì coi 2 tập phim sau như không tồn tại. Bạn cũng làm điều này với những sự kiện trong đời thực. Những chi tiết mà bạn không chấp nhận nổi nhưng lại thuộc về một thứ gì đó mà bạn ưa thích có thể bị xóa đi khỏi bộ nhớ thông qua ngụy biện “không phải người Scotland thực thụ”. Bạn quay lưng lại trước TV khi nghe tin về một con chiên theo tôn giáo của mình đã tự châm ngòi nổ trong một vụ đánh bom tự sát, hoặc là bị kết tội quấy rối tình dục. Bạn không muốn mình có mối liên hệ nào tới những cá nhân đáng kinh tởm như vậy, thế là bạn tự định nghĩa lại các tham số. Nếu đội thể thao ưa thích của bạn bị dính vào một vụ bê bối, và những người hùng trong lòng bạn bỗng nhiên trở thành những tên đểu giả, một cách rất dễ hiểu, bạn sẽ lánh xa các phương tiện báo đài và tìm mọi cách xóa mờ đi vết nhơ trên thứ mà bạn vốn yêu thích. Khi bạn kết thúc một câu nói với cấu trúc “Không một abc chân chính nào lại...” hay “Không một xyz có lòng tự trọng nào có thể...” thì có nghĩa là bạn đang khẩn cầu phần còn lại của nhân loại đồng tình với định nghĩa cá nhân mới của mình.
Nhà triết học Julian Baggini đã đặt ra câu hỏi trong cuốn sách của mình, The Duck That Won The Lottery (Con vịt trúng độc đắc), rằng liệu những tay bợm nhậu có thể tự coi là đã cai nghiện thành công khi họ chỉ uống một hai lần mỗi tuần? Hay liệu phải hoàn toàn kiềm chế không đụng tới một giọt cồn nào nữa mới được tính là không còn nghiện rượu? Đó là điều mà tổ chức Alcoholics Anonymous khẳng định: Họ cho rằng không một ai đã cai nghiện rượu thành công sẽ lại chạm tới một cốc rượu nào nữa. Giả sử bạn bước vào KFC với một người bạn chỉ ăn hoa quả, cô ấy gọi một bát hạt lựu trộn với hạt thông và bị nhân viên từ chối một cách lịch sự, nói rằng món đó không có trong thực đơn, liệu bạn có bị sốc không nếu cô bạn ấy chuyển qua gọi một miếng gà mềm? Nếu cô ấy giải thích rằng đôi khi cũng phải có ngoại lệ, rằng điều đó chỉ xảy ra hai hoặc ba lần một năm thôi thì sao? Điều gì khiến một người ăn chay thực sự được coi là ăn chay? Liệu việc dừng lại một chút trong chế độ ăn uống khắt khe đó có thay đổi điều gì không? Điều gì sẽ xảy ra nếu hôm nay bạn tuyên bố mình là một người chỉ ăn hoa quả, nhưng thực ra vẫn chưa ăn một bữa nào chỉ toàn trái cây? Khi nào thì bạn sẽ vượt qua lằn ranh đó?
Những định nghĩa là rất hữu ích, nhưng trong đa số các trường hợp trên đời thì không có một định nghĩa nào lại được đồng thuận tuyệt đối cả, mà cho dù nếu có đi chăng nữa thì nó cũng sẽ hết sức nhanh chóng bị biến tướng. Thực chất, hầu hết những “sự thật” về các nhóm xã hội của bạn và cả những nhóm mà bạn thấy không phù hợp đều chỉ là những niềm tin. Khi những niềm tin này bị đặt trước thử thách, bạn có thể bước qua một bên và thay đổi chúng, bằng cách chỉnh sửa các định nghĩa của bản thân thông qua ngụy biện “không phải người Scotland thực thụ”.
Thực tế là hầu hết mọi thứ đều không được định nghĩa một cách rõ ràng, bất kể cuốn từ điển trong tay bạn có đang nói gì đi chăng nữa. Bạn rất thích định nghĩa mọi thứ, chia chúng ra, xếp thành nhóm, rồi đặt tên cho chúng. Điều đó giúp cho cuộc sống trở nên ngăn nắp hơn. Tuy nhiên, hầu hết mọi thứ đều có độ mờ nhất định, không có những đường viền rõ ràng để phân biệt chúng với thứ tương tự như bạn vẫn tưởng. Lối ngụy biện “không phải người Scotland thực thụ” sẽ phát huy tác dụng khi bạn nhầm lẫn định nghĩa cá nhân với định nghĩa chính thức được chấp nhận rộng rãi. Nếu bạn nghĩ không một người Mỹ chân chính nào lại có thể nhảy múa trong một vũ hội diễu hành đồng tính với mật ong và kim tuyến phủ trên người, đó sẽ là định nghĩa riêng của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng không một nhà khoa học thực thụ nào lại tin vào truyền thuyết về Người rừng chân to, thì niềm tin đó thuộc về cá nhân bạn mà thôi. Khi một ai đó chứng minh được rằng định nghĩa cá nhân của bạn là sai lầm tệ hại thông qua những phản ví dụ, bạn có thể chỉ cần sắp xếp lại một chút và loại bỏ cáo buộc đó bằng một định nghĩa mới.
Những cuộc tranh luận về định nghĩa có thể cho chúng ta thấy được sự liên quan của ngụy biện "không phải người Scotland thực thụ" với lối lập luận vòng vo. Đây là một lối ngụy biện nữa mà bạn thường xuyên mắc phải khi bảo vệ lập trường của mình một cách vụng về. Khi lập luận vòng vo, bạn cho rằng mình đã nắm được sự thật. Bạn có thể cười một cách hãnh diện khi ông thị trưởng nói rằng: “Chúng ta phải đảm bảo sao cho người dân tại đây luôn có thể sản xuất và tiêu thụ món mayonnaise có cồn, vì thứ sốt được ủ men ăn với bánh mì kẹp này là một điểm rất tuyệt vời của thị trấn. Một thị trấn chỉ có thể giàu mạnh được khi người dân biết rằng họ có thể lên men lòng đỏ trứng trộn dầu”. Những câu nói cao siêu này nghe có vẻ thật tuyệt, nhưng chúng thực chất chỉ đang quay vòng tại chỗ. Nói như vậy chẳng khác gì khẳng định là “bánh ngọt thật ngon bởi vì nó ngon”. Câu hỏi cần được đặt ra ở đây là “Ai dám khẳng định rằng bánh ngọt là ngon? Một số người vẫn ghét bánh ngọt mà”. Trước những lập luận vòng vo, bạn luôn có thể đặt câu hỏi theo mô-típ như vậy: “Bằng chứng đâu để cho rằng giả thiết của bạn là đúng? Liệu có trường hợp ngoại lệ nào không?” Việc lập luận vòng vo luôn trông giống như một lý lẽ đưa ra để chứng minh sự thật, nhưng thực ra nó chỉ là những niềm tin chủ quan. Trong một tranh luận thực sự thì bạn sẽ đưa ra khẳng định, rồi tìm những luận cứ bổ sung cho luận điểm đó. Khi sử dụng lập luận vòng vo thì bạn lại chủ quan cho rằng mình đã có chứng cứ và chỉ cần nói suông là xong. Những vấn đề nổi cộm trong xã hội là những thỏi nam châm khổng lồ cho kiểu ngụy biện này. Khi bạn nghe ai đó nói “Phá thai là vô đạo đức, và đáng ra phải là trái pháp luật - kể cả là đối với mấy con bò đi chăng nữa”, hoặc “Đất nước này được thành lập bởi những tín đồ đạo Cơ Đốc, bởi vậy Mười Điều Răn phải được in lên tất cả các mặt bàn ở trường công lập”, thì đó không phải là những luận điểm. Chúng chỉ là những câu khẳng định sự đúng đắn của một chủ thể, không cho người khác cơ hội phản biện, mà ngay lập tức liên kết chủ thể đó với một giả định khác.
Sự vơ đũa cả nắm này thể hiện tính bao trùm và đặc trưng nhất khi bạn tin rằng một điều gì đó không vừa ý mình chỉ có thể được gây ra bởi người khác. Bạn tự bảo vệ những nhóm của mình bằng cách cho rằng các thành viên không mong muốn đã bằng cách nào đó lạc bước khỏi lối đi chân chính. Nhưng ai là người có thể khẳng định đâu mới là chính đạo? Việc vạch ra những ranh giới, phân loại, tạo nên và tuân theo các danh pháp, việc xây dựng ngôi đền ý tưởng và cắt đứt những cầu nối vốn nằm trong bản chất của các tổ chức và trong bản năng của các bộ lạc.
Hãy nhớ rằng những định nghĩa thường rất mông lung và không chính xác. Bản thân những thứ mà chúng định nghĩa cũng thay đổi luôn luôn. Những lằn ranh giữa các ý tưởng có thể bị phá vỡ và luôn biến chuyển. Bởi vậy một thứ gì đó từng bị bài trừ có thể sẽ được chấp nhận qua thời gian, và ngược lại. Khi sử dụng lối ngụy biện “không phải người Scotland thực thụ”, bạn đang yêu cầu cả vũ trụ phải trở nên bất động để bạn có thể chắc chắn rằng định nghĩa cá nhân của mình là chính xác vào ngay lúc này và vĩnh viễn về sau. Không chỉ có vậy, trong nỗ lực để giữ gìn sự trong sạch cho những nhóm xã hội của bạn, những niềm tin mà bạn bấu víu vào và những tổ chức mà bạn đã thề sẽ trung thành, bạn sử dụng lối ngụy biện này để đảm bảo rằng chúng sẽ luôn giữ được những giá trị mà bạn trông đợi chúng phải có, mặc cho những trường hợp ngoại lệ hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn sẽ ném thẳng những thứ chướng tai gai mắt đó đi. Bạn không thể cải thiện những thứ mà bạn yêu quý nếu ngay từ đầu, bạn đã không cho những điểm không hoàn hảo có cơ hội tồn tại. Hãy nghĩ theo hướng này: Nếu soi thật kỹ đến mức có thể thấy được mọi khuyết điểm trong mọi ví dụ lấy ra từ những thứ bạn yêu thích, bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng không gì có thể trọn vẹn như mong đợi của bản thân, và cũng chẳng có gì xứng đáng với định nghĩa cá nhân của bạn. Lúc đó thì tư cách hội viên ở mọi hội nhóm và những định nghĩa mà bạn yêu thích sẽ tụt xuống con số không tròn trĩnh.