Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 13
Ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng ... Chương 12 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Bạn yêu thích sự đa dạng và tôn trọng quan điểm của người khác.
SỰ THẬT LÀ:
Bạn luôn bị thôi thúc tạo nên các nhóm tư tưởng, và sau đó cho rằng quan điểm của người khác là sai đơn giản vì họ không cùng nhóm với bạn.
Năm 1954, ở phía Đông Oklahoma, hai nhóm trẻ em đã suýt giết lẫn nhau.
Hai nhóm này được sắp xếp ở gần nhau nhưng lại không hề biết điều đó. Khi hai nhóm tách biệt và không biết về sự tồn tại của nhóm còn lại, chúng đã sống trong thiên nhiên hoang dã, các thành viên chơi trò chơi, xây dựng chỗ trú ẩn, chuẩn bị thức ăn - về cơ bản là sống rất yên bình. Mỗi nhóm đều tự tạo dựng nên một nền văn hóa riêng với những tập tục và quy tắc ứng xử. Mỗi “bộ lạc” này đều tìm ra được những giải pháp thông minh để giải quyết những vấn đề sống còn. Chúng cũng đặt tên riêng cho các lạch suối, mỏm đá và những nơi nguy hiểm, những cái tên này được phổ biến rộng rãi trong nội bộ nhóm. Những thành viên trong “bộ lạc” giúp đỡ nhau và để tâm tới sức khỏe của nhau.
Các nhà khoa học đã đứng ngoài theo dõi, ghi chép lại mọi hoạt động của những đứa trẻ này và bàn tán với nhau. Đã có nhiều cái gật đầu vào nheo mắt hoài nghi về thí nghiệm này. Trong khi đó thí nghiệm đã mang lại cho các ngành nhân chủng học và tâm lý học một lượng dữ liệu dồi dào về cách mà con người xây dựng và duy trì các nhóm, cách mà thứ tự cấp bậc được lập ra và tuân theo. Các nhà khoa học bắt đầu tò mò là điều gì sẽ xảy ra khi hai nhóm này gặp nhau.
Hai nhóm trẻ, mỗi nhóm bao gồm hai mươi tư cậu bé trong độ tuổi mười một đến mười hai được nhà tâm lý học Muzafer Sherif tập hợp lại tại Vườn quốc gia Robbers Cave, tiểu bang Oklahoma. Ông và các đồng nghiệp đã sắp xếp cho các cậu bé này lên những chiếc xe buýt riêng biệt và đưa chúng tới khu vực cắm trại dành cho Hướng đạo sinh nằm sâu trong rừng - nơi có sẵn những căn lều gỗ, hang đá và thiên nhiên hoang dã. Tại đây, các nhà khoa học đã chia lũ trẻ thành hai nhóm ở hai đầu của khu cắm trại, cách nhau khoảng nửa dặm, giữ cho chúng không biết về sự tồn tại và vị trí của nhóm còn lại. Những cậu bé này cũng hoàn toàn không quen biết nhau từ trước, và Sherif tin rằng việc đặt chúng vào một môi trường mới lạ, tách xa khỏi những nền văn hóa quen thuộc sẽ khiến chúng tạo nên một bản sắc văn hóa riêng.
Phỏng đoán này của ông đã hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, ngay khi những nền văn hóa nội bộ được hình thành trong từng nhóm, thì điều gì đó đen tối hơn cũng dần lộ diện. Một trong những hành vi đã tìm được đường để hiện diện thường trực trong tâm trí những cậu bé này cũng là thứ mà bạn đang phải chiến đấu chống lại ngay bây giờ, là thứ luôn làm cho cuộc sống của bạn trở nên khó khăn hơn. Chúng ta sẽ bàn đến vấn đề đó sau, nhưng trước hết, hãy cùng tìm hiểu về một trong những thí nghiệm đáng sợ và đáng suy ngẫm nhất trong lịch sử ngành tâm lý học.
Sherif và các đồng nghiệp đã đóng giả làm nhân viên trại hè, một vị trí tương tự Cố vấn. Điều này cho phép họ có thể theo dõi và ghi chép lại về bản năng của con người trong việc tạo lập nên các bộ lạc mà không cần phải can thiệp trực tiếp vào thí nghiệm. Ngay lập tức, các thứ bậc xã hội đã xuất hiện khi lũ trẻ chọn ra thủ lĩnh và phân chia vai trò cho các thành viên. Các tập quán cũng được hình thành một cách tự phát. Ví dụ, một lần có một cậu bé bị thương ở chân nhưng không kể với ai cả cho tới tận giờ đi ngủ, và từ đó về sau, trong nhóm của những đứa trẻ tự gọi mình là Rattlers này đã hình thành luật bất thành văn là chúng sẽ không được phàn nàn nhõng nhẽo. Các thành viên sẽ chỉ được phép kể về những vết thương của mình sau khi ngày làm việc kết thúc. Khi một đứa kêu khóc, những thành viên khác sẽ phớt lờ cho tới khi cậu bé đó nín. Các luật lệ và lễ nghi cũng được phát triển nhanh chóng: Những thành viên cao cấp trong cả hai nhóm đã hướng dẫn mọi người cách nói lời cảm tạ trước bữa ăn và chỉnh sửa sao cho lễ nghi đó được thực hiện chính xác theo cách chúng muốn. Chỉ trong một vài ngày, những đề xuất ban đầu có vẻ độc đoán của chúng đã trở thành luật lệ cho mọi người tuân theo, và không ai để phải nhắc nhở hay giúp đỡ. Những đứa trẻ đã tự nghĩ ra các trò chơi và tự tạo nên luật chơi. Chúng đề ra và thực hiện những dự án dọn dẹp một vài khu vực trong căn cứ và lập nên một hệ thống điều hành với tuyến mệnh lệnh rõ ràng. Những kẻ lười biếng sẽ bị trừng phạt; những người nỗ lực hoàn thành tốt công việc hơn mong đợi sẽ được ca ngợi. Cờ được treo cao, biển bảng được trưng lên.
Không lâu sau, hai nhóm trẻ bắt đầu nghi ngờ rằng chúng không phải là những người duy nhất tại trại. Chúng bắt đầu tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nhóm còn lại: Cốc nước và những dấu hiệu khác của con người tại những nơi mà chúng chưa từng ghé qua. Điều này đã củng cố ý chí, khiến cho các thành viên của cả hai nhóm bám chặt hơn vào những tập tục, giá trị, lễ nghi và tất cả những yếu tố khác trong nền văn hóa nội bộ của chúng. Ở cuối tuần đầu tiên, những tay Rattlers đã phát hiện ra nhóm còn lại trên sân bóng chày của khu trại. Từ thời điểm này trở đi, cả hai nhóm dành phần lớn thời gian để bàn cãi về cách mà chúng sẽ phải đối phó với những kẻ thù mới ngoài kia. Nhóm chưa có tên đã hỏi các cố vấn về những kẻ lạ mặt. Khi được cho biết rằng nhóm còn lại tự gọi mình là Rattlers, các thành viên trong nhóm không tên đã chọn ra một đội trưởng và hỏi nhân viên khu trại xem liệu chúng có thể thi đấu bóng chày với nhóm còn lại không. Những đứa trẻ này đã đặt tên cho đội bóng mới thành lập của mình là Eagles, nghĩa là Đại Bàng, một loài động vật mà chúng nghĩ là thích ăn thịt rắn44.
Ngay từ đầu, Sherif và các đồng nghiệp đã có dự định sẽ cho hai nhóm tranh tài trong một môn thể thao đối kháng. Nghiên cứu của họ không chỉ nhắm tới việc tìm ra cơ chế hình thành các nhóm, mà còn tập trung vào cách các nhóm xử lý khi phải cạnh tranh tài nguyên. Việc những cậu bé này ngứa ngáy muốn được so tài hơn thua trên sân bóng chày có vẻ là một diễn biến vô cùng thuận lợi cho nghiên cứu. Vậy là các nhà khoa học quyết định tiến tới giai đoạn hai của cuộc thí nghiệm. Hai nhóm trẻ đã vô cùng sung sướng khi biết rằng chúng sẽ không chỉ được tranh tài trong môn bóng chày, mà còn chơi kéo co, bóng chạm, săn tìm kho báu và những hoạt động ngoại khóa theo kiểu trại hè khác. Các nhà khoa học tiết lộ sẽ có một số lượng phần thưởng có hạn trong các cuộc thi này. Những người thắng cuộc sẽ nhận được một trong số những phần thưởng là huy hiệu hoặc dao. Khi thắng giải và nhận được những con dao, một số cậu bé còn hôn nó trước khi chạy vội đi cất giấu món vũ khí của mình khỏi tầm mắt nhóm kình địch.
Sherif nhận thấy hai nhóm đã dành rất nhiều thời gian để nói xấu đối thủ, cho rằng đó là những kẻ ngu ngốc và bất lịch sự. Chúng đã đặt rất nhiều biệt danh xấu cho nhau, và hàng đêm đều bận rộn tranh luận về bản chất của kẻ địch. Điều này đã làm Sherif cảm thấy bị cuốn hút. Khi cuộc cạnh tranh tài nguyên bắt đầu, cả hai nhóm đều có nhu cầu coi nhóm còn lại là những kẻ kém cỏi hơn, và bởi vậy, chúng định nghĩa đối thủ theo cách đó. Việc này củng cố tính đồng nhất của luận điểm cho rằng khả năng của đối phương kém xa so với nhóm mình. Mọi điều mà chúng học được về nhóm đối thủ đều là những ví dụ xấu không được noi theo, và tất cả những điểm giống nhau đều có xu hướng bị phớt lờ.
Trong khi các nhà nghiên cứu còn đang thu thập dữ liệu, thảo luận về những điều mới phát hiện và chuẩn bị cho những chuỗi hoạt động tiếp theo, thì lũ trẻ đã có kế hoạch khác. Cuộc thí nghiệm này chuẩn bị vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và mọi chuyện bắt đầu với nhóm Eagles.
Vào một ngày, các thành viên Eagles đã phát hiện ra lá cờ của Rattlers cắm trên sân bóng chày mà không có ai trông coi. Chúng đã bàn cãi xem nên làm gì, và quyết định rằng lá cờ này cần phải bị giật xuống. Sau khi cướp được lá cờ của địch thủ, chúng quyết định đốt cháy nó, sau đó treo lại lá cờ cháy xém lên cán và hát bài Taps45. Một lúc sau, nhóm Rattlers đã nhìn thấy hiện trường kinh khủng này, bèn tổ chức một cuộc đột kích để cướp và đốt cờ của Eagles nhằm trả đũa. Khi nhóm Eagles phát hiện ra vụ đốt cờ trả thù này, người cầm đầu của chúng đã đưa ra một lời tuyên chiến tay đôi. Hai thủ lĩnh sau đó đã gặp nhau và chuẩn bị lao vào vật lộn, nhưng các nhà khoa học đã kịp thời can thiệp. Đêm hôm đó, các thành viên Rattlers đã bôi sơn rằn ri và đột kích vào cabin của nhóm Eagles, lật ngược giường chiếu và xé rách màn chống muỗi. Nhân viên của trại một lần nữa phải ra tay can thiệp khi hai nhóm bắt đầu vờn quanh nhau và nhặt đá để ném. Ngày hôm sau, các Rattlers đã vẽ những hình mang tính lăng mạ lên một chiếc quần bò chúng ăn cắp được từ nhóm Eagles và đem đi diễn trước trại của đối phương. Nhóm Eagles không chịu khuất phục, đợi cho tới khi các thành viên của Rattlers đang ăn trưa để thực hiện một cuộc đột kích trả thù, sau đó chạy nhanh về cabin của mình để sắp đặt phòng thủ. Bằng cách nhét đầy đá vào tất và ngồi chờ. Lúc này thì nhân viên của trại hè một lần nữa đã phải can thiệp và thuyết phục nhóm Rattlers không thực hiện phản công. Tuy vậy, những vụ đột kích vẫn liên tiếp diễn ra, và những pha can thiệp của người lớn cũng không thể chấm dứt, cho tới tận khi nhóm Rattlers đánh cắp được những con dao và huy hiệu từ nhóm Eagles. Lần này, Eagles quyết tâm phải đòi lại chiến lợi phẩm. Chúng lập nên một nhóm chiến đấu với nhiệm vụ được phân công rõ ràng và những chiến thuật được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hai nhóm cuối cùng cũng đánh giáp lá cà trong một trận lớn, và các nhà khoa học phải đứng ra can thiệp. Sợ rằng hai nhóm có thể làm tình hình leo thang và gây ra thương tật nặng nề, họ đã lập tức tách trại của chúng ra xa nhau.
Có lẽ bạn cũng đã mường tượng được từ đầu rằng đây sẽ là kết cục mà câu chuyện này hướng tới. Bạn biết rằng trong một số điều kiện nhất định, con người, thậm chí là cả lũ trẻ con, có thể bị lộn ngược lại thành những kẻ hoang dại. Bạn cũng biết thừa những phiên bản văn hóa theo kiểu mì ăn liền. Bạn nhớ lại thời còn học cấp ba, nhớ về lúc mình còn làm ở những văn phòng công sở. Bạn đã từng xem những bộ phim của Stephen King. Trong những môi trường mới lạ, con người sẽ tự động lập thành các nhóm theo bản năng. Những nhóm này sẽ phát triển một số ngôn từ mới, những trò đùa nội bộ, những tập tục và giá trị riêng, cùng nhiều thứ khác nữa. Bạn có lẽ cũng đã đoán trước được là một vụ khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn tới cuộc chiến phân định xem ai là người sẽ cai trị Bartertown46. Trong nghiên cứu này, tất cả những gì mà các nhà khoa học đã làm chỉ là đưa ra một cuộc cạnh tranh để chiếm lấy tài nguyên, và một trại hè đã trở thành bối cảnh của truyện Lord of the Flies (Chúa ruồi).47
Dù vậy, bạn có thể không nhận ra rằng có rất nhiều hành vi bản năng như thế này luôn chực chờ ở ngay dưới tầng ý thức của bạn. Không nhất thiết phải ngồi chuẩn bị vũ khí, nhưng ở một mức độ nào đó, bạn luôn tự đánh giá vị trí của mình trong xã hội, đánh giá những đồng minh hay đối thủ của mình. Bạn tự nhận mình là thành viên của một vài nhóm nhất định, và cũng giống những cậu bé ở trại hè, bạn bỏ ra rất nhiều thời gian để nhận định về những người ngoài nhóm. Cách bạn nhìn người khác bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một thứ mà các nhà tâm lý học gọi là ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng (the illusion of asymmetric insight). Để hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng xem xét cách mà mỗi nhóm có đặc thù riêng, như việc mỗi cá nhân sở hữu danh tính riêng vậy. Và thực ra thì những danh tính này, của nhóm hay của cá nhân, đều không nhất thiết là chính xác.
Hy vọng là bạn đã từng có cuộc trò chuyện đêm khuya với những người bạn của mình, mà có thể vì bất cứ lý do nào, tất cả đều thú nhận rằng mình đang sống một cách giả tạo. Nếu bạn chưa từng có trải nghiệm như vậy thì hãy xem ngay bộ phim The Breakfast Club (Hội điểm tâm) đi rồi hẵng quay lại đây đọc tiếp. Câu chuyện là thế này: Bạn đeo mặt nạ và mặc đồng phục trước khi rời nhà tới công sở. Một mặt nạ khác, bạn dành cho trường học. Bạn có những “bộ quần áo” cho từng nhóm bạn khác nhau, và một bộ chỉ dành riêng cho gia đình. Con người của bạn khi ở một mình không phải là con người bạn khi ở cạnh người yêu hay bạn bè. Bạn thay đổi nhanh như Siêu Nhân thay quần áo trong bốt điện thoại công cộng khi gặp phải một người bạn cũ thời trung học ở cửa hàng tiện ích, hoặc chạm mặt người yêu cũ khi xếp hàng mua vé xem phim. Khi bạn chia tay những người này, bạn sẽ lại thay đổi về con người trước. Người yêu đang tựa đầu lên cánh tay bạn tha thứ cho điều này. Anh ấy hoặc cô ấy thấu hiểu; bởi nói cho cùng thì bản thân họ cũng đang cải trang. Ý tưởng về việc sở hữu nhiều nhân dạng cho nhiều trường hợp khác nhau không có gì mới mẻ cả, nhưng nó là điều mà bạn hiếm khi nói tới. Khái niệm này xưa tới nỗi từ person (con người được phát triển lên từ persona, một từ trong tiếng Latin để chỉ chiếc mặt nạ mà các diễn viên kịch Hy Lạp đôi khi sẽ đeo lên, để những khán giả ngồi ở hàng sau có thể nhìn rõ anh ta đang diễn vai nào trên sân khấu. Ý niệm này - các diễn viên và màn biểu diễn, nhận dạng và mặt nạ - đã đan xen với nhau và được sử dụng khắp trong suốt chiều dài lịch sử. Shakespeare từng nói: “Cả thế giới là một sân khấu lớn, tất cả đàn ông và phụ nữ đều chỉ là những diễn viên”. William James cũng nói rằng một người “có số bản ngã xã hội bằng với số lượng người có thể nhận diện anh ta”. Carl Jung là một người đặc biệt yêu thích ý tưởng về nhân dạng này, đã nói rằng chúng là “thứ mà trong thực tế không tồn tại, nhưng bản thân mỗi người và những người khác đều cho là có”. Đó là một ý tưởng cổ xưa, nhưng bạn và tất cả mọi người đều có vẻ sẽ khám phá ra nó khi trải qua thời niên thiếu, sau đó sẽ lại quên bẵng đi, rồi đôi khi lại đột nhiên nhớ về mỗi khi cảm thấy mình là một tên giả danh lừa đảo. Không sao đâu, đó là một cảm xúc tự nhiên, nếu bạn không thỉnh thoảng lùi lại một bước và cảm thấy lạ lẫm về cách mà mình đeo những chiếc mặt nạ xã hội, thì có lẽ bạn là một kẻ tâm thần.
Các phương tiện truyền thông xã hội đã làm trầm trọng hóa điều này. Bạn trở thành một bậc thầy trong quan hệ công chúng. Bạn không chỉ có khả năng tạo ra những bản ngã khác nhau cho từng diễn đàn, từng trang web, mà trên những phương tiện này, bạn còn có thể điều khiển nhân cách nào thì đưa ra thông điệp gì. Những dòng tweet thông minh, những bức ảnh Instagram khoe sản phẩm ngon lành vừa lấy ra từ lò nướng, những meme hài hước bạn gửi lên mạng và sau đó quay lại để đọc bình luận, những thứ bạn mới mua, những nơi bạn mới tới - tất cả những điều này đều kể một câu chuyện về con người mà bạn muốn trở thành. Chúng thỏa mãn một điều gì đó. Liệu có ai đang ấn vào xem những đường dẫn này không? Liệu có ai đang xem video của bạn và cười khẩy?
Những vụ lùm xùm gần đây về nền văn hóa chia sẻ quá mức của chúng ta, về nguy cơ tiềm tàng của việc mất tính riêng tư và bảo mật, thực chất chỉ là những ồn ào do thiếu hiểu biết. Là một cư dân mạng, bạn đã cố tình ẩn giấu sự thật về tính cách của bản thân. Bạn che giấu những nỗi sợ, những lỗi lầm, những khát khao đi tìm ý nghĩa, tìm mục đích sống, và tìm sự kết nối vốn rất mỏng manh dễ vỡ. Ở một thế giới mà bạn có thể kiểm soát mọi thứ mang ra trước khán giả, cho dù là thật hay tưởng tượng, thì những thứ được phô diễn ra sẽ phụ thuộc vào việc bạn nghĩ rằng ai đang ở đầu kia của màn hình. Bạn lo lắng khi bố mẹ cô dì chú bác gửi lời mời kết bạn trên Facebook - họ sẽ nghĩ sao về phiên bản đó của con người bạn? Cho dù là ngoài đời hay trên ảnh thì mong muốn được che giấu một phần của bản thân đối với nhóm này, nhưng lại khoe ra trước nhóm khác, dường như đã được lập trình sẵn trong bạn. Bạn có thể dễ bị tổn thương theo nhiều cách khác nhau, nhưng có vẻ như không phải trên tất cả mọi phương diện cùng một lúc.
Vậy là bạn đeo những chiếc mặt nạ xã hội giống như tất cả các thành viên khác của loài người, kể từ đống lửa trại đầu tiên hồi còn ăn lông ở lỗ. Bạn có vẻ khá là tự tin về những chiếc mặt nạ này, về khả năng thể hiện hoặc che giấu theo ý bạn của chúng. Tương tự như vậy, các nhóm cũng có những chiếc mặt nạ tập thể. Các chính đảng viết ra những tuyên ngôn, các công ty phát cho nhân viên những quyển sổ hướng dẫn, các quốc gia soạn thảo hiến pháp, các câu lạc bộ sinh hoạt tại nhà trên cây thì treo bảng nội quy - tất cả những tổ chức hay tập hợp của con người, từ một buổi trình diễn thời trang cho tới Hiệp hội Súng trường Quốc gia, đều giữ sự kết nối nội bộ bằng cách tạo ra bộ quy tắc và giá trị để đánh tín hiệu mỗi khi họ giao tiếp với thành viên trong nhóm, cũng như để nhận dạng người ngoài. Điều đáng chú ý là một khi bạn cảm thấy mình nằm trong một nhóm người hoặc theo đuổi một lý tưởng, bạn sẽ nhìn những người khác qua một lăng kính méo mó của ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng.
Bạn biết rõ những người bạn của mình đến mức nào? Nhặt ra một người bất kỳ trong đám bạn thân, một người mà bạn thường xuyên tiếp xúc. Bạn có thể thấy được những lời nói dối mà anh ta tự nói với bản thân và người khác không? Bạn có nhận ra điều gì đang cản trở người bạn gái nọ, nhưng đồng thời cũng lại nhìn ra một tài năng tuyệt vời mà bản thân cô ấy không coi trọng hay không? Bạn có biết những khát vọng của anh ta, cách ứng xử của anh ta trong hầu hết các tình huống, anh ta sẽ tranh cãi đến cùng vì thứ gì, sẽ bỏ qua chuyện gì? Bạn có nhận ra lúc nào cô ta làm điệu bộ, lúc nào thực sự dễ bị tổn thương? Bạn có biết món quà tặng nào là hoàn hảo dành cho anh ấy? Bạn có ước giá mà cô bạn ấy không hẹn hò với người này hay người kia? Có bao giờ bạn đề cập đến sở thích của người đó một cách gián tiếp và tự tin rằng mình hiểu đúng, kiểu “Đáng lẽ anh phải tới chỗ này. Anh mà tới thì chắc hẳn đã rất thích nó rồi”? Các nghiên cứu cho thấy có lẽ bạn đã từng cảm thấy tất cả những điều trên, thậm chí còn nhiều hơn thế. Bạn nhìn vào bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những người đồng trang lứa như những sinh vật bán trong suốt. Bạn có thể dễ dàng phân loại họ. Bạn thấy họ là nghệ sĩ, kẻ hay cáu kỉnh, tên lười biếng và người chăm chỉ quá mức. “Nó đã làm vậy à? Cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên”., bạn thường xuyên nhận định như vậy về những người xung quanh. Bạn biết ai sẽ nhận lời đi ngắm sao băng cùng mình và ai sẽ từ chối. Bạn biết sẽ phải hỏi ai về bugi xe máy, và ai là người có thể trả lời bạn những câu hỏi về vườn tược. Bạn tin có thể đặt mình vào địa vị của họ, phỏng đoán hành vi của họ trong hầu hết các trường hợp. Bạn tin rằng tất cả mọi người, trừ bạn ra, đều là những quyển sách mở. Đương nhiên là các nghiên cứu cho thấy mọi người xung quanh đều nghĩ y như bạn vậy.
Vào năm 2001, Emily Pronin và Lee Ross, cùng với Justin Kruger và Kenneth Savitsky, đã thực hiện một loạt những thí nghiệm để tìm hiểu lý do tại sao bạn lại nhìn người khác theo cách này. Trong thí nghiệm đầu tiên, họ cho những người tham gia điền vào bảng khảo sát suy nghĩ của họ về những người bạn thân nhất và đánh giá mức độ thấu hiểu người bạn của mình. Các nhà nghiên cứu cũng cho các đối tượng tham gia xem một loạt tranh vẽ tảng băng trôi có chiều cao so với mặt nước ở các mức khác nhau, và yêu cầu họ khoanh tròn những bức tương ứng với mức độ “bản chất thật” mà họ tin mình có thể nhìn ra được ở người bạn thân. Nói cách khác, các nhà khoa học đang hỏi họ có thể thấy được bao nhiêu phần trong bản chất của người kia, và bao nhiêu phần bị che giấu dưới bề mặt. Sau đó những người thực hiện nghiên cứu đã cho các đối tượng thực hiện một khảo sát thứ hai trái ngược hẳn so với ban đầu. Lần này họ phải đặt mình vào vị trí của những người bạn và nhận định xem người đó có thể thấy được bao nhiêu phần của tảng băng trôi trong họ. Hầu hết mọi người đều tự cho rằng mình có cái nhìn sâu sắc về người bạn thân, họ thấy được phần lớn của tảng băng đang nổi lên khỏi mặt nước. Ngược lại, họ cho rằng những người bạn kia không hiểu được hết về họ; hầu hết đều chọn hình ảnh những tảng băng với phần lớn bị chìm dưới mặt nước làm đáp án cho câu hỏi thứ hai. Bạn tin rằng bạn có thể nhìn thấy tảng băng trôi của người khác rõ ràng hơn họ nhìn vào tảng băng của bạn; trong khi những người đó cũng có suy nghĩ y như vậy về bạn.
Các nhà nghiên cứu tiếp tục yêu cầu những người tham gia miêu tả về thời điểm mà họ cảm thấy là chính mình nhất. Hầu hết các đối tượng (78%) miêu tả về những thứ mang tính chất nội tâm và không thể quan sát thấy, ví dụ như là cảm xúc khi thấy con của mình làm tốt một việc gì đó, hoặc khi nghe tiếng vỗ tay sau khi chơi đàn trước đám đông. Khi được yêu cầu miêu tả về thời điểm mà họ tin rằng những người bạn hoặc người thân thể hiện rõ nhất cá tính của họ, chỉ có 28% số người tham gia nói đến những cảm xúc nội tâm. Thay vào đó, họ có xu hướng miêu tả các hành động: Tom thể hiện rõ cá tính nhất khi anh ấy kể một câu chuyện đùa bậy bạ, hoặc Jill có vẻ là chính mình nhất khi cô ấy leo vách đá. Bạn không thể nhìn thấy được trạng thái nội tâm của người khác, bởi vậy bạn thường không dùng tới những trạng thái đó để miêu tả cá tính của họ.
Khi được cho điền vào chỗ trống để hoàn thành một số từ vựng (ví dụ như “g__ l” có thể được điền thành “goal”, “girl”, “gall”, “gill”, v.v.) và được hỏi là liệu họ có nghĩ rằng những bài điền chữ cái thế này có thể hé lộ điều gì về bản chất của chính họ không, hầu hết mọi người đều cho rằng chúng không có ý nghĩa gì cả. Khi chính những người này nhìn vào kết quả điền chữ của người khác, họ lại nói những câu đại loại như “Tôi cảm thấy rằng người làm bài này có thể hơi sáo rỗng một chút, nhưng về cơ bản là người tốt”. Họ nhìn những từ ngữ đó và nhận định người đã chọn chúng là một người yêu tốt, hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt, hoặc là người luôn suy nghĩ tích cực, hoặc một kẻ đang thiếu ngủ. Khi những từ này là do bản thân họ điền thì chúng lại không mang ý nghĩa gì cả. Khi chúng là của người khác thì chúng lại có thể vén bức màn để lộ ra bản chất của họ.
Khi Pronin, Ross, Kruger và Savitsky chuyển sang thực hiện thí nghiệm trên các nhóm, họ phát hiện ra một phiên bản còn rắc rối hơn nữa của ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng. Họ xếp các đối tượng tham gia theo nhóm với lập trường chính trị bảo thủ hoặc tự do, còn trong một thí nghiệm khác tương tự thì là phân chia nhóm ủng hộ và phản đối việc nạo phá thai. Những nhóm này đã điền vào các bản khảo sát về quan điểm của chính họ và về cách mà họ hiểu quan điểm của phe đối lập. Sau đó họ phải đánh giá mức độ hiểu biết mà họ nghĩ là phe đối lập nắm được. Kết quả cho thấy những người theo phe tự do cho rằng họ biết nhiều về phe bảo thủ hơn là những người bảo thủ biết về trường phái tự do. Những người có lập trường chính trị bảo thủ cũng lại tin rằng mình biết nhiều về phe tự do hơn là đối thủ biết về họ. Cả hai nhóm đều tự cho là mình nắm được nhiều về phe còn lại hơn là những gì đối thủ biết về mình. Kết quả tương tự cũng thu được từ thí nghiệm giữa hai phe ủng hộ và phản đối nạo phá thai.
Ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng khiến bạn tưởng rằng mình biết nhiều về người khác hơn là họ biết về bạn, không chỉ có vậy, bạn còn nắm rõ về bản chất của họ hơn chính họ nữa. Bạn cũng có quan niệm tương tự với các nhóm bạn tham gia vào. Chốt lại, nhóm của bạn sẽ hiểu rõ các nhóm khác hơn so với bọn họ biết về các bạn, và bạn hiểu bản chất các nhóm khác còn rõ ràng hơn chính thành viên trong các nhóm đó.
Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là lý do tại sao bạn thường tin chắc những suy nghĩ và quan sát của mình là chính xác. Khi ai đó có cái nhìn khác với bạn hoặc không đồng tình ở mặt nào đó, bạn sẽ kết luận người này đang chịu ảnh hưởng từ một thiên kiến hay hiểu biết của họ có thiếu sót. Nếu không phải thế thì họ đã nhìn thế giới giống hệt bạn - theo cách đúng đắn nhất. Ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng khiến bạn khó có thể thấy những người không đồng quan điểm với mình cũng có suy nghĩ phức tạp và nhiều sắc thái. Bạn có xu hướng nhìn bản thân mình và những nhóm mà mình thuộc về là có nhiều màu sắc với sắc độ khác nhau, trong khi đó những người khác và nhóm khác chỉ là những kẻ đơn sắc.
Hai “bộ lạc” trẻ con ở Oklahoma đã được hình thành bởi bản năng tạo nên các nhóm - cách mà con người đã thoát ra khỏi vùng thảo nguyên Serengeti48, xây lên những kim tự tháp và sáng chế ra Laffy Taffy49. Tất cả các loài linh trưởng đều phụ thuộc vào việc sinh hoạt nhóm để sinh tồn và phát triển, trong đó nhóm của loài người là thành công nhất. Việc tạo nhóm đã nằm sâu trong bản năng của bạn. Thí nghiệm với những cậu bé của Sherif tại Công viên Quốc gia Robbers Cave đã cho thấy rằng chúng ta có thể làm điều đó rất nhanh chóng và dễ dàng, hơn thế nữa, một động lực thúc đẩy bạn quan sát và phát triển nên những tập tục, lễ nghi sẽ xuất hiện, thậm chí ngay cả khi văn hóa còn chưa tồn tại. Tuy nhiên, hành vi này cũng có mặt tối của nó. Theo nhận định của nhà tâm lý học Jonathan Haidt thì tâm trí của ta “đoàn kết chúng ta lại thành nhóm, phân tách chúng ta ra khỏi các nhóm khác, và khiến chúng ta trở nên mù lòa trước sự thật”. Chính vế cuối trong câu này là thủ phạm khiến bạn luôn gặp phải rắc rối. Bạn đeo lên một chiếc mặt nạ, một bản ngã mới với mỗi tình huống, tin rằng chúng dày dặn hơn, khó bị nhìn xuyên thấu hơn so với mặt nạ của bạn bè hay người thân xung quanh. Cũng như vậy, bạn tin rằng những nhóm mà bạn thuộc về cũng phức tạp hơn, phong phú hơn, tinh tế hơn so với những nhóm mà bạn không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ là thành viên. Khi bạn có được cảm giác ấm áp thoải mái với vai trò thành viên trong một nhóm, một bộ lạc, một chính đảng, một lý tưởng, một tôn giáo hay một quốc gia, một cách vô thức, bạn sẽ biến những người khác trở thành kẻ ngoài cuộc. Cũng giống như việc binh lính nghĩ ra tên tục tĩu để sỉ nhục kẻ thù, mỗi một nền văn hóa và tiểu văn hóa đều có những bộ sưu tập từ vựng dành cho người ngoài, để có thể nhìn họ như tập hợp của những kẻ có đầu óc đơn giản. Bạn có xu hướng tạo lập và tham gia vào nhóm, rồi tin rằng nhóm của bạn phong phú và cao cấp hơn so với các nhóm khác.
Trong một cuộc tranh luận về chính trị, bạn cảm thấy như thể phe còn lại không thể nắm được quan điểm bạn đưa ra, và giá như họ có thể thấy được mọi chuyện một cách rõ ràng như bạn, họ sẽ hiểu ra vấn đề và ngay lập tức đồng tình với những gì bạn nói. Chắc chắn là họ không hiểu, bởi nếu họ hiểu, họ không thể nào nghĩ như vậy được. Ngược lại, bạn tin rằng mình hoàn toàn nắm được quan điểm của đối phương và một mục phản đối nó. Bạn không cần nghe họ trình bày thêm nữa, bởi bạn vốn đã hiểu quan điểm ấy quá rõ rồi, thậm chí còn hiểu rõ hơn chính những người nghĩ ra nó nữa. Vậy là mỗi bên của cuộc tranh luận đều tin mình đang hiểu rõ đối thủ hơn là đối thủ hiểu về mình và cả về chính bản thân họ.
Nghiên cứu này cho thấy bạn và phần còn lại của loài người sẽ tiếp tục túm tụm lại với nhau thành các nhóm, kết thành bè phái rồi lại tan rã, và ý tưởng về một nền đại văn hóa thống nhất cho toàn bộ giống loài có lẽ sẽ vĩnh viễn là chuyện không tưởng, trừ khi có một hạm đội tàu chiến của người ngoài hành tinh tới tấn công Trái Đất. Trong nghiên cứu của Sherif, cuối cùng thì ông cũng đã hàn gắn thành công những cậu bé tham gia thí nghiệm bằng cách nói với chúng rằng nguồn cung cấp nước đã bị làm hỏng bởi những kẻ phá hoại, và hai nhóm trẻ đã kết hợp với nhau để cùng sửa chữa nguồn nước. Sau đó, ông đã dựng nên một vụ rắc rối với một chiếc xe tải của trại hè bị chết máy, và đã dụ dỗ các cậu bé đoàn kết với nhau để kéo dây cho tới khi chiếc xe khởi động trở lại. Lũ trẻ không thực sự kết hợp lại với nhau thành một nhóm, những mối thù hằn đã được xóa nhòa bớt đi, đủ để chúng có thể ngồi cùng nhau một cách hữu hảo trên một chiếc xe về nhà. Nếu nghiên cứu này tiếp tục, có lẽ các cậu bé cũng sẽ hòa vào với nhau thành một nhóm lớn. Có vẻ hòa bình là điều có thể đạt được khi chúng ta đối mặt với những khó khăn chung, nhưng hiện tại thì chúng ta chỉ cần ở trong nhóm nhỏ của mình thôi. Điều đó thoải mái hơn nhiều.
Bạn chọn ra một nhóm, và giống như những đứa trẻ ở Robbers Cave, bạn bỏ rất nhiều thời gian để bàn tán về độ ngu ngốc và bất lịch sự của phe còn lại. Cũng như những đứa trẻ này, bạn quá bận rộn trong việc xác định bản chất của kẻ thù. Bạn cũng cần cảm thấy những kẻ ở bên kia chiến tuyến là yếu kém hơn, thế nên bộ não sẽ tìm mọi cách lừa dối bản thân để bạn cảm thấy đúng như vậy. Bạn sẽ bắt đầu tin rằng nhân dạng mà bạn đang sử dụng chính là cá tính, và nhân dạng của kẻ thù chính là bản chất của họ. Bạn sẽ tham gia một ván bài poker ảo giác, cho mình là một tay chơi cực kỳ khó đoán, trong khi những người khác đều thể hiện hết suy nghĩ của họ trên gương mặt.
Thế là bạn rơi vào cái bẫy của ảo giác về sự hiểu biết bất cân xứng. Thế giới ngày càng phẳng hơn, luôn luôn kết nối và luôn luôn thường trực, cơ hội đối chất và xác định rõ những kẻ, theo quan điểm của bạn, là không thuộc chung nhóm xã hội với mình cũng vì thế mà nhiều hơn bao giờ hết. Hệ quả là bạn phải nhìn qua lăng kính của ảo giác này thường xuyên hơn. Tổ tiên bạn thì khác. Mỗi khi tiếp xúc với người có quan điểm đối lập, họ chẳng có phương tiện giao tiếp nào khác ngoài cái đầu nhọn của thứ vũ khí đang ở sẵn trên tay. Bởi thế, bản năng tự nhiên trong bạn sẽ bảo bất kỳ ai không thuộc chung nhóm với bạn đều là sai, đơn giản vì người đó không nằm trong nhóm, chứ không phải do bản thân quan điểm của họ. Chỉ cần có một sự tiếp xúc nhỏ với những thế lực đối lập, nhất là khi bạn buộc phải hợp tác với họ, sẽ khiến cho những cảm xúc này lắng xuống.
Nghiên cứu thực hiện bởi nhà tâm lý học Steven Sloman và chuyên gia marketing Phil Fernbach cho thấy, những người nghĩ mình nắm rõ những vấn đề chính trị phức tạp như giới hạn trần, giao thương hay thuế suất thống nhất thường có xu hướng để lộ ra sự thiếu hiểu biết khi bị yêu cầu phải đưa ra những lời giải thích chi tiết mà không dựa vào sự trợ giúp của Google. Mặc dù người cả hai phía của một cuộc tranh luận đều có thể tin rằng họ nắm rõ quan điểm đối phương, nhưng khi bị đặt vào tình thế phải phân tích vấn đề một cách cụ thể, họ thường nhanh chóng nhận thấy mình chỉ có một hiểu biết chung chung về chủ đề đang được tranh cãi. Kỳ lạ hơn nữa, một khi các đối tượng trong những nghiên cứu này nhận ra hạn chế của bản thân, quan điểm của họ bỗng trở nên trung lập hơn. Lòng cuồng tín lắng xuống; sự phản đối quá khích dịu lại. Nghiên cứu cho thấy chính việc phải cố gắng giải thích ý kiến của bản thân có thể làm hao mòn lửa nhiệt huyết trong bạn. Vậy nhưng chính nghiên cứu này cũng cho thấy hiệu ứng ngược lại, khi các đối tượng được yêu cầu biện hộ cho quan điểm của mình trong một vấn đề gây tranh cãi. Kết luận là, sự biện hộ sẽ củng cố niềm tin vào một luận điểm, trong khi việc đi sâu vào tìm tòi khám phá lại khiến nó trở nên yếu đi.