Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 14

Nhận thức trong phục trang ... Chương 13 ...

BẠN VẪN TƯỞNG:

Quần áo là những thứ đồ dùng hàng ngày làm từ vải vóc với chức năng bảo vệ và làm đẹp cho cơ thể người.

SỰ THẬT LÀ:

Quần áo mà bạn mặc trên người có khả năng thay đổi hành vi, có thể nâng cao hoặc hạ thấp trí lực của bạn.

Hãy tưởng tượng điều này. Lễ Halloween đã tới gần và bạn đang tìm mua một bộ trang phục. Bạn nghe nói tới một cửa hàng phục trang mới bán đồ rất rẻ và cho phép bạn trộn lẫn và ghép bộ bất cứ thứ gì họ có. Khi đến nơi, bạn mở cửa ra và bước vào một căn phòng khổng lồ không có tủ kệ hay giá treo gì cả, chỉ có một đống hỗn độn đủ thứ quần áo và phụ kiện cùng một vài buồng kín để thay đồ ở góc. Bạn đào bới đống quần áo này, cười khúc khích trong khi ngắm nhìn mọi người thử lên những chiếc mũ kỳ quặc, đeo những chiếc thắt lưng và bao súng, hỏi ý kiến về bộ tóc giả họ đang đội.

Trong những trường hợp thế này, bạn có thỏa mãn với việc lấy ra những bộ quần áo và phụ kiện vòng vèo giày dép ngẫu nhiên? Nếu tới dự một buổi dạ tiệc với những thứ đồ ghép từ 11 bộ trang phục khác nhau, bạn sẽ trả lời sao khi bị hỏi “Vậy... nói cho cùng thì bạn đang hóa trang thành ai vậy?”

Nếu một thí nghiệm kinh khủng về thị trường tự do như cửa hàng phục trang đó thực sự tồn tại, khả năng cao là những người tham gia mua sắm sẽ lục tìm những thứ đồ hợp với nhau, từ từ ghép lại thành bộ trang phục cướp biển hoặc đồ đầm gypsy. Bạn và tất cả những người khác sẽ không ngại ngần gì mà lục tung đám phục trang Halloween lên để kết hợp được những bộ đồ tử tế, bởi quần áo mang nhiều ý nghĩa hơn tác dụng đơn thuần.

Tất cả những gì bạn cần làm là xem một tập của loạt phim Mad Men hoặc lướt qua bộ sưu tập ảnh chụp từ Comic-Con để hiểu về độ ảnh hưởng của phục trang lên tâm trí con người. Những thứ quần áo đang mặc trên người là một trong số những điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa bạn và những người anh em trong họ hàng linh trưởng. Điều này nghĩa là động lực thúc đẩy việc chế tạo và mặc quần áo lên người nằm ở đâu đó trong khoảng khác biệt 4% giữa bộ gen của bạn và của một con tinh tinh. Đây không phải là một ý tưởng gì kỳ lạ. Nếu bạn lùi lại một vài bước và nheo mắt đủ lâu, bạn sẽ nhận ra rằng quần áo thực ra chỉ là một dạng của công nghệ - một sự cải tiến nhân tạo cho cơ thể con người. Quần áo cho phép chúng ta sống sót trong điều kiện khí hậu giá lạnh, hoặc thoát khỏi cơn thịnh nộ cũng như cái bụng đói của các loài côn trùng. Các loại phục trang bảo vệ bạn trước những yếu tố gây hại, giúp bạn làm đủ thứ việc hiệu quả hơn nhiều so với trong tình trạng không mảnh vải che thân. Một số người ước tính rằng tổ tiên của chúng ta đã mặc quần áo từ khoảng 650.000 năm trước. Điều đó có nghĩa quần áo là một trong những thứ đầu tiên mà tổ tiên loài người chế tạo nên từ đôi bàn tay của họ. Sẽ không quá xa xôi khi mường tượng rằng, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế giới nội tâm phù du của con người. Các loại phục trang sẽ được chôn theo người đã khuất, sẽ có sự khác biệt giữa các nền văn hóa và giữa các cá nhân, có khả năng thể hiện sự điêu luyện hoặc kém cỏi trong kỹ thuật, được sử dụng làm tín hiệu về tầng lớp, địa vị, vai trò, ý định, cũng như tất cả những thứ thông tin khác nữa. Như vậy, có thể nói rằng phục trang là một trong số những thứ đồ vật đầu tiên trong lịch sử loài người được gắn với tính biểu trưng, được sử dụng để truyền đạt ý tưởng từ người này tới người khác mà không phụ thuộc vào người chế tạo ra chúng.

Có thể bạn đã nhận ra rằng các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các tập đoàn lớn thường mặc cùng một loại trang phục bất kể là họ hoạt động ở đất nước nào. Ở khắp nơi trên thế giới, mỗi khi cần làm việc nghiêm túc, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều mặc đồ công sở. Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Singapore, Bavaria - ở đâu không quan trọng, chỉ có một vài nhóm nhỏ, ví dụ như các nhà sư hay giáo chủ hồng y, mới mặc những bộ trang phục đặc trưng cho nền văn hóa hoặc chức danh của họ. Một bài báo trên tờ The Economist đã truy tìm nguồn gốc của bộ đồ công sở hiện đại về những năm 1600, khi mà hoàng gia tại Anh tuyên bố rằng một phiên bản đời đầu của bộ com-lê là trang phục chính thức cho quần thần phò tá nhà vua, để đánh tín hiệu cho công chúng rằng ngay cả hoàng tộc cũng đang phải gắng sức tiết kiệm sau cơn khủng hoảng gây ra bởi Đại dịch Đen ở London. Thường dân sau đó đã học tập theo, và bộ com-lê đã trở thành phục trang dành cho phái nam trên toàn châu Âu. Phiên bản đơn giản hóa từ trang phục của quần thần trong triều này vẫn bó sát người, và có lẽ vẫn sẽ bị coi là diêm dúa nếu xét theo tiêu chuẩn ngày nay. Tuy vậy, phiên bản dành cho quân đội của bộ quần áo trên đã ngày càng trở nên rộng rãi hơn để thuận tiện cho các hoạt động của binh sĩ - cưỡi ngựa, bắn súng, đứng nghiêm - và theo đó, phiên bản dành cho thường dân cũng rộng dần. Qua thời gian, khăn quàng cổ trở thành cà vạt, và với sự ra đời của toàn cầu hóa, các nền văn hóa khác cũng bắt đầu tiếp nhận và sử dụng những bộ trang phục này. Giờ thì bộ com-lê là một biểu tượng toàn cầu, hai từ không chỉ biểu thị cho âm thanh, mà còn đại diện cho cả một khái niệm. Với lịch sử lâu dài, những bộ com-lê giờ đã đặc biệt khéo léo trong việc gây ảnh hưởng lên người khác. Việc truyền đi thông điệp này đã trở nên quan trọng tới nỗi phụ nữ ngày nay cũng mặc một phiên bản của bộ com-lê nam, và không phải là không có lý do. Các nghiên cứu cho thấy, ở môi trường xã hội phương Tây, một phụ nữ mặc trang phục càng nam tính thì cô ta càng có cơ hội thành công cao hơn trong vòng phỏng vấn so với những người mặc đồ nữ tính. Bộ com-lê đã vượt qua giới hạn của chức năng ban đầu để trở thành một thứ đồ hóa trang, và cũng giống như mọi trang phục hóa trang khác, giá trị của nó nằm ở thông tin mà nó truyền tải. Nếu bạn muốn thể hiện mình là một người có trách nhiệm và đáng tin cậy, có khả năng hoàn thành công việc một cách chuyên nghiệp, bạn tốt nhất là nên mặc com-lê tới buổi phỏng vấn.

Bằng cách nào mà phục trang truyền tải được thông điệp? Chà, câu trả lời chỉ có thể nằm ở cấu tạo của quả dừa đầy lông cắm trên cổ bạn mà thôi.

Rất hiếm có người nào ngồi trong một căn phòng trống trải, giữa những bức tường trống trơn. Một căn phòng thiếu đi những vật trang trí và sơn trắng bóc là ẩn dụ cho sự điên rồ. Bạn có xu hướng mang những tranh ảnh, nghệ thuật, di vật và đồ lưu niệm vào bất kỳ không gian sống và làm việc nào của mình. Những chiếc bàn làm việc ở văn phòng cũng tích tụ đủ thứ phù phiếm liên quan tới chủ nhân của nó, và nội thất của một căn nhà sẽ được sắp đặt sao cho thể hiện được rõ những thứ mà chủ nhà cảm thấy đẹp và có ý nghĩa, nêu bật được những ý tưởng mà anh ta thích. Theo như George Carlin nói, xét cho cùng thì căn nhà cũng chỉ là “một đống đồ đạc được phủ một lớp trang trí lên”. Bất kể là đi đâu bạn cũng sẽ tích tụ các thứ vật dụng. Bạn không cưỡng lại được. Khi ai đó mất đi, những thứ họ sở hữu sẽ ở lại nơi mà họ đã sinh sống, và khi đứng giữa những thứ đồ ấy, bạn có thể cảm thấy sự hiện diện của họ bởi con người mang ý nghĩa tới cho môi trường sống xung quanh. Mọi bề mặt, mọi bức tường đều tràn ngập ý nghĩa nhờ vào những thứ đồ vật được đặt ở các vị trí với mục đích nhất định. Ngay cả bên trong một nhà hàng giải trí50, nơi có những bức tường trông như thể hậu quả của một con lốc xoáy đi ngang qua nhà máy sản xuất hồ dán trước khi phá nát một chợ đồ cổ, tại đây vẫn có một sự sắp xếp có ý nghĩa trong mớ hỗn độn. Bất kể nơi đâu có sự hiện diện dài lâu của con người, bạn đều có thể tìm thấy những vật thể mang ý nghĩa biểu tượng, đặt ở những vị trí dễ thấy để truyền tải những thông điệp có nghĩa.

Các biểu tượng chiếm một phần lớn trong cuộc đời bạn nhờ vào cấu trúc liên tưởng của bộ não. Khi tôi viết ra một câu vớ vẩn kiểu tiểu thuyết trữ tình như “Rõ ràng là cô ấy đã được sinh ra ở châu Phi, cô ấy có một chiếc cổ dài thanh mảnh không khác gì...”, bạn hoàn toàn có thể giúp tôi viết nốt phần còn lại, bởi bộ não của bạn từ lâu đã tạo ra được kết nối giữa những từ “dài”, “thanh mảnh”, “cổ” và “châu Phi”. Các nhà thần kinh học gọi đây là mạng lưới ngữ nghĩa - mỗi một từ vựng, hình ảnh, ý tưởng và cảm xúc đều được liên kết với những thứ khác, giống như một tán cây vươn rộng ra về mọi phía cùng một lúc. Khi ngửi thấy mùi bỏng ngô thơm nức, bạn nghĩ ngay tới rạp chiếu phim. Khi nghe một bài hát Giáng sinh, bạn nghĩ tới cây thông. Trong cuốn sách Brain Bugs (Những con bọ não), Dean Buonomano đã bàn về một thứ gọi là hiện tượng Baker/baker, trong đó bạn có xu hướng dễ dàng nhớ nghề nghiệp của một người mới quen hơn là tên của anh ta. Trong một nghiên cứu về hiện tượng kỳ quặc này, các nhà khoa học đã cho những người tham gia đọc một danh sách những cái tên và nghề nghiệp. Kết quả cho thấy đối với hầu hết mọi người, việc nhớ lại rằng một người làm nghề nướng bánh dễ dàng hơn nhiều so với việc nhớ một người có họ Baker51. Như Buonomano đã giải thích, cái tên Baker và chữ “baker” mặc dù chỉ khác nhau ở một chữ cái viết hoa, chúng lại là thành viên trong hai mạng lưới ngữ nghĩa hoàn toàn khác biệt. Một từ thì được nối với tất cả những người mang họ Baker khác mà bạn đã gặp, từ còn lại thì kết nối tới bánh bông lan cà rốt, chiếc mũ phồng trắng, Pillsbury Doughboy52 và hàng ngàn những khái niệm khác. Mạng lưới ngọt ngào liên quan tới những chiếc bánh rõ ràng là phong phú và nhộn nhịp hơn, bởi vậy khi bị lúng túng, bạn có nhiều cách hơn để nhớ lại xem cái anh chàng mới gặp ấy làm nghề gì. Đây là lý do tại sao bạn rất đãng trí khi nhắc đến vài thứ trong khi lại nhớ cực kỳ rõ những thứ khác. Như Buonomano đã nhận xét: “Phàn nàn về chuyện bạn có trí nhớ kém với tên gọi và số má thì cũng giống như kêu ca vì chiếc điện thoại thông minh của bạn không hoạt động tốt dưới nước vậy”. Cái đám sền sệt nằm trong hộp sọ của bạn có khả năng liên hệ, tổng hợp và nhận diện khuôn mẫu rất tốt, nhưng bù vào đó lại rất kém trong việc xử lý số má, danh sách, đo đạc, thống kê và những nhiệm vụ logic khô khan khác.

Bởi vì trí nhớ về ngôn từ của bạn có cấu trúc như một mạng lưới bao gồm những nút giao, chứ không phải là một ngăn tủ chứa tài liệu, bạn rất dễ bị mắc vào bẫy của một hiện trọng tâm lý được gọi là mồi tiềm thức. Mọi ý tưởng mà bạn đang trải nghiệm ngay bây giờ sẽ có ảnh hưởng một cách vô thức lên tất cả những ý tưởng mà bạn có sau này. Từ đó, chúng ảnh hưởng lên hành vi của bạn mà bạn không hề hay biết. Một ví dụ là các nghiên cứu yêu cầu những người tham gia sắp xếp lại những câu từ miêu tả sự thô lỗ. Về sau, khi những người này bị đặt vào tình thế khó chịu, khả năng họ cắt ngang nhà khoa học đang điều hành thí nghiệm cao hơn hẳn. Những người bị mồi tiềm thức thông qua việc giải đố với những từ liên quan đến tuổi già sẽ có xu hướng đi chậm hơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Trong một thí nghiệm khác, các đối tượng được yêu cầu tưởng tượng về việc sẽ ngầu thế nào nếu họ bỗng dưng trở thành những giảng viên đại học, sau đó đã chơi tốt hơn so với các đối tượng khác trong trò hỏi nhanh đáp gọn về kiến thức tổng hợp. Mồi tiềm thức là một trong những động cơ chính thúc đẩy hành vi của bạn, và nó không chỉ giới hạn trong những hình ảnh hay biểu tượng đơn giản. Nghiên cứu cho thấy đồ uống nóng hoặc lạnh khi cầm trên tay sẽ khiến người ta đưa ra những phản ứng khác nhau đối với người lạ. Những đối tượng cầm cốc đồ uống lạnh có xu hướng cho rằng người mà họ vừa gặp có vẻ dè dặt và khó gần, trong khi những người cầm cốc đồ uống nóng lại dễ dàng nhận xét đối phương là người hòa đồng và hoạt bát. Mọi yếu tố khác đều đã được đảm bảo là giống nhau khi thử nghiệm ở cả hai nhóm người này. Điểm khác biệt duy nhất chỉ nằm ở nhiệt độ của chiếc cốc mà những người đó đã cầm trên tay. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là nhận thức từ cảm giác thứ phát (embodied cognition) - trạng thái vật lý mà bạn cảm nhận sẽ được diễn giải thành từ ngữ, và những từ ngữ này sẽ khởi động một loạt những mối liên hệ. Nếu bạn bắt đầu một cuộc hội thoại trong khi đang có trải nghiệm về sự ấm hoặc lạnh, điều đó sẽ kích hoạt những thứ khác mà bạn cảm nhận được khi dùng những từ “ấm” và “lạnh” để miêu tả một người.

Tất cả những yếu tố này - sức mạnh mang tính biểu trưng của quần áo, của mồi tiềm thức và nhận thức từ cảm giác thứ phát - trước đây chúng không thực sự được liên hệ với nhau trong một nghiên cứu thống nhất nào. Mãi cho tới khi hai nhà tâm lý học làm việc tại Đại học Northwestern là Hajo Adam và Adam Galinsky công bố kết quả nghiên cứu của họ vào năm 2012 và mang tới một thuật ngữ mới cho từ điển khoa học: nhận thức trong phục trang (enclothed cognition).

Adam và Galinsky biết rằng những nghiên cứu trước đó về hiệu ứng của trang phục lên tâm trí thường tập trung vào hiện tượng mồi tiềm thức hoặc không được cá nhân hóa. Các nhà tâm lý học Mark Frank và Thomas Gilovich đã chứng minh vào năm 1988 rằng các đội thể thao có xu hướng trở nên xông xáo hơn khi thành viên mặc đồng phục đen. Nhìn tổng thể qua nhiều môn thể thao, có thể thấy các đội mặc đồng phục đen thường phạm lỗi nhiều hơn so với các đội mặc bất kỳ màu nào khác. Nghiên cứu của Frank và Gilovich cho thấy rằng khi đồng phục của một đội được đổi thành màu đen, ví dụ như đội Pittsburgh Penguins đã chuyển từ mẫu đồng phục xanh biển sang đen, thì số vụ phạm lỗi trung bình trong một trận đấu lập tức tăng lên. Với bất kỳ môn thể thao nào khuyến khích lối chơi mạnh bạo, bạn đều có thể đánh giá các đội tham gia theo thứ tự số lần phạm lỗi trong cả mùa giải, và những đội có trang phục đen sẽ có xu hướng tụ tập lại ở cùng một đầu của bảng xếp hạng. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng không chỉ có các vận động viên trở nên khát máu hon, mà chính những vị trọng tài cũng dễ dàng nhận ra lỗi vi phạm và đưa ra hình phạt nhiều hơn khi người chơi mặc đồ đen. Trong một nghiên cứu khác thực hiện bởi các nhà tâm lý học Barbara Fredrickson, Stephanie Noll, Tomi-Ann Roberts, Diane Quinn và Jean Twenge vào năm 1998, những phụ nữ mặc đồ bơi một mảnh đã giải toán kém hơn so với đàn ông mặc quần bơi và phụ nữ mặc áo len.

Adam và Galinsky không thực sự hài lòng với những tài liệu về tác dụng của quần áo trước đây. Họ cảm thấy còn có thứ gì đó sâu xa hơn là mồi tiềm thức, bởi vậy họ đã lập nên một chuỗi những thí nghiệm rất thông minh để nghiên cứu vấn đề này. Trong thí nghiệm đầu tiên, họ chia những người tham gia thành hai nhóm. Một nhóm khoác lên những chiếc áo choàng trắng vốn sử dụng trong phòng thí nghiệm, nhóm còn lại thì giữ nguyên trang phục có sẵn trên người. Sau đó thành viên của cả hai nhóm được tham gia làm bài kiểm tra Stroop. Trong bài kiểm tra này, bạn sẽ phải đọc màu của chữ đặt trước mặt. Đầu tiên bạn sẽ được đọc những từ như “đỏ”, “xanh lam”, “xanh lục” được viết bằng mực khớp màu với nội dung. Tiếp theo, bạn sẽ gặp lại chính những từ này, nhưng màu mực sẽ bị thay đổi để không còn khớp với nội dung nữa. Ví dụ, trong lượt đầu tiên thì từ “xanh lam” sẽ được viết bằng mực màu xanh lam, nhưng ở lượt thứ hai thì từ đó sẽ được viết bằng mực màu hồng. Đây là một bài kiểm tra khá thú vị, bởi vì không cần biết bạn thông minh hay nhanh trí tới mức nào, việc phân biệt và nói ra màu không khớp với nội dung của từ được viết ra là rất khó, ít nhất là đủ khó để làm bạn chậm lại một cách rõ rệt. Vậy hai nhóm đã thực hiện ra sao trong bài kiểm tra này? Khi màu mực không khớp với nội dung của các từ thì những người mặc áo choàng phòng thí nghiệm đã mắc lỗi ít hơn một nửa so với những người còn lại. Đó là kết quả của nhận thức trong phục trang, một trạng thái tương tự với nhận thức từ cảm giác thứ phát, nhưng lại đặc trưng riêng trong mảng thời trang. Kết quả này cho thấy hành động vật lý mặc lên người một bộ áo choàng phòng thí nghiệm thực sự đã khiến cho các đối tượng có thể thực hiện tốt hơn trong bài kiểm tra về mức độ tập trung và sắc sảo. Người mặc áo đã trở thành hiện thân của bộ trang phục chính họ đang mặc.

Thí nghiệm tiếp theo còn hay hơn nữa. Lần này Adam và Galinsky đã chia những tình nguyện viên thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất được mặc áo choàng trắng, và các nhà khoa học nói với họ rằng đó là những chiếc áo choàng mà bác sĩ thường mặc. Nhóm thứ hai cũng mặc những chiếc áo này, nhưng lại được phổ biến rằng đây là áo khoác ngoài dành cho cánh thợ sơn. Nhóm thứ ba thì được nhìn vào những chiếc áo choàng trắng và nghe các nhà thí nghiệm nói rằng đây là áo choàng bác sĩ, sau đó được yêu cầu viết một bài luận về những hình ảnh và ý tưởng mà một chiếc áo như vậy gọi ra trong đầu họ. Nhóm này để nguyên áo choàng trên bàn và tiếp tục bước vào giai đoạn hai của thí nghiệm. Tiếp theo, thành viên của cả ba nhóm được nhìn vào những bức hình đặt cạnh nhau, mỗi cặp hình này có bốn điểm khác biệt rất nhỏ khó nhận ra. Các nhà tâm lý học so sánh khoảng thời gian những người này bỏ ra để tìm kiếm điểm khác biệt và số lượng điểm mà họ tìm được trong mỗi cặp hình. Đây là lúc điều thú vị nhất của sự nhận thức trong phục trang xuất hiện. Những người mặc bộ áo mà họ tin là áo choàng cho thợ sơn đã tìm ra ít điểm khác biệt nhất giữa những bức hình. Những người được cho phép suy ngẫm kỹ càng về áo choàng trắng của bác sĩ tìm ra được nhiều hơn, và những người cho rằng họ đang mặc áo choàng bác sĩ thì tìm được nhiều nhất. Mồi tiềm thức đã không có tác dụng mạnh mẽ bằng việc thực sự mặc áo lên, nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là cùng một bộ đồ lại có khả năng gây ảnh hưởng khác nhau lên bạn, phụ thuộc vào ý nghĩa mà bạn đang gán cho nó.

Những bộ áo choàng trắng đã đánh động mạng lưới ngữ nghĩa của mỗi người tham gia nghiên cứu này. Và cũng giống như trong thí nghiệm về hiện tượng Baker/baker, khi một người tin rằng bộ áo choàng thuộc về cánh thợ sơn, một mạng lưới của những ý tưởng và liên hệ đã tràn vào tiềm thức của họ, hoàn toàn khác so với thứ xâm nhập vào tiềm thức của những người tin rằng mình đang được mặc bộ cánh bác sĩ. Đối với hầu hết mọi người, mạng lưới của những khái niệm xuất hiện khi nghĩ về bộ quần áo bác sĩ là phong phú và mạnh mẽ hơn so với những ý tưởng, hệ thống, ký ức và khái niệm liên quan tới thợ sơn và nghề nghiệp này. Một biểu tượng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cái còn lại. Việc mồi tiềm thức cho bạn nghĩ về nghề bác sĩ đã là một trải nghiệm đủ mạnh để gây ảnh hưởng, khiến bạn có thể thực hiện công việc tốt hơn so với những người tưởng rằng mình đang mặc đồ thợ sơn. Nhưng nếu bạn đi thêm một bước xa hơn và mặc hẳn bộ đồ mà bạn tin là dành cho giới y sĩ lên người, cảm nhận được lớp vải trắng trên làn da mình, nhận thấy sức nặng của tấm áo choàng khi di chuyển, lúc đó hiệu ứng sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Adam và Galinsky đã chứng minh được rằng nhận thức trong phục trang không chỉ đơn thuần là hiện tượng mồi tiềm thức. Nó là một thứ gì khác nữa. Họ đã viết trong báo cáo nghiên cứu rằng theo ý kiến của họ, những bộ đồng phục cảnh sát, thẩm phán, mục sư, lính cứu hỏa, binh sĩ, các đội thể thao, y sĩ và nhiều nghệ khác, có vai trò quan trọng hơn việc đơn thuần truyền tải thông tin cho các thành viên khác trong xã hội về vai trò của người mặc chúng. Những bộ y phục này còn có thể gây tác động mạnh mẽ lên thái độ và hành vi của người mặc. Chúng có thể khiến cho họ trở nên quả cảm hơn, đức hạnh hơn, xông xáo hơn, bao dung hơn hoặc chu đáo hơn.

Các nghiên cứu từ lâu đã cho thấy rằng trang phục không hoàn toàn vô tri vô giác, ít nhất là đối với bộ não con người. Nhìn vào một bộ xiêm y sẽ kích hoạt một loạt những mối liên hệ có khả năng tác động mạnh mẽ lên nhận thức và hành vi của bạn. Váy dạ tiệc, giày cao gót, mũ phớt và khăn choàng burqa kín mít - tất cả những thứ này không chỉ đơn thuần là đồ vật mà còn là những biểu tượng có sức ảnh hưởng mạnh lên bạn và những người xung quanh. Trong buổi vũ hội lớn của nhân loại trên khắp thế giới, mọi bộ trang phục từ quân phục Phát xít cho tới đồ bó của Siêu Nhân đều truyền tải những thông điệp riêng. Những nghiên cứu mới nhất cho rằng cảm giác này còn có thể được đẩy lên một tầm cao mới.

Mặc lên mình một bộ trang phục mang tính biểu tượng sẽ ảnh hưởng lên chính bạn ở một mức độ sâu xa hơn so với việc chỉ nhìn vào nó hay thấy ai đó khác mặc nó. Như thể đó là những thớ vải ma thuật, thứ quần áo mà bạn mặc lên người sẽ phù phép cá tính của bạn. Bí quyết nằm ở chỗ chính bạn mới là người đang luyện phép, và bạn làm điều đó một cách vô thức. Bộ não nằm dưới một chiếc nón phù thủy sẽ có điểm khác biệt so với bộ não nằm dưới một chiếc mũ cao bồi, vương miện, mũ sợ Chúa của người Do Thái hay mũ bảo hiểm. Điều này xảy ra không phải bởi thứ trên đầu bạn có quyền năng phép thuật thẩm thấu qua hộp sọ để tác động lên não bạn, mà do cấu trúc của bộ nhớ không cho phép bất kỳ đồ vật gì có thể ở trạng thái trung lập, cho dù bạn có nhận ra điều này hay không. Những biểu tượng, cũng giống như các lễ nghi, có vai trò rất quan trọng không phải vì chúng cổ vũ cho những hành vi mê tín hay những niềm tin lỗi thời, mà bởi chúng là những mối kết nối tự nhiên trong cách thức hoạt động của não bộ. Vạn vật đều có sức mạnh biểu trưng. Tất cả mọi thứ đều có tiềm năng kích hoạt những ký ức và ý tưởng trong bộ não, giống như một hòn đá ném đi có thể kích động một tổ ong vậy.

Hãy sử dụng kiến thức mà bạn vừa học được này để bớt ngu ngơ hơn, để nhận ra rằng nếu bạn có cảm thấy bất tiện trong một bộ tuxedo hay váy đầm, thì một phần là bởi tâm trí bạn đang diễn ra cuộc chống cự trước sự ảnh hưởng của trang phục - thứ được tiếp sức từ những khái niệm vốn được mồi vào hệ thống bản ngã khi bạn mặc chúng. Ngoài ra, khi bạn muốn tận dụng chút phép màu của thời trang, hãy mặc những thứ đồ có khả năng khiến bạn trở nên tỉnh táo hay quyết đoán hơn. Một người đeo kính trông sẽ có vẻ thông minh hơn, và kỳ lạ hơn nữa, có những bằng chứng cho thấy người đó cũng có xu hướng thực hiện những bài kiểm tra trí não tốt hơn. Và đừng quên cảnh giác. Những bộ đồ được liên hệ tới những khái niệm tiêu cực cũng có sức ảnh hưởng không kém. Khi mang trên mình những bộ cánh của quỷ dữ, sức ảnh hưởng của chúng cũng sẽ thẩm thấu qua da bạn, và cho tới nay thì chúng ta vẫn chưa biết được độ mạnh cũng như khoảng thời gian tác dụng của thứ độc dược này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3