Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 15

Phi cá nhân hóa ... Chương 14 ...

BẠN VẪN TƯỞNG:

Những kẻ tham gia vào những vụ nổi loạn và hôi của là lũ đốn mạt chỉ chực chờ cơ hội để ăn cắp và giở trò bạo lực.

SỰ THẬT LÀ:

Dưới những điều kiện nhất định, bạn có xu hướng đánh mất đi bản tính cá nhân và trở thành một phần trong tư duy tập thể.

Khi một đám đông tụ tập xung quanh một người đang có ý định tự tử, một điều kinh khủng sẽ xảy ra.

Năm 2001, tại Seattle, một phụ nữ hai mươi sáu tuổi vừa mới kết thúc một mối quan hệ đã gây ra một vụ tắc nghẽn giao thông trên cầu khi cô do dự liệu có nên nhảy cầu để tự kết liễu cuộc đời. Khi hàng đoàn xe hơi bị nghẽn lại và những người tài xế trở nên khó chịu, họ đã hét “Nhảy đi, con khốn, nhảy đi!” cho tới khi cô ta nhảy xuống thật.

Những vụ như thế này không phải là hiếm gặp.

Năm 2008, một chàng trai mười bảy tuổi đã nhảy từ trên nóc một bãi đỗ xe nhiều tầng tại Anh sau khi khoảng ba trăm người hò reo động viên anh ta làm vậy. Một số người đã chụp ảnh cũng như ghi hình sự việc trước, trong và sau khi xảy ra. Sau cú nhảy, đám đông lập tức giải tán, cơn mê muội bị phá vỡ. Những kẻ kích động bỏ đi trong khi tự hỏi không hiểu điều gì vừa khiến họ làm vậy. Những người đứng ngoài quan sát thì lên mạng xã hội để xả nỗi bức bối và sự ghê tởm của họ trước hành động này.

Năm 2010, một người đàn ông ở San Francisco đã đứng trên bờ tường căn hộ chung cư cao tầng và đắn đo trước khi thả mình xuống. Một đám đông đã tụ tập bên dưới, và không lâu sau đó bắt đầu kêu gọi kích động anh ta nhảy. Họ thậm chí còn viết những dòng tweet về điều này. Người đàn ông đã chết ngay khi chạm đất mười lăm phút sau đó.

Một người bình luận trên tờ The San Francisco Examiner đã viết: “tôi có mặt ở đó và thực sự bị chấn động, những gã đứng cạnh tôi lúc ấy đã cười đùa trong khi kêu gọi ông ta nhảy xuống và quay phim lại toàn bộ sự việc, tôi còn nhỏ tuổi và còn học cấp ba và điều này ch4’c ch4’n sẽ ám ảnh tôi tới cuối đời, không có chút tôn trọng nào dành cho người đàn ông tội nghiệp và người ta vẫn cười đùa khi ông ấy nhảy xuống”.53

Cảnh sát và lính cứu hỏa từ lâu đã nắm rõ khuynh hướng đám đông tụ tập và kích động này. Đó là lý do tại sao họ lại ngăn lối vào hiện trường khi một vụ tự tử có khả năng xảy ra và nhanh chóng giải tán đám đông ra khỏi tầm nghe của người đang có ý định dại dột. Chỉ cần duy nhất một người là có thể kích động cả một đám đông. Nếu bạn bị mất đi cảm giác về bản ngã, bị bao bọc trong sức mạnh của đám đông, và rồi bị kích động bởi một tín hiệu từ môi trường xung quanh, bản tính cá nhân của bạn có thể sẽ bốc hơi.

Trong một đám đông, nhiều người có thể vẫn nhận thức về đúng sai, phải trái. Một số người có thể vẫn giữ được bình tĩnh. Rất nhiều nhân chứng của những vụ việc như trên đã cảm thấy rất tệ và lên án những kẻ xúi giục các nạn nhân. Điều mà họ không nhận ra và những người la ó cũng không ngờ tới, là mức độ thường xuyên và có thể lường trước của hành vi này.

Tuy khó tin, nhưng dạng hành vi này có thể tồn tại trong chính bạn nữa. Ở điều kiện thích hợp, chính bạn cũng có thể sẽ hô lên “Nhảy đi!” Để hiểu được lý do tại sao, hãy cùng đi mua sắm chút quần áo nhé.

Như đã nói tới trong chương trước về sự nhận thức trong phục trang, Halloween là một sân chơi tuyệt vời cho những tập tục văn hóa va chạm với nhau. Đồ hóa trang và kẹo ngọt, cha mẹ và con nhỏ, những cuộc nhậu nhẹt, những hành động khiếm nhã hướng về những thứ xấu xa, chết chóc và ám ảnh - đây là một ngày để thả phanh, để rút ra khỏi những tiêu chuẩn, những luật lệ và quy tắc ứng xử thông thường, để thử nghiệm với những bản ngã thay thế. Ở Mỹ, Halloween là một ngày hội lớn, với mức tiêu thụ hàng hóa mỗi năm rơi vào khoảng sáu tỷ đô la. Riêng phần chi phí cho phục trang đã chiếm hơn hai tỷ đô. Khắp nơi trên đất Mỹ, người ta giấu mình sau những chiếc mặt nạ ẩn danh, hòa mình vào những nhân vật mà ngay hôm sau sẽ bị tống vào kho. Halloween là một ngày rất vui nhộn, bởi việc lột bỏ danh tính thực sự và đeo lên mình một lớp hóa trang mang tới một cảm giác tuyệt vời cho bất kỳ độ tuổi nào. Mọi sự phóng túng của trí tưởng tượng đều được đề cao, bất kể là đám nhóc mang giày to bự của những chú hề chạy đuổi nhau đi xin kẹo hay là những người trưởng thành đang đặt tạm chiếc mặt nạ Guy Fawkes sang một bên để uống ngụm rượu Jager. Halloween không phải là Mardi Gras hay Carnival54, những lễ hội mà tại đó hầu như làm gì cũng được, nhưng dù sao thì nó cũng là ngày duy nhất mà cả nước Mỹ đồng ý với nhau cùng nghiêng đầu chiêm ngưỡng và cho phép hàng tá những thứ kỳ dị diễn ra thoải mái.

Một bộ trang phục đẹp có thể thu hút sự chú ý một cách mạnh mẽ, chỉ bằng việc thay thế những lớp vỏ bọc cho cá tính mà bạn vẫn thường xuyên mặc. Halloween cho bạn cơ hội đặc biệt để nghịch ngợm một chút với những vai diễn, nhãn mác và nhân vật mà tất cả chúng ta đều biết là hư cấu. Đó là một trò lừa đảo lẫn nhau mà tất cả cùng chấp nhận trong một trò chơi xã hội phức tạp. Những chiếc mặt nạ mà bạn đeo khi tới chỗ làm, khi ngồi trong buổi họp gia đình, hay trong hẹn hò buổi đầu tiên thực chất không khác gì mấy so với chiếc mặt nạ mà bạn đeo lên để đi xin kẹo Snicker hay uốn éo theo điệu nhạc điện tử xập xình. Những bóng hình cá tính mà bạn đã nhào nặn gọt giũa qua nhiều năm đã được khởi đầu một cách gượng gạo, thô ráp và lộ liễu. Khi tới tuổi thiếu niên, bạn thử lên mình một loạt những cá tính khác nhau cho tới khi tìm được một lớp vỏ phù hợp. Bạn có thể đã đeo khuyên lên cơ thể, hoặc là có những hình xăm ở những vị trí có thể che đi khi cần. Bạn có thể đã chọn ra một vài ngôi sao hoặc nhân vật tưởng tượng rồi soi xét tủ quần áo của họ, “trộm cắp” một ít từ đây với hy vọng có thể nhuộm được phần nào phép màu của họ lên bản thân. Trải qua mỗi thời kỳ trong cuộc đời, bạn đều vẽ lại hình ảnh và đánh bóng vẻ ngoài cho tới khi tìm được cảm giác về cá tính mà bạn nhận là của mình. Dù sao thì việc nhấn nút “Chơi lại” để xây dựng nhân vật từ đầu vẫn luôn rất tuyệt, và Halloween là một trong số ít những cơ hội mà bạn được phép làm điều đó trước mặt tất cả mọi người. Bằng rất nhiều cách, đó là một lễ hội đề cao sự ẩn danh thông qua những thử nghiệm về cá tính của mỗi người.

Chính sự giảm thiểu trong cảm nhận về bản ngã này đã khiến một nhóm các nhà tâm lý học biến Halloween trở thành một nghiên cứu được kiểm soát về tâm trí con người vào năm 1970. Arthur Beaman Edward Diener và Soren Svanum đã đi tới một khu dân cư thân thiện ở thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington, chọn ra hai mươi bảy căn nhà để biến chúng trở thành những phòng thí nghiệm tạm thời. Các nhà nghiên cứu muốn kiểm tra xem liệu sự ẩn danh dưới lớp trang phục Halloween có gây ảnh hưởng tới hành vi của những đứa trẻ khi chúng lang thang từ phòng thí nghiệm bí mật này sang phòng thí nghiệm bí mật khác. Các nhà khoa học đã đặt trước của mỗi căn nhà một rổ kẹo, một chiếc gương và một vật trang trí Halloween rỗng ruột, mà từ trong đó họ ngồi im quan sát lũ trẻ qua một lỗ đục nhỏ. Đúng vậy, thí nghiệm này có vẻ hơi rùng rợn. Thật đáng tiếc là không có nghiên cứu thêm nào tìm hiểu về những khó khăn trong việc kiềm chế ham muốn được nhảy ra hù dọa lũ trẻ trong khi đang mặc áo choàng thí nghiệm trắng và vẫy vẫy một chiếc bìa kẹp tài liệu.

Một người phụ nữ đã tiếp lũ trẻ suốt cả buổi, và khi chúng kì kèo “cho kẹo hay bị ghẹo”, cô này nói rằng mỗi đứa có thể lấy một chiếc kẹo duy nhất. Sau đó cô ấy bỏ đi, để cho lũ trẻ tự giác làm theo quy tắc đạo đức tí hon của chúng. Một nửa trong số những lần mở cửa cho kẹo này, người phụ nữ sẽ hỏi lũ trẻ tên tuổi và địa chỉ nhà chúng trước khi bỏ đi. Nếu có đám trẻ nào đi chung với người lớn đến gõ cửa thì chúng được bỏ qua không xét tới trong kết quả thí nghiệm. Các nhà tâm lý học đã đặt câu hỏi liệu những đứa trẻ này sẽ chỉ lấy một chiếc kẹo như được cho phép không, khi mà xung quanh không có người lớn nào để trừng phạt hay tỏ vẻ thất vọng trước sự tham lam hảo ngọt của chúng. Liệu chúng có phản ứng khác nhau không khi đi một mình so với khi đi thành nhóm? Liệu việc phải nói ra tên mình có nhắc nhở chúng về con người ở đằng sau chiếc mặt nạ? Một khi đã bị mồi tiềm thức để nhớ lại về danh tính của mình, hoặc khi chúng nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, liệu lũ trẻ có thể nhớ lại về bản thân không? Cuối cùng thì chiếc gương không phải là yếu tố quyết định. Những điểm gây ra khác biệt lớn nhất là việc chúng có phải nói tên mình ra hay không, và việc chúng đi một mình hay theo nhóm.

Nếu phải nói tên ra và đi một mình, chỉ có chưa đến 10% trẻ ăn gian và lấy nhiều hơn một viên kẹo. Khi đi thành nhóm, có khoảng 20% số trẻ đã phải để lộ danh tính ra mà vẫn không nghe lời chủ nhà. Trong số những đứa được ẩn danh và đi một mình, cũng có khoảng 20% đã lấy nhiều kẹo hơn được phép. Còn khi đi thành nhóm và không phải nói ra tên mình thì có tới gần 60% trường hợp đã ăn cắp kẹo trái phép. Kết quả này cho thấy sức mạnh của sự ẩn danh đã được nhân lên gấp bội khi có mặt của những kẻ đồng lõa. Khi bị lột mặt nạ bởi việc phải nói ra tên tuổi, việc ăn gian tăng thêm một chút nếu chúng đi thành nhóm. Nhưng khi những chiếc mặt nạ được bảo vệ hoàn toàn thì khả năng gian lận sẽ tăng vọt lên. Những đứa trẻ cảm thấy danh tính của mình được an toàn và cảm thấy được chở che trong sự vô danh của nhóm mình là những đứa có khả năng phạm luật cao nhất và lấy nhiều kẹo hơn. Khi sự ẩn danh được đặt ở mức cao nhất, rất nhiều trong số những đứa trẻ này đã cố lấy hết chỗ kẹo để trong rổ.

Đây là một trong số nhiều nghiên cứu chứng minh rằng cá tính của bạn có thể sẽ bị mờ nhạt đi khi ở trong một nhóm người, và càng có nhiều người trong nhóm thì bạn càng có xu hướng bị hòa tan vào ý chí tập thể. Hôi của, bạo loạn, tử hình, đánh đập tập thể, chiến tranh, cầm đuốc đuổi theo quái vật - công tắc kích hoạt cho những điều này vẫn luôn nằm ở đó, và việc gảy tay để bật nó không tốn công như bạn tưởng.

Các nhà tâm lý học gọi hiện trạng này là sự phi cá nhân hóa (deindividuation). Trong một số tình huống, bạn có thể lường trước rằng mình sẽ bị phi cá nhân hóa. Khác với sự phục tùng (conformity) - khiến bạn thỏa hiệp, làm theo ý tưởng và hành vi của hững người xung quanh để được chấp nhận, coi như thành viên trong nhóm - sự phi cá nhân hóa diễn ra trong vô thức, và hầu như lúc nào cũng dẫn tới những điều không tốt. Như nhà tâm lý học David G. Myers đã định nghĩa, đây là “cùng nhau làm những việc mà bạn sẽ không làm một mình”. Hãy nhớ lại những lúc bạn gặp rắc rối to nhất khi còn là thiếu niên. Khả năng cao là bạn đã làm điều gì đó sai trái cùng với một nhóm bạn, bị mê hoặc bởi một ý chí tập thể chung với những người đồng trang lứa. Có thể trong nhóm đã có những người gây ảnh hưởng, những kẻ đầu têu, những tay lãnh đạo thiên bẩm, nhưng nói cho cùng, tất cả mọi người đều đã bị hòa tan vào trong một tâm trí chung. Khi thầy hiệu trưởng, các vị phụ huynh hay những viên cảnh sát hỏi: “Mấy đứa nghĩ gì mà lại đi làm những điều đó?”, bạn đã không thể trả lời được, bởi vì thực sự là không có câu trả lời nào cả. Bạn chỉ phản ứng và hành động theo bầy đàn trong vô thức.

Năm 1969, nhà tâm lý học Philip Zimbardo đã cho một số nữ sinh đại học nhấn nút để giật điện một vài nữ sinh khác. Một nửa trong số những sinh viên được giao nhiệm vụ nhấn nút gây giật điện này đã được chọn một cách ngẫu nhiên để được mặc những chiếc áo choàng phòng thí nghiệm rộng thùng thình kèm với mũ trùm và đeo bảng số. Số còn lại thì phải để lộ mặt và đeo bảng tên. Zimbardo phổ biến cho những người chuẩn bị trở thành kẻ tra tấn rằng ông đang nghiên cứu về khả năng sáng tạo dưới áp lực. Một người phụ nữ ở bên kia tấm gương một chiều55 sẽ làm bài kiểm tra, và những sinh viên được chọn này sẽ nhấn nút giật điện cô ta để xem nó có ảnh hưởng tới kết quả không. Thực ra, người phụ nữ làm bài kiểm tra là một diễn viên và chỉ giả bộ là đang bị giật điện trong đau đớn mà thôi.

Để chắc chắn hơn, Zimbardo đã cho các đối tượng tham gia biết rằng bị giật điện là sẽ đau. Ông cho họ nếm trải thử cảm giác bị giật bởi điện áp 75 volt trước khi bắt đầu thí nghiệm. Thêm nữa, các sinh viên này còn được xem một đoạn băng phỏng vấn hai người phụ nữ sẽ làm bài kiểm tra, trong đó một người tỏ vẻ thân thiện và ngọt ngào, người còn lại thì có vẻ thô lỗ và đáng ghét. Zimbardo không có yêu cầu về số lần nhấn nút giật điện hay thời gian giữ nút đối với cả hai nhóm người tham gia thí nghiệm. Họ có thể không cần nhấn nút nếu thực sự không muốn. Họ cũng không được phép nói chuyện với nhau trong khoảng thời gian làm thí nghiệm. Zimbardo đã cố gắng hết sức để loại bỏ những yếu tố liên quan tới sự phục tùng và áp lực từ những người xung quanh. Yếu tố duy nhất khác biệt ở đây là sự ẩn danh và phi cá nhân hóa. Những nữ sinh này đã lần lượt vào phòng theo từng nhóm bốn người và hành hạ những phụ nữ làm bài kiểm tra ở phòng kế bên.

Ở mỗi lượt thí nghiệm, những sinh viên mặc áo choàng và mũ trùm nhấn nút giật diện người phụ nữ đang làm bài kiểm tra nhiều hơn gấp hai lần so với nhóm phải để lộ mặt. Người phụ nữ đó tốt bụng hay xấu tính cũng không quan trọng, mỗi diễn viên đều nhận được số lượng những cú giật tương đương nhau từ phía những nữ sinh đội mũ trùm. Càng về cuối thí nghiệm thì những cú giật càng trở nên thường xuyên và kéo dài lâu hơn. Trong toàn bộ thời gian thí nghiệm, người diễn viên đã giả bộ bị điện giật tới đau đớn cùng cực.

Ngược lại, những nữ sinh phải để lộ mặt đã nhấn nút để giật điện người phụ nữ tốt bụng” ít hơn so với người có vẻ xấu tính”. Theo Zimbardo, đây là phát hiện thú vị nhất. Sự phi cá nhân hóa, sự ẩn danh sau chiếc mũ trùm đã cho phép những hành vi tối tệ vốn bị kìm nén bởi các quy tắc xã hội được thả rông không màng tới công bằng hay lẽ phải. Khi không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào, sự hưng phấn mang lại bởi việc được nắm quyền sinh sát của người khác đã tự nó bùng lên. Như lời giải thích của Zimbardo thì sự leo thang này được thúc đẩy bởi một vòng lặp tích cực của niềm hưng phấn. Càng được ấn nút giật điện nhiều thì các đối tượng càng cảm thấy kích thích. Khi càng bị kích thích họ lại càng nhấn nút nhiều hơn. Mặc dù không ai tham gia vào thí nghiệm này kiềm chế được trước việc nhấn nút để giật điện người đang làm bài kiểm tra, những người để lộ mặt đã thể hiện rõ sự phân biệt xem ai mới là người đáng phải nhận sự trừng phạt.

Một điều khá kỳ lạ là khi thí nghiệm tương tự được thực hiện với các quân nhân người Bỉ thì điều ngược lại đã xảy ra. Khi đội mũ trùm, họ có xu hướng nhấn nút giật điện nạn nhân ít hơn. Trong trường hợp của các binh sĩ này thì bản thân bộ quân phục họ mặc đã là một yếu tố khuyến khích sự phi cá nhân hóa mạnh mẽ, tuy nhiên chiếc mũ trùm lại cách ly họ với tập thể. Khi ở quanh đồng đội, họ là một phần của đơn vị, của một nhóm. Dưới chiếc mũ trùm, mỗi người lính lại trở thành một cá thể riêng. Zimbardo đã viết trong cuốn sách The Lucifer Effect (Hiệu ứng quỷ Lucifer) của mình như sau: “Cái ác cũng như cái thiện, về cơ bản, là nhảm nhí như nhau. Cả hai đều không phải hệ quả trực tiếp của những đặc điểm riêng trong mỗi cá nhân, chẳng có ác giả thiện giả nào tồn tại trong tâm trí hay bộ gen của con người hết”.

Zimbardo đã thực hiện một thí nghiệm khác, và giống như những nhà nghiên cứu ở Seattle, ông đã sử dụng đặc tính ẩn danh tự nhiên của ngày lễ Halloween như một công cụ hữu dụng. Ông đã quan sát đám học sinh ở một trường tiểu học chơi một số trò chơi để lấy thẻ điểm, sau đó cuối buổi có thể dùng những thẻ để đổi lấy giải thưởng. Lũ trẻ có một số lựa chọn để chơi. Một số trò mang tính chất cạnh tranh nhưng không quá ganh đua, trong khi những trò khác thì lại có tính đối kháng, ví dụ như là thi rút túi đậu ra khỏi ống. Thí nghiệm được sắp đặt để lũ trẻ chơi những trò chơi này trong một buổi tiệc Halloween, cả trước và sau khi mặc đồ hóa trang. Trong vòng chơi đầu tiên, giáo viên đã nói với những đứa trẻ rằng trang phục hóa trang của chúng đang được mang tới. Sau khi những bộ đồ xuất hiện, lũ trẻ được phép hóa trang và tiếp tục chơi khi danh tính đã được ẩn đi. Sau đó, giáo viên nói rằng một lớp khác đang cần những bộ trang phục này, thế là lũ trẻ lại cởi bỏ đồ hóa trang và chơi tiếp trong tình trạng lộ mặt. Kết quả cho thấy khoảng thời gian mà lũ trẻ tham gia những trò chơi mang tính chất đối kháng, phải xô đẩy nhau và hò hét, đã tăng gấp đôi khi mặc đồ hóa trang lên, nhảy vọt từ 42% lên tới 86%. Khi phải lột bỏ lớp mặt nạ, khoảng thời gian chơi những trò này lại tụt xuống chỉ còn 36%. Như vậy có thể thấy khi mặc đồ hóa trang, dưới tác dụng của sự phi cá nhân hóa, lũ trẻ có xu hướng muốn đối đầu và chiến đấu với nhau, kể cả khi những trò đối kháng như vậy tốn thời gian hơn và thu được ít thẻ điểm hơn. Một khi những bộ đồ này bị lột đi, chúng đã lập tức trở lại với những hành vi lễ độ hơn.

Mỗi khi bạn bước vào một đám đông hoặc mặc lên mình một bộ trang phục có khả năng che dấu danh tính, bạn sẽ đối diện với nguy cơ bị phi cá nhân hóa, và thường thì nó khơi gợi ra được những điều tồi tệ nhất bên trong bạn. Khi lùi lại một bước và nhìn vào bản thân như thủ phạm gây ra điều xấu, bạn sẽ hành động như thể thanh danh và địa vị của mình trong xã hội đang bị đe dọa. Khi không mang theo danh tính, khi là một kẻ vô danh giấu mặt và không phải chịu hậu quả cho hành vi của mình, những sợi xích của sự kiềm chế sẽ tuột ra khỏi tâm trí bạn.

Thứ gì đang ẩn sâu trong bạn, nắm chặt trong vòng siết của những sợi xích này, và nó sẽ làm gì nếu được giải phóng? Liệu bạn có la ó động viên một người nhảy lầu tự tử trong khi chụp ảnh và đăng bài chia sẻ lên mạng? Đang ngồi đó cầm sách đọc, bạn nghĩ rằng sẽ chẳng thể nào có chuyện đó xảy ra được. Nhưng thực ra ngay lúc này bạn đang là một cá thể với cả những điều xấu xa tăm tối nhất lẫn những điều thánh thiện tuyệt vời nhất đều bị trói buộc bởi xiềng xích xã hội. Bạn không thể thực sự tiên lượng được điều gì sẽ xảy ra khi cả ba thứ nguyên liệu cho sự phi cá nhân hóa - sự vô danh, một đám đông và sự hưng phấn - được tập hợp lại và đổ vào tâm thức.

Nếu nhớ lại, bạn có thể thấy sự hưng phấn có thể được mang tới từ một bài phát biểu đầy cảm hứng, từ một buổi hòa nhạc sôi động đi kèm màn trình diễn ánh sáng hoành tráng, từ một kẻ thù nguy hiểm tấn công vào vị trí phòng thủ của bạn, hay từ bất kỳ thứ gì có thể khiến bạn chú ý. Tụng kinh, hát hò, nhảy múa, những hoạt động tập thể mang tính lễ nghi hoặc lặp đi lặp lại đặc biệt có hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý và làm bạn sao lãng ranh giới giữa tâm trí và cơ thể của bản thân. Sự tập trung và những phản ứng cảm xúc của bạn sẽ được dồn nén cho tới khi lớp vỏ mỏng manh bao bọc cá tính bị vỡ vụn. Lúc đó thì không chỉ có những cảm xúc, mà cả những quy tắc đạo đức và trách nhiệm cá nhân trước những hành động của bạn đều được tháo xích, hòa lẫn vào với tập thể chung. Bạn sẽ không còn cảm thấy phải chịu trách nhiệm trước các hành vi của mình, cho dù đó có là xấu xa hay tốt đẹp, thay vào đó bạn sẽ tưởng tượng ra một tương lai mà trong đó cả nhóm sẽ bị lên án hay được ca tụng về việc mà tất cả đã làm cùng nhau. Đây chính là lúc bạn cảm thấy hoàn toàn vô danh. Danh tính được dũa cẩn thận mà bạn thường sử dụng đã bị giấu đi, những tác nhân từ môi trường sẽ lèo lái bạn cũng như những người khác trong nhóm. Nếu bạn có mặt ở đại nhạc hội Woodstock năm 196956, bạn có thể sẽ cảm thấy được đong đầy yêu thương cùng cảm giác đùm bọc, và khi ra về, bạn sẽ mang trong mình một trải nghiệm tuyệt vời đầy hạnh phúc, kèm theo bất kể thứ gì bạn đã bom vào cơ thể. Nếu bạn tham gia Woodstock 1999, bạn có lẽ sẽ cảm thấy giận giữ và hung hăng, bước ra khỏi đó với một vài chiếc xương sườn gãy và một án phạt gây rối trật tự công cộng. Trong mỗi trường hợp này đều có một đám đông khổng lồ đi theo con đường tự nhiên nhất dẫn tới sự phi cá nhân hóa. Họ trở nên bị kích động, đánh mất đi bản ngã và thả trôi theo những phản ứng trước các tác nhân của môi trường xung quanh.

Sự phi cá nhân hóa thường được đề cao trong những tổ chức đặt nặng việc giảm thiểu sự ức chế cá nhân và giúp bạn thực hiện được những việc mà bạn không thể làm một mình. Quân nhân và cảnh sát mặc lên người những bộ đồng phục, chiến binh vẽ mặt trước khi ra trận, các cầu thủ bóng đá mặc áo thi đấu, những băng đảng thì có màu sắc đại diện và những điệu nhảy hay nghi lễ riêng. Các công ty bỏ tiền tỷ để thực hiện những buổi xây dựng nhóm, qua đó giúp nhân viên thấm nhuần cảm giác phi cá nhân hóa về giá trị của bản thân. Những buổi tiệc tùng tổ chức bởi những hội nhóm sẽ có khả năng mất kiểm soát cao hơn so với những buổi tiệc mà người tham gia không cảm thấy được hòa mình vào một nhóm hay được bảo vệ bởi quy tắc riêng của nhóm đó.

Sự phi cá nhân hóa sẽ xóa sạch khả năng kiềm chế, cảm nhận về bản ngã và nỗi sợ trách nhiệm của bạn, nhưng đó không nhất thiết là một điều xấu. Chính thế lực biến những con người bình thường vốn rất tỉnh táo lại tham gia vào việc hôi của, phá hoại và xâm lược Ba Lan này cũng có thể dẫn tới những hành vi có ích cho xã hội. Nếu được bao bọc xung quanh bởi những tác nhân tích cực từ môi trường, sự phi cá nhân hóa có thể khiến bạn tập luyện siêng năng hơn ở lớp thể dục, cùng chung tay trợ giúp một nhà tình thương dành cho những người vô gia cư, hay giúp nhau dựng lên một ngôi nhà. Những câu chuyện về những người cùng nhau xả thân cứu mạng nạn nhân trong các vụ tai nạn hay tìm kiếm trẻ em mất tích đã cho thấy, sự phi cá nhân hóa là một thế lực mang tính trung lập trong ý chí của chúng ta. Khi những cộng đồng trên mạng như 4chan hay Reddit tập hợp thành một nhóm vô danh trả đũa những điều xấu xa, những vụ việc như vậy thường xuyên dẫn tới công lý được thực thi. Một khi sự phi cá nhân hóa được kích hoạt, những tác nhân từ môi trường sẽ nhào nặn nên hành vi. Lúc đó thì những tập tục của nhóm người, cho dù là tốt hay xấu, sẽ thay thế cho những quy tắc của cuộc sống thường ngày.

Vào năm 1979, Robert D. Johnson và Leslie Downing đã chứng minh được rằng việc chi phối những tác nhân môi trường có thể thay đổi hành vi của những người bị phi cá nhân hóa. Nghiên cứu của họ cũng giống với thí nghiệm của Zimbardo, các đối tượng tham gia được yêu cầu phải giật điện người khác trong khi những người này đang cố gắng thực hiện một nhiệm vụ. Trong nghiên cứu này, những người nhấn nút giật điện hoặc là phải mặc những bộ áo trùm Ku Klux Klan57, hoặc là mặc đồng phục y tá. Các đối tượng mặc y phục KKK đã giật điện người khác nhiều hơn so với nhóm đối chứng (không mặc đồng phục), còn những người mặc đồng phục y tá thì có xu hướng giật ít hơn. Hai nhà tâm lý học Steven Prentice-Dunn và C. B. Spivey đã thực hiện một loạt những nghiên cứu vào khoảng cuối những năm 1980 đầu 1990 để chứng minh rằng những người đang chịu tác động của sự phi cá nhân hóa có thể bị chi phối để quyên góp nhiều tiền hơn nếu những tác nhân từ môi trường mang tính chất thuận xã hội. Sự phi cá nhân hóa có thể xảy ra ở sân đấu Super Bowl58, tại một buổi đọc kinh ở nhà thờ, trong một cuộc nổi loạn của tù nhân hay trong một cuộc cách mạng - tuy nhiên những hành vi theo sau đó lại không nhất thiết phải giống nhau.

Hãy luôn nhớ bạn dễ rơi vào vòng tay của sự phi cá nhân hóa đến thế nào và trong trường hợp nào thì bạn dễ sa vào bẫy nhất. Bất kỳ thứ gì, từ một trận rượu chè túy lúy với bạn hữu cho tới đồng thanh hát quốc ca, đều có thể gây suy giảm nhận thức về bản ngã của bạn. Đổ thêm vào đó sự tan biến của trách nhiệm và sự ẩn danh có được khi ở trong một cộng đồng, sống ở một đô thị lớn, ngồi trong một căn phòng tối, hay đeo một chiếc mặt nạ, chỉ còn thiếu trạng thái hưng phấn cao độ là đủ để bạn bị xâm nhập, mất kiểm soát và phụ thuộc vào những tác nhân môi trường thu hút sự chú ý của bạn. Những phòng trò chuyện trên mạng, những chuỗi bình luận, những diễn đàn online đều là thiên đường cho sự phi cá nhân hóa. Người dùng những dịch vụ này càng được ẩn danh tốt thì hiệu ứng của việc được bảo vệ bởi một nhóm càng trở nên mạnh mẽ. Khi đó thì giọng điệu và hướng đi của các cuộc trò chuyện và ảnh hưởng của chúng lên thế giới thực sẽ bị chi phối bởi những sự gợi ý được đưa ra bởi trang web đó.

Sự phi cá nhân hóa vốn là một phần không thể tách rời của thế giới ảo, và kết quả là một mớ hỗn độn. Tải về chương trình thế giới ảo Cuộc sống thứ hai59 và đi dạo một vòng trong đó, bạn sẽ nhanh chóng thấy mình lạc vào một hang ổ tình dục. Chơi bất kỳ trò nào trên Xbox Live60, và bạn sẽ được nghe ai đó khẳng định rằng họ quen mẹ bạn.

Sự ẩn danh và phi cá nhân hóa là nguyên do cho cả hai điều trên. Những bình luận dưới một đoạn video trên YouTube có thể khiến bạn chua xót thay cho loài người, nhưng hãy nhớ rằng thứ đã xây dựng nên những trại tập trung cũng chính là thứ đã thúc đẩy những người anh hùng đổ bộ lên bãi biển Omaha61.

Nếu bạn muốn khuyến khích sự phi cá nhân hóa vì một mục đích tốt ở ngoài đời thật hay trên mạng ảo, hãy làm sao để các thành viên trong nhóm của bạn cảm thấy thoải mái, không bị đánh giá, và đưa ra những gợi ý thuận xã hội. Ngược lại, nếu bạn muốn giảm thiểu khả năng bị phi cá nhân hóa ở bản thân mình cũng như những người khác, bạn sẽ cần phải loại bỏ sự vô danh và tránh xa những thứ phi nhân tính. Càng cảm thấy có trách nhiệm cá nhân thì bạn sẽ càng kiềm chế tốt hơn.

Dù sao sự phi cá nhân hóa cũng mang đến gợi ý để bạn tổ chức một buổi tiệc tuyệt vời, nơi mà mọi sự kìm nén được xóa mờ và mọi người tham gia vào những trò vui bay nóc: Hãy tắt đèn đi, bật nhạc to lên, và nếu có thể, hãy mặc đồ hóa trang nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3