Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 17
Hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng ... Chương 16 ...
BẠN VẪN TƯỞNG:
Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi bạn có thể kiếm tiền bằng công việc mà bạn đam mê.
SỰ THẬT LÀ:
Đôi khi việc được trả công để làm điều mà bạn vốn đã thích sẽ khiến đam mê của bạn bị thui chột, bởi lúc này bạn cho rằng động cơ thúc đẩy bản thân tới từ bên ngoài chứ không phải từ cảm xúc nội tại.
Tiền không phải là tất cả. Tiền không thể mua được hạnh phúc. Đừng sống theo giấc mơ của người khác. Hãy tự tìm ra điều bạn thích và tìm cách để kiếm tiền từ nó.
Những châm ngôn như thế này sẽ khơi lên một tiếng thở dài chung từ những kẻ chán chường hưởng lương cao trên toàn thế giới. Chúng cũng luôn được tô bóng và gọt giũa để sử dụng trong những bài phát biểu tốt nghiệp và những buổi giảng đạo tại nhà thờ. Tiền bạc, danh vọng và thanh thế - chúng dường như cứ lủng lắng ngay ngoài tầm với của bạn, mời gọi bạn vươn xa hơn và xa hơn chút nữa, để học lâu hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Khi một ai đó nhắc nhở bạn rằng việc kiếm tiền trong khi bỏ quên hết tất cả những điều khác không nên là mục tiêu cuộc đời, điều đó nghe thật chí lý. Bạn chia sẻ chân lý đó. Bạn dán nó lên tường Facebook. Bạn chuyển tiếp nó trong những bức thư. Và rồi bạn quay trở lại với công việc.
Giá như khoa học có một câu trả lời xác đáng cho điều này. Tất cả những tấm thiệp với những câu chân lý sâu sắc này đều tuyệt vời, nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta thực sự đặt tiền lên bàn cân? Liệu tiền bạc có mua được hạnh phúc? Vào năm 2010, các nhà khoa học đã công bố kết quả của một nghiên cứu về chính câu hỏi này.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi Daniel Kahnman và Angus Deaton, công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Những bước tiến của Viện Khoa học Quốc gia). Hai nhà khoa học đã phân tích cuộc sống và thu nhập của gần nửa triệu công dân Mỹ được chọn một cách ngẫu nhiên. Họ đã đào sâu vào hồ sơ về cuộc sống của các đối tượng này, tìm kiếm những dấu hiệu mà các nhà tâm lý học gọi là hạnh phúc tinh thần. Đây là một thuật ngữ miêu tả về tần suất để bạn trải nghiệm những đỉnh cao và vực sâu trong cảm xúc như là “niềm vui, sự căng thẳng, nỗi buồn, sự tức giận và tình thương”, cũng như mức độ mà bạn cảm thấy những cảm xúc này hàng ngày. Nói theo cách khác, họ đã đo đạc mức độ hạnh phúc hay bất hạnh của các đối tượng trong một khoảng thời gian nhất định và đem so sánh với mức thu nhập mà họ có. Các nhà khoa học đã kiểm tra xem liệu các đối tượng có thường xuyên được trải nghiệm những thú vui trong cuộc sống và nếm trải những phần cốt tủy đầy thi vị của cõi đời không.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiền bạc thực sự là một yếu tố lớn trong hạnh phúc thường ngày của chúng ta. Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Bạn cần phải có một mức thu nhập nhất định để có thể chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, nơi ở, quần áo, cũng như để dành cho các hoạt động giải trí, và đôi khi là mua một vài món đồ công nghệ của Apple nữa. Tuy nhiên điều làm cho các nhà khoa học hàng đầu phải bối rối là, sau một điểm nhất định trong sự tăng trưởng của thu nhập, mức độ hạnh phúc của bạn sẽ chững lại. Niềm hạnh phúc mang lại từ tiền bạc không tịnh tiến tới vô cùng - tới một lúc nào đó, đồ thị sẽ đi ngang và trở nên ổn định. Nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu thốn tiền bạc sẽ mang lại bất hạnh, nhưng sự thừa mứa của cải cũng chẳng mang tới hiệu ứng ngược lại.
Theo nghiên cứu này, ở nước Mỹ hiện đại, mức thu nhập trung bình để đảm bảo cho niềm hạnh phúc mỗi ngày, để có thể trải nghiệm “hạnh phúc tinh thần” là khoảng 75,000 đô mỗi năm. Theo lời các nhà nghiên cứu, một khi vượt qua ngưỡng đó thì việc tăng thêm thu nhập “sẽ không gây ảnh hưởng gì tới niềm hạnh phúc, thoải mái, nỗi buồn hay sự căng thẳng”. Một người có thu nhập trung bình 250,000 đô mỗi năm sẽ không có niềm hạnh phúc tinh thần lớn hơn, không trải nghiệm những niềm vui mỗi ngày nhiều hơn so với một người có thu nhập 75,000 đô. Ở Kentucky thì con số cụ thể cho điểm mốc này thấp hơn một chút, ở Chicago thì cao hơn một chút, nhưng nói chung là có bằng chứng cho thấy sự tồn tại của một “mức trần hạnh phúc” được mang lại bởi tài chính. Những người siêu giàu có thể nghĩ rằng họ hạnh phúc hơn, bạn cũng tưởng vậy, nhưng cả bạn và họ đều đang có chung một ảo giác.
Nếu bạn không dư dả thì tiền bạc có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và khiến bạn trở nên hạnh phúc hơn. Nhưng nếu bạn đủ khả năng để tới quán Tôm Hùm Đỏ vào mỗi tối thứ Ba mà không phải lo lắng tiền điện nước thì bạn đã ổn rồi đó. Hay theo lời của Henry David Thoreau từng nói: “Độ giàu có của một người tỷ lệ thuận với số lượng những thứ mà anh ta không cần phải bận tâm tới”. Theo như nghiên cứu của Kahneman và Deaton thì tại nước Mỹ hiện đại, bạn sẽ đạt được khả năng để không cần phải bận tâm tới hầu hết mọi thứ khi thu nhập của bạn rơi vào khoảng 75.000 đô mỗi năm.
Nếu bạn thấy điều đó là khó tin, đừng lo, bạn không phải người duy nhất. Một nghiên cứu thực hiện năm 2011 tại Đại học Cornell đã đặt câu hỏi cho người Mỹ về điều họ sẽ chọn giữa việc có nhiều tiền hơn hoặc được ngủ nhiều hơn. Hầu hết mọi người đều chọn tiền. Giữa một công việc bình thường với mức lương 80,000 đô một năm cho phép họ được ngủ 8 tiếng mỗi ngày, và một công việc có mức lương 140.000 đô một năm nhưng kèm theo làm tăng ca liên tục và trung bình 6 giờ ngủ mỗi ngày - hầu hết những người được hỏi đã chọn công việc lương cao hơn. Đó là một điều đáng buồn, vì mặc dù trên giấy tờ trông nó đẹp đẽ hơn và mang lại cảm giác đúng đắn hơn, các nghiên cứu lại không đồng tình với nó. Cho dù bạn có vặn vẹo thế nào đi nữa, khoa học cũng đã nghiên cứu được rằng khi những nhu cầu thiết yếu được đảm bảo, tiền bạc và của cải sẽ không làm bạn hạnh phúc hơn. Bạn có thể sẽ nắm được tại sao lại như vậy sau khi tìm hiểu về một viên ngọc tâm lý với tên gọi hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Để hiểu hiệu ứng tâm lý này, chúng ta sẽ phải du hành về năm 1973, khi một nhóm các nhà tâm lý học đã làm thui chột đam mê hội họa của một vài đứa trẻ nhân danh khoa học.
Trải qua thế kỷ XX, khi bộ môn tâm lý học dần khẳng định được vị thế của mình trong những ngành khoa học chính thống, rất nhiều nhà tâm lý học đã xuất hiện từ sảnh đường học thuật và tiến lên ngang hàng với các ngôi sao sau khi giáng những cú tát của khoa học vào mặt loài người. Sigmund Freud đã khiến người ta phải bàn tán về tiềm thức, cùng thế giới của những ham muốn và sợ hãi vốn được giấu kín nhưng lại rất dễ bị chi phối. Carl Jung đã mang tới khái niệm về những nguyên mẫu, tính hướng nội và hướng ngoại vào trong từ điển. Abraham Maslow đã mang đến cho chúng ta hệ thống thứ bậc của nhu cầu, bao gồm cả những cái ôm và tình dục. Timothy Leary đã cho sinh viên Đại học Harvard dùng thuốc ảo giác và cổ súy cho cả một thế hệ sử dụng LSD. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa, nhưng vào khoảng những năm 1970, B. F. Skinner là ngôi sao nhạc rock trong làng tâm lý học. Skinner và những chiếc hộp của ông đã được lên trang bìa của tạp chí Time vào năm 1971 với một lời khẳng định đầy u tối “Chúng ta không thể tự do”. Những nghiên cứu của ông trong bộ môn hành vi học đã được chú ý tới, và ông đã định sử dụng danh tiếng của mình để thuyết phục cả nhân loại rằng trên đời này không tồn tại ý chí tự do. Có lẽ bạn đã từng thấy những phát hiện của ông được áp dụng vào thực tiễn. Cô Bảo Mẫu Siêu Nhiên64 và Người Huấn Luyện Chó65 luôn khen thưởng những hành vi hợp ý họ của các đối tượng đang được huấn luyện, trừng phạt hoặc ngó lơ những hành vi không mong muốn - và họ luôn thu được kết quả đáng kinh ngạc. Bản thân Skinner cũng có thể ra lệnh cho những con chim bay theo hình số tám, hay huấn luyện chúng trở thành phi công dẫn đường cho tên lửa. Ông đã phát minh ra những chiếc hộp với kiểm soát môi trường, mà trong đó là trẻ mới sinh sẽ không bao giờ khóc. Ông đã tạo nên những chiếc máy sử dụng trong dạy học, tới nay vẫn có ảnh hưởng đến giao diện người dùng của nhiều chương trình máy tính. Trên hết, ông đã dọa cả một thế hệ đầy lãng mạn của những kẻ đi tìm tự do, biến họ trở thành những người nghĩ rằng sự tự do rốt cuộc cũng chỉ là ảo giác.
Skinner cho rằng tất cả suy nghĩ và hành vi của con người chỉ đơn thuần là phản ứng trước những tác nhân kích thích - những phản ứng có điều kiện. Theo lời ông thì tất cả những gì bạn làm đều là một phần trong việc tìm kiếm phần thưởng và phòng tránh sự trừng phạt. Toàn bộ cuộc đời bạn chỉ là một mớ những thói quen và ham muốn đã được chọn lọc bởi quá trình tiến hóa, thêm mắm thêm muối bởi những cảm xúc tò mò và sợ hãi đã được lập trình sẵn. Ý chí tự do không tồn tại. Không có ai nắm quyền kiểm soát cả. Tất cả những thứ đó đều là ảo giác, là tác dụng phụ của một hệ thống thần kinh phức tạp luôn tự quan sát hoạt động và nhận thức của chính mình. Dưới góc nhìn này, Skinner đã vận động để chúng ta xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn bằng việc đặt ra những mục tiêu và hướng con người về phía những mục tiêu đó thông qua sự rèn luyện tích cực. Skinner tin rằng con người luôn có xu hướng trở nên lười biếng, tham lam và bạo lực. Dưới con mắt của ông, con người luôn tìm tòi và củng cố vị trí của mình qua những mối quan hệ, những cuộc xung đột giai cấp và đổ máu. Tâm lý học có thể thiết kế nên một hệ thống để hướng con người hướng về những mục tiêu tích cực, những điều sẽ đảm bảo giá trị cuộc sống tốt nhất cho toàn thể xã hội.
Như bạn có thể tưởng tượng được, một lời khẳng định rằng con người không có linh hồn, hay nói nhẹ nhàng hơn là không có gì đặc biệt bên trong cả, đã làm dấy lên một làn sóng sửng sốt lớn. Rất nhiều nhà tâm lý học thời đó đã phản đối quan niệm cho rằng bạn chỉ là những phản ứng hóa học tuân theo các định luật tự nhiên - vốn tự thân vận động, như những hòn đá lở rơi xuống sườn núi hay một cái cây chuyển đổi ánh mặt trời và khí CO2 thành gỗ. Skinner cho rằng những gì đang xảy ra trong đầu bạn không thực sự quan trọng, và rằng môi trường xung quanh, những thứ ở bên ngoài hộp sọ của bạn, mới thực sự là yếu tố quyết định các hành vi, suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin và những thứ khác. Đó là một khẳng định táo bạo và đáng sợ đối với nhiều người, bởi vậy khoa học đã đặt mục tiêu phải phân tích nó thật kỹ.
Các nhà tâm lý học Mark Lepper, Daniel Greene và Richard Nisbett nằm trong số nhiều người muốn tìm hiểu xem liệu tâm trí con người có thực sự chỉ là một mớ hỗn độn những phản ứng trước sự tưởng thưởng và trừng phạt hay không. Họ tò mò muốn biết việc “suy nghĩ về những suy nghĩ” có quan trọng hơn so với những gì mà các nhà hành vi học khẳng định hay chăng. Trong cuốn sách của họ, The Hidden Costs Of Reward (Những chi phí ẩn của sự tưởng thưởng), họ đã miêu tả chi tiết về một thí nghiệm đã giúp kéo ngành tâm lý học ra khỏi thứ mà họ gọi là “cái bóng lớn” của Skinner.
Năm 1973, Lepper, Greene và Nisbett đã gặp gỡ với các giáo viên của một lớp mầm non, nơi chuyên sản xuất những bức họa bằng mì và trang phục làm từ túi giấy. Họ dự định sẽ sắp xếp cho lũ trẻ có khoảng thời gian tự do để lựa chọn tham gia một số hoạt động vui vẻ nhất định. Trong lúc ấy, các nhà tâm lý học sẽ quan sát từ phía sau một chiếc gương một chiều và ghi chép. Các giáo viên đồng ý, và nhóm các nhà tâm lý học đã tiến hành thí nghiệm. Họ cần những đứa trẻ có năng khiếu về hội họa. Vậy là trong khi lũ trẻ chơi đùa, các nhà khoa học đã bí mật tìm kiếm những đứa trẻ lựa chọn các hoạt động vẽ vời và tô màu. Khi đã xác định được những họa sĩ nhí trong nhóm trẻ, các nhà khoa học theo dõi chúng trong khoảng thời gian tự do, đo đếm mức độ tham gia và hứng thú của chúng trong việc vẽ vời để sử dụng trong so sánh về sau.
Tiếp theo, họ chia lũ trẻ thành ba nhóm. Họ đề nghị sẽ thưởng cho Nhóm A bằng khen nếu những họa sĩ nhí này vẽ tiếp trong giờ ra chơi tiếp theo. Các nhà khoa học không đưa ra đề xuất nào với Nhóm B, nhưng nếu những đứa trẻ trong nhóm này nhặt bút lên vẽ, chúng cũng sẽ được thưởng bằng khen một cách bất ngờ. Nhóm C không được dặn trước gì cả, và kể cả khi chúng lôi giấy bút ra vẽ thì cũng không nhận được phần thưởng như hai nhóm còn lại. Các nhà khoa học sau đó đã tiến hành theo dõi hoạt động của lũ trẻ trong giờ ra chơi ba ngày liền. Họ tặng thưởng đúng như kế hoạch, dừng việc theo dõi và chờ 2 tuần. Khi trở lại, các nhà khoa học tiếp tục quan sát khi lũ trẻ được đặt trước những lựa chọn vui chơi như ban đầu. Ba nhóm, ba trải nghiệm, rất nhiều hoạt động hấp dẫn - theo bạn thì cảm xúc của những đứa trẻ này đã thay đổi ra sao?
Kết quả cho thấy Nhóm B và Nhóm C không có gì biến chuyển. Những đứa trẻ ở hai nhóm này đã lập tức lấy giấy bút ra để vẽ những con quái vật, núi non, nhà cửa cùng những ngọn khói ngoằn ngoèo bay lên từ những ống khói hình chữ nhật một cách vui vẻ y như lần đầu gặp các nhà tâm lý học. Tuy nhiên, Nhóm A lại không như vậy. Chúng đã trở thành những con người khác. Lũ trẻ ở Nhóm A đã “bỏ ít thời gian hơn hẳn” so với hai nhóm còn lại trong các hoạt động vẽ vời, và chúng cho thấy sự hứng thú trước hoạt động này đã suy giảm rõ rệt” so với trước khi thí nghiệm diễn ra. Tại sao lại như vậy?
Với những đứa trẻ ở Nhóm A, niềm vui của chúng đã bị tiêm nhiễm bởi hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng (over justification effect). Những tự sự diễn ra trong đầu chúng không còn giống với điều mà những đứa trẻ khác đang tự kể với mình. Lý thuyết về tự nhận thức nói rằng bạn luôn quan sát các hành vi của bản thân, rồi tạo nên những lối tự sự để giải thích sau khi chúng đã diễn ra. Đôi khi những tự sự đó gần giống với sự thật, đôi khi chúng chỉ để làm cho bạn dễ chịu hơn với bản thân mình. Ví dụ, bạn còn nhớ thí nghiệm ở Đại học Stanford về hiệu ứng Benjamin Franklin, mà trong đó người ta được trả tiền để xoay nút vuông bằng gỗ trong một giờ đồng hồ? Một số người được trả thưởng hậu hĩnh, số còn lại được trả rất ít, nhưng rồi cả hai nhóm đều được yêu cầu phải nói dối về trải nghiệm của mình trước người lạ, và sau đó được đánh giá một cách thành thực về điều mình vừa trải qua. Những người được trả công ít ỏi đã nhận xét nghiên cứu đó rất thú vị. Những người được trả hậu hĩnh thì lại cho rằng nó nhàm chán khủng khiếp. Các đối tượng ở cả hai nhóm đều đã nói dối người tham gia thí nghiệm sau họ, nhưng những người được trả công với số tiền lớn đã có được sự hợp lý hóa từ bên ngoài: Một phần thưởng để làm lý do cho cảm nhận của họ. Trong khi đó nhóm được trả ít tiền lại không có một lớp lưới bảo vệ nào, không có sự hợp lý hóa nào từ bên ngoài, bởi vậy họ phải tự tạo nên một thứ gì đó từ bên trong. Để không cảm thấy khó chịu, họ tự an ủi mình bằng một sự hợp lý hóa nội tại - họ nghĩ rằng đó thực sự là một thí nghiệm thú vị. Thí nghiệm này là một ví dụ cho hiệu ứng thiếu thốn thỏa mãn, đối nghịch với hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Những người tham gia thí nghiệm ở Đại học Stanford và lũ trẻ trong thí nghiệm ở trường mầm non đều đang tự đánh lừa mình bằng những lối tự sự dựa vào độ lớn của phần thưởng, và việc họ đang được thúc đẩy bởi những động cơ nội tại hay ngoại vi. Về cơ bản, trong hầu hết mọi việc bạn đều bị thúc đẩy bởi những mục tiêu nội tại hoặc ngoại vi.
Những động cơ nội tại đến từ bên trong. Như Daniel Pink đã giải thích trong cuốn sách tuyệt vời của ông có tựa đề Drive (Động lực), động cơ nội tại thường bao gồm sự tinh thông, sự tự chủ và mục đích. Có những điều mà bạn làm chỉ vì chúng giúp bạn thỏa mãn, khiến bạn thấy mình phát huy được hết năng lực và tự hoàn thiện bản thân ở một mặt nào đó, hoặc cho bạn thấy mình đang làm chủ vận mệnh của bản thân, có vai trò trong một cuộc chơi lớn, hoặc đang giúp ích được cho xã hội. Những sự tưởng thưởng nội tại chứng minh cho bạn và những người khác thấy giá trị trong việc là chính mình. Chúng là thứ rất mập mờ và khó có thể định lượng được. Vẽ lên biểu đồ, chúng sẽ tạo thành một đường dốc kéo dài mãi tới vô cùng. Bạn nỗ lực để trở thành một nghệ sĩ cello tuyệt vời, bạn xung phong tham gia vào chiến dịch của một chính trị gia biết gây cảm hứng, hoặc bạn xây tàu vũ trụ Enterprise66 trong trò Minecraft67.
Những động cơ ngoại vi tới từ bên ngoài. Chúng là những vật chất hữu hình và được trao thưởng cho những công sức có thể cân đo đong đếm. Chúng thường tồn tại từ trước cả khi bạn bắt tay vào việc. Những động cơ dạng này bao gồm tiền bạc, giải thưởng, điểm số, hoặc, trong trường hợp về sự trừng phạt, viễn cảnh mất đi một thứ gì đó mà bạn thích hoặc phải nhận về một thứ mà bạn không muốn. Những động cơ ngoại lai này rất dễ định lượng, chúng có thể được vẽ trên những biểu đồ hoặc biểu diễn trên máy tính. Bạn làm việc tăng ca để nhận lương ngoài giờ, cố gắng để có đủ tiền trả cho chủ trọ. Bạn bỏ công sức hàng năm trời để trở thành một bác sĩ trong niềm hy vọng rằng cuối cùng thì bố bạn cũng sẽ thốt ra lời khen ngợi mà bạn hằng mong ước. Bạn khước từ trước những miếng bánh phô mai thơm ngon để có thể mặc vừa chiếc quần đẹp để khi đi dự tiệc Giáng sinh. Nếu bạn có thể tự thú nhận với bản thân rằng những sự tưởng thưởng (hoặc trừng phạt) là lý do duy nhất để bạn làm điều mà mình đang làm - tập thể hình, xử lý đống bảng biểu rắc rối, tuân thủ tốc độ tối đa - thì có lẽ chúng là những động cơ ngoại vi. Việc động cơ thúc đẩy bạn là ngoại vi hay nội tại sẽ quyết định bối cảnh cho lối tự sự mà bạn sẽ sử dụng - thị trường hay trái tim. Như Dan Ariely đã viết trong cuốn Sự vô lý dễ đoán, bạn có khuynh hướng đánh giá hành vi của bản thân và của người khác một cách vô thức, đặt chúng vào bối cảnh của những quy tắc xã hội hay quy tắc thị trường. Giúp đỡ một người bạn chuyển nhà miễn phí sẽ khác hẳn so với việc giúp họ và được trả công năm mươi đô. Sẽ rất tuyệt khi có thể chui vào giường cùng với anh chàng mà bạn đang hẹn hò, sau khi làm thân được với anh ta và thức cả đêm để làm những chiếc bánh crepe bơ đường, trò chuyện về những sự tương đồng cũng như khác biệt giữa Breaking Bad với The Wire68. Tuy nhiên nếu sau đó anh ta lại vứt cho bạn một trăm đô và nói rằng: “Cảm ơn, đêm qua thật tuyệt”, thì bạn sẽ đổ sụp trước sức nặng của quy tắc thị trường. Những sự “chi trả” bằng các quy tắc xã hội là nội tại, và bởi vậy tự sự của bạn sẽ không bị rúng động trước hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Những “chi trả” này nằm dưới dạng những lời khen hoặc sự tôn trọng, cảm giác tinh thông, tình bằng hữu hoặc sự yêu thương. Những chi trả theo các quy tắc thị trường mang tính chất ngoại vi, và câu chuyện tự sự của bạn sẽ trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Các chi trả mang tính thị trường xuất hiện dưới dạng những thứ có thể cân đo đong đếm, bởi vậy chúng khiến cho động lực của bạn trở thành thứ có thể được định lượng, trong khi trước đó chúng là một thứ gì đó không rõ ràng, phụ thuộc hoàn toàn vào cách giải nghĩa và dễ hợp lý hóa.
Những đứa trẻ trong Nhóm A đã mất niềm hứng thú với hội họa sau thí nghiệm, không phải do chúng đã được nhận phần thưởng, mà là do chúng đã có một thỏa thuận với các nhà khoa học. Nói cho cùng thì Nhóm B cũng được nhận những phần quà tương tự nhưng chúng vẫn giữ được nhiệt huyết của mình. Như vậy sự tưởng thưởng không phải là thủ phạm ở đây, nguyên nhân nằm ở câu chuyện mà những đứa trẻ ở Nhóm A đã sử dụng để giải thích lý do tại sao chúng lại chọn việc lấy giấy bút để vẽ. Trong thí nghiệm này, Nhóm C đã nghĩ: “Mình thích thì mình vẽ thôi!” Nhóm B thì nghĩ: “Mình được thưởng sau khi làm một điều mà mình vốn rất thích!” Còn nhóm A thì lại nghĩ: “Mình đã vẽ bức tranh này để giành giải thưởng!” Khi cả ba nhóm có cơ hội thực hiện những hoạt động này một lần nữa, Nhóm A đã phải đối mặt với một siêu nhận thức, một câu hỏi, một gánh nặng mà hai nhóm còn lại không hề biết tới. Những đứa trẻ trong nhóm này đã tự đặt câu hỏi cho mình rằng: Tại sao chúng lại phải vẽ nếu không còn phần thưởng nào nữa. “Suy nghĩ về suy nghĩ” sẽ thay đổi mọi thứ. Những tưởng thưởng tới từ bên ngoài có thể đánh cắp mất lối tự sự của bạn. Như Lepper, Greene và Nisbett đã viết: “Việc tham gia vào một hoạt động vốn được ưa thích từ ban đầu, với điều kiện người tham gia được phổ biến rõ rằng hoạt động này là nhằm một mục đích nhất định, có thể dẫn tới sự suy giảm niềm yêu thích nội tại đối với hoạt động này của người đó về sau”. Nói cách khác, nếu bạn được đề nghị và nhận lời làm một điều gì đó bạn vốn thích để đổi lấy một phần thưởng, sau này bạn sẽ tự hỏi rằng mình đang làm điều đó là vì tình yêu hay vì phần thưởng.
Năm 1980, David Rosenfield, Robert Folger và Harold Adelman đã hé lộ một cách để bạn có thể chiến thắng hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng. Hãy tìm việc ở những nơi có sự tưởng thưởng - lương, tiền thưởng, thăng chức, v.v. - dựa vào năng lực thay vì hoàn thành hạn mức. Các nhà khoa học trên đã thực hiện một thí nghiệm mà trong đó, họ phổ biến với người tham gia rằng mục tiêu thí nghiệm là để tìm ra những phương pháp vui vẻ và thú vị để tăng cường khả năng từ vựng trong trường học. Họ đã sắp xếp các đối tượng vào hai nhóm lớn, và ở mỗi nhóm này lại chia làm hai nhóm nhỏ hơn. Trong nhóm lớn thứ nhất, người tham gia sẽ được trả tiền mỗi khi hoàn thành tốt một nhiệm vụ. Ở nhóm lớn còn lại thì chỉ cần làm xong nhiệm vụ là được trả tiền. Các đối tượng được nhận hai mươi sáu viên xúc xắc với chữ cái trên mặt thay cho các dấu chấm, và một chồng lá bài với mười ba chữ cái ngẫu nhiên in trên mỗi lá. Họ sẽ phải bấm giờ và kết hợp những viên xúc xắc và chữ trên các lá bài để tạo nên những từ có nghĩa. Khi đã dùng hết chín chữ cái hoặc đồng hồ chạy hết một phút rưỡi, họ sẽ phải chuyển sang sử dụng lá bài tiếp theo, và cứ như thế cho tới khi thí nghiệm kết thúc. Đây là một nhiệm vụ khó nhưng khá là thú vị, và càng chơi lâu thì người chơi sẽ càng trở nên thông thạo hơn.
Trong nhóm lớn trả-tiền-theo-năng-lực, nhóm A được phổ biến rằng mức tiền họ nhận được sẽ dựa vào kết quả của họ so với điểm số trung bình. Nhóm B thì được biết rằng họ sẽ bị so sánh với kết quả trung bình, nhưng lại không được nghe nói gì tới những phần thưởng. Trong nhóm lớn trả-tiền-khi-hoàn-thành, các nhà khoa học phổ biến với nhóm C rằng mỗi một lá bài hoàn thành sẽ nâng cao số tiền họ nhận được, còn nhóm D thì sẽ được trả tiền dựa vào thời gian họ làm thí nghiệm. Sau trò chơi, các nhà khoa học giả bộ tập hợp điểm số của mọi người, sau đó cho nhóm A và nhóm B xem kết quả. Không cần biết kết quả thực ra sao, họ vẫn sẽ nói với một nửa của nhóm A và B rằng họ đã làm rất tệ, nói với nửa còn lại rằng họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhóm C và D, những người được trả tiền để hoàn thành công việc, cũng bị chia đôi. Một nửa nhận được số tiền rất thấp, nửa còn lại nhận được khoản tiền lớn. Sau đó các đối tượng tham gia đã phải trả lời một bảng khảo sát và ngồi một mình trong một căn phòng với những chiếc xúc xắc và lá bài trong ba phút. Chính trong thời gian ngồi một mình này thì nghiên cứu mới thực sự bắt đầu. Các nhà khoa học muốn xem ai sẽ tiếp tục chơi trò này để cho vui, và trong bao lâu.
Những đối tượng ở nhóm A và B, những người đã được trả tiền khi họ giỏi hơn, đã tự chơi trung bình hơn hai phút, nhưng thời gian chơi sẽ ít hơn một chút nếu họ được nghe rằng khả năng của họ không tốt lắm. Những người trong nhóm C và D, nhóm được trả tiền khi hoàn thành công việc, đã không chơi cho vui lâu bằng các đối tượng trong hai nhóm còn lại, ngoài ra, họ có xu hướng chơi lâu hơn nếu được trả ít tiền hơn.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, khi bạn được tưởng thưởng dựa vào chất lượng công việc, miễn là khi lý do được làm rõ, thì những phần thưởng này sẽ tạo ra một nguồn dồi dào hưng phấn của sự công nhận giá trị nội tại. Phần thưởng càng lớn thì cảm xúc sẽ càng mạnh, và bạn sẽ càng có khả năng cao để cố gắng hơn trong tương lai. Mặt khác, nếu bạn được tưởng thưởng chỉ nhờ việc hít thở thì bất kể công việc có được hoàn thành tốt tới mức nào, bất kể bạn đã đạt được điều gì, thì cảm giác hưng phấn đó cũng sẽ bị mất đi. Trong những điều kiện như vậy thì phần thưởng lớn hơn cũng không dẫn tới năng suất cao hơn, và cũng sẽ không động viên bạn cố gắng để đạt những điều lớn lao hơn. Nói chung, nghiên cứu này cho thấy rằng sự tưởng thưởng sẽ không có sức mạnh thúc đẩy, trừ khi nó khiến bạn cảm thấy rằng mình là người có năng lực. Chỉ có tiền bạc không thì sẽ không tạo nên được điều đó. Với tiền bạc, khi tự giải thích với bản thân tại sao bạn lại phải làm việc vất vả tới vậy, tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra sẽ chỉ là “đế được trả lương”. Lúc đó bạn sẽ tin rằng mình đang bị ép buộc và mua chuộc. Khi thiếu đi cái mà các nhà khoa học gọi là “sự phản hồi về năng lực”, bạn sẽ không có một câu chuyện tự sự nào để kể với chính mình, để cho thấy rằng bạn là một người rất ngầu. Những hạn mức, giờ làm tăng ca và mức lương tính theo giờ sẽ không mang lại sự đánh giá về năng lực. Những món tiền thưởng dựa trên việc đạt được một con số nhất định khi hoàn thành công việc hay chạm tới một mục tiêu có thể định lượng sẽ khiến bạn có cảm giác như thể mình là một cỗ máy. Nếu bạn trả tiền cho người khác để họ giải đố thay vì trả tiền khi họ thể hiện được trí thông minh, họ sẽ nhanh chóng đánh rơi mất hứng thú trước trò chơi. Nếu bạn trả tiền để lũ trẻ chịu vẽ, hoạt động giải trí này sẽ trở thành công việc đối với chúng. Sự trả công kèm theo những lời khen ngợi và cảm giác tích cực về những thành tựu cá nhân sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ, nhưng chỉ có thể phát huy tác dụng nếu nó xuất hiện một cách không lường trước. Chỉ khi đó bạn mới có thể tiếp tục lối tự sự đã giữ cho bạn đi được cả quãng đường, chỉ khi đó bạn mới có thể tiếp tục tự giải thích với bản thân rằng động cơ thúc đẩy bạn tới từ bên trong.
Hãy nghĩ về câu chuyện mà bạn vẫn tự kể để giải thích tại sao bạn lại làm việc bạn đang làm để kiếm sống. Câu chuyện đó có dễ bị tác động bởi những hiệu ứng này không?
Có thể câu chuyện của bạn là như thế này: Công việc chỉ là một phương tiện để đạt mục đích. Bạn tới chỗ làm; được trả lương. Bạn đánh đổi nỗ lực của mình để lấy những giá trị giúp ích trong sự sống còn, và thỉnh thoảng là những bộ đồ lót theo phong cách dị hợm mua ở Etsy. Công việc không phải là thứ gì vui vẻ. Công việc sẽ giúp bạn chi trả các hóa đơn. Những điều vui vẻ sẽ diễn ra ở những nơi không phải công sở. Câu chuyện của bạn sẽ không gặp nguy hiểm gì nếu đó là cách bạn nhìn nhận vấn đề. Trong một môi trường như vậy, những giả thiết của Skinner sẽ không có gì sai: Bạn sẽ làm việc vừa đủ để nhận lương. Nếu có đề xuất cho một mức tưởng thưởng cao hơn, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn để đạt được nó.
Nhưng cũng có thể câu chuyện của bạn lại như sau: Tôi yêu thích công việc đang làm. Nó có khả năng thay đổi cuộc sống của nhiều người. Nó khiến cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Tôi đang dần trở thành một bậc thầy trong ngành của mình, tôi được phép lựa chọn phương pháp để xử lý vấn đề. Sếp của tôi đánh giá cao công sức mà tôi bỏ ra, tin tưởng tôi và thường đưa ra những lời khen ngợi. Trong bối cảnh này thì sự tưởng thưởng sẽ cản trở công việc của bạn. Như trong nghiên cứu của Kahneman và Deaton về hạnh phúc đã cho thấy: Một khi bạn đã kiếm đủ để có thể cảm thấy hạnh phúc ngày qua ngày thì động lực của bạn sẽ phải tới từ một nơi nào khác. Dường như khi bạn đã có được một chiếc giường, nguồn nước sạch và một chiếc lò vi sóng để nổ bỏng ngô, thì sự tưởng thưởng duy nhất bằng vật chất xứng đáng để bạn nỗ lực sẽ là những giải thưởng - những thứ sẽ là biểu tượng cho phẩm chất của bạn, những thứ có khả năng thể hiện năng lực cho bản thân bạn và người khác thấy. Địa vị, bằng cấp, sao vàng, cúp, giải Nobel, giải Oscars - tất cả những thứ này đều là tín hiệu để thể hiện năng lực của bạn. Những giải thưởng sẽ khuếch đại những động lực nội tại của bạn, chúng xây nên sự tự tin và củng cố cảm giác tự chủ. Chúng cho thấy bạn đã “lên cấp” trong thế giới thực. “Achievement Unlocked”69. Chúng giúp bạn xây dựng một lối tự sự cá nhân mà bạn cảm thấy thích thú khi kể.
Hiệu ứng thỏa mãn vượt ngưỡng đe dọa những lối tự sự mong manh của bạn, đặc biệt là khi bạn chưa xác định được mình cần phải làm gì trong đời. Khi đó bạn đứng trước nguy cơ phải nhìn thấy hành vi của mình có vẻ như đang được thúc đẩy bởi lợi nhuận thay vì lòng yêu thích, nếu bạn đồng ý nhận tiền công cho một thứ mà bạn có lẽ sẽ làm miễn phí. Sự điều kiện hóa sẽ không chỉ làm bạn thất vọng, nó cũng sẽ làm vấy bẩn tâm trí. Bạn có nguy cơ tin rằng chính những phần thưởng đang có vai trò thúc đẩy nỗ lực của bạn, chứ không phải là nhiệt huyết, và điều đó sẽ khiến việc giữ ngọn lửa đam mê trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Càng về sau bạn sẽ càng khó nhìn lại những hành động của bạn và miêu tả chúng dưới ánh sáng của động lực nội tại. Những thứ mà bạn vốn yêu thích - thứ không thể cân đo đong đếm được - có thể trở thành công việc cực nhọc nếu chúng bị đem ra định giá.