Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy - Chương 18

Thiên kiến tự đề cao ... Chương 17 ...

BẠN VẪN TƯỞNG:

Bạn luôn đặt ra những mục tiêu có thể đạt được dựa vào đánh giá thực tế những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

SỰ THẬT LÀ:

Bạn luôn có thái độ phi thực tế trong việc đánh giá khả năng của bản thân, tất cả là để giữ cho đầu óc được tỉnh táo và không rơi vào tuyệt vọng.

Hãy hít một hơi thật sâu.

Ơ, không đùa đâu. Thật đó. Cứ hít sâu hết mức xem nào.

Tiếp nào. Cố lên, chỉ một chút nữa thôi. Được rồi. Giờ thì hãy thở ra.

Bạn có cảm thấy rằng mình không thể hít hết mức mà dung tích phổi tối đa cho phép? Giờ thì hãy hít sâu một lần nữa rồi thở ra hết mức có thể. Cố lên. Thêm chút nữa - cố để đẩy luồng khí cuối cùng ra khỏi cơ thể đi. Được rồi, thả lỏng và hít vào rồi nhìn quanh xem có ai đang gọi cứu thương hay cảnh sát không.

Chắc hẳn có một lúc nào đó trong đời bạn đã nhận ra mình không thể hít căng lồng ngực hay thở ra hết mức. Bạn không có quyền kiểm soát hoàn toàn cơ thể của mình để làm điều này. Bộ não không tin tưởng giao phó cho bạn nhiều trách nhiệm đến như vậy đâu. Hầu hết các cơ quan nội tạng đều hoạt động mà không cần tham khảo ý kiến của bạn, và đó là điều rất tốt. Đưa chìa khóa vận hành tuyến tụy cho một kẻ thường xuyên bỏ quên điện thoại ở hàng ăn thì rõ là không thông minh cho lắm. Bạn chỉ được phép can thiệp vào một số rất ít trong hàng triệu triệu những hành vi chuyển động, xoay tròn và cuộn chảy trong cơ thể chính mình. Một trong số đó là khả năng kiểm soát một phần việc hít thở, hầu hết thời gian thì bạn vẫn để cho bộ máy tự động của cơ thể lo liệu việc này. Ngay cả khi bạn chiếm quyền kiểm soát và làm những trò lố như nín thở hay cố xả hết khí ra khỏi phổi vì một cuốn sách nào đó bảo bạn làm vậy, vẫn sẽ có những chốt chặn hành vi đóng vai trò ngăn cản không cho bạn tự làm nổ buồng phổi của mình, hay là thở ra nhiều quá tới mức những phế nang xẹp xuống và dính vào nhau. Có một kiểm soát viên với nhiệm vụ ức chế hô hấp trong não, không cho phép bạn tự gây hại cho hai lá phổi của mình bằng lý trí. Tất nhiên không phải theo nghĩa đen, nhưng sẽ dễ hiểu hơn nếu tưởng tượng là có một thứ như thế, bởi nói cho cùng thì kết quả là như nhau.

Cơ thể của bạn cũng có cơ chế chống lại sự hoài nghi bản thân thái quá. Khi chiếc bốt khổng lồ của thực tại dẫm bạn bẹp dí, một loạt cơ chế phòng vệ sẽ được kích hoạt. Cũng giống như việc cơ thể bạn chống cự trước nỗ lực thở hết khí trong phổi ra nhờ kiểm soát viên ức chế hô hấp, bạn cũng giữ động lực cho bản thân bằng một cơ quan ức chế sự tuyệt vọng. Đó là một bộ máy tâm trí khá phức tạp chứa đầy những thứ mà các nhà tâm lý học gọi là những ảo giác tích cực. Những ảo giác này đóng vai trò như một hệ thống kiểm soát và cân bằng luôn chạy ở hậu cảnh (nghĩa là nằm phía sau phần ý thức mà bạn vẫn nhận biết được hàng ngày). Cùng với nhau, chúng tạo nên thiên kiến tự đề cao (self-enhancement bias) - bộ mắt kính màu hồng mà qua đó bạn nhìn vào bản thân mình.

Shelley Taylor và Jonathon Brown đã khiến cho những ảo giác tích cực trở nên nổi tiếng trong giới tâm lý học thông qua nghiên cứu về các bệnh nhân mắc ung thư vào những năm 1980. Trước đó, một giả thiết được nhiều người tin về sức khỏe tâm thần là: Tri giác và nhận thức của bạn càng chính xác thì bạn càng hạnh phúc. Đó từng là câu niệm chú thần thánh của các nhà tâm lý học nhân văn - Abraham Maslow và tháp nhu cầu, Carl Rogers và phương pháp điều trị tập trung vào người bệnh. Trong khoảng những năm 1940 và 1950, Maslow và Rogers đã dẫn đầu quan điểm cho rằng con người là một thứ gì đó khác ngoài những phân tử thịt. Họ cho rằng việc tiếp cận tâm trí như một cỗ máy sinh học có thể sửa chữa và nâng cấp được từ mức độ của những bánh răng và linh kiện là một quan niệm sai lầm. Thay vào đó, họ đưa ra một khái niệm mà cho tới nay vẫn được đề cao trong nhận thức của công chúng: Một cách tiếp cận mang tính toàn thể cho sức khỏe tâm thần. Họ nhìn bạn như một sinh vật với nhận thức về bản ngã và một khát khao cải thiện bản thân. Theo lời họ, để đạt mục đích đó, trước hết bạn sẽ cần phải thỏa mãn những nhu cầu sinh học. Một khi những nhu cầu cơ bản nhất đã được đáp ứng, chướng ngại vật cuối cùng bạn cần phải vượt qua chính là việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Mục tiêu cuối cùng đó được gọi là sự tự thể hiện bản thân, và ở trạng thái đó, theo ý kiến của hai nhà khoa học, bạn sẽ trở nên hoàn toàn thành thật với chính mình và với những người xung quanh. Rogers gọi khoảng cách giữa hình ảnh mà bạn nhìn bản thân và con người thực tế của bạn là sự bất tương hợp. Ông tin rằng bạn càng thu hẹp khoảng cách này thì bạn sẽ càng trở nên hạnh phúc hơn. Bạn sẽ không phải nói dối về khả năng của mình hay che giấu đi những khuyết điểm. Thay vào đó, bạn sẽ trở thành một cuốn sách mở cho cả nội quan lẫn những người xung quanh.

Ý niệm về việc con người sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu họ có thể đạt tới trạng thái cảm nhận rõ ràng về thực tại là một điều rất đẹp đẽ, nhưng Taylor và Brown đã phát hiện ra một sự thật trái ngược hoàn toàn. Họ đã đưa ra giả thuyết mới cho rằng sức khỏe tâm thần đến từ những quan điểm phi lý về thực tại. Hai nhà khoa học này cho rằng, bạn làm thuyên giảm sự căng thẳng từ những căn bệnh hiểm nghèo, một công việc nặng nề hay một tai ương bất chợt bằng cách dựa vào sự lạc quan và ảo giác. Sự tự đánh giá hoàn toàn sai lầm về bản thân đã giúp bạn vượt qua những khoảng thời gian khó khăn và tạo động lực cho bạn trong những lúc thuận lợi. Đúng như vậy, những nghiên cứu về sau đã đưa ra bằng chứng xác thực cho khẳng định này, cho thấy rằng những người thành thực một cách khắc nghiệt với bản thân không cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày như những người luôn nhận định phi lý về khả năng của mình. Những người nhận công về mình khi mọi việc diễn ra suôn sẻ và đổ lỗi cho người khác khi vấp phải khó khăn hay thất bại, nhìn chung là những người hạnh phúc hơn.

Phong cách tự sự để giải thích bản thân của bạn tồn tại như một dãy quang phổ. Ở một đầu là vũng lầy tối tăm của những ý kiến tiêu cực đây phi lý về cuộc sống và vị trí của bạn. Đầu còn lại là một khu rừng kẹo mút ngập nắng của những ý kiến tích cực phi lý không kém về cái nhìn của những người xung quanh về con người và khả năng của bạn. Ngay tại điểm chính giữa trên thang màu này là nơi mà con người nhìn chính mình dưới ánh sáng chói lọi của sự khách quan. Tại đây, những ảo giác tích cực sẽ bị thổi cho bốc hơi, và họ hàng hang hốc của những nhận thức mọc ra từ thiên kiến tự đề cao sẽ không thể bén rễ. Có khoảng 20% dân số sống tại điểm này, và các nhà tâm lý học gọi trạng thái tâm lý của những người này là chủ nghĩa hiện thực trầm ưu. Nếu phong cách tự sự của bạn rơi vào khoảng này trên quang phổ, bạn sẽ có khuynh hướng thường xuyên trải nghiệm một mức độ trầm cảm trung bình, bởi vì bạn đã bị nguyền rủa để nhìn vào thế giới như một nơi không có cái gì quá đáng sợ, cũng không có những tia sáng lấp lánh, đơn giản chỉ là một chỗ để sống mà thôi. Bạn có một siêu năng lực kỳ lạ - khả năng nhìn thế giới gần đúng với bản chất của nó. Khả năng nhìn thấu một cách tương đối chính xác này khiến bạn cảm thấy tồi tệ một cách kỳ lạ, chủ yếu là vì hầu hết mọi người đều có một bộ phận làm méo thực tại được cài sẵn trong đầu; và tiếc thay, bộ phận này của bạn lại bị hỏng hay rơi mất rồi. Khái niệm về chủ nghĩa hiện thực trầm ưu này cũng bị nhiều người phản đối, nhưng những phân tích sâu rộng trong vài thập kỷ gần đây của các nghiên cứu khoa học vẫn ủng hộ sự tồn tại của nó. Các nghiên cứu này cũng cho thấy rằng, kể cả nếu bạn là một trong số những người đã làm mất lăng kính màu hồng của mình thì bạn cũng sẽ không thể loại bỏ được những ảo giác tích cực một cách hoàn toàn. Chúng có thể đã bị thu lại thành những hạt bụi khô héo và nhỏ bé khi so với những ảo giác khổng lồ trong đầu những người lạc quan hơn xung quanh, nhưng chúng không biến mất hoàn toàn. Để tồn tại như một con người, bạn sẽ phải lạc quan một cách phi lý về khả năng của bản thân trong việc nắm bắt và gây ảnh hưởng lên thế giới xung quanh.

Taylor và Brown đã mở ra một hướng mới cho công cuộc nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, và họ nhận ra rằng, bạn giữ được trạng thái hạnh phúc khi được yểm bùa bởi ba loại ảo giác tích cực: sự ảo tưởng tự tôn (illusory superiority bias) - quan điểm tích cực một cách phi lý về bản thân; ảo giác về sự kiểm soát (illusion of control) - niềm tin rằng bạn có thể kiểm soát được sự hỗn loạn mà bạn gặp phải hàng ngày; và thiên kiến lạc quan (optimism bias) - niềm tin vào một tương lai không thể tốt hơn so với những gì bạn trông đợi. Hãy cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của chúng, bắt đầu với sự ảo tưởng tự tôn.

Vào những thời điểm ngồi trong khoang máy bay hay chen lấn trong toa tàu điện chật chội, đã bao giờ bạn có ý nghĩ rằng có thể mình là người ngu ngốc nhất trong không gian đó chưa? Lúc ở trung tâm thương mại vào những ngày cận Tết thì sao? Khi người ta đẩy xe ngang qua và va vào bạn, lũ trẻ con thì gào thét ầm ĩ, còn quầy thu ngân thì một hàng dài những người mua hàng cáu kỉnh gào vào chiếc điện thoại mà họ dùng bài hát hot nhất lúc đó để làm nhạc chuông - trong khung cảnh đó bạn có cảm thấy rằng mình sẽ thua nếu phải thi giải đố với một người mua hàng bất kỳ không? Vào đêm khởi chiếu một bộ phim bom tấn nữa, ngồi giữa một đám đông và nghe người ta tán chuyện về chuyến đi cắt trĩ của bà chị chồng, liệu khi ấy bạn có cảm thấy rằng mình nằm dưới ngưỡng trung bình khi so sánh về độ lịch thiệp và tinh tế không?

Hãy tưởng tượng bối cảnh mà bạn cùng với tất cả mọi người trong phòng phải làm một bài kiểm tra IQ. Lúc đó bạn sẽ đạt điểm ở mức nào so với những người xung quanh? Gần đầu bảng hay suýt đội sổ? Nếu so sánh khả năng lái xe với những tài xế xung quanh trong một buổi sáng tắc đường thì sao? Hãy thử tưởng tượng chúng ta tạo nên một biểu đồ để chấm điểm khả năng nấu ăn của tất cả những người học cùng lớp cấp ba với bạn trên thang từ một tới mười. Bạn nghĩ mình sẽ rơi vào đâu trên biểu đồ đó? Hầu hết mọi người đều sẽ tự đặt mình ở đâu đó hơi nhỉnh hơn so với mức trung bình. Vậy là trong thí nghiệm tưởng tượng này - trừ khi bạn biết rõ mình là một đầu bếp đảm đang hay là một kẻ không biết luộc trứng - thì khả năng cao là bạn sẽ tự chấm cho mình điểm sáu.

Ảo tưởng tự tôn này cho phép bạn di chuyển được trong sân bay hay rạp phim mà không bị cản trở bởi gánh nặng về sự phân tích thực tế. Đây là một phép thôi miên được tạo ra bởi bộ não, cho phép bạn tự đánh giá mình dưới một ánh sáng tích cực và đỡ gay gắt hơn so với thứ ánh sáng mà bạn chiếu lên người khác. Và kết quả cuối cùng là bạn có khuynh hướng nhận định bản thân là độc nhất vô nhị, tách biệt khỏi đám đông, bạn thường nhìn đám đông như một khối đồng nhất và hơi ngu một chút. Đôi khi bạn thậm chí còn tự hỏi không hiểu tại sao những người xung quanh lại có thể ngu ngốc tới vậy khi để thông minh được như bạn cũng rất dễ dàng.

Khả năng cao là bạn nhận định bản thân nhỉnh hơn so với mức trung bình ở hầu hết các lĩnh vực, và vượt trội ở một số ít lĩnh vực còn lại. Khi so sánh chính mình với một anh A tướng tượng, bạn sẽ thấy mình giỏi hơn ở hầu hết mọi mặt. Và đương nhiên là có một điều rất nực cười: Phần lớn những con người đang lúc nhúc tại tất cả các sân bay, toa tàu điện ngầm, rạp chiếu phim và trung tâm thương mại đều đang nghĩ như bạn. Các nghiên cứu cho thấy một người trung bình sẽ luôn nghĩ anh ta không phải là một người trung bình. Anh ta sẽ cho rằng hầu hết những người xung quanh đều ngu ngốc, và anh ta không giống với đa số đó.

Ảo giác tích cực lớn thứ hai mà bạn có là ảo giác về sự kiểm soát. Những nghiên cứu về sức mạnh của hiện tượng này có lẽ đã xuất hiện từ thuở sơ khai của ngành tâm lý học, nhưng công trình đánh dấu mốc thực sự được công bố vào năm 1975. Ellen Langer đã cho thấy, mặc dù bạn hoàn toàn nhận thức được sự khác biệt giữa năng lực và sự may mắn, bạn vẫn sẽ khó có thể phân biệt được chúng khi áp dụng vào những gì bản thân mình đã làm. Trong nghiên cứu của mình, Langer đã cho các đối tượng thí nghiệm tham gia vào một trò chơi cá cược. Trong một trò, hai người sẽ ngồi đối diện nhau. Mỗi người chọn một lá bài từ xấp bài để ở giữa. Sau đó mỗi người sẽ đặt cược một khoản tiền nhỏ và lật bài của mình lên. Người có lá bài cao hơn sẽ thắng được khoản tiền mà anh ta cược, còn người thua cuộc thì sẽ bị mất trắng khoản đó vào tay các nhà khoa học. Các đối tượng không biết rằng người đang ngồi đối diện mình là một diễn viên đã được hướng dẫn để hành xử một cách nhút nhát trước một số người, hoặc tự tin trước số còn lại. Người diễn viên đóng vai nhút nhát sẽ đến muộn, giả bộ như có chứng co giật nhẹ và mặc một chiếc áo khoác thùng thình. Ngược lại, diễn viên đóng vai tự tin sẽ tới đúng giờ, khởi đầu cuộc trò chuyện, mặc một chiếc áo khoác vừa vặn và thúc giục các nhà khoa học bắt đầu thí nghiệm. Người thắng và kẻ thua cuộc trong trò chơi bài này là hoàn toàn ngẫu nhiên. Đó là một trò chơi của sự may mắn thuần túy, vậy mà Langer vẫn ghi nhận được rằng các đối tượng thí nghiệm có xu hướng đặt cược lớn hơn khi họ tin đối thủ của mình đang bồn chồn, và họ sẽ đặt cược với khoản tiền thấp hơn khi người ngồi đối diện tỏ vẻ tự tin. Mặc dù họ biết rõ sẽ không có cách nào biết được những lá bài nào sẽ được lật lên bởi đây là một trò chơi ngẫu nhiên thuần túy, sự tự tin vào khả năng chiến thắng của họ vẫn phụ thuộc vào đánh giá của họ về đối thủ là mạnh hay yếu. Điều này như thể là khi không còn có gì khác để bấu víu vào, họ sẽ buộc phải so sánh ảo giác về sự kiểm soát của bản thân với chính thứ ảo giác đó trong đầu đối phương, thế nên họ sẽ đặt cược một cách rón rén hơn khi gặp phải một tay chơi có vẻ tin chắc hơn vào ảo tưởng của chính mình.

Trong một nghiên cứu khác, nhóm của Langer nhân giờ nghỉ trưa để hỏi các nhân viên của Công ty Điện thoại Nam New England xem liệu họ có sẵn sàng tham gia vào khảo sát marketing về một sản phẩm mới. Những người đồng ý tham gia sau đó được đưa vào căn phòng chứa một dụng cụ khoa học kỳ quái - một hộp gỗ lớn với những thanh kim loại chạy dọc bên trên. Những người tham gia được giải thích rằng đây là một trò chơi mới, và mục tiêu là đoán đúng được thanh kim loại nào trong ba thanh trên hộp gỗ sẽ làm chuông kêu khi nó được một chiếc bút kim loại chạm vào. Nhà khoa học yêu cầu một nhóm đối tượng cầm bút kim loại đặt lên một thanh họ tự chọn, và kéo cho bút chạy từ đầu tới cuối thanh đó. Họ được cho biết là chỉ một trong số các thanh này sẽ làm chuông kêu, nó được chọn một cách ngẫu nhiên bởi một cỗ máy giấu trong hộp. Một nhóm khác cũng được phổ biến tương tự, nhưng lần này các nhà khoa học sẽ là người cầm bút đế di trên thanh kim loại mà người tham gia chọn chứ không để họ tự làm. Những người ở hai nhóm này tiếp tục được chia thành hai nhóm nhỏ nữa, một nhóm được phép nghịch với chiếc hộp trong vài phút khi các nhà khoa học giả bộ sửa chữa máy móc, nhóm còn lại thì phải chọn thanh kim loại để chạm bút ngay từ đầu. Langer đã hỏi mỗi người ngay trước khi họ chọn thanh kim loại để chạm bút và mức độ chắc chắn khả năng sẽ chọn đúng của họ.

Kết quả ra sao? Những người đã có thời gian nghịch ngợm với chiếc hộp trước khi được cầm bút để tự chạm đã tỏ ra tự tin hơn cả. Những người phải để cho các nhà khoa học cầm bút chạm hộ và phải chọn ngay từ đầu là những người kém chắc chắn nhất. Mặc dù kết quả là hoàn toàn ngẫu nhiên, và các đối tượng tham gia đã nhận thức rất rõ ràng về tính ngẫu nhiên này, sự tự tin của họ vẫn bị ảnh hưởng bởi mức độ tiếp xúc trực tiếp và độ quen thuộc mà họ có được với chiếc hộp kỳ bí này.

Ảo giác về sự kiểm soát đeo bám dưới dạng một ảo giác tích cực là bởi vì bạn có nhu cầu cần phải cảm thấy thế giới di chuyển khi bạn đẩy nó. Thiếu đi niềm tin này, tinh thần của bạn sẽ bị lung lay và vụt tắt rất nhanh, như Langer đã chứng minh trong những nghiên cứu về sau của bà, trong đó những người lớn tuổi sống trong các nhà điều dưỡng có xu hướng sống kém thọ hơn và mắc nhiều bệnh tật hơn nếu họ không được phép tự chọn những hoạt động thường nhật hay sắp xếp đồ đạc theo ý muốn.

Ảo giác tích cực lớn thứ ba là thiên kiến lạc quan, một cấu trúc tâm lý giúp những người hút thuốc tin rằng họ sẽ thuộc số không mắc phải ung thư, giúp những tay lái lụa tự tin vít ga trong trời mưa trơn trượt, giúp những đôi uyên ương tin chắc rằng họ sẽ tay nắm tay rời khỏi cõi trần sau một hàng rào gỗ trắng, và giúp dân nhập cư có được sự kiên cường bất diệt để mở những cơ sở làm ăn mới trong khi nền kinh tế đang tuột dốc. Bất kể các con số thống kê có ra sao, bất kể có bao nhiêu ví dụ đối nghịch đã thấy trong cuộc sống, bạn vẫn sẽ có khuynh hướng tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, và khi bạn đã thực sự tin như thế, thì việc cho bạn thấy hướng tiếp cận ngược lại sẽ là không tưởng. Tuy vậy, thiên kiến này biến mất một cách thần kỳ khi bạn quan sát những người khác. Bạn tin rằng quả tim của mình sẽ vận hành tốt cho tới năm chín mươi tuổi, nhưng ông anh họ chuyên ăn gà rán thì lại sẽ lao đầu xuống lỗ rất sớm thôi. Thiên kiến này cũng ngăn không cho bạn mua một bình xịt cứu hỏa để trong nhà bếp của mình hay tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bạn sẽ luôn nhìn về đường chân trời xa xôi với một niềm trông đợi hớn hở. Như nhà tâm lý học Tali Sharot đã chỉ ra: Các nghiên cứu cho thấy bạn thích ngày Thứ Sáu hơn so với Chủ Nhật, vì Thứ Sáu là một ngày tràn đầy những mộng mơ lạc quan về một cuối tuần đang tới, còn Chủ Nhật thì lại ngập trong sự trông đợi đầy tuyệt vọng không ai muốn khi nhìn những thứ sắp diễn ra vào Thứ Hai. Trong một thí nghiệm, bà đã hỏi những người tham gia xem họ cảm thấy khả năng để họ bị mắc ung thư vào một lúc nào đó là bao nhiêu. Sau đó Sharot nói với họ rằng các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy khả năng để mắc ung thư trong đời là khoảng 30%. Những người đã đưa ra con số dự đoán lúc đầu cao hơn 30% sau đó đã giảm ước tính của mình xuống khi nghe sự thật. Còn những người đưa ra dự đoán ban đầu thấp hơn 30% thì lại hầu như không thay đổi quan điểm kể cả sau khi nghe con số thực tế. Theo Sharot, đây chính là lý do tại sao các nhãn dán cảnh báo và thông cáo công khai không thực sự có tác dụng. Bạn luôn nghĩ rằng vận may sẽ thuộc về mình, còn những cảnh báo đó là dành cho người khác.

Ba ảo giác tích cực này cần được chăm sóc thường xuyên. Bạn giữ chúng gắn kết với nhau bằng ba loại ảo giác phụ trợ nữa có tên gọi thiên kiến xác nhận, thiên lệch nhận thức muộn, và thiên kiến tự phụ. Chúng hoạt động như một chiếc bơm kết nối với nhận thức của bạn, liên tục hút những cảm xúc tiêu cực đi và thổi vào những suy nghĩ tích cực. Tuy không phải ai cũng có được một chiếc bơm hoạt động hoàn hảo, nhưng hầu hết đều có. Nếu chiếc bơm của bạn hoạt động đúng cách, nó sẽ vận hành cả đêm lẫn ngày, giúp bạn sống sót được trong một thế giới vốn luôn quyết tâm chứng minh rằng bạn không hề tuyệt như bạn vẫn tưởng.

Thiên kiến xác nhận, một thứ mà bạn thấy đã được nhắc tới vài lần trong cả cuốn sách này, là khuynh hướng để bạn luôn nhận ra và nhớ kỹ những thông tin và sự kiện khớp với trông đợi và xác nhận lại niềm tin của bạn. Không chỉ có vậy, bạn còn thường xuyên ngó lơ và quên bẵng đi khi thế giới đưa ra những sự thật đối nghịch với định kiến có sẵn trong bạn. Đây chính là lý do tại sao đèn đường có vẻ luôn nhấp nháy muốn tắt khi bạn đi ngay dưới nó, tại sao trời luôn đổ mưa ngay sau khi bạn vừa mới rửa xe, hay tại sao đứa bạn cầm vé xem phim luôn tới trễ. Sự thật là bạn chỉ để ý khi đèn đường chập chờn, khi trời mưa ngay sau lần rửa xe, và khi đứa bạn dở hơi bắt bạn phải ngồi chờ. Khi những sự việc này không diễn ra thì chúng trở thành thứ mà các nhà khoa học gọi là phi sự kiện. Phi sự kiện là một điều lãng phí cho sự chú ý và bộ nhớ, bởi vậy chúng không được lưu giữ lại. Nếu bạn không bao giờ tìm kiếm những thông tin phản bác lại niềm tin sẵn có, đặc biệt là những niềm tin khiến cho bạn cảm thấy mình đặc biệt và trên mức trung bình, bạn sẽ luôn tiến bước một cách đầy ảo tưởng mà chẳng hề bị thách thức.

Khi thu thập được những thông tin mới hay một kết quả mà bạn không thể dự đoán được trước, bạn sẽ có xu hướng nhìn lại các ký ức và cho rằng mình đã đoán được từ lâu rồi. Đó là thiên lệch nhận thức muộn đang vận hành, khiến cho bạn luôn cảm thấy như thể mình đoán được trước khi mọi chuyện diễn ra. Bạn có lẽ sẽ chẳng bao giờ bắt quả tang được hành vi này của mình, trừ khi bạn có thói quen viết nhật ký hay đọc lại tin nhắn cũ. Thiên lệch nhận thức muộn khiến cho quá khứ có vẻ như là những điều không thể tránh được, và làm bạn tin rằng tương lại là hoàn toàn có thể dự đoán trước. Tuy vậy, khả năng dự đoán tương lai của con người thực ra lại rất tệ hại. Cứ xem lại những bộ phim khoa học viễn tưởng từ ngày xưa thì biết. Từ xe hơi bay cho tới thành phố trên Mặt Trăng, những bộ phim này hiếm khi đưa ra được những dự đoán chính xác về tương lai. Trong Star Trek không có sự xuất hiện của Internet, Blade Runner không có điện thoại thông minh. Bộ não của bạn cũng kém trong việc dự đoán tương lai của bản thân giống như bất kỳ bộ phim khoa học viễn tưởng nào. Điểm khác biệt ở đây là những bộ phim để lại sự ghi nhận hoàn hảo về thất bại của chúng. Bạn thì không thế.

Khi mọi chuyện diễn ra đúng theo ý muốn, bạn sẽ không ngần ngại kêu gọi sự chú ý tới đóng góp của mình vào điều đó. Nếu bạn thắng trong một trò chơi, được thăng chức hay đạt điểm cao, bạn có xu hướng gắn những thành công này với năng lực, tài năng, sự cố gắng và chuẩn bị của bản thân. Ngược lại, nếu gặp phải thất bại hay bị vượt mặt, bạn có thói quen tìm một lý do gì đó từ ngoại cảnh để đổ lỗi - một ông sếp khó tính, một nhóm làm việc không gắn kết, một người thầy dạy khó hiểu - bất kỳ thứ gì có thể giữ cho bạn khỏi phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Thiên kiến tự phụ cho bạn nhận mọi công trạng về mình khi mọi chuyện diễn ra đúng ý, và đưa ra lời bào chữa cho những lần bạn thất bại. Thiên kiến này làm cho bạn rất khó công nhận sự giúp đỡ từ người khác, từ sự may mắn hay từ lợi thế bất công mà bạn có được. Nó không phải là một khiếm khuyết xấu xí gì trong tính cách của bạn, đây đơn giản chỉ là cách bộ não đóng khung mọi thứ và giúp bạn có động lực để luôn tiến bước. Nếu bạn thất bại trong kỳ thi để trở thành bác sĩ, luật sư, kỹ sư hay thợ chăm chó, bạn sẽ bảo vệ cái tôi của bản thân bằng cách nhận ra tất cả những yếu tố đứng giữa cản trở bạn đạt tới mục tiêu. Như thế, bạn có thể thử lại lần nữa với một tinh thần xông xáo dám nghĩ dám làm cần thiết để có thể đạt được những mục tiêu khó khăn này.

Những ảo giác tích cực và đám phụ tá tập hợp lại thành một siêu nhóm ảo giác luôn chiếm ưu thế trong tâm trí của mỗi người. Cùng với nhau, ảo tưởng tự tôn, ảo giác về sự kiểm soát, thiên kiến lạc quan, thiên kiến xác nhận, thiên lệch nhận thức muộn và thiên kiến tự phụ kết hợp lại như robot Voltron70, thành một con quái thú hỗn hợp trong tâm trí với tên gọi thiên kiến tự đề cao. Nó hoạt động đúng với tên gọi - đề cao và nâng tầm quan điểm của bạn về chính bản thân. Khi lái xe, chắc là bạn sẽ tự nhận rằng mình là một tài xế thành thạo, lại có tâm và khéo léo, đặc biệt là khi so sánh với những thằng khùng mà bạn phải giáp mặt hàng ngày trên đường. Nếu bạn giống với một đối tượng nghiên cứu điển hình, bạn sẽ tin rằng khi so với một người trung bình, bạn có sức hấp dẫn cao hơn một chút, thông minh hơn một tẹo, biết cách giải những câu đố chữ và đố mẹo nhanh hơn chút đỉnh, là một người biết lắng nghe tốt hơn, nhỉnh hơn chút chút về kỹ năng lãnh đạo và sống có đạo đức hơn. Về cơ bản, bạn cho rằng mình thú vị hơn so với những người lạ mặt đi ngang qua trên phố.

Một báo cáo xuất bản năm 2010 trên tờ Tạp chí Hội Tâm lý học Anh Quốc đã cho thấy bạn thậm chí còn tự nhận xét mình “con người” hơn so với những người khác. Nghiên cứu này dự đoán rằng bất kể bạn đến từ quốc gia nào và nền văn hóa của bạn là gì, nếu người ngoài hành tinh cần ai đó làm sứ giả đại diện cho toàn bộ nhân loại, bạn tin mình sẽ hoàn thành trọng trách đó tốt hơn hầu hết những người khác. Khi được hỏi, hầu hết mọi người đều cho rằng họ thể hiện ra những đặc điểm khiến cho loài người trở nên đặc biệt trong giới động vật nhiều hơn so với một người bình thường. Vào năm 2010, các nhà khoa học tại UCLA đã thực hiện một khảo sát trên hơn 25.000 người ở độ tuổi từ mười tám tới bảy mươi lăm và phát hiện ra rằng, đa số đều tự nhận định mức độ quyết rũ của bản thân rơi vào khoảng bảy trên mười. Điều này cho thấy một người bình thường sẽ nghĩ anh ta đẹp trai hơn so với mức trung bình. Khoảng 1/3 người trong độ tuổi dưới ba mươi tự chấm cho mình chín điểm. Sự tự tin này khá là buồn cười khi nó có nghĩa là tất cả mọi người đều đẹp trai xinh gái hơn so với một nửa dân số. Một khảo sát được thực hiện bởi American Viewpoint vào năm 2010 cho thấy 80% các phụ huynh tại Mỹ cho rằng béo phì ở trẻ nhỏ đang là một vấn đề ngày càng lớn. Tuy nhiên 84% trong số chính những người này lại cũng cho rằng con của họ có cân nặng nằm trong mục tiêu chuẩn, dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính khoảng 1/3 trẻ em tại Mỹ mắc chứng béo phì. Khi các nhà tâm lý học yêu cầu các giáo sư ở Đại học Nebraska tự đánh giá năng lực giảng dạy của mình, 94% cho rằng họ giỏi hơn so với một giáo viên trung bình.

Bạn không cần phải là một nhà toán học mới thấy được sự vô lý tại đây. Niềm tin của mọi người về vị trí trên mức trung bình của bản thân không thể chính xác hết được. Mức trung bình có nghĩa là, một số người sẽ ngồi trên khoảng giữa của đồ thị hình sin và một số khác thì rơi sang hai bên. Theo thống kê, nếu bạn có khả năng đo lường năng lực của bản thân một cách chính xác, bạn sẽ thấy mình rơi vào khoảng trung bình ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên đây là điều mà bạn sẽ khó có thể tin được.

Vào năm 1998, nhà tâm lý học Joachim Krueger và các đồng nghiệp đã yêu cầu một nhóm đối tượng nhìn vào một danh sách các tính từ. Những từ này miêu tả các loại tính cách khác nhau, ví dụ như độc đoán, thẳng thắn, bồn chồn và thông thái. Các đối tượng sau đó sẽ đánh giá xem chúng có thể dùng để miêu tả chính họ không, đồng thời đánh giá theo cảm quan về việc chúng có khớp với tính cách của một người bất kỳ ở mức trung bình không. Lấy ví dụ nhé, hãy nghĩ về từ cầu toàn. Trên thang điểm từ một tới mười, bạn nghĩ mình cầu toàn tới mức nào? Giờ thì hãy chấm điểm về sự cầu toàn cho một người bình thường trong tưởng tượng có cùng độ tuổi và giới tính với bạn. Phần tiếp theo của nghiên cứu này yêu cầu người tham gia phải đánh giá lại những đặc điểm này trên thang điểm về độ cần thiết, với điểm một tương đương với một đặc điểm nhìn chung sẽ bị xã hội ghét bỏ, và chín dành cho đặc điểm mà ai cũng cần cố gắng để có. Giờ hãy cân nhắc câu trả lời của mình. Bạn sẽ đánh giá sự cầu toàn nằm ở mức nào trên thang đo độ đáng coi trọng nói chung trong xã hội. Hầu hết các đối tượng trong nghiên cứu đều đánh giá đặc điểm mà họ tin bản thân họ sở hữu cũng chính là đặc điểm mà xã hội coi trọng nhất. Ngược lại, những đặc điểm tính cách mà họ cho rằng một người bình thường sẽ có lại bị đánh giá là kém giá trị nhất. Nếu bạn tin mình là một người cầu toàn hơn so với mức trung bình, bạn sẽ có khuynh hướng cho rằng xã hội thích những người nghiêm túc như bạn hơn so với những kẻ không có tiêu chuẩn gì cho bản thân. Mặt khác, nếu bạn ghét những người cho rằng trên đời tồn tại thứ gọi là sự kiểm soát tuyệt đối, và thích một lối tiếp cận tự do thoải mái trong việc giải quyết các vấn đề, bạn sẽ cho rằng tính cách xởi lởi mới là thứ mà thế giới yêu thích. Bạn không chỉ nhìn vào bản thân như một người trên mức trung bình, bạn còn nhận định rằng những điểm mạnh của mình cũng là những đặc tính tốt nhất của nhân loại. Theo lời Krueger, việc thay đổi cách nhìn vào các đặc điểm tính cách của mình là một trong số những chiến thuật đáng tin cậy nhất để tự bơm căng cảm giác về giá trị bản thân. Nếu bạn biến những đặc điểm của mình thành các đức tính tốt đẹp và đặc điểm của một người trung bình trở thành xấu xa, bạn sẽ có thể bước ra khỏi cửa mỗi ngày một cách rạng ngời lấp lánh mà không cần thay đổi gì. Dẫu vậy, theo như các nhà nghiên cứu đã phát hiện, hiệu ứng này cũng có thể được làm thuyên giảm đi. Khi họ yêu cầu các đối tượng tự đặt mình vào vị trí của người khác và nghĩ xem những cá nhân với các đặc điểm tính cách khác nhau sẽ đánh giá bản thân họ và người khác thế nào, một sự khai sáng nho nhỏ thỉnh thoảng cũng đã xuất hiện, và khuynh hướng để các đối tượng này bị ảnh hưởng bởi thiên kiến tự đề cao cũng bị xóa bỏ. Cũng giống như hầu hết các thiên kiến khác, tất cả những gì bạn cần để phá bỏ ảo giác mặc định của tâm trí là một khoảnh khắc dừng lại để tự nhìn vào bản thân và phê bình.

Vậy lý do tại sao mà bạn hiếm khi nào dừng bước và tự phê bình? Điều gì cho phép thiên kiến tự đề cao và tất cả những ảo giác tích cực của nó lộng hành trong tâm trí bạn? Tại sao một hệ thống những niềm tin rõ ràng là phi lý như vậy lại có thể cắm rễ trong đầu của gần như tất cả mọi người?

Các nhà khoa học chưa thể khẳng định được tại sao những thiên kiến và ảo giác về sự tuyệt vời của bạn lại tồn tại, nhưng hầu hết phỏng đoán đều cho rằng, để một thứ như vậy có thể xuất hiện một cách phổ biến trong tâm trí của con người, chắc chắn nó phải đóng một vai trò nào đấy trong quá trình tiến hóa của tổ tiên chúng ta. Khi phát triển khả năng suy nghĩ và tư duy, bạn cũng được gắn thêm năng lực làm mờ đi sự thật, phòng khi bạn có thể nhìn xuyên qua những ảo giác và ngay lập tức nản lòng. Tổ tiên chúng ta ngủ trên nền đất và luôn phải chịu những đòn tấn công đau đớn từ cuộc sống khắc nghiệt và bàng quan. Thế giới tự nhiên sẽ không bao giờ bỏ cuộc, bởi vậy cũng hợp lý khi giống nòi của chúng ta phát triển một cơ chế đảm bảo cho mình không gục ngã.

Một số các nhà nghiên cứu đặt giả thiết rằng, có thể những kẻ tấn công đầy tự phụ ngoài rừng rậm trong quá khứ đã chiến đấu dũng mãnh và đáng sợ hơn nhiều so với những đồng đội nhút nhát yếu đuối. Có những nhà tâm lý học tin rằng tinh thần chiến đấu thực ra cũng chỉ là một mớ những ảo giác tích cực, và nhuệ khí vẫn thường được cho là yếu tố quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác trong chiến trận. Sự tự tin trong giao chiến và tán tỉnh bạn tình chắc chắn là những điểm bắt đầu quan trọng để hiểu về nguồn gốc của thiên kiến tự đề cao. Mặc dù vậy, chúng có lẽ cũng chỉ là các phiên bản nào đó của một sự thật bao trùm và cơ bản hơn. Phỏng đoán chung của giới khoa học là trong khoảng vài triệu năm trở lại đây, những con linh trưởng sinh tồn đủ lâu để trở thành tổ tiên của bạn chính là những cá thể không chịu bỏ cuộc khi mọi hy vọng đã bị dập tắt.

Trong một bài viết của Dominic Johnson và James Fowler được xuất bản vào năm 2011 trên tạp chí Nature, hai nhà xã hội học này đã đưa ra những nhận định thuyết phục về cách mà các ảo giác tích cực có thể đã được hình thành, và lý do tại sao chúng lại tồn tại dai dẳng đến vậy. Theo ý kiến của họ, xét trên phần lớn lịch sử nhân loại, trong những tình huống mà con người thường xuyên phải đối mặt trong khoảng thời gian trước thời hiện đại, sự tự tin thái quá đã nuôi dưỡng một loạt những đặc tính có khả năng giữ cho loài người không bị chìm vào bảo tàng của hóa thạch. Những điều như tham vọng, quyết tâm và tinh thần chung của nhóm đã thúc đẩy con người vượt qua các đại dương và thuần hóa cây cỏ thành đồng ruộng. Khi những cơn cuồng phong đập nát tàu thuyền thành từng mảnh gỗ vụn và những cánh đồng héo úa dưới ánh Mặt Trời chói chang, những ảo giác tích cực trong tổ tiên bạn đã được kích hoạt, khiến họ nhìn mọi việc một cách lạc quan hơn, để có thể hành động kiên cường, bất kể tình hình có vô vọng tới chừng nào.

Johnson và Fowler chỉ ra rằng những cá thể có suy nghĩ thực tế đã không sinh tồn được lâu. Những ảo giác tích cực chắc hẳn đã là phương án tốt hơn. Họ cho rằng khi con người thuở sơ khai cạnh tranh với nhau về tài nguyên, nếu cả hai bên đều là những kẻ thành thục về bản thân và về đối thủ, họ có lẽ sẽ chỉ đứng và lườm nguýt lẫn nhau, sau đó dự đoán chính xác về việc ai sẽ chiến thắng trong một cuộc đụng độ tưởng tượng, và rồi đầu hàng một cách vô điều kiện.

Hãy tưởng tượng bạn tìm thấy một nguồn nước sạch, nhưng một tên đểu giả xuất hiện tại cùng lúc cùng chỗ với bạn và không muốn chia sẻ tài nguyên. Tên này trông có vẻ khỏe khoắn hơn bạn một chút, nhưng bạn không dám chắc. Hắn có thể đang làm màu mà thôi. Nếu bạn thực sự thành thật với bản thân, bạn sẽ quay gót bước đi, và như vậy là có khả năng đã tự loại mình ra khỏi nguồn gen của nhân loại. Thay vào đó, nếu bạn cảm thấy tự tin hơn một chút bất chấp những gì bạn biết về đối phương, bạn có thể đã giữ vững vị trí và thủ thế, hoặc thậm chí chính bạn cũng có thể làm màu để trông có vẻ mạnh mẽ hơn. Khi Johnson và Fowler đưa những chiến thuật này vào một chương trình máy tính và giả lập những cuộc đối đầu với các đối thủ trong cuộc chiến tranh dành tài nguyên hữu hạn, họ đã phát hiện ra rằng sau vài ngàn thế hệ, những kẻ tự tin hơi thái quá một chút sẽ có khả năng sinh tồn tốt hơn so với những cá thể đánh giá bản thân đúng mức hay thậm chí thấp hơn thực tế. Chỉ cần chiến lợi phẩm là một thứ đáng để chiến đấu và giành giật, và cả hai bên đều không biết rõ về đối thủ đang đứng trước mình, bên nào có sự tự tin thái quá sẽ chiến thắng. Những kẻ thường xuyên đánh giá quá cao khả năng của bản thân sẽ không bao giờ quay gót trước những cuộc đụng độ, mà trong đó thắng bại dường như phụ thuộc vào vận may. Đôi khi họ còn có thể chiến thắng từ thế yếu hơn bởi kẻ thù đã không dám thách thức trước sự làm màu vô lối của họ. Những đối thủ giả lập càng không chắc chắn về những người này thì họ càng có nhiều lợi thế khi mang trong mình đặc tính tự tin thái quá.

Bạn có khả năng đánh giá một cách có lý trí giữa nguy cơ và lợi ích, giữa chi phí và phần thưởng của những hệ thống phức tạp, nhưng trong những tình huống ngặt nghèo, bạn luôn có thể dựa vào một đường tắt đơn giản và đáng tin cậy: tự tin thái quá và mù quáng một chút. Trò làm màu tốt nhất diễn ra khi chính kẻ lừa bịp cũng không biết rõ những quân bài mà hắn có trong tay. Nếu bạn có thể xác định chính xác khả năng chiến thắng của bản thân - bất kể khả năng đó thể hiện ở dạng một cuộc đi săn thú, một cuộc đấu tay đôi hay thị trường việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành triết học - bạn có lẽ sẽ thường xuyên quay đuôi bỏ chạy trước những khó khăn chồng chất. Sẽ luôn có hàng tá chứng cứ cho thấy rằng vận may không đứng về phía bạn, vừa đủ để ngăn cản bạn nỗ lực trong hầu hết mọi mặt của cuộc sống. May mắn làm sao, bạn thường xuyên không nắm rõ điều này, và bạn luôn đánh giá quá cao khả năng thành công của bản thân. Những con linh trưởng như bạn đã tiến hóa theo hướng ưu tiên ảo giác về sự vĩ đại của chính mình. Đó chính là thái độ đã giúp bạn bước ra khỏi cuộc sống ăn lông ở lỗ và nhấc mình dậy khỏi giường mỗi sáng. Những thử thách và khó khăn mà cuộc sống dội vào bạn không ngừng nghỉ khiến cho việc làm người thực sự rất khó khăn, cho dù bạn đang phải chiến đấu chống lại lũ hải ly bị dại hay những kẻ thu tiền điện nước mắc dịch. Những người nỗ lực hơn một vài điểm phần trăm và kiên cường chịu đựng lâu hơn một chút sẽ có khả năng chiến thắng tự nhiên cao hơn so với những kẻ có cái nhìn thực tế. Bạn được thừa hưởng khuynh hướng chống lại nghịch cảnh, để có thể giữ được sự lạc quan trong vô vọng.

Nhìn chung thì những ảo giác tích cực này có lợi, nhưng nếu thả rông không kiểm soát, chúng có thể dẫn tới những quyết định và chính sách tồi tệ. Sự tự tin thái quá là một công cụ mạnh mẽ, có khả năng thúc đẩy hành vi và mang tới sự kiên gan khi đối đầu với những khó khăn, bất định trong cả cuộc sống cá nhân lẫn sự tồn vong của các tổ chức hay quốc gia. Tuy nhiên, đôi khi chính trạng thái cảm xúc này lại có thể đột biến thành sự ngạo mạn và tham vọng mù quáng. Lịch sử loài người rải đầy xác chết những nạn nhân, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng, của thiên kiến tự đề cao. Sự tự tin thái quá không thực tế và phi lý vẫn bơi lội trong hệ thần kinh của bạn có thể trở thành một thảm họa, khi bạn lãnh đạo hàng triệu người hoặc đang quản lý sự đầu tư của họ.

Phản ứng được tiến hóa từ tự nhiên này cho phép bộ não đánh lừa và khiến bạn làm những điều có khả năng tối ưu hóa sự sống còn của giống loài, kể cả khi lợi ích này chỉ xuất hiện một vài lần trong quãng thời gian kéo dài qua hàng triệu thế hệ. Trong một tình huống cụ thể, sự tự tin thái quá có thể sẽ không phải là trạng thái tâm lý tốt nhất, và những hành vi xuất phát từ cách nhận định đó có thể sẽ không phải là lựa chọn hợp lý nhất trong bài kiểm tra trắc nghiệm vĩ đại - Cuộc Đời. Mặc dù vậy, khi nó được hòa tan trong hàng tỷ cá thể đang đối mặt với thế giới hiện đại, kết quả trung bình sẽ cho ra con đường tốt nhất để đạt tới mọi mục đích. Nói một cách ngắn gọn, bộ não sẽ chọc ngoáy vào các cảm xúc để khiến bạn phải làm những việc có khả năng dẫn tới thành công.

Nó làm điều này bằng cách khiến cho bạn tưởng rằng bạn nắm rõ tình hình hơn so với thực tế, kể cả trong những bối cảnh mà đó có thể là một sai lầm khủng khiếp. Đôi khi bạn dừng lại, ngẫm nghĩ và khước từ những đề xuất này. Nhưng đôi khi bạn lại làm theo chúng. Như một vài chuyên gia đã chỉ ra, chiến thuật cơ bản này đã trưởng thành từ những cộng đồng nhỏ không có khả năng phòng ngừa nó và cũng không gây ra tác hại gì lớn. Tuy nhiên, xã hội hiện đại lại rất rộng lớn và phức tạp, với các tổ chức chịu trách nhiệm về cuộc sống của rất nhiều người. Bởi vậy Johnson và Fowler đã thêm vào một đoạn kết đáng sợ trong phỏng đoán của họ. Con người được lập trình để trở nên càng tự tin hơn khi họ càng nắm ít thông tin về tình hình trước mắt, bởi vậy bạn sẽ thấy sự tự tin thái quá có sức hủy diệt lớn lao nhất tại những nơi có độ phức tạp và khó lường cao. Những ví dụ mà hai nhà khoa học đưa ra là các chính phủ, các cuộc chiến tranh, thị trường tài chính và những thảm họa tự nhiên.

Nếu bạn muốn thấy tác hại của các ảo giác tích cực trong bối cảnh quen thuộc hơn thì hãy nhìn vào các mạng xã hội. Những tiện ích như Twitter hay Facebook có khả năng khuếch đại mức ảnh hưởng của các khuynh hướng tự nhiên. Bạn sử dụng mạng xã hội để đưa các tiêu chuẩn xã hội tới một tầm cao biểu đạt mới. Đó là một điều hoàn toàn tự nhiên khi con người đạt được khả năng nhìn thấy những thành phố mà họ sẽ không bao giờ tới, hay trò chuyện từ xa với những người mà họ sẽ chẳng bao giờ gặp. Mong muốn nâng cao lòng tự trọng thông qua các ảo giác tích cực là một trong số những yếu tố phổ biến và dễ thấy nhất trên mạng xã hội. Trong những thế giới ảo này, bạn được phép chọn khoe ra và giấu đi điều gì trước con mắt của bàn dân thiên hạ.

Khối lượng sử dụng mạng xã hội hiện tại nghiêng mạnh về những người trẻ tuổi, tuy nhiên mọi người ở tất cả các độ tuổi đều đang sở hữu một cá tính công khai thông qua những kênh truyền thông trên mạng, những dòng cập nhật trạng thái và những trang cá nhân luôn luôn có thể bị biến đổi. Đối với một số người, thế giới ảo đó khiến họ cảm thấy mình là ngôi sao của một chương trình thực tế thu nhỏ. Nếu bạn có những người bạn và họ hàng trẻ tuổi hơn trong luồng cập nhật thông tin, hẳn bạn đã nhận thấy phản ứng thái quá của họ khi chạy theo trào lưu chu mỏ vịt, tăng độ tương phản và chụp lại những tấm ảnh chân dung với chiếc máy ảnh giơ ra một cách gượng gạo. Tất cả đều liên quan tới lòng tự trọng, và động cơ thúc đẩy việc giữ vững lòng tự trọng cao ngất có thể dẫn tới những lựa chọn kỳ lạ.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang dạo bước trong công viên, thưởng thức tiếng ca của một con chim ẩn mình trên tán cây trong khi ngắm nhìn những tia sáng đang nhảy nhót trên mặt hồ. Bỗng bạn nhìn thấy qua khóe mắt một chiếc đèn dầu bằng đồng đang nằm chỏng chơ. Bạn nhặt nó lên, nhận thấy rằng đây là một vật thể có giá trị cao. Đánh bóng lại một chút và biết đâu... Ôi chao! Trong khi bạn đang thử lau chiếc đèn dầu bằng tay áo, một cơn lốc xoáy nhỏ của những hạt bụi nhiệm màu cuốn lấy bạn, và từ trong ngọn khói nghi ngút xuất hiện một ông thần da xanh không chân đang cười rạng rỡ và tỏa ra mùi hương của những chiếc bánh nướng thơm phức.

Ông thần muốn đền ơn bạn vì đã giải thoát ông ta khỏi chiếc đèn bằng việc kỳ cọ nó một cách nhiệt tình. Khá là đáng tiếc, ông thần này chỉ có khả năng ban điều ước theo kiểu chọn phương án. Ông ta cho phép bạn chọn chỉ một trong số bốn phương án được đưa ra: một tháng lương, một cuộc mây mưa không để lại hậu quả với một người bất kỳ do bạn chọn; một bữa ăn thịnh soạn gồm tất cả những món cao lương mỹ vị mà bạn có thể nghĩ ra; hoặc một lời ngợi khen tốt đẹp từ đáy lòng. Bạn sẽ chọn điều gì? Một phiên bản của những lựa chọn trên đã xuất hiện trong một nghiên cứu tâm lý công bố vào năm 2010, được thực hiện bởi Brad Bushman, Scott Moeller và Jennifer Crocker. Như một phần trong loạt thí nghiệm để tìm hiểu về lòng tự trọng, các nhà nghiên cứu đã khảo sát các sinh viên để đánh giá một vài thứ mà người bình thường ham muốn - đồ ăn, tình dục, tiền bạc, tình bạn, lời ngợi khen. Các đối tượng đã được yêu cầu thổ lộ về mức độ ham muốn của mình trước những điều trên. Lựa chọn nào đã chiến thắng? Những lời ngợi khen. Trong nghiên cứu thực hiện với những người ở độ tuổi học cấp ba và đại học, các đối tượng tham gia đã đánh giá việc lòng tự trọng được nâng tầm hấp dẫn hơn thứ mà những người lớn tuổi cho là phần thưởng thực sự. Khi bạn hỏi một người đang trong quãng ¼ đầu tiên của cuộc đời về điều mà anh ta muốn nhận được - tình dục, pizza hay một nhận định tích cực về anh ta- phần lớn sẽ chọn những lời ngợi khen, kể cả khi đối tượng được hỏi đã không được thưởng thức những phương án còn lại trong thời gian dài. Các nhà khoa học cũng nhận thấy từ một nghiên cứu khác rằng, khuynh hướng chọn sự nâng cao lòng tự trọng thay vì những phần thưởng khác sẽ suy giảm dần qua thời gian, nhưng nó sẽ không bao giờ thực sự biến mất.

Một số nhà nghiên cứu, điển hình như nhà tâm lý học Jean Twenge, cho rằng trong thế giới mới này, nơi mà những lời ngợi khen có giá trị cao hơn tình dục và pizza, khi thiên kiến tự đề cao được thả rông và được cho ăn không giới hạn, một trạng thái bình thường mới đã xuất hiện để cho những ảo giác tích cực của một vài thế hệ trở lại đây đột biến trở thành chứng ái kỷ mạnh mẽ. Trong cuốn sách The Narcissism Epidemic (Bệnh dịch ái kỷ), Twenge đã viết rằng các nghiên cứu của bà cho thấy từ giữa những năm 1980, các trường hợp được chẩn đoán mắc chứng ái kỷ ở Mỹ đã tăng nhanh chẳng kém gì chứng béo phì. Bà đã sử dụng bài kiểm tra giống với của các bác sĩ tâm thần trong xác định bệnh nhân mắc chứng ái kỷ và phát hiện ra vào năm 2006, cứ bốn sinh viên Mỹ thì có một người mắc chứng này. Chúng ta đang nói về chứng ái kỷ thực sự, thứ sẽ dẫn tới rối loạn tâm thần. Theo ước tính của Twenge, đây là một xu hướng nguy hiểm, và nó đang có dấu hiệu gia tăng. Theo lời bà, sự tự tin thái quá có nguồn gốc từ chứng ái kỷ sẽ vượt qua lằn ranh, làm vấy bẩn những thứ đáng ra sẽ được cải thiện nhờ vào một liều tự tin vừa đủ. Vượt qua ranh giới đó, bạn sẽ không còn để tâm tới người khác nữa, trở nên thực dụng hơn, bị ám ảnh bởi vị thế của bản thân cùng với việc mất đi sự kiềm chế vốn giữ cho bạn không đánh giá quá cao năng lực của mình trong việc kiểm soát, hay thậm chí là sống sót, khi lâm vào những tình huống nguy hiểm. Trong cuốn sách của mình, Twenge đã liên hệ xu hướng này với sự sụp đổ của thị trường nhà đất vào giữa những năm 2000 và sự gia tăng chóng mặt về số lượng của các chương trình truyền hình thực tế trong cùng thập niên đó. Theo bà, động lực thúc đẩy người ta muốn trở nên nổi tiếng mà không cần làm gì cả đã biến chuyển từ việc phải trở nên kỳ lạ thành chỉ cần theo một công thức có thể đoán trước. Tất cả là nhờ vào một tới hai thế hệ những người được nuôi dạy bởi các bậc phụ huynh thổi phồng lòng tự trọng của con cái họ lên tới trời cao, và rồi thả chúng vào một nền văn hóa tràn ngập những công nghệ mới xuất hiện rất hữu ích cho việc củng cố thiên kiến tự đề cao. Tới thời điểm mà nghiên cứu của Twenge được công bố, các chương trình truyền hình thực tế đã có cả hai thập kỷ tự hoàn thiện mình, và những ngôi sao hiện đại xuất hiện từ các chương trình ấy đã trở thành đại diện cho một phần nhỏ của dân số, những người không chỉ muốn có mặt trong các chương trình đó, mà còn biết rõ bản chất chúng là gì nhưng vẫn muốn tham gia vào. Các nhà sản xuất với kinh nghiệm dày dạn sẽ nắm bắt được ai có khả năng mang tới những chương trình truyền hình giải trí tốt nhất cho hàng triệu người, và rồi họ chọn lọc từ trong nhóm nhỏ đó. Kết quả có được là một thế hệ mới của các ngôi sao nhiễm ảo giác tích cực ở liều cao, và sự tự tin thái quá được tiếp sức từ chứng ái kỷ của lớp trẻ tại Mỹ giờ đây dễ được coi là bình thường hơn.

Khát vọng nhìn vào bản thân như một người tốt hơn so với mức trung bình, có khả năng hơn, tài giỏi hơn, thông minh hơn và xinh đẹp hơn so với thực tế có lẽ đã được cài cắm sâu trong tâm trí bạn như một sản phẩm phụ của hàng triệu năm chiến đấu trước thiên nhiên khắc nghiệt, thứ đã quét sạch 99% tất cả các giống loài từng tung hoành trên hành tinh này. Dẫu sao thì niềm tự tin đó của bạn vẫn phải chịu ảnh hưởng từ một vài thứ khác nữa sau khi bạn chào đời.

Các trải nghiệm trong cuộc sống, đương nhiên rồi, có khả năng củng cố hoặc kiềm chế những cảm xúc này. Lựa chọn của bố mẹ trong việc nuôi dưỡng bạn cũng là một yếu tố rất quan trọng. Thái độ chung của thế hệ cũng có ảnh hưởng không nhỏ lên thiên kiến tự đề cao của bạn. Ví dụ, cô gái được nuôi dưỡng trong trại mồ côi vào năm 1850 và cô gái lớn lên ở những năm 2000 đang tranh tài trong môn thể dục dụng cụ có lẽ sẽ sử dụng những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống để đánh giá lòng tự trọng của bản thân. Bên ngoài tất cả những yếu tố trên, môi trường văn hóa mà trong đó bạn sống và phát triển cũng gây ảnh hưởng vô cùng lớn. Vào khoảng cuối thế kỷ XX ở Mỹ, chủ nghĩa cá nhân và tự lực đã được cắm rễ sâu trong tâm thức mỗi người dân, trong khi đó, ở Nhật Bản cùng thời kỳ đó, hầu hết mọi người đều coi trọng sự tương hỗ và những mối quan hệ cộng đồng. Các nghiên cứu văn hóa chéo của các nhà tâm lý học Hazel Markus và Shinobu Kitayama vào khoảng những năm 1990 đã cho thấy, rất nhiều nền văn hóa Á châu tích cực kiềm chế những ham muốn tự đề cao. Theo hai nhà khoa học này nhận định, khái niệm của phương Tây “bánh xe kêu to sẽ được bôi dầu”71 được nhìn qua con mắt của người Á Đông sẽ là “chiếc đinh lồi lên sẽ bị đóng xuống”72. Như họ đã chỉ ra, người Mỹ có những kỹ thuật động viên bản thân như nhìn vào gương và tự nói với mình “Tôi thật đẹp” một trăm lần trước khi ra khỏi nhà. Trong khi đó ở Nhật, các công nhân viên chức sẵn sàng nắm tay và khen ngợi đồng nghiệp, rằng họ thật đẹp. Markus và Kitayama đã chỉ ra rằng, trong những nền văn hóa như vậy, con người ta có xu hướng trở nên tự tin sau một loạt những thất bại hơn so với việc thành công dễ dàng ngay sau lần thử đầu tiên. Lòng tự trọng tại đây xuất phát từ việc tự đặt mình vào và cống hiến cho sức mạnh tập thể. Một người trong nền văn hóa như vậy, theo nhận định của các nhà khoa học, sẽ không cảm thấy nỗi đau đớn của sự thất vọng, kể cả khi những thành tựu cá nhân không bao giờ khiến họ nổi bật lên, hay mang về những lời ngợi khen và sự nổi tiếng cho riêng họ. Sự bất bình trong mắt người khác có sức nặng lớn hơn nhiều so với những lời ngợi khen, bởi vì lời ngợi khen không thực sự đáng tin cậy, và cũng không mấy khi là thành thực. Theo lời của Markus và Kitayama: “Những người đặt xã hội trước bản thân cá nhân mình sẽ không tự nhận mình tốt hơn những người khác”, và họ sẽ cảm thấy khó chịu nếu cảm giác về sự ưu trội manh nha xuất hiện trong đầu họ. Có lẽ bạn cũng đã nhận thấy những chiếc bóng của thái độ Á Đông này trong nền văn hóa phương Tây. Những phong trào tiểu văn hóa và các chiến dịch chính trị thường xuyên tán dương các chuẩn mực đạo đức có khả năng dẫn tới sự hình thành của các hội nhóm và sự sở hữu cộng đồng, trùng khớp với cảm giác kìm nén sự tự đề cao, thay vào đó tập trung hơn vào sự tương hỗ. Những người sống trong các phong trào tiểu văn hóa này thậm chí có thể tiếp nhận và thực hiện theo một vài quan điểm triết học và tôn giáo của các Cộng đồng phương Đông. Tương tự như thế, những phong trào đối nghịch cũng đưa ra những quan điểm mới, đề cao chủ nghĩa cá nhân và tự do cho mỗi người, tới mức khiến cho cảm giác tự đề cao được kích thích và khuếch đại lên nhiều lần.

Một thế kỷ của những dữ liệu thí nghiệm đã chỉ ra một sự thật trung tâm về những trải nghiệm và hành vi hàng ngày của bạn: Bạn đầu tư rất nhiều để xây dựng sự tự tin. Mức tự trọng cơ bản của bạn càng cao thì bạn càng cố gắng để bảo vệ nó. Nó trồi sụt như thủy triều mỗi ngày và cứ như vậy trong suốt cuộc đời, nhưng một cảm giác chung cho thấy mình có khả năng đương đầu trước thế giới đã luôn tiếp sức cho bạn. Bạn cảm thấy mình có hiệu quả. Bạn tin rằng mình có khả năng kiểm soát phần nào môi trường xung quanh. Bạn cảm thấy như thể mình có nhiều lựa chọn, và những lựa chọn này có thể khiến cho cuộc sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Các nhà tâm lý học gọi cảm giác về sự kiểm soát vận mệnh của chính mình là tính tự hiệu lực (self-efficacy). Nhà tâm lý học nổi tiếng B. F. Skinner đã nói, nhân cách cốt lõi của bạn được phát triển từ những thí nghiệm khoa học tí hon mà bạn thực hiện trong suốt thời thơ ấu của mình. Ông nhận thấy một hình mẫu trong hành vi mà ông gọi là các phản ứng và các nhân tố gia cường. Hãy tưởng tượng bạn là một đứa trẻ chơi piano trong một bữa tiệc và mọi người đổ vào phòng để lắng nghe, sau đó tất cả cùng vỗ tay, cười nói và ca tụng bạn. Skinner cho rằng tình huống như vậy sẽ cộng thêm điểm vào cảm giác tự hiệu lực của bạn. Bạn có thể sẽ thử thực hiện lại màn trình diễn đó vào một dịp tương tự trong tương lai, và nếu nó lại thành công, bạn sẽ thêm nó vào cái túi chứa những mánh mà bạn có thể sử dụng để thu hút sự chú ý. Qua thời gian, Skinner tin rằng bạn sẽ học được một loạt những tình huống và hành vi có thể giúp bạn được chú ý và khen ngợi, hay nhận được những sự tưởng thưởng nào đó khác, thế là bạn sẽ bắt đầu tìm cách tự đặt mình vào những tình huống đó khi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Bạn xây dựng nên cảm giác tự tin trong những hành động và tình huống mà bạn tin chắc có thể mang lại lợi ích, hay theo như cách mà Skinner định nghĩa, những nhân tố gia cường. Theo ông, đây là lý do tại sao bạn lại quyết định bỏ qua một số buổi tụ tập, trong khi cố gắng tham gia những buổi khác. Đây cũng là lý do tại sao bạn có thể nhanh chóng làm thân với một số người, nhưng có những kẻ lại khiến bạn mất hứng chỉ trong vòng vài giây. Bạn có xu hướng bảo vệ quả bong bóng mà bạn đã tạo nên và xây dựng trong cả cuộc đời mình - quả bong bóng của những ảo giác tích cực có thể khiến bạn cảm thấy thỏa mãn về bản thân. Những kinh nghiệm tuyệt vời đó len lỏi vào cảm giác về sự kiểm soát và thái độ của bạn khi gặp phải những vấn đề không quen thuộc. Lòng tự trọng và cảm giác tự hiệu lực hoạt động cùng nhau để kéo bạn khỏi chiếc giường mỗi sáng, giữ cho bạn có thể đương đầu trước những sự trừng phạt của thế giới đầy khắc nghiệt.

Những nghiên cứu về sự tự đề cao cho thấy, không có một mức tự tin chung cho tất cả loài người. Thay vào đó, con người tạo ra một khoảng rộng những định kiến vô cùng phức tạp, đầy sắc thái về năng lực và giá trị của bản thân họ. Giống như hầu hết các khía cạnh khác của tâm trí, có hàng tá những ví dụ cho điều này ngoài đời thực, và bạn sẽ rơi vào một trong những trường hợp đó. Nhưng hầu hết mọi người đều tự nhận định bản thân ở trên trung bình một chút. Và khả năng cao là bạn cũng sẽ nhận định tương tự khi nói về những đặc điểm không rõ ràng, nhưng đáng trân trọng của bản ngã con người, bất kể bạn cho chúng là gì đi chăng nữa. Ý kiến của bạn về những thứ tạo nên một con người trên mức trung bình, có những khí chất đáng thèm muốn chịu ảnh hưởng sâu rộng bởi văn hóa và thế hệ mà bạn sống, những chế độ thiết lập sẵn trong bộ phận so-sánh-với-người-khác của bạn có vẻ được cài đặt ở điểm cao hơn một chút so với mức trung bình. Nắm được điều này, bạn có thể dự đoán được cách mà bạn và những người khác sẽ giải quyết các vấn đề khó khăn phức tạp, và có thể bạn sẽ tìm ra được những kết luận bớt ngu ngơ, phát triển ra được những kế hoạch hành động không khờ khạo. Hãy biết rằng chỉ những người có thể chiến thắng trước mọi nghịch cảnh, những người kiên cường đứng dậy sau khi bị quật ngã hết lần này tới lần khác, cuối cùng chính là những người duy nhất còn lại để bạn có thể so sánh với bản thân. Đó sẽ là những người kể lại câu chuyện truyền cảm hứng về cách họ vượt qua số phận và không bao giờ chịu đầu hàng trước sự nghi ngờ. Những người khác, những kẻ đã thử và thất bại, những kẻ tạo nên đa số thực sự - họ chẳng bao giờ được mời tới diễn thuyết trong những buổi bế giảng cả.

Khối ảo tưởng khổng lồ này là một mánh lới có lợi về mặt tiến hóa cho loài người. Việc tồn tại như một cá nhân bay qua không gian trên một hòn đá đầy thù địch và chỉ có một ít bạn bè là rất khó. Kể cả khi bạn may mắn sống trong một đất nước giàu có, dân trí cao, công nghiệp phát triển trong thế kỷ XXI, được sinh ra trong một gia đình sống trên mức nghèo khổ. Ở vị trí đó, bạn như một ông hoàng khi so với hàng tỷ những con người kém may mắn hơn. Nếu bạn đang được sống trong một nơi tuyệt vời như vậy, hãy nghĩ lại về tất cả những lời phàn nàn, những nỗi buồn đau mà bạn từng cảm nhận hay chứng kiến. Vực thẳm giữa những thứ bạn muốn và những thứ bạn có, sự mất mát người thân đột ngột, khao khát tình yêu và nỗi đau khi nó không được đáp lại - bất kể bạn sống trong hoàn cảnh sung sướng đến thế nào, bạn cũng từng rơi những giọt nước mắt. Rõ ràng, việc sở hữu một bộ não không phải là điều dễ dàng gì. Để nhận ra được chúng ta đã làm tốt tới đâu khi đối mặt với vô vàn những khó khăn, bất kể là thật hay tưởng tượng, cũng là minh chứng cho sự kỳ quặc trong quá trình theo đuổi hạnh phúc và hoàn thiện bản thân của chúng ta. Thiên kiến tự đề cao và tất cả những ảo giác tích cực có khả năng làm dịu đi những thử thách mà rất nhiều người trên hành tinh này đang phải chịu đựng, vật lộn với sự nghèo khổ và chiến tranh, đói kém và bệnh tật. Ở Phnom Penh và ở Calcutta có những đống rác chất cao như những dãy núi tí hon, và ngày qua ngày, hàng đàn trẻ sẽ tụ tập lại để nhặt lượm những thứ rác rưởi rơi vãi ra từ xe thu gom. Những đứa trẻ này lượm nhặt cả ngày, thường là không có cả giày dép mà đi, hít vào thứ khói bốc lên từ những lò đốt rác gần đó. Trên thế giới còn có những nơi mà ngay vào lúc này, người ta bước ra đường đi làm và lo lắng về những tay súng bắn tỉa và những kẻ đánh bom liều chết. Ở nhiều nơi nước uống có màu nâu, và con người không được ăn đủ ba bữa một ngày.

Xuyên suốt lịch sử nhân loại, đã luôn có những khoảng thời gian mà loài người phải chịu đựng gánh nặng kinh khủng và lội qua thứ tưởng chừng như là khổ cảnh cùng cực. Từ những trại tập trung cho tới những cuộc hành quân chết chóc, từ dịch bệnh tới chiến tranh, những người có trí óc với cấu tạo về căn bản là giống y như bạn đã phải chịu đựng và sống sót qua những sự kiện đáng sợ. Cũng như vậy, bạn sở hữu chung một thứ đầy tuyệt vời với những người hàng ngày sống dưới trướng của sự áp bức. Nếu bạn bị nhổ bật ra khỏi nơi ở thoải mái hiện tại và chịu chung số phận với họ, nếu lý trí của bạn phải chịu những thử thách cam go mà những người đi trước đã trải qua, một hằng số chắc chắn sẽ không đổi: Bạn sẽ kiên cường. Bạn sẽ không bỏ cuộc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3