Bản Đồ Tư Duy Trong Công Việc - Chương 05
Bất kỳ những ai đã từng tham gia khâu lựa chọn nhân viên cho công ty sẽ thấy rằng việc phải xem xét hàng đống CV là rất nhàm chán. Vì vậy, những người thông minh, sáng tạo, chịu khó bỏ thời gian và công sức để giới thiệu về mình một cách tinh tế và giàu trí tưởng tượng sẽ thực sự nổi bật.
Vẽ Bản đồ Tư duy cho CV sẽ giúp bạn lên kế hoạch cho một bản CV nổi trội. Nó sẽ giúp bạn nhớ được nội dung bản CV, và tạo điều kiện thuận lợi cho bạn trong vòng phỏng vấn khi bạn nói về những năng lực bản thân có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Tùy vào tổ chức mà bạn đăng ký tuyển dụng, bạn có thể gửi cả bản Bản đồ Tư duy CV kèm theo bản CV thông thường. Một bản Bản đồ Tư duy được vẽ đẹp mắt và màu sắc phong phú sẽ có sức thuyết phục rất lớn trong việc thể hiện cá tính của bạn. Nó sẽ là bản bản đồ chi tiết được trình bày chu đáo về cá tính và nguyện vọng của bạn, chỉ trên một trang giấy. Ngoài ra, nó sẽ giúp bạn nổi bật lên như một cá tính sáng tạo, không hề ngần ngại khi thực hiện những bước đi mới mẻ. Bất kỳ một doanh nghiệp tiên tiến và có kinh nghiệm đều muốn tuyển chọn cho mình những nhân viên có phẩm chất và năng lực như vậy.
VẼ SƠ ĐỒ TƯ DUY CHO BẢN CV CỦA BẠN:
1. Hãy bắt đầu với hình ảnh của bạn ở trung tâm. Bạn có thể sử dụng ảnh chụp, hình vẽ phác thảo hoặc vẽ tay.
2. Vẽ các nhánh lớn và đề "kỹ năng", "kinh nghiệm", "trình độ văn hoá", và "sở thích".
3. Dưới mỗi tiêu đề đó, hãy khai thác sâu hơn bằng cách vẽ thêm những nhánh nhỏ. Chẳng hạn, với tiêu đề "kỹ năng", bạn có thể vẽ các nhánh để thể hiện cho các kỹ năng "lái xe", "đánh máy", "tốc ký", và "tiếng Pháp".
4. Hãy khai thác các nhánh nhỏ bằng những nhánh nhỏ hơn nữa. Chẳng hạn, từ nhánh kỹ năng "đánh máy" hãy vẽ thêm nhánh về tốc độ đánh máy mà bạn có thể đạt được hay dưới nhánh "tiếng Pháp” hãy viết cụ thể hơn về trình độ tiếng Pháp của bạn như "đàm thoại" hay "lưu loát". Hãy nhớ quy tắc một từ một nhánh và đừng đi quá sâu vào các chi tiết vụn vặt. Trong giai đoạn này, mục đích của bạn chỉ đơn giản là giới thiệu bản thân thật ấn tượng và sắc sảo.
5. Hãy vẽ trên Bản đồ Tư duy của bạn. Trừ phi bạn thực sự có khả năng hội họa, còn không nếu bạn muốn gửi bản Bản đồ Tư duy tới nhà tuyển dụng tương lai, mà lại muốn các hình vẽ của mình chuyên nghiệp hơn những bản vẽ tay, thì bạn có thể sử dụng một số phần mềm Bản đồ Tư duy như phần mềm "Mind Genius" để tái tạo lại bản Bản đồ Tư duy vẽ tay của mình.
Sắp xếp thời gian với Bản đồ Tư duy
Chức năng sắp xếp thời gian là một trong những chức năng quan trọng nhất của Bản đồ Tư duy tại công sở. Những vấn đề phổ biến thường gặp trong quá trình sắp xếp thời gian là:
• Các bước và cấu trúc của công việc chính cần hoàn thành thường bị những danh sách kế hoạch làm cho không rõ ràng;
• Quá đề cao những kế hoạch ngắn hạn;
• Thất bại trong việc xác định công việc cần ưu tiên;
• “Chữa cháy” – xử lý những vấn đề tức thời hơn là những vấn đề mang tính chất lâu dài;
• Phương pháp tiếp cận vấn đề không toàn diện, dẫn tới việc bỏ sót những yếu tố quan trọng hoặc những nhân tố có thể giúp kế hoạch của bạn thành công.
Bản đồ Tư duy sẽ giúp bạn tránh những lỗi trên, đem lại cho bạn một bức tranh bao quát, để bạn có thể có một tầm nhìn ngắn và dài hạn.
Chúng cũng cung cấp một bức tranh hài hòa bao gồm tất cả những yếu tố vi mô và vĩ mô trong một cấu trúc tổng thể. Vì có cấu trúc hài hoà này, Bản đồ Tư duy sẽ giúp bạn đưa ra những lựa chọn đúng đắn hơn khi phải xác định những công việc cần ưu tiên hay thực hiện kế hoạch hành động.
Ngoài ra, nhờ có cấu trúc gắn liền với sự liên tưởng và logic của tư duy, Bản đồ Tư duy sẽ tự động xác định những lĩnh vực cần phải được đưa vào kế hoạch, và do đó sẽ hạn chế tối đa việc bỏ sót những yếu tố quan trọng trong bản kế hoạch.
Sử dụng thời gian một cách hợp lý giúp bạn tổ chức cuộc sống tốt hơn, bạn có thời gian dành cho những hoạt động cần ưu tiên hoặc các cuộc họp. Quản lý thời gian hiệu quả sẽ đem lại kết quả là bạn có đủ thời gian để làm việc và cảm thấy thoải mái khi đương đầu với những công việc đột xuất nếu chúng ập đến. Với cách này, bạn sẽ bớt căng thẳng hoặc sợ hãi trong công việc.
Lập thời gian biểu
Dường như nhịp sống ngày nay đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và con người ngày càng có nhu cầu sử dụng thời gian hợp lý, do đó bạn rất có thể sẽ gặp khó khăn khi lập một thời gian biểu quá tải.
Nếu bạn lập một thời gian biểu quá chi tiết cho từng tiếng đồng hồ của một ngày, thì điều đó có nghĩa là bạn đang tự lừa dối mình với kế hoạch khó thực hiện và bạn sẽ thấy bản thân không còn thời gian cho những công việc yêu thích. Bộ não sẽ chỉ đưa ra những ý tưởng sáng tạo nhất khi nó được nghỉ ngơi và thư giãn, tuy nhiên nếu bạn chỉ sắp xếp hết cuộc hẹn này đến cuộc họp khác, bạn sẽ chẳng bao giờ đưa ra được cả những ý tưởng độc đáo.
Thay vì phải đối mặt với chuỗi dài vô tận các cuộc họp và công việc, bạn có thể sử dụng Bản đồ Tư duy làm công cụ quản lý thời gian chủ yếu để giúp bạn quản lý thời gian cả trên tầm vĩ mô lẫn vi mô – hay, trong tương lai xa và tương lai gần.
Sử dụng công cụ này sẽ giúp bạn tập trung vào những vấn đề cần ưu tiên và không phải chịu áp lực khi có quá nhiều công việc.
Thiết kế bài giảng với Bản đồ Tư duy
Tom là một giáo viên của một trường cấp 2 tại Lancaster. Anh sử dụng Bản đồ Tư duy để kiểm tra kiến thức của học sinh và thiết kế bài giảng như sau:
"Tôi được giới thiệu về Bản đồ Tư duy từ nhiều năm trước. Tuy nhiên vào năm ngoái, tôi quyết định sử dụng chúng trong các hoạt động vào bài. Thí nghiệm của tôi đã rất thành công và từ đó đến giờ, tôi đã sử dụng chúng để dạy học sinh của mình.
"Giờ đây, mỗi lần bắt đầu một chủ đề mới, tôi đều yêu cầu học sinh ghi các từ khóa của chủ đề vào giữa một tờ giấy trắng và từ đó vẽ các nhánh với những từ liên quan để chi tiết hóa những ý tưởng, kiến thức và sự hiểu biết của các em về chủ đề. Vẽ Bản đồ Tư duy là một quá trình dễ làm nhưng cũng đầy thử thách, và tôi thấy là các em học sinh rất thích thú với quá trình đó cũng như khi các em hăng hái cùng nhau đóng góp ý kiến về một vấn đề.
"Ngoài ra, Bản đồ Tư duy của các em cũng giúp tôi dạy học hiệu quả hơn: tôi có thể nắm được học lực của các em và hiểu được chủ đề qua mỗi Bản đồ Tư duy và chỉ ra những lỗi hiểu sai nếu có. Điều này có nghĩa là tôi có thể thiết kế bài giảng để đáp ứng nhu cầu riêng của từng lớp học. Bản đồ Tư duy giúp công việc giảng dạy của tôi thuận lợi hơn và cũng giúp tôi dễ dàng trở thành một giáo viên giỏi."
Tiết kiệm thời gian với Bản đồ Tư duy: từ quan điểm của một chuyên gia
Jeffrey Mayer, chuyên gia về quản lý thời gian và là tác giả của cuốn Time Management for Dummies (Quản lý thời gian dành cho những kẻ ngốc ngếch) , đã từng là một chuyên gia chỉ quen ghi chép đơn thuần. Giờ đây, khi đã nhận ra Bản đồ Tư duy có thể giúp chúng ta liên kết giữa tư duy và ý tưởng, anh ấy đã trở thành một người chuyên sử dụng Bản đồ Tư duy.
Anh cho biết Bản đồ Tư duy đã làm hiệu quả công việc của anh tăng và anh sử dụng Bản đồ Tư duy trong mọi công việc từ ghi chép trong các cuộc họp đến việc sắp xếp tài liệu để xuất bản. Chính anh đã nói:
"Bản đồ Tư duy giúp tôi thực hiện những công việc mà trước đây tôi thường phải mất hàng giờ, có khi mất nhiều ngày chỉ trong vài phút."
Anh cũng giúp khách hàng của mình học cách lập Bản đồ Tư duy và kết quả là họ đã rất hài lòng khi công việc hoàn thành đúng thời hạn và hiệu quả cao.
Quản lý thời gian cấp vĩ mô: Bản đồ Tư duy cho kế hoạch năm sau.
Trước khi bắt đầu, bạn nên xem xét lại quá trình làm việc trong 12 tháng trước bằng Bản đồ Tư duy, bao gồm cả những sự kiện chính và những thành công, cả ở khía cạnh cá nhân lẫn chuyên môn. Đây là một quá trình có ích, thú vị và sẽ đem lại cho bạn nhiều phản hồi tích cực. Quá trình này cũng rất nhẹ nhàng vì nó giúp bạn có khoảng thời gian nhìn nhận lại những gì bạn đã trải qua.
Sau khi đã tổng kết lại kinh nghiệm trong một năm, bạn sẽ sử dụng chúng để làm bàn đạp cho những kế hoạch trong năm tới.
Lập Bản đồ Tư duy cho những mục tiêu của 12 tháng sắp tới – bao gồm cả mục tiêu sức khỏe và phát triển cá nhân, cũng như việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy lập Bản đồ cho một năm lý tưởng, kết hợp bởi tất cả các yếu tố đó. Khi dành thời gian cân nhắc về những điều bạn muốn đạt được trong năm tới, bạn sẽ lên được chương trình của mình – bao gồm cả một khoảng trống cho những sự kiện không có trong dự kiến. Bằng cách này bạn sẽ không phải chịu đựng sự mệt mỏi, và sẽ có được sự thỏa mãn khi đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Khi đã xác định được cấu trúc vĩ mô cho dự định của mình, bạn có thể dễ dàng chuẩn bị lập Bản đồ Tư duy cho từng tuần và từng tháng sắp tới, cùng với những dự án cụ thể mà bạn chắc chắn sẽ được đưa ra.
Quản lý thời gian cấp vi mô: Bản đồ Tư duy cho tuần sắp tới
Việc dành thời gian lập Bản đồ Tư duy cho tuần sắp tới để tránh bị gây áp lực bởi những đòi hỏi cấp bách đối với thời gian biểu của bạn luôn có ích.
Nếu bạn tạo được cho mình thói quen lập Bản đồ Tư duy cho những tuần sắp tới, bạn cũng sẽ quen với việc dự tính kế hoạch ngay cho mỗi ngày sắp tới và những gì bạn có thể đạt được trong mỗi ngày đó. Những hạn chế của các công cụ lên kế hoạch, đặc biệt là những công cụ điện tử là chúng chỉ tập trung vào ngày hiện tại. Với Bản đồ Tư duy, bạn sẽ có tầm nhìn tổng thể hơn và tập trung được rõ ràng hơn vào những mục tiêu vừa hơn là chỉ tập trung vào 8 tiếng đồng hồ sắp tới.
Bản đồ Tư duy cho tuần sắp tới cũng có một lợi ích nữa là nó kết hợp được những công việc cần ưu tiên trong cuộc sống ngoài công việc của bạn, vì vậy sức khỏe của bạn và các sự kiện quan trọng, lễ kỷ niệm và những dự định cá nhân không bị xem nhẹ khi các tuần trôi qua.
Trong một tuần, chẳng hạn, bạn có thể sẽ có một vài dự định trong đầu. Và nếu bạn lập một danh sách theo gạch đầu dòng, thì trông nó sẽ tương tự như sau:
• Sinh nhật bạn gái: thứ Ba.
• Dự tiệc: tối thứ Năm.
• Thuyết trình cho khách hàng: sáng thứ Sáu.
• Phỏng vấn tuyển nhân viên: chiều thứ Ba, sáng thứ Tư.
• Hạn chuẩn bị cho bài thuyết trình: chiều thứ Năm.
• Đón mèo từ phòng khám thú y: sáng thứ Hai.
• Mua thiếp và quà tặng bạn gái: trưa thứ Hai.
• Đến phòng khám răng: trưa thứ Tư.
• Họp nhóm: sáng thứ Hai.
Trong trường hợp này, nếu bạn vẽ một Bản đồ Tư duy, bạn sẽ thấy việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân dễ dàng hơn là khi bạn cứ gắng lập một danh sách máy móc. Hãy xem bản Bản đồ Tư duy màu sắc để lấy ý tưởng lập Bản đồ Tư duy cho tuần sắp tới của chính bạn.
Dù bạn đã nhớ rõ trong đầu thứ Ba là Sinh nhật của bạn gái bạn, nhưng nếu bạn chưa lên lịch để đi mua thiếp và quà tặng cô ấy vào thứ Hai, cô ấy sẽ không vui chút nào khi bạn đến tay không vào đúng ngày quan trọng đó. Nhưng nếu bạn sử dụng Bản đồ Tư duy, nó sẽ tập trung trí óc của bạn vào việc kết nối các sự kiện với nhau. Chẳng hạn, bạn muốn đặt trước một bàn ăn tại nhà hàng để mời bạn gái đi ăn tối vào sinh nhật cô ấy, Bản đồ Tư duy ghi nhớ dễ dàng.
Tương tự, bạn có rất nhiều công việc sắp đến thời hạn hoàn thành trong tuần tới và các yếu tố khác nhau của công việc cứ làm bạn rối tung cả lên. Sử dụng Bản đồ Tư duy sẽ giúp bạn sắp xếp khối lượng công việc và như vậy sẽ không công việc nào bị bỏ quên. Thêm vào đó, vẽ Bản đồ Tư duy hàng tuần sẽ nhắc bạn về những Bản đồ Tư duy khác mà bạn phải lập, chẳng hạn như bản Bản đồ cho các câu hỏi mà bạn sẽ hỏi các ứng viên trong cuộc phỏng vấn vào ngày thứ Ba và thứ Tư.
Trí nhớ tốt giúp lên kế hoạch tốt
Ghi nhớ những gì bạn đã lên kế hoạch cũng không kém phần quan trọng so với việc sắp xếp thời gian hay tổ chức một dự án. Không phải lúc nào bạn cũng có thể lập ngay một Bản đồ Tư duy, chẳng hạn như trong một cuộc phỏng vấn hoặc một cuộc họp bất thường với sự có mặt của giám đốc của bạn, khi ấy sẽ rất có ích nếu bạn luôn có sẵn thông tin trong đầu. Có kiến thức sẽ giúp bạn tự tin: nếu bạn tự tin với khả năng của mình, những người khác sẽ tin tưởng vào bạn.
Tin tốt lành là Bản đồ Tư duy không chỉ giúp bạn tổ chức bản thân và tư duy của bạn mà còn giúp bạn nhớ lâu những gì cần phải nhớ. Điều này là do hoạt động vẽ Bản đồ Tư duy giúp bạn tăng cường khả năng nhớ.
Trong nhiều năm, người ta đã quan niệm sai lầm rằng khả năng của trí nhớ là có giới hạn, cũng tương tự như một chiếc đĩa máy tính hay một ổ cứng. Tuy nhiên, một điều đã được làm sáng tỏ là trí nhớ của bạn càng được tập luyện, bạn sẽ càng có khả năng nhớ tốt hơn.
Não bộ của con người có thể thực hiện tới 100 tỷ kết nối giữa hàng triệu nơron thần kinh. Mỗi kết nối đều có thể là một phần của trí nhớ – có bằng chứng rõ ràng rằng tiềm năng bộ nhớ của con người là vô hạn. Khó khăn duy nhất của chúng ta là làm sao có thể nạp khối lượng thông tin đó vào bộ nhớ bằng cách đúng nhất. Để hiểu được điều đó chúng ta cần nhận thức là trí nhớ dựa trên hai nguyên tắc rất đơn giản và sâu sắc:
Tưởng tượng và Liên kết
Đây là hai nền móng cơ sở của Bản đồ Tư duy, liên quan đến việc kết hợp sử dụng màu sắc, hình ảnh, những từ đơn và những nhánh liên kết với nhau. Phương pháp ghi chép truyền thống đã khiến chúng ta gạt sang một bên hai nguyên tắc vô cùng hữu hiệu này. Tuy nhiên, cùng với việc nhận thức rằng tưởng tượng và liên kết chính là động lực dẫn đến thành công trong bất kỳ công việc nào không ngừng được nâng cao, thì vai trò của những kỹ năng này cũng không ngừng được chú trọng.
Phát triển trí nhớ của bạn
Những câu sau đây liên quan đến vấn đề học tập và khả năng ghi nhớ, hãy đọc và xét xem trường hợp của bạn giống với những câu nào:
"Tôi học tốt hơn nếu cứ mỗi tiếng lại được nghỉ một lần."
"Tôi học hiệu quả hơn nếu những điều tôi học luôn được lặp đi lặp lại."
"Tôi học nhiều hơn về những điều nổi bật hoặc độc đáo."
"Tôi học ít hơn ở giữa mỗi tiết học."
"Tôi học nhiều hơn vào đầu hoặc cuối tiết học."
"Tôi học hiệu quả hơn nếu các vấn đề có sự liên kết với nhau."
Nếu bạn suy ngẫm về những điều mình thấy đúng với kinh nghiệm của bản thân, nó sẽ đem lại cho bạn một vài ý tưởng về cách để phát triển khả năng nhớ của bạn. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ là rất nhiều người trong giới kinh doanh tỏ ra e ngại trước việc tăng hiệu quả hoạt động của trí nhớ, và họ thường nghiêng về sử dụng những phương pháp ghi nhớ truyền thống vẫn thường sử dụng từ hồi còn đi học.
Thi cử để phát triển sự nghiệp
Nhiều công ty đòi hỏi bạn phải trải qua các kỳ thi để được cất nhắc hay để được giữ lại làm việc. Phần lớn các công ty muốn nhân viên của mình ôn tập cho những kỳ thi này ngoài giờ làm việc, do đó, việc lên kế hoạch ôn tập là rất cần thiết để có thể thành công.
Một vấn đề quan trọng khi ôn thi là quá trình này có thể cực kỳ buồn tẻ, đặc biệt là khi bạn đã mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Phần lớn các tài liệu phục vụ bài giảng hoặc bản ghi chép ôn tập là những văn bản màu đen trên nền giấy trắng. Thiếu màu sắc và hình ảnh sẽ làm não bạn khó tập trung dẫn đến trí nhớ của bạn sẽ bị hạn chế.
Làm cho câu trả lời xuất hiện như một bức tranh với Bản đồ Tư duy
Tiến sĩ Reenee Barton, một nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em tại London, đã đi thi trong hơn 20 năm. Bản đồ Tư duy đã tạo nên một cuộc cách mạng trong khả năng nhớ sự kiện của bà:
"Là một tiến sỹ, tôi cần phải tiếp tục thi đỗ nếu muốn đăng ký vào những vị tri cao hơn, và tôi phải ôn tập cho những kỳ thi này giữa những giờ làm việc dài. Bản đồ Tư duy rất hữu ích cho quá trình ôn tập của tôi. Trí nhớ của tôi nghiêng về hình ảnh, nên tôi thấy lập Bản đồ Tư duy là một phương pháp học kích thích và gợi mở hơn rất nhiều, nhất là sau khi trải qua một ngày làm việc dài mệt mỏi.
Tái hiện và ghi nhớ bằng Bản đồ Tư duy dễ dàng hơn nhiều so với một danh sách những sự kiện khô khan. Chúng giúp tôi nhớ lại thông tin không phải theo trình tự tuyến tính. Điều này rất cần thiết khi tôi phải viết những bài thi luận đòi hỏi sự sáng tạo. Thay vì hoảng hốt gọi lại thông tin từ đáy trí nhớ một cách mù quáng, tôi thấy mình có thể hình dung lại Bản đồ Tư duy và những thông tin trên đó. Cho đến nay, tôi đã đỗ tất cả các kỳ thi cao học tôi từng tham gia. Rõ ràng Bản đồ Tư duy đã giúp tôi ôn tập hiệu quả hơn sau giờ làm việc và trong quá trình thăng tiến của tôi."
Bản đồ Tư duy là công cụ hiệu quả số 1 để ôn tập và chuẩn bị cho thi cử vì cách chúng sử dụng màu sắc, hình ảnh và liên kết đặc biệt tương thích với các nguyên lý của trí nhớ là tưởng tượng và liên kết. Chúng cũng cho phép bạn thực sự ôn tập tất cả những vấn đề từng học – và chỉ trên một tờ giấy hay vì hàng trăm phiếu hoặc trang ghi chép riêng lẻ.
Trong chính kỳ thi, Bản đồ Tư duy có thể xuất hiện như một phép màu trên màn hình bên trong của bộ não của bạn, cho phép bạn tiếp cận thông tin mình đã học như thể đang trở lại quá trình học của mình với tất cả thông tin ngay trước mặt.
Đây đã liên tục được chứng tỏ là phương pháp hiệu quả nhất để chuẩn bị cho thi cử.
Tránh nhớ nhầm
Mặc dù kế hoạch rất tốt, đôi khi trong những thời điểm quan trọng nhất chúng ta lại hay bị nhầm lẫn. Nếu bạn đã làm việc quá sức, bộ não của bạn có thể quên những điều đơn giản nhất.
Những gợi ý dưới đây có thể được kết hợp với Bản đồ Tư duy của bạn, giúp cho việc hồi cố những thông tin quan trọng dễ dàng hơn.
HIỆU ỨNG VON RESTORFF
Vào năm 1933, nhà tâm lý học Hewig von Restorff công bố một nghiên cứu tiết lộ rằng chúng ta có thiên hướng ghi nhớ một thông tin trong một danh sách nếu nó nổi bật. Chẳng hạn, nếu bạn có một danh sách các số, và ở giữa có một chữ cái, nhiều khả năng bạn sẽ nhớ chữ cái đó – đơn giản bởi vì nó khác với tất cả những thông tin còn lại trên danh sách. Hiện tượng này được gọi là Hiệu ứng Von Restorff.
Theo cách này, bạn có thể giúp chính mình ghi nhớ thông tin bằng cách khiến nó trở nên kỳ quái hoặc lố bịch. Như thế, nó sẽ nổi bật trong trí nhớ của bạn. Nếu bạn nghịch ngợm và thấy việc sử dụng trí nhớ của mình như vậy rất vui, chính bạn sẽ phải ngạc nhiên về những thứ bạn có thể ghi nhớ.
HÃY "CHỤP ẢNH" NÓ
Một trong những cách dễ nhất để ghi nhớ là thông qua sự hình dung và hình ảnh. Việc này kích thích bán cầu não phải, do đó giúp cả bộ não ghi nhớ. Điều này cũng khiến việc sử dụng trí nhớ trở nên thú vị và hưng phấn hơn, thay vì đơn thuần là một bài kiểm tra buồn tẻ.
Những bức tranh sặc sỡ dễ nhớ hơn từ ngữ, và bạn có thể nhớ được bất cứ thứ gì bằng cách liên hệ nó với một hình ảnh sống động. Nếu bộ não của bạn tạo những liên kết của riêng nó, nó sẽ dễ ghi nhớ hơn vì nó đã trải qua quá trình sáng tạo của việc liên kết một vật với một vật khác. Nếu bạn sử dụng trí não sáng tạo để khiến những liên hệ này lố bịch, hài hước, kỳ quặc hoặc gây sốc, thì bộ não của bạn thậm chí còn nhớ những liên hệ này nhiều hơn.
THUẬT NHỚ VÀ ÂM NHẠC
Một kỹ thuật đã được thử nghiệm và kiểm tra khác là thuật nhớ. Nếu bạn sáng tác một bài thơ, một câu nói hoặc bài hát về thông tin bạn muốn nhớ, thông tin đó sẽ dễ dàng được lưu trữ lại trong trí nhớ của bạn hơn, và cũng dễ gợi nhớ lại khi bạn cần đến nó. Hãy thử nghĩ về hàng trăm hàng nghìn bài hát được khắc sâu trong trí nhớ của bạn. Một vài nhịp trong bản nhạc và đột nhiên bạn nhớ ra phần còn lại của giai điệu và lời hát dường như tự mình xuất hiện trên môi bạn không hề gặp khó khăn nào.
Nhiều khả năng là bạn đã học bảng chữ cái, màu của cầu vồng và số ngày trong tháng bằng cách lặp lại những bài hát hoặc câu nói nhất định. Nếu bạn áp dụng chính quá trình đó để ghi nhớ những dữ liệu phức tạp hơn, bạn sẽ thấy âm nhạc và những câu nói có thể là con đường tắt thông minh ra sao để hỗ trợ bạn gợi nhớ.
Một công cụ cuộc sống
Tiếp cận trí nhớ một cách sáng tạo sẽ trả cho bạn “tiền lãi” tại nơi làm việc. Bạn sẽ có thông tin ngay sẵn và là người đầu tiên được khách hàng cũng như đồng nghiệp gọi đến. Đó là bởi vì Bản đồ Tư duy sử dụng một sự tổng hợp mạnh mẽ của trí tưởng tưởng và liên kết như một công cụ để:
• Lập kế hoạch
• Suy nghĩ sáng tạo
• Giải quyết vấn đề
• Điều khiển dự án
• Tự quản lý
• Trí nhớ
Bản đồ Tư duy là công cụ trí nhớ lý tưởng cho cả cuộc sống và công việc của bạn. Khi bạn đã có một ý tưởng, giải pháp hay kế hoạch thông minh, chúng giúp bạn khắc sâu vào trí nhớ. Trong lĩnh vực kinh doanh, Bản đồ Tư duy có rất nhiều Điểm kinh doanh độc nhất. (USPs)
Lập kế hoạch cho sự phát triển
Bản đồ Tư duy và cơ chế thành công TEFCAS có thể là thiết yếu đối với tất cả khía cạnh của việc lập kế hoạch cho cuộc sống kinh doanh. Chúng cho phép bạn:
Sắp xếp kế hoạch kinh doanh;
Đánh giá tiến triển của kế hoạch và xác định những khu vực cần đẩy mạnh;
Tạo ra và nâng cấp CV của bạn theo một cách sặc sỡ và bắt mắt;
Giúp bạn tổ chức thời gian ở cả cấp độ vi mô và vĩ mô để bạn không phải chịu áp lực, cho phép bạn hoàn toàn tận tụy với công việc và đời sống cá nhân.
Tăng cường trí nhớ và đi trước trong cuộc chơi.
Lập kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho tương lai rất quan trọng đối với bất cứ ngành kinh doanh nào. Khi làm như vậy, bạn sẽ sử dụng những thông tin tốt nhất và chính xác nhất bạn có sẵn tại thời điểm đó. Tuy nhiên, giống như bất kể lĩnh vực nào khác của cuộc sống, việc kinh doanh ở trong trạng thái liên tục thay đổi, và điều có thể là chắc chắn vào hôm nay có thể thành một khả năng xa vời vào ngày mai. Các nhóm và tổ chức thành công nhận ra sự tiến hóa không ngừng này là một cơ hội cho những thay đổi tích cực và hiệu quả, và vì điều này, chúng ta hãy chuyển sang chương 4.