Bản Đồ Tư Duy Trong Công Việc - Chương 07
Bản đồ Tư duy cho việc sáp nhập
Lịch sử kinh doanh gần đây có rất nhiều những ví dụ về những vụ sáp nhập mà trên lý thuyết rất tuyệt vời nhưng trên thực tế lại rất thê thảm – bởi cho dù những lý do về mặt kinh doanh thì vẫn luôn luôn rất hợp lý, tuy nhiên thực tế công ty là một cộng đồng với văn hóa khác biệt và thứ văn hóa đó lại rất quý giá đối với các nhóm làm việc trong công ty đó.
Sáp nhập là việc rèn đúc nên một nền văn hóa mới từ hai nền văn hóa đang tồn tại, do đó điều quan trọng là cả hai bên cần nhận thức một cách đầy đủ các điểm mạnh, điểm yếu của mình và của bên kia. Bản đồ Tư duy là công cụ quan trọng để phân tích những nền văn hóa đó và định hình một văn hóa chung mới. Bản đồ Tư duy sẽ mang lại một cái nhìn sâu bên trong từng sắc thái của tình huống và có thể phát hiện ra bất kỳ mâu thuẫn hoặc quy tắc sai lầm tiềm ẩn nào. Bằng cách này bạn có thể đảm bảo rằng bạn sẽ chia sẻ một tầm nhìn chung và sẽ không có những chương trình hành động không được công bố. Điều cốt yếu của một vụ sáp nhập thành công đó là sự thống nhất chứ không phải là không thống nhất – một dấu hiệu của việc bị mắc kẹt bởi một tầm nhìn đã bị lỗi thời.
1. Hãy lập hai Bản đồ Tư duy riêng biệt về hai Doanh nghiệp
- Hình ảnh trung tâm nên phản ánh sự hiểu biết, cảm nhận của bạn về các công ty. Đối với một thương hiệu mạnh đó có thể là một logo hay một sản phẩm của doanh nghiệp. Hoặc đó có thể phản ánh đặc điểm tích cực của doanh nghiệp đó. Viết tên của Doanh nghiệp đi kèm với hình ảnh.
- Các nhánh chính có thể là những chủ đề như đội ngũ nhân viên, địa điểm, khách hàng, chuyên môn, và lợi nhuận (bạn có thể tham khảo mẫu cho việc viết đề án kinh doanh trong chương 3)
- Các nhánh phụ có thể là những yếu tố cụ thể của mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
2. Tiếp đến, hãy nhìn vào các điểm mạnh và điểm yếu của mỗi doanh nghiệp.
3. Tạo ra một Bản đồ Tư duy mới, trong đó bao gồm các điểm mạnh và làm rõ những điểm yếu tiềm tàng của mỗi doanh nghiệp. Ở đây, việc sử dụng màu sắc trong Bản đồ Tư duy của bạn là đặc biệt hữu ích. (Không cho phép những quan điểm chỉ trích cá nhân hay tính tự phụ quá lớn về cái tôi tham gia hay chi phối quá trình phân tích này. Đây là một bài tập mang tính chất nhạy cảm và nó không phải để chỉ ra doanh nghiệp này lớn hơn hay tốt hơn doanh nghiệp kia như thế nào. Cũng không phải để chỉ ra bên nào có đội ngũ quản lý năng động hơn. Học cách để phối hợp và làm việc một cách hài hoà với nhau khi tạo ra những Bản đồ Tư duy này sẽ góp phần tạo dựng nên tiếng nói chung cho doanh nghiệp mới được sáp nhập trong tương lai).
Sau khi việc sáp nhập đã được hoàn thành, Bản đồ Tư duy, với tư cách là đại diện cho một tầm nhìn chung, có thể góp phần gắn chặt văn hóa mới và tạo lập những thói quen hành xử tốt.
Trách nhiệm xã hội của tập đoàn
Các công ty hiện tại đang chịu những áp lực ngày càng tăng trong việc thể hiện cách cư xử đối với công chúng và thể hiện trách nhiệm cũng như sự quan tâm đối với cộng đồng. Đó chính là Trách nhiệm xã hội của công ty (CSR).
Ngày nay, người tiêu dùng muốn biết rằng các công ty mà hàng ngày họ vẫn chi tiền phải có một sự quan tâm và đền đáp lại một cái gì đó đối với cộng đồng. Theo một cuộc điều tra, 72% công chúng tin rằng các ngành công nghiệp và thương mại không quan tâm đúng mức tới cộng đồng nơi các công ty đó đóng trụ sở. Số liệu thống kê này có thể là chìa khóa của tương lai cho doanh nghiệp của bạn.
Rõ ràng, để được xem là có thể hiện trách nhiệm đối với xã hội một cách nghiêm túc thì doanh nghiệp cần phải có một chiến lược Quan hệ công chúng (PR) thật tốt. Nhưng ở mức độ cụ thể hơn, khi công ty được coi là quan tâm và gắn bó với cộng đồng thì mối quan hệ giữa công ty đó, cùng với nhân viên của mình và khách hàng sẽ được phát triển một cách thân thiện và bền vững hơn. Điều này chỉ tạo ra những tác động tích cực tới tính hiệu quả và lợi nhuận của công ty.
Với quan điểm như thế thì việc tự kiểm tra về quan điểm, thái độ của công ty đối với Trách nhiệm xã hội cũng như kiểm tra xem doanh nghiệp bạn giao thiệp như thế nào với thế giới xung quanh cũng sẽ vô cùng có giá trị. Bản đồ Tư duy dưới đây sẽ giúp bạn bắt đầu làm điều đó.
NÂNG CAO DANH TIẾNG XÃ HỘI
1. Vẽ một Bản đồ Tư duy với hình ảnh công ty của bạn làm trung tâm.
2. Các nhánh chính sẽ xem xét cách thức công ty thể hiện sự quan tâm đối với cộng đồng. Các nhánh chính có thể bao gồm các từ khóa như "các sự kiện", "tái chế", "tài trợ", "từ thiện" và "cộng đồng".
3. Phát triển thêm các chủ đề của nhánh chính bằng nhánh phụ. Ví dụ từ nhánh "tái chế", bạn có thể xem đến giấy tái chế, bìa các–tông, đồ hộp, kính, bao bì, và pin. Và từ nhánh "sự kiện", bạn có thể tạo ra các sự kiện như là kế hoạch trồng cây, tới thăm các trường học trong vùng.
Trong năm tài chính 2002–2003, 100 các công ty đứng đầu của Vương quốc Anh đã dành ra 0,8% lợi nhuận trước thuế của mình cho các hoạt động công ích. Khoản lợi nhuận đó tương đương với 800 triệu bảng Anh – gần bằng 2,5 lần so với năm 2000–2001. Chính phủ Anh đã ghi nhận điều này và đã thành lập một học viện Trách nhiệm cộng đồng để thúc đẩy hoạt động đó.
Các công ty đã chủ động đóng góp cho cộng đồng hơn vì họ hiểu rằng điều này không chỉ làm lợi cho cộng đồng mà còn cho chính họ.
Một báo cáo của tổ chức The World Foundation và The Virtuous Circle cho biết các doanh nghiệp đặt công tác thực hiện trách nhiệm xã hội ở vị trí trung tâm trong chiến lược kinh doanh của mình có thể thành công hơn các công ty khác đến 40%.
Có cái nhìn tổng thể hơn
Những quan điểm thiển cận, chỉ tập trung vào những kết quả tài chính trước mắt đang bắt đầu thay đổi. Những vụ scandals tài chính tại những công ty lớn nhất nước Mỹ đã dẫn tới việc phải đòi hỏi tính minh bạch và trách nhiệm giải trình lớn hơn không chỉ cho các cổ đông mà cho cả với khách hàng. Và để gây ấn tượng với các cổ đông và các khách hàng tiềm năng đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, chứ không chỉ đơn giản là chụp tấm hình trong đó có cảnh tặng tấm séc cho một quỹ từ thiện. Ngày nay, hầu hết các nhà đầu tư quan tâm đến bản ghi chép về những thành tích thuộc về mặt đạo đức của các công ty và sự thay đổi trong chiến lược của công ty do được tác động bởi sức mạnh của quan điểm cộng đồng.
Ngày nay, các khóa đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) tại Mỹ đều bao gồm các môn như phát triển bền vững, sinh thái học – và các môn đó có được tất nhiên là bởi do có nhu cầu của phía sinh viên. Các nhà quản lý trẻ đã lớn lên cùng với những vấn đề vô cùng quan trọng như sự nóng lên của Trái đất, và họ đang rất nóng lòng để gắn những vấn đề này vào trong đời sống kinh doanh. Những công ty hay nhà lãnh đạo thông minh đều là những người gắn bó với trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp và không ngần ngại chấp nhận những nhu cầu thay đổi cách thức, trong cách công ty làm việc.
Thương hiệu
“Thương hiệu” là thuật ngữ thường được sử dụng trong các phòng họp, nhưng đôi khi người ta vẫn chưa thực sự hiểu hết “thương hiệu” đại diện cho những gì. Rõ ràng rằng, thương hiệu không chỉ đơn thuần là một hình logo được in trên tờ thiếp chúc mừng hay thư tiêu đề của một công ty. Một thương hiệu có thể tạo ra sự liên kết về mặt tình cảm giữa người tiêu dùng với sản phẩm hoặc dịch vụ. Chính sự gắn kết về mặt tình cảm này có thể hình thành nên nền tảng cơ bản để dựa vào đó thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm. Xa hơn nữa, một thương hiệu có thể biểu hiện cho mối quan hệ giữa công ty, thành viên và cộng đồng nơi công ty đó đóng trụ sở. Một thương hiệu có thể có tác động rất lớn đến thị phần của công ty cũng như các điểm mấu chốt khác.
Nếu một công ty muốn thành công thì cần một tầm nhìn, và một thương hiệu chính là cách tuyệt vời để liên kết tầm nhìn này với trí tưởng tượng. Bản đồ Tư duy là một công cụ lý tưởng để tập trung và xác định rõ thương hiệu. Nếu như mỗi thành viên trong nhóm lập các Bản đồ Tư duy miêu tả cảm nhận của họ về tầm nhìn chung của cả nhóm, sau đó kết hợp các ý tưởng này lại trên một Bản đồ Tư duy tập thể, họ sẽ có thể tạo nên một thương hiệu rất mạnh, chứa đựng tất cả lòng mong muốn, khát vọng cũng như những cảm xúc tích cực về những công việc họ đang làm hay những sản phẩm/dịch vụ họ đang cung cấp. Bằng cách đó, thương hiệu sẽ mang tính chất biểu tượng, và những gì mà thương hiệu đó thể hiện sẽ được các thành viên trong nhóm cũng như các khách hàng, người tiêu dùng hiểu một cách rõ ràng nhất.
NHẬN THỨC VỀ THƯƠNG HIỆU
Để nhận thức rõ ràng hơn về sức mạnh của một thương hiệu, hãy nghĩ đến một thương hiệu mà bạn yêu thích và lập một Bản đồ Tư duy về nó. Ví dụ nếu bạn chỉ uống có một loại nước cam nhất định thôi, hãy lập một Bản đồ Tư duy về thương hiệu nước cam đó:
1. Vẽ sản phẩm ở trung tâm Bản đồ Tư duy của bạn.
2. Tạo ra các nhánh chính từ hình ảnh trung tâm, với tên gọi như là "bao bì", "sức khỏe", "sự thuận tiện", "sự tươi ngon", "thói quen"…
3. Tiếp tục triển khai những nhánh chính bằng các nhánh phụ. Ví dụ với nhánh "sức khỏe", bạn có thể thấy rằng mình mỗi ngày uống một cốc nước cam bởi vì bạn biết rằng nó sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều vitamin C và do đó giúp bạn tránh khỏi bị cảm cúm. Có thể là bạn đã có được thông tin về vitamin đó từ chính sản phẩm này từ khi bạn còn nhỏ. Và nếu vậy thì có khả năng rất lớn trong bạn đã hình thành sự liên kết về mặt tình cảm với sản phẩm này, nó giải thích sự trung thành đối với sản phẩm mà bạn đang có ngày hôm nay.
Tầm nhìn mới của hãng Apple
Apple là một biểu tượng thương hiệu được xây dựng xung quanh những ý tưởng lớn và được liên tục, sáng tạo chính mình. Mọi người đều biết Microsoft sẽ luôn có ưu thế khi công ty này tập trung vào lĩnh vực máy tính cá nhân, tương tự như thế, lợi thế cạnh tranh của Apple là đồ hoạ. Thương hiệu đã tạo ra những thiết bị duyên dáng, và nếu chỉ xét riêng trên góc độ hấp dẫn về mặt thẩm mỹ, thì Apple đã vượt trội hơn Microsoft.
Một câu chuyện về Apple còn ít người biết liên quan đến một người đàn ông được tôn vinh là đưa công ty đến thành công như ngày hôm nay. Khi John Scully đến thăm thung lũng Silicon, lúc đó đang còn rất sơ khai và đang phát triển nhanh chóng, ông đang là Tổng giám đốc điều hành của Pepsi. Khi tôi gặp ông, ông đã nhiệt thành kể với tôi về việc ông đã đến thăm vô số các văn phòng như thế nào và đã hoàn toàn sững sờ, choáng váng trước các màn hình máy tính ra sao. John Scully nói tất cả những gì ông nhìn thấy là các dòng, các chuỗi, các dãy màn hình với các dòng, các dãy, các chuỗi những từ và con số. Ông đã không thể hiểu một thứ gì.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì John đã được đào tạo từ nhỏ về nghệ thuật và thiết kế. Ông hiểu rất rõ tầm quan trọng của hình ảnh, màu sắc và sự liên kết. Chính kinh nghiệm này – kết hợp giữa sự đơn điệu của các màn hình máy tính với nền tảng kiến thức của John trong lĩnh vực nghệ thuật – đã thuyết phục ông làm việc với một công ty mới để biến những màn hình máy tính trở nên thân thiện với bộ não hơn. Và chính điều này đã khai sinh ra Người khổng lồ Apple dưới sự dẫn dắt của John. Kỹ thuật ghi chép chính của John là gì? Đó chính là Bản đồ Tư duy.