Bản Đồ Tư Duy Trong Công Việc - Chương 08
VẬN ĐỘNG THAY ĐỔI BẰNG SƠ ĐỒ TƯ DUY: CÂU CHUYỆN CỦA HAI NGƯỜI BÁN LẺ
Tưởng tượng rằng Dreamworld là một chuỗi các cửa hàng nằm trên các đại lộ. Nó đã tồn tại được hơn 30 năm và đã có được một vị trí nhất định trên thị trường và thích nghĩ rằng các sản phẩm mình cung cấp đều đã được thử nghiệm và kiểm tra. Dreamworld rất sợ chấp nhận các rủi ro. Công ty không tin rằng mình có thể làm bất kỳ việc gì tốt hơn hoặc cải tiến chính bản thân mình bằng bất kỳ cách nào. Do đó Dreamworld không quan tâm đến bất kỳ điều gì nữa và vẫn tự hào cho rằng công ty đã phát huy hết các tiềm năng của mình.
Shopping Paradise là một chuỗi các cửa hàng nằm trên đại lộ, cũng bán các sản phẩm cùng loại, ở cùng một mức giá, với cùng một thị trường mục tiêu như Dreamworld. Shopping Paradise mới chỉ tồn tại được 5 năm, nhưng quyết tâm phát huy các tiềm năng của mình, chiếm lĩnh được thị phần càng lớn càng tốt trong thị trường tiềm năng. Công ty sử dụng khả năng tưởng tượng tập thể của đội ngũ nhân viên để thúc đấy họ tiến lên phía trước, và văn hóa của công ty khuyến khích một môi trường trong đó các ý tưởng mới được tôn trọng. Shopping Paradise không sợ phải chấp nhận rủi ro và đang trong quá trình phát triển liên tục.
Điểm khác biệt giữa Dreamworld và Shopping Paradise là khả năng thay đổi. Mặc dù không ai có thể khuyên Dreamworld tiến hành một sự thay đổi mạnh mẽ và mạo hiểm, nhưng Dreamworld cũng nên nhìn nhận lại những gì công ty đang cung cấp cho các khách hàng của mình và từ đó cố gắng cải tiến tốt hơn. Các nghiên cứu tập trung vào các nhóm và các cuộc tư vấn khách hàng có thể giúp công ty có được một cái nhìn sâu sắc hơn về vị trí của mình vào thời điểm hiện tại, tuy nhiên, việc quyết định xem công ty sẽ tiếp tục đi về hướng nào hoàn toàn tùy thuộc vào công ty. (Quy trình thành công TEFCAS sẽ rất hữu ích trong tình huống trên, xem chương 3).
Hai Bản đồ Tư duy có thể giúp Dreamworld. Một Bản đồ Tư duy có thể giúp công ty nhìn nhận vị trí của mình ở thời điểm hiện tại. Như là một bài tập nhóm, tất cả các nhân viên của công ty nên tập trung lại và thảo luận với sự hỗ trợ của công cụ Bản đồ Tư duy :
• Điểm mạnh của Dreamworld là gì?
• Dreamworld sử dụng nguồn nhân lực như thế nào?
• Công ty có tiến hành công tác đào tạo nghiêm túc không?
• Nhìn từ quan điểm khách hàng thì các hoạt động xúc tiến của công ty có tác động được đến khách hàng hay không?
Rõ ràng là quá trình nhìn nhận về vị trí của công ty vào thời điểm hiện tại sẽ giúp nhìn ra những vấn đề cần quan tâm, và những vấn đề đó cần được ghi chép lại trên Bản đồ Tư duy.
Bản đồ Tư duy thứ hai sẽ về hình ảnh của chính công ty Dreamworld trong tương lai:
• Dreamworld cần làm gì để có thể đi trước một bước so với các đối thủ cạnh tranh, mà cụ thể ở đây là Shopping Paradise?
• Có những khác biệt nào đối với khách hàng khi đi mua sắm tại hai hệ thống cửa hàng này ?
Dreamworld có một lợi thế rất lớn đó là đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó công ty cần học hỏi thêm từ chính sự cạnh tranh hơn là cảm thấy bị đe dọa bởi sự cạnh tranh đó. Nói cách khác, nên đổi mới thay vì phản ứng mang tính chất phòng thủ.
Tái tạo một thương hiệu
Các ngành kinh doanh cần không ngừng tiến về phía trước, cần không ngừng đổi mới để thích ứng với các điều kiện thay đổi. Những quan điểm và quy trình đã từng hiệu quả và mang tính sáng kiến trong quá khứ có thể nhanh chóng trở thành lỗi thời và cũ kĩ. Trong khi tầm nhìn trung tâm đằng sau một thương hiệu vẫn còn ở lại thì con đường để đi đến mục tiêu có thể đổi thay.
Bằng cách so sánh các thương hiệu, bạn có thể kiểm tra xem liệu các thương hiệu vẫn mạnh như trước hay không, hay là công ty của bạn đang bị bỏ rơi lại đằng sau. Bằng cách liên tục kiểm soát và thích ứng với sự thay đổi của thị trường, bạn sẽ có thể thay đổi và cải tiến kịp thời.
Tuy nhiên, rồi cũng sẽ đến lúc cần phải có một nhận định mới thấu đáo và tỉ mỉ hơn và bạn cần tái tạo lại thương hiệu của mình. Để làm được điều đó, bạn cần lập các Bản đồ Tư duy về thương hiệu của mình và các thương hiệu của các đối thủ cạnh tranh (xem ví dụ bên), xem xét các điểm mạnh, điểm yếu tương đối của thương hiệu công ty bạn trong mối tương quan với các vấn đề như chính sách giá, lòng trung thành, phạm vi sản phẩm, đội ngũ nhân viên và địa điểm kinh doanh. Kế đến, bạn cần tái khẳng định lại các mục tiêu của mình, trong một số tình huống, thậm chí còn phải xác định lại chúng dưới ảnh hưởng của các điều kiện mới. Có thể là sản phẩm mới cần cải tiến, doanh thu cần phải tăng lên hay cơ sở vật chất cần hiện đại hoá. Trong tình huống của Black’s Pharmacy ở trên, những mục tiêu này là tăng doanh số lên 24%, hiện đại hóa những cơ sở đã cũ, thiết lập một phòng khám chữa bệnh online cung cấp các phương pháp chữa trị bệnh bổ sung và sử dụng dịch vụ này để đi đến hợp tác với một phòng khám bệnh địa phương. Cuối cùng, bản kế hoạch hành động cần chỉ ra làm thế nào để đạt được các mục tiêu. Black”s Pharmacy dự định thực hiện các mục tiêu của mình bằng cách nâng cấp cơ sở vật chất, cải tiến việc đào tạo nhân viên, tuyển thêm các bác sỹ cho cơ sở khám chữa bệnh và tiến hành một chương trình nghiên cứu.
Trong quá trình thay đổi, một bản kế hoạch sẽ thu hút sự chú ý và tham gia của tất cả mọi người trong nhóm, bởi như vậy tối đa hóa được số lượng, các ý tưởng sáng tạo của mọi người và có thể đóng góp cho bản kế hoạch. Và lúc đó, bạn cũng sẽ được chia sẻ và có được tầm nhìn mới cho tương lai.
Công nghệ và sự thay đổi
Công nghệ luôn được nhắc tới như là một trong những nguyên nhân đóng góp cho tốc độ thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh ngày nay. Tuy nhiên, trên thực tế, chính chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt được sự thay đổi và sự phát triển mà đã từng là chất xúc tác chính cho sự tiến bộ về công nghệ. Một minh chứng mạnh mẽ nhất cho điều này chính là năng lượng hơi nước, và việc ứng dụng nó cho nhiều mục đích trong suốt thời kỳ Cách mạng công nghiệp.
Cũng tương tự như vậy, sự phát triển của công nghệ máy tính đã mở ra những con đường rất rộng mở cho tiềm năng sáng tạo và đổi mới. Tuy nhiên, chẳng lâu sau khi một nhu cầu về công nghệ được đáp ứng thì một nhu cầu khác lại được định hình. Chính chu kỳ liên tục giữa nhu cầu và đổi mới này là đối tượng cho các nghiên cứu cụ thể của các cuộc cách mạng công nghệ trên thực tế.
Một phần rất quan trọng trong đời sống kinh tế hiện đại là tạo ra các phương thức mà nhờ đó công nghệ có thể hỗ trợ não bộ trong việc biến công việc kinh doanh trở nên trôi chảy và kinh tế hơn. Điều này giúp doanh nghiệp dành nhiều thời gian và nguồn lực để chăm sóc khách hàng.
Những công ty thành công là những công ty có thể giữ các khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty mình, và khiến khách hàng luôn cảm thấy thoải mái. Đây là một trong những mối quan hệ tốt nhất bởi khách hàng không thích bị ra lệnh phải làm gì, họ thích cảm giác có quyền hành động; về phần mình, công ty được cung cấp những thông tin phản hồi có giá trị về những gì khách hàng thực sự mong muốn. Khi thỏa mãn được những nhu cầu này bằng cách thay đổi một số điểm trong chiến lược của mình, công ty sẽ làm cho mối quan hệ các bên cùng có lợi ngày càng bền chặt hơn.
Những chiếc thẻ khách hàng thân thiết của công ty đã trở nên hiện đại và tinh tế hơn nhiều so với những ngày đầu tiên ra đời của nó, và ngày nay những tiến bộ của công nghệ đã cho phép phát triển các thông tin chi tiết hơn nữa về khách hàng. Điều đó một lần nữa đem lại lợi ích cho cả hai bên, bởi khi đó công ty biết chính xác những yêu cầu của khách hàng cũng như xác định được các đối tượng khách hàng mục tiêu để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, chính sách xúc tiến đặc biệt phù hợp với khách hàng.
Internet cũng đã thay đổi phương thức mua sắm bằng kênh mua sắm trên mạng. Khi mua sắm trên mạng, khách hàng có thể xem xét rất nhiều các website và sản phẩm trước khi đưa ra quyết định, cũng giống như việc dạo qua một số cửa hàng khác nhau, nhưng lại có cảm giác vô cùng thoải mái vì đang được ngồi ở chính nhà mình. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khách hàng vẫn có sự lựa chọn là đi ra ngoài để mua sắm, nên sức ảnh hưởng của Internet bị giảm xuống trong toàn bộ thị trường.
THOẢ MÃN NGƯỜI TIÊU DÙNG THÔNG QUA THAY ĐỔI
Việc lập ra một Bản đồ Tư duy về việc làm thế nào để tạo ra cảm giác trao quyền cho khách hàng mang tính chất sống còn đối với công ty của bạn. Phần sau đây sẽ là một sự gợi ý về việc bạn sẽ làm việc đó như thế nào, tuy nhiên việc bạn áp dụng nó như thế nào vào nhu cầu cụ thể nào thì hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Như thường lệ, tốt nhất là tất cả các thành viên trong nhóm của bạn cùng góp sức.
1.Vẽ một hình ảnh của công ty của bạn ở trung tâm của Bản đồ Tư duy.
2.1. Trên những nhánh chính, hãy viết:
a) Kế hoạch xây dựng lòng trung thành của
khách hàng
b) Các phần thưởng.
c) Dịch vụ khách hàng.
d) Rút ngắn thời gian chờ đợi.
e) Những lời khuyên.
3.2. Phân tích tính khả thi và những kết quả dự kiến của việc áp dụng các dịch vụ khách hàng.
4.3. Dùng số có màu sắc để đánh số thứ tự ưu tiên các dịch vụ mà bạn nghĩ rằng các khách hàng của bạn sẽ phản ứng tích cực nhất.
Như chúng ta đã thấy, cải tiến trong công việc là một điều vô cùng cần thiết đối với sự tồn tại và thành công của công ty. Và điều không thể thiếu đối với sự thành công của công ty là có một đội ngũ nhân lực đầy hứng khởi. Thay đổi là quy luật tự nhiên của cuộc sống, nhưng chính thái độ của chúng ta đối với sự thay đổi làm chúng ta khác biệt. Đối với một vài người, thay đổi là một điều gì đó nên bị phớt lờ, bỏ qua, và bất đắc dĩ mới phải thừa nhận và điều chỉnh. Đối với một số người khác, thay đổi mang lại năng lượng cho cuộc sống, luôn mang đến những kinh nghiệm và vận hội mới. Bản đồ Tư duy là công cụ lý tưởng cho tất cả chúng ta để thấu hiểu được những điều kiện đang thay đổi xung quanh, và từ đó, nắm bắt được những cơ hội mới. Theo đúng nghĩa, Bản đồ Tư duy là công cụ lựa chọn của tất cả các quản lý nhóm thành công, như bạn sẽ tiếp tục khám phá trong chương tiếp theo.
5. Đưa nhóm của bạn đến thành công
Những người quản lý giỏi có thể làm nên sự khác biệt giữa một nhóm thành công và một nhóm thất bại. Đây là lý do tại sao khi quản lý bản thân cũng như khi quản lý nhân viên cấp dưới, người quản lý cừ khôi cần nhiều kỹ năng. Chính vì vậy, những người quản lý xuất sắc nhất vừa phải quản lý tốt công việc của bản thân, vừa quản lý tốt nhân viên của mình.
Bản đồ Tư duy và cơ chế thành công TEFCAS sẽ giúp bạn tập trung vào kỹ năng lãnh đạo và đưa nhóm tiến đến thành công.
Bắt đầu từ bản thân
Trước khi tìm hiểu những động lực để lãnh đạo tốt, hãy tự đặt cho mình những câu hỏi sau đây:
• Bạn nghĩ điều gì làm nên một người lãnh đạo giỏi?
• Bạn tự xếp mình thuộc loại lãnh đạo nào?
• Bạn có nghĩ bạn là một hình mẫu tốt cho nhóm của bạn?
• Người quản lý nào trong quá khứ hay hiện tại khiến bạn ngưỡng mộ nhất và tại sao?
• Bạn đã xử lý những thời kỳ khủng hoảng của nhóm như thế nào?
• Bạn có khuyến khích sự minh bạch và trao đổi thông tin không?
• Bạn có khuynh hướng hay khen ngợi hay phê phán?
Nhận biết được những thế mạnh cũng như những điểm yếu của bản thân là điểm mấu chốt giúp bạn trở thành người lãnh đạo có năng lực.
NHỮNG PHẨM CHẤT NÀO LÀM NÊN MỘT NGƯỜI LÃNH ĐẠO GIỎI?
1. Hãy vẽ hình ảnh trung tâm phù hợp với nhóm mà bạn đang quản lý. Bạn có thể vẽ biểu tượng của nhóm hay một bức phác họa chân dung các thành viên trong nhóm
2. Sau đó, vẽ các nhánh chính thể hiện những yếu tố cơ bản tạo nên người quản lý giỏi. Bạn phải quản lý những ai và quản lý cái gì? Một trong những nhánh này nên bao gồm cả bạn. Trong Bản đồ Tư duy bên, những yếu tố cơ bản là: "bản thân", "đội ngũ nhân viên", "sản phẩm" và "môi trường".
3. Mở rộng các nhánh chính và phát triển Bản đồ Tư duy của bạn với các nhánh phụ. Chẳng hạn, bạn phải quản lý những khía cạnh nào của bản thân? Khối lượng công việc. Mức độ hiểu khách hàng của bạn, nhân viên hay sản phẩm? Bạn phải trau dồi những kỹ năng gì và có cần phải nắm bắt được những diễn biến mới nhất của thị trường?
4. Hãy giữ lại Bản đồ Tư duy khi đọc tiếp chương này và phát triển nó khi bạn tập hợp được thêm những ý tưởng mới về khả năng lãnh đạo tốt.
Quản lý chính bạn
Là người lãnh đạo cả nhóm, trước hết, bạn cần có khả năng quản lý chính mình: bạn cần phải làm gương cho cả tập thể. Để làm được điều này, bạn cần:
• Sắp xếp thời gian, lịch trình và khối lượng công việc của mình
• Đặt những hiểu biết về công ty, nhóm, khách hàng, thị trường và sản phẩm lên ưu tiên hàng đầu
• Luôn học hỏi trau dồi kỹ năng và phát triển phương pháp
• Quan tâm đến sức khỏe và sự cân đối của mình, giảm thiểu mức độ căng thẳng
Như đã trình bày ở chương 3, trong cả việc lập kế hoạch ngắn hạn và kế hoạch dài hạn, Bản đồ Tư duy là một công cụ vô cùng quý giá. Dù bạn đang dự định lập kế hoạch cho tuần tới, tháng tới hay năm tới, Bản đồ Tư duy cũng cho phép bạn tổ chức cuộc sống sao cho đạt được nhiều thành công nhất mà không gặp phải căng thẳng hay gián đoạn. Nếu bạn tổ chức không tốt, bạn có thể gây ra không khí khủng hoảng thường xuyên – điều này không những gây ra lo lắng căng thẳng mà còn làm giảm khả năng sáng tạo. Nếu bạn đã từng sử dụng Bản đồ Tư duy nhưng vẫn không thể sắp xếp mọi việc cho phù hợp, có lẽ bạn chưa biết cách giao nhiệm vụ cho những người có khả năng thực hiện công việc tốt như bạn, thậm chí còn tốt hơn bạn. Bạn rất cần phải học được kỹ năng này.
Kiến thức
Để trở thành người quản lý giỏi, bạn cần có khả năng tập hợp và hiểu các sự kiện cũng như kiến thức có liên quan một cách dễ dàng. Khi bạn đưa ra những quyết định sáng tạo, bạn càng cần phải nắm rõ thực tế và có nhiều hiểu biết. Bạn càng hiểu biết, não của bạn càng sử dụng nhiều thông tin hơn để có thể đưa ra giải pháp đúng đắn. Cũng như vậy, bạn sẽ làm ăn có lãi nếu hiểu biết tường tận về người tiêu dùng.
Kỹ năng
Bạn phải luôn học hỏi để nâng cao những kỹ năng cơ bản vì những kỹ năng ấy có thể mở ra cho bạn những chân trời mới và giúp bạn trở thành người lãnh đạo tốt hơn. Sử dụng Bản đồ Tư duy để thường xuyên xem xét xem hệ thống của bạn làm việc như thế nào và có thể làm tốt hơn nữa hay không. Bí quyết là luôn tìm kiếm cơ hội để bạn và nhóm của mình làm việc hiệu quả hơn. Những nhà lãnh đạo tài năng nhất luôn phát hiện được những điểm cần cải thiện và hành động để cải thiện chúng. Một người lãnh đạo cần giữ cho mình khỏe mạnh và phong độ. Có lúc người quản lý làm việc trong thời gian kéo dài mà không chú ý tới ăn uống hay nghỉ ngơi một cách hợp lý, hay hút thuốc và uống nhiều rượu để giảm căng thẳng tạm thời do kỹ năng quản lý yếu kém gây ra. Trên thực tế, khi lập Bản đồ Tư duy về quỹ thời gian của bạn, bạn phải đảm bảo rằng mình đã bố trí thời gian để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân của mình. Tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân – và phương thức để đạt được sự cân bằng đó – sẽ được mô tả chi tiết ở chương 8. Rõ ràng là, nếu bạn có thể kiểm soát được công việc trong phạm vi của nó và tận hưởng thời gian thư giãn và năng động ngoài công việc, bạn có khả năng trở thành người lãnh đạo giỏi hơn.
Lãnh đạo tập thể
Một tập thể là tập hợp các cá nhân làm việc cùng chung mục tiêu. Điều này nghe có vẻ như là một khái niệm đơn giản, nhưng trên thực tế không phải bao giờ cũng đơn giản như vậy, điển hình như câu chuyện Olympic dưới đây. Nếu không được lãnh đạo tốt, nhóm thường mất mục tiêu và bắt đầu rơi vào thất bại. Những yếu tố có tác dụng tích cực thúc đẩy nhóm của bạn làm việc tốt cùng nhau cũng giống như những bí quyết để phỏng vấn hiệu quả:
• Dành thời gian bằng nhau cho việc lắng nghe người khác và trình bày ý kiến của bản thân
• Tỏ ra hứng thú với con người cũng như ý kiến được trình bày với bạn
• Hiểu rõ bạn, nhóm của bạn và công ty đang hướng đến những mục tiêu gì.
Bản đồ Tư duy có thể giúp nhóm bạn tập trung vào con đường phía trước và hợp nhất mọi thành viên trong nhóm bằng mục tiêu chung, sự sáng tạo và trí tưởng tượng.
Sau đây là một ví dụ đầy đủ chứng tỏ Bản đồ Tư duy có khả năng giúp bạn và tập thể của bạn tập trung vào mục tiêu, xác định nhiệm vụ cho mỗi cá nhân và nâng cao hiệu quả thực hiện công việc một cách rõ rệt như thế nào.
Bản đồ Tư duy: Những điều kỳ diệu ở Oracle
Alan Matchan, giám đốc của tập đoàn phần mềm đa quốc gia Oracle, thuộc EMEA chia sẻ:
Bản đồ Tư duy đã lan khắp Oracle. Đó là một phần của xu thế đổi mới mạnh mẽ trong công ty. Chúng tôi tự thấy mình làm việc có hiệu quả, nhưng vẫn cảm thấy cần phải có hiệu quả hơn nữa – hai việc đó là hoàn toàn khác nhau. Bản đồ Tư duy đã giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả công việc. Tôi sử dụng Bản đồ Tư duy để điều chỉnh cuộc sống riêng của mình, và tôi không đơn độc. Có rất nhiều người khác cũng sử dụng Bản đồ Tư duy để tổ chức và sắp xếp các hoạt động. Ngành kinh doanh phức tạp của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi phải sử dụng Bản đồ Tư duy – tôi sẽ không xoay xở nổi với sự phức tạp của công việc nếu không sử dụng Bản đồ Tư duy. Tôi thường dùng Bản đồ Tư duy để đối phó với những rắc rối trong việc quyết định xem nên tiếp tục như thế nào. Thành thực mà nói, Bản đồ Tư duy là vô giá.
Bạn có thể sử dụng Bản đồ Tư duy để tập trung lại nhóm theo một số cách. Chẳng hạn, bạn bắt đầu bằng việc yêu cầu mỗi thành viên trong nhóm lập một Bản đồ Tư duy để diễn tả ý kiến của họ xem nhóm, phòng ban hay công ty của họ đang đi tới đâu, và sau đó thảo luận quan điểm của tất cả mọi người trên một Bản đồ Tư duy tổng quát.
Hướng tới vinh quang
Khi kỳ Olympics tại Seoul sắp tới gần, tôi được đề nghị giúp huấn luyện một đội chèo thuyền Olympic. Đội này đang gặp khó khăn nghiêm trọng tới mức có nguy cơ không được thi đấu tại Olympics. Các thành viên trong đội đều có chiều cao trên 1m80, đã được huấn luyện trong bốn năm, đã tham gia các cuộc thi chèo thuyền quốc tế và rất dày dạn kinh nghiệm. Liệu vấn đề của họ có thể là gì? Để tìm hiểu, tôi đặt ra cho họ những câu hỏi sau:
• Những mục tiêu của anh trong đội là gì?
• Anh nghĩ mục tiêu của những người khác trong đội là gì?
• Theo anh hai điểm mạnh chính của đội là gì?
• Theo anh hai điểm yếu chính của đội là gì?
• Anh nghĩ đội tuyển nào sẽ giành được huy chương vàng, bạc và đồng tại kỳ Olympics sắp tới?
• Những câu trả lời của họ đem lại rất nhiều thông tin thú vị.
Mục tiêu của mỗi cá nhân khác nhau
• Không ai đoán được chính xác mục tiêu của bất kỳ người nào khác trong đội
• Những điểm mạnh mà họ nhận thấy rất đa dạng, nhưng chỉ có 2 điểm yếu: thiếu tận tâm và nhiệt huyết
• Tất cả thành viên trong đội đều dự đoán là những đội tuyển khác sẽ giành huy chương (trừ 2 người tinh nghịch cho rằng họ sẽ giành huy chương – nhưng cũng nói rằng đó chỉ là nói vui.
Bản đồ Tư duy về trạng thái tinh thần của họ chỉ ra rằng họ đều giống nhau ở một điểm: thiếu mục tiêu chung, nhất trí về điểm yếu của họ và hoàn toàn đồng ý về việc họ không có cơ hội. Thật không ngạc nhiên chút nào khi họ không thi đấu tốt.
Chúng tôi đã điều chỉnh suy nghĩ của họ và làm cho Bản đồ Tư duy trở thành một bản đồ với những quan điểm chung thống nhất, kiến thức được chia sẻ, nhiệt tình hết mình vì một mục tiêu chung.
Kết quả là, chỉ trong vòng 3 tháng nhóm đã đi từ chỗ xếp hạng khoảng 50 trên thế giới lên tới một vị trí không ngờ là về đích ở vị trí thứ 4 trong trận chung kết của Olympics.