Bản Đồ Tư Duy Trong Công Việc - Chương 12
Bản đồ Tư duy đã làm cho một số tổ chức dày dạn kinh nghiệm và có tính chuyên nghiệp cao đi tới một kết luận là văn phòng của họ cần phải sinh động như vườn trẻ. Điều này có lẽ dựa trên một sự thật gây ngạc nhiên là con người làm việc có hiệu quả nhất khi họ vui chơi. Như Hippocrates đã nói, “Bạn sẽ không nhìn nhận điều gì nghiêm túc bằng một đứa trẻ đang chơi.”
Trong một môi trường làm việc thích hợp, trí tưởng tượng được giải phóng, sức sáng tạo được nâng cao và cũng giống như chúng ta ít khi mệt khi đang vui chơi, năng lượng và sức mạnh làm việc cũng tăng lên.
Khi cần thay đổi và tối ưu hóa môi trường làm việc, cả nhóm cần phải sử dụng Bản đồ Tư duy. Mỗi thành viên của nhóm có thể đưa ra những đề xuất nhằm cải thiện môi trường làm việc và những đề xuất này có thể được thêm vào Bản đồ Tư duy và có thể được thảo luận trong nhóm.
Cũng như đối với bất kỳ sự thay đổi nào, thay đổi môi trường làm việc không cần phải đòi hỏi nhiều về mặt tài chính – tất cả những gì bạn cần là một chút linh động và thái độ sẵn sàng lắng nghe. Đây cũng là một cơ hội để tăng ý chí và giá trị của việc làm việc theo nhóm.
Lãnh đạo tốt đem lại hiệu quả tốt
Những nhà quản lý giỏi nhất biết cách làm thế nào để biến những điểm mạnh của nhân viên thành những thành công lớn hơn. Họ hỗ trợ cho nhân viên của mình vượt qua những điểm yếu và sai lầm và sử dụng chúng để học hỏi và thành công hơn trong tương lai.
Nếu bạn mong muốn trở thành một người lãnh đạo giỏi trong kinh doanh, bạn cần phải có những phẩm chất sau:
• Kiến thức – Người lãnh đạo giỏi luôn coi hiểu biết về công ty, về nhân viên, về khách hàng là ưu tiên hàng đầu. Họ luôn tìm cách tự tăng cường vốn hiểu biết này, rèn luyện các kỹ năng cơ bản và chia sẻ kinh nghiệm với nhân viên của họ.
• Tin tưởng – Người lãnh đạo giỏi đặt niềm tin vào nhân viên của mình. Họ hiểu rằng nhân viên của họ có khả năng – dù sao chính họ là người đã tuyển nhân viên đó.
• Khen ngợi – Người lãnh đạo giỏi luôn khen ngợi nhân viên khi họ làm tốt một công việc. Và họ luôn thừa nhận công sức của người khác khi điều đó là xứng đáng chứ không coi tất cả là công trạng của riêng mình.
• Biết cách đối đầu với thất bại – Người lãnh đạo giỏi coi thất bại là một cơ hội học hỏi chứ không phải là một dịp để chỉ trích và làm mất mặt nhân viên. Họ sử dụng cơ chế thành công TEFCAS và hiểu rằng thất bại là một phần tất yếu của thành công.
• Cổ vũ – Những người lãnh đạo hiện đại đã không còn đi theo phong cách áp đặt. Thay vì điều đó, họ cổ vũ tinh thần sáng tạo, sự phát triển, học hỏi, trách nhiệm, và tinh thần làm việc theo nhóm.
• Lắng nghe – Người lãnh đạo giỏi nghe nhiều hơn nói bởi họ luôn muốn học hỏi.
Trong mọi hoàn cảnh bạn phải là tấm gương cho nhân viên và thể hiện khát vọng, sự tận tâm và tính trung thực – những phẩm chất mà bạn cũng sẽ mong chờ ở nhân viên của mình.
6. Đương đầu với những chèn ép nơi công sở
Chèn ép luôn có mặt ở mọi nơi trong cuộc sống, và nơi làm việc cũng không phải là ngoại lệ. Trên thực tế, chính kẻ chèn ép mới là người gặp rắc rối, thiếu tự tin và kỹ năng sống để ứng xử với người khác chu đáo và có trách nhiệm. Nhưng thực tế này không ngăn họ xen vào cuộc sống của người khác. Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét sự chèn ép trong công sở và khám phá ra cách thức sử dụng Bản đồ Tư duy để giải quyết vấn đề này.
Sự chèn ép được biểu hiện qua nhiều cách và được định nghĩa là một hành vi làm tổn thương hoặc gây ra đau đớn nhờ lợi dụng điểm yếu của nạn nhân. Sự chèn ép tồn tại ở mọi mức độ, sắp xếp liên tục từ nhẹ cho đến trầm trọng – việc hành hạ về thể xác có thể chỉ là va chạm, xô xát nhẹ cho đến hành hung nguy hiểm; lăng mạ có thể là những lời trêu chọc khó chịu hoặc sự hăm doạ, ngồi lê đôi mách, và tuyên truyền những lời đồn gây thiệt hại; xâm phạm tài sản của người khác cũng là một kiểu chèn ép. Hình thức cuối cùng là quấy rối tình dục dù bằng lời nói hay hành động.
Người khổng lồ thân thiện
Khoảng 15 năm trước, tôi làm việc cho dây chuyền bán lẻ Littlewood. Một trong những người quản lý cấp cao của tôi là một người đàn ông to lớn, cao gần 2 mét, khỏe mạnh, với giọng nói vang đến nỗi khiến các bức tường rung chuyển mỗi khi ông ta nói.
Một số đồng nghiệp nói với tôi rằng ông ta là một kẻ chèn ép, luôn áp đặt và sai khiến người khác. Họ rất sợ ông ấy.
Trong cuộc nói chuyện với ông ta, khi lập Bản đồ Tư duy về chức năng của ông ta trong công ty, tôi yêu cầu ông thêm vào Bản đồ Tư duy những gì ông ta nghĩ nhân viên nói về mình. Những từ mà ông ta dùng là "tốt bụng", "nhìn xa trông rộng", và "biết thông cảm". Khi tôi nói với ông ta là có những người nghĩ ông là một kẻ chèn ép thì mặt ông ta lộ vẻ đau khổ và bối rối.
Khá đơn giản, ông ta đã không nhận ra rằng với ngoại hình bệ vệ của ông, cộng với sự nhiệt tình và say mê công việc của mình, ông trong mắt các thành viên trong nhóm là người kiêu ngạo và độc đoán.
Như chúng ta đã thấy, một môi trường làm việc lành mạnh là một môi trường tích cực nơi các thành viên trong nhóm có thể thể hiện hết khả năng của mình. Mặc dù hầu hết nơi làm việc đôi khi có nhiều tình huống căng thẳng, nhưng trên cương vị cá nhân, việc cố ý gây bất hòa ở bất kì cấp độ nào cũng đều hoàn toàn không chấp nhận được, đồng thời nó ảnh hưởng tới cả nhóm. Chèn ép là một trong những thứ hủy hoại ghê gớm nhất trong các công ty. Nó tạo ra một môi trường đầy áp lực, trì trệ, sợ hãi; và tất cả những điều này chắc chắn sẽ làm giảm hiệu quả công việc của các cá nhân cũng như tổ chức. Do vậy, vì quyền lợi của mình thì cả lãnh đạo cũng như thành viên nhóm cần phải giải quyết vấn đề chèn ép trong công việc.
Sau đó, tôi tập hợp cả hai bên lại và chúng tôi so sánh Bản đồ Tư duy của họ về người đàn ông này. Thật đáng ngạc nhiên, chúng khá ăn khớp nhau, và vấn đề ở đây là người quản lý và nhân viên của ông ta chưa hiểu nhau. Nhân viên nhận ra rằng thực chất ông ta là một ông chủ tuyệt vời, và người quản lý cũng hiểu ra là trong tương lai sẽ tỏ ra thân thiện hơn với nhân viên.
Rõ ràng, chèn ép luôn tồn tại trong công sở và, nếu những chiến lược vạch ra ở đây không giải quyết được vấn đề, khi đó cần đưa ra cách hành động phù hợp. Tuy nhiên, có những lúc chèn ép chỉ là một trạng thái tinh thần, hoặc là do việc nhận thức sai một tình huống, hoặc bắt nguồn từ tự kỷ ám thị (xem trang 187)
Theo câu chuyện trên, việc nhận thức được rằng hành vi chèn ép có thể không do chủ tâm là quan trọng – trên thực tế, như trong trường hợp này người ta có ý định hoàn toàn ngược lại. Vấn đề thường nằm ở nhận thức và việc thiếu sự trao đổi rõ ràng. Thông qua việc thường xuyên tạo lập Bản đồ Tư duy trong nhóm, bạn có thể nhận biết và giải quyết bất cứ vấn đề thực tế nào, thậm chí những nhận thức sai lầm có thể bị dập tắt ngay khi mới manh nha, trước khi chúng lan truyền và trở nên quá nghiêm trọng. Nếu bạn còn nghi ngờ những vấn đề khác, thì bạn nên tiếp xúc với người có liên quan và thử xem những nghi ngờ này có đúng hay không.
Chèn ép nơi công sở
Nếu bạn hay một người bạn hoặc một người nào đó trong gia đình bạn đã từng nghe chính mình nói bất cứ câu nào dưới đây, thì có thể bạn đã trở thành nạn nhân của sự chèn ép trong công việc:
“Tôi chẳng bao giờ được nhận một lời khen ngợi nào cho những việc mà tôi đã làm cả”
“Tôi ghét lão sếp của tôi!”
“Tôi có cảm giác mình luôn bị chỉ trích”
“Họ làm cho tôi cảm thấy mình chẳng là gì cả.”
“Bà ta quả là một kẻ đồng bóng thích ra lệnh.”
“Tôi không hề tin tưởng ông chủ của tôi chút nào. Tất cả những gì ông ta quan tâm là gây ấn tượng tốt với cấp trên của ông ta”.
“Tôi không biết có vấn đề gì với tôi hay tôi đã làm gì sai, nhưng dường như tôi luôn bị công kích vì một điều gì đấy”.
Việc chèn ép phá hỏng không khí làm việc, khiến mọi người trong nhóm cảm thấy bị đe dọa và căng thẳng. Những kẻ chèn ép kìm hãm năng lực và giảm năng suất công việc. Tính khí của họ làm ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả mọi thứ và luôn trong tình trạng không ổn định, một ngày nào đó hắn mang một tâm trạng vui vẻ, điều này cũng có nghĩa là cả nhóm được thoải mái làm việc và sáng tạo, … cho đến ngày hôm sau, mọi chuyện lại trở lại như cũ khi hắn ta lại giở lại trò cũ. Và hãy hiểu rằng, mặc dù ở đây tôi dùng từ “hắn ta” nhưng thực chất những kẻ chèn ép nơi công sở có thể là nam hay nữ.
Lòng hận thù và sự phá hoại
Alan được các thành viên khác trong nhóm đánh giá cao nhờ kiến thức về kỹ thuật và khả năng làm việc nhóm. Tuy nhiên, trong nhóm có ba kẻ luôn gây rắc rối, họ là những người thích đối đầu và mọi nỗ lực để giành được sự hợp tác từ họ đều bị phớt lờ hoặc đối phó bằng một câu trả lời “tôi rất bận”. Dần dần họ có thái độ ghen tỵ với Alan vì anh là người có năng lực và đáng tin cậy và tận tụy trong công việc.
Chẳng mấy chốc, Alan nhận được những lời đề nghị liên lạc lại với một đồng nghiệp khác – tất nhiên những lời đề nghị đó là do những người ghen ghét anh bịa ra để làm mất thời gian của anh. Ba kẻ đó còn tung ra những tin đồn ác ý về Alan trong cơ quan. Những công việc của Alan bị cố tình phá hoại. Cuối cùng, những thành viên còn lại trong nhóm cảm thấy bị đe dọa bởi ba kẻ đó đến nỗi họ xa lánh, không giao du với Alan. Cuối cùng Alan cảm thấy không thể chịu đựng được điều kiện làm việc nên đã bỏ việc.
Những kẻ chèn ép ngăn cản sự sáng tạo và trí tưởng tượng, bởi vì nạn nhân của họ phải đối phó với những chèn ép mà không còn chú tâm suy nghĩ hay sáng tạo trong công việc. Cuối cùng, nạn nhân này bị cô lập và không hòa nhập được với môi trường của công ty chứ chưa nói gì tới việc đóng góp cho công ty. (Theo tôi bạn nên vào trang web www.bullyonline.org để biết thêm cách nhận ra những kẻ chuyên chèn ép và đọc thêm hai quyển sách của tôi, Sức mạnh của trí tuệ tập thể và Sức mạnh của trí tuệ tinh thần).
Từ sân chơi cho đến nơi công sở
Khi còn là một đứa trẻ, bạn đã quen với việc bị chèn ép ở trường học. Kẻ bắt nạt thường đe dọa và dùng bạo lực tuyên bố rằng sân chơi trong trường là lãnh địa của nó. Bất cứ kẻ nào đi qua cũng sẽ sớm hiểu ra nó là người đứng đầu.
Kẻ chèn ép nơi làm việc cũng như vậy. Người đó giống như một đứa trẻ chưa vững vàng và cử xử thiếu chín chắn, kéo bè kéo lũ, xa lánh mọi người. Và như một đứa trẻ muốn thu hút sự chú ý, người đó cảm thấy cần làm chủ mọi tình huống.
Những kẻ chèn ép nhận thấy không thể chịu trách nhiệm cho những hành vi của họ. Khi có chuyện gì tồi tệ xảy ra, họ sẽ là những kẻ đầu tiên chỉ tay đổ lỗi cho người khác thay vì nhận trách nhiệm về mình. Họ thấy hành động của mình không có gì sai, và sẽ cho là mình có quyền được cư xử như vậy.
Căn nguyên của việc chèn ép nơi công sở
Với thời gian làm việc kéo dài nhất ở châu Âu, Anh là nước đặc biệt có nhiều nguy cơ xảy ra tình trạng chèn ép nơi công sở. TUC (hội đoàn các đại diện các công đoàn Anh) ước tính rằng có 4 triệu người thường xuyên phải làm việc trên 48 tiếng mỗi tuần, điều này có nghĩa là 1 người làm việc trung bình mỗi năm phải lao động không công trong một khối lượng thời gian mà đáng lẽ họ phải được trả 5.000 bảng.
Trên thực tế, những người quản lý thường được bổ nhiệm vào những vị trị mà trước đây họ chưa hề có kinh nghiệm lãnh đạo và chưa hề được đào tạo. Những trường hợp như thế sẽ tạo ra môi trường áp lực và từ đó những kẻ chèn ép sẽ xuất hiện.
Khi thấy bấp bênh trong vai trò mới, những nhà quản lý thiếu kinh nghiệm này sẽ cố chứng tỏ mình bằng cách áp đặt và cứng nhắc. Điều này đã biến họ trở thành những kẻ chèn ép hơn là những người quản lý. Cách quản lý này gây ra những nguy cơ tiềm tàng đối với nhân viên và với công việc kinh doanh của họ.
Cái giá của việc chèn ép
Nếu bạn làm việc trong phòng quản lý nhân sự, bạn cần phải hiểu được tác hại của tình trạng chèn ép. Từ hiểu biết của bản thân bạn về chèn ép nơi làm việc, hãy tạo Bản đồ Tư duy về những hậu quả trên cả phạm vi rộng và hẹp của nó.
Tác động của sự chèn ép đối với tập thể
Hãy bắt đầu bằng việc tạo Bản đồ Tư duy về ảnh hưởng của việc chèn ép có thể tới toàn bộ công ty của bạn, nhìn nhận vấn đề này từ khía cạnh của cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc.
1. Vẽ hình một kẻ chèn ép ở trung tâm của Bản đồ Tư duy.
2. Vẽ các nhánh chính thể hiện: "vắng mặt không lý do", "tinh thần", "hình ảnh" và "khách hàng". Tìm ra những ảnh hưởng khác riêng biệt trong hoàn cảnh ngành nghề hay nơi làm việc của bạn.
3. Từ các nhánh chính, vẽ thêm các nhánh phụ thể hiện những chi tiết của từng vấn đề. Ví dụ, từ nhánh "vắng mặt không lý do" có thể vẽ thêm "áp lực", và "năng suất"; từ nhánh "hình ảnh", vẽ thêm "cổ đông" và "nhà đầu tư" bởi vì những người này sẽ cân nhắc có nên đầu tư hay không vào công ty đã bị mang tiếng có xảy ra chèn ép.
4. Sử dụng màu sắc và hình ảnh xuyên suốt để làm cho bức thông điệp của Bản đồ Tư duy trở nên rõ ràng. Đây là một Bản đồ Tư duy quan trọng cần học hỏi và tiếp thu, vì vậy dành thời gian để làm cho nó dễ nhớ sẽ có lợi cho bạn.
5. Chia sẻ Bản đồ Tư duy với những thành viên còn lại trong nhóm để mọi người hiểu rõ tác hại của sự chèn ép.
Bây giờ vẽ một Bản đồ Tư duy thứ hai nhìn nhận sự chèn ép từ quan điểm của người bị chèn ép.
Tác động của sự chèn ép lên cá nhân
1. Phần trung tâm của Bản đồ Tư duy vẽ một hình ảnh của một ai đó đã từng bị chèn ép. Họ có thể trông đầy giận dữ, chán nản và vô vọng.
2.2. Những nhánh chính của bạn có thể gồm những từ như "giận dữ", "trốn chạy thực tế", "các mối quan hệ" và "căng thẳng".
3.3. Mở rộng vấn đề trong các nhánh chính bằng cách chi tiết hóa vào các nhánh con. Hệ quả trực tiếp của sự căng thẳng gồm:
• Tình trạng trì trệ.
• Chứng rối loạn tư duy do căng thẳng
• Hội chứng mệt mỏi kinh niên (ME).
• Chứng rụng tóc.
• Chứng mất ngủ.
• Các bệnh ngoài da.
Trong nhánh "các mối quan hệ", hãy chỉ ra sự chèn ép đã làm xáo trộn các mối quan hệ trong gia đình như thế nào. Bên dưới nhánh "sự sợ hãi", hãy chú ý rằng, kể cả những người có cá tính mạnh mẽ cũng bị chùn chân bởi chèn ép và thường rơi vào bóng đêm sợ hãi, bối rối. Bị ám ảnh bởi tội lỗi, nên họ cảm thấy theo cách nào đó việc họ bị áp bức là do chính bản thân họ, họ trở nên lúng túng, xấu hổ về những cái mà họ cho là những nhược điểm của bản thân.
4.4. Hãy chắc chắn rằng mọi người trong công ty xem Bản đồ Tư duy này để họ có thể nhận thức được tác hại do chèn ép tạo ra.
Hai Bản đồ Tư duy này sẽ giúp bạn tiến thêm một bước trong tiến trình loại bỏ sự chèn ép trong công ty.
Những nguy cơ bị chèn ép trong nghề y
Sự chèn ép xảy ra rất phổ biến trong nghề y. Tạp chí Tin tức của Hiệp hội Y khoa Anh đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 1000 bác sỹ làm việc ở những bộ phận khác nhau trong Cơ quan Y tế Quốc gia về tình trạng chèn ép trong công sở. Kết quả nhận được rất đáng ngạc nhiên. 1/3 trong số những người được hỏi cho biết họ đã bị chèn ép trong năm vừa qua. Ở Mỹ cũng xảy ra tình trạng tương tự – các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các sinh viên y khoa bị đối xử tồi tệ và bị chèn ép trong suốt thời gian thực tập.