Bản Đồ Tư Duy Trong Công Việc - Chương 13
Những người có năng lực thường là nạn nhân của sự chèn ép
Tiêu đề này đã xuất hiện trong trang “Chèn ép trong công việc” của www.bullyonline.org – trang web của đường dây tư vấn quốc gia về tình trạng chèn ép trong công sở của Anh. Nếu bạn đang hoặc đã từng bị chèn ép trong công việc, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi biết được số liệu sau đây: ít nhất 95% các trường hợp gọi đến đường dây tư vấn quốc gia về tình trạng chèn ép trong công sở của Anh là những người có khả năng và được mọi người yêu mến.
Điều này được khẳng định thêm bởi các nghiên cứu của Viện nghiên cứu về tình trạng chèn ép và tổn thương nơi công sở (www.bullyinstitute.org). Mục tiêu của Viện nghiên cứu này là giúp đỡ các cá nhân và tổ chức ở Mỹ và Canada. Báo cáo của viện về tình trạng chèn ép trong công sở đã chỉ ra năm lý do hàng đầu giải thích nguyên nhân tại sao các nạn nhân của tình trạng chèn ép lại phải chịu như vậy:
1. Tôi cố gắng làm việc độc lập, không chịu để cho người khác kiểm soát hoặc tỏ ra khúm núm (70%)
2. Tôi có khả năng làm việc và có uy tín (67%)
3. Do cá tính của kẻ chèn ép (59%)
5.4. Tôi được các đồng nghiệp và khách hàng yêu mến (47%)
5. Tôi bị trả thù do đã báo cáo với cấp trên về hành động vi phạm đạo đức hoặc trái với luật pháp của họ (38%)
Những con số này đã thể hiện rằng, những người chèn ép người khác là những người yếu đuối, luôn có cảm giác không an toàn, lo lắng và vô trách nhiệm. Trong khi đó, những người bị chèn ép luôn có xu hướng có trách nhiệm và được mọi người yêu mến.
Nhận ra bản chất của kẻ chèn ép
Để chống lại sự chèn ép nơi công sở, bạn cần phải nắm bắt tính cách của kẻ chèn ép bằng cách sử dụng Bản đồ Tư duy. Bản đồ Tư duy sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm ra lý do hành động của kẻ chèn ép mình. Dù bạn là nạn nhân của sự chèn ép hay bạn chỉ đang cố gắng giải quyết nạn chèn ép trong tập thể của bạn, hay bạn ở trong bất kỳ vị thế nào đi nữa, nhận ra bản chất của kẻ chèn ép là một công cụ rất hiệu quả.
LẬP BẢN ĐỒ TƯ DUY VỀ KẺ CHÈN ÉP
1. Vẽ một bức tranh về kẻ chèn ép ở trung tâm của Bản đồ Tư duy và viết chữ "kẻ chèn ép" bằng chữ in hoa.
2. Vẽ các nhánh chính để miêu tả tính cách của kẻ chèn ép. Bạn có thể sử dụng các từ như: "ghen tỵ", "thích làm người khác bị tổn thương", "bất an", "không hạnh phúc", "thích bạo lực" và "vô trách nhiệm". Bạn có thể sử dụng bao nhiêu từ tùy thích.
3. Sau đó, vẽ các nhánh phụ để chứng minh từng đặc điểm của kẻ chèn ép ở nhánh chính. Chẳng hạn, bạn phải tìm hiểu xem kẻ chèn ép có cố gắng điều khiển người khác bằng cách tác động đến suy nghĩ của họ hay không? Kẻ chèn ép đó có thân thiết với một số người chỉ trong thời gian rất ngắn rồi lại bỏ rơi họ hay không? Hay kẻ chèn ép có cố gắng là người điều khiển và quyết định tất cả mọi công việc hay không?
4. Nếu trong tập thể không chỉ có một nạn nhân của kẻ chèn ép, bạn phải thêm những nhận xét của họ vào Bản đồ Tư duy này. Hãy dùng một màu riêng để thể hiện ý kiến của mỗi người bởi quan điểm của họ có thể không giống nhau.
5. Thêm vào Bản đồ Tư duy những ví dụ về hành vi của kẻ chèn ép. Một việc tưởng chừng như rất đơn giản là ghi lại các hành vi của kẻ chèn ép trên Bản đồ Tư duy cũng sẽ giúp bạn kiểm soát được tình hình. Bạn sẽ nhận ra được những hành vi chèn ép lặp đi lặp lại và điều này sẽ giúp cho bạn và tập thể của mình dự đoán được các hành vi của kẻ đó.
Lựa chọn chiến lược
Một khi bạn hoàn thành Bản đồ Tư duy, bạn sẽ có rất nhiều chiến lược để lựa chọn. Những chiến lược này phải được đưa vào Bản đồ Tư duy dựa trên phân tích về tính cách của kẻ chèn ép trình bày bằng màu khác với ý nghĩa “Đánh bại kẻ chèn ép”. Kế hoạch hành động thường bao gồm:
Thấu hiểu
Đầu tiên bạn hãy cố gắng hiểu kẻ chèn ép chứ đừng để kẻ chèn ép hiểu mình. Tất cả mọi người đều muốn người khác hiểu mình và đây là một bản năng mà bạn có thể tận dụng. Hãy cố gắng thỏa mãn khát vọng rất đời thường đó của kẻ chèn ép. Bạn phải luôn ghi nhớ rằng, kẻ chèn ép luôn cảm thấy không ổn định về tâm lý. Có thể đằng sau vẻ bề ngoài khắc nghiệt của kẻ chèn ép lại là một con người cô đơn đang tuyệt vọng tìm kiếm sự yêu thương và đồng cảm. Bạn không cần phải là người đem đến sự yêu thương này – bạn đi làm là để kiếm sống – nhưng một chút đồng cảm và độ lượng có thể giúp ích cho bạn.
Tránh sự kích động
Mặc dù, bạn cảm thấy rất tức tối với kẻ chèn ép mình nhưng bạn đừng để cảm giác tức tối này làm cho bạn quay ra chỉ trích bản thân hoặc trút bực bội lên bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp. Bạn cũng đừng chọn những giải pháp có vẻ dễ dàng như ăn quá nhiều, uống rượu bia, hút thuốc lá hay sử dụng quá nhiều các loại chất kích thích khác. Cách tốt nhất để kiểm soát bản thân khi đương đầu với sự chèn ép là tỏ ra kiêu hãnh và tự tin, không có các hành động lố bịch. Trong tự nhiên, con vật nào yếu thế hơn sẽ bị tấn công vì vậy nếu bạn tỏ ra kém bản lĩnh, bạn sẽ càng bị chèn ép. Đồng thời, bạn cũng phải đoán trước được những dấu hiệu của sự chèn ép và học cách tránh xa những rắc rối đó. Đừng nghĩ rằng việc tránh né này thể hiện điểm yếu của bạn. Nó chỉ thể hiện rằng bạn không muốn dính líu đến kẻ chèn ép này.
Kiểm soát sự giận dữ
Không có gì lạ nếu như kẻ chèn ép làm cho bạn cảm thấy bừng bừng tức giận. Có thể là do hắn đã:
• Xúc phạm bạn.
• Làm cho mọi người nghi ngờ khả năng chuyên môn của bạn.
• Ăn cắp ý tưởng sáng tạo của bạn.
• Đổ trách nhiệm cho bạn về những việc mà bạn không gây ra.
Nhưng nếu bạn đang phải chịu sự chèn ép, bạn càng phản ứng tiêu cực thì kẻ chèn ép bạn càng lấn tới. Ngược lại nếu bạn tránh những sự rắc rối và kiểm soát được cơn tức giận của mình, kiêu hãnh bỏ đi và vẫn giữ được sự hài hước, kẻ chèn ép sẽ không đạt được mục đích của mình. Mặc dù điều này có thể làm cho kẻ chèn ép nhất thời gia tăng những hành động gây hại cho bạn, nhưng chẳng bao lâu hắn sẽ bỏ cuộc. Bạn càng tránh được kẻ chèn ép đi bao nhiêu thì bạn càng ít có nguy cơ trở thành nạn nhân của hắn – kẻ chèn ép sẽ cảm thấy chùn chân trước sự vững vàng của bạn.
SỨC MẠNH CỦA TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
Hãy nhớ rằng Bản đồ Tư duy là một công cụ đồ họa nối các hình ảnh có liên hệ với nhau thành một bức tranh tổng thể.
Như vậy để đối phó với một kẻ chèn ép, bạn hãy luôn sử dụng Bản đồ Tư duy để hình dung ra các chiến lược và chiến thuật mà bạn sẽ sử dụng để làm thay đổi hành vi của kẻ chèn ép nhằm đem lại lợi ích cho bạn hoặc cho cả hai.
1. Hãy dành ra vài phút tưởng tượng bạn lâm vào tình trạng bị chèn ép. Hãy sử dụng Bản đồ Tư duy bạn đã vẽ ở phần trước để hình dung ra một tình huống như vậy.
2. Hãy hình dung ra từng chi tiết của tình huống đó nhưng lần này bạn phải tưởng tưởng ra mình sẽ phản ứng như thế nào với hành vi của kẻ chèn ép: Bạn phải bình tĩnh và tự chủ.
3. Sau đó, bạn vẫn điềm nhiên quay lại với công việc của mình, không thèm quan tâm tới kẻ chèn ép kia
Hãy giả định rằng, kẻ chèn ép luôn nói rằng công việc bạn làm chưa đạt yêu cầu, dù cho bạn đã dành thời gian và tâm sức vào công việc đó và thậm chí còn làm tốt hơn những yêu cầu đặt ra. Phản ứng thông thường của bạn khi bị phê bình sẽ là oà khóc và tâm sự với một người đồng nghiệp khác. Sau đó, bạn sẽ bắt đầu đi kể lể khắp nơi, và sau khi làm việc xong, bạn sẽ đi uống rượu với một số người để tâm sự với họ. Bạn trở về nhà, mệt mỏi rã rời, và sau một đêm ngủ chập chờn, sáng hôm sau tỉnh dậy, cơn tức giận của ngày hôm qua vẫn chưa nguôi ngoai.
Nhưng nếu bạn sử dụng Bản đồ Tư duy để hình dung lại bằng bản đồ những gì đã xảy ra, bạn sẽ không còn bị ám ảnh bởi những lời nhận xét ác ý đó nữa. Lần sau, nếu chuyện tương tự xảy ra với bạn, bạn sẽ không oà khóc và đem tâm sự của mình đi kể khắp nơi nữa. Bạn sẽ nghĩ rằng kẻ chèn ép, bạn chỉ đang cố làm cho bạn cảm thấy bị tổn thương. Để đáp trả, hãy đối xử lịch sự với người đó, cả trong và ngoài giờ làm việc, và sau mỗi lần kẻ đó làm tổn thương bạn, hãy trở lại làm việc như thể chưa có việc gì xảy ra. Những người khác sẽ ủng hộ bạn, và chẳng bao lâu kẻ chèn ép sẽ phải rút lui khi nhận ra rằng hắn là kẻ thua cuộc. Thậm chí hắn có thể nhận ra rằng, trong một môi trường làm việc toàn những người tốt bụng, hoà nhã và biết cách cư xử, không có chỗ cho những hành động chơi xấu hay bất nhã.
Đối đầu
Kế hoạch hành động là phải đương đầu với kẻ chèn ép, sử dụng Bản đồ Tư duy như một cách để phân tích tình huống và đề xuất giải pháp. Mặc dù, biện pháp này không phải lúc nào cũng thành công – vì một số kẻ chèn ép vô cùng ngoan cố – nhưng nếu bạn hiểu rõ được tình thế, bạn sẽ không thua cuộc khi đương đầu với kẻ chèn ép mình.
Một số kẻ chèn ép không nhận thức được hậu quả của những lời nhận xét và hành động của mình. Tuy nhiên, chỉ riêng bạn sử dụng Bản đồ Tư duy đã thể hiện rằng bạn có ý định thay đổi tình thế, thể hiện sức mạnh của mình và quyết tâm giải quyết tình trạng này.
Bạn cần dũng cảm mới đương đầu được với kẻ chèn ép mình. Bạn sẽ không chỉ có được sự tôn trọng từ đồng nghiệp và chính người chèn ép bạn – bạn sẽ cảm thấy lòng tự tôn của mình cũng tăng lên. Phương pháp làm việc tập trung và trao đổi thẳng thắn của bạn có thể làm cho kẻ xấu tính làm việc hoà thuận hơn với những người khác trong tập thể. Nếu vấn đề vẫn tiếp tục tồn tại và bạn buộc phải sử dụng những biện pháp mạnh hơn, hãy chắc chắn rằng bạn đã thử giải quyết vấn đề một cách thấu đáo và có trách nhiệm
Tìm kiếm lời khuyên
Hãy tìm kiếm lời khuyên mỗi khi có thể. Tình trạng chèn ép trong công sở phổ biến đến mức rất nhiều người đã gặp phải, dưới hình thức này hay hình thức khác. Có thể bạn nên tâm sự với mọi người khi không ở nơi làm việc, chẳng hạn với bạn bè hay gia đình mình. Bản đồ Tư duy sẽ là một cách ghi lại hiệu quả và sinh động những kinh nghiệm người khác chia sẻ với bạn. Hay có thể có một người đồng nghiệp nào đó của bạn có khả năng đối phó êm xuôi với kẻ chèn ép. Nếu như vậy, hãy tìm ra người đó và hỏi họ về các chiến thuật đối phó. Bạn nên nhẹ nhàng, thân mật hỏi ý kiến họ và bạn chỉ nên nói chuyện với người đáng tin cậy. Thêm vào đó, bạn có thể xin lời khuyên từ một số trang web chuyên tư vấn về tình trạng chèn ép trong công sở, họ có nhiều kinh nghiệm và có thể cho bạn những lời khuyên xác đáng.
Tuy nhiên, có những trường hợp sự chèn ép không hề giảm đi và bạn cần phải hành động quyết liệt hơn, bằng cách trao đổi với lãnh đạo, những người quản lý nhân sự hay đại diện công đoàn. Đây không phải là một giải pháp tối ưu, nhưng nếu bạn làm theo lời khuyên ở đây, lưu giữ một Bản đồ Tư duy về những gì đã xảy ra, lòng tự tôn cúng như sự tôn trọng của bạn bè và đồng nghiệp của bạn sẽ được nâng cao.
Giữ suy nghĩ tích cực
Sau một thời gian dài phải làm việc cùng với những kẻ khó chịu, sự tự tin của bạn có thể bị suy giảm nghiêm trọng đến nỗi bạn bắt đầu tin vào những lời nhận xét tiêu cực và ác ý của họ.
Đây là lời khuyên của Janine, một người đã từng là nạn nhân của sự chèn ép: “Giữ được những suy nghĩ tích cực thật là khó khăn, nhưng đừng suy sụp, vì nếu như vậy, bạn đã nhường cho kẻ chèn ép mình phần thắng.”
Nếu bạn có thể gạt bỏ những lời ác ý của kẻ chèn ép khỏi cuộc sống, bạn hoàn toàn có thể giữ được sức mạnh tinh thần và lòng tự tôn. Bạn sẽ hiểu tại sao mình lại bị chèn ép, bạn sẽ làm bất cứ điều gì có thể để làm tình huống dịu đi, nhưng cùng lúc đó, bạn phải bình thản, mỉm cười và vui vẻ, tin tưởng ở bản thân mình.
Thất vọng nơi công sở
Khi bạn là nạn nhân của sự chèn ép, đôi khi bạn có thể cảm thấy mình nhạy cảm quá mức đối với những nhận xét hay hành động ác ý của đồng nghiệp. Bạn phải cảnh giác với nguy cơ này và phải khách quan nhìn nhận sự việc.
Điều tồi tệ nhất là bạn lâm vào tình trạng co lại phòng thủ khi cảm thấy thất vọng trước những sự chèn ép mà mình phải chịu. Bạn có thể cảm thấy rất khó khăn, nhưng hãy kiềm chế bản năng tự vệ của mình. Hãy chờ cho đến khi mọi chuyện lắng xuống và hỏi người quản lý bạn xem họ nhìn nhận như thế nào về tình huống đó. Có thể lãnh đạo của bạn sẽ cảm thấy trân trọng khả năng xem xét lại công việc của bạn và sẽ thận trọng hơn khi muốn thể hiện những quan điểm không tốt về bạn trong tương lai.
Hãy ghi lại những lời nhận xét của người quản lý vào một Bản đồ Tư duy để người đó thấy rằng bạn thật sự nghiêm túc và muốn nâng cao chất lượng công việc.
Nhìn nhận đúng đắn sự việc
Hãy tưởng tượng rằng, nhờ có Bản đồ Tư duy, bạn nảy ra một số ý tưởng sáng tạo và rất muốn thử nghiệm chúng. Nhưng khi bạn tự tin bước vào phòng sếp và trình bày ý tưởng mới nhất của mình dưới dạng Bản đồ Tư duy, sếp bạn lại tỏ ra không hứng thú gì với ý tưởng đó và có vẻ quyết tâm làm cho bạn cảm thấy mình đã thất bại. Bạn sẽ phản ứng như thế nào trước sự bực bội này mà vẫn giữ được hòa khí? Có thể là sếp bạn đang lợi dụng tình huống này để chèn ép bạn vô lý và làm bạn thất vọng, nhưng công bằng mà nói, có thể có những lý do khác khiến sếp bạn không hào hứng với ý tưởng đó. Thay vì việc nhìn nhận mọi việc theo cảm tính, hãy ghi nhớ những điểm sau:
1. Thời điểm quyết định tất cả – Trong công việc, bạn phải cẩn trọng chọn lựa thời điểm. Nếu sếp bạn vừa dự một cuộc họp kéo dài cả ngày và bạn bước vào ngay sau đó mà không để cho sếp có thời gian uống một cốc nước hay kiểm tra thư điện tử, thì rất có thể, bạn đã chọn sai thời điểm để trình bày ý tưởng mới của mình và đừng mong nó được chấp nhận.
2. Luôn sẵn sàng làm tốt hơn – Nếu bạn chấp nhận một thực tế là mọi ý tưởng đều có thể được cải tiến tốt hơn thì khi phải đối đầu với tình huống sếp không thích ý tưởng của bạn, bạn có thể hỏi xem ông ta không thích những điểm nào. Có thể ông ta chỉ không thích một phần chứ không phải là toàn bộ ý tưởng. Hoặc ông ta muốn thêm vào một điểm gì đó hay lái nó theo một hướng khác. Hãy sẵn sàng thỏa hiệp và nói chuyện thẳng thắn với sếp – đừng giữ thái độ kiên quyết và không chấp nhận những ý kiến của ông ta.
3. Hãy để mọi chuyện qua đi – Trong trường hợp sếp thực sự không ưa ý tưởng của bạn, hãy cho qua chuyện đó. Nếu bạn không làm như vậy, bạn sẽ chỉ tự chuốc thêm căng thẳng và buồn phiền. Thay vào đó, hãy dành năng lượng của bạn để làm những việc khác và xem liệu lần này bạn có nhận được những phản ứng tích cực hơn hay không.
Chống trả
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà chiến đấu chống trả là một biểu tượng của người anh hùng. Vô vàn những bộ phim, những cuốn sách và các chương trình truyền hình nói về những con người chiến đấu để bảo vệ danh dự bằng bạo lực. Bản năng khi một người phải chịu áp bức là chống trả. Nhưng rất ít người có thể chống trả thành công và đạt được kết quả mong đợi. Thường thì việc chống trả chỉ làm tình hình rắc rối thêm và cả hai bên tham gia càng ngày càng làm tổn thương lẫn nhau.
Mọi người thường cho rằng, nếu mình bị chèn ép, cách duy nhất là chống trả. Tuy nhiên, chiến thuật tốt nhất bạn nên áp dụng là tránh xa khỏi những kẻ thích gây sự và làm hại người khác. Cũng giống như những đứa trẻ luôn cần thời gian để tự mình thấu hiểu điều gì và học được những bài học kinh nghiệm gì từ đó, kẻ chèn ép cũng cần một khoảng không gian riêng để suy nghĩ về hành động của bản thân. Tránh rắc rối không đồng nghĩa với việc cam chịu – đầu hàng và chấp nhận những điều xấu xa mà kẻ chèn ép bịa đặt về bạn – nó chỉ đơn giản thể hiện thái độ không muốn dính dáng đến những trò chơi ác ý của kẻ rắc rối mà thôi.
Được trang bị Bản đồ Tư duy, bạn sẽ dễ dàng hình dung ra giá trị của chính mình và mình nên hành động như thế nào. Bạn có thể tự nhủ với bản thân rằng cố gắng hết sức cư xử đàng hoàng, và những điều độc địa mà người khác nói về bạn sẽ không thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn nữa.
Cách thức hoà hợp
Tập một môn võ, chẳng hạn như võ aikido, có thể rèn luyện sức mạnh tinh thần để giải quyết những mối bất hòa theo cách khôn ngoan nhất. Tập luyện võ thuật giúp bạn tập trung và nhận thức được tường tận một tình huống, tận dụng những thay đổi để biến chúng thành điểm mạnh, và cùng lúc đó học được cách tránh né những hành vi xấu hay những ảnh hưởng xấu của kẻ rắc rối. Trái ngược hẳn với những giai thoại đã có từ lâu đời, võ thuật, đặc biệt là aikido, giúp con người tìm ra một giải pháp hòa bình chứ không phải đưa ra giải pháp bạo lực. Dù cho lúc đầu tình huống bạn gặp phải có nhiều xung đột đến đâu, bao giờ bạn cũng có khả năng tìm ra một giải pháp hòa bình.
Đấu tranh với những ý nghĩ tiêu cực của bản thân
Càng ngày nhận thức về tình trạng chèn ép nơi công sở càng gia tăng, hầu hết các cuộc thảo luận, các bài báo, sách vở nói về chủ đề này đều cho rằng chèn ép là một hành động của một người tác động lên một người khác. Trên thực tế, đây là một sai lầm phổ biến nhất.
Tình trạng chèn ép này xảy ra nhiều nhất là trong suy nghĩ của mỗi người, chứ không phải là hành động bên ngoài giữa nhiều người với nhau. Tình trạng chèn ép này giống như “nuôi ong tay áo” – đó chính là cách suy nghĩ tiêu cực của bạn.
Văn hóa Anh và châu Âu hiện đại tập trung vào việc tìm ra những sai lầm và sửa chữa những thất bại, vì vậy mọi người thường có suy nghĩ một cách tiêu cực. Bởi vì suy nghĩ của não được chỉ đạo bởi cái mà nó muốn được tập trung vào, nên con người dần có thói quen tập trung vào những sai lầm, thất bại và những điểm yếu. Vì vậy, khi một người bình thường tự nói với bản thân mình, thì những suy nghĩ tiêu cực chiếm tỉ lệ áp đảo: 15–1, và điều này dần dần củng cố cho thói quen suy nghĩ tiêu cực. Mỗi ý nghĩ bi quan lại làm tăng thêm số tế bào não chuyên suy nghĩ tiêu cực. Đó chính là sự chèn ép lớn nhất đối với mỗi con người. Có lẽ trong bạn tồn tại một Kẻ chèn ép vô hình, kẻ luôn nói với bạn những câu đại loại như:
• “Mình không thể làm được việc này”
• “Mình chẳng giỏi giang gì”
• “Mình thật là ngốc nghếch”
• “Mọi chuyện với mình chẳng bao giờ suôn sẻ cả”
• “Mình là một kẻ thất bại”
• “Mình chẳng có sức đâu mà làm việc”
Nếu bạn suy nghĩ như thế này, chắc chắn bạn đang bị một kẻ xấu tính nhất chế ngự trí não của mình. Những suy nghĩ tiêu cực này thể hiện những cảm xúc bất an, tự ti và thiếu tin tưởng ở chính mình. Trông bề ngoài, những suy nghĩ này có vẻ như vô hại, thậm chí chúng còn giúp bạn dễ dàng né tránh những thử thách và những khó khăn mà bạn không muốn phải đương đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, những suy nghĩ này vô cùng nguy hại và có thể đưa bạn lún sâu vào nỗi sợ hãi, cách suy nghĩ tiêu cực, sự thất vọng và chán ghét bản thân. Vậy là, bạn sẽ ngày càng thiếu tự tin và thiếu coi trọng giá trị của bản thân.
Nhưng cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta sống chứ không phải khi chúng ta chạy trốn. Dẹp những suy nghĩ tiêu cực qua một bên, bạn sẽ có thể hăng hái tận hưởng cuộc sống. Một mặt, không phải thử thách nào bạn cũng vượt qua được, nhưng mặt khác, nếu bạn đối diện thử thách của cuộc sống với một thái độ tích cực và cố gắng hết sức để vượt qua nó, bạn đã thành công. Vì vậy, bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn, đáng trân trọng hơn và thực sự được mọi người nể trọng.
KIỂM SOÁT SỰ TIÊU CỰC TRONG SUY NGHĨ
1. Ở trung tâm của Bản đồ Tư duy, hãy vẽ hình ảnh của kẻ xấu xa trong đầu óc bạn – tất nhiên, bạn phải hình dung ra người này bằng cách sử dụng trí tưởng tượng của mình.
2. Vẽ các nhánh chính thể hiện những suy nghĩ tiêu cực của bạn, sau đó vẽ nhánh phụ thể hiện hậu quả của những suy nghĩ đó đối với cảm giác và hành vi của bạn
3. Khi đã vẽ xong Bản đồ Tư duy này, hãy vẽ thêm một Bản đồ Tư duy khác để tìm hiểu xem mỗi nhánh trong Bản đồ Tư duy trước có thể được chuyển thành những ý nghĩ tích cực như thế nào.
Sau cùng, hãy ngồi xem xét lại và cười nhạo chính những điều ngốc nghếch mà mình đã làm trong quá khứ và tận hưởng cảm giác thanh thản. Hãy rũ bỏ hòn đá trong đầu óc bạn và giải phóng khả năng sáng tạo cũng như những suy nghĩ tích cực của mình.
Đánh giá đúng tầm ảnh hưởng của tình trạng chèn ép
Tình trạng chèn ép là không thể tránh khỏi đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, và bất kỳ người nào cũng phải đối mặt với nó, nhưng đôi khi chúng ta phải giải quyết tình trạng này. Tất cả những kẻ chèn ép đều tìm kiếm những nạn nhân yếu đuối và dễ bị tổn thương. Do đó, cách tốt nhất để chống lại tình trạng chèn ép (cả bên trong và bên ngoài) là mỗi người phải trở nên mạnh mẽ hơn. Hiểu biết luôn là nguồn gốc của sức mạnh đó. Bằng cách sử dụng Bản đồ Tư duy, chúng ta có thể:
• Hiểu được hậu quả của tình trạng chèn ép đối với mỗi cá nhân và tập thể,
• Hiểu được suy nghĩ của kẻ chèn ép,
• Học cách suy nghĩ tích cực – suy cho cùng, không phải bạn mà chính là người muốn làm hại bạn mới là người có vấn đề,
• Hãy đấu tranh chống lại những suy nghĩ tiêu cực ngay trong đầu óc bạn
Khi bạn không còn phải chịu sự chèn ép từ bên trong hay bên ngoài, bạn sẽ có thể tập trung tốt hơn để giải quyết công việc của mình và do đó phát huy được kỹ năng và hiểu biết của bạn.
Trong chương sau, chúng tôi sẽ bàn về cách thức sử dụng Bản đồ Tư duy để truyền đạt những hiểu biết của mình qua những bài thuyết trình sinh động bổ ích và dễ nhớ.