Bản Đồ Tư Duy Trong Công Việc - Chương 15

8. Giải pháp cân bằng công việc và cuộc sống

Nhu cầu cân bằng sự nghiệp với gia đình, những mối quan hệ xã hội và các thú vui, sở thích ngày càng trở nên bức thiết hơn. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải thực sự thấy thoải mái với sự cân bằng mà bạn đang thực hiện và không thiên lệch quá về một lĩnh vực nào của cuộc sống. Như phần phụ đề của cuốn sách này: “Làm việc một cách hiệu quả nhất mà vẫn có thời gian để vui chơi” đã chỉ ra, những ai sử dụng Bản đồ Tư duy trong công việc có nhiều khả năng đạt tới sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Khi bạn làm theo những lời khuyên ở các chương trước, bạn sẽ tìm ra thời gian dành cho những việc mà bạn thực sự muốn làm hay cần phải làm, cũng như dành cho bản thân một chút thời gian trống để giải quyết những việc “không mời mà đến”. Bản đồ Tư duy là công cụ hiệu quả cho việc giải quyết của bạn, đem lại sự tổ chức và rõ ràng cho cuộc sống của bạn; Bản đồ Tư duy cũng hoàn toàn hữu ích cho những hoạt động khác của cuộc sống bên ngoài công việc.

Cân bằng công việc và cuộc sống là một tiến trình linh hoạt đòi hỏi bạn vừa tập trung cao độ trong từng thời điểm, lại vừa biến hóa tài tình. Khi lập một Bản đồ Tư duy tổng quát như vậy cuộc sống của mình, bạn cần tích hợp hợp tất cả các yếu tố của cuộc sống bên ngoài công việc, bao gồm sức khỏe, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí cũng như thăm hỏi bà con họ hàng và bạn bè bằng hữu. Ngoài ra, một người tuyển dụng hay một người lãnh đạo cần phải biết rằng mỗi nhân viên cần đạt sự cân bằng giữa lợi ích chung của cả tập thể với những hứng thú và quyền lợi cá nhân của mỗi người.

Sau đây là câu chuyện của một người sử dụng Bản đồ Tư duy để cân bằng công việc và cuộc sống gia đình.

Cân bằng cuộc sống gia đình và công việc

Rosalind Bower vừa là một người mẹ vừa là một nhà sản xuất chương trình truyền hình ở đài BBC. Cô tâm sự:

"Bản đồ Tư duy đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của tôi. Là một người mẹ phải đi làm, bạn sẽ ngập trong đống bộn bề công việc. Vậy là tôi thiết lập Bản đồ Tư duy cho việc nhà với các nhánh chính như "công việc", "các con" và các nhánh khác tương ứng với các công việc mà một người mẹ phải làm. Tôi không bỏ sót một nhiệm vụ nào cả. Nếu bạn phải tự nhủ "tôi phải đặt trước một buổi hẹn với nha sỹ", hãy đơn giản dán nó lên một nhánh tương ứng của Bản đồ Tư duy.

Ở cơ quan, khi phải chạy một dự án mới, tôi phải có toàn bộ thông tin, sau đó cần phải sắp xếp chúng vào các đề mục và phân công người phụ trách từng mảng. Tôi sử dụng Bản đồ Tư duy và thấy nó thật hiệu quả. Mỗi người phụ trách một phần công việc tương ứng với một nhánh trên Bản đồ Tư duy và tôi đứng ở trung tâm công việc để bao quát tất cả tiến trình của họ. Quả thật tôi đã rất thành công.”

Cân bằng cuộc sống và công việc: Từ quan điểm của nhà quản lý

Các công ty tiên tiến đều nhận thấy gia đình hoặc là một nguồn ủng hộ mạnh mẽ, hoặc là một bước cản lớn cho sự phát triển của công ty và việc hoàn thành mục tiêu của công việc. Vậy là họ mời tất cả các thành viên trong gia đình của các nhân viên – bố mẹ, con cái, vợ chồng và anh chị em tới công ty; khi đó họ sẽ hiểu thêm về mục tiêu và tầm nhìn của công ty thông qua Bản đồ Tư duy. Làm như vậy, không những mọi thành viên trong gia đình đều ủng hộ về mặt tinh thần cho các nhân viên của công ty mà họ còn tham gia vào hoạt động.

Một câu chuyện gia đình

Tổ chức Các Nhà Lãnh đạo Trẻ (Young Presidents” Organization, viết tắt là YPO) là một mạng liên kết 8000 các nhà lãnh đạo trẻ tại 75 quốc gia khác nhau trên toàn cầu có trụ sở đặt tại Irving, bang Texas. Một trong những giá trị chính được tuyên bố của tổ chức này chính là: “sự tham gia của người thân của họ vào hoạt động của tổ chức đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển và thăng tiến của tất cả các thành viên trong tổ chức”.

Tất cả những người thân trong gia đình họ đã được mời đến học cách sử dụng Bản đồ Tư duy, và thông qua Bản đồ Tư duy tìm hiểu về chức năng của tổ chức. Không chỉ vậy, một chuyến tham quan nơi làm việc đã giúp họ hình dung được tất cả những công việc mà các thành viên của tổ chức đảm nhiệm và những thành tựu mà tổ chức đã đạt được.

Sáng kiến này đã mang lại một sức mạnh và động viên tinh thần lớn lao cho cả nhóm, và khi một thành viên của nhóm bước vào một nhiệm vụ, họ mang theo những lời chúc, niềm tin và tình yêu thương của cả gia đình họ. Và nếu đôi khi họ làm thêm giờ, họ sẽ được gia đình chấp nhận và thông cảm.

Duy trì sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc là một trong những việc đầu tiên nhà lãnh đạo cần phải làm. Muốn nhân viên luôn làm việc với khả năng tốt nhất, họ phải quen với việc có thái độ linh hoạt với nhân viên.

Một nhà quản lý có tư tưởng tiến bộ thường tiến hành điều tra nhân viên của mình định kỳ và Bản đồ Tư duy hóa kết quả thu được. Những nhánh chính của Bản đồ Tư duy đó là: “ba đến bốn ngày làm việc trong tuần”, “chia sẻ nhiệm vụ”, “làm việc tại nhà”, “cung cấp máy tính xách tay, điện thoại di động, Internet băng thông rộng, kết nối từ xa với máy chủ” và các nhánh phụ phân tích chi tiết.

Nếu bạn thấy một kế hoạch khả thi, chẳng hạn như thời gian làm việc linh hoạt, khi đó một Bản đồ Tư duy khác để kiểm tra tính khả thi của kế hoạch đó. Chẳng hạn, để dự tính chi phí của kế hoạch này, bạn cần dựa vào các nhánh phụ để tìm hiểu về những chi phí và nguồn nhân lực để thay thế những nhân viên lựa chọn cách làm việc theo thời gian linh hoạt hơn.

Việc thừa nhận rằng nhân viên công ty cũng phải có cuộc sống của những người bình thường sẽ chẳng hại gì, thậm chí còn đem lại rất nhiều lợi ích. Ví dụ như, nếu cái máy giặt của bạn tràn nước ra khắp sàn bếp, cũng hãy nhủ rằng điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Hãy chấp nhận rằng đó là chuyện tất yếu của cuộc sống và ai cũng cần phải giải quyết những công việc lặt vặt như vậy, như thế bạn sẽ có một môi trường làm việc linh hoạt và thoải mái hơn.

Nếu bạn là một nhà quản lý luôn mong muốn nâng cao khả năng cân bằng cuộc sống và công việc của nhân viên. Hãy Bản đồ Tư duy những bước bạn cần phải làm như sau:

GIÚP NHÂN VIÊN CÂN BẰNG CÔNG VIỆC – CUỘC SỐNG

1. Hãy vẽ một chủ đề trung tâm "Cân bằng công việc và cuộc sống", bạn có thể minh họa cho chủ đề này bằng một đòn cân với một bên là công việc và một bên là cuộc sống. Nếu phần công việc của bạn đã được bản đồ hóa triệt để, công việc được xếp ngang hàng với vui chơi, thì hãy để phần cuộc sống cũng cần bằng với nhánh vui chơi đó. Hình ảnh minh họa chủ để trung tâm của bạn sẽ phản ánh sự cân bằng này.

2. Những nhánh chính phải được chia trên cơ sở những yêu cầu cụ thể và hoàn cảnh của công ty bạn. Các nhánh đó có thể là: "thời gian linh hoạt", "chăm sóc con cái", hay bạn có thể thay một nhánh bằng "làm việc tại nhà" nếu công việc của bạn chủ yếu thực hiện trên máy tính. Tất nhiên đừng cho những nhánh đó vào nếu công việc của bạn lại đòi hỏi phải gặp mặt khách hàng thường xuyên.

3. Hãy vẽ các nhánh phụ từ các nhánh chính và ước tính chi phí của từng giải pháp. Chẳng hạn, giải pháp thành lập khu trông trẻ của riêng công ty, hay công ty trả tiền cho chi phí gửi con em nhân viên vào nhà trẻ, có thể tương đối tốn kém, nhưng lại là vô cùng hữu ích đối với các nhân viên của công ty. Hơn thế nữa, họ sẽ yên tâm làm việc cho công ty bạn mà không phải lo lắng về con cái của mình nữa.

4. Nếu công ty bạn vừa thực hiện một cuộc trưng cầu ý kiến trong nhân viên, hãy đưa các ý kiến của nhân viên vào Bản đồ Tư duy của bạn. Hãy dùng hẳn một màu khác làm sáng rõ các phần này.

5. Hãy thảo luận với mọi người về Bản đồ Tư duy bạn vừa lập, bổ sung ý kiến và phản hồi của họ, và nhớ là dùng màu khác đi.

Cũng có thể là bạn không muốn đưa ra quá nhiều ý tưởng táo bạo và sự thay đổi cho công ty bạn trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, hãy lắng nghe đồng nghiệp của mình và thử bắt đầu xoa dịu những mâu thuẫn vốn tồn tại giữa công việc và cuộc sống, bạn sẽ đem lại một văn hóa công sở mới để thu hút những cộng sự tài giỏi và nhiệt huyết nhất.

Hãy để Bản đồ Tư duy của bạn như một bản kế hoạch mở, và nhớ cập nhật thêm các chi tiết khi nơi làm việc của bạn có những thay đổi.

Cân bằng tình yêu và công việc

Hãy thử tưởng tượng một cảnh tượng. Một buổi tối thứ 6 và bạn hẹn người yêu đến ăn tối ở một nhà hàng. Bạn đang ngồi bên bàn ăn, xung quanh toàn những đôi tình nhân vui vẻ, cười nói và nhìn nhau âu yếm. Bạn nhìn xuống đồng hồ: người yêu bạn đã muộn một tiếng.

Rồi khi người yêu bạn đến, bạn đang ngồi một mình trong sự cô đơn và xấu hổ. Hàng loạt lời xin lỗi và lý do, dù có lý đến đâu, cũng không làm thay đổi tình hình chút nào. Bạn cho rằng người yêu mình đã đặt công việc lên trên tình cảm với bạn. Ngay cả nếu bạn hoàn toàn ủng hộ công việc của người yêu bạn, sẽ vẫn có những lúc bạn phải thất vọng.

Cả bạn và người yêu đều là những người bận rộn, vậy làm thế nào để những chuyện khó chịu như trên không tiếp tục xảy ra? Giải pháp là hãy lên kế hoạch bằng Bản đồ Tư duy và xem kế hoạch của hai người khớp nhau ở chỗ nào. Điều này chỉ có thể đạt được bằng việc thường xuyên trao đổi thông tin (đừng bao giờ biến nó thành một cuộc đấu khẩu).

Tránh đối đầu

Khi có bất đồng, hai bạn có xu hướng cãi cọ, sau đó lại cảm thấy mệt mỏi, tốn thời gian để cãi cọ mà chẳng đi đến giải pháp nào cả. Hay tồi tệ hơn, những cuộc cãi cọ có thể trở nên xấu đi và biến thành cuộc cãi vã vô nghĩa và gây tổn thương cho nhau.

Thay vào đó, thật đơn giản nếu bạn quản lý thời gian ngay bằng Bản đồ Tư duy. Ví dụ như, các bạn thường tranh luận đòi hỏi nhau dành thời gian cho tuần tới, Bản đồ Tư duy sẽ chỉ ra ngay các kế hoạch của 2 bạn có khớp nhau không và có thể điều chỉnh ở chỗ nào (xem chương 3). Nếu vẫn còn bế tắc, các bạn hãy cùng nhau sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên để chỉ ra những việc nào có khả năng sắp xếp lại nhất.

Nếu cả hai bạn cũng sử dụng Bản đồ Tư duy thành thạo và chia sẻ với nhau, những bất đồng chắc chắn sẽ ít xảy ra hơn.

Nhóm làm việc

Bạn thường nghe người ta nói một cặp có thể bên nhau hạnh phúc lâu dài là một cặp “lập thành một nhóm hoàn hảo”. Nguyên tắc của việc hợp tác trong công việc có thể được áp dụng triệt để trong tình cảm, và cuốn sách này đã chỉ rõ mục tiêu là giúp các “nhóm” có thể cùng tập trung vào những đích chung và biết cách đặt ưu tiên cho các kế hoạch của mình (xem chương 5)

Bản đồ Tư duy có thể được sử dụng khi bạn muốn khắc phục cả những vấn đề nan giải nhất bằng những cuộc tranh luận tích cực. Đó có thể là những vấn đề nhỏ như nghỉ việc vào thời gian nào là phù hợp hay đi nghỉ mát ở đâu, tới những vấn đề lớn như thay đổi nghề nghiệp hoặc chuyển nhà. Cả gia đình có thể đưa lên Bản đồ Tư duy tất cả những nơi họ muốn đi, những gì họ muốn làm khi tới đó. Sau buổi thảo luận, các thông tin có thể được cô đọng lại ở một nhánh “có thể thực hiện được”, có thể bao gồm cả Thái Lan hay New Zealand. Khi đó, vấn đề sẽ đơn giản hơn vì mọi người chỉ cần quyết định xem địa điểm du lịch nào có thể lý tưởng nhất cho tất cả mọi người.

Sử dụng Bản đồ Tư duy để lên kế hoạch cùng nhau, bạn sẽ đạt được hiệu quả và năng suất của một nhóm làm việc. Nếu bạn cùng nhau đối mặt với những khó khăn, bạn sẽ tìm được phương án tốt nhất dựa trên kiến thức đầy đủ nhất. Và đương nhiên, bạn sẽ luôn ghi nhớ đâu là việc ưu tiên hàng đầu của mình, những gì là quan trọng đối với bạn.

Với Bản đồ Tư duy, bạn sẽ chấm dứt thời kỳ để công việc ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Ai cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, dù họ có tâm huyết với công việc đến mấy. Có Bản đồ Tư duy trong tay, bạn có thể xây dựng các quan hệ cũng như làm việc tốt hơn.

Mở rộng “nhóm”: sinh con

Nếu các bạn đang sống bên nhau hạnh phúc, chia sẻ công việc trong mối quan hệ gắn bó, bạn sẽ băn khoăn không biết đôi ta sẽ thế nào nếu có thêm một vài sự bổ sung mới, và sự bổ sung ấy lại đòi hỏi ở bạn nhiều tình yêu thương, thông cảm, lòng khoan dung và ý thức trách nhiệm hơn nữa.

Quyết định trở thành cha mẹ là một mốc lịch sử quan trọng của bất kỳ cặp vợ chồng trẻ nào, và đó cũng là điều có thể làm cho một mối quan hệ đang ngọt ngào và suôn sẻ trở nên vô cùng tồi tệ. Hơn nữa, dù bạn có đọc bao nhiêu sách, tham gia bao nhiêu khóa học, để thực sự trở thành những ông bố bà mẹ, bạn còn phải vượt qua nhiều chặng đường chông gai.

Không có ai và không có cái gì trên đời này đòi hỏi nhiều thời gian, tình yêu, ý thức trách nhiệm và sức lực của bạn hơn những đứa trẻ. Có những cặp cha mẹ chọn cách tự dìu dắt con cái, lại có những cặp chọn cách tận dụng sự giúp đỡ từ người khác. Trong trường hợp này, hãy sử dụng Bản đồ Tư duy để xem xét xem nên trao đứa con quý giá của bạn cho ai chăm sóc:

BẢN ĐỒ TƯ DUY CHO VIỆC CHĂM SÓC TRẺ

1. Dùng 1 bức ảnh hay vẽ hình con bạn vào giữa. Hạnh phúc và sức khỏe của con bạn phải được đặt lên hàng đầu.

2. Vẽ một số nhánh cong từ hình ảnh trung tâm thể hiện các sự lựa chọn của bạn. Nó có thể bao gồm: gia đình, bạn bè, người trông trẻ, vườn trẻ. Để mỗi cụm đó ở một dòng riêng.

3. Suy nghĩ tiếp về các sự lựa chọn đó bằng việc sử dụng các nhánh nhỏ hơn. Ví dụ như, bạn có thể có một người trông trẻ tới nhà bạn nhiều lần trong một ngày hay sống luôn cùng gia đình bạn. Bạn cũng có thể xem xét khả năng thuê chung một người trông trẻ cho cả bạn và bạn của bạn hay hàng xóm của bạn. Nếu bạn dự định nhờ bạn bè giúp đỡ, hãy xem xét khả năng có thể nhờ ai đó giúp đỡ thường xuyên. Hãy triển khai tất cả các khả năng có thể đến với bạn, xem xét chúng có phù hợp với chi phí và thời gian không để bạn có thể đưa ra quyết định hợp lý.

Đối phó với căng thẳng trong công việc

Stress có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần, cũng như tác động tiêu cực tới cuộc sống của bạn nơi công sở cũng như trong gia đình; do vậy, các mối quan hệ với bạn bè và người thân cũng có thể trở nên căng thẳng. Loại bỏ sự căng thẳng do công việc sẽ giúp bạn duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Nếu không làm được như vậy, những căng thẳng và bực bội sẽ càng ngày càng tăng lên.

Stress không chỉ đến với những người làm việc ở vị trí quản lý – nó ảnh hưởng tới nhân viên làm ở tất cả các vị trí.

Những biểu hiện bên ngoài của stress là:

• Đau lưng

• Các vấn đề về da

• Ra mồ hôi quá nhiều

• Đau đầu hoặc đau nửa đầu

• Khó tiêu hoá

Những biểu hiện về mặt hành vi của stress bao gồm:

• Mất ngủ

• Cáu gắt

• Ăn uống quá độ hoặc không thấy ngon miệng

• Khả năng tập trung kém

Những biểu hiện về mặt tâm lý của stress bao gồm:

• Tâm trạng thất thường

• Suy nghĩ ám ảnh

• Không tự tin vào bản thân

• Tức giận

• Bồn chồn lo lắng

Giảm thiểu stress

Stress là một hiện tượng tiêu cực càng ngày càng tích tụ nếu không được ngăn chặn kịp thời. Nó ăn mòn sức khỏe, năng lượng và hiệu quả làm việc của bạn. Stress khiến bạn làm việc kém hiệu quả hơn, và chính vì thế lại càng căng thẳng hơn – vòng luẩn quẩn này cứ thế diễn ra cho đến khi bạn suy sụp hoàn toàn.

Bản đồ Tư duy chính là một giải pháp giúp bạn lấy lại thăng bằng khi bạn cảm thấy căng thẳng. Bản đồ Tư duy sẽ giúp bạn tìm hiểu bản chất của những ý nghĩ và sự kiện không hay xảy đến với bạn. Nếu bạn lập Bản đồ Tư duy về những nguyên nhân làm cho mình căng thẳng, bạn sẽ có thể nhận ra nguyên nhân thực sự của stress. Khi đó, bạn sẽ có thể lập Bản đồ Tư duy để nghĩ ra kế hoạch hành động (xem chương 3 để biết cách sử dụng Bản đồ Tư duy để đưa ra những giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn sao cho những rắc rối không lặp lại) – cuộc sống của bạn sẽ tiếp tục tốt đẹp hơn.

Nếu bạn sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong Bản đồ Tư duy, bắt đầu với những căn nguyên của tình trạng căng thẳng, Bản đồ Tư duy về hành động đối phó với stress cũng sẽ giúp bạn giải quyết từng nguyên nhân một. Điều này cũng giống như việc bạn phác ra một bức tranh về việc mình loại bỏ stress dần dần như thế nào – và bạn sẽ lại cảm thấy dễ chịu hơn.

Nếu bạn có thói quen lập Bản đồ Tư duy và đưa ra kế hoạch trước khi sự việc diễn ra, bạn sẽ cảm giác tự tin là bạn làm chủ mọi việc, và đầu óc bạn sẽ không bị đám mây u ám của sự căng thẳng che phủ, trí tưởng tượng của bạn sẽ bay xa hơn.

Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục là một cách tuyệt vời để giảm căng thẳng trong cuộc sống. Đồng thời, có được một thân hình cân đối cho phép bạn hoạt động hiệu quả hơn, sáng tạo hơn, cũng như giúp bạn tận hưởng cuộc sống cùng gia đình. Nhưng thường thì, những dự định tốt rất hay bị lạc nhịp khi bạn cố gắng cân bằng công việc và gia đình.

Chế độ tập luyện của tôi là một chu trình giúp tôi giữ thân hình cân đối, săn chắc và linh hoạt. Khi ở nhà, tôi chèo thuyền trên sông từ 6–7 giờ sáng. Tôi đi bộ ít nhất 2 lần một tuần, mỗi lần lên đến 1 tiếng rưỡi, ở công viên gần đó hoặc ở vùng nông thôn. Tôi cũng tập yoga, võ thuật và các bài tập thể dục đơn giản. Khi phải đi xa, tôi phải chắc chắn rằng ở nơi đó có bể bơi và phòng tập thể hình để tôi có thể bơi nửa giờ và tập luyện với một máy tập toàn thân và máy tập giảm cân, kết hợp với bài tập kéo căng. Và, quan trọng nhất, thỉnh thoảng, tôi lại dành hai ngày nghỉ, hoàn toàn không làm gì cả.

Rất ít người làm giống như tôi. Ở Anh, thật đáng ngạc nhiên là 70% dân số không tập thể dục đều đặn. Đây là một con số đáng lo ngại nếu bạn nhẩm tính là nếu như vậy thì trung một người Anh sẽ dành 14 năm của cuộc đời ngồi tại chỗ.

Điều này có thể cho bạn thấy, bạn nhất thiết cần đưa tập thể dục vào thành một phần trong lịch hàng tuần của bạn và tránh xa sự quyến rũ của chiếc ghế xô pha êm ái khi bạn trở về nhà sau một ngày làm việc.

LUYỆN TẬP VUI VẺ

Tập thể dục cũng có thể rất vui vẻ, vì vậy bạn hãy nên bắt đầu bằng việc chuẩn bị một Bản đồ Tư duy.

1. Vẽ một hình ảnh của bạn ở giữa tờ giấy, cực kỳ sung sức và sẵn sàng hành động.

2. Những nhánh chính của bạn có thể bao gồm tất cả các loại bài tập thể chất mà bạn thích, từ nhảy theo nhạc salsa cho đến trượt tuyết, dưỡng sinh hay các môn thể thao đồng đội. Thậm chí nếu bạn đang tò mò về một môn nào đó, bạn cũng có thể đặt nó vào Bản đồ Tư duy của mình.

3. Bổ sung các nhánh nhỏ để thêm các chi tiết cho từng dạng bài tập. Chẳng hạn, thử tìm hiểu xem có lớp học Salsa nào gần nhà hay nơi làm việc của bạn không, và thử suy nghĩ xem bạn có cần trang phục đặc biệt cho môn đó không. Bổ sung tất cả các chi tiết đó vào Bản đồ Tư duy của bạn.

4. Đưa bạn bè xem Bản đồ Tư duy đó, để xem có ai muốn cùng tham gia vào hoạt động bạn đã chọn không. Phụ thuộc vào kiểu tính cách của bạn, có thể nếu thêm bạn bè cùng tập, bạn sẽ có thêm hứng thú và sẽ gắn bó được với môn đó lâu hơn.

5. Vẽ biểu đồ sự tiến bộ của bạn vào Bản đồ Tư duy và treo biểu đồ ở nơi bạn nhìn thấy thường xuyên. Nếu bạn nhận ra bạn đang giảm cân, hay có thêm năng lượng từ thói quen luyện tập, hãy viết vào Bản đồ Tư duy. Việc đó có thể là nguồn động lực để bạn tiếp tục.

Cũng giống như việc tổ chức các hoạt động thể chất đều đặn, bạn cũng nên cân nhắc xem mỗi ngày bạn có thể tập luyện với thời lượng ra sao. Cụ thể, phải chăng bạn đang phụ thuộc vào ô tô riêng hay các phương tiện công cộng quá nhiều trong khi thay vào đó, đơn giản, bạn có thể đi bộ hay đạp xe đến chỗ làm?

ĐI LẠI BẰNG BỐN BÁNH XE HAY BẰNG CHÍNH ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH

Ôtô đã trở thành một phương tiện giao thông được ưa chuộng, nhưng bạn có thể hạn chế việc phụ thuộc vào chiếc xe bốn bánh đó, đồng thời rèn luyện sức khỏe bằng cách đi bộ hoặc đạp xe thay vì với tay lấy chùm chìa khóa xe ôtô như một cái máy.

Hãy vẽ một Bản đồ Tư duy để xác định những tình huống bạn có thể đi bộ hoặc đạp xe thay vì lái xe.

1. Vẽ hình ảnh trung tâm là một đôi giày đi bộ hoặc một chiếc xe đạp.

2. Chỉ sử dụng một từ cho mỗi nhánh lớn, tóm tắt lộ trình bạn lái xe hàng tuần. Bạn có thể viết "đi làm", "đưa đón con đi học", "bạn bè", "đi chợ", "phòng tập", "về nhà".

3. Phát triển các nhánh chính với các nhánh con và xem xét các lựa chọn. Có thể có một con đường thơ mộng nào đó đến chỗ làm mà bạn có thể đạp xe thay vì ngồi sau tay lái. Có thể bạn dẫn bọn trẻ đi bộ đến trường thay vì đưa chúng lên xe ôtô, và như thế, chúng cũng có thể tập vài bài tập thể chất.

4. Cũng giống như Bản đồ Tư duy sức khỏe ở phần trên, bạn hãy giữ Bản đồ Tư duy này gần mình, trên bảng ghi nhớ hay trên cánh cửa tủ lạnh để kiểm tra xem bạn có đang đi bộ thường xuyên không, và ghi lại những lợi ích sức khỏe mà bạn thu được.

Đi bộ cũng rất có ích để bạn thư giãn đầu óc và chuẩn bị một cách nhìn mới cho vấn đề, như chúng ta đã thấy với kỹ thuật giải quyết vấn đề của người La Mã (solvitas perambulum).

Trái lại, ngồi trong xe khi tắc đường, không thể nhích lên được chút nào và hít thở mùi khói là một cách chắc chắn để tăng mức độ căng thẳng.

Làm việc tại nhà

Sau khi đã nghiên cứu và lập một kế hoạch kinh doanh, (xem chương 3), bạn đã quyết định sẽ tự mình làm. Bạn đã biến căn phòng còn dư trong nhà thành văn phòng làm việc, mua máy tính, máy in, điện thoại và ghế làm việc. Bạn lắp đặt Internet băng thông rộng và hộp thư điện tử, và ở đây, bạn có một tầm nhìn thoáng rộng, nơi bạn hi vọng sẽ khơi nguồn cho những ý tưởng sáng tạo. Ánh sáng rất tốt và không khiến mắt bạn căng thẳng, và phòng ở cách xa đường nên không bị tiếng ồn làm ảnh hưởng.

Đối mặt với sự xao lãng

Vào buổi sớm đầu tiên, bạn chuẩn bị cho mình một cốc đồ uống nóng và ngồi xuống làm việc. Sau vài phút, bạn phát hiện ra một đám cỏ dại như thể đã bất ngờ mọc lên trong vườn. Lập tức, bạn đứng bật đậy và lao xuống vườn, nhổ chúng lên. Khi đó, bạn nhận ra một bụi cây trông hơi lộn xộn, nên cắt tỉa nó cho gọn gàng. Đến lúc bạn quay lại được bàn làm việc, cốc đồ uống đã nguội, bạn đành xuống bếp để làm một cốc khác. Lúc đó, bạn nhận ra bát đĩa từ bữa sáng chưa được rửa và… Bạn hiểu rồi đấy.

Tất cả chúng ta đều thích ý tưởng làm việc tại nhà, nhưng không phải ai cũng thấy việc giữ một lịch trình quy củ và lờ đi những yếu tố gây mất tập trung là dễ dàng.

Tại văn phòng, mục đích duy nhất là làm việc. Trái lại, căn nhà có rất nhiều chức năng khác nhau. Nó là nơi trú ngụ nghỉ ngơi, nơi bạn tiếp đón bạn bè và gia đình, và nơi bạn dọn giường cho bọn trẻ vào buổi tối.

Khi làm việc ở nhà, chắc chắn bạn sẽ phải đối diện với những yếu tố làm bạn mất tập trung. Chẳng hạn khi điện thoại reo, bạn không thể biết trước đó là cú điện thoại công việc hay chỉ là ai đó gọi đến nói chuyện phiếm. Tương tự, nếu chuông cửa reo, bạn hầu như không thể không ra mở cửa. Nhưng bạn có thể điều khiển rất nhiều yếu tố gây xao lãng khác.

Sự mất tập trung là khi tâm trí bạn liên tục bị thu hút bởi những hình ảnh khác. Nguyên nhân là chúng ta luôn luôn nhận thức được việc gì trong cuộc sống là dễ chịu. Nếu công việc của bạn không được xác định hay định hướng rõ ràng, não bạn sẽ thiếu tập trung, bạn sẽ hướng sự chú ý của mình tới những thứ nhẹ nhàng và dễ chịu hơn để tránh công việc vất vả.

Bản đồ Tư duy có thể là một phương tiện giúp bạn tự khích lệ. Ngay khi bạn lập bản đồ cho tháng/tuần/ngày sau đó, bạn sẽ tập trung lại vào những công việc cần phải hoàn thành. Gạch bỏ những nhánh bạn đã hoàn thành sẽ đem lại cảm giác hài lòng. Nếu có những phần trong Bản đồ Tư duy bạn mong đợi, bạn có thể quan niệm đó là những phần thưởng. Bộ não bạn sẽ biết rằng bạn chỉ có thể đạt được chúng khi bạn thực sự xứng đáng.

Xác lập một lịch trình

Việc tổ chức một ngày làm việc và xen kẽ đều đặn bằng những ngày nghỉ là rất quan trọng. Bên cạnh việc giúp bộ não luôn sảng khoái, điều này giúp bạn tổ chức và định hình một ngày làm việc. Bạn sẽ không thể làm việc tốt nếu bạn ngủ nướng đến nửa ngày rồi sau đó phải thức suốt đêm khi vợ/ chồng bạn trở về nhà.

Đồng thời, bạn cần được tận hưởng những ích lợi mà sự linh hoạt khi làm việc tại nhà đem lại. Khi bạn vẽ Bản đồ Tư duy cho tuần tiếp, bạn sẽ có thể ghép vào đó một số thời điểm bạn có thể nghỉ một buổi chiều và ra ngoài – đi chợ vào thứ tư thay vì thứ bảy, hay đi bộ trong công viên vào một ngày nắng đẹp.

Mẹo giúp làm việc tại nhà hiệu quả

1. Làm việc tại nhà nếu bạn có thể kiếm đủ tiền. Ở Mỹ, chỉ 70% doanh nhân làm việc tại nhà kiếm được tương đương những người làm việc tại văn phòng trọn ngày. Bạn có bằng lòng giảm một phần thu nhập nếu cần, và bạn có còn đủ tiền để trang trải cuộc sống không? Cũng như khi một kế hoạch kinh doanh cần phải bao gồm những mục tiêu tài chính thực tế, hãy đảm bảo rằng Bản đồ Tư duy của bạn có những lợi ích khác đưa bạn đến quyết định làm việc tại nhà (chẳng hạn bạn có thể học hay chăm sóc con cái).

2. Sáng tạo không gian riêng của mình. Lập Bản đồ Tư duy về việc bạn sẽ trang trí văn phòng mình ra sao, và đừng quên những đồ như bằng cấp chứng chỉ, ảnh bạn bè, gia đình và những quyển sách mà bạn cho rằng có ích. Những vật này sẽ giúp truyền cảm hứng khi bạn cần và tạo cho văn phòng không khí sáng tạo tốt hơn.

3. Nếu bạn có vợ/chồng hay con cái, hãy đảm bảo rằng họ biết khi nào có thể vào làm phiền bạn, và khi nào không thể. Có thể sẽ có những lúc bạn cần làm việc cật lực để hoàn thành đúng hạn và những lúc khác, bạn có thể linh hoạt hơn. Khi đó, họ sẽ không phải lo lắng bị mắng mỗi lần họ xuất hiện trước cửa văn phòng bạn. Hãy lập kế hoạch trước một tuần bằng Bản đồ Tư duy ghi lại những thời điểm văn phòng bạn là bất khả xâm phạm.

4. Hãy xây dựng một hệ thống hỗ trợ. Có thể trong khu bạn ở có những người khác cũng làm việc ở nhà như bạn. Nếu vậy, họ có thể đến và trở thành những người gần như đồng nghiệp của bạn. Chống lại sự cô đơn, đặc biệt sau khi rời không khí sống động ở văn phòng, có thể rất khó khăn với những người mới bắt đầu làm việc tại nhà. Hãy kết thân với những người bạn mới và gặp gỡ họ thường xuyên, bạn có thể trao đổi ý tưởng và được những người có cùng hoàn cảnh của mình hỗ trợ.

Ra ngoài thường xuyên sẽ rất có ích, nếu không bạn sẽ không nhận thấy được cảm giác tự do, vốn là ưu điểm của việc không phải đến văn phòng, và bạn có thể thấy bực bội như bị giam trong căn nhà của chính mình. Luyện tập sự linh hoạt của bạn theo cách này sẽ giúp bạn tận hưởng những ích lợi của cuộc sống mới, giúp bạn hoàn toàn kiểm soát được thời gian của mình và cách bạn sử dụng khoảng thời gian ấy.

Hướng tới một cuộc sống hoàn hảo

Việc tìm kiếm một trạng thái cân bằng giữa những yêu cầu của công việc và những ràng buộc của cuộc sống cá nhân không bao giờ dễ dàng. Có thể bạn đang:

• Cố gắng hạn chế công việc xâm phạm quá nhiều vào cuộc sống tại nhà.

• Làm việc tại nhà và cố gắng tránh bị xao lãng.

• Cần tổ chức và điều chỉnh sự cân bằng công việc và gia đình để tránh xung đột.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của bạn nên là thưởng thức và chào đón mọi điều thú vị của cuộc sống. Mặc dù công việc có thể là một nhu cầu, nó nên, và có thể vẫn là một niềm vui. Tất cả chúng ta đều khác nhau, và trong khi một số người tìm được sự hài lòng toàn tâm toàn ý và cống hiến cho một lĩnh vực nào đó của cuộc sống, đối với những người khác, niềm vui nằm trong việc bao quát tất cả những kinh nghiệm thú vị mà cuộc sống mang lại.

Trong bất cứ trường hợp nào, dù bạn làm việc tư nhân hay là giám đốc điều hành, Bản đồ Tư duy là công cụ lý hoàn hảo giúp bạn đạt được sự hoà hợp ấy, cho phép bạn thưởng thức và hoạt động tốt nhất, và đạt được sự mãn nguyện hoàn toàn trong cuộc sống.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3