Cha Mẹ Độc Hại - Chương 02
CHƯƠNG 2
“KHÔNG CỐ Ý KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG ĐAU ĐỚN”
Những bậc cha mẹ chưa trọn vẹn
Trẻ em có những quyền bất khả xâm phạm - quyền được cung cấp thức ăn, quần áo, được che chở và bảo vệ. Song hành cùng những quyền lợi về thể chất, trẻ em cũng có quyền được nuôi dưỡng về mặt cảm xúc, được tôn trọng và đối xử theo những cách cho phép chúng phát triển cảm nhận về lòng tự trọng.
Trẻ em cũng có quyền được dẫn dắt bởi những giới hạn dạy dỗ thích hợp của cha mẹ để có cách cư xử đúng, để mắc lỗi và chịu kỷ luật mà không bị bạo hành về mặt thể chất hay tâm lý.
Cuối cùng, trẻ em có quyền được là trẻ em. Chúng có quyền dành những năm tháng đầu đời để chơi đùa, nghịch ngợm mà không phải chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào. Một cách tự nhiên khi trẻ lớn lên, các bậc cha mẹ đầy tình thương sẽ nuôi dưỡng sự trưởng thành trong chúng bằng cách trao cho chúng những trách nhiệm và công việc nhất định trong gia đình, nhưng không bao giờ cướp đi tuổi thơ của chúng.
Chúng ta học cách hòa hợp với thế giới như thế nào
Trẻ em tắm mình trong những thông điệp thành lời và không lời giống như miếng bọt biển - nghĩa là khá bừa bãi. Chúng lắng nghe cha mẹ, xem cách cha mẹ làm và bắt chước hành vi của họ. Bởi vì trẻ không có nhiều thông tin ở thế giới bên ngoài, nên những gì chúng học ở nhà về bản thân và những người khác trở thành chân lý phổ quát được khắc sâu vào tâm trí. Những hình mẫu của cha mẹ là trung tâm cho sự phát triển về nhận thức danh tính của trẻ - đặc biệt là khi trẻ phát triển bản dạng giới. Mặc dù có những thay đổi lớn trong vai trò của cha mẹ trong hai mươi năm trở lại đây, song có những nhiệm vụ áp dụng cho cha mẹ ngày nay cũng áp dụng cho cha mẹ của bạn:
1. Họ phải cung cấp các nhu cầu thiết yếu về thể chất cho con cái.
2. Họ phải bảo vệ con cái khỏi những tổn hại thể chất.
3. Họ phải đáp ứng nhu cầu được yêu thương, chú ý và thể hiện tình cảm của con.
4. Họ phải bảo vệ con khỏi những tổn thương về tâm lý.
5. Họ phải đưa ra những chỉ dẫn về đạo đức và phép tắc cho con cái.
Rõ ràng, danh sách này còn có thể dài hơn nữa, nhưng năm hình thức trách nhiệm này là nền tảng của các bậc cha mẹ phù hợp. Cha mẹ độc hại mà chúng ta sẽ bàn đến sau đây hiếm khi vượt qua mục đầu tiên trong danh sách. Hầu hết trong số họ đều đang (hoặc đã từng) có những khiếm khuyết đáng kể về khả năng ổn định cảm xúc hoặc sức khỏe tâm lý. Họ không những không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, mà trong nhiều trường hợp họ còn mong đợi và yêu cầu con cái phải chăm sóc cho mình.
Khi cha mẹ áp đặt những trách nhiệm của bản thân lên con cái, vai trò trong gia đình trở nên không rõ ràng, bị bóp méo hay đảo lộn. Một đứa trẻ bị ép buộc phải trở thành cha mẹ của chính mình, hay thậm chí cha mẹ của cha mẹ, chúng sẽ không có ai để bắt chước, học hỏi và ngưỡng mộ. Thiếu đi hình mẫu của cha mẹ vào giai đoạn quan trọng trong phát triển cảm xúc, nhân cách của đứa trẻ sẽ phải lênh đênh giữa một biển thù địch hỗn loạn.
Les, 34 tuổi, ông chủ một cửa hàng thể thao, đến gặp tôi vì anh là một người nghiện việc và điều đó khiến anh đau khổ.
Cuộc hôn nhân của tôi thất bại thảm hại vì tôi chỉ biết lao đầu vào công việc. Tôi thường không có mặt ở nhà hoặc mang công việc về nhà làm. Vợ tôi phát ngán vì phải sống với một con robot, và cô ấy đã bỏ đi. Giờ đây mọi chuyện lại lặp lại với một người phụ nữ mới bước vào đời tôi. Tôi ghét điều đó. Thật sự đấy. Nhưng tôi không biết làm cách nào để thoát khỏi tình trạng này.
Les nói với tôi anh ấy gặp vấn đề trong việc bày tỏ cảm xúc dưới bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là các cảm xúc dịu dàng, thương yêu. “ ‘Niềm vui’ là từ không có trong từ điển của tôi” anh nói xen lẫn chút cay đắng.
Tôi ước gì mình biết cách làm cho bạn gái vui, nhưng mỗi khi bắt đầu nói chuyện, tôi lại luôn lái sang chủ đề công việc, và rồi nàng lại giận dỗi. Có lẽ vì công việc là thứ duy nhất tôi không làm hỏng.
Les tiếp tục hơn nửa tiếng nữa, cố thuyết phục tôi là anh đã phá hỏng các mối quan hệ như thế nào:
Những người phụ nữ mà tôi hẹn hò lúc nào cũng phàn nàn rằng tôi không dành nhiều thời gian hay tình cảm cho họ. Và đúng là như vậy. Tôi là một người bạn trai tồi và cũng là một người chồng tồi.
Tôi ngăn anh lại và nói: “Và anh cũng có một hình ảnh tồi nữa. Có vẻ như thời điểm anh cảm thấy thoải mái nhất là khi làm việc. Tại sao vậy?”
Đó là thứ mà tôi biết cách làm...và tôi làm khá tốt. Tôi làm việc khoảng 75 giờ một tuần...và làm việc điên cuồng như vậy từ khi còn nhỏ. Chị biết đấy, nhà tôi có ba anh em và tôi là anh cả. Tôi đoán là mẹ tôi gặp vài biến cố gì đó vào năm tôi lên tám. Kể từ đó, gia đình chúng tôi lúc nào cũng chìm trong bóng tối. Mẹ tôi luôn mặc áo choàng tắm và chẳng nói gì nhiều. Những ký ức đầu đời của tôi về mẹ là bà cầm trên tay cốc cà phê, tay bên kia là điếu thuốc, mắt dán vào tivi xem phim truyền hình. Bà chỉ thức dậy rất lâu sau khi chúng tôi đi học về. Vậy nên, việc của tôi là cho hai đứa em ăn, làm đồ ăn trưa cho chúng rồi đưa chúng ra xe buýt. Khi chúng tôi về nhà, bà ấy hoặc là đang nằm dài trên ghế dài hoặc đang chìm trong giấc ngủ trưa ba tiếng đồng hồ. Trong khi lũ bạn tôi chơi đá bóng thì tôi phải ở nhà nấu bữa tối hay dọn dẹp nhà cửa. Tôi ghét chuyện đó, nhưng phải có ai đó làm việc nhà chứ.
Tôi hỏi Les về cha của anh.
Bố tôi thường xuyên đi công tác, và về cơ bản là bố mẹ tôi đã bỏ nhau. Ông ấy chủ yếu ngủ ngoài phòng khách...Đó là một cuộc hôn nhân khá kỳ cục. Ông ấy đưa mẹ đến gặp một số bác sĩ, nhưng họ cũng không thay đổi được gì, nên ông cũng bỏ mặc bà.
Tôi nói với Les mình cảm thấy đồng cảm với tuổi thơ cô đơn của anh. Les gạt đi bằng một câu nói:
Tôi không có thời gian thương hại bản thân, tôi còn quá nhiều việc phải làm.
Những kẻ đánh cắp tuổi thơ
Khi mới chỉ là một cậu bé, Les đã phải gồng gánh trách nhiệm lẽ ra thuộc về cha mẹ. Bởi vì anh buộc phải trưởng thành quá nhanh và quá sớm nên tuổi thơ của anh đã bị đánh cắp. Trong lúc bạn bè cùng trang lứa chơi đùa với nhau thì Les phải ở nhà thực hiện nhiệm vụ của cha mẹ. Để giữ cho gia đình được trọn vẹn, Les phải trở thành một người lớn thu nhỏ. Anh có rất ít cơ hội để vui chơi hoặc sống vô tư. Vì nhu cầu của chính mình bị gạt đi, nên anh đã học được cách đương đầu với nỗi cô đơn và sự thiếu thốn về mặt cảm xúc bằng cách phủ nhận bản thân mình không có những nhu cầu đó. Anh ở đó là để chăm sóc người khác. Anh là người không quan trọng.
Nỗi buồn càng nhân đôi khi không những phải chăm sóc cho em trai mình, mà anh còn phải chăm lo cho cả mẹ mình.
Khi cha cùng ở đây, hiếm khi ông đi làm về trước bảy giờ tối và hầu như không về nhà cho đến gần nửa đêm. Khi đi ngang qua phòng tôi, ông luôn nói rằng: “Đừng quên làm hết bài tập về nhà, và để mắt đến mẹ mày. Nhớ cho bà ấy ăn uống đầy đủ. Bảo mấy em giữ trật tự...và để xem mày có thể làm gì để mẹ mày cười được không.” Tôi dành rất nhiều thời gian để tìm cách làm mẹ vui vẻ. Tôi đã chắc rằng mình có thể làm gì đó và mọi chuyện lại trở lại như cũ...bà sẽ khỏe lại. Nhưng dù tôi có làm gì đi chăng nữa thì cũng chẳng có gì thay đổi cả. Tôi thực sự suy sụp.
Ngoài trách nhiệm giữ gìn nhà cửa và chăm sóc các em, vốn đã quá sức với bất cứ đứa trẻ nào, thì Les còn được kỳ vọng sẽ trở thành bác sĩ tâm lý cho mẹ mình. Đây chính là công thức của thất bại. Những đứa trẻ bị vướng vào sự đảo ngược vai trò khó hiểu như trên thường liên tục thất bại. Việc thực hiện các chức năng như người lớn là bất khả thi vì chúng chưa phải là người lớn. Song chúng không hiểu vì sao mình làm hỏng việc, chúng chỉ cảm thấy kém cỏi và tội lỗi vì điều đó.
Trong trường hợp của Les, điều thúc đẩy anh làm việc nhiều giờ trong tuần hơn cần thiết nhằm phục vụ hai mục đích: nó giúp anh không phải đối mặt với cô đơn và những mất mát tuổi thơ cũng như cuộc sống trưởng thành, và nó cũng củng cố niềm tin lâu dài của anh rằng anh làm bao nhiêu cũng không đủ. Trong tưởng tượng của Les, nếu anh có thể làm đủ số giờ, anh sẽ chứng minh được mình có giá trị, là một người hoàn thiện, anh có thể làm việc một cách trơn tru. Thực chất, anh vẫn đang cố làm cho mẹ vui.
Khi nào thì chuyện này dừng lại?
Les đã không nhận ra cha mẹ anh tiếp tục sử dụng năng lượng độc hại của mình để kiểm soát anh khi đã trưởng thành. Tuy nhiên, vài tuần sau này, mối dây liên hệ giữa những khó khăn trong đời sống trưởng thành với tuổi thơ đã trở nên rõ ràng hơn.
Tôi thấy câu nói “càng nhiều thứ thay đổi thì càng nhiều thứ vẫn y như cũ” thật sự rất chính xác. Tôi đã ở Los Angeles (L.A) sáu năm nay, nhưng cha mẹ vẫn không rời mắt khỏi tôi, và tôi cũng chẳng có cuộc sống riêng tư của mình. Họ gọi cho tôi vài lần một tuần, đến độ tôi thấy sợ nghe điện thoại. Đầu tiên, cha tôi sẽ nói: “Mẹ con đang phiền muộn lắm...con có thể bớt chút thời gian về thăm mẹ không? Con biết con có ý nghĩa như thế nào với bà ấy mà.” Và rồi đến lượt mẹ nghe điện thoại, nói tôi là cuộc sống của bà, và bà không biết mình còn sống được bao lâu nữa. Bạn sẽ nói gì nếu ở trong tình huống đó? Quá nửa số lần tôi đều sẽ lên máy bay ngay lập tức...nó đánh bại cảm giác tội lỗi của việc không về thăm họ. Nhưng nó chẳng bao giờ đủ. Chẳng có gì đủ với họ. Tôi cũng phải tiết kiệm tiền mua vé máy bay. Có lẽ tôi không bao giờ nên chuyển đến L.A.
Tôi nói với Les rằng đó là tình huống điển hình đối với những đứa trẻ bị buộc phải tráo đổi vai trò cảm xúc với cha mẹ, do đó họ luôn mang theo cảm giác tội lỗi tột cùng, họ phải gánh trách nhiệm quá mức đến tuổi trưởng thành. Là người lớn, họ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn về việc nhận trách nhiệm cho mọi thứ, những thất bại không thể tránh khỏi, cảm giác tội lỗi và không đủ tốt, rồi sau đó nỗ lực nhiều lần hơn nữa. Đây là một quá trình hút cạn năng lượng dẫn đến cảm giác thất bại ngày càng mạnh.
Được thúc đẩy từ khi còn là một cậu bé bởi kỳ vọng của cha mẹ, Les đã học được từ sớm rằng muốn bản thân được đánh giá tốt trước hết dựa vào những gì anh làm được cho các thành viên trong gia đình. Khi đã trưởng thành, những yêu cầu ngày càng cao của cha mẹ đã biến thành con quỷ xấu xa ở bên trong, thúc đẩy anh tới địa phận nơi anh cảm thấy mình có giá trị - đó là làm việc.
Les không có thời gian cũng như hình mẫu phù hợp để học hỏi về cách cho và nhận tình yêu. Anh ấy lớn lên với sự thiếu thốn trong việc nuôi dưỡng đời sống tình cảm của mình, vì vậy cách đơn giản của anh ấy là dập tắt cảm xúc của bản thân. Và cuối cùng, thật không may anh ấy nhận ra mình không thể kích hoạt lại chúng, ngay cả khi anh rất muốn.
Tôi khẳng định với Les rằng tôi hiểu cảm giác kiệt sức và hoang mang của anh về việc anh không có khả năng mở lòng với bất kỳ ai, nhưng tôi cũng thuyết phục anh hãy thả lỏng một chút. Không có ai dạy anh những điều đó khi còn nhỏ, và chúng không phải những thứ có thể dễ dàng tự học được.
“Giống như việc anh kỳ vọng bản thân chơi một bản piano concerto trong khi còn không biết nốt đô trung ở chỗ nào.” Tôi nói với Les. “Anh có thể học hỏi, nhưng anh cần thời gian để nắm bắt những kiến thức cơ bản, luyện tập và thậm chí thất bại một hoặc hai lần.”
“Nếu tôi không quan tâm đến họ, thì ai sẽ làm đây?”
“Gửi Abby
Em đang ở trong một gia đình tồi tệ. Chị có thể giúp em ra khỏi đây không?
Tuyệt Vọng”.
Lời nhắn này được một thân chủ của tôi, Melanie, viết khi mới 13 tuổi. Giờ đây khi đã 42 tuổi và là một nhân viên kế toán thuế đã ly hôn, Melanie đến gặp tôi vì chứng trầm cảm nghiêm trọng. Nếu vài tháng gần đây những giấc ngủ chập chờn không quấy nhiễu cô khiến cô không rất gầy, thì lẽ ra cô sẽ khá xinh đẹp. Cô khá cởi mở và dễ dàng bộc lộ về bản thân.
Lúc nào tôi cũng cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Cứ như thể cuộc đời tôi đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tôi không thể vượt qua khó khăn. Tôi cảm thấy như thể đang chôn mình xuống một cái hố ngày qua ngày lại càng sâu thêm.
Tôi bảo cô nói rõ hơn. Cô cắn môi rồi quay đi khi trả lời:
Trong tôi trống rỗng vô cùng... Tôi nghĩ mình không còn cảm thấy kết nối với người khác trong đời sống. Tôi đã hai lần kết hôn, và tôi sống với rất nhiều đàn ông, nhưng tôi chẳng thể tìm được người đàn ông cho đời mình. Tôi chỉ toàn chọn những gã lười chảy thây hoặc khốn nạn. Và dĩ nhiên việc nói thẳng với họ tùy thuộc ở tôi. Tôi luôn nghĩ mình có thể thay đổi họ. Tôi cho họ mượn tiền, cho họ đến ở trong nhà mình, tôi thậm chí còn tìm việc cho vài người trong số đó. Những việc đó hoàn toàn vô ích mà tôi lại quá ngu ngốc để nhận ra. Họ không yêu tôi, dù tôi có cố gắng làm gì chăng nữa. Một trong số đó từng đánh tôi trước mặt các con tôi. Một gã khác thì lấy trộm xe của tôi. Ông chồng đầu tiên thì cư xử không ra gì. Ông thứ hai thì nát rượu bê tha. Cơ bản là vậy.
Melanie không nhận ra cô đang mô tả hành vi kinh điển của tính cách “đồng phụ thuộc”. Ban đầu, thuật ngữ đồng phụ thuộc được sử dụng chủ yếu để mô tả đối tác của một kẻ nghiện rượu hoặc thuốc. Đồng phụ thuộc được sử dụng để thay thế cho enabler (người trợ giúp) - một người có cuộc sống vượt ra ngoài tầm kiểm soát vì họ nhận trách nhiệm “cứu vớt” một người khác phụ thuộc về mặt tình cảm.
Song vài năm trở lại đây, khái niệm đồng phụ thuộc đã mở rộng ra bao gồm tất cả những ai tự ngược đãi bản thân trong quá trình cứu rỗi hay nhận trách nhiệm cho bất kỳ người nào nghiện ngập, lạm dụng, cưỡng ép hay phụ thuộc quá mức.
Melanie bị thu hút bởi những kẻ rắc rối. Cô tin rằng mình đủ tốt để trao đi, để yêu, để lo lắng, để giúp đỡ, để bao bọc, và giúp họ nhìn ra lỗi lầm của họ, rồi từ đó họ sẽ yêu cô. Nhưng không. Những kẻ đòi hỏi và tự cho mình là trung tâm mà cô lựa chọn không có khả năng yêu thương người khác. Do đó, thay vì tìm thấy tình yêu mà cô hằng khao khát, cô lại nhận được sự trống rỗng. Cô cảm thấy mình bị lợi dụng.
Tôi phát hiện ra thuật ngữ đồng phụ thuộc không mới với Melanie. Cô đã tiếp xúc với nó khi tham dự hội thảo của Al-Anon (Chương trình 12 bước cho các thành viên trong gia đình của người nghiện rượu) trong giai đoạn hôn nhân với người chồng nghiện rượu. Cô chắc chắn mình không phải đồng phụ thuộc mà chỉ không gặp may với đàn ông. Cô đã làm mọi thứ có thể để giúp Jim cai rượu. Cuối cùng cô đành phải rời bỏ anh ta vì cô phát hiện anh ta đã ngủ với một phụ nữ gặp trong quán bar.
Melanie lại bắt đầu tìm kiếm người đàn ông khác dành cho mình. Cô đổ lỗi các vấn đề của mình cho những người đàn ông từng đi ngang đời cô, nhưng cô lại nhìn nhận mỗi người là một sai lầm riêng biệt. Cô không nhìn thấy khuôn mẫu tổng thể được ghép lại theo cách cô lựa chọn bạn đời. Cô nghĩ rằng mình đang tìm kiếm một người đàn ông trân trọng một phụ nữ biết cho đi, biết quan tâm, yêu thương và giúp đỡ. Hiển nhiên sẽ có một người đàn ông nào đó ngoài kia yêu một người phụ nữ như vậy. Cô nghĩ đồng phụ thuộc là cao thượng.
Melanie không biết rằng thứ cô gọi là “trao đi và giúp đỡ” đang hủy hoại cô. Cô trao đi cho tất cả mọi người, ngoại trừ chính mình. Cô không biết rằng thực ra mình đang duy trì hành vi vô trách nhiệm của những người đàn ông trong đời mình bằng cách chứa chấp họ. Khi Melanie nói về tuổi thơ của cô, mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn, cái khuôn mẫu cứu rỗi những gã đàn ông rắc rối bắt nguồn từ bản sao mối quan hệ giữa cô và cha mình:
Gia đình tôi rất kỳ lạ. Cha tôi là một kiến trúc sư thành công, nhưng ông lại dùng tâm trạng thất thường để kiểm soát mọi người trong nhà. Ông khó chịu từ những chuyện nhỏ nhặt...ví dụ nếu ai đó đỗ xe vào chỗ của ông hay khi tôi cãi nhau với anh trai. Ông chỉ bước vào phòng, đóng cửa, thả mình lên giường rồi khóc. Cứ như một đứa trẻ vậy! Rồi mẹ tôi trở nên tuyệt vọng và tự sát trong bồn tắm, tôi là người duy nhất chăm sóc cha. Tôi chỉ ngồi đó nghe ông khóc nức nở, cố gắng tìm ra điều gì đó mình có thể làm để giúp ông cảm thấy tốt hơn. Nhưng không quan trọng tôi làm được gì, quan trọng là chờ đợi cho nó qua đi.
Tôi đưa cho Melanie danh mục tôi đã sắp xếp và hỏi cô xem mục nào mô tả cảm xúc và hành vi của cô. Đó là một danh sách những tính cách chính của kiểu người đồng phụ thuộc. Tôi phát hiện ra nó khá hữu ích qua nhiều năm giúp các thân chủ xác định xem họ có phải người đồng phụ thuộc hay không. Nếu bạn nghĩ thuật ngữ này có thể phù hợp với mình, hãy thử đọc qua danh sách bên dưới.
Danh mục tính cách đồng phụ thuộc
Tuy tôi sử dụng đại từ “anh ta” song nó cũng đại diện cho kẻ rắc rối thuộc giới tính còn lại. Tôi biết có nhiều người đàn ông ở trong mối quan hệ đồng phụ thuộc với vợ hay người yêu rắc rối của mình.
1. Giải quyết vấn đề hay xoa dịu nỗi đau cho anh ta là điều quan trọng nhất trong đời tôi - dù việc ấy phải đánh đổi về cảm xúc vô cùng lớn.
2. Cảm xúc tích cực của tôi phụ thuộc vào sự chấp thuận của anh ta.
3. Tôi bảo vệ anh ta khỏi những hậu quả do hành vi của anh ta gây ra. Tôi nói dối hộ anh ta, bao bọc anh ta và không bao giờ nói điều gì xấu về anh ta.
4. Tôi cố gắng hết sức để khiến anh ta làm theo ý mình.
5. Tôi không để ý đến cảm nhận của bản thân hay thứ tôi muốn. Tôi chỉ quan tâm cảm nhận của anh ta và điều anh ta muốn.
6. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để tránh bị anh ta từ chối.
7. Tôi sẽ làm mọi thứ để tránh làm anh ta tức giận.
8. Tôi có đam mê nhiều hơn trong một mối quan hệ sóng gió và đầy biến cố.
9. Tôi là người cầu toàn và tôi tự đổ lỗi cho bản thân vì mọi sai lầm.
10. Phần lớn thời gian tôi cảm thấy giận dữ, không được ghi nhận và bị lợi dụng.
11. Tôi vờ như mọi việc đều ổn trong khi nó đang là một mớ bòng bong.
12. Những khó khăn trong việc khiến anh ta yêu tôi kiểm soát toàn bộ cuộc đời tôi.
Melanie trả lời “đúng” tất cả các mục trên. Cô kinh ngạc khi nhận ra mình thực sự là một người đồng phụ thuộc. Để giúp cô thoát khỏi những khuôn mẫu này, tôi nói rằng cô cần tạo lập kết nối giữa sự đồng phụ thuộc của cô trong mối quan hệ của cô và cha. Tôi yêu cầu cô nhớ lại cảm xúc của mình khi cha cô khóc.
Ban đầu nó khiến tôi sợ vì tôi tưởng cha sắp chết và rồi ai sẽ làm cha của tôi đây? Rồi sau đó tôi bắt đầu thấy hổ thẹn vì đã nghĩ về ông như vậy. Phần lớn thời gian tôi cảm thấy cực kỳ có lỗi - đó là lỗi của tôi khi cãi nhau với anh trai hay bất cứ việc gì khác. Tựa như tôi thực sự đã khiến ông thất vọng. Tệ nhất là khi tôi cảm thấy bất lực vì không thể làm ông vui. Giờ thì ông đã mất được 4 năm, tôi đã 42 tuổi và có hai con, song kỳ lạ thay tôi vẫn cảm thấy tội lỗi.
Melanie bị buộc phải trở thành người chăm sóc cho cha mình. Cả cha và mẹ cô đều đặt trách nhiệm của người lớn lên vai cô. Vào thời điểm trong đời cô cần một người cha mạnh mẽ để cho cô sự tự tin, thì cô lại đang phải chăm nom một người cha trẻ con chưa lớn.
Mối quan hệ tình cảm đầu tiên và sâu sắc nhất của Melanie với một người đàn ông là với cha mình. Là một đứa trẻ, cô bị choáng ngợp bởi cả nhu cầu của người cha lẫn cảm giác tội lỗi khi không thể đáp ứng những nhu cầu đó. Cô chưa bao giờ ngừng cố gắng bù đắp cho việc cô không có khả năng khiến ông vui, thậm chí khi ông không ở bên. Cô chỉ tìm kiếm những người đàn ông mang lại rắc rối để chăm sóc. Gu đàn ông của cô được quyết định bởi nhu cầu cần xoa dịu cảm giác tội lỗi, và bằng cách lựa chọn người thay thế cha mình, cô duy trì cảm xúc thiếu thốn mà cô đã trải nghiệm khi còn bé.
Tôi hỏi Melanie rằng mẹ cô có trao cho cô tình thương hay sự chú ý mà cô không bao giờ nhận được từ cha hay không.
Mẹ tôi đã cố gắng, nhưng bà ấy đau ốm quanh năm. Bà luôn phải đến gặp bác sĩ và phải nằm trên giường vì bệnh viêm đại tràng. Họ kê cho bà thuốc an thần và bà uống thuốc như ăn bỏng ngô vậy. Tôi nghĩ bà nghiện thứ đó, tôi không biết nữa. Bà luôn ở trong trạng thái không nhận thức. Chỉ có người giúp việc trong nhà nuôi dạy chúng tôi. Mẹ tôi có mặt ở đó, nhưng bà lại không thực sự hiện hữu ở đó. Khi tôi khoảng mười ba tuổi, tôi viết một bức thư tới Abby. Điều tệ hại nhất là mẹ tôi đã tìm thấy nó. Cô nghĩ là bà sẽ đến hỏi tôi điều gì khiến tôi thất vọng như vậy phải không? Nhưng không, tôi đoán tôi chẳng quan trọng với bà. Gần như tôi chẳng hề tồn tại.
Đứa con vô hình
Những bậc cha mẹ chỉ tập trung năng lượng vào cảm xúc và sức khỏe của bản thân thường gửi đi một thông điệp vô cùng mạnh mẽ tới con cái rằng: “Cảm xúc của con không quan trọng. Chỉ có cha mẹ mới là người cần được quan tâm.” Nhiều đứa trẻ bị tước đi thời gian dành cho bản thân, sự chú ý và quan tâm, dần dần cảm thấy mình như người vô hình - như thể chúng không tồn tại trên đời.
Để trẻ phát triển được nhận thức về lòng tự trọng - nhận thức rằng chúng quan trọng và không chỉ tồn tại vô nghĩa - chúng cần sự xác nhận của cha mẹ về những nhu cầu và cảm xúc của mình. Song nhu cầu cảm xúc của cha Melanie quá lớn khiến ông chưa bao giờ nhận ra nhu cầu của con gái. Cô đã ở bên khi ông khóc, nhưng ông không hề đáp lại. Melanie biết mẹ cô đã tìm thấy lá thư cô gửi đến Abby, song bà chưa bao giờ hỏi cô về chuyện đó. Thông điệp từ cha mẹ tới Melanie quá mạnh mẽ và rõ ràng: cô không tồn tại với họ. Melanie học được cách định nghĩa bản thân dựa vào cảm xúc của cha mẹ thay vì của chính mình. Nếu cô khiến họ cảm thấy vui, cô là một đứa trẻ ngoan. Còn nếu cô khiến họ buồn, cô là một đứa trẻ hư.
Kết quả là, Melanie gặp khó khăn khi xác định nhận thức giới tính của bản thân trong giai đoạn trưởng thành. Vì những suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu độc lập của cô chưa bao giờ được khuyến khích, cô thực sự không biết mình là ai hay nên mong đợi điều gì từ những mối quan hệ tình ái.
Không giống như nhiều người trưởng thành tôi đã làm việc cùng, Melanie đã có liên hệ những cơn giận dữ của mình với cha mẹ trước khi đến gặp tôi. Sau đây, chúng ta sẽ tập trung vào phân tích cơn giận và đối mặt với cảm giác bị bỏ rơi sâu sắc của cô. Cô sẽ học được cách đặt ra những giới hạn cho việc hết lòng trao đi vì người khác và tôn trọng những quyền lợi, nhu cầu và cảm xúc của bản thân. Cô sẽ học cách hiện hữu trở lại.
Cha mẹ biến mất
Cho tới nay chúng ta đã nói về những bậc phụ huynh thiếu vắng cảm xúc. Việc thiếu vắng sự hiện hữu thể chất cũng để lại những hậu quả của nó.
Lần đầu tôi gặp Ken, 22 tuổi, tại một nhóm những người trẻ trưởng thành lạm dụng ma túy và chất kích thích trong bệnh viện. Cậu khá gầy, tóc đen và có ánh mắt sắc lạnh. Hiển nhiên trong nhóm gặp đầu tiên của chúng tôi, cậu ấy là người ăn nói lưu loát và cực kỳ thông minh, song cậu cũng vô cùng tự ti. Cậu khó có thể ngồi yên suốt 90 phút, rất dễ bị kích động. Tôi bảo cậu ở lại sau khi cho nhóm nghỉ để kể với tôi một chút về bản thân. Không tin tưởng động cơ của tôi, cậu tỏ ra cứng rắn và khôn lỏi, tuy nhiên sau vài phút bắt đầu nhận ra tôi không có động cơ ngầm bên trong, rằng tôi thật lòng quan tâm đến việc chữa lành nỗi đau cho cậu, Ken bắt đầu nhẹ nhàng kể với tôi.
Từ trước tới nay tôi đã ghét trường lớp, vì chẳng biết phải làm gì nên tôi nhập ngũ khi mới mười sáu. Đó là lúc tôi bắt đầu nghiện ngập. Dù sao thì đời tôi cũng chẳng ra gì từ trước rồi.
Tôi hỏi cha mẹ cậu nghĩ gì về việc cậu nhập ngũ.
Nhà tôi chỉ có mẹ và tôi. Bà chẳng vui vẻ gì với chuyện đó, nhưng tôi nghĩ bà thấy sung sướng khi thoát được tôi. Tôi lúc nào cũng gây chuyện và khiến bà khổ sở. Bà là một người nhu nhược. Bà để tôi làm mọi thứ tôi muốn.
Tôi hỏi cha cậu ở đâu trong suốt quãng thời gian đó.
Ông bà già nhà tôi ly dị năm tôi lên tám. Mẹ tôi suy sụp vì chuyện đó. Tôi luôn nghĩ bố tôi là kiểu người hiện đại bắt kịp xu thế, chị biết không? Ông luôn làm mấy trò “bố và con trai” với tôi. Chúng tôi xem thể thao cùng nhau trên tivi, và ông ấy còn dẫn tôi đi xem trực tiếp một lần. Trời ạ, quá là hay! Ngày ông ấy dọn đi, tôi khóc hết nước mắt. Ông nói với tôi là sẽ chẳng có gì thay đổi, và ông sẽ vẫn qua nhà cùng tôi xem tivi, ông sẽ gặp tôi mỗi chủ nhật và chúng tôi vẫn là hai người bạn thân. Tôi đã tin ông ấy, như một con lừa ngu ngốc. Trong vài tháng đầu, tôi gặp ông rất nhiều...nhưng sau đó chỉ một tháng một lần...sau đó là hai tháng...sau đó gần như là chẳng bao giờ nữa. Một vài lần tôi gọi cho ông, ông nói ông đang bận lắm. Một năm sau khi ông đi, mẹ tôi nói ông đã cưới một phụ nữ có ba con và chuyển ra nước ngoài sống. Hiểu được chuyện này quá khó với tôi, ông giờ đã có gia đình mới. Tôi đoán ông ấy thích họ hơn, vì ông vội vàng quên tôi nhanh thế cơ mà.
“Lần này mọi chuyện sẽ khác”
Vẻ ngoài bất cần của Ken đổ sụp nhanh chóng. Cậu ấy rõ ràng không hề dễ chịu khi nói về cha mình. Tôi hỏi về lần cuối cùng cậu gặp cha.
Khi đó tôi mười lăm tuổi, và đó là một sai lầm lớn. Tôi phát ngán với mấy tấm thiệp mừng Giáng sinh, vậy nên tôi định làm ông bất ngờ. Chúa ơi, tôi phấn khích vô cùng. Tôi đi nhờ xe tới chỗ ông suốt 14 tiếng đồng hồ. Khi tới đó...tôi nghĩ mình sẽ được chào đón nồng nhiệt lắm đây. Ý tôi là ông ấy rất thân thiện, nhưng cuối cùng chẳng có gì. Một lát sau tôi bắt đầu cảm thấy ngớ ngẩn vô cùng. Hai chúng tôi như hai người xa lạ. Ông ấy thì nô đùa cùng ba đứa nhóc còn tôi thì ngồi đó như một người không quen biết. Đêm đó sau khi rời khỏi ngôi nhà ấy, tôi đã say bí tỉ. Tôi vẫn nghĩ về ông ấy rất nhiều. Chắc chắn là tôi không muốn ông ấy biết tôi ở đây. Ngay khi ra khỏi đây, tôi sẽ cố một lần nữa. Lần này mọi chuyện sẽ khác...sẽ là một cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông.
Khi cha Ken bỏ rơi con trai mình, ông đã để lại một khoảng trống sâu thẳm trong lòng cậu. Ken sụp đổ hoàn toàn. Cậu cố gắng đối mặt bằng cách thể hiện sự giận dữ cả ở trường và ở nhà. Thực chất cậu đang ra sức gọi cha, như thể nhu cầu về kỷ luật của bản thân có thể đưa cha cậu quay trở lại. Song cha của Ken dường như không đáp lại tiếng gọi đó.
Trong khi đối mặt với bằng chứng rõ ràng rằng cha cậu không còn muốn là một phần trong cuộc đời cậu nữa, Ken tiếp tục ôm giấc mơ một ngày nào đó có thể dành lại tình yêu của cha. Trong quá khứ, hi vọng đã giúp cậu vượt qua nỗi thất vọng, từ đó cậu tìm đến ma túy. Tôi nói với cậu rằng tôi lo chuỗi sự kiện này sẽ tiếp tục kiểm soát cuộc đời sau này của cậu, trừ khi tôi và cậu cùng nhau phá bỏ khuôn mẫu đó.
Một cách vô thức, Ken vẫn hợp lý hóa việc cha cậu bỏ rơi cậu bằng cách đổ lỗi. Khi còn nhỏ, cậu cho rằng đó là do những khuyết điểm của bản thân khiến cha cậu bỏ đi vội vàng như vậy. Với kết luận ấy thì hiển nhiên sẽ đi kèm với cảm giác tự căm ghét bản thân. Cậu trở thành một thanh niên không có mục tiêu hay phương hướng trong cuộc đời. Dù rất thông minh, song cậu vẫn đau khổ và không mấy vui vẻ ở trường học và tìm đến quân đội là giải pháp cho các vấn đề của mình. Khi giải pháp này không hiệu quả, cậu chuyển sang ma túy với mong muốn tuyệt vọng rằng nó có thể lấp đầy sự trống rỗng bên trong và xoa dịu nỗi đau.
Cha của Ken có thể là một người cha tốt trước khi ly dị, nhưng sau đó lại hoàn toàn tệ hại khi không thể mang đến cho con trai ông thậm chí một chút liên lạc tối thiểu mà cậu vô cùng mong mỏi. Việc đó khiến cho sự phát triển cảm nhận về giá trị và tình yêu thương của Ken bị suy yếu.
Chẳng có cuộc ly hôn nào vui vẻ. Ly dị luôn là một nỗi đau không thể tránh khỏi cho tất cả mọi người trong gia đình, dù nó có thể là hành động tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Nhưng việc cần thiết là cha mẹ phải nhận ra họ ly dị bạn đời của mình chứ không phải gia đình. Cả cha và mẹ phải có trách nhiệm duy trì kết nối với con cái dù có sự chia rẽ trong cuộc sống riêng của họ. Tờ giấy xác nhận ly hôn không phải là tấm bằng cho phép cha mẹ ruồng bỏ con cái của mình.
Sự ra đi của cha mẹ tạo nên mất mát tổn thương và sự trống rỗng trong lòng con cái. Hãy nhớ trẻ em luôn cho rằng nếu có điều gì tiêu cực xảy ra trong gia đình thì đó là lỗi của chúng. Đặc biệt, con cái của những cặp vợ chồng ly hôn thường dễ rơi vào niềm tin này. Những bậc phụ huynh biến mất khỏi cuộc đời con mình càng củng cố cảm nhận về sự vô hình và phá hoại lòng tự trọng của con, khiến chúng mang nặng những cảm giác này cho tới khi trưởng thành.
Những điều họ không làm gây tổn thương hơn cả
Dễ dàng để nhận ra sự bạo hành khi cha mẹ đánh đập trẻ hay buộc chúng phải nghe những lời mắng nhiếc không ngớt. Song những cặp cha mẹ độc hại hay chưa hoàn thiện thường rất khó định nghĩa và để hiểu về họ. Khi một cặp cha mẹ gây ra những tổn hại thông qua sự thiếu sót thay vì nghĩa vụ - qua những điều họ không làm thay vì những gì họ làm - thì kết nối các vấn đề ở tuổi trưởng thành của con với kiểu cha mẹ độc hại này rất khó có thể nhận thấy. Bởi những đứa trẻ của các bậc cha mẹ này thường phủ nhận những kết nối đó, nên công việc của tôi trở nên đặc biệt khó khăn.
Có một thực tế là nhiều cặp cha mẹ gặp quá nhiều rắc rối đến mức họ làm dấy lên lòng thương hại của con trẻ. Bởi vì những cặp đôi này thường cư xử như những đứa trẻ tuyệt vọng hay vô trách nhiệm, nên những đứa con trưởng thành của họ lại cảm thấy phải có trách nhiệm bảo vệ. Họ lao đến phòng thủ cho cha mẹ, như một nạn nhân xin lỗi cho kẻ phạm tội.
Dù cho đó là “họ không cố ý gây ra bất cứ tổn hại nào”, hay “họ đã làm những gì tốt nhất có thể”, thì những lời biện hộ đó cũng che lấp đi sự thật rằng các bậc phụ huynh đó đã từ bỏ trách nhiệm với con cái mình. Thông qua việc từ bỏ, cha mẹ độc hại đã đánh cắp những hình mẫu tích cực của con, mà không có nó việc phát triển sức khỏe cảm xúc sẽ cực kỳ khó khăn.
Nếu bạn là con của những cặp cha mẹ chưa hoàn thiện, bạn có thể đã trưởng thành mà không nhận ra bản thân có cảm giác trách nhiệm với họ. Việc mạo hiểm ở bên cạnh những bậc cha mẹ có cảm xúc thất thường dường như là một cách sống, không phải một lựa chọn.
Nhưng thực ra bạn có một lựa chọn. Bạn có thể bắt đầu quá trình thấu hiểu lần đầu tiên mình đã bị bắt ép trưởng thành quá sớm, rằng bạn bị đánh cắp đi tuổi thơ giống như bao đứa trẻ khác. Bạn có thể nỗ lực để nhận ra rằng nhiều năng lượng trong cuộc sống của mình đã phí phạm vào những trách nhiệm bị đặt sai chỗ. Hãy bắt đầu với bước đầu tiên này và bạn sẽ tìm ra một nguồn năng lượng mới đột nhiên có sẵn trong bạn - nguồn năng lượng mà bạn đã tiêu tốn đến kiệt quệ cho cha mẹ độc hại trong đời mình, nhưng cuối cùng nó có thể được sử dụng để giúp bạn trở nên yêu thương và có trách nhiệm với bản thân hơn.