Cha Mẹ Độc Hại - Chương 04
CHƯƠNG 4
“KHÔNG AI TRONG NHÀ NÀY LÀ BỢM RƯỢU CẢ”
Cha mẹ nghiện rượu
Glenn, một người đàn ông cao lớn vạm vỡ, sở hữu một nhà máy sản xuất nhỏ, đến nhờ tôi giúp đỡ cải thiện tính cách rụt rè và thiếu quyết đoán bởi chúng đã và đang ảnh hưởng lên cả các mối quan hệ riêng tư lẫn công việc của anh. Anh nói bản thân luôn cảm thấy lo lắng và bồn chồn không yên. Anh tình cờ nghe được ở công ty có người gọi anh là “khóc nhè” và “chán đời”. Anh đoán là mọi người không thoải mái khi gặp anh, điều đó gây khó khăn cho anh trong việc biến người quen thành bạn hữu.
Giữa buổi trị liệu đầu tiên, Glenn bắt đầu nói về một nguồn gốc khác của sự căng thẳng trong công việc.
Khoảng sáu năm trước, tôi mời cha tôi cùng tham gia kinh doanh, hi vọng nó sẽ sốc ông ấy dậy, nhưng tôi nghĩ áp lực công việc chỉ khiến tình trạng của ông tệ hơn. Ông từng nghiện rượu khá lâu. Ông uống rồi chửi bới khách hàng, khiến tôi mất rất nhiều tiền. Tôi cần phải cho ông ra khỏi công ty, nhưng tôi lại sợ. Làm sao mà mình có thể sa thải bố mình được chứ? Chuyện đó sẽ khiến ông suy sụp. Mỗi lần tôi cố nói với ông về chuyện đó, tất cả những gì ông đáp lại chỉ là: “Một là mày nói chuyện tử tế với bố, không thì đừng nói gì hết.” Tôi chỉ muốn phát điên.
Trách nhiệm quá mức, mong muốn cứu rỗi cha, sự tự ti cùng nỗi giận dữ vì cảm xúc bị kìm nén đều là biểu hiện kinh điển của những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có người nghiện rượu.
“Khủng long” trong phòng khách
Nếu các nhân viên Nhà Trắng của Richard Nixon rút ra được bài học từ bất cứ ai sinh trưởng trong gia đình có người nghiện rượu, thì “Watergate” sẽ chỉ còn là tên một khách sạn tại Washington. Sự phủ nhận chiếm tỷ lệ vô cùng lớn trong các gia đình có người nghiện rượu. Kẻ nghiện rượu giống như một con khủng long trong phòng khách. Với người ở bên ngoài quan sát, nó quá lớn và không thể làm ngơ, song với những ai ở trong nhà, nỗi tuyệt vọng trong việc đuổi con quái vật đi buộc họ phải vờ như nó không ở đó. Đó là cách duy nhất để họ sống chung với nó. Những lời nói dối, bào chữa và bí mật cũng giống như không khí trong nhà, tạo nên những xáo trộn cảm xúc cực kỳ lớn với trẻ nhỏ.
Sự biến đổi cảm xúc và tâm lý trong các gia đình có người nghiện rượu khá giống với những gia đình có người lạm dụng thuốc, dù có hợp pháp hay không. Mặc dù trường hợp tôi chọn trong chương này tập trung vào cha mẹ nghiện rượu, thì những trải nghiệm tổn thương của những đứa trẻ có cha mẹ lạm dụng thuốc cũng không quá khác biệt.
Trải nghiệm của Glenn khá đặc trưng:
Ký ức sớm nhất của tôi là cha trở về nhà sau khi làm việc và tiến thẳng tới tủ đựng rượu. Đó là thói quen mỗi tối của ông ấy. Sau khi uống vài ly, ông sẽ xuống bếp với ly rượu trên tay, cái ly chết dẫm chẳng bao giờ trống rỗng. Sau bữa tối, ông sẽ bắt đầu uống với vẻ cực kỳ nghiêm túc. Tất cả chúng tôi đều phải giữ trật tự để không làm phiền tới ông. Chắc chị nghĩ ông ấy đang làm chuyện gì to lớn lắm phải không? Nhưng không, chỉ là ông đang uống cái thứ nước quả lên men chết tiệt ấy mà thôi. Nhiều đêm, tôi nhớ chị gái, tôi và mẹ tôi phải dìu ông vào giường. Việc của tôi là tháo giày và tất cho ông. Chuyện khốn nạn đó là thứ mà không ai trong gia đình tôi nhắc đến. Chúng tôi làm việc đó đêm này qua đêm khác. Khi còn nhỏ, tôi thậm chí còn nghĩ rằng việc đưa cha lên giường mỗi tối là hoạt động thường nhật của một gia đình bình thường. Việc mà gia đình nào cũng làm.
Glenn được dạy rằng chuyện cha nghiện rượu là một Bí Mật Lớn. Dù mẹ cậu nhắc nhở không được kể với ai về “chuyện của cha” thì riêng nỗi xấu hổ cũng đủ để cậu ngậm miệng không hé nửa lời. Gia đình lúc nào cũng trưng vẻ mặt “mọi chuyện đều ổn” ra bên ngoài. Họ liên minh lại với nhau để cùng đương đầu với kẻ thù chung. Bí mật trở thành chất keo gắn kết cả gia đình.
Bí Mật Lớn có ba yếu tố chính:
1. Sự phủ nhận của những kẻ nghiện rượu khi đối mặt với bằng chứng không thể chối cãi và khi đối mặt với hành vi khiến cho các thành viên khác trong gia đình sợ hãi và xấu hổ.
2. Sự phủ nhận vấn đề của các thành viên trong gia đình có người nghiện rượu. Họ thường biện hộ cho kẻ nghiện rượu bằng những lời như: “Mẹ chỉ uống để thư giãn thôi”, “Cha chỉ vấp chân vào thảm thôi” hay “Cha mất việc vì sếp của ông ấy xấu tính.”
3. Sự dối trá đằng sau cái gọi là “gia đình bình thường”, vẻ bề ngoài mà gia đình khoác lên để trưng ra với thế giới bên ngoài.
“Vẻ ngoài của một gia đình bình thường” là thứ hủy hoại trẻ nhiều nhất vì nó buộc chúng phải phủ nhận giá trị cảm xúc và nhận thức của mình. Việc một đứa trẻ phát huy được lòng tự trọng mạnh mẽ trong khi luôn phải liên tục nói dối về những gì nó suy nghĩ và cảm nhận là điều bất khả thi. Sự tội lỗi khiến nó tự hỏi không biết người ta có tin nó hay không. Khi trẻ trưởng thành hơn, cảm nhận về việc người khác luôn nghi ngờ sẽ lớn lên theo, khiến nó cảm thấy xấu hổ khi phải thổ lộ về bản thân hay bày tỏ ý kiến của mình. Giống như Glenn, nhiều người lớn trưởng thành trong gia đình có người nghiện rượu đều trở nên vô cùng bối rối và hoang mang.
Phải mất rất nhiều năng lượng để giữ cho hình ảnh dối trá kia đứng vững. Đứa trẻ lúc nào cũng trong trạng thái đề phòng. Nó sống trong nỗi sợ hãi thường trực rằng nó có thể vô tình làm bung bét mọi chuyện và phản bội cả gia đình. Để tránh điều đó, trẻ thường tránh kết bạn và do đó trở nên cô đơn, không bạn bè.
Nỗi cô đơn đó kéo trẻ ngày càng lún sâu hơn vào vũng lầy của gia đình. Trẻ sẽ phát triển một nhận thức méo mó và cực đoan về lòng trung thành, chỉ được bày tỏ duy nhất với những người cùng chia sẻ bí mật: các thành viên trong gia đình. Lòng trung thành một cách mù quáng với cha mẹ trở thành bản năng thứ hai. Khi trưởng thành, nó sẽ được duy trì như một yếu tố tiêu cực và có tính kiểm soát trong cuộc sống của trẻ. Đây là thứ đã ngăn cản Glenn yêu cầu cha mình rời khỏi công ty, mặc cho thực tế công việc kinh doanh đang trì trệ vì ông.
Cậu bé vắng mặt
Bởi có quá nhiều năng lượng đổ vào những nỗ lực vô ích nhằm cứu rỗi kẻ nghiện rượu và duy trì hình ảnh gia đình, nên chẳng còn thời gian hay sự chú ý dành cho những nhu cầu cơ bản của những đứa trẻ. Giống như con cái của những bậc cha mẹ chưa hoàn thiện, con của cha mẹ nghiện rượu thường cảm thấy mình như vô hình. Điều này trở thành một việc có quyết định khó khăn vì gia đình càng có nhiều rắc rối thì trẻ lại càng cần được hỗ trợ về mặt cảm xúc.
Khi Glenn và tôi khám phá liên kết giữa những khó khăn hiện tại của anh với những bấp bênh cảm xúc tuổi thơ, anh nhớ lại:
Cha tôi chẳng bao giờ làm những thứ mà cha của những đứa bạn tôi vẫn làm với chúng. Chúng tôi chưa bao giờ chơi bóng cùng nhau hay thậm chí là xem bóng cùng nhau. Ông ấy lúc nào cũng nói: “Bố không có thời gian, để sau đi”, nhưng rồi ông lại có thời gian để ngồi say xỉn. Mẹ tôi thì nói: “Đừng làm phiền mẹ vì mấy chuyện vặt vãnh của con. Sao không đi chơi với bạn đi.” Nhưng tôi chẳng có người bạn nào. Tôi sợ phải đưa ai đó về nhà. Bố mẹ tôi thì chỉ lơ tôi đi và chẳng thèm để mắt xem tôi đang gặp phải chuyện gì, miễn là họ không phải chịu trách nhiệm là được.
Tôi nói với Glenn: “Vậy thì cậu sẽ ổn miễn là không bị để ý đúng không? Cảm giác vô hình như thế nào?”. Biểu cảm của Glenn trở nên đau đớn khi anh nhớ lại:
Chuyện đó thật tồi tệ. Lúc nào tôi cũng cảm giác như mình là trẻ mồ côi. Tôi đã làm mọi thứ để gây sự chú ý của họ. Có một lần, hồi mới mười một tuổi, tôi đã qua chơi nhà một người bạn, và cha của nó để ví tiền trên bàn chỗ hành lang. Tôi đã lấy 5 đô la và hi vọng mình bị tóm. Tôi không quan tâm cha mẹ tôi sẽ trừng phạt tôi như thế nào, miễn là họ biết tôi có mặt ở đó.
Glenn nhận được thông điệp vào những năm đầu đời rằng sự tồn tại của anh giống như đang chọc tức cha mẹ chứ không phải một phước lành. Sự thiếu vắng cảm xúc của anh được củng cố thêm bởi thực tế đó là cách ẩn náu an toàn nhất để tránh những cơn giận dữ thường xuyên của cha. Anh nhớ lại:
Cha tôi lúc nào cũng lấn át khi tôi nói lên ý kiến của mình. Nếu tôi dám lên giọng với ông, ông sẽ đánh tôi. Chẳng mất nhiều thời gian để tôi hiểu mình không nên cãi lại ông. Nếu tôi cãi lại mẹ, bà sẽ bắt đầu khóc như trẻ con, rồi cha tôi lại bực bội và đánh đập ai đó, và tôi cảm thấy tệ hại gấp đôi vì những rắc rối mình gây ra. Vì vậy tôi tìm cách không ở nhà càng nhiều càng tốt. Tôi có một công việc bán thời gian sau giờ học năm mười hai tuổi, tôi đã nói dối giờ tan học để có thể về nhà muộn nhất có thể mỗi tối. Sau đó tôi sẽ rời khỏi nhà trước một tiếng vào buổi sáng. Chỉ để tôi có thể ra ngoài trước khi cha thức giấc. Tôi vẫn có thể cảm thấy nỗi cô đơn ấy, ngồi một mình trước sân trường mỗi sáng, đợi ai đó xuất hiện. Buồn cười ở chỗ tôi không nghĩ cha mẹ có biết tôi có ở nhà hay không.
Tôi hỏi Glenn liệu anh có nghĩ những nỗi sợ đã kìm hãm anh khi còn nhỏ giờ lại kiểm soát anh khi đã trưởng thành hay không. Glenn thừa nhận một cách buồn bã:
Tôi đoán là vậy. Tôi không thể nói bất cứ điều gì khiến người khác khó chịu, dù tôi muốn bao nhiêu chăng nữa. Tôi đã nhịn nhục nhiều, và tôi nghĩ sẽ có ngày tôi nôn ra hết những lời đó. Tôi không dám bảo vệ ý kiến của mình trước người khác, dù là những người tôi chẳng mấy quan tâm. Nếu tôi nghĩ những gì tôi sắp nói sẽ làm ai đó tổn thương, tôi sẽ không thể nói nổi.
Giống như nhiều đứa trẻ là con của người nghiện rượu, Glenn cảm thấy có trách nhiệm với cảm xúc của người khác, như khi còn nhỏ anh nhận lấy trách nhiệm cho cảm xúc của cha mẹ mình, anh gánh chịu mọi thứ nhằm tránh phải đối đầu với cha mẹ vì anh không muốn gây ra tổn thương cho bất kỳ ai (bao gồm bản thân anh). Anh không thể bày tỏ cảm xúc của mình như một đứa trẻ bình thường vẫn làm. Anh phải tiêu diệt những cảm xúc ấy, và tiếp tục lặp lại khuôn mẫu đó khi đã trưởng thành. Khi Glenn giúp đưa cha mình lên giường, khi anh nhận trách nhiệm giúp cho hết phiền muộn, anh đang hành động như một bậc phụ huynh chứ không phải một đứa con. Khi một đứa trẻ bị buộc phải gánh trách nhiệm của cha mẹ, nó sẽ mất đi những hình mẫu để noi theo khiến sự phát triển nhân cách bị đe dọa. Sự đảo ngược vai trò nguy hiểm này khá phổ biến trong gia đình có người nghiện rượu.
“Tôi Chưa Bao Giờ Được Làm Trẻ Con”
Như chúng ta đã và sẽ thấy, sự đảo ngược vai trò xảy ra trong hầu hết các gia đình có cha mẹ độc hại. Trong gia đình có người nghiện rượu, những bậc cha mẹ say xỉn chiếm mất vai trò của con trẻ qua những đòi hỏi vô lý của mình. Chính họ là những đứa trẻ trong gia đình và không để lại chỗ trống cho những đứa trẻ khác trong nhà.
Glenn đã lớn lên với suy nghĩ vai trò của anh trên đời này là chăm sóc cho người khác và không mong đợi điều gì cho bản thân mình.
Tôi nhớ lúc mẹ tôi chạy đến chỗ tôi khi cha trở nên mất kiểm soát, và bà khóc cho cuộc đời bất hạnh của mình. Bà nói: “Mẹ phải làm gì bây giờ? Các con cần có cha, và mẹ thì không ra ngoài làm việc được.” Điều đó khiến tôi buồn lòng rất nhiều. Tôi từng mơ về việc đưa bà đến một hòn đảo để cha chúng tôi không thể tìm ra. Tôi hứa với bà rằng ngay khi có thể tôi sẽ chăm sóc bà. Và đó là những gì tôi đang làm. Lúc nào tôi cũng đưa tiền cho bà, dù đó có là những đồng tiền cuối cùng đi chăng nữa ở tôi. Và tôi chăm sóc cả cha, dù nó khiến công việc kinh doanh của tôi khốn đốn. Tại sao tôi chẳng thể tìm được ai chăm sóc cho mình?
Glenn vẫn mang gánh nặng tội lỗi vì sự bất lực của bản thân khi còn nhỏ, và áp lực trong việc giúp cuộc đời của cha mẹ trở nên tốt đẹp hơn khi đã trưởng thành. Mặc cho ước mơ của anh là tìm được một người phụ nữ chăm sóc mình, thì những người phụ nữ anh gặp đều là những người luôn đòi hỏi ở anh. Glenn đã cảm thấy người này không dành cho mình ngay khi anh cưới cô ta, song những mộng tưởng về việc anh hùng cứu mỹ nhân từ khi còn nhỏ đã choán hết phán đoán lý trí của anh.
Hoang tưởng về việc sửa chữa quá khứ
Không mất nhiều thời gian để Glenn nhận ra anh đã cưới một kẻ nghiện rượu bí mật. Nếu anh biết trước khi cưới, anh có lẽ sẽ vẫn kết hôn với cô ấy bởi anh nghĩ mình có thể thay đổi vợ mình. Những đứa con của kẻ nghiện rượu thường lại kết hôn với những kẻ nghiện rượu. Nhiều người cảm thấy hoang mang khi thấy những người lớn lên trong gia đình có người nghiện rượu lại lựa chọn sống lại cuộc đời tổn thương đó. Song động lực thúc đẩy của việc lặp lại khuôn mẫu tương đồng về cảm xúc đó khá phổ biến với tất cả mọi người, dù nó có đau đớn hay tự hủy hoại đến đâu. Sự tương đồng đưa đến cảm giác thoải mái cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta biết luật lệ là gì, và ta phải mong chờ điều gì.
Quan trọng hơn, chúng ta tái thiết lập những mâu thuẫn trong quá khứ vì đến thời điểm này ta hi vọng mình sẽ thay đổi được nó - ta sẽ thắng cả cuộc chiến. Sự tái lập những trải nghiệm cũ và đau đớn được gọi là hiện tượng “thôi thúc lặp lại”.
“Lần này tôi sẽ đưa mọi thứ về chỗ cũ”
Tôi không biết nói sao cho đủ tầm ảnh hưởng của sự thôi thúc này lên cuộc sống của chúng ta. Gần như mọi hành vi tự hủy hoại, đặc biệt là những hành vi liên quan đến xây dựng và duy trì các mối quan hệ thân mật, đều bắt đầu trở nên rõ ràng khi nhìn dưới góc độ thôi thúc lặp lại. Trường hợp của Glenn là một ví dụ hoàn hảo:
Khi tôi gặp Denise, tôi không hề biết cô ấy uống rượu. Khi bị tôi phát hiện, cô cũng chẳng buồn giấu giếm nữa. Tôi thấy cô uống ba đến bốn lần một tuần. Tôi đã cầu xin cô dừng lại và đưa cô đến gặp bác sĩ. Tôi năn nỉ cô đến AA (Alcoholic Anonymous - tổ chức giúp cai nghiện rượu). Tôi khóa hết các tủ rượu, nhưng chị biết nghiện rượu là thế nào rồi đấy...cô ấy luôn tìm ra cách để có rượu. Lần duy nhất cô dừng lại là khi tôi dọa sẽ bỏ đi. Nhưng sau đó một thời gian cô ấy lại tái nghiện, chúng tôi lại trở về vạch xuất phát.
Bởi vì phủ nhận và che giấu dường như là việc bình thường trong quá trình trưởng thành của Glenn, nên anh dễ dàng mang nó vào một mối quan hệ tình cảm, nơi những yếu tố đó được tái lập lại. Chỉ là lần này anh nghĩ mình phải thành công trong việc cứu rỗi vợ mình, thay cho sự thất bại trong việc cứu rỗi cha mẹ khi còn nhỏ. Glenn, giống như bao đứa trẻ là con của người nghiện rượu khác, đã thề với bản thân rằng: không bao giờ để một người nghiện rượu bước vào đời mình. Song thôi thúc lặp lại đã ăn sâu trong tâm trí anh mạnh hơn bất cứ lời thề nào khác.
“Tại sao tôi cứ liên tục lặp lại sai lầm”
Một lời thề thường bị phá vỡ bởi sức mạnh của quá khứ là lời thề không bao giờ lặp lại bạo lực và ngược đãi đã từng là một phần không thể thiếu trong gia đình có người nghiện rượu.
Jody, 26 tuổi, một cô gái nhỏ nhắn với mái tóc đen và đôi mắt to, đã tham gia một trong những nhóm trị liệu của tôi theo lời đề nghị của người bảo trợ của cô tại bệnh viện xử lý các vấn đề lạm dụng cá nhân, nơi cô làm việc với tư cách cố vấn hồi phục. Cùng với nhiều cố vấn trong chương trình này, bản thân Jody cũng từng là một người nghiện rượu và lạm dụng ma túy đã cai nghiện thành công. Tôi gặp cô lần đầu tại một bữa tiệc nhỏ kỷ niệm năm thứ hai không uống rượu của cô.
Jody gần đây đã chia tay một người đàn ông bạo lực và thường xuyên ngược đãi cô. Người bảo trợ của cô lo lắng cô có thể bị cám dỗ quay lại mối quan hệ đó và đề nghị cô gặp tôi.
Trong buổi trị liệu riêng tư đầu tiên cùng nhau, Jody tỏ ra khá cứng rắn và hiếu thắng, cô hoàn toàn tin rằng mình không cần giúp đỡ. Tôi tự hỏi nỗi đau đằng sau vẻ ngoài mạnh mẽ là gì. Những lời đầu tiên cô nói với tôi: “Họ nói tốt hơn hết là tôi nên đi gặp bác sĩ tâm lý, nếu không tôi sẽ say xỉn lại. Sao chị không để tôi yên và nói với họ rằng tôi đang rất ổn không cần phải quay lại đây nữa.”
“Cô có vẻ rất hứng thú khi đến đây nhỉ” Tôi đáp lại. Cả hai chúng tôi đều cười, giúp cho không khí bớt căng thẳng. Tôi nói với cô rằng tôi biết cô không tự đến tìm tôi, nhưng vì đằng nào cũng ở đây rồi, cô vẫn có thể thu về được điều gì đó. Cô đồng ý cho tôi một cơ hội.
Tôi bắt đầu nói về nỗi lo lắng của các đồng nghiệp của cô về việc cô có khả năng quay lại với người bạn trai cũ đã ngược đãi mình. Jody thừa nhận họ có lý do để lo lắng như vậy:
Tôi thực sự nhớ con gà tây đó. Nói chung anh ta là một anh chàng rất được, chỉ là đôi khi tôi hơi lắm lời khiến anh ta bực mình thôi. Tôi biết anh ấy yêu tôi, và tôi vẫn hi vọng chúng tôi có thể vượt qua chuyện này.
Có thể cô đã nhầm lẫn tình yêu với sự ngược đãi, một cách vô thức cô cần khơi gợi ra sự giận dữ của bạn trai mình như một minh chứng cho sự mãnh liệt và đam mê của anh ta. Tôi hỏi điều này có quen thuộc và đã từng xảy ra trong những mối quan hệ khác của cô hay không. Cô nghĩ một lát rồi nói:
Tôi đoán là nó giống chuyện giữa tôi và ông già. Ông ta là bợm rượu chính hiệu và thường xuyên đánh đập chúng tôi. Một tuần có đến năm ngày ông ta về nhà trong tình trạng say khướt, sau đó luôn tìm ra lý do để đánh chúng tôi. Em trai tôi từng bị đánh đến mức chảy máu. Mẹ tôi không thể làm gì để ngăn ông ta lại. Bà quá sợ đến nỗi không dám thử. Tôi thì cầu xin ông ta dừng lại, nhưng lúc đó cha tôi như bị mất trí. Tôi không muốn chị nghĩ về ông ấy như một con quái vật, vì khi không say xỉn ông ấy rất tốt. Ông ấy là bạn thân nhất của tôi, tôi thích những lúc chúng tôi chơi đùa cùng nhau, chỉ có hai chúng tôi thôi, tôi vẫn yêu những khoảnh khắc đó.
Nhiều đứa trẻ trong gia đình có người nghiện rượu phát triển một lòng vị tha bao la để chấp nhận những điều không thể chấp nhận được. Không biết một người cha giàu tình yêu thương cư xử như thế nào, nên Jody chỉ có thể giả định rằng nếu cô muốn có những khoảng thời gian vui vẻ với cha mình, cô phải chịu đựng những lúc tệ hại. Cô tạo ra một liên kết tâm lý giữa tình yêu và ngược đãi. Cô đi đến việc tin rằng mình không thể có được yêu thương nếu không có ngược đãi.
Hệ Thống Chiến Hữu
Bằng thực tế, cha của Jody đã dạy cô rằng cô nên làm mọi thứ để giữ tâm trạng vui vẻ cho một người đàn ông, để ông ta không đánh đập cô. Để giúp cha luôn được vui, cô phải trở thành bạn rượu của ông khi mới mười tuổi.
Cha tôi bắt đầu bằng việc cho tôi nhấp một ngụm rượu mỗi tuần một lần. Tôi ghét vị của nó, nhưng mỗi khi làm vậy cha tôi lại vui sướng ra mặt. Cho đến năm tôi mười một tuổi, cha tôi đến cửa hàng rượu rồi mang về một chai. Chúng tôi ngồi trong xe và cùng nhau uống, sau đó làm một cuộc dạo chơi. Ban đầu tôi thấy phấn khích vô cùng, nhưng sau một lúc thì tôi bắt đầu nổi da gà. Mặc dù lúc đó tôi chỉ là trẻ con, nhưng tôi có thể nhận ra cha tôi không có được sự kiểm soát tốt đằng sau vô lăng. Tôi lặp lại việc đó vì đó là kỷ niệm tôi có cùng ông mà không ai trong nhà có được. Nó giống như một kết nối đặc biệt giữa chúng tôi. Tôi thực sự thích uống vì nó khiến cha yêu quý tôi hơn. Chuyện này càng ngày càng tệ hại cho đến khi tôi nhận ra mình đã uống đến không còn biết trời đất là gì.
Ít nhất một phần tư trẻ là con của cha mẹ nghiện rượu trở thành người nghiện rượu, và nhiều trẻ trong số đó uống những ly rượu đầu tiên từ khi còn rất nhỏ do cha mẹ nghiện rượu đưa cho. Điều này tạo nên một liên kết đặc biệt và bí mật giữa cha mẹ và con cái. Kiểu âm mưu đặc biệt này khiến trẻ có cảm giác thân thiết, gần với việc đứa trẻ đạt được tình yêu thương hay sự công nhận.
Cho dù đứa trẻ không bị cha mẹ lôi kéo, thì chúng cũng duy trì trạng thái đặc biệt dễ tổn thương và cuối cùng lại trở thành người nghiện rượu. Chúng ta không biết chính xác vì sao điều đó xảy ra - có thể do khuynh hướng bẩm sinh quy định trong gen đối với hành vi nghiện ngập hay rối loạn sinh hóa. Tôi cũng nghi ngờ một yếu tố đóng vai trò quan trọng đó là nhiều hành vi và niềm tin được tạo dựng thông qua sự bắt chước và gắn bó với cha mẹ. Những đứa trẻ trưởng thành là con của người nghiện rượu được thừa hưởng những cơn thịnh nộ, cảm giác trầm uất, nỗi buồn, sự hoài nghi, những mối quan hệ có tính hủy hoại, và cảm giác trách nhiệm quá mức. Chúng cũng được thừa hưởng một phương pháp giúp đương đầu với những “di sản” trên, đó là rượu.
Bạn Không Thể Tin Bất Cứ Ai
Bởi vì mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất đã dạy những đứa trẻ rằng những người mà chúng yêu thương sẽ làm chúng đau và trở nên khó đoán một cách đáng sợ, nên hầu hết những đứa trẻ trong gia đình có người nghiện rượu đều sợ thân thiết với người khác. Những mối quan hệ trưởng thành viên mãn, dù là tình yêu hay tình bạn, đều yêu cầu một mức độ nhất định của tính dễ tổn thương, sự tin tưởng và mở lòng - những yếu tố quan trọng này đã bị gia đình nghiện rượu phá hủy. Điều này khiến nhiều đứa trẻ là con của người nghiện rượu thường bị thu hút tới những người lạnh lùng xa cách về mặt cảm xúc bởi những mâu thuẫn sâu bên trong họ. Theo cách này, những đứa trẻ ấy có thể tạo nên ảo tưởng về một mối quan hệ mà không phải đối mặt với nỗi khiếp sợ của những thân mật thực sự.
Người bạn trai hai mặt của Jody đã lặp lại hình ảnh người cha của cô - lúc tuyệt vời, lúc tệ hại. Bằng cách lựa chọn một người đàn ông hay thay đổi và ngược đãi mình, Jody vừa lặp lại những trải nghiệm quen thuộc tuổi thơ, vừa đảm bảo rằng cô không bao giờ phải mạo hiểm bước vào vùng nước lạ của những thân mật thực sự. Cô bám chặt một cách tuyệt vọng vào ảo tưởng rằng cha cô vẫn là người đàn ông duy nhất hiểu cô. Sự không sẵn sàng đối mặt với ảo tưởng này gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của cô, không chỉ với bạn bè cô mà còn với tôi và những thành viên khác trong nhóm trị liệu. Thực tế, ảo tưởng này mạnh đến nỗi khiến cô từ bỏ bản thân mình.
Tôi vẫn còn nhớ mình đã rất buồn vào cái đêm cô thông báo sẽ rời khỏi nhóm. Tôi nhắc lại rằng cô biết chuyện này sẽ rất đau đớn, và nỗi đau đó là một phần của liệu trình. Trong một giây, trông cô có vẻ như sẽ suy nghĩ lại, nhưng rồi cô nói:
Nghe này, tôi không muốn từ bỏ cha mình. Tôi không muốn tức giận với ông ấy. Và tôi không muốn phải ra sức bảo vệ ông ấy trước mặt chị. Cha tôi và tôi cần nhau. Tại sao tôi lại phải tin chị hơn ông ấy? Tôi không nghĩ chị hay bất cứ người nào trong nhóm này thật sự quan tâm đến tôi. Tôi không nghĩ bất cứ ai ở đây sẽ bên tôi khi tôi tổn thương.
Nhóm của Jody bao gồm những người trưởng thành từng là trẻ em bị ngược đãi, và họ hiểu những gì cô đang trải qua. Họ đã hết lòng hỗ trợ và thương yêu cô, nhưng cô không thể mở lòng đón nhận điều đó. Với Jody, thế giới này là một nơi gian trá và đầy những kẻ phá đám. Cô tin rằng nếu quá thân thiết với ai đó, họ sẽ khiến cô tổn thương và làm cô thất vọng. Trớ trêu là những niềm tin này lại vô cùng chính xác đối với trường hợp cha của cô.
Niềm tin không thể tin tưởng bất cứ ai của Jody là tổn thất chính từ việc nghiện rượu của cha cô. Nếu bạn không thể tin cha mình, thì bạn còn tin ai được nữa? Niềm tin là thứ mong manh nhất trong mỗi chúng ta; dưới những điều kiện khắc nghiệt, nó là thứ sẽ chết đầu tiên.
Niềm tin cũng là một tổn thất phổ biến đối với những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có người nghiện rượu. Như Glenn bày tỏ:
Tôi luôn sợ hãi mỗi khi vợ tôi muốn làm việc gì đó mà không có tôi - dù chỉ là ra ngoài ăn tối với những cô bạn gái. Tôi lo sợ cô ấy sẽ bỏ rơi tôi. Tôi không thể tin tưởng cô ấy. Tôi sợ rằng cô sẽ tìm được ai đó tốt hơn tôi và bỏ tôi theo anh ta. Tôi muốn kiểm soát để cô luôn ở bên cạnh, có như vậy tôi mới bớt lo lắng suốt cả ngày.
Ghen tuông, sở hữu và nghi ngờ là những chủ đề lặp đi lặp lại trong các mối quan hệ của nhiều đứa trẻ là con của người nghiện rượu. Họ học được từ sớm rằng những mối quan hệ đó sẽ chỉ dẫn đến phản bội và tình yêu luôn dẫn đến đau thương.
“Nhưng Ngày Hôm Qua Mẹ Nói Thế Là Được Rồi”
Carla, một người phụ nữ cao ráo, có giọng nói nhỏ nhẹ làm nhân viên vệ sinh răng miệng đã đến phòng trị liệu thông qua giới thiệu của bác sĩ, người đã gợi ý rằng những cơn đau đầu lặp đi lặp lại của chị có thể do nguyên nhân tâm lý. Vì đau đầu thường là triệu chứng của việc kìm nén cơn giận dữ, nên một trong những điều đầu tiên tôi hỏi chị là: “Chị đang tức giận chuyện gì vậy?” Câu hỏi của tôi khiến chị ngạc nhiên, nhưng một lát sau chị trả lời:
Cô nói đúng. Tôi tức giận với mẹ tôi. Tôi đã 47 tuổi và mẹ tôi vẫn tiếp tục nắm giữ cuộc đời tôi. Tháng trước, tôi đã vô cùng phấn khích khi chuẩn bị một chuyến tới Mexico. Tôi đã rất hào hứng, nhưng chỉ ba ngày trước chuyến đi, tôi nhận được một cuộc gọi từ mẹ. Những chuyện như này thường xuyên xảy ra và tôi không lạ gì nó cả. Tôi biết rằng bà đang uống rượu vì giọng nói lè nhè trong điện thoại, và còn nghe như sắp khóc. Bà nói cha đang tham gia một chuyến đi câu cá 2 tuần, và bà đang vô cùng buồn phiền... và tôi có thể đến ở với bà vài ngày không. Tôi nói mình có một kỳ nghỉ đã được lên kế hoạch từ trước, bà bắt đầu khóc. Khi tôi đưa giải pháp bằng việc bà tới nhà dì tôi vào khoảng thời gian này, bà đã nói tôi không còn yêu bà nữa. Rất nhiều những chuyện khác được nói ra, và bản thân tôi đã hứa sẽ hủy chuyến đi để tới chỗ bà. Dù sao tôi cũng chẳng thể tận hưởng chuyến đi khi biết bà lại đang phiền muộn.
Tôi nói với Carla rằng chuyện này có vẻ không có gì mới với chị. Chị đồng ý với tôi:
Phải, chuyện này xảy ra suốt từ ngày tôi còn nhỏ. Tôi lúc nào cũng phải chăm sóc bà ấy. Còn bà thì coi đó là chuyện hiển nhiên. Bà thường xuyên tỏ thái độ giận dữ với tôi. Tôi không bao giờ biết được khuôn mặt nào trong số nhiều khuôn mặt của bà sẽ được trưng ra, và cũng chẳng bao giờ biết được điều gì khiến bà vui. Tôi nhớ một lần bị điểm D môn Lịch sử và không dám về nhà. Một điểm D có thể tương đương với bốn tiếng đồng hồ chì chiết tôi là đứa vô dụng, vô ơn, và không người đàn ông nào thèm lấy tôi. Khi tôi về đến nhà, hóa ra bà ấy lại đang vui. Bà chỉ ký sổ liên lạc cho tôi rồi nói: “Con thông minh lắm, không phải lo về điểm số đâu.” Tôi không tin nổi vào mắt mình. Nhưng một lát sau, bà uống hết bốn ly cocktail như thường lệ trước bữa ăn tối hôm đó. Tôi dọn bàn ăn nhưng quên không mang muối và hạt tiêu. Lúc ngồi xuống, bà bắt đầu giận dữ như thể tôi vừa gây ra chiến tranh thế giới. Tôi không thể hiểu được vì sao bà có thể ngừng yêu thương tôi chỉ vì tôi quên muối và hạt tiêu.
Hành vi của mẹ Carla đi từ sự thương yêu nồng nàn tới cay nghiệt đau đớn, tùy thuộc vào tâm trạng của bà, lượng rượu mà bà uống, hay như Carla nói: “chu kỳ của mặt trăng”. Carla nói với tôi rằng không có thứ gì bình thường, ổn định mỗi ngày đối với mẹ của chị. Vì thế chị luôn phải cố gắng đoán xem làm thế nào để mẹ vui lòng. Đáng tiếc là mọi thứ luôn xoay chuyển khó lường; cùng một hành động ngày hôm qua khiến bà vui thì hôm nay lại khiến bà giận dữ.
“Lỗi Của Con Hết”
Mọi bậc cha mẹ đều mâu thuẫn ở một mức độ nào đó, nhưng hội chứng “hôm nay đúng ngày mai sai” trở nên dữ dội hơn vì rượu. Do những dấu hiệu và quy tắc thay đổi quá thường xuyên và khó dự đoán, đứa trẻ sẽ luôn thất bại trong việc làm hài lòng cha mẹ. Cha mẹ sử dụng lời trách cứ như một phương tiện để kiểm soát, nên dù trẻ có làm gì chăng nữa, họ cũng sẽ tìm ra thứ không vừa ý để trách mắng. Đứa con trở thành ống xả những bực dọc, thành người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì không may xảy đến với cha mẹ chúng. Đây là một cách thức âm thầm để những bậc cha mẹ nghiện rượu bào chữa và công khai những thiếu sót của mình. Thông điệp là: “Nếu con không làm sai chuyện gì thì mẹ đã không phải uống rượu.” Như Carla chia sẻ:
Tôi còn nhớ khi lên bảy, mẹ tôi đã uống cạn một chai lớn vào buổi sáng, vì thế tôi mời một người bạn qua chơi sau khi tan học. Tôi ít khi mời người khác sang nhà vì tôi chẳng biết được liệu mẹ có say xỉn hay không, nhưng hôm đó tôi biết mẹ đã ngủ từ sáng đến trưa. Bạn tôi và tôi cùng chơi hóa trang, đi giày của bà và tô son, trang điểm, thế rồi bỗng nhiên cánh cửa mở ra, mẹ tôi lảo đảo bước đến. Tôi sợ đến mức gần như tè ra quần. Hơi thở của bà ấy thôi cũng có thể hạ gục chúng tôi. Bà phát điên khi thấy chúng tôi động vào đồ của bà và bắt đầu la lớn: “Tao biết lý do mày đưa bạn về nhà rồi...để giám sát tao chứ gì! Mày lúc nào cũng theo dõi tao. Nên lúc nào tao cũng phải uống đến say bí tỉ. Chính mày làm cho người khác phải uống!”
Mẹ của Carla đã hoàn toàn mất kiểm soát. Bên cạnh việc làm con gái bẽ mặt, bà còn đổ lỗi cho chị vì thói nghiện rượu của mình. Carla khi đó còn quá nhỏ để nhìn ra lỗ hổng trong logic của mẹ, vì vậy chị chấp nhận lời buộc tội đó.
Một cách vô thức, Carla vẫn nghĩ rằng mình chịu trách nhiệm cho việc mẹ nghiện rượu. Đó là lý do chị sẵn sàng hi sinh để mẹ cảm thấy thoải mái. Chị hủy chuyến đi chơi đã mong chờ từ lâu chỉ để nhận được sự công nhận phù phiếm của mẹ.
Trở thành người chịu trách nhiệm chính trong gia đình là một vai trò quá đỗi quen thuộc đối với những đứa trẻ có cha mẹ nghiện rượu. Một số trẻ còn ra sức hoàn thiện hình ảnh tiêu cực về bản thân bằng cách dùng đến phương thức tự hủy hoại hay các hành vi phạm pháp. Những đứa trẻ khác thì vô thức tìm cách trừng phạt bản thân với nhiều triệu chứng về mặt cảm xúc và thể chất đa dạng - chẳng hạn như chứng đau đầu của Carla.
Đứa Con Cưng
Trong khi một số trẻ bị buộc phải trở thành người gánh vác cả gia đình, thì có những đứa trẻ có một vai trò khác trong gia đình - “đứa con cưng”. Những đứa trẻ này có được sự công nhận từ cả cha mẹ lẫn xã hội và trách nhiệm cao cả mà chúng bị buộc phải gánh lấy. Bề ngoài, sự công nhận này dường như tạo cho đứa trẻ một môi trường tích cực hơn so với những trẻ phải gánh vác cả gia đình, nhưng trên thực tế, những thứ mà chúng bị tước đoạt và niềm tin tiêu cực vẫn hoàn toàn giống nhau. Những đứa con cưng tự thúc đẩy bản thân một cách cật lực nhằm đạt được những mục tiêu cầu toàn không tưởng cả lúc nhỏ lẫn khi trưởng thành.
Vài năm trước tôi nhận được một cuộc điện thoại trên chương trình radio của mình từ một nhà nghiên cứu Hóa học tên là Steve, nội dung như sau:
Tôi đang bị mắc kẹt. Tôi đã 41 tuổi và có một sự nghiệp thành công. Song gần đây tôi không thể ra nổi một quyết định nào. Tôi đang nung nấu kế hoạch lớn nhất đời mình và tôi không thể tập trung được. Quá nhiều người phụ thuộc vào tôi. Tôi đã cạn kiệt năng lượng rồi. Cả đời tôi chỉ toàn nằm trong top đầu...chị biết đấy...đạt điểm A, là thành viên của Phi Beta Kappa...tôi luôn là người tiên phong. Nhưng giờ thì tôi cảm thấy tê liệt hoàn toàn.
Tôi hỏi Steve điều gì xảy ra trong cuộc sống của anh có thể là nguyên nhân cho những thay đổi đó hay không. Anh nói rằng cha của anh mới được xác nhận cần được chăm sóc đặc biệt vì bệnh suy nhược gan cấp tính. Dựa vào đó, tôi hỏi Steve xem cha anh có nghiện rượu hay không. Sau một phút ngập ngừng, anh trả lời rằng cả hai cha mẹ anh đều nghiện rượu. Steve đã lớn lên trong hoàn cảnh phải đương đầu với những trận cãi vã trong gia đình bằng cách vùi đầu vào bài tập ở trường và trở thành học sinh xuất sắc.
Ai cũng nghĩ tôi là “con nhà người ta”...ông bà tôi, thầy cô giáo, thậm chí cả cha mẹ tôi cũng thế...khi họ tỉnh táo. Tôi là thằng con cưng, học sinh chăm ngoan, và sau đó là nhà khoa học, người chồng, người cha xuất sắc. (Đến lúc này, giọng anh bắt đầu nức nở). Tôi quá mệt mỏi vì lúc nào cũng phải tỏ ra hoàn hảo rồi!
Khi còn là một đứa trẻ, Steve tìm kiếm sự công nhận bằng những trọng trách lớn vượt quá khả năng của anh và gánh vác bằng sự trưởng thành vượt quá độ tuổi. Thay vì xây dựng lòng tự trọng thông qua việc được đối xử như một cá nhân bẩm sinh có giá trị, anh phải tự mình chứng tỏ giá trị của bản thân bằng những thành tựu bên ngoài. Lòng tự trọng của anh trở nên phụ thuộc vào những con dấu, giải thưởng, điểm số thay vì sự tự tin từ bên trong.
Động lực thúc đẩy của anh cũng liên quan đến yếu tố bù trừ. Bằng cách tự mình trở nên hoàn hảo, Steve có thể đã vô thức cố gắng cân bằng những thiếu sót của cha mẹ.
Tôi nói với Steve rằng bệnh tình của cha anh hiển nhiên đã làm xáo trộn nhiều công việc còn dang dở trong cuộc sống của anh, tôi hiểu anh đang bị tổn thương, và đó cũng là một cơ hội tuyệt vời để giúp anh bắt đầu xử lý một vài vấn đề cốt lõi. Tôi đề nghị anh chấp nhận sự thật, việc trở thành “con nhà người ta” là cách giúp anh đương đầu với tuổi thơ dữ dội của mình. Vai trò đó mang đến cho anh sự an toàn và bộ khung cho cuộc đời mình. Chỉ có điều đáng tiếc là anh chưa bao giờ học được cách thương yêu bản thân. Giờ đây, sau nhiều năm, việc tìm kiếm sự hoàn hảo trong mọi khía cạnh cuộc sống, cũng là đặc điểm chung của hầu hết những người cầu toàn, đã khiến anh tê liệt.
Trước sự hối thúc của tôi, Steve đồng ý sẽ tìm kiếm lời khuyên vừa giúp anh vượt qua khó khăn hiện tại vừa xử lý những mất mát từ thuở nhỏ của mình.
“Tôi Luôn Phải Nắm Quyền Kiểm Soát Mọi Lúc”
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có người nghiện rượu thường bị vùi dập bởi những hoàn cảnh và tính cách thất thường, khó dự đoán. Để phản ứng lại, chúng thường phát triển với một nhu cầu chế ngự nhằm kiểm soát mọi người và mọi thứ trong cuộc sống của họ. Cách mà anh phản ứng với sự bất lực khi còn nhỏ chính là trở thành một người kiểm soát quá mức, dù cho anh khá nhút nhát:
Bất cứ khi nào có bạn gái, tôi đều “đá” cô ấy đi khi mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp. Tôi đoán vì tôi sợ nếu tôi không làm trước thì đến cuối cùng cô ấy sẽ “đá” tôi, nên đó là một cách để giữ được sự kiểm soát. Tôi phải nắm quyền kiểm soát mọi lúc. Lúc điều hành công ty cũng vậy. Tôi vẫn không thể la mắng người khác, nhưng các nhân viên luôn biết khi nào thì tôi không vui. Họ nói tôi luôn thể hiện hết điều ấy ra ngoài và khiến họ thấy sợ. Nhưng đó là công ty của tôi cơ mà, đúng chứ?
Glenn tin rằng bằng cách kiểm soát mọi khía cạnh trong đời sống, anh có thể tránh được việc trải nghiệm lại sự điên rồ thất thường hồi nhỏ. Dĩ nhiên, tính cách thiếu quyết đoán buộc anh phải tìm những đối tượng khác để kiểm soát, vì thế anh lao vào những kỹ thuật thao túng như tỏ ra khó chịu hay la rầy, vốn là những thứ anh đã học để sử dụng khá hiệu quả.
Đáng tiếc là hành vi thao túng của anh lại tạo nên khoảng cách và oán giận giữa anh và những người mà anh quan tâm. Giống như nhiều đứa trẻ là con của người nghiện rượu, nhu cầu kiểm soát người khác của Glenn dẫn đến kết quả mà anh sợ hãi nhất - sự từ chối. Trớ trêu thay, tấm khiên anh dựng lên để chống lại nỗi cô đơn khi còn nhỏ lại là thứ mang đến sự cô độc khi trưởng thành.
“Sao Con Dám Gọi Mẹ Là Bợm Rượu!”
Nếu bạn là con của một gia đình nghiện rượu, khả năng là những rắc rối sẽ đến từ một người nghiện rượu còn một người thì không (không giống như Steve có cả cha và mẹ đều nghiện rượu). Trong những năm gần đây chúng ta bắt đầu biết nhiều hơn về vai trò của người không uống rượu trong mối quan hệ. Như đã thảo luận ở chương 2, người này được gọi là “đồng phụ thuộc”.
Người này, dù phải chịu đựng những rắc rối từ người nghiện rượu, lại vô thức cổ vũ việc uống rượu của người nghiện rượu. Thông qua sự chấp nhận này, người đồng phụ thuộc truyền thông điệp rằng họ sẽ luôn ở bên cạnh để giúp xử lý những rắc rối do hành vi tiêu cực mà bạn đời của họ gây ra. Mặc dù người đồng phụ thuộc có thể la rầy, than vãn, bào chữa, phàn nàn, đe dọa và đưa ra các nguyên tắc, song họ hiếm khi sẵn sàng đủ mạnh mẽ để buộc tội hay tạo ra bất cứ sự thay đổi nào.
Carla và tôi bắt đầu tạo ra những tiến bộ có giá trị trong liệu trình. Tôi muốn nhìn thấy chị tương tác trực tiếp với cha mẹ nên đã gợi ý chị mời cha mẹ đến tham gia cùng. Khi họ tới nơi, tôi có thể thấy mẹ của Carla trông rất buồn. Việc Carla mời bà đến dường như đã gợi mở cảm giác tội lỗi của bà. Khi tôi bắt đầu bàn luận về những thực tế đau đớn trong tuổi thơ của Carla, mẹ chị bật khóc:
Tôi rất xấu hổ. Tôi biết mình không phải một người mẹ tốt. Carla, mẹ xin lỗi. Mẹ thực sự xin lỗi. Mẹ sẽ cố gắng ngừng uống rượu. Mẹ cũng sẽ đến gặp bác sĩ tâm lý nếu con muốn.
Tôi nói với mẹ của Carla các liệu pháp tâm lý giờ đây đã không còn hiệu quả để chữa trị cho người nghiện rượu hay bất cứ hành vi nghiện ngập nào, trừ phi có sự kết hợp với một trong các chương trình Mười Hai Bước, chẳng hạn như Alcoholics Anonymous (AA). Mẹ của Carla vội vàng năn nỉ:
Đừng mà Susan, đừng bắt tôi đến AA. Tôi có thể làm mọi thứ cho Carla trừ chuyện đó.
Đến lúc đó, cha của Carla cắt ngang một cách giận dữ:
Chết tiệt thật, vợ tôi không nghiện rượu! Cô ấy là một người phụ nữ tuyệt vời, chỉ thỉnh thoảng uống vài ly để thư giãn mà thôi. Hàng triệu người trên thế giới như cô ấy vẫn đang uống từ xưa tới nay.
Tôi trả lời ông bằng việc giải thích hành vi tiêu cực của mẹ Carla, cộng với sự thiếu quan tâm của ông ảnh hưởng đến con gái họ như thế nào. Ông nổi khùng:
Tôi là một người đàn ông thành đạt và có một gia đình hạnh phúc! Tại sao chị kéo tôi và vợ tôi vào chuyện này? Tập trung vào vấn đề của con gái tôi đi và để chúng tôi được yên. Con tôi trả tiền cho chị để chị quan tâm đến nó, không phải chúng tôi. Vợ tôi và tôi không mua bực dọc vào người. Có thể vợ tôi uống nhiều hơn người khác một chút. Nhưng cô ấy vẫn kiểm soát được mọi thứ. Quan trọng là sau khi uống vài ly, cô ấy trở nên dễ chịu hơn!
Bố của Carla từ chối đến các buổi trị liệu tiếp theo, song mẹ của cô cuối cùng cũng đồng ý tham gia AA và gặp một trong những đồng nghiệp của tôi để tìm lời khuyên. Mọi chuyện tiếp tục diễn ra tốt đẹp nhưng không hề bất ngờ. Khi mẹ Carla ngưng uống rượu, chồng bà lại mắc bệnh dạ dày đường ruột cấp tính - việc mà theo Carla, bác sĩ của bố chị cũng không tìm được nguyên nhân.
Rõ ràng tôi đã khuấy động sự yên bình của gia đình ấy. Điều đó đã chứng minh được rằng cha của Carla chỉ có thể sống và hoạt động trong trạng thái phủ nhận hoàn toàn. Những gia đình có người nghiện rượu hoạt động trong trạng thái cân bằng tạm thời, mỗi thành viên đóng một vai trò nhất định. Khi Carla và mẹ chị bắt tay vào xử lý vấn đề của họ, nó phá vỡ sự cân bằng đó. Cha của Carla được người khác ngưỡng mộ vì ông là một hình mẫu của sự tận tâm và lòng trung thành. Carla nhớ có hơn một người trong nhà nói cha chị nên ứng cử vào cương vị cha xứ bởi ông vô cùng bao dung và rộng lượng. Thực tế ông là một người đồng phụ thuộc điển hình, bằng sự phủ nhận của mình ông đã cho phép vợ mình duy trì tình trạng nghiện rượu. Ngược lại, ông gia tăng quyền lực nhờ việc đó. Khi bà mơ màng trong cơn say, ông được tự do biến gia đình thành thứ mà ông cho là phù hợp.
Tôi tiếp tục gặp Carla và mẹ chị cùng nhau trong liệu trình gia đình. Mẹ của Carla bắt đầu nhận ra lòng tự trọng của chồng mình phụ thuộc vào việc một mình ông kiểm soát gia đình như thế nào. Người vợ nghiện rượu và đứa con gái có vấn đề về tâm lý và thể chất khiến ông trở thành người duy nhất hoàn thiện trong nhà. Mặc cho vẻ ngoài đầy quyền lực, giống như những người đồng phụ thuộc khác, cha của Carla lại vô cùng yếu đuối. Như hầu hết chúng ta vẫn làm, ông chọn một người bạn đời phản chiếu cảm xúc thật sự của ông về bản thân. Chọn một đối tượng chưa hoàn thiện cho phép ông cảm thấy mình ở thế cao hơn.
Mẹ của Carla giờ đã cai được rượu và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa bà, con gái bà và chồng. Không khó đoán là căn bệnh dạ dày đường ruột của chồng bà vẫn tiếp diễn.
Khác với cha của Carla, mẹ của Glenn là một người đồng phụ thuộc hoàn toàn hiểu rõ nỗi kinh hoàng của thói nghiện rượu và bạo hành trẻ em đi kèm theo đó. Tuy nhiên, bà không có khả năng hay không sẵn sàng thực hiện những hành động nhằm ngăn chặn nó. Như Glenn tâm sự:
Mẹ tôi đã gần 70 tuổi rồi, và tôi vẫn cố tìm hiểu xem tại sao bà lại để cha tôi đe dọa như vậy. Tại sao bà để cho các con mình bị đánh đập? Phải có một ai bà có thể nhờ cậy chứ. Nhưng bà cứ giống như một cái máy thu thanh bị hỏng...tất cả những gì bà có thể làm là nói: “Con không biết làm phụ nữ khổ sở thế nào đâu. Con phải đứng về phía chồng mình dù có chuyện gì chăng nữa. Chẳng có ai nói về những chuyện đó công khai cả. Mẹ phải đi đâu bây giờ? Phải làm gì bây giờ?”
Mẹ của Glenn bị ngợp vì sự xáo trộn của gia đình. Sự bất lực cùng cảm nhận méo mó về lòng trung thành, là tấm giấy thông hành cho chồng bà tiếp tục hành vi bạo lực của mình. Mẹ của Glenn cũng giống như nhiều người đồng phụ thuộc khác, tự trở thành một đứa trẻ và để cho con cái mình bơ vơ không ai bảo vệ. Cho tới hôm nay, Glenn vẫn bị mắc kẹt giữa mong muốn cứu rỗi người mẹ trẻ con của anh với sự oán giận trước thất bại làm mẹ của bà.
Không Có Cái Kết Cổ Tích
Kết thúc tốt đẹp rất hiếm khi xảy ra trong những gia đình có người nghiện rượu. Trong viễn cảnh tốt đẹp nhất, cha mẹ bạn sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm về việc nghiện rượu, tham gia chương trình cai nghiện, và trở nên tỉnh táo. Họ sẽ nhận thức được sự khủng khiếp mà bạn phải hứng chịu khi còn bé và nỗ lực trở thành những bậc cha mẹ có trách nhiệm, đầy tình yêu thương.
Nhưng thực tế luôn khác xa suy nghĩ. Nghiện rượu, phủ nhận, và sự méo mó của thực tế thường tiếp diễn cho đến khi một trong hai hoặc cả hai người mất đi. Nhiều người con trong gia đình nghiện rượu thường hi vọng gia đình mình sẽ trở nên vui vẻ hòa thuận một cách thần kỳ, nhưng mãi đắm chìm trong hi vọng ấy chỉ khiến bạn nhận lấy sự thất vọng nặng nề. Glenn đã nhận ra điều này bằng trải nghiệm cay đắng:
Khoảng một năm trước, cha tôi nói yêu tôi lần đầu tiên. Tôi ôm ông và nói cảm ơn, nhưng không hiểu vì sao chuyện đó chẳng thể bù đắp những năm tháng ông đã nói tôi là thằng không ra gì. Mỉa mai là tôi đã mong chờ cái ngày này suốt bao năm qua.
Glenn cuối cùng cũng nhận được câu “Bố yêu con” sau bao ngày chờ đợi, song điều đó là không đủ bởi bố anh không có hành động chứng minh cho lời nói đó. Cha của anh vẫn uống rượu. Sai lầm của Glenn là mong chờ cha anh thay đổi, và điều này đã để lại sự trống rỗng trong anh.
Nếu bạn là con của người nghiện rượu, bạn cần phải nhớ chính bạn mới có thể thay đổi cuộc sống của mình mà không phải cha mẹ bạn. Sự tồn tại của bạn không nhất thiết phải phụ thuộc vào cha mẹ. Bạn có thể vượt qua chấn thương tâm lý thuở nhỏ và những ảnh hưởng của họ lên cuộc sống trưởng thành của mình, cho dù cha mẹ bạn vẫn tiếp tục nghiện rượu. Chỉ cần bạn chủ động làm những điều cần thiết.
Tôi gợi ý cho tất cả khách hàng của mình, những người đến từ các gia đình có người nghiện rượu hoặc ma túy đã từng bị bạo hành, việc cùng nhau trị liệu của chúng tôi có thể đạt được những tiến bộ lớn hơn nếu họ tham gia cả Adult Children of Alcoholics hay những tổ chức tương tự. Những tổ chức này cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt, thông qua việc trao đổi trải nghiệm và cảm xúc, những đứa trẻ là con của người nghiện rượu sẽ nhận ra họ không đơn độc. Họ có thể đối mặt với “con khủng long” trong phòng khách. Đó là bước đầu tiên để đuổi nó đi.