Cha Mẹ Độc Hại - Chương 06
CHƯƠNG 6
ĐÔI KHI NHỮNG VẾT THƯƠNG NẰM TRÊN CƠ THỂ
Những Kẻ Bạo Hành
Tôi nhận ra rằng lúc nào tôi cũng tức giận với chính mình, và đôi khi tôi khóc không vì một lý do nào cả. Có lẽ là bởi tôi thấy thất vọng về bản thân mình. Tôi luôn suy nghĩ về việc cha mẹ đã làm tôi đau đớn và nhục nhã như thế nào. Tôi không duy trì tình bạn với ai được lâu dài. Tôi có thói quen cắt đứt liên hệ với một nhóm bạn sau một quãng thời gian nào đó. Có thể bởi tôi không muốn họ phát hiện ra tôi là kẻ tệ hại tới nhường nào.
Kate, 40 tuổi, quản lý chất lượng của một doanh nghiệp lớn, có mái tóc vàng và gương mặt nghiêm nghị, đến gặp tôi theo lời giới thiệu của bác sĩ gia đình. Cô bị hoảng loạn khi ngồi trong ô tô và ở trong thang máy của tòa nhà nơi cô làm việc. Bác sĩ của cô đã kê cho cô đơn thuốc an thần nhưng vẫn thấy lo bởi cô luôn có cảm giác chán ghét khi phải rời khỏi nhà, trừ những lúc đi làm. Ông buộc cô phải tìm đến sự trợ giúp về tâm lý.
Điều đầu tiên mà tôi nhận thấy ở Kate là biểu cảm gay gắt, khổ sở hiện rõ ngay trên gương mặt cô - như thể cô chưa bao giờ biết cười vậy. Tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra lý do vì sao:
Tôi lớn lên trong một gia đình thượng lưu ở ngoại ô St. Louis. Chúng tôi có tất cả những gì mà tiền có thể mua được. Từ ngoài nhìn vào chúng tôi giống như một gia đình hoàn hảo. Nhưng thực ra... cha tôi lại rất hay nổi giận. Những cơn thịnh nộ của ông xuất hiện sau những trận cãi vã với mẹ tôi. Ông sẽ nhắm vào bất cứ đứa con nào đang ở gần ông nhất. Ông ấy sẽ tháo thắt lưng ra và quật túi bụi vào tôi hoặc em gái tôi... vào chân chúng tôi... vào đầu chúng tôi...bất kỳ nơi nào mà ông ấy có thể đánh tới. Khi ông ấy làm vậy, tôi luôn có cảm giác hoảng sợ rằng ông sẽ không dừng lại.
Chứng trầm cảm và sợ hãi của Kate là di chứng của một tuổi thơ từng bị bạo hành.
Tội Ác Trên Toàn Nước Mỹ
Trong hàng triệu gia đình Mỹ, trên tất cả các tầng lớp xã hội, kinh tế, và giáo dục, có một thứ tội ác kinh khủng vẫn diễn ra mỗi ngày - ngược đãi trẻ em.
Có rất nhiều tranh cãi và nhầm lẫn về định nghĩa của việc bạo hành thân thể. Nhiều người vẫn tin rằng các bậc cha mẹ không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm sử dụng hình thức xử phạt về thể xác đối với con mình. Câu nói phổ biến nhất về cách dạy con trong ngôn ngữ tiếng Anh vẫn là: “Thương cho roi cho vọt”. Cho tới gần đây, trẻ em hầu như không có quyền hợp pháp. Chúng được nhìn nhận rộng rãi như là vật sở hữu, những phần tài sản được “sở hữu” bởi cha mẹ chúng. Trong hàng trăm năm, quyền cha mẹ được coi như là không thể xâm phạm - dưới danh nghĩa kỷ luật, các bậc cha mẹ có thể làm bất cứ điều gì đối với con cái mình, ngoại trừ việc giết chúng.
Ngày nay các tiêu chuẩn của chúng ta đã bị thu hẹp lại. Vấn đề ngược đãi trẻ em đã trở nên phổ biến, và bởi nhận thức của công chúng đã buộc hệ thống luật pháp của chúng ta đặt ra giới hạn cho các biện pháp kỷ luật. Trong nỗ lực để làm rõ những điều cấu thành nên việc lạm dụng thể chất, Quốc hội đã ban hành Luật liên bang về đối xử và phòng chống lạm dụng trẻ em vào năm 1974. Bộ luật này định nghĩa việc lạm dụng thể chất là: “Sự gây ra chấn thương cho cơ thể như những vết bầm tím, bỏng, sưng tấy, vết cắt, gãy xương và nứt hộp sọ, bị gây ra bởi việc đá, đấm, cắn, đập, đâm dao, trói buộc, đánh vào mông...”. Định nghĩa này được diễn giải trong luật như thế nào thường là vấn đề của sự giải thích. Mỗi một bang đều có luật chống bạo hành trẻ em riêng, và hầu hết đều có định nghĩa tương tự với định nghĩa của luật liên bang, nhưng vẫn có phần mơ hồ trong phạm vi của nó. Một đứa trẻ bị gãy xương rõ ràng đã bị ngược đãi, nhưng hiếm khi nào các công tố viên lại áp dụng án phạt lên một vị phụ huynh đã gây ra những vết bầm tím trên cơ thể con cái họ do tét đít.
Tôi không phải là một luật sư hay cảnh sát, nhưng với hai mươi năm trong nghề tôi đã nhìn thấy những bất hạnh mà sự trừng phạt thân thể “hợp pháp” ấy có thể gây ra. Tôi có định nghĩa của riêng mình về sự ngược đãi thân thể: bất kỳ một hành vi nào gây ra đau đớn đáng kể về mặt thể xác cho một đứa trẻ, dù nó có để lại dấu vết hay không.
Tại sao cha mẹ lại đánh đập con cái?
Hầu hết những người có con cái trong chúng ta đều cảm thấy muốn đánh chúng vào lúc này hay lúc khác. Cảm giác này có thể vô cùng mạnh mẽ khi một đứa trẻ không ngừng khóc, hờn dỗi, hay tỏ thái độ thách thức. Đôi khi sự việc không liên quan nhiều tới hành vi của trẻ mà bởi sự mệt mỏi, mức độ căng thẳng, lo âu, hay sự bất hạnh của chính chúng ta. Nhiều người trong chúng ta cố gắng kháng cự lại sự thôi thúc muốn đánh đập các con ấy. Nhưng thật không may làm sao, nhiều bậc cha mẹ khác không có khả năng kiềm chế được như thế.
Chúng ta chỉ có thể suy đoán tại sao, nhưng các bậc cha mẹ ngược đãi con cái dường như có những điểm chung nhất định về mặt tính cách. Đầu tiên, họ vô cùng khuyết thiếu khả năng kiểm soát cơn nóng giận. Những bậc cha mẹ này sẽ hành hung con cái bất cứ khi nào họ có những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ cần phải xả ra. Họ dường như có rất ít, nếu như là có, sự nhận thức về hậu quả của những việc họ làm với con cái mình. Đó gần như là một phản ứng tự nhiên trước áp lực. Cơn bốc đồng và hành động là một và như nhau.
Bản thân những người ngược đãi thân thể người khác đều đến từ những gia đình mà sự ngược đãi được xem như là một quy tắc. Phần lớn hành vi của họ khi trưởng thành là một sự lặp lại những gì họ đã từng trải qua và học được hồi còn niên thiếu. Hình mẫu của họ là một kẻ bạo hành. Bạo lực là thứ công cụ duy nhất họ học cách sử dụng để đối mặt với các vấn đề về cảm xúc - đặc biệt là cảm xúc giận dữ.
Nhiều bậc phụ huynh hay ngược đãi con cái đã bước vào thời kỳ trưởng thành với những thiếu thốn tình cảm to lớn và những nhu cầu không được đáp ứng. Về mặt cảm xúc, họ vẫn là những đứa trẻ. Họ thường nhìn nhận con cái mình như đối tượng thay thế cho cha mẹ, để lấp đầy những nhu cầu cảm xúc mà những người cha người mẹ của họ không bao giờ thỏa mãn. Một người cha như vậy sẽ nổi giận khi đứa con không đáp ứng được nhu cầu của mình. Ông ta sẽ bất ngờ đánh đập đứa trẻ. Vào thời điểm đó, đứa trẻ là đối tượng thay thế bởi đối tượng thật sự khiến kẻ ngược đãi thấy tức giận là cha mẹ mình.
Nhiều người trong số những bậc cha mẹ này cũng gặp phải vấn đề với bia rượu và ma túy. Sự lạm dụng các chất kích thích thường là nhân tố góp phần vào việc không kiểm soát được cơn nóng giận, dù cho nó không bao giờ là nguyên nhân duy nhất.
Có rất nhiều kiểu người bạo hành trẻ em, nhưng tồi tệ hơn cả chính là những người dường như có con chỉ để ngược đãi chúng. Nhiều người trong số này có vẻ bề ngoài, nói năng, và hành động như một con người, nhưng họ thực sự là những con quái vật - hoàn toàn không có cảm xúc và tính cách mà hầu hết nhân loại chúng ta đều có. Những kẻ ấy là một thách thức đối với sự hiểu biết của chúng ta; không có một thứ logic nào có thể giải thích được cho hành vi của chúng.
Trại tập trung tư nhân - không lối thoát
Cha của Kate là một giám đốc ngân hàng, một người hay đi lễ nhà thờ, một người đàn ông của gia đình được kính trọng - khó có thể là loại người mà hầu hết mọi người hình dung tới khi nghe đến cụm từ bạo hành trẻ em. Nhưng Kate không hề sống trong một thực tế tưởng tượng, cô đã sống trong một cơn ác mộng thực sự.
Em gái và tôi bắt đầu khóa cửa phòng mình vào ban đêm bởi chúng tôi rất sợ. Tôi không bao giờ có thể quên được khi tôi mười một tuổi...con bé chín tuổi. Chúng tôi trốn dưới gầm giường còn ông ấy cứ đập cửa. Tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi đến thế trong cuộc đời mình. Và rồi, bỗng nhiên ông ấy phá cửa và lao vào như là trong phim vậy. Thật khủng khiếp. Cái cửa bay vào trong phòng. Chúng tôi cố gắng chạy trốn, nhưng ông ấy bắt được cả hai chúng tôi, ném chúng tôi vào góc nhà và bắt đầu lấy thắt lưng quật chúng tôi. Ông ấy gầm lên: “Tao sẽ giết chúng mày nếu chúng mày còn dám nhốt tao ở ngoài như vậy nữa!”. Tôi nghĩ rằng rồi ông ấy sẽ giết chết chúng tôi mất thôi.
Bầu không khí khủng bố mà Kate mô tả tràn ngập trong những gia đình của những đứa trẻ bị ngược đãi. Ngay cả trong những thời điểm yên tĩnh, những đứa trẻ ấy vẫn sống trong sự sợ hãi rằng ngọn núi lửa cuồng nộ sẽ phun trào vào bất kỳ lúc nào. Và khi điều này xảy ra, dù nạn nhân có làm gì thì cũng chỉ càng khiến cho kẻ ngược đãi thêm phần tức giận. Những nỗ lực trong tuyệt vọng của Kate nhằm bảo vệ bản thân như trốn xuống gầm giường và khóa cửa lại chỉ càng làm gia tăng hành vi phi lý của cha cô. Không có một nơi an toàn nào để lẩn trốn cả, không thể nào tránh thoát khỏi kẻ ngược đãi, và không thể tìm đến một ai để được bảo vệ.
Không thể biết trước khi nào nó diễn ra
Tôi gặp Joe lần đầu tiên, 27 tuổi, tại một cuộc hội thảo mà tôi thực hiện tại trường tâm lý học nơi cậu đang theo học chương trình thạc sĩ của mình. Tôi có nhắc đến trong bài giới thiệu của mình rằng tôi đang viết một cuốn sách về các bậc cha mẹ độc hại. Joe tới gặp tôi trong giờ nghỉ trưa và tình nguyện trở thành một ví dụ cho cuốn sách của tôi. Tôi đã có đủ tư liệu trong quá trình hành nghề của mình, nhưng có điều gì đó trong giọng nói của chàng trai trẻ này cho tôi biết cậu ấy cần được nói chuyện với một ai đó. Chúng tôi hẹn gặp vào ngày hôm sau và nói chuyện trong nhiều giờ. Tôi không chỉ bị ấn tượng trước sự cởi mở và thật thà của cậu mà còn bởi sự chân thành của cậu trước mong muốn được sử dụng trải nghiệm đau thương của mình để giúp đỡ những người khác.
Tôi luôn bị đánh đập trong phòng mình, tôi thậm chí còn không nhớ nổi những trận đòn ấy rơi xuống đầu tôi vì nguyên nhân gì nữa. Dù tôi có làm điều gì, cha tôi vẫn sẽ lao vào phòng và bắt đầu mắng mỏ, quát tháo. Điều tiếp theo mà tôi biết được, là ông ấy bắt đầu đấm tôi cho tới khi ông ấy dí tôi vào tường. Ông ấy sẽ tiếp tục đánh đập tôi đến khi tôi trở nên mơ hồ và không biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Phần đáng sợ nhất của câu chuyện này là không bao giờ biết được điều gì đã kích thích cơn giận của ông ấy!
Joe dành phần lớn thời thơ ấu của mình để chờ đợi những cơn sóng triều giận dữ của người cha và biết rằng chẳng có cách nào để thoát được khỏi nó. Trải nghiệm ấy đã tạo nên một nỗi sợ hãi mạnh mẽ, ám ảnh suốt đời về việc bị tổn thương và phản bội. Hai cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị bởi cậu không thể học được cách để tin tưởng.
Điều đó không hề biến mất bởi vì tôi chuyển ra ngoài sống hay kết hôn. Tôi luôn thấy lo sợ về một điều gì đó, và tôi căm ghét chính mình bởi vì thế. Nhưng nếu như cha mình, người đáng lý ra phải yêu thương và chăm sóc cho tôi, lại đối xử với tôi như vậy, vậy thì chuyện quái quỷ gì nữa sẽ còn xảy ra với tôi trong cái thế giới này đây. Tôi đã phá hỏng rất nhiều mối quan hệ chỉ bởi vì tôi không thể để người khác đến gần mình. Tôi thấy xấu hổ về bản thân mình vì điều đó, và tôi cũng xấu hổ vì mình lúc nào cũng sợ hãi như vậy. Nhưng cuộc sống chỉ làm tôi sợ hãi. Tôi thật sự đã rất cố gắng trong quá trình trị liệu để vượt qua được điều này bởi tôi biết rằng tôi sẽ chẳng thể làm được điều gì cho bản thân hay cho người khác nếu như tôi không thể vượt qua được nó. Nhưng mà, Chúa ơi, đó là cả một cuộc chiến.
Rất khó để lấy lại cảm giác tin cậy và an toàn một khi chúng đã bị chà đạp bởi các bậc cha mẹ. Tất cả chúng ta đều xây dựng kỳ vọng về việc người khác sẽ đối xử với ta như thế nào dựa trên mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ mình. Nếu như mối quan hệ đó, đa phần là sự nuôi dưỡng cảm xúc, tôn trọng quyền lợi và cảm xúc của chúng ta, chúng ta sẽ lớn lên với mong đợi rằng những người khác cũng đối xử với ta như thế. Những kỳ vọng tích cực này cho phép ta trở nên sẵn sàng để bị tổn thương và cởi mở trong các mối quan hệ của mình khi trưởng thành. Nhưng trong trường hợp của Joe, tuổi thơ là một quãng thời gian của những lo lắng, căng thẳng, và đau đớn không ngừng. Thì Joe và những người trong hoàn cảnh giống anh, sẽ hình thành nên những kỳ vọng tiêu cực và sự đề phòng cứng nhắc.
Joe đã mong đợi những điều tồi tệ nhất ở những người khác. Cậu cho rằng cậu sẽ chịu tổn thương và bị đối xử tệ hại như khi còn nhỏ. Vì thế mà cậu đã tự bao bọc mình trong bộ áo giáp của cảm xúc. Cậu không để cho ai đến gần mình. Thật không may, bộ áo giáp ấy hóa ra lại là một cái nhà tù cảm xúc hơn là một sự bảo vệ.
“Tôi có rất nhiều vấn đề - Tôi không ngạc nhiên khi mình phải nhận lấy điều đó”
Joe không bao giờ hiểu được điều gì đã khiến cho cha cậu phát điên. Những kẻ ngược đãi khác lại có nhu cầu được thấu hiểu. Họ đánh đập con cái, và rồi mong chúng hãy hiểu cho mình, thậm chí là cả cầu xin sự tha thứ. Đó chính là câu chuyện của Kate:
Tôi vẫn còn nhớ có một đêm khủng khiếp nọ khi mẹ tôi ra ngoài mua sắm sau bữa tối. Cha tôi đánh tôi rất đau với cái thắt lưng của mình. Tôi hét to đến nỗi một người hàng xóm đã gọi cho cảnh sát, nhưng cha tôi đã thuyết phục họ rằng mọi chuyện đều ổn. Ông ấy bảo với cảnh sát rằng tiếng ồn ấy phát ra từ tivi, và họ tin vào điều đó. Tôi đứng đó với nước mắt đầm đìa trên mặt và cánh tay sưng tấy, nhưng họ vẫn tin lời ông ấy. Tại sao lại không chứ? Cha tôi là một trong những con người quyền lực nhất của cái thành phố này. Dù sao, sự xuất hiện của họ cũng khiến cho ông ấy bình tĩnh lại. Sau khi họ rời đi, cha tôi bảo với tôi gần đây ông đang bị stress. Tôi thậm chí còn không biết stress có nghĩa là gì, nhưng ông ấy thật sự muốn tôi hiểu về những gì ông ấy đang phải trải qua. Việc mẹ tôi không còn đối xử tốt với ông, bà không còn ngủ với ông và việc một người vợ không ngủ với chồng mình là không đúng. Vì thế mà ông ấy lúc nào cũng thấy bực bội.
Cha của Kate đã tiết lộ những thông tin không phù hợp, riêng tư cho một đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu. Tuy vậy, ông ta vẫn mong cô bé chăm lo cho cảm xúc của mình. Sự đảo ngược vai trò này làm cho Kate bối rối và hoang mang, nhưng nó lại là điều phổ biến đối với các bậc cha mẹ hay ngược đãi. Họ muốn con cái mình mang đến cho họ cả sự nhẹ nhõm và giải tỏa; họ đánh đập chúng, và rồi họ đổ lỗi hành vi của mình cho một người khác.
Thay vì đối mặt trực tiếp với các vấn đề trong hôn nhân của mình, cha của Kate lại dồn sự giận dữ và nỗi thất vọng về tình dục của mình lên con gái, và hợp lý hóa hành vi bạo lực bằng việc quy tội cho người vợ. Bạo hành trẻ em thường là một phản ứng trước sự căng thẳng trong công việc, mâu thuẫn với một thành viên trong gia đình hay bạn bè, hoặc những căng thẳng chung trong một cuộc sống không thấy hài lòng. Trẻ con là những mục tiêu dễ dàng: chúng không thể đánh lại, và chúng có thể bị đe dọa để giữ yên lặng. Thật không may cho cả kẻ ngược đãi và nạn nhân của mình, việc giải tỏa cơn giận chỉ mang đến cho họ sự nhẹ nhõm trong chớp mắt. Nguồn cơn thật sự của sự tức giận ấy vẫn luôn tồn tại, không thay đổi và sẽ còn tiếp tục dâng lên. Và, đáng buồn thay, mục tiêu bất lực của cơn thịnh nộ cũng không thay đổi, nhận lệnh phải hấp thụ cơn thịnh nộ ấy và sẽ mang theo nó tới tuổi trưởng thành.
“Ta làm điều này là để tốt cho con”
Những kẻ ngược đãi khác, thay vì đổ lỗi cho người khác về hành vi của mình, sẽ cố gắng biện minh cho điều đó như: muốn mang những lợi ích tốt đẹp nhất cho đứa trẻ. Nhiều bậc cha mẹ vẫn tin rằng sự trừng phạt về thân thể là cách thức hiệu quả duy nhất để chấn chỉnh một hành vi hay phẩm hạnh. Nhiều “bài học” trong số này được thực hiện trên danh nghĩa của đức tin. Chưa từng có một cuốn sách nào bị sử dụng sai mục đích nhiều như là cuốn Kinh thánh khi nó được đem ra để biện minh cho việc đánh đập.
Tôi đã rất kinh ngạc trước một bức thư xuất hiện trên trang web của Ann Landers:
Ann Landers thân mến,
Tôi thấy rất thất vọng về sự hồi đáp của chị trước một cô bé mà mẹ cô bé từng trói cô bé lại. Giáo viên thể dục đã phát hiện ra những vết bầm tím trên chân và lưng của cô bé, họ gọi đó là hành vi “ngược đãi trẻ em”? Tại sao chị lại chống đối việc trói một đứa trẻ trong khi cuốn Thánh kinh đã dạy chúng ta đó là điều mà các bậc phụ huynh nên làm? Châm ngôn đoạn 23:13 có nói: “Đừng ngần ngại trong việc sửa dạy trẻ con. Dù trừng phạt bằng roi nó chẳng chết đâu”. Và châm ngôn đoạn 23:14 nói rằng: “Khi trị nó bằng roi vọt là con cứu nó khỏi chết”.
Những bậc cha mẹ này thường tin vào những phẩm chất xấu vốn có trong con trẻ. Họ tin rằng một trận đánh đập mạnh tay sẽ giữ cho đứa trẻ khỏi lầm đường lạc lối. Họ nói ra những lời như: “Ta được nuôi dưỡng với một cây roi; bị đánh lúc này hay lúc khác cũng chẳng hại gì” hay “Tôi cần phải đặt nỗi sợ hãi của Chúa vào trong con người nó” hay: “Con bé cần phải biết ai mới là chủ của cái nhà này” hoặc như “Thằng bé cần phải biết rằng thằng bé đã làm sai điều gì thì mới có thể trở lại như trước”.
Những bậc cha mẹ khác sẽ viện lý do cho sự đánh đập như là một nghi lễ cần thiết của cuộc hành trình, một thử thách để khiến cho đứa trẻ trở nên cứng cáp, dũng cảm, và mạnh mẽ hơn. Đó là điều mà Joe được dẫn dắt để tin tưởng:
Bà nội tôi mất khi cha tôi mười bốn tuổi. Ông ấy không bao giờ vượt qua được chuyện đó. Đến giờ vẫn vậy, và hiện ông đã sáu mươi tư tuổi rồi. Gần đây, ông bảo với tôi việc ông ấy đối xử khắc nghiệt với tôi chỉ bởi ông không muốn tôi có cảm xúc. Điều ông ấy muốn nói chính là: Nếu như anh không cảm thấy gì cả, thì anh sẽ không phải trải qua đau khổ trong đời. Tôi thật sự tin việc ông nghĩ mình đang bảo vệ tôi khỏi việc bị tổn thương. Ông ấy không muốn tôi phải trải qua nỗi đau mà ông từng phải chịu đựng trước cái chết của mẹ mình.
Thay vì khiến cho Joe trở nên mạnh mẽ hay ít bị tổn thương hơn, việc đánh đập đã khiến cho cậu thấy sợ hãi và không còn dám tin tưởng, một điều đã đi quá xa so với ý định chuẩn bị cho cậu bước vào thế giới. Thật ngớ ngẩn khi tin rằng sự trừng phạt thể xác dữ dội sẽ có những tác động tích cực lên một đứa trẻ.
Trên thực tế, nghiên cứu chỉ ra rằng việc áp dụng kỷ luật đối với thân thể không phải là một biện pháp trừng phạt hiệu quả dù là với những hành vi gây rắc rối. Việc đánh đập chỉ chứng minh được tính ngăn chặn tạm thời, và chúng tạo nên trong lòng đứa trẻ những cảm giác mãnh liệt về sự tức giận, ảo tưởng được trả thù, và căm ghét bản thân. Khá rõ ràng là những tổn thương thường xuyên về tinh thần, cảm xúc, và cơ thể gây ra do sự ngược đãi thân thể vượt xa mọi thứ lợi ích tạm thời nó có thể mang lại.
Những Kẻ Ngược Đãi Thụ Động
Cho đến nay tôi gần như hoàn toàn tập trung vào các bậc cha mẹ ngược đãi chủ động. Nhưng vẫn còn có những vai diễn khác trong vở kịch gia đình cũng cần phải gánh vác một phần trách nhiệm. Đó là những người làm cha làm mẹ đã cho phép sự ngược đãi này xảy ra vì sự sợ hãi, phụ thuộc, và nhu cầu cần duy trì hiện trạng gia đình của bản thân. Họ chính là những kẻ ngược đãi thụ động.
Tôi hỏi Joe rằng mẹ cậu đã làm gì những khi cậu bị đánh.
Bà ấy hầu như chẳng làm gì cả. Đôi khi bà sẽ tự nhốt mình trong phòng tắm. Tôi thường tự hỏi rằng tại sao bà không ngăn gã điên khốn nạn suốt ngày đánh đập tôi dã man kia lại. Nhưng tôi đoán là bản thân bà cũng quá sợ hãi. Việc đương đầu với ông ấy không phải là tính cách của bà. Cứ nhìn mà xem, cha tôi là một người Cơ đốc giáo, và mẹ tôi là một người Do Thái. Bà lớn lên trong một gia đình nghèo khổ, chính thống, và ở nơi mà bà lớn lên, phụ nữ không bảo với những người đàn ông của mình rằng họ cần phải làm gì. Tôi đoán có thể bởi bà cảm thấy biết ơn rằng bà có một mái nhà trên đầu và rằng chồng bà đã tạo ra một cuộc sống đầy đủ cho mình.
Mẹ của Joe không đánh đập con cái, nhưng bởi bà không hề bảo vệ chúng khỏi sự hung bạo của chồng mình nên bà cũng trở thành một kẻ đồng lõa với sự ngược đãi của ông ta. Thay vì tiến lên bảo vệ con, bà tự mình trở thành một đứa trẻ sợ hãi, vô dụng và thụ động khi đối mặt với sự bạo lực của người chồng. Vì thế, mà bà đã bỏ rơi con trai mình.
Thêm vào việc cảm thấy bị cô lập và không được bảo vệ, Joe nhận ra mình chất đầy gánh nặng trách nhiệm:
Tôi nhớ có một lần khi tôi khoảng mười tuổi, cha tôi đã đánh mẹ tôi một trận nhừ tử. Tôi thức dậy rất sớm vào buổi sáng ngày hôm sau và đợi trong bếp cho tới khi ông ấy xuống nhà với cái áo choàng tắm. Ông ấy hỏi tôi tại sao thức dậy sớm thế. Tôi rất sợ, nhưng rồi tôi nói: “Nếu như ông còn đánh mẹ tôi một lần nữa, tôi sẽ đập lại ông bằng cây gậy bóng chày”. Ông ấy chỉ nhìn tôi và phá lên cười. Rồi ông ấy lên lầu tắm rửa và đi làm.
Joe đã thực hiện một sự hoán đổi vai trò ngược đãi trẻ em kinh điển ở đây, gánh lấy trách nhiệm bảo vệ người mẹ của mình như thể cậu là một vị phụ huynh và bà mới chính là đứa trẻ.
Bằng việc cho phép bản thân mình bị chôn vùi trong sự bất lực, bậc cha mẹ thụ động có thể dễ dàng chối bỏ sự đồng lõa yên lặng của mình trước sự ngược đãi này. Và bằng việc trở nên bao bọc, hay bằng việc hợp lý hóa cho sự im lặng thụ động của cha hoặc mẹ mình, đứa trẻ bị ngược đãi có thể dễ dàng hơn trong việc chối bỏ sự thật rằng cả cha và mẹ đều đã khiến cho chúng thất vọng.
Trường hợp của Kate cũng giống như vậy:
Khi cha bắt đầu đánh đập chúng tôi, em gái và tôi luôn hét lên để cầu cứu mẹ. Nhưng bà không bao giờ xuất hiện. Bà chỉ ngồi ở dưới nhà và nghe chúng tôi gào lên gọi bà. Chúng tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra bà sẽ không bao giờ tới cứu chúng tôi. Bà không bao giờ chống lại cha tôi cả. Tôi đoán là bà không giúp nổi chúng tôi. Bất kể bao nhiêu lần tôi nghe thấy những câu nói kiểu như: “Tôi đoán là bà không thể giúp chúng tôi”, chúng vẫn khiến tôi cảm thấy thật khó chịu.
Mẹ của Kate thực ra đã có thể cứu được con mình. Tôi bảo với Kate rằng việc bắt đầu nhìn ra vai trò thực tế của mẹ cô là một điều quan trọng. Trong trường hợp này, mẹ cô đáng lý ra nên ngăn cha cô lại, hay, nếu như mà bà sợ ông ta, thì đáng lý ra bà phải gọi cảnh sát. Không có một cái cớ nào có thể biện minh được cho việc một người cha hay người mẹ chỉ đứng đó và cho phép đứa con của mình bị hành hạ cả.
Trong trường hợp của cả Kate và Joe, người cha là người ngược đãi chủ động và người mẹ là kẻ đồng lõa im lặng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa đó là kịch bản duy nhất trong các gia đình. Trong một số gia đình, người mẹ là người ngược đãi chủ động và người cha là người thụ động. Giới tính có thể thay đổi, nhưng hành động ngược đãi thì vẫn như cũ. Tôi có những khách hàng mà cả bố và mẹ đều là những người ngược đãi, nhưng sự kết hợp cha mẹ ngược đãi/thụ động lại phổ biến hơn nhiều.
Nhiều người con đã trưởng thành thường bênh vực người cha hoặc người mẹ thụ động của mình bởi họ nhìn nhận người cha hay người mẹ đó như một đồng nạn nhân. Trong trường hợp của Joe, quan điểm này càng được tăng cường bởi cậu đóng vai trò đảo ngược mà tại đó cậu cảm thấy cần phải bảo vệ người mẹ thụ động của mình.
Đối với Terry, một đại diện tiếp thị 43 tuổi, tình hình còn phức tạp hơn nữa khi bậc cha mẹ thụ động trở thành nguồn an ủi cảm thông của anh. Terry, người bị mẹ mình ngược đãi trong suốt tuổi thơ, đã luôn ngưỡng mộ người cha vô tích sự của mình.
Tôi là một đứa trẻ rất nhạy cảm, một đứa trẻ ham mê nghệ thuật và âm nhạc hơn là thể thao. Mẹ tôi luôn gọi tôi là đồ con gái. Bà luôn tức giận với tôi và sẽ đánh tôi với bất kỳ thứ gì bà có trong tay. Dường như tôi đã dành phần lớn tuổi thơ của mình chỉ để trốn trong góc tủ quần áo. Tôi không biết tại sao bà lại đánh tôi nhiều như thế, nhưng mọi việc tôi làm hình như đều khiến bà khó chịu. Tôi cảm thấy như thể bà đã xóa sổ toàn bộ tuổi thơ của tôi.
Tôi hỏi Terry rằng cha của anh làm gì trong lúc mẹ đánh đập anh.
Rất nhiều lần cha đã ôm tôi khi tôi khóc, và khi đó ông sẽ nói xin lỗi về những cú đấm của mẹ. Ông luôn nói rằng ông chẳng thể làm được gì trước điều đó, và nếu như tôi cố gắng hơn, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn đối với tôi. Cha tôi thực sự là một người tốt. Ông ấy làm việc rất chăm chỉ để gia đình có được cuộc sống tốt. Ông đã cho tôi thứ tình yêu bền bỉ duy nhất khi tôi còn nhỏ.
Tôi hỏi Terry khi anh đã trưởng thành, anh có bao giờ nói chuyện với cha mình về tuổi thơ của anh hay không.
Tôi đã thử một vài lần, nhưng ông ấy luôn nói “những chuyện đã qua hãy để cho nó qua đi”. Dù sao, làm ông ấy buồn thì có nghĩa lý gì đâu cơ chứ. Vấn đề của tôi là với mẹ của tôi, chứ không phải với ông ấy.
Terry phủ nhận sự đồng lõa của cha mình bởi anh muốn bảo vệ những kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp duy nhất mà anh có - những khoảnh khắc yêu thương với cha anh. Từng bám víu vào sự dịu dàng của cha khi còn là một đứa trẻ sợ hãi, và giờ đây anh vẫn bám víu vào đó khi là một người lớn sợ hãi. Bằng việc hoán đổi một cái tủ quần áo tối om với một thực tại sai lầm, anh đã chẳng làm gì để đối mặt với sự thật.
Terry nhận thức được sự ngược đãi của người mẹ đã làm hỏng cuộc đời anh nhưng lại không nhận ra sự oán giận mà anh dành cho cha mình. Suốt nhiều năm Terry phủ nhận việc cha đã làm anh thất vọng như thế nào. Và vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi cha của Terry đã dồn phần lớn trách nhiệm lên đầu anh bằng gợi ý “nếu con cố gắng hơn” sẽ có thể giúp mình thoát khỏi những trận đòn.
Học Cách Căm Ghét Bản Thân: “Tất Cả Đều Là Lỗi Của Tôi”
Dù khó tin, nhưng những đứa trẻ bị đánh đập chấp nhận lời cáo buộc vì những tội lỗi được áp đặt lên chúng giống như những đứa trẻ bị ngược đãi bằng lời nói. Joe nhớ lại:
Cha tôi luôn nói tôi là đồ vô dụng. Nếu để gắn tên tôi vào một từ để chửi trong khi ông ấy đánh tôi, thì ông ấy sẽ làm như vậy. Vào lúc ông ấy đánh tôi xong, tôi thật sự tin rằng tôi là thứ tồi tệ nhất từng tồn tại trên đời. Và tôi bị đánh là bởi vì tôi xứng đáng bị như vậy.
Hạt mầm của sự tự buộc tội đã được gieo từ rất sớm trong Joe. Làm sao mà một đứa bé có thể chịu đựng nổi một sự tuyên truyền mạnh mẽ nhường ấy về giá trị của bản thân nó? Như tất cả những đứa trẻ bị ngược đãi khác, Joe tin vào hai lời nói dối rằng cậu thật tệ, và rằng cậu bị đánh bởi vì cậu là một kẻ tồi tệ.
Bởi vì những lời dối trá này đến từ người cha uy quyền, biết tuốt của mình, nên chúng phải đúng. Những lời nói dối này tồn tại mãi trong lòng những con người trưởng thành đã từng là những đứa trẻ bị đánh đập, bao gồm cả Joe. Như là cậu miêu tả:
Tôi rất thất vọng về bản thân mình... Tôi dường như không thể có nổi một mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ ai. Tôi khó có thể tin rằng một người nào đó thực sự quan tâm đến tôi.
Kate diễn tả một khung cảnh tương tự khi cô không muốn mọi người phát hiện ra cô “tệ hại” ra sao. Những cảm giác tràn ngập về lòng tự trọng thấp trở thành sự chán ghét bản thân và tạo ra một cuộc sống của những mối quan hệ thất bại, thiếu tự tin, cảm giác không phù hợp, sợ hãi, và cơn giận mông lung.
Kate tổng kết lại:
Cả cuộc đời mình, tôi luôn bị ám ảnh rằng tôi không xứng đáng để được hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao mà tôi không bao giờ kết hôn... không bao giờ có được mối quan hệ tốt đẹp... không bao giờ cho phép bản thân mình có được một sự thành công thực thụ nào cả.
Khi Kate lớn lên, sự ngược đãi cơ thể chấm dứt. Nhưng thông qua sự căm ghét bản thân, những ngược đãi về mặt cảm xúc vẫn được duy trì. Ngoại trừ việc vào lúc này, cô trở thành người tự ngược đãi chính mình.
Ngược Đãi Và Yêu Thương - Một Sự Kết Hợp Đáng Quan Ngại
Những đứa trẻ bị ngược đãi thường rơi vào một sự pha trộn kỳ lạ của niềm vui và đau đớn. Joe mô tả sự khủng bố liên miên cùng tồn tại với những khoảnh khắc dịu dàng:
Có những lúc cha tôi rất vui vẻ, và đôi khi, ông còn dịu dàng nữa. Như có lần tôi ghi tên tham dự một cuộc thi trượt tuyết lớn và ông đã rất quan tâm tới nó. Ông đã lái xe đưa tôi tới Jackson, Wyoming, mất tận mười tiếng đi đường, để tôi có thể tập trên nền tuyết có chất lượng tốt. Trên đường về, cha tôi nói tôi thật đặc biệt. Và ý nghĩ trong tôi khi ấy chính là: “Nếu như con đặc biệt, vậy tại sao con lại cảm thấy tệ về bản thân đến thế.” Nhưng ông đã thực sự nói điều đó. Và nó có ý nghĩa vô cùng to lớn với tôi. Đến giờ tôi vẫn cố vớt vát lại với ông những gì mà chúng tôi đã có vào ngày hôm đó.
Thông điệp hỗn loạn chỉ càng khiến Joe thêm bối rối, và chúng càng khiến cho cậu thấy khó khăn hơn trong việc đối diện với sự thật về cha mình. Tôi giải thích với Joe rằng sự hợp nhất vô cùng tai ác giữa cha mẹ/con cái xảy ra khi một bậc phụ huynh đưa ra lời hứa hẹn yêu thương trong khi cùng lúc lại ngược đãi đứa trẻ ấy. Thế giới của một đứa trẻ rất hạn hẹp, và dù cho có bị hành hạ đến đâu, thì những người cha người mẹ ấy vẫn là nguồn yêu thương và xoa dịu duy nhất của nó. Đứa trẻ bị đánh đập dành cả tuổi thơ của mình để tìm kiếm chiếc “Chén thánh tình yêu” của cha mẹ. Sự tìm kiếm ấy sẽ vẫn tiếp tục trong thời kỳ trưởng thành.
Cả Kate, cô vẫn còn nhớ:
Khi tôi còn là một đứa trẻ, cha tôi sẽ ôm rồi nói yêu tôi, và sau đó ru tôi ngủ. Cho tới khi tôi lớn hơn một chút, ông vẫn luôn có đó để đưa tôi tới lớp học múa vào cuối tuần hay đi xem phim. Ông ấy thực sự yêu tôi ở một giai đoạn trong cuộc đời mình. Tôi luôn nghĩ rằng ước mơ lớn nhất của tôi là ông ấy có thể lại yêu thương tôi như là ông đã từng làm vậy.
Người Giữ Bí Mật Của Gia Đình
Sự nhân từ không thường xuyên của cha đã khiến Kate luôn khao khát tình yêu thương của ông, hi vọng về một sự thay đổi. Niềm hi vọng này giữ cô gắn bó với ông rất lâu sau khi cô đã trưởng thành. Một phần của sự gắn bó ấy, cô tin rằng cô cần phải giữ bí mật về hành vi của cha cô. Một đứa con gái “ngoan” sẽ không bao giờ phản bội gia đình mình.
“Bí mật của gia đình” là một gánh nặng gia tăng đối với những đứa trẻ bị ngược đãi. Với việc không thể nói về sự ngược đãi, những đứa trẻ bị đánh đập đã cắt bỏ mọi hi vọng được giúp đỡ về mặt cảm xúc. Ở đây chúng ta có Kate:
Cả cuộc đời tôi, tôi cảm thấy như mình đang sống gian dối. Thật kinh khủng khi không thể tự do nói về điều đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc đời mình. Làm sao có thể vượt qua được nỗi đau nếu ta không thể nói về nó? Dĩ nhiên tôi có thể nói về nó trong buổi trị liệu, nhưng tôi vẫn không thể nói về nó với những người nắm giữ tất cả quyền lực đối với tôi trong suốt những năm qua. Người duy nhất mà tôi có thể nói về điều này là người giúp việc. Tôi cảm thấy bà ấy là người duy nhất trên thế gian này mà tôi có thể tin tưởng. Một lần nọ, sau khi cha tôi đánh tôi, bà ấy nói với tôi rằng: “Con yêu, cha con thật bệnh hoạn”. Tôi không bao giờ hiểu nổi tại sao ông ấy lại không tới bệnh viện nếu như ông ấy bị bệnh.
Tôi hỏi Kate rằng cô nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu như cô đối mặt với cha và mẹ mình về tuổi thơ của cô. Cô nhìn tôi trân trối mất một lúc trước khi trả lời:
Đối với cha tôi, tôi chắc là ông ấy sẽ đau khổ... và rồi chúng tôi sẽ gặp phải rắc rối lớn. Mẹ tôi có thể sẽ bị kích động. Và em gái tôi sẽ nổi điên với tôi vì đã động đến quá khứ. Con bé thậm chí còn không nói với tôi về chuyện đó!
Lòng trung thành của Kate với “bí mật gia đình” là chất keo dính giúp duy trì gia đình này. Nếu như cô phá vỡ sợi dây ràng buộc im lặng, cả gia đình sẽ tan vỡ.
Tất cả những điều này chỉ dâng lên trong lòng tôi. Mỗi khi tôi ở bên họ cũng chẳng có gì thay đổi hết. Cha tôi vẫn rất khó chịu với tôi. Tôi cảm thấy như sắp nổ tung và luôn muốn nói với họ rằng tôi tức giận ra sao, nhưng tôi chỉ ngồi đó và cắn môi mình. Khi cha tôi nổi giận với tôi ngày hôm nay, mẹ tôi giả vờ như thể bà không nghe thấy chuyện gì đang diễn ra. Tôi từng tham gia một buổi họp lớp vào vài năm trước và ở đó, tôi cảm thấy mình như một kẻ đạo đức giả. Các bạn học của tôi đều cho rằng tôi có một gia đình thật tuyệt vời. Còn tôi thì nghĩ: “Nếu như mà họ biết được”. Tôi ước gì tôi có thể nói với cha mẹ mình rằng họ đã hủy hoại những năm tháng trung học của tôi như thế nào. Tôi muốn hét lên rằng họ đã làm tổn thương tôi quá nhiều nên tôi không còn có thể yêu họ nữa. Tôi không thể có nổi một mối quan hệ yêu đương với một người đàn ông. Họ đã làm tê liệt cảm xúc của tôi. Và họ vẫn làm vậy. Nhưng tôi quá sợ để nói ra bất cứ điều gì với họ.
Người lớn trong Kate đang kêu gọi hãy yêu cầu cha mẹ cô đối mặt với sự thật, nhưng đứa trẻ khiếp sợ, bị hành hạ trong Kate lại quá đỗi sợ hãi trước hậu quả của việc đó. Cô tin rằng mọi người sẽ căm ghét cô nếu như cô để cho chuyện này bị tiết lộ. Cô nghĩ rằng khi toàn bộ bí mật của gia đình bị sáng tỏ sẽ khiến cho mối quan hệ của cô và cha mẹ trở thành một trò chơi đố chữ. Mọi người đều giả vờ rằng không có chuyện xấu nào từng xảy ra hết.
Duy trì câu chuyện hoang đường
Tôi không hề ngạc nhiên khi Kate nói những người bạn thời trung học của cô nghĩ rằng cô có một gia đình tuyệt vời. Rất nhiều những gia đình ngược đãi con cái đều có thể trưng ra một bộ mặt rất “bình thường” cho phần còn lại của thế giới thấy. Sự đáng tôn trọng này hoàn toàn đối lập với sự thật về gia đình đó. Nó hình thành nên một “câu chuyện gia đình hoang đường”. Câu chuyện hoang đường của gia đình Joe cũng rất điển hình:
Mỗi khi tôi ở cùng với gia đình, tất cả chúng tôi như đang cùng diễn một vở kịch vậy. Không có gì thay đổi. Cha tôi vẫn uống rượu, và tôi chắc chắn rằng ông ấy vẫn đánh mẹ tôi. Nhưng từ cái cách chúng tôi hành động và nói năng, người ta sẽ nghĩ rằng chúng tôi là những nhân vật trong bộ phim Leave It to Beaver. Có phải tôi là người duy nhất còn nhớ mọi chuyện diễn ra như thế nào hay không? Có phải tôi là người duy nhất biết được sự thật? Điều đó thực sự không quan trọng bởi dù sao tôi cũng sẽ không nói gì cả. Tôi cũng chỉ giả tạo như tất cả bọn họ mà thôi. Tôi chưa khi nào bỏ qua hi vọng vào một ngày nào đó sự việc sẽ khác đi. Có lẽ nếu như chúng tôi giả vờ đủ nhiều, chúng tôi sẽ trở thành một gia đình bình thường.
Joe cũng bị rơi vào sự mâu thuẫn khủng khiếp giữa việc muốn đối chất với cha mẹ mình và nỗi lo sợ rằng cậu sẽ phá nát gia đình. Khi còn học trung học, cậu đã viết những bức thư về việc cậu thực sự cảm thấy ra sao:
Tôi thật sự dồn hết tâm can mình vào những lá thư ấy, về việc bị đánh đập và bị phớt lờ. Rồi tôi đã cất chúng trong trong tủ quần áo của mình, hi vọng người nhà tôi sẽ đọc được chúng. Nhưng tôi không biết liệu họ có làm vậy hay không. Không ai nói một lời nào về điều đó. Tôi cũng cố gắng viết nhật ký một thời gian khi tôi ở tuổi niên thiếu. Tôi cũng để nó ở nơi họ dễ dàng đọc được. Tới tận ngày hôm nay, tôi vẫn không biết liệu họ có đọc nó hay không, và thành thật mà nói, tôi vẫn quá sợ hãi để hỏi họ về điều đó.
Nỗi sợ hãi về một trận đánh đập đã không còn phải là nỗi sợ ngăn cản Joe khỏi việc hỏi cha mẹ cậu về cuốn nhật ký hay những lá thư. Khi lên trung học, cậu đã quá lớn cho sự đánh đập đó. Nỗi sợ ấy chính là, nếu như họ đã đọc những lời cầu khẩn của cậu và không đáp lại, cậu sẽ phải từ bỏ ảo tưởng của mình về một phép màu sẽ mang tới cho cậu chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa yêu thương của họ vào một ngày nào đó. Sau nhiều năm, cậu vẫn thấy sợ trước việc tìm ra câu trả lời của họ có thể làm cậu thất vọng thêm lần nữa.
Cảm xúc hỗn loạn
Những đứa trẻ bị ngược đãi luôn giữ cơn giận âm ỉ trong lòng mình. Bạn không thể bị đánh đập, làm nhục, thấy sợ hãi, bị coi thường, và bị khiển trách mà lại không cảm thấy giận dữ được. Nhưng những đứa trẻ bị đánh đập không có cách nào để giải tỏa cơn giận này. Ở tuổi trưởng thành, cơn giận đó cần phải tìm ra lối thoát.
Holly, 41 tuổi, một người nội trợ có cơ thể chắc nịch và gương mặt lạnh lùng, mái tóc ngắn đã sớm bạc màu, được đưa đến với tôi sau khi bị một giáo viên trường học tố cáo với Bộ Dịch vụ xã hội vì đã ngược đãi đứa con trai 10 tuổi của mình. Con trai cô đang tạm thời sống với ông bà nội. Mặc dù việc trị liệu của cô là do tòa án quy định, nhưng cô cho thấy rằng mình là một khách hàng tích cực.
Tôi rất xấu hổ về bản thân. Tôi từng tát thằng bé trước đây, nhưng lần này tôi thật sự hung hăng và nổi điên. Đứa bé ấy khiến tôi giận kinh khủng... Chị biết không, tôi luôn tự hứa với lòng rằng nếu như tôi có con, tôi sẽ không bao giờ chạm một ngón tay lên người nó. Chúa ơi, tôi biết rõ việc ấy như thế nào mà. Nó thật kinh khủng. Nhưng thậm chí là chưa kịp nhận ra, tôi đã trở thành người mẹ điên rồ của mình mất rồi. Đúng là cả bố và mẹ đều đánh tôi, nhưng bà ấy đánh tôi tệ nhất. Tôi nhớ có một lần bà ấy từng đuổi tôi chạy quanh căn bếp với một con dao trong tay!
Holly có một lịch sử dài với những phản ứng tiêu cực, đó là biến những cảm xúc bốc đồng mạnh mẽ thành những hành động hung hăng. Khi ở tuổi vị thành niên, cô luôn gây rắc rối và nhiều lần bị đình chỉ học tập. Khi trưởng thành, cô miêu tả bản thân mình như một cái thùng thuốc nổ biết đi:
Đôi khi tôi buộc phải rời khỏi nhà bởi tôi lo sợ về những việc mà tôi có thể gây ra với con mình. Tôi cảm thấy như thể tôi không còn kiểm soát nổi mình nữa.
Sự giận dữ của Holly đã ập xuống đầu con trai cô. Trong những trường hợp cực đoan khác, sự kìm nén giận dữ có thể tự bộc lộ thành hành vi phạm tội bạo lực, dao động từ việc đánh đập vợ con tới hiếp dâm tới giết người. Các nhà tù của chúng ta chất đầy những người lớn từng bị ngược đãi thể xác khi còn là những đứa trẻ và chưa bao giờ học được cách bộc lộ cơn giận của mình một cách thích đáng.
Kate, mặt khác, hướng cơn giận của mình vào trong. Nó tìm được những cách khác để thể hiện:
Dù người khác có nói hay làm gì với tôi, tôi không bao giờ có thể đứng lên bảo vệ mình. Tôi không bao giờ có sức để làm được điều đó. Những khi ấy tôi thường cảm thấy đau đầu. Hầu như lúc nào tôi cũng cảm thấy mình thật ti tiện. Mọi người đều giẫm đạp lên tôi, và tôi không biết làm thế nào để ngăn họ lại. Năm ngoái, chắc chắn là tôi đã bị loét dạ dày. Bụng tôi lúc nào cũng đau cả.
Kate đã học cách để trở thành nạn nhân từ rất sớm trong đời mình và không bao giờ dừng lại. Cô không biết cách làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi việc bị lợi dụng hay bị bắt nạt bởi những người khác. Theo đó cô kéo dài mãi nỗi đau mà cô từng trải qua từ hồi còn nhỏ. Chẳng mấy ngạc nhiên, nỗi giận dữ chất chồng trong cô buộc phải tìm cách để thoát ra, nhưng bởi cô quá sợ hãi để bộc lộ nó một cách trực tiếp, cơ thể và tâm trạng cô đã bày tỏ nó thay cho cô: dưới dạng thức của những cơn đau đầu, dạ dày quặn thắt, và trầm cảm.
Cha nào, con nấy?
Trong một số trường hợp, đứa trẻ bị ngược đãi đã vô tình đồng nhất với người cha hoặc mẹ hay ngược đãi của mình. Xét cho cùng, kẻ ngược đãi trông thật mạnh mẽ và không thể bị tổn thương. Những nạn nhân trẻ con tưởng tượng rằng nếu như chúng sở hữu những phẩm chất này, chúng sẽ có thể tự bảo vệ lấy mình. Vì vậy, như một sự tự vệ vô thức, chúng sẽ phát triển một số nét tính cách mà chúng căm ghét nhất ở những bậc cha mẹ độc hại. Bất kể lời hứa hẹn đầy quyết tâm đối với bản thân mình sẽ trở thành một con người khác, nhưng dưới sự căng thẳng chúng có thể sẽ hành xử y hệt như những người đã từng ngược đãi chúng. Nhưng hội chứng này không phổ biến như hầu hết mọi người vẫn nghĩ.
Trong nhiều năm qua nhiều người đã tin rằng gần như tất cả những đứa trẻ bị đánh đập đều trở thành những bậc cha mẹ đánh đập con cái. Xét cho cùng, thì đó cũng là hình mẫu duy nhất mà chúng có được.
Nhưng các nghiên cứu gần đây đã thách thức những giả định này. Thực ra, không chỉ rất nhiều những đứa trẻ từng bị ngược đãi trở thành những người lớn không ngược đãi, mà những bậc cha mẹ này còn gặp phải khó khăn với cả những phương thức kỷ luật con cái yếu ớt, không bạo lực nhất. Trong sự nổi loạn chống lại nỗi đau của tuổi thơ mình, những bậc cha mẹ này thường né tránh việc thiết lập ra các giới hạn và thực thi chúng. Cả điều này cũng có thể gây ra tác động tiêu cực lên sự phát triển của một đứa trẻ, bởi trẻ con cần đến sự an toàn của các ranh giới. Tuy nhiên tác hại gây ra bởi việc quá mức dễ dãi thường ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những tác hại gây ra bởi sự ngược đãi.
Tin tốt là các nạn nhân người lớn của các bậc cha mẹ hay ngược đãi vẫn hoàn toàn có thể vượt qua được sự căm ghét bản thân, không đi theo vết xe đổ cha mẹ họ, cơn giận âm ỉ, nỗi sợ hãi tràn ngập, và việc có thể cảm thấy tin tưởng hay cảm thấy an toàn.