Cha Mẹ Độc Hại - Chương 07

CHƯƠNG 7

SỰ PHẢN BỘI TỘT BẬC

Những kẻ lạm dụng tình dục

Loạn luân có lẽ sự trải nghiệm tàn nhẫn, kinh khủng nhất đối với con người. Đó là sự phản bội niềm tin cơ bản nhất giữa một đứa trẻ với cha mẹ nó. Đó là sự hủy hoại cảm xúc. Những nạn nhân nhỏ tuổi hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ xâm phạm, vì thế mà chúng không có nơi nào để chạy trốn, và không biết tìm đến ai để cầu xin sự giúp đỡ. Những người bảo vệ trở thành kẻ ngược đãi, và thực tại trở thành nhà tù của những bí mật bẩn thỉu. Loạn luân phản bội con tim của tuổi thơ - sự ngây thơ của cái lứa tuổi ấy.

Trong hai chương vừa qua, chúng ta đã nhìn vào một vài thực tại tăm tối hơn của các gia đình độc hại. Chúng ta đã gặp gỡ các bậc cha mẹ đặc biệt thiếu hụt sự cảm thông và tình thương dành cho con cái mình. Họ tấn công con cái mình với mọi thứ vũ khí - từ những lời phê bình nhục mạ cho tới chiếc thắt lưng bằng da, và họ vẫn biện minh cho sự ngược đãi của mình như là một hành động của kỷ luật hay sự dạy dỗ. Nhưng giờ đây chúng ta sẽ bước vào một phạm vi khác của những hành vi tàn ác đến mức thách thức mọi sự lý giải. Đây là nơi mà tôi phải quên đi những lý thuyết tâm lý học đúng đắn: tôi tin rằng sự xâm hại tình dục đối với trẻ em hoàn toàn là một hành vi của ác quỷ.

Loạn luân là gì?

Thật khó để định nghĩa khái niệm loạn luân bởi những định nghĩa về mặt pháp lý và tâm lý học khác xa nhau cả một thế giới. Khái niệm trong pháp lý vô cùng hạn hẹp, thường định nghĩa loạn luân như là một hành vi giao cấu giữa những người có quan hệ huyết thống với nhau. Do đó hàng triệu người không nhận ra rằng họ là nạn nhân của tội loạn luân bởi họ chưa đi đến bước quan hệ tình dục. Từ góc nhìn của tâm lý học, loạn luân bao hàm một phạm vi rộng hơn nhiều của các hành vi và các mối quan hệ. Nó bao gồm cả sự tiếp xúc cơ thể với miệng, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn, hay bất kỳ một bộ phận cơ thể nào của đứa trẻ, mà được thực hiện nhằm mục đích tạo nên sự hưng phấn tình dục ở kẻ xâm hại. Kẻ xâm hại không nhất thiết phải có quan hệ huyết thống. Hắn có thể là bất cứ ai mà đứa trẻ xem như một thành viên của gia đình, chẳng hạn là cha hoặc mẹ kế, hoặc dâu rể trong nhà.

Có những hành vi loạn luân vô cùng có hại dù cho chúng không liên quan đến sự tiếp xúc cơ thể với đứa trẻ. Ví dụ, nếu một kẻ xâm hại tự mình khỏa thân hay thủ dâm trước mặt đứa trẻ, hay thậm chí thuyết phục đứa trẻ chụp những bức ảnh gợi tình, thì kẻ đó cũng đang thực hiện một dạng hành vi loạn luân.

Chúng ta phải thêm vào trong định nghĩa của mình về loạn luân rằng những hành vi ấy cần phải được giữ bí mật. Một người cha âu yếm ôm và hôn con mình thì không việc gì cần phải giữ bí mật cả. Thực ra, sự đụng chạm như vậy là cần thiết đối với sự phát triển tâm lý lành mạnh của đứa trẻ. Nhưng nếu như người cha ấy vuốt ve bộ phận sinh dục của đứa trẻ - hay để đứa trẻ vuốt ve chỗ đó của mình - thì đây là một hành động cần phải giữ bí mật. Đó là một hành động loạn luân.

Còn có nhiều những hành vi tinh vi hơn mà tôi gọi là sự loạn luân về tâm lý. Các nạn nhân của hành vi loạn luân tâm lý có thể không thực sự bị chạm vào hay bị tấn công tình dục, nhưng họ phải trải qua một sự xâm phạm về cảm giác riêng tư hay an toàn. Tôi đang nói đến những hành động xâm phạm như rình mò một đứa trẻ thay quần áo hay tắm rửa, hoặc liên tục nhắc đi nhắc lại những lời nhận xét tán tỉnh hoặc mang tính nhục dục đối với một đứa trẻ. Mặc dù không có hành vi nào trong số này phù hợp với định nghĩa về sự loạn luân, các nạn nhân vẫn thường cảm thấy bị xâm phạm và phải chịu nhiều triệu chứng tổn thương tâm lý giống như ở những nạn nhân thực thụ của tội loạn luân.

Những hiểu lầm về loạn luân

Khi lần đầu tiên tôi bắt đầu nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về quy mô bệnh dịch mang tên loạn luân, tôi đã gặp phải sự kháng cự rất lớn. Có gì đó thật xấu xí và ghê tởm về loạn luân đã khiến mọi người không muốn thừa nhận sự tồn tại của nó. Trong vòng mười năm qua, sự phủ định đã bắt đầu phải nhượng bộ khi đối diện với việc tràn ngập các chứng cứ, và loạn luân đã trở thành một chủ đề có thể được thảo luận trong cộng đồng, dù vẫn còn cảm giác không thoải mái. Nhưng một trở ngại khác vẫn còn tồn tại: Những hiểu lầm về sự loạn luân. Chúng từ lâu đã trở thành sản phẩm của niềm tin trong ý thức của đa số chúng ta, vượt ra ngoài cả những thách thức. Nhưng chúng không hề thật, chưa bao giờ là vậy.

HIỂU LẦM: Loạn luân là một việc hiếm hoi.

THỰC TẾ: Tất cả những nghiên cứu và dữ liệu liên quan, bao gồm của cả Bộ Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, cho thấy có ít nhất một trong số mười trẻ dưới 18 tuổi bị quấy rối bởi một thành viên được tin cậy trong gia đình. Chỉ là từ những năm 1980 chúng ta mới bắt đầu nhận ra nạn loạn luân phổ biến đến nhường nào. Trước thời điểm đó, hầu hết mọi người đều tin rằng tội loạn luân chỉ diễn ra với tỷ lệ một trên một trăm ngàn gia đình.

HIỂU LẦM: Loạn luân chỉ xảy ra trong những gia đình nghèo khổ hoặc có dân trí thấp, hoặc ở trong những cộng đồng bị cô lập, lạc hậu.

THỰC TẾ: Nạn loạn luân có tính bình đẳng một cách tàn nhẫn. Nó xuất hiện trong mọi tầng lớp kinh tế -xã hội. Loạn luân có thể dễ dàng xảy ra trong gia đình bạn cũng như trong một gia đình nào đó nằm sau những ngọn đồi của Appalachia.

HIỂU LẦM: Những kẻ loạn luân là những kẻ lầm đường lạc lối trong xã hội và lệch lạc về tình dục.

THỰC TẾ: Kẻ xâm hại có thể là bất cứ ai. Không hề có một mẫu số hay sự mô tả sơ lược chung nào. Đó thường là những kẻ làm việc chăm chỉ, đáng kính, hay đi lễ nhà thờ, dường như là những người đàn ông và đàn bà rất đỗi bình thường. Tôi đã từng gặp những kẻ xâm hại là các sĩ quan cảnh sát, giáo viên trường học, chủ doanh nghiệp, mệnh phụ phu nhân, thợ nề, bác sĩ, kẻ nghiện rượu, và mục sư. Những đặc điểm chung mà họ sở hữu mang tính chất tâm lý hơn là địa vị xã hội, văn hóa, sắc tộc, hay điều kiện kinh tế.

HIỂU LẦM: Loạn luân là một phản ứng trước sự thiếu thốn về mặt tình dục.

THỰC TẾ: Hầu hết những kẻ xâm hại đều có đời sống tình dục tích cực trong hôn nhân, và thường có cả các mối quan hệ ngoài luồng. Bọn họ hướng đến đối tượng trẻ em và cảm giác về quyền lực và sự kiểm soát hoặc vì thứ tình yêu không điều kiện, không rủi ro mà chỉ bọn trẻ mới có thể mang lại. Những nhu cầu và xu hướng này trở thành hành vi tình dục, sự thiếu thốn tình dục hiếm khi nào lại là nguyên nhân chính.

HIỂU LẦM: Trẻ em - đặc biệt là các em gái vị thành niên - rất có sức cám dỗ và ít nhất cũng phải chịu một phần trách nhiệm khi bị xâm phạm.

THỰC TẾ: Hầu hết trẻ em đều thử nghiệm cảm xúc và thôi thúc tình dục theo cách ngây thơ và hiếu kỳ với những người mà chúng gắn bó. Các bé gái tán tỉnh với cha chúng và các bé trai với mẹ của chúng. Một số trẻ vị thành niên thì khêu gợi công khai. Tuy nhiên 100 phần trăm trách nhiệm vẫn luôn thuộc về người lớn trong việc kiểm soát những tình huống này và không chạy theo cơn bốc đồng của mình.

HIỂU LẦM: Hầu hết các câu chuyện loạn luân đều không phải sự thật. Chúng thực ra chỉ là điều tưởng tượng xuất phát từ ham muốn tình dục của bản thân đứa trẻ.

THỰC TẾ: Sự hiểu lầm này được tạo ra bởi Sigmund Freud và đã trở nên phổ biến thông qua việc giảng dạy và thực hành về chứng bệnh tâm thần từ đầu thế kỷ trước. Trong quá trình hành nghề của mình, đã có rất nhiều cáo trạng về các vụ loạn luân do các cô con gái của những gia đình trung lưu được kính trọng của Vienne gửi cho Freud nên ông đã vô cớ cho rằng không thể tất cả đều đúng được. Để giải thích về tính thường xuyên của sự việc này, ông đưa ra kết luận rằng chúng chủ yếu diễn ra trong trí tưởng tượng bởi các bệnh nhân của mình. Hậu quả của sai lầm của Freud là hàng ngàn, có thể là hàng triệu, các nạn nhân của nạn loạn luân đã, và trong một số trường hợp là vẫn tiếp tục, không được công nhận và không có được sự trợ giúp mà họ cần tới, ngay cả khi họ gom góp đủ dũng cảm để tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn.

HIỂU LẦM: Trẻ em thường bị xâm hại tình dục bởi người lạ nhiều hơn là bởi một ai đó mà chúng quen biết.

THỰC TẾ: Phần lớn các ca phạm tội tình dục liên quan tới trẻ em đều được thực hiện bởi những thành viên đáng tin cậy trong gia đình.

Một gia đình hạnh phúc

Cũng như trường hợp bạo hành thân thể, hầu hết các gia đình loạn luân khi nhìn vào đều có vẻ bình thường. Các bậc phụ huynh thậm chí còn có thể là người đứng đầu của cộng đồng hoặc tổ chức tôn giáo, với danh tiếng về những tiêu chuẩn đạo đức cao. Thật kinh ngạc làm sao khi những con người ấy có thể thay đổi hoàn toàn phía sau những cánh cửa.

Tracy, 38 tuổi, là một người phụ nữ mảnh khảnh, tóc nâu, mắt nâu, mở một tiệm sách nhỏ ở ngoại ô của Los Angeles. Cô đến từ một trong những “gia đình bình thường”.

Chúng tôi trông giống như mọi người khác. Cha tôi là chuyên gia tư vấn bảo hiểm và mẹ tôi là thư ký giám đốc. Chúng tôi đi lễ nhà thờ vào mỗi Chủ nhật, và chúng tôi đi nghỉ mát vào mỗi mùa hè. Những điều diễn ra trong những gia đình Rockwell bình thường... ngoại trừ việc, khi tôi mười tuổi, cha tôi bắt đầu dán cơ thể ông ấy lên người tôi. Khoảng một năm sau đó, tôi phát hiện ra ông ấy nhìn trộm tôi thay quần áo qua một cái lỗ mà ông ấy khoan ở trên tường trong phòng tôi. Khi tôi bắt đầu dậy thì, ông ấy thường tiến tới từ phía sau và sờ ngực tôi. Rồi ông ấy đề nghị sẽ cho tiền nếu tôi nằm trên sàn nhà mà không mặc quần áo...để ông ấy có thể ngắm nhìn tôi. Tôi cảm thấy thật kinh tởm, nhưng tôi sợ phải nói không. Tôi không muốn làm ông ấy phải xấu hổ. Rồi có một ngày ông ấy cầm lấy tay tôi và đặt nó lên dương vật của ông ấy. Tôi đã rất sợ...Khi ông ấy bắt đầu vuốt ve chỗ đó của tôi, tôi không biết cần phải làm gì, vì thế mà tôi làm theo những gì ông ấy muốn.

Đối với thế giới bên ngoài, cha của Tracy là một người đàn ông của gia đình điển hình thuộc tầng lớp trung lưu, một hình ảnh càng khiến Tracy thêm phần bối rối. Hầu hết các gia đình loạn luân đều duy trì vẻ bề ngoài bình thường này trong nhiều năm, thậm chí là mãi mãi.

Liz, một chuyên viên dựng phim, có vóc dáng thể thao, đôi mắt xanh và mái tóc màu vàng, mang đến một ví dụ đầy xúc động về sự khác biệt giữa vẻ bề ngoài và thực tế:

Mọi thứ đều không thật. Cha dượng tôi là một mục sư có tiếng của một giáo đoàn lớn. Những người đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật rất yêu quý ông ta. Tôi nhớ từng ngồi trong nhà thờ và nghe ông ta rao giảng về những đại tội. Tôi chỉ muốn hét lên rằng gã đàn ông này là một kẻ giả nhân giả nghĩa. Tôi muốn đứng lên và khai ra với cả nhà thờ việc đứa con tuyệt vời của Chúa này đã làm hỏng đời đứa con ghẻ mười ba tuổi của ông ta!

Cũng giống như Tracy, Liz đến từ một gia đình có vẻ mẫu mực. Hàng xóm của cô ắt hẳn sẽ phải kinh ngạc nếu phát hiện ra những điều mà vị mục sư đáng kính của họ từng thực hiện. Nhưng khi nắm giữ vị trí của người đứng đầu về đạo đức, uy quyền, và tín nhiệm, ông ta lại không làm điều gì bất thường. Một nghề nghiệp có uy tín hay một tấm bằng đại học không có khả năng ngăn chặn sự thôi thúc dẫn tới mối quan hệ loạn luân.

Tại Sao Điều Này Lại Có Thể Xảy Ra?

Các lý thuyết thường tranh cãi xoay quanh bầu không khí gia đình và vai trò của các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, có một yếu tố này luôn luôn đúng: sự loạn luân không diễn ra ở những gia đình có sự cởi mở, yêu thương, và sẵn sàng trao đổi với nhau. Thay vì thế, loạn luân diễn ra ở những gia đình mà những điều sau luôn áp đảo: cảm xúc bị cô lập, giữ bí mật, cảm giác thiếu thốn tình cảm, stress, và sự thiếu tôn trọng. Theo nhiều cách, loạn luân có thể được nhìn nhận như một phần của sự đổ vỡ gia đình. Ở đó chỉ có kẻ xâm hại và chỉ kẻ xâm hại mới có thể thực hiện hành vi cưỡng bức tình dục. Tracy kể về gia đình mình:

Chúng tôi không bao giờ nói về cảm giác của mình. Nếu có điều gì đó làm phiền tôi, tôi chỉ cố nén nó lại. Tôi nhớ mẹ từng cưng nựng khi tôi còn nhỏ. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự âu yếm giữa cha và mẹ tôi. Chúng tôi làm nhiều việc cùng nhau như một gia đình, nhưng thật ra không có sự gần gũi nào cả. Tôi nghĩ đó chính là điều mà cha tôi tìm kiếm. Đôi khi ông sẽ hỏi rằng liệu ông ấy có thể hôn tôi được không và khi tôi trả lời không muốn, ông ấy sẽ cầu xin và nói sẽ không làm đau tôi, ông ấy chỉ muốn được gần gũi với tôi thôi.

Tracy không thấy được bởi vì cha mình cô đơn và thất vọng, ông ta đã lựa chọn việc quấy rối con gái mình. Cũng giống như nhiều kẻ xâm hại khác, cha của Tracy tìm kiếm trong gia đình mình, trong con gái của ông ta nhằm bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm mà ông ta phải trải qua. Sự lợi dụng méo mó một đứa trẻ để chăm lo cho nhu cầu cảm xúc của người lớn như thế này có thể dễ dàng dẫn đến yếu tố tình dục nếu như người lớn đó không thể kiểm soát được cơn bốc đồng của mình.

Muôn Mặt Của Sự Ép Buộc

Có rất nhiều sự ép buộc tâm lý vốn có trong mối quan hệ cha mẹ - con cái. Cha của Tracy không cần thiết phải ép buộc con gái mình vào một mối quan hệ tình dục.

Tôi sẽ làm bất cứ điều gì để khiến ông ấy được hạnh phúc. Tôi luôn sợ hãi khi ông yêu cầu tôi làm chuyện ấy, nhưng ít ra thì ông ấy cũng chưa bao giờ sử dụng bạo lực với tôi.

Những nạn nhân như Tracy, những người không bị bạo hành, thường đánh giá thấp những tổn thương mà họ phải chịu đựng bởi họ không nhận ra bạo hành cảm xúc cũng gây hại y như việc hành hạ về thể xác. Trẻ con về mặt bản chất là những sinh vật chỉ biết yêu thương và tin tưởng, là mục tiêu dễ dàng của một người lớn thiếu thốn tình cảm, vô trách nhiệm. Sự yếu đuối về mặt cảm xúc của một đứa trẻ thường là đòn bẩy duy nhất mà một số kẻ lạm dụng cần đến.

Những kẻ lạm dụng khác củng cố thêm lợi thế tâm lý của họ bằng việc đe dọa sẽ gây tổn hại cho cơ thể, làm nhục trước công chúng, hay bỏ rơi đứa trẻ. Một trong số các khách hàng của tôi chỉ mới 7 tuổi khi cha của cô bé dọa rằng sẽ đưa cô bé vào trại trẻ mồ côi nếu không chịu thỏa mãn nhu cầu tình dục của ông ta. Với một cô bé con, mối đe dọa về việc sẽ không bao giờ được gặp lại gia đình hay bạn bè mình cũng đủ đáng sợ để thuyết phục bé làm bất cứ điều gì.

Những kẻ xâm phạm cũng sẽ sử dụng những lời đe dọa để đảm bảo các nạn nhân của mình giữ im lặng. Dưới đây là những lời đe dọa phổ biến nhất:

• Nếu như mày nói ra, tao sẽ giết mày.

• Nếu như mày nói ra, tao sẽ đánh mày.

• Nếu như con nói ra, mẹ sẽ bệnh mất.

• Nếu như mày nói ra, mọi người sẽ nghĩ là mày bị điên.

• Nếu mày nói ra, thì cũng chẳng có ai tin mày đâu.

• Nếu con nói ra, mẹ sẽ điên lên với cả hai chúng ta mất.

• Nếu con nói ra, cha sẽ ghét con suốt đời.

• Nếu con nói ra, người ta sẽ cho ba vào tù và chẳng còn ai chăm lo cho cái gia đình này nữa.

Những lời đe dọa ấy chính là sự thao túng về mặt cảm xúc, lợi dụng nỗi sợ hãi và yếu đuối của nạn nhân ngây thơ.

Ngoài việc ép buộc tâm lý, nhiều kẻ xâm hại sử dụng bạo lực để buộc con mình thực hiện hành vi loạn luân. Các nạn nhân hiếm khi là đứa trẻ được yêu thích, kể cả khi việc xâm hại tình dục không hề xảy ra. Một số trẻ có thể nhận được tiền hoặc quà hoặc sự đối xử đặc biệt như là một phần của sự ép buộc, nhưng phần lớn đều bị ngược đãi về mặt cảm xúc và thường là cả về thân thể.

Liz nhớ lại những gì đã xảy ra khi cô cố gắng kháng cự lại cha dượng của mình:

Khi tôi gần học hết tiểu học, tôi đã thu hết dũng khí và nói với ông ta việc mình quyết định ông ta phải dừng lại việc bước vào phòng tôi mỗi đêm. Ông ta nổi giận và bóp cổ tôi. Sau đó ông ta bắt đầu gào lên rằng Chúa muốn ông ta quyết định thay tôi mà không phải tôi tự quyết định chuyện của mình. Ông ta nói như thể Người thực sự muốn ông ta làm tình với tôi hay gì đó vậy. Vào lúc ông ta buông tôi ra, tôi gần như không thở nổi. Tôi sợ đến mức tôi để cho ông ta làm bất cứ điều gì với tôi.

Tại sao trẻ con không kể ra những điều này

Chín mươi phần trăm số nạn nhân của tội loạn luân không bao giờ kể cho ai nghe về điều đã xảy ra, hay những gì đang xảy ra với họ. Họ giữ yên lặng không chỉ bởi họ sợ bị tổn thương, mà phần nhiều còn bởi họ sợ rằng chính mình sẽ làm cho gia đình tan vỡ khi khiến cho mẹ gặp rắc rối. Loạn luân có thể đáng sợ, nhưng cái ý nghĩ của việc phải chịu trách nhiệm trước sự tan vỡ của gia đình còn kinh khủng hơn nữa. Lòng trung thành với gia đình là một nguồn lực vô cùng mạnh mẽ trong cuộc đời con trẻ, bất kể gia đình đó có thối nát đến nhường nào.

Connie, 36 tuổi, một phụ nữ tóc đỏ năng động làm chuyên viên tín dụng của một ngân hàng lớn chính là một đứa trẻ trung thành điển hình. Nỗi lo sợ của cô về việc gây tổn thương cho cha mình và mất đi tình yêu của ông ta còn mạnh mẽ hơn cả khao khát nhận được sự giúp đỡ:

Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng ông ấy có được tôi ngay khi ông ấy muốn. Ông ấy bảo với tôi rằng gia đình này sẽ tan vỡ nếu như tôi nói một lời nào với bất kỳ ai về những việc chúng tôi đang làm, rằng mẹ tôi sẽ đuổi ông ấy đi và tôi sẽ không còn cha nữa, rồi họ sẽ đưa tôi vào trại trẻ mồ côi, và khi đó, mọi người trong gia đình sẽ căm ghét tôi.

Trong những trường hợp hiếm hoi khi tội loạn luân bị phát hiện, một gia đình thường sẽ tan vỡ. Dù là bởi việc ly dị, hay các hoạt động pháp lý khác đi chăng nữa, đứa trẻ vẫn sẽ bị tách ra khỏi gia đình; hoặc là những sức ép lớn đến từ sự ghét bỏ của cộng đồng, rất nhiều gia đình không thể vượt qua được khi vụ việc loạn luân bị phơi bày. Mặc dù sự ly tán của gia đình có lẽ là giải pháp tốt nhất dành cho đứa trẻ, thì đứa trẻ ấy vẫn luôn cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm trước sự đổ vỡ. Điều này càng làm tăng lên nỗi đau tinh thần trong lòng đứa trẻ ấy.

Khoảng cách về uy tín

Những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục nhận ra từ rất sớm rằng uy tín của chúng hầu như chẳng là gì so với kẻ lạm dụng. Bất kể người cha hay người mẹ ấy có là một kẻ nghiện rượu, thất nghiệp thường xuyên, và có khuynh hướng bạo lực; trong xã hội của chúng ta, một người lớn vẫn luôn đáng tin hơn một đứa trẻ. Nếu như người cha hay người mẹ đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, thì khoảng cách tín nhiệm ấy trở thành cả một vực thẳm.

Dan, 45 tuổi, một kỹ sư ngành hàng không vũ trụ, từng bị lạm dụng tình dục bởi cha mình từ lúc anh mới chỉ có 5 tuổi cho tới khi lên đại học:

Mặc dù còn nhỏ, tôi vẫn biết rằng tôi chẳng bao giờ có thể kể với bất kỳ ai về những gì mà cha tôi từng làm với tôi. Mẹ tôi hoàn toàn bị ông ta chi phối, và tôi biết rằng bà sẽ chẳng bao giờ thèm tin tôi. Ông ấy là một doanh nhân thành đạt, ông ta quen biết toàn người có máu mặt. Chị có tưởng tượng được cái cảnh tôi cố gắng khiến cho mọi người tin rằng con người được trọng vọng ấy đã bắt đứa con sáu tuổi phục vụ bằng miệng cho mình ở trong phòng tắm vào mỗi tối hay không? Ai sẽ tin lời tôi đây? Họ đều sẽ nghĩ tôi đang cố đẩy cha mình vào rắc rối hay gì đó. Chỉ là tôi chẳng thể nào thắng được ông ta.

Dan bị rơi vào một cái bẫy khủng khiếp. Anh không chỉ bị lạm dụng, mà điều đó còn đến từ bậc phụ huynh có cùng giới tính với anh. Điều này đã tạo nên cả sự nhục nhã lẫn niềm tin trong lòng anh rằng sẽ không có ai tin lời anh cả.

Loạn luân giữa cha và con trai phổ biến hơn rất nhiều so với những gì mọi người thường nghĩ. Những người cha như vậy thường tỏ ra là người có tình cảm nam nữ hoàn toàn bình thường, nhưng họ có thể bị thúc đẩy bởi những thôi thúc đồng tính mạnh mẽ. Thay vì thừa nhận cảm giác thật của mình, họ cố gắng kìm nén khuynh hướng đồng tính bằng việc kết hôn và trở thành cha mẹ. Khi khuynh hướng tình dục thực sự của họ không được giải tỏa, sự thôi thúc bị kìm nén của họ sẽ tiếp tục phát triển, và rốt cuộc, chúng vượt qua hàng rào phòng thủ của họ.

Những cuộc tấn công của cha Dan được bắt đầu vào bốn mươi năm trước, khi loạn luân (cũng như là đồng tính) vẫn còn bị bao phủ bởi những sự hiểu lầm và các câu chuyện hoang đường. Cũng giống như hầu hết các nạn nhân khác của loạn luân, Dan cảm thấy vô vọng trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ bởi dường như sẽ thật phi lý khi một người đàn ông có địa vị xã hội như cha anh lại có thể thực hiện một tội ác như thế. Các bậc cha mẹ, cho dù có độc hại đến đâu, cũng đều có được sự kiểm soát độc quyền về quyền lực và uy tín.

“Tôi cảm thấy thật nhơ nhuốc”

Nỗi tủi hổ ở các nạn nhân loạn luân thật vô cùng đặc biệt. Ngay cả những nạn nhân cực kỳ nhỏ tuổi cũng biết rằng loạn luân là điều cần phải giữ bí mật. Bất kể họ có bị bắt phải giữ im lặng hay không, họ vẫn cảm giác được sự cấm kỵ và nhục nhã trước hành vi của kẻ xâm hại. Họ biết rằng họ đã bị lạm dụng, dù khi ấy họ vẫn còn quá nhỏ để có thể hiểu về tình dục. Họ cảm thấy thật nhơ nhuốc.

Cũng giống như các nạn nhân của việc bạo hành bằng lời nói và thân thể luôn tự đổ lỗi cho chính mình, các nạn nhân loạn luân cũng có ý nghĩ tương tự. Tuy nhiên, đối với nạn loạn luân, việc buộc tội còn đi kèm với sự nhục nhã. Niềm tin “tất cả đều là lỗi của tôi” thường mạnh mẽ hơn cả đối với các nạn nhân loạn luân. Niềm tin này nuôi dưỡng một cảm giác mạnh mẽ về việc căm ghét bản thân và cảm giác tủi hổ. Bên cạnh việc phải làm cách nào đó để đối phó với hành vi loạn luân, các nạn nhân lúc này còn phải tự bảo vệ mình để không bị bắt “quả tang” và phơi bày ra như một kẻ “bẩn thỉu, kinh tởm.” Liz rất sợ hãi nếu như bị phát hiện.

Tôi khi ấy mới chỉ có mười tuổi, nhưng tôi cảm thấy mình là con điếm khốn nạn nhất trên đời này. Tôi thực sự muốn tố cáo cha dượng tôi, nhưng tôi sợ rằng tất cả mọi người, kể cả mẹ tôi nữa, sẽ ghét tôi vì điều đó. Tôi biết mọi người sẽ cho rằng tôi là một kẻ bại hoại. Tôi không thể chịu nổi cái ý nghĩ tôi sẽ là kẻ xấu xa duy nhất. Vì thế tôi chỉ giữ lại điều ấy trong lòng mình.

Những người ngoài cuộc khó có thể hiểu được rằng tại sao một đứa trẻ 10 tuổi bị cha dượng của mình ép buộc quan hệ tình dục với ông ta lại cảm thấy tội lỗi. Câu trả lời, dĩ nhiên, nằm ở chỗ đứa trẻ ấy không sẵn sàng nhìn nhận người mình luôn tin tưởng bỗng trở thành một kẻ xấu xa. Một ai đó cần phải chịu tội trước những hành động đáng xấu hổ, nhục nhã, và đáng sợ kia, bởi vì đó không thể là người lớn, thì đó buộc phải là đứa trẻ.

Cảm giác trở nên bẩn thỉu, tồi tệ, và phải gánh lấy trách nhiệm tạo nên sự cô lập tâm lý rất lớn đối với những nạn nhân của nạn loạn luân. Họ cảm thấy hoàn toàn cô độc, cả ở trong gia đình lẫn ở thế giới bên ngoài. Họ nghĩ rằng không một ai sẽ tin vào cái bí mật khủng khiếp của họ, rồi cái bí mật ấy phủ bóng đen lên cuộc đời họ và thường ngăn họ khỏi việc kết thân với bạn bè. Khi sự cô lập này đến đỉnh điểm, nó có thể buộc họ quay trở về bên những kẻ lạm dụng, những kẻ duy nhất chú ý đến họ, bất kể điều ấy có lầm lạc đến đâu.

Nếu nạn nhân có được bất kỳ sự khoái lạc nào từ hành vi loạn luân, sự tủi hổ của họ sẽ càng tăng lên. Một số người lớn từng là nạn nhân nhớ lại sự hưng phấn tình dục mà họ từng trải qua, bất kể sự bối rối hay xấu hổ mà họ cảm thấy. Điều này càng khiến cho các nạn nhân gặp khó khăn hơn trong việc từ bỏ ý thức phải chịu trách nhiệm về sau này. Tracy thực sự đã đạt tới sự cực khoái. Cô giải thích:

Tôi biết rằng như thế là sai, nhưng cảm giác ấy rất tuyệt. Người đàn ông ấy là một kẻ khốn nạn vì đã làm điều ấy với tôi, nhưng tôi cũng cảm thấy mình có tội không khác gì ông ta vì đã thích thú với chuyện ấy.

Tôi đã từng nghe những câu chuyện tương tự như vậy trước đây, nhưng nó vẫn làm tim tôi thắt lại. Tôi nói với Tracy, cũng như là tôi đã từng nói với những người khác trước đó:

Chẳng có gì là sai với sự kích thích cả. Cơ thể bạn được lập trình về mặt sinh học để thích thú với những cảm giác như vậy: Thực tế, dù bạn có cảm thấy tuyệt vời vẫn không có nghĩa là ông ta đã làm một việc đúng đắn và bạn đã sai. Bạn vẫn là một nạn nhân. Đó là trách nhiệm của ông ta, khi đã là một người lớn, họ cần phải làm chủ bản thân, bất kể họ có cảm thấy ra sao.

Còn có một cảm giác tội lỗi khác khá đặc biệt ở nhiều nạn nhân của nạn loạn luân: chính họ đã cướp đi người cha khỏi tay mẹ mình. Nạn nhân của những vụ loạn luân cha và con gái thường nói về việc họ có cảm giác như thể mình là “người thứ ba.” Điều này càng khiến cho họ khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người mà đáng lý họ có thể trông cậy - mẹ của mình. Thay vì vậy, họ cảm thấy mình đã phản bội mẹ; và điều này cộng thêm một tầng tội lỗi vào thế giới nội tâm của họ.

Ghen tuông mù quáng: “Con thuộc về ta”

Loạn luân trói buộc nạn nhân vào kẻ lạm dụng theo một cách điên rồ và dữ dội. Trong mối quan hệ loạn luân cha và con gái, người cha thường trở nên bị ám ảnh về con gái mình và ghen tuông mù quáng với những người bạn trai của họ. Ông ta thường đánh đập hoặc bạo hành cô con gái bằng lời nói để đưa ra thông điệp rằng cô chỉ thuộc về một người đàn ông duy nhất: Người cha.

Sự ám ảnh này bóp méo đáng kể các giai đoạn phát triển bình thường trong thời kỳ thiếu nhi và niên thiếu. Thay vì việc có thể trở nên độc lập hơn trước sự kiểm soát của cha mẹ, các nạn nhân của loạn luân lại ngày càng bị ràng buộc hơn với kẻ xâm hại.

Trong trường hợp của Tracy, cô biết rằng sự ghen tuông của cha mình thật điên rồ, nhưng cô không hề biết nó tàn nhẫn và đê hèn đến mức nào bởi cô đã nhầm lẫn nó với tình yêu. Các nạn nhân của nạn loạn luân rất thường xuyên nhầm lẫn sự ám ảnh với tình yêu. Điều này không chỉ biến đổi đáng kể khả năng của họ trong việc hiểu rằng họ là người bị hại, mà nó còn hủy hoại những kỳ vọng của họ về tình yêu trong cuộc sống sau này.

Nhiều bậc cha mẹ từng cảm thấy lo lắng khi con cái họ bắt đầu hẹn hò và bắt đầu gắn bó với người bên ngoài gia đình. Nhưng một người cha phạm tội loạn luân lại trải qua giai đoạn bình thường này với cảm giác bị phản bội, bị cự tuyệt, thiếu trung thành, và thậm chí là bị bỏ rơi. Phản ứng của cha Tracy là hoàn toàn thông thường - giận dữ, buộc tội, và trừng phạt:

Ông ấy sẽ đợi tôi khi tôi ra ngoài hẹn hò, và khi tôi về đến nhà, ông ấy sẽ đưa ra báo động cấp độ ba. Ông ấy sẽ liên tục hỏi tôi về việc tôi đi ra ngoài với ai, tôi làm gì với anh ấy, tôi để cho anh ấy chạm vào đâu trên cơ thể tôi, và tôi có cho anh ấy hôn lưỡi hay không. Nếu như ông ấy bắt gặp tôi hôn tạm biệt anh ấy, ông ấy sẽ lao ra khỏi nhà và quát lên “đồ mất dạy” và làm cho anh ấy sợ phát khiếp.

Khi cha của Tracy gọi cô là đồ đê tiện và những từ ngữ nhục mạ khác, ông ta đã làm điều mà rất nhiều những người cha loạn luân khác thường làm: loại bỏ sự xấu xa, độc ác, và tội lỗi khỏi người ông ta và đổ hết những điều này lên đầu cô. Nhưng cũng có những kẻ loạn luân lại ràng buộc nạn nhân của mình bằng sự dịu dàng, khiến cho đứa trẻ càng khó khăn hơn trong việc giải quyết những cảm xúc mâu thuẫn về tội lỗi và tình yêu.

“Con là toàn bộ cuộc đời ta”

Doug, 46 tuổi, một người thợ sửa máy móc gầy gò, hay căng thẳng, đến gặp tôi bởi những trở ngại liên quan đến tính dục mà anh gặp phải bao gồm cả chứng liệt dương. Anh từng bị mẹ mình lạm dụng khi mới lên 7 tuổi cho tới tận khi bước vào thời niên thiếu.

Bà ấy sẽ mơn trớn chỗ ấy của tôi cho tới khi tôi đạt được cực khoái, nhưng tôi luôn cho rằng bởi vì chúng tôi không quan hệ tình dục nên đó không phải một việc nghiêm trọng. Bà ấy cũng bắt tôi làm điều tương tự với bà ấy. Bà ấy nói tôi là toàn bộ cuộc đời bà và đây là cách thức đặc biệt của bà để thể hiện tình yêu của bà dành cho tôi. Nhưng giờ đây, mỗi khi tôi cố gắng thân cận với một người phụ nữ, tôi lại cảm thấy như thể đang phản bội mẹ mình.

Bí mật to lớn mà Doug chia sẻ với mẹ mình đã buộc chặt anh lại với bà ấy. Hành vi bệnh hoạn của bà ta đã khiến anh bối rối, nhưng thông điệp của bà ấy thì rõ ràng: bà là người phụ nữ duy nhất trong cuộc đời anh. Cái thông điệp này theo nhiều cách cũng gây ra sự hủy hoại như bản thân hành vi loạn luân vậy. Và kết quả, khi anh cố gắng tách ra khỏi mẹ mình và có những mối quan hệ người lớn với những người phụ nữ khác, cảm giác phản bội và tội lỗi trong anh đã gây tác hại khủng khiếp tới sự lành mạnh về cảm xúc và tình dục của anh.

Đậy nắp miệng núi lửa

Cách duy nhất mà nhiều nạn nhân có thể vượt qua được tổn thương bị gây ra bởi hành vi loạn luân khi còn nhỏ là thực hiện sự che đậy về mặt tâm lý, đẩy những ký ức ấy vào sâu bên trong nhận thức có ý thức để chúng có thể sẽ không xuất hiện trong nhiều năm, hoặc là mãi mãi.

Các ký ức về loạn luân thường đột ngột tràn về bởi một vài sự kiện cụ thể trong cuộc sống. Các bệnh nhân của tôi thường có những ký ức bị kích thích bởi những điều như sự ra đời của một đứa trẻ, kết hôn, cái chết của một thành viên trong gia đình, nhìn thấy một điều gì đó liên quan đến loạn luân trên các phương tiện truyền thông, hay thậm chí là tái hiện lại một chấn thương trong một giấc mơ.

Việc những ký ức này hiện lên trong quá trình điều trị những vấn đề tâm lý khác cũng rất phổ biến, mặc dù nhiều nạn nhân vẫn không thừa nhận hành vi loạn luân nếu không nhận được sự thúc đẩy từ các chuyên gia điều trị tâm lý.

Ngay cả khi những ký ức này xuất hiện, nhiều nạn nhân vẫn hoảng loạn và cố gắng đẩy chúng về lại chỗ cũ bằng cách từ chối tin vào chúng.

Một trong những trải nghiệm xúc động, để lại ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi từng có khi làm bác sĩ tâm lý là với Julie, 46 tuổi, tiến sĩ hóa sinh từng là thành viên của một trung tâm nghiên cứu lớn ở Los Angeles. Julie đến gặp tôi sau khi nghe tôi nói về hành vi loạn luân trong một chương trình phát thanh của mình. Cô nói với tôi rằng cô từng bị lạm dụng bởi anh trai trong khoảng thời gian từ 8 đến 15 tuổi.

Tôi từng có những tưởng tượng khủng khiếp về việc chết đi hoặc phát điên và bị đưa vào một trại tâm thần. Gần đây, tôi dành phần lớn thời gian nằm trên giường và trùm chăn kín đầu. Tôi không bao giờ rời khỏi nhà trừ những khi đi làm, và khi tới cơ quan, hầu như tôi cũng chẳng làm được gì ở đó. Mọi người thật sự lo lắng cho tôi. Tôi biết toàn bộ chuyện này liên quan đến anh trai tôi, nhưng tôi không thể nào nói về điều đó. Tôi cảm thấy như thể mình bị nhấn chìm trong đó vậy.

Juile rất mong manh, dường như đang trên bờ vực của một cơn suy sụp nghiêm trọng. Cô sẽ cười rũ rượi lúc này và khóc thút thít ngay sau đó. Cô hầu như không kiểm soát nổi những cảm xúc đang xâm chiếm mình.

Anh trai tôi cưỡng hiếp tôi lần đầu tiên khi tôi tám tuổi. Hắn khi ấy mười bốn tuổi và rất khỏe. Sau đó hắn buộc tôi phải làm ba hay bốn lần mỗi tuần. Cơn đau khủng khiếp đến nỗi tôi gần như đã rời khỏi cơ thể mình. Hiện giờ tôi nhận ra hắn ta hơi bị thần kinh, bởi hắn từng trói tôi lại rồi tra tấn tôi với dao, kéo, dao cạo râu, tua-vít, bất cứ thứ gì mà hắn có thể tìm thấy. Cách duy nhất để tôi có thể vượt qua được điều này là giả vờ rằng nó đang xảy ra với một ai đó khác.

Tôi hỏi Julie rằng cha mẹ của họ ở đâu khi những điều khủng khiếp ấy diễn ra.

Tôi không bao giờ kể với cha mẹ mình về bất cứ điều gì Tommy từng làm với tôi bởi hắn dọa rằng sẽ giết chết tôi nếu như tôi làm thế, và tôi hoàn toàn tin lời hắn. Cha tôi là một luật sư luôn dành đến mười sáu tiếng để làm việc một ngày kể cả vào những ngày cuối tuần, và mẹ tôi là một con nghiện. Chẳng có ai bảo vệ tôi cả. Trong vài giờ ít ỏi mà cha tôi ở nhà, ông sẽ muốn có được sự yên tĩnh, và ông muốn tôi chăm sóc mẹ. Toàn bộ tuổi thơ của tôi là cả một nỗi mơ hồ, chẳng có gì ngoại trừ những đớn đau.

Julie đã bị tổn thương nặng nề và sợ hãi việc điều trị, nhưng cô đã gom góp đủ dũng cảm để tham gia vào một nhóm nạn nhân loạn luân của tôi. Trong những tháng tiếp theo, cô đã rất cố gắng để hồi phục từ sự tra tấn tình dục của anh trai mình. Sức khỏe tinh thần của cô đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng này, và cô không còn cảm thấy mình đang đi trên một sợi dây giữa cơn cuồng loạn và trầm cảm nữa. Dù vậy, bất kể sự tiến bộ ở cô, bản năng của tôi nói với tôi vẫn có điều gì đó thiếu sót ở đây. Vẫn còn có điều gì đó thật tăm tối và bị ẩn giấu trong cô.

Vào một tối nọ cô tới buổi sinh hoạt nhóm trong tình trạng quẫn trí. Cô vừa nhớ lại một việc khiến cho cô khiếp sợ.

Một vài đêm trước, tôi có được một ký ức rất rõ ràng về việc mẹ tôi buộc tôi phải quan hệ bằng miệng cho bà ấy. Tôi hẳn đã điên rồi. Có lẽ tôi cũng đã tưởng tượng ra toàn bộ mọi chuyện về anh trai mình. Điều ấy chẳng bao giờ có thể xảy ra với mẹ tôi cả. Chắc chắn, bà ấy lúc nào cũng phê thuốc, nhưng bà ấy không thể làm chuyện đó với tôi được. Tôi điên mất rồi, Susan ạ. Chị phải đưa tôi đi bệnh viện thôi.

Tôi nói: “Bạn thân mến, nếu bạn tưởng tượng tất thảy mọi chuyện về anh trai mình, vậy thì tại sao bạn lại có thể tiến bộ đến thế khi cố vượt qua chúng trong suốt thời gian qua?”. Điều ấy khiến cô ấy cảm thấy có lý. Tôi tiếp tục: “Bạn biết đấy, những điều như thế này thường không hiện ra từ trí tưởng tượng của con người. Nếu như lúc này bạn nhớ ra chuyện về mẹ mình, thì đó là bởi bạn đã mạnh mẽ hơn so với trước đây - lúc này bạn đã sẵn sàng để đối mặt với nó”.

Tôi bảo với Julie rằng tiềm thức của cô đã rất bảo vệ cô. Nếu như cô nhớ ra điều này hồi cô vẫn còn sợ hãi khi tôi mới gặp cô lần đầu tiên, thì hẳn cô sẽ hoàn toàn gục ngã. Nhưng, nhờ tham gia sinh hoạt nhóm, thế giới cảm xúc của cô đã trở nên vững vàng hơn. Tiềm thức của cô đã cho phép ký ức bị kìm nén bấy lâu nay hiện ra bởi cô đã sẵn sàng để đương đầu với nó.

Rất ít người nói về loạn luân mẹ - con gái, nhưng tôi đã điều trị cho ít nhất một chục trường hợp như vậy. Động lực dẫn đến điều này là một sự bóp méo kỳ cục của nhu cầu đối với sự dịu dàng, tiếp xúc thân thể, và tình cảm. Những người mẹ có thể thực hiện hành vi xâm hại như thế này đối với đứa con mà mình mang nặng đẻ đau thường là những người có tâm lý vô cùng bất ổn và thường mắc chứng loạn thần kinh.

Nỗ lực của Julie trong việc đè nén những ký ức của mình đã khiến cô gần như rơi vào sự suy sụp tinh thần. Mặc dù những kỷ niệm ấy có đau đớn và ám ảnh ra sao, thì sự xuất hiện của chúng cũng là chiếc chìa khóa dẫn đến sự hồi phục của Julie.

Cuộc sống hai mặt

Các nạn nhân của loạn luân thường trở thành những diễn viên nhí tài năng. Trong thế giới nội tâm của chúng, là vô số khiếp sợ, hoang mang, buồn bã, cô đơn, và sự cô lập mà nhiều trẻ đã phát triển nên một bản thể giả tạo nhằm đối phó với thế giới bên ngoài, để hành động như thể mọi việc vẫn ổn và bình thường. Tracy nói về bản thể “ngụy tạo” của mình với một cái nhìn sâu sắc:

Tôi cảm thấy như thể tôi là hai con người trong một cơ thể. Trước mặt bạn bè, tôi rất thân thiện và dễ gần. Nhưng ngay khi tôi trở về nhà, tôi trở thành một kẻ hoàn toàn xa lánh xã hội. Tôi cứ rên rỉ khóc lóc không ngừng. Tôi ghét phải giao tiếp với người nhà bởi những khi ấy tôi luôn phải vờ rằng mọi chuyện vẫn ổn. Chị không biết việc phải đóng hai vai cùng một lúc khó khăn thế nào đâu. Đôi khi tôi cảm thấy như mình chẳng còn tí sức lực nào nữa.

Cả Dan nữa, cũng xứng đáng được nhận giải Oscar. Anh kể lại:

Tôi cảm thấy thật tội lỗi về những gì mà cha tôi làm với tôi vào mỗi tối. Tôi cảm thấy mình chỉ như một món đồ; tôi căm ghét chính mình. Nhưng tôi lại đóng vai một kẻ hạnh phúc và không ai trong gia đình phát giác ra điều gì không ổn ở tôi cả. Rồi, tự nhiên, tôi không còn mơ nữa. Tôi cũng không khóc nữa. Tôi giả vờ như thể tôi là một đứa trẻ hạnh phúc. Tôi là thằng hề của lớp học, và tôi là một người chơi đàn piano giỏi. Tôi thích được làm mọi người vui... làm bất cứ điều gì để khiến những người khác yêu quý tôi. Nhưng, bên trong, tôi đau lắm. Tôi âm thầm uống rượu kể từ khi tôi mười ba tuổi.

Bằng cách làm vui lòng những người khác, Dan mới có thể cảm thấy một chút cảm giác về sự chấp nhận và thành tựu. Nhưng bản thể bên trong anh lại đang vô cùng đau khổ, anh hầu như không cảm thấy hài lòng. Đấy là cái giá của việc sống với một lời nói dối.

Đối tác thầm lặng

Kẻ xâm hại và nạn nhân đã thực hiện xuất sắc phần việc của mình trong việc giữ bí mật của họ trong ngôi nhà. Nhưng bậc phụ huynh còn lại thì sao?

Khi tôi mới lần đầu làm việc với những người lớn mà từng bị xâm hại tình dục khi còn nhỏ, tôi nhận thấy rằng nhiều nạn nhân của sự loạn luân cha-con gái có vẻ như tức giận với người của mẹ họ hơn là với người cha. Nhiều nạn nhân tự hành hạ mình với câu hỏi thường không được giải đáp rằng mẹ của họ biết được bao nhiều về chuyện loạn luân đó. Nhiều người tin rằng mẹ của họ hẳn phải biết một chút ít gì đó, bởi có những thời điểm các dấu hiệu của việc lạm dụng là quá rõ ràng. Những người khác thì tin rằng mẹ của mình đáng lý ra phải biết, đáng lý ra nên nhận thấy những thay đổi trong hành vi của con gái họ, đáng lý ra nên cảm nhận được có gì đó sai lầm, và đáng lý ra nên nắm bắt được điều gì đang diễn ra trong ngôi nhà.

Tracy, kể về việc người cha bán bảo hiểm của cô đã tiến từ việc nhìn cô cởi quần áo tới việc chạm vào vùng kín của cô với một thái độ lạnh lùng như khi đàm phán một vụ làm ăn, nhưng cô khóc suốt khi nói về mẹ mình:

Tôi luôn có vẻ tức giận với mẹ tôi. Tôi có thể yêu bà và căm ghét bà cùng lúc. Đấy chính là người phụ nữ vẫn luôn thấy tôi bị trầm cảm, khóc nức nở trong phòng mình, và bà ấy chẳng nói một lời nào. Chị có tin được rằng có người mẹ bình thường nào lại không thấy được sự bất thường khi đứa con gái của mình khóc lóc suốt hay không? Tôi không thể nói ra với bà ấy về điều đang diễn ra, nhưng nếu như mà bà ấy hỏi... tôi cũng không biết nữa. Có lẽ là tôi cũng sẽ không nói với bà ấy. Chúa ơi, tôi ước gì bà ấy có thể phát hiện ra những gì mà ông ấy đã làm với tôi.

Tracy thổ lộ một điều ước mà tôi đã nghe đến hàng ngàn lần từ các nạn nhân của các vụ loạn luân - rằng theo một cách nào đó, một ai đó, đặc biệt là người mẹ, có thể phát hiện ra vụ việc để các nạn nhân không phải trải qua nỗi đau khi phải kể về nó.

Tôi đồng ý với Tracy rằng mẹ cô vô cùng thiếu nhạy cảm trước sự bất hạnh của con gái mình, nhưng điều ấy không có nghĩa là mẹ Tracy biết được điều gì đang diễn ra.

Có ba kiểu người mẹ trong các gia đình loạn luân: người hoàn toàn không biết gì, người có thể biết, và người thực sự biết.

Có thật là một người mẹ sống trong một gia đình loạn luân mà lại không biết gì cả hay không? Nhiều giả thuyết đưa ra rằng điều này thật vô lý, mọi người mẹ ít nhiều cũng nên cảm nhận được chuyện loạn luân đang xảy ra trong gia đình. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Tôi tin rằng có một số người mẹ thật sự không biết gì.

Loại người mẹ thứ hai là đối tác im lặng điển hình. Những người mẹ này là những kẻ đeo băng che mắt. Các manh mối về tội loạn luân có đó, nhưng bà lựa chọn phớt lờ chúng trong một nỗ lực sai lầm nhằm bảo vệ bản thân và gia đình của mình.

Loại người mẹ thứ ba đáng bị lên án hơn cả: những người mẹ mà nghe con mình kể về việc bị xâm hại nhưng lại chẳng làm gì hết. Khi điều này xảy ra, các nạn nhân đã bị phản bội đến hai lần.

Khi Liz 13 tuổi, cô đã cố gắng hết sức để kể với mẹ mình về việc quấy rối tình dục của cha dượng:

Tôi thực sự cảm thấy bế tắc. Tôi nghĩ rằng nếu như tôi kể với mẹ thì ít nhất bà cũng sẽ nói chuyện với ông ta. Đúng là một trò đùa. Bà ấy bật khóc nức nở và nói rằng... Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên được lời của bà ấy: “Tại sao con lại nói với mẹ điều này, con đang cố làm gì với mẹ thế này? Mẹ đã sống với cha dượng con suốt chín năm nay. Mẹ biết là ông ấy không thể làm việc như vậy được. Ông ấy là một mục sư. Mọi người đều kính trọng chúng ta. Con chắc là đang mơ đấy thôi. Tại sao con lại cố hủy hoại cuộc đời mẹ như thế? Chúa sẽ trừng phạt con”. Tôi không thể tin nổi. Tôi đã phải rất quyết tâm mới dám nói ra với bà, nhưng bà ấy đã quay lưng lại với tôi. Cuối cùng tôi lại phải đi xoa dịu bà ấy.

Liz bắt đầu khóc. Tôi ôm lấy cô thật lâu trong khi cô giải phóng nỗi đau đớn và khổ sở về phản ứng quá-mức-điển hình của mẹ cô trước sự thật. Mẹ của Liz là một đối tác im lặng kinh điển - thụ động, phụ thuộc, và ấu trĩ. Bà quá ám ảnh với việc tồn tại của chính mình và cả việc giữ cho gia đình được nguyên vẹn. Do đó, bà cần phải chối bỏ bất cứ điều gì có thể làm cho con thuyền gia đình bị chông chênh.

Chính bản thân nhiều bậc cha mẹ im lặng cũng từng là những đứa trẻ bị lạm dụng. Họ có lòng tự trọng rất thấp và có thể lặp lại cuộc đấu tranh của chính tuổi thơ mình. Họ thường trở nên bối rối trước bất kỳ một xung đột nào có thể đe dọa đến quá khứ bởi họ không muốn phải đối mặt với nỗi sợ hãi và sự lệ thuộc của mình. Và như thường lệ, Liz cuối cùng lại chịu tổn thương khi phải chăm lo tới cảm xúc của mẹ cô, dù cho chính Liz mới là người cần được giúp đỡ nhất.

Một số người mẹ khác lại thực sự đẩy con mình vào con đường loạn luân. Debra, một thành viên trong nhóm sinh hoạt của nạn nhân loạn luân cùng với Liz, kể một câu chuyện kinh hoàng:

Mọi người thường nói với tôi rằng tôi thật xinh đẹp - tôi biết là đàn ông vẫn luôn ngắm nhìn tôi - nhưng cả đời mình tôi vẫn luôn nghĩ tôi là một loại sinh vật ngoài hành tinh. Tôi luôn cảm thấy thật nhơ bẩn, chị biết đấy, thật kinh tởm. Những gì mà cha tôi làm với tôi đã đủ tệ rồi, nhưng mẹ tôi mới là người khiến tôi đau đớn. Bà ấy chính là má mì. Bà ấy sắp xếp thời gian và địa điểm, và đôi khi bà ấy còn giữ đầu tôi trên đùi bà trong lúc ông ta làm chuyện đó. Tôi luôn cầu xin bà đừng bắt ép tôi, nhưng bà ấy lại nói rằng: “Con yêu, mẹ xin con, hãy làm điều đó vì mẹ. Mẹ không đủ cho ông ấy, và nếu con không cho ông ấy những gì ông ấy muốn, ông ấy sẽ đi kiếm người đàn bà khác. Rồi chúng ta sẽ phải ra đường mà sống”. Tôi cố gắng để hiểu tại sao mẹ tôi lại làm như vậy, nhưng bản thân tôi cũng có hai đứa con và tôi nghĩ đó là điều không thể tưởng tượng nổi nhất mà một người mẹ có thể làm ra.

Nhiều nhà tâm lý học tin rằng những đối tác thầm lặng đã chuyển giao vai trò làm vợ/làm mẹ của mình sang con gái họ. Điều này hoàn toàn đúng với trường hợp của mẹ Debra, mặc dù việc chuyển giao được thực hiện công khai như vậy là hoàn toàn bất thường.

Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết những đối tác thầm lặng không chuyển giao vai trò của họ nhiều như từ bỏ quyền lực của bản thân. Họ thường không buộc con gái mình phải thay thế họ, nhưng họ cho phép bản thân và con gái mình chịu chi phối bởi kẻ xâm hại. Nỗi sợ hãi và nhu cầu phụ thuộc của họ tỏ ra mạnh mẽ hơn cả bản năng làm mẹ của họ, khiến cho con gái của họ không được bảo vệ.

Di chứng của nạn loạn luân

Mọi người lớn từng bị lạm dụng khi còn nhỏ mang theo từ tuổi thơ của mình cảm xúc của việc không thể thích nghi với xã hội, vô giá trị, và thật sự tồi tệ. Bất kể bên ngoài cuộc đời của họ có ra sao, tất cả các nạn nhân trưởng thành của tội loạn luân đều có chung những cảm giác bi thương, với ba chữ D của tội loạn luân: Dơ bẩn, Đau đớn, và Đơn độc. Cuộc đời của Connie bị bóp méo thảm hại bởi ba chữ D này. Như lời cô miêu tả:

Tôi từng cảm thấy rằng tôi đi tới trường với một dòng chữ trên trán mình “nạn nhân của tội loạn luân”. Tôi vẫn nghĩ rất nhiều về những lúc người ta có thể nhìn thấu được tôi và thấy rằng tôi đáng kinh tởm ra sao. Tôi chẳng giống ai hết cả. Tôi không được bình thường.

Sau nhiều năm, những nạn nhân khác miêu tả bản thân mình như là “người Voi”, “sinh vật ngoài vũ trụ”, “một kẻ trốn thoát khỏi nông trại vui nhộn” và “thấp hèn hơn cả tầng lớp cặn bã nhất trên trái đất”.

Loạn luân giống như một dạng ung thư tâm lý. Nó không có giai đoạn cuối, nhưng sự điều trị là cần thiết và đôi khi đầy đau đớn. Connie đã không điều trị trong suốt hai mươi năm. Điều đó gây ra những hệ quả khủng khiếp cho cuộc đời cô, đặc biệt là với những mối quan hệ.

“Tôi không biết một mối quan hệ yêu đương có cảm giác ra sao”

Cảm giác chán ghét bản thân của Connie dẫn cô tới hàng loạt những mối quan hệ tự hạ thấp mình với đàn ông. Bởi vì mối quan hệ đầu tiên của cô với một người đàn ông (cha cô) liên quan tới sự phản bội và lạm dụng, tình yêu và sự ngược đãi đã gắn chặt trong tâm trí cô. Khi là một người lớn, cô bị hấp dẫn bởi những người đàn ông có thể cho phép cô tái diễn lại kịch bản quen thuộc này. Một mối quan hệ lành mạnh, một mối quan hệ của sự quan tâm chăm sóc và tôn trọng, có cảm giác thật không bình thường, không phù hợp với quan điểm của cô về bản thân mình.

Hầu hết các nạn nhân của nạn loạn luân đều có một thời gian đặc biệt khó khăn với các mối quan hệ yêu đương khi trưởng thành. Nếu một nạn nhân tình cờ tìm thấy một mối quan hệ yêu đương, thì những bóng ma trong quá khứ sẽ tiếp tục làm vấy bẩn nó - thường là trong khía cạnh tình dục.

Sự tước đoạt về tình dục

Chấn thương tâm lý bởi loạn luân của Tracy ảnh hưởng nặng nề tới cuộc hôn nhân của cô với một người đàn ông tử tế và luôn quan tâm cô. Cô kể với tôi:

Cuộc hôn nhân của tôi với David đang đổ vỡ. Anh ấy là một người tuyệt vời, nhưng anh ấy còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa đây? Chuyện quan hệ diễn ra rất tệ. Nó vẫn luôn là vậy. Tôi thậm chí còn không muốn trải qua điều ấy nữa. Tôi ghét anh ấy chạm vào tôi. Tôi ước gì trên đời này không có thứ gọi là tình dục.

Việc một nạn nhân cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về việc làm tình là điều khá bình thường. Đó là một phản ứng rất bình thường trong loạn luân. Tình dục trở thành một sự gợi nhắc không thể xóa bỏ về nỗi đau và sự phản bội. Những điều này sẽ lặp đi lặp lại trong đầu cô ấy: “Tình dục thật bẩn thỉu, tình dục thật tồi tệ... Tôi đã làm những điều khủng khiếp khi tôi còn nhỏ... nếu như tôi làm những việc kinh khủng ấy vào lúc này, tôi sẽ lại cảm thấy mình là một kẻ tồi tệ”.

Nhiều nạn nhân nói về việc không thể quan hệ tình dục mà không nhớ đến những chuyện trong quá khứ. Họ cố gắng thân mật với người mà họ quan tâm, nhưng trong tâm trí họ, họ đang sống lại những chấn thương loạn luân ban đầu. Trong suốt thời điểm quan hệ, những người lớn từng là nạn nhân này thường nhìn hay nghe thấy kẻ xâm hại trong căn phòng. Những sự gợi nhớ này mang lại toàn bộ những cảm xúc tiêu cực về bản thân họ, và hứng thú tình dục của họ tắt ngấm như một ngọn lửa bị tạt nước.

Những nạn nhân của loạn luân khác, như Connie, sử dụng hoạt động tình dục theo những cách phỉ báng bản thân bởi họ lớn lên với niềm tin rằng làm tình là thứ duy nhất mà họ có thể làm tốt. Mặc dù họ có thể sẽ ngủ với hàng trăm người đàn ông chỉ để đổi lấy một chút tình cảm, họ vẫn cảm thấy chán ghét tình dục.

“Tại sao những cảm giác tốt đẹp lại khiến tôi thấy tồi tệ?”

Một nạn nhân khi trưởng thành trở nên nhạy cảm về tình dục và có khoái cảm (và nhiều người đều vậy) có thể sẽ vẫn cảm thấy tội lỗi về cảm xúc tình dục của mình, khiến cho họ khó hoặc thậm chí là không thể tận hưởng nó. Tội lỗi có thể khiến những cảm giác tốt đẹp trở nên tồi tệ.

Trái ngược với Tracy, Liz rất nhạy cảm về tình dục, nhưng những bóng ma của quá khứ không hề giảm đi sự ám ảnh:

Tôi có rất nhiều lần cực khoái. Tôi thích làm tình. Nhưng mọi việc trở nên tồi tệ sau đó. Tôi thấy thật tuyệt vọng. Khi chuyện đó qua đi, tôi không muốn được ôm hay bị chạm vào... Tôi chỉ muốn người đàn ông ấy tránh xa tôi ra. Anh ấy sẽ không hiểu được vì sao tôi như thế. Có đôi lần khi chuyện ấy thật sự tuyệt vời, tôi tưởng rằng sẽ tự vẫn sau đó.

Mặc dù Liz có đạt được khoái cảm tình dục, cô vẫn có những cảm xúc chán ghét bản thân mạnh mẽ. Như một hệ quả, cô cần phải chuộc tội cho sự khoái lạc này bằng cách trừng phạt bản thân, thậm chí là tới mức hình dung đến việc tự sát. Dường như với những cảm giác và tưởng tượng hạ nhục bản thân này, theo một cách nào đó, cô có thể vớt vát cho những khoái cảm tình dục đầy “tội lỗi” và “đáng hổ thẹn” của mình.

“Tôi không thể biết trừng phạt bản thân mình bao nhiêu là đủ”

Ở chương trước chúng ta đã thấy các nạn nhân của nạn bạo hành hướng nỗi đau và sự căm giận của mình vào chính bản thân họ - hay trong một số trường hợp là vào những người khác. Các nạn nhân của nạn loạn luân cũng có khuynh hướng đi theo cùng con đường ấy, giải thoát sự phẫn nộ bị kìm nén và nỗi đau khổ chưa được giải quyết của mình theo nhiều cách thức khác nhau.

Trầm cảm là một sự bộc lộ cực kỳ phổ biến của những xung đột loạn luân bị kìm nén. Nó có thể tồn tại dưới dạng một cảm giác chung chung về nỗi buồn cho tới mức gần như hoàn toàn tê liệt về mặt cảm xúc.

Một số lượng không đáng kể các nạn nhân của loạn luân, đặc biệt là phụ nữ, cho phép mình trở nên béo phì khi trưởng thành. Cân nặng đóng hai vai trò quan trọng đối với các nạn nhân này: (1) họ hình dung rằng điều ấy sẽ khiến đàn ông tránh xa họ, và (2) thân hình quá khổ sẽ giúp tạo nên một ảo tưởng về sức mạnh và uy quyền. Nhiều nạn nhân tỏ ra sợ hãi khi họ bắt đầu giảm cân bởi điều đó lại một lần nữa khiến cho họ cảm thấy mình bất lực và yếu đuối.

Các cơn đau đầu thường xuyên cũng rất phổ biến đối với các nạn nhân. Những cơn đau đầu ấy không chỉ là biểu thị của cơ thể về sự căm giận và lo lắng bị dồn nén mà nó còn là một hình thức của sự tự trừng phạt bản thân nữa.

Nhiều nạn nhân của nạn loạn luân đánh mất mình bằng việc lạm dụng rượu và ma túy. Điều này tạm thời làm suy yếu những cảm xúc của họ về sự mất mát và trống rỗng. Tuy nhiên, việc trì hoãn đối mặt với vấn đề chỉ càng kéo dài thêm sự đau khổ của nạn nhân.

Rất nhiều nạn nhân của nạn loạn luân tìm kiếm sự trừng phạt từ thế giới bên ngoài. Họ phá hỏng các mối quan hệ, tìm kiếm sự trừng phạt từ những người mà họ yêu thương. Họ phá hỏng công việc của mình, tìm kiếm sự trừng phạt từ các đồng nghiệp và cấp trên. Một số người phạm vào các tội hình sự, tìm kiếm sự trừng phạt từ xã hội. Những người khác trở thành đĩ điếm, tìm kiếm sự trừng phạt từ những kẻ ma cô, khách làng chơi - hay thậm chí là từ cả Chúa.

“Lần này mọi chuyện sẽ tốt hơn”

Có một nghịch lý khó hiểu trong thực tế, chính là bất kể cuộc đời của mình có đau đớn ra sao, rất nhiều những nạn nhân của nạn loạn luân vẫn tiếp tục gắn bó với bậc cha mẹ độc hại. Nỗi đau đến từ những bậc cha mẹ ấy, nhưng các nạn nhân vẫn tìm đến họ nhằm làm dịu bớt nó đi. Các nạn nhân rất khó để có thể từ bỏ những ảo tưởng về một gia đình hạnh phúc.

Một trong những di chứng mạnh mẽ nhất của nạn loạn luân là họ sẽ không bao giờ kết thúc sự tìm kiếm chiếc chìa khóa thần kỳ giúp mở ra chiếc rương kho báu tình yêu và chấp thuận của cha mẹ. Sự tìm kiếm này giống như là một bãi cát lún, nuốt trọn nạn nhân trong một giấc mơ không tưởng, ngăn cản họ trong việc tiếp tục với cuộc sống của mình.

Liz tóm tắt lại:

Tôi vẫn nghĩ rằng vào một ngày nào đó họ sẽ xuất hiện và nói: “Chúng ta nghĩ rằng con thật tuyệt vời và chúng ta yêu con vì con vẫn luôn là con”. Dù tôi biết rằng cha dượng tôi là một kẻ lạm dụng tình dục trẻ em, và mặc dù tôi biết rằng mẹ tôi chọn ông ta thay vì tôi... nó giống như là việc tôi cần họ tha thứ cho tôi vậy.

Người bình thường nhất trong gia đình

Nhiều người đã sốc khi tôi nói rằng các nạn nhân của loạn luân mà tôi làm việc cùng thường là những thành viên lành mạnh nhất trong gia đình. Rốt cuộc, các nạn nhân này thường có những triệu chứng như - tự buộc tội bản thân, trầm cảm, các hành vi tự hủy hoại, gặp vấn đề về tình dục, cố gắng tự tử, lạm dụng các chất kích thích - trong khi những thành viên còn lại của gia đình thường có vẻ khỏe mạnh.

Nhưng đối lập với điều này, nạn nhân thường là người có cái nhìn sáng tỏ nhất về sự thật. Cô ấy thường bị buộc phải hi sinh bản thân để che đậy sự điên rồ và căng thẳng trong hệ thống gia đình. Cô ấy là người phải mang bí mật của gia đình trong suốt cả cuộc đời mình. Cô ấy sống với những nỗi đau tinh thần to lớn nhằm bảo vệ câu chuyện hoang đường về một gia đình êm ấm. Với toàn bộ những đau đớn và xung đột này, nạn nhân thường là người đầu tiên tìm đến sự giúp đỡ trong khi cha mẹ cô sẽ gần như luôn từ chối buông tha và luôn bảo vệ lớp phòng vệ của mình. Họ từ chối đối mặt với thực tại.

Bằng việc trị liệu, hầu hết các nạn nhân đều có thể lấy lại phẩm giá và sức mạnh của mình. Nhận ra một vấn đề và tìm kiếm sự giúp đỡ không chỉ là dấu hiệu của sự lành mạnh mà còn là cả sự dũng cảm nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3