Cha Mẹ Độc Hại - Chương 09
PHẦN 2
GIÀNH LẠI CUỘC ĐỜI BẠN
Cách sử dụng phần hai của cuốn sách này
Bây giờ sự tập trung của chúng ta sẽ chuyển từ những gì cha mẹ bạn đã làm với bạn sang những gì bạn có thể làm cho chính mình để giảm bớt sức mạnh của họ lên cuộc đời bạn. Tôi sẽ trao cho bạn những kỹ thuật và chiến lược hành vi cụ thể nhằm thay đổi những mẫu hình tự làm hại bản thân và trở thành con người bạn mong muốn.
Những chiến lược đó không nhằm mục đích thay thế việc trị liệu tâm lý mà đúng hơn là làm tăng cường hiệu quả trong trị liệu, trong các nhóm hỗ trợ hoặc chương trình Mười Hai Bước. Một số người có thể tự mình làm công việc này, nhưng nếu bạn là nạn nhân đã trưởng thành của việc lạm dụng tình dục hoặc thể chất thì tôi tin rằng sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý là cần thiết với bạn.
Nếu bạn lạm dụng rượu hay ma tuý để xoá đi những cảm xúc của mình, thì bạn cần phải xử lý cơn nghiện của bạn trước khi áp dụng phương pháp trong cuốn sách này. Không có cách nào để kiểm soát cuộc đời bạn nếu bạn đang bị nghiện ngập kiểm soát. Vì lý do ấy, tôi nhấn mạnh rằng bất kì thân chủ nào của tôi lạm dụng thuốc hoặc chất gây nghiện cũng phải tham gia một chương trình như Alcoholics Anonymous (Người nghiện rượu ẩn danh) hay Narcotics Anonymous (Người nghiện ma túy ẩn danh). Phương pháp trong cuốn sách này nên được tiến hành sau ít nhất sáu tháng cai nghiện thành công.
Cảm xúc của bạn cực kỳ đau đớn trong giai đoạn đầu của sự hồi phục, và với nguy cơ phát hiện, khám phá ra những kinh nghiệm thời thơ ấu đầy nỗi buồn trong khoảng thời gian này có thể khiến bạn lại rơi vào lạm dụng chất kích thích.
Nếu tôi khuyên bạn đi theo con đường mà tôi phác thảo sẽ giúp mọi vấn đề của bạn sẽ biến mất sau một đêm sẽ là không thực tế. Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn nếu bạn làm theo cách này thì bạn sẽ phát hiện được những cách thức mới thú vị trong quan hệ với cha mẹ bạn và những người khác. Bạn sẽ định nghĩa được mình là ai và bạn muốn sống như thế nào. Và bạn sẽ khám phá ra một cảm nhận mới về sự tự tin và giá trị bản thân.
CHƯƠNG 9
BẠN KHÔNG CẦN PHẢI THA THỨ
Tại thời điểm này, có thể bạn sẽ tự hỏi bản thân rằng: “Bước đầu tiên không phải là tha thứ cho cha mẹ tôi ư?”. Câu trả lời của tôi là không. Điều này có thể làm bạn sốc, tức giận, mất tinh thần hoặc bối rối. Phần lớn chúng ta từng bị dẫn dắt tin theo điều ngược lại - rằng tha thứ là bước đầu tiên để chữa lành.
Trên thực tế, bạn không cần phải tha thứ cho cha mẹ bạn để cảm thấy tốt hơn về bản thân mình và thay đổi cuộc đời bạn!
Tôi biết chắc chắn điều này công khai chống lại một vài nguyên tắc tôn giáo, tâm linh, triết học và tâm lý của chúng ta. Theo đạo lý Do Thái Kitô Giáo, “Ai chẳng có lúc phạm sai lầm”. Tôi cũng ý thức được có nhiều chuyên gia trong những công việc trợ giúp khác nhau thực sự tin rằng tha thứ không chỉ là bước đầu tiên mà còn là bước cần thiết để đạt tới sự bình an bên trong. Tôi hoàn toàn phản đối.
Thuở mới hành nghề trợ giúp, tôi cũng từng tin rằng việc tha thứ cho những người đã làm tổn thương bạn, đặc biệt là cha mẹ, đóng một phần quan trọng trong quá trình chữa lành. Tôi thường động viên các thân chủ - nhiều người từng bị ngược đãi nghiêm trọng - hãy tha thứ cho cha mẹ tàn nhẫn hay bạo hành. Thêm vào đó, nhiều thân chủ làm trị liệu của tôi nói họ đã tha thứ cho cha mẹ độc hại của họ, nhưng tôi phát hiện thấy họ thường không cảm thấy tốt hơn tẹo nào khi tha thứ. Họ vẫn cảm thấy tồi tệ về bản thân mình. Họ vẫn còn những triệu chứng của họ. Lòng khoan dung không tạo ra bất kì thay đổi quan trọng hoặc lâu dài nào cho họ. Trên thực tế, một số người thậm chí còn thấy mình không thể thích nghi được với xã hội, không trưởng thành được về mặt tâm lý. Họ nói những câu đại loại như: “Có thể vì tôi chưa đủ khoan dung”; “Mục sư của tôi nói tôi thực tâm chưa hề tha thứ” hay “Tôi không làm được gì đúng hay sao?”.
Tôi đã xem xét kỹ lưỡng khái niệm tha thứ. Tôi bắt đầu tự hỏi liệu có thể thực sự gây cản trở sự tiến bộ hơn là tăng cường nó?
Tôi đi đến nhận định rằng có hai mặt của sự tha thứ: từ bỏ mong muốn trả thù và tha tội cho bên chịu trách nhiệm.
Tôi không gặp nhiều khó khăn với việc chấp nhận quan điểm người ta cần phải buông bỏ ham muốn trả thù. Trả thù là một động cơ rất bình thường nhưng mang tính tiêu cực. Nó làm bạn sa lầy vào trong những huyễn tưởng ám ảnh về việc trả thù cho hả dạ, nó tạo ra nhiều nỗi thất vọng và bất hạnh; nó chống lại sự an lạc của bạn.
Mặc dù sự trả thù cho bạn cảm giác ngọt ngào trong chốc lát, nhưng nó tiếp tục kích động sự hỗn loạn cảm xúc giữa bạn và cha mẹ, lãng phí thời gian và năng lượng quý báu.
Thật khó để từ bỏ mong muốn trả thù của bạn, nhưng rõ ràng đó là một bước lành mạnh.
Nhưng mặt kia của sự tha thứ cũng không được rõ ràng. Tôi cảm thấy có điều gì đó sai trái khi tha tội một cách vô điều kiện cho ai đó, đặc biệt nếu anh ta từng ngược đãi một đứa trẻ vô tội.
Tại sao bạn nên “bỏ qua” cho một người cha từng khủng bố và đánh đập bạn, người biến tuổi thơ của bạn thành một địa ngục? Làm sao bạn có thể “làm ngơ” sự thật rằng bạn từng phải về một căn nhà tối tăm và chăm sóc bà mẹ hầu như ngày nào cũng say xỉn? Và bạn nhất định phải “tha thứ” cho một ông bố từng cưỡng hiếp bạn khi mới 7 tuổi?
Càng nghĩ về điều đó, tôi càng nhận ra đây chắc chắn là một hình thức khác của sự phủ nhận: Nếu tôi tha thứ cho bạn, chúng ta giả vờ như những gì từng xảy ra không quá “kinh khủng”. Tôi dần nhận ra khía cạnh này của sự tha thứ thực sự ngăn cản nhiều người tiếp tục lo cho cuộc đời họ.
Cạm bẫy tha thứ
Một trong những điều nguy hiểm nhất của tha thứ là nó làm giảm khả năng buông bỏ những cảm xúc bị dồn nén của bạn. Làm sao bạn có thể thừa nhận cơn tức giận đối với người bố mà bạn đã tha thứ? Trách nhiệm chỉ có thể đi đến một trong hai nơi: bên ngoài, đặt lên người đã gây tổn thương cho bạn, hoặc bên trong, vào bản thân bạn. Một ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Do đó bạn có thể tha thứ cho cha mẹ bạn nhưng rốt cuộc lại càng căm ghét bản thân nhiều hơn.
Tôi cũng nhận thấy nhiều thân chủ vội vã tha thứ để tránh chịu đựng nhiều đau đớn của quá trình trị liệu. Họ tin là bằng cách tha thứ, họ có thể tìm thấy một con đường tắt để cảm thấy thoải mái hơn. Một số ít thân chủ “tha thứ”, bỏ làm trị liệu và lại lún sâu hơn vào trầm cảm hoặc lo âu.
Nhiều thân chủ khư khư bám chặt vào những ảo tưởng của họ: “Tôi chỉ cần tha thứ và tôi sẽ được chữa lành, tôi sẽ có sức khoẻ tinh thần tuyệt vời, mọi người sẽ yêu thương nhau, chúng tôi sẽ trao cho nhau nhiều cái ôm, và cuối cùng chúng tôi sẽ hạnh phúc”.
Các thân chủ của tôi quá nhiều lần phát hiện ra lời hứa suông của sự tha thứ chỉ làm cho họ trở nên thất vọng ê chề. Một số người thấy hạnh phúc hơn, nhưng nó không kéo dài vì chưa có gì thực sự thay đổi trong cách họ cảm nhận hoặc trong những tương tác của gia đình họ.
Tôi nhớ về một buổi tham vấn đặc biệt cảm động với một thân chủ tên là Stephanie, ví dụ minh hoạ cho người đã trải qua một số khó khăn điển hình kể trên của việc tha thứ quá sớm. Stephanie, 27 tuổi, một tín đồ Christ tái sinh cực kỳ ngoan đạo. Ở tuổi 11, Stephanie bị cha dượng cưỡng hiếp. Ông ta tiếp tục lạm dụng cô cho tới khi mẹ cô đá hắn ra khỏi nhà (vì vài lý do khác) một năm sau. Trong bốn năm tiếp theo, Stephanie bị nhiều bạn trai khác của mẹ cô quấy rối. Cô bỏ nhà ra đi năm 16 tuổi và trở thành gái điếm. Bảy năm sau, cô bị một khách làng chơi đánh đập tới suýt chết.
Trong khi đang bình phục ở bệnh viện, Stephanie gặp một người đàn ông thuyết phục cô đến thăm nhà thờ của ông. Vài năm sau họ kết hôn và sinh được một cậu con trai. Cô cố gắng xây dựng lại đời mình. Nhưng mặc dù đã có gia đình mới và tôn giáo mới, Stephanie vẫn đau khổ. Cô mất hai năm đi trị liệu, nhưng vẫn không thể lay chuyển được cơn trầm cảm nặng nề trong cô. Đó là khi cô tìm đến tôi.
Tôi đưa Stephanie vào một trong các nhóm nạn nhân bị loạn luân của tôi. Trong buổi tham vấn đầu tiên của cô ấy, Stephanie bảo đảm với chúng tôi rằng cô đã giảng hòa và tha thứ cho cha dượng và người mẹ lạnh lùng của cô. Tôi đã khuyên, nếu cô muốn thoát khỏi trầm cảm thì cô phải “dừng tha thứ” một thời gian, để liên lạc với cơn giận của cô. Cô khăng khăng mình tin tưởng sâu sắc ở sự tha thứ, và cô không cần phải tức giận để cảm thấy tốt hơn. Giữa chúng tôi xảy ra cuộc tranh cãi kịch liệt, một phần vì tôi yêu cầu cô ấy làm một chuyện khá đau đớn, mà còn vì niềm tin tôn giáo của cô mâu thuẫn trái ngược với những nhu cầu tâm lý của cô.
Stephanie đã làm việc một cách nghiêm túc, nhưng cô từ chối chạm vào cơn thịnh nộ của mình. Tuy nhiên, cô dần dần bắt đầu phẫn nộ thay cho những người khác trong nhóm nạn nhân bị loạn luân. Chẳng hạn, một đêm nọ cô ôm một thành viên khác trong nhóm mà nói “Cha cậu là một con quái vật, mình ghét ông ta!”.
Vài tuần sau, cơn giận bị kìm nén của cô cuối cùng đã bộc phát. Cô gào thét, nguyền rủa và buộc tội cha mẹ cô đã huỷ hoại thời thơ ấu và phá hỏng những năm tháng tuổi trưởng thành của cô. Tôi ôm cô vào lòng khi cô nức nở, tôi có thể thấy cơ thể cô thả lỏng. Khi nhận thấy Stephanie đã bình tĩnh lại, tôi hỏi đùa rằng “Một cô gái theo đạo Cơ đốc tử tế sẽ ứng xử thế nào nhỉ?”. Câu trả lời của cô tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên:
Tôi đoán là Chúa muốn tôi bình phục hơn là ngài muốn tôi tha thứ.
Đêm đó là bước ngoặt cho cuộc đời cô ấy.
Người ta có thể tha thứ cho cha mẹ độc hại, nhưng họ nên làm điều đó vào lúc kết thúc chứ không phải ở lúc bắt đầu - của việc dọn dẹp, thanh lọc cảm xúc của họ. Mọi người cần học cách tức giận về những chuyện đã xảy ra với họ. Họ cần phải đau buồn trước sự thật rằng họ chưa bao giờ có được tình yêu của cha mẹ mà họ hằng khao khát. Họ cần chấm dứt việc giảm nhẹ hoặc quên đi tổn thương mà cha mẹ gây ra cho họ. Nhiều khi, “tha thứ và quên đi” đồng nghĩa với “vờ như chuyện đó chưa từng xảy ra”.
Tôi cũng tin rằng tha thứ chỉ thích hợp khi cha mẹ làm điều gì đó cho thấy họ xứng đáng. Cha mẹ độc hại, đặc biệt là những người lạm dụng, cần phải nhìn nhận những gì đã xảy ra, chịu trách nhiệm, và sẵn lòng sửa đổi. Nếu bạn đơn phương tha thứ cho cha mẹ luôn tiếp tục ngược đãi bạn, chối bỏ phần lớn thực tại và những cảm xúc của bạn, và tiếp tục đổ lỗi cho bạn, thì bạn có thể ngăn cản quá trình làm việc với cảm xúc của bạn.
Nếu một hoặc cả cha mẹ bạn đã qua đời, thì bạn vẫn có thể chữa lành tổn thương bằng cách tha thứ cho bản thân và thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ.
Tới lúc này, có thể bạn sẽ đặt câu hỏi về việc chính bạn không tha thứ cho cha mẹ mình, bạn có cảm thấy cay đắng và tức giận suốt quãng đời còn lại không? Nhưng thực tế thì ngược lại. Những gì tôi đã thấy nhiều năm qua đó là sự bình an trong tâm hồn là do giải thoát bản thân bạn khỏi vòng kiểm soát của cha mẹ độc hại, mà không cần thiết phải tha thứ cho họ. Và sự giải thoát đó chỉ có thể đạt được sau khi bạn làm việc với những cảm xúc phẫn nộ và đau khổ mãnh liệt bên trong bạn và sau khi bạn đặt trách nhiệm lên vai họ, nơi mà nó thuộc về.