Cha Mẹ Độc Hại - Chương 10
CHƯƠNG 10
“TÔI LÀ MỘT NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH NHƯNG TẠI SAO TÔI KHÔNG CẢM THẤY NHƯ VẬY?”
Những đứa con của cha mẹ độc hại cần sự chấp thuận của cha mẹ đến nỗi điều ấy làm họ không thể sống cuộc đời như mong muốn. Sự thật là đa số người trưởng thành đều từng tranh cãi đôi lần với cha mẹ họ. Nếu được hỏi: “Bạn có thể có những suy tư, hành động và cảm xúc của riêng mình mà không cần bận tâm đến những hy vọng và mong muốn của cha mẹ không?” thì rất ít người có thể trả lời “có”. Trên thực tế, trong một gia đình lành mạnh, chuyện mỗi cá nhân có vướng mắc một chút với nhau lại vô cùng có lợi. Nó tạo ra cảm giác của sự thân thuộc, của mối quan hệ gia đình ruột thịt. Nhưng ngay cả trong những gia đình lành mạnh, sự ảnh hưởng đó có thể hơi quá. Và trong những gia đình độc hại thì nó còn trở nên cực đoan.
Một số người cảm thấy xấu hổ hoặc phật ý khi tôi cho rằng họ đang có mối quan hệ...mang tính tiêu cực với cha mẹ mình. Hãy nhớ rằng đây là một khó khăn thường gặp. Rất ít người đủ trưởng thành để hoàn toàn chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình và thoát khỏi nhu cầu được cha mẹ chấp thuận. Phần đông chúng ta đã rời khỏi nhà về mặt thể xác, nhưng rất ít người rời khỏi nhà về mặt tinh thần.
Về cơ bản có hai kiểu vướng mắc. Kiểu đầu tiên là liên tục chiều lòng cha mẹ để xoa dịu họ. Bất kể nhu cầu hay mong muốn của bạn là gì, thì những nhu cầu và mong muốn của cha mẹ bạn lúc nào cũng được ưu tiên hàng đầu. Kiểu thứ hai là làm điều ngược lại. Bạn luôn lầm tưởng rằng nếu bạn la hét, đe dọa, hoặc hoàn toàn xa cách với cha mẹ thì bạn đã tự làm chủ chính cuộc đời mình. Trường hợp này dù có vẻ trái ngược, nhưng cha mẹ bạn vẫn có sự kiểm soát lớn đến cách bạn cảm nhận và cư xử. Chừng nào bạn còn tiếp tục phản ứng gay gắt với cha mẹ, thì bạn đã trao cho họ quyền chọc giận bạn, chính điều này cho phép họ kiểm soát bạn.
Để giúp bạn xác định xem bạn vẫn còn vướng mắc với cha mẹ ra sao, tôi đã thiết kế ba bảng kiểm tra, một bảng về niềm tin, một bảng về cảm xúc và một bảng về hành vi. Bạn hãy dùng chúng như chất xúc tác để giúp bạn khám phá ra những niềm tin, cảm xúc và hành vi làm hại bản thân của mình.
Hãy nhớ là, khi tôi dùng thuật ngữ “cha mẹ”, bạn có thể thay thế cha hoặc mẹ. Tôi sử dụng số nhiều để đơn giản hóa danh sách.
Bạn tin vào điều gì?
Như chúng ta thấy trong chương 8, niềm tin đã in sâu trong thái độ, nhận thức và những quan điểm về con người, các mối quan hệ và đạo đức. Trước khi bạn có thể bắt đầu quá trình phát triển và thay đổi trong cuộc đời bạn, thì điều thiết yếu trước tiên bạn cần làm là ý thức được mối quan hệ giữa những niềm tin sai lầm, những cảm xúc tiêu cực và những hành vi tự làm hại chính mình.
Đây là cách nó diễn ra: một niềm tin chẳng hạn như “Dù có làm gì đi nữa tôi cũng không thể thành công bởi cha mẹ tôi luôn nắm mọi quyền hành”. Điều này có lẽ sẽ khiến bạn cảm thấy mình yếu đuối, sợ hãi, thất vọng và quá sức chịu đựng. Để chống lại những cảm xúc đó, bạn sẽ tự động thừa nhận mình sai trong những cuộc bất đồng ý kiến, chiều theo những mong muốn của cha mẹ và có thể tìm đến rượu hoặc ma túy để tránh né những cảm xúc đó. Mọi thứ đều bắt đầu từ niềm tin.
Danh sách kiểm tra đầu tiên này sẽ giúp bạn xác định một số niềm tin làm nền tảng cho cảm xúc và hành vi của bạn. Hãy đánh dấu tích cạnh những câu bạn cảm thấy đúng với mình.
Trong mối quan hệ của tôi với cha mẹ, đây là những điều tôi tin tưởng:
- Tôi có bổn phận làm cha mẹ hạnh phúc.
- Tôi có bổn phận làm cha mẹ tự hào.
- Tôi là toàn bộ cuộc sống của cha mẹ tôi.
- Cha mẹ không thể sống thiếu tôi.
- Tôi không thể sống thiếu cha mẹ.
- Nếu tôi nói cho cha mẹ biết sự thật về (chuyện ly hôn, phá thai, tôi là người đồng tính, hôn thê của tôi là người vô thần), điều đó sẽ giết chết họ.
- Nếu tôi chống lại cha mẹ thì tôi sẽ mất họ vĩnh viễn.
- Nếu tôi nói cho họ biết họ đã làm tổn thương tôi nhiều ra sao thì họ sẽ không còn quan tâm tôi.
- Tôi không nên làm hay nói bất kì điều gì gây tổn thương cha mẹ.
- Cảm xúc của cha mẹ quan trọng hơn cảm xúc của tôi.
- Dù có nói chuyện với cha mẹ tôi cũng không thay đổi được gì bởi sẽ chẳng có gì cải thiện cả.
- Nếu cha mẹ tôi thay đổi thì tôi sẽ cảm thấy hài lòng về mình.
- Tôi phải chuộc lỗi với cha mẹ vì tôi là một đứa con hư.
- Nếu tôi cho cha mẹ thấy họ gây tổn thương tôi nhiều ra sao thì tôi biết họ sẽ thay đổi.
- Bất kể họ đã làm gì thì họ vẫn là cha mẹ tôi và tôi phải tôn trọng họ.
- Cha mẹ tôi không kiểm soát được cuộc đời tôi đâu. Tôi lúc nào cũng chống lại họ.
Nếu có từ bốn trở lên những niềm tin đó đúng với bạn thì bạn vẫn còn rất vướng mắc với cha mẹ mình. Dù khó chấp nhận, tất cả những niềm tin kể trên đều mang tính tiêu cực. Chúng ngăn không cho bạn trở thành một người độc lập và riêng biệt. Chúng làm tăng sự phụ thuộc và cướp đi sức mạnh để bạn trưởng thành.
Một vài niềm tin trong số đó đặt hoàn toàn trách nhiệm lên vai bạn. Bạn phải chịu trách nhiệm cho những cảm xúc của cha mẹ. Khi các bậc cha mẹ độc hại cảm thấy tồi tệ thì họ thường tìm người khác để đổ lỗi, và “người khác” đó thường là đứa con của họ. Nếu bạn bị buộc phải tin rằng bạn phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của cha mẹ, thì có lẽ bạn vẫn tin mình có khả năng “khiến” họ và mọi người cảm thấy hạnh phúc hoặc buồn bã.
Nhiều chuyên gia về hành vi con người cho rằng bạn không thể tạo tác động về suy nghĩ, cảm nhận cho người khác. Tôi không nghĩ điều đó là đúng. Tôi tin rằng chúng ta có một ảnh hưởng nào đó lên cảm xúc của những người mà ta có quan hệ. Nhưng có ảnh hưởng không đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm thay đổi, sửa chữa những cảm xúc đó. Cũng như vậy, bạn chịu trách nhiệm tìm kiếm những phương thức giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn khi người ta làm tổn thương bạn, cha mẹ bạn cũng chịu trách nhiệm tìm ra cách thức của họ để cảm thấy tốt hơn khi người khác làm tổn thương họ.
Chẳng hạn, nếu bạn làm điều gì đó hoàn toàn bình thường nhưng lại khiến mẹ bạn buồn - như việc lấy người mà mẹ phản đối hoặc nhận một công việc không ở thành phố - thì phải tìm ra cách để hạnh phúc là trách nhiệm của mẹ bạn. Bạn hoàn toàn có quyền nói điều này “Con xin lỗi vì đã làm mẹ buồn” nhưng bạn không có trách nhiệm thay đổi kế hoạch của mình với mục đích duy nhất là chăm lo cảm xúc của mẹ. Khi bạn lờ đi những nhu cầu của mình để thỏa mãn cảm xúc của mẹ thì bạn đang làm hại không chỉ chính mình mà còn cả mẹ bạn nữa.
Sự tức giận và căm ghét không thể nào tránh khỏi chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của bạn. Và nếu việc nỗ lực làm vui lòng mẹ thất bại thì bạn sẽ cảm thấy tội lỗi và kém cỏi. Khi bạn đặt phần lớn quyết định đời mình dựa vào việc nó có làm cha mẹ vui lòng hay không, bạn đã đang từ bỏ quyền tự do lựa chọn của chính mình. Nếu những cảm xúc của họ luôn luôn được ưu tiên trên hết thì họ đang nắm quyền kiểm soát cuộc đời bạn.
Hãy nghĩ về những niềm tin khác mà bạn đang có khiến bạn cảm thấy mình không phải là một người trưởng thành thực thụ trong mối quan hệ với cha mẹ. Thêm chúng vào danh sách. Danh sách này sẽ trở thành một phần của một bài tập ngắn mà tôi sẽ yêu cầu bạn thực hiện sau này.
Những niềm tin sai lầm, những cảm xúc đau thương
Những niềm tin làm hại bản thân (Self-defeating beliefs) luôn kéo theo những cảm xúc đau đớn. Bằng việc xem xét những cảm xúc của bạn, bạn có thể bắt đầu hiểu được những niềm tin nào sinh ra chúng và những hành vi nào là kết quả. Đa số chúng ta cho rằng những cảm xúc của ta chỉ là phản ứng trước những việc xảy đến, những sự việc ở bên ngoài. Nhưng trong thực tế, ngay cả nỗi sợ hãi, niềm vui thú hay nỗi đau kinh khủng nhất đều được sinh ra từ một số niềm tin nào đó. Chẳng hạn, vào một ngày nọ bạn rất can đảm nói với người cha nát rượu việc mình không muốn sống cùng ông khi ông ấy say xỉn nữa. Những lời nói ấy khiến cha bạn gọi bạn là đồ vô ơn và bất kính. Bạn cảm thấy có lỗi, và tội lỗi ấy của bạn là kết quả của hành vi của cha; nhưng đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Trước khi những cảm xúc của bạn ùa đến, thì nhất định trong tâm trí bạn đã có một số niềm tin nào đó được đã kích hoạt - những niềm tin mà bạn chưa nhận ra. Ở trường hợp này, những niềm tin đó có thể là: “Trẻ con không nên cãi lại cha mẹ” hoặc “cha tôi là người hay đau ốm và tôi có trách nhiệm chăm sóc ông.”
Vì bạn không ý thức được những niềm tin sâu kín đó, nên bạn cảm thấy đầy tội lỗi. Khi phải đối mặt với tình huống đòi hỏi một phản ứng cảm xúc, thì những niềm tin về gia đình chạy qua tâm trí bạn giống như một giọng nói vô thức. Và những niềm tin đó hầu như luôn luôn xuất hiện trước những cảm xúc của bạn. Nhận ra mối quan hệ giữa những niềm tin và cảm xúc là một bước quan trọng nhằm ngăn chặn hành vi tự làm hại bản thân!
“Nhưng tôi không cảm thấy gì hết.”
Ai cũng có những phản ứng cảm xúc mãnh liệt đối với cha mẹ họ. Một số người nhận diện được những cảm xúc đó, còn số khác thì chôn vùi những cảm xúc đó để bảo vệ bản thân. Có thể bạn từng nhận được những thông điệp mạnh mẽ từ thời thơ ấu rằng cảm nhận những cảm xúc bên trong bạn là một việc nguy hiểm. Hay bạn từng bị trừng phạt vì biểu lộ cảm xúc của mình, hoặc có lẽ những cảm xúc đó quá đau đớn nên bạn tống chúng vào vô thức để mình có thể sống được. Có lẽ bạn tự nhủ rằng mình không bận tâm tới chúng, hoặc bạn đang cần chứng tỏ cho cha mẹ thấy họ không thể kiểm soát được bạn. Là một người trưởng thành, bạn có thể cảm thấy rất khó khăn trong việc nhận diện cảm xúc của mình. Bạn đặc biệt còn khó phát hiện được mối quan hệ giữa những cảm xúc mãnh liệt trong quá khứ và hiện tại với cha mẹ bạn. Những cảm xúc mà tôi thảo luận xuyên suốt cuốn sách này có thể lạ lẫm với bạn. Có lẽ bạn mô tả bản thân mình là kiểu người lạnh lùng hoặc vô cảm, hoặc bạn tin rằng mình chẳng có cảm xúc, bạn không có nhiều tình yêu hay sự quan tâm để cho đi. Nếu thế thì những cảm xúc tuổi thơ của bạn có lẽ rất dữ dội và bạn sử dụng nhiều cơ chế bảo vệ bản thân để sống sót tới tuổi trưởng thành.
Nếu những cảm xúc của bạn bị chôn sâu, bạn có thể sử dụng những danh sách kiểm tra trên như một điểm khởi đầu để liên lạc lại với chúng. Hoặc bạn hãy thử tưởng tượng xem một người nào đó cũng có mối quan hệ với cha mẹ tương tự như bạn thì có thể có những cảm xúc gì. Nhiều người cho biết họ không thể chạm được vào các cảm xúc của họ nếu không làm trị liệu tâm lý. Những cảm xúc của bạn không mất đi mà chúng chỉ bị đặt sai chỗ, và đôi khi bạn cần nhận được sự trợ giúp chuyên môn để phục hồi lại chúng. Và dù sao đi nữa, bạn cũng không thể làm được bài tập này nếu như không kết nối với những cảm xúc của bạn. Điều quan trọng là bạn cần bình tĩnh khi bạn bắt đầu cho phép một vài cảm xúc từng bị bạn ngăn chặn được nổi lên bề mặt ý thức. Trong một khoảng thời gian ngắn, bạn có thể cảm thấy vô cùng khó chịu khi những cảm xúc ấy sống lại. Nhiều người đi làm trị liệu tâm lý với kỳ vọng sẽ cảm thấy tốt lên ngay lập tức. Và họ thất vọng khi biết họ thường phải cảm thấy tồi tệ trước khi họ cảm thấy tốt lên. Đây là cuộc phẫu thuật cảm xúc, và như bất kì cuộc phẫu thuật nào, các vết thương phải được làm sạch trước khi chúng lành, và cần thời gian để nỗi đau mất đi. Nhưng nỗi đau là một dấu hiệu của việc bắt đầu quá trình chữa lành. Để giúp bạn tập trung vào các cảm xúc của mình, tôi chia nó làm bốn nhóm: tội lỗi, sợ hãi, buồn bã và tức giận. Ở đây chúng ta quan tâm tới những cảm xúc tiêu cực, tự động, có thể dự đoán được - những cảm xúc thường khiến bạn gặp rắc rối. Hãy xem những câu nào trong danh sách dưới đây mô tả đúng nhất cảm nhận của bạn.
Trong mối quan hệ của tôi với cha mẹ, đây là những cảm nhận của tôi:
- Tôi thấy có lỗi khi tôi không sống theo những kỳ vọng của cha mẹ.
- Tôi thấy có lỗi khi tôi làm chuyện gì đó khiến cha mẹ buồn lòng.
- Tôi thấy có lỗi khi tôi cãi lại cha mẹ.
- Tôi thấy có lỗi khi tôi tranh luận với cha mẹ.
- Tôi thấy có lỗi khi tôi nổi nóng với cha mẹ.
- Tôi thấy có lỗi khi tôi làm cha mẹ thất vọng hoặc làm họ tổn thương.
- Tôi cảm thấy có lỗi khi tôi không lo được đầy đủ cho cha mẹ.
- Tôi cảm thấy có lỗi khi tôi từ chối làm những việc cha mẹ yêu cầu.
- Tôi cảm thấy có lỗi khi nói “không” với cha mẹ.
- Tôi cảm thấy sợ hãi khi cha mẹ quát mắng tôi.
- Tôi cảm thấy sợ hãi khi cha mẹ nổi giận với tôi.
- Tôi cảm thấy sợ hãi khi tôi nổi giận với cha mẹ.
- Tôi cảm thấy sợ hãi khi nói với cha mẹ chuyện gì đó mà có thể họ không muốn nghe.
- Tôi cảm thấy sợ hãi khi cha mẹ dọa sẽ không thương tôi nữa.
- Tôi cảm thấy sợ hãi khi tôi bất đồng ý kiến với cha mẹ.
- Tôi cảm thấy sợ hãi khi tôi cố chống lại cha mẹ.
- Tôi cảm thấy buồn khi cha mẹ không vui.
- Tôi cảm thấy buồn khi biết mình làm cha mẹ thất vọng.
- Tôi cảm thấy buồn khi tôi không thể làm cuộc sống của cha mẹ tốt hơn.
- Tôi cảm thấy buồn khi cha mẹ nói rằng tôi đã hủy hoại cuộc sống của họ.
- Tôi cảm thấy buồn khi tôi muốn làm việc gì đó và nó khiến cha mẹ tổn thương.
- Tôi cảm thấy buồn khi cha mẹ không thích (vợ, chồng, người yêu, bạn bè) của tôi.
- Tôi thấy tức giận khi cha mẹ chỉ trích tôi.
- Tôi thấy tức giận khi cha mẹ tìm cách kiểm soát tôi.
- Tôi thấy tức giận khi cha mẹ khuyên tôi nên sống thế nào.
- Tôi thấy tức giận khi cha mẹ khuyên tôi nên suy nghĩ, cảm nhận và hành xử thế này thế khác.
- Tôi thấy tức giận khi họ khuyên tôi nên hay không nên làm gì.
- Tôi thấy tức giận khi cha mẹ đẩy trách nhiệm cho tôi.
- Tôi thấy tức giận khi cha mẹ tìm cách sống cuộc đời họ thông qua tôi.
- Tôi thấy tức giận khi họ mong đợi tôi chăm lo cho họ.
- Tôi thấy tức giận khi cha mẹ chối bỏ tôi.
Bạn hãy bổ sung bất cứ cảm xúc nào bạn có mà chưa được liệt kê. Chúng có thể bao gồm cả những phản ứng cơ thể với cha mẹ bạn. Những phản ứng cơ thể thường là suy nghĩ mà thông qua đó chúng ta biểu lộ những cảm xúc đau đớn, đặc biệt khi nói với người mà ta tức giận thì thật không an toàn. Chúng ta thường nói với cơ thể mình những điều ta không thể hoặc sẽ không bao giờ nói với cái miệng. Các triệu chứng thân thể cụ thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như tiền sử sức khỏe trong gia đình, khuynh hướng bẩm sinh hoặc dễ bị tổn thương ở những bộ phận nào đó trong cơ thể bạn, cấu trúc cá tính và cảm xúc riêng biệt của bạn. Không có gì lạ khi thấy những người trưởng thành (có cha mẹ độc hại) thường gặp các vấn đề sức khỏe như đau đầu, đau dạ dày, căng cơ, mệt mỏi, chán ăn hoặc nghiện ăn, rối loạn giấc ngủ và buồn nôn. Bạn không được xem nhẹ những phản ứng đó, và nếu chúng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến stress như tim mạch hoặc các rối loạn tiêu hóa, chúng có thể gây tử vong. Vì thế, bạn cần tìm cách chữa trị cho bất cứ tình trạng sức khỏe không tốt nào kéo dài, ngay cả khi bạn tự thuyết phục mình rằng chúng có nguyên nhân tâm lý.
Nếu bạn đánh dấu đúng cho hơn một phần ba số câu trong danh sách trên thì bạn có thể vẫn còn nhiều vướng mắc với cha mẹ và thế giới cảm xúc của bạn phần lớn bị cha mẹ kiểm soát.
Nhận ra mối liên kết
Bạn thử đặt chữ “vì” vào cuối mỗi cảm xúc đúng với bạn, và sau chữ “vì” là một niềm tin nằm trong danh sách của bạn. Kỹ thuật kết hợp này có thể giúp bạn thấy một số phản ứng của bạn dễ hiểu hơn nhiều. Chẳng hạn: “Tôi cảm thấy tội lỗi khi làm việc gì đó khiến họ thất vọng bởi vì tôi không nên nói hay làm bất cứ điều gì gây tổn thương cha mẹ”; “Tôi thấy buồn khi biết mình đã làm cha mẹ thất vọng vì tôi có bổn phận làm họ hạnh phúc”; “Tôi thấy sợ khi mình nổi nóng với cha mẹ vì nếu tôi chống lại họ thì tôi sẽ mất họ mãi mãi.” Một khi bạn bắt đầu tạo được những mối liên kết quan trọng, bạn có thể sẽ bất ngờ khi biết nhiều cảm xúc của bạn bắt nguồn từ những niềm tin đó. Bài tập này cực kỳ quan trọng, bởi một khi bạn hiểu nguồn gốc của những cảm xúc trong bạn thì bạn mới có thể tiến hành kiểm soát được chúng.
Bạn đang làm gì?
Niềm tin dẫn đến các quy tắc, những cảm xúc khiến bạn tuân theo chúng và đó là thứ đưa đến các hành vi. Nếu bạn muốn thay đổi hành vi của bạn, thì bạn phải làm việc với tất cả phương trình, thay đổi những niềm tin và cảm xúc của bạn để từ đó thay đổi các quy tắc của bạn.
Khi bạn nhận ra hành vi là kết quả của niềm tin và cảm xúc, thì một số hành vi của bạn bắt đầu dễ hiểu hơn.
Sau đây là danh sách một số hành vi sinh ra từ những niềm tin và cảm xúc tôi đã liệt kê ở trên. Những hành vi đó rơi vào hai loại cơ bản sau: tuân phục và xung hấn. Bạn hãy kiểm tra xem những hành vi nào đúng với mình. Một lần nữa, nếu bạn còn nhận ra những hành vi tiêu cực nào khác không có ở đây thì hãy thêm chúng vào danh sách của mình.
Trong mối quan hệ của tôi với cha mẹ, đây là cách tôi hành xử:
Những hành vi tuân phục:
- Tôi thường nhượng bộ, chiều theo ý cha mẹ bất kể cảm xúc của tôi.
- Tôi thường không chia sẻ với cha mẹ những điều tôi thật sự nghĩ.
- Tôi thường không nói thật cảm xúc của mình với cha mẹ.
- Tôi thường hành xử như thể mọi chuyện đều ổn giữa chúng tôi trong khi thực tế không phải vậy.
- Tôi thường hời hợt và giả tạo khi sống với cha mẹ.
- Trong quan hệ với cha mẹ, những việc tôi chủ yếu bởi cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi hơn là xuất phát từ sự tự do lựa chọn của tôi.
- Tôi cố hết sức để thay đổi họ.
- Tôi cố hết sức để làm cho họ hiểu rõ quan điểm của tôi.
- Tôi thường là người hòa giải trong mọi cuộc xung đột với cha mẹ.
- Tôi thường phải hy sinh nhiều thứ trong cuộc đời mình chỉ để làm vừa lòng cha mẹ.
- Tôi tiếp tục là người nắm giữ các bí mật trong gia đình.
Những hành vi xung hấn:
- Tôi liên tục tranh cãi với cha mẹ để cho họ thấy tôi làm đúng.
- Tôi liên tục làm những chuyện mà tôi biết cha mẹ sẽ không thích chỉ để chứng minh cho họ thấy tôi làm chủ cuộc đời mình.
- Tôi thường la hét hoặc chửi thề để cha mẹ thấy họ không thể kiểm soát được tôi.
- Tôi thường phải hết sức kiềm chế mình để không đánh cha mẹ.
- Tôi đùng đùng nổi giận và từ mặt cha mẹ.
Nếu có hơn hai hành vi đúng với bạn thì vấn đề lớn trong đời bạn chính là vẫn còn vướng mắc với cha mẹ.
Dễ nhận thấy việc bạn chỉ có những hành vi tuân phục khiến bạn không thể trở nên độc lập.
Còn sự vướng mắc thông qua những hành vi xung hấn thì ít rõ ràng hơn. Những hành vi đó bề ngoài có vẻ làm bạn độc lập với cha mẹ. Nhưng chúng tạo ra ảo tưởng rằng bạn đang phản kháng thay vì đầu hàng. Trong thực tế, những hành vi xung hấn vẫn cho thấy sự vướng mắc vì cường độ cảm xúc của bạn; tính chất lặp đi lặp lại và dễ dự báo của hành vi của bạn; và quả thực hành vi của bạn không xuất phát từ sự tự do lựa chọn, đúng hơn là từ nhu cầu muốn chứng tỏ rằng bạn là người độc lập. Tuân phục và xung hấn chỉ là hai mặt của một đồng xu hành vi.
Phản ứng trước danh sách kiểm tra
Carol, nhà thiết kế nội thất từng bị cha bạo hành bằng lời nói, tỏ vẻ kinh ngạc khi cô bổ sung thêm những kết quả trong danh sách kiểm tra của cô. Cô nhận ra ở tuổi 52, cô vẫn còn quá vướng mắc với cha mẹ mình.
Tôi cảm thấy hổ thẹn. Tôi là một phụ nữ trung niên, ba lần kết hôn, con trai đã lớn và cha mẹ vẫn còn kiểm soát tôi. Bà có tin không... tôi đã kiểm tra gần như mọi niềm tin và cảm xúc có trong danh sách. Và nói về quý cô Tuân Phục... Chừng nào cái tôi cứng đầu này mới chịu hiểu rằng cha mẹ nó sẽ chẳng bao giờ thay đổi cả. Họ lúc nào cũng nhẫn tâm, và tôi đoán họ sẽ chẳng bao giờ thay đổi đâu.
Tôi nói với Carol cảm giác xấu hổ và ngượng ngùng thường thấy ở những người xem bản thân là người lớn nhưng bất ngờ nhận thấy mình vẫn còn bị cha mẹ kiểm soát. Chúng ta đều tin rằng mình là những người trưởng thành độc lập, tự đưa ra quyết định về cuộc đời mình. Carol có lẽ đã đúng: cha mẹ cô sẽ không thay đổi đâu. Nhưng cô thì khác. Để gỡ bỏ những kết nối tiêu cực, việc còn lại là hiểu được điều gì khiến chúng vững chắc đến thế. Như nhiều thân chủ của tôi, Carol nổi giận khi nhận thấy mình vẫn còn vướng mắc với cha mẹ. Cô muốn lao ngay vào nói chuyện phải trái với cha mẹ cô.
Nếu bạn đang có sự thôi thúc đó thì xin bạn kiềm chế lại vì chưa tới thời điểm thích hợp. Hành động nóng vội bốc đồng luôn luôn phản tác dụng.
Bạn nên tránh đối chất với cha mẹ khi những cảm xúc của bạn còn đang bị kích thích cao độ. Bởi khi đó, quan điểm và phán đoán của bạn sẽ bị che mờ.
Vẫn còn nhiều thời gian để đưa nhận thức mới vào cuộc sống của bạn. Nhưng trước tiên bạn cần vạch ra một kế hoạch hành động. Hãy nhớ, đây là sự khởi đầu của một quá trình, và tất cả mọi vết thương không thể chữa khỏi trong một sớm một chiều. Những danh sách trên chỉ là bước khởi đầu cho việc khám phá của bạn.
Trước mắt là một vài vấn đề rất phức tạp và gây hoang mang mà bạn cần xử lý. Bạn không thể lặn xuống nước mà chưa kiểm tra xem bên dưới đó có đá tảng không. Bạn không thể thay đổi những hình mẫu đã theo bạn cả đời trong một sớm một chiều bất kể chúng tiêu cực ra sao. Việc bạn có thể làm lúc này là bắt đầu thách thức những niềm tin tiêu cực của bạn và những hành vi tự làm hại bản thân, và cuối cùng là gạt bỏ chúng để cho con người đích thực của bạn xuất hiện. Nhưng trước khi khôi phục con người đích thực của bạn thì bạn cần biết được mình là ai.