Cha Mẹ Độc Hại - Chương 11
CHƯƠNG 11
KHỞI ĐIỂM CỦA ĐỘC LẬP
Độc lập về cảm xúc không có nghĩa bạn phải tách bản thân ra khỏi cha mẹ hoàn toàn. Nó có nghĩa khi bạn vừa là một phần của gia đình, đồng thời là một cá thể riêng biệt. Nó cũng có nghĩa: bạn hãy là chính bạn và để cha mẹ là chính họ.
Khi bạn tự do có những niềm tin, cảm xúc và hành vi của riêng mình, tách biệt với cha mẹ (hoặc người khác), bạn trở nên độc lập. Nếu cha mẹ bạn không thích những gì bạn làm hay nghĩ, hiển nhiên là bạn sẽ phải chịu đựng một vài sự không thoải mái, bạn sẽ phải chấp nhận những điều này khi bạn không vội vàng thay đổi bản thân vì họ. Cho dù một số niềm tin của bạn giống hệt với cha mẹ, hay cách cư xử của bạn làm hài lòng họ, thì điều cần thiết vẫn là bạn đưa ra được lựa chọn của mình và cảm thấy thoải mái trong việc đồng tình hay không đồng tình với cha mẹ.
Điều này không có nghĩa là tôi khuyến khích bạn coi thường cảm xúc của người khác hay lờ đi tác động của những hành vi của bạn đối với họ. Tuy nhiên, cũng không được cho phép họ coi thường cảm xúc của mình. Tất cả chúng ta phải tìm được điểm cân bằng giữa việc quan tâm đến bản thân và đến cảm xúc của người khác.
Không ai có thể độc lập 100% mọi lúc. Chúng ta đều là một phần trong xã hội rộng lớn hơn. Không ai rũ bỏ được hoàn toàn mong muốn có được sự công nhận từ người khác, cũng như sự phụ thuộc cảm xúc vào họ, và gần như rất ít người trong số chúng ta muốn như vậy. Loài người là động vật xã hội, và các mối quan hệ mở yêu cầu những sự phụ thuộc cảm xúc nhất định. Vì lý do này, độc lập phải đi kèm với linh hoạt. Không có gì sai khi thỏa hiệp với cha mẹ, miễn là điều đó do bạn tự lựa chọn bằng ý chí của mình. Điều tôi đang nói đến ở đây là duy trì tính toàn vẹn về cảm xúc của bạn và là chính bạn.
Ích Kỷ Một Chút Cũng Không Sao
Nhiều người không đứng lên bảo vệ bản thân vì họ nhầm lẫn độc lập với ích kỷ. Bản thân từ “ích kỷ” khiến chúng ta cảm thấy có lỗi. Sandy - người thợ làm tóc, con gái của cặp cha mẹ đã không tha thứ và tiếp tục trừng phạt cô khi đã trưởng thành vì lần phá thai của cô năm 15 tuổi - đã đặt bản thân vào địa ngục cảm xúc để tránh bị dán nhãn ích kỷ. Cô giải thích:
Tôi đang gặp phải một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cha mẹ tôi mới sửa lại nhà, tuần trước mẹ tôi gọi đến để kêu ca rằng tiếng ồn khiến bà khó chịu, nên ông bà muốn chuyển đến ở cùng tôi cho đến khi nào nhà sửa xong, có thể là vài tuần. Tôi thực lòng không muốn đồng ý, nhưng làm sao bây giờ? Họ là cha mẹ tôi cơ mà. Khi chồng tôi biết được, anh ấy muốn phát điên lên. Chồng tôi dùng phòng trống làm văn phòng và khi đó anh ấy đang có một dự án lớn. Vậy nên anh bắt tôi gọi lại cho mẹ và đề nghị hai ông bà nên ở khách sạn. Khi tôi nói vậy bà đã nổi khùng lên với tôi qua điện thoại. Tôi mất nửa tiếng đồng hồ nghe bà mắng nhiếc rằng tôi bất hiếu và ích kỷ, ít nhất đây là điều tôi có thể làm sau tất cả những gì cha mẹ đã làm cho tôi. Tôi nói với bà việc mình sẽ bàn lại với Bill, nhưng tôi thừa biết anh ấy sẽ nói gì. Tôi phải làm sao hả Susan?
Tôi gợi ý rằng Sandy hãy coi khủng hoảng nhỏ này như một cơ hội để bắt đầu quá trình độc lập của mình. Đây là thời điểm cô nhìn lại xáo trộn hiện tại và nhận ra nó không phải một biến cố đơn lẻ mà là rắc rối mới nhất trong khuôn mẫu từ trước tới nay trong mối quan hệ giữa cô và cha mẹ. Vấn đề không phải cha mẹ dọn vào ở chung với cô, mà là phản ứng tự động của cô trong việc dễ dàng thỏa hiệp với họ. Nếu cô muốn phá vỡ khuôn mẫu này, đầu tiên cô phải tập trung vào thứ cô muốn và biết phản đối những thứ cha mẹ yêu cầu từ cô. Tôi hỏi xem cô có biết mình muốn gì hay không.
SANDY: Điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi là tôi muốn cha mẹ để tôi yên. Tôi không muốn họ đến ở chung với chúng tôi. Đó sẽ là thảm họa. Tôi cảm thấy có lỗi khi thừa nhận điều này bởi con cái phải có mặt khi cha mẹ cần đến. Có lẽ tôi sẽ bảo họ có thể ở lại. Thế thì tôi sẽ không cảm thấy quá tệ hại. Cãi nhau với Bill dễ hơn là với cha mẹ. Tại sao tôi không thể khiến tất cả mọi người đều vui?
SUSAN: Cô hãy trả lời đúng câu hỏi đi.
SANDY: Tôi không biết trả lời thế nào cả. Đó là lý do tôi ở đây. Đúng là tôi không muốn họ đến sống chung với tôi bây giờ, nhưng tôi yêu họ - tôi không thể quay lưng lại với họ.
SUSAN: Tôi không bảo cô phải quay lưng lại với họ. Tôi đang bảo cô hãy hình dung mọi việc sẽ như thế nào nếu thỉnh thoảng cô nói lời từ chối với họ, để đặt ra giới hạn về sự sẵn sàng hy sinh của mình cho họ. Hãy trở nên độc lập, Sandy ạ. Hãy ra quyết định dựa trên những điều cô muốn và cần, thay vì dựa vào nhu cầu của họ.
SANDY: Điều đó nghe thật ích kỷ.
SUSAN: Chẳng sao nếu đôi lúc chúng ta tỏ ra ích kỷ.
SANDY: Tôi muốn là một người tốt, Susan. Tôi được nuôi dạy để tin rằng người tốt luôn giúp đỡ người khác.
SUSAN: Cô gái à, nếu cô tốt với bản thân giống như tốt với cha mẹ, thì cô đã không phải ở đây. Cô là một người vô cùng tốt bụng - với tất cả mọi người trừ bản thân cô.
SANDY: Vậy thì tại sao tôi lại cảm thấy tệ hại như vậy?
Sandy bắt đầu khóc. Việc chứng minh với mẹ rằng cô không phải là một đứa con ích kỷ và bất hiếu quan trọng đến mức cô sẵn sàng đẩy tổ ấm và cuộc hôn nhân của mình đến bờ vực.
Nhiều quyết định cuộc đời của Sandy dựa trên cảm giác nghĩa vụ quá mức với cha mẹ. Cô tin rằng mình có trách nhiệm chôn vùi nhu cầu của bản thân để phục vụ cho cha mẹ. Cô hiếm khi làm những gì mình muốn, và điều đó dẫn đến nhiều năm tháng đè nén cơn giận dữ và thiếu sự đáp ứng cá nhân khiến chúng biểu hiện thành cơn trầm uất.
Sandy, giống như đa số chúng ta, phản ứng với cha mẹ theo cách tự động phục tùng. Khi đó, ta thường hành động mà không cần suy nghĩ, lắng nghe và khám phá những lựa chọn khác. Người ta hầu hết có phản ứng mạnh nhất khi cảm thấy bị tấn công hay đe dọa. Sự phản ứng này xảy ra trong các mối quan hệ với gần như tất cả những người có mặt trong cuộc sống của chúng ta - người yêu, sếp, con cái, bạn bè - nhưng nó luôn căng thẳng nhất khi đối mặt với cha mẹ chúng ta.
Khi phản ứng, bạn phụ thuộc vào sự công nhận của người khác. Bạn chỉ cảm thấy yên lòng khi không ai phản đối, chỉ trích hay không công nhận ta. Cảm xúc của bạn không còn giữ ở mức cân bằng vì những sự kiện đã khơi gợi chúng. Bạn sẽ coi một đề nghị nhỏ là một sự tấn công cá nhân, một lời chỉ trích mang tính xây dựng là một thất bại. Không có sự công nhận của người khác, bạn sẽ phải rất khó khăn mới duy trì được sự ổn định dù chỉ là tối thiểu về mặt cảm xúc.
Khi phản ứng mạnh, bạn thường nói những điều như: “Cứ mỗi khi mẹ nói tôi phải tự lo cuộc sống của mình, tôi lại phát điên”; “Họ luôn biết cách làm tôi bực bội, lúc nào tôi cũng nổi cơn tam bành với họ.” hay “Tôi chỉ cần nghe giọng cha thôi là đủ bực mình rồi.” Khi bạn cho phép phản ứng cảm xúc của mình trở nên tự động, bạn đang từ bỏ sự kiểm soát và để cảm xúc của mình phụ thuộc vào người khác. Điều này cho phép họ quyền năng kiểm soát bạn.
Phản Hồi Và Phản Ứng
Ngược lại của phản ứng là phản hồi. Khi phản hồi, bạn suy nghĩ đồng thời với cảm nhận. Bạn nhận thức được cảm xúc của mình nhưng không để chúng điều khiển.
Phản hồi cũng cho phép bạn duy trì cảm nhận về giá trị của bản thân, cho dù cha mẹ bạn có nói gì chăng nữa. Đây là phần thưởng cực kỳ lớn. Suy nghĩ và cảm xúc của người khác không còn dìm bạn xuống đến mức bạn tự nghi ngờ bản thân mình. Bạn sẽ nhìn thấy vô vàn những lựa chọn mới trong việc tương tác với người khác vì quan điểm và cảm nhận của bạn không còn bị cảm xúc chôn vùi. Phản hồi có thể giúp bạn điều khiển cuộc đời mình tốt hơn.
Sandy cần phản ứng ít đi và phản hồi nhiều hơn. Tôi khuyến cáo cô việc thay đổi hành vi không hề dễ dàng với tất cả mọi người, bao gồm cả bản thân tôi, nhưng tôi bảo đảm với cô rằng cô có thể làm được nếu sẵn sàng cam kết làm theo một tiến trình cụ thể. Và cô đã sẵn sàng.
Điều đầu tiên tôi yêu cầu cô làm là nhận ra phần lớn ý kiến của cô đều bắt nguồn từ những gì cha mẹ nói với cô - từ định nghĩa của họ về cô. Những điều tiêu cực về việc định nghĩa đó bao gồm việc dán nhãn cho Sandy là ích kỷ, bất hiếu và tồi tệ. Đã nhiều năm Sandy khắc ghi những nhãn dán đó trong tiềm thức, nên chúng tôi không thể thay đổi nó chỉ qua một đêm. Dù vậy, tôi đã cho cô thấy một số chiến lược hành vi khởi đầu nhằm cho phép cô bắt đầu quá trình thay thế những định nghĩa của cha mẹ bằng một góc nhìn thực tế hơn, là con người thực của cô.
Tôi yêu cầu cô tưởng tượng tôi là mẹ cô. Qua việc nhập vai, tôi muốn cô tìm ra một cách mới để trả lời những chỉ trích của mẹ, một cách thức thay thế sự đầu hàng như thường lệ.
SUSAN (đóng vai mẹ): Con là đứa ích kỷ và bất hiếu!
SANDY: Không, con không phải như vậy. Con luôn nghĩ đến mọi người. Con luôn nghĩ đến mẹ. Con có thể chết để không làm tổn thương cha mẹ. Đã bao nhiêu lần dù kiệt sức, con vẫn đưa mẹ đi mua sắm hay đưa cha mẹ đi ăn tối, mẹ có nhớ không? Chẳng có điều gì con làm là đủ với mẹ.
Tôi nói với Sandy rằng cô đang phòng vệ. Cô vẫn xin lỗi, tranh cãi và giải thích. Cô phải ngừng việc chứng minh cho họ thấy. Nếu cô vẫn tìm kiếm sự công nhận của mẹ thì cô vẫn đang bị điều khiển. Cô cần dỡ bỏ phòng ngự nếu muốn thoát khỏi điều đó. Ý tưởng là không còn sự căng thẳng trong tương tác.
Để cô hiểu rõ ý của mình, tôi đổi vai với cô. Sandy là mẹ, tôi là Sandy.
SANDY (đóng vai mẹ - Mẹ): Cha mẹ đang cần một nơi để ở. Con đúng là đứa ích kỷ và bất hiếu.
SUSAN (đóng vai Sandy - Sandy): Ôi trời ạ, mẹ nghĩ hay thật đấy.
SANDY (Mẹ): Mẹ đã làm bao nhiêu thứ vì con, vậy mà bây giờ con bảo cha mẹ thuê khách sạn ở.
SUSAN (Sandy): Con xin lỗi vì khiến mẹ khó chịu.
SANDY (Mẹ): Vậy rốt cuộc con có cho chúng ta ở không?
SUSAN (Sandy): Con sẽ phải suy nghĩ về chuyện này.
SANDY (Mẹ): Mẹ muốn có câu trả lời ngay lập tức.
SUSAN (Sandy): Con hiểu, nhưng con thật sự phải nghĩ đã.
SANDY (ngừng đóng vai): Tôi không biết phải nói gì nữa.
Sandy khám phá ra một số điều bất ngờ trong bài tập này. Cô phát hiện ra những phản hồi không mang tính phòng vệ giữ cho mâu thuẫn không bị leo thang, và quan trọng không kém, cô không phải dựng lên bức tường để cố bảo vệ bản thân.
Không Phòng Vệ
Không ai trong chúng ta được dạy phản hồi theo cách không phòng vệ. Đó là lý do tại sao kỹ thuật này không hề dễ. Nó cần thời gian học hỏi và luyện tập. Đồng thời, phần lớn mọi người cho rằng nếu họ bảo vệ bản thân trước mâu thuẫn, thì đối phương sẽ nhìn họ như một kẻ yếu đuối và đè đầu cưỡi cổ họ. Thực tế thì ngược lại mới đúng. Nếu bạn có thể giữ bình tĩnh và từ chối bị dán nhãn, bạn sẽ giữ được thế của mình.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc học và sử dụng cách thức phản hồi không phòng vệ, nhất là với cha mẹ độc hại. Kiểu phản hồi này có thể dẫn thẳng đến việc phá vỡ vòng lặp tấn công, rút lui, phòng vệ, leo thang.
Dưới đây là một số ví dụ về phản hồi không phòng vệ mà bạn có thể thử dùng trong tương tác hàng ngày:
• Ồ?
• Vâng, con hiểu.
• Hay thật đấy.
• Rõ ràng là bố/mẹ có quyền bảo vệ ý kiến của mình.
• Con rất tiếc vì bố/mẹ không chấp nhận.
• Để con nghĩ đã.
• Sao chúng ta không nói chuyện khi bố/mẹ đã hết bực bội nhỉ.
• Con rất tiếc vì bố mẹ đang khó chịu (bực bội, thất vọng).
Điều quan trọng là bạn cần tự tập trước những câu phản hồi này trước khi sử dụng với người khác. Để làm điều đó, hãy tưởng tượng cha mẹ ở trong phòng với bạn và nói lời chỉ trích hay chê bai. Phản hồi thành tiếng với họ theo cách không phòng vệ. Hãy nhớ rằng, khoảnh khắc bạn tranh cãi, xin lỗi, giải thích hay cố khiến họ thay đổi suy nghĩ, bạn đã mất đi rất nhiều sức mạnh. Nếu bạn đòi hỏi người khác tha thứ hay hiểu cho bạn, thì bạn đã trao cho họ quyền từ chối làm điều đó. Nhưng nếu bạn sử dụng phản hồi không phòng vệ, thì bạn đang không đòi hỏi gì cả, và khi không đòi hỏi gì, bạn cũng không thể bị từ chối.
Khi đã quen với kiểu phản hồi này, hãy thử sử dụng nó trong lần tới khi bạn bất đồng ý kiến với ai đó thay vì cha mẹ. Tốt hơn nên kiểm tra với người mà bạn ít có mối ràng buộc cảm xúc - đồng nghiệp hoặc một người bạn thông thường. Ban đầu nó sẽ hơi ngượng ngùng và thiếu tự nhiên, và có thể bạn sẽ lại sa vào phản hồi phòng vệ khiến cho mọi thứ trở thành công cốc. Cũng như những kỹ năng mới khác, bạn sẽ phải luyện tập và sẵn sàng mắc lỗi. Đến cuối cùng, nó sẽ trở thành bản năng thứ hai của bạn.
Tuyên Bố Vị Thế
Có một kỹ thuật hành vi khác mà tôi gọi là tuyên bố vị thế, có thể giúp bạn phản ứng ít hơn và đưa bạn đi xa hơn trên con đường trở nên độc lập.
Tuyên bố vị thế xác định những điều bạn nghĩ và tin tưởng, đâu là thứ quan trọng đối với bạn, đâu là thứ bạn sẵn sàng và không sẵn sàng làm, đâu là thứ có thể và không thể thương lượng. Các vấn đề đều có thể xếp loại theo mức độ quan trọng từ ý kiến của bạn về một bộ phim đến những niềm tin cơ bản của bạn trong cuộc sống. Dĩ nhiên, trước khi bạn có thể đưa ra một tuyên bố vị thế, bạn phải xác định được vị thế của bạn là gì.
Khi tôi hỏi Sandy điều cô thực sự muốn làm với những yêu cầu của cha mẹ, cô trả lời: “Tôi không biết. Tôi quá lo lắng vì đã khiến họ bực mình đến mức không còn biết bản thân mình muốn gì nữa.”
Tình thế lưỡng nan của Sandy là điển hình với hầu hết những người đã dành phần lớn thời gian của họ để chịu trách nhiệm cho cha mẹ. Rất khó để xác định bản thân bạn là ai khi bạn có quá ít cơ hội để làm điều đó trong quá khứ. Để giúp Sandy đưa ra tuyên bố vị thế của mình, tôi chỉ ra rằng về cơ bản có ba vị thế mà cô có thể sở hữu:
1. Con không sẵn sàng để cha mẹ ở tại nhà con.
2. Con sẵn sàng cho cha mẹ ở nhà con trong thời hạn nhất định.
3. Con sẵn sàng cho cha mẹ ở nhà con đến khi nào cha mẹ muốn.
Sandy quyết định rằng dù cô thực sự không muốn họ ở chung một chút nào, nhưng nói ra điều đó hơi quá sức với cô. Cô chấp nhận sẽ nói với họ rằng họ có thể ở lại trong một tuần. Cô tin rằng đó sẽ là một cách tốt để xác nhận nhu cầu của bản thân đồng thời một phần giúp cha mẹ cô có chỗ ở.
“Tôi có thể”
Sandy không hoàn toàn hài lòng với giải pháp của mình. Cô vẫn đặt gánh nặng lên vai chồng và mối quan hệ của họ, và cô tin rằng đó là do điểm yếu của mình. Sau cái thở dài, cô nói: “Tôi đoán mình chẳng thể đấu tranh với cha mẹ được đâu.” Tôi bảo cô nhắc lại tuyên bố đó, nhưng thay vì nói “Tôi chẳng thể”, hãy nói “Tôi chưa đấu tranh được với cha mẹ mình.”
“Tôi chưa...” ngụ ý bạn còn sự lựa chọn, trong khi “không thể” ngụ ý điều ngược lại: sự chấm dứt. Thiếu sự lựa chọn là con đường dẫn đến mắc kẹt. Đó là cách để một đứa trẻ ngã lòng. Lựa chọn của trẻ em do người lớn định hướng. Bằng cách nói “Con chưa...”, bạn mở ra cánh cửa cho một hành vi mới trong tương lai. Bạn đem lại hi vọng.
Một số người nghĩ rằng họ chỉ đang đơn thuần lặp lại một hành vi không mong muốn như một lựa chọn. Thay vì thay đổi hành vi, họ thừa nhận mình thất bại. Tôi không đồng ý với điều đó. Tôi coi lựa chọn là chìa khóa của độc lập. Bất cứ quyết định nào dựa trên lựa chọn đều đưa chúng ta ra khỏi phản ứng bồng bột. Có một sự khác biệt lớn giữa lựa chọn đầu hàng trước cha mẹ khi bạn đã xem xét các lựa chọn thay thế và quyết định bạn chưa chuẩn bị kỹ càng, với một sự đầu hàng tự động vì bạn cảm thấy bất lực. Đưa ra một lựa chọn nghĩa là bước một bước tới tự kiểm soát; phản ứng đầu hàng nghĩa là sa vào sự kiểm soát của cha mẹ. Nó có vẻ như không phải là một bước tiến quá lớn trong quá trình, nhưng tôi đảm bảo với bạn nó rất quan trọng.
Áp Dụng Với Cha Mẹ
Một số khách hàng của tôi đã rất hào hứng trước những thành công mà họ trải nghiệm được trong quá trình tạo lập hành vi mới, đến mức họ nóng lòng muốn áp dụng lên cha mẹ mình. Tuy nhiên, nhiều người khác lo lắng rằng cha mẹ họ sẽ cảm thấy buồn phiền hoặc tức giận trước những phản hồi không phòng vệ hay tuyên bố vị thế của họ. Cha mẹ độc hại đã quen với việc chọc tức con cái. Khi không nhận được phản ứng họ muốn, họ sẽ khó chịu.
Lời khuyên của tôi là: Cứ làm tới đi. Càng sớm càng tốt. Càng trì hoãn bước nhỏ này, hay dành cả tuần cả tháng “nghĩ về nó” thì bạn chỉ càng lo âu thêm mà thôi. Hãy nhớ điều đó.
Bạn là một người trưởng thành và có thể kháng cự lại sự không thoải mái để phục vụ cho một mục đích lớn hơn, trở nên độc lập.
Việc hành động hiếm khi tệ như suy đoán của bạn. Bạn không cần phải lao thẳng vào mâu thuẫn cảm xúc khó tháo gỡ nhất giữa bạn và cha mẹ. Bạn có thể bắt đầu tập luyện phản hồi không phòng vệ khi mẹ không thích màu son trên môi, hay khi cha phàn nàn về tài nấu nướng của bạn.
Tôi gợi ý với Sandy rằng cô hãy tận dụng thời gian khi cha mẹ ở cùng mình để luyện tập phản hồi không phòng vệ và đưa ra tuyên bố vị thế về những thứ nho nhỏ. Tôi khuyến khích cô bộc lộ suy nghĩ và ý kiến của bản thân. Thay vì nói: “Mẹ sai rồi, hải sản không tốt cho mẹ đâu” thì hãy nói “Con không đồng tình với mẹ, con nghĩ hải sản không tốt cho mẹ”. Theo cách đó, vị thế của cô sẽ được thiết lập với tư cách một ý kiến chứ không phải một thách thức, giảm thiểu khả năng kích động một phản ứng cảm xúc.
Tôi cũng gợi ý rằng nếu có đủ can đảm, cô có thể thử giải quyết một số vấn đề lớn hơn trong mối quan hệ với cha mẹ bằng cách đặt ra những giới hạn, cho họ biết rằng cô sẵn sàng và không sẵn sàng làm gì.
Mặc dù Sandy cảm thấy có phần e dè về điều tôi bảo cô làm, cô vẫn biết rằng nếu không thử thực hành hành vi mới này, cô sẽ mãi mắc kẹt. Nhưng cô khá bi quan về khả năng thay đổi của cha mẹ mình. Cô nói làm sao mình có thể cảm thấy tích cực về những thay đổi hành vi của mình nếu như nó không hiệu quả - nếu kết quả là cha mẹ cô không thay đổi. Tôi nhắc lại với cô rằng họ không nhất thiết phải thay đổi. Nếu cô thay đổi cách thức phản hồi với họ, cô đang tự mình thay đổi mối quan hệ với họ. Điều đó có thể khiến họ thay đổi, mà dù họ không làm thế chăng nữa, Sandy cũng đang nghiêng được cán cân quyền lực về phía mình.
Khi bạn trở nên độc lập - khi bạn phản hồi thay vì phản ứng, khi bạn đưa ra những tuyên bố rõ ràng về những gì bạn cảm nhận và suy nghĩ, khi bạn đặt ra giới hạn cho những điều bạn sẵn sàng và không sẵn sàng làm - mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ sẽ phải thay đổi.