Cha Mẹ Độc Hại - Chương 13
CHƯƠNG 13
ĐỐI CHẤT: CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
Những gì bạn đã thực hiện trong ba chương trước - các bài luyện tập, danh sách kiểm tra những việc cần làm, và nhận ra ai mới thực sự là người chịu trách nhiệm - là những bước chuẩn bị để bạn đối chất với cha mẹ. Đối chất ở đây chính là việc bạn đối mặt với cha mẹ về quá khứ đau khổ và tình trạng khó khăn hiện tại của bản thân, với tư cách là một người chín chắn và dũng cảm. Việc này đáng sợ hơn tất thảy, nhưng nếu làm được, bạn sẽ nắm được quyền kiểm soát cuộc sống của mình hơn bao giờ hết.
Quá trình đối chất khá đơn giản, dù chẳng dễ dàng. Khi bạn đã sẵn sàng tâm lý, bạn dùng giọng điệu bình tĩnh nhưng cứng rắn nói với cha mẹ về những trải nghiệm tiêu cực bạn còn nhớ từ thời thơ ấu. Bạn mô tả những sự kiện đó đã tác động đến cuộc sống của bạn ra sao, và chúng có ảnh hưởng đến mối quan hệ hiện tại của bạn với cha mẹ bạn như thế nào. Bạn phải nói rõ những khía cạnh nào trong mối quan hệ gia đình gây cho bạn tổn thương và phiền não. Sau đó bạn đưa ra những nguyên tắc nền tảng mới cần phải tuân thủ.
Đối chất với cha mẹ không nhằm mục đích:
➢ Trả đũa họ
➢ Trừng phạt họ
➢ Hạ thấp họ
➢ Đổ sự tức giận lên đầu họ
➢ Để giành lấy điều gì đó tích cực từ họ
Mà để:
➢ Để đối mặt với họ
➢ Để đối trị nỗi sợ phải đối mặt với họ, một lần cho mãi mãi
➢ Để nói sự thật với họ
➢ Để xác lập kiểu quan hệ giữa bạn và họ từ giờ về sau
“Chẳng ích gì đâu”
Rất nhiều người - thậm chí cả những nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng - không tin biện pháp đối chất sẽ mang lại kết quả. Cơ sở lập luận họ đưa ra khá quen thuộc: “Hãy nhìn về phía trước, đừng quay đầu lại”; “Làm thế chỉ càng gây thêm căng thẳng và nóng giận”; hoặc là “Làm vậy không chữa lành được vết thương, chỉ làm lở loét nó ra”. Người nói những câu này đơn giản bởi họ không hiểu vấn đề.
Hiển nhiên, đối chất không phải lúc nào cũng khiến cha mẹ bạn thừa nhận, xin lỗi, nhận thức hay nhận trách nhiệm cho hành vi độc hại của họ như bạn muốn. Cha (mẹ) độc hại hiếm khi đáp lại màn đối chất của con cái bằng câu nói, “Đúng vậy, cha (mẹ) đã đối xử tệ với con”, hay là: “Con hãy tha thứ cho ta”, hoặc “Bây giờ cha (mẹ) có thể làm gì để bù đắp lại cho con?”
Trên thực tế điều thường xảy ra sẽ hoàn toàn ngược lại: họ phủ nhận, bảo rằng họ không nhớ gì cả, đổ lỗi ngược lên con cái, và có thái độ vô cùng tức giận.
Nếu bạn từng cố gắng đối chất một lần mà thất vọng tràn trề về kết quả, có thể là do bạn đã đo lường hiệu quả của biện pháp này bằng việc bạn sẽ nhận được phản hồi tích cực từ đối phương. Nếu bạn dùng phản ứng của họ làm thước đo thành bại có nghĩa bạn đã tự đặt mình vào thế thất bại. Cái bạn nên mong chờ là phản ứng tiêu cực của họ. Nên nhớ, bạn làm điều này vì bản thân mình, không phải vì họ. Bạn nên xem việc bạn dám đối chất đã là một thành công bởi bạn đã có đủ can đảm làm điều đó.
Tại sao tôi phải đối chất với cha mẹ tôi?
Tôi thường thúc ép các bệnh nhân của tôi đối chất với cha mẹ độc hại. Bởi việc đối chất này luôn mang lại hiệu quả. Qua nhiều năm tôi đã chứng kiến việc đối chất mang lại nhiều thay đổi đáng kể và tích cực cho cuộc sống của hàng ngàn người. Điều này không có nghĩa là tôi không hiểu cảm giác sợ hãi bạn phải đối mặt khi nghĩ đến việc đối chất với cha mẹ. Tôi hiểu những cảm xúc khuấy đảo trong tâm khảm là vô cùng mãnh liệt. Nhưng chỉ duy nhất việc bạn dám đối mặt với một trong những nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất của mình cũng đủ tác động đến cán cân quyền lực giữa bạn và cha mẹ bạn.
Tất cả chúng ta đều sợ phải đối mặt với sự thật về cha mẹ mình. Tất cả chúng ta đều sợ phải thừa nhận rằng ngày xưa ta không có được những gì ta muốn từ cha mẹ và ngày nay cũng vậy. Tuy nhiên đổi lại, không đối chất đồng nghĩa với mãi sống trong sợ hãi. Nếu bạn tránh né những hành vi tích cực của bản thân, bạn càng làm tăng cảm giác bất lực trong bạn và tự hủy hoại lòng tự trọng của chính mình.
Còn một lý do vô cùng quan trọng để đối chất:
Bạn sẽ truyền đi sự tiêu cực cho người khác nếu bạn không trả về cho chủ nhân của nó.
Nếu bạn không kiểm soát được nỗi sợ, cảm giác tội lỗi và sự tức giận đối với cha mẹ, bạn sẽ đối xử tệ với người bạn đời của mình hoặc con cái mình.
Khi nào thì tôi nên đối chất với cha mẹ mình?
Tôi thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc thời điểm đối chất với các bệnh nhân của mình. Bạn không nên hành xử nóng vội, nhưng đồng thời cũng không nên trì hoãn việc đối chất vô thời hạn.
Quá trình ra quyết định đối chất thường sẽ diễn ra ba giai đoạn:
1. Tôi không bao giờ làm được chuyện này đâu.
2. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ làm được, nhưng không phải bây giờ.
3. Khi nào thì tôi nên đối chất với cha mẹ tôi?
Lần đầu tiên bị tôi thúc bách đối chất với cha mẹ, bệnh nhân của tôi luôn một mực cho rằng cách này không phù hợp với họ. Phản ứng thường thấy nhất, tôi gọi là hội chứng “cách gì cũng được trừ cách đó”. Bệnh nhân của tôi đồng ý làm rất nhiều thứ để thay đổi tình trạng của họ, chỉ trừ mỗi việc đối chất với cha mẹ họ - cách gì cũng được, trừ cách đó!
Tôi nói với Glenn đã tới thời điểm anh phải nói chuyện với cha của anh. Glenn là người vô cùng nhút nhát và luôn thấy hối hận vì đã để người cha nghiện rượu cùng làm ăn với mình. Một là anh phải đưa ra giới hạn về thái độ cư xử của cha anh, hai là không cho ông cùng làm nữa. Anh phản ứng lại bằng câu trả lời kinh điển, “cách gì cũng được, trừ cách đó”:
Tôi sẽ không đối mặt với cha. Tôi biết làm vậy là hèn nhát, nhưng tôi không muốn gây thêm đau khổ cho cha mẹ tôi. Chắc chắn có rất nhiều điều tôi có thể làm được thay vì đối chất với cha tôi. Tôi có thể tìm một công việc ít áp lực hơn cho cha, để cha không phải tiếp xúc với khách hàng của tôi nhiều như hiện giờ. Tôi sẽ không để cha đổ mọi tức giận và buồn bực vì áp lực công việc lên đầu tôi nữa. Tôi sẽ luyện tập nhiều hơn để làm dịu bản thân. Tôi có thể...
Tôi cắt lời Glenn: “Cái gì anh cũng làm được, trừ việc đó đúng không? Cái gì anh cũng làm được, ngoại trừ một hành động có thể mang lại khác biệt đáng kể cho cuộc đời anh.”
Tính dễ cáu gắt và rụt rè, nhút nhát của Glenn phần nhiều chính là hệ quả trực tiếp của những cơn thịnh nộ của anh với cha bị kìm nén. Tôi đã nói với Glenn một sự thật hiển nhiên, trong thời gian đầu trị liệu đa số mọi người đều phản ứng bằng câu “cách gì cũng được, trừ cách đó”, và tôi sẽ không vì vậy mà nản lòng. Đơn giản chỉ là anh chưa sẵn sàng. Nhưng một khi anh có thời gian lên kế hoạch đối chất và luyện tập, tôi chắc rằng anh sẽ thấy tự tin hơn rất nhiều.
Glenn có những hoài nghi của riêng mình, nhưng sau đó anh thấy nhiều thành viên khác trong nhóm quyết định đối chất, và tất cả họ đều kể về những bài học thành công của họ. Glenn thừa nhận đối chất là giải pháp có hiệu quả với những người này, nhưng anh khẳng định tình trạng của mình khác bọn họ. Glenn đã đến gần hơn với giai đoạn hai trong quá trình ra quyết định đối chất, mà bản thân anh cũng không nhận ra điều đó.
Trong quá trình trị liệu Glenn rất nỗ lực học cách đáp ứng không phòng vệ và khẳng định lập trường. Anh bắt đầu sử dụng cả hai kỹ thuật này trong giao tiếp nơi công sở và với một vài người bạn. Anh cảm thấy vui khi làm điều này. Nhưng những căng thẳng thường trực trong mối quan hệ thường ngày của anh với cha và gánh nặng khổng lồ từ những việc còn bỏ ngỏ từ thời thơ ấu làm anh cảm thấy bế tắc.
Sau khoảng sáu tuần hoạt động trong nhóm, Glenn bảo tôi anh đang bắt đầu nghĩ về việc nói chuyện với cha anh. Lần đầu tiên anh thừa nhận việc đó sẽ mở ra một cơ hội...cho tương lai. Anh đã bước vào giai đoạn 2. Một vài tuần sau, anh muốn tôi cho lời khuyên khi nào thì anh nên nói chuyện với cha mình. Giai đoạn 3. Glenn hi vọng tôi sẽ vung đũa thần lên và vẽ ra cho anh một lộ trình ma thuật để phán đoán được khi nào chỉ số lo lắng của anh xuống đến mức đủ thấp để anh có thể bước vào buổi nói chuyện với cha. Sự thật chứng minh rằng mức độ lo lắng sợ hãi của bạn chỉ giảm sau buổi đối chất mà thôi. Không có cách nào xác định được một thời điểm hoàn hảo, cái bạn cần là có sự chuẩn bị. Có bốn yêu cầu cơ bản bạn phải đáp ứng được trước khi ra trận:
1. Bạn phải cảm thấy đủ mạnh mẽ để chống chọi được với sự từ chối, phủ nhận, đổ lỗi, tức giận, và các phản ứng tiêu cực khác từ cha mẹ bạn trong suốt buổi nói chuyện.
2. Bạn phải có đầy đủ sự trợ giúp trong quá trình tiền đối chất, đối chất, và hậu đối chất.
3. Bạn phải viết một lá thư hoặc tập thoại những gì mình muốn nói từ trước, và bạn phải luyện tập những lời đáp ứng không phòng vệ.
4. Bạn không còn cảm thấy phải có trách nhiệm với những việc tiêu cực đã xảy ra trong thời thơ ấu.
Mục số 4 này rất quan trọng. Nếu bạn vẫn còn mang theo trách nhiệm về những sang chấn tâm lý trong quá khứ, bạn chưa nên đối chất lúc này vì. Cha mẹ bạn phải là người nhận lấy trách nhiệm đó, bạn không thể đối chất với cha mẹ khi ngay cả bạn cũng còn không tin vào điều đó.
Khi bạn đã thấy tương đối tự tin và đáp ứng đủ bốn yêu cầu này thì ngay lúc này là thời điểm hoàn hảo nhất. Đừng chờ đợi nữa.
Quá trình chờ đợi buổi đối chất xảy ra lúc nào cũng khó khăn hơn khi bạn thực sự đối chất.
Với Glenn, việc xác định một ngày để đối chất rất quan trọng, nên xảy ra trong thế kỷ 21. Bởi vậy anh phải có một mục tiêu hữu hình để cố gắng. Công tác chuẩn bị bao gồm cả việc diễn tập thuần thục để anh có sự chuẩn bị tốt nhất cho buổi diễn quan trọng nhất đời mình.
Tôi phải đối chất với cha mẹ như thế nào?
Bạn có thể đối chất với cha mẹ bằng cách viết thư hay nói chuyện trực tiếp. Chắc bạn cũng để ý tôi không đề cập đến điện thoại. Điện thoại có vẻ an toàn, nhưng đối chất qua điện thoại gần như không hiệu quả. Cha mẹ bạn có thể cúp máy rất dễ dàng. Thêm vào đó, điện thoại là “nhân tạo”; nó làm cho việc thể hiện cảm xúc thật vô cùng khó khăn. Nếu cha mẹ bạn sống ở một thành phố khác, và họ không tiện di chuyển đến chỗ bạn hay bạn không tiện đến chỗ họ, hãy viết thư cho họ.
Viết thư
Tôi là một fan của phương pháp trị liệu bằng thư từ. Viết thư là một cách tuyệt vời để sắp xếp những gì bạn muốn nói trong đầu, và bạn có thể làm đi làm lại cho đến khi nào mình cảm thấy hài lòng. Người nhận có thể đọc đi đọc lại lá thư và suy nghĩ về nội dung bạn viết. Cách viết thư cũng an toàn hơn nếu cha (mẹ) bạn có xu hướng bạo lực. Đối chất là quan trọng, nhưng cũng không đáng vì thế mà phải chịu rủi ro bị bạo hành thể xác.
Luôn viết thư riêng cho từng người. Cho dù vấn đề có giống nhau, nhưng mối quan hệ và cảm xúc của bạn đối với cha và mẹ bạn là khác nhau. Viết trước cho người bạn nghĩ là độc hại và bạo hành nhiều hơn. Những cảm xúc đó sẽ gắn với bề mặt hơn và dễ khai thác hơn. Một khi bạn đã khơi được nguồn cảm xúc sau lá thư đầu tiên rồi - trường hợp cả cha và mẹ bạn đều còn sống - cảm xúc đối với người còn lại sẽ dễ tuôn trào hơn. Trong lá thư gửi người thứ hai, bạn có thể nhẹ nhàng nói về tính thụ động của họ và việc họ không bảo vệ được bạn như thế nào.
Nội dung đối chất bằng thư và đối chất trực diện là như nhau. Cả hai cách đều bắt đầu bằng câu: “Con sắp nói những điều mà con chưa bao giờ nói với cha (mẹ)” và gồm bốn nội dung chính:
1. Đây là những gì cha (mẹ) đã làm với con.
2. Đây là cảm giác của con khi cha (mẹ) làm thế.
3. Đây là tác động của việc đó đến cuộc sống của con.
4. Đây là những gì con mong muốn ở cha (mẹ) từ giờ về sau.
Bốn điểm chính này là một nền tảng vững chắc và tập trung cho mọi cuộc đối chất. Cấu trúc này nhìn chung bao hàm mọi thứ bạn cần nói và tránh làm cho việc đối chất bị rời rạc và kém hiệu quả.
Carol - người bị cha liên tục chế giễu vì mùi hôi cơ thể - nghĩ rằng cô đã sẵn sàng đối chất với cha mẹ bằng cách viết thư vì cô không thể đi sang bờ Đông để đối chất trực tiếp vì lý do công việc. Tôi trấn an cô cách đối chất bằng thư cũng hiệu quả không kém gì so với gặp trực tiếp. Tôi đề nghị cô viết thư ở nhà, trong lúc yên tĩnh, để điện thoại ra xa để tránh bị làm phiền.
Viết thư đối chất luôn là một trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt. Trước khi gửi thư đi, tôi khuyên Carol nên tạm gác lá thư sang một bên trong vài ngày, sau đó đọc lại khi cô bình tĩnh hơn. Như nhiều người khác, khi đọc lại cô cũng sửa đi không ít. Bạn có thể sẽ phải viết nháp khá nhiều trước khi thấy hài lòng với sản phẩm cuối cùng. Nên nhớ, không phải bạn đang thi viết luận. Bức thư này không cần phải là một kiệt tác văn học - mục đích duy nhất của lá thư là để bạn nói lên cảm xúc thật của bản thân và những gì bạn đã trải qua.
Dưới đây là một đoạn của lá thư Carol đọc cho tôi nghe trong tuần tiếp theo:
Gửi Cha,
Con sắp nói những điều trước đây con chưa từng nói với cha. Đầu tiên, con muốn cha biết tại sao con không dành nhiều thời gian cho cha và mẹ vài tháng trở lại đây. Con nói điều này có lẽ sẽ làm cha thấy bất ngờ và phiền lòng, nhưng con không muốn gặp cha vì con sợ cha lắm. Con sợ cảm giác bất lực và sợ bị cha công kích bằng lời nói. Con sợ phải dựa vào cha để rồi một lần nữa lại bị cha bỏ rơi về tinh thần. Cha hãy để con giải thích.
(Cha mẹ bạn đã làm gì.)
Khi con còn bé, con nhớ hình ảnh một người cha hết mực yêu thương và chăm lo cho con. Nhưng khi con lớn lên, mọi thứ đều thay đổi. Cha rất ác với con khi con lên mười một tuổi. Cha liên tục nói con hôi thối. Tất cả mọi chuyện xảy ra cha luôn đổ lỗi về phía con. Cha mắng con khi con không lấy được học bổng, khi em Bob tự ngã, khi con bị gãy chân. Cha mắng con khi Mẹ bỏ cha mà đi. Khi Mẹ bỏ đi, con không hề có một chỗ dựa tinh thần nào. Cha nói đùa rất tục tĩu, cha nói con rất quyến rũ khi mặc áo len, rồi cha đối xử với con như thể con là một đối tượng để cha hẹn hò, cha bảo con giống một con đĩ.
Con không có bàn tay chăm sóc của cha mẹ từ năm lên mười hai tuổi. Con biết cha phải trải qua khoảng thời gian khổ sở suốt những năm tháng đó, nhưng cha làm con tổn thương rất nhiều. Có lẽ cha không cố tình làm vậy, nhưng dù cha vô tình hay cố ý cũng không làm con bớt đau chút nào.
Khi con mười lăm tuổi, con suýt bị cưỡng hiếp, nhưng cha vẫn lựa chọn việc mắng con để giải quyết vấn đề. Điều ấy khiến con tin rằng đó là lỗi của mình, vì cha bảo như thế. Con bị chồng đánh đập khi con mang thai con trai con được tám tháng. Việc cha làm không phải bảo vệ hay bênh vực, mà cho rằng do con đã làm chuyện gì khủng khiếp lắm mới làm hắn tức điên lên như thế. Tất cả câu chuyện của con và cha khi nhắc tới mẹ chính là những lời nhắc về sự tệ bạc của mẹ. Cha luôn khiến con nhớ bà ấy chưa bao giờ thương con, rằng con là đứa bẩn thỉu từ bên trong, là đồ đầu đất không có não.
(Cảm giác của bạn khi ấy.)
Con thấy sợ hãi, bị lăng mạ, và tâm trí rối bời. Con luôn tự hỏi lí do nào khiến cha không còn thương con. Con khát khao được làm đứa con gái nhỏ của cha như ngày xưa, con đã làm gì để mất đi tình thương của cha. Con luôn tự trách mình vì tất cả mọi chuyện. Con ghét bản thân con. Con cảm thấy con không đáng được yêu thương và thật đáng kinh tởm.
(Điều đó tác động tới cuộc đời bạn ra sao.)
Con vô cùng sầu khổ đến nỗi không ra dáng người. Nhiều người đàn ông đối xử độc ác và tàn bạo với con mà con luôn nghĩ là lỗi tại mình. Hank đánh con, con còn viết thư xin lỗi. Con thiếu thốn niềm tin vào bản thân, vào năng lực, vào giá trị của chính mình một cách trầm trọng.
(Bạn muốn điều gì ở cha mẹ bạn.)
Con muốn cha xin lỗi vì đã hành xử độc ác và tàn tệ với con gái mình. Con muốn cha thừa nhận những tổn thương cha gây ra cho con và điều ấy luôn khiến con sống trong nỗi đau khổ. Cha phải ngừng lại việc luôn công kích cá nhân con như một lẽ thường tình. Lần trước khi gặp cha ở nhà Bob, con không nghĩ việc hỏi xin lời khuyên về công việc là cớ để cha lớn tiếng với con. Con rất ghét việc cha đối xử với con như vậy. Từ trước tới nay con đã luôn nhẫn nhịn cha, nhưng từ giờ về sau sẽ không như vậy nữa. Con muốn cha thừa nhận, những người cha tốt không bao giờ họ nhìn con gái họ đầy dục vọng, họ cũng không sỉ nhục và hạ thấp con gái mình, những người cha tốt sẽ bảo vệ con gái họ.
Con buồn vì cha con mình không có được một mối quan hệ lẽ ra nên có. Con đã mất rất nhiều thứ chỉ vì không thể trao tình thương cho một người cha mà con rất muốn yêu thương. Con sẽ vẫn gửi thiệp và quà tặng cha, vì làm vậy khiến con thấy vui trong lòng. Tuy nhiên, nếu sau này cha con mình có gặp nhau, cha sẽ phải chấp nhận và làm theo những nguyên tắc nền tảng con đã đặt ra.
Con không hiểu nhiều về cha lắm. Con không biết cha đã trải qua những nỗi khổ gì, những nỗi sợ gì. Con rất biết ơn vì cha làm việc rất chăm chỉ, cha chu cấp tốt cho gia đình, cha còn dẫn con đi du lịch đến nhiều nơi tuyệt vời. Con còn nhớ cha dạy con về cây cối, chim muông, con người, chính trị, thể thao, địa lý, cắm trại và trượt băng. Con nhớ cha từng cười rất nhiều. Chắc cha cũng muốn biết, con đang sống rất tốt. Con không cho phép người đàn ông nào dùng vũ lực với con nữa. Con có những người bạn tuyệt vời, hay động viên giúp đỡ con, con có một công việc tốt, và một đứa con trai mà con hết mực thương yêu.
Cha hãy viết thư cho con để con biết cha đã nhận được thư này. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng ta có thể bắt đầu lại từ đầu.
Carol
MẶT ĐỐI MẶT
Rất nhiều bệnh nhân của tôi thích sự an toàn của việc viết thư, nhưng cũng có nhiều người cần phản hồi tức thì từ đối phương để có cảm giác việc đối chất của họ thành công. Đối với những người có nhu cầu này thì chỉ có đối chất trực tiếp mới giúp được họ.
Bước đầu tiên trong việc lên kế hoạch đối chất trực tiếp là chọn địa điểm sau khi bạn đã có sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Nếu bạn đang tham gia trị liệu tâm lý, bạn có thể chọn đối chất trong văn phòng bác sĩ của bạn. Bác sĩ trị liệu tâm lý có thể điều phối buổi gặp mặt, đảm bảo bạn được lắng nghe, giúp đỡ khi bạn bế tắc, và quan trọng nhất là họ luôn ở cạnh giúp đỡ và bảo vệ bạn. Tôi biết cách này sẽ thiên vị bạn và không công bằng với cha mẹ mình, nhưng cách có lợi cho bạn vẫn hơn, nhất là lại vào thời điểm mấu chốt trong quá trình trị liệu tâm lý của bạn.
Nếu bạn quyết định đối chất trong văn phòng bác sĩ trị liệu tâm lý, hãy hẹn gặp cha mẹ bạn ở đó. Không ai có thể dự đoán trước được sẽ xảy ra chuyện gì trong buổi gặp mặt. Bạn phải có phương tiện riêng khi trở về nhà, nó giúp bạn có không gian cá nhân đối mặt với những cảm giác và suy nghĩ của mình. Thậm chí ngay cả khi buổi đối chất kết thúc tốt đẹp, có thể sau đó bạn sẽ có cảm giác đơn độc, thế nên chuẩn bị một phương tiện riêng là cần thiết.
Bạn có thể tự đối chất một mình. Có thể do bạn không có bác sĩ tâm lý, hoặc bạn vẫn muốn thể hiện cho cha mẹ thấy bạn có thể giành lại sự độc lập tự chủ mà không cần sự trợ giúp của ai khác. Đa phần các bậc cha mẹ sẽ từ chối đến văn phòng bác sĩ tâm lý. Vì lý do gì đi nữa, nếu quyết định tự đối chất, bạn phải quyết định địa điểm đối chất ở chỗ của họ hay ở chỗ của bạn. Những nơi công cộng như nhà hàng hay quán bar sẽ rất ức chế. Bạn cần một không gian riêng tư tuyệt đối.
Nếu bạn có sự lựa chọn thì tôi khuyên bạn nên đối chất ngay tại nhà mình. Trong khu vực lãnh thổ của mình, bạn sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nếu bạn phải di chuyển đến một thành phố khác, hãy cố gắng yêu cầu họ trực tiếp đến khách sạn của bạn.
Nếu phương án cuối cùng là đối chất tại nơi ở của cha mẹ thì bạn cần chuẩn bị tâm lý rất kỹ nhằm tránh một lần nữa lại trở thành nạn nhân của những nỗi ám ảnh thời thơ ấu, cảm giác tội lỗi và bất lực. Bạn phải đề cao cảnh giác những xúc cảm ấu thơ này nếu cha mẹ bạn hiện đang sống trong căn nhà nơi bạn đã sinh ra và lớn lên.
Tôi không đưa ra bất kỳ nguyên tắc cứng rắn và chắc chắn nào về việc nên đối chất riêng với từng người hay cả hai người cùng lúc, tuy nhiên, cá nhân tôi sẽ chọn đối chất với cả hai cùng lúc. Những ông bố bà mẹ độc hại xây dựng các hệ thống trong gia đình phần lớn dựa trên sự giấu giếm, thông đồng, và phũ bỏ nhằm giữ gia đình trong thế cân bằng. Nói chuyện với cả hai người cùng lúc sẽ hạn chế được tối đa việc này.
Mặt khác, nếu cha mẹ bạn rất khác nhau về tâm tính, quan điểm, hay cách họ phòng thủ thì bạn nên nói chuyện riêng với từng người.
Một số người lo lắng việc diễn tập nhiều sẽ làm họ cứng ngắc và gò bó trong lối diễn đạt. Bạn đừng lo lắng. Sự căng thẳng và lo lắng khi ấy sẽ khiến bạn có một độ lệch nhất định với những gì bạn đã chuẩn bị. Dù bạn có luyện tập trước nhiều đến đâu, từ ngữ cũng không hề tuôn ra dễ dàng. Trên thực tế, việc bạn biết trước là cần thiết, điều đó sẽ khiến bạn rất, rất hồi hộp. Đánh trống ngực, quặn bụng, đổ mồ hôi, cảm giác khó thở, líu lưỡi hay quên cả lời thoại và kịch bản.
Một số người dưới áp lực lớn đầu óc họ sẽ trở nên trống rỗng. Nếu bạn lo sợ điều này xảy ra, bạn có thể soạn một lá thư rồi đọc lớn cho họ nghe trong buổi đối chất để tránh lo lắng quá mức. Cách này rất hữu hiệu trong việc giúp bạn vượt qua cảm xúc bồn chồn khi lên sàn diễn và đảm bảo bạn không bỏ sót thông điệp nào.
Chuẩn bị cho đêm công diễn
Bạn phải chuẩn bị kỹ mình sẽ nói những gì, bất luận bạn đối chất ở đâu, nói chuyện riêng với từng người hay cả hai người cùng lúc. Đọc to thành tiếng “lời thoại” của bạn, bạn có thể tập một mình hoặc với một ai đó, cho đến khi thuộc lòng. Một buổi đối chất trực tiếp có thể được ví như một buổi công diễn ở sân khấu Broadway: liệu bạn có dám bước lên sân khấu mà không học trước lời thoại và không hiểu rõ động lực của mình hay không? Trước khi đối chất, bạn phải có sự chuẩn bị và luyện tập đầy đủ cũng như biết rõ mình muốn đạt được điều gì.
Bạn cần bắt đầu buổi đối chất bằng cách đề ra những nguyên tắc của bạn. Dưới đây là đề xuất của tôi:
Con sắp sửa nói với cha (mẹ) những điều trước đây con chưa từng nói. Con muốn cha (mẹ) lắng nghe con nói hết. Chuyện này rất quan trọng với con. Con hi vọng cha (mẹ) không phản đối, hay ngắt lời con. Sau khi con nói xong hết, cha mẹ có thể nói gì tùy ý. Cha (mẹ) có đồng ý làm thế không?
Cha mẹ bạn phải đồng ý với những điều kiện này ngay từ ban đầu. Việc này rất quan trọng. Đa số họ sẽ đồng ý. Nếu ngay cả việc này họ cũng không muốn làm, có lẽ tốt hơn hết bạn nên hoãn buổi đối thoại này sang một dịp khác. Điều quan trọng là bạn phải nói ra được những gì đã chuẩn bị mà không bị xô lệch khỏi đường ray, bị cắt lời, hoặc xa rời mục tiêu ban đầu của bạn. Nếu họ từ chối lắng nghe thì có lẽ viết thư sẽ là phương pháp tốt hơn.
BẠN NÊN MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ
Một khi bạn đã khơi mào, cha mẹ độc hại sẽ đáp trả. Xét cho cùng nếu họ có khả năng lắng nghe, suy nghĩ thấu đáo và hợp lý, tôn trọng tình cảm của bạn, ủng hộ sự độc lập của bạn, thì họ đã không là cha mẹ độc hại ngay từ đầu rồi. Bạn hãy nghĩ tới khả năng họ sẽ nhìn nhận lời nói của bạn là sự công kích cá nhân và phản bội. Họ có xu hướng dùng lại những thủ thuật và cơ chế phòng thủ mà họ vẫn hay áp dụng, chỉ là với mức độ nhiều hơn trước mà thôi.
Những bậc cha mẹ bất toàn hay khiếm khuyết sẽ trở nên đáng thương và áp đảo hơn. Những người nghiện rượu sẽ chối bỏ chứng nghiện của mình kịch liệt hơn, hoặc nếu họ đang cai rượu họ sẽ dùng việc đó nhằm hạ thấp năng lực đối chất của bạn. Những người thích kiểm soát sẽ tăng cảm giác tội lỗi cho bạn và tự cho mình đúng. Những cha mẹ bạo hành thì phẫn nộ và gần như chắc chắn sẽ đổ lỗi cho bạn vì những gì bạn phải chịu. Tất cả những hành xử này nhằm mục đích lấy lại thế cân bằng của gia đình, đưa bạn trở về trạng thái khuất phục và chịu đựng ban đầu. Mong chờ điều tồi tệ nhất xảy ra cũng là một ý hay - nếu có điều gì đó tốt hơn mong đợi thì sẽ là một phần thưởng thêm cho bạn.
Bạn nên nhớ, điều quan trọng ở đây không phải là phản ứng của họ mà là cách bạn trả lời họ. Nếu bạn đứng vững được trước cơn thịnh nộ, cáo buộc, đe dọa và gây cảm giác tội lỗi của cha mẹ bạn, đó sẽ là những giây phút huy hoàng nhất cuộc đời mình.
Để chuẩn bị tâm lý tốt bạn phải lường trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Vẽ ra hình ảnh gương mặt cha mẹ bạn trong đầu: một gương mặt giận dữ, đáng thương, đầy nước mắt hay bất cứ thứ gì bạn nghĩ tới. Nghe những lời tức giận của họ, chối bỏ, cáo buộc của họ. Giảm sự nhạy cảm của bạn bằng cách nói to thành tiếng những gì cha mẹ bạn có thể sẽ nói, sau đó tập những đáp ứng không phòng vệ, giữ bình tĩnh. Nhờ ai đó đóng vai cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ bạn. Nhờ bạn của bạn nói những lời độc ác nhất họ có thể nghĩ ra mà không cần dè chừng. Những người cha (mẹ) giả này cần phải la hét, nhạo báng, đe dọa từ mặt bạn, và buộc tội bạn xấu xa và ích kỷ. Bạn tập trả lời theo những câu như:
• Con biết cha (mẹ) nhìn nhận chuyện này như vậy.
• Phỉ báng và la lối cũng không ích gì cả.
• Con không đồng ý với những cáo buộc của cha (mẹ).
• Đây là lý do tại sao chúng ta cần một buổi nói chuyện thế này.
• Con không đồng ý cách cha (mẹ) nói chuyện với con như vậy.
• Cha (mẹ) đã đồng ý sẽ im lặng lắng nghe con nói hết rồi cơ mà.
• Mình có thể nói chuyện vào lúc khác khi cha (mẹ) bình tĩnh hơn.
Dưới đây là một số phản ứng điển hình của cha mẹ khi con cái đối đầu với họ và một số câu trả lời mẫu để bạn tham khảo:
“Làm gì có chuyện đó.” Cha mẹ nào đã từng dùng biện pháp phủ nhận để tránh né cảm giác bất toàn hoặc lo lắng của họ trong quá khứ thì gần như chắc chắn sẽ phủ nhận trong buổi đối chất nhằm củng cố phiên bản riêng của họ về hiện thực. Họ sẽ nói những cáo buộc bạn đưa ra không có thật, hoặc bạn đang phóng đại mọi chuyện lên, hoặc sẽ không bao giờ có chuyện cha bạn làm điều đó với bạn. Họ không nhớ, hoặc họ đổ cho bạn nói dối. Phản ứng này thường gặp ở những cha mẹ nghiện rượu, sự phủ nhận của họ có sự hậu thuẫn chắc chắn từ việc suy giảm trí nhớ do hội chứng nghiện rượu mang lại.
Bạn trả lời: “Dù cha (mẹ) không nhớ thì cũng không có nghĩa chuyện đó chưa từng xảy ra.”
“Đó là lỗi của mày cơ mà.” Hầu hết cha mẹ độc hại không bao giờ muốn nhận trách nhiệm đối với hành vi tiêu cực của họ. Họ sẽ đổ lỗi những việc này bởi bạn không ngoan hoặc cứng đầu. Họ đoán chắc họ đã làm hết sức trong khi bạn thì luôn gây rắc rối cho họ. Họ đưa ra bằng chứng tất cả mọi người trong gia đình đều biết bạn hay gây rắc rối và điều đó luôn khiến họ tức giận. Họ đưa ra một danh sách dài những hành vi công kích cáo buộc mà bạn đã làm nhằm vào họ.
Một biến thể của dạng này là đổ lỗi lên những khó khăn bạn đang gặp phải trong cuộc sống. “Tại sao mày lại công kích cha mẹ mày, trong khi vấn đề thực sự là mày không giữ nổi công việc của mày, không dạy bảo được con cái mày, không giữ được chồng mày...” Thậm chí họ còn có thể ngụy trang bằng sự thông cảm cho những hỗn loạn cảm xúc mà bạn đang gặp phải. Mọi lý do nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của bạn khỏi hành vi của họ.
Bạn trả lời: “Cha (mẹ) làm như đây là lỗi của con, nhưng con sẽ không chịu trách nhiệm cho những gì cha (mẹ) đã làm với con khi con còn bé.”
“Tao nói tao xin lỗi rồi.” Một số hứa sẽ thay đổi, sẽ yêu thương con cái hơn, sẽ quan tâm động viên giúp đỡ nhiều hơn, nhưng thường đó chỉ là củ cà rốt treo trên cây gậy mà thôi. Một khi mọi chuyện lắng xuống, họ lại trượt vào những thói quen cũ, họ thu về những gì đã nói, và vẫn có những hành vi độc hại như xưa. Một số cha mẹ sẽ thừa nhận ít nhiều điều con họ nói, nhưng họ không muốn làm gì để sửa chữa cả. Câu tôi thường nghe nhất là: “Đã nói là xin lỗi rồi. Mày còn muốn gì nữa?”
Bạn trả lời: “Con rất trân trọng lời xin lỗi của cha (mẹ). Nhưng đây mới chỉ là bắt đầu thôi. Nếu cha (mẹ) thực sự cảm thấy hối hận, hãy ở bên cạnh con khi con cần, ta sẽ cùng nhau vượt qua chuyện này để làm mối quan hệ cha (mẹ) con ta được tốt hơn.”
“Chúng ta đã làm những điều tốt nhất có thể rồi.” Những cha mẹ bất toàn vẫn luôn im lặng trước những hành vi bạo hành con cái của người bạn đời thường sẽ đối mặt với lời đối chất của con theo cách họ vẫn thường xoay xở với vấn đề cá nhân của họ: Thụ động. Những người này sẽ nhắc cho bạn nhớ họ gặp khó khăn và chịu đựng khổ sở như thế nào khi nuôi bạn lớn lên. Họ sẽ nói những câu như: “Con không bao giờ có thể hiểu được ta đã phải trải qua những gì”; “Con đâu biết ta đã cố rất nhiều lần ngăn ông ta (bà ta) lại”; hoặc, “Ta đã làm những gì có thể rồi.” Loại phản ứng này sẽ làm gợi lên rất nhiều sự đồng cảm và lòng trắc ẩn của bạn. Điều này có thể hiểu được, nhưng lại làm bạn phân tâm khỏi những gì cần nói trong buổi nói chuyện. Những lời nói ấy rất cám dỗ, làm bạn lại một lần nữa đặt nhu cầu của họ lên trên nhu cầu của bản thân. Bạn phải công nhận những khó khăn của cha mẹ bạn, nhưng đồng thời không được bỏ quên đi những khó khăn của chính mình.
Bạn trả lời: “Con hiểu cha (mẹ) đã trải qua khoảng thời gian khó khăn, và chắc chắn cha (mẹ) không cố ý làm tổn thương con, nhưng con muốn cha (mẹ) hiểu cách cha (mẹ) xoay xở với vấn đề của bản thân thật sự làm con đau khổ rất nhiều.”
“Nhìn xem những gì chúng ta đã làm cho con.” Nhiều cha mẹ sẽ cố đối phó với những khẳng định của bạn bằng cách khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu và những khoảnh khắc yêu thương gia đình đã có với nhau. Bằng cách tập trung vào mặt sáng của bức tranh, họ có thể tránh nhìn vào những góc khuất trong hành vi của họ. Thường cha mẹ sẽ nhắc bạn nhớ đến những món quà họ đã mua, những nơi họ đã đưa bạn đi, những hi sinh họ phải chịu vì bạn, và những điều tâm huyết họ đã làm. Họ sẽ nói những câu như: “Giờ nó trả ơn mình thế đấy,” hoặc “Đối với mày chẳng bao giờ là đủ cả.”
Bạn trả lời: “Con rất trân trọng những điều đó, nhưng chúng cũng không bù đắp được những trận đánh [chê bai liên tục, bạo lực, phỉ báng, nghiện rượu…].”
“Sao mày làm vậy với tao?” Một số bậc cha mẹ đóng vai là kẻ bị đọa đày. Họ sẽ òa khóc, siết chặt tay lại, ra vẻ bị sốc và không tin nổi vào sự “độc ác” của bạn. Họ phản ứng như thể họ là nạn nhân khi bạn đối chất với họ. Họ buộc tội bạn làm tổn thương họ hoặc làm họ thất vọng. Sẽ có những lời nói rằng họ không cần phải nghe những lời này bởi họ đã có quá đủ vấn đề trong cuộc sống. Sẽ có những lí do khác như việc họ quá yếu đuối, hay tình trạng sức khỏe không cho phép họ chịu những lời nói này. Nó sẽ khiến họ đau lòng đến chết. Tất nhiên có một số nỗi buồn của họ rất chân thật. Trên cương vị là cha mẹ họ sẽ thấy buồn khi đối mặt với chính thiếu sót của bản thân, khi nhận ra họ đã gây tổn thương to lớn cho con cái. Tuy nhiên, có khả năng nỗi buồn của họ cũng ngầm để thao túng và khống chế bạn. Đó là cách họ dùng cảm giác tội lỗi để bạn phải chùn bước mà từ bỏ.
Bạn trả lời: “Con buồn vì làm cha (mẹ) bực mình. Con buồn vì cha (mẹ) thấy bị tổn thương. Nhưng con muốn nói rõ mọi chuyện. Con cũng đã bị tổn thương suốt từ đó đến nay.”
ĐÔI KHI ĐỐI CHẤT KHÔNG KHẢ THI NỮA
Một số phản ứng điển hình của cha mẹ và câu trả lời đề xuất nêu trên nhằm giúp bạn tránh những cái bẫy cảm xúc trong quá trình đối chất. Tuy vậy, cũng có trường hợp dù bạn có cố cách mấy cũng không thể nào giao tiếp được với họ.
Một số cha mẹ đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khiến cho buổi nói chuyện lâm vào cảnh thật sự bế tắc và không khả thi. Cho dù bạn có hợp tình hợp lý, tốt bụng, rõ ràng, bình tĩnh như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng phải dừng buổi nói chuyện vì hành xử của họ. Những lời lẽ và động cơ của bạn sẽ bị họ bóp méo qua những lời nói dối. Và mặc dù họ đã đồng ý sẽ im lặng lắng nghe, nhưng khi diễn ra cuộc đối chất ấy, họ lại liên tục ngắt lời, buông lời cáo buộc, la hét, đập phá đồ đạc, quăng chén dĩa, làm cho bạn nhẹ thì tức điên lên, nặng thì khiến bạn muốn giết người. Do đó, việc biết khi nào nên dừng lại cũng quan trọng không kém so với việc đẩy lùi nỗi sợ và can đảm giãi bày tâm tình với cha mẹ bạn. Nếu bạn phải ngưng buổi đối chất chỉ vì hành xử của họ, thì đó là thất bại của họ, không phải của bạn.
Một buổi đối chất nhẹ nhàng
Số lượng các buổi đối chất vượt khỏi tầm kiểm soát là không nhiều, ngay cả khi chúng rất bão táp. Thật ra một số trường hợp lại diễn ra nhẹ nhàng đến kinh ngạc.
Melanie - cô luôn cố cứu lấy những người bất toàn, khi bé cô đã viết thư cho chuyên mục Dear Abby vì cô bị ép phải an ủi người cha sầu muộn trong thời gian ông rơi vào rối loạn cảm xúc thường trực và khóc không kiểm soát. Cô quyết định dẫn mẹ cô, bà Ginny, đến văn phòng tôi để nói chuyện với bà (cha cô khi ấy đã mất). Cô mở đầu buổi nói chuyện bằng những câu chúng tôi đã luyện tập với nhau trước đó, và mẹ cô đồng ý lắng nghe cô nói hết.
MELANIE: Mẹ, con cần nói với mẹ một số chuyện xảy ra ngày xưa vẫn khiến con tổn thương đến tận giờ. Con nhận ra khi còn bé con đã tự trách bản thân rất nhiều.
GINNY (cắt lời): Con yêu, nếu con còn cảm thấy thế thì việc trị liệu của con cũng thật không ra sao cả.
MELANIE: Mẹ đã đồng ý nghe con nói hết và không ngắt lời con cơ mà. Bây giờ mình không nói về việc trị liệu tâm lý mà là về tuổi thơ của con. Mẹ có còn nhớ cha rất bực con vì con cãi nhau với Neal (em trai cô ấy)? Cha khóc và nói em Neal đã ngoan với con biết bao nhiêu còn con thì đối với em tệ rất tệ? Mẹ có nhớ tất cả những lần mẹ đẩy con vào phòng cha khi ông ấy đang khóc và nói con phải làm ông ấy vui lên? Mẹ có biết mẹ làm con thấy tội lỗi thế nào không khi phải làm người chăm sóc cho cha? Con phải có trách nhiệm lo cho cha trong khi con chỉ là một đứa nhỏ. Sao mẹ không lo cho cha? Sao cha không tự lo cho mình? Sao người làm phải là con? Mẹ không bao giờ ở bên cạnh con ngay cả khi mẹ vẫn ở trong nhà. Thời gian con ở với người giúp việc còn nhiều hơn ở với mẹ. Mẹ có nhớ cái lần con viết thư gửi cho chuyên mục Dear Abby không? Mẹ cũng đâu có quan tâm.
GINNY (nhẹ giọng): Mẹ không nhớ gì về chuyện này.
MELANIE: Mẹ, có lẽ mẹ chọn cách quên đi, nhưng nếu mẹ muốn giúp con thì hãy nghe con nói hết. Không phải con đang công kích mẹ, con chỉ muốn mẹ biết cảm giác của con. Được rồi, con sẽ nói mẹ nghe cảm giác của mình khi trải qua tất cả những chuyện ấy. Con cảm thấy hoàn toàn đơn độc, con thấy mình là đứa tồi tệ. Thực sự con thấy vô cùng tội lỗi, mọi chuyện luôn quá sức vì con cố gắng sửa chữa những gì không thể. Giờ mẹ hãy để con nói rõ chuyện này đã ảnh hưởng đến cuộc đời con như thế nào. Con thấy vô cùng trống rỗng cho đến khi con nghĩ về tất cả những chuyện này. Giờ con thấy khá hơn nhưng vẫn còn sợ những người đàn ông nhạy cảm. Nên con mới dính lấy mấy tay lạnh lùng, những người không có phản ứng gì với con. Con rất khổ sở, cố gắng hiểu xem mình là ai, mình muốn gì, hay mình cần gì. Con chỉ vừa mới bắt đầu nhận ra. Điều khó nhất chính là tự yêu lấy bản thân mình. Mỗi lần con cố gắng, Cha đều bảo con là đứa xấu xa.
GINNY (bắt đầu khóc): Thật sự là mẹ không nhớ gì về chuyện này cả, nhưng nếu con đã nói vậy thì chắc đúng là đã có chuyện như vậy. Chắc là do lúc đó mẹ quá bất hạnh nên không biết gì...
MELANIE: Ôi không. Giờ thì con thấy tội lỗi vì đã làm tổn thương tình cảm của mẹ.
SUSAN: Melanie à, sao cô không nói cho mẹ biết cô mong muốn điều gì ở bà ấy hiện giờ?
MELANIE: Con muốn mẹ và con có mối quan hệ như giữa hai người lớn với nhau. Con muốn thật lòng với mẹ. Con mong được cho mẹ biết sự thật. Con muốn mẹ lắng nghe khi con chia sẻ về những gì con đã trải qua trong quá khứ. Con muốn mẹ sẵn lòng nhớ lại, suy nghĩ và cảm nhận về những gì đã diễn ra. Con muốn mẹ có trách nhiệm với một thực tế là mẹ đã không chăm lo, và không bảo vệ con khỏi tính khí của Cha. Con muốn chúng ta nói thật với nhau.
Bà Ginny cố gắng im lặng nghe con gái cô nói và thừa nhận những gì cô nói. Bà còn thể hiện khả năng giao tiếp lành mạnh và hợp lý. Cuối cùng bà đã đồng ý sẽ làm theo những yêu cầu của Melanie, dù bà thấy một số yêu cầu rất quá sức với bà.
ĐỐI ĐẦU NẢY LỬA
Cha mẹ của Joe không có được sự thấu hiểu cho lắm. Joe tốt nghiệp khoa tâm lý và đã từng bị cha đánh đập. Sau nhiều lần thuyết phục cuối cùng người cha nghiện rượu và người mẹ phụ thuộc của anh cũng đồng ý đến văn phòng tôi. Joe rất háo hức trông chờ buổi đối chất này. Nhưng kết quả lại tệ hơn rất nhiều so với buổi đối chất của Melanie.
Cha của Joe, ông Alan sải bước vào văn phòng của tôi và có vẻ rất muốn làm người chỉ huy. Ông có thân hình to lớn, mái tóc vàng sẫm, tuổi lục tuần; những năm tháng chìm đắm trong rượu chè và giận dữ làm ngoại hình ông trông thật tệ hại. Mẹ của Joe, bà Joanne, quý bà với mái tóc xám, da xám, váy xám, và một tính cách mang màu trung lập. Ánh mắt bà chất chứa một nỗi ám ảnh mà tôi thường thấy ở những bà vợ hay bị chồng đánh đập. Bà bước sau lưng chồng, ngồi xuống, khoanh tay và nhìn chằm chằm dưới đất.
Joe dành gần nửa tiếng đầu tiên của buổi nói chuyện để tạo bầu không khí thuận lợi cho anh có thể nói những gì cần nói. Cha anh liên tục cắt lời, lớn tiếng, chửi thề - mọi cách để thị uy bắt anh phải ngậm miệng. Khi tôi phải can thiệp để bảo vệ Joe, Alan lại quay sang phỉ báng tôi và nghề nghiệp của tôi. Mẹ của Joe hầu như không lên tiếng, và bà chỉ lên tiếng van nài chồng bà bình tĩnh lại. Những gì tôi chứng kiến là một phiên bản thu nhỏ bốn mươi năm thống khổ của Joe. Joe phản ứng rất tốt trong tình huống gần như bất khả thi. Anh giữ bình tĩnh hết sức có thể, dù rõ ràng là anh cũng đang nổi cơn thịnh nộ. Cơn giận của Alan bùng nổ khi Joe đề cập đến chứng nghiện rượu của cha anh.
ALAN: Được rồi thằng thối tha, quá đủ rồi. Mày là cái thá gì? Tao đã quá dễ dãi với mày. Lẽ ra tao phải để mày tự kiếm tiền nuôi sống bản thân mày. Sao mày dám nói tao nghiện rượu trước mặt một người hoàn toàn xa lạ. Thằng chó đẻ, phải phá nát cái nhà này thì mày mới vừa lòng phải không? Tao sẽ không ngồi yên để một thằng khốn tiêu cực và vô ơn cùng với bà bác sĩ tâm thần của nó lên mặt dạy đời tao.
Đến lúc này Alan đứng lên và đi ra ngoài. Tới bậc cửa thì ông quay lại hỏi Joanne có đi cùng không. Joanne khẩn khoản bảo bà muốn ở lại cho hết buổi nói chuyện. Alan bảo ông sẽ chờ ở quán cà phê dưới lầu mười lăm phút, nếu không thì bà tự mà tìm cách về nhà. Sau đó ông bực tức bước ra ngoài.
JOANNE: Tôi rất xin lỗi. Tôi xấu hổ quá. Thực sự ông ấy không phải là người như vậy đâu. Chỉ là ông ấy có cái tôi rất lớn và không chịu nổi bị mất mặt. Thực ra ông ấy có rất nhiều đức tính tốt...
JOE: Mẹ, thôi đi! Vì Chúa hãy thôi ngay đi! Mẹ đã làm thế suốt cuộc đời con còn gì. Mẹ nói dối để bao che cho ông ta, mẹ để ông ta đánh hai mẹ con mình, mẹ không phản kháng hay làm cái gì cả. Con từng ảo tưởng có một ngày con sẽ cứu mẹ ra khỏi cảnh này. Còn mẹ có bao giờ muốn cứu con không? Mẹ có biết một đứa trẻ thấy ra sao khi sống trong căn nhà đó không? Mẹ có tưởng tượng được con phải sống chung với nỗi khiếp sợ gì mỗi ngày không? Sao hồi đó mẹ không làm gì hết vậy? Sao bây giờ mẹ cũng không làm gì hết vậy?
JOANNE: Con đã có cuộc sống của riêng con. Sao con không để chúng ta sống yên ổn như vậy?
Buổi đối đầu của Joe thật nảy lửa và đầy giận dữ, nhưng thực ra lại là một thành công lớn. Cuối cùng anh cũng chấp nhận sự thật là cha mẹ anh bị trói buộc bởi chính con quỷ dữ trong người họ và bị nhốt trong khuôn mẫu cư xử độc hại của họ. Cuối cùng anh cũng từ bỏ tia hi vọng mỏng manh một ngày nào đó họ sẽ thay đổi.
Điều mong chờ sau khi đối chất
PHẢN ỨNG CỦA BẠN
Ngay sau buổi đối chất, có thể bạn sẽ cảm thấy lâng lâng tột đỉnh mà lòng dũng cảm và sức mạnh mới mang lại. Bạn sẽ thấy vô cùng thanh thản và nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng đã chấm dứt cuộc đối đầu, dù cho buổi nói chuyện không xảy ra chính xác theo hướng bạn mong đợi. Bạn sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn vì đã nói ra được rất nhiều điều đã cất giấu trong lòng bấy lâu. Nhưng đồng thời bạn cũng có thể thấy mất cân bằng trầm trọng hoặc thất vọng. Chắc chắn bạn sẽ còn cảm thấy lo lắng không biết điều gì sắp xảy ra.
Dù phản ứng ban đầu của bạn ra sao, bạn cần thời gian để thấy được những lợi ích lâu dài của việc đối chất. Bạn cần từ vài tuần đến vài tháng để thấy được quyền năng thực sự từ việc này. Cho đến cuối cùng, bạn không còn ở hai đầu thái cực lâng lâng hay thất vọng nữa, mà thay vào đó là sự bình yên tâm hồn và lòng tự tin tràn ngập theo thời gian.
PHẢN ỨNG CỦA CHA MẸ BẠN
Việc đối chất không phải lúc nào cũng cho bạn kết quả cuối cùng và tức thì cho mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ. Những người liên quan cần thời gian để đón nhận và phản ứng theo cách của họ.
Ví dụ như, một buổi đối chất kết thúc một cách tích cực có thể sẽ thay đổi hoàn toàn khi cha mẹ bạn có thời gian suy nghĩ về nó. Họ có phản ứng chậm. Họ có thể khá bình tĩnh trong buổi nói chuyện, nhưng sau đó một thời gian lại chuyển sang trách cứ bạn một cách giận dữ, trách bạn đã gây ra sóng gió trong gia đình.
Trái lại, tôi từng chứng kiến những buổi đối chất kết thúc trong nóng giận và hỗn loạn nhưng cuối cùng lại dẫn đến những thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi sự náo động ban đầu lắng xuống, việc bạn bày tỏ chân thật về quá khứ lại là tiền đề cho việc giao tiếp cởi mở và chân tình hơn giữa bạn và cha mẹ mình.
Nếu cha (hoặc mẹ) phản ứng dữ dội sau buổi đối chất, bạn rất dễ công kích lại họ. Tránh nói những câu khiêu khích như: “Thật đúng là cha (mẹ) mà,” hay “Con không bao giờ tin được những gì cha (mẹ) nói.” Điều cốt yếu là bạn kiên trì giữ thái độ không phòng vệ, nếu không bạn lại đánh mất quyền năng vừa có được vào tay cha mẹ bạn. Bởi vậy, bạn nên nói:
• Con đồng ý nói chuyện, nhưng con sẽ không để cha (mẹ) la lối hay sỉ nhục con.
• Con sẽ quay lại rồi mình nói chuyện sau, khi cha (mẹ) bình tĩnh hơn.
Nếu cha mẹ bạn thể hiện sự tức giận bằng chiến tranh lạnh, bạn hãy thử nói:
• Khi mẹ thôi im lặng để trừng phạt con thì mình sẽ nói chuyện.
• Con đã can đảm nói hết những gì con nghĩ rồi. Sao cha (mẹ) không làm vậy?
Có một điều chắc chắn: chẳng có gì là mãi mãi. Quan trọng là bạn chú ý đến hiệu ứng lan tỏa của buổi đối chất trong vài tuần, vài tháng thậm chí đến vài năm sau đó. Bạn phải giữ đầu óc minh mẫn và đôi mắt tinh tường khi đánh giá các thay đổi trong mối quan hệ với cha mẹ bạn và những thành viên khác trong gia đình.
Việc của bạn là bám sát thực tế và không bị đưa vào khuôn mẫu hành vi phản ứng và phòng vệ như trước, bất luận cha mẹ bạn có làm gì đi chăng nữa.
TÁC ĐỘNG ĐẾN MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA VÀ MẸ BẠN
Bên cạnh những thay đổi to lớn trong mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ bạn, bạn cũng phải lường trước những thay đổi trong mối quan hệ giữa cha và mẹ bạn với nhau.
Nếu trong buổi đối chất một trong hai người phát hiện ra bí mật của gia đình mà người kia không hề hay biết, ví dụ như loạn luân, thì mối quan hệ giữa hai người họ sẽ bị tác động vô cùng lớn. Một người có thể là đồng minh với bạn để chống lại người kia. Điều đó có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ của họ. Nếu trong buổi đối chất bạn đề cập đến một sự thật mà ai cũng biết nhưng không ai dám đối diện, như chứng nghiện rượu, thì mối quan hệ giữa hai người sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng trong một số trường hợp lại rất nghiêm trọng.
Bạn dễ cảm thấy tội lỗi vì những rắc rối nảy sinh trong mối quan hệ giữa cha mẹ mình. Bạn sẽ tự hỏi nếu cứ để nguyên mọi chuyện như thế ngay từ đầu thì sẽ tốt hơn chăng.
Khi Carla đến Mexico để gặp người mẹ nghiện rượu hay đòi hỏi của mình để đối chất về tình trạng say xỉn của bà và sự phụ thuộc của cha cô, cuộc hôn nhân của cha mẹ cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi mẹ cô cai nghiện, cha cô suy sụp. Giá trị bản thân của ông dựa phần lớn vào vai diễn một người cha đầy quyền lực và hoàn hảo. Khi vợ ông không còn dựa vào ông nữa, vai trò của ông trong gia đình bị tước đi mất ý nghĩa. Cuộc hôn nhân của họ được xây dựng dựa trên hình mẫu tương quan lẫn nhau, điều mà hiện nay không còn đúng. Họ không biết phải giao tiếp với nhau như thế nào, họ không có sự cân bằng, họ mất đi tiếng nói chung. Carla có những xúc cảm phức tạp về chuyện này.
CARLA: Tôi đã làm gì thế này. Tôi đã làm cả nhà mình buồn phiền.
SUSAN: Đợi đã. Cô không làm gì hết. Họ mới là người bắt đầu mọi chuyện.
CARLA: Nhưng nếu họ ly hôn, tôi sẽ thấy rất tội lỗi.
SUSAN: Cô không có lý do gì để thấy tội lỗi hết. Họ đang nhìn nhận lại mối quan hệ của họ vì họ có thông tin mới trong tay. Cô không phải là người tạo ra thông tin đó, cô chỉ làm mọi chuyện sáng tỏ lên thôi.
CARLA: Có lẽ đó cũng chẳng phải ý hay. Trước đây hôn nhân của họ vẫn ổn mà.
SUSAN: Không phải vậy đâu.
CARLA: Trông mọi thứ vẫn ổn mà.
SUSAN: Không phải vậy đâu.
CARLA (sau khi ngưng một lúc lâu): Có lẽ điều tôi thấy đáng sợ nhất chính là quyết định mình không muốn hi sinh bản thân vì họ nữa. Tôi sẽ để họ tự chịu trách nhiệm cho bản thân họ. Nếu điều đó làm mọi người buồn phiền thì tôi phải sống với nỗi bất hạnh của họ mà thôi.
Cha mẹ của Carla không ly hôn, nhưng hôn nhân của họ cũng không có được sự bình yên như trước. Tuy nhiên, dù họ vẫn chật vật khổ sở vì nhau, cuộc đời Carla cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng. Bằng cách nói lên sự thật và không bị vướng vào xung đột âm ỉ kéo dài của cha mẹ, cô đã có được tự do cho bản thân mình, điều cô luôn cho rằng không thể.
PHẢN ỨNG CỦA ANH CHỊ EM BẠN
Quyển sách này phần lớn tập trung vào mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ, tuy nhiên việc đối chất không đơn giản chỉ là chuyện giữa bạn và hai người họ. Bạn là một phần của gia đình, và tất cả những người thuộc về gia đình đó đều sẽ bị ảnh hưởng. Giống như mối quan hệ của bạn với cha mẹ sẽ không còn như trước sau khi bạn quyết định đối chất, mối quan hệ giữa bạn và anh chị em cũng sẽ thay đổi.
Một số anh chị hoặc em bạn đã từng trải qua những việc giống bạn sẽ thừa nhận những gì bạn nhớ là đúng. Những người khác có trải nghiệm tương tự nhưng vì họ bị mắc kẹt với cha mẹ nên phủ nhận cả những hành vi bạo hành khủng khiếp nhất mà cả bạn và họ đều đã trải qua. Một số khác gặp phải những chuyện khác và sẽ chẳng hiểu bạn đang nói về vấn đề gì.
Một số anh chị em sẽ cảm thấy bị đe dọa khi bạn đối chất với cha mẹ và có thể còn tức giận vì bạn làm chao đảo cán cân bấp bênh của gia đình. Đó là cách em trai của Carol đã phản ứng.
Sau khi cha Carol nhận được lá thư, ông đã gọi điện và cho cô sự ủng hộ tinh thần mà cô không dám nghĩ đến. Ông bảo cô trong trí nhớ của ông mọi chuyện rất khác so với những gì cô mô tả trong thư, nhưng ông xin lỗi vì những tổn thương mà ông đã gây ra. Carol rất cảm động và phấn khích vì nó mở ra cơ hội cho một mối quan hệ hoàn toàn mới giữa cô với cha. Nhưng vài tuần sau, cô bị tổn thương nghiêm trọng khi nói chuyện lần hai với cha, ông không những phủ nhận những điều cô viết trong thư mà còn bảo ông chưa bao giờ nói xin lỗi. Sau đó, dường như thấy còn chưa đủ tổn thương và chế nhạo, em trai của Carol đã buông lời nhục mạ và công kích cô vì dám “đi rêu rao những lời nói dối đáng kinh tởm” về cha mình. Cậu ta bảo cô “đầu óc bệnh hoạn” vì cáo buộc cha đã bạo hành cô.
Nếu anh chị em bạn phản ứng tiêu cực về việc đối chất của bạn, họ sẽ dành nhiều năng lượng vào việc bạn đã làm buồn lòng gia đình. Họ có thể sẽ nhiều lần gửi thư, gọi điện hoặc đến tận nhà bạn. Họ trở thành sứ giả của cha mẹ, nhận và chuyển những thông điệp, những lời biện hộ, đe dọa và tối hậu thư. Họ có thể lăng mạ, làm mọi thứ có thể để thuyết phục rằng bạn một là sai lầm, hai là điên loạn, hoặc là cả hai. Một lần nữa, điều chính yếu là bạn dùng những đáp ứng không phòng vệ và giữ lấy quyền nói lên sự thật.
Dưới đây là một số câu bạn có thể nói với họ:
• Anh sẵn sàng nói chuyện với em, nhưng anh sẽ không để em nhục mạ anh.
• Anh hiểu em muốn bảo vệ họ, nhưng những gì anh nói là sự thật.
• Anh không làm điều này vì muốn làm buồn lòng ai cả, đây là việc anh làm vì bản thân anh.
• Anh rất trân quý mối quan hệ giữa anh và em, nhưng anh sẽ không đánh đổi nhu cầu của mình để duy trì nó.
• Chuyện này chưa từng xảy ra với em không có nghĩa là nó không xảy ra với anh.
Kate - cô và em gái cô, Judy đều từng bị cha đánh đập, thường là cùng một lúc. Kate tin rằng em gái cô sẽ coi thường cô vì cô gợi lại những nỗi đau của quá khứ. Tuy nhiên Kate chấp nhận rủi ro đó.
Tôi luôn có mong muốn bảo vệ Judy. Rất nhiều lần con bé bị đánh nặng hơn cả tôi. Cái đêm tôi gửi lá thư cho cha mẹ tôi, tôi gọi cho con bé, vì tôi muốn nó biết tôi đang làm gì. Nó bảo nó sẽ đến chỗ tôi ngay và cần nói chuyện. Tôi nghĩ chắc con bé giận tôi lắm. Tôi gần như trở nên điên loạn. Khi mở cửa ra tôi thấy con bé đang khóc. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau và đứng đó rất lâu. Chúng tôi nói chuyện, chúng tôi khóc và ôm nhau, rồi lại khóc và cười. Chúng tôi trải qua mọi cung bậc cảm xúc đó. Judy nhớ một số chuyện mà tôi không còn nhớ nổi, và con bé thấy vui khi kể cho tôi nghe về chúng. Nó bảo nếu không có tôi thì có lẽ nó đã mãi chôn chặt những tâm sự từ lâu này trong lòng. Con bé thấy gần gũi với tôi hơn bao giờ hết. Con bé không còn thấy cô đơn trong mớ hỗn loạn này nữa. Con bé ngưỡng mộ sự dũng cảm của tôi, và bảo sẽ ở bên cạnh tôi trong suốt hành trình này. Tim tôi như tan chảy ra khi Judy nói những lời đó.
Bằng cách nói lên sự thật, cả Kate và Judy đã có thể nuôi dưỡng mối quan hệ của họ và cho nhau sự động viên và khích lệ tinh thần mạnh mẽ. Hành động dũng cảm của Kate cũng truyền cảm hứng cho em gái cô để Judy đến trị liệu tâm lý về những nỗi đau từ thời thơ ấu bị cha mẹ bạo hành.
NHỮNG PHẢN ỨNG KHÁC CỦA GIA ĐÌNH
Việc đối chất ảnh hưởng đến mọi người mà bạn quan tâm, đặc biệt là người bạn đời và con cái bạn, những nạn nhân gián tiếp của cha mẹ độc hại. Sau khi đối chất, bạn có nhu cầu có được tất cả tình yêu thương và ủng hộ mà bạn có thể có. Đừng sợ khi đòi hỏi điều đó. Đừng sợ khi nói với họ đây là khoảng thời gian khó khăn của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, họ sẽ không trải qua những xúc cảm dữ dội đó, và họ có thể sẽ không hiểu rõ lí do đằng sau hành động của bạn. Bởi vì khoảng thời gian này có thể cũng khó khăn đối với họ, nếu họ không thể hiện sự ủng hộ như bạn mong muốn, thì điều quan trọng là bạn cần cố gắng thể hiện sự thấu hiểu của bạn đối với cảm xúc của họ.
Cha mẹ bạn sẽ cố gắng lôi kéo các thành viên khác trong gia đình trở thành đồng minh trong kế hoạch gỡ bỏ tội lỗi của bản thân và khiến bạn trở thành người xấu. Những người này có thể bao gồm họ hàng mà bạn thân thiết, như ông bà hay một người dì mà bạn quý mến. Một vài người họ hàng sẽ bảo vệ cha mẹ bạn khiến gia đình thêm biến động. Những người khác có thể đứng về phía bạn. Cũng như với cha mẹ và anh chị em của bạn, điều quan trọng là xử sự với từng người theo cách riêng tùy hoàn cảnh và nhắc họ việc bạn đang làm những điều tích cực cho cuộc sống của bản thân, và họ không cần phải cảm thấy miễn cưỡng đứng về phía ai cả.
Có khả năng bạn còn có thể nghe thấy nhiều điều từ những người không quen thuộc như bạn thân của mẹ hay mục sư của bạn. Hãy nhớ rằng, bạn không có nghĩa vụ giải thích chi tiết đối với những người không liên quan đến gia đình mình. Nếu bạn quyết định không giải thích với họ, bạn có thể nói những câu như:
• Tôi cảm ơn cậu đã quan tâm, nhưng đây là việc giữa bố mẹ tôi và tôi.
• Anh hiểu là em muốn giúp, nhưng anh không muốn nói chuyện này với em.
• Bạn đang phán xét một việc mà bạn không biết rõ về nó. Mình sẽ kể cho bạn khi nào mọi việc ổn hơn.
Đôi khi một người họ hàng hay một người bạn thân thiết của gia đình sẽ không hiểu được lý do tại sao bạn phải đối chất với cha mẹ bạn, và kết quả của việc này là mối quan hệ giữa bạn và người đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Chuyện này chưa bao giờ là dễ dàng cả; thậm chí có thể nói nó là một trong những cái giá đau đớn nhất bạn phải trả để có được sức khỏe tinh thần.
THỜI GIAN NGUY HIỂM NHẤT
Phản ứng nguy hiểm nhất mà bạn phải chuẩn bị sau khi đối chất là việc cha mẹ bạn sẽ nỗ lực sống còn để xóa bỏ tất cả những việc bạn đã làm. Họ có thể áp dụng mọi biện pháp để trừng phạt bạn. Họ có thể chì chiết về việc bạn phản bội hoặc ngược lại, không nói chuyện với bạn nữa. Họ có thể đe dọa xóa tên bạn ra khỏi gia phả hay di chúc. Xét cho cùng bạn đã vi phạm nguyên tắc của gia đình về sự im lặng và phủ nhận. Bạn đã phá nát trang sử thi của gia đình. Bạn tự làm bản thân mình tách biệt, giáng một đòn chống lại sự cùng quẫn tuyệt vọng trong sự điên loạn của gia đình.
Về bản chất, bạn đã thả rơi một quả bom nguyên tử cảm xúc và hậu quả theo sau là điều tất yếu. Cha mẹ bạn càng nổi giận, bạn sẽ càng khao khát chối bỏ sức mạnh mới của mình và tìm kiếm “bình yên bằng mọi giá”. Bạn sẽ tự hỏi những điều bạn đạt được liệu có xứng đáng đánh đổi bằng biến động này không. Tất cả những nghi ngờ, suy đi tính lại, và cả sự mong mỏi trở về tình trạng trước kia là việc không tránh khỏi. Cha mẹ độc hại sẽ làm mọi điều để lấy lại sự cân bằng quen thuộc và dễ chịu trong gia đình. Họ có thể thực sự rất thuyết phục khi giảng giải những khúc hát êm tai về tội lỗi, luyến tiếc, hay khiển trách.
Lúc này hệ thống hỗ trợ về mặt cảm xúc trở nên hết sức quan trọng. Cũng giống như anh hùng Hi Lạp Ulysses bắt các thủy thủ đoàn trói mình vào cột buồm để ông không thất thủ trước sự quyến rũ và cám dỗ chết người từ tiếng hát của mỹ nhân ngư, bạn bè của bạn, bác sĩ trị liệu, người bạn đời, hay tổ hợp một vài người như thế có thể neo chặt bạn với cột buồm cảm xúc của chính bạn nhằm bảo vệ bạn. Anh ấy hay cô ấy có thể mang lại cho bạn sự quan tâm và công nhận mà bạn cần để duy trì niềm tin vào bản thân và vào chính lựa chọn quan trọng mà bạn đã quyết định.
Theo kinh nghiệm của tôi, cha mẹ độc hại hiếm khi kiên quyết làm đến cùng khi họ đe dọa khai trừ con cái ra khỏi gia đình. Họ quá lúng túng và có khuynh hướng gây ra những thay đổi lớn. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn. Tôi từng thấy những bậc cha mẹ từ bỏ con cái ra khỏi cuộc sống của mình, những người đã thực sự tước bỏ quyền thừa kế của con cái và không hỗ trợ tài chính cho con nữa. Bạn cần phải chuẩn bị bản thân về cả cảm xúc và tâm lý nếu điều này hoặc những phản ứng nào khác xảy ra.
Thật sự không dễ dàng giữ vững quyết tâm khi gia đình tác động xung quanh bạn. Đối mặt với hệ quả từ những thay đổi trong cách cư xử của bạn là một trong những điều dũng cảm nhất mà bạn từng đòi hỏi ở bản thân mình. Nhưng phần thưởng của việc này cũng rất xứng đáng.
QUYẾT ĐỊNH HÌNH THỨC QUAN HỆ MÀ BẠN NÊN CÓ VỚI CHA MẸ
Một khi mọi việc lắng xuống và bạn có cơ hội xem xét tác động của việc đối chất lên mối quan hệ của bản thân với cha mẹ, bạn sẽ phát hiện bản thân có 3 lựa chọn.
Đầu tiên, giả sử cha mẹ bạn có thể thấu hiểu phần nào nỗi đau của bạn và thừa nhận, dù chỉ một phần nhỏ, trách nhiệm của họ trong xung đột với bạn. Nếu họ thể hiện mong muốn tiếp tục nói chuyện, làm rõ, và chia sẻ cảm xúc và lo lắng với bạn, khả năng bạn và họ cùng nhau xây dựng một mối quan hệ lành mạnh hơn là rất cao. Bạn có thể trở thành người hướng dẫn cho cha mẹ bạn, hướng dẫn họ cách đối xử với bạn như hai người lớn với nhau và giao tiếp với bạn mà không chỉ trích hay công kích. Bạn có thể hướng dẫn họ cách thể hiện cảm xúc của bản thân mà không sợ hãi. Bạn có thể hướng dẫn họ điều gì là tốt và không tốt đối với bạn trong mối quan hệ này. Tôi sẽ không vẽ nên bức tranh màu hồng để huyễn hoặc bạn đây là tình huống thường xảy ra nhiều trong thực tế, nhưng tình huống này không phải là không có. Bạn không thể biết khả năng của cha mẹ bạn đến đâu cho đến khi bạn cho họ làm bài kiểm tra đối chất.
Thứ hai, nếu cha mẹ bạn cho thấy ít khả năng thay đổi mối quan hệ, nếu họ trở về với lối cư xử như bình thường, điều tốt nhất bạn có thể làm lúc này là vẫn giao tiếp với họ nhưng ít đi những kỳ vọng. Tôi đã từng làm việc với rất nhiều người không muốn hoàn toàn chấm dứt mối quan hệ với cha mẹ, nhưng cũng không muốn trở về mối quan hệ trước đó. Những người này lựa chọn lùi về sau, thiết lập mối quan hệ thân thiện nhưng hời hợt với cha mẹ. Họ không thể hiện những cảm xúc sâu thẳm trong lòng và tính dễ tổn thương của mình nữa; đổi lại, họ giới hạn việc giao tiếp ở những chủ đề trung tính về mặt cảm xúc. Họ thiết lập nguyên tắc mới cho bản chất của mối quan hệ giao tiếp giữa họ và cha mẹ. Tình trạng trung tính này dường như hiệu quả với rất nhiều bệnh nhân của tôi và có thể cũng sẽ hiệu quả với bạn. Bạn có thể duy trì quan hệ với cha mẹ độc hại miễn sao mối quan hệ không khiến bạn đánh đổi bằng sức khỏe tinh thần của mình.
Điều thứ ba và cũng là lựa chọn cuối cùng là từ bỏ mối quan hệ với cả cha và mẹ để đổi lấy sự bình yên cho bản thân. Một vài bậc cha mẹ trở nên đối kháng tàn nhẫn sau đối chất đến nỗi có những cư xử độc hại hơn cả trước kia. Nếu điều này xảy ra, bạn buộc phải lựa chọn giữa cha mẹ và sức khỏe tinh thần của chính mình. Bạn đã lừa dối bản thân mình suốt thời gian dài; đây là lúc nên thay đổi.
Đối mặt với lựa chọn thứ ba và gánh chịu một nỗi mất mát to lớn sẽ song hành với nhau, nhưng có một cách để kiểm soát nỗi đau: chia cách tạm thời. Tạm thời rời xa cha mẹ bạn. Không liên lạc ít nhất là ba tháng. Nghĩa là không gặp gỡ, không gọi điện, không thư từ. Tôi gọi đó là thời gian “thải độc” bởi đây là cơ hội để những người liên quan loại độc tố ra khỏi cơ thể và đánh giá tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với bản thân mình. Việc tạm ngưng liên lạc có thể khó, nhưng sẽ là thời gian của sự phát triển to lớn. Khi không phải bỏ ra phần lớn năng lượng vào mối bất hòa với cha mẹ, bạn sẽ có thêm nhiều năng lượng cho cuộc sống của chính mình. Một khi bạn quen với khoảng cách này, bạn và cha mẹ có thể tái phát hiện một vài xúc cảm tích cực chân thật dành cho đối phương.
Khi việc tạm ngưng liên lạc kết thúc, bạn cần đánh giá xem cha mẹ bạn có thay đổi hay không. Yêu cầu họ gặp mặt để trao đổi về việc này. Nếu họ không thay đổi, bạn có thể hoặc thử tạm ngưng liên lạc thêm một thời gian nữa hoặc lựa chọn từ bỏ họ hoàn toàn.
Nếu bạn thấy việc chấm dứt mối quan hệ là cách duy nhất bạn có thể giữ được bình yên cho bản thân, tôi khuyên bạn nên có sự tham vấn chuyên nghiệp để giúp bạn thực hiện điều đó. Trong khoảng thời gian này đứa trẻ mang trong mình đầy nỗi sợ sống bên trong bạn sẽ cần rất nhiều sự an ủi và xoa dịu. Một nhà tư vấn thấu cảm sẽ giúp bạn thu dưỡng đứa trẻ ấy đồng thời chỉ dẫn phần người lớn của bạn vượt qua lo âu và đau khổ của việc nói lời chia tay.
QUYẾT ĐỊNH CỦA JOE
Cha của Joe, Alan, vẫn phẫn nộ rất lâu sau khi đối chất. Ông tiếp tục uống rượu nhiều. Sau vài tuần, ông đã nhờ vợ mình, Joanne, gửi tới Joe một thông điệp: Nếu Joe còn muốn gặp mặt cha, Joe phải xin lỗi. Mẹ anh gọi điện hầu như mỗi ngày, khuyên nhủ Joe nghe theo yêu cầu của cha để - theo lời bà là, “chúng ta lại là một gia đình.”
Joe đau buồn nhận ra rằng cái thực tế méo mó trong gia đình anh sẽ còn tiếp tục làm hại đến sức khỏe tinh thần của anh. Anh đã viết một lá thư ngắn gửi đến cha mẹ thông báo anh sẽ tạm dừng liên lạc với họ trong vòng chín mươi ngày, trong khoảng thời gian đó anh hi vọng họ có thể xét lại quan điểm của họ. Anh đề nghị gặp mặt sau chín mươi ngày để xem còn có thể cứu vớt được điều gì không.
Sau khi chuyển đi bức thư, Joe nói với tôi việc anh đã sẵn sàng và sẵn lòng chấp nhận khả năng lá thư sẽ là lời chia tay sau cuối và vĩnh viễn với cha mẹ anh:
Tôi đã từng rất hi vọng tôi đủ mạnh mẽ để tiếp tục mối quan hệ với họ và không quá buồn phiền vì sự điên rồ của họ. Nhưng giờ đây tôi biết điều đó là đòi hỏi quá sức đối với bản thân tôi. Vậy nên, vì tôi phải chọn hoặc là họ hoặc là tôi, tôi chọn bản thân mình. Đây có lẽ là điều tích cực nhất tôi từng làm, nhưng trong tâm trí tôi: một giây trước tôi thấy vô cùng tự hào về bản thân và cảm thấy rất mạnh mẽ, nhưng rồi ngay sau đó tôi thấy bên trong thật sự trống rỗng. Chúa ơi, Susan, tôi không biết tôi có thể chịu được việc có cuộc sống tinh thần lành mạnh hay không nữa - tôi không biết cảm xúc khi đó sẽ như thế nào?
Mặc dù Joe đau khổ khi cắt đứt với cha mẹ, tinh thần quyết tâm của anh đã cho anh một cảm giác mới mẻ về sức mạnh tiềm ẩn bên trong. Anh bắt đầu cảm thấy tự tin hơn mỗi khi gặp gỡ phụ nữ, và trong sáu tháng anh có mối quan hệ tình cảm mà theo anh kể đó là mối quan hệ ổn định nhất anh từng có. Cuộc đời anh trở nên tốt hơn lên khi giá trị bản thân của anh được cải thiện.
Dù bạn thỏa thuận với cha mẹ để có một mối quan hệ tốt hơn, hay lùi ra xa để có một mối quan hệ hời hợt hơn, hay cắt đứt quan hệ với cha mẹ, bạn đã bước một bước tiến lớn trong việc tách rời bản thân khỏi quyền lực của quá khứ. Một khi bạn từ bỏ cái cũ, khuôn mẫu hành xử với cha mẹ độc hại, bạn sẽ mở lòng hơn để đón nhận một mối quan hệ thương yêu thật sự với chính bản thân mình và với người khác.
Đối chất với cha mẹ đang mắc bệnh hoặc già yếu
Rất nhiều bệnh nhân của tôi đứng trước tình thế khó xử và bế tắc khi phải đưa ra quyết định đối chất với cha mẹ đã rất già yếu hoặc bị khuyết tật. Họ bị kẹt trong khối mâu thuẫn giữa cảm giác thương hại và oán giận. Một số có cảm giác mạnh mẽ về nghĩa vụ cơ bản với mỗi con người là phải hiếu thảo với cha mẹ song song với tính siêu nhạy cảm là nhu cầu của họ. “Làm thế có ích gì,” họ nói. “Giá như tôi nói rõ mọi thứ với họ nhiều năm trước. Chính họ còn không nhớ gì”, hay là, “Nếu tôi làm vậy mẹ tôi sẽ xảy ra đột quỵ lần nữa. Tôi sẽ để bà ấy nhắm mắt ra đi trong thanh thản mà thôi.” Và rồi, họ biết họ sẽ khó tìm được sự bình yên cho chính bản thân mình nếu không một lần đối chất với cha mẹ họ.
Tôi không muốn tránh đề cập đến những khó khăn trong quá trình này, nhưng sự thật cha mẹ già yếu hoặc bị bệnh mãn tính không có nghĩa việc đối chất là không thể. Tôi đã khuyên bệnh nhân của tôi trao đổi về hệ quả của căng thẳng tâm lý với bác sĩ của cha mẹ bạn để đánh giá xem có rủi ro sức khỏe đáng kể nào hay không. Nếu có, có nhiều cách thay thế cho giải pháp đối chất trực tiếp mà vẫn giúp bạn nói lên sự thật, ngay cả khi bạn lựa chọn không nói với cha mẹ mình. Bạn có thể viết thư đối chất mà không gửi đi, bạn có thể đọc những lá thư này trước ảnh của cha mẹ, bạn có thể nói chuyện với anh chị em hoặc các thành viên khác trong gia đình, hoặc nếu bạn đang điều trị tâm lý, bạn có thể đối chất với cha mẹ bằng cách nhập vai. Tôi sẽ thảo luận về kỹ thuật này kỹ hơn ở những phần sau, mục “Đối chất với cha mẹ đã khuất”.
Kỹ thuật này được chứng minh là có hiệu quả với rất nhiều bệnh nhân của tôi, là những người chăm sóc toàn thời gian cho một trong hai hoặc cả cha lẫn mẹ. Nếu cha mẹ đang sống với bạn và phụ thuộc vào bạn, việc nỗ lực cải thiện mối quan hệ sẽ giảm thiểu căng thẳng trong mối quan hệ, làm cho vai trò người chăm sóc của bạn dễ thở hơn. Nhưng việc đối chất cũng có thể gây nên bất hòa khiến môi trường sống của bạn tới cực hạn không chịu đựng nổi nữa. Nếu tình trạng sống hiện tại của bạn không cho phép bạn tạo lập khoảng cách với cha mẹ mà việc đối chất sẽ làm bạn xa cách họ thêm nữa, bạn nên chọn cách khác thay vì đối chất trực tiếp.
“TÔI KHÔNG LÀM ĐƯỢC, BÀ SẼ KHÔNG THỂ CHỊU ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ”
Jonathan, người chúng ta đã đề cập ở Chương 4, đã tránh can hệ đến phụ nữ vì anh vẫn đang chống đối với mẹ mình khi bà không ngừng tạo áp lực cho anh trong việc kết hôn. Sau vài tháng trị liệu, anh nhận thấy có nhiều điều muốn nói với người mẹ tám mươi hai tuổi của mình. Từ khi bà bị đau tim vài năm trước, bà trở nên suy nhược, nhưng dù vậy bà vẫn liên tục gọi điện và thư từ vô tội vạ. Mỗi lần đến thăm bà là mỗi lần đau khổ.
Tôi thấy rất tội cho bà, nhưng đồng thời cũng rất tức giận về cách bà duy trì quyền lực với tôi. Tôi sợ nếu tôi nói ra mọi thứ bây giờ, bà sẽ chết mất, lương tâm tôi không cho phép điều đó. Nên tôi cứ đóng vai là đứa trẻ ngoan ngoãn. Sao tôi không nói ra hết với bà mười lăm hai mươi năm trước chứ? Lúc đó mẹ tôi khỏe hơn bây giờ rất nhiều. Đáng lẽ tôi đã có thể thoát khỏi triền miên khổ đau.
Lúc này tôi mới nhắc Jonathan rằng, đối chất không có nghĩa là anh tấn công họ. Nếu ta có thể tìm ra cách giúp anh giải tỏa bớt một phần nỗi đau và cảm giác tức giận theo hướng có kiểm soát và nhẹ nhàng, anh sẽ thấy rằng sự thật luôn cho ta sự bình yên hơn là trốn tránh. Tôi không muốn ép anh làm việc gì khiến anh không sống nổi với hệ quả của nó, nhưng anh có cơ hội cải thiện mối quan hệ giữa anh và mẹ anh thông qua một buổi trao đổi chân tình.
Tôi nói với anh ấy về những trường hợp hiện tại liên quan đến cha mẹ bệnh tật và những đứa con trưởng thành của họ, kết quả cho thấy việc đào sâu tìm hiểu mối quan hệ một cách chân tình không những không làm tổn hại đến cha mẹ, mà ngược lại còn giúp giải quyết và xoa dịu tất cả các bên liên quan.
Thay vì đối chất Jonathan muốn lờ đi cảm xúc của bản thân và vờ như không có vấn đề gì cả. Tôi nói với Jonathan, quyết định không làm gì của anh sẽ rất phí hoài khoảng thời gian còn lại khi anh còn có mẹ.
Jonathan khổ sở vì điều này cả mấy tuần liền. Tôi cố gắng thuyết phục và anh đã nói chuyện với bác sĩ của mẹ anh. Ông bảo tình trạng sức khỏe của bà vẫn ổn định.
Tôi bắt đầu bằng cách hỏi bà có biết tôi cảm thấy thế nào về mối quan hệ mẹ con mình không. Bà bảo bà không hiểu tại sao lúc nào tôi cũng dễ cáu kỉnh khi ở gần bà. Điều này tạo cơ hội để tôi từ tốn nói với bà về việc ham muốn kiểm soát con trai của bà đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi như thế nào. Chúng tôi đã nói chuyện rất lâu. Tôi đã nói những điều mà tôi không bao giờ nghĩ mình nói ra được. Bà phòng vệ...bà tổn thương...bà phủ nhận nhiều thứ...nhưng một vài điều đã thay đổi. Đôi lần bà khóc và cầm chặt tay tôi. Cảm giác nhẹ nhõm đến khó tin. Tôi thường khiếp sợ khi nhìn thấy bà, nhưng bà cũng chỉ là một cụ bà già yếu. Tôi không thể tin được bao nhiêu năm qua tôi đã sợ hãi khi thể hiện bản thân mình với bà.
Lần đầu tiên trong đời Jonathan có thể bộc bạch với mẹ anh và anh đã thay đổi đáng kể màu sắc của mối quan hệ giữa hai mẹ con. Anh thấy như thể cuối cùng anh cũng có thể bỏ được gánh nặng vô hình trên vai xuống. Trong mắt anh là hình ảnh người mẹ ở thời điểm hiện tại, chứ không còn bị phủ mờ vì những bóng ma ký ức và sợ hãi trong quá khứ. Giờ anh đã có thể giao tiếp với người mẹ ở hiện tại, một hình ảnh rất khác với người mẹ quyền lực và đáng sợ mà cậu bé bên trong anh còn nhớ.
Việc Jonathan đối chất với mẹ đã cho một số kết quả tích cực, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Tuổi tác và bệnh tật không thực sự làm cho cha mẹ độc hại dễ dàng đối diện với sự thật. Một vài người trong số họ trầm tĩnh theo năm tháng, và việc đối mặt với cái chết sắp đến làm cho họ dễ chấp nhận một số trách nhiệm đối với hành vi của mình. Nhưng những người khác sẽ trở nên ngoan cố hơn với sự phủ nhận, bạo hành, và sự giận dữ của bản thân khi họ cảm thấy cuộc sống dần rời xa. Việc họ công kích bạn có thể là phương cách duy nhất họ biết để giải thoát bản thân mình khỏi tuyệt vọng và hoảng sợ. Những cha mẹ này có thể giữ những cơn giận dữ và thù hằn cho đến khi qua đời mà không bao giờ thừa nhận bạn. Điều này không quan trọng. Điều quan trọng là bạn cần nói những gì phải nói.
Đối chất với cha hoặc mẹ đã khuất
Nếu bạn đã cố gắng rất nhiều mới đến được với quyết định đối chất mà cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ bạn đều đã qua đời thì thật rất khiến bạn nản lòng. Điều bất ngờ là, có rất nhiều cách để thực hiện đối chất dù cha mẹ bạn không thực sự có mặt ở đó.
Tôi đã nghĩ ra một phương pháp đã được chứng minh là vô cùng hiệu quả, đó là viết một bức thư đối chất và đọc thành tiếng trước mộ cha (mẹ) bạn. Đọc to sẽ giúp bạn có cảm giác mình đang thực sự nói chuyện với họ, và giúp bạn bày tỏ những điều đã cất giấu rất lâu trong lòng. Tôi đã nhận được những kết quả phản hồi tích cực trong nhiều năm, từ những bệnh nhân của tôi cho đến các thành viên nghe đài radio, về việc đối chất trước mộ cha mẹ.
Nếu bạn không đến mộ cha mẹ bạn được, hãy đọc lá thư trước di ảnh của họ, trước một chiếc ghế trống, hoặc một ai đó ủng hộ bạn và sẵn sàng đóng vai cha mẹ bạn.
Bạn còn một lựa chọn khác nữa: bạn có thể nói chuyện với một người họ hàng, tốt nhất là cùng thế hệ với người cha (mẹ) đã khuất của bạn. Bảo với người đó (có quan hệ máu mủ thân thiết) về những gì đã xảy ra giữa bạn và cha mẹ. Bạn không cần yêu cầu người họ hàng này phải chịu trách nhiệm cho những gì cha mẹ bạn đã làm, nhưng bạn sẽ thấy vô cùng thanh thản vì có thể nói ra sự thật với một người cô hoặc chú.
Người họ hàng này có thể sẽ có phản ứng tiêu cực với bạn, theo đúng cách nếu cha mẹ bạn còn sống sẽ hành xử. Họ có thể phủ nhận, không tin tưởng, giận dữ hay tổn thương, trong trường hợp đó bạn phải phản ứng như cách bạn phải làm đối với cha mẹ bạn: không phản ứng lại và không phòng vệ. Đây là một cơ hội tuyệt vời để củng cố niềm tin rằng trách nhiệm thay đổi nằm ở bạn, không phải họ.
Mặt khác, thành viên gia đình này có thể công nhận hay thậm chí còn xin lỗi thay mặt cha mẹ bạn. Điều này đã xảy ra với Kim - cha cô kiểm soát cô về mặt tiền bạc và có tâm trạng rất khó đoán. Dù cha cô đã mất cách đây hơn năm năm, cô thấy cần phải đối chất với một thành viên trong gia đình. Cô quyết định chọn người cô ruột, bà Shirley, và cô đã mời bà đi ăn trưa.
Trong buổi trị liệu tiếp theo, tôi thấy Kim vô cùng phấn chấn với kết quả của buổi đối chất.
Cô biết không, mọi người đều kính sợ cha tôi. Ông là siêu sao trong gia đình, bà Shirley luôn có vẻ yêu quý ông ấy. Cô có thể tưởng tượng tôi thấy khó khăn thế nào khi phải nói với bà là cha tôi khốn nạn với tôi như thế nào chứ? Nhưng chuyện kỳ lạ nhất đã xảy ra. Bà bảo tôi bà lúc nào cũng sợ cha tôi, và ông đã đối xử với bà rất kinh khủng khi hai người còn bé, và bà bảo bà không ngạc nhiên với những gì tôi kể. Sau đó bà bảo tôi - điều buồn cười nhất - khoảng tám năm trước bà có tặng ông một chiếc áo sơ mi màu nâu vào dịp sinh nhật - cái loại áo sĩ quan Đức Quốc Xã từng mặc ấy. Bà bảo bà từng muốn thêu biểu tượng chữ thập ngoặc lên chiếc áo nhưng cảm thấy như vậy hơi quá đáng. Chúng tôi cùng cười, cùng khóc, thật là tuyệt vời. Mấy người ở nhà hàng đó chắc nghĩ chúng tôi điên hết rồi.
Khi Shirley mở lòng với Kim, thật ra là bà đang nói: “Bà hiểu con cảm thấy như thế nào và bà biết những gì con nói đều đúng và là sự thật.” Kim phát hiện ra khi khơi gợi lại trải nghiệm quá khứ với người cùng thế hệ đã gây ra đau khổ cho cô, cô có thể giải phóng rất nhiều lo lắng và cảm giác tội lỗi bị dồn nén về thực tại những gì đã xảy ra giữa cô và cha.
Tôi biết kỹ thuật này có vẻ như không mấy tốt đẹp, vì trong nhiều trường hợp những người họ hàng này không phải là người chịu trách nhiệm cho quá khứ đau khổ của bạn. Nhưng bạn phải cân đong đo đếm giữa được và mất. Nếu điều đó giúp bạn chữa lành được vết thương tinh thần, cũng đáng thử nói chuyện với một người họ hàng, dù buổi đối thoại có thể không mấy dễ dàng và có thể có cả những buồn phiền phát sinh tạm thời sau buổi đối chất.
Không có buổi đối chất nào là một thất bại
Đối chất là giai đoạn cao trào trong hành trình tiến đến sự tự chủ.
Bất luận đã xảy ra điều gì trong và sau buổi đối thoại, bạn vẫn là người chiến thắng vì bạn có can đảm làm điều đó.
Ngay cả khi bạn không kết thúc buổi đối chất một cách huy hoàng, thậm chí khi bạn không nói hết được những gì bạn dự định nói, ngay cả khi bạn trở nên phòng thủ và giải thích về bản thân mình, và ngay cả khi cha mẹ bạn đứng dậy bỏ đi... bạn cũng đã làm điều đó rồi. Bạn đã nói ra sự thật về cuộc đời mình với bản thân bạn, với cha mẹ bạn, để rồi nỗi sợ hãi đã kìm kẹp bạn trong tình trạng trước đây không còn khống chế được bạn nữa.