Cha Mẹ Độc Hại - Chương 14

CHƯƠNG 14

CHỮA LÀNH NỖI ĐAU BỊ CHA MẸ LẠM DỤNG

Hỗ trợ chuyên nghiệp là điều bắt buộc đối với những người lớn từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Kinh nghiệm của tôi không thể đủ để đáp ứng cho quá trình trị liệu, dù là tổn thương lớn hay nhỏ.

Trong chương này tôi sẽ cho các bạn thấy một số kỹ thuật điều trị mà tôi đã phát minh và sàng lọc trong quá trình làm việc với hàng ngàn nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục. Tôi giới thiệu họ với bạn vì tôi muốn bạn thấy được ánh sáng cuối đường hầm và sự hồi phục phi thường mà bạn có thể đạt được. Tuy vậy, tôi không muốn bạn phải nỗ lực làm việc này một mình.

Nếu bạn đang trong liệu trình điều trị, tôi đề xuất bạn hãy khuyến khích bác sĩ tâm lý làm cùng với bạn. Quá trình điều trị riêng biệt này có phần mở đầu, phần giữa và phần kết. Lộ trình cụ thể và rõ ràng. Nếu làm theo nó, bạn sẽ lấy lại được phẩm giá và lòng tự trọng của mình.

Tôi biết một số nhà trị liệu và khách hàng bị lạm dụng tình dục ưa thích thuật ngữ người sống sót sau lạm dụng hơn là nạn nhân bị lạm dụng. Nhưng với tôi, nạn nhân bị lạm dụng là mô tả chính xác hơn cho trải nghiệm của một cá nhân. Tôi rất đồng cảm với nỗ lực thuộc về ngữ nghĩa này nhằm xoa dịu nỗi đau, miễn là từ sống sót không được sử dụng để phủ nhận khối lượng công việc phải hoàn thành sau đó.

“Vì Sao Tôi Cần Trị Liệu?”

Nếu bạn từng bị quấy rối khi còn nhỏ, tất cả hoặc phần lớn những mô tả dưới đây sẽ đúng với bạn.

1. Bạn có những cảm giác cực kỳ tiêu cực như vô dụng, tội lỗi và nhục nhã.

2. Bạn dễ bị người khác lợi dụng.

3. Bạn tin rằng tất cả những người khác đều quan trọng hơn bản thân mình.

4. Bạn tin rằng cách duy nhất để được yêu thương là phục vụ nhu cầu của người khác dù nó làm bản thân tổn hại.

5. Bạn gặp nhiều khó khăn trong việc đặt ra những giới hạn, bộc lộ cơn giận và nói lời từ chối.

6. Bạn thu hút những người tàn nhẫn hay ngược đãi vào cuộc đời mình và tin rằng bạn có thể khiến họ yêu thương và đối xử tốt với bạn.

7. Bạn cảm thấy khó khăn khi tin tưởng ai đó, và bạn luôn nghĩ rằng người khác sẽ phản bội hay làm tổn thương bạn.

8. Bạn cảm thấy không thoải mái với việc quan hệ tình dục.

9. Bạn phải học cách coi mọi chuyện đều ổn trong khi thực tế thì ngược lại.

10. Bạn không tin mình xứng đáng với thành công, hạnh phúc, hay một mối quan hệ tốt đẹp.

11. Bạn khó có cảm giác vui vẻ hay bồng bột.

12. Bạn có cảm giác như mình chưa từng có tuổi thơ.

13. Bạn thường cảm thấy giận dữ với con cái của mình và oán giận vì chúng có một cuộc sống tốt hơn bạn.

14. Bạn luôn tự hỏi không biết cảm thấy bình thường là như thế nào.

Những khuôn mẫu nạn nhân này hình thành từ khá sớm. Chúng rất cứng đầu và khó có thể phá bỏ nếu chỉ có mình bạn, song trị liệu có thể giúp bạn chấm dứt sự tồn tại của chúng trong cuộc đời mình.

Lựa Chọn Nhà Trị Liệu

Việc lựa chọn nhà trị liệu có chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc với những nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục là vô cùng quan trọng. Nhiều nhà trị liệu không đủ trình độ trong lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao này, hay hầu như không có bác sĩ tâm lý nào được học về loạn luân trong trường học. Hãy xem xét thật kỹ kinh nghiệm và quá trình đào tạo chuyên môn của họ. Nếu họ chưa từng làm việc với nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục trước đó hay không tham gia bất cứ hội thảo, diễn đàn, lớp học nào về trị liệu loạn luân, thì bạn nên tìm một người khác.

Những người đã được đào tạo về động lực học gia đình, biết sử dụng các kỹ thuật hành động mau lẹ như nhập vai là nhà trị liệu phù hợp nhất với những nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục. Các nhà tâm lý học theo trường phái Freud nằm ở cuối danh sách, vì Freud đi ngược lại khá nhiều quan điểm gốc (và chính xác) của ông về cả độ phổ biến lẫn thiệt hại của loạn luân; kết quả là nhiều nhà tâm lý học theo trường phái Freud tiếp cận với nạn nhân bị cha mẹ bạo hành tình dục bằng sự hoài nghi.

Trong một thập kỷ gần đây nhiều nhóm hỗ trợ dành cho nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục đã được mở ra trên khắp cả nước. Mặc dù các nhóm này cung cấp một số hỗ trợ và cảm giác cộng đồng cho nhiều nạn nhân, tuy nhiên họ lại thiếu đi hướng dẫn của bác sĩ tâm lý có chuyên môn nhằm đưa ra bộ khung và hướng xử lý cụ thể. Tất nhiên việc có nhóm hỗ trợ vẫn tốt hơn là không có, tuy vậy sẽ tốt hơn nhiều nếu ở trong một nhóm do một chuyên gia dẫn dắt.

Trị Liệu Cá Nhân Hay Trị Liệu Nhóm

Cách tốt nhất để vượt qua những trải nghiệm loạn luân là tham gia một nhóm gồm những nạn nhân giống như bạn và được một bác sĩ tâm lý có kinh nghiệm, quen thuộc với vấn đề này dẫn dắt.

Một trong những biểu hiện phổ biến của loạn luân là cảm giác hoàn toàn đơn độc. Nhưng khi bạn được bao quanh bởi những người nói về cảm giác và trải nghiệm giống như bạn, cảm giác đơn độc sẽ dần biến mất. Các thành viên trong nhóm sẽ nuôi dưỡng và hỗ trợ bạn. Về bản chất họ sẽ nói: “Chúng tôi hiểu cảm giác đó, chúng tôi tin bạn, chúng tôi xót xa cho bạn, chúng tôi quan tâm đến bạn, chúng tôi muốn bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.”

Có rất ít người không thể cải thiện khi ở trong nhóm, dù hầu hết mọi người ban đầu đều sợ hãi. Bạn có thể cảm thấy căng thẳng và xấu hổ khi kể về trải nghiệm đó trước mặt nhiều người. Hãy tin tôi, những cảm giác đó chẳng thể kéo dài quá 10 phút.

Có một nhóm nhỏ những nạn nhân quá yếu về mặt cảm xúc để có thể tham gia nhóm. Với họ, trị liệu một-một sẽ là lựa chọn thay thế.

Tôi luôn trộn lẫn nạn nhân nam và nữ vào cùng một nhóm. Giới tính có thể khác biệt, song những cảm xúc và chấn thương tâm lý thì hoàn toàn giống nhau.

Nhóm điều trị nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục tại trung tâm trị liệu của tôi là nhóm mở. Nghĩa là luôn có thành viên mới gia nhập nhóm bất cứ lúc nào. Nó cũng có nghĩa là ai đó mới bắt đầu quá trình trị liệu có thể tham gia nhóm với những người ở các mức độ trị liệu khác nhau. Việc nhìn thấy người khác sẵn sàng tốt nghiệp và bỏ lại những trải nghiệm đau đớn ở phía sau giúp động viên các thành viên mới rất nhiều.

Lần đầu gia nhập nhóm

Khi một thành viên mới gia nhập nhóm, chúng tôi sẽ bắt đầu buổi trị liệu bằng một bài tập khởi đầu trong đó mỗi thành viên trong nhóm kể về trải nghiệm bị lạm dụng tình dục trong quá khứ của mình: chuyện đó xảy ra với ai, liên quan đến điều gì, khi nào bắt đầu, kéo dài trong bao lâu, và ngoài họ ra ai là người biết được điều đó. Thành viên mới là người cuối cùng kể câu chuyện của họ.

Những sự trợ giúp ban đầu này giúp phá vỡ tảng băng bên trong bạn, giúp bạn tham gia nhóm theo cách chủ động. Bạn sẽ nhận ra có lẽ đây là lần đầu tiên mình kể về trải nghiệm của bản thân một cách chi tiết đến vậy. Bạn sẽ biết được rằng mình không đơn độc, rằng những người khác cũng đã trải qua những chấn thương tương tự.

Bài tập khởi đầu của bạn cũng góp phần vào quá trình “giảm đau” từ từ của các thành viên khác trong nhóm. Mỗi lần có thành viên mới gia nhập nhóm, các thành viên cũ sẽ phải lặp lại những điều đã từ lâu chưa được nói ra. Càng lặp lại nhiều thì mọi người trong nhóm sẽ càng bớt cảm thấy nhục nhã và tội lỗi. Lần đầu tiên với ai cũng đều khó khăn. Sẽ có những giọt nước mắt và sự ngượng ngùng xuất hiện. Lần thứ ba, thứ tư thì trải nghiệm đó bắt đầu được nói ra dễ dàng hơn, và sự ngượng ngập lắng dần xuống. Cho đến khi một người kể câu chuyện của họ mười hay mười hai lần, thì nó cũng chỉ giống như một trong những sự kiện không mấy vui vẻ khác trong cuộc đời mà thôi.

Các Giai Đoạn Điều Trị

Hướng điều trị các nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục trải qua ba giai đoạn: phẫn nộ, đau buồn và giải phóng.

Phẫn nộ là nỗi giận dữ sâu sắc nảy sinh từ những cảm xúc bị xâm phạm và phản bội trong sâu thẳm bên trong mỗi người. Nó là phần thiết yếu đầu tiên trong quá trình điều trị và là phần khó khăn nhất.

Hầu hết những người lớn bị quấy rối khi còn nhỏ đã trải qua nhiều cảm xúc buồn bã, cô đơn và tồi tệ. Đau buồn khá quen thuộc với họ, nhưng phẫn nộ thì không. Và kết quả họ nhận được là cố gắng lướt qua giai đoạn phẫn nộ để tiến tới đau buồn nhanh nhất có thể. Đây là một sai lầm cơ bản nhất. Phẫn nộ phải đi trước đau buồn. Dĩ nhiên, khó có thể chia tách hai cảm xúc này hoàn toàn - có sự đau buồn trong phẫn nộ và ngược lại. Nhưng vì mục đích trị liệu, chúng được chia thành hai giai đoạn riêng biệt.

Sự Phẫn Nộ Của Nạn Nhân

Nhằm đặt trách nhiệm vào đúng chỗ của nó, bạn phải hiểu rõ sự phẫn nộ của bản thân và học cách xả nó ra theo cách thức an toàn trong trị liệu.

Với rất nhiều người, nói thì dễ hơn làm. Bạn đã dành nhiều năm trời để kìm nén. Bạn có thể đã kìm nén cơn giận dữ của mình tốt đến mức trở thành một người cầu toàn phục tùng. Điều đó như thể trong tâm trí bạn nói rằng: “Tôi không bị tổn thương và tôi có thể chứng minh bằng sự hoàn hảo của mình. Tôi hi sinh mọi thứ cho người khác, tôi không tức giận, và tôi đã nói là làm.” Giải phóng cơn giận cũng giống như núi lửa phun trào. Kết quả có thể khiến bạn choáng ngợp.

Nếu bạn không nhận thức được cơn giận của mình, nó có thể biến thành các triệu chứng vật lý như đau đầu, hay triệu chứng về cảm xúc như trầm uất.

Với những người khác, vấn đề không phải là kết nối với cơn giận của họ, mà là kiểm soát nó. Bạn có thể nổi cơn tam bành với tất cả mọi người trừ người đã gây ra cơn giận dữ đó - cha mẹ bạn. Bạn có thể lúc nào cũng cáu kỉnh, thay thế sự phẫn nộ với cha mẹ bằng sự phẫn nộ với bất cứ ai tình cờ ở bên cạnh bạn. Bạn có thể hành xử thô lỗ và hiếu chiến, khiến người khác sợ hãi.

Kỹ thuật mà tôi giới thiệu với bạn trong chương này sẽ cho phép bạn biểu lộ sự phẫn nộ theo những cách thức ôn hòa, tránh mất kiểm soát và khơi miệng núi lửa để chúng phun trào.

Sự Đau Buồn Của Nạn Nhân

Trong quá trình trị liệu, bạn sẽ phải đau buồn vì nhiều mất mát - mất đi ảo tưởng về “gia đình hoàn hảo”, mất đi sự ngây thơ, tình yêu, tuổi thơ, mất đi những năm tháng lẽ ra có thể đã rất hạnh phúc. Nỗi đau này có thể nhấn chìm bạn. Bác sĩ trị liệu của bạn phải có đủ can đảm và kinh nghiệm để dẫn dắt bạn vượt qua và đưa bạn thoát khỏi nó. Cũng như bất cứ nỗi đau nào, không có đường tắt để vượt qua một cách dễ dàng.

Giải phóng và trao quyền

Trong phần cuối của quá trình trị liệu, khi bạn đã kiệt sức vì phẫn nộ và đau buồn, bạn sẽ học cách lấy lại năng lượng đang được tiêu thụ và sử dụng nó để tái tạo cuộc đời và hình ảnh bản thân. Cho đến lúc này, nhiều triệu chứng hoặc đã được giảm bớt đáng kể, hoặc đã trở nên có thể kiểm soát. Bạn sẽ có một phẩm giá mới và một cảm nhận khác về bản thân là một người có giá trị và đáng mến. Bạn sẽ đối mặt với một lựa chọn mới lần đầu tiên trong đời - rằng bạn không còn cảm thấy hay hành xử như một nạn nhân nữa.

Những kỹ thuật điều trị

Có hai kỹ thuật chính mà tôi sử dụng để điều trị cho bệnh nhân là viết thư và nhập vai. Tôi cũng thiết kế một số bài tập nhóm đặc biệt hữu ích cho các nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục và những trẻ em có cha mẹ độc hại khác. Những kỹ thuật này có thể dùng cho cả trị liệu cá nhân và theo nhóm. Vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ những buổi trị liệu cho nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục tại trung tâm trị liệu của tôi được hoàn thành theo hình thức cá nhân, nên tôi sẽ lựa chọn ví dụ từ những buổi trị liệu nhóm.

Những bức thư

Tôi yêu cầu mỗi thành viên trong nhóm mỗi tuần viết một bức thư, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Họ viết ở nhà rồi mang đến đọc to trước cả nhóm. Mặc dù không có yêu cầu bắt buộc phải gửi bức thư đó đi, nhưng nhiều người trong nhóm đã lựa chọn gửi thư, đặc biệt khi họ bắt đầu cảm thấy mạnh mẽ hơn. Tôi đã yêu cầu họ viết theo thứ tự sau:

1. Cho người đã xâm hại họ

2. Cho người cha/mẹ còn lại (giả sử một trong hai cha hoặc mẹ xâm hại con)

3. Cho đứa trẻ đang bị tổn thương bên trong chính họ

4. Một “câu chuyện cổ tích” về cuộc đời họ

5. Cho người yêu/chồng/vợ (nếu có)

6. Cho con cái họ

Sau khi chuỗi viết thư này hoàn thành, tôi yêu cầu các thành viên trong nhóm bắt đầu lại một lần nữa. Bằng cách này, những bức thư không chỉ trở thành những công cụ quyền lực giúp chữa lành mà còn trở thành thước đo chính xác cho quá trình trị liệu. Một bức thư viết trong vài tuần đầu sẽ vô cùng khác biệt, cả về giọng điệu và nội dung, so với một bức thư được viết ba hay bốn tháng sau.

Thư gửi kẻ xâm hại

Trong bức thư đầu tiên (gửi kẻ xâm hại), tôi muốn bạn xả ra hết những phẫn nộ đã kìm nén bấy lâu. Dùng những cụm từ như “sao ông/bà dám...” và “sao ông/bà nỡ lòng...” nhiều nhất có thể. Những cụm từ đó sẽ giúp bạn liên hệ với cơn phẫn nộ dễ dàng hơn.

Khi tôi gặp Janine lần đầu, một phụ nữ 36 tuổi tóc vàng, nhỏ nhắn và dịu dàng, cô hiếm khi nói lớn tiếng. Cha cô đã quấy rối cô từ năm cô 7 tuổi đến 11 tuổi - dù vậy cô vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ có được tình yêu của cha. Cô vô cùng lưỡng lự khi thừa nhận sự phẫn nộ bên trong với ông. Cô khóc suốt quãng thời gian đầu trị liệu và có vẻ không thoải mái khi tôi bảo cô viết một bức thư cho cha mình. Tôi khuyến khích cô dùng bức thư để bộc lộ sự phẫn nộ với cha khi đã gây ra những tổn thương với cô. Tôi nhắc lại rằng cha cô không nhất thiết phải đọc được bức thư này.

Từ quá trình trị liệu cùng nhau, tôi dự đoán bức thư đầu tiên của Janine sẽ có nhiều ngập ngừng cùng những suy nghĩ ước ao. Chính vì thế mà tôi đã có một bất ngờ.

Gửi cha,

Ông chẳng tốt đẹp lắm đâu và ông chỉ trở thành cha tôi vì đã bắn tinh trùng vào mẹ tôi một đêm nào đó. Tôi ghét ông và tôi thương hại ông. Tại sao ông dám xâm phạm đến đứa con gái nhỏ của mình?

Lời xin lỗi của tôi đâu, thưa cha? Trinh tiết của tôi đâu? Lòng tự trọng của tôi đâu?

Tôi chẳng làm gì để khiến ông ghét tôi. Tôi không chủ ý khiến ông rạo rực. Những cô bé đều xinh xắn phải vậy không? Có phải những khuôn ngực mới nhú khiến ông thèm muốn không, đồ khốn? Lẽ ra tôi nên nhổ vào ông. Tôi ghét bản thân vì không đủ can đảm để chống lại ông. Sao ông dám dùng sức mạnh của một người cha để cưỡng hiếp tôi? Sao ông dám khiến tôi đau đớn? Sao ông dám không nói chuyện với tôi?

Khi tôi còn bé, ông từng đưa tôi ra biển chơi và nắm tay tôi cùng lướt qua những con sóng, ông còn nhớ không? Tôi có đôi mắt xanh của ông, tôi đã tin tưởng ông. Tôi muốn ông tôn trọng tôi, muốn ông tự hào về tôi. Đối với tôi, ông lớn lao hơn một kẻ ấu dâm rất nhiều, nhưng ông chẳng quan tâm, phải vậy không? Tôi sẽ không vờ như chuyện đó chưa từng xảy ra nữa. Nó thật sự đã xảy ra, cha à, và nó vẫn đang sống trong tôi.

Janine

Bức thư của Janine khơi gợi nhiều cảm xúc hơn hàng giờ ngồi nói chuyện mà chúng tôi có. Cô khá sợ hãi khi cảm nhận được cường độ mạnh mẽ về cảm xúc của mình, song sự sợ hãi dần lắng xuống khi cô nhận thức được rằng mình có một nơi an toàn để bộc lộ và biểu đạt những cảm xúc đó lần đầu tiên.

Connie - một nhân viên cho vay ngân hàng với mái tóc đỏ, người đã bị cha mình lạm dụng từ khi còn rất nhỏ và sau này vì tự ghê tởm chính mình mà đã ngủ với rất nhiều đàn ông - cũng tham gia cùng nhóm này trước Janine nhiều tháng. Connie trưng ra một vẻ ngoài nóng nảy và hung hăng. Tôi gọi cô là “người mạnh mẽ”, nhưng tôi biết cô cảm thấy mình rất nhỏ bé và dễ tổn thương. Trong bức thư đầu tiên cô gửi cho cha, cảm xúc của Connie phun trào không kiểm soát, từ trang này sang trang khác, không biên giới hay khuôn mẫu. Nhưng ngay khi đọc bức thư thứ hai mình viết cho cha, rõ ràng là cả cảm xúc và nhận thức của cô đã được sắp xếp gọn gàng và tập trung hơn:

Gửi cha,

Đã quá lâu từ khi tôi viết bức thư đầu tiên cho nhóm của Susan - quá nhiều thứ đã thay đổi. Khi tôi mới bắt đầu, ông giống như một con quỷ đáng sợ và bằng cách nào đó tôi lại trở nên giống ông. Bị chính cha mình lạm dụng đã đủ tệ rồi, nhưng tôi còn phải sống chung với sự bạo lực và đe dọa bạo lực của ông. Ông là một kẻ bắt nạt và là một tên bạo chúa. Sao ông dám cướp đi tuổi thơ của tôi? Sao ông dám phá hoại cuộc đời tôi?

Tôi cuối cùng đã trở nên bình tâm hơn. Ông là một kẻ bệnh hoạn đáng ghê tởm. Ông lợi dụng tôi theo mọi cách mà một người có thể lợi dụng người khác. Ông bắt tôi yêu ông theo cách mà không người cha nào nên làm với con gái họ, và tôi quá yếu ớt để ngăn ông lại. Tôi không cảm thấy mình còn nguyên vẹn, tôi cảm thấy mình dơ bẩn. Mọi thứ trở nên tồi tệ và tôi đã chọn cách tự hủy hoại bản thân, đến nỗi bây giờ chỉ cần một thay đổi nhỏ bé thôi cũng là một bước tiến lớn với tôi.

Tôi không thể lo chuyện của ông hay của mẹ, nhưng tôi có thể tự lo cho mình. Và trong quá trình này, nếu cả hai người phải chịu tổn thương, thì tôi cũng chẳng làm gì được. Tôi cũng đâu muốn bị quấy rối.

Connie

Khi Connie bày tỏ được sự phẫn nộ của mình, cô đã có khả năng bỏ lại đằng sau cảm giác căm ghét và ghê tởm bản thân. Điều này càng diễn ra thường xuyên thì quá trình phát triển và chữa lành của cô càng được củng cố thêm.

Bức thư cho người im lặng

Sau khi viết bức thư cho kẻ xâm hại, bạn sẽ viết một bức thư cho người cha/mẹ còn lại, phần lớn trường hợp là người mẹ. Nếu bạn nghĩ mẹ mình không biết, bức thư này sẽ là lần đầu tiên bạn kể cho bà nghe chuyện mình bị xâm hại.

Nếu bạn nghĩ mẹ mình đã biết chuyện đó, hoặc bạn đã kể cho mẹ khi chuyện đó xảy ra, thì bạn có quyền cực kỳ phẫn nộ với bà: phẫn nộ vì thiếu sự bảo vệ, vì thiếu lòng tin hay đổ lỗi cho bạn, vì đã bị lợi dụng như một vật hi sinh để giữ gìn hình ảnh gia đình, và phẫn nộ vì mẹ coi bạn không quan trọng bằng sự bảo đảm tài chính hay hình ảnh của một gia đình bình thường.

Bức thư Connie gửi cho mẹ là một minh chứng xót xa về sự mâu thuẫn khủng khiếp mà phần lớn những đứa trẻ bị lạm dụng cảm nhận về mẹ của mình. Bức thư bắt đầu bằng việc đếm lại số lần bị cha lạm dụng mà cô đã phải chịu đựng. Sau đó cô tiếp tục bày tỏ quan điểm về vai trò của mẹ trong bi kịch gia đình:

...Con cảm giác mẹ cũng đã phản bội con. Những người mẹ thường bảo vệ các cô con gái nhỏ của mình, nhưng mẹ thì không. Mẹ không chăm sóc con và vì thế ông ta làm tổn thương con.

Mẹ không muốn biết ư? Hay mẹ có quan tâm đâu mà biết? Con giận mẹ vô cùng vì những năm tháng phải sống trong sợ hãi đơn độc. Mẹ đã bỏ rơi con. Yên bình mà sống với ông ta quan trọng đến mức mẹ sẵn sàng hi sinh con. Thật đau đớn khi biết mình không đủ quan trọng để được bảo vệ. Thật đau đớn khi con phải che đi vết thương đang lở loét từng ngày. Con chẳng thể cảm nhận mọi thứ như một người bình thường nữa. Cha mẹ con không chỉ đánh cắp đi tuổi thơ, mà còn đánh cắp cả cảm xúc của con. Con vừa ghét mà vừa thương mẹ, đến mức bối rối không biết phải cảm thấy ra sao. Tại sao mẹ không chăm sóc con hả mẹ? Tại sao mẹ không thương con? Con đã làm gì sai? Mẹ trả lời con được không?

Sự bối rối rõ ràng của Connie cũng là sự bối rối của mọi nạn nhân bị cha lạm dụng tình dục về lý do mẹ của họ không thể bảo vệ họ. Như Connie từng nói: “Đến loài vật còn biết bảo vệ đàn con của mình.”

Bức thư cho đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn

Đây có lẽ là bức thư khó viết nhất, song nó cũng là bức thư quan trọng nhất. Đây là bước đầu trong quá trình “tự giáo dục lại” bản thân.

Tự giáo dục lại bản thân có nghĩa là đào sâu vào bên trong bạn để tìm ra người cha/người mẹ đầy yêu thương và trách nhiệm cho đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn. Đây là những người cha/người mẹ thông qua bức thư sẽ an ủi, trấn an và bảo vệ phần dễ tổn thương và sợ hãi trong con người bạn.

Nhiều người trong số các bạn bị lạm dụng tình dục từ nhỏ đã trở nên xa lánh đứa trẻ bên trong mình. Nỗi xấu hổ của bạn chuyển thành khinh miệt và ghê tởm dành cho đứa trẻ bất lực. Để chống lại những cảm giác đau đớn tột cùng, có thể bạn đã cố xua đuổi đứa trẻ ấy đi, nhưng nó vẫn còn ở đó, chỉ bị ẩn đi chứ không hề bị bỏ rơi.

Trong bức thư này, tôi muốn bạn ôm lấy đứa trẻ bên trong mình và đưa nó trở lại với nhân cách của bạn. Hãy trở thành một người cha/mẹ đầy yêu thương. Hãy đem đến cho đứa trẻ sự nuôi dưỡng và hỗ trợ mà bạn chưa bao giờ có được. Hãy khiến cho đứa trẻ cảm thấy được yêu và có giá trị lần đầu tiên trong đời. Dan - một kỹ sư bị cha mình lạm dụng tình dục suốt thời thơ ấu và thiếu niên - đã có khoảng thời gian dài ghê tởm cậu bé mà anh từng là, một cậu bé quá yếu đuối đến mức không thể kháng cự lại cha mình. Dưới đây là một phần trong bức thư anh gửi cho cậu bé Dan thể hiện những cảm xúc đã thay đổi đáng kể chỉ sau một vài buổi trị liệu nhóm.

Gửi Dan bé nhỏ,

Em là một đứa trẻ xinh xắn với tình yêu thuần khiết. Từ bây giờ anh sẽ chăm sóc em. Em rất tài năng và sáng tạo. Anh sẽ đưa em ra cho cả thế giới có thể chiêm ngưỡng điều đó. Đến giờ phút này em đã an toàn rồi. Em có thể yêu và đón nhận tình yêu. Em sẽ không đau đớn nữa đâu. Bây giờ em có thể nhận thức rõ ràng hơn. Anh sẽ chăm sóc cả hai chúng ta. Anh sẽ kéo chúng ta lại gần nhau. Chúng ta đã để mình luôn xa cách và học cách đương đầu với những tổn thương, đóng những vai trò khác nhau trong cuộc đời. Em không điên. Em chỉ đang e ngại mà thôi. Ông ta không thể làm tổn thương em nữa. Anh đã không còn uống rượu và dùng thuốc để che giấu cơn giận dữ, cuồng nộ, nỗi buồn, trầm uất, tội lỗi và lo âu của em nữa. Bây giờ em có thể thả trôi đi những cảm xúc đó. Anh đã không còn trừng phạt cả hai chúng ta như ông ta vẫn làm. Chúng ta xứng đáng được yêu thương. Thế giới mà chúng ta tưởng tượng ra kết thúc rồi. Chúng ta đã được đánh thức sống trở lại. Mặc dù anh vẫn cảm thấy đau đớn, nhưng không nhiều như trước nữa. Và cuối cùng điều này cũng thật sự xảy ra.

Dan

Dan dùng bức thư này không chỉ để giao tiếp với đứa trẻ bên trong mình mà còn để trấn an bản thân việc quyết định cai nghiện ma túy và rượu chỉ là một bước tự khẳng định. Lần đầu tiên trong đời khi viết bức thư này, anh hiểu được kết nối giữa hành vi tự hủy hoại bản thân với nỗi đau thuở ấu thơ của mình.

Câu chuyện cổ tích

Sau khi viết xong ba bức thư, tôi muốn bạn viết một câu chuyện miêu tả cuộc đời bạn theo ngôn ngữ và hình ảnh cổ tích. Bạn sẽ hóa thân thành công chúa nhỏ hay một hoàng tử cao quý, sống với đức vua độc ác hay quái vật xấu xí, hoặc những con rồng trong rừng sâu, hay ở trong một lâu đài đổ nát. Bạn sẽ viết về chuyện bị lạm dụng giống như Cái Chết Đen, hoặc một cơn bão lớn, hoặc là sự kết thúc của niềm vui, hoặc bất cứ điều gì mà bạn có thể tưởng tượng ra.

Câu chuyện này sẽ là bài tập đầu tiên bạn viết ở ngôi thứ ba, thay cho ngôi thứ nhất. Bạn sẽ viết về “cô ấy” hoặc “anh ấy”. Điều này sẽ giúp bạn nhìn nhận thế giới bên trong mình ở một góc độ khác khách quan hơn, đặt ra khoảng cách cảm xúc giữa bạn và tổn thương tâm lý thời ấu thơ. Bằng cách ám chỉ cô bé là “cô ấy” thay vì “tôi”, nỗi đau của bạn sẽ dần tan biến. Khi bạn mang những cảm xúc của mình ra ngoài thông qua các biểu tượng, bạn sẽ có khả năng xử lý chúng ở cấp độ mà bạn chưa từng đạt tới, và bạn sẽ bước đi với một hiểu biết mới và rõ ràng hơn về những gì đã xảy ra với mình.

Chỉ có duy nhất một giới hạn mà tôi đặt ra cho câu chuyện của bạn, đó là dù cho phần mở đầu có đau buồn đến đâu, thì câu chuyện vẫn phải có một kết thúc đầy hi vọng. Sau cùng thì câu chuyện cổ tích này cũng là chuyện ngụ ngôn cho cuộc sống của bạn, và cần có hi vọng trong đó. Bạn có thể không thật sự tin tưởng khi mới bắt tay vào viết, tuy nhiên bằng việc viết một cách lạc quan về tương lai, bạn sẽ bắt đầu thu hút những viễn cảnh tươi sáng vào tâm trí. Điều này đặc biệt quan trọng với những người không thể tưởng tượng một tương lại hạnh phúc cho bản thân họ. Bằng cách hình dung ra một cuộc đời tốt đẹp hơn, bạn có thể bắt đầu phát triển những mục tiêu cụ thể mà bạn có khả năng đạt được; và một khi đã có mục tiêu, bạn sẽ có được nguồn cảm hứng.

Tôi không bao giờ quên ngày mà Tracy đọc câu chuyện cổ tích của cô. Tracy bị cha đẻ một nhân viên bán bảo hiểm, lạm dụng từ nhỏ. Câu chuyện rất dài, vì vậy tôi chỉ đưa lên đây một số phần, nhưng sự thật và hi vọng mà cô tìm được thông qua bài tập này đã thay đổi góc nhìn của cô về sự việc mãi mãi:

Ngày xửa ngày xưa, có một loài cây nhỏ sống trên một thung lũng hẻo lánh, xung quanh toàn là đồi núi. Cây nhỏ tên là Ivy, luôn sống trong đau khổ, vì vậy cô thường nhìn sang phía bên kia sông, thầm cầu nguyện được thoát khỏi nơi mình đang ở.

Thế giới nhỏ của Ivy do một nhà vua là Morris Lester, thường được mọi người gọi là Moe khét tiếng cai trị. Bạn hãy để ý khi đặt biệt danh và họ của ông ta cùng với nhau, nó sẽ là Moe Lester, (ngụ ý “molest” = quấy rối), bạn hiểu rồi chứ?

Moe có một niềm đam mê dành cho những loài cây nhỏ. Khi Ivy mới chớm nở, Moe đã theo dõi cô và bị thu hút trước thực tế rằng cô đã đến thì. Moe đã thực hiện những hành vi xấu với Ivy hết lần này đến lần khác, nhưng dù vậy, cô vẫn giữ sự tôn kính và đối xử với ông ta như một vị vua.

Moe không hề biết liêm sỉ, nhưng Ivy lại luôn bào chữa cho ông ta. Ivy tội nghiệp gần như đã rời bỏ thế giới hoàn toàn, và trong vỏ ốc đơn độc của mình có chỉ có một người bạn đồng hành duy nhất, đó là Gil Trip.

Gil là một sinh vật thấp kém trườn lên khắp người Ivy, gặm nhắm lá, thân và rễ của cô. Chính Gil, cũng như bất cứ loài sâu bọ nào khác, đã khiến Ivy bị bệnh và kìm giữ cô lại trong thung lũng.

Tuy thế, vào một ngày nọ, Ivy đã vô cùng kinh ngạc khi gặp được người có thể giải thoát cho mình. “Bà là ai?” Ivy hỏi. “Ta là Tiên Đỡ Đầu của con, người khác biết đến ta dưới cái tên Susan ở phương Bắc. Hãy mau chóng thu dọn đồ đạc của con. Con sắp được nhổ rễ” Ivy hốt hoảng: “Nhưng không có cách nào để sang bên kia sông” cô òa khóc. “Có chứ” Susan thì thầm bằng giọng chiến thắng. “Con có thể cưỡi trên con sóng phẫn nộ của ta. Nó đã đưa ta đi rất xa, và nó cũng sẽ đưa được con đi.”

Bám lấy cơn sóng phẫn nộ, Ivy hòa mình vào phản lực mạnh mẽ - cuốn phăng mọi thứ và đưa cô ra khỏi thung lũng đau khổ.

Ngoài những hiểu biết của mình, việc sử dụng trí tưởng tượng và óc hài hước của Tracy cho phép cô lấy lại những vui tươi đã bị chà đạp suốt thời thơ ấu.

Một số khách hàng của tôi phản đối khi tôi giao bài tập viết câu chuyện cổ tích, họ tuyên bố rằng họ không thể viết hoặc bài tập đó chỉ là thứ tầm phào. Nhưng cuối cùng viết một câu chuyện thần tiên luôn là một trong những bài tập gây xúc động và chữa lành tốt nhất.

Bức thư cho nửa kia

Bức thư tiếp theo nên dành cho nửa còn lại của bạn. Nếu bạn không có người yêu, vợ hoặc chồng, thì người yêu cũ hay chồng cũ cũng được chấp nhận (hãy nhớ là bạn không nhất thiết phải gửi bức thư này đi). Giải thích cho họ hiểu những tổn thương thời thơ ấu đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai người như thế nào. Bạn không cần nhận hết trách nhiệm cho mỗi vấn đề xảy ra giữa hai người, song việc thiếu khả năng tin tưởng, quy tắc quá mức và trải nghiệm tình dục của bạn có thể đã đe dọa đến họ. Điều quan trọng nhất trong bức thư này là bạn có thể nói chuyện cởi mở và chân thành về những gì đã xảy ra với bạn. Đây là một phần quan trọng trong việc buông bỏ nỗi xấu hổ về bản thân.

Bức thư cho con bạn

Chuỗi bức thư của bạn sẽ kết thúc bằng một bức thư gửi cho con của bạn. Nếu bạn chưa có con, bạn có thể viết cho đứa con mà bạn dự định có, hoặc đứa con bạn không bao giờ có được. Dùng bức thư này để tái khẳng định khả năng yêu thương của bạn và để hiểu rằng bằng việc trải nghiệm nỗi đau và vượt qua nó, bạn đang thu về nguồn sức mạnh nội tâm để trở thành những ông bố bà mẹ tốt hơn.

Sức mạnh của nhập vai

Ở trong nhóm, sau khi mọi bức thư đã được đọc, chúng tôi sẽ dựng vài cảnh ngẫu hứng ngắn để giải quyết các vấn đề được nêu ra trong thư. Tôi phát hiện ra những cảnh dựng này là một phương tiện vô cùng hiệu quả trong việc xử lý hậu quả của chấn thương loạn luân và đối phó với những vấn đề khác trong cuộc sống của bệnh nhân.

Nhập vai loại bỏ những nhận thức và phủ nhận mà bạn có thể đang sử dụng để làm bức tường chắn bảo vệ cảm xúc của mình. Nó mang đến cho bạn cơ hội để bày tỏ toàn bộ những cảm xúc nguyên thủy của mình tới các thành viên trong gia đình trước khi bạn sẵn sàng mặt đối mặt với họ. Nó cũng cung cấp một môi trường an toàn để bạn thực hành những hành vi mới. Mọi yếu tố đều cần thiết cho một liệu trình điều trị thành công.

Sau ba tháng gia nhập nhóm, Connie đã cảm thấy đủ mạnh mẽ để gửi bức thư của mình tới cho cha mẹ. Song cô nhận ra rằng một khi bức thư đến nơi, cô sẽ cần nhiều sự hỗ trợ. Tôi hỏi cô xem chồng cô, Wayne, có thể hỗ trợ cô nhiều không, và cô lúng túng thừa nhận rằng cô vẫn chưa kể cho anh nghe về chuyện bị cha lạm dụng tình dục.

Cũng giống như hầu hết các nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục khác, Connie tin rằng chồng cô sẽ không còn yêu thương cô nữa, rằng anh ấy sẽ ghê tởm và xua đuổi cô nếu anh biết được sự thật. Dù cho cô đã có nhiều năm chứng minh rằng Wayne là một người đàn ông đầy yêu thương và luôn bên cạnh cô, song sự lo âu vẫn ngăn cô thổ lộ nỗi đau thầm kín của mình với anh. Nhưng đến giờ phút này, cô cần phải cho anh biết.

Nhằm xoa dịu nỗi sợ cho Connie, tôi bảo cô sử dụng nhập vai trong nhóm để luyện tập nói chuyện với Wayne trước khi cô thực sự làm điều đó. Chúng tôi đã tập rất nhiều cảnh, tôi hoặc các thành viên khác trong nhóm đóng vai Wayne và phản ứng theo nhiều cách khác nhau, từ hoàn toàn chấp nhận tới hoàn toàn từ chối.

Có một cảnh chính Connie vào vai Wayne để cô có thể phần nào hiểu được cảm xúc của anh. Tôi đóng vai Connie. Sau khi nói với “Wayne” về những gì cha đã làm với mình, tôi nói với anh ấy rằng tôi cần anh.

Susan (vai Connie): Em rất cần tình yêu và sự ủng hộ của anh ngay lúc này. Em cần phải biết là những gì em vừa kể sẽ không khiến anh thay đổi, rằng anh không ghét em hay nghĩ rằng em dơ bẩn.

Connie (vai Wayne): Đương nhiên là anh không ghét em. Anh chỉ ước rằng em nói với anh sớm hơn để anh có thể được sẻ chia suốt thời gian qua. Thật ra biết được điều này chỉ càng khiến anh trân trọng em hơn mà thôi. Anh đã luôn biết rằng có một nỗi đau nào đó trong em khiến em lúc nào cũng nghi ngờ và giận dữ, giờ thì anh đã hiểu, mọi thứ đã sáng tỏ rồi. Anh ước là mình có thể làm gì đó để nỗi đau kia tan biến đi, và anh ước rằng em đủ tin tưởng để kể với anh sớm hơn...

Đến đây Connie dừng cảnh.

Connie: Tôi có thể thật sự cảm nhận tình yêu của Wayne với tôi khi trở thành chính anh ấy. Mọi chuyện rồi sẽ ổn. Và nếu không (cô cười), tôi sẽ cho anh ấy một đấm.

Bạn có thể dùng nhập vai để khuyến khích bản thân bắt đầu trước. Khi Connie trực tiếp nói chuyện với Wayne về tuổi thơ của mình, cô phát hiện ra rằng những buổi tập thử trong nhóm đã xoa dịu đáng kể nỗi đau cô đang phải chịu. Wayne thực sự thấu hiểu cô như cái cách cô cảm nhận về anh, và sự hỗ trợ của anh trong suốt liệu trình trị liệu còn lại của cô đã giúp ích cho cô rất nhiều.

Những bài tập giúp chữa lành đứa trẻ bên trong bạn

Cùng với bài tập viết thư và nhập vai, còn có nhiều bài tập nhóm vô cùng hiệu quả khác giúp chữa lành. Dưới đây là hai bài tập mang lại lợi ích lớn nhất.

Viết lại lịch sử - Bài tập nói “Không”

Nếu bạn giống như phần lớn nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục, thì bạn sẽ không biết cách từ chối. Bạn có thể tin rằng mình bất lực, rằng bạn phải làm theo tất cả những gì người khác nói. Những niềm tin này có nguồn gốc từ trải nghiệm bị cha mẹ cưỡng bức, dọa nạt và sỉ nhục.

Để hồi sinh lại quyền lực cho bản thân, bạn hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng ra lần đầu tiên mình bị quấy rối, nhưng lần này, hãy thay đổi cách phản ứng. Bạn nhìn thấy căn phòng nơi việc đó xảy ra. Bạn nhìn thấy kẻ quấy rối. Giơ hai tay lên và đẩy kẻ đó ra xa, hãy nói: “Không! Cha/mẹ không được làm như vậy. Con sẽ không để chuyện này xảy ra. Hãy đi đi! Nếu không con sẽ hét lên”. Tưởng tượng kẻ quấy rối nghe theo lời bạn. Nhìn ông/bà ta quay lưng lại và bước ra khỏi phòng, bóng ngày càng nhỏ đi cho đến khi khuất hẳn.

Cho dù bạn có thể cảm thấy khá đau đớn trước thực tế rằng bạn không thể làm như vậy tại thời điểm đó, thì việc viết lại lịch sử vẫn là một bài tập hào hứng và quyền năng. Như Dan đã nói:

Chúa ơi, tôi sẽ làm mọi thứ nếu có thể quay ngược thời gian và phản ứng như vậy. Nhưng cho dù đến bây giờ tôi mới làm được thì nó cũng trao cho tôi sức mạnh mà tôi không hề biết là mình có. Không ai trong số chúng ta có thể tự bảo vệ mình vào lúc đó, nhưng ta chắc chắn có thể học ngay bây giờ!

Lựa chọn là trẻ con, lựa chọn là người lớn

Một trong những bài tập nhóm để lại nhiều bài học sâu sắc nhất chính là việc các thành viên trong nhóm đóng vai chính bản thân mình tại thời điểm họ bắt đầu bị quấy rối.

Trong bài tập này, điều quan trọng là nắm bắt được cảm xúc khi còn là một đứa trẻ. Để làm được điều đó, bạn hãy ngồi xuống sàn nhà - ghế và sofa chỉ dành cho người lớn. Hãy nhớ rằng trẻ con không nói chuyện như người lớn - chúng có từ vựng và cách thức riêng để nhận biết thế giới. Khi đã gia nhập vào nhóm những đứa trẻ bị lạm dụng tình dục, bạn hãy kể cho trưởng nhóm biết những “chuyện kỳ lạ” đang xảy ra trong nhà mình. Những đứa trẻ khác có thể đặt câu hỏi cũng như an ủi bạn. Trích đoạn sau từ một buổi trị liệu nhóm gần đây, Connie đã có một bước đột phá lớn.

SUSAN: Chào bé, con mấy tuổi rồi?

CONNIE BÉ: Con bảy tuổi ạ.

SUSAN: Cô biết là ba con đã làm những chuyện xấu với con. Nếu con kể cho cô thì cô có thể giúp con.

CONNIE BÉ: Con không biết nữa...Con thấy xấu hổ lắm, nhưng ba con...ba con vào phòng con rồi...ba kéo quần lót của con xuống rồi chạm vào con, rồi ba liếm con...ở chỗ đi tè này này. Rồi ba cọ chỗ đi tè của ba vào chân con rồi ba thở mạnh lắm, một lúc sau thì có cái gì đó trăng trắng mềm mềm chảy ra, rồi ba bảo con đi tắm. Ba nói nếu con kể chuyện này với ai thì ba sẽ đánh con.

SUSAN: Con cảm thấy như thế nào khi ba làm chuyện đó với con?

CONNIE BÉ: Con thấy sợ lắm, bụng con bị đau. Con nghĩ con là đứa bé hư vì ba con đã làm thế với con. Thỉnh thoảng con ước mình chết đi vì sau này ba có thể biết được những cảm giác yếu đuối này của con, và nếu con chết rồi thì ba sẽ không làm thế với con nữa.

Đến lúc này, bức tường bảo vệ “người mạnh mẽ” của Connie đổ sụp. Những thành viên khác trong nhóm đứng thành vòng tròn xung quanh và ôm lấy cô khi cô khóc rất lâu sau đó.

Giữa những lúc nức nở, Connie nói với chúng tôi rằng cô đã không khóc suốt nhiều năm trời và cô sợ cái cảm giác bất lực của bản thân. Tôi khuyến khích cô việc giải phóng mặt yếu đuối, dễ tổn thương trong cô sẽ là nguồn lực tuyệt vời cho sức mạnh của mình. Đứa trẻ sợ hãi và tổn thương bên trong cô sẽ không bị che giấu thêm nữa.

Sau khi “đứa trẻ” trong bạn có cơ hội được bộc lộ bản thân, được xác nhận và an ủi, bạn cần đưa ra một lựa chọn có ý thức về việc quay trở lại làm người lớn. Đứng lên và cảm nhận kích thước cơ thể mình. Cảm nhận năng lượng trưởng thành bên trong bạn. Khả năng quay trở lại con người trưởng thành của bạn là nguồn sức mạnh to lớn mà bạn có thể kêu gọi bất cứ khi nào cảm thấy mình là một đứa trẻ bất lực.

Trên đây chỉ là một vài trong rất nhiều bài tập nhóm mà bác sĩ trị liệu của bạn có thể sử dụng. Cùng với bài tập viết thư và nhập vai, các bài tập nhóm này là những bước quan trọng trên con đường định vị lại nhân cách bản thân.

Đối mặt với cha mẹ

Như đã nói ở trên, tôi cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc khi phải cảnh báo với bạn: người lẽ ra nên nuôi dưỡng, yêu thương và bảo vệ bạn, nhiều khả năng lại tấn công bạn về mặt cảm xúc khi bạn dám nói ra sự thật. Mọi điều tôi nói với bạn về chuyện đối mặt sẽ phải nhân gấp đôi lên khi bạn đối mặt với kẻ lạm dụng.

• Bạn phải có một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ

• Bạn phải thực hành trước nhiều lần

• Bạn phải thay đổi niềm tin của mình về việc ai là người chịu trách nhiệm

• Bạn phải chuẩn bị sẵn sàng cho một sự thay đổi to lớn trong mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ, hay thậm chí là hi sinh nó.

Nếu cha mẹ bạn vẫn đang sống cùng nhau, bạn có thể đối mặt với họ cùng lúc hoặc riêng từng người. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra trong trường hợp bị cha mẹ lạm dụng, đối mặt riêng với từng người thường sẽ có ít phản ứng bùng nổ hơn. Khi đối mặt cùng lúc, cha mẹ của nạn nhân thường sẽ dựng lên bức tường bảo vệ cho cuộc hôn nhân của họ. Trong trường hợp đó, sẽ là hai chọi một, và việc bạn có một người ủng hộ sẽ trở nên đặc biệt quan trọng.

Trong khi không có cách nào để dự đoán phản ứng của kẻ xâm hại, thì riêng việc đối mặt với ông ta cũng đã khá áp lực. Kẻ xâm hại có thể phủ nhận rằng chưa từng xâm hại bạn, có thể trở nên tức giận và rời khỏi buổi trị liệu, có thể tấn công bác sĩ trị liệu của bạn vì đã khuyến khích bạn làm tổn thương gia đình, có thể cố làm giảm đến mức tối thiểu tội lỗi của ông ta hay thậm chí không nhận thức được việc ông ta đã làm. Bạn cần chuẩn bị cho mọi tình huống. Nếu ông ta nhận thức được tội lỗi của mình, hãy cẩn trọng với những lời bào chữa. Kẻ xâm hại thường cố thao túng nạn nhân của mình bằng cảm giác thương hại.

Dù một số bước trong đối mặt tương tự với những kiểu cha mẹ độc hại khác, song vẫn có một số điều nhất định bạn cần thêm vào bộ quy tắc của mình, “đây là những gì tôi muốn từ ông kể từ bây giờ.” Phản ứng của kẻ xâm hại với những yêu cầu này sẽ là chỉ dẫn chính xác duy nhất về tương lai của bạn và ông ta.

Đây là những gì bạn muốn:

1. Nhận thức đầy đủ về chuyện đã xảy ra. Nếu kẻ xâm hại tuyên bố ông ta không nhớ gì cả, hãy nói với ông ta rằng dù ông ta không nhớ, thì nó vẫn là sự thật vì bạn là người đã nhớ.

2. Một lời xin lỗi.

3. Chịu hoàn toàn trách nhiệm và không để bạn phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.

4. Sẵn sàng bồi thường. Ví dụ, ông ta có thể đến buổi trị liệu, trả tiền trị liệu cho bạn, xin lỗi những người khác trong cuộc sống của bạn vì nỗi đau mà ông ta gây ra, và có khả năng nói về nó với bạn khi bạn cần.

Cảnh báo: Lời xin lỗi có thể có sức quyến rũ rất lớn và tạo nên hi vọng sai lầm rằng mọi chuyện sẽ thay đổi đáng kể trong mối quan hệ giữa hai người. Nếu lời xin lỗi không đi kèm sự thay đổi hành vi sau đó thì chẳng có gì thay đổi cả. Ông ta phải sẵn sàng làm điều gì đó. Nếu không, xin lỗi chỉ là lời nói đầu môi không có giá trị, chỉ khiến bạn thêm tổn thương và thất vọng.

Hiển nhiên, có một số ít nạn nhân nhận được phản hồi tích cực với tất cả hay phần lớn những yêu cầu của họ, song điều cần thiết cho sự phát triển của bạn là chính bạn phải tạo ra những yêu cầu đó. Bạn cần đặt ra quy tắc nền tảng cho bất cứ mối quan hệ nào trong tương lai. Bạn phải thể hiện rõ ràng rằng bạn sẽ không sống cùng với những lời dối trá, giả dối, bí mật và phủ nhận nữa. Quan trọng nhất là, bạn phải nói rõ rằng bạn sẽ không nhận trách nhiệm cho những thói quen bạo lực đối với mình - rằng bạn sẽ không trở thành nạn nhân một lần nữa.

“Đã đến lúc ngưng giả vờ”

Tracy quyết định đối mặt riêng với cha mẹ. Tracy nói với cha rằng cô đang tham gia trị liệu nhưng không nói cụ thể là trị liệu về vấn đề gì. Cô nói sẽ rất tốt nếu cha cô có thể đến tham gia một buổi trị liệu cùng cô. Ông ta đồng ý song lại hủy rất nhiều buổi hẹn trước khi thực sự xuất hiện.

Cha của Tracy, Harold, là một người đàn ông cuối ngũ tuần, đầu hói và khá vạm vỡ. Vẻ ngoài của ông được chăm chút khá tỉ mỉ và trông ra dáng một giám đốc điều hành. Khi tôi hỏi ông xem liệu ông có biết lý do Tracy muốn ông đến buổi trị liệu này để gặp tôi không, ông nói ông nghĩ đó là “một ý tưởng khá hay ho.” Tôi bắt đầu bằng cách bảo Tracy nói cho cha cô nghe kiểu trị liệu mà cô đang tham gia là gì.

Con đang là thành viên của nhóm những nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục. Những người bị cha và đôi khi là mẹ làm những điều mà cha đã làm với con.

Sắc mặt Harold thay đổi thấy rõ và ông ta đảo mắt. Ông ta định nói gì đó nhưng Tracy ngăn lại và buộc ông phải lắng nghe cô. Tracy tiếp tục kể lại những gì ông ta đã làm với cô, những cảm giác bệnh hoạn, ghê tởm, sợ hãi và bối rối mà ông khiến cô cảm thấy. Rồi cô nói với ông chuyện đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của cô như thế nào.

Con chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi thích một người đàn ông. Con luôn cảm thấy như đang phản bội hay lừa dối cha. Con cảm thấy như mình là một vật bị sở hữu, giống như con chẳng có cuộc sống của riêng mình. Con tin cha khi cha nói con là một con điếm - sau cùng thì con chỉ biết chôn giấu bí mật bẩn thỉu này thật sâu để không ai biết. Con nghĩ đó là lỗi của mình. Con đã tuyệt vọng gần như cả cuộc đời nhưng con lại học được cách tỏ ra mọi chuyện đều ổn. Thực ra chẳng có gì ổn cả, cha ạ, đã đến lúc chúng ta ngừng diễn kịch và sống thật với nhau. Cuộc hôn nhân của con gần như đổ vỡ vì con ghét quan hệ tình dục, con ghét cơ thể mình, con ghét chính bản thân mình! Bây giờ mọi thứ đã thay đổi, ơn Chúa. Nhưng cha thì cứ thế mà phủi tay đi trong khi con phải mang theo gánh nặng tinh thần suốt cuộc đời. Cha đã phản bội con, lợi dụng con, cha đã làm điều tệ hại nhất mà một người cha có thể làm với con gái họ.

Sau đó Tracy nói với cha cô những gì cô muốn từ ông - một lời xin lỗi và nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình. Cô cũng cho ông cơ hội để nói với mẹ cô trước khi cô tự nói.

Cha của Tracy đã bị sốc. Ông quay sang buộc tội rằng cô đang đe dọa ông. Ông không hề cố phủ nhận chuyện lạm dụng con gái, song ông lại cố giảm thiểu nó đến mức tối đa bằng cách nhắc cho Tracy nhớ lại rằng ông không hề khiến cô bị đau. Ông ta có xin lỗi, song mối quan tâm trên hết của ông chỉ là ảnh hưởng của việc này lên cuộc hôn nhân và địa vị của ông ta nếu mọi chuyện bị phanh phui. Ông phủ nhận việc mình cần trị liệu vì ông đang có “một cuộc sống có ích và hiệu quả”.

Trong những tuần tiếp theo, Tracy thuyết phục cha mình “thú nhận” với mẹ cô. Sau đó cô quay lại nhóm và báo cáo kết quả:

Mẹ tôi khá choáng váng và thất vọng, xong chỉ ngay sau đó bà nói tôi hãy tha thứ cho cha và không được nói chuyện này với ai trong gia đình. Khi tôi nói với bà là tôi không đồng ý với điều đó, bà hỏi tại sao tôi lại phải khiến họ tổn thương đến vậy. Chị có thấy buồn cười không - bỗng nhiên tôi trở thành người xấu trong chuyện này.

Mọi người trong nhóm đều mong muốn biết được cảm giác của Tracy sau khi đã có một bước tiến lớn như vậy. Tôi sẽ không bao giờ quên câu trả lời của cô ấy:

Tôi cảm thấy như mình gỡ bỏ được gánh nặng bấy lâu khỏi vai. Chị biết đấy, điều tôi nhận ra bây giờ là tôi có quyền nói ra sự thật và tôi không chịu trách nhiệm cho việc người khác không thể chịu nổi sự thật đó.

Chúng tôi đều rất vui mừng khi Tracy lấy lại được vị thế của mình và bước ra khỏi con đường tự nạn nhân hóa. Đến cuối cùng, Tracy quyết định vẫn duy trì mối quan hệ với cha mẹ nhưng chỉ có những liên lạc rất hạn chế với họ.

CHƯỚNG NGẠI KHÔNG THỂ VƯỢT QUA

Tracy thì ít cần đến sự trợ giúp của tôi để đối chất với cha cô. Ngược lại, Liz thì cần trợ lực rất nhiều. Cha dượng cô là mục sư địa phương quyền thế, không chỉ bạo hành mà còn đe dọa cô khi cô tìm thấy sự can đảm để yêu cầu ông ta dừng lại - đặc biệt khi mẹ và cha dượng cô khăng khăng đòi cùng đi với nhau. Khi Liz nói với cha mẹ rằng cô muốn họ đến tham gia một buổi trị liệu tâm lý, họ bảo cô là họ “sẽ làm bất kì điều gì để giúp cô khỏi bệnh tâm thần.”

Năm Liz 13 tuổi, cô đã kể cho mẹ nghe việc bị cha dượng lạm dụng. Nhưng mẹ không tin cô, và Liz không bao giờ hé môi cho ai biết chuyện đó nữa.

Cha dượng của Liz, Burt, là một người đàn ông gần sáu mươi tuổi, với khuôn mặt hồng hào, lịch sự. Điều đáng chú ý là ông ta mặc một bộ đồ mục sư màu đen có cổ trắng đến buổi tư vấn. Mẹ của Liz, Rhoda, là một phụ nữ cao dong dỏng, với mái tóc đen dày. Cả hai với vẻ mặt đầy giận dữ ngay từ lúc bước vào phòng.

Liz đã nói và làm mọi điều mà cô đã thực hành, nhưng mỗi lần cô cố gắng nói về chuyện bị lạm dụng, quấy rối tình dục, cô phải đối đầu với sự bác bỏ và buộc tội đầy tức giận từ cha mẹ. Theo họ, cô là một con điên, cô đang bịa chuyện, và là một đứa con gái độc ác, hận thù, muốn trả đũa Burt vì ông là một “người cha kỷ luật nghiêm khắc.” Liz tự lo được cho bản thân nhưng chẳng đi tới đâu. Cô đưa mắt nhìn tôi một cách bất lực. Tôi buộc phải can thiệp vào:

Cả hai vị đã phản bội con mình đủ rồi đấy. Tôi sẽ không cho phép chuyện này diễn ra nữa. Xin thứ lỗi tôi nói thẳng, không có ai trong hai vị đủ can đảm để thừa nhận sự thật. Burt, bản thân ông biết mọi điều Liz nói đều đúng. Chẳng có ai bịa ra những chuyện đau đớn và bẽ bàng đó. Và chẳng có ai điên mà đi dựng chuyện mình bị trầm cảm và tủi hổ suốt bao năm trời.

Nhưng tôi muốn ông biết rằng vì ông là người có chức quyền trong xã hội và đáng tin với những đứa trẻ khác nên Liz và tôi buộc phải báo cáo ông với Cơ quan bảo vệ trẻ em (CPS). Nếu ông từng gây tổn thương cho đứa trẻ khác thì bản báo cáo này sẽ chống lại ông. Tôi không hiểu làm sao ông có thể phụng sự người khác trong khi toàn bộ cuộc đời ông được xây dựng trên sự dối trá. Ông là một kẻ gian trá và là kẻ lạm dụng tình dục trẻ em. Lạy Chúa! Ông biết và Chúa cũng biết.

Khuôn mặt Burt gần như hóa đá. Ông ta không nói gì, nhưng có thể thấy rõ sự tức giận của ông ta. Tôi quay sang mẹ Liz trong nỗ lực cuối cùng nhằm khiến bà ta đối diện sự thật, nhưng tất cả lời nói của tôi bị bỏ ngoài tai. Bức tường phòng thủ của Burt và Rhoda không thể xuyên thủng được, và tôi thấy không có lý do gì để kéo dài thêm nỗi đau của Liz. Cô đã có đủ thông tin cần thiết, vì vậy tôi yêu cầu Burt và Rhoda rời khỏi văn phòng. Liz hiểu rằng cô phải đưa ra sự lựa chọn giữa cha mẹ và sức khỏe tinh thần của cô. Cô không thể nào có cả hai. Cô nhanh chóng đưa ra quyết định:

Tôi phải cắt đứt mối quan hệ với họ. Họ quá điên khùng. Cách duy nhất mà tôi có thể giữ mối quan hệ này với họ là tôi cũng phải điên khùng như vậy. Họ cứ như là đến từ một hành tinh khác. Lạy Chúa, Susan ơi, người phụ nữ đó còn là mẹ tôi nữa cơ đấy!

Cô bật khóc. Tôi đến ôm cô vài phút khi cô đang nức nở. Rồi cô lên tiếng:

Tôi đoán thứ gây tổn thương cho tôi nhất chính là mình nhận ra họ không hề quan tâm tới tôi và chưa bao giờ quan tâm. Ý tôi là, theo bất kì định nghĩa thông thường nào về tình yêu, thì họ không hề thương tôi.

Với câu nói cuối cùng đó, Liz cho thấy sự sẵn sàng đối mặt với sự thật khủng khiếp mà nhiều người trưởng thành từng bị bạo hành thời bé phải đối mặt. Trong câu phân tích cuối cùng, cha mẹ cô đơn giản là không có khả năng yêu thương. Đó là thất bại của họ chứ không phải của cô, và khiếm khuyết về nhân cách của họ đã tạo ra thực tế đau xót này.

ĐỐI CHẤT VỚI NGƯỜI MẸ LẶNG THINH

Cha mẹ của Connie sống ở một bang khác, vì vậy cô quyết định đối chất bằng cách gửi thư riêng đến cha và mẹ cô. Trong những bài tập mà cô đóng vai chính mình khi còn bé, Connie hồi tưởng lại chuyện khi cha lần đầu tiên quấy rối cô, cô đã nói với mẹ. Biết được lý do tại sao mẹ không hành động để bảo vệ cô là chuyện cực kì quan trọng với Connie. Nỗi lo âu của Connie tăng lên sau khi cô gửi đi những lá thư. Sau ba tuần, cô than rằng mình không hề nhận được một câu trả lời từ cha. “Nhưng cô đã có câu trả lời rồi” tôi nói. “Câu trả lời của ông ta là ông không muốn xử lý chuyện này.” Tuy nhiên, Connie đã nhận được một lá thư từ mẹ. Cô đọc một phần nội dung lá thư trước cả nhóm:

Cho dù mẹ có nói gì đi nữa thì cũng không bao giờ đủ với tất cả những tổn thương mà con phải gánh chịu. Hồi đó, mẹ nghĩ là mẹ đang bảo vệ con theo cách tốt nhất mà mẹ biết. Mẹ đã nói chuyện với ông ta, và ông ta xin lỗi, thề thốt rằng sẽ không tái phạm nữa. Ông ta đã rất thành khẩn, cầu xin mẹ cho thêm cơ hội khác và nói yêu mẹ. Chẳng có ai hiểu được nỗi sợ hãi và hoang mang của mẹ. Mẹ không biết phải làm gì, mẹ tưởng vấn đề đã giải quyết xong. Bây giờ mẹ nhận ra ông ta đã lừa gạt mẹ dễ như bỡn. Mẹ tha thiết muốn có một gia đình hạnh phúc đến nỗi mẹ đã tin vào sự lừa dối trắng trợn đó. Mẹ chỉ muốn giữ hòa khí trong nhà. Đầu óc mẹ giờ đang quay cuồng và mẹ không thể nói gì thêm về chuyện này nữa. Có lẽ như mọi khi, mẹ chẳng giúp được gì cho con, nhưng Connie à, con hãy tin rằng mẹ luôn yêu con và mong những điều tốt đẹp nhất đến với con.

Yêu con, Mẹ của con.

Lá thư gieo thêm chút hy vọng cho Connie rằng hai mẹ con họ từ đây có thể bắt đầu một mối quan hệ chân thành hơn. Theo đề xuất của tôi, Connie sắp xếp một cuộc hội đàm giữa cô ấy, mẹ cô và tôi. Trong buổi hội đàm, mẹ của Connie, Margaret một lần nữa bày tỏ nỗi đau buồn trước những việc đã xảy ra và thừa nhận sự nhu nhược và đồng lõa của bà. Tôi cũng bắt đầu hy vọng hai người phụ nữ này có thể tạo dựng được điều gì đó giá trị giữa họ... cho đến khi Connie yêu cầu một chuyện mà cô vô cùng mong muốn.

CONNIE: Con không mong là mẹ sẽ bỏ ông ta sau chừng đó năm trời, nhưng có một việc này rất quan trọng với con. Đó là con muốn mẹ đến gặp cha và nói với ông ta rằng những chuyện ông gây ra cho con kinh khủng biết chừng nào. Con không cần nhận bất kì điều gì từ ông ta - vì ông ta là một kẻ điên rồ, bệnh hoạn và con phải chấp nhận sự thật đó. Nhưng con muốn ông ta nghe được điều này từ mẹ.

Margaret im lặng một lúc lâu.

MARGARET: Mẹ không thể làm được. Mẹ không làm được đâu. Xin con đừng bắt mẹ làm thế.

CONNIE: Vậy là giống như trước đây, mẹ tiếp tục bảo vệ cho ông ta chứ không phải con. Khi con nhận được thư của mẹ, con đã tưởng rằng có lẽ, cuối cùng mình sẽ có lại một người mẹ. Con cứ nghĩ có thể lần này mẹ sẽ đứng về phía con. Nhưng mẹ ơi, chỉ nói xin lỗi thì không đủ. Mẹ cần phải làm việc gì đó vì con. Mẹ cần chứng tỏ cho con thấy mẹ yêu con, chứ không phải chỉ nói suông.

MARGARET: Connie, chuyện này đã xảy ra lâu rồi mà con. Bây giờ con đã có cuộc sống riêng và gia đình riêng của con. Còn ông ấy là tất cả những gì mẹ có.

Connie cảm thấy cay đắng tuyệt vọng khi mẹ từ chối làm một điều mà cô muốn. Nhưng cô nhận ra mẹ mình đã đưa ra lựa chọn của bà từ rất lâu rồi. Với Connie, kỳ vọng họ thay đổi tại thời điểm này là thiếu thực tế. Connie quyết định vì hạnh phúc của chính mình, cô vẫn sẽ duy trì liên lạc tối thiểu qua thư điện thoại với mẹ và chấp nhận những giới hạn của mẹ cô. Cô quyết định cắt đứt mọi liên lạc với cha cô.

“CHÚNG TA TIẾP TỤC SỐNG TỪ ĐÂY”

Mẹ của Dan, Evelyn, một hiệu trưởng trường trung học đã nghỉ hưu, phản ứng khác trước, khi anh phá vỡ bầu không khí im lặng. Cha mẹ của Dan đã ly hôn được mười năm trước khi Dan cảm thấy mình đủ can đảm để kể với mẹ về những năm tháng bị cha lạm dụng tình dục. Evelyn đã khóc khi cô nghe tường tận những chuyện đã xảy ra với con trai cô và đến ôm anh vào lòng.

Trời ơi, con yêu của mẹ, mẹ vô cùng xin lỗi. Tại sao con không kể chuyện này với mẹ? Nếu biết thì mẹ đã có thể làm được gì đó. Mẹ chẳng biết gì cả. Mẹ biết con người ông ta có điều gì đó cực kỳ sai trái. Chuyện chăn gối của bố mẹ rất kinh dị, và mẹ biết ông ta luôn luôn thủ dâm trong phòng tắm, nhưng mẹ có nằm mơ cũng không nghĩ rằng ông ta có thể làm vậy với con. Ôi con yêu, mẹ rất xin lỗi, mẹ vô cùng xin lỗi con.

Dan thì lo sợ chất quá nhiều gánh nặng lên vai mẹ; anh đã đánh giá thấp khả năng cảm thông của mẹ mình. Nhưng bà trấn an anh việc thà bà biết được sự thật kinh khủng này còn hơn là sống với sự dối trá:

Mẹ có cảm tưởng như bị xe tải tông trúng, nhưng mẹ rất mừng vì con đã kể cho mẹ biết. Bây giờ mẹ thấy nhiều chuyện bắt đầu hợp lý hơn. Mẹ đã ngộ ra rất nhiều thứ... như việc con uống rượu và mắc trầm cảm, và nhiều thứ khác về cuộc hôn nhân của mẹ. Con biết không, mẹ đã tự đổ lỗi cho bản thân suốt bao năm tháng vì ông ta có vẻ lạnh nhạt chuyện chăn gối với mình. Và mẹ cũng tự trách mình vì tính khí nóng nảy của ông ta. Giờ thì mẹ đã hiểu, ông ta là kẻ bệnh hoạn, thực sự bệnh hoạn, và chẳng ai có thể trách cứ mẹ con mình. Vì vậy chúng ta tiếp tục sống từ đây.

Dan đã trao cho bản thân và mẹ mình một món quà khi anh ấy kể ra sự thật. Bằng việc kể cho mẹ biết chuyện loạn luân, Dan đã giúp mẹ trả lời được nhiều câu hỏi đau đớn và hoang mang về cuộc hôn nhân của bà. Mẹ Dan đã đáp lại với lòng từ bi và sự phẫn nộ trước kẻ thủ ác, cùng sự hỗ trợ con mình một cách chân thành. Đây là điều mà tất cả nạn nhân của tội loạn luân đều mong mỏi ở mẹ mình. Khi Dan và mẹ nắm chặt tay nhau rời khỏi văn phòng của tôi, tôi không thể ngăn được ý nghĩ rằng cuộc đời này sẽ tuyệt vời biết nhường nào nếu tất cả các bà mẹ đều phản ứng giống như mẹ Dan.

Tốt nghiệp

Trong quá trình trị liệu, có những khoảng thời gian mà bạn sẽ phải viết đi viết lại các lá thư, trải qua những trò đóng vai, các bài tập, các cuộc đối chất, và đưa ra quyết định về mối quan hệ với cha mẹ bạn trong tương lai. Bạn sẽ thấy bằng chứng ngày càng vững chắc về sức mạnh và hạnh phúc của bạn. Những thay đổi trong niềm tin, trong cảm xúc và hành vi của bạn sẽ hợp nhất vào tính cách của bạn. Nói ngắn gọn là, bạn sẵn sàng để “tốt nghiệp.”

Đây sẽ là một khoảng thời gian vừa vui vừa buồn đối với bạn, các thành viên khác trong nhóm và nhà trị liệu. Bạn sẽ phải chào tạm biệt với gia đình tốt lành duy nhất mà bạn từng biết, dù nhiều người trong nhóm vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè thân thiết sau khi họ rời nhóm. Tình bằng hữu từ nhóm trị liệu, dựa trên việc chia sẻ những trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt, tiếp tục mang đến cho nhau tình cảm và sự hỗ trợ giúp xoa dịu cảm giác mất mát trước kia.

Thời gian tốt nghiệp của bạn sẽ do nhu cầu của bạn dẫn dắt. Đa số các nạn nhân bị loạn luân trong các nhóm của tôi mất khoảng một năm đến một năm rưỡi làm việc thông qua chu trình trị liệu. Nếu cha mẹ bạn hỗ trợ, như mẹ của Dan, thì khoảng thời gian đó có thể ngắn lại. Nếu bạn chọn cắt đứt mối quan hệ của bạn, giống như Connie đã làm với cha cô, thì bạn có thể cần phải ở lại nhóm lâu hơn một chút để tránh chồng thêm nỗi mất mát (nhóm của bạn) lên mất mát (cha mẹ bạn). Tôi chưa bao giờ hết ngạc nhiên trước những thay đổi lớn lao, sâu sắc xảy ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, đặc biệt khi bạn nhìn thấy nỗi đau ban đầu nhiều biết nhường nào.

MỘT CON NGƯỜI MỚI

Thỉnh thoảng, các thân chủ đã tốt nghiệp của tôi lại liên hệ với tôi để chia sẻ về tình hình cuộc sống hiện tại của họ. Tôi đặc biệt vui mừng và xúc động bởi một bức thư gần đây tôi nhận được từ một trong các thân chủ đó của tôi, một phụ nữ trẻ trên là Patty.

Patty thuộc một trong các nhóm nạn nhân của tội loạn luân đầu tiên mà tôi làm việc. Khi ấy cô mới 16 tuổi. Tôi đã kể vắn tắt về chuyện của Patty trong chương 7; đó là cô gái bé nhỏ bị cha ruột đe dọa sẽ cho làm con nuôi nếu cô không vâng lời ông ta. Tôi không hay tin tức gì về cô suốt nhiều năm qua, nhưng tôi nhớ là cô đã không thể đối chất với cha vì ông ta đã biến mất nhiều năm trước khi cô bắt đầu đi điều trị. Đây là nội dung bức thư mà cô viết:

Susan thân mến,

Tôi viết lá thư này để bày tỏ lòng biết ơn chị một lần nữa vì đã giúp tôi trở thành một con người mới. Cảm ơn chị và nhóm, tôi thực sự ổn rồi. Tôi đã kết hôn với một anh chàng tuyệt vời, chúng tôi có với nhau ba mặt con và tôi đã học được cách tin tưởng vào người khác trở lại. Tôi nghĩ mình là một bà mẹ tốt hơn nhờ những chuyện mà tôi đã trải qua. Bọn trẻ của tôi biết rằng không được cho phép người lạ chạm vào những vùng cấm trên cơ thể chúng và chúng biết nếu ai đó làm vậy thì chúng có thể nói với tôi và tôi sẽ đứng về phía chúng. Tôi cuối cùng đã đối chất với cha tôi.

Dù tốn chút công sức, nhưng tôi đã lùng ra ông ta và nói rõ cảm xúc của mình về ông. Câu trả lời duy nhất của ông ta là: “Cha là một kẻ bệnh hoạn.” Ông ta chưa bao giờ nói câu xin lỗi. Nhưng chị đã nói đúng, chuyện đó không quan trọng. Tôi chỉ cần đặt trách nhiệm vào nơi mà nó thuộc về và tôi cảm thấy tốt hơn. Cảm ơn chị về tình cảm chị dành cho tôi. Tôi nợ chị cả cuộc đời mình.

Mãi yêu chị, Patty.

Patty không phải là người bất thường. Dù cuộc đời có thể trông ảm đạm từ góc nhìn của một nạn nhân bị loạn luân, thì trị liệu tâm lý vẫn có hiệu quả với họ. Bất kể bạn cảm thấy suy sụp nhường nào thì bạn vẫn có thể tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc đời của lòng tôn trọng bản thân và sự tự do thoát khỏi cảm giác tội lỗi, sợ hãi và xấu hổ. Tất cả những người mà bạn đọc gặp trong chương này đã chuyển biến từ nỗi tuyệt vọng sang lành mạnh. Và bạn cũng có thể làm được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3