Cha Mẹ Độc Hại - Chương 15

CHƯƠNG 15

PHÁ VỠ VÒNG LUẨN QUẨN

Ngay sau khi cuốn sách Men Who Hate Women & the Women Who Love Them (Tạm dịch: Những người đàn ông ghét đàn bà và những người đàn bà yêu họ), một người phụ nữ tên Janet đã viết cho tôi là cô ấy vừa đọc cuốn sách của tôi:

Tôi nhận ra bóng dáng của chồng tôi và bản thân tôi trong từng trang sách, và một điều tôi chợt nhận ra đó là không chỉ chồng tôi là một người vũ phu mà tôi còn là người đến từ gia đình có nhiều thế hệ với những người phụ nữ ưa chịu trận và những người đàn ông thích bạo hành. Sách của cô đã cho tôi dũng khí và quyết tâm để dừng chuyện đó lại. Tôi không chắc là chồng tôi sẽ thay đổi và tôi sẽ ở lại với anh ta hay không. Nhưng tôi dám chắc một điều rằng những đứa con của tôi từ nay sẽ thấy mẹ chúng không còn chấp nhận bị bạo hành dưới bất kì hình thức nào nữa và mẹ chúng cũng sẽ không để ai bạo hành chúng bằng lời nói nữa. Con trai của tôi sẽ không lớn lên với tư tưởng bạo hành phụ nữ là điều bình thường và con gái tôi sẽ không được lập trình để trở thành một nạn nhân nữa. Cảm ơn cô đã chỉ cho tôi lối đi.

Mặc dù mỗi giai đoạn sẽ có những con người với tính cách mới, nhưng vòng luẩn quẩn của những hành vi độc hại có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Những màn trình diễn có thể trông khác nhau qua mỗi thế hệ nhưng tất cả những đặc điểm độc hại đều có điểm chung rất lớn ở phần kết đó là sự đau đớn và chịu đựng.

Janet đã dũng cảm đối mặt với một hệ thống của sự bạo hành và chịu đựng bén rễ từ rất lâu trong gia đình cô ấy. Bằng cách thay đổi hành vi và đặt ra những giới hạn đối với sự bạo hành về tinh thần từ chồng mình, Janet đã đặt một bước đi lớn để đảm bảo rằng con cái của cô sẽ thoát khỏi quyền lực chi phối của di sản gia đình. Cô ấy đang phá vỡ vòng luẩn quẩn này.

Cụm từ “phá vỡ vòng luẩn quẩn” ban đầu được tạo ra liên quan đến tệ nạn bạo hành trẻ em, đó là việc ngăn một đứa trẻ bị bạo hành khi lớn lên trở thành kẻ bạo hành con cái chúng. Nhưng tôi đã mở rộng cụm từ này ra để bao hàm tất cả các hình thức bạo hành khác.

Đối với tôi, để phá vỡ vòng lặp thì cần phải ngừng hành động như một nạn nhân, hoặc ngừng hành động giống như người cha mẹ vũ phu hoặc yếu đuối của bạn. Bạn không còn đóng vai một đứa trẻ vô dụng và dựa dẫm đối với người bạn đời, với con cái, bạn bè, đồng nghiệp, những người có quyền lực và cha mẹ bạn nữa. Và bạn cần tìm sự giúp đỡ khi bạn thấy mình đang làm hại nửa kia hay con cái của mình đến mức bản thân cảm thấy hổ thẹn. Mặc dù thay đổi xuất phát từ nơi tự thân bạn, nhưng bạn sẽ thấy tác dụng của nó lan tỏa rộng hơn bạn nghĩ. Bằng cách phá vỡ vòng lặp, bạn đang bảo vệ con cái mình khỏi những niềm tin, luật lệ và kinh nghiệm độc hại, những điều có thể đã tô quẹt nên tuổi thơ của bạn. Bạn có thể đang thay đổi cách tương tác trong gia đình chú trọng hơn vào lứa tuổi thơ. Thay đổi quy luật tương tác trong gia đình cho nhiều thế hệ tiếp theo.

“TÔI CÓ THỂ Ở BÊN CẠNH CON TÔI”

Một trong những cách tốt nhất để phá vòng luẩn quẩn này đó là hãy hạ quyết tâm hỗ trợ tinh thần cho con cái mình thường xuyên hơn việc cha mẹ bạn đã ở bên bạn.

Melanie đã nhận ra rằng cô không được hưởng sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ không có nghĩa là cô không thể cho con có những điều đó. Mặc dù rất khó khăn để cô có thể tỉnh táo trước những thói quen cũ, nhưng quyết tâm của cô vẫn rất chắc chắn:

Tôi đã rất sợ có con. Tôi chưa từng dám nghĩ tôi làm mẹ sẽ như thế nào. Và thực sự là rất khó. Tôi thường hét vào mặt con tôi và bảo chúng về phòng của mình và để tôi được yên. Tại sao chúng luôn đòi hỏi như những con đỉa đói vậy. Nhưng từ khi tôi tham gia điều trị, tôi nhận ra đó là những gì mẹ tôi đã đối xử với tôi. Nên bây giờ mỗi khi tôi cảm thấy tâm trạng không tốt, tôi vẫn sẽ cố gắng để không đuổi con của tôi đi. Tôi phải lặn rất sâu vào trong cõi lòng mình, tôi phải làm điều đó. Tôi không hoàn hảo, nhưng ít ra tôi đang làm gì đó để trở nên tốt hơn. Quỷ tha ma bắt, tôi không thể tiếp tục đổ lỗi nữa.

Melanie đã có những bước đi cụ thể để chữa lành bản thân. Sau khi cô đối mặt với mẹ cô, hai người phụ nữ đã có thể nói chuyện thẳng thắn về những cảm xúc và những gì họ đã trải qua. Cô đã nhận ra mình là sản phẩm của nhiều thế hệ của những người mẹ vô tâm và yếu đuối. Thật tuyệt vời khi thấy cô có thể nhận trách nhiệm cá nhân để không lặp lại những điều đó đối với con của cô.

Bên cạnh việc tham gia khóa trị liệu, Melanie còn tham gia vào một nhóm hỗ trợ dành cho cha mẹ. Cô đã hạ quyết tâm để trở thành một người mẹ tốt, nhưng vì hình mẫu duy nhất của cô - cha mẹ cô - đã không làm tròn bổn phận nên cô không biết yếu tố nào tạo nên một người mẹ tốt. Cô chưa từng thấy một bậc phụ huynh mẫu mực là như thế nào. Họ đã giúp cô rất nhiều trong việc xóa bỏ những nỗi sợ rất đời thường và giúp cô giải quyết những sự cố trong gia đình mà không phải chạy trốn hay trở nên hoảng loạn vì những đòi hỏi của con.

Melanie cũng đã tìm ra cách để chăm sóc bản thân tốt hơn và đấu tranh với sự trống rỗng trong tâm hồn. Cô đã kết thân với những người bạn mới, họ là những người trong nhóm hỗ trợ và những bạn học trong lớp múa dân vũ mà tôi đã khuyên cô ấy tham gia. Cô ấy đã không còn bị chi phối bởi những thói quen cũ như thích dây dưa với những gã đàn ông có vấn đề và trở thành một kẻ phải hy sinh để chăm lo cho họ.

“TÔI THỀ RẰNG TÔI SẼ KHÔNG NHƯ CHA CỦA TÔI”

Chúng tôi đã bắt đầu cuốn sách với câu chuyện của Gordon, một bác sĩ có người cha thường đánh anh bằng thắt lưng. Sau sáu tháng điều trị, anh cuối cùng đã chấp nhận mình là một người từng bị bạo hành. Anh đã làm bài tập viết thư, nhập vai và đối mặt với cha mẹ của mình. Anh đã có thể giải tỏa hầu hết sự đau khổ trong quá khứ, và anh bắt đầu thấy rằng mình đã tiếp nối vòng luẩn quẩn của sự bạo hành vào trong gia đình nhỏ của mình.

GORDON: Tôi đã thề hàng trăm lần là tôi sẽ không bao giờ giống như cha tôi, nhưng khi tôi nhìn lại, tôi đoán là mình đã đối xử với vợ của mình y như cách ông đã đối xử với tôi. Tôi đã có những bài tập và kết quả cũng giống như vậy.

SUSAN: Khi bạn còn nhỏ, yêu thương và bạo hành có quan hệ với nhau. Cha của bạn là hiện thân của cả hai thứ, đôi khi trong cùng một lúc. Cũng dễ hiểu khi bạn trộn lẫn cả hai thứ với nhau.

GORDON: Tôi đã nghĩ rằng mình tốt hơn ông ấy khi chưa bao giờ động chân động tay với vợ. Nhưng tôi đã bạo hành cô ấy bằng lời nói và trừng phạt cô ấy với tâm trạng của tôi. Như thể tôi đã ra ở riêng nhưng vẫn đem cha tôi theo vậy.

Trong suốt cuộc sống của Gordon, anh ta đã chối bỏ việc mình bị bạo hành; trong suốt cuộc hôn nhân của anh, anh đã phủ nhận mình là kẻ bạo hành. Anh chỉ thay loại bạo hành này bằng một hình thức bạo hành khác thôi. Cha của anh đã kiểm soát anh bằng vũ lực và sự đau đớn thể xác, anh đã kiểm soát vợ anh bằng những lời cay nghiệt và nỗi đau về tinh thần. Gordon đã trở thành một người tự cho mình là đúng, một kẻ biến người khác thành nạn nhân và một kẻ bạo ngược không khác gì cha anh.

Khi anh còn phủ nhận việc anh đã lặp lại những hành vi bạo hành của cha mình theo một cách khác, anh sẽ không nhận ra rằng anh vẫn còn lựa chọn. Nếu bạn không thấy vòng luẩn quẩn thì bạn không thể phá vỡ nó. Cái giá anh phải trả để thấy sự thật đó là vợ của anh đã ra đi. Nỗ lực của anh cuối cùng đã được đền đáp. Vợ của anh khi thấy những thay đổi ở anh, gần đây cô đã chấp nhận hòa giải tại tòa án. Anh đã học cách giải quyết cơn giận từ gốc rễ thay vì trút lên đầu vợ của mình. Anh đã không còn lấn át hay coi thường cô ấy. Anh ấy đã có thể nói chuyện thẳng thắn với cô ấy về những nỗi sợ và tuổi thơ bị bạo hành của mình. Vòng luẩn quẩn từ đây đã bị phá bỏ.

“NHỮNG ĐỨA CON CỦA TÔI SẼ KHÔNG PHẢI LỚN LÊN CÙNG MỘT KẺ NGHIỆN RƯỢU”

Glenn - người đã cảm thấy sai lầm khi can thiệp với người cha nghiện rượu của mình - đã thề rằng anh sẽ không bao giờ dính dáng đến những kẻ nghiện rượu nữa. Tuy vậy, anh ấy đã nhận ra vòng luẩn quẩn của sự nghiện rượu vẫn tồn tại trong gia đình của anh. Anh đã lấy phải một người vợ nghiện rượu, và những đứa con ở tuổi vị thành niên của anh đang đứng trước nguy cơ trở thành những kẻ nghiện rượu và sử dụng ma túy.

Tôi đã không nghĩ những đứa con của tôi sẽ lại gặp những vấn đề giống như tôi đã từng gặp, vì tôi chẳng hề đụng đến rượu. Nhưng mẹ của chúng thì như một cái hũ chìm và từ chối mọi sự giúp đỡ. Tôi đã phát hoảng khi một đêm đi làm về thấy Denise đang uống hết một két bia cùng với hai đứa con của tôi. Cả ba đều đã say bí tỉ. Tôi điều tra và biết được đó không phải lần đầu tiên. Chúa ơi, cô Susan à, tôi chẳng hề uống vậy mà tôi vẫn không thể tống khứ rượu bia ra khỏi cuộc đời tôi. Điều này phải dừng lại thôi!

Glenn không còn là một người rụt rè và đầy lo âu như lần đầu tôi gặp anh. Anh đã sẵn sàng trò chuyện sâu hơn với vợ của mình. Anh biết là anh phải dùng biện pháp mạnh để có thể phá vòng luẩn quẩn của sự nghiện rượu trước khi nó có thể chiếm lấy con của anh. Kết quả là Denise đã đăng kí vào Alcoholics Anonymous (tổ chức cai nghiện rượu) và hai đứa con của họ đăng kí vào Alateen, một chương trình gồm mười hai bước cho những người trẻ tuổi.

Nếu bạn là một đứa con đã trưởng thành của một người nghiện rượu, bạn sẽ có nguy cơ rất lớn lặp lại vòng luẩn quẩn nghiện rượu trong gia đình nhỏ của bạn. Thậm chí như trong trường hợp của Glenn, bạn chẳng hề lạm dụng rượu bia nhưng bạn sẽ có khuynh hướng nghiêng về những người bạn đời nghiện rượu. Khi điều này xảy ra, những đứa trẻ sẽ trưởng thành với cùng một hình mẫu là một kẻ nghiện rượu hay cổ xúy cho điều đó. Trừ khi bạn phá bỏ vòng luẩn quẩn này, nếu không, khả năng rất cao con bạn sẽ là những người tiếp theo trở thành những tay bợm nhậu hoặc cổ động viên của chất cồn.

“TÔI KHÔNG MUỐN LÀM CON TÔI TỔN THƯƠNG”

Trong chương 6 tôi đã nói về Holly, người đã được tòa án giới thiệu cho tôi vì bị tố cáo bạo hành đứa con trai nhỏ tuổi của cô. Tôi biết rằng để có thể phá được vòng luẩn quẩn, Holly phải thực hành trên hai con đường: quá khứ và hiện tại. Nhưng ở những buổi điều trị đầu tiên tôi đã tập trung gần như hoàn toàn vào những kĩ thuật để giúp cô ấy có thể kiểm soát những cơn giận, điều này rất cần thiết cho cô. Cô ấy phải học cách lấy lại kiểm soát cơn giận trong từng giờ từng phút, trước khi cô ấy sẵn sàng để bắt đầu quá trình dài hơi nhằm xử lý nỗi đau thời thơ ấu.

Tôi yêu cầu Holly tham dự cuộc gặp mặt hàng tuần của nhóm Parents Anonymous (P.A.), một nhóm tự hỗ trợ rất nhiệt tình dành cho những bậc cha mẹ bạo hành. Ở P.A., Holly đã tìm ra một “Mạnh Thường Quân”, một người cô có thể gọi mỗi khi cô sắp sửa mất kiềm chế và đánh con của mình. Người này sẽ can thiệp bằng cách trấn an Holly, đưa ra những lời khuyên, hay thậm chí đến để làm dịu tình hình.

Khi Holly làm việc với “nhóm” P.A. để học cách kiểm soát khuynh hướng dễ bùng nổ khi bị căng thẳng, chúng tôi đã có những phương pháp khác biệt nhưng song song với nhau trong những buổi điều trị của cô. Điều đầu tiên tôi muốn Holly xác định đó là những cảm giác cơ thể trước khi cô bùng nổ cơn giận hay ý muốn bạo hành. Cơn giận bao gồm rất nhiều thành phần thuộc về tâm lý. Tôi nói Holly rằng cơ thể của cô là một cái phong vũ kế có khả năng báo cho cô biết những thứ đang diễn ra nếu cô chịu khó chú ý. Khi Holly bắt nhịp được với những cảm nhận thân thể mà cô thường trải qua trước khi cô trở nên bạo lực, cô đã rất bất ngờ khi phát hiện có nhiều dấu hiệu mà cô có thể nhìn thấy:

Tôi đã không tin khi cô nói điều đó, Susan, nhưng điều đó là thật! Khi tôi nổi giận, tôi cảm thấy phần cổ và vai trở nên căng cứng. Bụng tôi phát ra nhiều tiếng ùng ục và thắt lại. Răng tôi nghiến lại. Tôi thở rất nhanh. Tim tôi đập như búa tạ. Và tôi cảm thấy những giọt nước mắt nóng dưới mắt tôi.

Những cảm nhận vật lý này là những dấu hiệu báo trước những cơn bão của Holly. Nhiệm vụ của cô là phải đọc được những dấu hiệu này và tránh cơn bão ấy. Trong quá khứ, cô thường la mắng và đánh con của cô để giải tỏa áp lực khủng khiếp ở trong cô. Cô phải tìm ra được những cách khác thay thế cho những phản ứng tự động này để có thể thoát được vòng luẩn quẩn của bạo hành.

Khi Holly nhận diện được những cảm giác cơ thể của cô trước khi cơn giận ập tới, đã đến lúc cô phải tìm ra những hành vi thay thế cụ thể để giải quyết những cảm giác này. Chúng tôi đã nói rất nhiều về sự khác nhau giữa phản ứng và hành vi đáp ứng, nhưng do Holly đã bật chế độ tự động lái quá lâu nên việc suy nghĩ ra những hành vi đáp ứng mới thật khó đối với cô. Để giúp cô bắt đầu, tôi đã hỏi cô những điều cô muốn bố mẹ mình làm thay vì dùng bạo lực. Cô trả lời:

Tôi ước gì lúc đó họ lảng đi chỗ khác, đi vòng quanh khu nhà chẳng hạn.

Tôi đề nghị cô hãy làm điều đó vào lần tiếp theo cô cảm thấy giận dữ. Sau đó tôi hỏi thêm về những điều cô muốn cha mẹ mình làm và bản thân cô có thể làm được việc đó.

Tôi có thể đếm đến mười...nhưng tôi biết tôi mà, có lẽ phải đếm đến năm mươi. Tôi có thể nói với con trai rằng tôi không muốn làm tổn thương nó, và nói nó đi sang phòng khác một lúc. Hay tôi có thể gọi cho người giúp đỡ của tôi và nói chuyện với cô ấy cho đến khi tôi bình tĩnh lại.

Tôi đã chúc mừng Holly khi cô nghĩ ra những chiến lược hành vi rất tuyệt vời. Nhiều tháng sau cô đã rất phấn khởi vì những thay đổi cô đã đạt được trong việc kiểm soát cảm xúc và những hành vi bốc đồng. Khi cô đã nhận thấy rằng cô hoàn toàn có thể kiểm soát bản thân, và rằng cô không phải bị mắc lời nguyền phải cư xử như mẹ của cô, cô đã sẵn sàng để nhận nhiệm vụ khó khăn mới đó là xử lý nỗi đau của bản thân về một tuổi thơ bị bạo hành.

“TÔI SẼ KHÔNG ĐỂ NHỮNG ĐỨA CON CỦA TÔI MỘT MÌNH VỚI CHA TÔI”

Janine - người đã từng bị quấy rối bởi cha mình và đã dành hai mươi năm tiếp theo để dành được tình cảm từ ông - đã hoàn thành bài tập đối mặt của cô và có được một sự tự tin đầy mới mẻ. Một trong những thành viên nhóm cô đã hỏi cô cách cô xử lý mối quan hệ của cha mẹ cô với đứa con gái tám tuổi tên Rachel của cô. Janine nói rằng cô đặt ra những quy tắc rất khắt khe khi cha mẹ cô đến thăm cháu của họ. Tôi nói với họ rằng tôi sẽ không để họ một mình với Rachel. Tôi nói rằng: “Cha biết rồi đó, chẳng có gì thay đổi cả. Cha vẫn chưa dự buổi điều trị nào. Cha vẫn là người cha đã bạo hành tôi. Tôi không thể tin tưởng giao con gái tôi cho cha được.” Sau đó tôi nói với mẹ tôi rằng tôi chẳng có tí niềm tin nào ở bà để đảm bảo Rachel được an toàn. Dù sao thì mẹ cũng đã ở trong cùng một nhà khi ông ấy quấy rối tôi mà.

Janine đã nhận ra một điều mà nhiều nạn nhân của loạn luân đã không nhận ra, đó là để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn thì phải bảo vệ những đứa trẻ khác khỏi kẻ gây ra việc đó. Loạn luân là một thôi thúc bức bách rất bí ẩn. Những kẻ đã quấy rối chính con gái của mình thường tiếp tục hành vi đó đối với cháu gái của họ hoặc bất kì đứa trẻ nào ông ta vớ được. Janine không thể đoán được liệu ông ta có lặp lại hành vi biến thái đó hay không, nên cô ấy đã chọn cách thông minh đó là “cẩn tắc vô ưu”.

Janine đã đến hiệu sách gần đó và mua cho con cô những cuốn sách giúp trẻ em phân biệt những hành động âu yếm tốt và hành vi tình dục không đúng. Có những đĩa video về chủ đề này. Những tài liệu đó không phải dùng để hù dọa đứa trẻ mà là để từ tốn dạy bé gái hay bé trai ấy về chủ đề mà đa số những bậc làm cha mẹ cảm thấy khó nói nhưng những đứa trẻ cần được biết.

Qua sự thuyết phục của tôi, Janine đã đi thêm một bước dũng cảm mang ý nghĩa chữa lành nữa:

Tôi sẽ nói với tất cả mọi người trong gia đình. Cô đã thuyết phục được tôi rằng tôi không chỉ có trách nhiệm bảo vệ Rachel mà còn phải bảo vệ tất cả những đứa trẻ trong gia đình nữa. Cha tôi có thể tiếp cận bất kì đứa trẻ nào trong số chúng. Không phải ai cũng thích quyết định của tôi, đặc biệt là cha mẹ tôi. Nhưng họ phải chấp nhận thôi. Nhiều năm qua tôi đã giữ mồm giữ miệng và cho đó là mình đang bảo vệ gia đình, nhưng thực sự tôi chỉ đang bảo vệ cha tôi mà thôi. Nhưng tôi không nói đồng nghĩa với việc tôi đang gây nguy hiểm cho những đứa trẻ trong gia đình.

Mặc dù Janine đã hành xử rất trách nhiệm và dũng cảm, không phải ai cũng biết ơn vì thông tin họ được nghe. Trong một gia đình loạn luân điển hình, một số người thân sẽ cảm ơn bạn vì đã cho họ biết, nhưng một số sẽ gạt đi ngay và không tin bạn, một số khác thì nổi giận với bạn và cho bạn là kẻ đã ăn cháo đá bát với cha mẹ của mình. Và khi bạn đối mặt, phản ứng của những thành viên khác trong gia đình sẽ quyết định bản chất mối quan hệ với họ trong tương lai. Mối quan hệ với một số thành viên sẽ bị sứt mẻ, nhưng đôi khi đó là cái giá bạn phải trả để bảo vệ những đứa trẻ. Loạn luân chỉ có thể tồn tại dưới một âm mưu yên lặng. Phá vỡ sự im lặng là một phần quan trọng trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn này.

“MẸ XIN LỖI MẸ ĐÃ LÀM TỔN THƯƠNG CON”

Một trong những đặc điểm của cha mẹ độc hại đó là họ ít khi, thậm chí không bao giờ xin lỗi vì những hành vi có tính hủy hoại của họ. Đó là lí do vì sao việc xin lỗi những người bạn có thể đã gây tổn thương - đặc biệt là con cái của bạn - là một phần quan trọng trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn. Bạn có thể thấy hơi ngượng ngùng hoặc cho đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bạn thậm chí có thể quan ngại rằng những lời xin lỗi sẽ làm bạn mất đi quyền hành, nhưng tôi đã được chứng minh rằng những đứa trẻ sẽ tôn trọng bạn hơn vì việc làm đó. Ngay cả một đứa trẻ cũng có thể cảm nhận được một lời xin lỗi tự nguyện là dấu hiệu của nhân cách và bản lĩnh. Một lời xin lỗi từ tận đáy lòng là một hành động mang tính chữa lành nhiều nhất và có khả năng phá vỡ vòng luẩn quẩn mạnh nhất mà bạn từng thực hiện.

Khi Holly xử lý nỗi đau của thời thơ ấu bị bạo hành, cô đã nhận ra cô ấy muốn xin lỗi con của mình nhưng cô rất e ngại bởi mình chẳng thể nghĩ ra điều gì để nói. Tôi đã sử dụng bài tập nhập vai để giúp đỡ cô. Trong buổi trị liệu tiếp theo, tôi kéo ghế của tôi lại gần và nắm lấy cả hai tay cô. Tôi muốn cô ấy tưởng tượng cô là đứa con trai Stuart của cô. Tôi sẽ đóng vai Holly. Tôi yêu cầu “Stuart” phải nói với tôi con có cảm giác bạo hành là như thế nào.

HOLLY: (trong vai Stuart): Mẹ, con rất yêu mẹ, nhưng con cũng sợ mẹ nữa. Khi mẹ nổi giận là lại bắt đầu đánh con, con cảm giác như mẹ rất ghét con vậy. Và hầu như con chẳng biết con đã làm gì sai. Con đang cố làm một đứa trẻ ngoan...Mẹ ơi, đừng đánh con nữa mà...

Holly chợt dừng lại, cố ngăn dòng nước mắt. Cô ấy đã trải qua nỗi đau của con trai cô cũng như của cô. Cô ấy muốn được nói với mẹ của cô những thứ cô tưởng tượng con cô nói với cô. Cô quyết định về nhà và xin lỗi Stuart vào đêm đó.

Tuần sau, cô bước vào với gương mặt rạng rỡ. Xin lỗi Stuart đã không quá khó khăn như cô tưởng. Cô chỉ cần nghĩ về những thứ cô muốn được nghe từ chính cha mẹ của mình. Cô giải thích:

Tôi nói với con: “Con yêu à, mẹ đã làm nhiều thứ tổn thương con và mẹ rất xấu hổ. Mẹ không có quyền đánh đập con. Mẹ không có quyền gọi con bằng những cái tên khó nghe. Con chẳng làm gì để phải chịu như vậy cả. Con là một đứa trẻ tuyệt vời. Lỗi là ở mẹ, cục cưng à, tất cả là ở mẹ, nhưng cuối cùng mẹ đã tìm được sự giúp đỡ mà mẹ nên đi tìm từ lâu rồi con à. Cha mẹ của mẹ đã đánh đập mẹ rất nhiều và mẹ đã không biết cơn giận bên trong của mẹ lớn như thế nào. Mẹ đã học những cách ứng xử khác khi mẹ nổi giận, và chắc con cũng thấy mẹ không nổi giận thái quá nữa. Nên mẹ thật sự nghĩ là mẹ sẽ không đánh con nữa. Nhưng nếu mẹ có lỡ làm vậy, mẹ muốn con hãy chạy qua nhà hàng xóm và xin giúp đỡ. Mẹ không muốn làm con tổn thương lần nào nữa. Điều đó không tốt đối với hai mẹ con mình. Mẹ thực sự rất yêu con, con trai à. Mẹ thực sự xin lỗi.”

Khi bạn xin lỗi con cái bạn, bạn đang dạy cho chúng hãy tin vào cảm giác và nhận thức của mình. Bạn đang nói rằng: “Những việc mẹ làm con nghĩ là không công bằng thực sự đúng là không công bằng. Con đã đúng khi cảm thấy như vậy.” Bạn cũng cho chúng thấy ngay cả bạn cũng có lỗi lầm, nhưng bạn luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm về lỗi của bạn. Qua đó, bạn đã truyền cho con mình một thông điệp: Con cũng có quyền phạm sai lầm, miễn là con chịu trách nhiệm cho những sai lầm đó. Bằng cách xin lỗi, bạn đang thực sự định hình lên một khuôn mẫu của những hành vi yêu thương.

Bạn có trong mình năng lực để thay đổi vận mệnh của con cái bạn. Khi bạn giải thoát bản thân khỏi những di sản của tội lỗi, tự căm ghét bản thân, và sự giận dữ, bạn cũng đang giải thoát cho con bạn. Khi bạn cắt đứt khuôn mẫu gia đình cũ và phá vỡ vòng luẩn quẩn, bạn đã trao cho con bạn một món quà vô giá, truyền đến đời đời con cái chúng và còn nhiều đời về sau nữa. Chính là bạn đang tạo dựng tương lai.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3