Cha Mẹ Độc Hại - Chương 16
LỜI KẾT
Buông bỏ cuộc tranh đấu
Trong bộ phim War Games, một máy tính của chính phủ Hoa Kỳ được lập trình để khởi động chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu. Mọi nỗ lực thay đổi chương trình máy tính đều vô hiệu. Vậy mà vào phút chót, máy tính tự dừng lại và nói: “Trò chơi thú vị. Cách duy nhất để chiến thắng là không chơi.”
Còn đây là trò chơi mà nhiều người vẫn tiếp tục chơi: cố gắng thay đổi cha mẹ độc hại. Chúng ta thử hết mọi phương cách chỉ để được cha mẹ yêu thương và chấp nhận mình. Cuộc vật lộn này có thể hút cạn năng lượng của chúng ta và làm những tháng ngày của chúng ta đầy ắp khổ đau cùng sự hỗn loạn nhưng vẫn không đem lại kết quả. Cách duy nhất để chiến thắng là không chơi.
Đã đến lúc dừng trò chơi và buông bỏ cuộc vật lộn. Tôi không có ý nói rằng bạn phải từ bỏ cha mẹ bạn; mà bạn chỉ đang từ bỏ những điều này:
- Tìm cách thay đổi cha mẹ để bạn cảm thấy thoải mái.
- Cố gắng tìm cách để được cha mẹ yêu thương.
- Phản ứng cảm xúc quá mức với cha mẹ.
- Ảo tưởng về một ngày nào đó họ sẽ dành cho bạn sự quan tâm hỗ trợ mà bạn xứng đáng.
Giống như nhiều đứa trẻ đã trưởng thành của các bậc cha mẹ độc hại, bạn có lẽ hiểu điều này về mặt lý trí, rằng nếu hiện tại bạn không nhận được sự chăm sóc tình cảm từ cha mẹ thì trong tương lai bạn cũng sẽ không có. Nhưng nhận thức ấy hiếm khi nào xuống được đến cấp độ cảm xúc. Đứa trẻ không ngừng nỗ lực trong bạn có lẽ vẫn bám chặt lấy hy vọng một ngày nào đó cha mẹ bạn - bất kể những hạn chế của họ - sẽ thấy bạn thật tuyệt vời và sẽ yêu thương bạn. Bạn có thể sẽ nỗ lực trong tuyệt vọng để bù đắp cho tội lỗi của bạn cho dù bạn không chắc cái giá phải trả là gì. Khi bạn quay trở về với những bậc cha mẹ độc hại vì muốn tìm lại sự yêu thương chăm sóc và công nhận mà bạn đã không được hưởng khi còn nhỏ, điều đó cũng giống như một người đến lấy nước từ một cái giếng đã cạn. Thùng nước của bạn cũng sẽ trống trơn mà thôi.
Từ bỏ và tiến lên
Nhiều năm qua, “Sandy - có cha mẹ là tín đồ công giáo không ngừng dạy dỗ cô về chuyện phá thai - bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh để thay đổi cha mẹ mình. Cô ấy cần có dũng khí phi thường để nhận ra hy vọng bằng cách nào đó có thể tìm thấy tình yêu và sự chấp nhận của cha mẹ là một sự hão huyền.
Suốt những năm qua, tôi tin rằng mình có cha mẹ tuyệt vời và chính tôi mới là đứa có vấn đề. Thừa nhận rằng cha mẹ không biết cách yêu thương tôi thực sự là quá khó. Họ biết cách kiểm soát tôi, biết cách chỉ trích tôi, biết cách khiến tôi cảm thấy tội lỗi và tồi tệ, nhưng họ không biết cách để tôi được là tôi - cách tôn trọng tôi. Tùy thuộc vào việc họ nghĩ tôi có phải đứa con gái ngoan hay không mà họ dành tình cảm hoặc lấy lại tình cảm đối với tôi. Tôi biết cha mẹ mình sẽ không thay đổi đâu. Họ cứ việc là họ, và tôi thì có nhiều thứ tốt đẹp hơn để quan tâm hơn là cứ phải tìm cách làm họ khác đi.
Sandy đã có nhiều tiến bộ, cô đã từ bỏ nhu cầu tôn sùng cha mẹ mình. Cô ấy đã ngồi lại nói chuyện với họ về phản ứng của họ trước việc cô phá thai và nhận lại rất ít sự thông cảm từ mẹ cô. Cha mẹ cô đã không hề động viên cô như mong đợi. Tuy vậy, họ lại không ngừng đòi hỏi cô phải dành cho họ thời gian và cuộc đời mình.
Sandy nhờ tôi giúp cô ấy tìm ra vài câu để nói với cha mẹ nhằm đặt ra giới hạn cho những cuộc đến thăm nhà họ, thời gian rảnh của cô dành cho họ và việc họ kiểm soát cô bằng cảm giác tội lỗi và sự chỉ trích. Sau đây là một vài câu mà Sandy và tôi đã nghĩ ra:
“Thưa cha mẹ, con biết là mẹ rất muốn dành thời gian ở bên con. Nhưng bây giờ con đã có cuộc sống riêng của mình và không thể dành thời gian cho mẹ bất cứ khi nào mẹ muốn.
Con sẽ không cho phép mẹ chỉ trích con nữa. Mẹ có quyền nói lên những ý kiến của mẹ, nhưng mẹ không có quyền xem thường và cay nghiệt với con. Nếu mẹ làm vậy thì con sẽ ngăn mẹ lại.
Con hiểu chuyện này sẽ làm mẹ giận, nhưng bây giờ con buộc phải từ chối mẹ nhiều hơn so với trước đây. Con sẽ không đến thăm mẹ vào chủ nhật hằng tuần. Và con sẽ không vui nếu mẹ đến nhà con chơi mà không gọi điện báo trước.
Con hiểu rằng sắp tới sẽ có rất nhiều thứ cần thay đổi, và con biết thay đổi là đáng sợ. Nhưng con tin rằng chúng là những thay đổi tích cực. Kết quả của những thay đổi này là mối quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ trở nên tốt đẹp hơn.”
Sandy đã thực sự chuyển hóa được tương tác tiêu cực giữa bản thân và cha mẹ cô. Cô đặt ra những giới hạn hợp lý cho những hành vi kiểm soát, xâm lấn của cha mẹ trong khi không còn cố gắng thay đổi những niềm tin và thái độ của họ.
Một trong những phần khó nhất của việc buông bỏ cuộc vật lộn là để cho cha mẹ bạn được là họ. Bạn không cần phải nằm im mặc cho họ muốn làm gì thì làm, mà khi họ cố làm điều gì đó, bạn phải học cách để chấp nhận cơn lo lắng đang lên và kiểm soát những phản ứng của bạn.
Đúng như Sandy dự tính, cha mẹ cô rất tức giận trước cách hành xử mới của cô. Họ không thừa nhận rằng họ đã xâm phạm vào cuộc sống của cô và đối xử với cô như một đứa trẻ, nhưng Sandy không cần sự thừa nhận ấy. Cô đã lấy lại quyền làm chủ đời mình. Theo thời gian, cha mẹ cô đành miễn cưỡng chấp nhận luật chơi mới của cô.
Sandy từng phí hoài công sức để tranh đấu với cha mẹ. Giờ thì cô đã buông bỏ cuộc tranh đấu đó, cô có thể chuyển hướng nguồn năng lượng đó vào cuộc hôn nhân và các mục tiêu cá nhân của cô. Cô ấy và chồng tích cực dành thời gian cùng nhau đi dạo, lên kế hoạch, yêu đương, và quan tâm đến mối quan hệ của họ. Cô cũng bắt đầu nỗ lực đạt được mục tiêu trong tương lai sẽ là bà chủ một cửa hàng bán hoa. Khoảng hai năm sau khi cô ấy dừng trị liệu tâm lý, tôi vô cùng vui mừng khi nhận được một tờ thông báo khai trương shop hoa Bouquets by Sandy.
Bạn có thể tiếp tục hành xử như thể bạn còn nhỏ bé và bất lực vì bạn đang chờ đợi cha mẹ trao cho bạn quyền làm người lớn. Nhưng cái quyền ấy đang nằm trong tay bạn chứ không phải cha mẹ bạn. Khi bạn thực sự từ bỏ tranh đấu, bạn sẽ thấy mình không còn thôi thúc hủy hoại cuộc đời mình nữa.
Định nghĩa lại Tình yêu
Tình yêu không chỉ là những cảm xúc, mà nó còn là một cách hành xử. Khi Sandy nói “Cha mẹ tôi không biết cách yêu thương tôi” thì cô ấy đang nói rằng “Họ không biết cách hành xử theo lối thương yêu.” Nếu bạn hỏi cha mẹ của Sandy hay bất kì các bậc cha mẹ độc hại nào khác việc họ có thương con mình không, phần lớn sẽ trả lời dứt khoát là có. Nhưng đáng buồn thay, đa số đứa con của họ hầu như không cảm thấy được yêu thương. “Tình yêu” của các bậc cha mẹ độc hại hiếm khi đồng nghĩa với hành động nuôi dưỡng, an ủi.
Đa số những đứa con của các bậc cha mẹ độc hại khi lớn lên đều mang trong lòng cảm giác cực kỳ bối rối về tình yêu và yêu thương thật sự là như thế nào. Cha mẹ của họ đã làm những việc vô cùng tàn nhẫn với họ nhân danh tình yêu. Họ dần dần xem tình yêu là một thứ gì đó hỗn loạn, kịch tính, khó hiểu và thường gây đau đớn - một thứ mà họ phải đánh đổi bằng cách từ bỏ những ước mơ và khao khát của bản thân. Đó rõ ràng không phải là tình yêu đích thực.
Hành động yêu thương không làm bạn thất vọng, mất cân bằng hoặc tạo ra cảm giác thù ghét bản thân. Tình yêu không gây ra tổn thương, mà nó làm bạn cảm thấy thỏa mãn.
Hành động yêu thương nuôi dưỡng sức khỏe cảm xúc của bạn. Khi một ai đó yêu bạn, bạn cảm thấy mình được chấp nhận, được quan tâm, có giá trị và được tôn trọng. Tình yêu đích thực tạo ra cảm giác ấm áp, vui vẻ, an toàn, ổn định và sự bình yên trong tâm hồn.
Một khi bạn hiểu được bản chất của tình yêu thì bạn có thể nhận thấy cha mẹ bạn không thể hoặc không biết cách yêu thương. Đây là một trong những sự thật đau đớn nhất mà bạn không đời nào muốn thừa nhận. Nhưng khi bạn cắt nghĩa rõ ràng và thừa nhận những giới hạn của cha mẹ bạn, cùng những mất mát mà bạn đã gánh chịu vì họ, thì bạn đang mở ra một cánh cửa trong cuộc đời bạn cho những ai sẽ yêu thương bạn theo cách bạn xứng đáng được yêu - tình yêu đích thực.
Tin tưởng vào bản thân
Khi còn nhỏ, giống như mọi đứa trẻ, bạn cần đến sự ủng hộ hay phản đối của cha mẹ như một thước đo để xác định xem liệu bạn có phải là một đứa bé ngoan hay không. Nhưng vì sự ủng hộ của cha mẹ độc hại bị méo mó nên thước đo ấy thường xuyên đòi hỏi bạn phải hy sinh quan điểm về thực tại của riêng mình để tin theo một điều gì đó dường như không phù hợp với bạn. Khi trưởng thành, bạn có thể vẫn còn phải hy sinh.
Tuy nhiên, thông qua các bài tập trong cuốn sách này, bạn đang chuyển tiêu chuẩn đánh giá từ cha mẹ sang bản thân. Bạn đang học cách tin tưởng vào quan điểm về thực tại của riêng bạn. Bạn sẽ khám phá ra ngay cả khi cha mẹ bạn không đồng tình với bạn hoặc không ủng hộ những việc bạn đang làm, thì bạn vẫn có thể chịu đựng được sự lo lắng bởi bây giờ bạn không còn cần đến sự xác nhận của họ nữa. Bạn đã tự khẳng định được bản thân mình.
Khi bạn càng trở nên độc lập và tự khẳng định bản thân thì cha mẹ bạn càng không thích điều đó. Hãy nhớ, bản chất của các bậc cha mẹ độc hại là bị đe dọa bởi sự thay đổi. Cha mẹ độc hại thường là những người cuối cùng trên thế giới này chấp nhận các hành vi, những cách ứng xử mới lành mạnh hơn của bạn. Đó là lý do tại sao bạn nên tin vào những cảm xúc và nhận thức của bản thân. Theo thời gian, cha mẹ có thể chấp nhận con người mới của bạn. Bạn có thể sẽ phát triển mọi thứ giống như mối quan hệ giữa những người trưởng thành đối với cha mẹ. Nhưng vẫn có những bậc cha mẹ chống kháng quyết liệt nhằm giữ nguyên hiện trạng. Dù là cách nào thì việc giải phóng bản thân khỏi những khuôn mẫu hành vi tiêu cực trong gia đình đều tùy thuộc vào chính bạn.
Trở thành một người trưởng thành thực thụ không phải là một quá trình tuyến tính. Nó sẽ kéo bạn đi lên, đi xuống, kéo bạn tiến lên và thụt lùi, bòn rút bạn từ trong ra ngoài. Cứ tin là mình sẽ phạm lỗi, cứ tin là mình sẽ vấp ngã, nản chí. Bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi những cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, tội lỗi và bối rối. Những cảm giác ấy sẽ chẳng có người nào thoát được. Nhưng chúng sẽ không còn kiểm soát đời bạn nữa. Đó chính là chìa khóa.
Khi bạn giành được nhiều quyền kiểm soát đối với mối quan hệ quá khứ và hiện tại với cha mẹ, thì bạn sẽ khám phá ra những mối quan hệ khác của bạn, đặc biệt là mối quan hệ với chính bản thân mình sẽ cải thiện đáng kể. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời bạn được tận hưởng cuộc sống.
Tài liệu đọc thêm:
Beattie, Melody. Codependent No More. New York: Harper/Hazeldon, 1987.
Black, Claudia. It Will Never Happen to Me. Denver: M.A.C. Publishers, 1982.
Bowen, Murray. Family Therapy in Clinical Practice. New York: Jason Aronson, 1978.
Bradshaw, John. Healing the Shame That Binds You. Pompano Beach: Health Communications Inc. 1988.
Clarke, Jean Illsley. Self-esteem: A Family Affair. Minneapolis: Winston Press, 1978.
Forward, Susan, and Craig Buck. Betrayal of Innocence: Incest and Its Devastation (revised edition). New York: Viking Penguin, 1988.
Fossum, Merle A., and Marilyn J. Mason.Facing Shame: Families in Recovery. New York: W.W.Norton & Co.,1986.
Halpern, Howard M. Cutting Loose: An Adult Guide to Coming to Terms with Your Parents, New York: Bantam Books, 1978.
Herman, Judith. Father-Daughter Incest. Cambridge: Harvard University Press, 1982.
Kempee, C. H. The Battered Child. Chicago: University of Chicago Press, 1980.
Miller, Alice. For Your Own Good: Hidden Cruelty in Child Rearing and the Roots of Violence. New York: Farrar Straus Giroux, 1983.
Miller, Alice. Prisoners of Childhood. New York: Basic Books, 1981.
Weissberg, Michael, M.D.Dangerous Secrets: Maladaptive Responses to Stress. New York: W.W.Norton & Co., 1983.
Whitfield, Charles L. Healing the Child Within. Pompano Beach: Health Communications Inc., 1987.
Woititz, Janet Geringer. Adult Children of Alcoholics. Pompano Beach: Health Communications Inc., 1983.
Thông tin về tác giả:
Tiến sỹ Susan Forward là nhà trị liệu tâm lý, giảng viên và tác giả nổi tiếng thế giới, với những cuốn sách được tạp chí New York Times xếp loại bestseller gồm Toxic Parents (Cha mẹ độc hại), Men Who Hate Women and the Women Who Love Them (Những người đàn ông ghét đàn bà và những người đàn bà yêu họ), cũng như Obsessive Love (Tình yêu ám ảnh); Betrayal of Innocence: Incest and Its Devastation (Loạn luận và sự tàn phá); Money Demons (Đồng tiền ma quỷ); Emotional Blackmail (Hăm doạ cảm xúc); When Your Lover Is a Liar (Khi người yêu bạn là kẻ nói dối); và Toxic In-Laws (Cha mẹ chồng/vợ độc hại).
Bà chủ trì chương trình nói chuyện hằng ngày trên radio ABC trong 5 năm. Bà cũng có nhiều đóng góp cho xã hội với tư cách là một nhà trị liệu nhóm, người hướng dẫn và tư vấn tại nhiều cơ sở y tế và tâm thần ở Nam California, và bà đã thành lập trung tâm điều trị lạm dụng tình dục tư nhân đầu tiên ở California. Bà sống ở Los Angeles và có hai con đã trưởng thành.
Văn phòng làm việc của Susan Forward tại Sherman Oaks, California. Để biết thêm thông tin về bà, hãy gọi số (818) 986-1161.
Craig Buck là một nhà làm phim và truyền hình, viết nhiều bài về hành vi con người cho nhiều tạp chí và tờ báo quốc ngữ. Ông là đồng tác giả cuốn sách Toxic Parents, Obsessive Love, Betrayal of Innocence, and Money Demons với Susan Forward. Ông hiện đang sống ở Los Angeles với vợ và con gái.