Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 05

Tôi mang theo câu nói của Sâm về quê trong dịp Tết năm đó như mang một món quà. Nhờ món quà tinh thần đó, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn khi đối diện với ba mẹ tôi - những người lúc nào cũng giục tôi về quê kiếm việc và những lời trách cứ của ba mẹ luôn khiến tôi cảm thấy có lỗi.

Ba tôi nói:

- Về quê đi con à. Quê mình dạo này đã nhộn nhịp chứ không còn đìu hiu như xưa. Công ăn việc làm bây giờ cũng dễ kiếm.

Ba tôi nói đúng. Xã bên cạnh gần đây đã được chọn làm huyện lỵ. Các nhà máy, công ty, cửa hàng quán xá mọc lên san sát. Ruộng vườn, đồng cỏ càng ngày càng bị đẩy lùi ra xa.

- Từ từ đã, ba.

- Từ từ gì mà từ từ! Con lang thang trên thành phố đã một năm rồi mà có kiếm được việc làm nào ra hồn đâu. Chẳng lẽ con tốt nghiệp đại học Tài chính rồi bây giờ đi bán quán ăn?

Tôi muốn nói với ba tôi bán quán ăn không phải công việc “không ra hồn” như ba tôi nghĩ. Thú thật càng ngày tôi càng yêu cái nghề này. Trước đây tôi cũng nghĩ bán quán là công việc đơn giản nhưng từ ngày làm việc chung với Sâm, tôi phát hiện nghề nào cũng công phu, tỉ mỉ, đầy nghệ thuật và hao tổn tâm trí rất nhiều. Đặc biệt thú vị là tôi học được ở Sâm không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn ở cách ứng xử với con người, với cuộc sống. Những bài học đó, nếu không trải nghiệm trong thực tế tôi không thể học được ở bất cứ đâu. Nhờ Sâm, đường biên của cuộc sống mở rộng dần trong mắt tôi.

- Con nghe lời ba mẹ, về quê đi! - Ba tôi tiếp tục thuyết phục tôi - Cậu con đang làm trong ngành bưu điện, ba sẽ nói cậu xin việc cho con. Hoặc con cũng có thể xin vô ngân hàng tỉnh, chú thằng Sẹo đang làm phó giám đốc ở đó.

Mặt tôi ngẩn ra:

- Thằng Sẹo…

Mẹ tôi chen lời:

- Thằng Sẹo là con ông Bảy Sớm, hồi nhỏ nó học cùng lớp với con đó. Con nhớ ra nó chưa?

Tôi nhớ thằng Sẹo. Tôi chỉ bất ngờ vì đã lâu lắm tôi mới nghe nhắc đến tên nó.

Thằng Sẹo học chung với tôi tới giữa năm lớp Năm. Sau khi mẹ nó chết đuối dưới sông, gia đình nó đột ngột chuyển nhà đi đâu mất. Từ đó tôi không nghe ai nhắc gì đến cha con nó nữa và thật tình tôi cũng quên mất nó mặc dù khi còn nhỏ tôi là một trong những đứa bắt nạt Sẹo nhiều nhất.

Tôi chắc thằng Sẹo cùng tuổi với tôi, vì hai đứa học chung một lớp. Sẹo là một đứa lanh lẹ nhưng gầy còm, đặc biệt đầu nó nhiều ghẻ. Lắm ghẻ khi lành biến thành sẹo. Tôi không nhớ tên nó, chỉ nhớ bạn bè gọi nó là thằng Sẹo.

- Con không thích nhờ vả người ngoài.

- Chú thằng Sẹo vừa dạm hỏi con cho thằng Sẹo đó. Cũng không tính là người ngoài.

- Mẹ nói gì vậy? - Tôi ré lên - Mẹ định gả con cho thằng Sẹo hả? Con đã đồng ý đâu. Mẹ phải hỏi ý kiến của con trước khi nhận lời người ta chứ.

- Ông Bảy Sớm là người có ơn với nhà mình. Hồi ba con bị nhồi máu cơ tim, nếu ông Bảy không đưa đi bệnh viện kịp thời, ba con đã chết rồi.

- Mẹ đừng có kể chuyên hồi xưa. - Tôi gạt phắt - Con không thích nghe chuyện hồi xưa. Hu hu, hết thằng Quyền đến thằng Sẹo! Con mệt quá!

Tôi giống như con nhím đang xù lông lên với mẹ tôi. Nhưng biết sao được, tôi phải sống cuộc đời mình. Những gì Sâm nói vẫn còn nóng hổi trong óc tôi. Tôi không thể để bất cứ ai vẽ kịch bản cho cuộc đời mình. Cuộc đời tôi không thể mãi mãi là một bản nháp lúc nào cũng lăm le sửa chữa theo ý của người khác, dù người khác đó chính là ba mẹ tôi.

Ba tôi từ tốn:

- Thằng Sẹo nghe nói bây giờ làm ăn khá lắm. Chú nó lại là phó giám đốc ngân hàng…

Ba khác mẹ. Tôi không dám hét lên với ba tồi.

- Ba ơi, gần mười lăm năm nay con không gặp thằng Sẹo. - Tôi nói như rên - Con không biết mặt mũi nó bây giờ tròn méo ra sao. Hơn nữa, con không thích thằng đó.

Ba tôi hắng giọng:

- Con yên tâm đi, không thích thì từ từ sẽ thích. Hồi ba lấy mẹ con cũng vậy thôi. Giường chiếu sẽ làm vợ chồng xích lại gần nhau, con à.

Tôi không biết quan niệm của ba tôi đúng hay không, nhưng sao nghe nó cổ lỗ quá, thậm chí gần như một sự xúc phạm đối với tôi. Bây giờ không biết thời đại nào rồi mà ba tôi còn nghĩ như vậy. Chắc đây là câu nói từ ông cố tôi truyền xuống cho ông nội tôi, rồi ông nội tôi khắc câu đó vào tâm trí của ba tôi.

Thằng Sẹo là chồng tôi? Thật là buồn cười. Chồng tôi là cái đứa còm nhom, đầu đầy sẹo, luôn bị bạn bè ruồng rẫy? Tôi nhớ hồi đó càng bị đẩy ra, Sẹo càng tìm mọi cách để xáp lại với bọn tôi. Trong lớp, Sẹo là đứa thích kể chuyện ma. Nhà Sẹo ở cuối làng, gần nghĩa trang, cộ lẽ vì vậy mà trong óc nó có lắm câu chuyện rùng rợn. Con nít đứa nào mà chẳng thích nghe chuyện ma. Nắm được tâm lý đó, Sẹo đem chuyện ma ra làm quà để được bọn tôi cho chơi chung.

Những câu chuyện của thằng Sẹo hấp dẫn, đầy kích thích, luôn khiến bọn tôi sợ hãi một cách thích thú. Nhưng bao giờ cũng vậy, sau khi hồi hộp nghe chuyện của Sẹo, bọn tôi không đếm xỉa gì đến nó nữa, gần như quẳng nó sang một bên như quăng một trái táo sâu. Bọn tôi bày ra trò chơi mới, và dứt khoát không cho Sẹo tham gia bất chấp nó lẵng nhẵng bám theo và luôn miệng năn nỉ.

Tôi không hiểu tại sao bọn tôi lại tẩy chay Sẹo, mặc dù nó chẳng có lỗi gì. Thậm chí khi tôi vật nó xuống đất, nó cũng chẳng giận. Khi tôi kêu nó trèo lên cây trứng cá mọc trước cổng trường để hái trái chín cho tôi, nó tỏ ra vui mừng như thể được tôi sai vặt là một đặc ân. Có lẽ lúc đó bọn tôi xem một đứa nhút nhát, gầy gò với những vết sẹo chỉ chít trên đầu là một sinh vật ở đẳng cấp thấp. Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ trẻ con lắm lúc vô tâm, đôi khi hơi ác.

Nhớ lại chuyện cũ, tôi có chút hối hận. Nhưng bây giờ bắt tôi phải lấy một đứa như vậy làm chồng, thà giết tôi còn hơn.

Một người con trai để tôi có thể nghĩ đến chuyện tình cảm, ít ra phải là người có nét gì đó giống như Sâm. Tôi nhủ bụng, và len lén liếc ba mẹ tôi, như sợ hai người đọc được ý nghĩ trong đầu mình.

***

Tết năm đó đối với tôi rốt cuộc là một cái Tết không vui. Đi xa, tôi nhớ ba mẹ, nhớ những món ăn quen thuộc mẹ nấu, nhớ món cá rô kho tộ hay tô canh mồng tơi cua đồng, nhớ giàn mướp sau vườn, nhớ cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt, nhớ đủ thứ. Lẽ ra những ngày về quê là quãng thời gian nhẹ nhõm đáng chờ đợi với tôi nhưng câu chuyện chồng con bất thần chen ngang đã nhanh chóng tẩy xóa những niềm vui vừa chớm nở trong tôi, biến những giây phút đối diện với ba mẹ thành khoảnh khắc căng thẳng, đầy lo âu.

Tôi không biết ba mẹ muốn tôi giã từ thành phố để quay về nhà là do ba mẹ thật sự muốn tôi ở gần hay vì muốn tôi sớm lập gia đình. Đằng nào rồi tôi cũng sẽ lập gia đình, dĩ nhiên rồi, nhưng như bất cứ đứa con gái nào ở tuổi tôi, tôi ao ước hôn nhân của mình được xây dựng trên nền một chuyện tình lãng mạn, đẹp đẽ. Tôi tin chuyện tình thi vị trong những cuốn sách tôi đọc, những bộ phim tôi xem đang chờ tôi ở đâu đó trong cuộc đời này. Có thể, ngay lúc này đây, tôi đã mường tượng được nó đang ở đâu. Nhiều đêm tôi từng nằm mơ thấy chuyện tình của mình, tôi thấy trái tim tôi đi xuyên qua dạ dày để đến chỗ hẹn với một trái tim khác. Tôi thấy hai câu thơ của Lương hiện ra lấp lánh trong giấc mơ tôi “Dạ dày dù đói củ khoai. Tay em vẫn cứ no hoài tay anh” như điềm báo tốt đẹp.

Thời gian gần đây, công việc mua bán ve chai của ba tôi ngày càng ế ẩm. Hai năm nay mẹ tôi đi bốc vác trái cây cho ông Mười Thái để phụ tiền chợ với ba tôi.

Ông Mười Thái là chủ vựa trái cây lớn nhất huyện. Mẹ tôi vào làm chừng ba, bốn tháng, vợ chồng ông bất ngờ ướm hỏi tôi cho thằng Quyền, con trai ông - là cái thằng mà tôi ghét cay ghét đắng. Nhở tôi Quyền là tôi nhớ đến một đứa chuyên ăn tục nói phét, quậy làng phá xóm, suốt ngày chỉ biết moi tiền ba mẹ ăn chơi lêu lổng. Mỗi lần về quê, thấy bóng thằng Quyền thấp thoáng ngoài đường là tôi tránh xa.

Vợ chồng ông Mười Thái chắc chắn không biết tôi. Có lẽ họ chiều ý thằng con. May cho tôi, ba mẹ tôi vốn không ưa gì thằng Quyền, bất chấp nhà nó giàu nứt đố đổ vách. Mẹ tôi kể tôi nghe lời dạm hỏi của ông Mười Thái. Đang làm thuê cho ông này, mẹ tôi không tiện từ chối thẳng, chỉ nói “Để tôi hỏi ý con gái tôi”.

Chuyện thằng Quyền vừa nguội đi chưa được bao lâu đã bùng lên chuyện thằng Sẹo. Lần này tôi không gặp may như lần trước. Ba mẹ tôi có vẻ xiêu lòng trước lời tỉ tê của chú thằng Sẹo. Lại thêm cái ơn gì đó hồi xửa hồi xưa của ba thằng Sẹo nữa.

Trước ngày tôi quay lại thành phố, mẹ tôi nắm tay tôi bằng cả tay trái lẫn tay phải và cái cách bà nhìn tôi như thể tôi sắp sửa phạm một sai lầm tày trời nếu tôi không nghe lời căn dặn tha thiết của bà:

- Suy nghĩ kỹ chuyện ba mẹ vừa nói đi nghe con. Tết này con hăm bốn tuổi, sắp ế rồi đó. Mấy đứa bạn cùng lớp với mày đã hai ba mặt con rồi.

- Dạ.

Tôi gật đầu “dạ” qua loa cho mẹ tôi yên lòng, nhất là để cho bà đừng nói thêm câu nào nữa. Tôi biết ba mẹ tôi rất thương tôi nhưng khi chuyện chồng con của tôi phủ bóng lên tình thương đó thì sự nôn nóng khiến lý lẽ của ba mẹ tôi xuất hiện chi chít những lỗ hổng, tất nhiên chẳng thuyết phục được tôi. Tôi vốn là đứa bướng bỉnh nhưng chỉ bướng bỉnh ngoài đường. Từ trước đến nay tuy tôi hay phản kháng với ba mẹ nhưng cuối cùng bao giờ tôi cũng thuận theo ý của họ; kể cả khi ba tôi quyết mua cho tôi chiếc xe đạp cục mịch mà không đứa con gái nào ở tuổi tôi dám cưỡi, tôi cũng một mực phục tùng. Nhưng chuyện tình cảm khác chuyện xe cộ. Hôn nhân không phải là cuộc chạy đua trong đó đứa con gái phải cố lấy chồng bằng bất cứ giá nào để cho bằng bạn bằng bè. Tôi nhớ lời Sâm nói, “đừng để những lời nói của người khác kiểm soát cảm xúc của mình”.

Tôi tự hứa với mình: Tôi sẽ không biến cuộc đời tôi thành một bộ sưu tập những sai lầm. Tôi không sộ ế. Tôi nhớ câu chọc ghẹo của Lương “Chị có anh Sâm mà ế gì!”. Chỉ là câu nói trêu thôi nhưng mỗi khi nhớ lại tôi cảm thấy trong ngực mình hình như có con chim gì đang hót. Có phải vì vậy mà trên đường ra bến xe, tôi thấy nắng trên những ngọn cây bỗng vàng hơn năm ngoái?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3