Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 18
Lúc nhỏ Khuê lần đầu đến quán, tôi chưa nhận ra nó ngay. Từ cô bé mười tuổi đến cô gái hai mươi ba tuổi, đó là một hành trình đủ dài để một người bạn cũ đánh rơi không ít nét quen thuộc dọc đường. Hơn nữa, hôm đó ngoài nhỏ Khuê ra còn hơn mười người khác dự buổi phỏng vấn xin việc nên tôi không chú ý đến nó lắm. Chỉ khi ngồi đối diện với Khuê qua chiếc bàn vuông trong văn phòng trên gác, sau vài câu trao đổi mang tính chất thủ tục, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra nó chính là cô bạn thuở thiếu thời.
- Cô tên gì?
Khuê nói tên.
- Cô quê ở đâu?
Khuê nói quê.
Tới đây thì tôi bắt đầu ngờ ngợ. Sau khi hỏi thêm vài câu về huyện, xã thì tôi phải bám chặt tay vào thành ghế để giữ cho mình đừng run. Ra là Khuê đang ngồi trước mặt tôi. Nó không nhận ra tôi, có lẽ vì tôi cũng như nó, đã bị thời gian nhào nặn sau ngần ấy năm để đánh lừa ký ức của những người quen cũ.
Kể từ giây phút đó, đầu óc tôi không còn tập trung được nữa. Phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn diễn ra một cách máy móc. Cô bao nhiêu tuổi? Đang làm gì? Cô rảnh vào khung giờ nào? Chúng tôi tuyển người làm phụ bếp, tiếp viên, đi chợ, cô làm được không? Lương ở đây tính theo giờ, mức lương khởi điểm từ mười lăm ngàn đến ba mươi ngàn một giờ tùy loại công việc, chúng tôi sẽ phát lương vào ngày 5 mỗi tháng. Cô có để nghị gì không?
Suốt ba mươi phút, tôi nhìn Khuê trả lời hơn là nghe nó trả lời. Tôi vẫn nhớ đôi má phinh phính của cô bé ngày nào cũng chặn tôi ngoài hành lang và vật tôi xuống đất. Khuôn mặt Khuê bây giờ thon hơn, đã là khuôn mặt của một thiếu nữ. Riêng hàm răng nó vẫn trắng đều như những gì tôi còn nhớ được về những ngày thơ bé. Khi nó trả lời tôi, đằng sau đôi môi quen thuộc kia vẫn thấp thoáng những viên cuội xếp hàng đều đặn từng thắp sáng gương mặt trẻ thơ của nó mỗi khi nó cười.
Khuê không biết tôi đã nhận ra nó. Nó không biết một phần do tôi đã thay đổi khá nhiều. Tôi không còn sở hữu cái đầu đầy sẹo như một loại giấy căn cước mà qua đó bạn bè thuở nhỏ dễ dàng nhận ra tôi.
Phần quan trọng hơn là do tôi không có biểu hiện gì cho biết tôi từng quen nó. Dù giàu tưởng tượng đến mấy nhỏ Khuê cũng không nghĩ tôi lại đóng vai kẻ xa lạ trước mặt nó sau nhiều năm xa cách.
Dĩ nhiên tôi làm thế là có nguyên do, mặc dù giữ cho mình đừng reo lên khi tình cờ gặp lại Khuê đối với tôi cũng khó ngang với việc bắt mình không được cựa quậy khi thằn lằn bất thân chui vào cổ áo. Rõ ràng tim tôi đập nhanh hơn, và trái đất cũng quay nhanh hơn trong buổi sáng hôm đó. Cho đến khi Khuê ra về, tôi vẫn còn bần thần. Hồn tôi vẫn lơ lửng trên mây và chưa biết làm sao tiếp đất.
Để các bạn hiểu được tâm trạng bất thường của tôi, tôi cần phải quay lại mốc thời gian cách đây hai tháng. Lúc đó tôi tốt nghiệp đại học tròn một năm và mở quán ăn gần bảy tháng với tiền đầu tư của chú Sáu Có, em họ của ba tôi, hiện đang là phó giám đốc ngân hàng ở dưới quê.
Sau một bữa cơm tối, ba tôi kêu tôi ra:
- Sâm à.
- Dạ.
Nhìn vẻ mặt nghiêm nghị của ba tôi, tôi đoán ông muốn góp ý, dặn dò tôi về chuyện làm ăn. Nào ngờ mối quan tâm của ông nằm ở chỗ khác, hoàn toàn ra ngoài dự đoán của tôi:
- Con tính chuyện lấy vợ là vừa rồi đó, con.
- Lấy vợ? - Tôi há hốc miệng, tưởng mình nghe nhầm.
- Ừ.
Môi tôi méo xệch:
- Con mới hai mươi ba tuổi mà, ba.
- Thanh niên quê mình học xong đại học, ra trường, lấy vợ là chuyện bình thường mà. Hơn nữa, công ăn việc làm của con hiện giờ cũng ổn định rồi.
- Nhưng con biết lấy ai? Con chưa có bạn gái, ba à.
- Chưa có rồi sẽ có.
- Chắc còn lâu lắm, ba. Bây giờ con chỉ muốn dành thời gian và tâm trí cho công việc thôi.
- Không có bạn mới thì có bạn cũ. Con nhớ lại coi, con có thích đứa con gái nào học chung hồi nhỏ không? Ba cũng muốn con lấy vợ quê mình.
- Hồi đi học dưới quê, con mới có mười tuổi, ba à. Con…
Đang nói bỗng dưng tôi ngắc ngứ. Tự nhiên tôi nhớ đến Khuê - nhỏ bạn ngang ngạnh như con trai và cứ thích được tôi kêu bằng “chị”. Tôi nhớ đến trò vật nhau triền miên giữa hai đứa tôi trước cửa lớp, quần áo lấm lem, mỗi khi về đến nhà tôi phải lén lút thay ra để ba mẹ tôi không nhìn thấy. Cái trò chơi mà tôi thua nhiều hơn thắng đó, thoạt đầu thì tôi rất bực mình nhưng đến khi lên lớp Năm tôi lai cảm thấy thích thú, chẳng rõ vì sao. Lên lớp Năm, tôi đã có thể vật nhau ngang ngửa với nhỏ Khuê, không còn thường xuyên bị nó cưỡi lên người và chèn tay ngang cổ họng khiến tôi muốn ngạt thở như hồi lớp Ba, lớp Bốn nhưng đó không phải là lý do tôi muốn kéo dài trò chơi mạnh bạo này. Tôi không cắt nghĩa được tâm trạng của mình nhưng khi thằng Quyền buông lời thô lỗ khiến trò vật nhau giữa tôi và nhỏ Khuê đột ngột chấm dứt, một cảm giác gì đó như là sự hụt hẫng, mất mát len vào hồn tôi, giống như tôi vừa bị ai giật mất món đồ chơi yêu thích và tôi đã buồn bã một thời gian dài.
Những năm tháng đi xa, giữa bao khó khăn lo toan bộn bề, tôi vẫn bắt gặp mình không ít lần nghĩ đến nhỏ Khuê như nghĩ đến một đốm sáng nhỏ trong những ngày u ám của tuổi thơ tôi. Khuê bắt nạt tôi nếu không nhiều hơn thì cũng không ít hơn lũ bạn trong trường nhưng không hiểu sao tôi không ghét nó như ghét những đứa khác. Ngược lại, tôi luôn sung sướng mỗi khi được Khuê nhờ vả - sai khiến thì đúng hơn: “Nhặt bông sứ xâu chuỗi giùm chị đi, Sẹo”, “Sẹo hái trái trứng cá cho chị đi”, “Mày xếp cho chị chiếc tàu bay giấy đi, Sẹo”. Bao giờ tôi cũng đỏ mặt tía tai “Chị cái đầu mày” nhưng sau đó tôi lại vui vẻ làm theo lời nó.
Lúc đó tôi còn quá bé để biết mình có thích một đứa con gái hay không nhưng tính cách đặc biệt của nhỏ Khuê dường như có một sức hút kỳ lạ với tôi, đã khiến tôi không ngớt tò mò về nó và cho đến bây giờ ấn tượng về nó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Mỗi lần nhớ đến nhỏ Khuê và những trò bắt nạt của nó, tôi luôn bắt gặp mình đang mỉm cười.
Nhưng cho dù vẫn nhớ đến nhỏ bạn ấu thơ của mình, tôi chưa bao giờ vẽ ra một dấu gạch nối tình cảm giữa hai đứa tôi, chưa bao giờ đẩy trí tưởng tượng đi xa hơn tuổi lên mười, càng chưa bao giờ mơ đến ngày hỏi nó làm vợ khi hai đứa lớn lên.
Chẳng qua chuyện vợ chồng chưa từng len vào đầu óc tôi. Từ khi theo ba tôi lên thành phố sinh sống, tôi chỉ biết cắm đầu vào chuyện học hành, không hề tơ tưởng đến chuyện yêu đương. Tôi chỉ có một tâm niệm là học thật giỏi, sớm đỗ đạt thành tài để báo đáp công dưỡng dục của ba tôi và an ủi linh hồn của mẹ tôi.
Vì vậy khi nghe ba tôi đột ngột đề cập đến chuyện này, tôi không khỏi sửng sốt, tiếp theo là bối rối. Tôi thừ người ra một lúc, tay không ngớt chà lên mép bàn như thể câu trả lời đang được giấu bên dưới lớp ván lót.
Thấy tôi ấp úng, ba tôi không bỏ lỡ thòi cơ:
- Như vậy hồi nhỏ con có thích đứa nào phải không?
- Con không biết.
- Không biết cái đầu mày.
Tôi gãi gáy:
- Hồi đó con còn nhỏ xíu à.
Ba tôi phớt lờ lời phân trần của tôi:
- Đứa nào vậy?
Tôi lí nhí:
- Con Khuê.
- Nó là con cái nhà ai?
- Dạ, nó là con ông Cầm.
- Trời đất! Tưởng ai chứ ông Cầm ve chai thì ba lạ gì. Ba cũng hay ngồi lai rai vôi ổng. Hồi trước nếu ba không kịp đưa ổng tới bệnh viện thì ổng về chầu ông bà từ lâu rồi.
Ba tôi gục gặc đầu:
- Được rồi. Con để ba lo.
- Ba lo gì, ba? - Tôi giật nầy - Con đã quyết định đâu.
- Quyết định gì nữa. Rõ ràng là con thích nó mà.
- Nhưng đó là chuyện hồi nhỏ. - Tôi nhăn nhó. - Bây giờ nó thế nào, con đâu có biết. Biết đâu nó có chồng rồi…
Tôi bỏ lửng câu nói, đột nhiên nghe cổ họng nghẹn lại. Tự nhiên tôi nhớ đến bài ca dao tôi thuộc từ bé: “Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay”. Ờ, có khi nhỏ Khuê lấy chồng rồi cũng nên. Thời gian đã trôi qua lâu thế rồi còn gì. Con gái quê tôi hai mươi tuổi lắm đứa đã có con. Đằng này nhỏ Khuê đã hai mươi ba tuổi. Nghĩ đến đó, tôi chép miệng tưởng tượng trong đầu cảnh nhỏ Khuê đang dẫn bầy con đi tắm, lòng tràn ngập thất vọng, tiếc nuối: “Ba đồng một mớ trầu cay. Sao anh không hỏi những ngày còn không?”. Bất giác tôi nghe ngực mình nhoi nhói. Từng câu thơ đâm vào tim tôi: “Bây giờ em đã có chồng. Như chim vào lồng như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra”. Bài này tôi thuộc đã lâu nhưng chưa khi nào tôi nhớ đến nó. Hôm nay nó bất chợt hiện ra trong đầu tôi, có lẽ là do sự gợi ý của hoàn cảnh.
Hồi bé, tôi không hiểu hết những gì bài ca dao muốn nói. Tôi chỉ thích những câu về chim và cá. Vì thuở nhỏ tôi không có bạn bè, thường một mình lủi thủi các bờ bãi bắn chim câu cá để tìm vui. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Tôi hiểu và tôi nghe lạnh sống lưng. Bài thơ giống như lời cảnh báo dành cho tôi. Rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng cho phép mình chậm chân. Nếu muốn, tôi còn nguyên cuộc đời phía trước để lưỡng lự, riêng lúc này thì tôi phải dứt khoát. Bây giờ có thể ba mẹ nhỏ Khuê chưa gả nó cho ai, nhưng không có gì bảo đảm năm sau, thậm chí tháng sau, tình thế không thay đồi theo chiều hướng xấu.
- Nếu con không phản đối thì ba sẽ nhờ chú Sáu thăm dò.
Dĩ nhiên là tôi không phản đối, mặc dù tôi thấy mọi thứ diễn ra quá vội. Tôi chưa sẵn sàng tâm lý cho chuyện lấy vợ. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để đối diện với câu chuyện này nhưng khi ba tôi thúc ép, tôi lại đồng ý nhanh đến mức bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên. Có lẽ vì tôi thích nhỏ Khuê thật. Nó là đứa con gái đi vào đời tôi theo cách hết sức kỳ quặc và cũng là đứa con gái khiến tôi thường nhớ về trong những ngày xa xứ.
Nhưng đó không phải là lý do khiến tôi làm ngơ nhỏ Khuê khi gặp lại nó trong buổi phỏng vấn xin việc. Tất nhiên nếu Khuê biết tôi là thằng Sẹo ngày xưa, nó sẽ biết ba tôi và ba mẹ nó đang có ý định kết sui gia với nhau và điều đó sẽ khiến cả hai ngượng ngùng khó xử. Nhưng dù sao chúng tôi cũng không phải là những đứa trẻ mới lớn. Tôi tin hai đứa tôi sẽ nhanh chóng vượt qua cảm giác xấu hổ ban đầu và sự tiếp xúc hằng ngày trong công việc sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng tôi tìm hiểu lẫn nhau cũng như kiểm tra tình cảm của bản thân mình.
Lý do tôi phớt lờ nhỏ Khuê đến từ chuyện khác.
Chú Sáu Có gọi điện thoại cho ba tôi:
- Em đã gặp vợ chồng ông Cầm. Họ vẫn còn nhắc chuyện anh đưa ông Cầm đi cấp cứu hồi mười mấy năm về trước.
- Còn chuyện kia?
- Dạ, nghe nhà mình ngỏ ý cầu thân, họ mừng lắm. Họ còn nhớ cả thằng Sâm. Nghe em nhắc con trai anh Bảy Sớm, bà Cầm nói ngay “Là thằng Sẹo phải không?”.
- Tức là họ chưa gả con gái cho ai?
- Dạ chưa. Bà Cầm bảo cách đây hai năm bà Mười Thái có dạm hỏi con Khuê cho… cho… thằng Quyền nhưng họ đã từ chối.
Tôi đứng bên cạnh, nghe tiếng chú Sáu vọng ra rõ mồn một. Nghe cả sự ngắt quãng trong câu nói vừa rồi của chú.
Ba tôi hừ giọng:
- Thằng Quyền thì cứ nói là thằng Quyền! Có gì đâu mà chú ngập ngừng.
- Dạ.
- Chú đừng sợ tôi buồn. Nếu tôi là chị Cầm, tôi cũng không đời nào rước thằng Quyền về nhà.
Ba tôi nói dứt khoát nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau trong giọng nói của ông.
Thằng Quyền. Đúng rồi, chính vì thằng Quyền bất ngờ chen vào chuyện này mà chú Sáu tôi lắp bắp, ba tôi buồn bực và câu chuyện giữa tôi và nhỏ Khuê trở nên phức tạp hơn một hôn ước thông thường. Trong một thoáng tôi nhận ra tôi đang rơi vào một tình huống cực kỳ éo le, nan giải. Thằng Quyền giống như một cái ổ gà đột ngột hiện ra trên con đường tình cảm của tôi, biến nó từ chỗ bằng phẳng thành ra lồi lõm, gập ghềnh. Tôi trở nên phân vân, thối chí, ngập trong lo lắng.
- Hay là thôi chuyện này đi, ba. - Tôi rụt rè nói.
- Thôi sao được mà thôi! - Ba tôi nạt - Ba tin vợ chồng ông Mười Thái sẽ ủng hộ con.
Vợ chồng ông Mười Thái có ủng hộ chuyện tôi đến với Khuê hay không thì tôi không biết. Nhưng ngay cả như vậy tôi vẫn không thấy yên tâm. Tôi còn phải tính đến phản ứng của thằng Quyền. Thái độ của nó không chỉ tác động đến tôi mà chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ba tôi và cà vợ chồng ông Mười Thái. Tuy đã lâu không gặp thằng này nhưng những gì tôi còn nhớ được về nó trước khi tôi theo ba tôi rời làng vẫn khiến tôi không thể không đề phòng. Với một đứa có tính khí thất thường như Quyền, không ai biết nó có sẽ nổi điên lên mà quậy đục ngầu cuộc sống của mọi người hay không.
Tôi cần phải quay lại những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời tôi mười ba năm về trước để các bạn hiểu tại sao tôi lại e dè với thằng Quyền đến thế, và tại sao tôi đắn đo khi gặp lại nhỏ Khuê. Tôi phải thú thật đây là quãng đời nặng nề tôi luôn sợ phải nhắc đến mặc dù những gì tôi nếm trải trong thời gian đó đều khắc sâu vào vỏ não tôi đến từng chi tiết.