Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 24
Đã nhiều lần tôi muốn hỏi ba tôi “Giữa con và thằng Quyền, ba thuơng ai hơn?” nhưng cuối cùng tôi quyết định giấu câu hỏi vào đáy lòng. Bây giờ nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, tôi thấy tôi đã quyết định đúng. Càng lớn tôi càng hiểu ra ba tôi lúc đó cũng trải qua những dằn vặt không kém gì tôi. Nếu tôi muốn mãi mãi sống bên ông thì ông cũng thế, vẫn muốn mãi mãi ở bên tôi. Cuộc đời thỉnh thoảng vẫn có những lát cắt khó lường, nhưng lát cắt chia đôi sự gắn bó giữa hai cha con tôi là lát cắt quá tàn nhẫn. Chắc chắn, nếu tôi đau lòng thế nào thì ba tôi cũng khổ tâm y như vậy.
Tôi không hỏi, nhưng ba tôi vẫn biết tôi nghĩ gì. Một hôm, ông gọi tôi lại gần:
- Con à.
- Dạ.
- Con biết không. Lúc nào ba cũng thương con như con ruột của ba.
Ba tôi không nhắc đến Quyền nhưng tôi vẫn thầm so sánh trong đầu: Như vậy là ba tôi thương tôi với thằng Quyền ngang nhau. Được ba tôi thương ngang với con ruột của mình, thật lòng tôi không mong gì hơn thế. Tôi chỉ bất bình ở chỗ thằng Quyền hoàn toàn không xứng đáng với tình thương đó của ba tôi.
Ba tôi nhìn ra sân nắng, giọng tâm tình:
- Ở đời trong cái rủi bao giờ cũng có cái may, con à. Nhờ sự nhầm lẫn này, bây giờ ba có thêm một đứa con. Ba mẹ ruột của con cũng vậy.
Ông nhìn tôi dịu dàng, như muốn bằng ánh mắt xoa dịu tôi:
- Còn con thì tự nhiên có thêm một gia đình. Thằng Quyền cũng có thêm một gia đình.
Ông tặc lưỡi:
- Tóm lại, đây là chuyện vui chứ không phải chuyện buồn.
Tôi biết ba tôi muốn trấn an tôi. Ông không muốn tôi nghĩ ngợi vần vơ. Nhưng vì vậy mà ba tôi kết luận hơi vội. Khi tìm cách làm yên lòng đứa con trai, ông không nhắc gì đến người vợ tội nghiệp của mình.
Ông không nhắc nhưng tôi vẫn nhớ.
- Nhưng mẹ con không còn nữa. - Tôi sụt sịt nói.
Ba tôi lặng thinh sau câu nói của tôi. Ông tránh không nhìn vào mặt tôi nhưng tôi vẫn thấy đôi mắt ông buồn rười rượi. Trong một thoáng, vai ông trĩu xuống như thể người ông đột ngột ngắn đi một khúc.
Gánh nặng vô hình trên vai người đàn ông ba mươi sáu tuổi càng thêm chất chồng khi bà nội tôi qua đời mười lăm ngày sau đó.
Khi biết được oan tình của mẹ tôi, bà tôi giống như người mất hồn. Ngày nào bà cũng qua nhà thắp hương cho mẹ tôi. Bà đứng trước bàn thờ, miệng rì rầm hàng giờ. Không ai biết bà khấn vái những gì nhưng trông bà giống như người bị phù phép. Vẻ hùng hổ biến mất, người bà tôi bây giờ trở nên lọm khọm, yếu đuối, ánh mắt không còn tinh anh, từng cử động nhỏ nhặt của bà đều hắt lên sự buồn bã, bi ai.
Cho đến khi qua đời bà không một lời xin lỗi ba tôi, có lẽ bà biết mọi lời xin lỗi lúc này đều muộn màng và vô nghĩa. Nhưng tôi đoán sự hối hận chắc dày vò bà tôi rất nhiều. Gương mặt bà quắt lại, héo đi nhanh chóng - một gương mặt như được đúc từ nỗi đau, kể từ ngày bà biết được sự thật về lai lịch của tôi.
Hôm cúng cơm một trăm ngày mẹ tôi, trời bỗng nổi mưa giông kèm theo sấm sét. Thời tiết rất giống hôm mẹ tôi từ Đồng Nai trở về cách đây hơn ba tháng. Trời sập tối rất nhanh dù kim đồng hồ mới chỉ mười hai giờ trưa. Ngoài sân, mưa sâm sập như tát nước. Chốc chốc, chớp vạch những đường ngoằn ngoèo trên nền trời đùng đục trông như bầu trời thình lình bị nứt. Người làng không ai dám đi ngoài đường trong thời khắc đó nhưng bà tôi khăng khăng đòi ra mộ mẹ tôi, bất chấp sự ngăn cản của ba tôi và các cô tôi.
Bà tôi ngồi lì bên mộ con dâu từ trưa đến chiều tối, người ướt sũng. Mọi người hết khuyên can đến năn nỉ, bà tôi vẫn nhất quyết không chịu ra về. Các cô tôi khoác áo mưa cho bà, còn ba tôi cầm dù che phía trên nhưng mưa to gió lớn, nhưng che chắn đó chẳng đỡ đần bà tôi được bao lăm. Tối đó bà tôi lên cơn sốt. Nửa đêm các cô hớt hải gọi điện cấp báo với ba tôi, giục ông chạy qua chở bà đi bệnh viện. Nhưng xe chưa đến nơi thì bà mất.
Có lẽ nỗi sầu thương bứt rứt đã bào mòn sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe thể chất của bà tôi suốt mấy tháng trước đó. Những lúc nhìn bà run run đứng thắp hương trước bàn thờ mẹ tôi, tôi có cảm tưởng bà cũng là một cây hương sắp tắt. Và đến hôm nay thì bà tôi đi thật.
Sự qua đời bất ngờ của bà tôi khiến ba tôi bị chấn động mạnh. Trong một thời gian ngắn, những nổi đau liên tiếp chồng lên nhau đã tát cạn sức chịu đựng của ông. Ba tôi biết ông không thể ở lại làng, không thể tiếp tục công việc lái xe cho bệnh viện nơi gợi lại cho ông những mất mát to lớn trong cuộc đời.
Sau lễ cúng bốn mươi chín ngày bà tôi, ba tôi quyết định ra đi.
- Con à. Ít hôm nữa ba sẽ lên Sài Gòn.
- Ba đi công chuyện hả ba?
- Không. - Ba tôi thở dài - Ba đi luôn. Ba sẽ sinh sống trên đó.
Tôi thò tay nắm tay ba tôi:
- Con sẽ đi với ba.
- Không được. - Ba tôi lắc đầu - Con nên về sống với ba mẹ ruột của con. Như vây sẽ tốt cho con hơn.
- Không. - Tôi gào to, cố nắm tay ba tôi chặt hơn như sợ buông ra ông sẽ biến mất - Con không thích về bên đó. Con muốn đi theo ba.
Đó là ước muốn tận đáy lòng tôi, một ước muốn tự nhiên, không cần phải suy nghĩ nhiều. Vả lại, tôi cũng không thích suy nghĩ nhiều, vì điều đó luôn làm tôi thấm mệt.
Trong những ngày qua, tôi đã nhiều lần gặp gỡ ông bà Mười Thái. Sau này nhớ lại, tôi nhận ra hồi đó có lẽ ba mẹ ruột của tôi đã cố kềm nén tình cảm của mình vì không muốn làm tôi bỡ ngỡ, hoảng sợ. Họ không quá vồ vập nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình thương của họ qua ánh mắt, qua những lời nói dịu dàng và qua sự chăm sóc họ dành cho tôi.
Tôi biết tôi cũng có tình cảm với ba mẹ ruột của tôi, nhưng đó là thứ tình cảm được điều khiển bởi lý trí chứ không phải được tích lũy và vun đắp từng ngày một cách tự nhiên như tình cảm giữa tôi và ba nuôi tôi. Tôi biết nếu về với ông bà Mười Thái, cuộc sống của tôi sẽ hoàn toàn đổi khác. Nhưng tận trong sâu thẳm, tôi không thích sự lột xác đó dù nó sẽ lập tức biến tôi từ con ếch xấu xí thành chàng hoàng tử khôi ngô. Tâm trạng của tôi là tâm trạng của người quen mặc chiếc áo cũ của mình. Dù là cũ kỹ, thậm chí có vài mụn vá, nhưng nó mang lại cho người mặc cảm giác thư thái, êm đềm, thân thuộc; nó ngấm trong nó bao nhiêu là kỷ niệm, điều mà chiếc áo mới dẫu đẹp đẽ và thơm tho đến mấy cũng không có được.
Tôi biết nếu tôi ra đi, ba mẹ ruột của tôi chắc sẽ buồn lắm, nhất là bà Mười Thái - mẹ ruột tôi. Chắc chắn bà đã được thầy Kiểm, bây giờ là chú tôi, thông báo về chuyện thằng Quyền gần đây thường xuyên gây sự đánh nhau với tôi trên trường. Hẳn là bà rất xót ruột khi biết tôi bị Quyền ức hiếp nhưng tôi cũng đoán thêm là bà không dám trách mắng thằng này. Bằng chứng là những trận đòn Quyền trút lên người tôi mỗi ngày vẫn chưa hề dừng lại. Bà không la rầy thằng Quyền cũng dễ hiểu thôi, bởi lẽ trong mười năm qua bà đã yêu nó bằng tấm lòng bao la của người mẹ, giống như ba nuôi tôi luôn yêu tôi. Bây giờ dù biết Quyền không phải là đứa con do mình đứt ruột đẻ ra, tình thương bà dành cho nó chắc cũng không hề thay đổi, thậm chí còn lớn hơn trước mỗi khi bà nghĩ đến chuyện rồi nó sẽ xa bà.
Bà Mười Thái không mắng Quyền, nhưng bà dường như quan tâm chăm sóc tôi nhiều hơn như để âm thầm bù lại những thiệt thòi do đứa con nuôi gây ra cho đứa con ruột. Tuy bà không nói ra nhưng trực giác vẫn mách cho tôi biết bà đã thương yêu tôi nhiều như thế nào nhưng cho dù như vậy tôi vẫn quyết đi theo ba nuôi tôi.
Chọn lựa của tôi còn được tiếp sức bởi thái độ chống đối của thằng Quyền. Tôi thừa biết Quyền sẽ không bao giờ chấp nhận về sống với ba một của mình, dù gươm kề cổ. Nhưng ngay cả khi nó được phép ở lại với ông bà Mười Thái, chắc chắn nó cũng không đồng ý cho tôi về sống với ba mẹ một của tôi. Tôi từng nghe nó đe bà Mười Thái “Nếu mẹ đem thằng Sẹo về, con sẽ bỏ nhà đi bụi”. Hôm đó Quyền cứ ngoác miệng lặp đi lặp lại lời hăm dọa, không thèm đếm xỉa đến sự có mặt của tôi. Bà Mười Thái càng dỗ dành, nó càng đỏ mặt tía tai “Không! Không! Con không chịu!”, trông nó hệt như con gà chọi đang say máu. Vừa tru tréo nó vừa đá chân ầm ầm vào cánh cửa và ném ra sân bất cứ thứ gì trong tầm tay nó. Với một đứa ích kỷ như Quyền, nó không chịu hoán đổi vị trí và thân phận với tôi đã đành, nó cũng không đời nào chịu chia sẻ sự may mắn trong cuộc sống cho bất cứ ai. Chỉ tưởng tượng cảnh tôi và thằng Quyền sống chung một nhà thôi, tôi đã rùng mình. Thế nào sóng gió cũng nổ ra và ba mẹ ruột của tôi chắc sẽ rất đau lòng.
Một lý do nặng ký khác thúc đấy tôi ra đi là vì cho tôi lúc đó tôi vẫn không nguôi thương nhớ mẹ tôi. Tôi thương mẹ nuôi của tôi và ba nuôi của tôi đến mức tôi thấy từ “mẹ nuôi” hay “ba nuôi” hoàn toàn không thích hợp và không giúp tôi bộc lộ đầy đủ tình cảm tôi dành cho họ. Tôi cảm thấy từ “ba mẹ nuôi” khá là khô khan, hời hợt, đặc biệt là không nói lên được mối thâm tình trong gia đình tôi bởi ba mẹ nuôi của tôi không chỉ nuôi dưỡng mà còn ấp ủ, nâng niu, bảo bọc, dìu dắt, dạy dỗ, chia sẻ cực nhọc, vui buồn với tôi bao nhiêu năm trời bằng tình cảm không khác gì những đấng sinh thành ruột thịt. Vì không muốn những từ ngữ bất đắc dĩ đó tiếp tục làm tổn thương tôi, từ lúc này trở đi tôi quyết định sẽ gọi họ là “ba tôi”, “mẹ tôi” để phân biệt với ông Mười Thái “ba ruột tôi” và bà Mười Thái “mẹ ruột tôi”.