Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 25
Khi tình cờ gặp nhỏ Khuê trước cổng nhà Tịnh, tôi không nhớ đó là lần thứ bao nhiêu tôi trở về thăm ba mẹ ruột của tôi. Gọi là thăm nhưng tôi chưa thực sự bước chân vô nhà lần nào. Bao giờ tôi cũng đứng chôn mình hàng buổi sau dãy dây leo, lẫn trong những người đi đường, nón sụp xuống trán để giấu mái tóc quăn, căng mắt nhìn vào bên trong và nghe cay xè sống mũi mỗi khi trông thấy ba mẹ ruột của tôi thấp thoáng trong sân. Cũng có khi tôi lăng lẽ chạy tới vựa trái cây cách đó khoảng chục cây số, đứng xa xa nhìn đủ loại xe lui tới, dõi mắt theo những công nhân bốc hàng lên dỡ hàng xuống, và cố tìm xem ba mẹ ruột của tôi đang ở đâu trong đám người lố nhố đó.
Đã mười ba năm trôi qua, tôi vẫn chưa đủ can đảm gặp lại ba mẹ ruột của mình. Có một điều gì đó cản trở tôi. Tôi không thể gọi tên vật cản đó là gì nhưng tôi biết nó giống như khối u mà nếu chưa cắt bỏ con người ta không thể sống bình thường được.
Khi quyết định bỏ làng theo ba tôi lên Sài Gòn hơn mười năm trước, tôi không bận tâm lắm đến ba mẹ ruột của tôi. Lúc đó tôi có quá nhiều lý do để ra đi. Chỉ có ba tôi là đau lòng khi phải rời xa thằng Quyền, đứa con ruột của mình. Thái độ lạnh nhạt của Quyền càng khiến ông khổ tâm gấp bội. Tuy ba tôi không nói ra nhưng tôi đoán biết ông vẫn tự an ủi dù sao cuộc sống của Quyền cũng sẽ đầy đủ hơn khi sống với ông bà Mười Thái và ông luôn nuôi ý nghĩ đó trong đầu để sưởi ấm mình mỗi khi nghĩ đến chuyện này.
Sợi dây tình cảm giữa tôi và ba mẹ ruột của tôi lúc đó thật là lỏng lẻo, nhưng lạ làm sao càng đi xa, càng lớn lên tôi lại nghĩ đến họ nhiều hơn tôi tưởng. Có lẽ nỗi đau khổ vì cái chết của mẹ tôi đã nguôi ngoai dần theo thời gian, không còn đè nặng lên tâm trí tôi và choán hết cảm xúc của tôi như những ngày đầu mất mẹ. Phần khác, khi khôn lớn ý nghĩ của tôi không còn bị chỉ phối bởi cảm tính như lúc tôi còn bé. Tôi hiểu biết nhiều hơn, suy xét nhiều hơn. Dần dần tôi nhận ra ba mẹ ruột của tôi không có lỗi gì trong chuyện này. Họ cũng là nạn nhân của hoàn cảnh giống như tôi. Việc tôi lặng lẽ ra đi không lời từ biệt chắc làm họ đau đớn lắm. Và tôi bắt đầu cảm thấy tôi đã cư xử không phải với ba mẹ ruột của tôi. Ba tôi có lẽ cũng bứt rứt không kém gì tôi, nếu không nói là nhiều hơn, về chuyện ông bất đắc dĩ đưa tôi lên Sài Gòn. Sau này ba tôi thú nhận đó là một quyết định khó khăn đối với ông nhưng ông không thể làm khác, một phần vì ông rất yêu tôi, nhưng phần quan trọng hơn là vì ông biết nếu không dắt tôi theo sớm muộn gì tôi cũng sẽ trốn nhà đi tìm ông. Mà một viễn ảnh đầy bất trắc như vậy là điều ông không mong muốn.
Lên thành phố, ba tôi xin được một chân lái xe taxi, tiền bạc không dư dả gì nhưng cũng đủ trả tiền thuê nhà và nuôi tôi ăn học. Khi tôi lên cấp ba, ba tôi bắt đầu giục tôi:
- Sắp xếp hôm nào về thăm ba mẹ con đi, con.
- Dạ.
- Chắc ba mẹ con nhớ con lắm đó.
- Dạ.
Tôi bùi ngùi đáp, biết rằng ba tôi nói đúng. Những năm qua, tôi biết ba mẹ ruột của tôi vẫn không ngừng tìm kiếm tôi. Dạo hai cha con tôi mới lên Sài Gòn, chú Sáu Có còn làm ở huyện và chú liên lạc với ba tôi qua điện thoại hầu như mỗi ngày. Chỉ để lặp đi lặp lại một thông tin duy nhất: vợ chồng ông Mười Thái ngày nào cũng ghé nhà chú để dò hỏi tung tích hai cha con tôi. Tất nhiên chú tôi trả lời là chú không biết. Chú bảo khi ra đi ba tôi không hề báo với chú. Ba mẹ ruột của tôi chắc không tin lời chú Sáu Có. Nhưng họ cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài chuyện năn nỉ, khẩn cầu chú tôi, ngày càng nản lòng khi vấp phải sự im lặng sắt đá của chú.
Chỉ khi tôi lên lớp Chín, được sự đồng ý của ba tôi, chú Sáu Có mới he hé cửa lòng với vợ chồng ông Mười Thái. Chú bảo tuy ba tôi vẫn không cho chú biết địa chỉ của ông nhưng qua những lần ba tôi gọi điện thoại về, chú biết tôi hiện nay vẫn ổn, được ăn học đàng hoàng và chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp hai. Chú tôi bảo mẹ ruột của tôi đã khóc rất nhiều khi nghe được tin đó.
Bằng giọng trầm buồn, ba tôi kể lại với tôi những gì chú tôi đã kể với ông và nói giọng ân hận:
- Lẽ ra ba nên cho ba mẹ con biết tin tức về con sớm hơn.
- Dạ. - Tôi thút thít.
- So với ba, họ khổ tâm hơn nhiều. Ba còn biết tin về thằng Quyền, còn mấy năm nay họ không biết gì về con.
Tôi hiểu ba tôi muốn đề cập tới chuyện gì. Kể từ khi rời làng, nhờ chú Sáu Có cung cấp tin tức thường xuyên, ba tôi vẫn theo dõi được cuộc sống của thằng Quyền. Còn ba mẹ ruột của tôi giống như người bị bịt mắt. Họ không biết chút gì về tôi. Có lẽ vì vậy mà ba tôi quyết định xóa bỏ sự bất công đó để giúp ba mẹ ruột của tôi yên lòng phần nào và đợi tôi lên cấp ba, ông chính thức khuyên tôi về thăm vợ chồng ông Mười Thái.
Đó cũng là ước muốn của tôi.
Nhưng phải đợi đến khi thi xong học kỳ một năm lớp Mười, tôi mới thực hiện được ý định của mình
- Ba à. - Trước khi ra bến xe, tôi nói với ba tôi - Con sẽ đứng trước cổng nhà ba mẹ con ngó vô thôi. Con không muốn mọi người nhận ra con.
- Con phải vào gặp ba mẹ con, con à.
- Con nghĩ chưa phải lúc.
Ba tôi biết tôi còn e dè thằng Quyền. Mãi về sau này tôi mới biết ba tôi từng nhiều lần lén lút về quê chỉ để ngắm đứa con ruột của mình từ một chỗ nấp bí mật. Ông không dám trực tiếp gặp nó. Qua sự quan sát và tìm hiểu của chú Sáu Có, Quyền có vẻ rất hài lòng với cuộc sống hiện tại và nó không muốn cuộc sống đó bị xáo trộn bởi bất cứ điều gì. Lần nào tình cờ gặp chú tôi ngoài đường, Quyền cũng đều ngó lơ hoặc cố tình lần tránh. Nó không muốn nhận bà con. Nó sợ chú tôi, bây giờ là chú của nó, sẽ lôi nó vào cảnh nghèo túng mà đối với nó thà chú tôi túm chân nó lôi xuống nước còn dễ chịu hơn.
Chú tôi mà Quyền còn sợ hãi như vậy, huống gì là ba tôi. Ba tôi biết vậy nên ông thà giấu mình ở góc khuất nào đó để cay đắng tưởng tượng cảnh thằng Quyền hốt hoảng và lo lắng khi chạm mặt ông hơn là tận mắt chứng kiến hình ảnh đau lòng đó. Tóm lại, cho đến hôm tôi quay về quê sau năm năm đi biệt, ba tôi vẫn chưa thực sự giáp mặt thằng Quyền lần nào.