Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 28
Khuê xin nghỉ ba ngày để về quê, lý do “Ba mẹ kêu em về quê có việc”. Còn nói thêm “Anh đi chợ giùm em nha”. Tôi gật đầu, dễ dãi “Cô cứ về đi”. Tôi không nói cho Khuê biết tôi cũng “nghỉ ba ngày để về quê”. Sợ mọi người thắc mắc khi tôi và Khuê cùng vắng mặt, tôi lấy cớ bị ốm, nhờ cô thu ngân trông coi quán. Chuyện chợ búa, tôi nhờ Lương.
Quán xá dễ thu xếp, chỉ có gia đình mới lắm rắc rối Hai cha con tôi vừa bước vô nhà, chưa kịp tháo ba lô, chú Sáu Có đã hỏi ngay:
- Anh đã quyết định chuyện đó chưa, anh Bảy?
- Chuyên mời vợ chồng ông Mười Thái hả?
- Dạ. Ngày mai là gặp bên đàng gái rồi.
Ba tôi liếc tôi:
- Chắc trước sau gì cũng phải nói cho họ biết. Hôn sự là chuyện trọng đại mà.
- Vậy để em mời họ qua đây cho anh thưa chuyện.
Ba tôi cản:
- Chú từ từ đã.
Ông thận trọng:
- Ngày mai chỉ là dịp để hai đứa nhỏ gặp mặt thôi. Có phải là đám hỏi đâu.
- Có khác gì đâu, anh. Bên đàng gái gật đầu rồi mà.
- Anh Cầm chị Cầm đồng ý nhưng mình còn phải chờ xem thái độ con gái họ ra sao đã. Bây giờ làm gì có chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó như hồi xưa nữa, chú.
Thím Sáu từ nhà sau đi ra, góp chuyện:
- Anh Bảy nói đúng đó. Bên nhà ông Mười Thái từng có ý hỏi con bé này cho thằng Quyền và bị từ chối một lần rồi. Lần này dạm hỏi cho thằng Sâm chẳng may bị từ chối lần nữa chắc họ không dám nhìn mặt ai.
Trong thâm tâm tôi cũng nghĩ nên cho ba mẹ ruột của tôi biết chuyện này. Nhưng nghe ba tôi và thím Sáu phân tích, tôi lại đắn đo mặc dù trực giác mách bảo tôi tình cảm Khuê dành cho tôi là có thật. Tôi tin Khuê không hề thờ ơ với tôi. Nhưng lý trí lại cảnh báo tôi sự thật hôm nay chưa chắc đã là sự thật của ngày mai. Biết đâu khi phát hiện ra tôi là thằng Sẹo ngày xưa, lại là con ruột của ông bà Mười Thái, tâm trạng của Khuê sẽ lập tức thay đổi. Có lắm điểm trừ trong câu chuyện này, vì vậy trước khi mọi thứ rõ ràng hai cha con tôi giữ kín thông tin về cuộc gặp có khi cũng là một lựa chọn hay.
Đêm hôm đó tôi nằm thao thức đến gần sáng. Tôi gác tay lên trán, cố hình dung khung cảnh ngày mai sẽ như thế nào nhưng tôi chỉ thấy đầu óc rối bời. Càng nghĩ ngợi tôi càng lo lắng vu vơ.
Sáng hôm sau thấy tôi có vẻ hồi hộp, chú Sáu Có cười trêu:
- Sắp gặp lại người xưa bồn chồn dữ ha, con.
Cả ba tôi lẫn vợ chồng chú Sáu Có không ai biết gần một năm nay tôi và Khuê làm việc chung với nhau. Tôi không cắt nghĩa được tại sao tôi không nói gì với mọi người về điểu đó. Có lẽ là do tôi ngượng. Cũng có thể Khuê xuất hiện tại quán đột ngột quá khiến tôi có cảm giác hai đứa tôi ở bên cạnh nhau là một điều gì khá kỳ quặc. Có lúc tôi lại nghĩ hay là số phân cố tình sắp xếp như vậy để hai đứa tôi có thời gian ôn luyện cho cuộc thi quyết định lát nữa đây.
Gần trưa thì có tiếng xe máy đỗ trước nhà. Ba tôi nhìn đồng hồ, ngạc nhiên liếc sang chú Sáu:
- Họ tới sớm vây, chú.
- Dạ, em cũng không hiểu. Còn cả tiếng đồng hồ nữa, anh.
Chú Sáu nháy mắt với tôi:
- Chắc con gái họ cũng nôn nao cũng giống thằng Sâm nhà mình.
Cả hai vừa nói vừa bước ra hiên, bỗng khựng lại như thể có một bức tường đột ngột mọc lên ngay bục cửa.
Hai người đang tiến vào là vợ chồng ông Mười Thái, ba mẹ ruột của tôi.
- Ủa, anh Mười chị Mười đi đâu đây? - chú Sáu Có bối rối hỏi.
Ba ruột tôi mỉm cười:
- Tụi tôi đi thăm anh Bảy Sớm. Xa cách hơn chực năm rồi còn gì.
Ông quay sang ba tôi lúc này đang ngẩn ra vì bất ngờ:
- Chuyên trọng đại vậy mà sao anh giấu vợ chồng tôi, anh Bảy?
- Anh Mười tha lỗi. - Ba tôi ấp úng, vẫn chưa hết hoang mang trước sự ghé thăm thình lình của những người đối diện - Thật ra tôi có định giấu giếm gì đâu. Chẳng qua tôi muốn chờ bên nhà gái hồi đáp ra sao rồi mới báo cho vợ chồng anh. Rủi chuyện không thành…
Cuộc trò chuyện được tiếp tục trong phòng khách và tới lúc đó tôi mới biết tại sao ba mẹ ruột của tôi có mặt ở nhà chú Sáu Có vào lúc này. Hóa ra chiều hôm qua khi gặp mẹ ruột tôi ở vựa trái cây, bà Cầm ngỏ ý xin nghỉ làm một ngày.
Mẹ ruột tôi gật đầu:
- Có việc thì chị cứ nghỉ.
Rồi bất ngờ hỏi:
- Ủa mà nhà đang có chuyện vui hay chuyện buồn vậy chị?
- Dạ… dạ… chuyện vui.
- Vậy chắc là chuyện chung thân đại sự của con gái chị rồi?
Bà Cầm trong thâm tâm có lẽ không muốn tiết lộ cuộc hẹn này với mẹ ruột của tôi. Lần trước gia đình bà đã từ chối thằng Quyền, bà không muốn câu chuyện này khuấy động lại ký ức không vui của bà chủ vựa. Nhưng cái kiểu hỏi như thể “tôi biết hết rồi” của mẹ ruột tôi khiến bà mất bình tĩnh. Bà máy móc gật đầu:
- Dạ.
Như con đê đã trót bất cẩn để thủng một lỗ, câu chuyện cứ thế ào ạt tuôn ra, bà Cầm luống cuống không biết làm sao bịt lại. Mẹ ruột tôi dò hỏi tới đâu bà đáp tới đó, lòng dạ phấp phỏng không yên. Bà không biết lúc đó mẹ ruột tôi còn phập phổng hơn bà gấp bội. Nghe bà Cầm tỏ bày một hồi, mẹ ruột tôi biết ngay đứa con trai sắp đi coi mắt vợ trong câu chuyện chính là tôi, con ruột của bà.
Mẹ ruột tôi vừa dứt chuyện, ba ruột tôi đã hỏi ngay, giọng nôn nóng:
- Thằng Sâm đâu, anh Mười?
Từ nãy đến giờ, tôi vẫn ngồi trên chiếc đi văng kế bên bộ xa lông nhưng do mải chuyện, chẳng ai để ý. Lần này, ba tôi chưa kịp đáp thì mợ ruột tôi đã nhìn thấy tôi. Bà quay sang chồng, tay chỉ về phía tôi và kêu lên bằng giọng kinh ngạc:
- Ủa, thằng Lâm nè, ông.
Ba ruột tôi nhìn tôi lom lom, ngạc nhiên:
- Ủa, con làm gì ở đây hả Lâm?
Mẹ ruột tôi đảo mắt một vòng, nói ra ý khoe:
- Thằng bé này ngoan lắm đó, anh Sáu anh Bảy. Hôm trước nghe tin tôi bệnh, nó chạy xe máy cả trăm cây số từ Sài Gòn xuống tận đây thăm tôi đó. Chú Sáu Có không biết chuyện tôi từng ghé nhà gặp mặt ba mẹ ruột của tôi, càng không biết tại sao tên tôi từ Sâm đột nhiên biến thành Lâm, miệng há hốc:
- Ủa… có chuyện đó hả, chị Mười?
Chuyện rành rành ra đó mà, anh Sáu. - Mẹ ruột tôi mặt mày rạng rỡ - Vậy nên tôi mới khen nó ngoan. Bà nói tiếp, vẻ tự hào:
- Nó là bạn trai của con Tịnh nhà tôi đó.
Nghe tới câu này thì không chỉ chú Sáu tôi trợn mắt mà cả ba tôi cũng bật người ra sau, nếu không có cái lưng ghế giữ lại chắc ông đã té xuống sàn nhà. Dĩ nhiên ai cũng hiểu từ bạn trai trong câu nói đầy kiêu hãnh của mẹ ruột tôi có nghĩa là người yêu, thậm chí căn cứ vào ngữ điệu hào hứng của bà thì có khi đó là chồng sắp cưới không chừng.
Quá hưng phấn, mẹ ruột tôi không nhìn thấy vẻ sửng sốt của ba tôi và chú tôi, cũng không thấy vẻ mặt mếu xệch của tôi, nhất là bà không hề thắc mắc tại sao “bạn trai của con Tịnh nhà tôi” lại có mặt ở đây, ngay trong thời khắc quan trọng này.
Mẹ ruột tôi quên. Nhưng ba ruột tôi không quên. Ông nhíu mày, giọng ngờ ngợ:
- Sao hôm nay cháu Lâm lại ở đây, anh Sáu? Không lẽ nó bà con với nhà mình?
Như sực nhớ ra, ông nhướn cổ nhìn quanh:
- Ủa, còn thằng Sâm đâu?
Ba tôi hất đầu về phía tôi, nghiêm nghị:
- Nó là thằng Sâm đó, anh Mười.
Cứ như thể ba tôi vừa quăng ra một quả bom. Tôi thấy ba ruột tôi chao mình một cái, giống như ông đang ngồi trên ghe và chiếc ghe đó vừa bị câu nói của ba tôi làm cho chòng chành. Ông vịn tay vào thành ghế, hớp một ngụm không khí, chỉ để có sức lặp lại câu nói của ba tôi:
- Nó là thằng Sâm?
Trong khi đó mắt mẹ ruột tôi mở to đến mức không thể nào to hơn được nữa. Bà sững sờ, trong một lúc bà không thốt được tiếng nào. Và khi tiếng nói quay lại trên môi thì bà lắp ba lắp bắp:
- Ôi, Sâm!
Nước mắt bà bắt đầu chạy vòng quanh:
- Là con hả con?
Bà lật đật rời khỏi ghế bước qua ngồi cạnh tôi. Bà vòng tay ôm lay tôi, mừng mừng tủi tủi:
- Mẹ nhớ con lắm đó.
- Dạ, con cũng rất nhớ ba mẹ. - Tôi sụt sịt.
Ba ruột tôi chồm người ra trước, nhìn sững vào mặt tôi:
- Sao hôm trước con bảo con tên Lâm?
- Dạ, - tôi lí nhí - con xin lỗi đã nói dối ba mẹ. Lúc đó con chưa dám nhận người thân.
Cái thằng này! - Ba ruột tôi hừ giọng - Con sợ thằng Quyền quậy phá lung tung chứ gì. Nó bây giờ khác trước rồi, con à.
Ba ruột tôi quay nhìn ba tôi, vui vẻ:
- Thằng Quyền gần đây tu tỉnh, biết chí thú làm ăn rồi, anh Mười. Từ hồi lên cấp ba, tự nhiên tính tình nó thay đổi hẳn.
Có lẽ không có câu nói nào làm ba tôi vui bằng tin tức tốt lành đó. Tôi nhớ lúc nghe tin tôi đậu đại học, ba tôi hoan hỉ đến mức ống làm một chuyện hiếm hoi là kéo tôi ra nhà hàng, gọi là để ăn mừng nhưng tôi vẫn cảm nhận được niềm vui trong lông ông không hoàn toàn trọn vẹn. Trong bữa ăn khao đó, ông nói với tôi bằng giọng buồn buồn:
- Thằng Quyền rớt đại học rồi, con à.
Tôi biết ba tôi rất quan tâm và nhớ thằng Quyền. Nhưng ấn tượng không tốt về nó vẫn khiến ông ngần ngại chưa dám gặp con mình, chỉ âm thầm theo dõi nó qua tin tức của chú Sáu. Nhưng từ lúc Quyền đi Đà Nẵng, chú Sáu không có thông tin gì nhiều về nó nữa. Bây giờ nghe ba ruột tôi nói vậy, hẳn ba tôi rất nhẹ lòng.
Trong khi ba ruột tôi, ba tôi và chú Sáu nói chuyện thằng Quyền, mẹ ruột tôi thủ thỉ vào tai tôi:
- Vậy mà mẹ cứ tưởng con là bạn trai của con Tịnh. Thấy con không quản đường xa về đây thăm mẹ, mẹ cứ nghĩ chỉ có bạn trai nó thì mới nhiệt tình đến mức đó.
Nói tới đây, đã nín mẹ ruột tôi lại nức nở:
- Thì ra là con về thăm ba mẹ.
Tôi nắm lấy tay bà:
- Lần đầu gặp Tịnh, nghe nó khai tên ba mẹ, con biết ngay nó là em con rồi.
- Vậy nó có biết con là anh nó không?
- Dạ, không. Con chưa nói.
Mẹ ruột tôi đập nhẹ lên lưng tôi bằng bàn tay bà đang ôm tôi:
- Vậy để mẹ nói cho nó biết.
Ngưng một chút, mẹ tôi nói tiếp, giọng buồn lẫn lộn:
- Trước đây, lúc chưa biết con ở đâu, có sẽ gặp lại gia đình mình hay không, ba mẹ không cho em con biết chuyện con và thằng Quyền. Bây giờ thì không cần giấu nó nữa.
Cuộc đoàn viên bất ngờ trong buổi sáng hôm đó bắt đầu trong lo âu và kết thúc trong êm thắm - hoàn toàn ra ngoài sự tưởng tượng của tôi. Chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, bao nhiêu tâm sự đã được trút ra, các nút thắt được tháo gỡ, những nhớ nhung đã được lắp đầy và dĩ nhiên những lời trách móc nhanh chóng nhường chỗ cho những cảm thông.
Trong khoảnh khắc cảm động đó tôi chứng kiến rất nhiều nước mắt rơi xuống, có cả tôi góp phần, chỉ để báo hiệu nỗi buồn đã vơi đi. Điều mọi người quan tâm nhất là sự trưởng thành của hai đứa trẻ có số phận trớ trêu là tôi và thằng Quyền thì đến lúc này những cái miệng đều có thể thở phào.
Từ nhỏ, tôi đã nghe câu “vui quên trời quên đất”. Hôm đó đúng là một ngày như vậy. Hạnh phúc lớn đến mức không ai nhớ ra chúng tôi tụ họp ở nha chú Sáu Có để làm gì. Chỉ đến khi vợ chồng ông Cầm và nhỏ Khuê bước vào thì mọi người mới giật bắn mình.