Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 1 - Chương 04

Chương IV

NGUỒN GỐC VÀ CÁCH SỬ DỤNG TIỀN TỆ

Khi sự phân công lao động đã được hoàn toàn định hình, thì một người chỉ cần sử dụng một phần rất nhỏ sản phẩm lao động của anh ta để thỏa mãn nhu cầu của mình. Phần lớn còn lại anh ta đem đổi lấy những thứ khác mà anh ta cần dùng và do sức lao động của những người khác làm ra. Như vậy, mỗi người sinh sống bằng cách trao đổi hàng hóa hoặc ở một mức nào đó trở thành một thương nhân, và xã hội tự nó tiến triển thành một xã hội buôn bán.

Nhưng khi sự phân công lao động hình thành, việc trao đổi luôn luôn bị cản trở và gặp khá nhiều trở ngại trong mọi hoạt động. Chúng ta giả thiết rằng một người làm ra một loại hàng hóa nào đó nhiều hơn lượng anh ta cần tiêu dùng, trong khi một người khác lại làm ra ít hơn. Người làm ra nhiều hơn tất nhiên muốn bán, và người làm ra ít hơn muốn mua một phần số dư thừa đó. Nhưng nếu người thứ hai tuy muốn mua nhưng lại chẳng có gì mà người thứ nhất cần dùng cả, thì không thể có sự trao đổi nào giữa họ với nhau cả. Người bán thịt có quá nhiều thịt mà bản thân anh ta và gia đình không thể tiêu dùng hết, trong khi người làm rượu bia và người làm bánh lại muốn một ít thịt để dùng. Nhưng hai người này chẳng có gì khác để trao đổi ngoài rượu bia và bánh mì là những sản phẩm mà chính họ làm ra, mà người bán thịt thì đã được cung cấp bánh mì và rượu bia mà anh ta cần dùng rồi. Trong trường hợp này cũng không thể có sự trao đổi giữa họ với nhau. Người bán thịt không thể là người bán hàng cho hai người kia, và hai người kia cũng không phải là khách hàng của người bán thịt. Và như vậy họ không thể phục vụ lẫn nhau được. Để tránh những sự phiền toái và bất tiện trong những tình huống như vậy, người có đầu óc khôn ngoan và lo xa ở mỗi giai đoạn tiến hóa của xã hội sau khi phân công lao động đã được hình thành, đã tìm cách tự mình dự trữ, ngoài loại sản phẩm mà mình tự làm ra, một số lượng nào đó các loại vật phẩm khác mà anh ta nghĩ là nhiều người muốn lấy khi đem trao đổi hàng hóa của họ.

Nhiều loại hàng hóa đã được nghĩ ra và sử dụng cho mục đích đó. Trong các thời đại còn hoang dã của xã hội, gia súc được coi là thứ công cụ chung dùng trong việc buôn bán. Mặc dù gia súc là những loại hàng hóa rất không thuận tiện trong việc mua bán nhưng vào thời cổ xưa mọi vật dụng đều được đánh giá bằng con số gia súc đưa ra để đổi lấy vật dụng đó.

Homer đã từng nói là bộ áo giáp của Diomede trị giá đáng 9 con bò, nhưng bộ áo giáp của Glaucus đáng giá 100 con bò. Muối được dùng làm công cụ chung trong buôn bán và trao đổi ở Abyssinia; cũng như một loại vỏ sò ở một vài nơi trên bờ biển Ấn Độ; cá tuyết khô ở Newfoudland,thuốc lá ở Virginia; đường ở một vài thuộc địa của chúng ta ở Tây Ấn; da súc vật hoặc da thuộc ở một vài nước khác, và ngày nay tôi được biết tại một làng ở Scotland, không phải là một điều lạ khi thấy một người thợ mang đinh thay cho tiền khi đến mua hàng tại một cửa hàng bánh mì hay một quán bia.

Tuy nhiên, ở tất cả các nước, vì những lý do không thể cưỡng nổi, người ta hình như ưa thích sử dụng các kim loại hơn tất cả các thứ hàng hóa khác để làm phương tiện trao đổi. Kim loại ít hư hao nhất so với bất kỳ vật nào khác, nó không thể hỏng được và hơn nữa còn có thể chia thành những phần nhỏ và khi cần lại có thể đúc lại. Đây là một thuộc tính mà không có loại hàng hóa nào có độ bền tương tự lại có thể có được, và thuộc tính đó làm cho kim loại trở thành công cụ thích hợp trong buôn bán và lưu thông. Một người nào đó muốn mua muối mà chỉ có gia súc là vật trao đổi, tất yếu phải mua muối với toàn bộ giá trị một con bò hoặc một con cừu – trong một lần. Anh ta ít khi có thể mua ít hơn thế vì vật anh ta dùng để trao đổi không thể chia nhỏ mà không gây cho anh sự thiệt hại. Mà nếu như anh ta muốn mua nhiều hơn thí ít nhất cũng phải ngang giá với hai hoặc ba con bò hoặc con cừu. Nếu như anh ta có kim loại trong tay, chứ không phải bò hay cừu, tất nhiên anh ta có thể dễ dàng phân chia kim loại theo tỷ lệ để trả đúng phần hàng hóa mà anh ta muốn trao đổi.

Các kim loại khác nhau đã được nhiều dân tộc khác nhau sử dụng vào mục đích này. Sắt đã là một phương tiện chung dùng trong buôn bán giữa những người Spartan cổ xưa; đồng được dùng ở La Mã cổ xưa, và vàng, bạc được thông dụng giữa những người giàu có và các quốc gia thương mại.

Lúc đầu các kim loại được sử dụng vào việc buôn bán, trao đổi ở dạng thanh thỏi thô sơ, không được dập in dấu hay đúc thành tiền. Như vậy, học giả Pliny (Plin hist. Nat. lib. 33 cap.3) cho chúng ta thấy là theo tài liệu của nhà sử học cổ đại Timaeus, cho đến thời kỳ thống trị của Servius Tullius, người La Mã chưa có đồng tiền đúc mà chỉ dùng các thanh đồng không đóng dấu để mua bất kỳ thứ gì mà họ cần. Các thanh, thỏi đồng ở dạng thô sơ lúc đó đã đóng vai trò chức năng tiền tệ.

Việc sử dụng kim loại ở dạng thô sơ cũng gây ra nhiều sự bất tiện và phiền toái, trước hết phải cân nó lên để biết số lượng và sau đó phải xét nghiệm, phân tích về mặc chất lượng. Khi sử dụng các kim loại quý, một sự chênh lệch nhỏ nhoi về số lượng cũng tạo nên sự khác biệt lớn về giá trị, ngay cả việc cân kim loại cũng cần phải có những quả cân đúng trọng lượng và những cái cân chính xác. Đặc biệt việc cân vàng là một việc làm khá tinh vi. Thật ra, đối với kim loại thường, mà sự nhầm lẫn nhỏ chỉ gây một hậu quả không đáng kể, người ta không cần phải thật chính xác lắm. Tuy nhiên, cũng thật là hết sức phiền toái nếu mỗi lần một người nghèo cần mua hay bán một mặt hàng chỉ đáng giá có một xu Anh, anh ta bắt buộc phải cân lại cái đồng kim loại giá một xu đó. Rồi thì việc thử nghiệm kim loại còn khó khăn và phiền toái hơn, và kết quả là hoàn toàn không xác định, trừ khi một phần của kim loại được nung chảy trong chén nung có các dung môi thích hợp. Trước khi đồng tiền đúc được sử dụng, người ta thường bị lừa bịp, trừ khi thỏi kim loại được thử nghiệm kỹ càng. Đáng lẽ nhận được một pound bạc hay đồng nguyên chất, người bán hàng có thể nhận được một thứ hợp chất rẻ tiền bị pha trộn mà bên ngoài được phủ một lớp kim loại thật. Để ngăn chận những sự giả mạo như thế, và cũng để làm cho các cuộc trao đổi được dễ dàng và do đó khuyến khích mọi hoạt động công nghệ và thương mại, người ta thấy cần thiết, ở tất cả nước tiên tiến, là phải đóng con dấu nhà nước lên các thanh kim loại để chỉ rõ lượng kim loại của các thanh được sử dụng để mua hàng hóa. Đó là cội nguồn của đồng tiền đúc và sự ra đời của các sở đúc tiền của nhà nước. Hàng len và vải cũng dùng các con dấu tương tự. Tất cả các loại con dấu này đều nhằm mục đích xác định số lượng và chất lượng (thông qua con dấu nhà nước) của các loại hàng hóa trên thị trường.

Những con dấu nhà nước đầu tiên thuộc loại này được đóng vào kim loại được sử dụng khi trao đổi để khẳng định chất lượng tốt và độ tuổi cao của vàng, bạc cũng giống như dấu Sterling hiện nay đóng lên những thanh bạc hoặc dấu Tây Ban Nha đôi khi được đóng lên các thỏi vàng và thường chỉ đóng lên một mặt của thỏi kim loại mà thôi, chứ không đóng lên toàn bộ bề mặt, và chỉ để khẳng định độ tuổi cao chứ không phải trọng lượng của vàng.

Thu nhập của các vua Saxon ở nước Anh cổ đại không phải là tiền, mà là hiện vật, tức là lương thực và thực phẩm các loại. William người chinh phục đưa ra tục lệ phải nộp thuế bằng tiền.

Chính sự bất tiện và khó khăn khi cân kim loại với độ chính xác cần thiết đã đưa đến ý kiến phải thiết chế ra các loại tiền đúc mà dấu xác nhận được đóng vào cả hai mặt của đồng tiền và đôi khi còn đóng cả vào cạnh nữa để khẳng định không những độ tuổi cao mà cả trọng lượng của vàng nữa. Các đồng tiền kim loại đúc này được mọi người chấp nhận không cần phải cân lại trọng lượng mà chỉ đếm cho đủ số lượng mà thôi.

Tên gọi của đồng tiền kim loại đầu tiên chỉ nói lên trọng lượng hay số lượng kim loại chứa trong đó mà thôi. Vào thời Servius Tullius, người đầu tiên đúc tiền ở La Mã, đồng La Mã As hay Pondo chứa đựng một pound La Mã đồng loại tốt. Đồng tiền này, cũng giống như đồng bảng Troyes của chúng ta, được chia thành 12 ounce; mỗi ounce được đúc bằng đồng loại tốt. Đồng bảng Anh (pound sterling) vào thời vua Edward I, chứa đựng một pound bạc theo hệ trọng lượng Tower và có độ tuổi được ghi rõ. Đồng bảng Tower có giá trị hơn đồng bảng La Mã và kém giá trị hơn đồng bảng Troyes. Đồng bảng Troyes chỉ bắt đầu được đúc ở Anh vào thế kỷ 18 thời vua Henry VIII. Đồng livres của Pháp dưới thời vua Charlemagne chứa đựng 1 pound bạc theo hệ trọng lượng Troyes, với độ tuổi được ghi rõ. Hội chợ hệ trọng lượng Troyes họp ở Champaign thời bấy giờ có sự tham gia của mọi quốc gia ở Châu Âu. Các đơn vị trọng lượng và đo lường trình bày tại hội chợ đã được rất nhiều người biết đến và đánh giá cao. Đồng bảng Scotland từ thời vua Alexander Đệ nhất đến thời Robert Bruce chứa đựng một pound bạc có cùng một trọng lượng và độ tuổi với đồng bảng Anh. Các đồng penny(1/12 shilling) của Anh, Pháp và Scotland lúc đầu cũng bao hàm một trọng lượng bạc tương đương một penny, tức là 1/20 của một ounce hoặc 1/240 của một pound. Còn đồng shilling hình như lúc đầu là tên gọi của một đơn vị trọng lượng. Bản điều lệ trước đây của vua Henry III đã ghi rõ: khi lúa mì bán với giá 12 shilling một phần tư tạ Anh (bằng 12,70 kg) thì bánh mì giá một farthing sẽ có trọng lượng 11 shilling bốn penny. Tỷ lệ giữa shilling và penny, giữa shilling và đồng bảng hình như không phải luôn luôn đồng nhất như tỷ lệ giữa penny và đồng bằng. Trong dòng họ nhà vua đầu tiên ở nước Pháp, đồng xu hoặc shilling Pháp trong nhiều trường hợp khác nhau chứa đựng 5, 12, 20 và 40 penny. Trong cộng đồng người Saxon cổ xưa, một shilling đã có lần bao gồm chỉ có năm penny. Và rất có thể các đồng tiền đó đã có những giá trị thay đổi đối với họ cũng như đối với người ở các nước láng giềng như người Frank cổ xưa. Từ thời vua Charlemagne ở Pháp và vua William, người chinh phục ở Anh, tỷ lệ giữa đồng bảng, đồng shilling và đồng penny dường như vẫn giữ nguyên như hiện nay, mặc dù giá trị của mỗi loại tiền đã có rất nhiều thay đổi.

Ở mỗi nước trên thế giới, tôi tin là như vậy, các vị vua chúa thường lợi dụng lòng tin của thần dân trong nước nên đã giảm dần số lượng kim loại mà lúc đầu được bao hàm trong các đồng tiền đúc của họ. Đồng As La Mã vào những thời đại cuối cùng của nền Cộng hòa, chỉ còn lại 1/24 giá trị ban đầu và đáng lẽ ra phải có trọng lượng 1 pound, nhưng thật sử chỉ có nửa ounce. Chính đồng bảng và penny của Anh hiện nay cũng chỉ còn một hàm lượng kim loại khoảng 1/3 trước đây. Đồng bảng và penny của Scotland còn khoảng 1/36 hàm lượng cũ, và đồng bảng và penny của Pháp còn khoảng 1/66 hàm lượng ban đầu. Bằng cách kể trên, các vị vua chúa về hình thức bên ngoài đã có thể trả những món nợ của họ và thực hiện những cam kết bằng một số lượng bạc ít hơn số lượng cần phải trả. Thực vậy, đó chỉ là về hình thức bên ngoài mà thôi, vì các chủ nợ thực sự bị lừa gạt mất một phần số tiền đáng lẽ ra phải trả cho họ. Tất cả các con nợ trong nước đều được hưởng ân huệ này và họ chỉ phải trả nợ bằng số tiền danh nghĩa ghi trên tiền đúc mới đã bị mất giá, bất kể hàm lượng của đồng tiền cũ là bao nhiêu. Những cách làm này tuy có lợi cho người nợ, lại có hại cho chủ nợ. Những nghiệp vụ này đôi lúc làm đảo lộn tài sản của các tư nhân nhiều hơn là những tai biến xã hội có thể gây ra.

Chính bằng cách này mà tiền tệ trở thành một phương tiện chung trong buôn bán ở tất cả các nước văn minh. Qua đồng tiền mà hàng hóa đủ các loại được mua bán hoặc trao đổi với nhau.

Tôi xin tiếp tục trình bày những luật lệ mà con người phải tuân theo khi muốn trao đổi hay mua bán hàng hóa. Các luật lệ này quyết định giá trị tương đối hoặc giá trị trao đổi của hàng hóa.

Cần phải nhận thấy là thuật ngữ giá trị có hai nghĩa. Nó biểu thị hoặc là sự có ích của một đồ vật hoặc là khả năng mua các mặt hàng khác khi có đồ vật này. Nghĩa thứ nhất được gọi là “giá trị sử dụng”, nghĩa thứ hai là “giá trị trao đổi”. Những thứ có giá trị sử dụng lớn nhất thường có ít hay không có giá trị trao đổi, và, ngược lại, những thứ có giá trị trao đổi lớn nhất thường có ít hoặc không có giá trị sử dụng. Không có gì có ích hơn nước, nhưng hầu như không thể dùng nước để mua được bất cứ cái gì khác. Ngược lại, một viên kim cương thì hầu như không có giá trị về mặt sử dụng nhưng nó có thể đổi lấy rất nhiều hàng hóa khác.

Để có thể xem xét các nguyên tắc chi phối giá trị trao đổi của hàng hóa, tôi cần phải cố gắng trình bày:

Trước hết, giá trị trao đổi này trên thực tế được đo lường như thế nào, hoặc giá thực tế của hàng hóa là ở chỗ nào.

Sau đó, giá thực tế này bao gồm những phần khác nhau nào.

Và cuối cùng, những hoàn cảnh nào đôi khi làm cho một vài hay toàn bộ các phần khác nhau của giá thực tế tăng lên, đôi khi làm cho những phần đó tụt xuống thấp hơn mức độ thông thường hay tự nhiên của chúng, hoặc những nguyên nhân nào đôi khi không để cho giá thị trường, tức là giá có thực của hàng hóa, phù hợp hoàn toàn với cái có thể được gọi là giá tự nhiên của hàng hóa.

Tôi sẽ cố gắng giải thích đầy đủ và rõ ràng trong phạm vi khả năng của tôi ba chủ đề đó trong ba chương sau mà để hiểu được, tôi tha thiết mong bạn đọc tỏ ra hết sức kiên nhẫn và chú ý: kiên nhẫn để xem xét từng chi tiết mà ở một đôi nơi đáng ra không cần phải trình bày một cách chán ngắt như thế, và chú ý để hiểu rõ ràng những điều mà các bạn còn cảm thấy tối nghĩa mặc dù tôi đã cố gắng trình bày và đưa ra những lời giải thích đầy đủ nhất mà tôi có thể làm được. Tôi luôn luôn muốn rằng dù mình đành chịu tẻ nhạt một tí nhưng tin chắc rằng bạn đọc đã hiểu tôi, và sau khi tôi đã cố gắng ở mức cao nhất để diễn đạt một cách dễ hiểu, chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề khá trừu tượng do bản chất của chúng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3