Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 1 - Chương 07

Chương VII

GIÁ TỰ NHIÊN VÀ GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA HÀNG HÓA

Mỗi xã hội có một tỷ suất thông thường hay trung bình về tiền lương và lợi nhuận trong việc sử dụng lao động và vốn. Tỷ suất này được điều chỉnh một cách tự nhiên, như tôi sẽ trình bày dưới đây, một phần bởi hoàn cảnh chung của xã hội, như sự giàu có hay nghèo nàn; tình trạng tiến bộ, tĩnh lập hay suy thoái, và một phần bởi tính chất riêng của mỗi công việc làm ăn.

Mỗi xã hội cũng có một tỷ suất thông thường hay trung bình về tiền thuê đất đai, tiền này cũng được điều chỉnh một phần bởi hoàn cảnh chung của xã hội nơi có đất đai được sử dụng, và một phần bởi độ phì nhiêu, màu mỡ tự nhiên hoặc nhân tạo của đất đai.

Tỷ suất thông thường hay trung bình này có thể được gọi là tỷ suất tự nhiên của tiền lương, lợi nhuận và tiền thuế đất đai vào thời gian và địa điểm mà những tỷ suất này được thông dụng.

Khi giá một thứ hàng hóa nào đó không nhiều cũng không ít hơn tổng số phải trả (theo các tỷ suất tự nhiên của chúng) cho tiền thuê đất, tiền công lao động và lợi nhuận cho số tiền vốn bỏ ra để chăn nuôi, sản xuất và mang đi bán ở chợ, thì mặt hàng đó được bán với giá gọi là giá tự nhiên.

Hàng hóa lúc đó được bán đúng như giá trị của nó hoặc được bán đúng theo số thực chỉ của người sản xuất đem nó ra chợ bán, vì mặc dù giá vốn (hay giá thành) của hàng hóa không bao hàm tiền lãi của người đem hàng hóa bán lại một lần nữa, nhưng nếu người này bán với một giá mà anh ta không thu được một tỷ suất lãi thông thường ở nơi anh ta hoạt động kinh doanh thì anh ta rõ ràng là bị thua lỗ trong công việc buôn bán; vì nếu anh ta sử dụng vốn vào một việc nào khác, anh ta chắc đã có thể được lãi. Tiền lãi anh ta thu được, đó là tiền thu nhập – số tiền cần thiết để nuôi sống anh ta. Khi anh ta làm và mang hàng ra chợ bán, anh ta phải ứng trước tiền lương cho công nhân để họ có thể nuôi sống họ. Anh ta cũng phải ứng trước một số tiền để tự nuôi sống mình, và tổng số tiền vốn ứng trước đó thường được đền bù bằng tiền lãi mà anh ta mong đợi ở việc bán sản phẩm. Do đó, nếu hàng hóa bán đi không mang lại đủ tiền lãi cho anh ta như anh ta đã dự tính thì chúng chưa đền bù được chi phí của anh ta.

Mặc dù giá bán mà mang lại cho anh ta tiền lãi, không phải lúc nào cũng thấp nhất mà với giá đó một người buôn bán đôi khi bán hàng của anh ta, nhưng đó là giá thấp nhất mà anh ta có thể bán hàng bất cứ lúc nào.

Giá thực mà một loại hàng thường được bán gọi là giá thị trường. Giá này có thể cao hơn hay thấp hơn hay vừa đúng với giá tự nhiên.

Giá thị trường của mỗi thứ hàng hóa riêng biệt được điều chỉnh bằng tỷ lệ giữa số lượng hàng thực sự được mang ra chợ bán và lượng cầu của những người muốn mua hàng hóa đó theo giá tự nhiên, tức là tổng giá trị tiền thuê đất đai, lao động và lợi nhuận mà phải trả để có thể đưa hàng ra bán tại thị trường. Những người muốn mua như vậy được gọi là những người có nhu cầu thực tế, và nhu cầu của họ gọi là cầu thực tế, vì nhu cầu thực tế có thể là điều kiện đủ để đưa thứ hàng đó ra thị trường. Nhu cầu thực tế khác với nhu cầu tuyệt đối. Một người rất nghèo có thể có nhu cầu mua một cái xe sáu ngựa, anh ta có thể muốn mua được cái xe đó, nhưng nhu cầu đó không thực tế vì hàng hóa đó không bao giờ được mang bán ở thị trường để thỏa mãn nhu cầu đó của anh ta.

Khi số lượng một thứ hàng hóa nào đó mang ra thị trường lại không đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế, thì những người muốn mua thứ hàng đó với giá bằng tổng giá trị của nó (tiền thuê đất, tiền công, lợi nhuận) sẽ không mua được vì không có đủ thứ hàng mà họ cần mua. Để có được thứ hàng mình cần, một số người mua sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn. Tất nhiên sẽ hình thành một sự cạnh tranh giữa họ với nhau, và do đó giá thị trường sẽ ít nhiều cao hơn giá tự nhiên tùy theo mức độ khan hiếm hoặc sự giàu có của những người cạnh tranh cố giành cho được thứ hàng mình muốn mua. Sự khan hiếm cũng gây ra một sự cạnh tranh nhiều hoặc ít giữa những người giàu có như nhau tùy ở chỗ thứ hàng hóa đó quan trọng nhiều hay ít đối với họ. Do đó mà những thứ cần thiết cho đời sống trở nên vô cùng đắt đỏ khi một thành phố bị phong tỏa hay bị nạn đói.

Khi số lượng hàng hóa mang bán tại thị trường vượt quá nhu cầu thực tế, nó không thể bán hết được cho những người muốn mua với giá bằng toàn bộ giá trị của các mặt bằng đó (tiền thuê đất, tiền công, lợi nhuận). Một phần hàng hóa tất phải bán với giá rẻ hơn, và giá bán hạ này làm cho tổng giá trị hàng hóa bán ra bị giảm sút. Giá thị trường sẽ ít nhiều tụt xuống dưới giá tự nhiên tùy ở chỗ lượng hàng hóa dư thừa làm tăng nhiều hay ít sự cạnh tranh giữa những người bán hàng, và tùy mức độ họ thấy cần phải thanh toán ngay số hàng hóa họ có trong tay. Nhập quá nhiều các thứ hàng dễ hỏng (thực phẩm, hoa quả …) sẽ gây ra một sự cạnh tranh trên thị trường mạnh hơn nhiều so với các loại sản phẩm lâu bền, ví dụ như nhập cam so với nhập sắt vụn.

Khi số lượng hàng hóa mang bán ra thị trường chỉ vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, giá thị trường tất nhiên sẽ chỉ vừa đứng hoặc chênh lệch chút ít so với giá tự nhiên. Toàn bộ hàng hóa chỉ có thể bán theo giá này, không thể nào tăng giá lên được. Những người bán bắt buộc phải chấp nhận bán với giá này, nhưng cũng không bắt buộc bán rẻ hơn, mặc dù có sự cạnh tranh trong buôn bán.

Số lượng của mỗi mặt hàng mang ra bán ở thị trường tất nhiên phải tương ứng với nhu cầu tiêu dùng thực tế. Những người sử dụng ruộng đất, sức lao động hay vốn để làm ra sản phẩm mang ra bán tại thị trường phải tính toán để số lượng sản phẩm đó sẽ không vượt quá nhu cầu tiêu dùng thực tế, và họ cũng luôn lo lắng để làm thế nào sản phẩm của họ luôn luôn đủ cung cấp cho thị trường, chứ không gây ra nạn khan hiếm hàng.

Nếu vào một thời điểm nào đó, số lượng hàng vượt quá nhu cầu thực tế, thì một vài cấu phần trong giá của hàng hóa làm ra phải gánh chịu sự thua lỗ khi phải bán dưới giá tự nhiên. Nếu tiền thuê đất bị giảm bớt thì người chủ đất sẽ lập tức rút bớt lại một phần đất đai của học. Nếu tiền công bị giảm thì người lao động giảm bớt sức lao động của mình, và nếu lợi nhuận giảm, thì người chủ cũng rút bớt số vốn dùng cho công việc này. Do đó, số lượng hàng hóa bán ra thị trường chẳng bao lâu sẽ giảm bớt để vừa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Các thành phần cấu thành giá của hàng hóa sẽ tăng lên vừa đúng với tỷ suất tự nhiên và giá toàn phần lại trở về với giá tự nhiên của nó.

Nếu như ngược lại, số lượng một thứ hàng nào đó mang ra thị trường lại không đủ đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng thực tế, một vài cấu phần của giá sẽ tăng lên cao hơn tỷ suất tự nhiên. Nếu đó là tiền thuế đất thì chủ đất phải chuẩn bị có thêm đất để tăng thêm lượng hàng hóa này, nếu là tiền công hoặc lợi nhuận thì lợi ích của người lao động và thương nhân, tất nhiên sẽ thúc đẩy họ phải tăng thêm sức lao động và thêm vốn hơn nữa để tăng số lượng hàng hóa bán ra thị trường. Số hàng hóa tăng thêm sẽ mau chóng đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thực tế. Tất cả các cấu phần của giá sẽ quay về với tỷ suất tự nhiên của nó và giá toàn phần sẽ trở về đúng với giá tự nhiên của nó.

Vì thế, giá tự nhiên là giá trung tâm mà tất cả các giá hàng hóa luôn luôn hướng về đó. Tai biến đôi khi có thể làm cho giá hàng hóa cao hơn giá tự nhiên và đôi khi làm cho giá hạ xuống đôi chút so với giá tự nhiên. Nhưng dù cho thế nào đi chăng nữa, mọi giá hàng đều hướng về giá tự nhiên.

Các ngành công nghiệp hàng năm đều cố gắng sản xuất để đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu thực tế của thị trường. Các ngành này đều nhằm mang ra thị trường một số lượng hàng vừa đủ để cung cấp chứ không vượt quá nhu cầu thực tế đó.

Nhưng ở một vài ngành sản xuất, sản lượng hàng hóa làm ra hàng năm lại rất khác nhau về số lượng, trong khi các ngành khác chỉ luôn luôn sản xuất ra một lượng hàng như nhau hoặc gần như nhau. Vẫn cùng một số người lao động trong ngành trồng trọt mỗi năm sản xuất ra những số lượng khác nhau về ngũ cốc, rượu vang, dầu thực vật, hoa bia, v.v … Nhưng những người thợ xe sợi và thợ dệt hàng năm sản xuất ra những số lượng như nhau hoặc gần như nhau về vải lanh hoặc các loại vải lên. Chỉ có sản lượng trung bình của một ngành công nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực tế trong bất kì tình huống nào. Vì sản lượng thực tế thường nhiều khi lớn hơn và cũng nhiều khi nhỏ hơn sản lượng trung bình, nên số lượng hàng hóa đem bán ở thị trường đôi khi vượt quá rất nhiều hoặc đôi khi lại thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Vì thế, cho dù nhu cầu không thay đổi, giá thị trường sẽ biến động đáng kể, đôi khi vượt lên trên và đôi khi xuống thấp hơn giá tự nhiên khá nhiều. Trong những ngành công nghiệp khác, sản lượng của những số người lao động ngang nhau, luôn luôn như nhau hoặc gần như nhau, cho nên sản lượng hàng hóa này có thể phù hợp hơn với nhu cầu thực tế. Vì vậy khi nhu cầu thực tế không thay đổi, giá thị trường của hàng hóa có thể vẫn giữ nguyên và phù hợp với giá tự nhiên. Giá cả của một loại hàng này chỉ biến động khi nhu cầu tiêu dùng thay đổi, nhưng giá của loại hàng hóa khác biến động không những vì nhu cầu thay đổi và còn vì số lượng loại hàng hóa đó ở thị trường khi thì nhiều, khi thì ít, không đáp ứng quy luật cung và cầu.

Những biến động ngẫu nhiên và tạm thời về giá trị thị trường của một loại hàng hóa nào đó chủ yếu tác động đến các cấu phần tiền công và lợi nhuận trong giá hàng. Tiền thuê đất ít bị ảnh hưởng của những biến động đó. Tiền thuê này, nếu trả bằng tiền, thì hoàn toàn không bị tác động bởi những biến động về tỷ suất hoặc giá trị của nó. Tiền thuê đất mà bao hàm một tỷ lệ hoặc một số lượng sản phẩm thô nào đó tất nhiên sẽ bị tác động về giá trị hàng năm của nó bởi tất cả những biến động ngẫu nhiên và tạm thời về giá thị trường của sản phẩm thô đó; nhưng tiền thuê này rất ít khi chịu sự tác động của những biến động về tỷ suất hàng năm của nó. Khi cùng nhau thỏa thuận điều kiện hợp đồng thuê đất, người chủ đất và người chủ trại cố gắng điều chỉnh tỷ suất này theo sự cân nhắc kỹ càng nhất của mình và quy định nó không phải theo giá ngẫu nhiên và tạm thời, mà theo giá thông thường, trung bình của sản phẩm.

Những biến động như vậy tác động đến cả giá trị và tỷ suất của tiền công hoặc của lợi nhuận tùy theo tình hình thị trường có dự trữ quá nhiều hay quá ít hàng hóa, hoặc tùy theo sự dồi dào hoặc khan hiếm lao động. Một tang lễ lớn làm cho giá vải đen tăng cao trong những trường hợp như vậy thị trường hầu như bao giờ cũng khan hiếm thứ vải này và như thế thương nhân được dịp phát tài nếu họ có một dự trữ lớn vải đen trong kho. Nó chẳng ảnh hưởng gì đến tiền lượng của người thợ dệt vì thị trường tồn trữ không đủ vải đen, chứ không phải thiếu lao động dệt vải, nhưng nó tăng tiền lương cho người làm thợ may công nhật vì thị trường lúc đó thiếu loại lao động này: đang có nhu cầu thực tế cần nhiều lao động hơn, nhiều công việc phải làm hơn. Giá tơ lụa và vải màu bị hạ, do đó giảm lợi nhuận của thương nhân có quá nhiều loại vải vóc này trong kho. Tiếp theo đó là lương công nhân sản xuất các loại tơ lụa, vải vóc này cũng bị giảm sút vì lượng cầu về các mặt hàng này bị ngừng trong 6 tháng và có thể đến cả năm. Thị trường tràn đầy cả hàng hóa lẫn lao động.

Mặc dù giá thị trường của mỗi loại hàng hóa thường luôn luôn hướng về giá tự nhiên, nhưng đôi khi một sự kiện nào đó, một thiên tai nào đó, đôi khi những luật lệ đặt biệt nào đó có khả năng giữ giá thị trường, trong một thời gian khá lâu dài, cao hơn nhiều so với giá tự nhiên.

Khi đó tăng nhu cầu tiêu dùng thực tế, mà giá thị trường của một thứ hàng nào đó tăng lên rất nhiều so với giá tự nhiên, những lái buôn dùng số hàng dự trữ trong kho của họ tung ra bán trên thị trường, nhưng họ cố gắng che dấu sự kiện này để trục lợi riêng. Nếu như ai ai cũng biết như vậy, do bị lôi cuối bởi số tiền lời lớn nên rất nhiều lái buôn khác cũng tung hàng ra bán để kiếm lời. Khi nhu cầu tiêu dùng thực tế đã được thỏa mãn, tất yếu giá thị trường lại bị kéo trở lại giá tự nhiên và có thể đôi khi còn bị tụt xuống hơn nữa. Nếu thị trường ở xa nơi ở của những người có hàng, thì bí mật này có thể giữ được lâu hơn, có thể tới một vài năm, và người có khả năng cung cấp mặt hàng gọi là khan hiếm đó có thể hưởng những khoản lợi nhuận đặc biệt mà không có người nào biết để cạnh tranh. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là loại bí mật này rất ít khi giữ kín được lâu và món lợi nhuận đặc biệt thu được chỉ có thể kéo dài hơn thời gian giữ được bí mật một ít thôi.

Những loại bí mật về chế tạo công nghiệp có thể được giữ lâu hơn các loại bí mật về thương mại. Một người thợ nhuộm, sau khi đã tìm ra một phương thức chế biến một thứ màu riêng của mình bằng các vật liệu với giá mua rẻ bằng nửa giá đang bán, có khả năng được hưởng lợi ích của sự phát minh của ông ta suốt cả đời, nếu ông ta biết cách giữ kín phát minh đó, và nhiều khi còn truyền thụ lại cho con cháu. Ông ta sở dĩ thu được những món lời to lớn đặc biệt như vậy vì đó là nguồn lợi do lao động riêng của ông ta tạo ra. Nguồn lợi đó là loại tiền lương đặc biệt trả cho công sức lao động mà ông ta đã bỏ ra. Nhưng do nguồn lợi lớn lại phát minh từ tiền vốn của ông ta, và toàn bộ số tiền để có một tỷ suất lãi nhất định, cho nên nguồn lợi lớn đó được coi là lợi nhuận của tiền vốn.

Việc tăng giá thị trường rõ ràng là kết quả của những sự việc tình cờ, ngẫu nhiên mà tác động của chúng đôi khi kéo dài nhiều năm liền.

Một vài sản phẩm tự nhiên đòi hỏi đất đai phải có một đặc tính nào đó cho nên toàn bộ đất đai một nước lớn tuy có khả năng sản xuất ra các sản phẩm đó nhưng sản lượng có thể không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực tế.

Vì vậy toàn bộ sản phẩm khi đem ra thị trường chỉ có thể được bán cho những người tiêu dùng mua với giá cao hơn bình thường để trả tiền thuê loại đất có đặc tính này cùng với tiền lương lao động và lợi nhuận của số tiền vốn bỏ ra theo tỷ suất tự nhiên của chúng. Những loại sản phẩm đặc biệt như vậy, như tiền thuê đất trồng nho có đặc tính riêng về chất đất ở Pháp, không có một tỷ lệ giống nhau như tiền thuê các loại đất cũng màu mỡ và được chăm bón tốt ở những vùng lân cận. Ngược lại, tiền lương lao động và lợi nhuận của tiền vốn sử dụng để sản xuất ra các loại sản phẩm đó để mang ra bán ở thị trường rất ít khi vượt ra ngoài tỷ lệ tự nhiên của chúng so với tiền công lao động và lợi nhuận của vốn ở những vùng lân cận.

Việc giá thị trường được nâng lên như vậy rõ ràng là do những nguyên nhân thiên nhiên, mà có thể ngăn cản không cho nhu cầu tiêu dùng thực tế được cung cấp đầy đủ, và có thể tiếp tục tác động mãi mãi như vậy.

Một công ty thương nghiệp hoặc một cá nhân được hưởng độc quyền về một mặt hàng thì chẳng khác gì có một bí mật thương mại hay công nghiệp. Những người giữ độc quyền luôn luôn giữ thị trường trong tình trạng không đủ hàng bằng cách không bao giờ cung cấp đầy đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng và do đó họ bán được hàng với giá cao hơn giá tự nhiên và nâng tiền thu nhập của họ, dù đó là tiền lương hay lợi nhuận cao hơn tỷ suất của chúng.

Giá bán độc quyền trong bất kỳ trường hợp nào cũng là giá cao nhất có thể có. Ngược lại, giá tự nhiên, hay giá cạnh tranh tự do, là giá thấp nhất có thể có trong một thời gian dài, chứ chẳng phải lúc nào cũng như vậy. Giá độc quyền là giá cao nhất trong mọi trường hợp có thể vắt được của người mua hàng, hoặc người tiêu dùng sẽ phải đồng ý trả: giá tự do cạnh tranh là giá thấp nhất mà người bán thường có thể thu được và đồng thời có thể tiếp tục công việc kinh doanh của họ.

Các đặc quyền của các công ty, điều lệ về học nghề và thực tập, và tất cả các luật lệ khác nhằm hạn chế sự cạnh tranh trong phạm vi một nhóm nhỏ các nhà doanh nghiệp, cũng có cùng một chiều hướng như độc quyền, nhưng ở một mức độ ít hơn. Đó cũng chỉ là một thứ độc quyền mở rộng và luôn luôn cho phép những chủ doanh nghiệp giữ cho giá của những loại hàng hóa nhất định cao hơn giá tự nhiên và còn duy trì tiền lương lao động và lợi nhuận của vốn có phần nào cao hơn tỷ suất tự nhiên của chúng.

Việc nâng giá trị thị trường như vậy có thể kéo dài chừng nào còn tồn tại các nguyên nhân gây ra hiện tượng đó.

Giá thị trường của bất kỳ một thứ hàng hóa riêng biệt nào đó, mặc dù tiếp tục kéo dài ở mức trên giá tự nhiên, rất ít khi có thể tiếp tục kéo dài ở mức dưới giá tự nhiên. Bất kỳ cấu phần nào của giá thị trường bị trả dưới tỷ suất tự nhiên, những người mà quyền lợi bị ảnh hưởng tất sẽ cảm nhận ngay thấy mình bị thiệt hại, họ sẽ rút ngay số đất đai hoặc số lao động hoặc số vốn ra khỏi việc kinh doanh và như vậy số lượng hàng mang ra bán trên thị trường sẽ nhanh chóng giảm xuống vừa đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực tế. Giá thị trường vì vậy sẽ ngay lập tức được nâng lên ngang với giá tự nhiên. Điều này ít nhất sẽ xảy ra khi có tự do hoàn toàn.

Điều lệ về học nghề và thời gian thực tập và những luật lệ về công ty cho phép người công nhận được hưởng lương cao hơn tỷ suất tự nhiên khi ngành công nghiệp chế tạo làm ăn tốt và thịnh đạt. Đôi khi ngành này bị giảm sút, suy thoái, người công nhân buộc phải nhận lương thấp hơn tỷ suất tự nhiên. Vì trong trường hợp đầu, họ đẩy nhiều người khác ra khỏi công việc của anh ta và trong trường hợp sau, họ đẩy anh ta ra khỏi công việc làm ăn. Song, tác dụng của những luật lệ này không hạ lương công nhân lâu hơn và thấp hơn tỷ suất tự nhiên mà thường nâng lương họ cao hơn tỷ suất đó. Tác dụng của những luật lệ này một mặt có thể kéo dài trong nhiều thế kỷ, nhưng mặt khác nó có thể kéo dài không quá đời sống của một số thợ mà đã được tôi luyện trong nghề từ thời thịnh vượng. Khi họ đã qua đời, số người sau đó thay họ được nuôi dạy trong nghề sẽ biết cách làm cho ngành công nghiệp thích nghi với nhu cầu thực tế. Bộ máy đàn áp phải rất hung hãn như ở bán đảo Ấn Độ hay cổ Ai Cập (nơi mà mỗi người buộc phải tuân theo nguyên tắc tôn giáo là tiếp tục công việc làm của cha mình, và bị coi như phạm tội xúc phạm thần linh nếu anh ta thay đổi nghề của ông cha sang nghề khác), mới có thể, trong bất kỳ công việc gì và trong nhiều thế hệ, hạ tiền lương lao động hoặc lợi nhuận của tiền vốn thấp hơn tỷ suất tự nhiên.

Đó là tất cả những gì mà tôi nghĩ là hiện nay cần thiết phải xem xét, khi đề cập đến những biến động ngẫu nhiên hoặc thường xuyên của giá thị trường so với giá tự nhiên.

Giá tự nhiên tự nó cũng thay đổi cùng với tỷ suất tự nhiên của các cấu thành, như tiền lương, lợi nhuận và tiền thuê nhà, đất. Ở mỗi nước, tỷ suất này biến động tùy theo hoàn cảnh như nước đó giàu hay nghèo, thịnh tiến, tĩnh lập hay suy thoái. Trong bốn chương sau, tôi sẽ cố gắng giải thích đầy đủ và rõ ràng với khả năng cho phép những nguyên nhân gây ra những biến động này.

Trước hết, tôi sẽ cố gắng giải thích những yếu tố nào chi phối tỷ suất tiền lương và tại sao những yếu tố đó lại bị tác động bởi tình trạng giàu, nghèo, thịnh tiến, tĩnh lập hay suy thoái của mỗi xã hội.

Hai là, tôi sẽ cố gắng trình bày những yếu tố nào chi phối tỷ suất lợi nhuận và chịu sự tác động như thế nào của những biến động tương tự về tình hình của xã hội.

Mặc dù lương trả bằng tiền và lợi nhuận rất khác nhau trong cách sử dụng lao động và tiền vốn khác nhau; tuy nhiên cũng có một tỷ lệ nào đó thường được hình thành giữa lương trả bằng tiền trong tất cả các cách sử dụng lao động khác nhau và lợi nhuận trả bằng tiền trong tất cả các cách sử dụng vốn khác nhau. Tỷ lệ này sẽ được nói rõ dưới đây. Nó phụ thuộc một phần vào tính chất của các công việc làm ăn khác nhau và một phần vào những đạo luật và chính sách của xã hội trong đó việc làm được thực hiện. Nhưng mặc dù bị lệ thuộc vào luật pháp và chính sách trong nhiều lĩnh vực, tỷ lệ này hình như ít bị tác động bởi tình trạng giàu hay nghèo của xã hội đó, bởi điều kiện xã hội đó thịnh tiến, tĩnh lập hoặc suy thoái mà tỷ lệ này vẫn không thay đổi hoặc gần như không thay đổi trong một tình huống.

Ba là, tôi sẽ cố gắng giải thích tất các các yếu tố chi phối tỷ lệ này.

Và cuối cùng bốn là, tôi sẽ cố trình bày những yếu tố nào chi phối tiền thuê nhà, đất hoặc nâng cao hay hạ thấp giá thực của mọi thứ vật dụng mà tiền thuê nhà, đất mang lại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3