Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 1 - Chương 09

Chương IX

LỢI NHUẬN CỦA TIỀN VỐN

Lợi nhuận do vốn đem lại tăng, giảm tùy thuộc cũng vẫn những nguyên nhân mà gây ra việc tăng, giảm tiền công lao động và tình trạng tăng, giảm của cải của xã hội; nhưng những nguyên nhân đó tác động rất khác nhau đối với hai vấn đề trên.

Tiền vốn tăng làm cho tiền công cũng tăng theo, nhưng có xu hướng làm giảm số lợi nhuận thu được. Khi tiền vốn của nhiều nhà buôn giàu có được chuyển vào cùng một ngành kinh doanh, họ phải cạnh tranh với nhau, và tất nhiên dẫn đến việc giảm số lợi nhuận thu được. Khi có việc tăng vốn ở tất cả các ngành kinh doanh trong cùng một xã hội, sự cạnh tranh giữa những người kinh doanh với nhau cũng phải gây nên tác động tương tự trong tất cả các ngành đó.

Như đã nhận định ở trên, không phải dễ dàng gì mà xác định được tiền công lao động trung bình dù chỉ tại một nơi và vào một thời điểm nhất định. Ngay cả trong trường hợp này, chúng ta ít khi xác định được nhiều hơn là tiền công lao động thông thường nhất. Nhưng ngay cả việc đó ít khi có thể làm được đối với lợi nhuận của tiền vốn. Lợi nhuận rất hay biến động đến nỗi người tiến hành một nghề kinh doanh cũng không thể tự mình nói rõ được số lợi nhuận trung bình hàng năm là bao nhiêu. Số lợi nhuận không những bị chi phối bởi biến động giá của hàng hóa, mà còn bởi sự may rủi của những người cạnh tranh và của khách hàng, đó là chưa kể tới những rủi ro, tại nạn khi hàng hóa phải gửi theo tàu biển hoặc xe cộ, và ngay cả khi còn dự trữ ở trong kho. Do đó, lợi nhuận biến động từng năm, từng ngày và cả từng giờ nữa. Để xác định tổng số lợi nhuận trung bình thu được từ các ngành nghề trong một vương quốc lớn còn khó hơn nhiều, và để xét đoán và đánh giá trong quá khứ hoặc vào những thời kỳ xa xôi, dù với bất kỳ mức độ chính xác nào, cũng là điều không thể làm được.

Nhưng mặc dù không, thể xác định, với bất kỳ mức độ chính xác nào, số lợi nhuận trung bình của vốn hiện nay hoặc trong quá khứ, người ta có thể hình thành một khái niệm về lợi nhuận từ tiền lãi. Có thể đề ra một câu châm ngôn là bất kỳ ở đâu dùng tiền làm được nhiều việc thì thường số tiền đó mang lại nhiều thứ, và ở đâu dùng tiền làm được ít việc thì số tiền đó mang lại kết quả ít hơn. vì thế, tùy theo lãi suất thị trường thông thường biến động ở bất kỳ nước nào, chúng tôi có thể tin chắc rằng lợi nhuận trung bình của số tiền vốn phải biến động cùng lãi suất, phải giảm khi lãi suất giảm, phải tăng khi lãi suất tăng. Sự diễn biến của lãi suất có thể giúp chúng ta hình dung một phần nào về sự diễn biến của lợi nhuận.

Vào năm thứ 37 đời vua Henri VIII, mọi số tiền lãi trên 10% được tuyên bố là bất hợp pháp. Trước đó đã có lãi suất cao hơn. Vào triều đại vua Edward VI, đạo giáo ngăn cấm mọi người cho vay lấy lãi. Sự ngăn cấm này, cũng như mọi sự ngăn cấm khác, đều không có tác dụng thực tế, và hơn nữa còn làm cho nạn cho vay nặng lãi tăng lên hơn là giảm xuống. Đạo luật của vua Henri VIII được nữ hoàng Elizabeth vào năm thứ 13 làm sống lại, và 10% lãi suất tiếp tục là tỷ suất lãi hợp pháp cho đến năm thứ 21 triều đại vua James I, khi lãi suất bị giảm xuống còn 8%. Đến năm thứ 12 đời nữ hoàng Anne nó bị giảm xuống còn 5%. Mọi đạo luật khác nhau này đã được ban hành thích ứng với từng giai đoạn. Tất cả những quy định về lãi suất đều được đưa ra tiếp theo sự áp dụng lãi suất thị trường hoặc theo tỷ suất mà những người có uy tín thường vay. Kể từ thời nữ hoàng Anne, 5% hình như còn cao hơn chứ không phải thấp hơn lãi suất thị trường. Trước cuộc chiến tranh mới đây, chính phủ vay với lãi suất 3%, và những người có tín nhiệm ở kinh thành và ở nhiều nơi khác trên lãnh thổ vương quốc vay với lãi suất 3,5%, 4%, hoặc 4,5%.

Kể từ thời vua Henri VIII, của cải và tiền thu nhập của đất nước luôn luôn tăng tiến và, trong quá trình phát triển, dần dần ngày càng tăng mạnh hơn trước. Của cải không những tiếp tục tăng mà ngày càng tăng nhanh hơn. Tiền công lao động luôn luôn được nâng cao trong thời kỳ này, và trong phần lớn các ngành buôn bán, chế tạo, lợi nhuận của tiền vốn đã giảm bớt.

Thường thường muốn mở một ngành kinh doanh ở một thành phố lớn, người chủ cần phải bỏ ra nhiều vốn hơn là ở một làng nông thôn. Do cạnh tranh khá mạnh cho nên những người bỏ vốn kinh doanh ở thành phố thường phải giảm tỷ suất lợi nhuận thấp hơn ở nông thôn. Nhưng tiền công lao động ở thành thị thường thường lại cao hơn so với nông thôn. Trong một thành thị đang phát đạt thịnh vượng, những người có vốn liếng lớn thường không thể tìm đủ người làm. Họ phải tranh giành nhân công. Điều này tất nhiên làm tăng tiền công lao động, nhưng lại giảm lợi nhuận của tiền vốn bỏ ra. Nhưng ở những vùng hẻo lánh trong nước không có nhiều người có đủ vốn để thuê công nhân, cho nên thiếu việc làm, và vì thế tiền công thấp mà lợi nhuận tiền vốn cao.

Ở xứ Scotland, mặc dù lãi suất hợp pháp vẫn giống như ở Anh, nhưng tỷ suất lãi ở thị trường cao hơn. Những người có tín nhiệm ở xứ này rất ít khi vay với lãi suất dưới 5%. Ngay cả các chủ ngân hàng tư nhân ở Edinburgh cũng tính lãi suất 4% đối với lệnh phiếu, đó là chưa kể họ còn đòi trả ngay toàn bộ hoặc một phần tùy theo ý thích của họ. Các chủ ngân hàng tư nhân không tính lãi suất đối với số tiền được gửi vào ngân hàng của họ. Ở xứ Scotland ít ngành kinh doanh không thể làm ăn với số tiền vốn ít hơn là ở Anh. Tỷ suất lợi nhuận thông thường vì thế có phần nào lớn hơn. Tiền công lao động ở Scotland lại thấp hơn so với ở Anh. Xứ này không những nghèo hơn nhiều mà ngay cả những bước tiến để đi tới một đời sống tốt đẹp hơn cũng chỉ là khập khiễng, chậm chạp, mặc dù vẫn đang ở chiều hướng đi lên.

Lãi suất pháp định ở Pháp không phải luôn luôn do lãi suất thị trường điều chỉnh trong suốt thế kỷ hiện nay. Năm 1720, tiền lãi đã giảm từ 5% xuống 2%. Năm 1724, tiền lãi được nâng lên 3,33%. Năm 1725, nó lại được nâng lên 5%. Năm 1766, trong thời cai trị của Laverdy, tiền lãi giảm xuống ở mức 4%. Sau đó, Abbe Terray nâng tiền lãi lên mức cũ trước đó là 5%. Những lần giảm lãi suất là nhằm mục đích giảm lãi suất của công trái. Mục đích này đôi khi được thực hiện. Vào thời kỳ hiện nay, nước Pháp không giàu bằng Anh, và mặc dù lãi suất pháp định ở Pháp thường thấp hơn ở Anh, lãi suất thị trường nói chung lại cao hơn. Vì ở Pháp, cũng như ở các nước khác, người ta có nhiều phương pháp rất an toàn và dễ dàng để trốn việc thi hành luật pháp. Tôi được biết qua các nhà buôn đã từng buôn bán ở cả hai nước là lợi nhuận thương mại ở Pháp cao hơn ở Anh. Không có gì đáng nghi ngờ qua câu chuyện kể trên là nhiều công dân Anh thích sử dụng tiền vốn của họ ở một nước mà thương mại ít được chú trọng hơn là ở một nước mà ở đó thương mại được tôn trọng và đề cao. Ở Pháp tiền công lao động thấp hơn so với Anh. Nếu bạn đi từ Scotland đến Anh, chỉ cần nhận xét qua sự khác nhau về quần áo và vẻ mặt của người dân thường của nước này và nước kia là quá đủ để bạn thấy rõ sự khác biệt về điều kiện sinh sống của họ. Sự tương phản này còn lớn hơn nếu bạn đi từ Pháp trở về Anh. Pháp, mặc dù là một nước giàu có hơn Scotland, lại có những bước đi lên khá chậm chạp. Người ta còn có ý kiến nhận xét rằng nước Pháp còn tụt lùi nữa là đằng khác, ý kiến nhận xét này tôi cho chưa có đủ cơ sở, dù là đối với Pháp, và những người hiểu rõ xứ Scotland trong tình hình hiện nay so với thời kỳ 20, 30 năm trước đây, cũng không ủng hộ ý kiến này.

Theo tỷ lệ đất đai và số dân, Hà Lan là một nước giàu có hơn Anh. Chính phủ nước này chỉ vay với lãi suất 2% và những tư nhân có tín nhiệm vay với lãi suất 3%. Tiền công lao động ở Hà Lan cao hơn ở Anh. Mọi người đều biết rất rõ là người Hà Lan buôn bán kinh doanh với một tỷ suất lợi nhuận thấp hơn bất kỳ nước nào khác ở Châu Âu. Một vài người cho rằng ngành buôn bán ở Hà Lan đang đi vào thời kỳ suy sụp, và cũng có thể điều đó đúng với một vài ngành riêng biệt nào đó mà thôi. Có đầy đủ các dấu hiệu cho thấy không có sự suy thoái chung ở Hà Lan. Khi lợi nhuận giảm, các nhà buôn tất nhiên than phiền là công việc buôn bán bị ngừng trệ, mặc dù việc giảm lợi nhuận là hiệu ứng tự nhiên của sự phồn vinh của nước này, hoặc đó là một bằng chứng là đang có một số tiền vốn lớn hơn được sử dụng vào việc buôn bán với trước. Trong thời kỳ chiến tranh mới đây, người Hà Lan đã nắm giữ toàn bộ công việc vận tải của Pháp mà đến nay họ vẫn còn giữ một phần lớn. Đó là tài sản lớn mà người Hà Lan có trong các quỹ ở Pháp và ở Anh, vào khoảng 40 triệu bảng Anh (số tiền lớn này tôi nghi là thổi phồng quá đáng). Những số tiền lớn mà người Hà Lan cho những tư nhân ở các nước khác vay mà ở đó lãi suất cao hơn ở Hà Lan là những bằng chứng cho thấy là họ dư thừa tiền vốn hoặc số tiền vốn đó vượt quá số lượng mà họ có thể sử dụng với một tỷ suất lợi nhuận có thể chấp nhận được tại chính nước họ, nhưng phải khẳng định một điều là công việc buôn bán ở Hà Lan không hề ngừng trệ hoặc suy giảm. Khi số tiền vốn của một tư nhân, dù kiếm được bằng một ngành kinh doanh nào đó, có thể tăng hơn nhiều so với số lượng vốn người đó có thể sử dụng, mà công việc kinh doanh đó vẫn tiếp tục tăng, thì vốn của một nước lớn cũng có thể tăng lên như vậy.

Ở các thuộc địa Bắc Mỹ và Tây Ấn, không những tiền công lao động mà cả tiền lãi của đồng tiền bỏ ra, và do đó lợi nhuận do vốn đẻ ra đều cao hơn ở Anh. Tại tất cả các thuộc địa, lãi suất pháp định và lãi suất thị trường dao dộng từ 6% đến 8%. Tuy nhiên, rất hiếm thấy trường hợp tiền công lao động cao đi đôi với lợi nhuận tiền vốn cao trừ những hoàn cảnh đặc biệt tại các thuộc địa mới. Ở những vùng mới được chinh phục, phần lớn là không đủ vốn để khai thác toàn bộ đất đai rộng lớn, và số dân ở những vùng mới này so với số vốn lại còn ít hơn là ở phần lớn các vùng khác. Người ta có nhiều đất đai để khai thác hơn là có số tiền vốn cần thiết để làm công việc đó. Người ta thường chỉ tiến hành cày cấy, trông trọt hay chăn nuôi ở những vùng được coi là phì nhiêu màu mỡ nhất với thời tiết thuận lợi như đất gần bờ biển hoặc dọc theo các triền sống thuận tiện cho tàu bè đi lại. Những dải đất như vậy cũng chỉ được mua với giá quá rẻ, dưới cả giá trị sản lượng tự nhiên của đất. Số tiền vốn dùng để mua và cải tạo nâng cấp các dải đất đó mang lại một nguồn lợi nhuận rất lớn, và do đó có thể trả được lãi suất rất cao.

Với mức độ tích lũy vốn khá nhanh vì làm ăn có lãi lớn, cho nên các chủ đồn điền tăng số nhân công nhanh hơn là ở vùng đất mới. Những người lao động được các chủ đồn điền thuê mướn đều được trả công khá hậu hỉ. Khi thuộc địa được nhiều người cùng khai thác, tất nhiên lợi nhuận của tiền vốn dần dần giảm bớt. Khi những vùng đất đai màu mỡ nhất và ở vào những vị trí tốt nhất đều đã có chủ, thì những chủ đồn điền đến sau buộc phải khai thác những vùng đất xấu hơn về chất lượng và không thuận lợi cho việc vận tải, chuyên chở, họ không thể thu được nhiều tiền lời như những người đi trước, cho nên chỉ trả được lãi suất thấp hơn đối với số vốn sử dụng. Vì vậy, tại phần lớn các thuộc địa của Anh cả lãi suất pháp định lẫn lãi suất thị trường đã bị giảm xuống khá nhiều trong thế kỷ hiện nay.

Do số của cải và dân số tăng và những cải tiến được áp dụng trong sản xuất, cho nên tiền lãi giảm sút. Tiền công lao động tuy vậy không tụt xuống cùng với lợi nhuận của tiền vốn. Nhu cầu về lao động tăng khi số vốn tăng, bất kể lợi nhuận như thế nào. Sau khi lợi nhuận giảm, số tiền vốn sử dụng không những vẫn tăng mà còn tăng nhanh hơn trước. Đó là những dân tộc cần cù, nhẫn nại muốn tận thu của cải để làm giàu và những cá nhân chăm chỉ làm ăn để kiếm sống. Số vốn lớn tuy có lợi nhuận nhỏ thường vẫn tăng nhanh hơn số vốn ít có lợi nhuận nhiều hơn. Tục ngữ có câu tiền lại đẻ ra tiền. Khi anh đã có tiền, dù ít đi chăng nữa, thì anh cũng sẽ có cơ sở để làm cho số tiền đó tăng lên. Điều khó khăn là làm thế nào để có trong tay một số tiền dù ít ỏi đó. Mối liên hệ giữa tăng tiền vốn và mở mang công nghiệp hoặc nhu cầu về lao động có ích, đã một phần nào được giải thích ở trên và còn được giải thích kỹ hơn và đầy đủ hơn dưới đây khi bàn đến tích lũy vốn.

Việc có được đất đai mới, hoặc việc tiến hành những ngành kinh doanh mới, đôi khi nâng cao lợi nhuận của tiền vốn và do đó tăng lãi suất, dù là ở một nước tiến rất nhanh trong việc làm ra nhiều của cải. Vì số tiền vốn của một nước không đủ đáp ứng cho mọi công việc kinh doanh, cho nên nó chỉ phân bổ cho những ngành sản xuất, kinh doanh đặc biệt mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Nếu một phần vốn đã được sử dụng vào các ngành kinh doanh khác thì cần phải rút về và chuyển sang những ngành mới có nhiều lợi hơn. Sự cạnh tranh trong các ngành kinh doanh cũ tất nhiên không còn sôi nổi, hào hứng như trước nữa. Thị trường trở nên tẻ ngắt hơn hơn vì không được cung cấp đầy đủ các mặt hàng như trước nữa. Giá hàng hóa tất yếu bị nâng lên ít nhiều và mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho người nào buôn các mặt hàng đó, và cũng do đó họ có thể vay vốn với một lãi suất cao hơn.

Trong một thời gian nào đó sau khi cuộc chiến tranh mới đây kết thúc, không những tư nhân có uy tín nhất mà cả một vài công ty lớn nhất ở London thường vay vốn với lãi suất 5% mà trước đó họ ít khi trả tới 4% hoặc 4,5%. Do chiếm được những thuộc địa ở Bắc Mỹ và Tây Ấn, với những đất đai rộng lớn và nghề nghiệp được mở mang, cho nên số vốn được sử dụng được lấy ra từ những số dự trữ của những người buôn bán làm ăn mà chẳng hề làm giảm chút nào tổng số vốn của xã hội. Khi bắt tay vào một ngành kinh doanh mới bằng số vốn cũ, tất nhiên phải giảm bớt số lượng vốn dùng trong một số lớn các ngành riêng biệt mà ở đó cuộc cạnh tranh đã dịu đi và lợi nhuận chắc đã thu được nhiều hơn. Dưới đây, tôi có dịp nói tới những lý do đã khiến cho tôi tin rằng tổng số vốn của nước Anh không bị giảm sút ngay cả khi phải chi tiêu rất nhiều cho cuộc chiến tranh mới rồi.

Khi tổng số vốn của xã hội bị giảm sút hoặc các quỹ dùng cho việc duy trì các ngành công nghiệp bị giảm sút, thì tiền công lao động giảm, nhưng lợi nhuận của vốn tăng, và bởi thế lãi suất cũng tăng. Do tiền công lao động bị hạ, những người chủ vốn còn lại trong xã hội có thể mang hàng của họ ra bán ở thị trường với chi phí bỏ ra ít hơn trước và hơn nữa họ còn bán hàng được giá cao hơn vì số vốn sử dụng để cung cấp các mặt hàng cho thị trường bị cắt giảm. Chi phí cho hàng hóa của những nhà sản xuất giảm đi, và họ kiếm được nhiều lãi hơn. Lợi nhuận của họ được tăng lên ở cả hai đầu, cho nên họ có thể vay vốn với lãi suất cao. Chúng ta có thể thấy những bằng chứng hiển nhiên là ở Bengal và ở các khu đất mới được xây dựng ở Đông Ấn của Anh, người ta làm giàu rất nhanh chóng vì ở đó tiền công lao động rẻ mạt, cho nên lợi nhuận của tiền vốn bỏ ra rất cao ở các nước nghèo này. Lãi suất của tiền cũng cao tương ứng. Ở Bengal, các chủ trại phải vay tiền với lãi suất thường là 40%, 50%, 60% và họ còn phải thế chấp mùa màng sắp tới để đảm bảo cho việc vay tiền. Vì lợi nhuận mà có thể chấp nhận lãi suất lớn như vậy đã chiếm gần hết số địa tô, cho nên nạn cho vay nặng lãi về phân nó lại chiếm một phần lớn số lợi nhuận đó. Trước khi nước cộng hòa La Mã sụp đổ, nạn cho vay nặng lãi như vậy rất thịnh hành ở các tỉnh dưới sự cai trị nghiệt ngã của các thống đốc. Brutus rất đoan chính và ngay thực đã cho vay ở đảo Síp với lãi suất 48% như chúng ta được biết qua những bức thư của Cicero.

Ở một nước đã dành được đầy đủ mọi thứ của cải mà thiên nhiên phú cho qua đất đai, khí hậu và vị trí địa lý so với các nước khác, nhưng không có khả năng tiến lên hơn nữa mà cũng chẳng thể thụt lùi, thì ở nước đó cả tiền công lao động và lợi nhuận của tiền vốn chắc hẳn sẽ rất thấp. Ở một nước với số dân quá đông so với khả năng nuôi dưỡng của đất đai hoặc so với khả năng sử dụng tiền vốn sẵn có trong nước, cuộc cạnh tranh giành công ăn việc làm tất yếu sẽ trỏ nên gay gắt và làm cho tiền công lao động giảm xuống tới mức chỉ còn đủ nuôi sống số người lao động. Và vì số dân quá đông nên số người lao động đó không thể nào tăng thêm được nữa. Ở một nước có đầy đủ tiền vốn cho bất kỳ ngành nào mà sự buôn bán, kinh doanh ở đó đòi hỏi, thì sự cạnh tranh sẽ rất căng thẳng ở tất cả mọi nơi và dẫn đến lợi nhuận thông thường xuống tới mức thấp nhất.

Nhưng có lẽ chưa có nước nào đạt tới trình độ giàu có như vậy. Trung Hoa đã dẫm chân tại chỗ từ khá lâu. Chắc nước này từ lâu đã có đầy đủ của cải phù hợp với các đạo luật và thiết chế của nó. Nhưng với những đạo luật và thể chế khác thì nước đó cũng vẫn chưa khai thác hết khả năng của đất đai, khí hậu và vị trí địa lý của nó. Một nước mà coi thường việc buôn bán với nước ngoài, chỉ cho phép tàu nước ngoài vào một hoặc hai cảng của mình, thì không thể kinh doanh lớn được, nếu không có các đạo luật và thiết chế khác, ở một nước mà ở đó người giàu có hoặc người chủ có số vốn lớn thì được bảo đảm an toàn, còn người nghèo khổ hoặc người chủ những số tiền vốn nhỏ lại chẳng được đảm bảo gì cả, mà hơn nữa phải chịu mọi sự áp bức, bóc lột, kể cả cướp bóc bất cứ lúc nào của các quan lại nhỏ, thì ở nước đó số vốn được sử dụng trong các ngành kinh doanh sẽ không bao giờ bằng được số vốn mà tính chất và tầm cỡ của công việc có thể chấp nhận được. Ở tất cả các ngành nghề, sự áp bức người nghèo sẽ dẫn đến sự độc quyền của người giàu, những kẻ này khi thâu tóm trong tay toàn bộ ngành kinh doanh sẽ có thể thu được những món lợi nhuận kếch sù. Ở Trung Hoa, lãi suất thông thường là 12% và tất nhiên lợi nhuận bình thường của tiền vốn bỏ ra cũng phải đủ để trả lãi suất này.

Một sai lầm trong luật pháp có thể đôi khi nâng lãi suất lên khá nhiều, vượt quá điều kiện cho phép của đất nước, dù đó là nước nghèo hay nước giàu. Khi luật pháp không bắt buộc tôn trọng và thi hành triệt để các điều khoản của hợp đồng, nó đặt những người vay hầu như ngang hàng với những người mắc nợ không trả được hoặc những người đáng nghi ngờ về mặt uy tín. Người cho vay tiền, vì không chắc chắn là sẽ lấy lại số tiền đã cho vay, nên có xu hướng lấy lãi nặng để bù cho những trường hợp mắc nợ không trả được. Ở các dân tộc mà trong thời kỳ man rợ chiếm cứ các tỉnh phía tây Đế quốc La Mã, những hợp đồng hoặc cam kết giữa hai bên là do lòng tin của các bên ký kết quyết định. Tòa án của nhà vua ít khi can thiệp vào việc giải quyết thi hành các hợp đồng hoặc cam kết đó. Có lẽ lãi suất cao được thực hiện từ thời xa xưa có thể bắt nguồn từ nguyên nhân này.

Khi luật pháp ngăn cấm cho vay lấy lãi, nó cũng chẳng ngăn chặn được việc đó. Nhiều người cần phải vay, và không một ai cho vay mà không xem xét đến việc sử dụng số tiền của họ như thế nào cho phù hợp không những với cách sử dụng số tiền đó cho sinh lời mà còn phải tính đến khó khăn và nguy hiểm trong việc trốn tránh luật pháp nữa. Lãi suất cao ở tất cả các dân tộc hồi giáo không phải là do họ nghèo, mà nguyên cớ này chỉ là một phần và một phần khác là do thu lại tiền cho vay rất khó.

Tỷ suất lợi nhuận trung bình thấp nhất cũng phải nhiều hơn là đủ để đền bù cho những mất mát, dù chỉ thỉnh thoảng mới có, mà tiền vốn phải gánh chịu. Chỉ có số dư đó mới được gọi là lợi nhuận ròng, lãi tịnh. Cái gọi là lợi nhuận gộp bao gồm không những số dư này mà còn cà số tiền cần phải giữ lại để đền bù cho những mất mát vốn nữa. Tiền lãi mà người vay có khả năng trả chỉ tỷ lệ với lãi tịnh mà thôi.

Ở một nước mà ở đó đầy đủ các của cải cần thiết và mỗi ngành kinh doanh đã có đủ số vốn lớn nhất để sử dụng vào các hoạt động sản xuất, vì tỷ suất trung bình của lãi tịnh rất nhỏ cho nên lãi suất thị trường thông thường sẽ thấp đến mức chỉ có những người giàu có nhất mới có thể sống bằng tiền lãi được. Mọi người có số vốn nhỏ và vừa buộc phải tự trông nom, quản lý cách sử dụng số vốn của chính họ. Một điều cần thiết là hầu như mỗi người phải là một người kinh doanh hoặc buôn bán gì đó. Hà Lan hình như đã gần đi đến tình trạng này. Ở đó thật chẳng hợp thời chút nào nếu không phải là một người kinh doanh. Sự cần thiết buộc hầu hết mọi người phải làm như vậy. Người ta cảm thấy lố bịch khi ăn mặc khác với mọi người, người ta cũng cảm thấy như vậy nếu không buôn bán, kinh doanh như mọi người. Giống như một người làm công việc dân sự cảm thấy mình xa lạ, thiếu tự nhiên và còn bị kinh rẻ nữa trong một trại lính; bất cứ người nào không làm gì, ăn không ngồi rồi cũng cảm thấy như vậy khi ở giữa những người đang tấp nập buôn bán, kinh doanh.

Tỷ suất lợi nhuận trung bình cao nhất (trong giá phần lớn các hàng hóa), ngốn gần hết tiền thuê đất đai và chỉ để lại đủ để trả tiền công lao động để tiến hành sản xuất và đem ra bán tại thị trường theo mức thấp nhất mà lao động có thể được trả công ở bất kỳ nơi nào, có nghĩa là chỉ đủ để nuôi sống họ. Người thợ luôn luôn cần phải được ăn uống bằng cách này hay cách nọ khi anh ta bắt tay vào công việc, nhưng chủ đất không phải lúc nào cũng được trả tiền. Tiền lãi của công việc thương mại mà những người làm công của Công ty Đông Ấn tiến hành tại xứ Bengal có thể không xa nhiều lắm so với tỷ suất nói trên.

Tỷ lệ mà lãi suất thị trường bình thường phải gánh chịu so với tỷ suất trung bình của lãi tịnh phải biến động khi tiền lãi tăng hay giảm. Ở Anh tiền lãi gấp đôi được coi là cái mà nhà buôn gọi là tiền lãi vừa phải, hợp lý; thuật ngữ này có nghĩa là không vượt quá tiền lãi thông thường, ở một nước mà ở đó tỷ suất lãi tịnh trung bình là 8 hoặc 10%, có thể sẽ là hợp lý nếu một nửa số tiền lãi đó dùng để trả lãi suất tiền vay nếu như công việc kinh doanh được tiến hành bằng tiền đi vay. Số vốn kinh doanh do người vay tiền chịu mọi sự rủi ro, và người vay bảo hiểm số vốn đó cho người cho vay; 4 hay 5% trong các ngành buôn bán có thể là một số tiền lãi vừa đủ để bảo hiểm cho mọi sự rủi ro có thể xảy ra, vừa đủ để đền bù công sức sử dụng vốn. Nhưng tỷ lệ giữa lãi suất và lãi tịnh không phải là giống nhau ở các nước mà ở đó tỷ suất lợi nhuận trung bình có thể thấp hơn nhiều hoặc cao hơn nhiều. Nếu tỷ lệ đó thấp hơn nhiều, một nửa số lợi nhuận thu được không thể đủ để trả tiền lãi vay vốn, và thừa đủ nếu tỷ lệ đó cao hơn nhiều.

Ở nhưng nước đang tiến nhanh lên tình trạng giàu sang, tỷ suất lợi nhuận thấp, trong giá của nhiều loại hàng hóa, có thể đền bù cho giá tiền công lao động cao và cho phép các nước đó bán hàng rẻ như các nước láng giềng kém phồn vinh hơn mà ở đó tiền công có thể thấp hơn.

Trên thực tế, so với tiền công cao thì lợi nhuận cao có xu hướng làm tăng giá sản phẩm cao hơn nhiều. Nếu ở ngành sản xuất vải lanh, chẳng hạn, tiền công của các loại thợ khác nhau, thọ hồ vải, thợ xe sợi, thợ dệt v.v… được tăng thêm 2 penny một ngày, thì chỉ cần nâng giá một tấm vải lanh lên thêm một số tiền bằng 2 penny nhân với số người thợ tham gia vào công việc này và sau đó nhân với số ngày làm việc. Phần giá của hàng hóa tính trên cơ sở tiền công lao động, thông qua các khâu sản xuất chỉ tăng lên theo cấp số cộng so với lượng tăng tiền công. Nhưng nếu lợi nhuận của các người chủ cần phải tăng thêm 5%, phần giá của hàng hóa tính trên cơ sở lợi nhuận qua các khâu sản xuất sẽ tăng theo cấp số nhân so với lượng tăng lợi nhuận. Người chủ của các thợ hồ vải lanh khi bán vải lanh, muốn tính 5% thêm vào toàn bộ giá trị của vật liệu và tiền lương mà ông ta đã phải ứng trước cho thợ. Người chủ của các thợ xe sợi lanh muốn tính thêm 5% vào số tiền ứng trước mua nguyên liệu lanh và tiền công của thợ. Và người chủ của các thợ dệt cũng tính thêm 5% vào số tiền ứng trước mua sợi lanh và tiền công của các người thợ dệt. Trong việc tăng giá hàng hóa, tiền công tăng đóng vai trò như một thứ tiền lãi đơn trong việc tích lũy nợ. Lợi nhuận tăng đóng vai trò giống như lãi kép. Các nhà buôn và các nhà sản xuất ca thán về hậu quả xấu của tiền công cao trong việc nâng giá và như thế làm giảm số lượng hàng bán ra cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Họ không nói gì đến hậu quả xấu của lợi nhuận cao. Họ im lặng trước hậu quả nguy hại của những khoản thu nhập của chính họ. Họ chỉ than phiền đến hậu quả nguy hại của những người khác mà thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3