Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 01

QUYỂN IV

CÁC HỆ THỐNG KINH TẾ HỌC CHÍNH TRỊ

LỜI GIỚI THIỆU

Kinh tế học chính trị được xem như một ngành khoa học của một chính khách hay một nhà lập pháp; nó nhằm hai mục đích rõ ràng: thứ nhất, cung cấp cho mọi người một khoản thu nhập hoặc một mức sống đầy đủ, nói một cách đúng đắn hơn là tạo cho họ có được một khoản thu nhập hoặc một mức sống như vậy, và thứ hai là, cung cấp cho nhà nước hoặc cho cộng đồng một khoản thu nhập đủ để thực hiện các dịch vụ công cộng. Kinh tế học chính trị có mục đích rõ ràng là làm giàu cho cả nhân dân lẫn nhà vua đang trị vì đất nước.

Mức tăng trưởng khác nhau về sự giàu có ở các thời đại và quốc gia khác nhau đã sản sinh ra hai hệ thống kinh tế học chính trị khác nhau về phương cách làm cho mọi người trở nên giàu có. Một hệ thống có thể được gọi là hệ thống thương mại, còn hệ thống kia là hệ thống nông nghiệp. Tôi sẽ cố gắng giải thích đầy đủ và rõ ràng trong chừng mực có thể và tôi xin bắt đầu nói về hệ thống thương mại. Đây là một hệ thống hiện đại và được mọi người trong nước chúng ta và vào thời đại của chúng ta hiểu khá rõ ràng.

Chương I

NGUYÊN TẮC CHI PHỐI HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI

Của cải bao gồm tiền hoặc vàng và bạc, đó là một khái niệm phổ biến. Nó tất nhiên xuất phát từ chức năng kép của tiền như là công cụ của thương mại và là thước đo giá trị. Do tiền là một công cụ của thương mại, khi chúng ta có tiền trong tay, chúng ta có thể dễ dàng mua được bất kỳ đồ vật nào mà chúng ta cần hơn là bằng bất kỳ một loại hàng hóa nào khác. Chúng ta thấy rõ vấn đề đặt ra là phải có tiền. Khi đã có tiền thì sau đó chẳng có khó khăn gì để mua thứ đồ vật cần dùng. Do tiền là thước đo giá trị, chúng ta có thể ước lượng giá trị của tất cả các loại hàng hóa khác bằng số lượng tiền mà nhờ đó hàng hóa trao đổi được với nhau. Chúng ta thường nói một người giàu có là người có rất nhiều tiền và một người nghèo là người có rất ít tiền. Một người căn cơ, tiết kiệm hoặc một người ham làm giàu được coi là một người thích tiền. Một người vô tư lự, rộng rãi, hoặc hoang phí thì được coi là người không quan tâm hoặc bàng quan đối với tiền. Muốn trở nên giàu có phải kiếm tiền. Trong ngôn ngữ thông thường, của cải và tiền tài là những từ đồng nghĩa về mọi khía cạnh.

Một nước giàu có, cũng chẳng khác gì một người giàu có, được coi là một nước có nhiều tiền bạc, và tích lũy vàng bạc tại bất kỳ nước nào cũng được coi là phương pháp làm giàu vững chắc nhất. Một thời gian sau khi phát hiện ra Châu Mỹ, những người Tây Ban Nha trước hết tìm kiếm xem có vàng bạc ở các miền bờ biển mà họ vừa đặt chân tới hay không.

Qua các tin tức thu lượm họ phán đoán xem có đáng định cư ở lại đó hay không hoặc nơi này có đáng cho họ chinh phục hay không. Ông Plano Carpino, một nhà sư, được phái làm sứ giả của Vua nước Pháp cho một trong những người con trai của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) nói rằng người Tartar luôn luôn hỏi ông xem ở vương quốc Pháp có nhiều bò, cừu hay không? Vậy những câu hỏi của họ cũng chẳng khác gì những điều mà những người Tây Ban Nha muốn tìm hiểu khi đặt chân lên miền bờ biển Châu Mỹ.

Họ đều muốn xem đất nước đó có giàu hay không để họ quyết định có đáng chinh phục hay không. Những người Tartar cũng như những dân tộc chăn cừu khác, họ thường không biết sử dụng tiền. Gia súc là công cụ buôn bán và cũng là thước đo giá trị. Theo họ, của cải gồm gia súc, cũng như theo người Tây Ban Nha, của cải là vàng và bạc. Trong hai quan điểm này, có thể người Tartar có quan điểm gần với sự thật nhất.

Ông Locke đưa ra một nhận xét về sự khác nhau giữa tiền và các thứ động sản khác dùng làm hàng hóa. Ông nói các hàng hóa – động sản khác có tính chất tiêu dùng đến mức mà không thể dựa vào của cải bao gồm các hàng hóa – động sản đó được. Một nước có rất nhiều loại hàng hóa – động sản này năm nay, chỉ vì tiêu dùng lãng phí hay do hoang toàng quá mức, có thể rất thiếu các loại hàng hóa đó ngay năm sau, đó là chưa nói gì đến xuất khẩu. Ngược lại, tiền là một người bạn đồng hành vững chắc. Tiền có thể chuyển từ tay người này sang tay người khác, không thể sử dụng phí phạm mà cũng chẳng thể làm mất hẳn đi được trừ trường hợp bị đưa ra nước ngoài. Vàng và bạc là một bộ phận vững chắc và giá trị nhất của của cải – động sản của một nước. Làm tăng thêm số lượng vàng bạc là mục đích lớn của nền kinh tế học chính trị.

Một số người khác thừa nhận rằng nếu một nước sống biệt lập với thế giới bên ngoài thì nước đó chẳng cần gì đến số lượng tiền nhiều hay ít được lưu thông. Hàng hóa tiêu dùng được lưu thông nhờ số tiền đó sẽ cần nhiều hay ít tiền tùy theo mức độ trao đổi, nhưng sự giàu có hay nghèo khổ thực sự của một nước là do nước đó có nhiều hay ít hàng hóa tiêu dùng. Những người đó còn có ý kiến rằng sự việc sẽ khác đi đối với các nước có quan hệ với nước ngoài hoặc bị buộc phải tiến hành chiến tranh với một nước ngoài nào đó, do đó luôn luôn phải duy trì hạm đội và quân lực ở các nước xa xôi. Điều này đòi hỏi họ phải gửi tiền của tới nơi gây chiến. Một nước chắc chắn không làm được điều đó nếu không có thừa thãi tiền của ở trong nước. Mỗi một nước như vậy dĩ nhiên phải cố gắng tích lũy vàng bạc trong thời bình để có thể sử dụng trong khi tiến hành chiến tranh ở nước ngoài.

Do có những quan niệm phổ biến này, tất cả các nước khác nhau ở Châu Âu đều tìm mọi cách để tích lũy vàng bạc mà khi cần thiết họ có đủ tiền của để sử dụng. Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha làm chủ những mỏ vàng bạc lớn và thường cung cấp các kim loại quý đó cho Châu Âu, nhưng đã phải cấm xuất khẩu với đe dọa bị phạt nặng hoặc đánh thuế rất nặng. Hình như sự cấm đoán tương tự vào thời xa xưa đó đã trở thành một chính sách của hầu hết các nước Châu Âu. Ngay trong một vài lệnh cổ xưa của nghị viện Scotland, người ta vẫn còn tìm thấy rằng từ thời kỳ xa xưa ở xứ Scotland, mang vàng bạc ra khỏi vương quốc phải chịu hình phạt rất nặng nề. Sự cấm đoán cũng thấy cả ở Pháp và Anh vào thời đó.

Khi các nước trở thành thị trường buôn bán, các nhà buôn thấy sự cấm đoán đó hết sức bất tiện cho các hoạt động thương trường của họ. Họ thường thường mua mua các thứ hàng ở nước ngoài bằng vàng bạc với những điều kiện thuận lợi hơn là dùng hàng hóa có trong nước để trao đổi, kể cả nhập và xuất hàng hóa cần cho tiêu dùng trong nước và cho dân chúng ở nước ngoài. Họ phản đối sự cấm đoán đó như là có hại cho công việc buôn bán của họ.

Trước hết, họ có ý kiến cho rằng việc xuất khẩu vàng bạc để mua hàng ngoại không phải bao giờ cũng làm giảm số lượng các kim loại đó trong vương quốc. Ngược lại, việc xuất khẩu vàng bạc để đổi lấy hàng ngoại còn làm tăng thêm số lượng kim loại hiện có trong nước, vì nếu các hàng ngoại không được tiêu thụ hết ở trong nước, người ta có thể tái xuất các hàng còn lại ra nước ngoài và bán với một giá có lãi, có thể mang lại nhiều vàng bạc hơn số lượng đầu tiên đã xuất đi để mua hàng. Ông Mun so sánh cách làm này của ngành ngoại thương cũng chẳng khác gì gieo hạt giống để thu hoạch được cả một vụ gặt trong nông nghiệp. Ông ta nói cụ thể hơn rằng “Nếu chúng ta chỉ thấy lúc người trồng trọt mang thóc giống ném ra mặt ruộng, chúng ta có thể nghĩ là anh ta hơi tàng tàng đây, nhưng khi chúng ta thấy anh ta lao động cần cù, siêng năng chăm bón cho lúa giống để mọc thành những cây lúa xanh tốt nặng trĩu hạt, và cuối cùng được gặt hái, thu hoạch lúa, chúng ta sẽ thấy rằng hành động của anh ta thật giá trị và sinh lợi biết bao?

Các nhà buôn có ý kiến thêm rằng sự ngăn cấm này không thể nào ngăn cản được việc xuất khẩu vàng bạc do vàng bạc có dung tích nhỏ nhưng giá trị lại hết sức lớn, cho nên rất dễ đem xuất lậu ra nước ngoài.

Sự xuất khẩu vàng bạc này, theo họ nói, có thể ngăn ngừa bằng cách lưu ý đầy đủ tới cán cân thương mại. Nếu một nước có khả năng xuất một giá trị hàng lớn hơn so với giá trị hàng nhập khẩu, tất nhiên sẽ có một cán cân thương mại thuận lợi và được trả phần dư bằng vàng bạc, và do đó làm tăng thêm số lượng kim loại quý đó ở trong nước.

Nhưng khi một nước lại nhập siêu, thì cán cân thương mại bất lợi cho nước đó và có lợi cho nước ngoài, và do đó, phải trả cho họ bằng vàng bạc và làm giảm số lượng kim loại đó ở trong nước. Trong trường hợp này nghiêm cấm xuất khẩu vàng bạc không thể ngăn chặn, mà hơn nữa, còn làm cho việc đó trở nên nguy hiểm và tốn kém hơn. Sự trao đổi do đó gây thêm rắc rối, tốn phí hơn cho nước bị thua thiệt về cán cân thương mại so với thực tế mà nó không đáng phải chịu đến như thế. Nhà buôn mà phải mua một hối phiếu để trả cho nước ngoài, bị buộc phải trả ngân hàng bán cho ông ta hối phiếu đó mọi phí tổn về rủi ro tự nhiên và chi phí chuyển tiền đến nơi đó mà hơn nữa còn phải chịu khoản đóng góp về mọi sự rủi ro đặc biệt do sự ngăn cấm gây ra. Hơn nữa, cán cân thương mại càng bất lợi cho một nước nào đó, tiền tệ nước ấy lại càng bị mất giá trị so với tiền của nước có lợi về cán cân thanh toán. Ví dụ, nếu việc buôn bán trao đổi giữa Anh và Hà Lan bất lợi cho Anh nên làm cho giá tiền tệ của Anh mất giá 5% so với tiền Hà Lan, thì phải cần tới 105 ounce bạc ở Hà Lan. 105 ounce bạc ở Anh chỉ có giá trị bằng 100 ounce bạc ở Hà Lan mà thôi, cho nên cũng chỉ có thể mua được một lượng hàng hóa tương đương với 100 ounce bạc ở Hà Lan, nhưng trái lại 100 ounce bạc ở Hà Lan, vì trị giá của nó tương đương với 105 ounce bạc ở Anh, cho nên tất nhiên có thể mua được một lượng hàng hóa ở Anh tương đương với 105 ounce bạc. Qua đó, hàng hóa Anh bán ở Hà Lan cũng sẽ phải bán rẻ hơn theo với tỷ lệ nói trên, và hàng Hà Lan ở Anh cũng được bán với giá đắt hơn theo cùng tỷ lệ trên do có sự chênh lệch về tỷ giá trao đổi. Cán cân thương mại vì thế tất yếu bất lợi cho Anh và đòi hỏi phải có một số dư lớn hơn về vàng và bạc để xuất sang Hà Lan.

Những lý lẽ đó một phần có cơ sở khá vững chắc về mặt lý luận và một phần lại chứa đựng sự ngụy biện trong cách diễn giải. Các lý lẽ đó vững chắc về mặt lý luận vì nó khẳng định rằng xuất khẩu vàng bạc trong các công việc buôn bán thường thường có lợi cho nước tiến hành thương mại. Nó cũng có cơ sở vững chắc khi khẳng định rằng không thể nào ngăn chặn được việc xuất khẩu vàng bạc khi các nhà buôn tư nhân thấy xuất khẩu là một việc có lợi cho họ. Nhưng những lý lẽ đó chứng tỏ tính ngụy biện khi giả thiết rằng duy trì hoặc tăng số lượng các kim loại đó đòi hỏi sự chú ý nhiều hơn của chính phủ so với việc duy trì hoặc tăng số lượng bất kỳ các loại hàng hóa có ích khác, mà việc tự do thương mại không bao giờ không cung cấp theo số lượng cần thiết mà không cần có sự chú ý như vậy. Các lý lẽ đó cũng tỏ ra khá ngụy biện khi khẳng định rằng giá trao đổi cao tất yếu làm tăng cái được gọi là cán cân thương mại bất lợi hoặc gây nên sự xuất khẩu số lượng vàng bạc nhiều hơn. Thực vậy, giá cao hết sức bất lợi cho các nhà buôn mà có tiền để trả ở nước ngoài. Họ phải trả giá đắt hơn cho những hối phiếu mà các chủ ngân hàng đã cấp cho họ để trả cho các nước mà họ có giao dịch buôn bán. Nhưng mặc dù sự rủi ro gây nên bởi sự ngăn cấm xuất khẩu vàng bạc có thể làm cho chủ ngân hàng phải gánh chịu một vài khoản chi phí đặc biệt nào đó, cũng không nhất thiết phải đưa một số tiền nhiều hơn ra khỏi nước. Số phí tổn này thường phải chi ra ở ngay trong nước, khi phải đưa lậu tiền ra nước ngoài, và ít khi phải xuất khẩu một số tiền nhỏ ngoài số tiền phải ký phát. Giá trao đổi cao tất nhiên cũng sẽ buộc nhà buôn phải cố gắng làm cho số hàng xuất khẩu gần bằng với số hàng nhập khẩu để chỉ phải trả giá cao này cho số tiền càng ít càng tốt. Ngoài ra, giá trao đổi cao tất yếu đã có tác động như một thứ thuế, bằng cách nâng giá hàng ngoại, và do đó làm giảm sức mua các hàng ngoại đó. Vì thế, nó sẽ có chiều hướng không làm tăng mà còn làm giảm cái gọi là cán cân thương mại không thuận lợi, và do đó, cũng làm giảm luôn cả việc xuất khẩu vàng bạc.

Trên đây là những tỷ lệ đã thuyết phục được những người đã nghe những lý lẽ đó. Các tỷ lệ trên đây đã được các nhà buôn trình bày trước các nghị viện và hội đồng các vị vương hầu, trước các nhà quý tộc, và thông báo cho các nhà quý phái ở nông thôn. Các nhà buôn cho mình là hiểu rõ thế nào là thương mại, và những người kia cho là họ chẳng hiểu gì về vấn đề này cả.

Ngoại thương làm giàu cho đất nước; kinh nghiệm đã chứng minh điều đó cho các nhà quý tộc và các nhà quý phải ở nông thôn cũng như cho cả những nhà buôn, nhưng còn phải làm thế nào thì chẳng ai hiểu rõ cả. Các nhà buôn hiểu rõ hoàn toàn rằng thương mại làm giàu cho họ bằng cách nào, vì đó là công việc có liên quan tới họ và họ cần phải biết rõ hơn ai hết. Nhưng các nhà buôn thì lại chẳng cần biết là ngành ngoại thương làm giàu cho đất nước bằng cách nào, vì điều đó không chút liên quan đến họ. Vấn đề này sẽ chẳng bao giờ làm cho họ phải suy nghĩ ngoài trường hợp khi họ cần phải yêu cầu đất nước có một vài sự thay đổi về các luật lệ có liên quan đến ngành ngoại thương. Chỉ lúc đó các nhà buôn mới thấy cần phải nói lên những mặt tốt và thuận lợi của ngành ngoại thương và trình bày tại sao các mặt tốt đó bị pháp luật cản trở. Những lý lẽ trình bày được các nhà làm luật lấy làm hài lòng vì họ được cho biết rằng ngành ngoại thương mang tiền của về cho đất nước, như đáng lẽ ra đã phải làm như thế lừ lâu nếu như pháp luật không ngăn nó. Phải thừa nhận rằng các lý lẽ đưa ra đã đạt được kết quả mong muốn. Ở Pháp và Anh, chỉ còn cấm không cho xuất tiền kim loại trong nước. Tiền kim loại ngoại quốc và vàng bạc dưới dạng thỏi nén được tự do xuất khẩu. Ở Hà Lan và một vài nơi khác, quyền này còn được mở rộng hơn nữa, thậm chí còn cho phép cả tiền kim loại trong nước cũng được xuất khẩu tự do. Chính phủ không còn chú trọng đến việc xuất khẩu vàng bạc và để tâm nhiều hơn đến việc xem xét cán cân thương mại lúc đó được coi là nguyên nhân duy nhất làm tăng hay giảm các số lượng kim loại quý. Từ một việc làm chẳng mang lại kết quả gì, chính phủ chuyển sang một việc khác khá rắc rối và phiền toái hơn mà cuối cùng cũng chẳng đem lại kết quả gì rõ rệt cả.

Cuốn sách của ông Mun với đầu đề là Kho bạc của nước Anh trong ngành ngoại thương đã trở thành một nguyên lý cơ bản trong kinh tế học chính trị, không chỉ ở nước Anh mà còn ở cả các nước thương mại khác nữa. Nền thương mại nội địa, hay còn gọi là nội thương, trước đó vẫn được coi là quan trọng nhất vì với một số vốn nhất định, người ta có thể tạo ra một số thu nhập lớn nhất và số công việc làm nhiều nhất, nay lại được xem như một ngành hỗ trợ cho ngoại thương. Nội thương chẳng mang thêm tiền của vào đất nước mà cũng chẳng làm thất thoát tiền bạc ra khỏi đất nước. Đất nước vì thế cũng chẳng giàu hơn lên mà cũng chẳng nghèo hơn trước, trừ trường hợp sự thịnh vượng hay sự suy sụp của nội thương ảnh hưởng gián tiếp tới tình trạng ngoại thương.

Một nước không có các mỏ khoáng sản tất nhiên phải mua vàng bạc của nước ngoài chẳng khác gì nước không có vườn nho thì phải nhập rượu vang vậy. Tuy thế, thực ra cũng không thật cần thiết là chính phủ phải chú ý nhiều đến vàng bạc hơn là trồng trọt. Một nước có phương tiện để mua rượu nho mà dân chúng có nhu cầu tiêu dùng tất yếu sẽ tìm được nơi mua rượu nho, cũng như nước có phương tiện để mua vàng bạc thì cũng chẳng bao giờ chịu thiếu các kim loại đó. Vàng bạc được mua bằng một giá nào đó cũng giống như các hàng hóa khác. Khi các loại hàng hóa đều có giá riêng cho từng loại thì vàng bạc tất nhiên cũng vậy. Chúng ta tin rằng tự do thương mại, dù chính phủ có chú ý hay không đến các mặt hàng nói trên, sẽ cung cấp cho chúng ta đầy đủ rượu vang mà chúng ta cần, cũng như cung cấp vàng bạc mà chúng ta phải có để dùng vào việc lưu thông hàng hóa và vào các công việc cần thiết khác.

Số lượng mỗi loại hàng hóa, mà sự siêng năng, cần mẫn của con người có thể hoặc mua hoặc sản xuất ra, tất nhiên tự nó điều tiết cho phù hợp với yêu cầu thực thế của mỗi nước hoặc với yêu cầu của những người sẵn sàng trả các khoản tiền thuê đất đai, tiền công lao động để làm ra và chế biến sản phẩm mang ra chợ bán. Nhưng không có thứ hàng hóa nào lại tự điều chỉnh dễ dàng, đúng đắn và chính xác theo nhu cầu thực tế này hơn là vàng bạc vì vàng bạc có dung tích nhỏ nhưng giá trị rất lớn nên không có thứ hàng hóa nào dễ chuyên chở hơn từ nơi này đến nơi khác, từ nơi chúng được bán với giá rẻ đến nơi được bán với giá đắt, từ vùng mà chúng có khá dồi dào đến nơi khan hiếm để đáp ứng nhu cầu thực tế. Ví dụ, nếu Anh có nhu cầu tiêu dùng một số lượng vàng tăng thêm, một tàu chở hàng từ Lisbon hay từ bất kỳ nơi nào khác, mà số vàng đó cần được mua, có thể vận chuyển 50 tấn vàng để nước Anh có thể đúc ngay thành 5 triệu đồng guinea (tiền vàng của nước Anh xưa, giá trị tương đương 21 shilling). Nhưng nếu có một nhu cầu thực tế đối với thóc lúa cũng với giá trị tương đương, thì để có thể nhập một số lượng lương thực lớn như thế, một triệu tấn thóc lúa, với giá 5 guinea một tấn phải được chuyên chở bằng tàu thủy hay phải cần tới 1000 chiếc tàu có trọng tải 1000 tấn. Đội thương thuyền của Anh không đủ để làm việc đó.

Khi số lượng vàng bạc nhập vào bất kỳ nước nào quá nhiều, vượt quá nhu cầu thực tế ở nước đó thì dù chính phủ có biện pháp ngăn chặn, số vàng bạc thặng dư chắc chắn sẽ được xuất khẩu ngay. Tất cả mọi luật pháp dã man, tàn bạo của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng không thể giữ vàng bạc nằm lại trong nước. Từ Peru và Brazil vàng bạc được nhập vào thường xuyên, do đó vượt nhu cầu tiêu dùng thực tế ở hai nước đó. Giá các kim loại này hạ thấp hơn so với các nước láng giềng. Nếu, ngược lại, tại bất kỳ nước nào, số lượng vàng bạc không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế trong nước, chính phủ chẳng cần phải nhập các kim loại đó nếu muốn cho giá vàng bạc ở nước mình cao hơn giá ở các nước láng giềng. Nhưng nếu chính phủ đó có muốn ngăn cản việc nhập khẩu vàng bạc, họ cũng chẳng có khả năng làm được điều đó. Tất cả mọi luật lệ bạo ngược về thuế quan cũng không thể nào ngăn được việc nhập chè của các công ty Đông Ấn thuộc Hà Lan và Gothenburg vì các loại chè nhập này bán rẻ hơn so với giá chè của công ty Anh. Thế nhưng, một pound chè có dung tích gấp 100 lần lượng bạc được trả cho loại chè cao giá nhất, tức là 16 shilling tiền bạc; một pound chè lại 2000 lần lớn hơn dung tích lượng vàng được trả cho nó, cho nên buôn lậu chè rất khó khăn.

Chính một phần do vàng bạc dễ dàng vận chuyển từ nơi có nhiều đến nơi có ít mà ở đó có nhu cầu lớn hơn, cho nên giá các kim loại đó không lên xuống thường xuyên như phần lớn giá cả các loại hàng hóa khác mà do khối lượng lớn nên rất khó vận chuyển khi thị trường lúc thì thừa hàng lúc thì khan hiếm. Song, không phải giá các kim loại này hoàn toàn không biến động, nhưng những biến động về giá vàng bạc thường chậm chạp, dần dần và cùng một nhịp độ. Ví dụ, ở Châu Âu, người ta cho rằng tuy cũng chẳng có cơ sở gì vững chắc lắm, vàng bạc đã liên tục nhưng dần dần hạ giá trong vòng thế kỷ trước và trong thế kỷ hiện tại vì do nhập khẩu liên tục vàng bạc từ vùng Tây Ấn thuộc Tây Ban Nha. Nhưng để có bất kỳ một sự thay đổi đột ngột nào về giá vàng bạc để có thể nâng hay hạ ngay lập tức, một cách dễ dàng nhận thấy, giá bằng tiền của tất cả các loại hàng hóa khác, thì đòi hỏi phải có một cuộc cách mạng về thương mại như cuộc cách mạng do việc tìm ra Châu Mỹ tạo nên.

Nếu vàng bạc mà thiếu vào bất kỳ lúc nào ở một nước có khả năng mua thì có nhiều cách để thay thế vàng bạc dễ hơn là các hàng hóa khác.

Nếu nguyên vật liệu dùng cho công nghiệp bị thiếu, tất nhiên ngành sản xuất chế tạo phải ngừng lại. Nếu lương thực – thực phẩm quá ư khan hiếm, dân chúng tất nhiên bị nạn đói. Nhưng nếu tiền tệ khan hiếm không đủ dùng trong lưu thông, người ta sẽ sử dụng việc đổi chác, dùng hàng nọ đổi lấy hàng kia tuy cũng khá bất tiện bị buộc phải làm như vậy.

Mua bán chịu cũng là một hình thức người ta thường dùng khi khan hiếm tiền. Các khoản tiền tín dụng được những người buôn bán điều chỉnh và bù trừ cho nhau, một tháng hay một năm một lần, và như thế, sự bất tiện cũng được một phần nào khắc phục. Tiền giấy sẽ thay thế vàng bạc, nếu được điều chỉnh tốt, không những không còn bất tiện, mà trong một vài trường hợp mang lại những thuận lợi đáng kể. Tuy nhiên, chính phủ phải lưu ý theo dõi việc duy trì hay tăng số lượng tiền phát hành tại mỗi nước.

Tuy vậy, người ta vẫn thường kêu ca phàn nàn về nạn khan hiếm tiền. Tiền tệ, cũng như rượu vang, chắc hẳn luôn luôn khan hiếm đối với những ai không có phương tiện để mua và cũng chẳng có uy tín để mua chịu. Những người có đủ cả phương tiện và uy tín thì chẳng bao giờ thiếu tiền và rượu khi họ cần đến. Sự kêu ca, phàn nàn về sự khan hiếm tiền không phải bao giờ cũng do nguyên nhân ăn tiêu hoang phí. Nó đôi khi phổ biến trong cả một thành thị buôn bán, kể cả vùng xung quanh. Buôn bán quá khả năng vốn là nguyên nhân thông thường của sự khan hiếm tiền. Những người tuy hoạt động đúng mức nhưng lại có những kế hoạch kinh doanh không cân đối với số tiền vốn thực có thì cũng không thể vay được tiền hay tín dụng, cũng chẳng khác gì những người ăn tiêu hoang phí đã không chú ý đến chi tiêu cho cân bằng với thu nhập. Trước khi các kế hoạch kinh doanh của họ hoàn thành, thì họ đã hết vốn kinh doanh và uy tín của họ cũng không còn nữa. Họ chạy tới chạy lui khắp nơi để vay thêm tiền nhưng không một ai dám cho họ vay cả, những người này tìm cách thoái thác là không có tiền dư thừa. Những lời kêu ca, phàn nàn về sự khan hiếm tiền như trên không chứng minh cho sự việc là số vàng bạc thông thường không đủ cho sự lưu hành trong nước, mà là những người muốn có tiền nhưng lại chẳng có gì để đổi lấy tiền. Khi lợi nhuận của buôn bán nhiều hơn bình thường, việc kinh doanh quá số vốn thực có trở thành một điều sai lầm phổ biến của cả các nhà buôn lớn lẫn nhỏ. Họ không còn gửi tiền ra nước ngoài nhiều hơn như trước, nhưng họ mua chịu kể cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài một số lượng lớn hàng mà họ đem bán ở thị trường xa với hy vọng là số tiền cùng với lợi nhuận trở về tay họ trước khi phải trả số tiền mua hàng chịu. Nhưng yêu cầu đòi trả tiền lại đến trước khi số tiền thu về đến tay họ, thế là họ chẳng có gì để trả, chẳng có hàng gì để đổi lấy tiền trả nợ cả, mà cũng chẳng có chứng khoán để làm vật thế chấp vay tiền. Vậy không phải là vàng bạc khan hiếm mà là những loại người buôn bán như vậy gặp nhiều khó khăn khi đi vay, và các chủ nợ gặp khó khăn đòi trả nợ, cho nên đã gây ra những lời kêu ca, than vãn rằng sao tiền lại khan hiếm như vậy.

Thật là lố bịch và tức cười khi nghiêm túc chứng minh rằng sự giàu sang không phải là tiền, là vàng bạc mà là những gì đồng tiền có thể mua được và tiền chỉ thật sự có giá trị khi đem dùng để mua các thứ đồ vật hay hàng hóa. Không có gì nghi ngờ là tiền tệ luôn luôn là một phần của số vốn của quốc gia, nhưng như đã được chứng minh, tiền thường chỉ cấu thành một phần nhỏ và một phần không sinh lợi nhất của số vốn đó.

Không phải vì của cải bao gồm chủ yếu bằng tiền hơn là bằng hàng hóa mà nhà buôn cảm thấy rằng mua hàng bằng tiền dễ hơn là mua tiền bằng hàng, nhưng vì tiền được sử dụng như một công cụ đương nhiên được công nhận trong các công việc giao dịch buôn bán mà mọi thứ hàng hóa, đồ vật đều sẵn sàng trao đổi để lấy tiền, nhưng tiền không phải bao giờ cũng sẵn sàng được chi ra để mua bất kỳ thứ hàng hóa nào. Phần lớn các hàng hóa thực ra dễ hỏng hơn tiền, và tất nhiên giữ các loại hàng hóa đó thường phải chịu nhiều rủi ro hơn.

Khi hàng hóa của người buôn bán hãy còn chưa bán được, ông ta chưa chuyển được hàng thành tiền để bỏ vào két sắt, thì ông ta thực sự chưa được yên tâm. Lợi nhuận có được nhờ bán hàng chứ không phải nhờ mua hàng, cho nên ông ta thường lo lắng, quan tâm tới việc chuyển hàng thành tiền nhiều hơn là dùng tiền để mua hàng. Nhưng mặc dù có một nhà buôn nào đó, vì có trong tay quá nhiều hàng hóa mà lại không kịp bán hết được theo thời hạn đã bị phá sản thì quốc gia cũng chẳng vì thế mà phải chịu trách nhiệm về sự phá sản đó. Thường thường toàn bộ số vốn của một nhà buôn bao gồm các loại hàng dễ hư, hỏng dùng để chuyển thành tiền. Nhưng chỉ có một phần rất nhỏ sản phẩm hàng năm của ruộng đất và sức lao động có thể được sử dụng để mua vàng bạc từ các nước láng giềng. Phần lớn các sản phẩm từ ruộng đất và sức lao động được dùng để lưu thông và tiêu dùng trong dân chúng tại nước đó, và thậm chí phần lớn số sản phẩm dư thừa mang xuất khẩu cũng dùng để đổi lấy hàng ngoại. Do đó, quốc gia cũng chẳng chút liên can và bị ảnh hưởng gì, nếu vàng và bạc không thu được trong quá trình trao đổi hàng hóa. Nhà nước có thể vì thế mà chịu một vài sự thiệt hại và phiền phức và bị buộc phải đưa ra một vài biện pháp cần thiết để cấp thêm tiền. Tất nhiên, tổng số sản phẩm thu hoạch được từ ruộng đất và sức lao động sẽ vẫn như trước hoặc gần như trước, vì số tiền chi cho tiêu dùng cũng không có gì thay đổi cả. Và mặc dù hàng hóa luôn luôn không dễ bán đi để lấy tiền như tiền đem mua hàng hóa nhưng về lâu dài hàng hóa cũng cần thiết để bán lấy tiền như tiền cần thiết để mua hàng hóa. Hàng hóa có thể dùng cho nhiều mục đích khác ngoài việc đem bán lấy tiền, nhưng tiền thì lại chẳng thể dùng vào mục đích gì khác ngoài việc mua hàng. Do đó, tiền nhất thiết phải chạy theo hàng, nhưng hàng thì không nhất thiết và luôn luôn phải chạy theo tiền. Người mua một thứ hàng hóa nào đó không nhất thiết là để đem bán lại, mà chủ yếu là sử dụng và tiêu dùng, trong khi người bán hàng nhất thiết phải mua lại hàng. Người mua để dùng thường thực hiện xong hoàn tòa nhiệm vụ tiêu dùng của mình nhưng người bán mới chỉ làm được một nửa nhiệm vụ kinh doanh của họ mà thôi. Vì thế, mọi người muốn có tiền không phải chỉ vì tiền, mà vì những thứ họ có thể dùng tiền để mua được.

Các hàng hóa tiêu dùng bị tiêu hủy đi trong một thời gian nào đó trong khi vàng và bạc lại có thể sử dụng lâu dài, và nếu như không có sự xuất khẩu liên tục vàng bạc ra nước ngoài thì các kim loại đó có thể tích lũy từ đời này sang đời khác và sẽ làm cho đất nước giàu có tới mức không thể tưởng tượng nổi. Người ta cho rằng đối với bất kỳ nước nào không có gì bất lợi hơn là tiến hành công việc buôn bán trao đổi các thứ kim loại lâu bền lấy các hàng hóa dễ bị hư, hỏng hoặc dễ bị tiêu hủy theo thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi không cho là việc buôn bán trao đổi các đồ ngũ kim (hàng lâu bền) của Anh lấy rượu nho của Pháp là một điều bất lợi. Các đồ ngũ kim là các hàng hóa dùng rất lâu bền và nếu như không có sự xuất khẩu liên tục các thứ hàng hóa đó thì đất nước Anh tràn ngập các nồi niêu xoong chảo. Nhưng số đồ ngũ kim đó được hạn chế tại mỗi nước bởi nhu cầu sử dụng, và sẽ là một điều phi lý là cứ sản xuất các nòi, niêu, xoong, chảo mặc dù đã quá đủ cho công việc nấu nướng thức ăn cho dân chúng ở trong nước. Nếu dân chúng càng ngày càng có dồi dào thêm lương thực, thực phẩm, họ tất yếu cần phải có thêm nồi, niêu, xoong chảo nhưng cũng chỉ vừa đủ để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng mà thôi, một phần lương thực – thực phẩm tăng thêm đó được dùng để mua các thứ đồ dùng nấu ăn đó hoặc để nuôi sống thêm một số thợ làm nồi niêu xoong chảo. Vậy, số lượng vàng bạc trong một nước cũng bị hạn chế bởi nhu cầu tiêu dùng như trường hợp các đồ ngũ kim nói trên, đó là sử dụng vàng để lưu thông hàng hóa như tiền kim loại, và để chế tạo các thứ đồ dùng trong gia đình như thìa, dĩa, muỗng, đĩa bát… Số lượng tiền kim loại tại mỗi nước được điều hành bằng giá trị các hàng hóa được đem lưu thông trên thị trường. Nếu tăng giá trị hàng hóa thì lập tức một phần giá trị đó sẽ được chuyển ra nước ngoài để mua thêm một lượng tiền vàng cần thiết để lưu thông hàng hóa, và số đồ dùng gia đình làm bằng vàng, bạc được điều chỉnh bằng sự giàu sang và số lượng các gia đình tư nhân giàu có sẵn sàng mua sắm các thứ đồ xa xỉ đó. Nếu tăng sự giàu có của bất kỳ nước nào bằng cách đưa vào nước đó hoặc giữ lại ở trong nước một số lượng vàng bạc không cần thiết, thì đó là một điều phi lý cũng chẳng khác gì tìm cách đưa vào các gia đình một số đồ dùng nấu nướng không cần thiết. Cũng như việc chi tiêu mua các thứ đồ dùng bếp núc không cần thiết tất yếu sẽ làm giảm bớt chứ không phải làm tăng thêm số lượng lương thực – thực phẩm ở các gia đình đó, việc chi tiêu để mua một số lượng không cần thiết vàng bạc tại bất kỳ nước nào tất yếu sẽ làm giảm bớt của cải dùng để cung cấp cho việc ăn uống may mặc và nhà ở cho dân chúng nước đó. Vàng và bạc, dưới hình thức tiền kim loại hoặc bát đĩa bằng vàng hay bạc, là những vật dụng chẳng khác gì các đồ dùng nhà bếp. Tăng thêm việc sử dụng vàng bạc, tăng thêm số hàng hóa tiêu dùng để được lưu thông, quản lý bằng vàng bạc, như thế sẽ làm tăng thêm lượng vàng bạc, nhưng nếu dùng những cách làm đặc biệt để tăng thêm số lượng, thì chắc chắn sẽ làm giảm bớt việc tiêu dùng vàng bạc vì không thể dùng các kim loại đó nhiều hơn yêu cầu tiêu dùng. Nếu các kim loại đó lại được tích lũy quá với số lượng cần thiết, với việc chuyên chở dễ dàng, và sự thiệt hại lớn khi để các kim loại đó nằm không một chỗ không được sử dụng, thì không có luật pháp nào có thể ngăn cản các kim loại dư thừa đó được chuyển ra nước ngoài.

Thực ra cũng không luôn luôn cần thiết phải tích trữ vàng bạc để cho phép một nước có khả năng tiếp tục các cuộc chiến tranh ở nước ngoài và để duy trì các hạm đội và quân lực ở các nước xa xôi. Các hạm đội và quân lực được nuôi dưỡng không phải bằng vàng và bạc mà bằng những thứ có thể tiêu dùng và ăn được. Với số sản phẩm hàng năm do ngành công nghiệp trong nước sản xuất ra và với số tiền thu nhập từ ruộng đất, sức lao động và những thứ có thể tiêu thụ được đang dự trữ ở trong nước, một nước có đầy đủ khả năng mua những thứ hàng tiêu dùng và ăn uống ở các nước xa xôi, và do đó, có thể tiến hành chiến tranh ở những nơi đó.

Một nước có thể mua được lương thực – thực phẩm dùng cho quân đội ở một nước xa xôi bằng ba cách khác nhau: gửi ra nước ngoài trước hết một phần nào đó vàng bạc đã được tích trữ; hoặc, thứ hai, một phần nào đó số sản phẩm hàng năm của nền công nghiệp; hoặc, cuối cùng, một phần nào đó số sản phẩm thô hàng năm.

Vàng bạc mà coi như đã được tích trữ hay dự trữ ở bất kỳ nước nào có thể được phân biệt thành ba phần: thứ nhất, tiền tệ lưu thông; thứ hai, bát đĩa bằng vàng, bạc của các gia đình tư nhân; và cuối cùng, tiền được dành dụm bằng sự tần tiện và nằm trong các kho của quý của các vị hoàng thân.

Ít khi tiền tệ lưu thông trong nước có thể được dành ra nhiều vì nó cũng chẳng dư thừa gì nhiều. Giá trị các hàng hóa được mua đi bán lại hàng năm ở bất kỳ nước nào đòi hỏi phải có một lượng tiền nào đó để lưu thông phân phối các hàng hóa tới tay người tiêu dùng và như thế cũng chẳng thừa thãi gì để dùng vào việc khác.

Công việc lưu thông hàng hóa đòi hỏi phải có một số tiền tương ứng để làm đầy đủ chức năng của nó và nó cũng chẳng cần phải có nhiều tiền hơn số cần thiết phải có. Tuy nhiên tiền tệ lưu thông đôi khi cũng phải rút bớt đi trong trường hợp có chiến tranh ở nước ngoài vì số người ra mặt trận ở nơi xa cũng khá đông nên số người ở lại trong nước cũng vợi bớt đi không còn đông như trước. Do đó, số lượng hàng hóa lưu thông cũng giảm và số tiền ít hơn cũng đủ để lưu thông số hàng hóa đó. Vào những trường hợp như vậy ở Anh thường phát hành một số lượng tiền giấy thuộc đủ loại, như tín phiếu kho bạc, hối phiếu hải quân, và chi phiếu ngân hàng, để thay thế tiền vàng và tiền bạc dùng trong lưu thông, và như thế, rút ra được một số lượng tiền lớn để gửi ra dùng cho cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Tất cả những việc làm đó dù sao cũng chỉ cung ứng một khoản tài chính nhỏ vào việc duy trì một cuộc chiến tranh hao tài tốn của ở nước ngoài, đó là chưa nói đến thời gian chiến tranh kéo dài một vài năm.

Lại còn không đáng kể hơn nữa nếu mang đúc lại các bát đĩa bằng vàng, bạc rút ra từ các gia đình tư nhân. Vào thời kỳ mở đầu cuộc chiến tranh vừa qua, người Pháp không thấy có lợi gì từ việc đúc lại các bát đĩa bằng vàng, bạc vì nó chẳng đủ để đền bù cho tiền gia công các bát đĩa đó.

Các kho của quý được tích trữ từ lâu đời của các vị hoàng thân mang lại những của cải lớn và đáng giá hơn nhiều. Trong thời đại ngày nay, trừ vua Phổ ra, các vị hoàng thân ở Châu Âu không còn thích thú gì trong việc xây dựng các kho của quý dùng cho riêng mình.

Những số tiền lớn dùng cho các cuộc chiến tranh trong thế kỷ hiện nay, những cuộc chiến tranh có thể gọi là tốn kém nhất mà lịch sử đã ghi nhận, hình như ít dựa vào việc xuất khẩu tiền tệ lưu thông, hoặc vàng bạc đúc lại từ các bát đĩa của các gia đình tư nhân hoặc các kho của quý của các vị hoàng thân. Cuộc chiến tranh vừa qua với Pháp đã làm Anh tốn hơn 90 triệu bảng bao gồm không những 75 triệu bảng tiền nợ mới, mà còn phải tự thêm thuế đảm phụ ruộng đất bằng cách tính thêm 2 shilling vào mỗi bảng tiền thuế và các khoản tiền vay hàng năm từ quỹ thanh toán nợ. Hơn 2/3 số chi phí này được dùng ở các nước xa xôi: ở Đức, Bồ Đào Nha, Mỹ, ở các hải cảng thuộc Địa Trung Hải, ở Đông và Tây Ấn. Các vua nước Anh không có kho của quý được tích trữ từ trước. Chúng tôi không hề nghe thấy có những số lượng khổng lồ bát đĩa bằng vàng, bạc đem đúc lại thành khối.

Số tiền vàng và bạc dùng cho công việc lưu thông hàng hóa trong nước chưa quá 18 triệu bảng. Kể từ khi đúc lại tiền vàng gần đây, mọi người tin rằng tiền vàng bị giảm về phân lượng khá nhiều. Chúng ta hãy giả định, theo như sự tính toán phóng đại nhất mà tôi đã có dịp được nghe và thấy, là vàng và bạc có trị giá tương được 30 triệu bảng. Nếu như cuộc chiến tranh được tiến hành bằng tiền của chúng ta, cũng theo sự tính toán này, toàn bộ số tiền đó đã phải gửi đi và quay trở lại ít nhất là hai lần trong một thời gian từ 6 đến 7 năm. Nếu giả thiết là như vậy, thì sẽ có căn cứ quyết định nhất để chứng minh rằng chính phủ thật sự không cần thiết phải giám sát việc giữ tiền, vì theo như giả thiết này, toàn bộ số tiền của đất nước chắc là đã ra đi và trở lại đất nước hai lần khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn mà chẳng ai biết được tại sao lại như vậy cả. Khâu lưu thông tuy vậy cũng chẳng bao giờ thấy khan hiếm hơn bình thường trong bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian đó. Ít người cần tiền, nhưng họ lại có khả năng kiếm ra tiên. Lợi nhuận của ngành ngoại thương thật ra lớn hơn bình thường trong suốt thời kỳ chiến tranh, nhất là vào cuối cuộc chiến. Điều này đã gây nên, như nó thường gây ra, một sự kinh doanh buôn bán quá số vốn có trong tay ở tất cả các nơi thuộc nước Anh, và điều này lại gây nên sự kêu ca, phàn nàn về sự khan hiếm tiền như thường thấy khi có sự buôn bán quá số vốn. Nhiều người cần tiền, và người cho vay lại thấy quá khó khăn khi đòi nợ. Vàng và bạc thường thường vẫn có sẵn để bán với đúng giá trị của nó cho những ai có đủ tiền để mua với giá trị đó.

Những chi phí khổng lồ cho cuộc chiến tranh gần đây chắc là đã phải thanh toán không phải bằng việc xuất khẩu vàng, bạc mà bằng việc xuất khẩu các hàng hóa đủ loại của Anh. Khi chính phủ, hoặc các chính quyền địa phương hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính phủ, đã ký kết với một nhà buôn để gửi tiền cho một nước ngoài nào đó, ông ta tất nhiên cố gắng trả người bạn hàng nước ngoài mà ông ta đã giao cho một hối phiếu, bằng cách gửi ra nước ngoài các hàng hóa hơn là gửi vàng, bạc. Nếu các loại hàng hóa của Anh không có nhu cầu tiêu dùng ở nước đó, ông ta sẽ cố gắng gửi các hàng hóa đó tới một nước khác nào đó mà ông ta có thể dùng việc bán hàng để mua một hối phiếu ký phát cho nước không có nhu cầu tiêu dùng hàng Anh. Việc vận chuyển hàng hóa, khi phù hợp với nhu cầu thị trường, luôn luôn được hưởng một số lợi nhuận kha khá, trong khi nếu xuất vàng và bạc thì chẳng có lợi nhuận gì kèm theo cả. Khi mà vàng, bạc gửi ra nước ngoài để mua hàng ngoại, người buôn bán thường không có lãi từ việc mua hàng ngoại mà thu được lợi nhuận khi bán hán ngoại gửi về. Nhưng khi vàng, bạc gửi ra nước ngoài để chi trả nợ, người buôn bán đó chẳng nhận được hàng gửi trở lại và vì thế cũng chẳng thu được đồng tiền lời nào. Tất nhiên, nhà buôn phải tìm ra sáng kiến trả nợ bạn hàng ở nước ngoài bằng xuất khẩu hàng hóa hơn là xuất khẩu vàng, bạc. Số lượng lớn hàng hóa của Anh xuất khẩu trong quá trình cuộc chiến tranh gần đây mà không mang lại số tiền lời nào đã được nhận xét bởi tác giả cuốn The Present state of the Nation (Tình trạng hiện nay của đất nước).

Ngoài ba loại vàng, bạc nói trên đây, còn có rất nhiều vàng, bạc nén hoặc thỏi được nhập hoặc xuất ở tất cả các nước có nền thương mại lớn để dùng trong ngành ngoại thương. Vàng, bạc thỏi hay nén được lưu thông giữa các nước buôn bán khác nhau chẳng khác gì tiền kim loại lưu thông trong phạm vi một nước. Các thỏi, nén vàng hay bạc có thể được coi là tiền tệ của giới đại thương mại. Tiền kim loại có tính chất quốc gia bị chi phối bởi sự vận động và hướng kinh doanh của các hàng hóa lưu thông trong các quận huyện ở mỗi nước, nhưng tiền của giới đại thương mại lại bị chi phối bởi sự vận động và hướng kinh doanh của các hàng hóa lưu thông giữa các nước. Cả hai thứ tiền ở trong một nước và giữa nhiều nước đều nhằm làm dễ dàng mọi sự buôn bán trao đổi; loại này dùng giữa các cá nhân với nhau trong cùng một nước, và loại kia dùng giữa các nước với nhau. Một phần của tiền này thuộc giới đại thương mại có thể đã được sử dụng, và chắc là như vậy, để tiến hành cuộc chiến tranh gần đây. Vào thời kỳ chiến tranh bùng nổ, tất nhiên là đã phải có một sự vận động và hướng kinh doanh tác động tới cuộc chiến, khác hẳn với những gì thường thấy trong thời kỳ hòa bình.

Mọi công việc buôn bán kinh doanh tất phải xoay quanh vùng trung tâm chiến sự, và tiền được sử dụng để mua các thứ cần thiết phục vụ cho chiến tranh, kể cả ở các nước láng giềng sát với vùng có chiến sự, tiền được dùng để trả lương và để mua các loại lương thực – thực phẩm phục vụ cho các binh đoàn tham chiến. Nhưng bất kể phần tiền như thế nào của giới đại thương mại mà Anh có thể đã sử dụng hàng năm theo cách này, nó chắc là hàng năm đã kiếm được nhờ bán hàng hóa của Anh hay nhờ một thứ gì khác được mua qua việc trao đổi với với hàng hóa của Anh. Điều này đưa chúng ta trở lại vấn đề hàng hóa, vấn đề sản phẩm hàng năm của ruộng đất và sức lao động của đất nước, coi đó là những nguồn lực chủ yếu cho phép chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh. Thật ra là một điều tự nhiên khi giả định rằng một khoản chi phí hàng năm lớn như thế lại bị mất đi từ sản phẩm thu hoạch hàng năm. Ví dụ, chi phí năm 1761 lên tới 19 triệu bảng, không có sự tích lũy nào có thể hỗ trợ cho một sự chi tiêu lớn như vậy. Ngay cả số vàng và bạc có được hàng năm cũng không thể đáp ứng được sự chi tiêu đó. Toàn bộ số lượng vàng, bạc nhập hàng năm vào Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, theo như những bản tường trình chi tiết nhất thường cũng không vượt quá 6 triệu sterling (đồng bảng Anh) và chỉ đủ để chi trong 4 tháng cho cuộc chiến tranh vừa qua mà thôi.

Những loại hàng hóa thích hợp nhất để vận chuyển đến các nước xa xôi để bán đi lấy tiền trả lương và mua lương thực – thực phẩm cho quân đội chiến đấu ở nơi nào đó, hoặc một phần số tiền của giới đại thương mại cũng dùng để mua các thứ cần dùng như nói ở trên, thường là các đồ vật và hàng chế tạo đẹp và bền với những mẫu mã được nhiều người ưa thích; các loại hàng hóa đó thường nhỏ về mặt dung tích nhưng có giá trị cao, cho nên đưa chúng đến bán ở các nơi xa cũng ít tốn kém về chi phí vận chuyển.

Một nước với nền công nghiệp phát triển có khả năng sản xuất ra một số lượng lớn hàng công nghiệp như vậy để đưa bán ở nước ngoài, có thể tiến hành một cuộc chiến tranh rất tốn kém trong nhiều năm liền mà chẳng cần phải xuất khẩu một số lượng đáng kể vàng bạc hoặc cũng chẳng có một lượng vàng bạc như vậy để xuất khẩu. Một phần khá lớn các hàng công nghiệp thặng dư tất nhiên, trong trường hợp này, phải đưa ra xuất khẩu, tuy nó chẳng mang lại lợi nhuận gì cho đất nước cả, mặc dù những người buôn bán thì vẫn được lời qua việc đó. Chính phủ mua của các nhà buôn các hối phiếu ký phát ở nước ngoài để trả lương và mua lương thực – thực phẩm cho quân đội.

Một phần nào đó của số hàng công nghiệp thặng dư tuy vậy vẫn tiếp tục mang lại lợi nhuận. Các nhà công nghiệp có hai yêu cầu trong thời kỳ chiến tranh, trước hết họ phải sản xuất rất nhiều hàng hóa để xuất ra nước ngoài trả tiền cho các hối phiếu ký phát ở các nước ngoài dùng để trả lương và mua lương thực – thực phẩm cho quân đội, và thứ hai là có đủ tiền lời để mua các mặt hàng cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thường thường là trong khi cuộc chiến tranh trở nên ác liệt nhất thì các ngành công nghiệp thường phát triển rất mạnh, nhưng ngược lại, chúng có thể suy giảm khi hòa bình lập lại. Như vậy, sản xuất công nghiệp có thể phát đạt trong bối cảnh đất nước bị suy sụp và bắt đầu sa sút khi đất nước trở lại thời kỳ hưng thịnh. Tình trạng khác nhau của nhiều ngành sản xuất chế tạo ở Anh trong cuộc chiến tranh vừa qua, và một thời gian nào đó sau hòa bình có thể chứng minh cho những gì vừa nói ở trên.

Không có một cuộc chiến tranh tốn kém và kéo dài nào lại có thể tiến hành bằng cách xuất khẩu các sản phẩm thô của nông nghiệp. Làm như thế thì rất tốn kém về mặt chuyên chở. Rất ít nước lại có thể sản xuất được quá nhiều sản phẩm nông nghiệp thừa dùng cho nhu cầu sinh hoạt của dân chúng. Vậy gửi ra nước ngoài bất kỳ một số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp nào cũng là tước đoạt sự sinh sống của chính nhân dân trong nước đó. Việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn khác với xuất khẩu hàng công nghiệp. Vì các thứ hàng dùng cho nhu cầu cần thiết của dân chúng được giữ lại trong nước và chỉ xuất ra nước ngoài phần hàng dư thừa mà thôi. Ông Hume thường đưa ra nhận xét là các vua nước Anh thời cổ xưa không đủ khả năng tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh lâu dài nào mà không phải có thời kỳ gián đoạn.

Ở thời kỳ xa xưa đó, người Anh không có đủ khả năng để trả lương và mua lương thực – thực phẩm cho quân đội chiến đấu ở nước ngoài trừ các sản phẩm nông nghiệp mà không thể dành ra được nhiều sau khi đã sử dụng cho việc tiêu dùng trong nước, hoặc một số hàng chế tạo thô sơ mà sự vận chuyển lại rất tốn kém. Sự thiếu khả năng tiến hành chiến tranh ở các nơi xa xôi của các vua nước Anh không phải là do thiếu tiền mà là thiếu các hàng công nghiệp đẹp và cải tiến. Mua và bán được tiến hành bằng tiền tệ ở Anh lúc bấy giờ cũng như hiện nay vậy. Số tiền lưu thông lúc đó cũng vẫn chiếm một tỷ lệ tương đương với số lượng và giá trị các hàng hóa mua bán trên thị trường cũng chẳng khác gì đang làm hiện nay, nhưng thời đó, số lượng vàng bạc sử dụng trong lưu thông có một tỷ lệ lớn hơn ngày nay vì bây giờ tiền giấy được phát hành khá nhiều, do đó thay thế một phần lớn cho việc sử dụng vàng bạc. Ở các dân tộc mà không có hoặc có quá ít thương mại và công nghiệp, nhà vua thường chẳng nhờ vả gì nhiều từ các thần dân của mình mà sau đây tôi sẽ giải thích những lý do tại sao. Ở các nước đó vua thường cố gắng tích trữ của cải để lập một kho của quý sử dụng trong những tình trạng khẩn cấp. Do sự cần thiết đó, nhà vua thường phải căn co tiết kiệm để có thể tích trữ được các của cải cần thiết. Trong một tình trạng đơn giản như vậy, nhà vua không thích mọi sự xa hoa lãng phí, những đồ trang sức lòe loẹt như thường thấy ở mọi triều đình. Vua thường dùng các khoản chi tiêu làm tiền thưởng cho các người nông dân tá điền và để chiêu đãi các người tùy tùng, hầu cận mình mà thôi. Nhưng số tiền dùng để khuyến khích nông dân và chiêu đãi những người hầu cận cũng chẳng bao giờ đi quá mức cần thiết để trở thành một sự hợm mình hay kiêu căng. Mỗi thủ lĩnh của dân tộc Tartar thường có kho của quý riêng. Các kho của quý của Mazepa, thủ lĩnh các đạo quân Cozak ở Ukraine, một bạn đồng minh của vua Charles XII, được biết là rất lớn. Các vua Pháp của dân tộc Merovinge cũng có những kho của quý rất phong phú. Khi các vua này chia vương quốc cho các con, họ cũng chia luôn cả các kho của quý đó. Các hoàng thân Saxon và các vua đầu tiên sau thời kỳ Chinh phục cũng có những kho của quý rất lớn mà các vị đó tích trữ được sau nhiều năm trị vì. Một chiến công của một vị vua mới là chiếm đoạt được các kho của quý của vị vua trước và dùng các kho đó như một vật đảm bảo cho sự nối ngôi trị vì của mình. Các vua trị vì ở các nước có nền công thương nghiệp phát triển không cần thiết phải tích trữ của cải như vậy vì họ có thể buộc các thần dân trong nước đóng góp giúp đỡ quốc gia trong những trường hợp đặc biệt. Các vua đó không cần phải làm như các vua thời xưa đã làm. Nhưng các vua thời nay lại theo các sinh hoạt xa hơn của thời đại và những chi tiêu hoang phí của họ cũng bị chi phối bởi tính kiêu căng, lòng tự cao tự đại và sự hoang phí mà người ta thường thấy ở các vị chủ đất trong các vùng lãnh thổ dưới quyền cai quản của họ. Lối sống lộng lẫy, xa hoa đầy sự phô trường vô ý nghĩa tại triều đình của nhà vua ngày càng thêm tốn kém, nó không những ngăn cản mọi sự tích lũy mà còn luôn luôn xâm phạm vào các quỹ dùng cho các công việc chi tiêu cần thiết khác. Những điều mà ông Dercyllidas nói về triều đình Ba Tư cũng giống như ở triều đình các vị vương hầu ở Châu Âu, ông này nói chỉ trong thấy sự hào nhoáng xa hoa, lộng lẫy mà chẳng thấy chút ít sức mạnh nào, chỉ thấy quá nhiều người hầu cận và rất ít binh sĩ.

Nhập vàng bạc không phải là lợi ích chính, và còn kém xa hơn nữa, là lợi ích duy nhất mà một nước rút ra được từ ngành ngoại thương. Giữa bất kỳ các nơi nào mà ngành ngoại thương hoạt động, nó mang lại hai lợi ích rõ ràng. Nó xuất khẩu phần sản phẩm nông nghiệp dư thừa mà dân chúng không có nhu cầu nữa để đổi lấy các hàng hóa ở nơi khác mà trong nước cần.

Ngoại thương mang lại giá trị cho các vật thừa không cần thiết trong nước bằng cách đổi chúng lấy các vật khác ở nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu trong nước và tăng thêm mức hưởng thụ của dân chúng. Qua ngành ngoại thương, thị trường trong nước dù bé nhỏ cũng không ngăn cản việc phân công lao động tinh vi hơn trong các ngành cần đến kỹ năng kỹ xảo hoặc công nghiệp chế tạo và giúp cho các ngành đó đi đến sự hoàn thiện. Bằng cách mở rộng thị trường cho các sản phẩm trong nước, ngành ngoại thương khuyến khích mọi người tăng năng lực sản xuất, đẩy mạnh các ngành nghề, nâng cao sản lượng, do đó tăng thêm thu nhập thực tế và sự giàu có cho xã hội. Ngành ngoại thương thực hiện các dịch vụ quan trọng và to lớn đối với tất cả các nước, mà với các nước đó nó có những công việc giao dịch buôn bán giữa nước này với nước khác. Các nước đều thu được những lợi ích to lớn từ ngành ngoại thương, nhưng dù sao nước mà người buôn bán sinh sống bao giờ cũng nhận được phần lớn lợi tức lớn nhất vì họ trước hết thường cung cấp cho nước ngoài những gì mà dân chúng nước mình có thừa để đổi lấy những vật cần thiết khác ở nước ngoài để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhập khẩu vàng bạc mà trong nước cần nhưng không có mỏ để khai thác, tất nhiên là một phần trong công việc kinh doanh của ngành ngoại thương. Một nước mà ngành ngoại thương chỉ làm độc có một việc kinh doanh nói trên thì thật ra cũng chẳng mang lại lợi ích nhiều cho đất nước.

Không phải do nhập vàng bạc mà việc tìm ra Châu Mỹ đã làm giàu cho Châu Âu. Chính vì các mỏ tìm thấy khá phong phú ở Châu Mỹ mà các kim loại quý đó trở nên rẻ hơn.

Một bộ đồ bát đĩa bằng vàng bạc bây giờ có thể mua được với giả chỉ bằng 1/3 giá ngũ cốc hoặc 1/3 giá công lao động vào thế kỷ thứ 15. Với cùng một chi phí hàng năm về lao động và hàng hóa, ngày nay Châu Âu có thể mua được gắp ba lần số bát đĩa bằng vàng bạc có thể mua được vào thời đó. Nhưng khi một thứ hàng hóa được bán với giá rẻ chỉ còn bằng 1/3 trước kia, không những những người trước đây thường mua mặt hàng đó có thể ngày nay mua một số lượng gấp ba lần cùng với số tiền trước đây đã bỏ ra, nhưng vì giá rẻ hơn trước nhiều nên đã làm cho số người có đủ khả năng mua hàng tăng lên rất nhiều, có thể gấp 10, mà cũng có thể gấp 20 lần so với trước đây. Như thế có thể ngày nay ở Châu Âu có một số lượng bát đĩa bằng vàng, bạc không những gấp ba lần so với trước kia, mà có thể gấp 20 hoặc 30 lần số lượng đã có trước kia, đấy chỉ là nói đến tình trạng ngày càng giàu có ở Châu Âu dù cho các mỏ ở Châu Mỹ chưa được khám phá ra. Châu Âu tất nhiên đã có những thuận lợi thực sự mặc dù những thứ có được chỉ là những thứ chẳng quan trọng gì cho lắm.

Vàng, bạc trở nên rẻ rúng làm cho chính các kim loại đó ít thích hợp hơn với mục đích đúc tiền để lưu thông như trước. Để có thể mua được những thứ cần dùng, chúng ta phải chất một số tiền kim loại nhiều hơn, phải mang trong túi một shilling mà đáng lẽ trước kia chỉ cần mang một groat là đủ (đồng bốn xu bằng bạc). Thật là khó nói điều nào là thuận lợi, điều nào là không thuận lợi. Cả điều này lẫn điều kia đã chẳng mang lại một sự thay đổi cơ bản nào trong tình trạng của Châu Âu. Tuy thế, việc tìm ra Châu Mỹ chắc hẳn đã mang lại một sự thay đổi quan trọng nhất. Bằng cách mở ra một thị trường mới, vô tận đối với các loại hàng hóa của Châu Âu, việc tìm ra Châu Mỹ đã giúp cho việc phân công lại lao động, sự tiến bộ và đổi mới về kỹ năng kỹ xảo công nghiệp, những thứ này trước đây không thể hình thành được do thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Năng lực sản xuất của người lao động được thúc đẩy và nâng cao, và những sản phẩm mà họ làm ra tăng nhanh về mặt số lượng tại tất cả các nước ở Châu Âu, do đó, mang lại thu nhập thực tế và sự giàu có thực sự cho dân chúng. Hàng hóa của Châu Âu hầu như khá lạ lẫm đối với Châu Mỹ và nhiều mặt hàng của Châu Mỹ cũng khá mới lạ đối với người tiêu dùng ở Châu Âu. Một loạt các công việc buôn bán trao đổi hàng hóa bắt đầu được thực hiện mà thật ra trước đây không một ai nghĩ đến, và điều này tỏ ra rất có lợi cho cả lục địa mới lẫn lục địa cũ. Sự bất công tàn bạo của những người Châu Âu đã gây nên một sự kiên, mà đang lẽ ra có lợi cho tất cả các nước, lại làm cho một vài nước trong số các nước kém may mắn bị tàn hại, điêu đứng và khổ sở.

Việc tìm ra con đường thông thương tới Đông Ấn qua Mũi Hảo Vọng (Cape of good Hope) cũng xảy ra vào cùng thời gian đó, do đó mở ra những quan hệ giao lưu rộng rãi hơn nữa cho ngành ngoại thương chẳng kém gì việc tìm ra Châu Mỹ, dù đường đi cũng khá dài. Chỉ có hai dân tộc ở Châu Mỹ được nhìn nhận là có trình độ cao hơn về mọi mặt so với những người man rợ (hoang dã) nhưng cả hai dân tộc này bị tiêu diệt ngay sau khi tìm ra Châu Mỹ. Các dân tộc khác hãy còn ở trong tình trạng hoang dã thực sự. Nhưng các đế chế Trung Hoa, Indostan, Nhật cũng như một vài nước khác ở Đông Ấn, tuy chẳng có các mỏ vàng hay bạc có trữ lượng lớn hơn, nhưng lại giàu hơn về nhiều mặt khác; do có nền văn hóa lâu đời, thợ thủ công của các nước đó có nhiều kỹ năng kỹ xảo và các ngành mỹ nghệ ở đó có những tiến bộ lớn hơn so với Mexico hoặc Peru; cho dù chúng ta phải tin những gì không đáng tin trong những bài tường thuật phóng đại tô màu của các nhà văn Tây Ban Nha viết về các đế chế cổ xưa đó. Nhưng các nước giàu có, văn minh luôn luôn có thể trao đổi với nhau một khối lượng giá trị lớn hơn nhiều so với những dân tộc man rợ và hoang dã. Tuy vậy, Châu Âu cho đến nay thu được mối lợi ít hơn nhiều từ việc buôn bán với Đông Ấn so với buôn bán với Châu Mỹ. Người Bồ Đào Nha đã giữ độc quyền buôn bán với Đông Ấn từ khoảng một thế kỷ nay. Các nước khác chỉ có thể buôn bán hoặc gián tiếp, hoặc thông qua môi giới của người Bồ Đào Nha để có thể bán hoặc mua được các loại hàng từ khu vực này. Khi người Hà Lan bắt đầu hất cẳng người Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ trước, họ trao toàn bộ công việc thương mại ở Đông Ấn cho một công ty độc quyền. Sau đó người Anh, Pháp, Thụy Điển và Đan Mạch đã bắt chước người Hà Lan, cho nên không có một nước lớn nào ở Châu Âu có thể tiến hành buôn bán tự do với Đông Ấn được.

Không có một lý do nào khác được viện ra là tại sao buôn bán với Đông Ấn lại không có lợi như buôn bán với Châu Mỹ. Các nước ở Châu Mỹ và các thuộc địa ở Châu Mỹ của họ được hoàn toàn tự do buôn bán. Điều làm cho mọi người ham muốn các vùng đất ở Đông Ấn là các công ty Đông Ấn đó được hưởng những đặc quyền, đặc lợi, được quyền chiếm cứ những nơi có nhiều của cải lớn, đó là chưa kể đến các công ty đó còn được sự bảo trợ của chính phủ họ. Những người ghen tị cho rằng việc buôn bán của các công ty này là rất tác hại, vì trong quá trình buôn bán số lượng bạc ở các nước có các công ty đó đã được xuất sang Đông Ấn với khối lượng rất lớn. Các bên hữu quan công nhận là công việc buôn bán với Đông Ấn có thể có chiều hướng bần cùng hóa Châu Âu nói chung, chứ không phải một nước riêng biệt nào, vì bằng cách xuất một phần lợi nhuận cho các nước Châu Âu khác, hàng năm họ còn mang về nước được một số lượng kim loại lớn hơn nhiều so với số xuất đi. Cả việc chống đối và trả lời đều dựa trên cơ sở một khái niệm phổ biến mà tôi vừa mới nghiên cứu gần đây. Vì thế, không cần thiết phải nói gì hơn nữa về cả mặt chống đối lẫn trả lời. Do có sự xuất khẩu bạc hàng năm sang Đông Ấn, các bát đĩa bằng bạc chắc hẳn đã phần nào đắt hơn ở Châu Âu so với khi không xuất khẩu bạc, và tiền bạc đúc chắc hẳn có thể mua được số lượng lao động và hàng hóa nhiều hơn. Tác động của việc trên thực ra cũng chỉ gây nên một thiệt hại nhỏ: cả hai sự việc này có thể coi là không có ý nghĩa gì lắm để dân chúng phải lo lắng quan tâm. Việc buôn bán với Đông Ấn mở ra một thị trường tiêu thụ các hàng hóa sản xuất ở Châu Âu, hoặc có thể nói một cách khác, là tiêu thụ vàng và bạc được mua bằng các hàng hóa đó, do đó việc buôn bán này tất nhiên làm tăng sản lượng hàng hóa hàng năm ở Châu Âu, và vì thế, mang lại sự giàu có và tăng thu nhập cho Châu Âu. Việc buôn bán đó cho đến nay cũng mới chỉ làm tăng sự giàu có ở Châu Âu ở một mức độ còn quá ít, có lẽ do bị quá nhiều những hạn chế mà Châu Âu đang còn phải chịu đựng.

Tôi cho rằng cần thiết, mặc dù có thể làm cho mọi người chẳng hứng thú gì, phải nghiên cứu tường tận khái niệm phổ biến cho rằng sự giàu có bao gồm tiền, hoặc vàng và bạc. Theo ngôn ngữ chung, như tôi đã có dịp nhận xét, tiền có nghĩa là giàu có, và chính sự không rõ ràng của cách diễn ta này đã làm cho cái khái niệm phổ biến này trở nên quen thuộc với mọi người đến nỗi những ai quá tin vào sự phi lý của khái niệm đó, sẵn sàng quên hết mọi nguyên tắc riêng của họ, và trong quá trình phân tích, biện minh cho khái niệm này, họ đã đi đến kết luận đó là một điều được coi là dĩ nhiên và là một chân lý không thể chối cãi. Một vài tác giả người Anh nổi tiếng về các tác phẩm viết về thương mại đã mở đầu với sự nhận định là sự giàu có tại một nước bao gồm, không chỉ vàng và bạc, mà còn ruộng đất, nhà cửa và hàng tiêu dùng các loại nữa. Nhưng trong quá trình lập luận, các tác giả đó hình như đã để trôi đi khỏi trí nhớ của họ khái niệm về ruộng đất, nhà cửa và các đồ vật tiêu dùng, mà chỉ còn nhớ đến lập luận là sự giàu có bao gồm vàng và bạc, và tăng nhanh số kim loại đó là mục tiêu lớn của nền công thương nghiệp trong nước.

Song, vì hai nguyên tắc trên xác định rằng sự giàu có bao gồm vàng và bạc, và rằng các kim loại đó có thể được nhập vào một nước mà ở đó không có mỏ vàng và bạc chỉ nhờ cán cân thương mại, tức là nhờ kim ngạch xuất khẩu vượt trội nhập khẩu, cho nên mục tiêu lớn của kinh tế học chính trị là giảm bớt càng nhiều càng tốt việc nhập hàng ngoại cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng nhanh càng nhiều càng hay việc xuất khẩu các sản phẩm của nền công nghiệp trong nước. Do đó, hai phương tiện lớn của kinh tế học chính trị để làm giàu cho đất nước là hạn chế nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu.

Những hạn chế về nhập khẩu có hai loại.

Thứ nhất, hạn chế nhập các loại hàng ngoại cho tiêu dùng trong nước nếu các hàng hóa đó có thể tự sản xuất được ở trong nước, bất kể các hàng đó nhập từ nước nào.

Thứ hai, hạn chế nhập các hàng hóa thuộc hầu hết các chủng loại từ những nước mà cán cân thương mại với các nước này đang ở trong tình thế bất lợi cho nước nhập hàng.

Các hạn chế đó được thực thi đôi khi qua việc đánh thuế cao và đôi khi bằng các biện pháp nghiêm cấm ngặt nghèo.

Xuất khẩu được khuyến khích đôi khi bằng cách giảm thuế đối với các nguyên liệu nhập để làm hàng xuất khẩu, đôi khi bằng những khoản tiền thưởng đối với các mặt hàng xuất khẩu được nhiều, đôi khi bằng những hiệp định buôn bán với những điều kiện có lợi ký kết với nước ngoài, và đôi khi bằng việc thiết lập các thuộc địa ở các nước phương xa.

Tiền thuế quan được giảm đối với hàng xuất khẩu được thực hiện trong hai trường hợp. Khi các mặt hàng sản xuất chế tạo trong nước bị đánh thuế trực thu hay gián thu, thì tiền thuế đó được giảm toàn phần hay một phần khi các loại hàng đó được mang xuất khẩu; và khi các hàng ngoại nhập phải chịu thuế nhưng lại dùng để tái xuất thì hàng ngoại đó đôi khi được giảm toàn phần hay một phần số thuế khi tái xuất.

Tiền khuyến khích xuất khẩu được cấp cho các mặt hàng mới được sản xuất để xuất khẩu lần đầu hoặc cho những hàng hóa công nghiệp cần phải được hưởng một sự chiếu cố đặc biệt.

Thông qua các hiệp định buôn bán với các điều kiện thuận lợi hơn so với các nước khác, các nhà buôn và các hàng hóa của một nước được hưởng những đặc quyền khi đem bán ở nước đã ký hiệp định, và như thế, tạo nhiều thuận lợi cho việc buôn bán trao đổi hàng hóa.

Bằng cách thiết lập các thuộc địa ở các nước phương xa, nước có thuộc địa dưới quyền cai trị của mình không những dành được những đặc quyền, đặc lợi về buôn bán mà còn được độc quyền về việc bán các hàng hóa mà nước đó sản xuất ra.

Hai loại hạn chế về nhập khẩu nói trên đây cùng với bốn điều khuyến khích xuất khẩu này cấu thành sáu phương pháp chủ yếu mà hệ thống thương mại chủ trương để tăng số lượng vàng bạc đang có ở bất kỳ nước nào thông qua một cán cân thương mại thuận lợi cho nước đó. Tôi sẽ nghiên cứu chi tiết mỗi phương pháp trong một chương riêng biệt và cũng không phải dẫn chứng thêm nhiều hơn nữa về xu hướng mang thêm tiền của về nước, tôi sẽ xem xét chủ yếu tác động của từng phương pháp đối với sản lượng hàng năm của một nước. Tùy theo khả năng các phương pháp đó có chiều hướng làm tăng hay làm giảm giá trị của sản lượng hàng năm này, chúng nhất thiết cũng phải làm tăng hay làm giảm của cải thực tế và mức thu nhập của nước đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3