Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 03
Chương III
NHỮNG HẠN CHẾ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI VIỆC NHẬP HÀNG HÓA TỪ CÁC NƯỚC MÀ CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VỚI CÁC NƯỚC ĐÓ ĐƯỢC COI LÀ BẤT LỢI
PHẦN I
TÍNH BẤT HỢP LÝ CỦA NHỮNG HẠN CHẾ ĐÓ NGAY CẢ ĐỐI VỚI CÁC NGUYÊN TẮC CỦA CHẾ ĐỘ THƯƠNG MẠI
Áp dụng những hạn chế đối với các hàng hóa nhập từ các nước, khi thấy cán cân thương mại với các nước đó là bất lợi, là cách thứ hai mà chế độ thương mại đề nghị sử dụng để tăng số lượng vàng và bạc. Như vậy ở Anh các loại vải silesia (một thứ vải gai mịn) có thể được nhập để tiêu thụ ở trong nước sau khi đã đóng một số thuế. Nhưng vải lanh mịn và vải batit của Pháp bị cấm nhập, trừ khi nào qua cửa khẩu London mà ở đó hàng bị giữ lại trong các kho chứa để rồi lại tái xuất. Các loại rượu vang Pháp phải chịu thuế nhập cao hơn rượu vang Bồ Đào Nha, hay của bất kỳ nước nào khác. Cái gọi là thuế nhập khẩu năm 1692, bằng 25% giá trị hàng hóa, đã đánh vào các mặt hàng nhập từ Pháp, trong khi đó thuế đó lại nhẹ hơn nhiều đối với phần lớn các hàng hóa nhập từ các nước khác, thường không quá 5%. Rượu vang, rượu mạnh (Brandi), muối và dấm của Pháp bị để riêng ra, các loại hàng này phải chịu các sắc thuế khác nữa khá nặng do các luật khác quy định hoặc do những điều khoản riêng của cùng một đạo luật. Năm 1696, một thứ thuế thứ hai là 25%, vì thứ thuế thứ nhất đã bị coi như còn quá nhẹ để ngăn cản việc nhập, lại đánh thêm vào các hàng hóa Pháp, trừ rượu mạnh; cùng với một khoản thuế mới là 25 bảng Anh/tấn đánh vào rượu vang Pháp và 15 bảng/tấn đối với dấm Pháp. Các hàng hóa nhập từ Pháp không bao giờ được miễn nộp bất kỳ một khoản tiền thuế chung nào, tức là thuế 5% được đánh vào tất cả hay phần lớn các hàng hóa liệt kê trong danh mục hàng đáng bị đánh thuế. Nếu chúng ta tính thêm tiền thuế 1/3 và 2/3 để cấu thành một thứ tiền thuế tổng hợp giữa các thứ hàng hóa nhập, thì có tất cả 5 khoản thuế chung; cho nên trước khi bắt đầu cuộc chiến tranh hiện tại, 75% có thể được coi là thuế thấp nhất mà phấn lớn các hàng hóa nông sản và hàng công nghiệp Pháp đã phải chịu. Nhưng đối với phần lớn số hàng hóa, các sắc thuế đánh vào chúng cũng chẳng khác gì một sự ngăn cấm nhập. Tôi cho rằng người Pháp cũng đối xử với các hàng hóa của Anh cũng thẳng tay chẳng kém. Các hạn chế có tính có đi có lại đó đã chấm dứt mọi sự buôn bán công bằng giữa hai nước, và những kẻ buôn lậu đã trở thành những người nhập hàng chính từ Pháp vào Anh và ngược lại. Những nguyên tắc mà tôi đã xem xét trong chương vừa rồi xuất phát từ lợi ích tư nhân và tinh thần độc quyền; nhưng những nguyên tắc mà tôi sắp sửa xem xét trong chương này xuất phát từ những thành kiến dân tộc và tình trạng thù địch giữa hai nước. Những hạn chế đó, vì thế, như có thể thấy trước, lại càng trở nên vô lý và quá đáng. Những hạn chế là như vậy đó, bất chấp các nguyên tắc về chế độ thương mại.
Thứ nhất, ví dụ trong trường hợp buôn bán tự do giữa Pháp và Anh cán cân thương mại có lợi cho Pháp, từ đó không thể suy ra rằng việc buôn bán như vậy sẽ bất lợi cho Anh hoặc cán cân thương mại tổng hợp, do đó, sẽ bất lợi nhiều hơn cho nước này.
Nếu như rượu vang Pháp tốt và rẻ hơn rượu vang Bồ Đào Nha hoặc đồ vải lanh Pháp tốt và rẻ hơn các mặt hàng tương đương của Đức, thì khi mua rượu vang và đồ vải lanh của Pháp, Anh sẽ có lợi hơn là mua của Bồ Đào Nha và Đức. Mặc dù tổng giá trị hàng hóa nhập từ Pháp do đó sẽ tăng lên rất nhiều, nhưng tổng giá trị nhập khẩu của Anh lại giảm theo tỷ lệ vì hàng Pháp cùng thể loại và chất lượng rẻ hơn so với các hàng tương đương của hai nước kia. Tình hình vẫn sẽ là như vậy, dù cho với giả thiết là toàn bộ hàng nhập của Pháp được tiêu dùng trên đất Anh.
Nhưng, thứ hai, một phần lớn số hàng đó có thể được tái xuất sang các nước khác, mà ở đó các hàng đó tất yếu sẽ bán với một số lãi kèm theo, và như thế có thể mang lại một số tiền thu nhập tương đương về mặt giá trị với giá vốn của toàn bộ số hàng nhập từ Pháp. Người ta luôn luôn nói là thương mại với Đông Ấn cũng giống như với Pháp, là mặc dù phần lớn số hàng hóa của Đông Ấn mua bằng vàng và bạc, nhưng khi tái xuất một phần các hàng đó sang các nước khác thì thu được một số tiền lời đáng kể có khả năng mua lại một số lượng vàng và bạc chẳng kém gì số lượng đã sử dụng để mua hàng với giá vốn. Một trong những ngành quan trọng nhất của thương mại Hà Lan hiện nay là làm công việc vận chuyển hàng hóa Pháp sang các nước Châu Âu khác. Ngay cả một phần rượu vang Pháp mà dân chúng Anh uống hàng ngày cũng do Hà Lan và Di Lân (Zealand) nhập lậu vào nước này. Nếu có một nền thương mại tự do giữa Pháp và Anh hoặc hàng hóa Pháp có thể được nhập vào Anh với số tiền thuế tương đương với thuế đánh vào hàng hóa của các nước Châu Âu khác, nước Anh chắc sẽ thu được số lợi nhuận khá từ tái xuất và có thể thu được một phần nào số lợi nhuận buôn bán mà Hà Lan đang dành được.
Thứ ba, và cũng là điều cuối cùng, không có một tiêu chuẩn vững chắc để trên cơ sở đó chúng ta có thể định rõ là cán cân thương mại nghiêng về bên nào hoặc bên nào xuất khẩu với giá trị lớn nhất. Thành kiến dân tộc và sự thù hận được gây nên bởi lợi ích cá nhân của các nhà buôn nào đó, là những nguyên tắc thường thường hướng mọi sự xét đoán của chúng ta vào tất cả các vấn đề có liên quan đến cán cân đó. Tuy thế, có hai tiêu chuẩn thường được sử dụng đến trong các trường hợp như vậy đó là các sổ sách của sở hải quan và quá trình thanh toán nợ bằng hối phiếu. Tôi nghĩ rằng các sổ sách của sở hải quan thường thường được mọi người cho là không đúng đắn, do đó không thể coi là một tiêu chuẩn vững chắc được vì phần lớn các hàng hóa được đánh giá để tính thuế đều không chính xác. Quá trình thanh toán nợ bằng hối phiếu cũng chẳng hơn gì về mặt chính xác cả.
Khi sự trao đổi hàng hóa giữa hai nơi, như London và Paris, là ngang giá nhau, người ta cho rằng đó là một dấu hiệu chứng tỏ các khoản nợ đến kỳ hạn mà London phải trả cho Paris được cân đối bằng những khoản nợ tương tự của Paris đối với London. Ngược lại, khi có tiền bù được trả ở London cho một hối phiếu ký phát ở Paris, người ta nói đó là một dấu hiệu chứng tỏ các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả của London đối với Paris là không được cân đối bằng các khoản nợ của Paris đối với London, nhưng một bản thanh toán nợ bằng tiền phải được gửi từ London; vì sợ có sự rủi ro, phiền toái và phải trả các chi phí chuyển tiền, cho nên một số tiền lời chuyển tiền đã được nhà ngân hàng yêu cầu phải trả. Nhưng tình hình tiền nợ và tiền cho vay bình thường giữa hai thành phố cần phải được điều chỉnh bằng những giao dịch thanh toán giữa hai bên. Khi không một bên nào nhập từ phía bên kia một số lượng lớn hơn phần xuất khẩu cho phía bên kia, các khoản nợ và khoản cho vay được bù trừ cho nhau. Nhưng khi một trong hai bên nhập từ bên đối tác một giá trị lớn hơn số xuất sang cho phía bên kia, thì bên nhập siêu tất nhiên bị mắc nợ một số tiền lớn hơn là số tiền mắc nợ của bên kia, như thế các khoản nợ và có không bù trừ được cho nhau, và do đó tiền phải chuyển từ nơi có số tiền nợ vượt quá số tiền có. Diễn biến thanh toán hối phiếu thông thường là một dấu hiệu của tình trạng nợ và có giữa hai nơi, tất nhiên cũng là một dấu hiệu của quá trình diễn biến xuất và nhập khẩu của cả hai bên vì xuất nhập khẩu tất yếu phải điều chỉnh tình trạng nợ và cho vay.
Nhưng mặc dù sự diễn biến thông thường của việc thanh toán hối phiếu phản ánh tình trạng nợ và có giữa hai nơi, cũng không phải vì thế mà cán cân thương mại nghiêng về nơi có tình trạng thông thường về nợ và có nghiêng về mình. Tình trạng thông thường về nợ và có giữa bất kỳ hai nơi nào không phải luôn luôn hoàn toàn được điều chỉnh bằng quá trình giao dịch và thanh toán giữa họ với nhau, mà nhiều khi còn chịu sự tác động của những công việc giao dịch và thanh toán của một trong hai nơi đó với những nơi khác. Nếu bình thường các nhà buôn ở Anh trả tiền mua hàng của Hamburg, Dantzic, Riga, v.v… bằng các hối phiếu ký phát ở Hà Lan, thì tình trạng thông thường về nợ và có giữa Anh và Hà Lan sẽ không hoàn toàn điều chỉnh bằng quá trình giao dịch và thanh toán bình thường giữa hai nước đó với nhau, mà sẽ bị tác động bởi những giao dịch và thanh toán giữa Anh với các nơi khác nữa. Anh có thể phải chuyển tiền hàng năm cho Hà Lan, mặc dù giá trị hàng xuất khẩu của Anh cho Hà Lan có thể vượt qua rất nhiều giá trị số hàng nhập khẩu từ nước này, và dù cho cán cân thương mại có thể nghiêng nhiều về phía Anh.
Ngoài ra, theo cách mà đồng giá hối đoái (the par of exchange) được tính toán cho đến nay, tỷ giá hối đoái thông thường không thể cung cấp một dấu hiệu đầy đủ chứng tỏ rằng tình trạng tiền nợ và tiền có thông thường có lợi cho nước nào được coi hoặc giả định là có tỷ giá hối đoái thông thường có lợi cho nước đó, hoặc nói một cách khác, tỷ giá hối đoái thực tế có thể, và trên thực tế, nhiều khi rất khác với tỷ giá hối đoái được tính toán, cho nên trong nhiều trường hợp từ tỷ giá hối đoái được tính toán người ta không thể rút ra được một kết luận rõ ràng về tỷ giá hối đoái thực tế.
Khi nhờ một số tiền được trả ở Anh bao hàm, theo tiêu chuẩn của sở đúc tiền Anh, một số ounce bạc nguyên chất, Anh nhận được một hối phiếu có ghi một số tiền phải được trả ở Pháp bao hàm, theo tiêu chuẩn của sở đúc tiền ở Pháp, một số tương đương ounce bạc nguyên chất, thì tỷ giá hối đoái được coi là ngang giá giữa Anh và Pháp. Khi Anh trả nhiều tiền hơn, điều đó có nghĩa là Anh phải trả một khoản tiền bù và khi đó sự thanh toán nợ bằng hối phiếu là bất lợi cho Anh và có lợi cho Pháp. Khi Anh chỉ phải trả ít tiền hơn, điều đó được xem như Anh được một số tiền thưởng hối đoái và sự thanh toán nợ bằng hối phiếu được xem như bất lợi cho Pháp và có lợi cho Anh.
Nhưng trước hết, chúng ta không thể phán đoán được giá trị của tiền tệ thuộc các nước khác nhau dựa trên tiêu chuẩn của sở đúc tiền ở các nước đó. Ở một vài nước tiền kim loại bị mòn qua sử dụng, bị cắt xén về hàm lượng và do đó bị giảm giá trị thực so với mức chuẩn lúc ban đầu. Nhưng giá trị tiền kim loại đang lưu hành hiện nay ở mỗi nước so với giá trị tiền ở bất kỳ nước nào khác, thì đều tỷ lệ không phải với số lượng bạc nguyên chất phải có theo hàm lượng chuẩn, mà tỷ lệ với hàm lượng kim loại thực sự đang chứa đựng trong đồng tiền hiện hành. Trước khi đúc lại tiền bạc vào thời vua William, sự hối đoái giữa Anh và Hà Lan, tính toán bằng cách thông thường theo tiêu chuẩn do Sở đúc tiền ở hai nước quy định, là thiệt hại cho Anh tới 25%. Nhưng như chúng tôi được biết qua ông Lowndes, giá trị thực tể của tiền kim loại Anh thời đó còn thấp hơn 25% so với giá trị chuẩn. Vì thế, tỷ giá hối đoái thực tế lúc bấy giờ có thể là có lợi cho Anh bất kể việc tính toán về mặt hối đoái có vẻ hình như bất lợi đối với Anh; một số ounce bạc nguyên chất trên thực tế được trả ở Anh đã có thể mua được một hối phiếu có số ounce bạc nguyên chất nhiều hơn phải được trả ở Hà Lan. Người mua hối phiếu đó trên thực tế đã được một số tiền thưởng (premium). Trước khi đúc lại tiền vàng ở Anh gần đây, tiền kim loại Pháp bị mòn qua sử dụng ít hơn so với tiền Anh và có thể chỉ kém độ 2 hoặc 3% so với mức chuẩn. Nếu tỷ giá hối đoái đã được tính toán với Pháp mà không thiệt cho Anh nhiều hơn 2 hoặc 3% thì tỷ giá hối đoái coi như có lợi cho Anh. Từ khi đúc lại đồng tiền vàng, tỷ suất hối đoái luôn luôn có lợi cho Anh và thiệt cho Pháp.
Thứ hai, tại một vài nước, chi phí cho việc đúc tiền do chính phủ đài thọ, tại các nước khác thì chính những người có vàng, bạc dưới dạng thỏi hay nén đem đến Sở đúc tiền đúc thành tiền kim loại, phải tự trả mọi khoản chi phí về đúc tiền. Chính phủ không những không mất tiền chi phí đúc tiền mà còn thu được một số tiền lời qua việc đúc tiền. Ở Anh đúc tiền được chính phủ đài thọ mọi chi phí. Nếu anh mang đến Sở đúc tiền một pound bạc chuẩn, anh sẽ nhận lại được 62 shilling với hàm lượng tổng cộng là đúng một pound bạc chuẩn. Ở Pháp đưa đúc tiền phải chịu thuế 8%; thuế này không những đủ trả các khoản chi phí đúc tiền mà còn mang lại cho chính phủ một khoản thu nhập nhỏ. Ở Anh, vì đúc tiền không mất tiền chi phí, tiền kim loại không thể có giá trị cao hơn số lượng kim loại mà nó chứa đựng. Ở Pháp, vì phải trả công đúc tiền, cho nên nó làm tăng giá trị cho tiền kim loại. Một số tiền Pháp chứa đựng một trọng lượng bạc nguyên chất có trị giá cao hơn một số tiền tương đương của Anh, do đó nó phải đổi được số lượng bạc nén nhiều hơn hoặc phải đổi được nhiều hàng hóa hơn. Mặc dù tiền kim loại hiện hành ở hai nước đều gần với hàm lượng chuẩn của Sở đúc tiền, một số tiền Anh không thể đổi ngang giá với một số tiền Pháp dù cả hai loại tiền chứa đựng một số ounce bạc nguyên chất như nhau; vì thế, số tiền đó của Anh cũng không thể mua một hối phiếu ký phát ở Pháp có ghi một số tiền tương đương.
Nếu phải trả thêm cho một hối phiếu như vậy một số tiền không nhiều hơn chi phí đúc tiền ở Pháp, thì sự hối đoái tiền giữa hai nước đó có thể ngang giá nhau; những khoản tiền nợ và tiền có có thể bù trừ cho nhau, mặc dù tỷ giá hối đoái được tính toán có lợi cho Pháp khá nhiều. Nếu phải trả tiền ít hơn, thì tỷ giá hối đoái thực tế có thể có lợi cho Anh, trong khi đó tỷ giá hối đoái được tính toán lại có lợi cho Pháp.
Thứ ba, và là điều cuối cùng, tại một vài nơi, như ở Amsterdam, Hamburg, Venice v.v… các hối phiếu ngoại quốc được trả bằng tiền ngân hàng, trong khi ở các nơi khác như London, Lisbon, Antwerp, Leghorn v.v… chúng lại được trả bằng tiền thông thường tiêu dùng tại nước đó. Cái được gọi là tiền ngân hàng luôn luôn có giá trị hơn so với số tiền danh nghĩa tương đương đang được lưu hành. 1000 guilders (đơn vị tiền tệ ở Hà Lan) tại nhà ngân hàng Amsterdam có giá trị cao hơn 1000 guilders tiền thông thường lưu hành ở Amsterdam. Chênh lệch giữa chúng với nhau được gọi là tiền lời đối tiền của nhà ngân hàng mà ở Amsterdam thường được tính bằng khoảng 5%. Hãy giả thiết tiền thông thường của hai nước đều gần bằng hàm lượng chuẩn của Sở đúc tiền ở mỗi nước và rằng nước này thanh toán hối phiếu nước ngoài bằng tiền thông thường, trong khi nước kia lại thanh toán hối phiếu ngoại quốc bằng tiền ngân hàng, rõ ràng là tỷ giá hối đoái được tính toán có thể có lợi cho nước nào thanh toán bằng tiền ngân hàng, mặc dù tỷ giá hối đoái thực tế có thể có lợi cho nước thanh toán hối phiếu bằng tiền thông thường. Cũng vì lý do đó mà tỷ giá hối đoái được tính toán có thể có lợi cho nước thanh toán bằng loại tiền tốt, hoặc bằng thứ tiền gần với hàm lượng chuẩn của nó hơn, mặc dù tỷ giá hối đoái thực tế có thể có lợi cho nước thanh toán bằng thứ tiền xấu hơn. Tỷ giá hối đoái được tính toán, trước khi đúc lại tiền vàng gần đây, thường thường bất lợi cho London trong các giao dịch với Amsterdam, Hamburg, Venice, và, tôi tin rằng, với tất cả các nơi mà thanh toán bằng tiền ngân hàng. Nhưng cũng không thể suy ra là tỷ giá hối đoái thực tế lại bất lợi cho London. Kể từ khi đúc lại tiền vàng, tỷ giá hối đoái thực tế luôn có lợi cho London khi tiến hành các hoạt động giao dịch và thanh toán với các nơi đó. Tỷ giá hối đoái được tính toán thường thường có lợi cho London trong các công việc giao dịch và thanh toán với Lisbon, Antwerp, Leghorn, và, nếu không kể đến Pháp, với hầu hết các nơi khác thuộc Châu Âu mà ở đó các hối phiếu thường được thanh toán bằng tiền thông thường, và không phải là không chắc chắn là tỷ giá hối đoái thực tế cũng là như thế.
Nói thêm về các ngân hàng ký thác, đặc biệt về ngân hàng Amsterdam.
Tiền tệ của một nhà nước lớn như Pháp hoặc Anh thường chỉ bao gồm hầu như toàn bộ tiền kim loại. Nếu tiền tệ này bị hư hao trong lưu thông, cắt xén về hàm lượng hoặc bị giảm xuống dưới mức giá trị chuẩn, nhà nước có thể phục hồi lại giá trị tiền tệ trên thực tế bằng việc đúc lại tiền kim loại của mình. Nhưng tiền tệ của một nước nhỏ như Genoa hay Hamburg ít khi bao gồm tất cả là tiền kim loại của riêng mình mà còn có nhiều loại tiền kim loại khác cùng lưu hành của các nước láng giềng mà dân chúng trong nước nhận được qua các quan hệ giao lưu buôn bán. Một nhà nước như vậy sẽ không phải bao giờ cũng có thể đúc lại tiền kim loại của mình. Nếu các hối phiếu nước ngoài được thanh toán bằng loại tiền này, thì giá trị luôn luôn thay đổi, không vững chắc của bất kỳ số tiền nào chắc phải làm cho sự hối đoái luôn luôn bất lợi cho nước đó, vì tiền của nước này tất yếu bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó tại tất cả các nước khác.
Để sửa chữa điều bất tiện mà sự hối đoái bất lợi chắc hẳn đã bắt các nhà buôn phải chịu thiệt thòi, các nước nhỏ, khi bắt đầu tiến hành các hoạt động buôn bán, luôn luôn ban hành các sắc lệnh quy định rằng các hối phiếu có một giá trị nào đó sẽ được thanh toán không bằng tiền thông thường mà bằng một thứ phiếu trả tiền hoặc bằng cách chuyển tiền vào sổ sách một nhà ngân hàng nào đó được thành lập dựa vào sự tin cậy và dưới sự bảo trợ của nhà nước, nhà ngân hàng này luôn luôn có trách nhiệm phải trả bằng thứ tiền thực sự có giá trị đúng theo tiêu chuẩn của nhà nước. Các nhà ngân hàng ở Venice, Genoa, Amsterdam, Hamburg và Nuremberg hình như được thành lập lúc ban đầu theo cách này, mặc dù sau đó cũng có một vài nhà ngân hàng chuyển sang làm nhiều loại giao dịch khác nữa. Tiền của các nhà ngân hàng này đều có giá trị cao hơn đồng tiền thường dùng trong nước, do đó tất nhiên tạo ra một giá trị chênh lệch giữa hai loại tiền, giá trị chênh lệch này lớn hay nhỏ tủy theo tiền tệ bị mất giá nhiều hay ít so với mức quy định chuẩn của nhà nước.
Ví dụ: Giá trị chênh lệch của nhà ngân hàng Hamburg thường vào khoảng 14%; số phần trăm này được coi như giá chênh lệch giữa đồng tiền chuẩn của nhà nước và đồng tiền đã bị hao mòn qua lưu thông và đã bị cắt xén về hàm lượng mà các nước láng giềng tung vào nước này.
Trước năm 1609, một số không nhỏ tiền kim loại đã hao mòn và bị cắt xén của các nước ngoài, mà các hoạt động thương mại mở rộng của Amsterdam đã mang về trong nước từ khắp mọi nơi trên đất Châu Âu, đã làm giảm giá trị của đồng tiền Hà Lan khoảng 9% thấp hơn giá trị tiền kim loại chuẩn mới ra khỏi sở đúc tiền. Tiền đúc bằng kim loại theo đúng hàm lượng chuẩn như vậy vừa mới xuất hiện đã bị đúc thành khối và mang đi tiêu dùng ở những nơi khác. Các nhà buôn, tuy có trong tay rất nhiều tiền kim loại, nhưng khó có một số lượng tiền đúc chuẩn để thanh toán các hối phiếu của họ, và do đó, giá trị của các hối phiếu đó, bất kể đã có những luật lệ quy định để ngăn chặn sự xuống giá, đã trở nên không ổn định.
Để sửa đổi những sự bất tiện này, một ngân hàng được thành lập năm 1609 dưới sự bảo trợ của thành phố. Nhà ngân hàng này nhận cả tiền ngoại quốc lẫn tiền kim loại trong nước đã bị hao mòn qua sử dụng theo đúng giá trị thực chất của nó như loại tiền chuẩn, chỉ khấu trừ những phí tổn cần thiết về đúc tiền và quản lý mà thôi. Đối với giá trị số tiền còn lại sau khi đã khấu trừ chi phí, nhà ngân hàng ghi vào bên có trong sổ sách của nó. Số tiền ghi vào bên có trong sổ sách này được gọi là tiền ngân hàng. Nó tiêu biểu cho số tiền có giá trị thực chất dùng như tiền kim loại xuất từ sở đúc tiền; lúc nào tiền này vẫn vững giá và về thực chất có giá trị hơn tiền thông thường đang được lưu hành. Đồng thời, một đạo luật được ban hành quy định tất cả các hối phiếu ký phát đòi tiền hoặc trả bằng tiền ở Amsterdam với giá trị 600 guilder (guilder – đồng tiền Hà Lan) hoặc hơn nữa phải được thanh toán bằng tiền ngân hàng, và như thế làm cho các hối phiếu đó được đảm bảo vững chắc về số lượng tiền gửi trong phiếu. Mỗi nhà buôn vì vậy buộc phải có một tài khoản tại nhà ngân hàng để thanh toán các hối phiếu mà họ nợ tiền của nước ngoài, các hối phiếu đó đòi hỏi phải được trả bằng tiền ngân hàng.
Ngoài giá trị hơn hẳn về mặt thực chất so với tiền kim loại thông thường, tiền ngân hàng còn có một vài thuận lợi khác nữa. Nó hoàn toàn được bảo đảm không sợ bị hỏa hoạn, cướp bóc, trấn lột và các tai nạn khác. Thành phố Amsterdam chịu trách nhiệm và bảo đảm tiền ngân hàng về mọi mặt. Tiền này có thể dùng để trả nợ chỉ qua chuyển nhượng hay chuyển khoản đơn giản, không mất thì giờ đếm tiền mà cũng chẳng lo mọi sự rủi ro có thể xảy ra khi vận chuyển từ nơi này đi nơi khác. Do có những mặt thuận lợi nói trên, cho nên ngay từ đầu ngân hàng có lấy một số tiền lời chênh lệch và người ta thấy là các số tiền ký thác ngay từ đầu tại nhà ngân hàng được phép cho gửi lại ở đó, và không có ai đòi trả lại số tiền gửi đó mà họ có thể dùng để kiếm một số tiền lời trên thị trường. Bằng cách đòi nhà ngân hàng trả tiền, người chủ tải khoản có ở ngân hàng sẽ mất tiền thưởng khuyến khích.
Vì một shilling vừa mới ra khỏi sở đúc tiền không mua được nhiều hàng hóa hơn tại thị trường so với một đồng shilling thông thường đang lưu hành đã bị hao mòn qua sử dụng, vì thế nếu rút tiền ra khỏi ngân hàng thì đồng tiền tốt, mới, chưa sử dụng sẽ chuyển từ két sắt của ngân hàng vào túi tư nhân, và chẳng bao lâu sẽ bị trà trộn cùng với đủ các loại tiền thông thường khác, sẽ chẳng có giá trị gì hơn so với đồng tiền thông thường và sẽ không còn phân biệt được đâu là mới hay cũ nữa. Nhưng khi đồng tiền đó còn ở ngân hàng, giá trị hơn hẳn của đồng tiền đó là hoàn toàn chắc chắn và được bảo đảm. Khi nó được rút từ nhà ngân hàng ra để đưa vào túi tư nhân, giá trị hơn hẳn của nó không còn có độ chắc chắn, tin cậy như trước. Khi rút ra khỏi nhà ngân hàng, đồng thời tiền mới cứng đó mất hết mọi sự thuận lợi khác của tiền ngân hàng như tính an toàn, sự chuyển giao dễ dàng và chắc chắn, việc sử dụng nó để thanh toán các hối phiếu của nước ngoài. Ngoài ra, nó không thể rút ra khỏi các két của ngân hàng, như người ta thường thấy, mà không phải trả tiền bảo quản và tiền sổ sách.
Số tiền gửi bằng đồng kim loại đó, hoặc số tiền ký thác mà nhà ngân hàng có trách nhiệm trả lại bằng tiền kim loại, cấu thành số tiền vốn ban đầu của ngân hàng hoặc toàn bộ giá trị của cái gọi là tiền ngân hàng.
Hiện nay, các số tiền gửi như vậy chỉ cấu thành một phần nhỏ số tiền vốn của ngân hàng. Để làm cho công việc thương mại được thuận tiện, dễ dàng, nhà ngân hàng trong nhiều năm qua đã quen đưa vào tài khoản có trong sổ sách những khoản tiền gửi bằng vàng hoặc bạc nén. Số tiền có này thường chỉ vào khoảng 5% thấp hơn giá vàng, bạc nén do sở đúc tiền quy định. Nhà ngân hàng đồng thời cấp một giấy biên nhận cho người ký gửi tiền hay người mang giấy biên nhận để cho người ký gửi tiền hay người mang giấy biên nhận rút vàng, bạc nén ra bất kỳ lúc nào trong vòng sáu tháng trên cơ sở chuyển lại cho nhà ngân hàng một số lượng tiền ngân hàng tương đương với số tiền có ghi trong sổ sách ngân hàng khi tiến hành việc ký gửi tiền, và trên cơ sở trả ¼ phần trăm cho việc bảo quản và sổ sách nếu số tiền gửi là bằng bạc nén và ½ phần trăm nếu bằng vàng nén; nhưng đồng thời tuyên bố rằng khi không trả được số phần trăm này và khi quá hạn 6 tháng, số tiền gửi sẽ thuộc về ngân hàng theo giá mà số tiền đó đã được nhận cho gửi, hoặc vì giá đó mà số tiền có đã được ghi vào sổ sách chuyển tiền của ngân hàng.
Số tiền phải trả cho việc bảo quản số tiền gửi có thể được coi như một loại tiền thuê nhà kho, và tại sao số tiền thuê nhà kho này lại đắt hơn đối với vàng so với bạc thì cũng có một vài lý do. Người ta nói là vàng đủ tuổi khó phân biệt hơn bạc. Những sự gian lận, lừa lọc dễ được sử dụng hơn và gây ra tổn thất nhiều hơn đối với thứ kim loại quý đó. Ngoài ra, vì bạc là thứ kim loại chuẩn, nhà nước khuyến khích mọi người nên ký gửi bạc hơn là vàng.
Những việc ký gửi vàng, bạc nén thường được tiến hành nhiều hơn khi giá cả thấp hơn phần nào so với giá hiện hành và được rút ra khi giá tăng lên cao. Ở Hà Lan, giá thị trường của vàng, bạc nén thường cao hơn giá do sở đúc tiền quy định, cũng vì lý do như ở Anh đã xảy ra như vậy trước lần đúc lại gần đây của đồng tiền vàng. Mức chênh lệch thường từ sáu đến mười sáu stiver (stiver – đồng trinh) so với đồng mác hoặc 8 ounce bạc gồm 11 phần bạc đủ tuổi và 1 phần hợp kim. Giá của nhà ngân hàng, hay là số tiền có mà ngân hàng ghi nhận khi gửi bạc nén như vậy (khi nhận tiền gửi bằng tiền kim loại ngoại quốc mà độ đủ tuổi của bạc đã được xác định và thừa nhận như dollar Mexico) là 22 guilder một mác; giá của sở đúc tiền là vào khoảng 23 guilder và giá thị trường là từ 23 guilder 6 stiver đến 23 guilder 16 stiver, hay từ 2 tới 3 phần trăm cao hơn giá do sở đúc tiền quy định[11].
Tỷ lệ giữa giá ngân hàng, giá của sở đúc tiền và giá trị trường của vàng nén gần như giống nhau. Một người thường có thể bán giấy biên nhận để lấy mức chênh lệch giữa giá vàng nén của sở đúc tiền và giá thị trường. Một giấy biên nhận về vàng nén luôn luôn có giá trị của nó, và cũng ít khi một người nào đó chịu để cho giấy biên nhận bị quá hạn hoặc chịu để cho vàng nén rơi vào tay ngân hàng với giá mà vàng nén đã được nhận trước đó, vì không lấy vàng, bạc nén ra trước khi hết hạn sáu tháng hoặc không chịu trả ¼ hoặc ½ phần trăm để có thể nhận được một giấy biên nhận mới có giá trị trong sáu tháng sau đó.
Tuy nhiên, điều này thỉnh thoảng xảy ra, mặc dù cũng rất hiếm khi, và thường thường đối với vàng hơn là đối với bạc vì giá tiền thuê nhà kho là cao hơn đối với việc bảo quản và quản lý những kim loại quý.
Người có vàng, bạc nén ký gửi ở ngân hàng nhận được một thẻ tín dụng của ngân hàng và một giấy biên nhận. Ông ta thanh toán các hối phiếu khi đến hạn bằng số tiền có ghi trong sổ sách ngân hàng, và bán hoặc giữ giấy biên nhận do ngân hàng cấp tùy theo sự phán đoán của ông ta rằng giá vàng, bạc nén có khả năng lên hay xuống.
Giấy biên nhận và số tiền có ghi tại nhà ngân hàng ít khi được giữ lâu cùng với nhau và cũng không có điều kiện để làm như vậy. Người có một giấy biên nhận và muốn rút vàng bạc nén ra khỏi nhà ngân hàng luôn luôn có rất nhiều số tiền có ghi tại nhà ngân hàng hoặc tiền ngân hàng để mua với giá thông thường, và người có tiền ngân hàng và muốn rút vàng, bạc nén ra khỏi ngân hàng, cũng thấy việc mua giấy biên nhận rất dễ dàng vì có khá nhiều trên thị trường.
Người chủ có nhiều tiền cho ngân hàng vay, và người giữ trong tay các giấy biên nhận của nhà ngân hàng là hai loại chủ nợ đối với nhà ngân hàng. Người giữ trong tay giấy biên nhận không thể rút vàng, bạc nén ra khỏi nhà ngân hàng mà không chuyển cho ngân hàng một số tiền ngân hàng tương đương với giá khi nhà ngân hàng nhận ký gửi số vàng, bạc nén đó. Nếu ông ta không có sẵn số tiền ngân hàng đó ông ta tất phải mua của một người nào đó có tiền ngân hàng.
Người chủ có tiền ngân hàng không thể rút vàng, bạc nén ra mà không xuất trình cho ngân hàng giấy biên nhận về số lượng kim loại mà ông ta cần có. Nếu ông ta không có giấy biên nhận, ông ta tất phải mua của những người nào có giấy biên nhận. Người giữ một giấy biên nhận, khi ông ta mua tiền ngân hàng, là mua cái quyền được rút một số lượng vàng, bạc nén với giá quy định của sở đúc tiền cao hơn giá ngân hàng 5%.
Giá chênh lệch 5% mà ông ta phải trả, không phải là một giá trị tưởng tượng mà là một giá trị thực sự. Người chủ có tiền ngân hàng, khi ông ta mua một giấy biên nhận, là mua cái quyền được rút ra một số lượng vàng, bạc nén mà giá thị trường của nó thường cao hơn giá quy định của sở đúc tiền từ 2 tới 3 phần trăm. Giá mà ông ta phải trả, vì thế, cũng là phải trả cho một giá trị thực sự. Giá của giấy biên nhận và giá của tiền ngân hàng hợp thành hoặc cấu thành giá trị tổng hợp của giá của vàng bạc nén.
Khi có sự ký thác bằng tiền kim loại đang lưu hành ở trong nước, ngân hàng cấp giấy biên nhận và ghi nhận số tiền có tại sổ sách ngân hàng, nhưng các giấy biên nhận thường không có giá trị, và không có giá trên thị trường.
Ví dụ, đối với đồng ducatoon có trị giá tương đương 3 guilder 3 stiver, ngân hàng chỉ ghi sổ có 3 guilder thôi, hoặc 5% dưới giá trị hiện hành. Nhà ngân hàng cũng cấp một giấy biên nhận cho quyền người mang giấy đó được rút ra số ducatoon đã ký thác, vào bất kỳ thời gian nào trong vòng 6 tháng, sau khi đã trả ¼ phần trăm cho việc bảo quản. Giấy biên nhận thường chẳng có giá trị gì trên thị trường. Một tờ giấy bạc trị giá 3 guilder thường thường bán trên thị trường lấy 3 guilder 3 stiver, giá trị đầy đầy đủ của các ducatoon, nếu chúng được rút ra từ ngân hàng. Trước khi các ducatoon đó được rút ra, người có tiền phải trả ¼ phần trăm cho việc bảo quản. Điều này là một sự thiệt thòi cho người cầm giấy biên nhận. Nếu tỷ suất đổi tiền ở nhà ngân hàng có lúc nào đó xuống tới 3 phần trăm, thì những giấy biên nhận như vậy có thể mang lại một giá trị nào đó trên thị trường và có thể bán với giá 1 và ¾ %. Nhưng giá chênh lệch giữa hai loại tiền này của ngân hàng hiện nay thường là khoảng 5%, cho nên giấy biên nhận cấp cho việc ký thác các đồng ducatoon (tiền vàng xưa ở Châu Âu) rơi vào nhà ngân hàng nhiều hơn, vì giá tiền thuê nhà kho cao, hoặc ½ %, phải trả cho việc bảo quản trước khi chúng có thể được rút ra. Tiền lời 5% của ngân hàng, khi có số tiền ký thác hoặc bằng tiền kim loại hoặc bằng vàng, bạc nén, có thể được coi là tiền thuê nhà kho cho việc bảo quản vĩnh viễn những số tiền ký thác đó.
Số tiền mà ngân hàng có khi giấy biên nhận bị hết hạn chắc hẳn phải khá nhiều. Nó phải bao gồm toàn bộ số vốn ban đầu của ngân hàng mà ở đó số tiền này đã được phép nằm lại ngay từ buổi đầu được ký thác. Không một ai có ý định đổi lại giấy biên nhận hoặc rút số tiền ký thác ra vì, như lý do đã được nêu lên ở trên, đổi mới giấy biên nhận hay rút tiền ký thác ra đều phải một giá nào đó. Nhưng số tiền nói trên dù lên đến bao nhiêu, thì tỷ lệ của số tiền đó so với toàn bộ số tiền nhà ngân hàng có, vẫn là rất nhỏ. Nhà ngân hàng Amsterdam trong nhiều năm qua đã được xem như một nhà kho lớn của Châu Âu để bảo quản vàng, bạc nén, mà các giấy biên nhận rất ít khi bị để cho hết hạn hay là để rơi vào tay ngân hàng.
Phần lớn hơn nhiều của tiền ngân hàng, hoặc số tiền ký thác ghi nhận vào tài khoản có trong sổ sách ngân hàng, được xem như là đã được tạo nên trong nhiều năm qua bằng những số tiền ký thác như thế mà những nhà buôn vàng, bạc nén luôn luôn gửi vào và rút ra theo như cách nói trên.
Không ai có thể yêu cầu gì đối với ngân hàng, nếu không xuất trình một giấy biên nhận hợp lệ. Số tiền ngân hàng nhỏ hơn mà đối với chúng các giấy biên nhận đã bị hết hạn, thường nằm lẫn lộn trong những số tiền lớn hơn mà các giấy biên nhận vẫn còn hiệu lực, vì thế mặc dù có một số lớn tiền ngân hàng không có giấy biên nhận, không thể có một số tiền nào hoặc một phần nào của số tiền nói trên lại không có thể bị đòi hỏi phải trả bởi một giấy biên nhận vào bất kỳ lúc nào. Ngân hàng không thể cùng một lúc nợ hai người cùng một số tiền ký thác, cũng như người chủ một số tiền ngân hàng, mà không có giấy biên nhận, không thể đòi nhà ngân hàng phải trả tiền nếu ông ta chưa xuất trình được giấy biên nhận hợp lệ. Vào những thời kỳ bình thường và yên tĩnh, người đó có thể mua không khó khăn gì một giấy biên nhận tại thị trường với giá mà ông ta có thể bán số tiền kim loại hoặc vàng, bạc nén mà ông ta được phép rút ra khỏi nhà ngân hàng.
Nhưng việc làm đó sẽ không dễ dàng thực hiện khi có một tai họa cho đất nước, ví dụ như một cuộc xâm lược nước Pháp năm 1672. Những người có tiền ngân hàng lúc đó rất nóng lòng muốn rút tiền ra khỏi ngân hàng để giữ bên mình để đề phòng khi phải cần dùng đến. Yêu cầu có giấy biên nhận có thể nâng giá của nó lên tới một mức quá đáng. Những người giữ giấy biên nhận có những mong muốn không hợp lý, đáng lẽ chỉ nên lấy 2-3%, họ lại đòi tới ½ số tiền ngân hàng mà đã có giấy biên nhận.
Khi được thông báo về cách làm của ngân hàng, kẻ thù có thể cho người mua hết các giấy biên nhận để ngăn chặn việc của cải bị phân tán. Trong những trường hợp khẩn cấp như vậy, ngân hàng phải vượt qua mọi luật lệ thông thường là chỉ trả tiền cho người có giấy biên nhận mà thôi.
Những người có giấy biên nhận nhưng không có tiền ngân hàng, chắc là đã nhận từ 2 đến 3% giá trị của số tiền ký thác mà giấy biên nhận của họ đã được cấp. Vì thế ngân hàng trong trường hợp này không ngại ngùng thanh toán, hoặc bằng tiền ngân hàng hoặc bằng vàng, bạc nén, toàn bộ giá trị mà người có tiền ngân hàng được quyền rút ra, do số tiền ký thác đã được ghi rõ trong sổ sách ngân hàng, mặc dù họ không có được giấy biên nhận, và đồng thời trả 2 hoặc 3% cho những người giữ giấy biên nhận, nhưng không có tiền ngân hàng, đó là toàn bộ giá trị được coi là đúng lý phải trả cho họ.
Ngay cả trong những thời kỳ bình thường và yên tĩnh, người giữ giấy biên nhận thấy có lợi là làm giảm giá chênh lệch giữa hai loại tiền để hoặc mua tiền ngân hàng (và sau đó là vàng, bạc nén mà giấy biên nhận cho phép họ rút ra khỏi ngân hàng) càng rẻ hơn, hoặc bán giấy biên nhận cho những người có tiền ngân hàng và lại muốn rút vàng, bạc nén ra, càng đắt hơn; giá một giấy biên nhận thường thường tương đương với mức chênh lệch giữa giá thị trường của tiền ngân hàng và giá thị trường của tiền kim loại hoặc vàng, bạc nén, mà đối với chúng giấy biên nhận đã được cấp. Ngược lại, người có tiền ngân hàng lại thấy có lợi khi nâng giá chênh lệch giữa hai loại tiền để bán tiền ngân hàng càng đắt hơn, hoặc mua giấy biên nhận càng rẻ hơn. Để ngăn chặn các mưu mô đầu cơ chứng khoán, ngân hàng trong những năm gần đây đi đến quyết định bán vào bất kỳ thời gian nào tiền ngân hàng lấy tiền thông thường với giá chênh lệch là 5% và đồng thời cũng mua tiền ngân hàng với giá chênh lệch 4%. Do có quyết định này, giá chênh lệch giữa bán ra và mua vào không bao giờ lên quá 5% và hạ xuống dưới 4%, và tỉ lệ giữa giá thị trường của tiền ngân hàng và tiền thông thường luôn luôn được giữ ở mức rất gần với giá thực tế. Trước khi quyết định này được thực hiện, giá thị trường của tiền ngân hàng đôi khi thường vượt lên cao tới 9% giá chênh lệch và đôi khi lại hạ xuống tới mức ngang giá với tiền thông thường, tùy theo mức độ những lợi ích đối kháng ảnh hưởng tới thị trường.
Ngân hàng Amsterdam thường tuyên bố là không cho vay một phần nào trong số tiền ký thác cho nó, và mỗi đồng guilder được ghi vào phần có trong sổ sách đều được giữ trong kho bằng tiền hoặc bằng vàng, bạc nén. Thật không có gì nghi ngờ là ngân hàng Amsterdam bảo quản trong kho mọi số tiền và vàng, bạc nén đã được cấp giấy biên nhận và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chi trả bất kỳ lúc nào và các số tiền đó luôn luôn được gửi vào và rút ra. Nhưng thật là một điều chưa thật xác thực là ngân hàng này có làm như vậy không đối với phần vốn mà các giấy biên nhận đã hết hạn từ lâu và trong thời kỳ bình thường, yên tĩnh chẳng có ai đòi hỏi gì cả và trên thực tế phần vốn đó rất có thể cứ nằm trong ngân hàng mãi mãi, chừng nào các nhà nước của các tỉnh thống nhất (the States of the United Provinces) vẫn tồn tại. Ở Amsterdam, người ta đặt lòng tin rất nhiều vào đồng guilder (tiền vàng ở Hà Lan) được lưu hành như tiền ngân hàng vì mỗi đồng guilder đem lưu hành đều có một lượng vàng hoặc bạc tương đương trong kho ngân hàng. Thành phố đảm bảo là tình hình sẽ là như vậy. Ngân hàng Amsterdam đặt dưới sự điều khiển của bốn vị thị trưởng cầm quyền, các vị này được thay thế hàng năm. Cả bốn vị thị trưởng phân công nhau đến xem xét các của cải, kho tàng của ngân hàng, so sánh với sổ sách kế toán, tiếp nhận và truyền lại kho báu một cách trang trọng đặc biệt, và các vị thị trưởng thay thế họ cũng đã làm như vậy. Một sự thay đổi các vị thị trưởng để giám sát công việc của ngân hàng như thể tự nó cũng đã là một sự đảm bảo chống lại mọi hành vi mờ ám. Trong các cuộc cách mạng mà các nhóm chống đối chính phủ gây ra, đảng đa số chưa bao giờ tố cáo các đảng trước nó về một sự thiếu trung thực trong công việc quản lý ngân hàng. Năm 1672, khi nhà vua Pháp ở tại Utrecht, ngân hàng Amsterdam đã chi trả rất sòng phẳng đến mức chẳng có một ai nghi ngờ về sự trung thực của nó cả.
Có những người tò mò muốn biết tổng số tiền vốn của nhà ngân hàng là bao nhiêu? Không có gì để xác định rõ ràng ngoài sự ước đoán mà thôi. Người ta tính ước có khoảng 2000 người có tài khoản ở ngân hàng, vì một giá trị khoảng 1500 bảng sterling được ghi trong các tài khoản của từng người, cho nên toàn bộ số tiền của ngân hàng lên tới khoảng 3 triệu sterling, hoặc, tính 11 guilder bằng một bảng sterling, thì số tiền đó phải là 33 triệu guilder. Một số tiền lớn đủ để đảm bảo cho việc lưu thông tiền tệ rất rộng lớn, nhưng số tiền đó còn kém rất xa so với những dự đoán quá cao của một vài người về số vốn của ngân hàng này.
Thành phố Amsterdam có được một số thu nhập đáng kể từ nhà ngân hàng này. Ngoài số tiền thuê nhà kho như đã nói ở trên, mỗi người khi mở tài khoản đầu tiên ở nhà ngân hàng này phải trả tiền lệ phí 10 guilder (tiền vàng Hà Lan) và mỗi lần mở thêm tài khoản thì tiền lệ phí là 3 guilder và 3 stiver (stiver), mỗi lần chuyển khoản mất 2 stiver, và nếu như số tiền chuyển khoản ít hơn 300 guilder thì mất 6 stiver để làm giảm số giao dịch chuyển khoản nhỏ. Người nào quên không quyết toán tài khoản hai lần trong một năm phải nộp phạt 25 guilder. Người nào yêu cầu chuyển khoản với số tiền rút ra quá số dư, thì phải trả thêm 3% số tiền rút quá số dư, và đơn xin rút tiền của ông ta bị để riêng ra để còn thương lượng với nhà ngân hàng. Nhà ngân hàng còn thu được tiền lời khá nhiều qua việc bán số tiền kim loại ngoại hoặc vàng, bạc nén mà đôi khi ngân hàng được quyền sử dụng do các giấy biên nhận hết hạn, và số tiền và vàng, bạc nén đó thường được giữ lại cho đến khi bán được giá cao hơn. Ngân hàng cũng thu được tiền lời qua việc bán tiền ngân hàng với 5% tiền chênh lệch và chỉ mua với giá chênh lệch là 4%. Các số tiền thù lao và lệ phí cùng với các khoản tiền lời lên tới một con số khá lớn, thừa để trả lương cho các viên chức làm việc tại nhà ngân hàng và các khoản chi phí về mặt quản lý. Chỉ riêng số tiền để trả cho việc bảo quản vàng, bạc nén trên cơ sở giấy biên nhận đã lên tới 150.000 đến 200.000 guilder mỗi năm. Mục đích ban đầu mà ngân hàng tự đặt cho mình là phục vụ lợi ích chung của mọi người, chứ không phải kiếm lời. Mục đích đó là giảm bớt cho các nhà buôn mọi sự bất tiện và phiền toái trong các công việc giao lưu buôn bán, cho nên số tiền lời mà ngân hàng thu được là một việc không tính trước và coi như một điều bất ngờ xảy ra. Nhưng đã đến lúc chấm dứt sự đi lạc đề quá xa này mà tôi đã bị dẫn dắt vào đó một cách vô ý thức khi mải tìm cách giải thích các lý do tại sao sự trao đổi giữa các nước mà thanh toán bằng tiền ngân hàng và các nước thanh toán bằng tiền thông thường, lại có lợi cho các nước thanh toán bằng tiền ngân hàng và thiệt cho các nước thanh toán bằng tiền thông thường. Tiền ngân hàng có giá trị thực chất mà bất cứ lúc nào cũng không thay đổi và theo đúng chuẩn mức quy định của sở đúc tiền, trong khi tiền thông thường lại có giá trị bên trong luôn luôn thay đổi và luôn luôn ít hoặc nhiều thấp hơn chuẩn mức quy định.
PHẦN II
TÍNH BẤT HỢP LÝ CỦA NHỮNG HẠN CHẾ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI CÁC NGUYÊN TẮC KHÁC
Trong phần trước của chương I này, tôi đã cố gắng trình bày, kể cả đối với các nguyên tắc của chế độ thương mại, rằng không cần thiết phải áp đặt những hạn chế đặc biệt đối với việc nhập hàng hóa từ các nước mà với họ cán cân thương mại bị coi như bất lợi cho ta.
Tuy vậy, không có gì phi lý hơn cái học thuyết về cán cân thương mại mà trên đó đã được xây dựng không những những hạn chế này mà còn hầu hết các luật lệ khác nữa về thương mại. Khi hai nơi buôn bán với nhau, học thuyết này cho rằng nếu cán cân ngang nhau, chả bên nào bị thiệt hoặc lợi cả, nhưng nếu cán cân nghiêng về một bên ở bất kỳ mức độ nào thì tất yếu một trong hai bên sẽ bị thiệt, và phía bên kia sẽ được lợi tùy theo mức lệch cách xa mức thăng bằng. Cả hai giả thiết đều sai. Một công việc buôn bán được tiến hành bằng tiền thưởng và độc quyền có thể và thường bất lợi cho nước mà đáng ra được lợi, như tôi sẽ trình bày dưới đây. Nhưng nếu việc buôn bán đó không có sự ép buộc hoặc hạn chế, mà thường thường được tiến hành một cách tự nhiên và đều đặn giữa bất kỳ hai nơi nào đó, thì sẽ luôn luôn mang lại lợi ích cho cả hai bên, mặc dù không phải luôn luôn có lợi như nhau.
Nói rằng có lợi, là tôi hiểu rằng không phải là được một số lượng vàng, bạc nhiều hơn mà là tăng giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động trong nước hoặc tăng số thu nhập hàng năm của dân chúng.
Nếu cán cân là ngang nhau và nếu việc buôn bán giữa hai nơi bao gồm hoàn toàn việc trao đổi các hàng hóa trong nước, thì trong phần lớn các trường hợp, dân cư không những của cả hai nơi đều có lợi mà họ còn kiếm được số tiền lời ngang nhau hoặc gần như ngang nhau; trong trường hợp này mỗi bên đều cung cấp thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm dư thừa của nhau; mỗi bên đều hoàn lại số vốn đã được sử dụng để sản xuất và chế biến phần sản phẩm dư thừa của phía bên kia, số vốn mà đã mang lại tiền lời và nuôi sống một số người ở bên kia. Do số hàng hóa trao đổi được giả thiết là ngang nhau về mặt giá trị, vì thế hai số vốn sử dụng vào công việc buôn bán trong đa số trường hợp là bằng nhau hoặc gần như thế. Cả hai số vốn nói trên đều được sử dụng vào việc sản xuất ra các mặt hàng nội địa của hai nước, cho nên số thu nhập phân phối cho cư dân để nuôi sống họ cũng sẽ bằng nhau hoặc gần như thế. Số tiền lời nhiều hay ít tùy theo mức độ buôn bán trao đổi giữa hai bên. Nếu hàng năm giá trị số lượng hàng hóa buôn bán giữa hai bên lên tới 100.000 bảng, hoặc 1 triệu bảng chẳng hạn, thì mỗi bên thu được một số tiền hoặc 100.000 hoặc 1.000.000 bảng cho dân chúng của bên mình.
Nếu việc buôn bán giữa hai bên diễn ra theo kiểu: một bên xuất khẩu toàn hàng hóa trong nước và phần bán của phía bên kia lại toàn là hàng ngoại, thì cán cân, trong trường hợp này, vẫn được giả định là ngang nhau vì hàng trả bằng hàng. Trong trường hợp này, cả hai bên đều được lợi, nhưng không đều nhau, và dân chúng của nước xuất khẩu toàn hàng trong nước sẽ thu được tiền lợi lớn nhất từ việc buôn bán đó. Ví dụ, nếu Anh phải nhập từ Pháp toàn hàng sản xuất tại trong nước đó nhưng lại chẳng có hàng nội địa để trao đổi theo yêu cầu của Pháp, thì hàng năm Anh phải mua một lượng khá lớn các hàng ngoại, ví dụ thuốc lá và hàng hóa từ Đông Ấn để xuất sang Pháp. Việc buôn bán như thế, mặc dù vẫn tạo nên thu nhập cho dân chúng của cả hai nước nhưng mang lại thu nhập lớn cho dân Pháp hơn là dân Anh. Toàn bộ số tiền vốn, mà Pháp dùng hàng năm để sản xuất, lại được phân phối cho dân chúng Pháp. Nhưng ở Anh chỉ cái phần vốn sử dụng để sản xuất hàng hóa dùng trao đổi và mua hàng ngoại là được phân phối cho dân chúng Anh. Phần lớn số vốn được dùng để hoàn lại số vốn đã được sử dụng ở Virginia, Indostan và Trung Hoa và tạo thu nhập cho dân chúng ở các nước xa xôi đó. Nếu các số vốn là ngang nhau hoặc gần ngang nhau, thì việc sử dụng tiền vốn của Pháp sẽ làm tăng nhiều hơn số thu nhập của dân chúng Pháp so với việc sử dụng tiền vốn của Anh để làm tăng thu nhập của dân chúng Anh. Trong trường hợp này, Pháp tiến hành nền ngoại thương tiêu dùng trực tiếp với Anh, trong khi Anh lại tiến hành một cuộc buôn bán vòng vo với Pháp. Những tác động khác nhau của một số vốn sử dụng vào ngoại thương trực tiếp và một số vốn sử dụng vào ngoại thương vòng vo để phục vụ cho tiêu dùng trong nước đã được giải thích kỹ qua các thí dụ trên.
Thật ra không có một thứ buôn bán nào giữa hai nước mà cả hai bên đều sử dụng toàn hàng nội địa, hoặc một bên là hàng nội địa và bên kia là hàng ngoại. Hầu hết các nước trao đổi với nhau một phần bằng hàng nội địa và một phần bằng hàng ngoại. Nước nào có tỷ lệ hàng nội nhiều hơn so với hàng ngoại thì luôn luôn kiếm được nhiều lời hơn.
Nếu nước Anh trả tiền cho các hàng hóa nhập hàng năm từ Pháp không bằng thuốc lá và hàng hóa của Đông Ấn mà bằng vàng và bạc thì trong trường hợp này, cán cân được giả thiết là không ngang bằng nhau, vì hàng hóa không được trả bằng hàng hóa mà bằng vàng và bạc. Song, việc buôn bán, cũng như trong trường hợp trên, mang lại một số lợi nhuận nào đó cho dân chúng của cả hai nước, nhưng dân chúng Pháp được nhiều hơn dân chúng Anh. Dân chúng Anh cũng nhận được một phần thu nhập. Do dân chúng Anh sản xuất ra một số hàng hóa để mua vàng và bạc, số vốn mà họ dùng cho công việc sản xuất đó tất nhiên phải được hoàn lại để họ có khả năng tiếp tục sản xuất. Toàn bộ số vốn của Anh cũng không bị giảm nhiều do xuất khẩu vàng bạc hơn là do xuất khẩu một giá trị tương đương của bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Ngược lại, trong đa số trường hợp, tiền vốn đó còn tăng lên. Không có thứ hàng hóa nào được xuất khẩu ngoài các mặt hàng được dân chúng nước ngoài ưa chuộng hơn trong nước, và số hàng hóa mua ở nước ngoài đem về nước sẽ có một giá trị cao hơn ở trong nước so với hàng đã xuất đi. Nếu số thuốc lá mà Anh xuất sang Pháp trị giá 100.000 bảng, khi sang tới Pháp sẽ mua được một số rượu vang mà khi trở về Anh sẽ bán lại được 110.000 bảng, thì sự trao đổi này làm tăng số vốn của Anh lên khoảng 10.000 bảng. Nếu 100.000 bảng vàng Anh, cũng theo cách trên, mua rượu vang của Pháp khi vận chuyển về đến Anh có trị giá bằng 110.000 bảng, thì sự trao đổi này cũng làm tăng số vốn của Anh lên khoảng 10.000 bảng. Một người lái buôn có 110.000 bảng rượu vang trong hầm chứa rượu giàu hơn người chỉ có 100.000 bảng thuốc lá trong kho chứa hàng, người lái buôn này tất nhiên cũng giàu hơn người nào đó chỉ có 100.000 bảng vàng trong két sắt. Người lái buôn có thể huy động số vốn trong tay vào một số ngành công nghiệp, thuê mướn, trả công cho một số người lao động đông hơn so với hai người kia. Tổng số vốn trong nước bằng các số vốn của các công dân cộng lại, và số lượng các ngành công nghiệp có thể đưa vào sản xuất hàng năm là do các số vốn đó có thể được dùng cho các ngành nghề đó. Vì vậy, cả số vốn của đất nước và số ngành công nghiệp được đưa vào hoạt động hàng năm thường tăng lên nhờ sự trao đổi buôn bán này. Thực vậy, sẽ là lợi hơn đối với Anh nếu nước này có thể mua rượu vang Pháp bằng các đồ ngũ kim và vải vóc hơn là mua bằng thuốc lá Virginia hoặc vàng, bạc của Brazil và Peru. Việc buôn bán trực tiếp hàng tiêu dùng với nước ngoài luôn luôn có lợi hơn là buôn bán vòng vo. Nhưng việc buôn bán vòng vo với nước ngoài phục vụ cho việc tiêu dùng trong nước tiến hành bằng vàng và bạc thì hình như không ít lợi hơn so với việc buôn bán cũng vòng vo khác. Một nước không có mỏ kim loại quý không có thể coi là kiệt quệ về vàng và bạc do việc xuất khẩu các kim loại đó hàng năm, cũng như nước không trồng thuốc lá không bao giờ thiếu thuốc lá, cũng như nước có tiền mua vàng bạc không bao giờ thiếu thứ kim loại đó.
Người ta nói sẽ là một việc buôn bán thua lỗ khi người thợ lại mở cửa hàng bán bia, và một nước sản xuất công nghiệp tiến hành buôn bán với một nước sản xuất rượu vang cũng có thể coi tương tự như trường hợp trên. Tôi xin trả lời rằng mở cửa hàng bán bia không nhất thiết là một nghề thua lỗ. Về bản chất, nó cũng mang lại lợi ích chẳng khác gì các nghề khác mặc dù có phần nào dễ bị lạm dụng nhiều hơn. Việc làm của người nấu rượu bia và của cả người bán lẻ các thứ rượu lên men là sự phân công lao động cần thiết như nhiều công việc làm khác. Người thợ sẽ có lợi hơn nếu mua của người nấu rượu bia số lượng rượu mà anh ta cần dùng hơn là tự mình nấu lấy để uống, nhưng nếu anh ta lại là một người thợ nghèo thì tốt hơn hết là anh ta nên đến người bán lẻ rượu mua ít một vừa đủ dùng hơn là mua ngay một lần một số lượng lớn rượu của người nấu rượu bia. Anh ta chắc là mua cũng khá nhiều của người bán lẻ rượu, và của người nấu rượu, cũng như anh ta còn mua nhiều thứ khác nữa của những người buôn bán khác trong vùng xung quanh nơi anh ta ở, như là mua thịt của người hàng thịt, mua vải của người bán vải, nếu anh ta không muốn tỏ ra quá xoàng xĩnh so với bạn bè. Đối với phần lớn người thợ, thật là có lợi nếu như các ngành buôn bán đều được tự do kinh doanh dù họ có bị những người bán hàng lợi dụng những cơ hội khan hiếm để bắt chẹt họ, nhưng thật ra cũng không phải người bán hàng nào cũng có thái độ như thế. Ngoài ra, mặc dù các cá nhân có thể khánh kiệt gia sản vì uống quá nhiều rượu, nhưng đối với toàn thể dân tộc thì không thể có sự rủi ro như vậy. Ở mỗi nước đều có khả năng nhiều người chi tiền cho việc uống rượu nhiều hơn số tiền kiếm ra, nhưng luôn cũng có rất nhiều người khác lại uống rất ít hoặc chẳng uống tí nào. Một điều đáng nhận xét ở đây là qua kinh nghiệm thực tế, giá rượu rẻ không phải là nguyên nhân của nạn say rượu mà là của sự tiết độ. Dân chúng ở các nước chế biến rượu thường là những người uống rượu có điều độ nhất ở Châu Âu. Bằng chứng là người Tây Ban Nha, người Italia và dân chúng ở các tỉnh miền nam nước Pháp. Mọi người đều ít khi ăn uống quá mức trong các bữa thông thường hàng ngày. Không ai lại muốn tỏ ra hào phóng, rộng rãi và biểu thị tình bằng hữu thân thiết bằng cách mời uống rượu một cách bừa bãi khi rượu mùi cũng rẻ không khác gì bia. Ngược lại, tại các nước mà ở đó dân chúng không trồng được nho do quá nóng hoặc quá lạnh, do đó rượu vang đắt và hiếm, nạn say rượu lại thường xảy ra và là một tật xấu thường thấy trong dân chúng ở các dân tộc phương bắc và những người sống ở vùng nhiệt đói, ví dụ như người da đen ở bờ biển Guinea chẳng hạn. Khi một trung đoàn lính Pháp chuyển từ các tỉnh miền bắc nước Pháp mà ở đó rượu vang giá khá đắt xuống đóng ở miền nam, nơi sản xuất và bán rượu vang với giá rất rẻ, người ta nhận thấy là những người lính đó bị sa ngã và trở nên hư hỏng vì uống quá nhiều rượu, nhưng chỉ sau đó vài tháng mà thôi, phần lớn những người lính đó lại trở lại phong độ cũ và uống rượu vang rất điều độ như dân chúng ở trong vùng. Nếu ngay lập tức miễn thuế đánh vào rượu vang ngoại, và các thứ thuế gián thu vào mạch nha, rượu bia, có thể ở Anh cũng xảy ra tình trạng say rượu khá phổ biến nhưng chỉ tạm thời trong số những người trung và hạ lưu và sau đó mọi người lại trở lại tình hình tiết độ trong việc uống rượu. Vào thời này, say rượu không còn là một tật xấu của những người phong lưu, lịch sự hoặc của những người giàu có có khả năng mua dễ dàng các loại rượu đắt tiền. Người ta rất ít khi trông thấy một người lịch sự say rượu bia trong những người công dân của chúng ta. Những hạn chế đối với ngành buôn bán rượu vang ở Anh không phải là nhằm ngăn cấm mọi người, nếu tôi có thể nói được như vậy, đi đến quán rượu bia hay đến một cửa hiệu mua loại rượu mùi ngon và rẻ nhất. Dân chúng Anh ủng hộ việc buôn bán rượu vang với Bồ Đào Nha và không muốn có loại giao dịch này với Pháp. Mọi người thường nói người Bồ Đào Nha là những khách hàng tốt đối với những hàng công nghiệp của chúng ta hơn là người Pháp, và như thế, chúng ta cần phải dành ưu tiên cho Bồ Đào Nha hơn là cho Pháp.
Người Bồ Đào Nha mua hàng hóa của Anh, tất nhiên chúng ta cũng phải ưu tiên mua hàng của họ. Những cách làm ăn lén lút, vụng trộm của những nhà buôn thiếu tư cách đã được coi là những nguyên tắc xử thế về mặt chính trị của một đế chế, vì chỉ những nhà buôn thiếu tư cách nhất đã xử sự như vậy trong giao lưu buôn bán với khách hàng. Một nhà buôn lớn thường chỉ mua hàng ở những nơi có hàng rẻ và tốt nhất, người đó chẳng chú trọng gì đến các mặt khác trong mối quan hệ của họ.
Bằng những phương châm xử thế như vậy, các nước đều theo đuổi mục đích phục vụ cho lợi ích riêng của họ là phải làm khánh kiệt các nước láng giềng. Mỗi dân tộc sinh ra là để nhìn với con mắt cá nhân thèm muốn sự giàu sang, phồn vinh của các dân tộc khác mà dân tộc này có quan hệ buôn bán, và coi cái được lợi của các dân tộc khác là sự thiệt hại cho bản thân mình.
Đáng lẽ ra theo lẽ tự nhiên phải là một mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, giữa các cá nhân, thì thương mai lại trở thành một nguồn gây nên bao nhiêu sự bất hòa và thù hận. Lòng tham vọng của vua chúa đã không gây tai hại trong thế kỷ hiện nay cũng như thế kỷ trước đối với sự yên tĩnh của Châu Âu hơn sự ghen ghét vô hạn độ của các nhà buôn và các nhà sản xuất công nghiệp. Bạo lực và bất công của những kẻ thống trị loài người là một tai họa cổ xưa, mà tôi e rằng bản chất con người ít khi chịu sửa đổi. Nhưng sự tham lam quá quắt, tính độc quyền của các nhà buôn và nhà sản xuất công nghiệp, mà họ chẳng phải và cũng không thể là kẻ thống trị loài người, có thể bị ngăn chặn rất dễ dàng để khỏi quấy nhiễu sự yên tĩnh của bất kỳ ai khác ngoài bản thân họ, mặc dù sự tham lam đó có thể không phương cứu chữa.
Đó chính là tinh thần độc quyền mà, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, ngay từ đầu đã nghĩ ra và phổ biến học thuyết này, và những kẻ đầu tiên dạy cho người khác cái học thuyết đó không phải là những kẻ điên rồ như những người tin vào học thuyết đó. Ở mỗi nước, lợi ích của đại bộ phận nhân dân là muốn mua bất kỳ cái gì mà người khác bán rẻ nhất, còn lợi ích của giới thương nhân và sản xuất thì hoàn toàn trái ngược với lợi ích của đại quần chúng nhân dân. Cũng chẳng khác gì những người tự do trong một phường hội muốn ngăn cản không cho dân chúng được sử dụng bất kỳ một người thợ nào trừ họ ra, thì cũng như thế lợi ích của nhà buôn và nhà sản xuất công nghiệp ở mỗi nước đều muốn dành cho họ độc quyền về thị trường trong nước.
Vì lý do đó, ở Anh và các nước Châu Âu khác, những sắc thuế đặc biệt thường đánh vào hầu hết các mặt hàng do các nhà buôn nước ngoài nhập vào, và vì thế mà nhiều thứ thuế cao và nhiều sự cấm đoán ngặt nghèo đã áp đặt lên các hàng hóa công nghiệp nước ngoài có khả năng cạnh tranh với hàng nội địa. Và cũng vì thế mà đã ban bố những hạn chế đặc biệt đối với hầu hết các loại hàng hóa nhập từ các nước mà cán cân thương mại với các nước đó được giả thiết là bất lợi, điều đó có nghĩa là cấm nhập hàng từ các nước mà sự thù oán dân tộc chống lại họ là kịch liệt nhất.
Sự giàu có của một nước láng giềng tất nhiên có lợi trong buôn bán, mặc dù là nguy hiểm trong chính trị và chiến tranh. Trong tình hình chiến sự xảy ra, kẻ thù của chúng ta, nếu giàu có, tất có thể duy trì những hạm đội và quân đội hùng mạnh hơn chúng ta, nhưng trong hòa bình và buôn bán sự giàu có đó lại giúp họ trao đổi với chúng ta một giá trị hàng hóa lớn hơn và cung cấp một thị trường tốt hơn cho các sản phẩm mà nền công nghiệp của chúng ta trực tiếp làm ra hoặc cho bất kỳ thứ hàng hóa nào được mua bằng các sản phẩm đó. Cũng giống như người giàu có thể là một khách hàng tốt đối với những người láng giềng chăm chỉ làm ăn hơn là một người nghèo, vậy một nước giàu cũng giống như vậy đối với các nước láng giềng. Nhưng nếu một người giàu là một nhà sản xuất công nghiệp, ông ta sẽ là một người láng giềng rất nguy hiểm đối với tất cả những ai làm cùng nghề sản xuất như ông ta. Nhưng tất cả những người còn lại trong vùng này, là quảng đại quần chúng sinh sống ở đây, lại được hưởng những lợi ích của thị trường mà sự tiêu pha rộng rãi của người giàu đã làm cho sôi động hơn lên. Họ còn được lợi ở chỗ là, nhà sản xuất giàu này bán hàng rẻ hơn những người thợ nghèo. Các nhà sản xuất công nghiệp tại một nước giàu cũng là những đối thủ rất nguy hiểm cho những nhà sản xuất khác ở các vùng lân cận. Tuy thế, sự cạnh tranh giữa những nhà sản xuất lại có lợi cho số đông dân chúng, những người này được lợi rất nhiều tại một thị trường rất sống động do những khoản chi tiêu lớn của một dân tộc giàu có làm nên.
Những tư nhân muốn làm giàu không bao giờ chỉ nghĩ đến việc rút lui về buôn bán tại các tỉnh, miền xa xôi và nghèo khổ ở trong nước mà họ thường kiếm sống tại thủ đô hoặc ở những thành phố buôn bán lớn. Họ hiểu rất rõ, là ở nơi nào mà hàng hóa ít lưu thông thì họ rất khó kiếm tiền lời, nhưng nơi nào mà của cải đầy rẫy, phong phú thì tất nhiên họ phải có phần lợi nhuận. Chân lý đó làm cho mọi người, một truyền đi cho mười, mười truyền cho trăm nghìn, vạn người khác, đều đi đến sự nhận định chung là những tài sản, của cải của những nước láng giềng là một cơ hội có thể mang lại cho họ sự giàu có. Một dân tộc muốn làm giàu bằng con đường ngoại thương tất nhiên phải tìm đến buôn bán với các nước láng giềng có những người dân giàu có, cần cù, siêng năng, chăm chỉ làm ăn. Một quốc gia lớn mà xung quanh lại là những dân tộc mọi rợ, nghèo đói, chắc là cũng có thể làm giàu bằng cách cày cấy, trồng trọt những ruộng đất trong nước, tiến hành và phát triển nội thương, chứ không thể bằng con đường ngoại thương với các nước xung quanh đó. Hình như bằng cách này mà người Ai Cập cổ xưa và người Trung Hoa hiện nay đã dành được sự giàu có rất lớn. Người Ai Cập cổ xưa chẳng quan tâm gì đến việc buôn bán với các nước khác, và người Trung Hoa lại rất ghét ngoại thương và ít khi có những luật lệ được ban hành để bảo vệ việc thương mại với nước ngoài. Những tiền đề ngoại thương với mục đích làm bần cùng hóa tất cả các dân tộc láng giềng, dù nó đã có thể thực hiện được ý định mong muốn, nhưng đã làm cho việc buôn bán với nước ngoài theo cách đó trở nên vô nghĩa và đáng khinh.
Chính vì những tiền đề này mà việc buôn bán giữa Pháp và Anh đã bị đặt dưới rất nhiều hạn chế và cấm đoán. Nếu cả hai nước này từ bỏ mọi sự thù hận dân tộc và sự ghen ghét trong các quan hệ buôn bán, và chỉ quan tâm đến những lợi ích thật sự, thì nền thương mại tiến hành giữa Pháp và Anh sẽ có lợi cho cả hai nước hơn là cho bất kỳ nước nào khác. Pháp là nước láng giềng gần gũi nhất với Anh. Trong các công việc giao dịch buôn bán giữa vùng bờ biển phía nam nước Anh với các vùng bờ biển phía bắc và tây bắc Pháp, kim ngạch có thể được quay vòng, cũng giống như việc buôn bán trong nội địa, tới 4, 5 hoặc 6 lần trong năm. Số vốn do đó được sử dụng trong việc buôn bán này tại mỗi nước được sử dụng 4, 5 hoặc 6 lần để quay vòng công việc sản xuất công nghiệp, và vì thế cung cấp việc làm và nguồn sinh sống cho một số người 4, 5 hoặc 6 lần nhiều hơn mà 1 số tiền vốn tương đương có thể làm được trong ngành ngoại thương với các nước khác. Giữa các miền xa xôi của Anh và Pháp, thì ít nhất kim ngạch cũng quay vòng được một lần. Ít nhất cũng có lợi gấp ba lần so với việc buôn bán đã được nhiều người ca ngợi với các thuộc địa ở Bắc Mỹ mà qua đó số tiền vốn bỏ ra được thu lại cũng phải mất không kém ba năm, nhiều khi còn không kém bốn hoặc năm năm. Nước Pháp có 24 triệu dân. Các thuộc địa ở Bắc Mỹ của chúng ta chưa bao được giả thiết là có hơn ba triệu người, và hơn nữa, Pháp là một nước giàu có hơn nhiều so với Bắc Mỹ, mặc dù do sự phân bổ của cải không đều, nên nước này có thể có nhiều người nghèo hơn nước kia. Vì thế cho nên Pháp có khả năng cung cấp một thị trường rộng lớn ít nhất gấp tám lần, và do số vốn quay vòng nhanh hơn cho nên Pháp còn lợi hơn gấp 24 lần so với các nước thuộc địa của chúng ta ở Bắc Mỹ. Việc buôn bán của Anh cũng có lợi chẳng kém đối với Pháp, và theo tỷ lệ số dân, sự giàu có và khoảng cách gần thì Pháp cũng có lợi hơn rất nhiều so với khi tiến hành buôn bán với các thuộc địa của mình. Những lợi ích rất lớn là như vậy trong việc buôn bán giữa hai nước mà cả hai dân tộc này lại muốn vùi dập và không cho phát triển để cùng nhau được hưởng.
Nhưng chính những yếu tố mà có thể làm cho việc buôn bán giữa hai nước trở nên tự do và có lợi cho cả hai bên, lại gây nên cản trở chính đối với nên thương mại giữa hai nước. Vì là những nước láng giềng gần gũi, cả hai đương nhiên phải là kẻ thù của nhau. Sự giàu có và sức mạnh của nước này trở thành điều lo sợ ghê gớm đối với nước kia. Những gì đáng lẽ ra tăng cường tình hữu nghị giữa các nước, lại làm tăng thêm sự thù hận dân tộc. Cả hai nước đều giàu có và nhân dân lao động cần cù, chăm chỉ, cho nên các nhà buôn và nhà sản xuất công nghiệp ở nước này rất sợ sự cạnh tranh của những đối thủ của họ ở nước kia. Sự ghen ghét về buôn bán bị thúc đẩy và kích động bởi sự thù hằn dân tộc. Các nhà buôn của cả hai nước tuyên bố rằng sự phá sản, thất bại của bên này, do hậu quả của cán cân thương mại bất lợi, sẽ là một kết quả tất yếu xẩy ra của việc buôn bán không hạn chế với bên kia.
Không có một nước buôn bán nào ở Châu Âu mà sự suy sụp, phá sản của nó lại thường không được báo trước bởi các vị được gọi là thầy thuốc của cái chế độ này để tránh một cán cân thương mại bất lợi. Tuy thế sau tất cả những lo âu mà họ đã khích động về việc này, sau tất cả những cố gắng không có kết quả của hầu hết các quốc gia thương mại để làm cho cán cân này nghiêng về chính mình và bất lợi cho các nước láng giềng, người ta không thấy có hiện tượng là có một nước Châu Âu nào đó bị bần cùng hóa về một mặt nào đó bởi nguyên nhân này. Ngược lại, tất cả các thành phố và quốc gia, tùy theo mức độ mở cửa hải cảng của họ cho sự giao lưu buôn bán với các nước, thay vì bị suy sụp và phá sản vì hoạt động thương mại tự do này, như các nguyên tắc về chế độ thương mại đã chỉ cho chúng ta thấy, lại trở nên giàu có vì mở rộng cửa cho việc giao lưu thương mại. Mặc dù ở Châu Âu thực ra có một vài thành phố mà về một vài mặt nào đó xứng đáng với cái tên là hải cảng tự do, không có một nước nào xứng đáng như vậy cả. Hà Lan có thể coi như tiếp cận gần nhất với tính chất này, tuy hãy còn xa mới đạt được tính chất đó, và Hà Lan đã được công nhận là không những thu được toàn bộ của cải để làm giàu mà còn nhận được một phần lớn lượng cung cấp lương thực cần thiết từ việc buôn bán với nước ngoài.
Còn có một loại cán cân khác, như đã được giải thích, rất khác với cán cân thương mại, và tùy theo cán cân đó xẩy ra theo hướng có lợi hay bất lợi, tất yếu mang lại sự phồn vinh hay suy sụp của mọi quốc gia. Đó là cán cân giữa tổng sản phẩm hàng năm và tổng lượng tiêu dùng. Như đã có nhận xét, nếu giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm vượt giá trị trao đổi của tiêu dùng hàng năm, thì số tiền vốn của xã hội phải tăng lên hàng năm theo cùng tỷ lệ với số lượng vượt trội đó. Trong trường hợp này, xã hội sống trong phạm vi số thu nhập của mình. Những gì tiết kiệm được từ số thu nhập hàng năm đó tất nhiên được nhập vào số vốn và được sử dụng để tăng thêm hơn nữa số sản phẩm hàng năm. Trái lại, nếu giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm lại không đủ đáp ứng số lượng tiêu dùng hàng năm, thì số tiền vốn của xã hội tất nhiên bị sa sút tùy theo mức thiếu hụt này. Số lượng tiêu dùng của xã hội trong trường hợp này, vượt quá số thu nhập, và như thế tất nhiên phải xâm phạm vào tiền vốn. Vì thế, số tiền vốn tất nhiên phải giảm xuống, và cùng với nó, giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm của lao động cũng giảm đi.
Cán cân giữa sản phẩm làm ra và số lượng tiêu dùng hoàn toàn khác với cái được gọi là cán cân thương mại. Nó có thể xẩy đến với một quốc gia không tiến hành các hoạt động ngoại thương và hoàn toàn tách khỏi thế giới bên ngoài. Nó có thể xẩy đến với toàn thế giới mà của cải, dân số và sự phát triển có thể dần dần tăng lên hoặc dần dần giảm sút.
Cán cân giữa sản phẩm làm ra và số lượng tiêu dùng có thể luôn luôn tỏ ra có lợi cho một quốc gia, mặc dù cán cân thương mại thường thường bất lợi cho quốc gia đó. Một quốc gia có thể nhập một giá trị lớn hơn tổng số xuất khẩu trong một nửa thế kỷ; số lượng vàng và bạc nhập vào quốc gia đó trong toàn bộ thời gian này có thể lại được xuất khẩu ngay lập tức, tiền kim loại lưu hành của quốc gia đó có thể dần dần bị hao mòn và giảm bớt, các loại tiền giấy được thay thế tiền kim loại, và cả những khoản tiền nợ các quốc gia khác cũng có thể dần dần tăng; tuy nhiên của cải, sự giàu có thực sự, giá trị trao đổi của sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động có thể trong cùng thời gian đó đã tăng lên theo một tỷ lệ lớn hơn nhiều. Tình trạng các thuộc địa của chúng ta ở Bắc Mỹ và công việc buôn bán mà các thuộc địa đó đang tiếp tục tiến hành với nước Anh trước khi xẩy ra một cuộc náo động và rối loạn như hiện nay (1) có thể là một bằng chứng rằng đây không phải là một giả thiết không thể xẩy ra.