Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 04
Chương IV
SỐ TIỀN THUẾ ĐƯỢC GIẢM
Các nhà buôn và nhà sản xuất công nghiệp chưa vừa lòng với việc nắm độc quyền thị trường trong nước, họ còn muốn bán rộng rãi hàng hóa của họ ra nước ngoài. Nước của họ không có quyền hạn gì ở nước ngoài cả, và do đó rất ít khi tạo được cho họ bất kỳ một sự độc quyền nào. Họ thường phải thỉnh cầu xin khuyến khích xuất khẩu.
Trong những khuyến khích xuất khẩu, yêu cầu xin giảm số tiền thuế đối với hàng xuất khẩu tỏ ra là hợp lý nhất. Việc cho phép nhà buôn được giảm thuế khi xuất khẩu, hoặc toàn bộ hoặc một phần số thuế tiêu dùng hay thuế nội địa đánh vào nền công nghiệp trong nước, không bao giờ gây nên sự xuất khẩu một số lượng hàng hóa lớn hơn là số mà đáng lẽ ra phải đem xuất khẩu nếu như không đánh thuế. Nhưng sự khuyến khích như vậy không có chiều hướng chuyển cho một ngành hoạt động nào đó một phần tiền vốn lớn hơn là số vốn vẫn dùng cho ngành đó trên cơ sở tự nguyện, nhưng chỉ ngăn cản không để cho bất kỳ một phần nào của số phần vốn đó chuyển sang các ngành hoạt động khác. Những khuyến khích không nhằm làm đảo lộn sự cân bằng đã được thiết lập một cách tự nhiên giữa các ngành hoạt động khác nhau trong xã hội; nhưng nhằm để ngăn cản sự cân bằng đó bị đảo lộn bởi thuế. Những khuyến khích đó không nhằm làm phá bỏ mà là duy trì những gì có lợi cần phải duy trì trong đa số các trường hợp, duy trì sự phân công và phân phối lao động trên cơ sở tự nhiên trong xã hội.
Cũng có thể nói như vậy đối với số tiền thuế được giảm khi tái xuất các hàng hóa nước ngoài đã được nhập vào trong nước mà ở nước Anh thường chiếm tới một phần rất lớn trong số tiền thuế đánh vào hàng nhập khẩu. Theo các điều luật như ghi trong phần phụ lục đạo luật của Nghị viện Anh về cái gọi là tiền trợ cấp cũ, mỗi nhà buôn, dù là công dân Anh hay người ngoại quốc, được giảm một nửa số thuế khi xuất khẩu; việc giảm thuế này thực hiện đối với công dân Anh khi việc xuất khẩu thực hiện trong vòng 12 tháng, và đối với người ngoại quốc – trong vòng 9 tháng. Rượu vang, quả lý chua và tơ lụa đã thêu ren là những mặt hàng duy nhất không nằm trong điều luật này nhưng được hưởng những trợ cấp lợi hơn nhiều. Các thứ thuế mà đạo luật của Nghị viện quy định vào thời bấy giờ là những khoản thuế duy nhất đánh vào các hàng hóa nước ngoài nhập vào nước Anh. Thời gian mà số thuế này và các thứ thuế khác được giảm đã được thỉnh cầu và sau đó được gia hạn tới ba năm.
Các thứ thuế, mà đã được đánh kể từ thời kỳ trợ cấp cũ, được trả lại toàn bộ khi xuất khẩu hàng hóa. Luật lệ chung này tuy nhiên cũng bị một số lớn các trường hợp biệt lệ chi phối, và học thuyết về số tiền thuế quan được giảm đã trở thành một vấn đề không đơn giản như lúc ban đầu mới được ban hành.
Khi tái xuất một vài mặt hàng ngoại mà người ta cho rằng số lượng nhập vượt quá nhiều số cần thiết để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, toàn bộ số tiền thuế được trả lại mà không giữ lại cả một nửa số trợ cấp cũ. Trước cuộc nổi dậy của các thuộc địa của chúng ta ở Bắc Mỹ, chúng ta giữ độc quyền về thuốc lá trồng ở Maryland và Virginia. Chúng ta nhập khoảng 96.000 barin (đơn vị đo lường bằng 238 lít) mà số lượng tiêu dùng trong nước không quá 14.000 barin. Để tạo mọi sự dễ dàng cho việc tái xuất thực hiện trong vòng 3 năm kể từ khi nhập.
Chúng ta cũng còn giữ độc quyền, tuy không hoàn toàn, nhưng cũng gần như vậy, về số đường sản xuất ở các đảo vùng Tây Ấn. Nếu số đường được sản xuất trong vòng một năm, mọi tiền thuế đánh vào đường lúc nhập được trả lại, và nếu đường được tái xuất trong vòng 3 năm thì trả lại mọi số tiền thuế thu lúc nhập, trừ một nửa số trợ cấp cũ, mà vẫn còn bị giữ lại khi xuất khẩu phần lớn số hàng. Mặc dù số đường nhập vượt quá mức tiêu dùng trong nước khá nhiều, nhưng so với thuốc lá thì số lượng dư thừa của đường vẫn không đáng kể.
Một vài mặt hàng, đối tượng của sự ghen ghét của các nhà sản xuất công nghiệp của chúng ta, đã bị cấm nhập để tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, các mặt hàng đó, nếu chủ nó chịu trả một vài khoản tiền thuế, cũng vẫn được nhập và giữ lại trong kho để tái xuất. Nhưng khi tái xuất những mặt hàng đó không được trả lại tiền thuế nhập khẩu. Các nhà sản xuất công nghiệp của chúng ta không muốn cả việc nhập hàng giữ lại trong kho để tái xuất như vậy, vì họ sợ rằng các hàng đó có thể bị đánh cắp từ kho hàng và sau đó được đem bán ở thị trường của họ. Chính vì theo các luật lệ này mà chúng ta có thể nhập tơ lụa thêu ren vải lanh mịn và vải batit Pháp, vải in hoa hoặc vải nhuộm v.v…
Chúng ta không muốn làm người chuyên chở hàng Pháp và sẵn sàng mất khoản tiền lời còn hơn là chịu để cho những người mà chúng ta coi là kẻ thù kiếm lời bằng phương tiện của chúng ta. Khi tái xuất các hàng Pháp, không chỉ một nửa số tiền trợ cấp cũ mà còn thêm 25% nữa bị giữ lại.
Theo điều thứ tư trong bản luật lệ phụ lục cho tiền trợ cấp cũ, số tiền thuế được giảm đối với hàng xuất khẩu là rượu vang lên tới hơn một nửa tổng số tiền đánh vào các loại rượu vang đó khi nhập khẩu, và lúc đó hình như mục đích của cơ quan lập pháp muốn khuyến khích mạnh hơn bình thường ngành buôn bán vận chuyển về rượu vang. Một vài thứ thuế khác đánh vào cùng một lúc hoặc sau tiền trợ cấp cũ – được gọi là thuế phụ thu, tiền trợ cấp mới, tiền trợ cấp 1/2 và 2/3, thuế nhập khẩu năm 1692, tiền đúc về rượu vang – được phép hoàn toàn trả lại khi tái xuất. Tất cả các thứ thuế, tuy vậy, trừ thuế phụ thu và thuế nhập khẩu năm 1692, được trả bằng tiền mặt khi nhập, tiền lãi của một số tiền lớn như vậy gây ra một số chi phí và làm cho việc mong đợi sự sinh lợi của ngành vận chuyển rượu vang là không hợp lý. Do đó, chỉ có một phần của tiền thuế gọi là thuế nhập khẩu về rượu vang và không một phần nào của số tiền đóng 25 bảng một tấn đối với rượu vang nhập từ Pháp hoặc của các thứ thuế đánh vào hàng nhập năm 1745, năm 1763 và năm 1778, được phép miễn giảm khi tái xuất. Hai loại thuế nhập 5%, được thực hiện năm 1779 và năm 1782 đối với tất cả các thứ thuế quan trước đó, được phép hoàn toàn trả lại khi tái xuất các loại hàng hóa, thì cũng được trả lại khi tái xuất rượu vang. Thứ thuế cuối cùng đặc biệt đánh vào rượu vang, là thứ thuế đặt ra năm 1780, được phép hoàn toàn trả lại. Các luật lệ này được thực thi ở tất cả các nơi mà ở đó việc tái xuất được coi là hợp pháp trừ những thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ.
Đạo luật ban hành vào năm thứ 15 dưới thời vua Charles II được gọi là luật về khuyến khích thương mại. Luật này đã mang lại cho nước Anh sự độc quyền cung cấp tất cả các hàng hóa của Châu Âu cho các thuộc địa và vì vậy cho nên cung cấp cả rượu vang nữa. Tại những vùng đất có những bờ biển dài, rộng như các thuộc địa của chúng ta ở Bắc Mỹ và Tây Ấn, mà ở đó quyền lực của Anh hãy còn quá mỏng manh và yếu, và hơn nữa ở đó cư dân được phép chuyên chở bằng tàu, thuyền riêng của họ những hàng hóa không phải liệt kê trước tiên đến tất cả các nơi thuộc Châu Âu và sau đó tới tất cả các nơi thuộc miền nam Châu Âu quanh vùng mũi đất Finisterre, thật không có gì chắc chắn là sự độc quyền này được tôn trọng nhiều, và các tàu, thuyền luôn luôn tìm cách mang trở về một vài thứ hàng hóa từ những vùng mà các tàu, thuyền đó được phép chuyên chở hàng tới cung cấp. Các người làm nghề vận chuyển này thấy khó có thể nhập các thùng rượu vang từ các nơi trồng nho và chế biến rượu ở Châu Âu và họ cũng không thể nhập từ Anh mà ở đó họ phải chịu nhiều thứ thuế nặng nề, đó là chưa kể một phần lớn số rượu vang xuất đi lại không được trả lại tiền thuế nhập. Họ thấy rượu vang Madeira, tuy không phải là hàng Châu Âu, nhưng có thể nhập thẳng vào Mỹ và Tây Ấn là những vùng được hưởng quyền thương mại tự do với đảo Madeira. Do đó, các tình huống này đã nhập vào trong dân chúng các vùng đó một khẩu vị chung thích uống rượu vang Madeira mà chính các sĩ quan của chúng ta cũng làm quen ngay với loại rượu đó tại các thuộc địa của Anh ngay từ đầu cuộc chiến tranh nổ ra vào năm 1755 và các sĩ quan đó mang về nước mẹ loại rượu vang Madeira chưa từng được ưa thích trước đó. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, năm 1763 toàn bộ các thứ thuế đánh vào rượu vang, trừ 3 bảng 10 shilling, được phép trả lại khi tái xuất cho các thuộc địa, nhưng trừ rượu vang Pháp mà sự thành kiến dân tộc vẫn còn quá nặng nề nên không khuyến khích mọi sự buôn bán cũng như tiêu dùng. Thời gian giữa sự ban đặc ân này và cuộc nổi loạn ở các thuộc địa của chúng ta ở Bắc Mỹ chắc đã quá ngắn nên không thể tạo ra một sự thay đổi đáng kể về tập quán ở các vùng đó.
Cùng đạo luật đó đã chiếu cố đặc biệt các thuộc địa về mặt miễn giảm thuế đối với các loại rượu vang, trừ rượu vang Pháp, hơn là đối với các vùng khác, nhưng lại chiếu cố ít hơn nhiều trong việc miễn giảm thuế đối với các mặt hàng khác. Khi xuất phần lớn các hàng hóa cho các nước khác, một nửa số tiền trợ cấp cũ được giảm. Nhưng đạo luật này quy định là không giảm một phần nào tiền thuế đó khi xuất sang các thuộc địa Anh bất kỳ các hàng hóa nào của Châu Âu và Đông Ấn, trừ rượu vang, vải trúc bâu trắng và vải muslin (một thứ vải mỏng).
Những số tiền thuế được giảm đối với hàng xuất khẩu có thể lúc đầu được ban bố để khuyến khích ngành vận tải mà tiền cước chuyên chở thường do người nước ngoài trả bằng tiền và được giả thiết là để chở vàng và bạc vào trong nước. Nhưng mặc dù ngành vận tải chẳng được hưởng sự khuyến khích đặc biệt, và mặc dù lý do thành lập có thể cũng chẳng có cơ sở vững chắc, chính sự thành lập ngành này hình như cũng tỏ ra khá hợp lý. Nhưng việc miễn giảm thuế đối với các hàng xuất khẩu cũng không thể chuyển cho ngành vận tải thương mại này một phần vốn của đất nước lớn hơn là số vốn đã thường được dùng cho nó một cách tự nguyện nếu như không có đánh thuế nhập khẩu. Việc miễn giảm thuế đối với hàng xuất khẩu chỉ nhằm làm cho công việc xuất khẩu đừng bị ngừng trệ vì do bị đánh thuế quá nhiều. Ngành vận tải, mặc dù không đáng được ưu đãi, cũng không thể bị loại trừ mà phải được để tự do hoạt động như các ngành buôn bán khác. Nó là phương kế cần thiết cho số tiền vốn không tìm được việc sử dụng trong nông nghiệp hoặc trong công việc sản xuất chế tạo ở trong nước, trong nội thương hay trong ngoại thương phục vu cho tiêu dùng.
Số tiền thu của thuế quan không những là không bị giảm sút mà còn có lợi từ việc miễn giảm thuế đối với hàng xuất khẩu nhờ phần thuế được giữ lại. Nếu toàn bộ số tiền thuế bị giữ lại, các hàng hóa nước ngoài mà khi nhập đã phải đóng thuế sẽ rất ít khi được tái xuất, và do đó, cũng ít khi được nhập sau đó vì không có đủ thị trường tiêu thụ. Do đó, số tiền thuế, mà một phần được giữ lại, chắc sẽ chẳng bao giờ được nộp cả.
Những lí do này khá đầy đủ để biện minh cho số tiền thuế được giảm khi xuất khẩu và thường đã biện minh cho sự miễn giảm đó bất kể là giảm thuế cho các sản phẩm của nền nông nghiệp trong nước hoặc cho các hàng hóa nước ngoài khi xuất khẩu. Trong trường hợp này, số tiền thuế tiêu dùng thu được bị giảm sút chút ít và số tiền thuế hải quan bị giảm sút nhiều hơn, nhưng cán cân công nghiệp tự nhiên, sự phân công và phân phối lao động mà luôn luôn bị ảnh hưởng ít hay nhiều bởi việc thu các loại thuế như vậy, sẽ được thiết lập lại tốt hơn bởi các luật lệ như vậy.
Những lý do này, tuy thế, sẽ chỉ biện minh cho số tiền thuế được giảm khi xuất khẩu hàng xuất ra nước ngoài, chứ không phải đến các vùng mà ở đó các nhà buôn và nhà sản xuất công nghiệp của chúng ta được hưởng độc quyền mua bán. Ví dụ, giảm tiền thuế quan đối với các hàng của Châu Âu xuất sang các thuộc địa của chúng ta ở Bắc Mỹ không phải bao giờ cũng làm tăng số lượng xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn số lượng đã vẫn được xuất từ trước khi có sự giảm tiền thuế đó. Vì được độc quyền mua bán ở các thuộc địa đó, các nhà buôn và sản xuất công nghiệp có thể vẫn cứ gửi sang các thuộc địa đó số lượng hàng hóa cần thiết, mặc dù không được giảm thuế. Vì thế, việc giảm thuế xuất khẩu sẽ là một sự thiệt hại cho số tiền thuế gián thu và trực thu, mà không làm thay đổi tình hình thương mại hoặc không làm cho việc buôn bán được mở rộng hơn. Vậy số tiền thuế quan được giảm đối với hàng xuất khẩu như vậy, sẽ được chứng minh là đúng tới mức độ nào, như là một sự khuyến khích thật sự cho nền công nghiệp của các thuộc địa của chúng ta hoặc việc giảm thuế có lợi như thế nào đối với mẫu quốc; các vấn đề đó sẽ được nói tới dưới đây khi tôi bàn đến các thuộc địa.
Số tiền thuế quan được giảm đối với hàng xuất khẩu vì thế chỉ có ích lợi trong những trường hợp mà hàng hóa được thực sự xuất sang một nước ngoài nào đó và không được bí mật nhập trở lại vào trong nước chúng ta. Tiền thuế quan được giảm đặc biệt đối với việc xuất thuốc lá thường luôn luôn bị lạm dụng theo cách này, và gây nên nhiều sự gian lận làm tổn hại cho nguồn thu của thuế quan và cho lợi ích của những người buôn bán ngay thẳng chân thật, như nhiều người đã được biết.