Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 06
Chương VI
HIỆP ƯỚC THƯƠNG MẠI
Khi một quốc gia bị ràng buộc bởi một hiệp ước mà qua đó cho phép một số mặt hàng của một nước ngoài nhập vào trong nước, trong khi đó lại cấm các nước khác không được nhập các mặt hàng đó, hoặc miễn thuế một số mặt hàng cho một nước nào đó mà lại không miễn thuế cho các nước khác khi nhập các mặt hàng tương tự, thì quốc gia có mậu dịch thuận lợi như vậy hoặc ít nhất các nhà buôn và các nhà sản xuất công nghiệp của nước này chắc đã được hưởng một lợi thế lớn từ hiệp ước đã được ký kết đó. Các nhà buôn và các nhà sản xuất đó được hưởng một loại độc quyền ở trong một nước rất rộng lượng đối với họ.
Quốc gia đó trở thành một thị trường rộng lớn và thuận lợi cho các mặt hàng hóa của họ: rộng lớn vì các hàng hóa từ các nước khác đều bị cấm không được nhập hoặc được nhập nhưng phải chịu các loại thuế rất nặng, và như thế này tiêu thụ được một số lượng lớn hàng hóa của mình. Còn thuận lợi là vì các nhà buôn và các nhà sản xuất ở quốc gia được ưu ái còn có lợi thế trong việc bán hàng của họ vì họ hầu như độc quyền, nên có thể bán hàng với giá cao hơn giá tự do cạnh tranh với các nước khác.
Những loại hiệp ước như thế mặc dầu có thể rất có lợi cho các nhà buôn và các nhà sản xuất ở quốc gia được ưu đãi, tất nhiên là bất lợi cho các nhà buôn và nhà sản xuất của quốc gia tạo ưu đãi cho một nước khác. Họ phải mua hàng nước ngoài mà họ cần với giá cao hơn là giá có thể chấp nhận khi có cạnh tranh. Phần sản phẩm của chính nước đó làm ra và được dùng để mua hàng ngoại tất phải bán rẻ hơn vì khi hai vật được đem ra trao đổi, sự rẻ của vật này tất yếu là hậu quả của sự đắt của vật kia. Giá trị trao đổi các sản phẩm hàng năm của quốc gia đó có thể bị giảm dần theo mỗi hiệp ước như vậy. Sự giảm sút này tuy thế khó có thể gây nên một sự thua lỗ thật sự mà chỉ là sự giảm bớt số tiền lời kiếm được mà thôi. Mặc dù bán hàng hóa rẻ hơn, nhưng cũng không quá rẻ đến mức bán dưới giá thành sản phẩm, hoặc trong trường hợp có trợ cấp khuyến khích xuất khẩu, bán với một giá không đủ để hoàn lại số tiền vốn, sử dụng vào việc mang hàng hóa ra bán ở thị trường cùng với số lợi nhuận trung bình của số hàng hóa đó. Việc buôn bán tất nhiên không thể kéo dài nếu cứ làm như vậy. Vì thế, kể cả nước tạo ưu đãi cho nước khác có thể vẫn thu được lợi nhuận từ việc buôn bán, tuy có kém hơn so với khi tự do cạnh tranh.
Một vài hiệp ước thương mại đã được coi là có lợi dựa trên các nguyên tắc khác hẳn với điều nói ở trên. Một nước buôn bán đôi khi tạo nên một sự độc quyền kiểu này có hại cho chính nước đó, nhưng có lợi cho một số mặt hàng nào đó mua của một nước ngoài vì chính nước này hy vọng rằng trong toàn bộ các hoạt động thương mại giữa hai nước, nước này sẽ có thể bán ra nhiều hơn mua vào trong cả năm, và cán cân thanh toán giữa hai nước sẽ nghiêng về nước này và số dư sẽ được trả bằng vàng bạc. Chính cũng trên cơ sở nguyên tắc này mà hiệp ước thương mại giữa Anh và Bồ Đào Nha đã được ông Methuen ký kết năm 1703 và được mọi người hết sức khen ngợi. Dưới đây là nguyên văn lời dịch của hiệp ước đó.
Nó bao gồm chỉ có 3 điều khoản:
Điều I
Đức vua tối cao của nước Bồ Đào Nha cam kết, thay mặt cho cá nhân và cho những người nối dõi, chấp nhận việc nhập vào Bồ Đào Nha các loại vải len và các mặt hàng len khác của nước Anh cho đến khi bị luật pháp cấm đoán, tuy nhiên với điều kiện dưới đây:
Điều II
Nữ hoàng tối cao của vương quốc Anh, thay mặt cho chính mình và cho các người thừa kế ngôi vua, cam kết chấp nhận việc nhập vào nước Anh các loại rượu vang Bồ Đào Nha và sẽ không bao giờ thay đổi lời cam kết này dù cho có hòa bình hay chiến tranh giữa vương quốc Anh và Pháp, rằng sẽ không bao giờ đòi hỏi nhiều hơn đối với các loại rượu vang nhập từ Bồ Đào Nha dưới danh nghĩa thuế hoặc bằng bất kỳ danh nghĩa nào khác, trực tiếp hay gián tiếp, dù cho các loại rượu vang nhập vào Vương quốc Anh dưới dạng thùng (đơn vị đo lường rượu bằng 105 gallon, mỗi gallon bằng 4,54 lít ở Anh), barin (thùng lớn đựng rượu chứa 238 lít) hoặc các loại đồ chứa khác, so với sự đòi hỏi đối với cùng một số lượng hay đơn vị đo lường rượu vang Pháp nhập vào Anh, sau khi chiết khấu hoặc giảm 1/3 số thuế nhập khẩu.
Nhưng nếu vào bất kỳ thời gian nào sự chiết khấu hay giảm thuế nhập khẩu mà phải tiến hành như nói ở trên, lại tìm cách gây trở ngại và làm thiệt hại tới lợi ích của Bồ Đào Nha thì đức vua tối cao của Bồ Đào Nha tự cho mình quyền theo đúng luật định cấm các loại vải len dạ và các hàng len dệt khác của Anh không được nhập vào nước này.
Điều III
Các ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền hứa và cam kết rằng đức vua và nữ hoàng sẽ thông qua hiệp ước này, và trong vòng hai tháng sẽ trao đổi các văn kiện phê chuẩn.
Qua hiệp ước đã được ký kết này đức vua nước Bồ Đào Nha đã chấp nhận việc nhập khẩu các loại vải len dạ Anh trên cùng một cơ sở như trước thời ngăn cấm hàng nhập loại này, nghĩa là không được tăng thuế hải quan so với thời kỳ trước đó. Nhưng Bồ Đào Nha cũng không bị buộc phải chấp nhận các loại vải len dạ này với các điều kiện ưu đãi hơn so với các hàng hóa len dạ của các nước khác, như Pháp hoặc Hà Lan chẳng hạn. Nữ Hoàng Anh quốc, trái lại, bị buộc phải chấp nhận rượu vang Bồ Đào Nha trên cơ sở nước này chỉ trả có 2/3 số tiền thuế đánh vào rượu mà Pháp đã phải trả khi nhập rượu vang vào Anh, rượu vang Pháp thường có sức cạnh tranh mạnh đối với rượu vang Bồ Đào Nha. Như vậy, hiệp ước này tỏ rõ là có lợi cho Bồ Đào Nha và bất lợi cho vương quốc Anh.
Tuy nhiên, bản hiệp ước đó vẫn được ca ngợi là một kiệt tác trong chính sách thương mại của Anh. Bồ Đào Nha hàng năm nhận được từ Brazil một lượng lớn vàng nhiều hơn là đủ dùng cho việc buôn bán trong nước dưới dạng tiền vàng hay vàng lá. Số vàng dư thừa không thể để nằm chết trong các két sắt. Vì không có thị trường thuận lợi trong nước, số vàng thừa đó phải được xuất ra nước ngoài, bất chấp mọi sự cấm đoán, và được trao đổi lấy các loại hàng hóa có nhu cầu cao tại thị trường trong nước. Một phần lớn số vàng này được xuất sang nước Anh để đổi lấy các hàng hóa của Anh hay của các nước khác mà Anh đã nhập vào trong nước. Người ta đã cho ông Baretti biết là tàu chở hàng chạy hàng tuần từ Lisbon tới Anh thường mang mỗi lần một số vàng trị giá hơn 50.000 bảng Anh. Có thể số tiền này đã được thổi phồng lên quá đáng. Hàng năm người ta ước tính có một số lượng vàng trị giá khoảng 2.600.000 bảng Anh được chuyển tới Anh, con số này lớn hơn số vàng mà Brazil cung cấp hàng năm cho Bồ Đào Nha.
Các nhà buôn của chúng ta trong vài năm gần đây tỏ ra bất bình với vua Bồ Đào Nha. Một vài sự ưu ái mà nhà vua nước này đã ban cho họ không phải do hiệp ước mà là do sự ân thưởng của đức vua đối với họ và cũng có thể là để đổi lấy những sự biệt đãi và bảo vệ của Nữ Hoàng nước Anh, thì nay đã không còn nữa hoặc cũng không được thi hành đầy đủ như trước. Vì vậy dân chúng trước đây thường vẫn chú trọng đến việc tán dương ca ngợi nền thương mại Bồ Đào Nha, thì nay lại có tâm trạng cho rằng việc buôn bán không còn có lợi nhiều như trước nữa. Họ cho rằng phần lớn và có thể là toàn bộ số vàng nhập hàng năm không phải là để dùng cho nước Anh mà chủ yếu là bán cho các nước khác ở Châu Âu, vì các loại hoa quả và rượu vang nhập hàng năm từ Bồ Đào Nha vào Anh đã gần đủ để bù cho giá trị các hàng hóa của Anh xuất khẩu sang nước này.
Tuy nhiên, chúng ta hãy giả định là toàn bộ số vàng nhập là chỉ để dùng cho nước Anh, và như thế, sẽ là một số tiền còn lớn hơn trí tưởng tượng của ông Baretti, việc buôn bán này cũng sẽ chẳng có lợi gì hơn so với các việc buôn bán khác, vì với một giá trị hàng xuất, chúng ta nhận trở lại một giá trị tương đương bằng hàng hóa tiêu dùng.
Chỉ có một phần rất nhỏ số vàng nhập được sử dụng để tăng số lượng vàng lá và tiền vàng cho vương quốc Anh mà thôi. Phần lớn số vàng phải chuyển ra nước ngoài để đổi lấy các hàng tiêu dùng. Nếu các hàng tiêu dùng này được mua bán trao đổi trực tiếp bằng các sản phẩm công nghệ của Anh, thì sự buôn bán đó chắc chắn sẽ có lợi cho nước Anh hơn là việc trước tiên đem sản phẩm đó bán lấy vàng của Bồ Đào Nha, và sau đó lại dùng số vàng đó để mua hàng tiêu dùng. Việc buôn bán trực tiếp với nước ngoài để phục vụ cho tiêu dùng trong nước bao giờ cũng tốt hơn là một sự buôn bán vòng vo; và để mang được cùng một số hàng tiêu dùng từ nước ngoài vào thị trường trong nước chỉ cần một số vốn nhỏ hơn nhiều khi buôn bán trực tiếp so với các hoạt động thương mại vòng vo. Sẽ là một điều thuận lợi hơn cho nước Anh nếu nền công nghiệp nước này dành một phần nhỏ năng lực để sản xuất các mặt hàng thích hợp với yêu cầu của thị trường Bồ Đào Nha và một phần lớn năng lực để sản xuất các mặt hàng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ở các thị trường khác mà ở đó có thể mua các mặt hàng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của dân chúng Anh. Như vậy việc mua được số vàng cần thiết phục vụ cho tiêu dùng trong nước và các loại hàng tiêu dùng cho dân chúng sẽ chỉ đòi hỏi một số vốn nhỏ hơn so với số vốn đang phải dùng hiện nay. Như vậy phần vốn dư thừa được sử dụng vào các mục đích khác để khuyến khích sự phát triển thêm một số lượng sản phẩm cho đất nước.
Dù cho nước Anh có hoàn toàn bị cắt đứt khỏi mọi công việc buôn bán với Bồ Đào Nha đi chăng nữa thì nước Anh không có khó khăn gì lắm để tìm kiếm được số vàng cần thiết dùng để tích trữ vàng thỏi hoặc tiền bằng vàng hoặc để dùng vào ngoại thương. Vàng cũng như các loại hàng hóa khác, đều có thể mua được ở bất kỳ nơi nào theo đúng với giá trị của nó. Số vàng dư thừa ở Bồ Đào Nha dù không xuất sang Anh để rồi Anh lại tái xuất sang nước khác, thì tất cũng phải bán cho một nước nào khác, nước này sẽ rất vui mừng được bán lại số vàng đó cho nước Anh cũng chẳng khác gì việc nước Anh đang làm hiện nay. Khi mua vàng từ Bồ Đào Nha, chúng ta mua trực tiếp từ tay người bán, trong khi chúng ta mua vàng từ một nước thứ ba, chúng ta chỉ là mua lại qua trung gian và như thế tất phải trả giá cao hơn. Tuy thế, sự khác nhau này cũng chẳng có ý nghĩa gì lớn để chúng ta phải quan tâm.
Người ta nói rằng hầu hết số vàng mà chúng ta mua được là từ Bồ Đào Nha. Với các nước khác mà chúng ta có quan hệ buôn bán thì cán cân thương mại thường không thuận lợi cho chúng ta hoặc còn bất lợi cho chúng ta là đằng khác. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng nếu chúng ta mua nhiều vàng hơn của một nước thì chúng ta tất phải mua ít vàng hơn của các nước khác. Nhu cầu thực về vàng, cũng như đối với các loại hàng hóa khác, luôn luôn được hạn chế trong một số lượng nhất định nào đó ở tất cả các nước. Nếu 9/10 số lượng cần thiết được nhập từ một nước, thì 1/10 số lượng còn lại tất phải nhập từ các nước khác. Số lượng vàng nhập hàng năm từ một số nước nào đó, nếu vượt qua phần dùng cho việc làm đồ dùng bằng vàng và tiền vàng, tất phải tái xuất sang các nước khác. Cũng như vậy cán cân thanh toán có thể thuận lợi cho chúng ta đối với một số nước riêng biệt nào đó, lại có thể bất lợi cho chúng ta đối với một số nước khác.
Chính trên cơ sở cái quan điểm đơn giản này mà nước Anh đã không thể không buôn bán với Bồ Đào Nha, và vào cuối cuộc chiến tranh vừa qua, Pháp và Tây Ban Nha, dù không có ý định khiêu khích hay xúc phạm, đã yêu cầu vua Bồ Đào Nha ra lệnh không cho phép tàu Anh đậu ở hải cảng của nước mình, và để đảm bảo cho sự trục xuất này hoàn toàn có hiệu quả yêu cầu cho phép các đội quân Pháp và Tây Ban Nha vào đồn trú tại các hải cảng Bồ Đào Nha. Nếu như vua Bồ Đào Nha chịu làm theo những điều kiện nhục nhã mà vua Tây Ban Nha, lúc đó là anh em rể với vua Bồ Đào Nha, đã đề nghị thì chắc hẳn nước Anh đã được giải thoát khỏi một sự phiền phức lớn hơn nhiều so với việc mất các quan hệ buôn bán với Bồ Đào Nha, đó là gánh nặng phải hỗ trợ cho một nước đồng minh rất yếu không có đủ các phương tiện để tự bảo vệ mình chống lại sự xâm lược của nước khác. Việc mất các quan hệ buôn bán với Bồ Đào Nha lẽ ra đã gây nên không ít bối rối cho các nhà buôn Anh thời bấy giờ đang tiến hành các hoạt động buôn bán với Bồ Đào Nha, các nhà buôn này chắc là đã không thể tìm ra, trong một hai năm, bất kỳ phương pháp nào khác để sử dụng tiền vốn có lợi như đối với Bồ Đào Nha, chính cũng vì lý do buôn bán này mà nước Anh đã phải chịu bao nhiêu sự phiền toái đối với nước đồng minh Bồ Đào Nha.
Số lượng vàng bạc nhập hàng năm vào nước Anh không phải là để sử dụng cho việc làm ra đồ dùng bằng vàng bạc, tiền bằng vàng bạc, mà chính là để phục vụ cho nền ngoại thương. Việc buôn bán với nước ngoài bằng con đường vòng vo thông qua việc trao đổi các kim loại quý mang lại nhiều thuận lợi hơn so với việc sử dụng các loại hàng hóa khác. Vì vàng bạc là những công cụ thương mại phổ biến nhất, cho nên bất kỳ nước nào cũng sẵn sàng nhận vàng bạc làm phương tiện thanh toán tất cả các loại hàng hóa hơn là nhận các loại hàng hóa khác làm vật trao đổi. Hơn nữa vàng bạc có thể tích nhỏ mà giá trị lại lớn, cho nên chi phí vận chuyển vàng bạc ít hơn nhiều so với vận chuyển bất kỳ một loại hàng hóa nào khác, và hơn nữa, vàng bạc ít bị hư hao nhất trên đường vận chuyển. Trong tất cả các loại hàng hóa được mua ở nước này và sau đó để bán lại hoặc trao đổi lấy hàng hóa ở nước khác, không có loại nào lại thuận tiện như vàng bạc. Thuận lợi chủ yếu của việc buôn bán với Bồ Đào Nha là giúp nước Anh tiến hành dễ dàng hơn các hoạt động ngoại thương để phục vụ cho lợi ích tiêu dùng trong nước. Thuận lợi này, nếu không phải là cơ bản, thì cũng là một điều khá quan trọng.
Nếu chỉ dùng vào việc sản xuất đồ dùng bằng vàng bạc và tiền bằng vàng bạc thì chỉ cần nhập một số lượng rất ít vàng bạc mà thôi. Vì thế nếu không có quan hệ buôn bán trực tiếp với Bồ Đào Nha, nước Anh vẫn có thể mua số lượng nhỏ vàng bạc này ở bất kỳ nơi nào khác.
Mặc dầu các cửa hiệu vàng bạc có rất nhiều ở Anh, họ thường đánh các loại bát đĩa mới bằng vàng bạc đúc lại từ các bát đĩa cũ, vì thế số lượng vàng bạc cần thêm mỗi năm không nhiều và chỉ cần nhập một số lượng nhỏ từ nước ngoài là đủ.
Đối với tiền vàng bạc đúc ở trong nước cũng vậy. Không một ai có thể nghĩ rằng phần lớn số tiền đúc hàng năm trong vòng 10 năm trước khi có sự cải cách đồng tiền vàng gần đây, đã lên tới hơn 800.000 bảng Anh bằng vàng mỗi năm và đó là phần thêm vào số lượng tiền đang lưu hành trong toàn vương quốc. Ở một nước mà ở đó nhà nước chịu mọi phí tổn đúc tiền, giá trị đồng tiền đúc, dù cho có đủ trọng lượng vàng hay bạc chuẩn, cũng không thể vượt quá lượng vàng bạc chưa đúc; vì người có vàng bạc chỉ cần mang tới sở đúc tiền để nhờ đúc thành tiền và chậm nhất là một vài tuần lễ người đó có thể nhận lại một số tiền đúc với giá trị tương đương với số vàng bạc đã đưa. Nhưng ở mỗi nước, số tiền vàng, bạc đang lưu hành thường bị mòn đi ít nhiều và do đó giảm độ chuẩn về mặt trọng lượng. Ở nước Anh, trước cuộc cải cách tiền vàng, sự việc tương tự như vậy cũng đã xảy ra. Tiền vàng bị giảm hơn 2% và tiền bạc hơn 8% so với trọng lượng chuẩn.
Nhưng nếu 44,5 guinea có một trọng lượng chuẩn là một pound vàng (khoảng 450 gam) có thể mua được hơn một pound vàng chưa đúc một ít, thì 44,5 guinea còn thiếu một ít so với trọng lượng chuẩn do bị hư hao trong quá trình lưu hành đã không thể mua được một pound vàng chưa đúc, do đó cần phải thêm một ít tiền nữa để bù cho sự thiếu hụt này.
Giá vàng thỏi lại thị trường hiện nay là vào khoảng 47 bảng 14 shilling và đôi khi tới 48 bảng Anh mà đáng lẽ ra giá này phải ngang với giá quy định của sở đúc tiền là 46 bảng 14 shilling 6 penny.
Khi mà phần lớn số tiền đúc ở trong tình trạng hư hao do quá trình lưu hành, 44,5 guinea dù vừa xuất ra từ sở đúc tiền cũng chẳng mua được nhiều hàng hóa hơn các đồng guinea thông thường khác đã qua một thời gian lưu hành, vì các đồng guinea mới đó sẽ nhập vào két sắt của người buôn bán và trộn lẫn lộn với các đồng tiền khác, nó không thể được tách biệt ra mà không mất thì giờ nếu không nói là phiền phức nữa. Cũng giống như các đồng guinea đã được lưu hành, đồng tiền mới trị giá cũng không hơn 46 bảng 14 shilling 6 penny. Nếu ném vào nồi đúc, đồng guinea đó vẫn giữ nguyên trọng lượng chuẩn của nó và nếu đem bán tất sẽ được 47 bảng 14 shilling hoặc 48 bảng bằng vàng hay bạc, đúng như trọng lượng quy định của đồng guinea đã được nấu chảy. Người ta thấy có lợi khi mang các đồng tiền vàng mới được đúc cho vào nồi nấu chảy thành vàng thỏi để đem bán, chính phủ không có cách nào ngăn cấm được việc làm đó. Về mặt này việc làm của sở đúc tiền chẳng khác gì công dã tràng cả, vì việc đúc các đồng tiền vàng ngày hôm nay thì lại được mang nấu chảy thành vàng thỏi ngày hôm sau.
Sở đúc tiền không làm được nhiều về mặt đúc tiền cung cấp thêm cho số lượng tiền đúc đang lưu hành mà chỉ thay thế các đồng tiền mới đúc đang bị đem nấu chảy hàng ngày mà thôi.
Nếu như các tư nhân khi mang vàng bạc đến sở đúc tiền để nhờ đúc phải tự mình trả các khoản chi phí đúc tiền thì việc làm đó tất cả sẽ cộng thêm vào giá trị kim loại cũng chẳng khác gì công đánh vàng, bạc thành đĩa, bát. Do đó vàng bạc đúc thành tiền sẽ có giá trị hơn là vàng bạc dưới dạng thỏi, nén. Thuế đúc tiền nếu không quá nặng, sẽ thêm vào vàng thỏi toàn bộ giá trị của công việc đúc. Chính phủ ở bất kỳ nước nào đều dành lấy độc quyền đúc tiền, và không có đồng tiền nào ra tới thị trường lại kém giá trị hơn cái giá đúng phải trả. Nếu tiền thuế đúc tiền lại cao một cách quá đáng, nghĩa là thuế đúc tiền lại cao hơn rất nhiều so với giá trị thật của sức lao động và các chi phí cần thiết cho việc đúc tiền, những người đúc tiền giả ở trong nước và ở cả nước ngoài tất có thể thấy, có thể thu được lợi qua mức chênh lệch lớn giữa giá trị vàng thỏi và giá trị đồng tiền vàng và họ sẽ đúc các số lượng lớn đồng tiền vàng giả để đem lưu hành và như thế sẽ làm giảm giá trị tiền tệ của chính phủ. Ở Pháp, mặc dù thuế đúc tiền là 8%, người ta không thấy có sự đúc tiền giả. Người đúc tiền giả ở đâu cũng đứng trước các mối hiểm nguy, bất kỳ họ sống ở ngay nước mà họ đúc tiền giả hay sống ở nước ngoài thì những người có liên quan tới việc tiêu thụ tiền cũng không kém phần nguy hiểm, cho nên họ cảm thấy lời lãi 6 hoặc 7% không đủ để đánh đổi lấy sự nguy hiểm mà họ sẽ phải gánh chịu khi bị phát hiện.
Thuế đúc tiền ở Pháp nâng giá trị đồng tiền đúc cao hơn so với số lượng vàng nguyên chất mà đồng tiền đúc chứa đựng. Như vậy bằng chỉ dụ tháng giêng năm 1726, giá quy định của sở đúc tiền[13] về vàng nguyên chất 24 Cara là 740 livres 9 xu 1 denier 1/11 (denier là tiền Pháp bằng 1/12 xu) cho 8 ounce Paris. Tiền vàng Pháp, đã tính thêm sự sai suất trong việc đúc tiền, chứa đựng 21, 3/4 Cara (Cara là đơn vị trọng lượng bằng 200 miligam) vàng nguyên chất và 2, ¼ Cara hợp kim. Do đó một mác vàng chuẩn trị giá không quá 671 livres 10 denier. Nhưng ở Pháp một mác loại vàng chuẩn này dùng để đúc thành 30 đồng louis vàng, mỗi đồng trị giá 24 livres, hoặc thành 720 livres. Vì thế, sự đúc tiền làm tăng giá trị một mác vàng chuẩn dưới dạng thỏi thêm một lượng bằng mức chênh lệch giữa hai con số 671 livres 10 denier và 720 livres; hoặc nói cụ thể hơn là bằng 48 livres 19 xu 2 denier.
Thuế đúc tiền trong nhiều trường hợp làm mất hết và trong mọi trường hợp làm giảm bớt số tiền lời thu được khi mang nấu chảy các đồng tiền mới. Số lợi nhuận này sở dĩ có được là do có sự chênh lệch giữa lượng vàng thỏi mà tiền đúc phải chứa đựng và lượng vàng mà đồng tiền này còn lại trên thực tế qua lưu hành. Nếu sự chênh lệch này ít hơn thuế đúc tiền, thì sẽ lỗ chứ không lãi. Nếu chênh lệch đó ngang với thuế đúc tiền thì sẽ chẳng lỗ mà cũng chẳng lãi. Nếu chênh lệch lớn hơn thuế đúc tiền thì sẽ được một ít lợi nhuận nhưng trên thực tế thì lợi nhuận này vẫn ít hơn so với khi không có thuế đúc tiền. Ta hãy lấy ví dụ dưới đây để chứng minh nếu trước khi có cuộc cải cách về đồng tiền vàng, mức chênh lệch là 2%, thuế đúc tiền được quy định là 5% khi đem đúc tiền thì sẽ lỗ 3% khi đem nấu chảy đồng tiền vàng thành vàng thỏi. Nếu thuế đúc tiền là 2% sẽ chẳng lỗ mà cũng chẳng lãi. Nếu thuế đúc tiền là 1% thì lãi 1%. Khi tiền được thu nhận tính theo số lượng chứ không tính theo trọng lượng, đánh thuế đúc tiền là một biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn việc mang nấu chảy đồng tiền đúc thành vàng thỏi; và cũng với lý do này, ngăn chặn việc xuất tiền đúc ra nước ngoài. Chỉ có những đồng tiền có đầy đủ nhất trọng lượng vàng chuẩn mới được dùng để nấu chảy thành vàng thỏi hoặc đem xuất sang nước khác vì chỉ làm như thế mới có thể thu được nhiều lợi nhuận nhất.
Đạo luật khuyến khích đem vàng bạc đúc thành tiền miễn thuế đã được ban hành đầu tiên dưới triều đại vua Charles II áp dụng trong một thời gian có hạn định và sau đó được tiếp tục áp dụng qua nhiều lần gia hạn kéo dài cho đến năm 1769 thì lúc đó đạo luật này được coi như vĩnh viễn. Ngân hàng Anh quốc bị buộc phải mang vàng thỏi đi đúc thành tiền để giữ cho các két sắt của nó luôn luôn đầy ắp tiền. Họ cảm thấy có lợi khi việc đúc tiền là do chính phủ chịu mọi chi phí. Nhà Ngân hàng lớn này chắc hẳn cũng chẳng thích thú gì lắm khi thấy chính phủ tuyên bố đạo luật về đúc tiền trở thành một văn bản được áp dụng vô thời hạn. Nếu thói quen cân vàng để tính trọng lượng trở nên lỗi thời vì nó gây nên nhiều điều phiền phức khi giao dịch trao đổi và nếu các đồng tiền vàng của Anh được trao đổi trên cơ sở đếm theo số lượng thì nhà ngân hàng lớn này có thể thấy là trong trường hợp này cũng như trong một số trường hợp khác họ đã tính toán nhầm lẫn không nhỏ về lợi ích của mình.
Trước khi có cuộc đúc lại tiền vừa qua, khi tiền vàng của Anh bị thấp hơn trọng lượng chuẩn 2%, vì không có thuế đúc tiền cho nên tiền vàng có giá trị thấp hơn 2% so với trọng lượng vàng thỏi chuẩn chứa đựng trong mỗi đồng tiền vàng. Vì vậy khi nhà ngân hàng này mua vàng thỏi để đem đúc thành tiền họ buộc phải trả thêm 2% so với giá trị tiền đúc. Nhưng nếu đã có thuế đúc tiền 2% đối với việc mang vàng thỏi đi đúc thành tiền, thì giá đồng tiền đúc thông thường, mặc dù có giá trị thấp hơn 2% so với trọng lượng chuẩn, vẫn có trị giá ngang với trọng lượng vàng chuẩn mà nó phải chứa đựng, vì giá trị của việc đúc tiền trong trường hợp này bù lại việc giảm về trọng lượng. Thực vậy lẽ ra họ đã phải trả thuế đúc tiền 2%, lỗ của họ trong toàn bộ công việc này cũng chỉ là 2%, chứ không lớn hơn mức thực tế mà họ phải chịu.
Nếu thuế đúc tiền là 5% và đồng tiền vàng chỉ thấp hơn trọng lượng chuẩn của nó có 2% thì nhà ngân hàng nước Anh tất đã lãi được 3% trên giá vàng thỏi, nhưng vì họ đã phải trả tiền thuế đúc tiền là 5% cho nên trong toàn bộ công việc này họ đã phải chịu lỗ đúng bằng 2%.
Nếu thuế đúc tiền chỉ là 1% và đồng tiền vàng là 2% thấp hơn trọng lượng chuẩn thì nhà ngân hàng trong trường hợp này chắc chỉ chịu lỗ là 1% trên giá vàng thỏi mà thôi, nhưng vì họ còn phải trả 1% thuế đúc tiền nên họ đã phải chịu lỗ trong toàn bộ công việc này đúng 2%, cũng giống như trong tất cả các trường hợp khác.
Nếu thuế đúc tiền được đánh một cách hợp lý, đồng thời tiền đúc chứa đựng đầy đủ trọng lượng chuẩn như nó đã gần như thế kể từ khi có sự đúc lại tiền vừa rồi, thì phần nào mà ngân hàng Anh quốc mất về tiền thuế đúc, họ lại được lợi về giá của vàng thỏi; và phần nào họ được lợi về giá của vàng thỏi, họ tất sẽ mất vào tiền thuế đúc tiền. Do đó, họ chẳng lỗ nhưng cũng không lãi. Vì thế, trong toàn bộ công việc đem vàng thỏi cho đúc thành tiền vàng họ vẫn ở trong tình trạng như khi chưa áp dụng tiền thuế đúc tiền vậy.
Khi tiền thuế đánh vào một loại hàng hóa ở mức độ vừa phải, hợp lý và không gây nên tình trạng buôn lậu, nhà buôn thứ hàng đó, mặc dầu kiếm ăn được khá, cũng không phải chịu trả số tiền thuế đánh vào hàng hóa này vì ông ta đã lấy lại số tiền thuế trong giá bán của mặt hàng đó.
Tiền thuế này do người mua hay người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu. Nhưng tiền tệ là một thứ hàng hóa mà đối với nó mọi người đều là nhà buôn. Không ai mua tiền nếu không cốt để lại bán nó đi, và đối với tiền tệ trong mọi trường hợp thông thường, không có một ai lại là người mua hay người tiêu dùng cuối cùng. Khi việc đúc tiền phải chịu đóng thuế mà số tiền đóng cũng rất vừa phải, hợp lý đến mức không khuyến khích việc đúc tiền giả, thì mọi người đều phải ứng trước tiền thuế đúc tiền nhưng cuối cùng không ai là người gánh chịu số tiền thuế đó cả vì mọi người đều lấy lại số tiền thuế ngay trong giá trị được nâng cao của đồng tiền đúc.
Một khoản thuế đúc tiền vừa phải, hợp lý sẽ không làm tăng chi phí của nhà ngân hàng hoặc chi phí của các tư nhân khi họ mang vàng thỏi đến sở đúc tiền xin đúc thành tiền và sự đòi hỏi phải có một khoản thuế đúc tiền vừa phải, hợp lý không hề làm giảm giá trị tiền đúc.
Dù cho có thuế đúc tiền hay không, nếu đồng tiền vẫn chứa đựng trong nó trọng lượng chuẩn đầy đủ thì việc đúc tiền chẳng gây chút phí tổn gì cho ai cả, còn nếu như tiền thiếu trọng lượng chuẩn như đã quy định thì việc đúc tiền tất nhiên sẽ gây nên tổn phí bằng mức chênh lệch giữa trọng lượng vàng thỏi được quy định cần phải được chứa đựng trong đồng tiền và trọng lượng thực chứa đựng trong đồng tiền đó.
Vì thế, khi trả mọi chi phí về đúc tiền, chính phủ không những phải chịu những khoản tiền chi nhỏ mà còn mất đi một nguồn thu ngân sách từ tiền thuế có thể đánh vào việc đúc tiền. Nhà ngân hàng cũng như tư nhân chẳng có chút lợi lộc gì về sự hào hiệp tốt này của chính phủ cả.
Tuy nhiên, các vị giám đốc ngân hàng chắc chẳng muốn có sự đánh thuế đúc tiền dựa trên một sự suy đoán là họ chẳng có sự hứa hẹn gì về lợi lộc mà chỉ đảm bảo cho họ khỏi bị thiệt hại mà thôi. Trong tình trạng hiện nay của đồng tiền vàng, và chừng nào tiền đúc vẫn còn được giao dịch trên cơ sở tính tiền theo trọng lượng, các vị giám đốc đó tất chẳng có lợi lộc gì cả do có sự thay đổi như thế. Nhưng nếu thói quen mang cân tiền đúc để tính trọng lượng không còn nữa và nếu tiền vàng bị xuống cấp như vào thời kỳ trước khi có quyết định đúc lại tiền, nhà ngân hàng chắc đã thu được mối lợi lớn hoặc nói đúng hơn, tiết kiệm được nhiều hơn do việc đánh thuế đúc tiền. Ngân hàng nước Anh là công ty duy nhất chuyển một số lượng vàng lớn tới sở đúc tiền để xin đúc thành tiền cho nên nó phải gánh chịu hàng năm một số chi phí rất lớn cho công việc này.
Nếu việc đúc tiền hàng năm này chỉ để bù đắp những mất mát và hao mòn không thể tránh được trong quá trình lưu hành đồng tiền thì việc đúc tiền đó ít khi vượt quá 50 nghìn hoặc nhiều nhất cũng chỉ tới 100 nghìn bảng là cùng. Nhưng khi đồng tiền vàng bị giảm trọng lượng xuống dưới mức chuẩn, việc đúc tiền hàng năm còn phải lấp thêm những lỗ hổng lớn do các đồng tiền vàng mới bị đưa vào nung chảy để đúc lại thành vàng thỏi và bị xuất khẩu sang nước khác. Chính vì lý do nói trên mà 10 hoặc 12 năm trước thời kỳ cải cách tiền vàng, công việc đúc tiền hàng năm đã lên tới con số trung bình là hơn 850.000 bảng Anh.
Nhưng nếu như đã áp dụng thuế đúc tiền khoảng 4 đến 5% đối với tiền vàng chắc hẳn đã có thể chấm dứt một cách có hiệu quả công việc xuất tiền vàng ra ngoại quốc và nấu chảy tiền vàng thành vàng thỏi. Ngân hàng nước Anh thay vì hàng năm phải chi thêm 2,5% vào giá tiền vàng thỏi để đem đúc hơn 850.000 bảng phải chịu lỗ hàng năm 21.250 bảng, thì lẽ ra chỉ phải chịu 1/10 số tiền lỗ nói trên mà thôi.
Nghị viện Anh chỉ cấp kinh phí vào khoảng 14.000 bảng một năm để chi cho việc đúc tiền, và chính phủ thực ra chỉ chi không quá một nửa số tiền cấp phí cho việc đúc tiền và trả lương cho nhân viên sở đúc tiền trong những trường hợp thông thường. Việc tiết kiệm được một số tiền rất nhỏ này thật không đáng kể để chính phủ phải chú trọng đến. Nhưng tiết kiệm được 18 đến 20.000 bảng một năm đối với trường hợp một sự kiện có khả năng xảy ra và thường đã luôn luôn xảy ra trước đây và còn có thể xảy ra trong thời gian sau này, chắc hẳn là một việc mà rất cần đến sự quan tâm của một công ty lớn như Ngân hàng nước Anh.
Một vài lý lẽ và nhận xét đã nói ở trên có thể nên đưa vào các chương của quyền I nói về nguồn gốc và việc sử dụng tiền tệ và về sự khác nhau giữa giá thực tế và giá danh nghĩa của hàng hóa. Nhưng vì đạo luật nhằm khuyến khích việc đúc tiền lại xuất xứ từ những định kiến phổ biến trong hệ thống buôn bán, cho nên tôi thấy tốt hơn là nên đưa ra các lý lẽ và nhận xét đó vào chương này. Không có gì tốt đẹp hơn đối với hệ thống này là thiết lập loại tiền thưởng nào đó đối với việc tạo lập tiền tệ, vì theo giả định, tiền mang lại của cải cho dân tộc.
Tiền là một trong nhiều diệu kế để làm giàu cho đất nước.