Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 08
Chương VIII
KẾT LUẬN VỀ CHẾ ĐỘ TRỌNG THƯƠNG
Mặc dù khuyến khích xuất khẩu và không khuyến khích nhập khẩu là hai động cơ lớn mà hệ thống thương mại đưa ra để làm giàu cho mỗi nước nhưng đối với một số mặt hàng cụ thể thì lại nên làm ngược lại: không khuyến khích xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu. Song, mục đích cuối cùng của thương mại không bao giờ thay đổi, đó là làm giàu đất nước nhờ có một cán cân thương mại thuận lợi. Phương thức thương mại không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu sản xuất và công cụ lao động, cốt để tạo cho công nhân trong nước có một lợi thế, tạo điều kiện cho họ làm ra và bán sản phẩm của mình rẻ hơn tại thị trường ở nước ngoài bằng cách hạn chế xuất khẩu một vài mặt hàng giá rẻ, phương thức này đề xuất việc xuất khẩu một khối lượng lớn các mặt hàng khác có giá trị hơn. Phương thức này khuyến khích nhập nguyên liệu sản xuất để cho công nhân trong nước có thể làm ra hàng hóa được rẻ hơn và nhờ vậy hạn chế nhập khẩu hàng công nghiệp có giá trị hơn. Tôi thấy, ít nhất là trong sách luật của chúng ta, không có khoản khuyến khích nhập công cụ lao động. Khi nền sản xuất đã đạt tới mức phát triển cao, thì việc sản xuất công cụ lao động trở thành mục tiêu rất quan trọng. Khuyến khích nhập công cụ như vậy là làm hại đến lợi ích của các nhà sản xuất đó. Vì vậy, việc nhập như vậy thường bị cấm. Ở Anh, đến đời vua Edward IV, việc nhập khẩu bàn chải len đã bị cấm.
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất được khuyến khích bằng việc giảm thuế khi nhập chúng, hoặc được trợ cấp nhập khẩu.
Nước Anh đã nhập lông cừu, bông xơ, sợi lanh chưa chế biến, thuốc nhuộm, da chưa thuộc, da hải cẩu, v.v..
Việc khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bằng các khoản trợ cấp chủ yếu chỉ dành cho nguyên vật liệu nhập từ các đồn điền, thuộc địa của Anh ở Mỹ.
Khoản tiền trợ cấp đầu tiên được dành cho việc nhập khẩu gỗ và các nguyên liệu khác dùng để đóng tàu vào đầu thế kỉ 18. Khoản trợ cấp thứ hai dành để nhập khẩu thuốc chàm từ các thuộc địa của Anh. Khoản thứ ba dành cho việc nhập khẩu sợi gai và sợi lanh chưa chế biến từ các thuộc địa của Anh. Khoản trợ cấp thứ tư dành để nhập lông cừu từ Châu Mỹ. Khoản trợ cấp thứ năm là để trợ cấp nhập khẩu tơ nguyên liệu từ các thuộc địa của Anh. Khoản thứ sáu trợ cấp cho việc nhập ván cong để đóng thùng chứa hàng. Khoản thứ bảy để trợ cấp nhập khẩu sợi gai từ Ireland.
Cần lưu ý rằng chúng ta trợ cấp nguyên liệu từ Châu Mỹ, nhưng vẫn những nguyên liệu ấy bị đánh thuế nặng nếu chúng được nhập từ các nước khác. Lợi ích của thuộc địa Anh ở Mỹ được coi là lợi ích của nước mẹ. Bất kì số tiền nào chi cho thuộc địa, đều trở lại nước mẹ thông qua cán cân thương mại, và chúng ta không mất một đồng xu nào khi chi tiền cho thuộc địa.
Người ta không khuyến khích xuất khẩu nguyên liệu sản xuất bằng cách cấm triệt để hoặc bằng cách đánh thuế cao. Người ta thường ca thán về những luật lệ quá khắt khe nhằm đảm bảo lợi nhuận cho một số người, nhưng lại trừng phạt nặng đối với những hành động mà nhiều người coi là vô tội.
Vào năm thứ tám đời Nữ hoàng Elizabeth, một người xuất khẩu cừu đã bị tịch thu toàn bộ, bị kết án tù một năm và sau đó bị chặt tay trái trong một ngày họp chợ.
Nước Anh đã cấm xuất khẩu lông cừu. Người Anh cho rằng lông cừu của họ là tốt nhất trên thế giới, rằng lông cừu của nước khác nếu không pha thêm lông cừu của Anh, thì chẳng làm nên mặt hàng gì ra hồn. Do đó, nếu việc xuất khẩu lông cừu được cấm hoàn toàn, thì nước Anh sẽ giành được độc quyền đối với hầu như toàn bộ việc buôn bán hàng len trên thế giới. Và vì không có đối thủ cạnh tranh, họ có thể bán với giá rất đắt và trong một thời gian ngắn thu được một tài sản vô cùng lớn nhờ có cán cân thương mại thuận lợi. Cho đến bây giờ nhiều người vẫn tiếp tục khẳng định chủ thuyết này, mặc dầu hoàn toàn không phải là nhất thiết phải có lông cừu Anh mới làm được hàng len tinh xảo. Vải len vẫn có thể làm bằng lông cừu Tây Ban Nha.
Song, những nhận định trên đây không thể biện minh cho việc hoàn toàn cấm xuất khẩu lông cừu, nhưng có thể biện minh cho việc đánh thuế nặng vào mặt hàng xuất khẩu đó.
Làm phương hại đến lợi ích của một tầng lớp dân chúng nào đó chỉ vì mục đích xúc tiến lợi ích của một tầng lớp khác là rõ ràng đi ngược lại với công lý và cách xử sự bình đẳng của nhà vua đới với mọi tầng lớp thần dân. Và việc cấm đoán nói trên, ở một mức độ nào đó, làm tổn hại đến lợi ích của những người nuôi cừu lấy lông chỉ vì lợi ích riêng của các nhà sản xuất công nghiệp.
Mọi tầng lớp dân cư phải đóng góp cho nhà vua hoặc cho cộng đồng. Khoản thuế 5 đến 10 shilling đánh vào một tấn lông cừu xuất khẩu là một khoản thu rất đáng kể đối với nhà vua. Khoản thuế đó làm phương hại đến lợi ích của người nuôi cừu ít hơn là việc cấm xuất khẩu lông cừu, vì nó không làm giảm giá lông cừu nhiều quá. Khoản đó cũng có lợi cho nhà sản xuất công nghiệp, vì mặc dù ông ta không thể mua lông cừu với giá quá rẻ như khi cấm xuất khẩu, ông ta còn có thể mua với giá ít nhất là rẻ hơn từ 5 đến 10 shilling so với nhà sản xuất ở nước ngoài mua, ngoài ra, còn tiết kiệm được phí chuyên chở và phí bảo hiểm mà nhà buôn nước ngoài phải trả. Hiếm khi có thể nghĩ ra một khoản thuế mà đem lại cho nhà vua một khoản thu lớn, nhưng lại hầu như không làm thiệt thòi cho ai cả.
Bất chấp mọi hình thức trừng phạt, cấm đoán cũng không thể ngăn chặn xuất khẩu lông cừu. Ai cũng biết, nó được xuất khẩu với khối lượng lớn. Chênh lệch lớn giữa giá trong và ngoài nước là một cám dỗ mạnh đến nỗi mọi sự hà khắc của pháp luật cũng không thể nào ngăn được buôn lậu. Việc xuất khẩu trái phép không có lợi cho ai ngoài bọn buôn lậu. Việc xuất khẩu hợp pháp không đóng thuế, vì đem lại cho nhà vua một khoản thu và không phải đóng các khoản thuế khác, có lẽ là có lợi cho mọi thần dân trong nước.
Nước Anh cho nhiều chì và thiếc cho nên chúng được xuất khẩu với khả năng lớn. Còn các kim loại khác đều bị cấm xuất khẩu. Để khuyến khích ngành khai thác mỏ phát, về sau nước Anh đã cho phép xuất khẩu sắt và đồng. Nhưng đồng thau chưa chế biến, tức là hợp kim đúc súng, đúc chuông và đúc tiền, vẫn tiếp tục bị cấm xuất khẩu.
Những nguyên liệu sản xuất mà không hoàn toàn bị cấm xuất khẩu, thì trong nhiều trường hợp bị đánh thuế nặng.
Than được coi vừa là nguyên liệu sản xuất vừa là công cụ lao động. Do đó, than xuất khẩu bị đánh thuế nặng, hiện nay (năm 1783) tiền thuế lên tới hơn 5 shilling 1 tấn, tức là, trong nhiều trường hợp, nhiều hơn giá trị ban đầu của mặt hàng đó tại mỏ than.
Song, việc xuất khẩu công cụ lao động đúng như tên gọi của chúng thường bị cấm hoàn toàn, chứ không phải chỉ bị đánh thuế cao. Ví dụ, việc xuất khẩu máy dệt găng tay và tất dài bị cấm với sự răn đe không những bị tịch thu số máy đang được xuất khẩu như vậy, hoặc đang được tìm cách để xuất khẩu, mà còn phải nộp 40 bảng Anh, một nửa cho nhà vua, và một nửa khác cho người tố giác hoặc kiện về chuyện đó. Việc xuất khẩu ra nước ngoài những công cụ được sử dụng trong các ngành sản xuất vải lông, lanh, len và lụa bị cấm với sự răn đe không những tịch thu các công cụ đó, mà còn bắt người phạm tội, lại nộp phạt 2 trăm bảng Anh.
Khi những khoản tiền phạt nặng như vậy đánh vào việc xuất khẩu các công cụ lao động chết, thì công cụ sống, người thợ thủ công, lại càng không được thuyên chuyển tự do. Theo luật thời vua George I, một người bị buộc tội lôi cuốn người thợ của Anh ra ngoài để luyện hoặc dạy nghề, thì người đó trong lần vi phạm đầu tiên bị phạt một khoản tiền không vượt quá một trăm bảng Anh và 3 tháng tù; và trong lần vi phạm thứ hai, bị phạt một số tiền theo sự phán xét của tòa án và phạt tù 12 tháng. Dưới triều đại vua George II, hình phạt này được tăng lên tới 5 trăm bảng và 12 tháng tù đối với lần vi phạm đầu tiên, và một nghìn bảng và 2 năm tù đối với lần vi phạm thứ hai.
Khi có bằng chứng rằng một ai đó đã và đang lôi cuốn một người thợ hoặc một người thợ đã hứa hoặc cam kết đi nước ngoài với mục đích trên thì theo yêu cầu của tòa án người thợ đó có thể phải đảm bảo rằng anh ta sẽ không xuất dương, và có thể bị tống giam cho đến khi anh ta đưa ra lời cam kết như vậy.
Nếu người thợ đã xuất dương mà đang luyện hoặc dạy nghề của anh ta ở nước ngoài, thì khi được đại sứ hoặc lãnh sự của nhà vua ở nước ngoài hoặc quốc vụ khanh của nhà vua vào thời đó, cảnh báo cho anh ta biết, mà trong vòng 6 tháng sau lời cảnh báo đó anh ta không về nước, thì từ đó anh được tuyên bố là không có quyền thừa hưởng gia sản để lại cho anh ta ở vương quốc Anh. Anh ta phải nộp cho nhà vua toàn bộ đất đai, hàng hóa và động sản, và được tuyên bố là người mất quốc tịch và đặt ngoài sự bảo hộ của nhà vua.
Tôi thiết tưởng rằng không cần phải nhận xét rằng các luật lệ đó đã đi ngược lại như thế nào với quyền tự do từng được ngợi ca của thần dân, quyền tự do mà chúng ta thiết tha bảo vệ, nhưng trong trường hợp này đã bị hy sinh cho quyền lợi phù phiếm của giới công thương nghiệp.
Động cơ của tất cả những luật lệ kể trên là mở rộng các xí nghiệp của Anh bằng cách chèn ép các xí nghiệp nước ngoài và chấm dứt càng nhanh càng tốt sự cạnh tranh đầy phiền toái với các đối thủ ngán ngẩm như vậy. Các ông chủ xí nghiệp của chúng ta thấy cần phải nắm lấy độc quyền về sáng chế của đồng bào của mình. Họ muốn hạn chế số học sinh, hạn chế số người nắm được kiến thức chuyên môn của mình, và không muốn ai đó trong số người đó đi ra nước ngoài để huấn luyện cho người nước ngoài.
Tiêu dùng là mục đích duy nhất của sản xuất, và lợi ích của người sản xuất cần được quan tâm đến chỉ trong chừng mực khi còn cần phải thúc đầy lợi ích của người tiêu dùng. Nguyên tắc đó là quá hiển nhiên, nên không phải chứng minh nữa. Nhưng trong hệ thống thương mại này lợi ích của người tiêu dùng thường bị hi sinh cho lợi ích của người sản xuất, và hình như phải coi sản xuất, chứ không phải tiêu dùng, làm mục tiêu cuối cùng của công nghiệp và thương nghiệp.
Khi hạn chế nhập hàng ngoại mà có thể cạnh tranh với hàng nội, thì lợi ích của người tiêu dùng rõ ràng bị hi sinh cho lợi ích của người sản xuất. Hoàn toàn vì lợi ích của người sản xuất mà người tiêu dùng phải trả thêm phần tăng giá do độc quyền gây ra.
Hoàn toàn vì lợi ích của nhà sản xuất mà chính phủ trợ cấp xuất khẩu một số sản phẩm của nhà sản xuất. Người tiêu dùng trong nước trước hết phải nộp một khoản thuế cần thiết để trang trải số tiền trợ cấp trên, và sau đó là chi một khoản tiền lớn hơn nữa, vì giá của các sản phẩm xuất ngoại nói trên đã tăng lên trên thị trường trong nước.
Do đã kí hợp đồng thương mại với Bồ Đào Nha, người Anh không mua hàng của nước láng giềng, mà khí hậu ở nước Anh không cho phép sản xuất, mà phải mua của nước ở xa, mặc dầu mọi người thừa nhận rằng hàng của nước xa kém chất lượng hơn hàng của nước gần. Người tiêu dùng trong nước phải chịu sự thất thiệt đó để cho người sản xuất có thể xuất sang nước xa xôi một số sản phẩm của mình với điều kiện thuận lợi. Ở trong nước, người tiêu dùng còn phải trả giá cao hơn cho những sản phẩm, mà một phần của chúng đã bị xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhưng trong hệ thống luật được lập ra để quản lí các thuộc địa của chúng ta ở Châu Mỹ và Tây Âu, lợi ích của người tiêu dùng trong nước bị hi sinh cho lợi ích của người sản xuất còn nhiều hơn là trong điều kiện các luật lệ thương mại khác của chúng ta.
Không khó khăn gì trong việc xác định ai là người đã nghĩ ra toàn bộ hệ thống thương mại này. Chúng ta có thể tin rằng không phải là người tiêu dùng mà lợi ích của họ hoàn toàn bị coi nhẹ, mà là người sản xuất mà lợi ích của họ được quan tâm đến một cách chu đáo. Và trong tầng lớp người sản xuất đó thì giới công thương nghiệp rõ ràng là các kiến trúc sư chính. Trong điều kiện các luật lệ thương mại được nhắc đến trong chương này, lợi ích của các nhà công nghiệp được chú ý đến một cách đặc biệt nhất, còn lợi ích hẳn không chỉ của người tiêu dùng mà còn của một số tầng lớp người sản xuất khác đều bị hi sinh cho lợi ích của giới công nghiệp.